Nhất lì, nhì đẹp trai

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Nhất lì, nhì đẹp trai

Post by maixuanthanh »

NHẤT LÌ , NHÌ ĐẸP TRAI


MỘT CHÚT TÂM TÌNH :

Tháng trước, anh Giụ Hùng có gởi cho tôi và anh Cả Tân một bài viết về Hà Nội để đọc chơi, nếu được sẽ đăng vào Đặc san KSCN số 3. Anh cựu chủ báo Công Nghệ vẫn thường khiêm tốn như thế. Đọc chơi nhưng tôi khoái thật, vì bài viết hay quá. Tình cảm trai gái thanh tân nhẹ nhàng đằm thắm. Hà Nội đẹp như thơ, với những hồ soi bóng liễu rũ ven bờ, vô số đền chùa miếu mạo cùng những hàng quà thật hấp dẫn, đặc biệt là món bún chả mà tôi rất “hẩu sực”! Đọc xong, tôi hồi âm ngay bằng một thư khá dài, kể thêm về món bún chả chợ Đồng Xuân. Anh Cả Tân khen hai đàn em là “…viết về món ăn ngon xứ Bắc làm cho tôi thấy đói bụng quá !”. Được thể, anh Giụ Hùng yêu cầu tôi viết một bài về món ăn “đặc sản” Bắc kỳ này, để anh đọc cho đỡ thèm !

Khi viết gần xong, tôi mới thấy là tựa bài “Bún chả Đồng Xuân” không được ổn lắm, vì chỉ có ít dòng nói về bún chả thôi… Vậy là lạc đề mất rồi ! Tôi chợt nhớ lại có đọc bài “Tôi và dân Công nghệ” của anh Võ Thiêm, một người bạn đồng môn viết văn làm thơ gì cũng đều hay. Anh đã từng học kỹ sư Hàng hải, rồi chuyển sang Cơ Khí (Công nghệ cũ) trong hoàn cảnh “ nuớc mất, trường tan”. Trong bài này anh có kể chuyện Thầy Cảnh, khi xưa đã chinh phục được trái tim của giai nhân cao sang quyền quí, nhờ có cả hai điều kiện “nhất lì” và “nhì đẹp trai”. Thầy có “lì” hay không, tôi không rõ lắm. Nhưng đẹp trai thì chắc rồi. Công nghệ 10 của tôi được học với Thầy hai năm liên tiếp. Khi ấy, tôi nhớ, Thầy để râu quai nón, tuy không rậm lắm, nhưng trông rất “phải thế đàn ông”, và nụ cười của Thầy chắc cũng đã làm điên đảo nhiều giai nhân. Trong bài “Bún chả Đồng Xuân” tôi đang viết cũng có hai nhân vật nam theo đuổi người đẹp, tuy là vai phụ nhưng đầy cá tính vì cũng vừa điển trai vừa thuộc loại lì lợm nữa. Vì thế, xin mượn tạm câu ngạn ngữ miền Nam “ Nhất lì. Nhì đẹp trai ” để đặt lại tựa đề cho bài viết này.

Mời quí vị vào chuyện Hà Nội ngày xưa…

*
* *


Nhà tôi ở phố Sinh Từ. Con phố nhỏ, rất ngắn, chắc không tới nửa cây số, nhưng đông vui vì hàng quán la liệt. Người ta đặt cho cái tên Sinh Từ nghe rất lạ, lý do là con phố này có một nhà từ đường thờ sống Ngài tổng đốc Nguyễn Hữu Độ, chứ không được gọi là Phố hàng vôi hay Phố hàng sơn cho giống các phố khác, dù là phố có nhiều cửa hàng bán các thứ này. Con phố ngắn ngủn này không đủ chiều dài cho những bước chân tung tăng, nghịch phá của đám nhóc tì lên tám lên mười, trong đó có tôi. Từ nhà tôi lên chợ Đồng Xuân cũng khá xa, phải đi qua nhiều con phố như Hai Bà Trưng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, đền Ngọc Sơn…mới tới. Con phố nhỏ hồn nhiên, tươi vui này bị chặn một đầu bởi phố Văn Miếu và đầu kia là đường rầy xe lửa, mà hình như tiếng xình xịch và còi hụ điếc tai đã ngăn bước bọn trẻ con, khỏi chạy sang con phố dài Hai Bà Trưng nối liền theo phố Sinh Từ. Khoái nhất là được cỡi xe đạp đi chợ. Nhảy thót lên yên xe, rạp người, nhấn bàn đạp, vèo một cái là tới nơi thôi. Chúng bạn nhìn thấy là lác mắt luôn. Nhưng cái cơ hội được làm yêng hùng cỡi ngựa sắt này thật hiếm có. Họa hoằn lắm, nài nỉ lắm thì Ông Ngoại mới cho, nhưng còn dặn đi dặn lại là phải chạy từ từ, cẩn thận, chạy sát lề…..Đủ thứ “phải”…Nhưng có hề gì, được “phải” như thế là khoái chí rồi. Nhưng còn một cái “phải” nữa, tuy Ông không nói ra, nhưng tôi biết đó là phải đi đến nơi về đến chốn, không được để cho Mẹ hay Bà Ngoại biết !

Cỡi xe đạp đi chợ một mình là một cái thú, nhưng đi chợ Đồng Xuân cùng với dì Hà còn vui hơn, vì được rẽ qua chỗ hàng quà để ăn bún chả ở quầy hàng Bác Ký. Dì Hà là em út của Mẹ. Đang tuổi trăng tròn, dì đẹp lắm. Khuôn mặt của dì lúc nào cũng tươi vui và rạng rỡ. Tên thật của dì là Nguyễn thị Hà Nội, nhưng dì không muốn gọi là Nội, vì theo dì, gọi thế nghe kỳ quá. Gọi là Hà thôi, cho dễ thương hơn. Với một người đẹp nhu mì hiền hậu, không ai muốn làm phật lòng, nên ngoài gia đình, ít người biết tên giấy tờ của dì. Lâu lâu, Bà bận lắm thì sai dì đi chợ. Vì không dám để dì ra ngoài một mình, nên tôi thường được phái đi theo. Tôi cũng không hiểu tôi phải đi theo dì để làm gì nữa, nhưng cứ hăng hái đi. Bà luôn luôn đưa cho thêm tiền và dặn dì cháu phải gọi xe kéo mà đi. Vì đường xa nên phải gọi xe, chứ dì không muốn và ngại lắm. Dì bảo là “Mình cứ ngồi ngất ngưởng trên xe cho người ta kéo vất vả thấy tội quá !” Vì muốn giảm bớt khoản thời gian ngại ngùng khi ngồi xe kéo ấy, nên hai dì cháu tôi thường đi bộ nhàn tản qua khỏi đường tàu hoả, dọc phố Hai Bà thật lâu rồi mới dừng lại và kêu xe kéo để đi tiếp. Dì bước chậm khoan thai, vừa đi vừa kể chuyện hay hát nho nhỏ, còn thằng cháu thì đi kèm một bên, bước thấp bước cao, cà tửng cà tưng, bị dì rầy hoài. Thú nhất là những buổi sáng mùa thu. Trời se lạnh, gió heo may mơn man làm mát và tê tê da mặt. Đi bộ một lúc thấy ấm người và dễ chịu vô cùng. Sáng mùa thu Hà Nội còn ngái ngủ, phố phường chưa đông người qua lại, nhưng người già ít ngủ đã ra hiên nhà ngồi phơi nắng, trò chuyện cùng hàng xóm. Trong quãng đường đi bộ từ nhà, dì cháu tôi lễ phép chào hỏi từng người. Các bà, các cụ cũng thăm hỏi ân cần và vui vẻ. Bà cụ Phán Chương tóc bạc da mồi, miệng cười móm mém nhưng giọng nói còn rõ lắm. Mỗi khi trông thấy dì cháu đi qua cụ đều lên tiếng trước “ Cô Út đi chợ sớm thế. Ông bà có khoẻ không ? ” Dì Hà dừng chân thưa chuyện đôi câu rồi mới tiếp tục đi. Lần nào cũng thế, không chờ cho dì đi xa, cụ bà quay sang nói với bà hàng xóm “Ông bà Ba có phúc quá, mấy cô con gái cô nào cũng vừa đẹp người vừa đẹp nết !” Dì Hà vẫn bình thản bước, miệng cười mỉm và đôi mắt ngời sáng long lanh. Nhìn thấy nét vui sưóng biểu lộ trên mặt dì, lúc ấy, tôi đã tự cho là mình mới khám phá ra một điều thú vị là người có cái tâm bồ tát như dì tôi cũng hân hoan trước những lời khen tặng. Sau đó, tôi lại tự hỏi, không lẽ dì muốn đi bộ vì thích người cùng phố chiêm ngưỡng dung nhan mỹ miều của mình. Nếu thế thì đã sao nhỉ ? Tuy nghĩ vậy, nhưng mấy hôm sau, khi hai dì cháu lại đi chợ tôi đã chọc ghẹo dì “Mình đi ngay kẻo không gặp cụ Phán dì ạ !” Dì nhìn tôi sững sờ, rồi bảo “Cái thằng khỉ này, thật lắm chuyện !” Nói xong, dì gọi liền một chiếc xe kéo, không thèm đi bộ nữa. Trên đường từ nhà cho đến chợ dì chẳng nói tiếng nào làm cho tôi cảm thấy hối hận vì sự vô tâm vô tính của mình. Tôi muốn xin lỗi dì, nhưng không biết nói thế nào. Đến chợ, chờ cho dì trả tiền cho bác xe kéo xong, tôi nắm tay dì, ấp úng : “ Dì ơi !... Cháu không cố ý làm cho dì buồn đâu … Mà dì….dì đẹp thật, nên người ta….. mới khen chứ !” Dì nhìn tôi, đôi má hồng lên, rồi dì cười và kéo tay tôi đi nhanh vào chợ, vừa đi vừa nói : “Hôm nay, mình ăn bún chả, nhưng phải bắt chị Ký lấy tiền cháu nhé !”. Mọi khi, mỗi lần xuống xe chờ trả tiền xong là tôi cứ xăm xăm đi trước và rẽ lên hướng bắc là khu hàng quà để đến hàng bún chả. Nếu cứ nấn ná chờ, thế nào dì cũng lôi đi những gian hàng khác. Không phải chỉ có mình tôi mới thèm món ăn tuyệt cú mèo này, dì cũng thích ăn nhưng sĩ diện lắm nên cứ ngại, vì ăn mà bác Ký không bao giờ lấy tiền. Thường thì dì cứ đi theo, để cho tôi “làm việc”…. Thằng cháu láu lỉnh là tôi cũng cứ làm bộ chàng ràng ở các quầy hàng gần đó, chờ cho Bác trông thấy lên tiếng gọi mới từ từ đi đến. Giọng Bác thật to, như reo vui : “Kính ơi! Lại đây Bác bảo cái này. Dì Út của cháu đâu… ?” Dĩ nhiên, Dì cũng phải bước theo… Hai dì cháu lại được ăn ngon một bữa miễn phí.

Bác Ký là chị em bạn dì của Mẹ tôi nên hai bà trông giống nhau lắm, chỉ khác một tí là bác có đồng tiền bên má trái nên có nụ cười duyên dáng hơn. Khu hàng quà cửa bắc chợ Đồng Xuân có nhiều quầy hàng bún chả, nhưng bác luôn luôn đắt khách hơn các chỗ khác vì món chả của bác thơm ngon hơn, cộng thêm giọng chào mời sởi lởi kèm với nụ cười thật tươi nên khách đến vừa ý, khách đi vui lòng. Hai dì cháu vừa ngồi xuống thì bác đã nhanh tay lấy ra hai cái mẹt có lót sẵn miếng lá chuối tươi cắt vuông vức trông rất sạch sẽ đặt lên bàn. Bác xếp năm xâu chả lên bếp lửa than rồi bắt đầu quạt nhẹ tay. Than ửng hồng, những tia lửa nhỏ li ti bắn ra…và rồi, mùi chả nướng bốc lên thơm lừng, thơm điếc cả mũi. Thịt ba chỉ được dùng để làm chả. Thịt thái miếng dài cỡ nhón tay trỏ, được ướp với hành tỏi, tiêu, nước mắm… rồi mới xỏ xâu để nướng. Ướp bao nhiêu lâu và liều lượng gia vị là bí quyết riêng của mỗi quầy hàng. Khi nướng lên, mùi thơm lừng bay xa lắm và thật lôi cuốn, khiến cho đôi chân của thực khách cứ bước tới … Mỗi mẹt bún chả chỉ có hai xâu thịt thôi. Dì Hà lớn rồi, được hai xâu. Còn “thằng cu Kính” tôi thì luôn luôn được bác ưu ái cho thêm một xâu là ba, để “ăn cho chóng nhớn”. Thế mới sướng chứ ! Chả nướng xong, bác sắp mọi thứ lên chiếc mẹt. Chính giữa là một chén nước chấm. Thực khách có thể chọn nước mắm hay tương, cả hai thứ đều đã được pha chế sẵn rất ngon. Mấy xâu chả nóng còn bốc khói nằm một góc. Kế đó là những “con” bún trắng hây hẩy xếp chồng lên nhau, nhìn muốn là ăn ngay. Rồi đến xà lách và rau thơm (rau mùi) cung cấp tươi mỗi ngày từ Thái Hà ấp đã được rửa thật sạch. Rau muống chẻ ngâm nước xoắn lại từng lọn rất hấpdẫn. Xà lách để nguyên lá, rau thơm đủ thứ màu sắc trông thật bắt mắt. Cứ nhìn hai bàn tay nhẹ nhàng và nhanh thoăn thoắt của bác là đủ thấy sự khéo léo của nghệ thuật nấu nướng. Nhìn chiếc mẹt, chưa ăn mà đã túa nước bọt ra rồi. Chưa hết, một đôi đũa son và một chiếc thìa nhỏ đặt lên khoảng trống còn chừa trên mẹt nữa mới xong. Hai tay bác nhẹ nhàng đẩy hai chiếc mẹt đến trước mặt chúng tôi. Rồi bác lại cười : “ Hai dì cháu cứ ăn tự nhiên đi nhé !”

Bác Ký, là gọi theo bác trai. Thời con gái ở nhà quê bác có tên là Nụ. Cô Nụ xinh đẹp và nết na nhất làng, mới 15 tuổi đã có nhiều người ngấp nghé, nhưng cô chưa để mắt đến cậu trai nào cả. Một buổi sáng đẹp trời, cô gặp một chàng trai tuấn tú ở chợ huyện. Chàng ăn mặc bảnh bao, ra dáng dân thành thị. Chàng đi theo cô hỏi thăm đủ thứ chuyện và cho biết anh là người cùng làng với cô. Cô Nụ không hề thắc mắc là tại sao anh lại biết cô ở đâu, vì qua lối nói chuyện lịch sự và nhỏ nhẹ cô đã có cảm tình ngay với anh chàng lạ mặt này. Mấy hôm sau, thật bất ngờ, chàng trai nọ đến gõ cổng nhà và xin vào thăm gia đình. Ông bõ già, sau một lúc lưỡng lự, đã cho vào vì người khách nói đúng tên của bố mẹ cô Nụ. Hai người đi qua chiếc sân lót gạch tàu đỏ thắm. Anh xin phép ngồi chờ ở chiếc ghế đặt ngoài hàng hiên. Một lúc sau, bố cô Nụ bước ra, chàng trai đứng dậy chắp tay chào rất lễ độ. Chàng tự giới thiệu tên là Long, trước đây ngụ trong làng, đi làm ăn xa, nay trở về thăm bà con xóm giềng. Ông cụ tiếp khách vui vẻ, nhưng không vồn vã và có ý e dè vì ông nhớ là Long đã rời làng quê từ lâu lắm rồi, dường như gần chục năm, sau khi bố mẹ mất vì đạn lạc trong một cuộc ruồng bố của bọn lính viễn chinh Pháp. Nghe chàng trai kể là anh đang làm thư ký dưới cảng Hải phòng. Nhìn người khách lạ, tuy có vẻ phong trần, nhưng rất bảnh trai và ăn nói mềm mỏng, dễ mến, bố cô Nụ vẫn tự nhủ là không nên vội tin, vì thời buổi loạn lạc, biết đâu mà ngờ. Sau đó, cứ cách một hai phiên chợ, bác Long lại tìm cô Nụ để trò chuyện. Trai thanh gái lịch gặp gỡ nhau ở buổi chợ đông, không phải là hò hẹn riêng tư, nhưng vì tiếng đồn thêu dệt đã làm cho cô Nụ bị cấm không cho ra chợ nữa. Không gặp ở chợ thì chàng tìm đến nhà thăm, bất chấp thái độ thờ ơ của gia đình. Mỗi lần đến thăm là quà cáp rất hậu, có phần cho mọi người trong nhà. Bố mẹ của cô rất buồn lòng vì biết cô con gái cưng đã phải lòng một anh chàng tứ cố vô thân. Kể ra thì bác Long cũng gan lì thật. Ai đời, đi hỏi vợ mà không nhờ mai mối, cứ vác xác đến bẩm thưa trước. Ông bố không ừ hử gì chỉ hỏi thêm về công việc làm ăn. Bác Long đã tình thật thưa là đang làm thư ký “bông tơ” cho bến Cảng Hải Phòng. Thời ấy, ông thông thầy ký là nghề danh giá được xã hội trọng vọng lắm. Ký gì chứ ký “bông tơ” thì ở nhà quê chả ai biết ất giáp gì cả, nên cái lý lịch “tứ cố vô thân” của bác không sáng thêm tí nào. Sau này, khi lớn lên tôi mới biết nghề của bác Long là làm “pointeur”, cũng là một nghề thư ký nhưng công việc chỉ đơn giản là đếm và ghi sổ số lượng các kiện hàng đã bốc xuống hay chất lên tàu. Làm được công việc đó, ở cảng Hải phòng là một nơi qui tụ nhiều tay giang hồ tứ chiến, tôi nghĩ, chắc bác Long cũng phải là tay bản lĩnh hơn người.

Gia đình không ưng thuận cho lấy bác Long, cô Nụ buồn ủ rũ như một cành hoa héo. Khi bị áp lực phải nhận lời cầu hôn của con trai út ông cai tổng làng bên, cô Nụ đã khóc lóc và tuyên bố là nếu cứ ép duyên thì cô sẽ cạo đầu đi tu. Bà ngoại tôi kể lại, không biết là ai đã mách, bác Long dám ra tận Hà Nội tìm ông ngoại tôi để cầu xin “nói giúp cho một tiếng”. Ông tôi và bác đã chuyện trò rất lâu. Không biết bác ấy đã nói những gì để thuyết phục được ông ngoại, chỉ biết sau khi bác Long xin phép kiếu từ, ông đã nói với bà tôi là “Bố cái Nụ không biết nhìn người. Tôi phải thu xếp về quê một chuyến để nói giúp cho chúng nó Bà ạ !” Ông ngoại tôi đi thật. Đi sáng hôm trước, chiều hôm sau về thì bác Long đã có mặt, đang nôn nóng chờ ở nhà. Ông cười thật vui và nói “ Xong rồi. Nhà gái yêu cầu cháu phải có người lớn đại diện. Nghi lễ thì cháu cũng đã biết và làm nên cho đẹp nhé ! ”. Bác cám ơn rối rít. Khi ra về đã vái chào ông bà tôi rất cung kính.

Thầy ký “bông tơ” chỉ chờ có thế thôi. Sau khi đã thông báo, đúng một tuần sau, vào gần giờ ngọ, một chiếc ô tô láng bóng đỗ ngay trước cổng nhà cô Nụ. Cả làng xúm lại xem. Chính bác Long lái xe mới là oai chứ. Trên xe bước xuống bốn người, đều mặc đồ lớn rất sang trọng. Bác Long đưa một ông đứng tuổi dáng dấp nho nhã và học thức vào nhà giới thiệu với gia đình đây là ông chú của bác, đang làm chủ sự phòng ở sở Tràng Tiền Hà Nội, đến xin phép cho nhà trai dâng lễ dạm ngõ. Ông dâng hương lên bàn thờ gia tiên trước rồi mới vào đề. Lời lẽ từ tốn, nhún nhường và đúng nghi thức của ông chú làm cho Bố Mẹ cô Nụ hởi lòng lắm. Khi được cho phép, bác Long cùng hai người bạn trở ra xe mang lễ vật vào. Chỉ là lễ dạm ngõ thôi mà ba thanh niên khuân vào nhà đến bốn bận. Các hộp sơn son có phủ khăn điều trông thấy mê. Cả nhà càng vui lòng hơn khi ông chú bên nhà trai hứa là sau hôn lễ, sẽ đưa bác Long vào làm thư ký sở Tràng Tiền và sẽ tậu cho đôi uyên ương một căn nhà ở phố Hàng Đào, gần chợ Đồng Xuân. Có con rể là thầy ký thực thì còn gì bằng. Cô Nụ được phép bước ra chào họ nhà trai. Hôm ấy cô ăn mặc và trang điểm trông xinh đẹp như một nàng tiên.

Ba tháng sau, vào ngày lành tháng tốt, hôn lễ đã được tổ chức linh đình. Bên họ nhà trai có cả ông bà ngoại tôi tháp tùng. Đám cưới mời cả hàng tổng, đãi tiệc ba ngày đêm liên tiếp, heo bò gà vịt ngã la liệt …. Mãi về sau này, mọi người mới biết “ông chú” của bác Long chỉ là ông chú vờ thôi. Nhưng lời hứa đưa bác về làm thư ký cùng sở và tậu nhà ở phố Hàng Đào là có thực. Như thế cũng xem như vẹn toàn rồi, còn mong gì hơn nữa. Ông ngoại tôi quả thật là có mắt xét người. Bác Ký suốt đời là một người chồng gương mẫu, đối xử với mọi người trọn vẹn nghĩa tình. Hai Bác có một cuộc sống gia đình tràn đầy hạnh phúc. Năm năm liên tiếp, bác gái sinh năm người con, bốn cậu con trai khôi ngô tuấn tú và một cô gái út kháu khỉnh, mang nhiều nét đẹp thanh tú giống mẹ. Khi bác gái sinh được quí tử thứ tư, có người bà con đến thăm và nói đùa: “Cô sinh nở mau mắn quá, không đẻ thêm cũng uổng. Thôi cứ ráng lấy mười cậu để rồi đi kéo chuông vàng ! ”. Câu nói cho vui này còn hàm ý chúc phúc nữa. Ở Hà Nội thời ấy, có một truyền thuyết trong nhân gian là bà mẹ nào có phúc đẻ liên tiếp được mười người con trai thì khi đứa con út được mười bảy tuổi, mười anh em sẽ ra hồ gươm kéo được chiếc chuông vàng ở dưới đáy hồ. Cũng có chuyện kể rằng : có mười anh em nhà kia chèo thuyền ra giữa hồ gươm quăng móc để kéo chuông vàng. Khi kéo được chiếc chuông lên gần sát mạn thuyền, chú em út reo mừng: “Anh em ta sắp giàu to rồi !”. Người anh cả quay đầu lại mắng : “ Giàu là chín anh em chúng tao thôi. Mày là thằng con nuôi, không có
phần đâu. Đừng hòng ! ”. Thế là cãi cọ, lơi tay kéo, chuông vàng rơi móc, chìm xuống hồ mất tăm. Chín anh em nhà bát nháo lại gắng sức kéo, nhưng không được tích sự gì. Dân gian chê cười lũ tham lam, định gạt cả thần Kim Qui mà không được !

Khi cô gái út lên hai, Bác Ký sang lại một quầy hàng quà ở chợ Đồng Xuân để bán bún chả. Vì Bác có tài nấu nướng lại khéo ăn nói nên quầy hàng của Bác càng ngày càng đắt. Gia đình “tứ quí mai hoa” ấy sống đầm ấm ở phố Hàng Đào cho đến ngày đất nước chia đôi. Trong họ ngoài làng chả mấy ai ngờ là bán hàng quà làng nhàng như thế mà lại khá. Ngày bước lên cầu tàu há mồm di cư vào Nam, bà bác cứ ngồi thu lu một xó, hai tay ôm khư khư một cái bị cũ mèm đã sờn rách nhiều chỗ. Trong cái cảnh chộn rộn, buồn đau, lo lắng ấy không ai chú ý và bận tâm đến một bà trông nhếch nhác và thất thần, đang ngồi như phỗng đá ấy mà đang ôm trong tay một cái bị rách có chứa hai hộp “bích qui” ém đầy vàng lá ! Vào Saigon, bác lại tiếp tục “sống qua ngày” bằng một quang gánh bán bún chả ở một chợ nhỏ. Và, cái mùi thơm điếc mũi của món quà ngon Hà Nội ấy lại lôi cuốn các bà nội trợ miền Nam. Cả cái khu dân cư quanh chợ ai cũng biết “ bà Bắc kỳ bán bún chả ngon quá chời !” ….. Rồi, hai mươi năm sau, cái ngày đau thương 30-4-1975 không ai mong đợi đã đến ….. Bác tôi, cũng vẫn tóc vấn khăn, răng đen nhánh và cũng lại ôm cái bị cũ của ngày xa lìa Hà Nội, cùng với gia đình leo thang dây lên tàu ở bến Nhà Rồng Khánh Hội để trốn chạy quỉ đỏ lần thứ hai. Tình cảnh lần này cũng y như lần xuống tàu ở bến Sáu Kho Hải Phòng, vội vã cuống cuồng, thảng thốt…..Chỉ có một cái khác nho nhỏ thôi, đó là cái bị cũ rách te tua còn giữ từ năm xưa để làm kỷ niệm ấy, lần này chứa sáu cái áo cũ, cũ đến độ rủi có rớt ra cũng không ai thèm nhặt, mỗi cái áo bọc một hộp biscuit !

Dân Hà thành thuở ấy chắc còn nhớ, ở phố Sinh Từ có một cửa hiệu rất độc đáo, tiệm hớt tóc của ông phó Tư, ông Tư phó cạo. Nói là độc đáo thật xứng đáng, vì hiệu hớt tóc này có nhiều thứ đặc biệt không nơi nào có. Tiệm được trang hoàng sáng sủa và lịch sự, ngoài những trang bị cần thiết cho nghề nghiệp, chung quanh tường còn treo nhiều bức tranh rất đẹp do chính chủ nhân sáng tác. Ông phó Tư, tuổi ngoài năm mươi, là một người lịch lãm và uyên bác. Tiệm có bốn ghế, đều có thợ đứng làm. Ông Tư lo tiếp khách và trò chuyện, chỉ hớt tóc khi có một người thợ vắng mặt hay do yêu cầu của những vị khách đặc biệt, thường là quan quyền, cả Pháp và Việt. Khách đến cửa hiệu không chỉ vì thợ cắt tóc khéo, mà còn thích nghe chủ nhân nói chuyện vì ông Tư có tài ăn nói, thạo cả tiếng Hoa và tiếng Pháp, và am tường đủ chuyện năm châu bốn bể. Tiệm thu hút rất đông khách, ngày nào cũng có ô tô đỗ trước cửa, xe của một ông Tây hay Tàu nào đó. Thời ấy, không có hiệu hớt tóc nào dám sắm quạt máy để dùng cho mùa hè, vì đắt quá. Ông phó Tư có một sáng kiến độc đáo, ông vẽ một bức tranh phong cảnh Hồ Tây trên vải dày, có khung nhẹ, gắn lên trần làm thành một cái quạt, phe phẩy nhẹ nhàng bằng dây kéo chạy qua chiếc rỏ rẻ móc trên tường của vách phía trong. Chiếc quạt không giống ai, đã được mô tả như “chiếc quạt hoàng cung” qua óc tưởng tượng phong phú của trẻ con, được mọi người trầm trồ khen ngợi và đã mang lại cho bọn nhóc tì chúng tôi những kỷ niệm thân ái và khó quên. Tôi hay la cà đến tiệm để ngắm những bức tranh vì tôi vốn thích hội họa. Có một hôm, đang đứng thập thò ở cửa thì ông Tư bước ra. Nhìn thấy tôi, ông bảo : “Kính đấy à. Muốn xem tranh thì bước vào trong này.” Tôi vào xem và thích quá vì được nhìn gần những bức tranh vẽ thật sống động. Ông Tư hỏi : “Sao. Cháu thấy có đẹp không ?” Tôi đáp: “Đẹp hết sức ông ạ! Hoạ sĩ nào vẽ thế, hả ông ?” Tôi tròn mắt nhìn ông, ngạc nhiên và thán phục, khi nghe ông bảo là chính ông đã vẽ những bức tranh ấy. Thấy tôi ngắm mãi cái “quạt hoàng cung”, ông hỏi : “Cháu có muốn kéo quạt giúp ông không ? Ông sẽ trả công cho.” Câu hỏi bất ngờ quá làm cho tôi lúng túng, không biết phải trả lời ra sao. Ông dịu dàng kéo tay tôi lại chiếc ghế mà chú người làm cho ông đang ngồi vừa kéo vừa ngáp. Ông bảo: “Dễ lắm, nhẹ tay kéo thỉnh thoảng cho thoáng gió thôi. Cháu ngồi xuống kéo thử xem sao. Hễ mà buồn ngủ thì…thôi, cháu nhé !” Thế là tôi làm liều ngồi kéo quạt, không dám từ chối sợ ông Tư buồn. Vừa kéo vừa lo, vừa nghĩ ngợi. Không biết sẽ bị bố mẹ mắng không. Tôi tự nhủ lòng, thôi cứ làm rồi không nhận tiền công là xong. Tôi thấy vui vì ông Tư thật tử tế, cho việc làm không cần điều kiện gì hết. Buồn ngủ quên kéo “thì….thôi”, chứ không phải “thì…bị đuổi việc”. Dễ đến thế thì thôi ! Hôm ấy, tôi kéo quạt được chừng hơn một giờ thì ông Tư bảo : “ Thôi nghỉ tay. Hôm nay thế là xong. Cháu muốn trở lại hôm nào cũng được, Kính nhé !”. Nói xong, ông nhét tiền vào túi áo tôi. Tôi trả lại cho ông và nói : “Cháu không dám nhận tiền đâu. Cháu làm thử cho vui thôi !”. Ông Tư không lấy, dìu tôi bước ra cửa, ông cười : “Cháu làm rất đàng hoàng. Trả công là đáng lắm. Cầm lấy mà ăn quà. Ông sẽ không nói với ai hết.” Còn biết nói làm sao, đành nhận vậy! Cu Kính tôi chạy một mạch về nhà, rủ thằng em đi tìm lũ bạn. Tôi không nhớ “tiền lương” hôm đó được bao nhiêu, nhưng đủ cho hai anh em tôi và đãi sáu thằng bạn cùng phố, chạy lên Văn Miếu mua kem cây trong thùng to của mấy chú đi bán dạo bằng xe đạp. Đám bạn của tôi vui lắm, càng hâm mộ thằng Kính “đầu đảng” này thêm ! Sau đó, tôi đã trở lại “nhiệm sở” nhiều lần nữa. Nói ra thật xấu hổ, tôi chỉ đến làm khi cần tiền đãi bạn ăn quà thôi ! Những lần sau này tôi kéo quạt được lâu hơn, vì bữa nào cũng được bà Tư cho ăn lạc rang hay kẹo mè, kẹo chanh, để “cho đỡ buồn ngủ”. Bà phó Tư là một bà trung niên, trắng trẻo xinh đẹp, nói năng dịu dàng. Thật xứng đôi với chồng, như bà con hàng phố vẫn khen là “người đâu mà như rồng, đẹp cả đôi”. Hơn nửa đời lưu lạc, tôi vẫn nhớ hoài về con phố nhỏ của những ngày ấu thơ. Ở đó, tình cảm con người sao đậm đà và thân thương quá đỗi ! Khi tôi đã khôn lớn ở Sài Thành, có một lần, kỷ niệm trẻ con ngày xưa bừng sống lại, mùi vị tuyệt vời của những cây kem thùng mùa hè Hà Nội dậy lên, tưởng như mới được ăn ngày hôm qua. Khi tôi đang học Phú Thọ, một thằng bạn cùng phố ngày xưa là lính thú miền xa về phép, đến nhà rủ đi chơi. Sau khi lượn vài vòng phố, hắn bảo “Gởi xe ở Lê Lợi đi mày. Tối nay hãy nhậu, bây giờ tụi mình ghé Mai Hương.”. Khi hai ly kem to tướng được đem ra, hắn nhìn tôi cười : “Ở tiền đồn heo hút buồn lắm mày ạ ! Tao nhớ phố nhớ phường, nhớ bè bạn… và nhớ cả những ngày tung tăng ở phố Sinh Từ nữa. Tao không bao giờ quên những cây kem thùng mày đã mua cho tao và lũ bạn. Hôm nay, tao đãi mày kem cốc để nhớ về những ngày xưa thân ái mày nhé !” Chúng tôi nhìn nhau không nói thêm được tiếng nào, vì cơn xúc động bất ngờ trào dâng trong lòng.

Hoa thơm, ong bướm lượn. Dì Hà Nội năm 17 tuổi đẹp như một đóa hoa tươi thắm, làm điên đảo biết bao chàng trai Hà Thành. Một trong những gã tình si ấy là một thanh niên hào hoa tên là Dĩnh. Cậu Dĩnh, không phải là người xa lạ, là con trai út của ông bà phó Duyên, người cùng làng với ông bà ngoại. Ông Duyên, trước đây có đi lính thợ ở Pháp một thời gian, rồi về nước mở một cửa hàng cắt may âu phục ở chợ huyện Chương Mỹ và làm ăn phát đạt vì quần áo may theo thời trang rất đẹp, có rất nhiều khách hàng từ Hà Nội nghe danh và tìm đến. Tên của ông gắn liền với chữ “phó”, tức là ông thợ may tên Duyên. Các con trai của ông bà phó đều học hành giỏi giang. Cậu Dĩnh, luôn luôn nổi bật, hơn hẳn những chàng đang theo đuổi dì Hà không hẳn vì cậu đẹp trai, tướng tá cao lớn, mà còn vì phong cách sống rất đặc biệt và lại có lợi điểm là quen biết với gia đình. Mỗi lần cậu xuất hiện là ồn ào cả khu phố, vì cậu chạy một chiếc mô tô kềnh càng, tiếng máy nổ to lắm. Thời ấy, ở Hà Nội chỉ thấy dân da trắng mắt xanh cỡi mô tô thôi. Bọn trẻ thường gọi là “tây gà tồ cỡi xe bình bịch”. Có lẽ chỉ có cậu Dĩnh mới dám chơi bạo thế thôi, không thấy có người Việt thứ hai. Cỡi xe bình bịch nhưng cậu luôn luôn diện đồ tây ủi thẳng nếp với áo bốn túi và đội nón “ca lô” trông hách lắm. Cậu Dĩnh đến thăm rất thường. Tiếng là thăm ông bà ngoại tôi, nhưng mỗi lần đến là mắt của cậu cứ dáo dác xem dì Hà có mặt ở nhà không. May lắm có đôi lần gặp mặt dì Hà cậu Dĩnh đã bám riết và ba hoa đủ chuyện. Nhưng cái may mắn ấy ít có, nên cậu thường chuẩn bị sẵn một thư tay và nhờ tôi trao cho dì Hà. Dĩ nhiên là cậu chẳng nhờ không, khi nào cũng trả công và hai anh em tôi lại khoái chí rủ nhau đi ăn kem bờ hồ. Không được bao lâu tôi mất cái bổng lộc ấy vì dì Hà cấm, không cho nhận thư nữa. Lúc ấy, nhóc tì như tôi thấy thế giới của người lớn thật phức tạp và khó hiểu. Một chàng trai khôi ngô, sang trọng phải lòng một cô gái đẹp,đã làm hết sức để được cô ghé mắt tới mà coi bộ khó quá. Tuy không dám tìm hiểu tại sao nhưng tôi cũng thấy tiếc lắm. Không phải tiếc vì mất tiền quà mà tiếc cho cậu Dĩnh, đã nhẫn nại theo đuổi mà người đẹp vẫn dửng dưng.

Khi chiến tranh chấm dứt thì đất nước lại chia đôi. Gia đình chúng tôi phải từ giã Hà Nội thân yêu để di cư vào Nam. Khi nơi ăn chốn ở đã tạm yên, bất ngờ cậu Dĩnh lại xuất hiện. Cũng vẫn trang phục y như ngày còn ở Hà Nội, và cũng lái một chiếc mô tô, chiếc xe này to hơn và nổ bình bịch lớn hơn. Cậu lại năng lui tới hơn và săn đón dì Hà ráo riết. Ông bà ngoại tôi, xem chừng cũng bằng lòng chấp nhận cho cậu làm rể, đã hỏi ý dì Hà, nhưng dì từ chối, viện lẽ là muốn đi học tiếp tục. Bốn năm sau, dì Hà thành hôn với một thanh niên quê ở Hải Dương, đã nhờ mai mối đến xin cưới. Chồng của dì Hà, chú Dương, cũng đẹp trai và có tướng mạo oai phong không thua gì cậu Dĩnh, chỉ có khác là rất hiền lành và ít nói. Thì ra, có khi, muốn chiếm được trái tim của người đẹp, nhất lì nhì đẹp trai vẫn chưa đủ, phải hiền nữa. Có đúng như vậy không, hay chỉ là duyên số mà thôi ? Chú Hải Dương và dì Hà Nội của tôi đã có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Đúng như lá số tử vi của dì đã nói, số của dì giàu có nhưng không sống thọ. Dì mất năm 60 tuổi. Ngày dì Hà còn sống, tôi đã tự nhủ lòng là thế nào cũng có ngày đưa Mẹ tôi và dì trở về thăm Hà Nội êm đềm thơ mộng năm xưa. Nhưng đến nay, tình thế đã đổi thay. Hà Nội ngày nay đã khác. Khác nhiều lắm rồi. Nếu dì cháu mình có về chốn xưa, thế nào cũng phải ghé chợ Đồng Xuân để ăn thử bún chả, nhưng khi ăn thì cứ lẳng lặng mà nuốt, chớ có dại dột khen chê. Thậm chí, chỉ xin thêm một chút nước chấm là bị bà hàng mặt mày cau có mắng ngay : “Ăn gì mà ăn lắm thế. Về nhà chúng mày mà ăn, đừng có ám quẻ ở đây !” Phố Sinh Từ ngày xưa vui tươi thân ái biết bao, bây giờ không biết ra sao. Nhà phố vẫn còn, nhưng tên phố đã đổi rồi. Xã hội mới, con người cũng mới luôn. Giờ đây, cụ Tham, cụ Phán Chương, bà Thông …. không còn nữa. Nhưng sáng sáng chắc cũng có nhiều ông bà lão ngồi phơi nắng trước nhà. Nếu có đi dọc theo phố thì cứ nhìn thẳng mà đi, chớ có nhìn vào ai. Vì rủi mà nhìn thì sẽ bị chủ nhân mới của Hà Nội đứng lên, xỉa xói ngón tay vào mặt mình và chửi thật to “ Nhìn gì thế, thằng phải gió kia. Có mà xéo đi ngay không, đồ chết tiệt !”

Thôi dì ạ, về làm gì nữa. Thà cứ giữ trong tim hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ của năm xưa còn hơn !


VĨNH NGỘ
Post Reply