Hoàng Sa, Trường Sa

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Hoàng Sa, Trường Sa

Post by uncle_vinh »

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

On The Net
Đăng ngày hôm nay Người Việt Trong Nước


Đàn Chim Việt: Dư luận đang ngỡ ngàng trước một loạt bài đăng trên báo Tuổi Trẻ - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là những bài viết liên quan tới trận hải chiến không cân sức cuối cùng vào 1/1974 giữa những người lính Việt Nam Cộng Hòa với hải quân Trung Quốc để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta.

Với thái độ trân trọng, bài báo gọi những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa là "những người con đất Việt". Tác giả bài báo cũng gặp, trò chuyện và ghi lại những câu chuyện rất cảm động mà chưa một lần trong suốt hơn một phần ba thế kỷ qua chúng ta được biết tới từ mấy trăm tờ báo trong nước.

E rằng, những bài viết như vậy có thể bị kiểm duyệt và xóa bỏ trong nay mai, chúng tôi xin phổ biến lại tới bạn đọc.


--------------------------------------------------------------------------------

Kỳ 1: Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng


Image
Ông Nguyễn Văn Đức

Cách nay đúng 40 năm, ông Nguyễn Văn Đức đã cùng các cộng sự vượt trùng dương đến với Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là canh giữ biển trời Tổ quốc với chức vụ là đảo trưởng theo lệnh của Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà. Lúc đó ông vừa tròn 22 tuổi, là một trong những đảo trưởng trẻ nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ tại quần đảo Hoàng Sa.

1. Mái đầu ông Nguyễn Văn Đức đã điểm muối tiêu của tuổi ngoài 60. Hỏi ngày nào đáng nhớ trong cuộc đời của mình, ông trả lời không chút đắn đo: “Đó là ngày 14-10-1969, tôi nhận được tờ sự vụ lệnh biên chế về trung đội Hoàng Sa ra đảo làm nhiệm vụ dưới chức danh đảo trưởng”.

Buột miệng hỏi ông về những lo lắng trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông phản ứng: “Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông.

Ông Đức nhớ lại: “Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

2. Ông Nguyễn Văn Đức kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.

Image
Tờ sự vụ lệnh quyết định điều chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sài Gòn tại Hoàng Sa - Ảnh: Thế Anh

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, cựu chuẩn úy Nguyễn Văn Đức kể tiếp: “Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông nói có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió.

Ông kể: “Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

Image
Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng)

3. Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa - một phần máu xương của Tổ quốc VN, là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại: “Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

Là một người từng học và hiểu biết về luật quốc tế, ngay trong ngày Hoàng Sa bị chiếm đó ông đã âm thầm lục tìm lại những tài liệu liên quan, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát và úa vàng vì thời gian.

35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Có lẽ những ai quen biết ông đều không mấy khó hiểu về hành động yêu nước của ông khi biết trong ngày 30-4-1975, ông đã từng xuống tàu để rời Việt Nam, nhưng trong một tích tắc của thời khắc lịch sử ông đã nhảy lại lên bờ, bởi ông biết không nơi đâu bằng quê hương.

Ông Đức lần giở lại tờ sự vụ lệnh năm nào rồi nói: “Chừng nào Hoàng Sa vẫn còn trong tay ngoại bang thì niềm vui vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn được. Tôi sợ rằng lớp trẻ sẽ quên mất Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974”. Có lẽ đó không chỉ là điều trăn trở của riêng ông.

Còn tiếp

Nguồn; Tuổi Trẻ Online
Last edited by uncle_vinh on 29 Apr 10, Thu, 7:05 am, edited 2 times in total.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Post by uncle_vinh »

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Kỳ 2: Biển động


Người Việt Trong Nước
On The Net

Đàn Chim Việt: Dư luận đang ngỡ ngàng trước một loạt bài đăng trên báo Tuổi Trẻ - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là những bài viết liên quan tới trận hải chiến không cân sức cuối cùng vào 1/1974 giữa những người lính Việt Nam Cộng Hòa với hải quân Trung Quốc để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta.

Với thái độ trân trọng, bài báo gọi những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa là "những người con đất Việt". Tác giả bài báo cũng gặp, trò chuyện và ghi lại những câu chuyện rất cảm động mà chưa một lần trong suốt hơn một phần ba thế kỷ qua chúng ta được biết tới từ mấy trăm tờ báo trong nước.

E rằng, những bài viết như vậy có thể bị kiểm duyệt và xóa bỏ trong nay mai, chúng tôi xin phổ biến lại tới bạn đọc.


--------------------------------------------------------------------------------

Khi tôi (1) ghi lại những dòng hồi ký này, sự việc đã xảy ra 35 năm (1974 - 2009). Đã 35 năm trôi qua, những gì tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Lúc bấy giờ tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân.

Với chức danh đó, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) tôi đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (trung tá hải quân). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ.

Hôm ấy, ngày 16-1-1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm trưởng San và đại úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

20 giờ hạm trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là lực lượng biệt hải. Tôi được lệnh từ đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.

Ngày N+1

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Image
Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu VN trên đường ra Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Ngày N+2

Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ 4 và HQ 16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK 47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do trung tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có đại tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh đại tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

Còn tiếp

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

--------------------------------------------------------------------------------
(1): Tác giả câu chuyện này là người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước: ông Lữ Công Bảy - quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Sau 1975, ông Bảy vẫn ở lại VN, phục vụ trong lực lượng hải quân quân đội nhân dân VN. Hiện ông là nhân viên bảo vệ của Đài truyền hình VN tại TP.HCM.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Post by uncle_vinh »

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau -

Kỳ 3: Tử chiến


On The Net

Đàn Chim Việt: Đúng như chúng tôi đã dự đoán. Sau khi đăng 2 bài trong phóng sự dài kỳ liên quan tới trận hải chiển cuối cùng diễn ra 19/1/1974, trước khi Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, báo Tuổi Trẻ đã (phải) dừng loạt bài này.

Trong hai bài đã đăng, báo Tuổi Trẻ đã dành những lời lẽ trân trọng, đi ngoài "lề phải", khi nhắc tới những người đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa và những nhân chứng còn sống tới ngày nay.

Sau 2 bài đã đăng, hiện báo Tuổi Trẻ đã cáo lỗi như sau: "Vì lý do ngoài ý muốn, chúng tôi xin tạm dừng hồ sơ “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau”. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này vào thời điểm thích hợp. Chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc."

Đàn Chim Việt xin chuyển tới bạn đọc phần 3 và 4 của loạt phóng sự này từ một nguồn khác. Có thể nó không hoàn toàn giống với bài mà Tuổi Trẻ định đăng tải.


--------------------------------------------------------------------------------

Vào thời điểm hết sức căng thẳng này, việc thông tin liên lạc giữa lực lượng bảo vệ Hoàng Sa và Bộ tư lệnh vùng 1 duyên hải đã bị đứt. Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa . Đại tá Hà Văn Ngạc, lúc đó đang ở trên chiến hạm HQ 5, được tòan quyền hành động. (Quyết định nổ súng được thực hiện sau cuộc điện đàm giữa đại tá Ngạc và tư lệnh hải quân vùng 1 Hồ Văn Kỳ Thọai. Thế còn tư lệnh Hải quân VNCH đang ở đâu ? Ông ấy- đề đốc Trần Văn Chơn- đang ở trên… trời. Tướng Chơn đang ngồi trên chuyến bay ra Đà Nẵng. Lúc ông tới căn cứ hải quân, mọi việc đã xong xuôi – BT)

Đại tá Ngạc ra lệnh: chuyển bốn tàu theo đội hình hàng dọc (Formation - one) theo tín hiệu cờ của khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để giữ bí mật ; khi tín hiệu cờ chuyển sang Formation - two (đội hình hàng ngang) tất cả các khẩu đại bác hướng lên đảo; khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo dọn đường lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ chiếm lại đảo.

Hạm trưởng San bực bội trước lệnh này. Trước khi chuẩn bị nổ súng đại tá Ngạc có hỏi ý kiến từng hạm trưởng. Đến khi hỏi ý kiến HQ 4, hạm trưởng Vũ Hữu San gằn từng tiếng trong bộ đàm: “Trình đại bàng, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nay nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ, muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển trước khi tính đến việc đổ quân, hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng đến giờ đầy trên đảo, ta chỉ có 2 trung đội thì làm sao thành công được ”, rồi ông nói tiếp: “Tôi là quân nhân tôi chấp nhận hi sinh vì tổ quốc nhưng…”. Rồi ông cúp máy và ra lệnh “tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch “

Đúng 10g20 , bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10, HQ16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng San ra lệnh “bắn” đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến Full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3) hết tay lái sang phải... Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ 4 chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác đầu tiên của địch. Thế rồi, các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân trung úy Ria đang cố gắng theo dõi tàu địch qua màn hình radar. Thượng sĩ giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn ,xạ thủ đại liên 30 trên nóc ĐCH, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các nơi bị thương vọng lên ĐCH.

Tuy nhiên chiến hạm HQ 4 vẫn vững vàng trong cuộc hải chiến . Đài quan sát trên nóc báo cáo có địch đang đuổi theo. Tôi nhìn ra phía sau vừa thấy 2 tàu địch thì từ mạn phải HQ 5 cắt đuôi HQ 4 phóng thẳng vào 2 tàu địch. Những khối cầu lửa từ mũi HQ 5 bắn ra (đại bác 127 ly) bay thẳng vào tàu địch. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, một chiếc quay ngang và sau đó lãnh đủ hàng loạt đạn từ HQ 4.

Không thấy một tàu địch nào, cũng không thấy HQ 16 và HQ 10 đâu cả. Ngay lúc đó HQ 5 cho biết ụ tháp đại bác 127 ly đã bị trúng đạn, 3 quân nhân tử thương 2 bị thương nặng. Liên lạc mãi với HQ 16 và HQ 10 không được.

Thật ra ngay từ loạt đạn đầu tiên HQ 10 đã bị loại khỏi vòng chiến vì HQ 10 nhỏ, cũ kỹ các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền 2 quả 100 ly từ tàu địch .Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi ,trinh sát giám lộ Vương Thương, báo cáo HQ 10 đã bị trúng đạn. Hạm trưởng Thà đứt đầu, hạm phó Trí trọng thương ngay bụng sĩ quan , hạ sĩ quan và thủy thủ trên ĐCH đều bị tử thương và bị thương.

Riêng Vương Thương bị mảnh đạn cắt ngang mông trái, máu ra nhiều nhưng vẫn còn tỉnh táo, báo tình hình về soái hạm HQ5. Anh cùng 21 quân nhân xuống được bè cứu sinh và sau 2 ngày đêm được một thương thuyền Hà Lan cứu đưa về Đà Nẵng. Nhưng Vương Thương đã chết trên bè vì máu ra quá nhiều . Anh ra đi trước ngày tổ chức làm đám cưới. Lẻ ra anh đã được về phép cưới vợ. Giấy phép đã cầm trên tay, nhưng hạm trưởng Ngụy Văn Thà động viên anh ở lại, vì anh đã quá rành vùng quần đảo Hoàng Sa. Anh đã theo tàu ra Hoàng Sa như ăn cơm bữa, hải đảo xa xôi nào cũng lưu dấu bước chân anh. Nay vì tổ quốc , anh đã thanh thản ra đi, bỏ lại người vợ chưa cưới nơi cố đô Huế.

HQ 4 và HQ 5 quay đầu về hướng Nam. Sau đó 1 giờ không còn thấy HQ 5 ở đâu. HQ 5 do máy yếu và một máy bị sự cố chưa kịp khắc phục, nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển trở nên HQ 4 lẻ loi một mình. Hạm trưởng San vẻ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.

Bây giờ tôi mới rời được ĐCH. Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một sự kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… mấy ngày liền không có thời gian thu dọn. Hơn 130 thủy thủ đoàn bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương thực khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Trong phòng y tế, các binh sĩ người nhái bị thương cũng nằm la liệt. Một binh sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù. Anh ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa, nhưng khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra. HS Danh nằm thoi thóp trên băng ca, ngực anh đầy bông băng nhuốm máu. Tôi rờ lên trán anh nóng hổi, hỏi anh có khỏe không? Anh mở mắt rồi gật đầu, nhưng lịm dần rồi chết.

Khoảng 16 giờ 30 tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt, thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo :“Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”.

Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động , không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này .

Thế rồi, giữa khỏanh khắc yên lặng kỳ lạ và căng thẳng đó, một câu nói được thốt ra, tôi còn nhớ mãi: “Dù sao đánh nhau với Trung Quốc nếu có chết cũng vinh quang hơn… ”.

Nguồn: Blog Bùi Thanh
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Hoàng Sa, cuộc Hải Chiến giửa VNCH và TQ

Post by uncle_vinh »

HS - tường trình 35 năm sau, Kỳ 4:

Hải chiến 30 phút và nỗi đau 30 năm


Bút Ký
On The Net

Đúng như chúng tôi đã dự đoán. Sau khi đăng 2 bài trong phóng sự dài kỳ liên quan tới trận hải chiển cuối cùng diễn ra 19/1/1974, trước khi Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, báo Tuổi Trẻ đã (phải) dừng loạt bài này.

Trong hai bài đã đăng, báo Tuổi Trẻ đã dành những lời lẽ trân trọng, đi ngoài "lề phải", khi nhắc tới những người đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa và những nhân chứng còn sống tới ngày nay.

Sau 2 bài đã đăng, hiện báo Tuổi Trẻ đã cáo lỗi như sau: "Vì lý do ngoài ý muốn, chúng tôi xin tạm dừng hồ sơ “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau”. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này vào thời điểm thích hợp. Chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc."

Đàn Chim Việt xin chuyển tới bạn đọc phần 3 và 4 của loạt phóng sự này từ một nguồn khác. Có thể nó không hoàn toàn giống với bài mà Tuổi Trẻ định đăng tải.


--------------------------------------------------------------------------------

Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ chuyển đi từ soái hạm HQ-5, các chiến hạm VN đồng loạt khai hỏa vào mục tiêu được chỉ định là các chiến hạm địch đối đầu. Các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly tác xạ rất chính xác và hiệu quả vì có nhịp bắn nhanh và mục tiêu lớn lại nằm trong tầm tác xạ hữu hiệu. Các khẩu đại bác 76 ly trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tác xạ cũng rất chính xác nhưng nhịp bắn không được nhanh vì hệ thống radar kiểm xạ viễn khiển bị hỏng từ lâu. Những giàn đại pháo 127 ly trên các Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng và Lý Thường Kiệt có nhịp bắn chậm hơn trong lúc các chiến hạm đôi bên vận chuyển với vận tốc cao nên rất khó nhắm vào mục tiêu.

Với chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng”, các chiến hạm VN chiếm được thế thượng phong vì bắn trước với cỡ súng lớn hơn. Các tàu Trung Quốc bị thiệt hại nhiều trong những phút đầu tiên này nhưng cũng chống trả mãnh liệt.

Trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 thuộc phân đội Bắc, lệnh tác xạ của Hạm Trưởng, HQ Trung Tá Lê Văn Thự, được đáp ứng ngay bằng quả đạn đầu tiên của khẩu đại pháo 127 ly do Trung Úy Ðoàn Viết Ất làm trưởng khẩu. Sau đó, các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly từ trước mũi đến sau lái thi nhau bắn vào tàu địch. Giống như như HQ-5, vũ khí chính của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt là khẩu đại pháo 127 ly (5 inch) đặt tại sân trước. Cũng ở sân trước, đàng sau của khẩu đại pháo là giàn đại bác 40 ly đôi (2 nòng) nằm một tầng cao hơn ngay dưới đài chỉ huy. Hai bên hông đài chỉ huy là các khẩu đại bác 20 ly đôi (2 nòng). Tại sân sau có các khẩu đại bác 40 ly đơn, một bên tả hạm, một bên hữu hạm.

Sau đây là lời tường thuật của của một nhân chứng, sĩ quan hải hành Đào Dân ,có mặt trên đài chỉ huy HQ-16 trong lúc xảy ra trận hải chiến:

“Cả chiến hạm như bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Những người trên đài chỉ huy chú tâm đến nỗi ai cũng có cảm tưởng mình nhìn thấy được đường đi của viên đại bác dầu tiên. Rồi tiếng nổ dồn dập của khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và khẩu 40 ly đơn sau lái hữu hạm, cùng với tiếng nổ liên hồi của đại bác 20 ly làm thành một hòa âm khó tả. Khói thuốc súng từ trước mũi, sau lái, boong trên phía sau và ngay đài chỉ huy phía dưới bay lên làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm … Từ lỗ tròn của ổ đại bác 127 ly trước mũi, Trung Úy Ất đã đứng hẳn người lên, nhô cả thân mình lên trên ụ súng để tận mắt chứng kiến kết quả của những viên đạn đang nổ, điều chỉnh những sai sót. Tiếng oang oang thường ngày của Ất được dịp phát ra từ đó mà ở đài chỉ huy chúng tôi còn nghe được. “Lên hai độ”, “xuống một độ”, “bên phải”, “bên trái một chút”. Cả đài chỉ huy cùng chăm chú theo dõi từng viên đại pháo phát nổ xung quanh tàu địch, bỗng ồ lên như ong vỡ tổ:” Trúng rồi!” Tôi nhìn lên, chếch về phía bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. Có lẽ là khói của viên đạn nổ tung ngay đài chỉ huy vì sau đó, dường như hoạt động của tàu này có phần chậm lại”.

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 là một thành phần của phân đội Bắc dưới quyền điều động của HQ-16. Trong lúc hải chiến, HQ-10 nằm chếch về hướng Nam, cách HQ-16 chừng 1 hải lý. Vì là một tàu loại rà mìn được biến cải, nên chiến hạm HQ-10 chậm và nhỏ nhất trong số các đơn vị VN tham chiến. Ngoài ra, ngay từ khi gia nhập Hải Đội Hoàng Sa, tình trạng kỹ thuật của HQ-10 đã không được khả quan vì chỉ còn một máy chánh, radar lại bị hư.

Trước đây, trên đường đi từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa vào ngày 18/1, soái hạm HQ-5 đã phải rời đội hình, bỏ HQ-10 lại phía sau vì chạy quá chậm. Tuy cần đi trước cho kịp giờ hẹn với các chiến hạm bạn tại Hoàng Sa, HQ-5 vẫn dùng radar của mình để hướng dẫn HQ-10 hải hành trong đêm. Vũ khí chính của HQ-10 là khẩu trọng pháo 76.2 ly đặt tại sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn tại sân giữa và 4 đại bác 20 ly đặt hai bên hông đài chỉ huy và sân sau.

Theo kế hoạch lúc ban đầu, phân đội Bắc có nhiệm vụ yểm trợ hải pháo để phân đội Nam đổ quân chiếm đảo Quang Hòa. Nhưng sau khi cuộc đổ bộ bất thành vì quân Trung Quốc trên đảo quá đông và tàu yểm trợ của chúng cũng rất nhiều – tổng cộng 11 chiếc đủ loại – nên sau khi thảo luận kỹ càng, lực lượng VN quyết định tiêu diệt các chiến hạm địch trước. Đây là một quyết định rất sáng suốt vì nếu phá được đoàn tàu yểm trợ, địch quân trên đảo sẽ bị cô lập và sẽ bị đánh tan dễ dàng. Do đó, HQ-10 cũng được chỉ định một mục tiêu tác xạ, đó là chiếc tàu TQ mang số 396. Theo lời tường thuật của các nhân chứng, chỉ trong vòng 5 phút đầu, các khẩu hải pháo trên HQ-10 đã bắn tê liệt chiến hạm địch, phòng lái và hầm máy bị cháy khiến chiếc tàu này không còn điều khiển được nữa, cứ chạy vòng vòng làm mồi cho hỏa lực chính xác của HQ-10. Tuy nhiên, vì chỉ còn một máy, xoay trở rất khó khăn nên HQ-10 cũng bị trúng nhiều đạn địch. Hạm Trưởng, HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà bị tử trận, Hạm Phó là HQ Đại Úy Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Sau khi bắn hạ tàu địch, cuối cùng Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo cũng bị hy-sinh. Một số nhân viên xuống được bè thoát được, mang theo vị Hạm Phó, nhưng chẳng bao lâu, viên Đại Úy hạm phó cũng đền nợ nước vì bị mất máu quá nhiều.

Image
Chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 đã bị quân TQ bắn chìm. Cả hạm trưởng và hạm phó đều hy sinh

Trong số các tàu VN tham chiến, có lẽ chỉ Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 mới xứng đáng mang danh “chiến hạm”. Trong khi các chiến hạm khác tuy được gọi là Tuần Dương Hạm hay Hộ Tống Hạm, nhưng thật ra chỉ là loại tuần duyên (Coast Guard) hay tàu rà mìn của Hoa Kỳ. HQ-4 nguyên là một Khu Trục Hộ Tống Hạm được trang bị radar phòng không tối tân (DER – Destroyer Escort Radar). Vũ khí chính là hai giàn đại pháo 76.2 ly có radar kiểm xạ (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để “khóa chặt” (lock on) mục tiêu. HQ-4 dưới sự chỉ huy đầy kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San đã bắn hạ dễ dàng các chiến hạm Trung Quốc. Nhưng rất tiếc, vào thời điểm năm 1974 khi cuộc chiến tại Việt Nam gần tàn, khả năng tác chiến của HQ-4 đã giảm sút nhiều mặc dù thủy thủ đoàn rất thiện chiến. Một điểm khá bất lợi nữa là HQ-4 ngoài hai khẩu 76.2 ly, không có đại bác 40 ly bắn nhanh. Trong một trận hải chiến khi mục tiêu chỉ các trên dưới một hải lý, một dàn 40 ly bắn nhanh sẽ có lợi thế hơn một khẩu 76.2 ly bắn chậm.

Nhưng dù với những bất lợi nói trên, dưới quyền chỉ huy sáng suốt, kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San cùng sự quả cảm, gan dạ của thủy thủ đoàn, HQ-4 đã xứng đáng mang danh Khu Trục Hạm. Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76.2 ly đã chuẩn-bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội TQ đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Nhưng cũng như những chiến hạm đồng đội khác, HQ-4 là một mục tiêu khá lớn cho tàu địch nên cũng bị trúng nhiều vết đạn. Tuy-nhiên các máy móc chính, nhất là hệ thống truyền tin vẫn trong tình trạng khiển dụng tốt.

Trên soái hạm HQ-5, khi lệnh tác chiến được ban hành, các ổ súng nổ dòn dã hướng về tàu địch. Trong lúc tác chiến, Hạm Trưởng, HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, lo việc di chuyển chiến hạm để vào vị trí tác xạ hữu hiệu nhất cũng như để tránh các vùng san hô, đá ngầm nguy hiểm trong khi Hạm Phó và Sĩ Quan Hải Pháo lo việc chỉ huy tác chiến. Mục tiêu của HQ-5 là chiếc Kronstadt mang số 274 . Mặc dầu 274 chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến. Để dễ bề lẩn tránh, tàu địch phun ra một màn khói ngụy trang khiến HQ-5 khó nhận biết chính xác mục tiêu. Tuy nhiên, bị trúng đạn quá nặng, chiếc Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa để tránh bị chìm.

Tuy đã loại được đối thủ, nhưng tình trạng tác chiến của HQ-5 cũng không mấy khả quan. Tới khoảng 10 giờ 50 sáng tức là vào phút thứ 25 của trận chiến, tất cả các ổ súng lớn trên chiến hạm đều bị trở ngại tác xạ không bắn được, ngoại trừ khẩu đại bác 40 ly bên tả hạm do Thượng Sĩ Tài làm trưởng khẩu. Như vậy, nguyên hông phải của chiến hạm không còn trọng pháo để bảo vệ. Nguy hiểm hơn nữa, các chiến hạm còn lại của TQ tập trung lực lượng nhắm vào HQ-5 như để trả thù cho đồng bọn. Tuy bị bao vây và bắt đầu bị trúng nhiều đạn địch, khẩu đại bác 40 ly độc nhất còn lại phản pháo ác liệt khiến địch phải chùn lại. Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các chiến hạm VN quan sát thấy có bốn lượng sóng lớn trắng xóa đang tiến tới từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn đĩnh loại Komar của địch đang trên đường đến tiếp viện.

Trước tình thế bất lợi, vả lại các chiến hạm chính của địch tham chiến cũng đã bị hư hại, Đại Tá Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho các chiến hạm VN rời vùng giao tranh để bảo toàn lực lượng.

Khi rời khỏi vùng giao tranh vào khoảng 11 giờ sáng ngày 19/1, hải đội VN cũng chia làm hai cánh. HQ-16 vì hoạt động ở khu phía Bắc và đã bị thiệt hại khá nặng có nguy cơ bị chìm nên đã đổi đường ngược lên phía Bắc, hướng về đảo Hoàng Sa rồi sau đó di chuyển về hướng Tây nhắm về Đà Nẵng. Trong khi đó phân đội Nam gồm HQ-4 và HQ-5 hải hành về hướng Đông Nam. Phía TQ cũng không còn sức để đuổi theo.

Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, vào lúc 2 giờ 15 phút, phân đội Nam gồm HQ-4 và HQ-5 nhận được lệnh của Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải quân VN lúc đó có mặt tại Ðà Nẵng. Ông yêu cầu tất cả các chiến binh phải quay trở lại cố thủ tại Hoàng Sa. Các chiến hạm liền đổi đường về hướng Tây Bắc trở lại vùng đã xảy ra trận hải chiến hồi sáng. Nhưng khi gần tới Hoàng Sa, vào lúc 5 giờ 20 chiều, lệnh cố thủ được hủy bỏ, phân đội Nam được lệnh trở về Đà Nẵng. Về lệnh “cố thủ” này, Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 nhớ lại:

“Sau Hoàng Sa 24 năm, chúng tôi còn sống và vẫn đi tìm trong mấy chục triệu sách thư viện nhưng cho đến nay, đã không thể nào tìm thấy được cái lý tưởng nào cao xa hơn được biểu lộ qua hình ảnh Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 tuân hành quân lệnh chuẩn bị lên cạn phơi xác mình. Quân lịnh như núi! Lịnh này đúng hay sai cũng là lệnh! Đến chiều tối, lệnh hải hành rời bỏ Hoàng Sa mới được ban ra và chúng tôi các chiến hạm mang đầy vết thương vẫn còn đang rỉ máu, được về Đà Nẵng để lo mai táng cho các bạn đã hy sinh, đưa đồng đội bị thương vào quân y viện và sửa chữa chiến hạm . . .”.

Còn Ðề Ðốc Trần Văn Chơn cho biết về lệnh “quay trở lại Hoàng Sa” như sau: “Vì sau trận hải chiến, hệ thống truyền tin của các chiến hạm không được toàn hảo nên tôi không biết rõ tình hình tại Hoàng Sa do đó đã ra lệnh cho các chiến hạm trở lại để bảo vệ lãnh thổ. Khi hệ thống truyền tin được sửa chữa xong, tôi biết rõ hơn về tình trạng các chiến hạm nên đã ra lệnh trở về Ðà Nẵng.”

Đến ngày 20 tháng 1, các chiến hạm HQ/VNCH về tới Đà Nẵng. HQ-4 và HQ-5 cập cầu Thống Nhất tại bến thương cảng hối 7 giờ 30 sáng. Riêng Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 được Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-6 hộ tống cập cầu Tiên Sa thuộc BTL/V1DH vào lúc 10 giờ sáng.

Thiệt hại về phía VN: 1 chiến hạm bị chìm và 3 chiếc khác bị hư hại. Nhiều binh sĩ tử thương và bị thương .

Ngoài ra, còn một số binh sĩ và nhân viên dân chính bị bắt giữ vào ngày 20/1/74 khi phi cơ và chiến hạm Trung Quốc oanh, pháo kích rồi cho quân đổ bộ lên các đảo. Nhóm tù binh này gồm 14 nhân viên thuộc HQ-4 được đổ bộ lên đảo Cam Tuyền vào khoảng 10 giờ sáng ngày 18/1 và 34 binh sĩ Địa Phương Quân cùng nhân viên khí tượng, trong số này có một nhân viên dân chính Hoa Kỳ tên Gerald Emil Kosh. Những người bị bắt bị đưa về đảo Hải Nam vào ngày 21/1 và sau cùng bì giam tại nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Năm thương bệnh binh được trao trả vào ngày 31/1 tại cầu Shumchum là ranh giới giữa Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông. Sau 27 ngày bị giam giữ, trước sự đòi hỏi hợp lý của VN và dưới áp lực của giới ngoại giao cũng như hội Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã phải phóng thích toàn bộ số 43 tù binh còn lại.

Trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân quân đội Saigon và Hải quân Trung Quốc diễn ra trong vòng 30 phút, một thời gian tương đối ngắn ngủi, nhưng hậu quả còn kéo dài cho tới ngày nay.

Sau khi chiếm được Hoàng Sa, lực lượng TQ tiến sâu hơn về phía Nam, chiếm thêm một số đảo thuộc vùng Trường Sa. Hiện nay, các đảo tại Hoàng Sa đã được xây dựng thành những căn cứ quân sự quan trọng, có phi trường và cầu tàu khá tối tân. Ngoài ra, TQ cũng đã có quân đồn trú thường trực và xây cất công sự phòng thủ rất kiên cố trên nhiều hải đảo khác tại Biển Ðông. Tham vọng của Trung Quốc còn biểu lộ trắng trợn hơn khi họ đơn phương vẽ lại bản đồ, đòi chủ quyền hầu như trọn Biển Ðông, có nơi chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý.

Mất quần đảo Hòang Sa và những đảo khác ở Trường Sa, chúng ta mất những tiền đồn quan trọng của quốc gia, mất những mỏ dầu vào tay gã khổng lồ đang khát dầu, và đặc biệt, chúng ta mất những nơi che chở an tòan cho ngư dân khốn khổ của chúng ta vào mùa giông bão. Nhưng chúng ta luôn nhớ Hòang Sa và quần đảo thân yêu ấy mãi mãi là của chúng ta. Những người đi trước đã đổ máu vì mảnh đất này, do vậy, hỡi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên điều đó ! Nơi ấy là Tổ quốc chúng ta!

Nguồn: Blog Bùi Thanh.

(Blogger Bùi Thanh: Một lần nữa, xin cám ơn các nhân chứng Hòang Sa 1974 đã đồng ý cho tôi khai thác và công bố tư liệu này trên blog)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Hoàng Sa, cuộc Hải Chiến giửa VNCH và TQ

Post by uncle_vinh »

Hoàng Sa 35 năm sau

Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-09-13

Hôm 10 tháng 9, tờ Tuổi Trẻ TP.HCM đột ngột thông báo “Vì lý do ngoài ý muốn, chúng tôi xin tạm dừng hồ sơ Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” và hứa “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này vào thời điểm thích hợp”, đồng thời tờ báo “Chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc”.

Image
RFA PHOTO
Sinh viên Thanh niên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa.

Đây là lần thứ hai trong vòng năm tháng vừa qua, tờ Tuổi Trẻ đột ngột ngắt ngang một loạt bài nhiều kỳ và nội dung của cả hai loạt bài này đều liên quan đến Trung Quốc.

Sự kiện vừa kể còn có gì khác đáng chú ý? Trân Văn tổng hợp và tường trình...

Khởi đăng từ ngày 8 tháng 9, “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” có lẽ là loạt bài đầu tiên, trên hệ thống thông tin của Đảng CSVN và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tường thuật chi tiết về sự kiện 19 tháng 1 năm 1974 – thời điểm Hải quân Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tại biển Đông từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Sự kiện 19 tháng 1 năm 1974

Qua hai bài đầu của loạt bài này, thông qua hồi ức của một sĩ quan địa phương quân và một hạ sĩ quan hải quân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa – những người đã từng tham gia gìn giữ Hoàng Sa, cũng như đã từng tham chiến để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - tờ Tuổi Trẻ giải thích lý do họ quyết định thuật lại câu chuyện liên quan đến Hoàng Sa – xin dẫn nguyên văn phần “Lời Tòa soạn” giới thiệu loạt bài này: Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển, trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo, biển của người Việt!

Tờ Tuổi Trẻ kể, tuy Hoàng Sa đã mất song ông Nguyễn Văn Đức – cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và là một người từng học, có hiểu biết về luật pháp quốc tế - vẫn âm thầm lục tìm những tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, gói ghém cẩn thận bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và theo tờ Tuổi Trẻ - xin dẫn nguyên văn: 35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Trong số những bằng chứng này có tờ Sự vụ lệnh của Bộ Chỉ huy Biệt khu Quảng Đà, thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cử ông Đức và một trung đội địa phương quân ra trấn giữ Hoàng Sa.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ngoài ông Nguyễn Văn Đức, còn có ông Lữ Công Bảy – cựu thượng sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, người đã từng có mặt trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư, một trong những chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từng tham dự trận hải chiến với hải quân Trung Quốc năm 1974 - kể lại toàn bộ câu chuyện liên quan đến sự kiện Trung Quốc khiêu khích, chuẩn bị cho việc chiếm đoạt Hoàng Sa như thế nào (?), Hải quân, Biệt hải Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng để bảo vệ Hoàng Sa ra sao (?).

Thế rồi loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” đột ngột ngưng ở đó và tờ Tuổi Trẻ giải thích nguyên nhân phải tạm dừng là “vì lý do ngoài ý muốn”. Chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Đức Hải – Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ và đề nghị ông giải thích cặn kẽ hơn. Ông Hải cho biết: “Câu chuyện này rất là dài. Thành ra nói qua điện thoại không tiện lắm!...”

Thật ra, nếu quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông nói chung và Hoàng Sa nói riêng, người ta có thể tìm được rất nhiều thông tin, dữ kiện liên quan đến sự kiện 19 tháng 1 năm 1974.

Thậm chí, loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” cũng không mới. Nó đã từng được ông Bùi Thanh – nguyên Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, sau đó bị cách chức, tước thẻ hành nghề, vì liên đới trách nhiệm đến những thông tin về vụ PMU 18 trên tờ báo này - đưa lên blog của ông hồi đầu năm ngoái, cũng vì vậy, số năm trên tựa bài ít hơn: “Hoàng Sa – tường trình 34 năm sau”.

Trận tử chiến

Trên blog của ông Bùi Thanh, loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 34 năm sau” gồm ba kỳ. Kỳ cuối mà tờ Tuổi Trẻ tạm ngưng, không giới thiệu đến độc giả của mình “vì lý do ngoài ý muốn”, đề cập đến trận tử chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với Hải quân Trung Quốc để giữ Hoàng Sa.

Trong kỳ cuối, ông Lữ Công Bảy, nhân chứng tham gia trận tử chiến để bảo vệ lãnh thổ này kể về khung cảnh trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư sau trận tử chiến: Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một sự kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… mấy ngày liền không có thời gian thu dọn. Hơn 130 thủy thủ đoàn bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương thực khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Trong phòng y tế, các binh sĩ người nhái bị thương cũng nằm la liệt. Một binh sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù. Anh ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa, nhưng khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra. Hạ sĩ Danh nằm thoi thóp trên băng ca, ngực anh đầy bông băng nhuốm máu. Tôi rờ lên trán anh nóng hổi, hỏi anh có khỏe không? Anh mở mắt rồi gật đầu nhưng lịm dần rồi chết...

Khoảng 16 giờ 30 tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt, thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo:“Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”.

Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.

Thế rồi, giữa khoảnh khắc yên lặng kỳ lạ và căng thẳng đó, một câu nói được thốt ra, tôi còn nhớ mãi: “Dù sao đánh nhau với Trung Quốc nếu có chết cũng vinh quang hơn…”

Quyền yêu nước, giữ nước

Với nội dung chỉ là như thế, tại sao tờ Tuổi Trẻ phải tạm dừng việc đăng loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau”? Phải chăng chỉ vì loạt bài này đề cập đến việc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã từng cố gắng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa? Tiến sĩ Nguyễn Nhã – một người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông nhận định: “Theo tôi Tuổi Trẻ đã bắt đầu có thể đưa nhưng mà liều lượng như thế nào thì đúng là... cũng phải theo tình hình nhiều mối quan hệ hiện nay. Dĩ nhiên là có những người đồng ý, có những người chưa đồng ý nhưng mà đến lúc nào đó, mọi người đều đồng ý cả thì nó sẽ diễn ra một cách trôi chảy hơn. Tôi không có ngạc nhiên về vấn đề này.”

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, cùng lúc với việc công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi đóng góp thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Lúc đó, trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Đặng Công Ngữ, chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa – nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng tuyên bố: “Đương nhiên là chúng tôi mong đón nhận từ mọi người. Vâng, từ mọi người chứ không loại trừ bất cứ ai. Ai có vật kỷ niệm hoặc đã có thời gian ở đó thì có thể cung cấp thông tin cho chúng tôi như Lý Sơn, Quảng Ngãi đã cung cấp chiếu của vua triều Nguyễn cách nay 173 năm. Đó là chuyện chúng tôi hoan nghênh”.

Sự kiện tờ Tuổi Trẻ phải tạm ngưng loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” cho thấy, ở đây, “chúng tôi” không phải là toàn bộ. Nhiều người bảo, ở Việt Nam “yêu nước” là một thứ đặc quyền, phải yêu đúng kiểu, nay với sự kiện này, hình như “giữ nước” cũng vậy.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Hoàng Sa, cuộc Hải Chiến giửa VNCH và TQ

Post by uncle_vinh »

Hoàng Sa, Trường Sa thời VNCH

Image
Ông Nguyễn Đình Đầu có nhiều công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam

Vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong các mối quan tâm lớn của người Việt, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.

Hoàng Sa đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc sau trận hải chiến 19/01/1974, khi 50 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trong lúc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Đài BBC nói chuyện với nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu về chính sách của Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa - Trường Sa:

Ông Nguyễn Đình Đầu: Thời VNCH, Hoàng Sa - Trường Sa nằm ở miền Nam nên thuộc chủ quyền của VNCH, cho tới năm 1975.

Từ mấy trăm năm về trước, Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Khi người Pháp tới, thì quản lý là nhân danh Việt Nam, do vậy chủ quyền đối với hai quần đảo này vẫn thuộc về Việt Nam.

Tôi biết là trên cả hai nơi này, đều đã có các nghiên cứu, khảo sát khí tượng học từ rất lâu rồi. Riêng Hoàng Sa, là đảo có nhiều chim, nhiều phân chim, nên người Việt Nam trong những năm 60-70 còn khai thác phân chim khối lượng lớn ở đó.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, năm 1974 Trung Quốc đã có hành động quân sự để chiếm Hoàng Sa.

BBC: Hồi đó, ông đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Phản ứng của chính quyền và dư luận lúc đó ra sao ạ?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Ngay lập tức chính phủ VNCH đã lên tiếng phản đối, đưa vấn đề Hoàng Sa ra quốc tế. Lúc đó họ có quan hệ với Liên Hiệp Quốc và các nước mà người ta gọi là các nước tự do.

Lúc ấy ở miền Nam, tôi cứ tưởng rằng Trung Quốc lấy Hoàng Sa để giao lại cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cho Bắc Việt. Nhưng không ngờ, họ chiếm là chiếm đứt luôn đất của mình.

Mà tôi cho rằng vào thời điểm ấy, nhiều người cũng nghĩ như tôi, là Trung Quốc lấy Hoàng Sa cho VNDCCH.

Một điều lạ, là trong khi dư luận phản ứng như thế ở miền Nam, mà VNDCCH không có phản ứng gì.

BBC: Thưa ông, có cáo buộc là chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu đã "làm mất Hoàng Sa", không hiểu ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Không đơn giản như thế. Lúc ấy, có quân đội VNCH được giao nhiệm vụ giữ Hoàng Sa, và đã có kháng cự mãnh liệt (với quân Trung Quốc).

Bên VNCH bị chìm một số tàu, thương vong thì cả hai phía đều bị nhiều.

BBC: Để khẳng định lại chủ quyền với các quần đảo đã mất, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Có hai vấn đề - đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sử học... như chúng tôi, thì chúng tôi đưa ra những bằng chứng, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng tôi có nhiều tư liệu bản đồ của cả Trung Quốc và các nước, trong đó nói Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, và Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông. Tất nhiên tài liệu của Việt Nam trong các thời kỳ cũng nói như vậy. Đó là trách nhiệm của chúng tôi công bố những tài liệu đó.

Còn vấn đề giải quyết tranh chấp trên thực tiễn ra sao thì lại thuộc về phạm vi chính trị.
Post Reply