Thư từ miệt dưới 5

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Thư từ miệt dưới 5

Post by maixuanthanh »

TẢN MẠN VỀ THỜI GIAN


Bạn hiền,

Mời bạn đọc lại những giòng chữ này :
“……chính sự thành công vượt mức của ngày đại hội chính thức đã khiến cho mọi người hết sức phấn khởi và mong muốn sớm gặp lại nhau để cùng vui với những kỷ niệm tuyệt vời ngày nào, trong khi quỹ thời gian của mỗi người chúng ta ngày càng hạn hẹp hơn….”

Trên đây là trích đoạn từ phần “tái bút” của Biên bản buổi họp “Tiền Đại hội” ở tư gia của anh 9 Giụ Hùng vào ngày 2-6-2006, do anh 8 Lương Phú làm thư ký. Đọc xong, chắc không ít huynh đệ giật mình, không chừng lại lo nghĩ đến….. bần thần cả người nữa đấy chứ ! “Nguy thật, quỹ gần cạn rồi à ! Làm thế nào bây giờ ? ” Ngặt một nỗi là cái “quỹ” này nó chỉ tự động lấy ra thôi chứ không cho bỏ vào mới là mệt chứ ! Thêm một điều nữa rất đáng lo là, không giống như trương mục nhà băng, tiền không xài thì còn nguyên đó, chứ “thời gian” ở trong “quỹ” không muốn lấy ra xài nó cũng bay mất tiêu bạn ạ ! Phiền hà ở chỗ người ta lo rằng thời gian cứ bay…. bay thì già yếu đến nơi rồi. Khỉ thật ! Nói hù dọa như thế nghe hơi ác ! Già thì phải yếu thôi. Nói già là đủ buồn rồi còn phải kê khai thêm cái yếu vào làm chi !

Từ xưa đến nay, nhân gian thường cho rằng thời gian chuyển động, và vận tốc nhanh lắm. “…như chiếc thoi đưa” (ca dao), “…như bóng câu qua cửa sổ” (cổ thi), “…như cánh chim bay” (tân nhạc), có nghĩa là rất nhanh. Vụt một phát, vù một cái là mất dạng ! Thế nhưng, cũng có người thấy thời gian, có lúc, đi chậm lắm, và lại còn đo được cả vận tốc đi của thời gian nữa cơ đấy ! Trong một tiệc cưới, các ông bà xem có vẻ già được sắp ngồi chung với nhau, nên chuyện trò thường xoay quanh đề tài tuổi già nhiều hơn. Một ông kể rằng: “ Tôi đã hưu rồi, ngày nào cũng đi bộ cho khoẻ người. Một hôm, đi qua công viên lúc trời vừa ngả về chiều, thấy không khí mát mẻ tôi ngồi xuống ghế đá nghỉ chân. Bóng nắng của cái cây trước mặt vừa chớm bờ cỏ làm cho thảm cỏ xanh hơi xậm màu nhưng ngời lên thật đẹp. Tôi cứ ngồi yên thoải mái ngắm cái bóng nắng di chuyển dần ra con đường đi. Khi cái bóng phủ hết bề ngang của lối đi thì tôi cũng đứng dậy để về nhà. Nhìn lại đồng hồ mới biết là mình ngồi nghỉ chân gần một giờ, và cái bóng cây di chuyển chỉ hơn hai thước tây thôi. Đấy không phải là vận tốc của thời gian thì là cái gì ? Già như mình, đi bộ nhàn tản một giờ cũng được vài cây số, còn thời gian chỉ đi được vài mét thì làm sao nó đuổi theo mình được. Đừng lo mau già nữa các bạn ơi. Cứ vui sống đi thôi !” Ông bạn ngồi kế bên nghe nói cứ gật gù mãi và góp chuyện như sau : “Thời gian đi mà ông đã đo được như thế còn mau đấy. Trong đời tôi, có lần tôi nghiệm thấy nó chẳng đi tí nào mới là phiền ! Xưa kia, tôi không biết súng đạn là gì cả nên chả có nợ máu, nợ mủ với đứa nào hết. Tôi làm việc kỹ thuật mà. Cả đời không biết làm khó ai, thế mà khi tai ương chụp xuống nửa phần đất nuớc nó cũng không chừa tôi ra ! Lao động cải tạo nhục nhằn thế nào chắc các bác đã nghe kể. Sáng nhai trệu trạo một củ khoai sùng, trưa chiều nhá muốn trẹo quai hàm một bát bo bo. Đào kinh với chỉ tiêu năm thước khối đất mỗi ngày. Dùng chân đạp cái “leng thùng” xuống đất còn dễ chứ quẳng cái khối đất nặng ấy lên được trên bờ kinh cũng oải gân lắm. Hất lên không đủ mạnh thì đất lại rơi xuống lưng mình, còn quăng cho mạnh thì mỗi lần nhấc tay lên ngực lại nhói đau. Lúc nào cũng cầu thời gian qua nhanh cho đỡ khổ, nhưng lúc bấy giờ hình như cái lão thời gian chết tiệt này không chịu bước đi cụ ạ ! Chắc lão cũng muốn toa rập với bọn gian ác hành cho chết những người hiền lương !”

Chậm hay nhanh gì đi nữa thì thời gian cũng cứ lừng lững. lạnh lùng bước tới mặc cho các ông bà văn, thi, nhạc sĩ nhà mình nài nỉ, van vỉ “ xin thời gian hãy ngừng trôi…” ! Chắc quí bạn còn nhớ câu chuyện ông thần bị đày lăn đá lên núi. Tôi khoái ông thần gan dạ, dám chơi dám chịu này quá ! Ai đời ông dám ra tay bắt nhốt tử thần lại để hắn không còn bắt ai chết, để tất cả cùng sống chung hoà bình cho vui vẻ cả làng ! Không biết sơ sảy thế nào đó mà thần chết vượt ngục được và trả thù, bắt ông phải lăn một hòn đá to tướng từ chân núi lên đến đỉnh, hễ hòn đá lăn xuống thì lại phải lăn nó lên. Cứ thế, suốt đời ! Thần chết mà có người bắt nhốt được thì cái lão thời gian này có khó gì ! Các bạn thử nghĩ xem, đã có ai dám ra tay bắt thời gian nhốt lại để mọi người cứ “trẻ mãi không già”, cứ “khoẻ như vâm” mà sống và làm…..việc không ? Khó lắm à ? Chịu thua rồi sao ? Cái lão thời gian này cũng khó chơi thật. Cứ chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ ra tay tàn phá mọi thứ. Nói cho công bằng, cũng có lúc lão ta làm phước giúp cho vài người, tỉ dụ như : “thời gian hàn gắn được vết thương lòng…” của một cô hay cậu nào đấy lỡ mang mối tình hận ! Nhưng phải xác định là ông ta thuộc phe nào. Bạn hay thù ? Hay là thế này : hiện nay, lãnh tụ các cường quốc trên thế giới như Ông Bút, Ông Bờ Le, Ông Hao Quạt… đều đồng lòng giơ tay thề quyết sống mái với bọn khủng bố, thì mình làm cách nào đẩy cái lão thời gian về phía Bin Laden để quân lực đồng minh bắt nhốt lão cho rồi. Để anh em mình khỏi cần lo “quỹ” vơi hay cạn, rồi cứ hoan hỉ vài năm hội ngộ một lần. Và cũng để không còn cảm giác bùi ngùi khi nhìn lại hình ảnh thằng bạn xa cách mấy mươi năm, trước đây tươi tắn hiền hậu biết bao mà nay nhìn mặt thấy hiu hắt, tóc tai thì “gió thôi bay” nhiều quá ! Làm như vậy có được không, anh Tám ? Nói chơi cho vui thế thôi, chứ không phải là vô vọng đâu. Nhân loại từ cổ chí kim có phải lúc nào cũng tìm cách cột chân thời gian lại đấy sao ? Thời xa xưa, ông vua bà chúa nào lên ngôi mà không nỗ lực tìm phương thuốc trường sinh ! Chưa tìm được, đến khi chết vẫn còn hy vọng, ra lệnh cho ướp xác của mình để đó, biết đâu con cháu tiếp tục tìm được thuốc, bơm vào xác một mũi là bật ngồi dậy, ngáp mấy cái, rồi bò lên ngai vàng làm vua tiếp !

Mời bạn trở lại bàn tiệc để nghe bà con chuyện trò. Một ông luật sư đã nghỉ hưu hỏi ông bạn bác sĩ ngồi bên cạnh : “…sao thời gian tàn phá sinh lực con người khiếp thế hả ông. Có cách nào ngăn chận không ?” Ông bác sĩ cười : “ Ai tàn phá ? Tự ông đã xài cái sinh lực của ông đấy chứ, còn than van gì nữa !” Ông thầy luật trả đũa ông thầy thuốc liền : “Thế các ông thầy tu có xài đâu mà cũng già đi như ai vậy ?!” Thầy thuốc bèn an ủi : “Thôi đừng lo nghĩ nhiều. Cứ nghe tôi, tập thể dục dưỡng sinh đều đặn cho khoẻ. Y khoa tiến bộ hiện đã đạt được nhiều khám phá đáng khích lệ trong việc nghiên cứu sự lão hoá của tế bào sinh vật. Không lâu nữa thuốc cải lão hoàn đồng sẽ có bán khắp nơi. Liệu mà dành dụm tiền hưu bổng để mua ông nhé !”. Bạn có nghe không ? Hy vọng đã vươn lên rồi đấy ! Dân Công Nghệ mình, mấy khóa em út 18, 19 nay có người “tri thiên mệnh” rồi, nhưng đường trần còn dài, những tia hy vọng còn loé sáng lắm. Các anh “sáu mấy” thì chưa thấy thua, còn quí huynh trưởng “cổ lai hi” thì…..cũng còn hy vọng luôn ! Vì có một bà chị đã từng phát biểu một cách thật “chân lý” là : “… các anh Công Nghệ rất nghệ sĩ, rất si tình…” Mà thường thì những người si tình sống dai lắm quí vị ạ ! Sống để mà yêu chứ ! Yêu đời, yêu người cho nhân loại bớt khổ !

Trên đây là cuộc “chiến đấu trường kỳ” của giới y sĩ để cầm chân thần thời gian, còn những “sĩ” khác thì sao ? Các ông bà cầm bút, văn và thi sĩ, thì xem ra chẳng có một tí nỗ lực nào chống lại, mà đôi khi lại còn “rét” nữa chứ, có người hồn siêu phát lạc như “…thần tử thấy long nhan” mới là tội nghiệp ! Hãi quá đâm ra khúm núm, nịnh nọt. Họ tô hồng chuốc lục cho thời gian (màu thời gian) hoặc là nghe thời gian thì thầm (tiếng thời gian). Làm như thời gian là người bạn đẹp đẽ và dịu dàng lắm vậy ! Nếu bạn là người yêu thích hội hoạ thì bạn sẽ thấy những tay cầm cọ “chịu chơi” hơn nhiều lắm ! Tôi nhớ có đọc trong một cuốn sách của Bob Wade, một danh sư về thủy thái họa, ông nói một câu nghe “đã” lắm, ý là : “…. khi cầm cọ bạn là xếp xòng, có quyền uy như tạo hóa vậy. Bạn có thể hoán chuyển không gian và thay đổi cả thời gian để sáng tạo….” Nói xong là ông dẫn dụ ngay. Ông kể là trong một dịp từ Úc qua Pháp, vừa du lịch vừa vẽ tranh, ông ghé thăm ngôi nhà xưa của danh họa Monet. Ngôi nhà này với vườn hoa tuyệt đẹp, đã là đề tài của nhiều họa sĩ. Khi ông đến nơi, nhằm mùa đông, khu vườn xơ xác trông thảm não lắm ! Không hề gì ! Ông dựng giá vẽ lên…. Và, bức tranh in trong trang sách là hình ảnh ngôi nhà nhỏ nhắn thơ mộng của Monet đang tắm nắng trong khu vườn xuân nở rộ toàn là kỳ hoa dị thảo ! Phải thế chứ. Không lẽ đi không lại về không. Ông thầy họa này dám lôi cổ lão thời gian đang mặc chiếc áo mùa đông u ám, ướt át ra ngoài, bắt phải thay áo mùa xuân tươi thắm rồi đẩy lão trở vào khu vườn để vẽ cho được một bức tranh thật đẹp !

Hãy đẩy trí tưởng tượng đi xa một chút bạn nhé. Một sáng đẹp trời, bạn cùng cả nhà lái xe lên viếng cảnh Yosemite National Park. Đi ngang một rừng hoa rực rỡ làm say đắm lòng người, bạn dừng xe, mở đồ nghề vẽ ra để tóm bắt cho được ngay cái khoảnh khắc thời gian tuyệt vời đó. Bức họa xong. Bạn thấy đắc ý và khoan khoái quá. Ngắm nghía một lát rồi định bỏ tranh lên xe để chạy tiếp. Khoan….Hượm một tí đã !.... Đừng vội rửa cọ..Trong vườn hoa muôn hồng ngàn tía đó, bạn hãy chọn một chỗ vừa ý rồi vẽ một cội mai vàng vào đấy giùm tôi. Thử đem mùa xuân quê hương ra xứ người, hay là làm như mình đang vẽ ở quê nhà vậy mà ! Vào cái thời mà tôi với bạn còn học Công Nghệ đấy. Nhớ không ? Hãy cùng “trêu ghẹo” cái lão thời gian này một tí, xem lão làm gì được mình !!

Ngẫm nghĩ lại, thấy lão thời gian đã “làm gì” thật bạn ạ ! Mấy chục năm trước mình làm Kỹ sư Công Nghệ, bây giờ bị lão ấy tấn công túi bụi, tối tăm mày mặt, không đỡ gạt được. Tóc thì bạc, mắt mờ, tay chân run thì đâu có ai cho mình làm kỹ sư nữa bạn nhỉ ! Thôi, làm chuyện khác vậy. Chắc bạn có đọc văn của Tràm Cà Mau ? Cái ông nhà văn gốc kỹ thuật Phú Thọ này viết về tuổi già hay đáo để. Ông viết về thú vui khi về hưu đọc khoái lắm bạn ơi ! Tôi cũng đã nghỉ hưu, và thấy ông đúng lắm. Hồi mình còn trẻ, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Những đứa con ra đời mang lại cho mình niềm hạnh phúc chan hoà. Đến khi lên chức ông bà thì hình như mình cảm thấy tuyệt vời hơn nữa. Chắc bạn cũng thấy như tôi ? Có phải vì vào cái tuổi này mình có nhiều thì giờ hơn nên chú ý, ngắm nghía kỹ hơn những đứa cháu đang lớn dần trong sự ân cần, chăm chút của ông bà ? Mà những đứa cháu này lại vòi vĩnh ông bà nhiều hơn đối với bố mẹ của chúng, vì biết ông bà cưng chiều nhiều hơn. Riêng cái khoản đồ chơi thôi, nhiều lúc “đơn đặt hàng” của các cháu làm cho túi tiền nhỏ của ông bà nhẹ hẫng thêm ! Đòi mua scooter thì phải là cái có dán hình “spider man” hay “barbie” mới chịu. Cái này cũng dễ thôi. Tiệm này không có thì ông cháu ta đi tiệm khác tìm cho ra. Nhưng cũng có những “yêu cầu” gây “bức xúc” hơn nhiều lắm ! Tết Âm lịch dẫn cháu đi chợ tết xem múa lân. Chú bé 6 tuổi mê cái đầu lân quá, đòi mua cho một chiếc để mang về nhà múa chơi. Phải chi mình đang ở Hồng Kông hay thành phố lớn có khu Chinatown bán đủ thứ để đi mua cho cháu ngay thì tốt quá. Còn ở cái thành phố nhỏ này làm gì có. Muốn làm lấy cũng không phải dễ. Ở quê nhà còn có tre nứa, ở quê người kiếm đâu ra ! Ông đành giở nghề Công Nghệ của ông ra để chế biến. Tiểu, thủ …công nghệ đan rổ, đan rá được thì làm đầu lân xem ra không mấy khó ! Bèn đi mua một cuộn dây kẽm về uốn cái khung đầu lân, giấy báo cũ không thiếu, bột nếp khuấy hồ trong bếp lúc nào cũng có. Thằng cháu đi học về thấy cái khung gần xong reo mừng tíu tít và nhảy vào đòi làm tiếp. Tổ hợp công nghệ ông cháu, ông dán, cháu cắt giấy bôi hồ không mấy hồi mà xong. Trông cũng giống lắm ! Chờ cho khô, hôm sau là sơn màu được rồi. Chú bé dặn đi dặn lại mãi là “ngày mai chờ cháu đi học về mới bắt đầu sơn màu, ông nhé !” Hôm sau, chú nhóc giành sơn lớp lót và yêu cầu đầu lân của chú ấy phải là màu đen, cái sừng màu đỏ và bộ râu màu trắng. Cần mua thêm một thước vải đỏ, may viền và dây cột nữa là hoàn tất. Từ đó, chiều nào nhà cũng ồn ào, náo nhiệt, vui như Tết ! Chỉ cần một cái xô nhựa lật úp, hai chiếc đũa bếp là có ngay bộ trống. Ông đánh trống, cháu trai múa đầu lân, cháu gái giũ đuôi. Xem múa lân có một lần mà chú nhóc cũng nhớ. Múa may, xàng xê, nhún nhảy, phóng cước xem hay ra phết. Các trường tiểu học ở địa phương này vẫn thường tổ chức những lễ hội sắc tộc và thằng cháu dám đem đầu lân đi múa biểu diễn làm cho bạn học, và ngay cả cô giáo nữa, thích thú quá !

Một lần khác, đi xem xi-nê thấy cảnh hoành tráng, người ngựa cung tên, lớp tấn công, lớp thủ thành….coi bộ thích chí quá, cháu thỏ thẻ : “Ông ơi ! Ở nhà cháu có nhiều đồ chơi hình người, ngựa, xe…ông làm cho cháu cái thành to kia với cả sông và cây cầu nữa được không ? Làm đi ông nhé. Cháu thích lắm !” Làm thế nào mà từ chối được đây hả bạn ? Ông mà bảo không, mất “thế giá” thì không đáng kể nhưng sẽ làm cho thằng cháu buồn lắm ! Hồi xưa, ông đã từng thiết kế và xây dựng cả một nhà máy, chả lẽ bây giờ làm mô hình một cái thành kia lại chịu thua sao ! Thế là ông tìm “vật tư” về xây thành cho cháu chơi. Cặm cụi cả tuần rồi cũng xong. Đủ cả các thứ, thành quách hai ba tầng, hào sâu bắc cầu cho ngựa xe vào thành với cửa gắn bản lề mở ra đóng lại trông “chất lượng” lắm…! Khi xây thành dấu không cho cháu biết, để cho cháu ngạc nhiên chơi. Hôm đi học về nhìn thấy cái “sa bàn” đang nằm trong phòng chơi chiếm hẳn một khoảng rộng, chú bé mắt sáng ngời lên, chỉ kịp nhìn ông một cái rồi phóng ngay lại bày xa mã ra chơi không thiết đến ăn tối nữa ! Khi bố mẹ cháu đi làm về, vừa bước vào nhà là há hốc mồm ngạc nhiên : “ Trời ơi ! Thảo nào… Cả tuần nay thấy Bố lục đục trong nhà kho….Thì ra, Bố đã làm cho Nicholas cái này đây hả ?! ” “..Con có cám ơn Ông chưa ? ” Chú bé mê chơi nhưng vẫn quay lại cười và giơ một ngón tay cái lên ! Từ đó, khi có dịp là cháu rủ cả đám bạn học về cùng chơi rất say mê.

Sau đó không lâu, một hôm đi đón hai cháu ở trường, tôi đang ngồi trên xe đọc sách chờ thì thấy một chú bé bạn học của thằng cháu đến đứng cạnh cửa xe cười toe toét. Sau khi “hello” chú hỏi ngay: “Ông là handy- man phải không ? ” Tôi hỏi lại “Ai bảo thế ? ” thì chú bé liến thoắng trả lời : “ Thằng Nicholas kể với cháu là mẹ nó nói cái gì ông cũng làm được hết, vì ông là handy-man !” Tôi chưa kịp nói gì thì chú bé giơ tay lên “bye” và dợm bước đi. Ngần ngừ một chút, chú quay lại nói nhỏ : “ cái lion head ông làm đẹp quá. Cháu thích lắm. Ông có thể làm cho cháu một cái được không ?” Vừa nói xong là chú bé chạy biến.

Bạn thấy không ? Không làm kỹ sư nữa thì mình làm “handy-man” ! Cái nghề này tuy không kiếm được tiền nhưng đem lại được nụ cười và niềm hân hoan cho con cho cháu (và có lẽ, cho cả người dưng nữa !) Được như thế còn muốn gì hơn ! Tôi muốn bắt chước Tràm Cà Mau gọi đấy là hạnh phúc. “Hạnh phúc Công Nghệ” ! Cái nguồn hạnh phúc này của tôi, còn lâu lão thời gian mới cướp đi được !

Thư đã khá dài, xin hẹn thư sau. Thân chúc tất cả huynh đệ Công Nghệ ta, trẻ vui, già khoẻ nhé !

Thân ái,


Tây Úc, trọng Đông 2006.
Mai Xuân Thành (CN10)
Post Reply