Đĩa nước mắm

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Đĩa nước mắm

Post by unclevinh »

Đĩa nước mắm
(Thái-Vinh mến tặng Mộng-Lan)

Hồi nhỏ thấy anh Đức trắng trẻo đẹp trai còn mình đen thui, Thái rất buồn. Một hôm Thái hỏi:

- Mẹ ơi, con là con của ai?

Mẹ Thái đang bực cái tính hào hoa đa tình của chồng, bèn nói cho hả giận:

- Con là con của ông Nhúm Bán Cóc!

Thái nghe sợ hãi co rúm người. Ông Nhúm là một nhân vật kỳ dị như Cái Bang mới xuất hiện trong xóm độ một tháng nay. Ông Nhúm ốm tong teo, răng rụng, mắt lé, da đen khô nứt nẻ như da cóc...Ông đội mũ lụp xụp, đi rất nhanh, tay gõ mõ rao: "Nhúm bán cóc chuyên trị đau lưng, nhức mỏi đây..."
Khách hàng thường xuyên của ông Nhúm là bố Thái. Có người trong xóm đồn rằng ông Nhúm là Việt Cộng; nhưng cũng có người nói ông Nhúm là tình báo bên phe Quốc Gia chỉ điểm ổ Việt Cộng ẩn trốn để đêm đêm bố Thái dẫn Dân Vệ đi tập kích.
Thái nhớ hôm đầu tiên đang nói chuyện, thình lình bố Thái khoá tay chân vật ông Nhúm ngã huỵch xuống đất; rồi mò trong người ông Nhúm lấy ra vật gì đen thui và một ngôi sao trắng. Coi xong thả ông Nhúm ngồi dậy mời uống nước trà. Từ đó, mỗi lần ông Nhúm đến, không cần gõ cửa, cứ đi thẳng vào buồng bố Thái đang nằm sấp chờ trị bệnh. Ông Nhúm có biệt tài đấm lưng, kéo tai, nhổ tóc, bẻ ngón tay ngón chân....bóp bẻ kêu rắc rắc nghe rợn da gà!
Ngoài tài trị bệnh đau lưng nhức mỏi, ông Nhúm còn bắt cóc nấu cháo giúp gan tẩy độc chữa dứt nọc các loại mụn bọc, mụn cơm, mụn nếp mọc bừa bãi trên mặt. Thái vừa sợ vừa ghét ông Nhúm; nhưng anh Đức chơi ác đi rao với bọn nhóc trong xóm: "Thằng Thái là con ông Nhúm!" Kể từ đó Thái có tục danh là "thằng Nhúm".

Thái chưa bao giờ thấy bố có bồ; nhưng mỗi lần mẹ Thái nổi cơn ghen, bà cứ kể hết tên bà bồ nầy bà bồ kia, nghe miết Thái cũng thấy tức trong bụng, tự nhiên đứng về phe mẹ. Một hôm đi ngang qua nhà dì Lộc, trong đám con gái đang chơi đánh đáo nhảy chuông, con Thục nhìn Thái buột miệng kêu "Anh Nhúm" làm bọn con gái ôm bụng bò lăn ra cười. Thái mắc cỡ cắm đầu đi thật nhanh; vừa đi vừa giận bố vì nghĩ mình đã có hai đứa em gái rồi, mà bố còn kiếm thêm em gái làm chi nữa cho nó dám kêu tên tục của mình!

Tối hôm đó, sau khi bố cỡi xe đạp đi tập kích với Dân Vệ, Thái hỏi:

- Mẹ ơi, bé Thục con dì Lộc có phải là em của con không?

Mẹ Thái ra chuồng gà quậy một hồi bắt một con gà con lông tơ vàng mịn, miệng kêu chim chíp đòi ăn rất dễ thương đưa cho Thái ẵm; bà mỉm cười bí mật nói nhỏ:

- Đi bắt bố mày!

Thái ngơ ngác, hỏi:

- Nhưng bố đi tập kích bắt Việt Cộng với các anh Dân Vệ mà?

- Bố mày đi bắt bồ, chứ Việt Cộng ở trên núi dám lên đó nạp mạng à!

Hai mẹ con nhẹ nhàng lao đi trong bóng tối như hai đại hành gia vừa đi vừa vận nhãn lực quan sát; đặc biệt đi ngang qua nhà các bà có chồng năm xưa đi tập kết ra Bắc, mẹ Thái dừng lại nghe ngóng rồi lắc đầu đi tiếp. Đi một hồi đến trước nhà dì Lộc. Mẹ Thái lấy lại con gà con, nói nhỏ:

- Con vòng ra chận cửa sau cho mẹ!

Thái vô cùng sợ hãi, làm sao một mình Thái đủ can đảm chận lại bố nếu thật sự ổng vọt ra cửa sau? Thái run run núp trong bụi sau hè van vái Trời Phật cho bố đêm nay thật sự đang hành quân trên núi, chứ đừng bị mẹ đột kích bỏ ổ chạy ra cửa sau! Chờ một hồi không thấy rục rịch gì cả, Thái nhón gót len lén đi lại áp tai vô vách nhà, nghe tiếng mẹ nói: "Bận đi buôn không có thì giờ đến thăm mẹ con Dì. Tối nay mới rảnh, sẵn dịp đàn gà con mới nở, đem một con tặng cháu Thục..." Thái khoan khoái mừng rỡ, chạy ra đường đứng chờ. Mẹ Thái đi ra tỏ vẻ thất vọng: "Hành tung của bố mày không biết đâu mà lường!"

Một hôm trước khi đi buôn xa, mẹ dặn dò Thái ở nhà lo chu toàn mọi việc từ giữ em tới bếp núc, tưới nước, chận bò, cho heo gà ăn...rồi còn tăng thêm một nhiệm vụ mới "Canh chừng bố" làm Thái cảm thấy trong dạ bất an thường trực! Thái không dám canh chừng bố. Thái chỉ mong bố cũng như mẹ lúc nào cũng đi công tác thật xa để được tự do chạy qua gốc me bên nhà ông xã Quyền chơi buôn bán làm vợ chồng suốt đời với con Dung thôi!

Nghe tiếng ngáy ngủ trưa của bố đã bắt đầu đều đặn, định lén trốn ra gốc me, nhưng chợt nghe tiếng rao từ xóm trên vọng xuống rõ nồn nột "Nhúm bán cóc chuyên trị đau lưng, nhức mỏi đây..." Thái buồn bã lủi thủi chun vô bếp ngồi thái rau muống để dành chiều cho heo ăn.
Ông Nhúm không đấm lưng hay nhổ tóc hôm nay! Ông chỉ nói nho nhỏ vài lời, rồi bỏ đi. Thái thấy bố bật dậy huýt sáo vui vẻ đi rửa mặt, chải tóc, và mặc quần áo ngay ngắn. Được một lát, nghe có tiếng guốc khua trước thềm, rồi có tiếng cười chào thật trong trẻo vui tai và mùi nước hoa thoang thoảng bay vào. Người nhà quê chỉ biết tắm giếng hay tắm sông, và nấu trái bồ kết gội đầu; không ai biết xức nước hoa cả! Thái rất thích hít ngửi mùi thơm đó nên vô cùng mừng rỡ vội vàng chạy ra chào cô Năm Liễu.

Cô Năm Liễu không có họ hàng gì với gia đình Thái. Năm kia mẹ Thái đi buôn xa ở trọ nhà cô Năm. Thấy cô trẻ đẹp, dễ thương, mà lại chưa có bạn, bèn vui vẻ kết nghĩa chị em. Bố Thái tuy oai vệ và đẹp trai, nhưng đứng chỉ tới tai cô Năm; mẹ Thái tự tin không sợ chồng nhón gót tán tỉnh em gái mới đem về giới thiệu với chú Thi. Cô Năm Liễu cặp với chú Thi trông đẹp như đào kép trong các tuồng hát cải lương. Chú Thi ít khi ở nhà. Nghe nói chú là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Cộng Sản và chống luôn chính phủ cụ Ngô. Nhà chú cho thuê mở tiệm hớt tóc, chỉ trừ một căn buồng treo mấy cây đàn đợi lâu lâu chủ về đàn hát vào những đêm trăng sáng. Thần tượng của Thái bấy giờ là chú Thi. Thái ao ước mai mốt lớn lên được đi hoạt động cách mạng sống đời phiêu bạt đó đây và biết đàn hát thật hay như chú Thi.

Cô Năm Liễu đáp xe lửa ra tìm không gặp chú Thi bèn ghé lại thăm gia đình Thái. Mỗi lần gặp, Thái đều được cô ôm hôn và cho tiền chạy lên tiệm tạp hoá của bà Nội mua nước xá xị uống. Thấy Thái cứ đứng xớ rớ mân mê mấy đồng xu mới trên tay không chịu đi cho khuất mắt, bố xuống bếp hỏi:

- Nhà có gì ăn không?

Thái ấp úng:

- Dạ...có rau muống với hột gà luộc; nhưng lại hết nước mắm!

Bố ra lệnh:

- Lên nhà bác Sáu xin một đĩa nước mắm về làm cơm đãi khách!

Được phép lên nhà bác Sáu, Thái mừng rỡ cầm đĩa chạy vụt đi. Nhà bác Sáu là cái tàng kinh các chứa nhiều bộ bí kíp trứ danh như Phong Thần, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Ký, Tam Quốc Chí, Thủy Hử...làm Thái say mê trốn học mất ngủ. Bác Sáu khoái nằm trên phản vừa nhổ râu vừa lắng nghe giọng Thái đọc truyện rất lôi cuốn. Nghe một hồi êm tai bác chìm vào giấc ngủ; Thái bèn rón rén chôm bộ truyện ấy chạy về nhà đọc một mạch. Bố Thái bắt được, đánh cho một trận; nhưng Thái bị các bộ truyện Tàu ấy đầu độc như người nghiện á phiện không thể bỏ hút được!

Thấy Thái hớt hải chạy như đang trốn đòn, bác Sáu giật mình đứng dậy ngó ra ngoài sân không thấy ai, bèn dịu dàng hỏi:

- Cháu cầm đĩa làm gì thế?

- Bác cho cháu xin ít nước mắm...

- Nhà còn cơm nguội với cá kho, cháu xuống bếp lấy ra ăn. Xong đọc lại cho bác nghe đoạn Triệu Tử-Long bồng ấu chúa đại chiến với các chiến tướng của Tào Tháo ở trận Đương Dương Trường Bản!

- Nhưng...nhà cháu đang có khách...

- Ủa! Khách nào vậy?

- Dạ...cô Năm Liễu.

Nghe nói tới cô Năm Liễu, lòng bác Sáu bỗng dâng lên một cảm giác êm đềm. Ngày xưa bác Sáu từng đi lính sơn đá xung phong xuống thuyền sang Pháp chiến đấu chống Đức. Sau khi Đức thua trận, bác được thăng lên chức Cai. Hồi ở Pháp, bác Sáu biết ăn chơi đủ thứ và từng có bồ đầm! Vợ bác mất đã lâu. Bác nghe lời con để râu, nhưng râu chưa bạc nhiều và bác cảm thấy chưa già. Hai người con của bác rất thương mẹ quyết liệt bắt bố phải ở vậy suốt đời để làm tấm gương đạo đức cho các em và con cháu bắt chước. Báo hại bác phải lén có bồ thật xa!

Bác Sáu xoa đầu Thái, cười thương hại:

- Bố cháu bắt cầm đĩa đựng nước mắm thì đi bao giờ mới về tới nhà? Bác cho luôn một chai nước mắm, cháu cầm chạy thật nhanh về cho bố đãi khách!

Thái ngẩn người ra một lúc mới biết trên đời không ai hiểu em bằng ông anh ruột!

Về tới nhà, thấy cửa trước đóng; bèn rón rén đi vòng qua bên hông nhà. Cửa sổ phòng ngủ cũng đóng kín làm Thái hết sức khâm phục bác Sáu có tài xét người như Tào Tháo mới cho nguyên một chai nước mắm! Tự nhiên Thái thấy thương mẹ, quyết lập công sau lần thất bại mất con gà con!

Thái đặt đĩa với chai nước mắm xuống đất, rồi vận dụng công phu bích hổ du tường bám thành cửa sổ đu người lên dòm bên trong thấy tối thui. Đang vận dụng nội lực lắng tai nghe, bất chợt có tiếng nói sang sảng của bố và tiếng cười trong trẻo dễ thương của cô Năm Liễu từ ngoài ngõ vọng vào, Thái vội vàng tụt chân nhảy xuống thật nhanh đạp nhằm cái đĩa và chai nước mắm đổ vỡ tung toé! Thái ngước mắt thấy mặt bố giận hầm hầm. Ông vung tay xán một cái bộp tai làm hồn vía Thái rụng rời; nhưng nhanh như chớp cô Năm Liễu đã đưa nhẹ bàn tay năm ngón thon dài thật đẹp chặn lại:

- Cháu đã lỡ đánh vỡ, thôi để cô cho tiền đi mua chai khác.

Nói xong, cô dúi vào tay Thái một trái me, cười khúc khích:

- Bố cháu bảo "Ăn trộm mới thú vị". Nhân lúc ông Xã Quyền đang ngủ trưa, bố cháu trổ tài trèo hái trộm đấy!

Cô Năm Liễu lúc ấy trong đôi mắt Thái là một vị thánh nữ xinh đẹp và tài nghệ phi thường hơn hẳn mẹ mới hoá giải được luồng chân lực vô cùng ghê gớm của bố. Vì mỗi lần Thái bị đòn, mẹ Thái nóng lòng chỉ biết lăn xả vào can thiệp, kết quả hai mẹ con đều bị trúng chưởng suýt chết!

Mấy chục năm sau vật đổi sao dời mẹ con gặp lại nhau, nhưng bố đã mất. Trong lúc ngồi ăn và hàn huyên chuyện cũ, Thái làm bộ ngây thơ:

- Mẹ ơi, con là con của ai?

Mẹ Thái tủm tỉm cười:

- Con là con của ông Nhúm Bán Cóc!

Mấy cô em gái bò lăn ra cười, bất ngờ đụng đổ đĩa nước mắm. Bâng khuâng ngó đĩa nước mắm, Thái hỏi:

- Cô Năm Liễu bây giờ ở đâu hả Mẹ?

Nghe nhắc tới cô em kết nghĩa, mẹ Thái xúc động rưng rưng nước mắt:

- Sau ngày giải phóng, ông Nhúm là đồng chí của chú Thi dùng viên đạn cuối cùng tự sát, còn chú Thi bị bắt giải đi biệt tích. Cô Năm Liễu lặn lội đi tìm khắp các trại tù học tập cải tạo suốt mấy năm trời, từ trại tù Hàm Tân ra tới trại tù Hoàng Liên Sơn. Cuối cùng bị lường gạt, cô xấu hổ lao ra xe lửa đâm đầu xuống dòng sông Mã tự vẫn!
uncleVinh
Post Reply