TIN liên quan đến VIỆT NAM

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

23 Tháng 10 2008 - Cập nhật 15h14 GMT

'Quan hệ chiến lược'

Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com

Image

''Đây không phải là một năm tuyệt vời cho nhân quyền ở Việt Nam và chúng tôi lo ngại,'' Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu ở Việt Nam Sean Doyle nói với BBC qua điện thoại từ Hà Nội chiều 23/10.

''Nghị viện Châu Âu đã giải thích rất rõ ràng về lo ngại này.''

Chưa đầy một giờ sau, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói trong điện thư gửi Ban Việt ngữ: ''Đảm bảo và phát huy các quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

''Những nỗ lực của Việt Nam đã đem lại nhiều thành quả được cộng đồng quốc tế công nhận.''

Hai ông Lê Dũng và Sean Doyle cùng phản ứng trước một nghị quyết được thông qua với đa số phiếu của Nghị viện Châu Âu hôm 22/10.

Nghị quyết đã ''lên án những vi phạm nghiêm trọng của Việt Nam đối với tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội họp''.

Nghị viên Châu Âu kêu gọi Liên hiệp Châu Âu (EU) phải đảm bảo rằng Việt Nam ''chấm dứt những vi phạm có hệ thống dân chủ và quyền con người'' trước khi Hiệp định Hợp tác và Đối Tác giữa EU và Việt Nam được ký kết.

Khôn khéo

Đại diện của EU ở Việt Nam, ông Doyle nói rằng quá trình đàm phán chỉ vừa mới bắt đầu.

Ông cũng nói do số lượng các cơ quan tham gia đàm phán và các vấn đề cần bản thảo, hai bên khó có thể ký kết hiệp định hợp tác mới trong vòng một năm tới.

Vị đại diện của Châu Âu nói hiệp định mà hai bên đang đàm phán nằm trong quy hoạch tổng thể mà chính Việt Nam đưa ra.

Ông nói thêm: ''Việt Nam rất tham vọng về những gì họ muốn và chúng tôi cũng sẽ đòi hỏi nhiều.''

Tham vọng của Việt Nam mà ông Doyle nói tới là sự tiếp tục mở cửa thị trường Châu Âu cho Việt Nam, công nghệ và kỹ thuật của Châu Âu mà Việt Nam cần trong phát triển kinh tế và cả cách vận hành kinh tế, xã hội.

Trong khi đòi hỏi của EU sẽ là sự minh bạch, cách điều hành hiệu quả của chính phủ và đảm bảo các quyền con người.

Giáo sư Bùi Huy Khoát, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu của Việt Nam nói với BBC đòi hỏi về nhân quyền của EU không có gì mới.

''Ngay khi ký hiệp định khung hồi năm 95, EU luôn đặt lên chương trình nghị sự hàng đầu là dân chủ và nhân quyền.''

Giáo sư Khoát nói phía Việt Nam đã 'cởi mở hơn' và cũng 'khôn khéo hơn' trong khi đề cập tới vấn đề nhân quyền với EU.

Ông Khoát nói Việt Nam ngoài EU còn chịu sức ép của nhiều nước khác và phải có cách ứng xử 'mềm'.

Đồng minh

Ông Sean Doyle nói Việt Nam đã có một số tiến bộ về vấn đề nhân quyền và là một đất nước đã và đang thay đổi.

Theo ông, người ta cần nhìn Việt Nam trong một khung thời gian dài hơn.

Ông cũng nói: ''Hiện Việt Nam đang đi qua một giai đoạn kinh tế khó khăn và người ta chưa biết nó còn xấu đi tới mức nào.

''Tình hình này làm cho nhiều người thấy bi quan và càng cố giữ lấy ghế.''

Nhưng ông cũng nói ông hy vọng đây chỉ là một giai đoạn ngắn và đàm phán hiệp định hợp tác mới sẽ có ích cho cả Việt Nam và Châu Âu, hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam.

''Đàm phán buộc người ta phải nghĩ về chuyện họ muốn gì và sẽ đi về đâu.
''Nó cũng làm cho người ta nhận ra người ta không đơn độc.

''EU và Việt Nam có nhiều điểm chung và nhiều người từ cả hai phía đang tham gia xây dựng mối quan hệ chính trị.
''Đây là quá trình lâu dài nhưng sẽ không buồn tẻ.
''Cả hai phía có lẽ sẽ đều thay đổi sau quá trình này.

''Việt Nam là nước đang phát triển và họ cần đồng minh.
''Châu Âu muốn có một đồng minh điềm đạm, biết điều, thông minh và có đầu óc kinh doanh.
''Việt Nam có thể là một nước như thế.''
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

21 Tháng 10 2008 - Cập nhật 15h22 GMT

EVN và nghịch lý giá điện tại Việt Nam

Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN, thể chế độc quyền các nhà máy phát và mạng lưới phân phối điện trong nước, đang trình chính phủ đề nghị tăng giá điện trong năm 2009.
EVN cho rằng trong tương lai, giống như xăng dầu, giá điện tại Việt Nam sẽ có lúc lên, hoặc xuống, theo diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

EVN muốn điện cho sản xuất tăng giá 15,5%. Điện cho kinh doanh, sinh hoạt dự kiến tăng 16%.

Giá điện tại Việt Nam hiện khoảng ngàn đồng một kWh.

Trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng đang ló dạng tại Âu và Mỹ, kinh doanh tại Việt Nam đang giảm tốc vì giá nguyên liệu gia tăng, một số chuyên gia kinh tế kêu gọi EVN nên thận trọng với kế hoạch tăng giá.

Nhất là khi kinh tế Việt Nam đang phải vật lộn với lạm phát hai con số, sản xuất, tiêu thụ chậm lại vì hàng hóa tăng giá, đời sống của người làm công ăn lương vất vả vì chi phí đắt đỏ hơn mỗi ngày.

Đề nghị của EVN coi giá điện như mặt hàng lên xuống theo thị trường và có thể điều chỉnh như giá xăng. Cứ sáu tháng một lần công ty sẽ đề đạt với Bộ Công thương về giá biểu mới, chúng dựa trên nhu cầu tiêu thụ, công suất mạng, giá mua điện đầu vào.

Đề nghị của EVN nói trong năm 2011 sẽ không tăng giá điện vì nguồn phát được bổ xung khá lớn. Tập đoàn nói khi ấy công suất phát của Việt Nam sẽ tăng mạnh với việc bốn nhà máy điện dự tính sẽ đi vào hoạt động. Đó là Sơn La, Nậm Chiến, Cửa Đạt và Đồng Nai 4.

Tin nói rằng người nghèo, gia đình có công với chế độ, sẽ được EVN nhẹ tay trong chuyện tính giá biểu mới, nếu một tháng họ dùng dưới 50kWh.

Định hướng giá cả

Vì là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giá điện tại Việt Nam luôn chịu quản lý của nhà nước để phục vụ mục đích chính trị.

Đó là không gây xáo động về đời sống, bao cấp đối với các cơ sở hành chính, ưu đãi cho khối công ty quốc doanh. Và giá rẻ dành cho dân vùng quê, người vùng núi, hay những người có công với chế độ.

Giá điện được duy trì ở mức rẻ để chính phủ quảng cáo cho giới đầu tư ngoại quốc về chi phí kinh doanh thấp tại Việt Nam. Các mẫu quảng cáo nói về thế mạnh của quốc gia cộng sản vùng Đông Nam Á hay nhắc đến giá điện, nước, xăng, dầu thuộc vào loại rẻ nhất trong khu vực.

Bằng cách đưa ra hình ảnh một quốc gia chậm phát triển, đang cần vốn đầu tư, Việt Nam tin là họ sẽ được giới thương gia ngoại quốc để ý tới.

Tuy nhiên giá năng lượng rẻ (một cách giả tạo) cũng có một số mặt trái của nó.

Đó là việc dùng điện lãng phí, tổn thất điện luôn ở mức cao, và nguồn vốn đầu tư để tăng công suất phát luôn ở trong tình trạng thiếu thốn.

Giá điện rẻ khiến nhà đầu tư ngoại quốc không muốn bỏ tiền xây nhà máy phát tại Việt Nam. Họ hiểu rằng đầu tư vào nhà máy điện, dự án thuộc loại phát triển cơ sở hạ tầng, phải cần đến nguồn vốn lớn hoặc rất lớn.

Và nếu tiền điện ở được quy định ở mức quá rẻ như hiện giờ, không biết đến khi nào mới hoàn được vốn.

Trước đây Ngân hàng thế giới nhiều lần kêu gọi Việt Nam tăng giá điện để thu hút đầu tư quốc tế, tránh bị khủng hoảng nguồn phát trong tương lai.

Thể chế tài chính quốc tế này có đưa ra một số đề nghị về giá bán điện, theo họ để làm hoạt động đầu tư xây nhà máy phát điện trở nên hấp dẫn hơn. Trong các đề nghị được nói tới, Việt Nam loại bỏ tăng giá đột ngột, sợ gây sốc cho nền kinh tế, xáo trộn xã hội.

Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến chủ tịch Hội quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng các điều chỉnh về giá một cách nhỏ giọt mà EVN đang theo đuổi thật khó mang lại cho công ty nguồn vốn cần thiết để phát triển các nhà máy điện trong tương lai.

Đây là vấn đề nan giải trong cả một thập kỷ qua đối với công ty quốc doanh thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Giá bán điện thì do chính phủ quyết định, công ty không được tự ý tăng giá, dù thời thế thay đổi đến đâu.

Tuy nhiên EVN luôn bị chỉ trích là đã không chịu nhìn xa trộng rộng để chấm dứt cảnh cúp điện thường ngày tại Việt Nam, nguyên nhân do thiếu nguồn phát điện gây ra!

Công và thưởng

Đã thế tin nói rằng trong nhiều ngàn tỷ đồng kiếm được do tăng giá điện thời gian gần đây, công ty muốn trích ra một ngàn tỷ để làm tiền thưởng cho nhân viên.

Việc này gây ra tranh luận sôi nổi tại hành lang quốc hội, khóa 12, hiện đang nhóm họp tại Hà Nội. Trước cảnh nguồn điện phập phù, cuộc sống người dân gián đoạn, một số đại biểu tỏ ý bất bình trước đề xuất tự thưởng cho mình của EVN. Bộ Công thương, cơ quan quản lý cấp trên của EVN, đã bác đề nghị này nhưng bộ Tài chính lại cho qua.

Báo chí trong nước loan tin EVN quyết định trả lại 13 dự án đầu tư trong lĩnh vực phát điện vì “không đủ tiền”. Cạnh đó nhiều người bất bình về chuyện EVN độc quyền nguồn phát, ép giá các nhà máy điện tư nhân, hợp doanh, khi bán điện cho họ.

Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay rất nhiều nhà đầu tư lớn tại Âu châu muốn tham gia thị trường phát điện tại Việt Nam. Tuy nhiên lúc thương lượng về giá bán lại là lúc rơi vào bế tắc vì EVN muốn mua giá thật rẻ.

Họ được thông báo EVN chỉ mua với giá 4 xu Mỹ một kWh, bằng nửa giá chào bán. Và với thế độc quyền của EVN trên thị trường phát và phân phối điện như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều chọn lựa. Dù đồng ý hay không, đối tác uy nhất về cấp phát điện của họ tại Việt Nam vẫn chỉ là EVN!

Với thế độc quyền như vậy, không chỉ nhà đầu tư ngoại quốc cảm thấy ‘bó tay' khi chơi với EVN, mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng mong đến ngày thoát khỏi vòng kềm tỏa của doanh nghiệp quốc doanh ít lắng nghe này.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

Tác giả Nghị quyết của Nghị viên Châu Âu phản biện quan điểm của Bộ ngoại giao VN

Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-10-29

Ngay sau khi Nghị Viện Châu Âu thông qua Nghị Quyết đề nghị Ủy Ban và Hội Đồng Châu Âu đặt tình trạng nhân quyền của Việt Nam làm điều kiện để tiếp tục ký kết Hiệp Ước Hợp Tác với Hà Nội, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lập tức lên án Nghị Quyết này là sai trái, làm ảnh hưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước thuộc khối Liên Minh Châu Âu.

Phản hồi của những người ra Nghị Quyết ra sao? Trà Mi ghi nhận qua cuộc phỏng vấn ông Marco Cappato, thành viên Quốc Hội Châu Âu, là tác giả chính của Nghị Quyết vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua hôm 22/10/2008.

Trước tiên, ông Cappato trình bày nguyên nhân của Nghị Quyết:

Tầm quan trọng của Nghị Quyết

Ông Marco Cappato: Mọi việc bắt đầu khi tôi và ông Marco Pannella thuộc đảng Cấp Tiến chủ trương bất bạo động của Italy yêu cầu Tiểu Ban về Nhân Quyền trong Quốc Hội Châu Âu trình bày các đánh giá của họ về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, vào khi một hiệp ước mới về hợp tác mậu dịch giữa Liên Minh Châu Âu với Việt Nam sắp được ký kết.

Đáng tiếc rằng chúng tôi nhận được nhiều nguồn thông tin về vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội trong khi Liên Minh Châu Âu ngày càng ít lưu tâm đến thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, mà tình hình thực tế lại không có dấu hiệu nào cải thiện, ngược lại, còn có chiều hướng tệ hơn, cụ thể như các quyền tự do tôn giáo, tự do bày tỏ quan điểm của người dân tại Việt Nam.

Trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu, đảng cực hữu chúng tôi cũng đã yêu cầu Ủy Ban Châu Âu và nước chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu hiện giờ là Pháp cập nhật thông tin về tiến trình của các cuộc thương thuyết ký kết Hiệp Ước Hợp Tác với Việt Nam.

Dựa trên tất cả các cơ sở đó, chúng tôi quyết định soạn thảo Nghị Quyết về quan hệ giữa EU và Việt Nam, trình ra trước Nghị Viện, và đã được thông qua với tỷ lệ áp đảo là 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống, và 4 phiếu trắng.

Trà Mi: Xin ông cho biết tầm quan trọng của Nghị Quyết này ra sao, thưa ông?

Ông Marco Cappato: Trong nội dung các Hiệp Ước Hợp Tác Kinh Tế và Mậu Dịch giữa Liên Minh Châu Âu với các nước, luôn luôn có điều khoản về nhân quyền, ghi rõ rằng các thỏa thuận có thể bị đình hoãn hoặc thậm chí bị hủy bỏ, nếu có các vi phạm về nhân quyền. Đáng tiếc là chưa có một cơ chế giúp bảo đảm điều khoản này được thi hành cụ thể trong thực tế.

Vì vậy, nhân tiến trình các cuộc thương lượng ký kết Hiệp Ước Hợp Tác mới giữa EU và Việt Nam đang diễn ra, chúng tôi đề nghị với Hội Đồng và Ủy Ban Châu Âu nên áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền trước khi muốn hoàn tất việc ký kết này.

Ý nghĩa quan trọng của Nghị Quyết này chính là Nghị Viện Châu Âu đã chính thức lên tiếng rõ ràng, đặt điều kiện với đôi bên tham gia ký kết phải xem xét đến việc cải thiện nhân quyền của Hà Nội trước khi bàn đến sự hợp tác.

Những yêu cầu cụ thể được liệt kê trong Nghị Quyết bao gồm nhà nước Việt Nam phải hợp tác tích cực với các cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bằng cách cho phép các đặc sứ vào quan sát thực trạng, cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các sinh hoạt tín ngưỡng mà không bị sự can thiệp, điều khiển của nhà nước, hủy bỏ các luật định hình sự hóa những ý kiến bất đồng, cũng như phóng thích các tù nhân chính trị và tôn giáo.

Vai trò của Nghị Viện Châu Âu

Trà Mi: Để những yêu cầu này là điều không thể chối cãi đối với chính quyền Hà Nội thì Nghị Viện Châu Âu đóng vai trò ra sao, thưa ông?

Ông Marco Cappato: Quốc Hội Châu Âu về mặt nào đó, có vai trò độc lập hơn Ủy Ban và Hội Đồng Châu Âu, dù chúng tôi không có quyền khiến những điều trong Nghị Quyết này được thi hành vào thực tế, nhưng điều đáng nói là khi các thành viên trong Quốc Hội Châu Âu được thông tin đầy đủ, thì đa số đã nhận rõ được thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, mà bằng chứng là số phiếu ủng hộ thông qua Nghị Quyết này áp đảo gấp mấy chục lần số phiếu chống.

Trà Mi: Ngay khi Nghị Quyết này được thông qua, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo đó là một việc làm sai trái, đặt ra với những điều kiện không có căn cứ làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu. Ý kiến của ông ra sao?

Ông Marco Cappato: Tôi cho rằng với chúng tôi, điều quan trọng là mối quan hệ đối với người Việt Nam. Nói thẳng ra, những gì quốc tế đang kêu gọi là vì quyền lợi của chính nhân dân Việt Nam, dĩ nhiên nó có thể trái ý với bộ máy cầm quyền Hà Nội, nhưng những gì chúng tôi làm không hề mang mục đích như cái gọi là chống đối “kẻ thù”, mà là giúp họ cải thiện. Và nếu như họ thật sự cải thiện thì chúng tôi sẽ là những quốc gia tiên phong công nhận những thành tích ấy và thay đổi cách nhìn đối với nhà cầm quyền Việt Nam.

Dĩ nhiên thái độ phản ứng của chính quyền Hà Nội là điều chúng ta có thể đoán biết trước, nhưng tôi thật lòng hy vọng rằng sau phản ứng tức thời này, họ sẽ suy ngẫm lại kết quả mà toàn bộ Nghị Viện chúng tôi đã bỏ phiếu thông qua, hoặc chí ít là đáp ứng một vài những mối quan tâm chính yếu của chúng tôi. Còn như ngược lại, tôi cho rằng quan điểm và cách nhìn của quốc tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam sẽ chẳng thể thay đổi được.

Thực trạng nhân quyền tại Việt Nam

Trà Mi: Thế nhưng Bộ Ngoại Giao cho rằng những lời tố cáo này không phản ánh đúng tình hình ở Việt Nam. Vậy làm thế nào có thể chứng minh sự lên án đó là dựa trên các căn cứ thực tế đáng tin cậy?

Ông Marco Cappato: Sẽ rất thú vị nếu như họ đưa ra được những thông tin hoặc những bằng chứng xác thực chứng minh điều ngược lại. Những gì chúng tôi nêu lên trong Nghị Quyết dựa trên các thông tin từ giới ngoại giao quốc tế, các tổ chức NGO trên thế giới, và cả từ các nhân chứng trực tiếp.

Ví dụ như, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ đưa ra lời nói phủ nhận các vấn đề nhân quyền tại Tây Nguyên, nhưng tại sao họ lại không cho phép quốc tế được tự do tiếp cận khu vực để đánh giá và tìm hiểu tình hình? Hoặc khi các trường hợp bị đàn áp, với đầy đủ chi tiết về tên tuổi nạn nhân, ngày giờ bắt bớ được nêu rõ, tại sao nhà nước Việt Nam không đưa ra các bằng chứng thuyết phục để phản hồi, để lý giải cụ thể, nếu cho rằng thông tin đó không xác thực?

Tóm lại, lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao chỉ là luận điệu tuyên truyền của nhà nước Việt Nam, những lý luận hoàn toàn không có cơ sở thuyết phục.

Trà Mi: Ngược lại, Hà Nội tố cáo các nước phương Tây đang lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” để can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng không một quốc gia nào có quyền áp đặt cái gọi là “khuôn mẫu nhân quyền” của họ lên nước khác. Ông sẽ phản hồi như thế nào?

Ông Marco Cappato: Điều này có thể đúng cách đây hàng trăm năm trước, khi nhân loại chưa có những tiêu chí toàn cầu về quyền con người. Đồng ý rằng không có gì tuyệt đối, không có dân chủ tuyệt đối mà cũng không có độc tài tuyệt đối. Ở nước Ý của tôi cũng có thể có vài vấn đề về nhân quyền và luật pháp.

Cho nên chẳng bao giờ có chuyện rằng quốc gia nào đưa ra một khuôn mẫu làm bài học cho quốc gia nào cả, nhưng ở Việt Nam có những sự vi phạm nhân quyền và dân chủ nghiêm trọng một cách có hệ thống, những quyền căn bản của con người được cả thế giới công nhận qua các Hiệp Ước Quốc Tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Khi một nhà nước đàn áp quyền của người dân, cầm tù những tiếng nói bất đồng thì họ giải thích như thế nào đây? Đấy có phải là văn hóa, là lối sống của người Việt Nam chăng? Tôi không nghĩ vậy, mà theo tôi, đó đơn giản chỉ là những hành động của giới cầm quyền đàn áp, sách nhiễu nhân quyền của người dân Việt Nam mà thôi.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Marco Cappato đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn đặc biệt này.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

EU: Việt Nam phải cải thiện nhân quyền trước khi ký kết hiệp ước mới

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
2008-10-29

Nghị quyết về quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được Quốc Hội Châu Âu thông qua hôm 22 tháng 10 vừa qua kêu gọi Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải thực hiện ngay những điều đã thỏa thuận, cho phép người dân được hưởng những quyền tự do căn bản và tối thiểu, truớc khi ký kết những hiệp ước hợp tác mới.

Đối với Hà Nội, nghị quyết đó không phản ánh đúng tình hình Việt Nam. Nhưng về phía những người hoạt động trong lãnh vực nhân quyền cho Việt Nam thì lại có phản ứng ngược lại.

Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu tóm lược thêm chi tiết.

Việt Nam phản đối Nghị Quyết

“Nghị Viện Châu Âu (Quốc Hội Châu Âu) đã thông qua nghị quyết không phản ánh đúng tình hình Việt Nam”, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo tại Hà Nội mới đây.

Ông Lê Dũng cho biết, hiện nay Việt Nam và EU đang muốn thúc đẩy thế hợp tác về nhiều mặt nhằm củng cố quan hệ đôi bên trong thời đại mới.

Vẫn theo ông Dũng, nghị quyết đó làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EU).

Ông tuyên bố rằng hai bên cần đối thoại, trao đổi hầu giải quyết những khác biệt, tạo sự hiểu biết lẫn nhau.

Từ nhận xét của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do chúng tôi hỏi ý kiến từ RSF tại Paris tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, cùng một số người Việt định cư tại Châu Âu và ghi lại một số phát biểu như sau.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Vincent Brossel, Giám Đốc Điều Hành RSF đặc trách Châu Á, nhấn mạnh rằng nghị quyết của Quốc Hội Châu Âu được thông qua với tỷ số gần như tuyệt đối. Điều đó cho thấy tình hình vi phạm dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam là chuyện hoàn toàn có thật, vì thế Hà Nội nên nhận thức được khuyết điểm của mình.

Phản ứng của người Việt ở Châu Âu

Ông Hoàng Tôn Long, định cư tại Frankfurt (Đức Quốc) cùng với các đồng hương từ nhiều quốc gia Châu Âu khác, đứng chờ bên ngoài trụ sở Quốc Hội Châu Âu ở Strasburg, cho biết trước những phê phán của công luận thế giới thì Hà Nội thường lên tiếng bác bỏ, vì họ ngại phơi bày tất cả sự thật về tình hình Việt Nam:

Ông Hoàng Tôn Long: “Nhà nước CSVN hiện thời thì họ luôn luôn đưa ra những luận điệu mơ hồ để mà không thông báo chính xác những tin tức đưa về cho dân chúng ở Việt Nam biết được. Đó là cái tật cố hữu của CSVN từ trước đến nay. Thành ra khi mà Lê Dũng có phát ngôn như vậy thì chúng tôi cũng không có lạ gì, tại vì cái nghị quyết mới của Châu Âu đây đúng ra là vào ngày Thứ Năm họ sẽ họp nhưng vì không biết lý do gì mà ngày Thứ Tư thì họ đã họp và quyết định, mặc dù chúng tôi cũng đã chuẩn bị một cuộc biểu tình để đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam trước Quốc Hội Châu Âu.”

Từ Vương Quốc Bỉ, bà Tuyết Nga, là người theo dõi thường xuyên tin tức trên báo chí quốc tế và Việt Nam, thuật lại là dường như Hà Nội ít khi nào lắng nghe phê phán của công luận.

Trước khi thông qua nghị quyết, các dân biểu Châu Âu nhất định có chứng cứ chính xác, còn khi bác bỏ văn bản đó thì Việt Nam chỉ biện minh một cách mơ hồ:

Bà Tuyết Nga: “Theo tôi nghĩ, từ hồi đó tới giờ chính quyền Hà Nội có thành tích là chuyên môn nói ngoài sự thật, không bao giờ nhìn nhận bất cứ một chuyện gì bất lợi cho họ dù nó xảy ra trước mắt, thành thử ra khi họ bác bỏ như vậy là bản chất của họ đã phơi bày vì thực tế là hoàn toàn 180 độ ngược lại với lời tuyên bố của họ. Mấy trăm người đã có một tiếng nói thì dĩ nhiên là họ có căn cứ trên một thực tế rõ ràng nào đó.

Chính quyền Hà Nội khi bác bỏ như vậy thì lại không đưa ra một sự kiện nào để chứng minh sự bác bỏ của họ là có một căn cứ nào đó, có một cái cơ nguyên nào đó. Đối với dân Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở quốc nội thì rõ ràng là Hà Nội đã nói ngược lại với sự thât vì sự thật là rõ ràng như vậy mà họ nói không biết ngượng mồm, không biết mắc cở, không biết xấu hỗ.”

Ông Tâm Nghĩa, định cư tại Pháp tán thành nội dung được đề cập tới trong Nghị Quyết của Quốc Hội Châu Âu, mà ông tin rằng là những yêu cầu hợp lý. Theo ông, muốn nhìn rõ thực trạng xã hội Việt Nam thì hãy tìm đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh:

Ông Tâm Nghĩa: “Theo tôi thấy thì Nghị Viện Châu Âu ký như vậy là quá đúng và tôi cũng yêu cầu tất cả những ai về Việt Nam hãy nhìn rõ sự thật của đất nước hiện tại và Nghị Viện Châu Âu mỗi lần giúp đỡ cho Việt Nam là ký một cái gì đúng đắn, nói về nhân quyền thì điều đó thật là quan trọng.

Một lần nữa tôi rất là đồng ý về nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu để ràng buộc Hà Nội trên chuyện đó và nếu Hà Nội đã công khai đả kích chuyện đó thì tôi thấy là họ sợ cái chuyện đó cho nên tôi yêu cầu những người nào về Việt Nam hãy quan sát rõ ràng tình hình Việt Nam và đi sâu vào những vùng xa vùng sâu để thấy rõ chuyện đó chớ nếu không là bị đưa vào mê hồn trận như thường.”

Được biết nghị quyết của quốc hội Châu Âu, cũng yêu cầu Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho những tù nhân bị giam cầm vì đã bày tỏ ý kiến chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa, đồng thời lên án việc giam giữ dân oan khiếu kiện nhà đất, giới lãnh đạo công đoàn, cũng như việc kết án những ký giả có bài viết chống tham nhũng.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

13 Tháng 11 2008 - Cập nhật 07h22 GMT

Thủ tướng Việt Nam nói về vụ PCI

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chủ trương của Chính phủ đối với các cáo buộc tham nhũng liên quan công ty Tư vấn Thái Bình Dương (Nhật Bản), là "làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam".
Ông Dũng đã có một buổi sáng dành trọn để trả lời hàng chục câu hỏi của các đại biểu Quốc hội khóa XII, hiện đang có phiên chất vấn trong kỳ họp tại Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết của tỉnh Lạng Sơn đã đặt câu hỏi về việc 'chống tham nhũng, tiến độ và kết quả phối hợp điều tra của cơ quan điều tra Việt Nam với phía Nhật Bản trong đưa và nhận hối lộ vụ PCI'.

Theo ông Thuyết, vụ này tòa án Nhật đã xử và thông tin đã được đưa lên internet, Việt Nam cần xử lý nhanh và kết quyết để bảo vệ hình ảnh Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời ngắn gọn rằng khi được tin trên báo Nhật Bản "về việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một cán bộ của Việt Nam", Chính phủ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Nhật.

Phía Việt Nam đã "chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý, không thể để công dân VN cho cơ quan tư pháp nước khác xử lý".

Cũng theo ông Dũng, phía Nhật dù đã được yêu cầu, nhưng mất một thời gian dài mới cung cấp lại một hồ sơ "chưa đủ cơ sở pháp lý".

"Chính phủ đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận xử lý, làm rõ. Làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam".

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam không đưa thêm chi tiết.

Cơ quan chống tham nhũng trong dự án ODA

Thế nhưng ông Thủ tướng cũng cho hay Việt Nam đang cùng Nhật Bản "lập ủy ban phối hợp đấu tranh ngăn chặn và xử lý tham nhũng liên quan đối với dự án ODA".

Thực tế, ý định thành lập ủy ban này đã được đưa ra từ tháng Chín, khi Chính phủ Nhật đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập ủy ban chung để giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA, mà Nhật là nước cấp viện hàng đầu.

Tuy nhiên dù đã có thống nhất về cơ bản, cơ cấu và nhiệm vụ của ủy ban này vẫn còn phải được bàn thảo thêm.

Được biết hai bên dự định vận hành ủy ban hỗn hợp trong thời gian thử nghiệm ba tháng.

Hồi tháng Chín, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng quyết định thay lãnh đạo hai dự án do Ban Quản lý PMU Đông Tây làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban Quản lý này là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, phó giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM, người mà các bị cáo thuộc công ty PCI khai là đã nhận tiền hối lộ của họ.

Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 12/11, giới chức TP HCM nói vụ việc đang được Bộ Công an làm rõ và 'chưa có kết luận cuối cùng'.

Được biết cơ quan chức năng cũng chưa làm việc với ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Vụ cáo buộc hối lộ tại PCI đang được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm vì liên quan tới số tiền viện trợ phát triển quá lớn.

Giả thuyết khác?

Trong khi đó, một tờ báo mạng của Việt Nam nêu giả thuyết rằng có thể là bốn cựu quan chức PCI, người cáo buộc ông Sỹ nhận tiền của họ, thực tế đã biển thủ tiền của công ty và đổ tội cho ông.

Bài ký tên tác giả Huỳnh Ngọc Chênh đăng trong chuyên mục Bình luận phần tin tiếng Anh của tờ Thanh Niên Online yêu cầu các điều tra viên Việt Nam "phải hành động nhanh chóng để tìm ra sự thật".

Bài này viết: "Nếu lời khai của các cựu lãnh đạo PCI là đúng, thì đây là cơ hội vàng cho nước ta để phá một vụ tham nhũng lớn và chứng tỏ cho thế giới rằng chúng ta không nương tay trước tham nhũng".

"Thế nhưng nếu thực tế số tiền đã bị các cựu quan chức PCI lạm dụng thì chúng ta cần yêu cầu họ xin lỗi và khiếu kiện một số đơn vị báo chí Nhật Bản đã đăng thông tin bôi nhọ Việt Nam."
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

19 Tháng 11 2008 - Cập nhật 05h48 GMT

Đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ

Báo Việt Nam cho hay Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa thông qua quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người bị cáo buộc nhận hối lộ của công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản.
Trước quyết định này, ông Sỹ đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính, đồng thời là Giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố.


Báo trong nước nói Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cũng giao Ban Cán sự Đảng của UBND TPHCM tập trung "củng cố nhân sự tại Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố" để thực hiện các công trình đúng tiến độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo các cơ quan VN hợp tác với phía Nhật để điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam vụ cáo buộc tham nhũng liên quan tới công ty PCI.

Ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc TPHCM nói nhiều người dân thành phố muốn thấy giới chức phải nhanh chóng xử lý "triệt để" vụ việc này.

Cáo buộc hối lộ đã được đưa ra từ gần nửa năm nay, khi một số cựu lãnh đạo PCI khai đã chuyển cho một quan chức cao cấp tại TP Hồ Chí Minh số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA của Nhật trong thành phố.

Họ cũng nêu đích danh vị quan chức Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Những người này, cùng với công ty PCI, đã bị truy tố tội vi phạm Luật Chống Cạnh tranh Bất bình đẳng.

Điều tra làm rõ

Ngay trong phiên xử đầu tiên tại tòa án Quận Tokyo, bốn bị cáo thuộc công ty PCI đã nhận tội. Các bị can này đã bị khởi tố hồi cuối tháng Tám.

Phe công tố trong biên bản luận tội nói rằng số tiền hối lộ tổng cộng lên tới 2,43 triệu đôla (280 triệu yen tính theo giá hối đoái thời điểm vụ việc xảy ra).

Tuy nhiên, họ chỉ xác lập vụ án hình sự đối với hai khoản hối lộ đưa cho phía Việt Nam trị giá trên 800.000 đôla .

Vụ cáo buộc hối lộ đã gây chấn động dư luận Nhật Bản vì số tiền sai phạm quá lớn.

Tuy nhiên, nhà chức trách Việt Nam đã tỏ ra rất thận trọng trong quá trình điều tra làm rõ vụ PCI.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn hồi tháng Tám còn cho rằng truyền thông Nhật ‘có một số bài viết không khách quan và không đúng sự thật, gây nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam’.

Ông Sơn cũng yêu cầu các báo "không đưa tin trong lúc này".

Sự im ắng trên báo chí Việt Nam thời gian qua đã khiến người dân càng đặt thêm nhiều câu hỏi.

Tuần trước, tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói rằng hồ sơ mà phía Nhật cung cấp "chưa đủ cơ sở pháp lý" và cơ quan điều tra của VN còn phải tiếp tục "làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam".

Việt Nam luôn khẳng định cam kết chống tham nhũng "không loại trừ bất kỳ ai".



--------------------------------------------------------------------------------
DIỄN BIẾN VỤ PCI

6/2008: Cựu lãnh đạo PCI khai công ty này đã hối lộ một quan chức VN 200.000 đôla năm 2006
Văn phòng Công tố Tokyo mở điều tra
7/2008: Cơ quan công tố Nhật quyết định truy tố hình sự vụ PCI
8/2008: Bắt và truy tố bốn cựu lãnh đạo PCI tội vi phạm Luật Chống Cạnh tranh Bất bình đẳng.
Cuối 8/2008: Nhật chuyển hồ sơ cho Việt Nam
9/2008: UBND TPHCM ngừng giải ngân các hợp đồng với PCI, thay đổi lãnh đạo dự án
11/2008: Báo VN cho hay ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tạm đình chỉ công tác
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

04 Tháng 12 2008 - Cập nhật 08h02 GMT

Nhật tạm ngừng cấp viện cho Việt Nam

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định tạm ngừng cấp viện cho Việt Nam trong năm tới, đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đôla đã cấp trong năm nay.

Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho hay tại Hội nghị các nhà tài trợ cho VN tổ chức ở Hà Nội, rằng các khoản viện trợ ODA của Nhật sẽ tạm dừng cho tới khi nào Việt Nam có biện pháp hữu hiệu để tận diệt nạn tham nhũng trong các chương trình công cộng.

Trả lời BBC chiều 4/12, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh nói đây là quyết định đột ngột vì Việt Nam có vị trí tương đối cao trong thứ tự cấp ODA của Nhật.

“Quyết định này không có sự chuẩn bị trước về tâm lý cũng như dư luận.”

Việt Nam là nước nhận ODA nhiều nhất trong các nước được Nhật Bản cấp viện, năm ngoái lên tới 1,1 tỷ đôla.

Quyết định của chính phủ Nhật được cho là đưa ra sau khi có bê bối tham nhũng liên quan tới Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật.

Nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo nói vụ này được công chúng Nhật chú ý đặc biệt và gây áp lực rất lớn lên chính phủ.

Hai bên đã thành lập Ủy ban chung để điều tra cáo buộc rằng quan chức TP HCM đã ăn hối lộ 820.000 đôla để cho PCI thắng thầu một số dự án sử dụng ODA trong thành phố.

Đại sứ Sakaba nói: "Cho tới khi ủy ban điều tra chung này đưa ra được các biện pháp hữu hiệu và đúng đắn để chống tham nhũng thì rất khó có thể giành lại ủng hộ của công chúng Nhật Bản cho việc tiếp tục hỗ trợ VN và chúng tôi không thể cam kết thêm các khoản tài trợ mới".

Nguồn ODA của Nhật Bản chủ yếu được tập trung cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển trong nước.

Ảnh hưởng uy tín

Quyết định của chính phủ Nhật Bản chắc chắn gây bối rối cho chính phủ Việt Nam, vốn đã bị cáo buộc là hành động quá chậm trước các cáo buộc tham nhũng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh nhận định rằng việc Nhật ngừng cấp ODA không có tác động xấu về ngân sách, mà ảnh hưởng hình ảnh.

“Tác động xấu và quan trọng nhất là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Một đối tác truyền thống, hết sức thân thiện và luôn luôn coi Việt Nam là đối tác có ưu tiên cao mà giờ lại ngừng cấp ODA đột ngột”.

Báo chí Nhật Bản đã phanh phui vụ hối lộ liên quan PCI cả nửa năm nay, và tòa án Tokyo đã xét xử bốn bị can là cựu quan chức công ty này về tội đưa hối lộ.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn tiếp tục điều tra và mới tuần trước, Đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng VN còn nói rằng "hiện vẫn chưa có gì cụ thể" trong vụ PCI.

Cho tới nay, mới chỉ có ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên phó giám đốc sở Giao thông Công chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố, bị tạm đình chỉ công tác phục vụ điều tra.

Ông Sỹ là người bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ.

Phát biểu tại phiên đầu tiên của Hội nghị các nhà tài trợ, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói: " Chính phủ Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để tăng tính hiệu quả của các dự án phát triển".

Tiếp xúc với thủ tướng Nhật Bản Taro Aso bên lề Hội nghị thượng đỉnh Apec cuối tháng 11, chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng hứa Việt Nam sẽ "xử lý nghiêm khắc" vụ PCI.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

Sai lầm của chế độ khi áp bức những nhà dân chủ

Thanh Quang, phóng viên RFA-Bangkok
2008-12-04

Chúng tôi được tin nhà dân chủ hàng đầu trong nước, TS Nguyễn Thanh Giang, tiếp tục làm việc căng thẳng với CA.

Vấn đề phát xuất từ việc ông Phạm Hồng Đức cùng ban biên tập với TS Nguyễn Thanh Giang trong tập san Tổ Quốc bị CA phát hiện tới lui nhà TS Nguyễn Thanh Giang và mang hàng trăm tờ báo này về Nghệ An, nên CA lập tức xét nhà ông hồi thứ Tư tuần rồi và thẩm tra ông cho tới giờ. Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, TS Nguyễn Thanh Giang cho biết:

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi phải thú thật là cách đây 2-3 hôm, CA đã khuyên tôi rằng trong lúc họ đang phỏng vấn, lấy cung như thế này thì tôi không nên trả lời phỏng vấn nước ngoài hay tiếp xúc với ai cả. Nhưng tôi cũng vượt rào và linh động để nói vài câu vắn gọn như thế này:

Image
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang

Mấy hôm nay tôi làm việc căng thẳng. Thí dụ như hôm kia, tôi phải hơn 10 giờ đêm mới về tới nhà, hôm qua hơn 11 giờ đêm mới về đến nhà. Nhưng không phải vì họ ép tôi làm việc như thế, mà tôi ép họ phải làm việc nhanh chóng để kết thúc việc này.

Sẵn sang đối chất trước tòa

Rồi nếu họ muốn đưa tôi ra toà, thì tôi đã nói là tôi sẵn sàng ra toà. Và khi tôi ra toà, thì là họ cạn tàu ráo máng với tôi, tôi cũng không có việc gì mà không cạn tàu ráo máng với họ. Tôi già rồi, đã ngoài 70 tuổi. Tôi mà ra toà, thì tôi sẽ tụt quần ra, chơi nhau với họ. Và tất cả những gì sai trái, bậy bạ của họ đối với đất nước, đối với dân tộc, với tôi, sẽ được công bố cho toàn thế giới biết.

Chỉ trừ họ bắn tôi ngay ở toà. Mà nếu họ bắn tôi tại toà thì tội lỗi đổ lên đầu họ, và lúc bấy giờ, những phát đạn của dư luận trong nước và trên thế giới sẽ nổ liên tục vào đầu của đảng CS Việt Nam.

Tôi nói với các anh là tôi muốn quên đi, nhưng khi nghĩ đến những chuyện này tôi không thể nào bình tĩnh được. Tôi vốn hiền hoà, hiền hoà với cả CA. Tôi rất thân ái với họ, với anh em. Nhưng tội lỗi này là do mấy cái anh chỉ đạo họ.

Thanh Quang: Thưa TS, phía cầm quyền có nói là họ hành động vì TS vi phạm pháp luật không ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi không vi phạm pháp luật, mà chính họ vi phạm pháp luật với tôi. Họ sống với tôi vô đạo, vô lễ. Tôi là người ngoài 70 tuổi rồi. Tôi đã tham gia kháng chiến và dạy học cho đến học trò của tôi, có nhiều người còn đi tham gia cách mạng trước Nông Đức Mạnh, trước Nguyễn Phú Trọng. Và suốt cả cuộc đời của tôi gian nan với cuộc cách mạng. Tôi đóng góp cho cuộc cách mạng không thể nhỏ hơn họ được.

Tôi đã tham gia kháng chiến và dạy học cho đến học trò của tôi, có nhiều người còn đi tham gia cách mạng trước Nông Đức Mạnh, trước Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng nay động một tí là họ xông vào nhà tôi, khám xét, vạch lá tìm sâu. Nhưng vạch mãi không thấy gì, mà thỉnh thoảng họ lần mò vào người tôi, vào nhà tôi như vậy.

Không còn đạo lý nào cả, cho nên tôi không thể nghe các lời khuyên, mặc dù mấy cậu CA đó làm việc họ nói chân tình, để họ đỡ khổ mà tôi cũng đỡ khổ.

Nhưng cung cách như thế này thì tôi không thể dung tha được. Họ muốn làm gì tôi thì họ làm.

Sai lầm là từ lãnh đạo, không oán trách công an

Thanh Quang: Thưa TS, những ngày sắp tới TS có phải tới CA nữa không, hay như thế nào ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Hôm nay chưa biết. Họ bảo để họ sắp xếp rồi sẽ gọi tôi hay không. Cũng phải nói thế này CA làm việc với tôi, nói chung, ôn tồn, lễ phép. Tôi cũng không chê trách gì mấy cậu CA đó. Tôi nói tôi thương các cậu, nhưng những chủ trương sai lầm làm khổ tôi và các cậu. Thái độ trân trọng ấy tôi cảm nhận ở họ.

Nhưng tôi sẽ quyết liệt với mấy anh lãnh đạo ngu dốt và dã man, sai các cậu CA làm mãi những công việc mà chính mấy cậu CA khám, lục soát nhà tôi, các cậu ấy cũng thấy khổ tâm và xấu hỗ.

Tôi sẽ quyết liệt với mấy anh lãnh đạo ngu dốt và dã man, sai các cậu CA làm mãi những công việc mà chính mấy cậu CA khám, lục soát nhà tôi, các cậu ấy cũng thấy khổ tâm và xấu hỗ.
Thanh Quang: Như TS đã cho biết là CA tịch thu cả tập giấy tờ tế nhị liên quan vấn đề tiền từ nước ngoài gởi về trợ giúp những nhà dân chủ, có mang bút tích xác nhận số tiền lãnh được của nhiều nhà dân chủ hay thân nhân. Thưa TS, hiện những nhà dân chủ này và gia đình có bị CA gây khó khăn gì không ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Dạ tôi cũng không biết. Nhưng mà ngoài những giấy tờ họ lấy được của tôi, rồi những lời khai của những anh em khác, nói rằng người này thì tôi cho máy tính…Thí dụ như hôm qua, CA đưa ra hàng loạt lời khai của anh em khác, như ông Nguyễn Mạnh Sơn ở Hải Phòng nói là tôi có cho ông ấy một bộ computer, rồi mấy triệu gì đấy; rồi ông Nguyễn Văn Tín thì bảo là có viết bài gởi cho báo Tổ Quốc, và báo Tổ Quốc đăng 10 bài chống nhà nước thì được tôi biếu ổng 4 triệu; rồi ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng khai là báo Tổ Quốc đã đăng bao nhiêu bài đấy, và được tôi biếu bao nhiêu triệu, bao nhiêu triệu đấy…CA đọc những lời khai như vậy.

Không chống đảng thì đảng đã đổ từ lâu rồi.

Tôi bảo tất cả những lời khai của anh em như vậy là đúng cả. Chỉ có điều là anh em hoặc bị ép cung hoặc sao đó mà họ nói mấy điều không đúng. Tôi xin cải chính.

Đường lối của đảng CSVN làm bao nhiêu tai họa cho đất nước, cho dân tộc tôi nên tôi chống nó. Cũng như ông Trần Đại Sơn đã nói nếu chúng tôi không chống đảng thì đảng đã đổ từ lâu rồi.
Thứ nhất là tôi không có trả nhuận bút, và cũng không có tiền để trả nhuận bút. Những khỏan tiền đó là tôi thương anh em, họ nghèo khổ. Chứ người giàu có mà viết thì không được đồng nào đâu.

Còn anh em nghèo khổ thì tôi có khỏan tiền nào đấy của bà con ở trong nước cũng như ngoài nước ủng hộ cho báo, tôi chia cho anh em. Và nếu chia không đủ, tôi rút tiền túi biếu anh em.

Thứ hai, anh em nói rằng những bài viết như vậy là chống nhà nước thì tôi nói là anh em bị họ ép cung sao đó nên họ nói không đúng. Tôi cải chính : Những bài ấy không phải là những bài chống nhà nước. Cũng như tôi, tôi đã nói là tôi không chống đảng, không chống chủ nghĩa Mác, không chống nhà nước.

Nhưng tôi chống kịch liệt những sai trái của chủ nghĩa Mác, tôi chống kịch liệt những cái sai của đảng CSVN. Vì những sai lầm đấy mà đất nước đau khổ, xương rơi, máu đổ. Và VN bây giờ vẫn còn tụt hậu xa so với thế giới. Chủ trương, đường lối của đảng CSVN làm bao nhiêu tai họa cho đất nước, cho dân tộc tôi nên tôi chống nó. Cũng như ông Trần Đại Sơn đã nói nếu chúng tôi không chống đảng thì đảng đã đổ từ lâu rồi.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

06 Tháng 12 2008 - Cập nhật 01h46 GMT

Sự cố ODA ảnh hưởng nhiều dự án

Nhiều dự án hạ tầng lớn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sau quyết định ngừng cấp ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư VN Võ Hồng Phúc nói với báo giới sau hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ CG hôm thứ Sáu 5/12 rằng ba dự án mà Nhật Bản chuẩn bị cam kết cho vay vốn là Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Dự án vệ sinh môi trường Hải Phòng và Dự án tàu điện ngầm Hà Nội nay chưa có vốn.

Nhiều dự án giao thông và nông thôn sử dụng vốn ODA của Nhật nay cũng bị cắt vốn, lớn nhất là Dự án đại lộ Đông Tây và cải tạo môi trường nước TP Hồ Chí Minh.

Hôm thứ Năm, đại sứ Nhật tại Việt Nam Mitsuo Sakaba thông báo chính phủ nước này sẽ ngừng cấp mới ODA cho năm tới và đóng băng khoản vốn vay đã cam kết trong năm nay.

Thiếu Nhật Bản, tổng lượng viện trợ phát triển các nước cam kết cho Việt Nam năm 2009 giảm 8% so với năm 2008, ở mức 5 tỷ đôla.

Bên cạnh Nhật, châu Âu cũng giảm cam kết năm nay so với năm ngoái khoảng 70 triệu đôla, còn 893,4 triệu đôla.

Bộ trưởng Phúc nói: "Nếu không có sự cố (Nhật Bản ngừng cấp viện), cam kết ODA dành cho Việt Nam năm 2009 có thể vượt 6 tỷ đôla".

Giải quyết sớm

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Phúc bày tỏ hy vọng hai bên sẽ giải quyết sớm các cản trở và có thể "ký kết công hàm về ODA cho Việt Nam vào đầu năm 2009".

Điều đó có nghĩa, vụ cáo buộc tham nhũng liên quan Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) sẽ phải sáng tỏ trong thời gian tới, vì Tokyo đã đặt điều kiện này cho việc cam kết cấp viện của mình.

Từ khi bê bối vỡ lở, người Nhật đã xử lý ráo riết các quan chức Nhật sai phạm.

Phía Việt Nam, quá trình điều tra vẫn còn tiếp tục, và ông bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư từ chối bình luận gì thêm với lý do "Những công việc này do Bộ Công an thực hiện, tôi không có nhiều thông tin".

Ông cũng cho hay "Việt Nam đã gửi công hàm sang Nhật đề nghị trao đổi và cung cấp thêm thông tin".

Bộ trưởng Phúc đánh giá dù có "sự cố", hội nghị CG lần này vẫn thành công.

Được biết đại sứ Nhật Sakaba đã rời hội nghị ngay buổi sáng chứ không chờ tới khi buổi họp chính thức kết thúc.

Báo chí VN vừa đưa tin trấn an rằng tuy ngừng ODA, tức vốn vay ưu đãi, Nhật Bản vẫn giữ hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Tuy nhiên khác với một số nước như Anh quốc, hoàn toàn là viện trợ không hoàn lại, 90% viện trợ của Nhật Bản là ODA cho vay lãi suất thấp.

Giới chuyên gia nhận định, giảm nguồn vốn chỉ là một khía cạnh trong quyết định của Nhật Bản. Ảnh hưởng xấu nhất và nghiêm trọng nhất là uy tín của Việt Nam.

UBND TP HCM nói gì?

Trong khi đó, trong phiên bế mạc cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP HCM hôm thứ Sáu, phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài đã trả lời thắc mắc của các đại biểu.

Ông Tài là người được phân công trực tiếp làm việc với phía Nhật và đã tiếp xúc với bên Nhật "đến 8 - 9 lần” trong vụ này.

Theo ông phó chủ tịch, trong những lần làm việc đó, ông đã nói với phía Nhật Bản: "Nếu các bạn cho rằng PCI hối lộ cho quan chức, vậy thì hãy đưa bằng chứng, chúng tôi xử liền, chứ nói không không được”.

Báo Thanh Niên tường thuật rằng cũng theo ông, "cho đến giờ phút này, phía Nhật Bản cũng không đưa ra được chứng cứ" và quyết định tạm đình chỉ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, phó giám đốc Sở Giao thông Công chính, cũng chỉ là vì bên Nhật đã xử quan chức PCI nên VN phải cân nhắc.

Ông Nguyễn Thành Tài cũng giải thích sở dĩ không cung cấp tin cho báo chí vì phía Nhật Bản đề nghị.

"Chúng ta cam kết và thực hiện điều đó, không công bố cho báo chí. Thậm chí trên một diễn đàn HĐND TP tôi đã đề nghị báo chí không nói vụ này."

Thế nhưng tại Nhật, thông tin đã được "tung đầy lên mạng".

Báo chí Nhật đã bắt đầu đưa tin về cáo buộc PCI từ giữa năm nay.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tin Việt Nam

Post by uncle_vinh »

16 Tháng 12 2008 - Cập nhật 11h00 GMT

Không thay đổi sẽ còn tụt hậu

Ngân hàng Thế giới tức World Bank nói người Việt Nam còn thua về thu nhập cá nhân tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Tuy nhiên nếu tính thu nhập bình quân bằng đôla Mỹ thì Việt Nam chỉ cần 15 năm là đuổi kịp Indonesia, 22 để bắt kịp Thái Lan và 63 năm với Singapore.

Báo cáo 'Vietnam Development Report 2009' ra 4-5/12 tại Hà Nội đánh giá các lĩnh vực kinh tế, cơ cấu vốn, mô hình phát triển của Việt Nam trong hơn 10 năm qua và nói nước này vẫn "cạnh tranh kém", dù có tăng trưởng cao.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2009 cho biết hầu hết các tiêu chí cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam đều dưới trung bình, không vượt quá năm điểm.

Nhưng dù có chịu tác động bên ngoài, tương lai Việt Nam những năm tới tùy thuộc hoàn toàn vào "các quyết định về chính sách kinh tế".

Không cải thiện gì

Báo cáo trích ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói ba năm qua gần như không có cải thiện trong việc thực hiện năm tiêu chí: vốn, đào tạo lao động, đất đai, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng.

Ngân hàng Thế giới tin rằng Cải cách hành chính công nếu thành công sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được từ 800 triệu đến 1.3 tỉ USD.

Giới cấp viện cũng thừa nhận rằng việc đánh giá tác dụng của viện trợ nước ngoài cho Việt Nam là "khó khăn", nhất là trong các dự án cụ thể.

Điều không thuận lợi cho Việt Nam, tính từ cuối 2008, là thế giới bên ngoài đang ngày càng trở nên "khó đoán trước" (uncertain).

Không chỉ Ngân hàng Thế giới mà giới chuyên gia gần đây cũng cho rằng lạm phát cao, xuất khẩu giảm và các vụ tham nhũng, thất thoát đầu tư khiến bức tranh kinh tế Việt Nam tới đây không sáng sủa.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng tâm lý muốn co cụm, hoặc đảo ngược quá trình hội nhập quốc tế là "một sai lầm" và khuyến khích Việt Nam tiếp tục hội nhập.

Với thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt đôla Việt Nam còn thua xa Indonesia (1918 USD) Thái Lan (3850 USD), và Singapore (35163 USD).

Lấy chỉ số tăng thu nhập trung bình căn cứ vào giá mua hàng từ 2001-2007 so với con số tương tương ứng của ba nước này, thời gian để Việt Nam đuổi kịp các họ đó là hơn nửa thế kỷ đến một thế kỷ rưỡi.

Nhưng nếu lấy chỉ số thu nhập bình quân tính bằng đồng đôla Mỹ thì Việt Nam chỉ cần 15 năm là đuổi kịp Indonesia, 22 để bắt kịp Thái Lan và 63 năm với Singapore.

Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi liệu Việt Nam sẽ đi theo số phận của Liên Xô cũ hoặc thành công như Mauritius, một quốc gia nhỏ bé đã cải tổ thắng lợi.
Post Reply