Paris có gì lạ không em?

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Paris có gì lạ không em?

Post by maixuanthanh »

ĐÔI DÒNG PHI LỘ

Sau Đại hội KSCN 3 ở Toronto, thừa thắng xông lên, anh em Ban Biên tập Đặc San đã thảo luận và dự định sẽ thực hiện ĐS số 3 để phát hành vào Đại hội KSCN 4, sẽ tổ chức ở Paris vào tháng 5- 2009. Làm giống như hai số báo trước, để tranh thủ thời gian, tôi và anh Giụ Hùng đã gởi thư riêng cho quí đồng môn và thân hữu để mời gọi đóng góp bài vở. Sau đó, chúng tôi đã nhận được một số bài viết. Vì không kịp phát hành ĐS số 3 trong dịp ĐH sắp tới, cá nhân tôi, xin cáo lỗi cùng tất cả thân hữu và đồng môn đã mau chóng gởi bài cho chúng tôi. Trong số đó, có một bài viết vui của Quí Thư, một thân hữu đang sống ở Việt Nam, cũng là một “fan” của Diễn đàn KSCN. Xin gởi lên đây để quí vị thưởng lãm.

Nếu Quí Thư đọc thấy bài đăng ở đây cũng xin thông cảm. Mong sẽ nhận được sáng tác mới cho ĐS sắp tới.

VĨNH NGỘ



PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM ?

( Kính tặng các anh chị Kỹ sư Công nghệ phó hội Paris 2009)

QUÍ THƯ



Paris có gì lạ không em
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em.
(Nguyên Sa – Paris có gì lạ không em.)

Paris, thành phố của thơ và nhạc, của tình yêu say đắm, có quá nhiều thứ để nhớ, đặc biệt là dòng sông Seine êm đềm, thơ mộng và người em gái yêu kiều đã bước vào ngự trị cõi thơ trác tuyệt của những chàng trai Việt hào hoa tuấn tú, một lần đến Paris rồi một đời làm thơ yêu em.

Những cô em má đỏ môi hồng thoáng gặp trên hè phố thôi cũng khiến chàng mơ mộng :

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
Dặn những người em gái nhỏ đi về
Trên hè phố Saint Michel
Gò má đỏ hồng bánh graffen
Để những hạt đuờng rơi trên má
Lau vội làm gì cho có duyên.
(Nguyên Sa – Em gái Paris)

Người em gái nhỏ giờ là người yêu nhỏ của chàng trai du học ở xứ tình nhân :

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
Vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
Cặp môi nghiêng trên một cánh tay ghì
Mỗi chuyến metro qua vồi vội
Giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi.
(Nguyên Sa – Paris)

Giòng sông Seine cũng đã lịch sự quay mặt đi cho đôi tình nhân hôn nhau đỡ ngượng. Một nụ hôn vội nhưng say đắm với đôi mắt “lơi lả hở khuy”. Ôi ! Còn có cặp mắt nào khêu gợi và tình tứ hơn thế không ?
Đôi mắt đẹp của giai nhân cũng gợi cảm trong mùa đông xám :

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
Những chiều mưa mây xám nặng trên vai
Người con gái mắt xanh da trời
Trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ
(Nguyên Sa – Paris)

Cuối cùng thì nhà thơ tài hoa cũng tìm về đôi mắt đen long lanh đắm đuối của người tình trăm năm với cốm gói lá sen, món quà dẫn cưới của quê hương ngàn năm văn vật :

Paris có gì lạ không em
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen.
(Nguyên Sa – Paris có gì lạ không em)

Cung Trầm Tưởng có nhiều cô em gái Paris hơn để nhớ để thương. Cô em mắt nâu, chắc đẹp dịu dàng lắm, để nhà thơ mơ mộng, đợi chờ :

Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sâù.
(Cung Trầm Tưởng – Mùa thu Paris)

Còn cô em gái mắt xanh đắm đuối, tình đã qua rồi sao ? Để chàng mơ một kiếp sau :

Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.
(Cung Trầm Tưởng - Kiếp sau)

Tình yêu càng nồng đậm tha thiết qua những phút giây chờ đợi gặp nhau. Chàng đã chờ nàng thật lâu, thật khắc khoải. Rảo bước tới lui trên hè phố đêm mưa, mong ngóng. Ngồi đến “quen” cả ghế đá công viên, lòng thấy thấm lạnh mà nàng vẫn chưa đến:

Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ, phút, giờ.

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm.
(Cung Trầm Tưởng – Mùa thu Paris)

Người đến rồi đi. Em đi nhưng tình còn ở lại. Đèn vàng hiu hắt ở ga Lyon đã chứng kiến biết bao buổi từ ly :

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.
(Cung Trầm Tưởng - Chưa bao giờ buồn thế)

Cuộc đời có hợp có tan. Tình đến, tình đi. Em đi để sầu cho người ở lại. Nhìn nước trôi liên tưởng lòng mình nhớ thương khôn nguôi. Nhìn sao trời nhớ đôi mắt đẹp long lanh, rồi thầm mơ ước :

Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy qua cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu
(Nguyên Sa - Tiễn biệt)

Nhưng cũng đến ngày chàng phải ra đi. Từ biệt Paris, cô em diễm kiều mà lòng quyến luyến, chân bước không đành :

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau
(Nguyên Sa – Paris)

Mưa mau không ngăn được bàn chân bước chậm. Những bước dùng dằng, bịn rịn để níu kéo những giây phút cuối bên nhau. Thơ hay đến thế thì thôi !

Thuở ấy, những chàng trai hào hoa du học ở Paris như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn…..trở về nước mang theo cả “một trời Paris” thơ mộng, tình tứ qua những vần thơ diễm ảo, tuyệt vời khiến cho những người yêu thơ mơ mộng được một lần đặt chân đến xứ tình nhân của kinh thành ánh sáng Paris. Thế nhưng, bên cạnh những bài thơ làm say đắm lòng người ấy cũng có những bài thơ buồn áo não….Nhà giáo viết văn, làm thơ Võ Thu Tịnh cũng đã đến Paris, và ông cũng đến thăm em. Có lẽ muốn dành cho nàng một sự ngạc nhiên, hay vì gấp quá chăng, ông đã không hẹn trước nên cuộc tình không thành…Nghe ông than mà thấy buồn cho nỗi “nghẹn ngào” của mối “tình ế ẩm” :

Anh đến thăm em một chiều không hẹn
Nghe nghẹn ngào nắng úa kiếp tha hương
Thành Ba Lê tàn nhạt mảnh nghê thường
Tình ế ẩm giữa chợ đời hiu quạnh.
(Võ Thu Tịnh….)

Rồi nhà thơ cũng trở lại thăm em vào một chiều thu có lá vàng rơi, nhưng không được cùng giai nhân tay trong tay dạo bước, để hồn thu vẫn “hiu quạnh” và “đau thương” :

Anh đến thăm em một chiều thu lạnh
Lá vàng xưa năm tháng lạc muôn phương
Trời Ba Lê hoa lệ giữa đau thương
Hồn lạc lõng trên nẻo đường hiu quạnh.
(Võ Thu Tịnh…..)

Lá vàng rơi là biểu tượng của mùa thu. Lá rơi phủ đầy trên lối đi của những cặp tình nhân, rơi trên vai của những pho tượng cô đơn trong công viên, rơi trên lối cũ hè xưa của những ngày chung bước….Còn hình ảnh lá vàng phủ kín mặt sông Seine như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã tả khi ông đến thăm Paris thì thật lạ và quyến rũ quá ! Màu vàng của mùa thu đã làm cho thi sĩ say như vừa nhắp chén rượu nồng ngây ngất và ông đã xưng tụng Paris như một nàng công chúa diễm kiều đang khoác chiếc áo vàng lộng lẫy kiêu sa :

Anh hiểu ! Vàng thu sẽ dậy men
Lá rơi vàng kín mặt sông Seine
Hồn anh sẽ đọng dài trên lá
Để giúp em màu đan áo len
...................

Màu chuyển…Đũa tiên vừa đặt
Cây cành thôi khoác thanh y
Từng phố, đây từng chỗ ngoặt :
Áo vàng Công chúa Paris.
(Vũ Hoàng Chương – Công chúa Paris)

Paris đẹp bốn mùa. Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ. Mùa hạ xanh mắt em long lanh. Mùa thu vàng lá rơi ngập lối. Mùa đông trắng lạnh giá nhưng tình vẫn nồng ấm. Nhưng lạ chưa ! Nhà thơ vẫn âu sầu và ngơ ngác :

Sao ta ngơ ngác ? Lạ lùng chưa !
Em vẫn là mây tự kiếp xưa
Trời xám Paris thu nặng trĩu
Lênh đênh sầu biết mấy cho vừa.
…………….

Thạch dầu ngơ ngẩn bóng mây trôi
Thiết tháp hờn trăng lạnh lẽo ngồi
Em ạ, Paris toàn sắt đá
Lòng đau, sắt nọ đá này thôi.
(Vũ Hoàng Chương……)

Paris còn có gì hấp dẫn nữa không ? Còn một món : cà phê. “Cà phê Montmartre” được nhiều người nhắc đến như một món uống tuyệt vời ở một nơi dành cho người sành điệu trong những buổi hội ngộ tri âm tri kỷ. Truyện hay ký nói về cà phê Paris thì có nhiều, còn thơ chẳng có mấy. Ta hãy nghe Duyên Anh than vãn :

Cà phê Paris
Uống ngồi hay uống đứng
Một ly như ngàn ly
Uống ngoài như uống quán
Ngàn ly như một ly
Uống chiều hay uống sáng
Ngàn ly như một ly
Uống trưa hay uống tối
Ngàn ly như một ly.
(Duyên Anh – Café Paris 5)

Ông uống nhiều quá đấy chứ. Sáng, trưa, chiều, tối. Đứng, ngồi….đủ kiểu nhưng nghe sao nản thế. Cà phê của Pháp dành cho tao nhân mặc khách lẽ nào lại không ngon. Chẳng lẽ sáng sớm trời thu lành lạnh lại ra quán nhâm nhi ly rượu hay vừa hút thuốc vừa nhai xô-cô-la. Tìm đọc tiếp lại nghe ông tâm sự :

Ở đây buồn heo hút
Như hồn anh lưu vong
Cái cà phê nhấn nút
Nốc một hơi là xong.
(Duyên Anh – Café Paris 1)

Thì ra thế. Ông nhà văn nổi tiếng một thời, tác giả những tiểu thuyết viết về tuổi thơ nghịch ngợm thật hồn nhiên, đã bỏ tiền xu vào máy bán cà phê ở vỉa hè, bưng cái ly giấy đựng cà phê lên ực một cái là xong. Nhanh gọn và chưa kịp ngửi thấy mùi vị gì cả ! Những dòng thơ này đã làm cho một tay ghiền cà phê như tôi thất vọng quá. Làm người lưu vong buồn thật, nhưng vội gì đến nỗi không thể ngồi xuống một quán cà phê để nhâm nhi cho đỡ buồn, hả ông ? Tiếc thật ! Sao ông không quá bộ xuống Montmartre, chỉ cần ghé một quán cà phê có đặt bàn ở ngoài trời. Cứ ung dung ngồi xuống là có ngay một cô đầm bước tới trong điệu bộ nhún nhảy rất dễ thương. Gọi một ly đen thôi. Cà phê bốc khói thơm lừng mang đến, bỏ vài thỏi đường trắng tinh vào ly, khua chiếc muỗng kêu lanh canh nghe vui tai. Ông tây bà đầm các bàn kế bên đang hăng say tranh luận, giọng lên bổng xuống trầm như hát. Chưa hết. Phải hít thở sâu và từ từ để khứu giác tận hưởng mùi đậm đà của khói thuốc Gauloir, quyện lẫn hương thơm nồng nàn, ngây ngất của xì gà Havatampa…..Uống, nghe, nhìn và ngửi...... Đấy có phải là “không khí” của cà phê Paris không nhỉ ? Tìm đâu ở một chỗ nào khác mà có được. Tôi biết nhà văn đã từng cư ngụ ở Paris một thời gian khá lâu, và tôi cũng độ chừng là chắc ông không dám xin việc làm ở sở du lịch thành phố đâu, vì làm thơ kiểu này phòng tiếp thị du lịch sẽ mẹc xi và mời ông qua Luân đôn mà làm thơ cho các cháu ở đây làm ăn !

Dù sao đi nữa tôi vẫn quí ông, vì đi đâu ông cũng nhớ về Saigon. Từ thành phố nhỏ Thái “lọ” (Thái bình) êm đềm năm 1954 ông đã chạy vào Sàigon, nhận nơi này làm quê hương nhưng đâu có yên. Sau 1975, ông lại bỏ xứ ra đi và sống ở Paris. Tuy ở một thành phố sang trọng và đẹp bậc nhất Âu châu, ông vẫn nhớ về chốn cũ :

Tự nhiên sao mà nhớ
Một miếng phố Sàigon
Giọt cà phê chậm nhỏ
Xuống ly đời em ngon.
(Duyên Anh – Café Paris 1)

Có một chuyện này, tôi đã đọc đâu đó trên mạng, xin kể cho quí vị nghe. Vào buổi chiều mát trời, rất nhiều các ông bà Parisiene phong lưu dắt chó đi dạo phố phường, công viên. Các chú chó cưng này cứ làm cái chuyện đệ tứ khoái một cách vô tư ở bất cứ chỗ nào và chủ nhân của chúng vẫn ung dung tiến bước. Cứ tưởng tượng, một du khách đến Paris đi bát phố chẳng may dẫm lên của nợ này thì chắc cũng dở khóc dở cười. Những dòng chữ vừa rồi dám bị “kiểm duyệt” vì không…… “nên thơ” lắm ! Hay là cứ giữ nguyên ông Chủ bút nhé, xem như một lời cảnh báo cho các anh chị Kỹ sư Công nghệ đến phó hội ở Kinh đô ánh sáng (không chừng có ông anh của tôi nữa đấy) có ra phố thì nên mắt trước mắt sau, thấy tháp Effen sừng sững quá vĩ đại thì chỉ nên ngắm nhìn một vài giây thôi, rồi lại nhìn xuống chân, kẻo dẫm phải “mìn” thì khổ lắm !

Du lịch Paris một chuyến, đối với tôi, vẫn mãi là một giấc mơ. Thôi thì, đêm nay tôi sẽ nằm mơ đến đó để xem “sắt thép Effen” có “sầu ngơ ngẩn” như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã tả hay không. Và tôi cũng sẽ đến ga Lyon đèn vàng, kiên nhẫn chờ để gặp mặt “người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” của nhà thơ Cung Trầm Tưởng xem bây giờ già thế nào rồi. Tóc “nàng” còn vàng óng ả hay đã….. bạc phơ. Cái này chắc phải thận trọng hỏi lại quí ông bà ở bên Tây, là phụ nữ tóc vàng về già thì tóc sẽ thành màu gì ?!

QUÍ THƯ
Post Reply