Những Thức Ăn -Vị Thuốc Trong Dinh Dưỡng

Post Reply
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Những Thức Ăn -Vị Thuốc Trong Dinh Dưỡng

Post by dhth »

Những Thức Ăn -Vị Thuốc Trong Dinh Dưỡng Hiện Tại

Khi bị cảm, có thể ăn canh gà giải cảm; nếu bị say sóng hay say tàu xe, chỉ cần nhai lát gừng là đỡ hẳn... Đôi khi, những kinh nghiệm và mẹo vặt trong văn hóa ẩm thực cũng có tác dụng chữa bệnh.

Một số loại thức ăn chữa bệnh "tân thời":

1. Canh gà
Năm 1993, bác sĩ Stephen Rennard đã nghiên cứu tác dụng của món canh gà trên quy mô nhỏ ở phòng thí nghiệm. Mãi 7 năm sau, kết quả nghiên cứu của ông mới được đăng tải trên báo Chest (của Viện các bác sĩ chuyên về bệnh lồng ngực Mỹ). Theo Rennard, canh gà (chicken soup), dù được nấu ở nhà hay đóng hộp sẵn ở siêu thị, đều có tác dụng ức chế hoặc giảm tính di động của bạch cầu trung tính (có chức năng bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng). Canh gà còn có tác dụng cải thiện khả năng bù nước và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, đem lại cho người ăn sự thoải mái về tâm lý và thể chất khi đang bệnh.

2. Nước cam vắt và chuối
Theo chuyên viên tiết thực Melinda Hemmelgarn thuộc Trung tâm Truyền thông Dinh dưỡng Đại học Missouri (Mỹ), nước cam vắt cung cấp cả kali và canxi nên có tác dụng hạ huyết áp. Nếu là sản phẩm công nghiệp, nên chọn loại nước cam vắt có tăng cường canxi. Chuối cũng đem lại rất nhiều kali. Vì vậy những ai có huyết áp hơi cao nên ăn mỗi ngày 1 quả cam hoặc chuối.

3. Nho đỏ (hay tím sẫm)

Có tác dụng bổ tim và sát trùng đường tiểu. Việc uống 1 ly nước ép nho đỏ hay tím sẫm nguyên chất mỗi ngày sẽ rất tốt cho chức năng tim. Nước ép nho đỏ vừa ảnh hưởng trực tiếp lên phản ứng đông máu vừa làm tăng nồng độ các chất kháng oxy hóa và làm giảm các gốc tự do trong hệ tim mạch. So với nước ép bưởi, cam, cà chua và táo, nước ép nho đỏ có hoạt tính kháng oxy hóa mạnh gấp 3 lần.

4. Nước ép quả nam việt quất (Cranberry juice)
Giúp sát trùng đường tiểu. Dùng một ly nước ép quả nam việt quất hay 30 g trái khô mỗi ngày sẽ giúp thanh toán các chứng này. Các hoạt chất trong quả nam việt quất có tác dụng ngăn cản vi khuẩn xâm phạm lớp niêm mạc lót hệ thống ống dẫn đường tiểu.

5. Những loại quả có màu tím và mọng

Việt quất (Blueberries) có màu tím như sim, tốt cho những ai bị nổi gân (tĩnh mạch) xanh dưới da. Theo bác sĩ Luis Navarro, Giám đốc Trung tâm Trị liệu Tĩnh mạch ở New York, việt quất tốt cho hệ tuần hoàn vì chứa các chất flavonoid. Đó là những hoạt chất giúp cho thành tĩnh mạch thêm vững chắc và các mao quản bớt rạn nứt. Các sắc tố có tên proanthocyanidin và anthocyanidin (đem lại màu xanh tím đặc trưng cho các loại trái này) giúp tăng cường tính bền chắc cho hệ thống mạch máu.

Đối với người già, các nhà khoa học khuyên ăn nhiều rau xanh để tránh thoái hoá điểm vàng (nguyên nhân gây mù loà không thể hồi phục). Lutein (hoạt chất chủ yếu trong các loại rau lá xanh đậm) rất có lợi cho mắt vì có tác dụng như một màng lọc ánh sáng, giúp mắt không bị các tia nắng làm tổn thương. Nó cũng có tính kháng oxy hóa, tránh cho mắt khỏi các tổn thương do quá trình lão hóa. Cơ thể không có khả năng sản xuất lutein nên con người phải ăn nhiều thực phẩm giàu chất này hoặc bổ sung bằng thuốc.

Còn những người hay bị đau nửa đầu nên tránh các sản phẩm từ sữa, chocolate, trứng, các loại quả có múi, tép, thịt, lúa mì, các quả hạch, lạc, cà chua, hành tây, bắp, táo và chuối.

Theo bác sĩ Neal Barnard (tác giả cuốn Thức ăn chống đau), với chứng đau nửa đầu, có khi chính những thức ăn được xem là "thủ phạm" gây đau kể trên lại làm bệnh nhân bớt nhức đầu. Chẳng hạn, chất caffeine có thể khiến một số người nhức đầu khi uống vào, nhưng một số người khác đang nhức đầu nếu uống vào sẽ bớt hẳn. Các thức ăn giàu tinh bột như bánh mì nướng, bánh quy và khoai tây cũng có thể làm giảm nhức đầu hay buồn nôn, thậm chí rút ngắn hẳn cơn đau nửa đầu.

Trích từ Net.
User avatar
AnhTien_CN17
Posts: 118
Joined: 01 Nov 05, Tue, 5:55 am
Location: Viet Nam

Post by AnhTien_CN17 »

Rất cám ơn DHTH,

Xin huynh sưu tấm thêm những thực phẩm , những món cổ truyền của VN là gừng, hành , tỏi, giềng , v . v. .

Tôi kimh nghiệm còn ít , hiểu biết qua loa , xin huynh giúp cho một số kinh nghiệm , cũng như giới thiệu các địa chỉ Web.

Mong được sự chỉ giáo .

T,dbq.
User avatar
AnhTien_CN17
Posts: 118
Joined: 01 Nov 05, Tue, 5:55 am
Location: Viet Nam

Post by AnhTien_CN17 »

Những bài thuốc từ cây chanh

Chanh là một cây trồng cho quả rất phổ biến, có nhiều loại: chanh giấy, chanh tứ thời, chanh núm, chanh miền nam, chanh đào… trong đó, chanh giấy là điển hình, có quả tròn, vỏ mỏng, nhiều nước và chua gắt. Dịch quả chanh pha với nước đường là thức uống giải khát rất thông dụng. Những lát chanh mỏng dùng đắp mặt làm da dẻ phụ nữ thêm mịn màng, tươi tắn. Về mặt y học, hầu hết các bộ phận của cây chanh đều là những vị thuốc tốt trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.

Rễ chanh

Rễ nhỏ dùng cả, rễ to chỉ lấy vỏ, có vị đắng, tính ôn, có tác dụng chỉ khái, bình suyễn, hành khí, chỉ thống.

Chữa ho: Rễ chanh 10g, vỏ rễ dâu hoặc tầm gửi cây dâu 10g, lá trắc bá 8g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày.

Chữa ho gà: Rễ chanh 12g, lá chua me đất hoa vàng 10g, lá hẹ 8g, lá xương sông 8g, hạt mướp đắng 5g, phèn phi 2g, sắc lấy nước đặc thêm đường uống.

Chữa đau răng, sâu răng: Rễ chanh 10g, rễ cây cà dại 10g, vỏ cây lai 10g, vỏ cây trám 10g. Sắc lấy nước đặc, ngậm trong 10-15 phút, rồi nhổ nước.

Chữa rắn cắn: Rễ chanh 8g, hạt chanh 4g, gừng 2g, phèn chua 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi, lọc kỹ, uống làm hai lần, cách nhau 2 giờ.

Lá chanh
Chứa tinh dầu, có vị cay, ngọt, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, chỉ khái sát khuẩn.

Chữa cảm, cúm, nhức đầu: Lá chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 50g, bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả dùng tươi cho vào nồi nấu với nước đến sôi, rồi xông cho ra mồ hôi.

Chữa mụn rò lâu ngày có mủ: Lá chanh, lá gai tầm xọng, hoặc lá bưởi bung, tinh tre, phơi khô, tán bột, rây bột mịn, rắc hàng ngày.

Chữa ho gà: Lá chanh 4g, lá táo 4g, rễ cỏ gà 4g, vỏ quýt 1g, vỏ trứng gà 1 quả, sắc uống làm một lần trong ngày.

Quả chanh

Có vị chua, ngọt, tính bình.

Vỏ quả: Chứa pectin, pectat Ca và hợp chất flavonoid (hesperidin, naringin), có tác dụng kích thích tiêu hóa, gây trung tiện chữa đầy bụng (phối hợp với hương phụ, đương quy), nôn mửa, ho nhiều đờm (với bán hạ, trúc lịch). Liều dùng hàng ngày: 5-10g vỏ phơi khô dưới dạng nước sắc. Để chữa sốt cao, co giật ở trẻ em, lấy vỏ quả chanh giã nhỏ, gói vào vải sạch, xoa miết khắp người như kiểu đánh gió; kết hợp uống nhiều nước dịch chanh. Chất pectin ở phần xốp trắng của mặt trong vỏ quả có tác dụng cầm máu, chống tiêu chảy, thường phối hợp với kaolin. Vỏ quả chanh còn là nguyên liệu để sản xuất tinh dầu.

Tinh dầu: Tinh dầu lấy được bằng cách ép có mùi thơm đặc trưng của chanh tươi. Tinh dầu chanh phải có ít nhất 3% hàm lượng citral mới là tinh dầu dược dụng. Tinh dầu chanh kích thích nhẹ đường tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột, đẩy mạnh sự phân tiết dịch tiêu hóa giúp bài hơi và có tác dụng khử đờm. Dung dịch chế từ tinh dầu chanh (1 phần) với nước (10 phần) dùng xoa bóp lên da hoặc dùng tinh dầu chanh làm chất phụ gia cho vào nước tắm để chữa chứng hay hoảng hốt, sợ hãi, trầm uất. Mùi thơm của tinh dầu chanh dưới dạng phun sương làm tỷ lệ sai sót trong đánh máy chỉ giảm 54%. Hỗn hợp của tinh dầu chanh và tinh dầu bạc hà làm cho con người làm việc tập trung hơn.

Dịch chanh: Chứa 6,56-7,84% acid citric 0,26-4,13% đường toàn phần, protein, dầu béo, muối khoáng, vitamin B1, C.

Về mặt mỹ phẩm, dịch chanh (5-10 giọt) đánh nhuyễn với lòng trắng trứng gà (1 quả) bôi lên mặt sẽ làm mất nếp nhăn trên da. Dịch chanh trộn với nước ép quả dâu tây, dùng chải tóc và bôi lên da đầu, sau gội sạch để tẩy chất nhờn trên tóc.

Về mặt y học, dịch chanh có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, cầm máu chữa cảm sốt, bệnh Scorbut (bệnh thiếu vitamin C): Khi bị viêm họng, ho nhiều, lấy chanh ngậm với ít muối, nuốt nước dần dần. Chỉ cần 2 thìa súp dịch chanh hòa vào một lít nước uống đủ để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Dịch chanh còn là nguyên liệu để chế acid citric.
Dùng ngoài, dịch chanh (nửa thìa cà phê) hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà giã nhỏ 10g, dùng bôi chữa hắc lào, lở chốc.

Hạt chanh

Chứa dầu béo và chất đắng lemonin

Chữa táo bón: Lấy hạt chanh vừa tách khỏi múi quả 10-20g ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ, chất nhầy bao quanh hạt sẽ nở và lan ra cho một dung dịch đặc sánh, thêm đường mà uống.

Chữa ho lâu ngày: Hạt chanh 10g, hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, mật gà đen 1 cái, dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Chữa ho, viêm cuống phổi, mất tiếng nhất là ở trẻ nhỏ: lấy hạt chanh 10g, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, nước 200ml. Các dược liệu được nghiền nát với nước, thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 2-3 lần trong ngày. Dùng vài ngày.

Chữa rắn cắn: Hạt chanh 15g, mướp đắng 10 hạt, củ gấu 20g, rễ thạch xương bồ 12g, muối ăn (vài hạt). Tất cả để tươi, giã nhỏ, ngâm với 300ml nước sôi trong 10 phút, khuấy đều rồi chắt hoặc lọc. Người lớn uống làm hai lần cách nhau 20 phút. Trẻ em dưới 15 tuổi, uống 1/4-1/3 liều người lớn (kinh nghiệm của nhân dân ở xã Khánh Lâm, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Chữa ngộ độc: Hạt chanh 10g, phèn chua 2g, gừng 2g, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống làm một lần.
Để tận dụng các giá trị của quả chanh và để có chanh ăn quanh năm, ta có thể bảo quản chanh theo những cách sau đây:

Làm cao chanh: Vắt lấy dịch chanh, lọc qua vải màn để loại bỏ hạt và tép, đem đổ vào đĩa (nếu số lượng ít) hoặc khay men (nếu số lượng nhiều) thành một lớp mỏng để làm tăng diện tích bốc hơi. Đem phơi nắng cho đến khi được một chất đặc như keo và có màu xám đen.

Dùng hóa chất: Đem dịch chanh đã loại bỏ hạt và tép, hòa với aspirin tán nhỏ (cứ 1 lít dịch chanh cho 3-5 viên). Hoặc đổ dịch chanh vào chai cho đầy, trên mặt đổ một lớp mỏng dầu parafin (mục đích để ngăn không cho dịch chanh tiếp xúc với không khí). Cũng có thể dùng cồn 90o hòa vào dịch chanh với tỷ lệ 60g trong 1 lít. Hoặc dùng acid benzoic, sulfur dioxyd…

Muối chanh: Quả chanh (loại vỏ mỏng, nhiều nước) để cả cuống, lau sạch, xếp úp vào vại, đặt một cái vỉ lên trên để khi đổ nước vào, chanh khỏi nổi. Đun nước muối thật mặn, để nguội, đổ vào chanh cho ngập.

Chanh ướp đường: Quả chanh rửa sạch, để ráo nước, đem trộn với đường kính với tỷ lệ 1/1, cứ một lớp chanh lại một lớp đường (như ngâm quả dâu, quả mơ).

DS. Đỗ Huy Bích (Tạp chí Sức Khỏe & Đời Sống)
dbaq
Post Reply