Hoa Thiên Lý

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Hoa Thiên Lý

Post by uncle_vinh »

Xin tặng chị Đặng Văn Thời CN11:
(Nhờ anh NV Thái chuyển giùm cho)

HOA THIÊN LÝ

Duyên Anh


Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con. Chả biết mầu xanh dìu dịu của lá và hương thơm nhẹ nhàng của hoa thiết tha là bao mà mẹ tôi âu yếm nó thế.

Thường thường mẹ tôi trồng từng khóm. Mẹ bắc khum khum một cái giàn. Chiều chiều mẹ xách nước tưới vào gốc cho cây chóng lớn. Khi lá theo cành lên kín đầy giàn và khi loài ve sầu rủ rê mùa hạ sang thì họ hàng nhà bọ ngựa đã tha thẩn cả ngày leo bò lên giàn hoa lý xanh tươi.

Đối với tôi hồi còn bé có lẽ cây ổi trĩu nặng quả chín còn thú vị hơn giàn hoa thiên lý của mẹ. Nhưng mỗi lần theo mẹ mang rỗ ra vườn hái từng chùm hoa về nấu canh với cua đồng, tôi thấy lòng tôi hớn hở và cả lòng mẹ cũng tươi nở dưới giàn hoa.

- Hoa thiên lý nấu với cua đồng ngon lắm cơ con ạ !

- Mùi nó làm sao ấy mẹ ạ ! Con ghét giàn hoa của mẹ ghê đi ấy, cây gì lại cây chẳng có quả. Mai con chặt nó đi mẹ nhé !

- Hư nào, tại con chưa biết ăn thì bảo nó làm sao à ? Hôm nay con thử ăn mà xem, ngọt ngọt là.

- Ngọt như kẹo dồi chó không hở mẹ ?

Mẹ tôi cười đăm đăm nhìn tôi. Tia mắt hiền hòa ấy như tiếng ru muôn đời có bao giờ định nghĩa được, nên ngày nay dù tôi không nhớ hết kỷ niệm huy hoàng của thời thơ ấu thì tôi vẫn tự nhủ rằng tất cả đã nằm trong bài hát ru con mà mẹ tôi đã ru tôi trên đôi tay gầy nho nhỏ và đã in vào ánh mắt mà mẹ tôi ban cho tôi thuở thiếu thời, đã lắng trong tâm hồn tôi.

- Mẹ yêu hoa thiên lý như yêu các con, hễ Long ghét giàn hoa của mẹ thì mẹ giận đấy.

- Ứ ừ ! Thế con cũng yêu hoa lý.

Tôi vội vàng nói thế, kẻo mẹ tôi giận. Mẹ tôi chỉ cười. Và từ hôm ấy, mỗi buổi tra mẹ hay dắt tôi ra hóng gió ở dưới giàn hoa. Mẹ mang chiếu ra trải. Mẹ ngồi nghĩ ngợi xa xôi. Tôi ngồi gối đầu vào lòng mẹ mơ màng nghe tiếng sáo diều vi vu, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng ru buồn thấm thía hay tiếng chim cu gáy xa xa vọng lại. Đôi khi mẹ kể chuyện gì mà tôi không hiểu được, nhưng chắc lòng mẹ rộn ràng lắm vì cứ thấy mẹ mỉm cuời bâng quơ. Tôi thường ngủ thiếp đi trong hơi thở êm đềm ấy.

Dần đần tôi thích trồng hoa. Tôi bắt mẹ bắc cho tôi một cái giàn. Mẹ bảo đến mùa hạ sang năm giàn hoa của tôi đẹp lắm, bốn mùa trắng xóa ánh trăng lan. Nhưng tôi không đợi được đến mùa hạ. Khi khóm cây bắt đầu leo, cha tôi ở Hà-Nội về đem gia-đình lên Vĩnh-Yên mở đồn điền. Tôi rời quê ngoại chưa biết tương tư tiếng sáo diều mà chỉ nhớ mang mang giàn hoa thiên lý mới trồng.

Rồi tôi lớn lên giữa cảnh bao la hùng vĩ của đồi núi. Những buổi chiều theo cha cỡi ngựa đi hứng gió không làm cho tôi sung sướng bằng nằm trên bờ cỏ nghe tiếng suối reo. Tôi ghét cái bộ mặt của mấy bác cai, tôi ghét tiếng hò hét khi cái bác mắng mỏ người làm. Tôi cũng ghét cả nét mặt lạnh lùng ghê-sợ của cha tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao ngày bé nhỏ tôi ham thích những cái gì mềm mại, dễ thương im lặng như giọt mồ hôi chảy đều trên lưng người thợ hay hơi thở đều đều của mẹ tôi. Tâm hồn tôi giản dị nên tôi không ưa gì lũ cây sù sì mọc đầy nơi rừng rậm hoang vu này. Tòi vẫn thích giàn hoa thiên lý ở quê ngoại.

Lên đây ít lâu mẹ tôi đã tốn nhiều công phu mà chưa ươm được khóm nào. Tại hoa lý chẳng hợp đất rừng hay đất rừng không chịu dung nạp loại cây ỉ lại sức người ? Mỗi lần có người xuôi đồng bằng, mẹ tôi cố dặn thử mang một cây giống lên xem sao, cha tôi đều gạt đi :

- Giồng làm cái quái gì của nợ ấy !

- Cậu thì chẳng khi nào muốn giữ kỷ niệm êm đềm của đời mình.

Mỗi lần thế, mẹ tôi buồn lắm. Có khi mẹ khóc và bỏ ăn hai ba bữa. Mới lên mười tuổi, tôi đã làm sao thấu rõ tâm sự của mẹ, làm sao tìm hiểu nổi niềm ấp ủ hoa thiên lý của mẹ tôi. Nhưng dù sao mẹ cũng cố vun trồng và mẹ đã mãn nguyện. Mấy giàn hoa xanh mơn mởn đẹp kiêu hãnh như nàng công chúa đứng trước đám thần dân. Những mùa hạ đi, những mùa hạ lại, ở rừng không có cua đồng nên hoa thiên lý phải nấu với thịt lợn rừng giã nhỏ. Nó vẫn ngon làm sao, mẹ tôi nói thế. Và người còn bảo :

- Còn hương vị quê hương con ạ !

Trưa hè miền này vắng tiếng sáo diều, tiếng ru buồn thấm thía. Mẹ tôi không đem chiếu trải dưới giàn hoa ngồi kể chuyện cho tôi ngủ thiếp đi nữa. Cuộc sống đồi núi nối tiếp từng trang dài tẻ nhạt. Mưa rừng giăng mờ muôn ngả chỉ làm cho tôi hậm hực trên nhà sàn. Và mỗi chiều nắng rớt rơi đọng trên cây lá thay mầu cảnh vật cũng chẳng làm tôi say mê. Tôi đã biết cảm thế nảo là tình quê hương.
Ít lâu sau công việc làm ăn thất bại, nắng dữ dội quá nên cà-phê, chè chết khô chết héo, cha tôi phải nhường quyền cho người khác trông coi rồi đem gia đình về Hà-Nội.

Tự đấy, cha tôi thay đổi tâm tính, thường kiếm cớ mắng mẹ tôi tuy mẹ tôi rất mực hiền hòa. Nhiều lần cha đi chơi mấy ngày mới về, mẹ tôi chỉ khóc âm thầm và để quên chuỗi thời gian mong đợi cha tôi hối hận, mẹ tìm vui bằng cách trồng thiên lý cho nó leo lên tường. Nhưng có một đêm nọ mẹ khóc nức nở, sáng hôm sau sưng cả mắt. Cha tôi đã bỏ vợ con bơ vơ đi theo tiếng gọi sông hồ. Cảnh chim vỗ cánh tung bay biết khi nào mới trở về tổ cũ. Mẹ tôi chợt nghĩ tới chân trời quê hương im lặng như giòng sông Trà-Lý cuối mùa thu, người đưa hai anh em tôi về nối lại tháng ngày êm ái cũ.

Tôi được sống với họ hàng bên ngoại nhởn nhơ cả ngày thả diều, câu cá. Mẹ tôi dạy anh em tôi học. Tôi lớn dần trong sự chiều chuộng, trong sự bình thản mơ màng của mẹ tôi. Tâm hồn tôi đã ướp chung vời hoa bưởi, hoa nhài, hoa lý. Tôi chỉ muốn đời đời sống trên mảnh đất làng quê bên cạnh những cuộc đời giản dị biết thương yêu nhau thành thực như tình khoai lúa. Mộng ước chỉ cỏ thế nhưng sao dệt mãi chưa thành hay mình cứ dối lòng mình mà đuổi theo sóng gió của đại trùng dương ?

Mẹ tôi bây giờ hay thở dài. Chiều chiều mẹ đứng bâng khuâng bên giàn hoa thiên lý ngoài ngõ lơ đãng nhìn mây trôi. Lúc ấy là lúc mẹ lôi cảm nghĩ đến kỷ niệm thiêng liêng nhứt của đời mình.

Cuộc sống của chúng tôi bắt đầu chật vật. Cha tôi vẫn chưa về. Mẹ tôi tính từng ngày một, cha tôi đã đi tròn năm rưỡì. Hoa bưởi rụng cuối vườn rồi héo khô tàn tạ, người nghèo hết cả thì giờ nghĩ vẩn vơ nên mẹ tôi không nhặt hoa xâu vào giây đeo lên cổ cho tôi nữa. Tôi cũng biết theo mẹ ra đồng nhặt từng bông lúa còn sót khi lưỡi liềm mẹ nhẹ ngon ngốn từng nắm lúa ruộng nhà. Không ai thèm than thở. Tình đời luôn luôn thắm nở thì lòng mình sao chẳng cởi mở cho hy vọng tràn đầy. Mẹ tôi vất vả tháng ngày song vẫn dành riêng chút ít thì giờ quý báu dậy em tôi đánh vần dưới giàn thiên lý buổi trưa, và bắt tôi học thuộc lòng những bài thơ nho nhỏ. Sau mỗi buổi học tôi bay hỏi :

- Cha con đi đâu hở mẹ ?

- Đi xa lắm, xa lắm.

Mẹ tôi trả lời thế và cặp mắt mọng đầy nước cho đến khi không thể cầm được, mẹ ôm em tôi mà khóc. Tôi thương mẹ tôi quá cũng vội òa lên khóc nức nở làm mẹ phải an ủi :

- Sang năm ba con về. Nín đi, mai hãy khóc, khóc nhiều hôm nay đau mắt đấy.

Quê ngoại nhà tôi nghèo nàn lắm nên dù sống với bà tôi, mẹ tôi đã phải trải qua tháng ngày dầm sương dãi nắng. Anh em tôi thiếu thốn đủ bề.

Hoa thiên lý trĩu nặng cả giàn bây giờ mẹ đành lòng hái xuống đem đổi lấy cua về nấu canh hay bán lấy vài hào chỉ mua cho con cái bánh đa hoặc mấy viên kẹo vừng. Một buổì sáng tôi trông thấy mẹ tôi trèo lên cây sung ở bờ ao trước ngõ hái mấy chùm xanh chát xuống lấy muối chấm ăn ngon lành lắm. Đến trưa mẹ ôm bụng kêu đau. Bà ngoại tôi phải xin dầu con hổ và nướng ông đầu rau chườm mãi mới khỏi. Mẹ tôi cố dấu kín chuyện ấy. Sau này tôi khôn lớn, gia đình khá giả, mẹ mới chỉ riêng cho tôi nghe :

- Vì mẹ đói quả, mẹ tưởng ăn sung cầm chừng ai ngờ nó hành hạ ghê gớm. Từ bận ấy mẹ sợ.

Kỷ niệm chua chát ấy tôi còn ghi nhớ. Đôi khi vọng về dĩ vãng tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm. Hai năm sau cha tôi hồi hương, cánh chim đã mỏi thì phải về tổ cũ mà xây dựng lại những gì mất mát hôm qua. Vợ chồng gặp nhau, mẹ tôi vẫn khóc như ngày cha tôi bỏ nhà ra đi. Sung sướng hay đau khổ người đàn bà chỉ biết dùng nước mắt để giải tỏ nỗi niềm. Cha tôi về đem theo bệnh đau mắt khá nặng và một con dao rừng. Ngày đêm, mẹ chăm lo bệnh cho cha tôi. Nhờ sự săn sóc ấy vài tháng sau cha tôi khỏi. Tự đấy cha tôi không đi đâu nữa. Cha thường kể cho tôi nghe chuyện đường rừng. Hễ có dịp thuận tiện cha lại đem con dao ra khoe :

- Tốt lắm, của người bạn Thổ tặng cha đấy.

Con dao quý ấy đã tự cha tôi đào lỗ trồng mấy khóm cây. Có lần tôi chấy cha mẹ tôi nói chuyện với nhau rất lâu dưới giàn thiên lý xa xưa. Những chùm hoa nấu với cua đồng lại ngọt ngon hơn cả bao giờ.

Giòng thời gian lặng lẽ trôi nhưng cuộc đời không êm ả chảy xuôi như nước sông Trà-Lý cuối mùa thu nữa. Tôi đã lớn hơn xưa đã phải chứng kiến những trận giông tố, những cơn sóng lớn phũ phàng trùm lên mái nhà êm ấm. Gia đình tôi trở về quê nội để rớt rơi bên ngoại từng miếng nắng cô liêu của những chiều xưa thân mến. Mẹ tôi lại bắc giàn trồng hoa thiên lý ngồi kề chuyện quê hương cho anh em chúng tôi nghe. Em tôi thường ngủ đi như thuở nào tôi ngủ nhờ hơi thở đềm êm ấy. Đắm chìm trong niềm im lặng muôn đời của thôn ổ, tiếng mẹ tôi tha thiết rót vào tai tôi thay vi tiếng ru êm ái ngày xưa làm cho lòng tôi càng ngày rộng mở, mắt tôi càng ngày càng thắm sắc mộng mơ. Tâm hồn tôi dào dạt tình cảm, cái gì cũng gợi tôi say đắm, từ chiếc áo nâu thô lổ đến mảnh áo nâu ố mầu bùn, từ cái cầu ao chênh vênh đến túp lều tranh xơ xác. Tôi bắt đầu suy cảm về số phận loài lá vàng chết rụng mỗi thu về và những con cuốc kêu rỉ rả suốt mấy tháng hè nóng bức. Và hôm nay nếu ai có tò mò hỏi rằng tại sao tôi cố níu tiếng đàn bầu, cố níu tiếng kèn đưa đám ma, cố níu tấm áo nâu non giải thắt lưng xanh, cố níu tất cả hình ảnh cũ kỹ đã bị chôn vùi xuống lòng đất quê hương mà hối tiếc, tôi sẽ trả lời sao đây ?

Sợi dây luyên ái như tơ trời giăng mắc nhè nhẹ buộc chặt, buộc chặt lấy tim mình ai mà hiểu tự giây phút nào nút dây đã thắt lại. Chuyện yêu thương không biết nghĩa để giảng giải, như hoa thì thơm, hương thì phải ngạt ngào, trăng thì sáng và sao thì lấp lánh. Dù sao thì tôi cũng nông nổi dám nói rằng chính ở giàn hoa thiên lý mẹ tôi đã dạy tôi bài học đầu tiên về tình người.

Năm mười sáu tuổi, dần dần tôi cứ thấy xa mẹ. Con chim non biết ra ràng rồi đây, ngày kia nó sẽ bay mất để mẹ nó gục trên tay gầy mà thương về viễn phương mưa gió. Mẹ tôi chừng hiểu ý nghĩ đó nên một chiều tháng hai hoa gạo rụng đỏ nát mầu máu lên đường làng, mẹ dẫn tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm, qua mấy nhịp cầu tre, cầu đá. Mẹ chỉ vào bụi tre còm tơi lả, bức tường đất xiêu vẹo. Mẹ dừng chân bên dòng sông nhỏ bé, lặng ngắm mái đình cong cong, con trâu gầy ốm, cánh đồng xanh xanh mà giảng giải vu vơ. Sau cùng mẹ dắt tôi lên đầu làng ăn canh bánh đa nấu với cá rô rồi hai mẹ con về ngồi dưới giàn hoa lý. Mẹ mở đầu câu chuyện bằng lời nói bâng khuâng :

- Giá ở đâu cũng có hoa lý. Ừ, hoa lý đơn sơ lắm, hương thơm chỉ phảng phất mà tưởng như bền chặt đến muôn đời.

Lúc ấy âm hưởng sáo diều đã lên mênh mông. Nắng đang thoi thóp nhuộm mầu cảnh vật. Từ xa xăm vọng lại tiếng con nghé lạc mẹ, tiếng thời gian chìm chìm. Tôi nín thinh không dám phá tan sự im lặng để mặc tâm tư lơ lửng tựa tơ trời. Mẹ ngồi yên, ánh mắt sầu cảm lạ lùng. Những tia mắt hiền hòa của thời thơ ấu vẫn còn lắng trong suối mắt vô tận kia sao tôi chẳng thấy mà chỉ nghĩ tới sự buồn thương xâm chiếm lòng mình. Phải, tôi lớn rồi. Hôm qua hay hôm kia, mẹ tôi dậy tôi làm thơ. Mẹ chả bảo tình yêu phải có u sầu mới đẹp là gì. Ít ra lôi cũng dám nhận làm thi sĩ. Cho nên chuyện tưởng tượng đôi mắt của mẹ tôi đừng ai lạ. Trông chiều xuống vội vã, tôi khẽ gọi mẹ. Mẹ tôi giật mình, âu yếm nhìn tôi :

- Long này, mẹ muốn kể cho chú (lúc này mẹ gọi tôi bằng chú) nghe chuyện giàn hoa thiên lý. Mẹ phải đợi đến hôm nay vì chú đã lớn, chú có thể bỏ nhà ra đi bất cứ lúc nào như cha chú hồi còn trẻ. Lúc nãy đưa chú vào lòng quê hương, sau này chú sẽ hiểu tại sao mẹ làm thế. Bây giờ thì Long lắng tai nghe nhé !

Mẹ tôi thong thả lập lại vài trang dĩ vãng viết tự mười mấy năm về trước nhập đề là ngày xưa. Vâng, ngày xưa khi tâm hồn mẹ còn phơi phới, mắt đen chưa vẩn chút bụi đời, tóc xanh chưa một lần bối rối, mẹ tôi đẹp ai cũng khen nhưng không ai dám thương, dám ấp ủ linh hồn yếu đuối ấy trừ bà ngoại tôi. Ồ, có gì lạ đâu, tại mẹ tôi bị bệnh lao, cái bệnh gia truyền khốn nạn. Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau nổ nát tan lòng mẹ. Mầu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả mầu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian. Mẹ tôi buồn thảm oán hờn. Chiều chiều mẹ đứng ngắm mây trời đổi sắc dưới giàn thiêu lý ngoài ngõ đợi ngày yên ngủ dưới mồ. Một hôm có chuyến đò ngang chở hồn biệt xứ qua bến làng Thanh-Triều rồi chí lớn thiên hạ bỗng dừng lại bên giàn hoa, coi dặm đường xa là vô tận. Hồn biệt xứ là cha tôi. Cha tôi ngỏ lời chắp duyên cùng mẹ. Mẹ tôi khóc lóc chối từ, mẹ nói rõ bệnh tình cho cha tôi biết. Cha tôi không cần phải so đo, người nhất định lấy mẹ tôi dù kết quả có tái tê đau đớn. Mẹ tôi cảm động chết ngất trong đôi tay người yêu. Rồi cha tôi lo chữa chạy, rồi lòng mẹ nhóm lên ánh lửa tin yêu. Mẹ tôi lành mạnh nhờ thuốc thang nhưng phần lớn là nhờ lòng thương yêu của cha tôi. Mẹ tôi ngừng lại mỉm cười :

- Chú cỏ dám tin không ?

- Tin gì hở mẹ ?

- Tin rằng nưgời ta sống bằng tình thương và người ta chết đi rất đỗi nghẹn ngào nếu chưa hưởng được chút thương yêu trong trời đất, như mẹ chẳng hạn.

- Có mẹ ạ !

Mẹ kể tiếp. Cha tôi tạm bỏ mộng sông hồ, dừng chân bên quê ngoại nhà tôi để phả vào tai mẹ những âm điệu vui vui, buồn buồn, phả vào hồn mẹ những vần thơ bồng bế nhất của tình yêu không giới hạn. Cha tôi dậy mẹ tôi tất cả nỗi niềm tha thiết, trao cho mẹ tôi trọn vẹn gia sản tinh thần của một người quê hương biết thương yêu nhau, sau này hòa với suối mộng mơ của mẹ, mẹ truyền cảm cho anh em tôỉ. Kỷ niệm ấy gợi hình tự giàn hoa thiên lý quê ngoại nên mẹ tôi thích trồng thứ cây dịu dàng bất cứ ở đâu : rừng đồi, thôn ổ, phố phường.

- Chú có hiểu không ?

- Chuyện hết rồi ư mẹ ?

- Ừ.

- Sao ngắn thế mẹ, con tưởng dài ghê lắm.

- Nói bao giờ cho hết được, chú cố tìm hiểu nhiều hơn. Mẹ chỉ tóm tắt thế thôi. Nay mai chú ra đi và chiều nào chú sẽ gặp một con bé dưới giàn thiên lý. Chuyện thương yêu ai kể hết, ai biết hết mà kể.

- Khó quá mẹ ạ !

- Dễ mà. Khi nào ở phương trời xa lạ chú đáp chuyến tầu ba mươi tết xuống một bến quen rồi tha thẩn chú chẳng biết về đâu, lúc ấy chú sẽ hiểu tình thương. Khi nào lòng chú se sắt, chú thấy chú bơ vơ, thiếu điều gì khó diễn tả chú sẽ hiểu tình thương. Hay khi chú thấy người đồng loại đau khổ, nghẹn ngào chú nhỏ lệ cúi xuống hôn trán em nhỏ mồ côi, âu yếm dắt tay người thợ cùng bước trên đường chú sẽ hiểu tình thương. Còn nữa, còn nữa tình thương rất diệu vợi và khó đo lường. Chú sẽ hiểu chú nhỏ ạ !

- Nhỡ con không hiểu ?

- Nhảm nào, chú phải hiểu, chú phải nói lên bằng lòng chú, bằng nước mắt của chú, tô lên những trang thơ trịnh trọng mà mẹ dạy chú niêm luật hôm nào. Nhưng cậu cả này, bao giờ khăn gói cho mẹ biết đấy nhé ! Mẹ không ngăn cấm chú đâu, chim đầu đàn phải bay dò đường cho các em chứ. Mẹ sẽ dặn chú điều nảy… Thôi đi vào.

Mẹ còn muốn dặn điều gì ? Mà sao mẹ vội nghĩ đến ngày tôi bỏ nhà ra đi. Đêm ấy tôi băn khoăn suy cảm. Hương thiên lý phủ kín tình tôi rạo rực như lần nhìn cảnh chim lạc bầy bay về viễn xứ. Ngày tháng rụng rơi nối tiếp, mẹ tôi vẫn trồng thiên lý và những trưa mùa hạ, cua đồng nấu với chùm hoa vẫn ngọt ngon. Cho đến năm tôi hai mươi tuổi thì lời dự đoán của mẹ hiện hình. Than ôi ! Tôi đã nói dối mẹ tôi vì ngày tôi đi giặc cướp ở rừng núi tràn về nhiều quá, vì tôi đi xa xôi lắm. Đêm giã từ mẹ, tôi đứng bên thềm nhà lắng tai nghe ngóng. Tim tôi đập mạnh, nước mắt đầm đìa. Tôi run run gỏ cửa, mẹ tôi ra. Tôi chùi vội nước mắt hỏi nhỏ :

- Em Dực về chưa mẹ, lúc nãy con đưa em về.

- Thế à, em ngủ rồi chú ạ !

- Thưa mẹ… Mai… con đi…

- Đi đâu, chú tính giang hồ chăng ?

- Con đi dự lớp huấn luyện hai ngày.

- Mẹ cứ tưởng… Mang chăn đi kẻo lạnh. Chú có cần tiền tiêu mẹ đưa cho ?

- Không mẹ ạ ! Khuya rồi mời mẹ vào nghỉ, con đi từ đêm nay.

Mẹ tôi trở vào. Mẹ lê guốc lẹp kẹp. Tôi ngờ rằng đó là tiếng nứt rạn của hai trái tim. Có tiếng mẹ thở dài và tiếng đặt mình nặng nhọc xuống giường.

Tôi đứng trơ như gỗ, sức gì thiêng liêng níu chặt lấy chân tôi. Tôi muốn chạy nhưng khó khăn quá, khó khăn như chạy sự ghê rợn trong giấc chiêm bao. Khi chợt tỉnh tôi băng mình đi, đi không hành lý. không lời từ biệt không người đưa tiễn.

Ba bốn năm trời lưu lạc miền Nam, cứ mỗi lần gió heo may rủ mùa thu sang thì lòng tôi lại nao nao sầu cảm. Cuộc sống lần hồi của tôi trôi dạt nhiều nơi, ở đâu cũng chỉ đan dệt bằng u buồn chán nản. Mắt tôi ngây đại, tóc tôi bụi đời phủ kín. Tôi vẫn đi và thường băn khoăn tự hỏi tại sao người ta cứ phải suy cảm người ta cứ giới hạn, người ta không chịu mở rộng cánh cửa tim đón tự muôn phương những luồng gió yêu thương thắm thiết hay trao tặng muôn phương những tiếng nói tâm tư cho kẻ khác tin cuộc đời. Tôi muốn hủy bỏ hai tiếng nghi ngờ, hai tiếng do dự nên có lần trót dại theo “đàn anh” đi làm cách mạng ở rừng đồi. Chao ôi ! Tôi đã khóc trắng mấy đêm để mang cái thân hình tiều tụy về thành phố sau thời gian thua nhẵn nửa số mộng mơ. Lòng tôi càng ngày càng khát vọng tình yêu. Tôi đã hiểu sức thiêng liêng và quyến rũ của nó và tôi thấy nhớ mẹ tôi quá…

Giàn thiên lý quê nhà giờ đây héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy người ta ngăn cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi duới giàn hoa mà kể chuyện cho em tôi nghe. Thì dễ gì có phút giây mẹ nằm tưởng tượng bão táp ngoài trời thấy con chim nhỏ lạc bầy dạt trôi thảm hại.

Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xác xơ đầy những oán thù. Không biết mẹ tôi có giận tôi, có ân hận vì chưa dặn tôi thêm một điều gì không ? Riêng tôi, tôi hơi tiếc số mộng mơ thuở ở rừng đồi. Biết đâu mẹ tôi chả dặn cái điều liên quan đến việc ấy.

Tôi đi tìm thương yêu trong mầu hoa lý, đi tìm những bà mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây. Tôi chưa gặp ai cả. Tình thương nhân thế còn se sắt lắm. Nhưng nắng miền Nam ấm áp, đất miền Nam trồng cây gì cũng có trái vậy nên tôi cố gắng ươm cây Hy Vọng và quên rằng minh đang sống cùng cực, nghẹn ngào, thiếu từ đốm lửa gia đình đến mảnh áo đẹp. Tôi sẽ đi nữa, sẽ cầu xin từ ánh mắt tìm hiểu của người quê hương để tưới vào hàng cây Hy Vọng cho hoa nhân ái thắm nở rợp trời.

Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi dệt hoàng hôn rơi trên sóng tóc. Khi hồi cư chúng tôi lấy nhau. Tôi sẽ đưa vợ tôi sang quê ngoại chỉ cho vợ tôi dấu vết giàn hoa thiên lý xa xưa. Vợ chồng tôi bắc giàn trồng hoa, chiều chiều tưới nước vào gốc cho chóng lớn. Đợi đến lúc lá theo cành leo kín đầy giàn thì loài ve sầu lại rủ rê mùa hạ sang thì họ hàng nhà bọ ngựa lại tha thẩn cả ngày leo bò trên mầu xanh muôn thuở. Tôi ngồi dưới giàn kể chuyện “Chuyện hoa lý của Mẹ” cho vợ tôi nghe. Vợ tôi phải nhớ để kể cho con tôi nghe sau này. Làng xưa đẹp lên mầu áo nâu, rộn ràng lên tiếng kéo cưa xẻ gỗ làm đình. Tôi tập làm ca dao ví von những câu thương yêu với mầu xanh hoa lý dìu dịu, nhẹ nhàng, lơ lửng tự ngàn xưa đến tận ngàn sau


Duyên Anh
Last edited by uncle_vinh on 04 May 10, Tue, 1:35 pm, edited 1 time in total.
User avatar
nvthaicn11
Posts: 55
Joined: 25 Jun 05, Sat, 7:55 am
Location: SaiGon, VietNam
Contact:

Chút tản mạn về Hoa Thiên Lý

Post by nvthaicn11 »

Hôm nay là 25 tháng Chạp, Tất niên cúng tiễn Ông Bà, còn vài ngày nữa là qua năm mới Canh Dần, ngoài kia mọi người đang hối hả chuẩn bị Tết, còn Tôi ngồi đây viết chút tản mạn để gửi bạn bè.
NVThai

CHÚT TẢN MẠN VỀ CHUYỆN HOA THIÊN LÝ

Có một người bạn ở xa nhờ gửi tặng gia đình một người bạn quá cố, bài văn “Hoa Thiên lý”, của Duyên Anh, Thật là đáng quí. Tác giả DA có nhiều phong cách viết văn khác nhau, riêng đây là một là bài văn thuộc loại kể chuyện nhẹ nhàng, trong sáng, dễ đọc. Bài này kể về một người vợ thương nhớ chồng đi xa, vế một người mẹ thay chồng chăm sóc đàn con, … giàn hoa thiên lý chỉ là bối cảnh nền cho sự thương nhớ.

Cũng có một số văn thi sĩ khác cũng viết về giàn thiên lý, như nhạc sĩ Anh Bằng đã phóng tác bài thơ tiền chiến “Nhà tôi” để viết thành bản nhạc “Chuyện giàn thiên lý” được nhiều người chú ý, thường do Mạnh Đình diễn tả, nhưng nếu nghe bằng giọng hát truyền cảm của Duy Khánh mới thấy được những nỗi niềm của một anh lính chiến, tha phương và nhớ về quê nhà:

“Nhà tôi ở cuối chân đồi”
“Có giàn thiên lý, có người tôi thương”


Ngôi nhà được dịnh vị bằng các tọa độ: ngọn đồi, giàn thiên lý và người thương.

Không biết là vô tình hay cố ý, giàn thiên lý được dùng làm bối cảnh nền cho những sự xa cách nhớ thương: người vợ nhớ thương chồng đi xa, người chồng ở xa nhớ về người thân thương: mẹ và vợ. Có lẽ là do chính cái tên “thiên lý” có nghĩa là đường xa cách trở.

Trong bài, Duyên Anh có nhắc đến Trà Lý, là dòng sông mà từ đầu đến cuối đều thuộc tỉnh Thái bình, Tôi – người viết bài này – đã có dịp về thăm nơi đây, những vùng quê còn nghèo nhưng đặc biệt, trong sân vườn nhiều nhà nào đều có trồng thiên lý thành những giàn cây lớn nhỏ hình như để giúp vào bửa ăn hàng ngày trong nhà giống như một giàn mướp, giàn mồng tơi.

Khi hoa nở, Thiên lý cũng có mùi thơm, nhưng nó không giống như người anh em cùng họ là Dạ lý hương khá kiêu kỳ chỉ cho mùi thơm vào ban đêm, và cái khác biệt nữa rất là dân dã: chưa nghe ai nói dùng Dạ lý để ăn, nhưng Thiên lý thì ăn đươc, ở nông thôn món canh Thiên lý – Cua đồng làm ngọt bữa cơm, ở vùng thành thị khó tìm cua đồng hơn nhưng món Thiên lý xào thịt bò là hết ý, nếu được tiếp hơi bằng một chén Đế hay một cốc Whisky thì càng tuyệt vời. Trong Đông y, người ta có nói dùng rễ cây Thiên lý để làm thuốc chống nhức mỏi, đau lưng, nhưng như vậy thì “độc ác” quá, vì nếu bị đào lấy rễ rồi thì Thiên lý làm sao sống được !!

Cũng không biết là vô tình ra sao, Tôi và Bạn tôi, khi nhắc đến những gì có liên quan đến Hoa thiên lý, thì chúng tôi lại cùng nhớ ngay đến một người bạn quá cố, và rồi cùng nhớ về bà Chị. Có lẽ do tôi đã từng kể, nhà người bạn đó có trồng một giàn thiên lý, khi có bạn bè đến chơi, anh vẫn tiếp khách dưới giàn cậy thơm mát.

Nhớ lại có lần tôi ghé nhà thăm anh, bà Chị đã mời cơm có một đĩa Thiên lý – thịt bò, Anh thì lôi trong tủ ra một chai rượu ngon mà anh đã cất kỹ, Tôi và Anh cùng ngồi trước sân dưới giàn thiên lý, khui chai rượu, anh nói:

- Bây giờ còn sức cứ uống, mai mốt không uống nổi, chết thèm.

Ngày nay anh đã mất nhưng chắc anh không còn phải thèm

NVTHAI
User avatar
nvthaicn11
Posts: 55
Joined: 25 Jun 05, Sat, 7:55 am
Location: SaiGon, VietNam
Contact:

THÊM CHÚT TẢN MẠN NGÀY TẾT

Post by nvthaicn11 »

THÊM CHÚT TẢN MẠN NGÀY TẾT
Người viết Nguyễn Văn Thái CN11

1- NĂM DẦN TẢN MẠN VỀ CỌP

Trong 12 con giáp, Dần biểu trưng cho sức mạnh, sự thông minh và cả sự hung dữ. Con gái tuổi Dần nghe nói là nặng số, khó cho việc hôn nhân?

Gia đình KSCN, có nhiều người tuổi Cọp, năm nay là năm tuổi. Theo cách tính bình thường, những người sinh khoảng 1938 là thuộc hàng Lão Hổ, có các Sư huynh CN1, 2, 3 và cả đến CN6, thuộc tuổi này. Xem lại có nhiều anh, “Nanh vuốt” nay vẫn còn sắc bén lắm, có thể các anh đã dùng “Cao hổ cốt” để bảo toàn khí phách.

Lớp kế tiếp, người sinh khoảng 1950, có từ CN13 về sau, đã qua hàng Hổ “Lục thập”

Nếu số liệu ghi không nhầm, xin mừng tuổi thọ anh NVQ. Cn1, anh LDT. Cn3, hoặc như anh NHĐ. Cn13, và một số anh khác.

Xin chúc các anh:

KHỎE như CỌP,
MINH MẪN như HỔ,
DŨNG MÃNH như HÙM
Và phần nào BÍ HIỂM như Ông BA MƯƠI


Lớp tôi cũng có một anh tên Cọp, nhưng không phải tuổi Cọp đâu, anh ta Hiền lành lắm, chỉ khi nào anh nhếch môi cười mới có hơi hơi giống … Cọp.

Ban Chấp hành Hội Ái hữu KSCN ở Mỹ hiện nay, cũng có bóng dáng Cọp, là năm tuổi. Xin chúc Hội năm nay hoạt động thật Mạnh mẽ như Cọp.

Cọp cũng còn nhiều điều khác đáng nói.

- Ngày nay Cọp không hẵn là loài hoang dã nữa, số đông là Cọp nuôi, trong nhà hay trong trang trại nên nó ít Bí hiểm hơn. Người ta nuôi Cọp nhằm phục vụ y học, bộ xương nấu Cao hổ cốt rất đắt tiền, bộ da cũng được nhiều ưa thích, … “Cọp chết để da, người ta để tiếng”. Nhìn mặt Cọp thấy rất là oai, do vậy nhiều bậc Phụ mẫu, khi sinh con ra, thấy có dáng oai phong lẫm liệt thường đặt tên con là … Cọp. Ngày nay Cọp bị săn bắt nhiều quá nên dễ có nguy cơ mất giống, Chúng ta nên phải bảo vệ.

- Ngay như trong ngành sản xuất loại nước uống như Bia, người ta cũng phải nhờ đến oai Cọp. Việt Nam có loại Bia “La Rue”, trước và sau 1975 đều vậy, lấy nhãn hiệu hình mặt Cọp, loại mà khi uống vài chai mềm môi thì được gọi là “La de”. Dân Công nghệ lúc còn đi học rất thích những buổi đi Viếng công xưởng sản xuất này, vì được uống thử tại chổ rất ngon. Ngày nay VN lại có thêm loại nữa: Bia Tigger, khi uống vài chai, người uống thấy tay chân mình quờ quạng dư thừa nên gọi là Bia “Tay quơ”.

- Con rắn bản thân nó là độc, cái tên nào thêm chử Hổ nữa thì càng độc như: Hổ mang, Hổ đất, Hổ lửa, … Có được con Hổ đất mang nấu cháo đậu xanh ăn vào là hết ý, thịt nó được đưa cay bằng xị rượu đế thì không gì bằng.

Có người nói nọc của rắn hổ có tác dung ức chế tế bào ung thư, tôi có dịp đưa người bạn truy tìm và thử nghiệm tác dụng này, nhưng có thấy hiệu quả gì đâu, ban tôi đã qua đời.

- Trong văn học, người ta thường nhắc đến con Cọp của Thế Lữ với bài thơ “Nhớ rừng”. Tác giả đi chơi sở thú, đến chổ chuồng Cọp nhìn vào và thương hại cho con Cọp:

“Gặm khối căm hờn trong củi sắt
“Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
“Thuở tung hoành, hống hách những ngày xưa

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu nữa?

Có lẽ từ trong chuồng, con Cọp nhìn ra thấy ông Thi sĩ, ngẫn ngơ. Không biết con Cọp hay là ông Thế Lữ nhớ rừng xưa ?

- Lượm lặt trên Net, bắt gặp đoạn thơ khác về Cọp:

Cọp và Lâm tặc

“Ta đây là Cọp, Chúa rừng xanh.
“Chạy lủ cướp rừng gảy mất nanh.
“Nổi trôi phiêu bạt nơi phố thị.
“Nhà cao củi sắt, mất oai danh.

“Vuốt nanh sắc nhọn để mà chi.
“Sao không cào xé đuổi cướp đi.
“Rừng đâu còn nữa mà thương nhớ?
“Lưu lại ngàn sau nắm cốt, bì.

NVThai
Ngày mùng 1 Tết Canh Dần



2- NGÀY XUÂN HOA CÚC HOA MAI NỞ DỒN

Từ ngàn xưa ở Việt Nam, ngày Tết không thể nào thiếu hoa. Hoa Tết muôn màu muôn sắc, đủ mọi dáng vẽ, người ta sẽ chọn loại hoa ưng ý và hợp túi tiền để đưa về trang trí trong nhà. Người khấm khá dư dã thì hoa này hoa nọ, người khó khăn thì tối thiểu có gốc vạn thọ để bàn thờ, một chậu cúc vàng trước cửa, thêm một cành mai đốt gốc cắm bình trong nhà. Nhà nào nếu thiếu Cúc, thiếu Mai thì chưa là ăn Tết.


CÚC:

Theo quan niệm xưa, trong bộ Tứ bình: Mai, Lan, Cúc, Trúc, thì Cúc nói chung tượng trưng cho mùa Thu, Hãy nghe Nguyễn Đình Toàn nói trong bản nhạc Hiên cúc vàng:

“Bên hiên người cúc vàng
“Bao nhiêu lần đã tàn
“Còn ngậm màu lưu luyến
“Ai đi ngoài muôn trùng

Bao nhiêu lần ở đây hiểu là bao nhiêu mùa Thu, bao nhiêu năm.

Ngày nay hoa Cúc vàng có quanh năm, vì nó dễ trồng, dễ chăm bón, thời tiết thích hợp từ Bắc đến Nam, nó còn giúp cho nhiều người có thu nhập cả năm.

Cúc có nhiều loài: Thược dược, Vạn thọ, cúc Đồng tiền, Mâm xôi, Hướng dương … Cúc cũng có nhiều màu: đỏ, trắng, tím, vàng …

Khi gọi tên Cúc, người ta nghĩ ngay loài Cúc vàng, còn các loài cúc khác phải co kèm theo tên riêng như: Cúc Vạn thọ, Hướng dương, Kim cúc, v.v… Cúc vàng bình thường đang được trồng số lượng lớn ở VN phục vụ các ngày Lễ Tết, nhất là Tết vì nó mang ý nghĩa vui mừngvui mừng đón khách. Cũng như Vạn thọ, Đồng tiền phục vụ cho các mâm lễ cúng, cầu mong sức khỏe trường tồn. Các loại này đã trở thành nhu cầu và thói quen của người miền Nam, như Vạn thọ đi liền với nơi bàn thờ cúng giỗ.

Ngày Tết, mỗi nhà thường có 2 chậu Cúc vàng đặt trước cổng để thể hiện ý mời đón bạn bè, cón trong sân hay trong nhà, màu vàng làm cho cảnh sắc tươi sáng rực hơn.

Nếu chăm nước kỹ, chậu Cúc trồng sẵn, mua về sống cũng được khá lâu, ra hoa tươi cả tháng. Còn nếu do nhà tự gieo trồng, Cúc sẽ cho hoa lâu hơn.

Cúc được trồng nhiều ngay tai Saigon và các tỉnh lân cận nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu long, tạo việc làm cho rất nhiều người.

Tết này Hoa từ các nơi đổ về Saigon, từ các làng hoa Sadec, Cái bè, Bến tre, Long an, đến các loài hoa xứ lạnh như Đà lạt, Pleiku, Quảng nam, năm nay nhiều giống rất lạ, số lượng lớn. Lan, Hồng trở thành thông thường đã bị Tường vi, Đỗ quyên, Hoa Trà, Cát tường lấn át. Tuy nhiên Cúc vàng vẫn chiếm lĩnh với số lượng rất lớn.

Miền Trung, Quảng nam muốn đưa Đỗ quyên vào miền Nam, cũng giống như cây Đào từ phía Bắc, nhưng yếu tố thời tiết đã giúp cho cây Mai vàng vẫn chiếm địa vị quan trọng nhất ở miền Nam.


MAI:

“Trải bao dãi nắng dầm mưa
“Hoa mai vẫn nở đúng vừa ngày xuân

Công bằng mà nói, Mai không đẹp bằng nhiều loài hoa khác, nhưng nó chung tình, đúng hẹn. Mỗi năm đến Tết là mọi người lại bận rộn vì Mai.

Nuôi cây cả năm nhưng chỉ sử dụng 3 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày. Hoa nở rộ, hay chỉ cần nở một vài bông vào đúng đêm Giao thừa là nó đã mang niềm hạnh phúc cho người chơi.


Cây mai nhà tôi năm nay không tạo niềm vui trọn vẹn. Là cây mai gốc, mua từ 12 năm trước, tôi chăm bón đúng theo quy trình hướng dẫn, năm nào cũng ra hoa rất tốt, đúng ngày. Nhưng năm nay thì không đúng, nó cũng ra nụ rất nhiều, nhưng lại nở sớm, ngày 27 đã nở rộ hết hoa, lá ra quá nhiều và đã rụng cánh vàng gần hết. Tuy nhiên vẫn còn may mắn, nó vẫn còn chừa một số nụ hoa, để hé nở đúng lúc Giao thừa cho tôi dược vui lòng.

Trồng Mai khá đơn giản vì nó ít kén đất, ít tốn phân, nhưng muốn nó ra hoa đúng thời điểm ấn định mới là khó. Trong một bản nhạc có câu:

“Nếu mai không nở, anh không biết xuân về hay chưa ?”

Nếu đây là lời hư cấu về một người lính trận nhiều bận rộn, thì có thể chấp nhận, còn nếu với người bình thường mà phải đợi đến thấy hoa Mai nở mới biết Xuân về thì quả là rất “vô tình”. Tết là những ngày thiêng liêng mà mọi người VN đều nhớ đến, không phải chỉ ở VN mà có thể ở khắp nơi cũng thế.

Không phải bây giờ, mà từ xưa cũng vậy, người ta phải điều chỉnh thế nào để đúng lúc chuyển mùa sang Xuân thì Mai mới nở hoa. Cả một năm trời cây Mai được chăm sóc cẩn thận, chỉ cần sao gần Tết phải ra nụ, chiều 30 phải hé nở và đêm Giao thừa đến sáng mùng 1 nở rộ tối đa mới là đạt yêu cầu.

Thật ra, Mai cũng rất là đỏng đảnh, luôn luôn muốn làm trái ý người chơi, chỉ đợi khi có những sơ sót trong chăm bón, tưới tắm, trong việc tỉa lá, và cả khi gần Tết khí hậu thất thường, là nó sẵn sàng lỗi hẹn. Năm nay, Mai lợi dụng sự Biến đổi khí hậu của khu vực, mưa nắng, nóng lạnh quá thất thường làm ảnh hưởng quy trình phát triển. Những trang trại chuyên môn, có nơi cũng bị hư hỏng đến 50 %.

Những ngày trước Tết, có dịp đi xem, ngắm các vườn trồng Mai, Chợ Mai, các Hội Hoa, để được thấy các công trình tạo dựng cái đẹp cho đời. Thậm chí việc vận chuyển Mai cũng phải rất công phu.

Vâng, nghề chơi cũng lắm công phu, riêng tôi chỉ đi xem, ngắm thôi cũng thấy rất là thú vị. Vào những ngày Tết, có đi qua những quốc lộ, ra miền Trung hoặc xuống miền Tây, bạn sẽ thấy hai bên đường, sân nhà nào cũng vàng rực vì hoa, nhất là hoa Mai, và mới thấy hết vẽ đẹp của Quê hương.

Còn ở nước ngoài, Một vài bạn về kể lại:
“Đón xuân nơi xứ lạ
“Cành Mai giả, màu vàng.
Đáng tiếc.

--
Nhưng,

Mùa Mai rồi cũng đi qua, những cánh hoa vàng rồi rụng, cây Mai sẽ còn toàn là lá xanh vô tích sự, lại trở về nằm ở góc sân, gần một năm nữa chắc ít được ai chú ý, để rồi:

“Xuân qua trăm hoa rụng
“Xuân tới trăm hoa tươi
“Trước mắt việc đi mãi
“Trên đầu già đến rồi
“Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
“Đêm qua sân trước một cành Mai
(Dịch bài kệ của Đại sư Mẫn Giác)

--- w ---

Hôm nay là mùng 6 Tết, ngày mai phải hạ Nêu trở lại bình thường, thêm một tuổi trên đầu. Hoa Mai đến rồi lại đi nhưng chắc rồi nó lại đến nữa.

Cám ơn những ai đã chịu khó ngồi đọc các dòng này. Hẹn mùa hoa Mai tới.

NVThai CN11
Post Reply