Chứng đau nhức khớp xương ở người lớn tuổi

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Chứng đau nhức khớp xương ở người lớn tuổi

Post by uncle_vinh »

Chứng đau nhức khớp xương ở người lớn tuổi
2006.06.16
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tiếp tục đề tài về các bệnh tật thường gặp ở người lớn tuổi, chương trình hôm nay sẽ nói về căn bệnh thứ hai là chứng đau nhức khớp xương, với sự tham gia của bác sĩ kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Lão khoa. Đó là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Hội Y Sĩ Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ:

Image
Bệnh đau nhức khớp xương.
Photo courtesy University of Maryland

Trà Mi: Xin chào bác sĩ. Trước tiên xin mời bác sĩ trình bày sơ lược về căn bệnh này. Nói một cách khái quát, như thế nào được gọi là bệnh đau nhức, thấp khớp ở người cao tuổi?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Bệnh thấp khớp ở người lớn tuổi là do sự thoái hoá của chất sụn ở các khớp xương, dẫn đến tình trạng các khớp xương bị biến dạng và gây đau nhức cho người bệnh.

Khi dưới 30 tuổi, các khớp xương còn đủ chất nhờn các chất sụn độn ở giữa các khớp xương còn tốt thì con người không bị đau nhức. Tuy nhiên càng lớn tuổi, các chất sụn này dần dần biến thành xương cứng và các đầu khớp không còn có chất đệm, chúng cọ vào nhau và gây ra chứng đau nhức.

Bệnh thấp khớp ở người lớn tuổi là bệnh thông thường nhất về khớp xương. Nghiên cứu cho thấy bệnh này thường phát triển ngoài tuổi 40, và cứ gia tăng dần theo tuổi thọ con người.

80% những người mắc bệnh này bị giới hạn trong các hoạt động hàng ngày. 10% các cụ trên 60 tuổi mắc bệnh này rất nặng cần phải chữa trị.

Trà Mi: Như vậy nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng thấp khớp là do tuổi tác, thế nhưng ngoài yếu tố này còn có những nguyên nhân nào khác dẫn đến chứng thấp khớp ở người cao tuổi không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Yếu tố tuổi tác là chính nhưng ngoài ra vẫn còn những nguyên nhân khác khiến sụn bị thoái hoá nhanh chóng hơn và làm bệnh phát ra sớm hơn. Thứ nhất, ở những người nặng cân quá, trọng lượng cơ thể đè lên các khớp xương (nhất là những khớp xương chính chống đỡ cho cơ thể như xương sống lưng, xương đầu gối), nó sẽ làm cho các khớp này bị thoái hoá đưa đến bệnh thớp khớp.

Thứ hai là yếu tố di truyền. Nhiều khoa học gia cho là di truyền có vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh thấp khớp ở người lớn tuổi. Những người có cha mẹ bị thấp khớp thường có nhiều nguy cơ bị bệnh này sớm hơn và nặng hơn. Thứ ba là những chấn thương do lao động hay làm việc quá sức cũng làm ảnh hửơng đến quá trình phát bệnh đau nhức khớp xương.

Trà Mi: Những dấu hiệu nào giúp bệnh nhân có thể nhận biết là họ mắc phải căn bệnh này?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Đau là triệu chứng đầu tiên của bệnh này. Lúc khởi đầu chỉ có một vài khớp bị đau, rồi từ từ nhiều khớp và có thể toàn thân bị đau nhức. Lúc bắt đâù, cơn đau thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi và tạm thời không cử động đến các khớp xương bị đau. Thế nhưng khi bệnh phát nặng thì nhiều khớp cùng bị đau một lúc và dù chỉ với những cử động nhẹ cũng bị đau, thậm chí có khi nghỉ ngơi không làm gì nữa cũng bị đau.

Triệu chứng thứ hai là sáng ngủ dậy cảm thấy như người bị cứng, nhất là các khớp xương và cần phải vận động hay tập thể thao chừng 15 phút mới hết bị cứng khớp.

Một triệu chứng khác là vào buổi chiều bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đôi khi cử động mấy khớp xương kêu răng rắc, hoặc bị giới hạn như không thể nắm chặt bàn tay lại hay không thể co duỗi thẳng đầu gối ra. Ngoài ra, đôi khi cũng có vài khớp xương bị sưng to… Đó là một vài triệu chứng chứng tỏ bị bệnh khớp xương.

Còn ở những người nặng cân quá thì nhiều khi nhìn thấy ngay như các đốt xương ở bàn tay, bàn chân bị lớn lên, các bắp thịt ở bàn tay bàn chân bị teo đi đôi khi bị lệch hẳn đi…

Trà Mi: Có những trường hợp bệnh nhân tự nhiên bị tê cứng bàn tay, bàn chân không thể cử động được.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Vâng, hoặc là tê cứng hoặc là khó nắm tay lại, thế nhưng đó cũng có thể là phối hợp của bệnh phong thấp và một số các bệnh khác như mạch máu không lưu thông. Tuy nhiên phần đông những người có triệu chứng này có thể phải nghĩ đến trường hợp mình bị mắc bệnh phong thấp.

Trà Mi: Như vậy thì có cách nào phòng ngừa bệnh này khi về già không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Có một số biện pháp ngừa. Thứ nhất là ăn uống điều độ không để lên cân quá sức. Thứ hai là phải tập thể dục thường xuyên để giúp bảo trì được các hoạt động, cử động của các khớp xương. Kế đến là phải tránh đừng để các khớp xương bị chấn thương như va vấp hay té ngã.

Và khi có những triệu chứng như mỏi lưng hay cứng bắp tay thì phải xoa bóp mát-xa cho mạch máu lưu thông mang nhiều máu đến nuôi các khớp xương, đồng thời giúp cho các bắp thịt quanh khớp xương đựơc thư giãn ra, làm bệnh chậm lại. Bệnh thấp khớp ở người già là một diễn tiến không thể nào chữa khỏi hẳn đựơc, chỉ có cách làm bệnh phát triển từ từ.

Trà Mi: Thưa bác sĩ, Trà Mi có đựơc nghe những lời khuyên là khi bước vào tuổi trung niên nên uống sữa bổ sung canxi để giúp các khớp xương ….

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Vâng, chính ra đó là một loại bệnh khác nữa: bệnh xốp xương, tức là khi phụ nữ vào tuổi mãn kinh thường bị thiếu kích thích tố nữ khiến việc đưa những chất vôi vào trong xương bị suy giảm. Xương bị mất chất vôi, trở nên xốp và dễ dẫn đến chứng gù lưng.

Trong trường hợp này cần phải dùng thêm những loại thuốc như vitamin D, calcium… hoặc là phải uống những thuốc estrogen để thay thế lựơng kích thích tố trong người bị suy giảm hoặc mất đi khi tắt kinh.

Trà Mi: Thưa bác sĩ, chứng đau nhức thấp khớp ở người cao tuổi đựơc chữa trị ra sao? Bác sĩ có những lời khuyên nào đối với bệnh nhân?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Tuy không có phương pháp trị dứt hẳn nhưng nếu bệnh nhân làm theo hướng dẫn của bác sĩ thì đa số có thể sống thoải mái và vẫn giữ đựơc các hoạt động bình thường của các khớp xương. Mục đích khi chữa bệnh này chúng tôi nhắm vào cách làm bệnh nhân bớt đau, bảo trì tầm hoạt động và cử động của các khớp xương, tránh làm tổn thương các lớp sụn trong các khớp xương đang bị đau để làm bệnh chậm lại.

Ngoài những biện pháp phòng bệnh nêu trên, bệnh nhân khi đã bị đau cần phải nhớ là không nên cố gắng mà nên dùng nạng hay gậy để giúp giữ thăng bằng và tránh việc đè thêm lên các khớp xương. Đôi khi cũng cần phải dùng một số loại thuốc giảm đau nhưng với liều lựơng giới hạn và trong thời gian ngắn để tránh các tác dụng phụ….Uống một hai ngày rồi ngưng lại, cái chính là phải tập thể thao để giữ cho bệnh không phát nặng thêm.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2006 Radio Free Asia
Post Reply