Trần Anh-Võ

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Trần Anh-Võ

Post by unclevinh »

Trần Anh-Võ

Cầm tay thân mật, tôi hỏi:

- Chị còn nhớ em không?

- Nhớ chớ sao không!

- Thế em tên gì?

- Không biết!

- Có nhớ mình gặp nhau ở đâu không?

- Không?

- Mới đó mà Đại Hội KSCN Kỳ 1 đã qua gần 3 năm. Chị còn nhớ ngày ấy em dẫn phái đoàn gồm có chị, anh chị Huân, anh chị Xuân, anh Tấn, anh chị Giáo, anh Ứng, và gia đình Việt-Trung đi thăm cây cầu treo ở San Francisco không?

- Ừa nhớ rồi! Vinh phải không?

Trần Anh-Võ không phải là bạn học cùng trường; nhưng từ ngày phu quân mất đi, tìm lại được ngôi trường tinh thần KSCN chị vui mừng như gặp lại cố nhân. Nhân dịp bác sĩ khuyên chị nên đi du lịch đó đây cho khuây khoả tinh thần, chị nhớ lại hôm nào chị Hoa niềm nở mời, "Khi nào chị sang chơi cũng được", bèn nhất quyết bay qua sa mạc.
Nơi đây không có lệ họp bạn giữa tuần, làm anh Tân chới với gọi điện thoại gấp rút hẹn gặp nhau ở Phú-Thành Quán tối thứ Tư. Vì đến muộn nên không được hân hạnh ngồi gần chị, nhưng đã có anh Ứng đang mở máy thu thanh cuộc phỏng vấn:

- Ngày mai chị đổi vé máy bay, về nhà em ở chơi đến cuối tuần, em đưa đi coi kỳ quan Grand Canyon?

- Ba mươi năm trước chị đã đến Grand Canyon rồi, thấy nhỏ xíu đâu có cái gì coi...

- Nhưng bây giờ Grand Canyon rộng, sâu thăm thẳm coi hấp dẫn hơn hồi xưa!

- Nói thật với em, nước Mỹ chỗ nào chị cũng biết hết, trừ tiểu bang Minnesota thôi!

Nghe chị coi thường Grand Canyon, tôi hỏi:

- Theo chị, nước Mỹ nơi nào đẹp nhất?

- South Dakota có tượng 4 khuôn mặt Tổng thống mà Washington từng nói, "là điểm ước mơ du lịch của mọi người dân Mỹ!"

- Chắc Washington cũng có ước mơ đó, nhưng thời ổng nước Mỹ chỉ mới làm chủ 13 tiểu bang miền Đông...

Anh Thanh vội chen vào:

- Chắc Tổng thống Theodore Roosevelt nói câu đó!

Tôi bắt đầu vào đề tài chính:

- Chị và anh Toàn quen nhau vào trường hợp nào?

- Lúc bọn này học chung ở Petrus Ký.

- Anh Thanh là bạn học cùng lớp với anh Toàn, anh Tân cũng đã biết anh Toàn, nhưng anh Ứng và em chưa bao giờ biết ảnh...

Chị mơ màng chậm rải trả lời:

- Anh Toàn sinh năm 1928 ở Long Xuyên, tốt nghiệp khoá 1 Võ Bị Đà Lạt, khoá 4 KSCN, Đại tá kiêm Giám đốc Lục Quân Công Xưởng từ năm 1968 đến năm 1975, tị nạn ở Mỹ từ tháng 4 năm 1975 và mất năm 1994...

- Em vẫn chưa hình dung ra anh Toàn!

- Anh Toàn cao ráo, điềm đạm, hiền lành...

- Đẹp trai không chị?

- Anh Toàn cao 1m69, đẹp trai lắm! Đẹp trai lắm!

- Cao 1m69 còn thua xa anh Tân; nhưng có đào hoa không?

- Đào hoa lắm! Đến lúc đau nặng gần mất còn có người yêu ảnh đến thăm!

Chị Hoa nói nhỏ:

- Xí! Theo chị, không ai đẹp trai bằng anh Tân!

Anh Tân đang chăm chú cuốn bánh hỏi, thịt nướng với bánh tráng đưa chị Hoa ăn liên tục, chợt ngừng tay, hỏi:

- Cái gì? Sao mãi tới bây giờ bà mới nói câu đó?

Sợ lạc đề tài, tôi vội hỏi tiếp:

- Xin chị kể vài đức tính của anh Toàn?

- Ồ, anh Toàn rất tốt bụng. Tiền lương của ảnh đều đem tặng hết. Gia đình sống bằng tiền của chị...

- Hỏi thật chị với cương vị phu nhân của một vị giám đốc cai quản hơn 8000 nhân viên, chị có làm như mấy bà tướng thời đó không?

- Không, không! Có lần chị đến Lục Quân Công Xưởng tìm anh Toàn mà lính gác cổng còn không biết chị là ai!

- Anh Toàn có trở về trường KSCN dạy môn gì không?

- Có, một hai năm gì đó. Hình như dạy môn "Giao Tế Nhân Sự"?

Tôi thấy việc tra tấn chị từ bên nầy bàn nói như hét qua bên kia đã ngút hơi, nên nhường lại cuộc phỏng vấn cho anh Nguyễn Đắc-Ứng.

Tái bút: Anh chị nào còn giữ hình ảnh và kỷ niệm với anh Huỳnh Thu-Toàn, xin ghi lại cho chúng ta cùng biết thêm?

Image
Image
Image
Image
uncleVinh
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Trần Anh-Võ

Post by uncle_vinh »

Đôi dòng cảm nghĩ về bà Chị Dâu Công Nghệ

Tôi thức giấc vì tiếng động xe qua lại ngoài đường, nhìn đồng hồ mới 6 giờ sáng, trời San Jose chưa sáng hẳn, cơn lạnh êm dịu vào buổi sáng khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn, đang cố tìm cách ngủ nướng thêm nhưng không thể nào chợp mắt, chợt nhớ lại theo múi giờ của Miami Florida đã là 10 giờ sáng. Vợ chồng tôi đành thức dậy để chuẩn bị hành trang cho chuyến du ngoạn thành phố San Francisco. Vợ chồng bạn Phú chủ nhà, sau một đêm bồi tiếp và chuyện vãn cùng bạn bè sau hơn 30 năm mới gặp lại chắc còn đang ngủ.

Sau khi chuẩn bị xong, nhìn đồng hồ thấy thì gian còn khá lâu mới đến giờ khởi hành, nên tôi ngồi trước bàn Phật tụng thầm bán Lăng Nghiêm Công Phu Sáng. Vừa hoàn mãn thời Kinh, bạn Phú đã dậy từ lúc nào và đã sửa soạn xong để đưa vợ chồng tôi đến địa điểm hẹn tại khách sạn Days Inn, điểm tập hợp để cùng đi với các anh chị CN khác. Trước khi đi, bạn Phú còn khuyên vợ chồng tôi nên mang theo trang phục để mặc trong đêm ĐH, vì bạn sẽ bận trong đêm tổ chức tại nhà hàng nên không thể nào trở lại khách sạn để đón vợ chồng tôi về nhà thay đồ. Mọi việc vợ chồng tôi phải nhờ vả vào các anh chị CN đang cư ngụ tại khách sạn. Tuy nhiên khi đến khách sạn, vẫn còn sớm gần nữa giờ, vợ chồng tôi cùng bạn Phú đứng tại bãi đậu xe để bàn về ĐH đêm nay, tôi chợt hỏi Phú:

- Không biết đồ đạc gửi ở đâu và không rõ các anh chị CN ngủ ở phòng nào?

Phú trả lời ngắn gọn:

- Chỉ có anh Sáu mới rõ các anh CN ở phòng nào.

Tôi dự định mang va ly nhỏ đến gửi tạm ở phòng quản lý, nhưng đến nơi không gặp ai. Trở lại chỗ cũ, còn đang tìm phương cách khác, đó là nghề của các anh chàng CN. Tình cờ chúng tôi đang đứng nơi bãi đậu xe ngay phía trước phòng 103, trong câu chuyện trao đổi có hơi to tiếng, nên vừa lúc đó, cửa phòng 103 chợt mở và một bà chị đã nói với chúng tôi:

- Chị là dâu CN đây, các em mang đồ đạc tạm để trong phòng chị, còn rộng rãi vì chị đi một mình. Tôi mừng thầm như buồn ngủ gặp chiếu manh hay hiểu theo điển tích Phật Học rùa mù lâu ngày trồi lên mặt nước vớ phải khúc củi mục thật hi hữu và hiếm hoi như đã sanh làm người sau khi chết, sẽ sanh làm người lại cung hiếm hoi như vậy. Chúng tôi chào và cám ơn chị. Sau khi giới thiệu, được biết chị là phu nhân anh Huỳnh Thu Toàn CN4, Nguyên Đại Tá Giám Đốc Lục Quân Công Xưởng, khi tôi vảo năm thứ nhất Trường CN thì anh chuẩn bị tốt nghiệp.

Việc gửi đồ đạc tạm yên, vợ chồng tôi chuyện vãn cùng chị và anh Phú đôi câu thì cũng đúng lúc các anh chị CN khác ở chung trong khách sạn đã ra khỏi phòng và đến phòng chị. Chúng tôi tự giới thiệu lẫn nhau về tên và niên khóa học. Một vài anh CN tôi đã có đôi lần giao tiếp trước đây nhưng nay gặp, rất khó nhận ra nhau. Riêng anh Phú sau khi làm tròn nhiệm vụ đưa bạn đến điểm hẹn để đi du ngoạn, vả lại anh là dân San José nên xin từ giã vì có nhiều chuyện phải chuẩn bị cho đúng cương vị xướng ngôn Đêm ĐH do anh em tín nhiệm và áp đặt cho chức vụ nầy. Kể từ đó tay bắt mặt mừng, có người trên 40 năm mới gặp lại, giờ đây dung nhan mỗi người mỗi vẻ, khó có thể nhận ra nhau nhất là các đàn em CN gặp lại các Đại Huynh vào tuổi thất thập cổ lai hi, ngoại hình thay đổi rầt nhiều, chỉ còn gợi lại một vài nét điển hình như nụ cưòi, giọng nói, tầm vóc của thời đi học và thời trẻ trung lúc đi làm.

Xe thuê vừa đến, tất cả 10 người đã lên xe và khởi hành. Vợ chồng tôi ngồi băng sau cùng vói anh Ứng CN13, nên dễ quan sát và hàn quyên cùng các anh chị khác.

Theo chị kể lại, anh Toan đã mất tại Hoa Kỳ vì bệnh trên mười năm nay. Để chị Toàn không đơn điệu trong câu chuyện, tôi thường nhắc lại những kỷ niệm về anh Toàn, như anh đã biếu mỗi cựu sinh viên về dự Đêm Dạ Vũ Tất Niên mỗi năm thời VNCH, một cái khui nút chai do Lục Quân Công Xưởng sản xuất, nào anh Toàn mượn Câu Lac Bộ nổi của Hải Quân để tổ chức họp mặt Tất Niên CN, nào cho sinh viên đi thăm viếng Lục Quân Công Xưởng do anh Toàn hướng dẫn đi thăm nhà máy sửa chữa và thử vũ khí, sinh viên tha hồ bắn thử súng, nào đi thăm khu tân trang xe và xưởng chế tạo vỏ xe đủ loại. Một anh sinh viên hỏi móc lò anh Toàn rằng:

- Chắc là xe của các anh đã sử dụng toàn vỏ xe mới?

Anh đã biết thâm ý của người em nhỏ nầy, nhưng vui vẻ trả lời:

- Các em đã học RdM rồi chắc hiểu khi chế tạo một vật gì xong, đầu tiên mình phải là người sử dụng để biết thế nào là sức bền của vật liệu phải không?

Cả nhóm cùng cười ầm, nhìn mặt anh sinh viên vừa đặt câu hỏi đã đỏ bừng vì thẹn thùng. Kết thúc của chuyến viếng thăm, một bữa ăn trưa tại câu lạc bộ do chính anh Toàn khoản đãi.

Trong mỗi câu chuyện vừa kể, đều được chi Toàn trả lời:

- Chị tin rằng nếu anh Toàn còn sống chắc là anh vui lắm.

Qua lời nói của chị, tôi thầm nghĩ khi còn sanh tiền chắc là anh chị Toàn sống rất hạnh phúc và đầy thương yêu cho đến ngày cuối đời của anh. Trong lúc đi du ngoạn, tôi thường mời chị chụp hình chung với các anh chị khác và vợ tôi, tôi hy vọng nhờ ngoại cảnh tạo thêm thuận duyên sẽ mang lại cho chị những niềm vui trong các ngày về dự ĐHKSCN và cũng để tưởng nhớ đến anh Toàn một bậc đàn anh đáng kính.

Image

Sau buổi du ngoạn, đoàn trở về khách sạn vào lúc 2 giờ chiều, còn gần 4 giờ nữa mới đến Đêm ĐH. Một lần nữa, chị lại mời vợ chồng tôi trú ngụ tại phòng chị, chị ân cần nói:

- Hai em cứ tự tiện dùng giường của chị mà nghỉ ngơi, chị ngồi trên ghế nầy đọc sách cũng được.

Thật cám ơn tấm lòng nhân hậu của chị, chỉ có vợ tôi nằm nghĩ, còn tôi ngồi tiếp tục nói chuyện với chị. Tôi hỏi thăm về bệnh tình và nhất là những ngày cuối đời khi tuổi thọ mệnh của anh đã gần hết. Chị đã mô tả anh rất vững tin vào ngày thọ mệnh ấy và đã ra đi với tâm an vui. Dù gặp nhau trong muộn màng khi anh không còn hơi thở trong cuộc đời nhưng qua lời nói và qua ánh mắt của chị như có một tha lực từ hư không hộ trì cho niềm tin ấy. Như có một tia sáng vừa thoáng hiện trong tâm, tôi chợt niệm thầm;

- Sáu Chữ Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật như một lời cầu nguyện cho một người thân vừa qua đời.

Chị cho biết chị đã từng dạy Pháp Văn cho trường ĐH tại San Diago CA và không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Ô. Dean cương quyết trả tiền và chị đã thẳng thắn trả lời:

- Nếu Ô. trả tiền, tôi sẽ nghỉ dạy ngay.

Vấn đề tài chánh là một trong những mối quan tâm lớn trong đời sống, mà chị đã xem nhẹ như một điều không cần thiết. Thật cảm kích tấm lòng nhân ái của chị đã nghĩ và thực hành đúng như lời Phật dạy về TỨ ÂN. Chị đã thay mặt Cộng Đồng người Việt trả lại cho dân Hoa Kỳ và Chánh Phủ HK một phần nào món nợ ân tình của họ đã mở rộng vòng tay đón nhận người Việt sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 75.

Dù không nói nhưng qua lời nói, cử chỉ và hành động, tôi nghĩ chị là một Phật Tử thuần thành hoặc là người đã nghiên cứu Phật Giáo thâm sâu, thật xứng danh là một Thiện Nữ Nhân. Từ đó hai chị em vô hình cảm thông hơn về nhân sinh quan cuộc sống nơi quê hương tạm dung qua Giáo Lý Phật Đà. Cá nhân tôi học được rất nhiều về cách sống giản dị, hành trì và về tín tâm trong Đạo của chị.

Thì gian trôi qua rất nhanh đã 5 giờ chiều, chị lại dục vợ chồng tôi nghỉ ngơi giây lát và sửa soạn để đi dự Đêm ĐH. Đúng 6 giờ, các anh chị CN khác đều đến và tập trung tại phòng chị để cùng lên đường.

Trong Đêm ĐH, vợ chồng tôi ngồi chung bàn tiệc với chị, cùng các anh chị Cảnh CN3, anh chị Quân CN3, anh Tấn CN3 và anh chị Phú CN8. Bàn tiệc rất ít thực khách nên thức ăn tương đối nhiều, tôi đã bồi tiếp cho chị nhiều thức ăn, nhưng chị chỉ ăn một ít rau cải mà thôi. Tôi đoán chắc là chị ăn chay. Vấn đề ăn chay của một vài anh chị CN trong Đêm ĐH, xin được nêu lên để Ban Tổ Chức rút kinh nghiệm cho các lần khác.

Phần ẩm thực gần chấm dứt, tôi có một vài người bạn ở San José đến thăm nên vợ chồng tôi di chuyển sang bàn khác để được thong thả hơn và không rõ chị đã ra về trong lúc nào? Khi ra đi từ khách sạn, tôi đã bỏ quên trong phòng chị máy chụp ảnh, Đêm ĐH không có tấm ảnh nào, may mắn được một vài tấm ảnh do anh Trung CN18 chụp và gửi biếu.

Đêm ĐHKSCN trên Thế Giới Kỹ Niệm 50 Năm ngay thành lập Trường đã kết thúc thật là hoàn mãn. Toàn thể KSCN và gia đình chụp hình lưu niệm trước nhà hàng đã xong nhưng những câu chuyện về CN vẫn còn tiếp tục, toàn thể đều muốn kéo dài thì gian gặp gỡ vì gặp nhau lần nầy biết năm sau hay nhiều năm sau có còn gặp laị nhau hay không vì định luật vô thường và quỹ thì gian của mỗi người? Theo lời anh Phú CN8, xưóng ngôn viên Đêm ĐH, đã nói ra những điều đáng nói, xuất phát chân thật và từ đáy lòng, nhắc nhở cũng như nhắn nhủ cùng nhau:

- “…chính sự thành công vượt bực của ngày ĐH chính thức đã khiến cho mọi người hết sức phấn khởi và mong muốn gặp lại nhau để cùng vui với những kỷ niệm tuyệt vời ngày nào, trong khi quỹ thời gian của mỗi người chúng ta ngày càng hạn hẹp hơn…”

Cuộc chia tay diễn ra thật cảm động vì đã 50 năm qua của cuộc đời biết bao là dâu bể, kẻ còn người mất, tình Thầy trò, tình bạn hữu, tình huynh đệ……

Trên đường trở về nhà anh Phú, vợ chồng tôi xin anh Ứng ghé qua khách sạn để từ giã chị Toàn và nhận lại máy ảnh. Khi xe ngừng lại trước phòng chị, thì cửa phòng cũng vừa mở, chị Toàn cầm máy ảnh trao lại cho chúng tôi và nói:

- Chị biết thế nào hai em cũng trở lại nên chị vẫn còn thức và chờ.
- Tôi cám ơn và tạ từ, xin hẹn gặp lại chị trong lần ĐH sắp đến.
- Chị cười và cám ơn hai em.

Trong lúc chia tay, tôi thấy chị vẫn còn nắm lấy bàn tay của vợ tôi như chưa muốn xa lìa và chị đã nói với tôi:

- Chị thích cô bé nầy lắm.

Tôi đáp:

- Nếu chị thích, xin chị nhận vợ tôi là con hay em gì cũng được.

Image

Khi nghe được câu chuyện vừa trao đổi giữa hai chị em, tôi thầm nghĩ chắc vợ tôi rất ấm lòng vì vợ tôi đã được cài Hoa Hồng Trắng trong Mùa Vu Lan kể từ hai năm qua, nay được dịp cài Hoa Hồng Đỏ vì gặp được một bà mẹ/chị chỉ hơn hoặc kém mẹ mình đôi tuổi đời thì không gì quý bằng tình mẫu tử trên thế gian hữu hạn nầy.

Không Dung, Dâu CN8
Post Reply