Cậu Bảy

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Caubay

Từ lâu tôi đã mang sẵn trong lòng một định kiến. Đó là những gì liên quan đến cộng sản đều xấu cả, nhất là về con người. Với tôi, những người tham gia, ủng hộ chế độ cộng sản, không ít thì nhiều, đều là kẻ xấu. Người không có tà tâm không thể theo hay tán trợ bọn cộng sản, dù được biện minh với bất cứ lý do nào. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, do còn ở trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, đã có nhiều người thiện lương bị ăn quả lừa đi theo công sản; tuy vậy qua thời gian họ đã nhận ra bộ mặt bịp bợm, ác độc của nó mà xa lánh. Ngày nay, những ai theo cộng sản thì không còn lý do gì có thể biện bạch được nữa


Quê người nhìn ánh sao xa,
Chập chờn tôi thấy quê nhà năm xưa!

Cậu Bảy
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Lạ và nhạy cảm

"Mày banh lỗ tai ra mà nghe tao nói đây nè! Nếu cái thằng mắc dịch đó nó thò bàn tay lông lá, đút cái "của lạ" vào vùng "nhạy cảm" của mày thì mày la làng lên cho tao. Mày la lên cho cả xóm này biết, cả phường này biết, cả nước này biết, cả thế giới này biết. Mày la lên cho nó nhục. Mày mà câm cái họng nó được nước làm tới thì có ngày tàn đời nghe con! Đồ ngu!"

Đoạn "văn" thuộc loại bà mất gà trên dây thực ra đã được Caubay "edit" lại cho nó thanh lịch, bởi đây là chốn văn chương và Caubay cũng khiêm tốn nhận mình là người văn vẻ vẽ văn ra phết, ăn nói lich sự nhỏ nhẹ lắm ... (http://www.dcvblogs.com/cau-bay/2009/08 ... hy_cm.html)

Số là ngày đó trong xóm nhà Caubay có xảy ra chuyện hỉ sự, mà chữ nghĩa "cách mạng" gọi là sự cố, vụ việc. Ông hàng xóm, nghe nói là cán bộ khá cao của thành phố, vào... tiếp thu căn nhà lớn nhất trong hẻm của một "thằng" phản động bỏ chạy ra nước ngoài. Nhà lớn, rào cao, có sân rộng tráng xi măng, ông cán bộ bèn phát huy sáng kiến làm chuồng heo; lại thêm cái tủ lạnh tổ chảng mà sẵn có tiêu chuẩn điện chùa, chẳng lẽ để không, ông bèn bán thêm nước đá lẻ để "cải thiện khẩu phần". Ngày đó ít nhà có tủ lạnh lắm, nếu có cũng không dám xài vì hao điện mà chẳng có...cái con mẹ gì nhét vào trỏng!

Con bé của bà Hai bánh cuốn, đang độ trăng tròn mơn mởn, vẫn thường vào đó mua nước đá và đôi khi tắm heo cho ông kiếm thêm chút đỉnh ăn quà. Không biết những khi tiếp cận quần chúng ông đã làm gì nó mà bỗng dưng một ngày bài hương ca vô tận nêu trên bắt đầu vang lên, ca sĩ không phải là ông Duy Khánh mà là bà Hai bánh cuốn. Bà Hai mà ca thì phải biết, vần điệu trơn tru, nói có sách mách có chứng lắm. Nó lấn át và dĩ nhiên thu hút sự chú ý của dân trong xóm hơn hẳn các bản tin của thành phố vốn ong ỏng cả ngày trên cái loa đầu hẻm. Các bài tình ca cách mạng như "Trường Sơn đông Trường Sơn tây", thậm chí nhạc Trịnh cỡ "Em ra nông trường , anh ra biên giới" còn lép vế huống hồ mấy câu hò ca ngợi bác Hồ thì coi như đồ bỏ, xếp ve luôn. Ba cái tape nhạc vàng thì phải lén lút, thỉnh thoảng nhớ quá thì đóng cửa đắp mền, áp lỗ tai vào sát máy hát để nghe chứ đâu được thoải mái thưởng thức giữa thanh thiên bạch nhựt. Thành ra nghe bà Hai công khai chửi rất đàng hoàng, nhất là chửi "cách mạng," thì thiệt là đã con ráy quá cỡ thợ mộc, dẫu chẳng có đờn có trống mà vẫn nghe thanh âm trầm bỗng vui đáo để. Lời lại ấn tượng, có tình, có lý, có đầu, có đuôi. Dân trong xóm nam phụ lão ấu, tuy không nói ra, ai cũng liếc mắt đồng tình, mỉm cười khuyến khích. Tới luôn đi bà Hai, bà chửi nó có tui nghe.

Image
"Cách mạng gì thằng lưu manh đó, cô Ba..."

Mỗi buổi sáng đặt gánh bánh cuốn trước hàng rào nhà thằng ...khốn nạn, nếu có khách bà lôi cái ghế đẩu nhét dưới quang gánh cho khách ngồi rồi vừa làm bánh vừa tâm sự vừa đủ "lọt hàng rào" về "thằng mặt lồn". Khi không có ai ăn hàng bà tay chống cái đòn gánh, tay kia cầm cái nón vừa quạt vừa chửi. Bà chửi để...dạy con gái bà chớ chửi ai, mà mặt cứ hướng vào căn nhà quan "cách mạng". Quan là kẻ có "của lạ", gọi tắt là "kẻ lạ", cũng không phải kẻ vừa. Thời đó mấy thằng 30 tháng tư Sài Gòn còn lên mặt huống hồ quan đặc sệt giọng Nghệ Tĩnh, chính hiệu là thứ mới vô. Dữ dằn lắm chớ chơi sao? Thế nên liên tục mấy tháng trời bà Hai bị công an kêu lên phường kiểm điểm với tội danh làm mất trật tự khu vực, mất tình hữu nghị, phương hại đến tình đoàn kết láng giềng tốt trong xóm. Hết công an gọi lên cảnh cáo thì tới hội phụ nữ giảng về đạo đức bác Hồ 3 vành 16 chữ, rồi tổ dân phố tới nhà an ủi động viên mà có thấm thía gì. Kiểm điểm thì kiểm điểm, động viên thì động viên, xong "dìa" vừa tới nhà thì bà chửi tiếp, coi bộ còn hăng hơn. Thời gian thì ba đời, kể từ đời cụ Hồ Sĩ Tạo, không gian thì tới tận bên Liên xô, bà móc hết ra chửi nghe rất có tình tự. Lại kiểm điểm, lại hù dọa nhưng bà Hai kiên cường lắm, còn cái lai quần, mòn cái đòn gánh bà cũng chửi.

Cuối cùng thì quan cách mạng chịu không thấu. Thằng Mỹ dội bom B52 chỉ được cái nước nạp, đầu voi đuôi chuột, coi bộ không ép phê bằng cái nước bền của bà Hai. Rồi một ngày quan dọn nhà đi mất biệt. Từ đó bà con trong xóm tuy hả dạ, khoái chí lắm, nhưng cũng mất đi cái thú, bớt một niềm vui hiếm hoi trong thời buổi mà mỗi ngày phải tìm, không phải chọn, một niềm vui để sống...qua ngày!

Ủa! Bữa nay coi bộ rảnh, mất mối cắt cỏ hay sao mà Caubay tào lao nhắc lại chuyện vặt vĩnh đời xưa trong thời buổi mà có quá nhiều điều "bức xúc" xảy đến cho bà con mình? Xin thưa, vẫn cày ngày hai buổi chớ rảnh rang gì cô bác ôi, nhưng việc lê cán bút này cũng có chút có căn cơ. Đó là chuyện bà Hai bánh cuốn, mà Caubay xếp vào loại cổ học tinh hoa, không chừng là bài học bổ ích cho nhà cầm quyền cộng sản hiện nay.

Từ ngày mấy giả, có người gọi là cách mạng, có người nói khỉ, về thành, ngôn ngữ tiếng Việt bỗng đâm ra phong phú một cách hết sức...nghèo nàn, ngược ngạo và buồn cười. Ba cái chuyện đồng hồ ba cửa sổ, cái nồi ngồi trên cái cốc...là của mấy anh bộ đội nhà quê ít học, cười chê làm gì tội nghiệp. Ngôn ngữ đầy trí tuệ là ngôn từ phát ra từ các đỉnh cao trí tuệ mới là điều đáng nói. Thí dụ như dùng quyền hành để ăn cắp, làm bậy thì gọi là lạm dụng chức vụ. Nhận của hối lộ thì gọi là nhận quà trên mức tình cảm. Còn hỏi thế nào là mức tình cảm thì ngọng! Mức tình cảm là tình cảm đúng mức, còn thế nào là đúng mức thì là do "trên" bảo. Còn "trên" là "đứa nào" thì, đ. mẹ, chớ xúc phạm bôi nhọ lãnh đạo. Anh Ba anh Sáu chớ ai, không biết sao mà hỏi lôi thôi, mất quan điểm. Còn cù lần hỏi tới như thế nào là "còn" quan điểm thì hẳn là phản động, cần nâng đỡ cho đi học (tập cải tạo) để ...quán triệt!

Cứ thế cho nên những từ ngữ, tuy cũ rích và rất trong sáng, cứ bị tùy tiện gán thêm nghĩa mới một cách rất ngộ nghĩnh, gượng ép đến oan ức và ngay cả hèn hạ. Đó chỉ là cách nói ngụy biện để né tránh sự thật. "Nước ngoài", "tàu lạ", vùng "nhạy cảm", "giao thiệp"...là những ví dụ của việc "hiếp dâm" chữ nghĩa trong thời gian gần đây. Từ cái loa Lê Dũng cho đến bọn bồi bút, cứ lắp đi lặp lại từ ngữ trên mà không hề biết ngượng.

Trong bài báo "Kiên quyết không đóng tiền phạt chuộc ngư dân" trên Vietnam Net, ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chủ tịch Ủy ban liên hiệp nghề cá Việt - Trung, đã trả lời phóng viên báo Vietnam Net như sau: (nhân tiện nhắc bà con coi lại chữ nghĩa trong cái chức vụ của ông Chu Tiến Vĩnh chút chơi)

"Phóng viên: Liên quan đến các vụ tàu lạ đâm tàu, ngư dân Việt Nam bị thương vừa qua, Cục có hành động gì để giải quyết vụ việc cũng như bảo vệ, hỗ trợ ngư dân?

Ông Chu Tiến Vĩnh: Thời gian gần đây, một số tàu cá của mình bị đâm va trong vùng tương đối nhạy cảm. Có cái khó vì bị tai nạn ban đêm nên ngư dân không biết số hiệu tàu. Chúng tôi đã hợp tác với Cục hàng hải và các cơ quan chức năng để xác định các tàu lạ đó..."

Quanh co, che đậy trong khi kẻ thù công khai trịch thượng! Đó là sự ươn hèn đến đau đớn, không những làm mất đất biển của tổ quốc, thiệt hại nhân mạng tài sản của nhân dân, mà còn làm ô nhục danh dự của giống nòi. Không thể viện lẽ nó mạnh, ta yếu nên câu nhịn chín câu lành. Ngày nay là thời đại thông tin, toàn cầu hóa, một nước mạnh không thể ức hiếp một nước yếu mà không gặp sự phản kháng của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã bị Trung cộng ức hiếp quá sức chịu đựng. Tại sao chúng chỉ ức hiếp Việt Nam mà không dám với các nước khác trong vùng? Câu trả lời rõ ràng vì đảng cộng sản Việt Nam là tôi tớ của đảng cộng sản Trung quốc. Chấm hết.

Im lặng, né tránh và khốn nạn hơn nữa là đàn áp các người dân yêu nước để vừa lòng bọn Tàu nhất định không phải là "giải pháp" đúng đắn. Cương quyết đương đầu với chúng, tuy khó khăn nhưng chắc chắn sẽ làm nhụt chí kẻ thù và là nền tảng cho việc đòi lại lãnh thổ trong tương lai.

Sự chênh lệch lực lượng giữa Việt Nam và Tàu so với sự chênh lệch về thế lực giữa bà Hai bánh cuốn và ông cán bộ xem ra cũng như nhau. Bà Hai bánh cuốn vì không chịu nhục, không lấp lửng mà đuổi được ông quan "cách mạng". Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh mà hèn như thế sao?

Hôm nay Caubay chợt nhớ tới câu chuyện của bà Hai và nghĩ rằng ngày đó nếu bà ta sợ sệt ông quan, nói năng lễ độ bóng gió thì chắc gì bà đã trả được hận. Trong nỗi thiết tha mong đuổi được bọn Tàu ra khỏi bờ cõi, rửa đựoc cái nhục hiện tại của đất nước, Caubay vui lòng đổi phận làm đàn bà, vinh dự làm bà Hai bánh cuốn để "dạy" các ông lãnh đạo cộng sản Mạnh, Triết, Dũng và cả đảng bán nước như vầy:

"Mày banh lỗ tai ra mà nghe tao nói đây nè! Nếu cái thằng Tàu mắc dịch đó nó thò bàn tay lông lá, đút cái "tàu lạ" của nó vào vùng "nhạy cảm" của mày thì mày la làng lên cho tao. Mày la lên cho toàn dân biết, cho cả khu vực này biết, cả nhân loại, cả thế giới này biết. Mày la lên cho nó nhục. Mày mà câm cái họng thì nó được nước làm tới thì có ngày sụp cả cái mả "bác" của mày nghe con! Đồ ngu!"


San Diego, 25/07/2009

© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Đôi điều về Lê Thị Công Nhân
Caubay

Bài viết này đề cập đến vài điều mà tôi ghi nhận được sau khi chị Lê Thị Công Nhân ra khỏi tù.

Thứ nhất là chuyện thành bại và dang dở của đời một người con gái mà một anh công an nghiệp vụ đã “tốt bụng” nhắn nhủ với chị Lê Thị Công Nhân - theo lời kể của chị trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Thứ hai là bàn về lợi và hại, nên hay không nên và với mức độ nào trong việc dư luận, nhất là dư luận từ phía người Việt ở hải ngoại, lên tiếng ủng hộ chị. Dù vấn đề này được đặt ra sau khi đọc bài viết, cũng có ý “tốt bụng”, mới đây của ông Nguyễn Khoa Thái Anh bên blog Talawas, tôi không có ý tranh cãi gì với ông ta mà chỉ muốn trình bày ý mình cùng bạn đọc.

Nhưng trước hết xin (lại) chia sẻ vài cảm tưởng của riêng tôi về chị Lê Thị Công Nhân.

Tôi, chắc chắn, là một trong nhiều triệu người Viêt Nam và nhiều ngàn người ngoại quốc khác trên thế giới rất vui mừng trước tin chị Công Nhân ra khỏi tù vào ngày thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2010 vừa qua. Tôi tin rằng bất cứ ai, dù ở đâu, cương vị nào, nếu có quan tâm lo lắng đến tình hình đất nước, có hiểu biết về con người và những việc làm của chị, đều vui mừng và vui mừng một cách thật lòng.

Mấy ngày qua tôi đã gặp nhiều người quen rất bình thường - trong ý nghĩa là không hề tham gia bất cứ tổ chức cộng đồng hay có sinh hoạt chính trị nào - họ đều thổ lộ niềm vui. Họ vui chỉ vì họ yêu mến chị Lê Thị Công Nhân. Tình cảm đó phát sinh một cách tự nhiên như người ta cảm thấy lòng vui thích, lạc quan, hy vọng khi ngắm nhìn một một bông hoa đẹp trong nắng ấm ban mai.

Tôi cũng yêu mến chị với tấm lòng như thế. Tôi viết mà không ngượng với chính mình là khi vừa đọc trên internet tin chị được thả nhiều ngày trước đó, tôi đã vui mừng và chờ đợi như đã từng chờ đợi đứa em gái út ra tù vượt biên năm xưa. Tôi tin rằng trong lòng nhiều người, tình cảm yêu mến và cảm phục với chị đã dần dà hình thành qua nhiều sự việc cụ thể mà chị đã nói, đã làm - trước, trong khi và ngay cả sau khi vừa ra tù. Thái độ trong sáng, nhất quán và bất khuất của chị là điều không ai có thể phủ nhận được.

Ngay cả những kẻ chủ mưu bỏ tù chị, tôi tin họ cũng cảm phục chị.

Ngay cả những kẻ thừa hành canh gác, theo dõi và thậm chí bọn côn đồ như đám “quần chúng tự phát” cũng kính nể chị.

Ngay cả một bộ máy tuyên truyền vĩ đại cũng ngọng nghịu, không tìm đâu ra lý lẽ có chút thuyết phục để bôi nhọ chị ngoài những lời tố cáo rất hàm hồ, đơn điệu.

Ngay cả những kẻ cơ hội, bắt cá hai tay ở nước ngoài miệng hô hào dân chủ như cái mốt thời thượng nhưng lại thậm thụt giao du, đi về làm ăn, chơi bời, nịnh bợ bọn cầm quyền cộng sản cũng không thể gièm pha chị và đành phải tỏ vài lời tán dương chị.

Sự thành bại và dở dang của một đời người.

Khi nghe chị kể về việc người công an bảo chị rằng ‘Bây giờ chị đã thấy là chị thất bại chưa, chị đã thấy đời chị dang dở chưa’ thì tôi chợt nhớ đến lời ví von của các cụ nho ngày xưa. Đó là lấy cái tâm của con chim sẻ mà đo cái chí của con chim bằng.

Về sự thành bại, chị Công Nhân đã có câu trả lời về phần mình, là chưa thành công. Chưa - không phải không. Khi trả lời là mình chưa thành công là chị nghĩ đến khía cạnh đại cuộc.

Phần tôi, tôi cho là cho đến nay việc làm của chị đã đạt được rất nhiều thành tựu, dẫu các thành tựu đó chưa đủ để mang lại thành công cho đại cuộc, tức là đạt được một chế đô tự do dân chủ cho toàn dân. Ước mơ đó chưa đến, chưa thành công như chị nói. Tuy vậy, với khả năng của một người phụ nữ không quyền thế, chị đã làm rất xuất sắc phần việc của mình. Tác dụng của các việc làm ấy đối với phong trào dân chủ đã nói lên sự thành công. Sự thất bại, nếu có, chỉ thuộc về kẻ cầm quyền đã không khuất phục được chị. Khi bỏ tù chị và những người yêu nước khác họ đã lộ chân tướng, tự bôi tro trát trấu vào mặt mình trước bàn dân thiên hạ.

Một cách cụ thể, chị đã thành công trong các việc sau đây:

- Sự hy sinh của chị đã đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào dân chủ trong nước. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người đã cất lên tiếng nói của lương tâm, can đảm chỉ ra cái sai lầm cũng như dã tâm bán nước hại dân của kẻ cầm quyền. Tôi tin những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tấn Trung…và hàng ngàn thanh thiếu niên như các blogger ít nhiều đã noi gương chị. Tôi cũng tin con người và việc làm của chị đã thức tỉnh nhiều người trong hàng ngũ cộng sản.

- Nhờ chị mà thế giới đã quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đã có các hành động can thiệp tích cực và do vậy bọn cầm quyền cũng chùn tay phần nào trong việc đàn áp các người dân khác.

- Theo ý tôi, cho tới nay chị là người duy nhất mà mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa phương, tôn giáo, đoàn thể chính trị đều đồng lòng ủng hộ và yêu mến. Tôi có cảm tưởng rằng tấm lòng và tinh thần của chị đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết của chúng ta.

Về chuyện dở dang, theo tôi hiểu khi nói đến hai từ này với chị, người công an có hàm ý về cuộc sống lứa đôi của một người con gái bình thường. Điều đó cũng không có gì lạ, dẫu cũng chưa đúng hẳn vì chị hãy còn rất trẻ. Nhưng đó là cái nhìn rất cơm áo gạo tiền của một anh công an chỉ biết làm theo lịnh. Những kẻ cơ hội, ích kỷ, cầu an hẳn cũng có nhận định như thế, và chắc cũng chê chị không "thức thời" để đánh mất thời son trẻ. Nhưng với chị Công Nhân, người đã vượt trên cái lẽ thường tình đó để chọn con đường dấn thân, thì những suy nghĩ đó không còn thích hợp. Đó chính là lấy bụng tiểu nhân mà suy lòng người quân tử.

Image
Cô Giang
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Đến đây tôi lại nhớ về một sự “dở dang” khác trong lịch sử. Cũng ở tuổi 28, khi chị Lê Thị Công Nhân vào tù, anh hùng Nguyễn Thái Học đã hiên ngang lên đoạn đầu đài. Cô Giang sau đó đã tự sát cũng ở tuổi còn rất trẻ. Khi đi làm cách mạng họ chấp nhận “dang dở” chuyện riêng tư để phụng sự cho lý tưởng. Không thành công thì thành nhân. Thành nhân theo cả hai nghĩa là, sống xứng đáng với sứ mạng cao quí của con người hoặc là tạo thành cái nhân cho các phong trào cách mạng mai sau. Suy diễn cách nào lời nói bất hủ đó của vị đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng đúng cả.

Theo tôi họ đã thành công và đã thành nhân. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã gieo mầm cho sự thành công sau này. Việc toàn dân tham gia cách mạng mùa thu năm 1945 hẳn nhiên có thừa hưởng tinh thần sôi sục căm hờn, sự hy sinh và kinh nghiệm từ cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Thất bại trong nhiều trường hợp là mẹ của thành công.

Trường hợp chị Lê thị Công Nhân cũng tương tự. Chị đã tranh đấu, đã vào tù và đã gieo cái nhân công bình, nhân ái, tự do dân chủ trong lòng đại chúng. Cái “nhân” đó đẫ nẩy mầm và đang lớn lên. Nhìn vào đó mọi người có thêm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng cho dân tộc. Không có những mầm sống đó chúng ta sẽ buồn, sẽ tuyệt vọng biết bao. Đó chính là mặt thành công của chị.

Thái độ nào của chúng ta là cần thiêt?

Người Việt trong và ngoài nước nên hay không nên lên tiếng ủng hộ chị? Và nếu có thì nên ủng hộ ở mức độ nào?

Ở đời thấy người làm việc tốt mà không tỏ lời tán dương là thiếu công bình và hơn thế nữa, thiếu đạo đức. Với trưòng hợp chị Lê Thị Công Nhân, đa số người dân trong nước, do sự bưng bít của chính quyền, không biết nhiều về chị, và nếu biết họ cũng không có điều kiện thuận tiện để bày tỏ tình cảm hay biểu lộ sự đồng tình với chị. Vì vậy chúng ta ở ngoài nước cần lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ chị. Điều đó có những cái lợi:

- Nêu cao tấm lòng yêu nước của chị để làm gương, khuyến khích sự quan tâm, dấn thân tranh đấu cho mọi người, nhất là các bạn trẻ, cả trong lẫn ngoài nước.

- Sự lên tiếng mạnh mẽ của chúng ta sẽ làm cho thế giới quan tâm nhiều đến chị, các chính quyền dân chủ sẽ có các áp lực với bọn cầm quyền tại Hà Nội và nhờ vậy chúng không thể thẳng tay đàn áp, khủng bố, thậm chí mưu hại chị.

Lập luận cho rằng vì người Việt ở hải ngoại tỏ lòng ngưỡng phục, lên tiếng ca ngợi (theo ngôn ngữ của vài kẻ nhỏ nhen là “tung hô,” “công kênh”) sẽ là cái cớ cho bọn cộng sản đàn áp chị hơn nữa chỉ là suy nghĩ phiến diện. Bọn cộng sản khủng bố, bỏ tù chị Công Nhân duy nhất chỉ vì những gì chị làm ở trong nước. Cộng sản lo sợ về sự phản kháng của đồng bào trong nước hơn là sự chống đối ở hải ngoại.

Tôi tin rằng trong nhiều năm qua, Lê thị Công Nhân không chỉ là người duy nhất ở quê nhà mà còn rất nhiều người khác tranh đấu rất kiên cường nhưng họ không được biết tới nhiều, thậm chí không ai biết. Những người này chắc chắn đã bị cộng sản trù dập dã man nhiều lần hơn cả chị Công Nhân. Nên nhớ rằng cộng sản là những kẻ sợ ánh sáng. Lịch sử cho thấy bọn cộng sản đã thủ tiêu rất nhiều nhà cách mạng bất đồng quan điểm với chúng và chúng chỉ dám làm như thế khi không ai biết.

Bản thân chị Công Nhân cũng không hề bị lung lạc trước sự đàn áp của bạo quyền.‘ Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng. Chứ nếu hy sinh dang dở thì hy sinh để làm gì?...’ Tù đày chỉ làm cho chị quyết tâm hơn như lời chị phát biểu gần đây. Vì vậy không ai có thể xui giục người phụ nữ kiên cường đó làm bất cứ điều gì ngoài chính cái lương tri của chị. Mọi người, kể cả bọn cầm quyền cộng sản đều biết điều đó.

Hiểu được như vậy chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự vận động từ bên ngoài này sẽ tích cực, làm giảm bớt sự khủng bố chị từ phía nhà cầm quyền. Mặt khác, sự quan tâm của chúng ta cũng là niềm an ủi cho người con gái nhỏ nhoi đó. Đó là nghĩa cử nên làm, là lương tâm. Chỉ có bọn cộng sản và bọn tay sai mới mong chị bị quên lãng, mới mong chị “thức thời,” tức là nhận ra “sức mạnh vô địch” của bạo quyền. Nếu chị Công Nhân sống an phận, kẻ vui mừng nhất là bọn độc tài.

Image
Leave her alone!
Nguồn: TTXVN
--------------------------------------------------------------------------------

Những kẻ nào tự nhận mình yêu dân chủ, quý mến chị Công Nhân mà muốn chị được “một mình” định đoạt công việc mà không cần sự tiếp tay cổ vũ từ đồng bào thì cần coi lại họ là ai. Lời lẽ tốt đẹp nhất dành cho họ là ngu độn về chính trị. Chỉ trông chờ vào thực lực của người trong nước mà coi nhẹ sự đóng góp của đồng bào hải ngoại là không thực tế. Mong đợi sự bố thí tự do, nhân quyền hay trông chờ vào sự thay đổi của bọn cộng sản mà không qua hy sinh, tranh đấu là cả môt sự hoang tưởng.

Cuối cùng, với chị Lê Thị Công Nhân, mọi hành động tỏ lòng yêu mến, khâm phục chị là điều tự nhiên mà không sợ mang tiếng là thấy kẻ sang bắt quàng làm họ. Ai cho điều đó là “xúi trẻ ăn cứt gà” là không hiểu, thậm chí đánh giá thấp giá trị con người của Lê Thị Công Nhân. Ngược lại, ‘Còn một mình tôi, tôi cũng tranh đấu’, lời nói đó của chị là luồng gió mang đến lòng hứng khởi cho nhiều người đi theo bước chân của chị.

San Diego, 11 tháng 3 năm 2010.

© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Cậu Bảy tái xuất Ba Đình (I)

Nguyen Thai Hoc Organization
Caubay − Truyện phiếm

Truyện này đọc để mà chơi
Hư hư thực thực việc đời kể ra
Kẻ nào đọc thấy xót xa
Thì rằng kẻ ấy có cha chẳng nhìn.


Hồi thứ 100

Rầu việc nước Cậu Bảy hồi hương
Lo cho chồng Mobay khiển tướng

Hồi này nhắc lại việc Cậu Bảy, kể từ ngày tiễn đưa đệ tử ruột là Tày Mạnh Đức về nước qua ngã biên giới Mễ Tây Cơ cách đây vài năm rồi thầy trò mỗi người mỗi ngã, bặt vô âm tín. Đường dây nóng mà Mạnh Đức hứa khi về nước sẽ lập ngay để đêm hôm khuya khoắt có việc chẳng lành thì “tin ngay cho thầy mợ biết để thầy mợ an tâm” cũng là nước đổ lá môn, nóng cũng không mà nguội cũng chẳng thấy. Tuy giận kẻ bạc tình, Cậu Bảy cũng tự an ủi là học trò đời nay đều thế cả, phỏng có mấy đứa biết trọng đạo tôn sư, huống hồ Mạnh Đức vốn có dòng máu phản phúc trong người, lại là đứa con hoang, không người dạy dỗ ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Nghĩ đi nghĩ lại thời hoàn cảnh của va cũng đáng thương chớ chẳng chơi. Luận như thế bèn tự mình vuốt giận cho nguôi, lại thêm cái vụ vắt giò lên cổ chạy gạo mỗi ngày nên Cậu Bảy cũng quên anh ta đi.

Tình người dẫu phai lạt nhưng nghĩa non nước vẫn canh cánh bên lòng nên đêm đêm Cậu Bảy vẫn hằng hóng tin bên nhà. Mà tin nhà thì có mấy khi vui. Bên ngoài giặc Tàu xâm lấn, bên trong ác đảng hoành hành. Muôn dân khốn khổ, tuyệt đại đa số chẳng có đất cắm dùi bên cạnh một thiểu số làm giàu bất chính, ăn chơi sa đọa, xã hội đảo điên. Môi trường bị ô nhiễm, núi rừng bị tàn phá, sông cạn nước, núi trụi cây đã làm khí hậu thay đổi ảnh hưởng lâu dài cho nhiều thế hệ. Cái nguy cơ dân mạt nước tàn như đã gần kề trước mắt nên Cậu Bảy mỗi khi nhớ đến thì cứ như kiến bò trong bụng.

Image
Cảnh tiên
Nguồn: OntheNet

Đêm đêm nằm bên cạnh, Mobay thấy chồng trăn trở, quay qua lật lại không ngủ nên lấy làm lo lắm. Rồi một đêm ngủ không được, chiếc đồng hồ con cú treo góc tường vừa đổ canh ba, Mobay bèn ngồi dậy bật đèn cho sáng, sửa lại xiêm y cho ngay ngắn rồi lễ phép thưa:

- Từ hồi tôi vinh dự kết duyên cùng chàng, mọi điều đều tuân theo nghiêm ý, vậy thì đêm hôm có điều gì chưa thỏa lòng thì chàng cứ tự nhiên cho tôi biết, chứ nếu vì tôi đôi khi vụng về rồi chàng ấm ức trong bụng để rồi khua mãi như vầy thì tôi ngủ không đặng.

Cậu Bảy nghe vợ giải bày lấy làm cảm động, mới nhỏ nhẹ vỗ về:

- Nàng ôi, sao nàng lại dám lấy bụng nữ nhi mà đo lòng người quân tử. Việc ta không ngủ được đâu phải vì cái khoản kia, mà là việc đại sự bên nhà.

Mobay nghe nói thở phào nhẹ nhõm, mới thủ thỉ như vầy:

- Từ khi con người thoát ra khỏi cốt khỉ, hình thành xã hội cộng sản nguyên thủy cho đến nay đang hồi quá độ lên xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt thì mọi sự lớn bé đều được cơ cấu hẳn hoi, sự phân công cũng đà chặt chẽ, ngoài chính quyền thì còn có đảng, việc gì cũng trình trước xin sau, ai có việc nấy, cứ phận sự mà làm rồi theo thứ bậc trong đảng chia nhau mà hưởng. Vậy thì việc nước nhà trọng đại cứ để cho bên đảng họ lo, mình phận dân quèn, lại là lưu dân tỵ nạn cách xa quê hương cả ngàn dặm thì phỏng có làm gì đặng.

- Tôi cũng biết phận mình là như thế nhưng dân mình nay một cổ hai tròng, đến kẻ thất phu cũng chẳng thể gối cao mà ngủ cho đặng.

- Chàng ôi! Tôi nhắm nước mình đương hồi vận bỉ, thì chàng dẫu có tài trời cũng không làm chi hơn, hơi đâu mà phiền não cho hại tấm thân, chi bằng cứ ban ngày vui với cỏ hoa, tối về hủ hỉ với vợ con thì há chẳng sướng cái thân hơn hay sao?

Cậu Bảy nghe nói lấy làm lạ, bởi xưa rày Mobay cũng là người khí khái, tuy thuộc thành phần Việt kiều yêu bếp nhưng coi bộ tư cách còn khá hơn nhiều vị Việt kiều yêu bác nhiều lắm, bèn thở dài than:

- Tưởng nói gì hay chớ cái khẩu khí cầu an thực dụng tầm thường ấy thì ắt chẳng đặng là vợ của ta.

Mobay nghe nói bật cười:

- Tôi nhắm chàng bây giờ ném ra đường không ai thèm lượm thì xin chớ có kiêu ngạo mà chê tôi. Nhưng mà thôi, tôi chỉ đùa cho chàng tỉnh ngủ đó. Vậy chứ việc bên nhà lóng rày ra sao chàng nói tôi nghe thử.

Cậu Bảy nghe hỏi trúng ý bèn hăng hái ngồi dậy, vươn vai ngáp dài một cái rồi dọt thẳng lên nét, dợt sơ cho vợ nghe mấy mẫu tin nóng hổi bên nhà. Từ biển Đông cho tới Tây nguyên, từ ngư dân bị cướp tàu cho đến nông dân bị cướp đất, từ phá chùa Bát Nhã cho tới xúc mả Cồn Dầu, từ học trò đu giây qua sông đi học cho tới kế hoạch tàu cao tốc bạc tỷ đô la, từ Tam đầu chế Cả Tày, Ba Dũng, Sáu Phong tới bọn đầu lĩnh như Quang Thanh, Chí Vịnh, Hải Triều cho đến đám lâu la tự phát khắp phố phường …Việc lớn việc nhỏ nhất nhất kể ra một lượt chẳng thiếu điều chi. Nghe xong Mobay mới nói rằng:

- Nếu quả như vậy thì đã đến lúc căng, bịnh ghẻ Tàu nay đà lan lên tới mặt. Cái đà này thì việc nội thuộc phương Bắc nhắm cũng không xa.

- Vậy nàng phỏng có kế gì hay giúp ta chăng?

- Tài chàng thì tui nhắm đâu có gì hay hơn cái…lưỡi. Trước đây chàng đã một lần về bển khuyên răn, tụi nó dẫu sợ uy mà hứa nhưng cuội vẫn hoàn cuội nên việc lớn chưa thành. Tuy vậy cũng chớ nên nản lòng bỏ cuộc. Thôi hãy ráng chịu khó thức đêm viết bài đăng báo, việc ấy coi lại cũng dễ làm, tuy có mất thì giờ mà chẳng tốn kém chi. Hãy bớt đi phần chửi rủa, lựa lời mà cho khéo mà nói thì có khi tụi nó cũng nghe.

- Nàng ôi! Ta nào có muốn chửi ai, nhưng với lũ cướp ngày ngạo ngược khi ta chưa thành Phật thì nói lời nhẹ nhàng sao đặng. Còn việc uốn lưỡi nói cho vừa lòng lũ bạo quyền để cầu miếng đỉnh chung thì ta thà chết chứ không làm được. Việc góp ý trên diễn dàn thì dù có thấu tình đạt lý chắc tụi nó cũng không thèm đọc. Thôi phen này để ta liều mạng về ba mặt một lời coi thử chứ cứ chửi từ xa thì coi mòi chẳng thấm.

Mobay nghe gịong bi quan cũng xót xa, bèn nhỏ nhẹ:

- Xin chàng chớ giận. Ấy là tại tôi nghe có người tuy chưa mất trí mà khoe rằng nếu biết cách nói thì trâu bò gì nó cũng hiểu được. Nhưng nói gì thì nói, sống ở đời quí nhất hai chữ liêm sỉ, đừng có nịnh trơ trẽn quá mà làm xấu lây cho vợ con. Mà chàng ôi, lối về cũng có trăm vạn nẻo, có chông gai thử thách thời mới có vinh chớ đi đường nịnh thì dễ ợt nhưng mà nhục lắm; vậy thời chàng hãy lựa nẻo cho khéo mà đi, đừng để cho nhẹ thể…

- Ta cũng đã nghĩ đến điều ấy. Như ta đây sinh trong thời lọan, gặp cảnh nước mất mà chẳng chết theo, thấy dân khổ mà co giò vội chạy, ấy cũng vì tự tiếc cái tài mà ráng sống chờ thời. Việc đó kể ra cũng là nỗi nhục, lẽ nào nay không ai mời mà tự dưng vác mặt đi xin cái visa nhập cảnh thì coi sao đặng. Mà nàng ôi, việc thế sự chẳng thể tính trong một ngày, thôi nàng đi ngủ tiếp đi, để từ từ mai sáng tỉnh táo rồi tính mới không sót nước.

Nói xong hai vợ chồng lại lên giường bàn tiếp việc nước nhà một chập lâu nữa rồi mới ngủ thiếp đi cho đến sáng bạch mới dậy.

Lại nhắc chuyện chúa đảng Ba Đình Tày Mạnh Đức kể từ ngày lên được ngôi cao thì không muốn xuống nữa, bởi ngồi ở chỗ đó sướng lắm, chỉ có hưởng mà chẳng có làm. Cũng vì sướng nên nhiều đứa muốn giành, mà sắp tới đây là kỳ đại hội toàn đảng nên Mạnh Đức ngày đêm suy tính. Có kẻ tả hữu thấy Mạnh Đức đăm chiêu, biết ý bèn thưa rằng:

- Xưa nay người đời hễ gặp nghịch cảnh thì đều vào chùa khẩn Phật hay lên núi cầu tiên. Chúa công cứ theo lệ cũ mà làm, việc gì phải lo nghĩ cho hại sức khỏe?

Mạnh Đức quay lại thì thấy người đó quê ở Hà Nội, họ Ngu, tên Sơn, hỗn danh “Bộ đội Sân bay”, hiện giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Nguyên tên hầu này thời ở bên Nga có làm nghề ma cô, thích ăn mặc sặc sỡ như kẻ lên đồng, tính tình xảo quyệt nhưng rất lanh lẹ, Mạnh Đức bèn hỏi:

- Mấy năm nay ta phá chùa, gạt sãi cũng nhiều, chắc Phật chẳng chứng. Còn tiên chẳng qua là mấy lão gàn ở trên núi, biết đâu mà tìm. Nhà ngươi có mối nào hay chăng?

Ngu Sơn thưa rằng:

- Tôi nghe nói Da Cát tiên ông đang chu du hạ giới, vị đại tiên đó chắc cũng chẳng lạ gì với chúa công.

Mạnh Đức nghe nói sực nhớ tới thầy cũ, lòng mừng khôn xiết, bèn ban thưởng rất hậu cho Ngu Sơn rồi sai y viết thư sang Mỹ.

Image
"Mấy năm nay ta phá chùa, gạt sãi cũng nhiều.."
Nguồn: OntheNet

Trung tuần tháng 5, mùa hạ, năm Ô Bà Ma nguơn niên, nhằm năm Mạnh Đức thứ 10, Cậu Bảy bất ngờ nhận được cái thư bảo đảm, bên ngoài có đóng dấu tuyệt mật từ tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC. Cậu Bảy từ ngày làm thầy cho Mạnh Đức thì lâu lâu cũng nhận được vài lá thư thiếu xây dựng của bọn xấu nên đâm ra cẩn thận, sợ trong thư có chất độc bèn đeo bao tay vào rồi mới mở ra xem. Lá thư lành lặn, đọc thấy như vầy:

CHXHCNVN
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Bộ Ngoại Giao
Cục Nghiên cứu Khúc Ruột Ngàn Dặm

Kính thưa Cậu,

Sắp tới ngày kỷ nịm sinh nhật thứ 120 của Bác Hồ muông vàng kính yêu, chúng cháu vâng lệnh đồng chí Tổng Bí thư kính mời Cậu về chứng kiến. Sự hiện diện của Cậu là nìm vinh dự vô cùng to lớn, biểu lộ sự quan tâm xâu xắc mà Cậu đã dành cho Bác và toàn Đảng ta.
Chúng cháu huy vọng Cậu sẽ có mặt. Thư này sẽ do sứ thần Lê Chiêu Phụng tại Mỹ kính chuyển.

Kính bái,
Ngu T. Sơn, MC.
Thứ trưởng

Mới đọc thư Cậu Bảy cũng hơi bực vì cái gã làm tới chức thứ trưởng Bộ Ngoại Giao mà viết một bức thư cũng không ra hồn. Lại thêm cái “tittle” M.C. của va làm Cậu Bảy thắc mắc lắm… Tuy vậy Cậu Bảy cũng lấy làm mừng vì có cớ, bèn bàn với vợ rồi thu xếp hành trang chuẩn bị lên đường.

Cận ngày ra đi, nhà còn con gà để sẵn trong tủ lạnh Mobay bèn đem ra xả đá làm thịt, phần xé phay, phần ram mặn rồi vợ chồng cùng nhau đối ẩm. Mobay ngồi ăn mà nước mắt lưng tròng, tay gắp thịt, tay rót bia, miệng kể chuyện biệt ly của vợ chồng Bá Lý Hề với con gà mái đẻ năm xưa. Bóng gió nỉ non một hồi rồi mới nói thẳng:

- Chàng ôi, bọn cộng sản vốn có bịnh sùng bái cá nhân, tôi nghe nói bây giờ chúng đang thiếu lãnh tụ, chàng về bển nếu chẳng may tụi nó tôn lên thờ thế chỗ bác Hồ thì cũng đừng học thói vô tình như gã họ Bá đời Xuân thu mà quên đi tình nghĩa đôi ta.

Cậu Bảy nghe vợ lo xa mới vỗ về:

- Bá Lý Hề cũng là người có nghĩa, chẳng đến đến nỗi tệ, chẳng qua thời ấy chưa có internet nên dễ mất liên lạc mà thôi. Mà nàng cũng đừng có quá tốt lo, ta thà chết chớ chẳng thèm làm “bác” Hồ.

Mobay nghe nói lấy làm yên tâm bèn rót thêm rượu mà tạ lỗi, vợ chồng ăn uống hàn huyên tới khuya, tính rồi sẽ vầy duyên loan phụng cho bù những ngày chia tay. Mọi sự tưởng như đã đâu vào đó, nhưng sau vài tuần rượu Mobay như sực nhớ ra điều gì bỗng cất lên giọng e dè:

- Chàng ôi, mới uống có vài ly mà sao cái bụng tôi nó sôi sùng sục, nóng ruột quá, hay có điều gì chẳng lành. Tôi e rằng tui nó sắp đặt để hại chàng. Nghĩ đi nghĩ lại thì chẳng nên đi. Tụi cộng sản nay như lũ chó điên, đụng đâu cắn đó. Thử coi bên nhà mấy người yêu nước mới nói bóng gió sơ sơ bọn chúng đà bắt ráo trọi. Tui nhắm chàng chẳng nên sơ suất, nếu có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi biết nương tựa vào ai.

Cậu Bảy nghe nói cũng bùi ngùi nhưng sợ cái tình thê tử làm hư việc lớn nên làm mặt nghiêm:

- Nàng thiệt lo xa. Ngày xưa Gia Cát Lương chỉ là anh học trò nhà quê, nằm nơi lều cỏ nghiền ngẫm ba cuốn sách cũ mèm, bằng cấp không một mảnh giắt lưng, còn dám một mình đi Giang Đông vào hang cọp mà còn chưa sợ; ta nay thường trực diễn đàn nên vạn sự làu thông, tay nghề thì có lay-xơn, hơn nữa lại đi về cố quốc, nơi mà từ quan cho tới dân đều một lòng trọng vọng thành phần như ta đây, nếu ngại ngùng thì hóa ra kém trí va hay sao?

- Chàng ôi, sao lại nỡ hạ mình đi sánh với Khổng Minh! Mà xét cho cùng cái thế xưa nay khác nhau xa lắm!

- Thế ấy khác nhau ra sao nàng nói cho ta nghe thử.

- Vũ Hương Hầu Gia Cát Lượng ngày xưa dám qua bên Đông Ngô vì trước hết cái lý lịch va cũng tốt, có anh ruột là Gia Cát Cẩn làm tới chức Trung ương Ủy viên cho Tôn Quyền, còn chàng cả họ đều đi cải tạo thì sao lại dám so bì. Mặt khác bọn bộ hạ của Tôn Quyền, văn như Trương Chiêu, võ như Châu Du, Lục Tốn dẫu sao cũng là hạng người quân tử, không gian manh như bè lũ con cháu Tôn…Đức Thắng ngày nay.

- Nàng luận nghe cũng phải. Nhưng con người ta sống chết đều có số mạng cả. Ta mới nhờ ông bạn tử vi gia Thiên Đức coi bói hôm rồi, bổn mạng tốt lắm. Hơn nữa nghị quyết 36 hãy còn hiệu lực, ngày đêm mời gọi thì ta có sợ chi?

Mobay thấy chồng quyết ý thì không dám cản, nhưng cũng thút thít thưa thêm:

- Dẫu biết tài chàng mà tôi bụng dạ đàn bà tốt lo. Vả chăng ngày ấy Gia Cát Lượng có hổ tướng là Triệu Tử Long theo hầu, còn chàng nay đi một mình thì biểu lòng tôi yên sao đặng!

Cậu Bảy tuy vạn sự cụ bị, cũng còn khiếm một điều mà chưa tiện nói, nay nghe Mobay lo âu như thế chợt nghĩ ra một ý hay, bèn nhẹ nhàng nói:

- Nếu nặng tình với nhau như thế thì nàng hãy phụ tôi một tay, phỏng nàng có nề hà gì chăng?

Mobay nghe cái hơi văn giông giống tuồng “Ngô Khởi sát thê cầu tướng” nên mặt mày tái mét, vội vàng đứng dậy sửa quần áo cho ngay ngắn rồi khoanh tay thưa:

- Chàng ra đi vì việc lớn, phận tôi nhi nữ quanh năm lẩn quẩn ở shopping mall, phỏng có cách gì mà giúp chồng mà tôi lại dám từ nan, lên rừng xuống biển tôi cũng cam, chỉ xin chàng vị tình chăn gối bấy nay mà cho tôi toàn mạng.

Cậu Bảy nghe hỏi cười ha hả đáp:

- Xin nàng chớ khá lo. Ta đâu phải là hạng người bất nhân như Ngô Khởi xưa kia, lại cũng chẳng phải hạng người lòng lang dạ thú lên cơn dâm hãm hiếp người rồi đem vứt bờ đê. Ý ta như vầy, nếu lo ta đi một mình đơn chiếc, vậy thì nàng hãy vui lòng cho ta mượn ông đại tướng đang nấp dưới gầm giường của nàng đi theo ta hộ vệ.

Mobay nghe nói lấy làm lạ, hỏi lại bán tín bán nghi:

- Chàng nói cái gì tôi chẳng hiểu?

- Nàng còn dấu ta làm gì. Tướng quân yêu dấu của này của nàng thập phần dũng mãnh, giữa chốn ba quân, bộ đội công an, biên phòng dày đặc mà ra vào quan ải như chỗ không người. Thường sơn Triệu tử Long mà so với người này thì chỉ là kẻ dũng phu mà thôi.

Mobay nghe nói đến đây thì chịu hổng nỗi, giẫy nẫy lên, chạy vội lại sô fa quyết đập đầu vào gối toan tự tử, khóc kể rất đà thảm thiêt:

- Tôi ở với chàng mấy mươi năm, con cái mấy mặt mà chàng chẳng biết bụng dạ tôi hay sao. Từ độ khăn gói theo chàng tôi một lòng chung thủy, nào tơ tình gì mà nay chàng vu cho tôi cái tội lăng loàn giấu người dưới nệm?

- Nàng chưa hiểu ý ta, tấm lòng son sắt của nàng thì thế gian dễ có người thứ hai. Viên tướng của nàng mà tôi muốn mượn là Hàng Cộng Đại tướng quân Hoàn Vũ Chi Dụng, tuớc Nhứt Thắng Vạn Hầu, húy Giọt Oa Sinh Tơn. Tướng này uy vũ lắm, bọn con cháu bác Hồ mà thấy mặt là lập tức cúi đầu quỳ gối nghe theo một mực, chẳng dám hó hé gì sất!

- Tôi trí óc liền bà, chàng nói văn chương điển tích bóng bẩy tôi làm sao hiểu đặng.

Cậu Bảy bèn giở ngón sở trường, bước tới vuốt tóc Mobay vài ba cái rồi nói:

- Tôi vốn biết nàng là người ân cao nghĩa nặng, tính tình lại hết sức hào phóng với chồng con nên mới dám nói. Ý tôi muốn nàng mở hầu bao cho tôi khá khá mang theo, đặng khi hữu sự có việc dùng.


"Hàng Cộng tướng quân Hoàn Vũ Chi Dụng"
Nguồn: OntheNet


Mobay nghe khen nịnh thì lấy làm vui, nhưng cũng nói thòng:

- À thì ra thế! Tui cất tờ lớn, hình ông Benjamin Franklin hông à mà chàng nói tờ một của ông George Washington nên tôi mới chậm hiểu. Việc đó với tôi còn đau hơn đổ ruột, nhưng mà vì chàng thì tôi cũng ráng. Đưa tiền cho chàng thì cũng đặng nhưng nhớ tiêu pha kiềm kiệm, nếu đem cho gái thì cái bụng tôi chẳng yên.

- Việc nước nhà đang hồi hệ trọng, như dầu sôi lửa bỏng, tôi bụng dạ nào mà ham chơi cho phụ nghĩa phu thê, mong nàng đừng ngại. Nuôi quân ba năm dùng có một ngày, tôi cất kỹ trong bọc, hễ không có việc thì mang về nạp lại cho đủ số.

Mobay nghe nói lấy làm đẹp ý, bèn vào buồng ngủ lôi dưới nệm lên một cái hộp thiếc màu đỏ, mở trắp ngắt một xấp đô la đưa cho chồng. Cậu Bảy cả mừng, sợ vợ đổi ý nên nhét vội vào túi quần mà không kịp đếm, nhưng cũng không quên rút ra một tờ tới gần cửa sổ đưa lên ngắm cho chắc rồi lẩm nhẩm một mình:

- Có tướng quân theo ta thì việc lớn ắt thành.

Nói xong bèn thu xếp hành trang, một mặt gọi điện qua bên DC bảo gã Lê Chiêu Phung lo sẵn visa, lựa ngày lành tháng tốt mua vé máy bay đặng lên đường cho sớm.

Việc Cậu Bảy hồi xứ ra sao, đón xem hồi sau mới rõ.

(Còn tiếp)

© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Cậu Bảy tái xuất Ba Đình (II)
Caubay − Truyện phiếm


Hồi thứ 101:

Xe còi hụ Mạnh Đức khoe oai
Tiệc sinh nhật Cậu Bảy luận hiếu

Đây nhắc lại việc Cậu Bảy sau khi về tới Ba Đình liền được Mạnh Đức dẫn bộ hạ ra tận phi trường đón tiếp rất trọng thể. Trên đường về nhà khách chính phủ, cả đoàn xe mô tô dẫn đầu hụ còi inh ỏi, hai bên đường dân buôn thúng bán bưng nép dạt vào lề đường trông thảm thương lắm, Cậu Bảy thấy vậy lấy làm bất nhẫn mới quay sang hỏi Mạnh Đức:

- Hà cớ gì mà xe đoàn ta có còi hụ inh trời náo động muôn dân như thế?

Mạnh Đức tưởng được Cậu Bảy khen, mới đắc ý tâng công:

- Kính thưa Thầy, việc đó chứng tỏ sự trọng vọng chúng tôi dành cho khách quí như các vị nguyên thủ quốc gia. Nay ta đang đẩy mạnh việc triển khai nghị quyết 36 nên nghi thức đó cũng được ưu ái cho Việt kiều về nước.

- Việt kiều nào về cũng được làm “nguyên thủ” như thế hả ông Bí?

- Thưa không ạ! Cũng có đối tượng được chiếu cố đấy, cơ bản cho Việt kiều các nước tư bản như Mỹ, Nhật, Canada, Úc thôi. Việt kiều các nước anh em như Campuchia, Cuba, Trung quốc thì thân tình quá rồi, khỏi hụ.

Cậu Bảy nghe nói mặt đỏ rần vì mắc cở, bởi biết mình chỉ là dân tỵ nạn tha phương cầu thực, cả đời chưa từng là lãnh đạo của ai ngoại trừ là “thủ trưởng từng ngày” của vài chú Mễ; ngay trong cái nhà bé con lắm khi tiếng nói cũng chẳng lấy gì làm nặng ký. Ngẫm phận mình bất quá chỉ là người may mắn hơn các người dân bần cùng đang run rẩy ngoài kia, chỉ vì đã chạy thoát được mà nay được linh đình đón tiếp. Ấy chẳng qua là nhờ cái hơi Mỹ! Nghĩ thế nên càng hổ thẹn, bèn nói:

- Tôi từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa từng thấy xe chở dân đi mà có còi hụ dẫn đường. Ngay cả Mỹ là một siêu cường mà tổng thống đi đường cũng chẳng hò chẳng hụ gì ráo. Bản thân tôi mỗi lần nghe còi hụ thì lại giật mình, do bị ám ảnh bởi cái thời thơ ấu mìn nổ, đạn rơi. Hầu hết đó là dấu hiệu của một việc bất tường như tiếng xe cứu thương, cứu hỏa hay cảnh sát truy tầm tội phạm. Nói nào ngay thì bên Mỹ cũng có đôi lần tôi ngồi xe có còi hụ, đó là khi tôi đưa song thân ra nghĩa trang. Nay ông Bí xử tôi như vậy thì hóa ra điềm gỡ, lòng tôi chẳng đặng yên.

Mạnh Đức nghe nói vội vàng xin lỗi Cậu Bảy rồi ra lịnh cho đoàn xe dẹp còi. Từ đó hai thầy trò mới yên tâm hàn huyên tâm sự cho thỏa những ngày xa cách. Khi xe về đến nhà quốc khách, Cậu Bảy thấy tuy xa hoa nhưng ồn ào và phí phạm quá nên mới bảo Mạnh Đức:

- Tôi vốn yêu chuộng cỏ hoa, đi vắng vài ngày đã thấy nhớ, vậy thì ông Bí có chỗ nào thanh tịnh hơn cho tôi chăng?

Mạnh Đức ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:

- Cả Hà Nội bây giờ mà muốn một chỗ như ý Thầy thì cũng khó, nhưng nếu Thầy không chê thì tôi xin mời về nhà sàn của Bác nghỉ ngơi, nơi ấy tuy giữa thành đô mà rộng rãi thoáng mát, cây cối xinh tươi như cái động tiên, lại tiện nghi không thiếu thứ gì, ý Thầy thế nào?

Cậu Bảy nghe nói bèn ưng, bảo:

- Như thế quả hợp ý tôi, vả lại nhân tiện tôi cũng muốn nhìn lại cây vú sữa miền Nam một chút cho đỡ nhớ, coi thử nó có đơm hoa kết trái gì không.

- Thầy ôi, nó chết đà bảy mươi đời dương rồi mà Thầy không biết hay sao? Việc trồng cây thì trên đời này chắc Thầy rành hơn ai hết. Hễ khác thổ nhưỡng thì cây nào sống cho đặng, chẳng qua là ngày trước phụ thân tôi đứng tưới cây giả rồi chụp hình gởi về gạt mấy đứa ngu trong Nam thôi chớ tính ổng đâu có yêu cây yêu cỏ như Thầy.

Cậu Bảy nghe nói bèn thở dài:

- Ừ nhỉ, cả rừng Trường Sơn mà lịnh nghiêm còn đòi đốt cho sạch thì chắc cũng chẳng quí báu gì một cái cây cỏn con. Thôi không ngắm được cây thì ngủ nhà sàn coi bộ cũng thú.

Đến nơi Mạnh Đức bưng cái ghế bành của Bác thường ngồi đọc báo ra hiên cho Cậu Bảy ngồi hóng mát, pha trà bưng lên hầu, xong rồi rụt rè hỏi:

- Thế còn việc phục vụ, Mán Mường Tày Thái đủ cả, Thầy chiếu cố cánh nào xin cho biết để tôi bảo bên Mặt trận Tổ quốc họ lo cho sớm.

Phải mất vài giây Cậu Bảy mới hiểu ra, vội vàng khoát tay lia lịa:

- Thôi thôi, xin ông Bí miễn cho tôi cái khoản đó vì khi đi bà nhà tôi đã dặn kỹ rồi.

Mạnh Đức nghe nói chợt nhìn lại Cậu Bảy, thấy người phương phi, da dẻ hồng hào, khí độ sung mãn, tuổi tác nom còn trẻ hơn Bác ngày ấy. Người như thế mà sao lại kém Bác thì nghĩ cũng lạ! Cho rằng thầy mình mới về còn mệt hoặc là còn giữ kẻ, hay là ổng đang nhợn cái gương ở truồng của thằng chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô? Ngủ nhà sàn mà chay tịnh thì sướng ích gì, mang tiếng ở Mỹ về mà quê mùa quá sức! Càng nghĩ Mạnh Đức càng phân vân nhưng không dám hỏi thêm, bèn thân hành quét dọn chỗ ngủ cho Cậu Bảy đâu ra đó rồi mới từ giã ra về, hẹn hôm sau dự tiệc. Ra tới ngõ Mạnh Đức còn cẩn thận nói với vào:

- Trong hộc tủ nơi đầu giường vẫn còn vài cây thuốc chưa khui đấy, bên trái là Điện Biên, bên phải là Phillip Morris, Thầy coi chừng lộn.

Image
Động tiên người phàm
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Rạng ngày 19-5, cả bọn tập họp nhau làm lễ ở quãng trường Ba Đình, cờ xí rợp trời y hệt hồi chuẩn bị đón bọn thực dân Pháp vào Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 1946, rồi vào dâng hoa trong lăng Bác. Cậu Bảy viện cớ mới về còn mệt nên chẳng muốn vào nơi âm khí.

Đến chiều thì có đại tiệc tại nhà quốc khách Ba Đình. Khi Cậu Bảy đến thì cán bộ đảng viên từ cao đến thấp đã có mặt. Cậu Bảy được mời ngồi vào ghế danh dự, chính giữa phía sau lưng có bàn vong của người đã khuất, khói hương nghi ngút. Ngay bên trên là hình lão Tàu có cái mặt tròn tròn bẹt bẹt như cái bánh bao thiu, hình Mác Lê và búa liềm thì độ rày khiêm tốn hơn, nằm tận trong góc. Kế bàn của Cậu Bảy, ngoài Tày Mạnh Đức còn có hai lão già, một chột mắt, một tóc xừng như rễ tre. Kỳ dư bọn Sáu Phong, Ba Dũng và lâu la đều theo thứ tự cao thấp mà ngồi sắp lớp bên dưới.

Trước khi vào tiệc, Mạnh Đức đứng dậy vái sống Cậu Bảy ba vái rồi mới lại thắp nhang bàn thờ, khấn lâm râm, sau đó móc túi lấy tờ giấy cũ mèm ra đọc, khóc kể đầu đuôi, lâu lâu dừng lại gỡ mắt kính, lấy tay chậm nước mắt ra mòi thương cảm lắm. Ai đời sinh nhật lại chẳng vui, cứ làm như đám giỗ. Cậu Bảy thấy thế mới thầm nghĩ rằng khả năng diễn xuất tài tình như thế thì khỏi phải thử DNA chi cho tốn tiền, người này đích thị là con của ông anh ngồi trên bàn thờ đó chớ ai!

Bữa tiệc thật là thịnh soạn, từ các món sơn hào hải vị cho đến hàng độc như bò cạp chiên bơ, tay gấu hầm thuốc bắc…đều có cả. Rau tươi hoa quả đầy ắp các loại, trình bày công phu đẹp mắt. Cậu Bảy bấy nay được bác sĩ riêng khuyên bớt ăn thịt nên thấy rau tươi ngon thì thích lắm. Đưa đũa gắp miếng rau vừa định bỏ vào miệng, bỗng Cậu Bảy sực nhớ đến một bài báo nói về rau tươi Hà Nội tưới bằng phân xanh, rửa bằng nước cống, bèn dừng tay lại, ngại ngùng nhìn từng lá rau rồi bỏ xuống. Mạnh Đức thấy thế hiểu ý bèn ghé tai nói nhỏ:

- Xin Thầy đừng ngại, đây là rau tươi từ vườn rau sinh học của đồng chí Khả Phiu gởi đến hầu Thầy, sạch lắm.

Mạnh Đức vừa nói xong thì bên dưới có lão già mặt choắt, đen và ốm như con khỉ giơ tay ra dấu như báo công. Cậu Bảy nghe nói nổi xung, nghĩ rằng rau này trồng bằng xương máu của nhân dân, bèn chẳng thèm đụng tới. Khả Phiu chẳng hiểu ý gì nên nét mặt buồn xo.

Khi tiệc mặn xong thì tới phần tiệc trà đàm đạo, Mạnh Đức đứng dậy nói:

- Hôm nay kỷ niệm ngày sinh thứ trăm hai của Bác, chúng ta vô cùng vui mừng có Da Cát tiên sinh về dự. Đó là niềm vinh dự to lớn cho toàn đảng ta, tôi muốn nhân dịp này chúng ta tranh thủ báo cáo thành tích đã hoàn thành trong thời gian qua cho người đặng rõ. Xin các đồng chí cho biết ý kiến.

Cả phòng đồng giơ cao tay hô vang:

- Nhất trí! Nhất trí.

Mạnh Đức bèn quay sang Cậu Bảy:

- Vậy chẳng hay Thầy muốn nghe về vấn đề nào trước

Cậu Bảy nghĩ thầm trong bụng, mình mới về chưa nắm vững tình hình, nếu nó báo cáo láo cũng khó phân biệt giả chơn, nên chưa muốn nghe. Lại thấy tiệc tùng màu mè khoa trương việc hiếu nghĩa mà kỳ thực là bày trò ăn nhậu rất lãng phí tiền bạc của nhân dân nên muốn mắng khéo chơi, vì thế khi nghe Mạnh Đức hỏi Cậu Bảy bèn nói:

- Việc ấy rất hay, nhưng tôi còn ở đây dài ngày, từ từ rồi ta sẽ đi vào cụ thể từng việc một. Hôm nay ông Bí tổ chức sinh nhật cho người quá cố rất linh đình đã cho thấy tấm lòng hiếu để. Vậy thì tôi đề nghị hôm nay ta tạm gát lại việc thời sự nhức đầu mà bàn về chữ hiếu chơi, việc ấy phỏng có nên chăng?

Mạnh Đức cả đời không nhìn cha, chẳng nhận mẹ mà được Cậu Bảy khen là người có hiếu thì sung sướng lắm, hớn hở nói:

- Thầy dạy rất phải. Hối sinh tiền Bác cũng thường nói hễ làm người, nhất là con người xã hội chủ nghĩa thì trung hiếu phải lấy làm đầu. Vậy trong buổi mạn đàm này tôi xin có ý kiến đề nghị các đồng chí cùng kể ra các gương hiếu thảo cổ kim nay để chúng ta cùng học tập.

Nói sơ về bọn bộ hạ của Mạnh Đức ở Ba Đình, hết thảy đều xuất thân là dân ba đời bần cố, đa số thất học, lại được giáo dục lòng căm thù, ghen tị từ tấm bé nên khi thấy Mạnh Đức trọng vọng Cậu Bảy thì đem lòng đố kỵ. Cả bọn thầm nghĩ anh cắt cỏ này bất quá chỉ được cái mác là Việt kiều Mỹ chớ tiên rồng gì mà chủ mình lại cung kính quá sức. Thế nên khi nghe Mạnh Đức đề nghị bèn mượn cớ thử tài Cậu Bảy:.

- Đồng chí Tổng Bí thư anh minh nói phải lắm. Tuy vậy chúng tôi kiến thức nhỏ mọn, trước mặt Cậu Bảy thiệt chẳng dám khoe tài, vậy xin Cậu là người đi đây đi đó, lại làu thông kinh sử, xin kể cho chúng tôi nghe lời vàng thì chúng tôi mới đáng gọi là có phước.

Image
Lục Vân Tiên truyện
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Cậu Bảy giả bộ từ chối vài lần cho ra vẻ khiêm cung rồi nói:

- Tôi vốn sính thơ, có hai câu này nói về chữ hiếu, vậy xin đố các ông chơi:

Hai hàng lụy ngọc nhỏ sa
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường.

Cậu Bảy ngâm chưa dứt thì bỗng phía bên dưới có tiếng như heo éc:

- Tôi thấy Cậu Bảy nói chưa đúng. Luận đàm chữ hiếu mà lại có ý xuyên tạc thành quả của đảng ta. Ta nay đã thống nhất, cả nước một nhà đồng lòng theo đảng thì sao lại “Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường.”

Cậu Bảy ngó xuống thấy đó chính là lão già tóc rễ tre đã bạc trắng, hai mắt lão trắng dã, cổ đeo sợi dây chuyền kết bằng dái heo phơi khô, tay khua khua cái tróng, mặt mày trông rất dữ tợn. Thì ra đó là anh chuyên nghề hoạn lợn dạo năm xưa ở Thái Bình, họ Nguyễn, tên Cống, tự Đ. M., bèn cười nói:

- Phải ông thiến heo đó chăng? Tôi chưa ngâm hết câu mà sao ông lại vô lễ cắt lời, để ta giảng cho mà nghe. Ấy chỉ là hai câu thơ nhắc về gương hiếu thảo của Lục Vân Tiên, nhân vật chính trong tuồng cải lương “Lục Vân Tiên khóc mẹ” mà bà nhà tôi mới xem. Cứ theo tuồng ấy thì Lục Vân Tiên là người chí hiếu, khi mẹ mất đã khóc đến mù mắt. Người như thế ở đời há dễ kiếm hay sao? Văn chưong thơ phú cũng như kinh tế quản trị không có trong giáo trình của bộ môn hoạn lợn nên ông chưa thông cũng phải. Người đời có câu “biết thì thưa thốt ,không biết thì dựa cột mà nghe,” chớ nên hồ đồ mà kẻ thức giả họ cười cho. Âu đấy cũng là bài học cho kẻ tài sơ mà lãnh chức lớn, dốt hay khoe, ngu hay làm càn vậy.

Lão già hoạn lợn nghe mắng một hồi bèn lấy làm quê độ, xấu hổ cúi gầm xuống không dám nói gì nữa. Bỗng nơi cuối phòng có tiếng cất lên:

- Cậu Bảy tuy hay chữ nhưng không nên lấy việc thơ văn mà luận sự đời. Việc chữ nghĩa hư cấu có nói không, không nói có thì tôi đây rành lắm. Ở đây ta cần gương người thật việc thật mới hay.

Cậu Bảy ngó xuống thì thấy anh đeo bảng hiệu chủ tịch Hội Nhà ăn, họ Vô, tên Thỉnh, hiệu là Đạo Văn, bèn cười khảy:

- Thực ra đó tấm gương thật của cụ Đồ Chiểu, chỉ mượn nhân vật Lục Vân Tiên mà nói lên tâm sự của chính mình chứ chẳng như ngươi mà cười thuê khóc mướn cho ai. Nhà ngươi lấy hiệu là Đạo Văn mà văn chẳng có đạo, lại đạo văn của thiên hạ thì dám nói chuyện thật hư với ta hay sao? Thôi về nhà học thêm cho ra lẽ rồi hẳn nói.

Vô Thỉnh mắc cỡ làm thinh. Một người khác lên tiếng:

- Đó là chuyện thời xưa, biết có thật hay không? Xin Cậu cho biết các tấm gương hiếu thảo cận đại, cụ thể từ thời Bác mình dựng nước thì mới đảm bảo tính trung thực.

Cậu Bảy coi lại thì thấy người đó râu tóc trắng như cước, rậm như bờm ngựa, tay cầm cuốn sách viết về bác Hồ của tác giả Trần Dân Tiên, thì nhận ra là kẻ họ Dương, tên Tàu, tự Trung Quốc, người làng Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hiện đang giữ việc chép sử riêng cho trung ương. Cậu Bảy bình sinh vốn khinh các loại sử gia mà ăn lương của kẻ cầm quyền. Đã viết sử mà ca tụng bác Hồ thì sử ấy đã đầu độc bao nhiêu thế hệ. Cam tâm làm Đại biểu Quốc hội bù nhìn mà dám tự xưng là nhà sử học thì quả là tận cùng vô sỉ. Nghĩ như thế nên Cậu Bảy muốn nhân cơ hội này mắng cho va một trận, ngặt hễ mắng va thì cũng dính tới Bác, ngại mích lòng Mạnh Đức nên cũng hàng hai:

- Tư hồi có Bác thì chữ hiếu nghe lạ tai lắm, trong lúc nhứt thời tôi cũng không nhớ ra ai. Tuy vậy công bằng mà nói, tôi cũng cho rằng Bác khá hơn lớp trẻ bây giờ. Ta cứ xét việc thân sinh của Bác, tức cụ Nghè Sắc, thường hay say rượu rồi hành hạ vợ con mà Bác vẫn không giết, chỉ âm thầm nuốt lệ bỏ đi làm bồi trên tàu. Nội việc đó đã nói lên cái đại hiếu, đại nhẫn rồi. Chứ như thời bây giờ thì biết bao cháu ngoan, kết qủa mấy mươi năm trồng người tận tụy của Bác, đã giết cha chém mẹ nhiều vô số kể, lắm khi chỉ vì cái lý do cỏn con như chẳng xin được tiền đi chơi game.

Ông xưng là kẻ viết sử thì hãy chịu khó đọc cho nhiều nguồn chớ chẳng nên khư khư ôm lấy cái học từ chương, suốt ngày nghiền ngẫm cuốn sách của lão ký gỉả ma rồi lấy đó làm sự thật. Để tôi chỉ sơ một kế mọn như vầy, hãy chịu khó lên in-tẹt-nét mà gú-gồ mấy chữ “con giết cha mẹ” sẽ thấy, nếu dưới một trăm bài thì tôi đưa đầu cho mà chém.

Dương Tàu cố cãi:

- Việc Cậu Bảy nói đó tôi cũng đã biết qua, nhưng đó là hậu quả của việc hội nhập nền kinh tế thị trường, chuyện xấu xa của bọn tư bản đế quốc lây lan qua là khó tránh khỏi. Ta vì thiên tai nên đói, bất đắc dĩ phải mở cửa theo nó tạm thời, mai này trời cho mưa thuận gió hòa thì sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Lúc đó tấm gương hiếu thảo nhân nghĩa của Bác nhất định phải thắng cái ác của thằng địch. Cái đó gọi là thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Cậu Bảy nghe nói cười khảy:

- Kể ra ông sử gia cũng khá thuộc bài, cái nhìn về Bác như thế thì kể ra cũng đáng hưởng các đãi ngộ bấy nay. Nhưng để tôi kể sơ sơ vài chuyện thời chưa mở của, thời mà Bác còn sống sờ sờ ra đó cho ông nghe thử. Như trong thời Cải Cách Ruộng Đất biết bao kẻ con tố cha, cháu tố ông bà, điển hình là gã Trường Chinh đã đích thân đấu tố cha mẹ mình. Anh cả của đảng, đàn em thân tín của Bác như thế có đặng là gương hiếu thảo chăng? Vậy thời tôi dám nói rằng trong lịch sử cận đại của nước ta, con người hiếu thảo quả là như sao buổi sớm vậy.

Dương Tàu nghe nói nghẹn họng, hổ ngươi bèn lấy cuốn sách che mặt, miệng câm như đại biểu quốc hội. Bỗng phía bên trái có người giơ tay phát biểu:

- Cậu Bảy nói cũng phải. Từ hồi đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, tôi thấy không ai dạy chữ hiếu mà chỉ dạy chữ trung, nói cho ra môn ra khoai là trung với đảng, thành ra ngôn ngữ nước Việt ta thời đại này hai chữ hiếu thảo đúng là từ “lạ.” Mà hễ nói đến “lạ’ thì tôi lại liên tưởng đến chuyện bên Tàu, bởi do công việc tôi cũng thường hay qua bên đó. Theo tôi thì nói về chữ hiếu thì không ai hơn người anh em môi răng của mình. Ý tôi muốn nói đến các tấm gương trong Nhị Thập Tứ Hiếu của nhân dân Trung quốc vĩ đại.

Cậu Bảy nghe thanh âm hơi quen quen bèn nhìn kỹ thì nhận ra đó là người huyện Từ Liêm, họ Phạm, tên Gia Nhường. Nguyên Gia Nhường trước đây có tham gia đặt câu hỏi trong lần Cậu Bảy trả lời trực tuyến cách đây mấy năm. Cậu Bảy cũng niệm tình nên từ tốn hỏi:

- Tích Tàu thì tôi…chẳng thèm nhớ. Gương Nhị Thập Tứ Hiếu ra sao xin ông Phạm vui lòng cho nghe.

Gia Nhường ra vẻ đắc ý:

- Tục ngữ có câu “thương ai thương cả lối đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng.” Tôi nhắm Cậu Bảy là người cực đoan, vì ghét bác Mao rồi ghét lây cả một tỷ dân Tàu, thành ra cho cái gì của họ cũng xấu cả. Thực ra từ thời xa xưa, khi cách mạng chưa thành công đó, thì người Tàu cũng có hiếu lắm. Để tôi đơn cử vài người trong Nhị Thập Tứ Hiếu cho nghe. Như có người tên là Ngô Mãnh, nhà nghèo, không sắm nỗi cái mùng, tối đến bèn cởi trần trùi trụi nằm phía ngoài cho muỗi cắn mình mà khỏi cắn cha mẹ, nhờ vậy mà cha mẹ ông được yên giấc. Sự hy sinh đó đã đặng là đại hiếu hay chưa?

Cậu Bảy nghe kể chợt nhớ lại hơn 40 năm trước khi học về chuyện này trong môn Giảng văn lớp bảy, có lần đã cãi nhau sùi nước bọt với ông thầy về tấm gương hy sinh hết sức thiếu…logic này của ông Ngô Mãnh, bèn mỉm cười nói:

- Đó của chẳng qua là chuyện phỉnh con nít chơi thôi. Muỗi thì cả bầy mà chúng đâu có trí tuệ đỉnh cao gì như cách mạng để mà biết phân biệt đâu là đối tượng nên hút máu. Thì đại loại cũng như tấm gương anh hùng Lê Văn Tám hay Phan Đình Giót của ta, nghe ngu…thấy bà mà thiếu gì kẻ tin. Những chuyện tầm phào, thiếu cơ sở khoa học ấy nay vẫn còn trong sách giáo khoa đấy. Đều có mục đích cả, nhưng chuyện Ngô Mãnh dù sao nghe cũng xuôi tai hơn. Ông làm việc ngoại giao đi đây đi đó, những tưởng cũng nên mở mắt mà phân điều phải trái, chớ nên hễ bọn Tàu nó nói gì cũng cúi đầu khen phải.

Gia Nhường nghe mắng xéo hổ thẹn im bặt. Lúc này nơi cuối phòng bỗng có một người mặc áo sọc dưa, chân mang gông, đứng dậy nói:

- Thế thì chuyện Lục Tích ăn cắp quít có đáng là tấm gương đại hiếu chăng?

Image
Hiếu tử Lục Tích: Ăn cắp vặt
Nguồn: vnthuquan.net
--------------------------------------------------------------------------------

Cậu Bảy ngó lại thì thấy đó là anh bạn đồng môn ngày trước, họ Hùynh, tên Vô Sỉ, tự Tế Dương, hiện giữ chức coi vườn bon-sai cho lãnh đạo. Cậu Bảy chưa kịp chào… sư huynh thì mọi người đã nhao nhao lên. Số là nghe nói đến hai chữ “ăn cắp” mà được người đời khen thì ai nấy đều háo hức muốn nghe. Nơi bàn danh dự gần chỗ Cậu Bảy ngồi một người cao lớn đứng dậy nói:

- Cách thức Lục Tích ăn cắp quít ra sao xin đồng chí mau mau cho biết đặng chúng ta cùng học tập kinh nghiệm.

Nghe giọng Nam bộ, Cậu Bảy biết ngay đó là Ba Dũng, tự Xà Mâu, hiện đang giữ chức tể tướng. Ba Dũng tuy ít học nhưng có tài chích thuốc, thường tự nhận là người yêu sự thật, ghét giả dối. Vô Sỉ chưa kịp trả lời Ba Dũng thì chợt thấy Sáu Phong đứng lên chắp tay xá Cậu Bảy rồi lên tiếng, vẫn cái giọng làm khôn dạy đời:

- Lục Tích vốn người thời Đông Hán, mới 6 tuổi đã tỏ ra rất có hiếu, một hôm theo cha đến ăn tiệc nhà Viên Thuật, thấy quít ngon bèn dấu vài quả trong tay áo đem về cho mẹ. Chẳng may khi ra cửa vô ý quít rơi ra ngoài, Viên Thuật bắt được vặn hỏi căn do bèn khen là người chí hiếu.

Ba Dũng mới nghe tới đó đã cười ngất:

- Nhiêu đó mà nhằm nhò gì. Xem như tôi đây, ông bà cha mẹ tôi đã qua đời khá lâu rồi, răng cỏ một cái chẳng còn, chắc cũng đâu có thèm lạt xi măng sắt thép gì mà tôi cũng ăn cắp đem về cả đống để xây cái từ đường tổ chảng. Vậy thời nói về chữ hiếu, Lục Tích sao bì đặng với tôi?

Sáu Phong vốn lép cơ Ba Dũng bèn ba phải:

- Tôi thấy mấy đồng chí nói cũng có cái đúng mà cũng có cái sai. Đúng là cả Lục Tích lẫn chú Ba đều là người chí hiếu, mà cái đó cũng chung cho toàn đảng ta. Cái sai là cách dùng từ chưa đạt, chữ nào nhạy cảm thì ta nên phát huy ra từ mới. Đó là ta học tập theo Bác mà kách mệnh cái ngôn ngữ tiếng Việt. Trở lại chuyện Lục Tích có để nói sang đàng rồi quên, tôi cho rằng Viên Thuật là anh nhà giàu, dọn tiệc thì lúc nào cũng có số dư. Lục Tích thấy quít dư mà không ai ghi sổ nên muợn đỡ về cho mẹ ăn chớ đâu có ăn cắp. Cái đó là hiếu, không phải là tham, vậy thời ta nên đổi lại là “Lục Tích mượn quít” mới phải.

Cũng như thế với các đồng chí của ta, cụ thể là đồng chí Ba Dũng, vật liệu trong kho lúc nào lại không có số dư, nhà máy xi măng từ Hà Tiên chở về Rạch Giá cũng gần, chú ấy chỉ mượn đỡ xây cái từ đường cho ông bà núp mưa tạm thôi. Khi nào nhân dân cần thì đồng chí ấy sẽ giở từ đường ra trả lại. Việc minh bạch như thế mà bảo là ăn cắp là muốn sỉ nhục gia tiên của đồng chí Ba Dũng đó. Tôi nói như vậy dượng Bảy, ủa quên, Da Cát tiên sinh thấy phải hôn?

Cậu Bảy đứng lên chắp tay sau đít đi một vòng cho đỡ buồn ngủ rồi gật gù:

- Tôi thấy các ông nêu ra mấy gương hiếu thảo đó cũng không phải là không có lý. Tuy vậy luận như thế chứng tỏ cái sở học rất tầm thường.

Cả bọn nghe chê lấy làm bất ý, bèn giành nhau hỏi:

- Việc khuân đồ kẻ khác về nhà của chúng tôi cũng cần… mưu sĩ lắm mà Cậu Bảy dám cho là tầm thường. Nếu không nói trạng thì xin cho nghe cao kiến.

Cậu Bảy bèn triết lý:

- Theo tôi thì con người hầu hết đều có hiếu, nhưng chữ hiếu đó cũng nằm trong phạm trù đối tác tình cảm phản hồi, nôm na là có qua có lại. Tục ngữ có câu “trẻ cậy cha, già cậy con.” Khi con còn nhỏ thì cha mẹ nuôi cho khôn lớn, khi cha mẹ già thì con nuôi lại, ấy là trả hiếu. Nhà nào cũng thế cả. Vì thế việc Ngô Mãnh, Lục Tích báo hiếu cũng là sự thường bởi cha mẹ các người ấy lúc đó hãy còn sống nhăn. Cái hiếu của chú Ba Dũng kể ra cũng lạ nhưng chưa bằng chuyện thật sau đây. Để tôi kể cho các ông nghe tấm gương chí hiếu đặc biệt đời nay.

Dứt câu Cậu Bảy ngó sang Mạnh Đức rồi chậm rãi tiếp:

- Tôi có anh học trò hoàn cảnh hết sức đáng thương. Cha anh ta là kẻ sở khanh, qua đường với mẹ anh rồi quất ngựa truy phong, bỏ mẹ anh bụng mang dạ chửa, chịu bao tiếng nhục với đời. Khi anh ra đời thì cha anh tuy làm ăn rất khá nhưng cũng chẳng nhìn anh. Vì thế mà anh phải mang họ mẹ suốt đời. Có người cha bất nhơn như thế nhưng anh vẫn một lòng tôn kính, không hề oán hận. Từ ngày cha anh đi theo cụ Mác, cụ Lê, năm nào anh cũng làm đám giỗ, sinh nhựt rất linh đình. Mỗi lần nhắc tới cha anh không những không giận mà vẫn luôn ca tụng đạo đức của người. Tôi hỏi các ông, người con như thế có đáng gọi là hiếu hay chưa?

Image
Hiếu tử Ba Dũng: Mượn có trí tuệ
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Cậu Bảy vừa dứt lời thì cả phòng tiệc vỗ tay như sấm, đó đây xì xào khen Cậu Bảy khéo dạy học trò. Có kẻ đề nghị Cậu Bảy cho phép người đó nhập tịch dân Tàu đặng liệt vào Nhị Thập Ngũ Hiếu cho thêm vinh dự.

Trời đã khuya mà nhiều người vẫn muốn đệ đạt thêm nhưng Mạnh Đức sợ Cậu Bảy mệt bèn đứng dậy tuyên bố mãn tiệc. Khi chỉ còn hai người, Mạnh Đức ghé tai Cậu Bảy nói nhỏ:

- Thầy ôi! Chỉ vì cái ghế mà tôi phải làm như thế chớ tôi “hiếu” sao nỗi với ổng hả thầy. Nói riêng cho Thầy biết, cũng nhờ bà già tôi quê mùa cam phận, không đòi hỏi cưới xin lôi thôi như dì Xuân, nếu không cái mạng mẹ con tôi cũng hẻo rồi, đâu có phước sống đến nay mà hầu Thầy.

Thôi Thầy về nghĩ, mấy hôm nay bên Quốc hội tụi nó bàn tới bàn lui vụ tàu cao tốc. Ngày mai lại xin mời Thầy đến cho ý kiến.


Muốn biết Cậu Bảy góp ý với Quốc hội ra sao, đón xem hồi sau sẽ rõ.

(Còn tiếp)


© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Cậu Bảy

Post by uncle_vinh »

Cậu Bảy tái xuất Ba Đình (III)

Caubay − Truyện phiếm


Hồi này thăm viếng Quốc hôi
Khuyên răn lũ cóc bôi vôi làm hề
IQ thấp hết chỗ chê
Nhờ bầy lợn nái yên bề tàu nhanh

Hồi thứ 102

Tưởng Bác Hồ, nữ lưu bị hố
Phục Cậu Bảy, lợn chẳng đẻ voi

Rạng ngày Mạnh Đức đến sớm vấn an Cậu Bảy, cùng nhau ăn điểm tâm rồi Mạnh Đức thưa:

- Hôm nay bên Quốc hội đang bàn về dự án tàu cao tốc, xin mời Thầy qua dự và cho ý kiến.

Câu Bảy nói:

- Tôi có tật hễ xem hài kịch mà dở thì hay ngủ gật, vậy ông Bí mời tôi tới đó làm gì?

- Xin thầy bớt thành kiến đi, kỳ này có đột phá đấy.

Cậu Bảy vốn tính ba phải, nghe nói cũng có lý, lâu nay chỉ nghe mà chưa thấy thì biết đâu lại nghi oan cho người ta. Chi bằng ta cứ tới thử, kể ra cũng đâu mất gì, nếu tụi nó diễu dở quá thì nhân tiện mắng cho chúng một trận chơi. Nghĩ thế bèn cùng Mạnh Đức ra đi.

Tới nơi Cậu Bảy được Tham Giàu, người huyện Đông Anh, Hà Nội, đương kim chủ tịch Quốc hội dẫn toàn ban ra đón rước rồi mời ngồi ghế chủ tọa. Tham Giàu bước lên diễn đàn tuyên bố:

- Thưa các đồng chí đại biểu, hôm nay ta tiếp tục triển khai thảo luận về dự án tàu cao tốc. Đặc biệt hôm nay chúng ta vô cùng vinh hạnh đón tiếp vị khách quí là Cậu Bảy, tức Da Cát tiên sinh từ bang Ca-li-phoóc- ni-a về dự. Vậy thì xin các đồng chí khẩn trương thảo luận, đặt câu hỏi cho xôm tụ đặng báo cáo cùng Người. Trước khi bắt đầu tôi xin mời Da Cát tiên sinh cho huấn thị tới các đại biểu.

Cả hội trường đồng đứng dậy vỗ tay rần rần. Cậu Bảy bước lên, lấy tay vịn cái micro, ngó quanh một chặp, chờ cho không khí hồ hỡi tạm lắng rồi nói:

- Các cô chú có nghe tôi rõ không?

Mọi người lại hô vang “Dạ rõ ạ!” rồi tiếng vỗ tay lại vang lên một hồi lâu nữa. Cậu Bảy tiếp:

- Tốt lắm! Có nghe rõ mới hiểu được, còn không nghe thì ắt không hiểu. Hôm nay tôi đến để xem các cô chú làm việc. Tôi chúc phiên họp đại thành công. Nhưng trước hết cho tôi hỏi thăm đến các đại biểu gái. Các cô bấy nay vẫn khỏe chứ? Từ ngày tham gia làm đại biểu Quốc hội, các cô có tiếp thu được kinh nghiệm đều không?

Sựu lưu tâm của Cậu Bảy đối với chị em bất ngờ quá làm cả hội trường đột nhiên yên lặng như tờ. Tất cả đại biểu phái nữ đều cảm thấy sung sướng đến tột cùng, đó đây nấc lên tiếng khóc thút thít, rồi tất cả đồng nghẹn ngào thưa với Cậu Bảy như đứa con nói riêng với mẹ:

- Kính thưa Cậu, chúng cháu vẫn phấn đấu học tập tốt, lao động tốt đấy ạ. Báo cáo với Cậu là từ hồi được Đảng chiếu cố cho tham gia làm đại biểu Quốc hội thì nhàn lắm, thỉnh thoảng mới đi họp. Phòng họp lại có điều hòa, ghế da rộng rãi nên ngủ cũng thoải mái. Chế độ đãi ngộ cho đại biểu Quôc hội cũng khá hơn hồi chống Mỹ nên sức khỏe rất tốt, kinh nguyệt chúng cháu đều lắm ạ.

Cậu Bảy nghe qua chưng hửng, bèn rầy:

- Cậu chớ đâu phải Bác mà hỏi mấy chuyện bá vơ đó. Nhưng thôi cũng mừng, sức khỏe có tốt mới an tâm phục vụ cách mạng, tránh được các sự cố. Tôi khuyên các cô chú cứ phát huy như thế, ráng giữ nếp sống mới, siêng tập thể dục. Mọi sinh hoạt học tập và lao động phải có ngăn nắp, đừng để nó rối loạn mà ảnh hưởng đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy thì truớc khi bắt đầu làm việc, để tôi tặng các cô chú mấy câu thơ cho tăng khí thế. Nó như vầy:

Image
Các cháu kinh nguyệt có đều không?
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Kỳ này hơn hẳn các kỳ qua
Đảng đã chăm lo cho các bà
Kinh nguyệt ra đều là rất quí
Sạch rồi nghênh địch, tiến quân ca.

Cậu Bảy vừa ngâm xong thì thấy cánh nhà văn, nhà báo ghi ghi chép chép, hình như sẽ quyết tâm đưa vào văn học sử áng thơ hết sức hiện thực mà hào hùng kia.

Sau đó Tham Giàu nói:

- Thôi ta tranh thủ làm việc rồi nghỉ sớm. Tôi xin các đồng chí chuẩn bị tuần tự lên báo cáo nội dung các buổi họp vừa qua cho Cậu Bảy nắm.

Cậu Bảy lắc đầu:

- Chú vì quan tâm tới tôi mà đề nghị thế là rất tốt, đó chính là thực hành dân chủ cao. Tuy vậy tôi đã được bên Bộ Chính Trị báo cáo, cũng nắm sơ qua ý các cô chú. Để khỏi mất thì giờ, tôi tranh thủ phê bình vài điểm tiêu biểu:

Trước hết tôi có đọc trên Vietnamnet chú Phó thủ tướng Sinh Hùng phát biểu nguyên văn như vầy:

Image
Phó thủ tường Nguyễn Sinh Hùng: "Không nước nào có diện tích dài như VN."
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

“Tôi yên tâm" và "ta phải làm”. Lý do "phải làm" theo ông Hùng vì không nước nào có diện tích dài như VN. Chính phủ sẽ không bỏ quên đường bộ, đường thủy.”

Đó là lối suy nghĩ hàm hồ. Riêng câu “không nước nào có diện tích dài như VN” đã cho thấy chú rất dốt về toán học và địa lý. Chú còn bảo:

“Hiện GDP của Việt Nam là 106 tỉ USD, năm 2020 sẽ gần 300 tỉ, năm 2030 sẽ là 700 tỉ và năm 2040 sẽ là 1.000 tỉ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200, đến năm 2040 sẽ đạt 20.000 USD.”

Nói như thế là nói càn, bài toán kinh tế mà chú giải dễ ợt như tính rợ. Chú quê ở Nghệ An, tên họ cũng giống cụ Sinh Sắc, không biết có bà con với cụ ấy không mà ăn nói như gã say rượu.

Kế đến là chú Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Chú bảo rằng “đã phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Có thể nói, hiệu quả kinh tế đơn thuần không cao, nhưng xét hiệu quả kinh tế xã hội thì cao.”

Làm một việc dù đã biết không có hiệu quả mà vẫn dồn đến 50% tiềm lực để làm thì cũng như đứa ngu mà ham cờ bạc. Chơi khát nước như vậy thì dễ đi ăn mày lắm.

Về chú Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho đó là “dự án đón đi tắt, đón đầu.” Nói như vậy thời tôi đoán có lẽ chú buông cây roi giữ trâu cũng không lâu. Muốn có nền kinh tế vững mạnh thì phải phát triển cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ với sự phát triển ở các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, quốc phòng. Nó không phải như đi giữ trâu, chăn vịt mà đón đầu, chận ngọn.

Luận điệu đón đầu thế giới, nắm bắt trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của loài người mà không cần học chỉ là ước mơ duy ý chí rất ngu xuẩn của mấy anh bẻ ghi, cai đồn, hoạn lợn. Đó là thói coi trời bằng vung của bọn bần cố nông vô học mà nắm quyền. Nay trong thời đại thông tin toàn cầu mà chú vẫn lặp lại kiểu nói phét lác đó thì thật là đáng xấu hổ!

Đó là phía chính phủ, còn bên đại biểu của dân thì theo chú Trần Tiến Cảnh thuộc đơn vị Hà Nam lập luận là hễ nước nào có IQ cao thì có đường cao tốc. Nói như vậy thời chú Cảnh đã để lòi cái đuôi đảng cử chứ chẳng phải dân bầu, bởi IQ của dân Hà Nam chắc không đến nỗi thấp mà bầu cho chú.

Đó là tôi tóm tắt vài lập luận hêt sức ngây ngô của các chú cho…thiên hạ nghe chơi. Ngoài ra còn một yếu tố rất quan trọng mà tôi thấy các cô các chú chưa bàn tới.

Cả hội trường đồng thanh hỏi:

- Chúng tôi đã bàn rốt ráo cả, còn vấn đề nào nữa xin Cậu cho biết.

Cậu Bảy chậm rãi nói:

- Đó là vấn đề an ninh. Đừờng sắt là công trình chạy dài theo rừng núi, không tập trung một chỗ nên rât khó bảo vệ. Ngày xưa “cách mạng” chỉ cần một chú du kích, nửa đêm mò về đặt mìn là phá hỏng cả hệ thống đường sắt của miền Nam. Ngày nay nước ta vẫn chưa hẳn là trong thời bình. Sự bình yên mà chúng ta đang có nó mong manh lắm, được trả giá bởi việc cúi đầu nhịn nhục bón bá quyền phương bắc bấy lâu nay. Nhưng sự nhịn nhục đó nó có giới hạn. Các ông các bà bên đảng vì quyền lợi riêng tư mà nhịn, chứ người dân họ đâu có hèn mãi được.

Thành ra, tôi lấy giả dụ, nếu nay vay nợ bù đầu để xây xong cái đường cao tốc rồi ngày kia xung đột xảy ra, tụi anh em lưu manh phía bắc chỉ cần núp trong rừng thụt vài quả B40 là đủ làm cho công trình bạc tỷ đó tiêu tan. Nên nhớ rằng ngày nay đảng của các cô các chú rước bọn Chệt về nằm đầy trên Tây nguyên đó.

Tóm lại là khi tình hình an ninh chưa ổn, quốc phòng chưa đủ mạnh mà thực hiện cái dự án đó là rước thêm nợ vào thân, lợi bất cập hại. Nó cũng ví như một anh nhà nghèo muốn học đòi cho bằng thiên hạ, bèn dồn hết tài sản, vay mượn tứ tung để cưới cho được một cô vợ đẹp để khoe với hàng xóm. Cả ngày ngồi giữ nó cũng đủ mệt, chẳng thể làm ăn nên cơm nên cháo gì cả.

Nghe lý luận sâu sắc như thế mọi người đều khâm phục, tấm tắc khen Cậu bảy có chỉ số IQ hết sức cao. Tuy vậy thực chất là bên cánh chính phủ có ý khác, đó là bày chuyện ra để ăn, nên không muốn để Cậu Bảy bàn ra nữa. Sinh Hùng quá bức xúc nên đâm ra vô phép:

- Tôi nghĩ Cậu Bảy xưa nay chuyên cắt cỏ vặt, chưa làm ăn lớn nên nhát. Ông bà có bảo có phước làm quan, có gan làm giàu, không vào hang hùm sao bắt được cọp. Ta đang trong thời kỳ vươn ra biển lớn, nếu cái gì cũng sợ thì suốt đời chỉ lẩm quẩn trong bờ thôi. Một lần nữa, tôi lặp lại ý chí của chính phủ ta là không thể không làm.

Cậu Bảy nghe nhắc chuyện vươn ra biển lớn thì đâm bực. Nghĩ bụng bọn này quen thói dóc như vẹm, coi mòi khó dạy, chi bằng dụng kế thì họa may chúng mới sáng mắt ra, bèn nói:

- Thời xưa có học hành đỗ đạt mới được làm quan nên gọi là có phước, nay làm quan do kết bè kết đảng thì nhục gia phong chứ phước đức gì. Nhưng thôi đó là việc nội bộ của các chú, tôi về chơi vài bữa rồi đi thì chẳng thèm lo cho mệt. Thôi ta bàn qua chuyện khác. Vừa rồi tôi có đọc một cái tin rất lạ trên nét, muốn trao đổi với các cô chú. Không biết các cô chú ở đây có được trang bị máy vi tính không?

Cả phòng hãnh diện nói:

- Kính thưa Cậu, có cả đấy ạ, nhưng…

- Nhưng gì?

- Dạ… có bộ phận không nhỏ các đại biểu chưa biết dùng vi tính, chỉ để trang trí thôi ạ.

Cậu Bảy nghe nói bật cười, bảo:

- Tiếng đồn chẳng sai, nơi này thứ gì cũng là đồ trang trí cả. Thôi cô chú nào biết thì chịu khó chỉ cho người chưa biết, để chúng ta cùng học tập. Bây giờ các cô các chú lên nét gú-gồ cho tôi mấy chữ “Lợn đẻ ra voi.” Ai tìm được gì cho biết sớm thời tôi mới khen có trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Cả bọn nghe xong lật đật mở computer tìm kiếm, rì rào bàn tán xôn xao, vui vẻ lắm. Vài phút sau một đại biểu nữ giơ tay:

- Thưa Cậu, thấy rồi ạ!

Cậu Bảy ngó lại thì thấy đó là Phó chủ tịch Quốc hội Tùng Thị Phón, bèn nói

- Giỏi đó, cô thấy gì thì đọc lên cho tất cả cùng nghe.

- Thưa trên báo Pháp Luật có bản tin, cháu xin đọc vắn tắt như vầy:

Lợn đẻ ra “voi”

Trong những ngày qua, hàng trăm người dân hiếu kỳ ở các vùng lân cận đã đổ xô đến gia đình anh Nguyễn Đức Cảnh (SN 1954, ở xóm 1, đội 1, Tú Sơn, Kiến Thuỵ, Hải Phòng) để chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ: lợn đẻ ra “voi”.

Chị Đỗ Thị Phin (vợ anh Cảnh) cho biết chú "voi" được sinh lúc 22 giờ tối 2-7, nặng khoảng 1,5kg, nhưng chỉ sống được hơn 1 giờ thì chết. Hình thù chú lợn này rất lạ: da trơn bóng, móng chân rất to, lông mi mầu trắng và rất dài… Đặc biệt, đôi tai lợn to vểnh, vòi dài có 2 lỗ mũi phía trước trông rất giống voi.

Đến 24 giờ đêm, dù biết lợn đã chết song vẫn có đông người kéo đến. Khi gia đình chị Phin định đem chôn thì anh Bùi Văn Đăng (người cùng thôn) xin chú lợn này về để ngâm rượu bảo quản.

Thị Phón vừa dứt lời thì bên cánh nam, đại biểu Huỳnh Đởm la lớn:

- Đây nữa, báo Dân trí đăng tin đây nè, cháu xin đọc:

Dân trí - Liên tiếp những ngày qua, hàng ngàn người dân trong địa bàn Hà Tĩnh lũ lượt kéo về thôn Trung Thành, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên để xem một sự kiện khá kỳ lạ: một chú lợn sau khi sinh có thân hình y hệt một chú voi con.

Theo lời kể của một cán bộ xã Cẩm Dương, cách đây 3 ngày, con lợn nái của gia đình anh Bùi Văn Dần, thôn Trung Thành sinh lứa lợn 7 con. Trong lứa lợn vừa sinh này chỉ có duy nhất một con lợn bạch, số còn lại là lợn móng cái (lợn đen).

Điều kỳ lạ là thân hình chú lợn bạch duy nhất này hết sức đặc biệt, phần đầu có tai, mắt và vòi y hệt một chú voi con; phần móng chân cũng khác với một con lợn bình thường. Sau khi sinh được ít tiếng đồng hồ, chú lợn nói trên đã chết.

Cậu Bảy chưa kịp khen Huỳnh Đởm thì một giọng Huế thốt lên:

- Cậu ơi!

Cậu Bảy nghe giọng nũng nịu hơi giống…cô bạn cũ, nhìn lại thì ra đó là đại biểu đơn vị Thừa Thiên Huế, tên là Tôn Thị Nịnh.

- Ghê quá Cậu ơi, con chi mà kinh ri nè. Để em đọc cho Cậu với lại bà con nghe nghe:

Phù Cát - Bình Định: Lợn đẻ ra voi ?

Giadinh.net - 2h30 sáng 1/7, heo nái của nhà anh Huỳnh Ngọc Lý (thôn Tân Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Cát, Bình Định) đã sinh đàn lợn con gồm 12 con, trong đó có một con lợn đực có hình thù rất giống con voi, nhất là đầu, hai mắt, tai, vòi và ngay cả móng vuốt các bàn chân cũng to xòe giống chân voi.

Sau khi đẻ xong, mặc dù con lợn giống con voi con to nhất đàn nhưng chỉ sống khoảng 5 phút.

Cũng ở huyện Phù Mỹ nhưng tại thôn Vĩnh Bình - xã Mỹ Phong, trước đó 3 ngày, vào lúc 15 giờ chiều ngày 28/6/2007, con lợn nái sinh sản nhà chị Nguyễn Thị Thẩm đã đẻ ra 15 heo con, trong đó có một lợn đực con cũng có hình thù giống như con voi, nhất là đầu to, hai tai to, có vòi uốn cong.

Trong khi 14 con lợn khác vẫn còn sống, bú sữa mẹ, thì con heo này có hình thù vừa heo - vừa voi đã chết ngay sau đó.

Xuân Lộc (Đài TT Phù Mỹ - Bình Định)

Image
"Cậu ơi! Con chi mà kinh ri nè!"
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------

Thị Nịnh vừa đọc dứt thì có đại biểu mắc quân phục cấp tuớng tên Phùng Thất Thanh cất tiếng:

- Bên bộ đội chăn nuôi cũng có, để tôi báo cáo cho Cậu với các đồng chí:

Xôn xao lợn đẻ ra...'voi' ở Nghệ An

Sáng 11/5, tại khu trại chăn nuôi lợn của Tiểu Đoàn 2, Lữ Đoàn 16 (xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), một con lợn mẹ sinh được 14 lợn con, trong đó có một con hình thù rất giống... voi.

Anh Vương Đình Kiệt - phụ trách chuồng trại của đơn vị cho biết, con lợn mẹ nói trên chuyển dạ vào tối hôm qua và sinh được 14 con trong sáng 11/5. Đáng chú ý, trong số đó có một con mang hình thù giống “voi”.

Con “voi” con này nặng khoảng 1kg, có mõm tựa vòi voi dài gần 10cm, miệng, mắt nhỏ, nhưng cặp tai lại rất to... Khi sinh ra, “voi” con rất yếu, không thể tự bú, đi lại được và chỉ sống sót được hơn 3 giờ đồng hồ.

Nghe tin lợn của Tiểu Đoàn đẻ ra “voi”, hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ xô đến xem.

Theo Dân Trí

Tiếp theo đó hàng loạt cánh tay giơ lên, Cậu Bảy thấy nhiều quá bèn lên tiếng:

- Các cô chú giỏi đấy! Thôi nhiêu đó đó đủ rồi, nay đến phần thu hoạch, các cô chú nghe tôi hỏi: Qua các bài báo đó chúng ta rút ra kết luận gì nổi bật?

Cả hội trường im re, không ai có ý kiến gì, rồi có vài cánh tay rụt rè đưa lên trả lời:

- Dạ, có lẽ đó là điềm gỡ.
- Thưa, heo mẹ có chỉ số IQ cao nên đẻ ra voi
- Lỗi tại đồng chí Đỗ Mười, có lẽ bị Tây rượt, thiến ẩu, sót dái nên mới sinh quái thai….

Cậu Bảy nghe xong mới giảng như vầy:

- Các cô chú giải thích nghe cũng tạm được nhưng chưa thông lắm. Để tôi giảng sơ sơ cho mà nghe:

Theo thuyết Đác-huyn thì mọi sinh vật đều theo qui trình tiến hóa. Như giống khỉ giỏi tu, ủa quên, giỏi ăn trộm thì hóa thành người. Qúa trình tiến hóa đó nhanh hay chậm tùy thì vào điều kiện tiếp cận. Quán triệt cơ sở lý luận khoa học đó chúng ta dễ dàng thấy vì sao trong nước ta mấy năm nay nhiều nơi lợn đẻ ra voi. Ấy là vì môi trường sống. Giống lợn, do có chỉ số IQ cao, khi tiếp xúc với Bác và Đảng thì tiếp thu ngay cái thói…đẻ voi. Kết luận đó càng được thuyết phục vì ta thấy hiện tượng này xảy ra nhiều ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cô chú có biết vì sao không?

- Dạ! Vì Nghệ An là quê Bác ạ, nơi có con lợn giống tốt lắm ạ.

- Giỏi! Nhưng ta nói phải có sách, không thể hàm hồ vu oan. Bằng chứng đâu mà bảo lợn giống Nghệ An đó có khả năng đẻ voi cao?

- Dạ thưa nhiều lắm…Ví dụ nó ở Nghệ An nên sớm nghe Bác đòi dắt năm châu tới đại đồng.

Đại biểu khác thưa:

- Nó cũng nghe bác hứa đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Cậu Bảy bèn động viên:

- Tôi cho là hôm nay các cô chú thật dũng cảm, trả lời trung thực nhất trong lịch sử Quốc hội ta. Thế còn ở Thái Bình vì sao lợn cũng đẻ voi?

- Vì lợn Thái Bình noi gương người đồng hương là anh hùng Phạm Tuân ạ. Nó thấy dép lốp mà bay vào vũ trụ nên nó kiên quyết đẻ voi cho ngang tầm ạ.

- Giỏi lắm! Thế lợn Bình Định vì cớ gì lại cũng đẻ voi?

Đến đây thì cả hội trường ngọng, có người đoán là Bình Định giáp ranh với Quảng Ngãi, có bầy lợn đẻ ra chú voi con Dung Quất, nhưng Cậu Bảy cho là chưa thuyết phục, mới giảng:

- Bình Định ở gần biển, dân có tài chèo thuyền thúng mà ra tới biển lớn. Việc ấy phù hợp với mộng ước vươn ra biển lớn của chú Ba Dũng. Chính chú ấy, tuy không phải lợn, đã đẻ ra rất nhiều voi con, điển hình là chú voi Vinashin, nuôi nấng rất kỹ, chạy nợ gần 80 ngàn tỷ đồng để bồi dưỡng cho nó mà nó vẫn cứ chết. Vì thế lợn Bình Định muốn bắt chước vươn ra biển lớn mà đẻ ra voi.

Image
Vươn ra biển lớn - aka- Heo Cà Mau đẻ voi Vinashin
Nguồn: Tranh Babui - DCVOnline.net
--------------------------------------------------------------------------------

Các đại biểu đồng loạt ồ lên thích thú, đứng dậy chấp tay vái Cậu Bảy về tầm nhìn sâu rộng. Nhưng Sinh Hùng với Tham Giàu chưa phục, đứng dậy nói:

- Kính thưa Cậu, thế vì sao trong Nam lợn không đẻ ra voi.

Cậu Bảy điềm đạm trả lời:

- Có chớ sao không!

- Lợn nào đẻ voi, thiệt tình chúng cháu chưa thấy ạ.

- Thì con lợn Cà Mau đang mang thai voi con chạy nhanh đó. Nó đang chuyển bụng, các cô các chú đang mần bà mụ mà không biết hay sao?

Các đại biểu ngơ ngác chẳng hiểu, Cậu Bảy bèn huỵch toẹt:

- Nghe nói chỉ số IQ của các chú cũng không đến nỗi tệ mà sao chậm hiểu quá. Lợn mẹ thì tôi không nhắc lại vì sợ…mích lòng, bởi nó làm suôi với ông bạn Việt kiều Mỹ của tôi, nhưng voi con là dự án tàu cao tốc đó. Tính mệnh con voi gốc lợn này trong tay các cô các chú. Muốn bỏ phiếu cho quái thai ra đời để rồi cả nước mang nợ như chú voi Vinashin hay cho nó ngủm từ trong bụng mẹ là tùy. Tính tôi ít nói, ngắn gọn vài dòng, các cô các chú lĩnh hội được thì tốt, không thì thôi.

Nói xong Cậu Bảy ra về. Chiều hôm đó Quốc hội bỏ phiếu không tán thành đề án xây tàu cao tốc. Cậu Bảy nghe tin rất vui, bèn gọi Mạnh Đức đến khoe:

- Chuyện nó dễ ợt như vậy mà bàn tới bàn lui cả tháng cho phí nước bọt. Tôi chỉ khuyên có mấy lời là tụi nó sáng mắt ngay, bỏ phiếu bất tán thành rồi đó. Làm đại biểu của dân mà dám bỏ phiếu chống lại kế hoạch của chính phủ thì kể ra tụi nó cũng hết sức dũng cảm đó ông Bí hén!

Mạnh Đức cười cười:

- Thầy có bao giờ làm nghề đánh xe ngựa chưa?

- Chưa! Cả đời chỉ cắt cỏ không à.

- Vậy nên Thầy mới tưởng bở. Con ngựa kéo xe lúc nào cũng có hai miếng vải che mắt, cứ một đường thẳng mà đi. Khi nào mình giựt dây cương thì nó mới dám đổi hướng.

- Ủa! Hóa ra…

- Chẳng dám vô phép với Thầy. Nói nhỏ cho Thầy biết, sắp tới đại hội Đảng rồi, cũng có vài việc nội bộ lình xình, chưa thống nhất nên tụi tôi mới bày ra cái trò đó. Tôi không cho phép, ông nội tụi nó cũng chả dám…

Cậu Bảy nghe nói quê xệ, buồn thiu, té ra bị gã học trò chơi khăm mà tốn nước bọt cả ngày. Bỗng cell phone của Mạnh Đức reo, gã bắt phone nói chuyện một lát rồi thưa với Cậu Bảy:

-Có anh Việt kiều mời Thầy sáng mai đi thành phố ăn phở.

Cậu Bảy đang bực, ừ ừ không hứa, bảo để thơi thơi rồi tính. Muốn biết ai mời Cậu Bảy, có việc gì, hễ đón xem hồi sau thì biết.

(Còn tiếp)

Copyright by DCVOnline
Post Reply