ANH HAI PHÚC

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

ANH HAI PHÚC

Post by maixuanthanh »

ANH HAI PHÚC

Sau khi “cách mạng” thành công danh xưng “ông” gần như biến mất. Có người bỡ ngỡ, hỏi tại sao ai cũng được gọi là anh dù chức vụ cao cỡ nào thì được các ông có chức giải thích thời mới văn hóa mới hủy bỏ thái độ quỵ lụy sợ hãi đối với bọn chức quyền nên gọi là anh thay vì ông. Kèm theo tên là thứ bậc trong gia đình cho ra vẻ thân mật. Vì thế bí thư đảng ủy, quyền hành cao nhất là anh Ba Trạng, quản đốc hầm đá là anh Tám Côn, phó giám đốc là anh Năm Trắc …. Giám đốc cũng gọi anh luôn, anh Hai Phúc. Trong tất cả các cơ quan và đơn vị, quân cũng như dân sự, đảng ủy đứng đầu là bí thư có quyền hành cao nhất. Ở nhà máy này giám đốc có nhiệm vụ điều hành công tác sản xuất, những công việc liên quan đến chính sách là trách nhiệm của bí thư đảng ủy.
Cũng như thời VNCH, mỗi buổi sáng thời mới cũng họp tất cả trưởng sở (quản đốc) và kỹ sư để bàn công tác do giám đốc nhà máy chủ trì (xưa gọi là chủ tọa). Phiên họp này không có đảng ủy tham dự. Đặc biệt là từ giám đốc, quản đốc và kỹ sư mới đều là dân hồi kết dù có vài người nói giọng Bắc, có lẽ thời ở ngoài đó đã cố sửa giọng cho giống người ta. Khác biệt hơn nữa là mấy quan đốc rất tiết kiệm lời nói, hạn chế phát biểu, nhận xét về kỹ thuật chuyên môn chỉ ba hoa về tính ưu việt của chế độ mới mà thôi. Chỉ cần làm việc vài tháng là kỹ sư lưu dung như Vĩnh đã “biết người biết ta” thấy mình cũng nên nói những điều cần thiết để tránh vi phạm chính sách có thể bị chụp mũ. Vì thế họp hành rất tẻ nhạt và không kéo dài, họp cho có nhưng đôi khi cũng ồn ào bát nháo không phải vì bàn công tác mà chỉ vì nói dóc bị sửa lưng. Công việc không được giải quyết trong phiên họp mà ở “hành lang”, vì gần như mỗi ngày anh Hai Phúc giữ một kỹ sư lưu dung nán lại để “chỉ thị” thêm. Anh dư biết là kỹ sư “cách mạng”, hầu hết là đảng viên, không muốn thấy kỹ sư lưu dung còn hiện diện dù thiếu họ nhà máy khó duy trì hoạt động sản xuất nên luôn tìm cách hãm hại. Bổn phận của Hai Phúc là giữ vững sản xuất nên không thể mặc cho đám kỹ sư mới “múa gậy vườn hoang”. Trong phiên họp hàng ngày kỹ sư lưu dung ngại phát biểu thì sẽ “trao đổi” riêng khi cùng giám đốc tản bộ ở hành lang để xuống cơ sở. Đây là bản lãnh của Hai Phúc, chứng tỏ anh là người hiểu biết và khôn ngoan.
Lý lịch của cán bộ mới thường ít được phổ biến. Phòng tổ chức là nơi lưu trữ hồ sơ công nhân viên do người mới phụ trách vói sự phò tá của một ít người cũ đáng tin cậy là thân nhân “cách mạng” nhưng đảng ủy không ngờ tin tức cũng bị rò rỉ từ phòng này. “Chủ mới” của nhà máy rỉ tai nhau anh Hai Phúc không phải là đảng viên. Khi còn ở ngòai Bắc thì có, nhưng hồi kết vào làm giám đốc nhà máy này anh đã bị tước đảng tịch vì khai gian lý lịch. Trước năm 1954 anh Hai Phúc làm thợ điện cho hãng giày Bata ở Saigon, hoạt động nội thành. Khi tập kết ra Bắc anh dẫn theo một cậu con trai 7 tuổi. Anh được bố trí làm thợ điện cho nhà máy xi măng Hải Phòng, con của anh được đi học trường đặc biệt dành cho con cái cán bộ, sau này gia nhập bộ đội trở thành sĩ quan của đội phòng không Hà Nội. Nhờ phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong công tác anh được cử đi học kỹ sư cơ khí ở Liên Xô. Trong phòng làm việc của giám đốc có treo một bằng kỹ sư điện rất “hoành tráng” của trường đại học bách khoa Mạc Tư Khoa. Ngày ra đi có hai cha con và ngày hồi kết cũng hai người. Anh Hai Phúc và đứa con trai 9 tuổi, có với người vợ thứ hai trên đất Bắc. Cậu bé này giống anh như đúc, từ khuôn mặt đến dáng người, chính là đề tài khiến anh bị đảng ủy “đấu” kịch liệt với kết quả là anh bị khai trừ khỏi đảng. Ai nghe chuyện cũng biết bí thư đảng ủy Ba Trạng là người ra quyết định sau cùng nhưng dù lão ta miệng “có gang có thép” thế nào thì những kỹ sư đảng viên từng công tác với Hai Phúc ở nhà máy xi măng Hải Phòng cũng phải làm gì đó để bênh vực cho anh chứ, dù gì cũng là đồng liêu ở một cơ quan, “xi măng con rồng” ở xứ Bắc rồi “xi măng Kỳ Lân” ở Hà Tiên, và cũng là đồng chí chung lý tưởng đã cùng bỏ lại gia đình gia đình thân yêu ở miền Nam để ra đi không hẹn ngày trở lại. Tình thân và lòng tự trọng có còn sót lại chút nào trong tâm tư của những cán bộ xã nghĩa này không. Câu trả lời chắc là không. Hai thứ này đều là của hiếm, Vĩnh biết rõ như thế vì chàng là người Bắc di cư, sau ngày đổi đời đã chứng kiến biết bao cảnh đau lòng khi thân nhân hai miền Nam Bắc tái ngộ. Xin kể thêm một chuyện nhỏ để thấy con người sống hai mươi năm xã nghĩa đã biến hình thế nào. Vĩnh có người bà con là ông Luân khi di cư có vợ và con gái bị du kích bắt lại. Khi đó ai mà biết được sẽ có ngày cả nước bị nhuộm đỏ nên sau đó ông lập gia đình khác. Ông là công chức bà buôn bán không có con nên rất khá giả. Để nhớ về người vợ đầu, trong phòng khách tư gia ông treo ba bức hình lớn lộng khung rất đẹp, hình ông ở giữa, hai bà ở hai bên. Bà vợ hai vui vẻ chấp nhận sự bài trí này. Sau năm 1975 ít lâu bà vợ Bắc gởi thư cho ông, không phải thư thăm hỏi mà là tối hậu thư bắt buộc ông phải bán xới hết nhà cửa, bất động sản rồi một mình trở về Bắc. Ông đã hồi âm giải bày hơn thiệt, cho biết là không thể hồi hương và mời bà và con cháu vào Nam sinh sống ông sẽ bảo bọc chu toàn. Bà vợ cả không nghe còn nặng nhẹ đủ điều, sau đó là nhiều sứ giả được phái vào Nam, đầu tiên là con gái rồi lần lượt đến hai cháu ngoại lớn, không phải là thăm vì tình Bố con và Ông cháu đã nhiều năm xa cách mà đến với yêu cầu “chia của” một cách quyết liệt và trâng tráo. Là công chức của phe thua cuộc và vì tình thân ông Luân đã phải cho hết những thứ ông có thể. Ngoài những món nhẹ như áo quần, đồ gia dụng những thứ nặng nề như xe gắn máy, máy may, tủ lạnh, máy giặt, truyền hình, radio … con gái và cháu ngoại cũng “vơ, vét, về”. Mỗi lần vào một đứa, máy xe không còn thì ông phải mua để không làm phật lòng con cháu. Tụi nó không ngần ngại đòi hỏi và hăm dọa rất trắng trợn. Chuyến trở về Bắc nào cũng có “hợp đồng” với xe bộ đội, chứng tỏ đã có chuẩn bị từ trước. Đến lượt cháu gái thứ ba vào Nam thì ông bà Luân chỉ còn căn nhà trống với ít đồ đạc. Con bé này là cháu ngoại út lấy chồng sĩ quan phi công được điều vào Nam, ở cư xá trong phi trường không xa nhà ông Luân. Biết là nhà ông ngoại chẳng còn món gì đáng tiền vì mẹ và các anh đã vét hết rồi nên nó không thèm ghé nhà thăm, chỉ vài ngày một lần đạp xe ngang nhà ông Luân liếc mắt nhìn vào nếu không thấy ai thì ghé nhà gần đó hỏi xem ông già nhà số 4 đã chết chưa. Vĩnh không biết nếu ông Luân qua đời lúc đó thì cháu ngọai của ông sẽ làm gì để cướp nốt ngôi nhà còn lại. Tội nghiệp cho ông, đã chịu đựng đau khổ cho đến khi lìa đời thay vì được hưởng hạnh phúc của ngày đoàn viên. Tình thân gia đình còn như thế thì nói chi đến tình đồng chí.
Năm 1977, nước xã hội chủ nghĩa anh em “Mê-hí-cồ” gởi tặng công nghiệp xi măng Việt Nam một số xe chở đá trọng tải 6 tấn. Xe tải đã về đến cảng Hải phòng. Xi măng Hà Tiên được chia phần 4 chiếc, phải cử tài xế ra Bắc để lái về Hà Tiên. Anh Hai Phúc cử người đi đường bộ ra Hải Phòng tiếp nhận, phái đoàn gồm hai kỹ sư làm trưởng và phó đoàn, 5 tài xế, 1 thợ máy giỏi được tín nhiệm như trưởng xa xưởng, và 1 bảo vệ có vũ khí. Không biết tâm trạng của anh em trong đoàn ra sao nhưng chuẩn bị cho chuyến ra Bắc rất kỹ. Ngoài hành lý, dụng cụ sửa xe anh em lái xe còn mang theo một can rượu đế chánh hiệu để “bồi dưỡng” ở những trạm nghỉ. Chuyến đi này đã kể trong bài “Anh Ba Lến”, chỉ xin tiếp đoạn chót liên quan đến phở “không người lái”. Cuộc chiến tàn đã mấy năm, trong “tự điển” dân gian cụm từ này càng ngày càng phổ biến. Nội dung câu chuyện là ăn phở ở Saìgon còn có chút thịt rồi ít dần theo con đường cái quan ra Bắc. Qua khỏi Đồng Hới thịt biến mất nên bát phở trở thành “không người lái”. Chuyện kể cho vui ở xa xưởng khi phái đoàn trở về được quá nhiều người nghe và truyền tụng và kẻ ồn ào nhất là Ba Lến, tổ trưởng lái xe là nhân vật đang lên vì có em trai là cán bộ hồi kết. Vì có quần chúng nhân dân phản ảnh, báo cáo cho chính quyền địa phương nên từ truyện cười chơi trở thành trò bôi bác, nói xấu “cách mạng” nên công an thị trấn phải trấn áp. Xe công an vào nhà máy để tóm cổ kẻ phản động. Nạn nhân không phải là Ba Lến hay tài xế nào khác mà là Già Thanh, một cựu trưởng toán thợ máy lớn tuổi, tín đồ Công giáo thuần thành từng là nhân vật có uy tín của giáo xứ Kiên Lương. Chuyện công an vào nhà máy bắt người được Hải kể lại vì khi công an đến anh Hai Phúc đang làm việc với đoàn thanh niên. Theo Hải, giám đốc nhà máy đã giải quyết rất hợp tình họp lý, không để cho chuyện bé xé ra to khi giải thích cho phe công an hiểu từ chuyện kể vui cười không có ý đồ gì đem gán cho tín đồ Thiên chúa giáo âm mưu phản động là bất lợi cho chính sách của đảng đang xoa dịu dân chúng. Mấy tên công an với khí thế ngất trời của “mũi xung kích cách mạng” đành tiu nghỉu ra về tay không. Hai Phúc dặn Hải không kể cho ai nghe đặc biệt là ông Thanh để khỏi gây hoang mang nhưng Hải cũng kể cho Vĩnh và Ba Lến nghe trong một buổi ngồi uống cà phê tay ba ở chợ Tròn.
Bộ phận quan trọng của nhà máy, ảnh hưởng rất lớn đến năng xuất là tu bổ. Có hai phân xưởng (trước gọi là sở) cơ khí và điện. Trước khi tiếp thu, chánh sở tu bổ điện là kỹ sư Thu, trưởng xưởng điện là kỹ sư Minh. Cả hai đều bị tù cải tạo rất lâu, Thu 8 năm còn Minh 7 năm. Ngồi vào ghế của KS Thu là quản đốc Ba Hùng, thợ điện được đi học chuyên tu kỹ sư điện ở Bungary. Thay thế KS Minh là một cán sự điện thời trước, được chọn vì có gia đình “cách mạng”. Phân xưởng cơ khí có quản đốc mới là Bảy Phi, thợ máy bậc 7 được phong kỹ sư cơ khí tại chức. Khi Vĩnh trở về nhà máy phải trở lại công việc ở cơ xưởng còn xa xưởng kỹ sư Thọ vẫn làm việc nhưng không còn nắm chức vụ trưởng xa xưởng. Như vậy, phân xưởng cơ khí vẫn còn hai kỹ sư lưu dung để công tác chạy đều như cũ. Quản đốc Bảy Phi, đảng viên, chỉ có nhiệm vụ ký giấy tờ. Chỉ có ký tên thôi, ít khi viết phê duyệt vì chữ viết của anh Bảy ngoằn nghèo như gà bới, còn khi ký tên thì phải méo miệng để vận công. Kể rõ như thế để thấy sự “khoan hồng” của “cách mạng” là hành động có tính toán kỹ lưỡng để nhà máy có thể tiếp tục hoạt động. So với tất cả cán bộ kỹ thuật mới hồi kết anh Hai Phúc là người có nhiều điểm khác biệt, lùn nhất nhưng anh có khuôn mặt sáng sủa nhất, hay mô tả kỹ hơn mặt anh không hãm tài và kém vẻ “răng đen mã tấu” nhất. Hầu hết các “xếp” đều ăn to nói lớn, huênh hoang, hay khoe mẻ, còn Hai Phúc nói năng từ tốn và nhẹ nhàng, cười nhiều hơn nói. Có lẽ, sau hai mươi năm dãi dầu mưa phùn gió bấc nơi xứ Bắc anh Hai Phúc là người hiểu rõ khả năng và tư cách của kỹ sư xã nghĩa hơn ai hết. Được bố trí chức vụ giám đốc một nhà máy lớn, tối tân của miền Nam hiển nhiên anh phải có trình độ hơn người, nhưng làm cho tốt với thành phần nhân sự gồm những kỹ sư các ngành mà học vấn chưa qua tiểu học thì thật không dễ. Vì thế, Hai Phúc phải dùng cách riêng để điều khiển nhóm kỹ sư mới và an ủi, khuyến khích mấy kỹ sư lưu dung an tâm công tác. Cấp chỉ huy kỹ thuật cũ của nhà máy lần lượt ra đi vì nhiều lý do, vượt biên, bỏ nhiệm sở, hay tù cải tạo, chỉ còn lại hai kỹ sư cơ khí, công tác ở lãnh vực Hai Phúc không chuyên. Vì thế bằng mọi cách giám đốc không thể để cho chính quyền địa phương hay đảng ủy nhà máy giở trò “khủng bố” qua việc lâu lâu lại cho xe công an vào nhà máy bắt người với các tội danh tưởng tượng để ngăn ngừa phá hoại hay phản động. Vĩnh nhìn thấy rõ “bản lãnh” của giám đốc mới thể hiện qua những buổi họp “giao ban” mỗi buổi sáng. Mọi người có quyền nói nhưng Hai Phúc luôn ngăn chận kịp thời những phát biểu phét lác hay lộng ngôn của những tay “thùng rỗng kêu to”. Anh cũng hiểu hoàn cảnh của kỹ sư lưu dung nên chọn cách “họp riêng, chỉ thị thêm” để tranh thủ thì giờ trấn an những người cũ rất cần thiết đối với anh. Trong những giây phút “họp hành lang” này Vĩnh đã tìm thấy nơi Hai Phúc một con người không hoàn toàn giống cán bộ “cách mạng”, hình như trong anh ta còn chút lương tri có thể tin cậy được. Đôi khi, Vĩnh suy nghĩ có thể mình bị Hai Phúc gạt nhưng cử chỉ và lời nói của anh đã làm cho Vĩnh cảm thấy ấm áp và an tâm.
Trong số kỹ sư hồi kết có Tư Châu, kỹ sư hóa chuyên tu, rất ma mãnh, nói năng lắp bắp nhưng thích nói nhiều. Anh ta hiếm khi nói chuyện hóa học chỉ bàn về chính sách của chế độ mới và hay lân la làm quen với kỹ sư lưu dung để bàn bạc cho “sáng tỏ vấn đề”, Anh chàng này thích nhắc lại đề tài tại sao Vĩnh vẫn được ở biệt thự còn kỹ sư khác ở nhà thường nhưng cũng đến nhà Vĩnh gạ chuyện, lần nào cũng soi mói và trầm trồ là sao có nhiều đồ đạc tốt quá. Hắn không ngần ngại hỏi Vĩnh nếu có đi xa thì cho hắn cái tủ lạnh. Vĩnh lờ đi vì thấy không cần thiết tỏ thái độ với hạng người như Tư Châu. Vĩnh thấy không có gì phải e ngại khi giao du với công nhân viên nhưng tránh tiếp xúc với đám kỹ sư mới, còn gặp Ba Lến và Hải là chuyện rất thường, trong nhà máy cũng như bên ngoài, vì cặp bài trùng gia đình “cách mạng” này tuy đang đắc thời nhưng chưa làm điều gì có hạị nếu không muốn nói là luôn có thiện chí tìm cách đỡ đần khi những xếp cũ gặp hoạn nạn. Trong một buổi ngồi uống cà phê với Hải, Ba Lến và một tài xế Tư Châu lân la đến, không chờ mời kéo ghế ngồi xuống gọi ly cà phê đá rồi bắt đầu ba hoa đủ thứ chuyện không cần biết có ai muốn nghe. Chờ hoài không thấy ngưng lải nhải, Hải lên tiếng “Chú Tư. Hôm nay tụi tôi không mời mà chú ngồi vào bàn nói nhiều quá mà không hiểu chú muốn gì. Có gì chú nói thẳng ra đi cho đỡ mất thì giờ.” Tư Châu nhìn Vĩnh “Đúng ra tôi có ý tốt giúp anh Vĩnh và muốn nói chuyện riêng thôi” Vĩnh thấy cần phải nói cho rõ “Ngồi ở đây chỉ toàn là anh em tốt, có gì muốn giúp tôi thì cứ nói cần gì phải úp mở. Cứ nói tiếp, tôi không có chuyện gì nói riêng cả” Lỡ trớn không lẽ đứng lên ra đi, Tư Châu hạ giọng thật nhỏ như kể chuyện bí mật không muốn cho nhiều người nghe “Có người tố cáo với đảng ủy anh Vĩnh sắp vượt biên nên tôi báo để anh phòng thân. Ý tốt thôi mà.” Nói vừa xong Tư Châu dợm đứng lên, Ba Lến níu tay hắn lại “Ê. Nhớ trả tiền ly cà phê rồi mới đi nghe đồng chí.” Tư Châu đến quầy trả tiền rồi tiu nghỉu ra về. Chầu cà phê đang vui thì bị phá ngang nên mất hứng, ngồi thêm một lúc mọi người chia tay, không ai muốn nói gì thêm về hành vi của tên vô lại đáng khinh. Ba ngày sau anh Hai Phúc mời Vĩnh ở lại khi xong buổi họp sáng. Nhìn thẳng mặt Vĩnh anh vừa cười vừa nói “Tôi nghe chuyện của Tư Châu rồi. Anh ta đã làm chuyện xằng bậy thiếu suy nghĩ, không phải là tác phong của cán bộ. Tôi và bí thư đảng ủy đã làm việc với anh ta rồi. Anh cứ yên tâm, sẽ không có chuyện như thế xảy ra nữa. Tôi đặt hết tin cậy vào anh, anh Vĩnh ạ.” Thì ra đã có người sớm báo cáo với giám đốc. Hệ thống mật báo nhanh thật nhưng cũng chứng tỏ là Hải và Ba Lến không nghĩ là Vĩnh sắp đi xa, còn đảng ủy nghĩ và làm gì có lo cũng không ích lợi gì.
“Sự cố” xảy ra ở máy nghiền đá nghĩ lại thấy có nhiều điểm lạ đáng ngờ. Bình thường, mỗi ngày Vĩnh đi làm bằng xe buýt chở công nhân như mọi người và phải đến cơ xưởng trước để phân phó công tác cho các toán tu bổ lưu động theo phiếu yêu cầu sửa chữa của các đơn vị rồi đến kiểm tra, ghi nhận kết quả công việc của các toán thợ ở xưởng. Xong công việc này phải mất khoảng một tiếng. Máy nghiền đá đang được tu bổ dở dang, một đầu máy vẫn còn ở vị trí nâng cao để qua đêm thì khi thợ vận hành máy nghiền đến làm sẽ thấy ngay là có cát và dăm tiện ai đó đã bỏ vào bệ trục máy vì còn vung vãi bên ngoài. Chuyện lớn như thế sao không báo cáo cho giám đốc, quản đốc sản xuất hay kỹ sư tu bổ biết ngay mà chỉ kêu ban bảo vệ của nhà máy đến xem và nhóm người này cứ chỉ chỏ bán tán, chờ cho đến khi Vĩnh đến mới nhất loạt hô hoán lên bằng ngôn từ và thái độ giận dữ “Phản động … phá hoại … phải trừng trị … trừng trị …” Cứ thế mà la hỏang lên, lập đi lập lại, với khí thế sôi sục căm thù cho đến khi anh Hai Phúc đến. Thái độ bình tĩnh và kiên quyết dập tắt trò náo loạn khiến bọn bảo vệ phải im tiếng. Sau này Hải kể lại khi anh Hai Phúc mời ban bảo vệ về phòng họp làm việc thì đã có mặt bí thư đảng ủy ở trong phòng rồi để sẵn sàng tiến hành điều tra. Rõ ràng là bọn bảo vệ muốn ám chỉ Vĩnh đã phá hoại sao không mời nghi can dự họp để cật vấn và tại sao bí thư đảng ủy có mặt sớm thế. Mở đầu, bí thư nhận xét kẻ phá hoại phải là người am tường kỹ thuật được cả bọn giơ tay nhất trí và nhao nhao đòi bắt giữ trừng trị đích đáng. Chờ cho không khí tạm lắng xuống, anh Hai Phúc lên tiếng “Trước khi qui kết cho ai đó tội phá hoại tài sản nhà nước, tôi hỏi các đồng chí ban đêm ai có quyền ra vào nhà máy mà không có sự cho phép của bảo vệ nhà máy để làm chuyện phá hoại? Trả lời đi, chỉ một câu hỏi đó thôi, rồi ta tiếp tục điều tra,” Tất cả ngơ ngác, ú ớ không ai dám trả lời. Ba Trạng cũng bối rối, cúi đầu ngó xuống. Màn kịch được diễn thật vụng về và quá bỉ ổi thiếu “biên đạo” sâu sắc đã là trò cười khó quên. Phiên họp khẩn cấp và nghiêm trọng này phải kết thúc sớm và mạnh ai nấy lặng lẽ giải tán.
Sau “sự cố” này không biết cuộc điều tra có tìm được thủ phạm phá hoại hay không mà im ắng luôn, xem ra đã chìm xuồng. Hình như mọi người cố quên đi nhưng Vĩnh không thể vì rõ ràng là có người muốn hại Vĩnh. Tìm hiểu xem ai đã làm không dễ hoặc đảng ủy đã biết nhưng phải lờ đi cho “quần chúng” khỏi hoang mang. Vĩnh thấy cách hay nhất là làm sao để kín đáo tự bảo vệ bản thân, một kỹ sư lưu dung đang tứ bề thọ địch. Ngăn chận được là tốt nhất trước vì lòng người khó dò, ai cũng có thể bán đứng bạn bè vì lợi ích riêng trước cám dỗ của phần thưởng cho việc tố giác phản động hay tự giác ngộ để “đấu tranh giai cấp”. Máy nghiền đá bị đổ cát và dăm thép vào bệ trục xoay, nếu không phát giác cứ hạ trục xuống ráp nắp đậy rồi cho chạy thì cả bệ và trục sẽ bị cào nát, máy nghiền sẽ ngưng lâu lắm, thiệt hại năng rất suất lớn vì phải nhập cảng cơ phận từ Pháp chứ nội địa không chế tạo được. Những máy móc lớn và quan trọng khác cũng có thể bị phá hoại dễ dàng. Thí dụ cối xay đá khổng lồ có 6 hàm với 18 chiếc răng cối, mỗi chiếc nặng cỡ 20 kí lô, được bắt vào hàm bằng ba con bù loong có đường kính 40 mm. Nếu “sơ ý quên” siết chặt một răng thôi, khi nhai đá răng đó bung ra thì hậu quả khủng khiếp lắm. Máy quậy đất sét ở hầm đất có ba bàn bừa mỗi bàn gắn 9 chiếc lưỡi thép, mổi chiếc nặng cỡ 25 kí lô. Nếu “không nhớ” siết kỹ ốc gắn răng bừa, khi máy quay chỉ cần một chiếc sút ra văng lên trên sàn thì có thể gây tai nạn chết người …. Vĩnh có ý tưởng nên chia dây chuyền máy móc sản xuất ra làm 6 khu chính: cối đập đá, hầm đất sét, cầu múc và băng tải, bể chứa và phòng bơm, máy nghiền đá, lò nung. Cơ xưởng có nhiều toán tu bổ lưu động sẽ được sắp xếp, tái phối trí thành 6 toán mạnh giao cho mỗi toán phụ trách một khu khi để sửa chữa những hư hỏng bất ngờ. Khi nhà máy ngưng toàn diện cho chương trình đại tu bổ thì 6 toán mới sẽ được sắp xếp phụ trách thêm công việc ở hai lò nung vì đây là trọng điểm của công tác đại tu. Sẽ có nhiều lợi điểm nếu thưc hiện được sự đổi mới này. Quan trọng nhất là chia phần, toán nào trách nhiệm khu đó sẽ bớt lo chuyện phá hoại. Sau nữa là đỡ cho Vĩnh khỏi phải nửa đêm thức dậy đi theo xe buýt chạy xuống cư xá đánh thức công nhân dậy vào nhà máy sửa chữa hư hỏng đột xuất. Nghe đám phu thường đang ngủ ngon bị lôi đầu thức dậy chửi thề cũng mệt lắm. Danh sách các toán sửa chữa và khu phụ trách sẽ được niêm yết ở phòng bảo vệ và trạm gác cổng chính, hễ máy móc khu nào có “sự cố” trong đêm thì chỉ cần ra lệnh cho tài xế trực lái xe xuống cư xá chở người vào sửa chữa. Những trưởng toán tu bổ lưu động là thợ giỏi nhiều kinh nghiệm đã theo Vĩnh nhiều năm, đa số hiền lành chơn chất nhưng biết đâu có người chống đối việc thay đổi. Đã có một người từng yêu cầu chuyển gia đình Vĩnh từ khu biệt thự xuống ở khu phu thường để “san bằng giai cấp”. Anh chàng này là thợ rất giỏi, năng nổ nhưng gia cảnh gặp bất hạnh Vĩnh đã từng giúp đỡ nhưng khi nhà máy đổi chủ vẫn làm chuyện phản trắc. Đề phòng là tốt nhất. Muốn tái phối trí, sắp xếp lại các toán tu bổ cần làm công tác tâm lý. Việc này giao cho quản đốc Bảy Phi là hợp tình họp lý nhất. Nghĩ tới đó Vĩnh quyết định sẽ đề nghị với anh Hai Phúc sớm.
Cối xay đá hỏng, Vĩnh điện thoại mời giám đốc xuống khu xay đá để báo cáo công tác, chủ yếu là đề nghị sắp xếp lại các nhóm tu bổ. Chờ cho công nhân nghỉ xả hơi Vĩnh chỉ cho Hai Phúc thấy tình trạng xuống cấp của cơ giới vì thiếu cơ phận thay thế, muốn tăng hiệu năng sản xuất cần phát huy sáng kiến và nâng cao trách nhiệm tu bổ. Đây là vấn đề nóng mà Hai Phúc rất quan tâm nên lắng nghe chăm chú. Vĩnh báo cáo những đề nghị cần thay đổi, tái phối trí các toán tu bổ thay vì lưu động như trước thì làm việc theo khu sản xuất để nâng cao hiệu quả công tác. Vĩnh nhắc nhở là kỹ sư lưu dung không tiện đích thân sắp xếp mà cần trưởng phân xưởng làm công tác tâm lý trước. Việc kêu gọi sư giác ngộ của công nhân trong vai trò làm chủ khi nhà máy gặp khó khăn phải là phần việc của quản đốc. Vĩnh đề nghị giám đốc chỉ thị cho phân xưởng tiến hành công việc không cần nói đây là đề nghị của Vĩnh để giữ thể diện cho Bảy Phi. Anh Hai Phúc cười rất tươi, đồng ý ngay. Nhìn nụ cười hóm hỉnh trên gương mặt giám đốc, Vĩnh đóan anh hiểu xa hơn những gì Vĩnh đã trình bày. Hôm sau, buổi sáng họp phân công các toán tu bổ ở cơ xưởng không có Bảy Phi tham dự. Quản đốc nếu đến cũng là cho có chứ ít khi phát biểu ý kiến. Trên đường lên họp giao ban Vĩnh gặp Bảy Phi tất tả đi xuống cơ xưởng, bước nhanh nhẹn với gương mặt rất tươi trông khác mọi ngày. Quản đốc chặn Vĩnh lại nói “Tôi có việc gấp không dự họp sáng nay. Anh họp xong về văn phòng tôi cần bàn bạc một số vấn đề” Khi trở lại văn phòng Bảy Phi trịnh trọng rót cho Vĩnh tách trà, vui vẻ nói “Phân xưởng của mình cần thay đổi nhân sự để đáp ứng tình thế khó khăn trước mắt. Tôi đã đề nghị và được giám đốc nhất trí. Đồng chí Hai Phúc còn khen ngợi sáng kiến của tôi.” Thế rồi Bảy Phi thao thao nói chuyện chia khu vực tu bổ, tái phối trí nhân sự các toán, giao trách nhiệm phụ trách từng khu rồi yêu cầu Vĩnh góp ý. Vĩnh rất vui khi biết giám đốc đã làm theo đề nghị của mình, khéo hơn nữa là để cho quản đốc hưởng công lao cho sáng kiến của anh ta. Vĩnh lộ vẻ vui mừng “Sáng kiến của anh thật tuyệt vời. Tôi hoàn toàn ủng hộ và góp ý thêm là nên mời cả các trưởng toán tu bổ cố định để họ hợp tác khi cần. Tôi thấy cũng cần làm công tác tư tưởng cho mọi người thông suốt trước khi phân công, Điều cần chú ý khác là từ 9 toán lưu động tái phối trí thành 6 sẽ có 3 anh mất quyền lợi vì không còn hưởng phụ cấp tưởng toán. ” Bảy Phi hồ hỡi nhất trí ngay và cho mời tất cả trưởng toán tu bổ họp sau giờ nghỉ ăn trưa. Quản đốc còn chơi sang sai pha trà và mua thuốc lá Sông Cầu đãi anh em. Buổi họp sôi động vì chưa bao giờ thấy Bảy Phi linh hoạt như hôm đó, vì kêu gọi ý thức giác ngộ cách mạng, không ngại gian khổ để hoàn thành công tác là “nghề” của chàng, nói “thao thao bất tuyệt” chứ không phải nói chuyện kỹ thuật “tuyệt tuyệt bất thao”. Còn “gút mắc” nho nhỏ là 3 anh trưởng toán trở thành toán viên được giải quyết theo gợi ý của Vĩnh, phong làm “phó toán” lãnh phụ cấp như cũ làm vui vẻ cả làng. Vĩnh xung phong giúp Bảy Phi làm tờ trình gởi giám đốc, trong đó có đoạn “Sau khi nghe quản đốc phân xưởng làm công tác tư tưởng, kêu gọi phát huy tinh thần làm chủ của gia cấp công nhân, anh em đều vui vẻ chấp hành sự phân công và nhiệm vụ mới” làm cho Bảy Phi vui mừng cám ơn rối rít. Tờ trình gởi lên giám đốc được nhanh chóng phê duyệt đồng thời biểu dương tinh thần phục vụ của phân xưởng tu bổ cơ khí. Vậy là vở kịch trừng trị kẻ phá hoại tạm kết thúc và hạ màn êm thắm.
Kỹ sư Văn là bạn đồng liêu của Vĩnh ở nhà máy từ trước năm 1975. Sau cuộc đổi đời anh cũng là kỹ sư lưu dung, vượt biên không thành nên phải bỏ nhiệm sở về Saigon. Không biết anh làm gì để sinh nhai, chỉ nghe nói gia đình anh an toàn và sống thoải mái ở thành phố, nơi có tiền sẽ mua được mọi thứ. Anh Hai Phúc thường về Saigon để dự các phiên họp trung ương quan trọng và gặp lại Văn trong một dịp nào đó. Không những Hai Phúc không tố cáo Văn mà vẫn giữ mối giao tình mật thiết. Một trong những nghề của Văn là kinh doanh nhà đất. Ở thành phố nếu có sẵn tiền, biết chụp thời cơ thì kiếm ăn khá. Bất động sản càng đắt giá lợi nhuận càng nhiều. Dịp may đến khi có ngôi nhà nhiều tầng ở ngay quận nhất rao bán. Chế độ sở hữu nhà đất ở Saigon lúc đó qui định nhà đất ở trung tâm thành phố chỉ có cán bộ cấp giám đốc cơ quan mới có thể làm chủ. Vì thế Văn nhờ Hai Phúc đứng tên mua giùm căn phố đó. Theo lời kể của Văn, Hai Phúc đã sẵn lòng giúp không đòi hỏi báo đáp gì cả, giấy tở sở hữu nhà đưa cho Văn hết và không hề hỏi han gì về thu nhập của việc cho thuê nhà này làm trụ sở cho một công ty kỹ thuật nước ngoài. Gia đình Văn vẫn thường thăm viếng người vợ cả của anh Hai Phúc đang sống ở Thủ Đức. Nhiều năm sau đó, Hai Phúc về thành phố báo cho Văn biết tin con trai lớn anh dẫn theo khi đi tập kết sau trở thành sĩ quan bộ đội phòng không (như đã kể ở đoạn trên) sắp được chuyển công tác vào Nam. Anh Hai Phúc muốn trả lại nhà cho Văn vì gặp lúc luật lệ nhà đất thành phố đã thay đổi không còn khó khăn như trước. Lý do là vì anh lo vợ anh có thể đã cho con trai biết anh đang làm chủ một căn nhà ở quận nhất, nếu nó tham đòi chia gia tài thì khó xử cho anh lắm, tốt nhất là trả lại cho Văn. Vợ cả và con trai của anh Hai Phúc tham hay không thì chưa biết nhưng rõ ràng anh không tham lam và thủ đoạn. Anh có đủ thế lực và hoàn cảnh tốt để làm tròng tréo chiếm đoạt ngôi nhà trị giá nhiều tỉ bạc theo thời giá một cách dễ dàng nhưng anh không làm. Có một cán bộ “cách mạng” nào lương thiện như anh không. Câu chuyện “khó tin nhưng có thực” này do chính miệng Văn kể cho Vĩnh nghe vào năm 2003 khi vợ chồng Văn đi du lịch nước ngoài tình cờ gặp lại Vĩnh.
Gần cuối năm 1979 bệnh viêm mũi trở nặng Vĩnh khai bệnh xin phép về thành phố chữa trị và phải chờ mấy tháng mới được đi, có lẽ anh Hai Phúc phải chờ đảng ủy cứu xét. Thay vì cấp giấy đi phép bình thường giam đốc cấp cho Vĩnh một “sự vụ lệnh” đi chữa trị ở bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia định. Trong giấy này có ghi “yêu cầu các cơ quan liên hệ giúp đỡ về phương tiện lưu thông và tạo điều kiện cho đương sư được chữa trị tốt” vì thế chuyến đi của Vĩnh gặp thuận lợi, nhất là mua vé xe đò dễ dàng. Trước ngày về thành phố chữa bệnh Vĩnh gặp anh Hai Phúc để từ giã. Anh không nói nhiều chỉ bắt tay Vĩnh thật chặt, với giọng buồn buồn anh nói “Đi đứng nhớ cẩn thận anh Vĩnh nhé.” Nhìn mắt giám đốc Vĩnh biết anh cũng có linh cảm đây không phải là tạm biệt. Vĩnh đã xin đích danh bệnh viện tai mũi họng nổi tiếng này vì biết rõ có bác sĩ Tập là bạn rất thân đang làm việc ở đó sau khi được “khoan hồng” từ trại tù cải tạo trở về làm bác sĩ lưu dung giống hoàn cảnh của Vĩnh. Khi gặp lại bạn cũ BS Tập vui mừng bắt tay nồng nhiệt và hỏi ngay không chờ Vĩnh trình giấy tờ “Rất vui được gặp lại bạn hiền. Không khỏe hả. Cần nghỉ bao nhiêu lâu đây?” Nghe là thấy khỏe rồi, bác sĩ phe ta không cần hỏi cũng biết phải làm gì. Sau khi biết Vĩnh cần khoảng ba tháng để sẵn sàng ra đi, BS Tập bảo “Để có vẻ hợp lý tôi ký cho bạn giấy phép dưỡng bệnh một tháng bắt đầu từ hôm nay và thêm hai tờ khác mỗi tờ một tháng có ký tên còn ngày giờ bỏ trống để tùy nghi. Chúc bạn mọi việc xuông xẻ để khỏi phải trở lại đây vì có thể lúc đó tôi đã zulu rồi”. Cầm gói thuốc, toa mua thêm và giấy đi đường Vĩnh trở về Rạch Giá gấp rút chuẩn bị cho chuyến viễn du bằng thuyền và may mắn thay chuyến đi cuối cùng này xuôi chèo mát mái, đã đưa Vĩnh và vợ con đến bến bờ tự do an toàn.
Những kỹ sư lưu dung ở nhà máy nơi anh Hai Phúc một thời làm giám đốc hiện nay kẻ còn người mất, ai còn sống dù đang ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể quên anh Hai Phúc, một nhân vật khác lạ, không giống ai, và hiếm, thật quá hiếm, của phe thắng cuộc đã đối xử với kẻ thua cuộc một cách hòa nhã, có tình người trong thời khốn khó của buổi giao thời, tranh tối tranh sáng, hỗn quân hỗn quan. Dù anh thật lòng hay chỉ tự giúp mình trong tình thế cực kỳ phức tạp khi cuộc chiến tàn, người thất thế vẫn nhớ và cám ơn anh đã “che chắn” cho qua cơn giông bão để chờ ngày lẵng lặng ra đi không nói lời từ biệt.
VĨNH NGỘ
Post Reply