Nhắc chuyện xưa, chạnh nhớ người

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Nhắc chuyện xưa, chạnh nhớ người

Post by uncle_vinh »

Việt Nam: Một thời để nhớ--

Nhắc chuyện xưa, chạnh nhớ người...


Hồi ức Hồ Hoàng Hạ

Friday, January 16, 2009
(Người Việt Online)


Dường như bất cứ ai trong mỗi người chúng ta, sau nhiều năm tháng dài tha hương, náu nương nơi đất khách, không tránh khỏi có những giây phút chạnh lòng hoài niệm, nhung nhớ mông lung về chốn cố hương quê nhà, nhớ cảnh, nhớ chuyện, nhớ người đến quay quắt, xốn xang. Tôi, người viết, tuy chưa đến nỗi... già lắm (!)nhưng cũng đã thường hay rơi vào tâm trạng vọng cổ (dấu hỏi), hoài niệm mông lung.

Tôi nhớ những gì? Là cư dân sinh ra, lớn lên trên miền đất quê nhà vùng Bà Chiểu Gia Ðịnh, nếu miễn trừ đi những kỷ niệm có tính cá nhân trong phạm vi gia đình, điều tôi nhớ nhất là những lễ hội với hương khói đèn nhang thơm ngát lan tỏa cả một vùng quanh Lăng Ðức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ðặc biệt trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm. Hàng ngàn bà con đồng bào ở khắp các quận huyện trong thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng lân cận chứ không riêng gì cư dân tại chỗ, trong đó có thật nhiều người Hoa, từ đêm trừ tịch suốt đến rằm Tháng Giêng, đã nườm nượp lũ lượt kéo về đây để dâng lễ vật nhang đèn hoa quả, cúng bái xin xâm, cầu tài cầu phước, cầu lộc và cầu cả... gia đạo, tình duyên. Ðiều nầy khiến cho dưới nhãn quan của đa số mọi người, đặc biệt là một đứa con nít, theo tháng năm từ từ trưởng thành tại quê nhà Bà Chiểu Gia Ðịnh như tôi, Lăng Ông là nơi náo nhiệt tưng bừng và... vui nhứt! Tôi nhớ trong những năm còn ngồi bậc tiểu học, và cả khi lên bậc trung học, không năm nào là tôi không đi viếng Lăng với quần áo giày vớ mới nhứt, chỉ đi một mình, vào ngay sau giờ giao thừa. Ði Lăng thôi chưa đủ. Khi về, tôi luôn hái một nhánh lộc cầm tay, không quên mua một quả bóng to, thường chọn màu vàng tôi yêu thích rồi ra đứng trước hai cây dừa thốt nốt mọc giống hình chữ V ở cổng chính phía Nam (nghe nói hai cây dừa nầy hiện nay vẫn còn), gọi thợ chụp một tấm hình kỷ niệm. Tôi lưu giữ hơn mười tấm hình với thời điểm và bối cảnh như vậy trong album cá nhân trước kia. Khi trưởng thành rồi nhập ngũ, lâu lâu có dịp về phép, đặc biệt nếu đúng dịp Tết, tôi giở album nhìn những tấm hình của chính mình lớn dần theo mỗi năm như thế, lòng luôn cảm thấy lâng lâng vui rộn xen lẫn bồi hồi.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, ngoài lễ hội Giao Thừa và mấy ngày Tết với số người thăm viếng cúng quảy đông đảo nhứt, hằng năm vào dịp giữa năm, đâu như là khoảng rằm Tháng Bảy, Tháng Năm gì đó, hội Thượng Công Quí Tế luôn có tổ chức mấy ngày liên tiếp Hát Bội thật rôm rả, hào hứng ngay góc Ðông Bắc của khuôn viên Lăng, nơi có một sân khấu và một khoảng sân rộng (sân nầy thường ngày là sân quần vợt) để đồng bào tập trung coi hát tự do. Hồi nhỏ tôi rất mê. Hầu hết tích tuồng Tàu được diễn qua hát Bội của Ta, tôi biết được nhờ từ sân khấu nầy. Cũng trên sân khấu nầy, một năm cuối của thập niên tám mươi, sau thời gian tù cải tạo ra, tôi có dịp bước lên để tham dự một buổi ca hát giới thiệu tập nhạc thiếu nhi gồm nhiều tác giả do nhà văn hóa Bình Thạnh tổ chức. Có nhạc sĩ Sông Trà giám đốc NVH và nhạc sĩ Thanh Sơn (phe ta) chủ trì. Có một điều, chắc chắn cả hai và cả các bạn nhạc sĩ trẻ nữa, không ai có thể nhìn thấu được cõi lòng tôi nó bùi ngùi như thế nào trong đêm đó!

Ðối với cư dân vùng Bà Chiểu Gia Ðịnh, trong đó có tôi, nếu được hỏi ghi nhớ hình ảnh gì nhiều nhất, sâu đậm nhất sau nhiều năm xa cách nơi chôn nhau cắt rốn, thì không phải mất công suy nghĩ đắn đo gì, sẽ trả lời ngay lập tức: đó là hình ảnh Lễ hội đêm giao thừa tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt như nói trên. Còn đối với thành phố Sài Gòn, thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa trước kia, tôi hoài niệm về những hình ảnh nào, những sự việc gì thuộc về nó, đã diễn ra “trong lòng” nó? Nhiều... Nhiều lắm. Vô vàn. Nhưng nếu được phép chỉ nêu lên có một, tôi sẽ xin nói về...

Hình như không có ai không biết rằng (trừ thế hệ sinh sau ở hải ngoại hay các bạn trẻ rời VN lúc tuổi còn thơ) Sài Gòn và Gia Ðịnh như anh em một nhà, thông thương qua lại nhờ những chiếc cầu như cầu Kiệu đầu đường Võ Di Nguy, cầu Bông trên đường Lê Văn Duyệt, cầu Sắt đường Bùi Hữu Nghĩa, cầu Thị Nghè trên đường Hồng Thập Tự... (Tôi không thích ghi tên đường mới do VC đặt, dù biết) Riêng cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa nối sang khu Ða Kao vào Sài Gòn, trước 54 chỉ được dùng cho xe điện chạy trên đường rầy giống như light-rail bên Mỹ nầy, chạy từ bên hông chợ Bà Chiểu sang Sài Gòn và ngược lại. Hồi còn nhỏ xíu xiu tôi có được theo mấy ông anh đi vài lần trên loại xe điện nầy. Cứ mỗi lần tới trạm nó báo hiệu bằng tiếng chuông rung leng keng như mấy người bán cà rem dạo, nghe rất vui tai. Còn đứng dưới đường nhìn lên nóc xe khi nó chạy, dây điện thiết kế trên nóc xe xẹt xẹt lửa thấy mà ớn. Không như xe bên Mỹ hiện đại bây giờ. Ngồi trên xe nghe êm rơ. Còn đứng dưới đường nhìn xe chạy, chẳng thấy lửa củi gì trên nóc hết. Dĩ nhiên, hơn nửa thế kỷ qua rồi với biết bao tiến bộ kỹ thuật, làm sao mà xe điện ngày xưa có thể sánh với light-rail bây giờ!

Vòng vèo mãi theo xe điện, giờ xin quay lại “chuyện hai thành phố”. Không phải từ Luân-đôn đến Ba-lê của Charles Dickens văn hào Anh mấy thế kỷ trước đâu mà là Sài Gòn và Gia Ðịnh của Việt Nam Cộng Hòa nhà mình.

Như diễn tả trên, Sài Gòn-Gia Ðịnh chẳng khác chi một Westminster và Garden Grove ở hải ngoại nầy. Hay một Buda và Pest, thủ đô Budapest của nước Hung Gia Lợi vậy. Chúng nằm sát bên nhau nếu chưa muốn nói rằng chúng “nằm trong” nhau. Vì xưa kia, thời triều Nguyễn, Gia Ðịnh (mang ý nghĩa là vùng đất do từ triều Vua Gia Long khai mở bình định) là tên gọi chung, là một trấn lớn bao gồm gần như cả miền Nam. Sau đó, được phân làm 6 tỉnh (Lục tỉnh), lấy câu Gia-Biên-Vĩnh-Ðịnh-Long-Hà làm 6 chữ đầu để đặt tên là: Gia Ðịnh, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, Long Xuyên và Hà Tiên. Khi ấy, thành phố Sài Gòn (còn có tên Sài Côn) chưa có. Nó còn nằm “trong lòng” của Gia Ðịnh thành và tỉnh Gia Ðịnh. Do vậy, nói Sài Gòn Gia Ðịnh như anh em một nhà cũng không lấy gì làm quá đáng, áp đặt ý nghĩa.

Mọi người dân, dù cư ngụ bên Bà Chiểu Gia Ðịnh hay sống bên Sài Gòn, chắc chắn đều có nhiều dịp để qua, lại sinh hoạt với nhau không vì việc nầy thì cũng bởi chuyện nọ. Với tôi, tất nhiên cũng không ngoại lệ.

Thời thiếu niên tuổi trẻ, vào ba năm cuối của bậc tiểu học, lớp ba lớp nhì lớp nhất, có thể nói không Chúa Nhật nào là tôi không từ Gia Ðịnh đáp xe Bus sang Ða Kao rồi Sài Gòn chỉ với một mục đích duy nhất là... xem phim! Mà xem những hai phim ở hai rạp khác nhau vào hai buổi sáng và chiều. Mỗi phim tôi thường xem hai lần do rạp chiếu thường trực. Sau khi xem xong một phim ở một rạp, trưa ra tôi thường kiếm chỗ uống nước mía, mua một ổ bánh mì thịt rồi mò vào một rạp thứ hai mà tôi đã chọn trước để vừa xem phim vừa thổi kèn harmonica (tiếng lóng chỉ việc gặm bánh mì lúc đó). Nói thế để các bạn hiểu tôi là một đứa trẻ “hoang đàng” và mê xi-nê đến cỡ nào! Tôi mê xem xi-nê, tôi mê đọc sách báo, tiểu thuyết, tôi mê đàn ca hát xướng mà không thể nào bỏ được cho đến tận tuổi già lẩm cẩm cà-kê dài dòng bây giờ. Tất cả chỉ vì thừa hưởng một phần từ cái gen, một phần bởi hoàn cảnh, một phần do cái duyên của phụ thân cùng hai anh trai mang lại. Nó dài dòng lắm. Nếu kể lể e rằng sẽ lạc đề, bạn đọc sẽ không buồn xem tới nữa. Nếu có thể, cho tôi xin trở lại với quí vị về những chuyện nầy trong một bài viết khác với đề tài “sách, báo, nhạc và tuổi thiếu niên tôi”.

Thú mê xem chớp bóng của tôi giảm năm mươi phần trăm từ khi tôi thi đậu vào đệ thất (lớp 6 ngày nay) của bậc trung học đệ nhất cấp. Giảm một nửa có nghĩa là mỗi tuần tôi chỉ xem một phim thôi. Thời gian còn lại tôi tập tành làm thơ, viết văn, đàn ca ầm ĩ và... viết nhạc. Mà không chỉ có vào ngày nghỉ Chúa Nhật. Còn hằng đêm, hằng ngày nữa bởi thuở ấy ngày học chỉ có một buổi, hoặc sáng hoặc chiều. Cũng tại vì những đam mê viết lách nầy mà tôi, từ một cậu học trò xuất sắc luôn được lãnh phần thưởng cuối năm ở bậc tiểu học, thi đậu đệ thất với thứ hạng cao gần đầu, được lãnh học bổng hằng tháng, dần dần trở thành một học sinh trung bình, cuối năm thứ hạng thấp xuống lần theo từng niên học. Việc học sa sút nhưng ngược lại, hoạt động viết lách khá khởi sắc, đáng khích lệ khi ở vào tuổi học trò trung học của tôi lúc đó. Nhiều bài tôi sáng tác với nội dung học trò, gồm thơ, văn, chuyện vui, câu đố... xuất hiện đều đặn, không báo nầy thời báo nọ như Măng Non, Bạn Trẻ, Tuổi Trẻ, Tinh Hoa... và kể cả nhật báo nữa. Như Tiếng Chuông... rồi về sau, thêm Dân Chủ, Ðiện Tín, Chính Luận, Trắng Ðen...

Ðể có được những kết quả đáng khích lệ cho “sự nghiệp” viết lách của mình, tôi đã phải nặn óc viết không ngừng với sự đam mê không ai cản được, trong nhà. Cứ mỗi tuần, tôi hăng hái ôm một xấp phong thư bên trong nhét đầy bài viết của mình, không mua tem dán gởi qua bưu điện, mà đích thân đáp xe bus ra bùng binh Sài Gòn, lội mòn giày suốt dọc đường Gia Long, băng qua bùng binh ngã sáu để vào Võ Tánh, lội qua Lê Lai rồi ngược lên Phạm Ngũ Lão... Ở những con đường nầy có nhiều văn phòng tòa soạn của các nhật báo. Từ Tiếng Chuông, Ðiện Tín, Tin Ðiển, Tiếng Dội cho đến Quyết Tiến, Tự Do, Thần Chung, Sài Gòn Mới. Chưa kể Trắng Ðen ở gần cuối đường Lê Thánh Tôn và tờ Dân Chủ của Vũ Ngọc Các và “thầy” Nguyễn Thạch Kiên hai ba lần đổi dời địa điểm tôi vẫn mò tới.

Vì hằng tuần đều lang thang trên các “phố báo” như vậy nên tôi đặc biệt yêu mến và nhớ nhất những con đường vừa kể. Mê viết báo nên tình thân luôn với mấy con đường có báo quán. Những con đường lớn, ồn ào khách thừa lương bộ hành qua lại ở Sài Gòn, tóm lại rất vui, như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do chẳng hạn... chúng không chiếm được vị trí nào trong tâm cảm tôi dù không hẳn tôi không nhiều lần, lắm lượt đi qua, diễu lại. Còn con đường Duy Tân mà nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào lời nhạc ca ngợi, chẳng qua chỉ vì có trường Luật tọa lạc ở đó. Với tôi, nó chẳng có gì đáng lưu luyến nhớ nhung hết bởi tôi không có học... trường luật ngày nào! Thêm nữa, đường nầy không có... tòa soạn báo nào cả. Còn “cây dài bóng mát”, ở Sài Gòn thiếu gì những con đường có cây cao nên... đổ dài bóng mát! Nói nào ngay, bây giờ thì đường Duy Tân (xin đừng nhắc tôi là nó đã được đổi thành... từ hồi nẫm) đã có trụ sở tòa soạn một tờ báo rồi. Ðó là tờ tuần báo học trò Mực Tím.

Nhân đề cập đến tờ nhật báo Dân Chủ bên trên, trong tôi không khỏi xúc động bồi hồi. Nhất là tháng cuối năm qua, qua Internet và các báo, tôi biết được nhà văn nhà báo lão thành Nguyễn Thạch Kiên đã qua đời. Với tôi, đây là nhà văn nhà báo, tôi không chỉ ngưỡng mộ, mà còn quí mến nhất. Thuở sáu, bảy tuổi con nít, long nhong chạy chơi trong xóm, tôi đã từng thấy có những người đi phát (chứ không bán) cổ động cho hai tờ nhật báo Tự Do cùng Dân Chủ với các ông Phạm Việt Tuyền và Vũ Ngọc Các đứng tên chủ nhiệm trên măn-sết. Tôi chìa tay xin, nói rằng cho ba tôi đọc. Tôi đã có được hai tờ báo ấy mà một trong hai tờ, tôi đã thấy có tên Nguyễn Thạch Kiên. Chỉ vài năm sau thôi, khi đường đường là một cậu học sinh đệ thất trường công, mà niềm vui thú không sao tả được khi cầm bút viết ra được dăm ba câu thơ, một hai mẩu chuyện từ óc tưởng tượng bất ngờ của mình, tôi đã dọ dẫm tìm đến các tòa báo để gởi bài. Nhiều tờ. Nhưng hai tờ báo tôi gởi bài đầu tiên là nhật báo Tiếng Chuông và tuần báo thiếu nhi Tinh Hoa.

Nếu được hỏi rằng, sự kiện gì đáng nhớ, đáng ghi nhận nhất trên tất cả các báo chí thời đầu thập niên sáu mươi, tôi không ngần ngại gì trả lời ngay: Ðó là sự kiện nhật báo Tiếng Chuông tổ chức giải thưởng Truyện Ngắn thường niên, mỗi năm hai kỳ. Ðây là một giải thưởng mà ngay từ lúc bắt đầu đã gây được nhiều uy tín cùng sự hưởng ứng đông đảo của rất nhiều cây bút đang tập tành lúc đó. Uy tín có được bởi nhiều lý do: sự tiến hành giải thưởng rất qui củ; ban giám khảo vòng sơ kết và chung kết đều là tập họp những nhà văn, nhà báo thời danh; giải thưởng bằng hiện kim rất lớn ở vòng chung kết; lễ phát giải luôn được tổ chức ở những địa điểm quan trọng như trụ sở câu lạc bộ báo chí chẳng hạn. Một chi tiết nên nói thêm: nhật báo Tiếng Chuông là một trong hai ba tờ báo bán chạy nhất lúc đó với số phát hành hằng ngày rất cao. Báo được đưa đến khắp mọi miền đất nước VNCH bằng hệ thống tổng phát hành có tên Thống Nhất.

Chi tiết tiến hành giải thi Truyện ngắn Tiếng Chuông như sau: Thể loại truyện ngắn; bài viết trong khoảng từ một ngàn đến ba ngàn con chữ có du di hơn kém chút đỉnh; Bài gởi về tòa soạn kèm phiếu dự thi ghi tên bài, tên thật và bút hiệu (nếu có) của tác giả cùng địa chỉ. Những bài nhận được tòa soạn sẽ cập nhật hằng ngày trên báo với tên bài, tên tác giả và số thứ tự bên cạnh. Ban chấm sơ khảo là các nhà báo nhà văn đang cộng tác với Tiếng Chuông lúc đó như Bình Nguyên Lộc, An Khê, Hoài Ðiệp Tử... Các vị nầy chọn bài và cho “đi” trên báo mỗi ngày ngay trên đầu trang hai, góc trái, cột đôi rất trang trọng. Dĩ nhiên trên đầu bài có kèm theo số thứ tự để tác giả nào bị loại bài trong vòng sơ khảo thì biết ngay để liệu viết gởi bài khác. Ðáng kể nhứt, tiền nhuận bút dành cho bài được đăng là ba trăm đồng. Trong khi tờ báo chỉ giá 2 đồng, tô phở 5 đồng, gói thuốc thơm Ru-bi 8 đồng, vé xi nê các rạp chỉ từ 5 đến 10 đồng, lúc đó.

Ðúng 150 truyện được đăng là dứt một kỳ. Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chấm giải (thường có 5 vị); mời các nhà văn, nhà báo, học giả tên tuổi tiến hành chấm để chọn ra 10 tác phẩm trao giải gồm: 5 giải chính thức, 5 giải khuyến khích. Giải nhất hiện kim 15 ngàn. Tuần tự các giải sau ít hơn một chút, dĩ nhiên. Còn 5 giải khuyến khích là đồng hạn, mỗi giải một ngàn đồng.

Tôi, tác giả nhí, văn tài không có, cũng hân hạnh được lọt qua vòng sơ khảo hai bài nhưng tới vòng chung khảo thì... rớt, trong hai năm 60 và 61. Một bài tựa “Chống Chỏi” bút hiệu Hoàng Hôn Lộc. Một bài tựa “Nghề Mới” bút hiệu Hoàng Hôn Huấn. Tôi thích và hạp với hình ảnh buổi chiều cũng như khoái ông nhà văn Bình Nguyên Lộc (Tô Văn Tuấn) hết biết nên chọn bút hiệu có tên ổng. Nhưng sau đó bỏ hẳn bút hiệu trên.

Tôi còn nhớ như in nội dung từng cốt truyện đoạt giải truyện ngắn Tiếng Chuông qua các kỳ thi. Một vài tác giả đoạt giải, thành danh, sau đó bước luôn vào văn nghiệp, báo nghiệp. Ðáng kể có Phan Trần Duyên, giải nhất với truyện “Hoa Bằng Lăng Tím Phơi Trên Mộ”; viết tiểu thuyết feuillton đăng báo, loại tình cảm ông lấy bút hiệu PTD, nhưng loại dã sử đường rừng lại ký Phan Yến Linh, còn làm báo thì dùng tên thật Phan Việt Ðiển. Trưa ngày 15 tháng 5 năm 75, tôi còn có dịp theo người bạn ký giả Nguyễn Việt đến trụ sở báo Trắng Ðen ngồi ăn bữa cơm trưa cuối cùng với PYL và số anh em tòa soạn còn trụ lại để ngay ngày hôm sau, tòa soạn phải giao hết cho cán bộ văn hóa Cộng Sản tiếp thu.

Kế đến là Trương Ðạm Thủy, Tâm Ðạm giải năm với truyện “Người Phất Cờ Cho Tàu Ði”, sau đó viết truyện dài đầu tay chung với BNL đăng trên Tiếng Chuông hằng ngày nhan đề “Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương” rồi đến “Lòng Ngỡ Quên Mà Nhớ Rất Xa”. Ở hai truyện dài nầy TÐT dùng bút hiệu Dương Trữ La. Cả hai truyện dài trên đều được in thành sách xuất bản, sau đó. Riêng có tác giả Mặc Thảo, giải nhất kỳ đầu tiên với truyện “Gạo Máu” rất thống thiết trong nội dung, rất đặc sắc trong kỹ thuật hành văn, dàn trải câu chuyện chỉ xảy ra trong ít phút của một cuộc thi chạy đua mà người thắng cuộc hộc máu tươi vì bệnh phổi, gục ngã ngay trên lằn mức đến! Nhưng không thấy tác giả nầy tiếp tục theo nghiệp văn? Có một chuyện khá thú vị trong một kỳ của giải thưởng. Ðó là chuyện nhà văn Tuần Lý (thẩm phán Lê K.L.) đã đoạt được một giải với truyện ngắn “Khả Dĩ”. Ban tổ chức do không biết tác giả nầy có dự giải, đã mời ông làm một trong các vị chung khảo của kỳ thi đó. Nên mặc dù ông có thể đoạt giải cao hơn nhưng ông tự đề nghị hạ thấp mình xuống, giải tư, năm hay khuyến khích là được rồi!

Ðến với báo Tinh Hoa là tôi đến đúng tầm lứa tuổi của mình lúc đó. Tuần báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi học trò tiểu học và các học sinh của những năm đầu trung học. Một buổi sáng, với mấy bì thư có bài vở bên trong, tôi nhong nhong từ bùng binh trước chợ Bến Thành băng qua Phạm Ngũ Lão rồi vào đường Calmette, tung tăng một lèo thẳng ra bến Chương Dương, nơi có tòa soạn báo Tinh Hoa số mới ra mắt tôi đang cầm trong tay, với địa chỉ thật rõ ràng, với tên vị chủ nhiệm chủ bút là Nguyễn Thạch Kiên. Tôi tìm ra ngay chóc địa chỉ nhưng đứng phân vân một hồi. Bởi lẽ đó chỉ là một căn phố khá hẹp bề ngang với cánh cửa sắt, loại dùng tay kéo sang trái hay phải để mở hoặc đóng, rất phổ thông ở các tiệm buôn bán của người Hoa kiều lúc đó. Cánh cửa chỉ mở một phần ba. Tôi nhìn vào thấy có một người đàn ông trung niên, vóc người rắn chắc, nước da ngâm ngâm ngồi sau một chiếc bàn con với một tờ báo gì đó trong tay. Thấy tôi lấp ló, người đàn ông lên tiếng, giọng Bắc kỳ: ”Gì đó em? Vào đi”.Tôi rụt rè bước qua ngưỡng cửa, mở miệng ngay khi đi vào: ”Có phải tòa soạn báo Tinh Hoa không ông?” Người đàn ông buông tờ báo, vui vẻ: “Ðúng rồi! Có chi không em?” Tôi vẫn e dè: “Có phải... Có phải ông là Nguyễn Thạch Kiên, chủ nhiệm chủ bút?”

Tới đây thì người đàn ông đứng bật dậy, rời khỏi ghế, bước ra trước mặt tôi, tươi tỉnh hẳn: Ðúng. Tôi đây. Em cần chi?” Nghe xác nhận, tôi mừng rơn, nói liền một mạch: “Em đọc thấy báo ông kêu gọi đóng góp bài nên đem bài thơ mới làm đến gởi ông đây.” Tôi vừa nói vừa xòe mấy phong bì ra, lựa đúng, đưa cho người đàn ông... cho ông chủ nhiệm chủ bút báo Tinh Hoa. Ông chủ báo kéo ghế biểu tôi ngồi. Phần ông, vừa mở phong bì tôi mới đưa vừa quay lui ra sau ghế ngồi đọc. Tôi thấy ông vừa xem vừa cười cười. Tôi chột dạ bật hỏi: “Thơ đăng được không ông?” Ông ngẩng nhìn tôi, lần nầy tôi thấy ông vui rõ: “Ðược! Ðược chứ. Thơ em vui khiếp!” Tôi thấy ông không khen hay chê mà chỉ nói “vui khiếp”. Nhưng do ông xác nhận đăng được nên cũng an tâm, mừng thầm. Liền đó ông còn hỏi tôi viết lâu chưa. Có viết cho báo nào nữa không. Nghe tôi nói có viết truyện ngắn dự thi trên Tiếng Chuông và đã được đăng rồi, ông ngã hẳn người vào ghế, tròn mắt nhìn tôi: “Chúa ôi! Em giỏi vậy cơ à!” Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm mũi tôi phồng rõ là bự hôm đó.

Bài thơ con nít đầu tay của tôi, nhan đề “Con Mèo Của Em” được Nguyễn Thạch Kiên cho “đi” liền trong số báo kế tiếp. Thơ vui thì có chứ hay thì hay nỗi gì năm tôi 13!

“Em có nuôi một con mèo-Lông hung điểm trắng kèm theo đuôi vàng-Suốt ngày nó chạy lang thang-Làm mấy chú chuột bàng hoàng thất kinh-Sớm, trưa, chiều, tối nó rình-Ðầu nhà, cuối bếp lim dim giả vờ-Nó chờ, nó đợi gì cơ? -Chuột đâu ngu dữ dzậy mờ mầy ham!?- Một hôm em giả bộ nằm-Lén coi mèo nó đang ăn thứ gì-Trên giường, nên chẳng thấy chi? Chỉ nghe sau bếp má thì la lên-Trời ơi cái con mèo điên-Nó tha con cá mới chiên mất rồi! Mèo ơi, mèo hỡi, mầy tồi! Mầy nuốt con cá mầy thời mắc xương! Khôn hồn đừng xực nghe cưng! Nhả trả lại cá, má mừng, biết chưa...!

Ðó là kỷ niệm sơ giao buổi ban đầu mà tôi có được với nhà văn Nguyễn Thạch Kiên. Một chút gì đó ngây ngô của tôi. Một chút gì đó ân cần từ nhà báo. Một còn quá trẻ. Một đã hơn tuổi trung niên. Như hình ảnh giữa một thầy một trò. Giữa cha và con. Cả hai đang chuyện trò, hỏi đáp chuyện bài vở, báo chí. Tưởng tượng ra hẳn bạn đọc cũng sẽ thấy nó “văn nghệ”, nó “đẹp” dường nào! Vậy mà tôi, vâng! Chính tôi, đã tự mình làm cho “xấu” đi, chỉ vài năm sau đó, trong giây phút bốc đồng, bằng một trò đùa ngông cuồng đến độ quái ác, tôi đã phỉnh gạt, “chơi” người thầy văn nghệ buổi ban đầu của mình bằng một chuyện động trời, khó mà tự tha thứ được...!

... Sau thành công ban đầu với bài thơ con nít trên báo Tinh Hoa, tôi như được chắp cánh bay lượn rong chơi trên nhiều vùng trời xanh mộng mơ của các báo thiếu nhi thời đó. Thường xuyên nhất chính là Tinh Hoa và Măng Non của nhóm Ðằng Giao và chị Ðan Thư mà tòa soạn nằm ké trong báo quán nhật báo Tự Do. Tôi lớn dần theo tuổi đời trong khi Tinh Hoa, Măng Non, Bạn Trẻ... của thời tôi niên thiếu lần lượt đình bản rồi chết hẳn. Tôi biết chắc một điều, không phải các tờ báo đó không có đủ độc giả thiếu nhi ủng hộ mua báo mà chính là những người chủ trương nó đã chuyển sang một hướng làm báo khác; hoặc vả, họ thấy làm báo thiếu nhi không đem lại lợi nhuận khả quan gì. Nhưng để kế thừa, tiếp nối loạt báo thiếu nhi, thiếu niên nầy, tôi thấy xuất hiện một vài tờ báo khác, hình thức trang nhã, dành cho tuổi mới lớn, tuổi choai choai của các cô cậu học trò đệ tứ, đệ tam trở lên. Thời của trung học đệ nhị cấp. Ðiển hình có các báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc của nhóm Duyên Anh, Ðinh Tiến Luyện, Vi Vi... Nhưng tôi lại không “kết” những báo nầy. Tôi muốn đốt giai đoạn bằng cách vẫn “đi theo thầy” Kiên để được viết trên báo người lớn, lúc đó đã về trông coi tờ Dân Chủ tục bản, sau một thời gian tờ nầy đình bản. Ngoài ra, tôi còn viết thêm cho tờ Trắng Ðen một số bài vở lặt vặt nơi trang văn nghệ học sinh do người bạn tôi trông coi, đó là ký giả Nguyễn Việt.

Vào thời điểm Mùa Hè 1964, tôi cùng ba bạn học khác gồm Lê Huỳnh, Nhật Nguyễn (Nguyễn Trí Nhật) và Nguyễn Việt lập nhóm văn nghệ Mây Chiều, chuyên viết truyện, làm thơ; riêng tôi thêm phần viết nhạc. Cả nhóm chúng tôi xuất thân từ trung học Hồ Ngọc Cẩn bên Bà Chiểu Gia Ðịnh. Do chọn học ban C nên sau năm đệ tứ, tất cả được chuyển sang trường Chu Văn An bên Chợ Lớn. Chỉ riêng anh bạn Nguyễn Việt, do hoàn cảnh gia đình, đã bỏ học ngang, ra đời bươn chải kiếm sống. Và anh, vốn đã có sẵn máu văn nghệ viết lách, anh nhảy vào lĩnh vực nhà in, viết báo. Bắt đầu từ những công việc khiêm tốn nhất như làm “thầy cò” sửa bản vỗ (in thử) trong nhà in, tống thư văn rồi từ đó viết lách thêm, tiến đến việc đảm trách trang báo chuyên mục, rồi là thư ký tòa soạn... Ðây là giai đoạn nhóm anh em Mây Chiều viết nhiều cho báo Dân Chủ và thường xuyên liên lạc với Nguyễn Thạch Kiên ở tòa báo cũng như tại tư gia. Bản thân tôi chỉ đôi ba lần ghé tòa soạn đưa bài hay theo bạn đến tư gia nhà ông trong khoảnh khắc rồi đi. Chỉ có người bạn Nhật Nguyễn là thường xuyên, lắm lúc gần như ăn dầm nằm dề kiểu như muốn... ở rể! Mà đúng vậy. Anh bạn nầy từ khi đến nhà, “thấy” cô Phượng, ái nữ nhà văn, y như rằng anh ta bị hớp hồn. Lúc mang bài vở của nhóm đi giao, đã đành, lúc không chuyện gì, anh ta cũng mò đến. Anh không giấu giếm gì với các bạn chuyện anh ta “kết” con gái nhà văn và dự định sẽ đưa ông bà già đi hỏi cưới cô Phượng cho anh sau khi đỗ tú tài. Cũng theo anh nói, cả nhà đều có thiện cảm với anh. Nhưng điều quan trọng nhất mà anh không nói, là cô nàng có “chịu” anh không. Nên thời gian sau, khi thi hỏng tú tài rồi nhập ngũ, tôi không nghe anh bạn nầy nhắc gì về chuyện “đưa nàng về dinh” nữa. “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”! Tôi nghĩ anh bạn tôi chắc thiếu yếu tố đó dù đôi bên gia đình cùng là Bắc kỳ di cư và cùng tôn giáo nữa.

Phần tôi, tuy không nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn gởi bài để ”thầy” Kiên đăng. Có lần, thầy gợi ý tôi viết một truyện ngắn về lính, đâu như đầu năm 65, vì lúc đó chiến cuộc bắt đầu leo thang. Quân đội Hoa Kỳ cũng bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam VN và nhiều thế hệ thanh niên VN đã rủ nhau lên đường tòng chinh dù lúc đó chưa có lệnh tổng động viên. Úy trời! Thầy ép mình quá! Còn đang đi học. Biết gì về lính mà viết? Tôi nghĩ bụng nhưng rồi cũng rán rặn ra được truyện. Viết rồi đưa vài ngày sau. Thầy Kiên lên báo bài tôi ngay trong số báo cuối tuần. Khi giở trang báo thấy có bài đăng, tôi tá hỏa, tức thầy quá đỗi! Không kềm được, tôi vọt ra Sài Gòn tìm đến tòa báo để gặp thầy máng vốn.

-“Ông hại tui rồi! Sao tựa bài chỉ còn hai chữ Chim Rừng? Ông có biết là tui cũng đã viết xong bài nhạc lấy cùng tựa truyện ngắn nầy và dự định xuất bản nó nay mai không?!”

-“Cậu đặt tít nghe cải lương bỏ bu! Gì mà Làm Chim Rừng Núi? Ngắn gọn, Chim Rừng là đủ ý rồi. Truyện ngắn phải ngắn gọn mọi thứ, tựa cũng vậy. Càng hay! Ừ, nhưng tên bản nhạc lấy thế thì được. Chừng nào cậu in?”

Ông thầy nói liền một hơi với lý luận rất mắc cười, đồng thời chuyển lời sang ý khác rất lẹ. Tôi định gân cổ cãi bằng dẫn chứng cái tựa truyện ngắn dài thoòng của ông PT. Duyên đã từng đoạt giải thưởng truyện ngắn Tiếng Chuông mấy năm trước, thì sao? Nhưng tôi dằn kịp vì chợt thấy ông thò tay ra sau đít móc... cái gì đó y như là cái bóp. Cái bóp thiệt! Ông chậm rãi rút ra hai tờ trăm đặt trên bàn. “Của cậu đấy!”, ông nói.

Trừ tờ Tiếng Chuông, Chính Luận khi phát tiền nhuận bút thì có vô sổ sách và người nhận phải ký tên đàng hoàng, một vài báo khác như Ðiện Tín hay Dân Chủ như vừa kể, đến xưng tên, nói bài gì được đăng là người phụ trách móc túi lấy tiền đưa thẳng, chẳng cần ghi sổ hay ký tên gì cả. Sau nầy, qua anh bạn Nguyễn Việt làm cho Trắng Ðen, tôi được biết, đó là trường hợp bài đăng của mình trên trang của vị nào thầu phụ trách, vị đó vốn đã nhận đủ tiền khoán cho cả trang báo từ quản lý rồi, nên sẽ tùy nghi trả nhuận bút cho mình, chẳng phải sổ sách kế toán gì thêm mất công.

Tôi nhận tiền nhuận bút, ấm túi, ra về lòng vơi hết ấm ức chuyện ông chủ bút đã nhuận sắc, cắt đầu chặt đuôi tựa truyện ngắn của mình. Sau đó, nghĩ lại thấy ông ta nói cũng... có lý!

Giữa Tháng Tám năm 1965, tôi được anh Vương Ðằng Nguyễn Văn Ðường, đoàn phó nội vụ Ðoàn Thanh Niên Công Tác Xã Hội mà tôi là ủy viên văn nghệ, cử cầm đầu một toán anh em học sinh tham dự trại công tác Hè Về Miền Tây qua nhiều tỉnh. Ðây là trại hè dài ngày, dự trù khoảng hai tuần, nhằm mục đích thông tin văn hóa, làm công tác lao động, y tế, xã hội cùng những hoạt động thể thao văn nghệ kết hợp với thanh niên học sinh nơi đoàn đến cắm trại. Kinh phí trại hè, gồm phương tiện di chuyển, ẩm thực cùng mọi sách báo, thuốc men, vật dụng lao động mang theo, đều do Tổng nha Thanh niên (Tổng ủy viên là kỹ sư Võ Long Triều) thời Nội các Chiến tranh lúc đó cung cấp. Ngoài đoàn TNCTXH còn có vài đoàn thể khác tham gia trại hè nầy, trong đó có cả đoàn trường Quốc gia âm nhạc & Kịch nghệ do nhạc sĩ Trọng Khương dẫn đầu với nhóm kịch của Hà Bay, nhóm đàn ca tân, cổ nhạc của nhạc sinh Kim Thu. Tôi nhớ trưởng đoàn trại công tác hè nầy là anh Lã Quí Nghiêm (Học viện Quốc Gia Hành Chánh) và phó đoàn là anh Nguyễn Văn Hùng (Luật Khoa) cùng nhiều sinh viên của các phân khoa khác trong nhóm điều hành chuyến đi của trại.

Do đòi hỏi cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi việc cho chuyến đi, qua buổi họp trước một tuần, nhóm trại sinh đoàn TNCTXH của tôi lãnh trách nhiệm phải đến sớm vào buổi chiều trước ngày đi, tại trụ sở Tổng hội Sinh viên trên đường Duy Tân, địa điểm xuất phát của trại hè, để giúp đóng gói, sắp xếp mọi vật dụng, trong đó có cả nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh, cho đâu ra đó.

Nhóm anh em do tôi điều động, hoàn tất mọi việc trong không đầy hai tiếng. Sài Gòn Mùa Thu, trời tuy ngã chiều nhưng vẫn còn nhiều nắng muộn cùng một ít ngọn gió lén lút, hây hây. Không khí dịu mát.

Xong việc, các bạn trẻ trong nhóm mang banh ra khoảng sân xi-măng phía đường Hồng Thập Tự, căng dây chia phe chơi bóng chuyền. Tôi vốn không hiếu động, một mình ngồi trong phòng trực vừa trông chừng đồ đạc vừa quơ mấy tập sách báo mang theo đọc giết thời giờ. Ðọc một hồi chán, tôi chống càm nghĩ ngợi vẩn vơ. Không biết giờ nầy mấy thằng bạn văn nghệ của tôi đang làm gì ở nhà chúng. Viết lách gì chăng. Riêng tay Nguyễn Việt, hẳn giờ nầy còn gò lưng trong nhà in dò tìm từng con chữ sai trật trên bảng vỗ để kịp cho thợ xếp chữ sửa lại trước khi thợ đúc, thợ ấn loát lên khuôn đúc thành bản chì, sau đó mới tiến hành việc in ấn. Nghĩ lan man, tôi chợt nhớ cái truyện ngắn đưa Nguyễn Thạch Kiên tuần trước mà đến nay sao thấy ổng chưa “đi” làm tôi chẳng gỡ gạc được chút tiền còm nào giắt lưng trong chuyến đi nầy. Ngó thấy chiếc điện thoại trên bàn, loại cổ thời đó, có các con số nằm dưới các ô tròn, khi dùng chỉ thò ngón tay trỏ vào từng con số muốn gọi, quay tròn theo chiều kim đồng hồ đến cuối vòng xoay. Nhìn đồng hồ trên tay. Chưa sáu giờ. Tôi nghĩ ông chủ bút chắc chưa về. Chộp ngay điện thoại, tôi xoay lia lịa các con số vốn đã nằm lòng... Bạn đọc, dù có giàu tưởng tượng, giỏi tiên đoán cách mấy cũng sẽ không thể nào hư cấu nổi nội dung cú điện thoại mà tôi đã gọi cho nhà văn Nguyễn Thạch Kiên chiều hôm đó đâu...!

Thưa, bởi vì đầu tôi nghĩ việc nầy nhưng miệng tôi thốt ra lại là chuyện khác. Như ai đó gọi cho ông Kiên chớ không phải tôi. Sự thay đổi chớp nhoáng chỉ trong một giây đồng hồ. Như là có “ma dắt lối, quỷ đưa đường”. Như có sa-tăng nằm trong miệng tôi khoảnh khắc ấy nên chính ngữ âm giọng nói của tôi cũng trầm hẳn xuống, khác hẳn giọng thường ngày...! Và đây là nội dung cú điện thoại:

- “Alô! Có phải nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đầu dây không?”

- “Vâng, tôi đây. Xin cho biết quí danh, độc giả gọi đến báo có việc chi?”

- “Thưa ông, Tôi là Hoàng Hôn Hoàng, anh ruột Hoàng Hôn Huấn. Thằng em tôi nó nhảy cầu Bình Lợi tự tử hồi trưa nầy rồi!”

- “Sao... sao?? Em bảo sao...? Chúa ôi! Chúa ôi! Sao lại thế...? Có ai cứu kịp cậu ấy không?”

- “Không! Không, ông ơi! Em tôi nó thất tình!! Cái cô... cô gì mà nó từng làm thơ gởi cho báo ông đó!”

- “Lạy Chúa tôi! Rồi... xác em của em ra sao...?

- “Vớt. Người ta vớt được, chở vô nhà xác rồi. Thôi, gấp quá! Tôi chỉ báo cho ông biết vậy thôi. Tôi phải đi ngay với người nhà, đến nhà xác liền bây giờ để lãnh xác em tôi về...”

Chỉ nói đến đó. Không cảm ơn cũng như nói lời chào nào cả! Tôi gác điện thoại cái rụp, một mình ngồi ngẩn ngơ như có ai hớp hồn, không biết bao lâu. Không thấy cả bên ngoài trời đã dần sụp tối. Còn đám đánh banh đã chấm dứt chơi, kéo vô phòng tiếp tục giỡn hớt, la lối ồn ào...

Ðúng tám giờ sáng hôm sau, đoàn trại Hè Về Miền Tây lên đường. Bằng một chiếc xe đò lớn loại sáu mươi bốn chỗ ngồi thuê bao, với biểu ngữ căng hai bên hông xe, chất gần bảy chục mạng trại hè viên cùng đồ đạc cá nhân với vật dụng công tác hằm-bà-lằng. Suốt quãng đường trong chặng đầu tiên, xe chạy tới đâu, nhạc sĩ Trọng Khương ôm đàn, cầm càng tập anh em hát bài “Ðoàn Thanh Niên Hướng Về Miền Tây” do ông viết riêng cho trại hè, vang rân tới đó. Vui và hứng khởi hết biết! Còn xe, êm ru theo quốc lộ bốn tới thẳng tỉnh lỵ Mỹ Tho sau khi dừng ở ngưỡng cửa của tỉnh Long An; do nhóm chỉ huy bàn bạc hội ý sao đó không biết, quyết định bỏ chặng công tác Long An.

Ðể an toàn, xe được yêu cầu chạy với tốc độ vừa phải nên gần trưa mới tới Mỹ Tho, dù quãng đường chỉ khoảng trên dưới bảy mươi cây số. Ðoàn trại có liên lạc trước với tỉnh nên được đón tiếp và sắp xếp chỗ trú ngụ mau chóng tại ký túc xá công chức, phía sau một câu lạc bộ bóng bàn. Trưởng đoàn quyết định dẫn anh em ra ăn trưa tại một quán ăn ven sông Tiền cho khỏe vì thấy anh chị em vui quá nên... mệt! Khỏi tổ chức nấu nướng gì cả. Trong khi chờ nhà hàng dọn cơm, nhác thấy phía ngoài, gần tiệm ăn có một sạp bán báo. Tôi chạy ngay ra hỏi có tờ Dân Chủ mới không và mua liền một tờ. Tôi quên nghĩ rằng, ở Sài Gòn, mấy tay bạn còn có số báo hôm đó trước cả tôi. Phải công nhận hệ thống phát hành báo trên khắp miền Nam lúc đó rất nhanh. Hầu hết các tỉnh đều có báo trong ngày, trễ lắm là trưa hoặc xế chiều.

Tôi lướt nhanh qua các trang báo, đặc biệt là trang cuối và trang văn nghệ bên trong. Tối qua, khi nằm nhớ lại trò chơi tinh quái ban chiều, tôi nghĩ ngay đến một chuyện... Và chuyện đó đã hiển hiện trước mắt.

Nơi trang lưng của báo, chen giữa các khung chia buồn, cáo phó, có một khung dành cho... tôi (!)Người chia buồn với gia đình tôi và các bạn trong nhóm Mây Chiều của tôi, không ai khác, chính là bổn báo chủ bút Nguyễn Thạch Kiên! Riêng bên trong báo, nơi trang văn nghệ, ông còn viết thêm mấy lời ai điếu bi thương dành cho một người viết trẻ đã từng cộng tác với ông bấy lâu, cố nhiên là tôi; đồng thời cho đăng truyện ngắn mới nhất mà tôi vừa gởi, ngay bên dưới.

Tôi là tên... vô loại (!)Có phải vậy không?! Ðã vậy còn mang báo vào chìa ra khoe với các bạn trong nhóm làm cho cả bọn trợn mắt nhìn tôi rồi cười rân khiến mấy bàn bên cạnh không hiểu chuyện gì trong tờ báo...!

... Hơn mười ngày sau, khi vừa ló đầu về tới nhà, tôi đã bị má tôi giũa liền, nhưng chỉ nhẹ nhàng: “Con làm chiện dịch vật vậy! Sao lại trù ẻo mình? Không sợ ma da bắt thiệt à?!” Tôi cười trừ: “Má dư biết, con có khi nào tắm sông, tắm suối đâu!?”

Còn mấy tay bạn, gặp lại, chúng phang: “Mầy điên quá, Huấn! Mặt mũi nào gặp lại ổng!” Chính mấy tay bạn tôi cũng cả hơn tháng trời sau, mới dám chường mặt đến tòa báo gặp Nguyễn Thạch Kiên. Nhưng trước đó, Nhật Nguyễn đã mò lên nhà thầy Kiên để “thăm em”. Do bị hỏi dồn quá đã nhả hột thị, ngọng nghịu “thú tội” thay cho tôi trước nhà văn. Nó thuật lại, ổng có gọi máy hỏi Nguyễn Việt mấy ngày sau khi đăng lời chia buồn, nhưng thằng Việt chỉ ú ớ, nói lòng vòng như không biết nên ổng sinh nghi. Nhật nói thêm:” Ông Kiên nói mầy trông hiền lành, lù khù mà sao ranh ma, quỷ quái tợn!”

Tôi thật tình có nhiều ân hận và mặc cảm về chuyện mình đã làm trong những ngày tháng dài sau đó. Nên mặc dù bạn bè vẫn duy trì liên lạc và viết bài cho báo của Nguyễn Thạch Kiên, nhưng riêng phần tôi, tôi không dám gởi bài đến ông nữa. Tất nhiên, tìm gặp ông, lại càng không!

Giữa năm 1982, lúc đi tù về, mấy tay bạn có cho tôi biết thầy Kiên cũng bị đi tù rồi, “diện” (!)đảng phái. Chưa về! Biết chỉ để biết vậy thôi. Do cuộc sống bấp bênh, chẳng tương lai, không lối thoát, lại thường xuyên bị dòm ngó, đe nẹt bởi những thành phần cò-ke-lục-chốt thừa hành từ bạo quyền CS, những người tù cải tạo về đa phần thường thủ phận, giữ thân, hạn chế mọi giao tế với tha nhân cùng xã hội bên ngoài. Tất nhiên có tôi trong số đó. Cho tới ngày có chương trình HO, chiếc lồng mới thật sự được tung cửa. Những cánh chim bị nhốt lâu ngày như nhiều vị trong số bạn đọc và tôi, dù có mỏi mòn đôi cánh, nhưng có thể nào quên được bầu trời và những đường bay; nên đã gắng sức tàn còn lại của mình, vượt qua những trở ngại nhiêu khê gây ra từ các cấp thư lại CS, tung cánh tìm về phương trời tự do. Riêng tôi, đã dừng cánh trên thung lũng xứ sở của mặt trời, của đại vực Grand Canyon, của thành phố chim Phượng Hoàng, bang Arizona nầy.

Ðầu năm 1988, mạng đời chưa thoát, nghiệp dĩ khó từ, tôi nhận làm tờ Ngày Nay ấn bản Arizona từ chiến hữu BÐQ Lâm Bùi, chủ một cơ sở ấn loát tại thành phố nhà. Tờ bán nguyệt báo nầy vốn đã có một ấn bản mẹ từ Houston Texas của Nguyễn Ngọc Linh và Trọng Kim; một ấn bản khác từ Minnessota của Ðại tá NV.Quang (Tổng Cục CTCT/QL.VNCH). Làm phụ với tôi, lo chuyện quảng cáo và phát hành có nhà thơ, nhiếp ảnh gia Vũ Thành từ Cali sang. Vũ Thành trước 75 có thời gian làm việc cho tờ Dân Chủ của Nguyễn Thạch Kiên. Anh nói, sau khi ra tù ổng cũng được sang Cali rồi và anh có đến thăm. Nghe vậy tôi rất mừng nên bàn với Vũ Thành, khi nào có dịp hai người sẽ sang thăm ổng. Vũ Thành còn chìa ra cho tôi mượn đọc tập thơ Nắng Hương Cau mà Nguyễn Thạch Kiên ký tặng anh. Tôi đọc và chọn ngày bài thơ NHC để “đi” liền trên báo Ngày Nay với lời giới thiệu trang trọng nhà thơ đến khối độc giả Arizona. Ðồng thời có ngay ý nghĩ sẽ phổ nhạc bài thơ đó để có dịp gặp, hát tặng ông thay lời tạ lỗi, chuộc lại việc làm sai quấy ngày xưa.

Ác nghiệt thay! Chỉ vài tháng sau khi cộng tác với tôi lo tờ Ngày Nay, một trưa, sau khi đi rải báo phát hành về, Vũ Thành bị stroke nặng. Cấp cứu đưa ngay vào bệnh viện, nhưng anh bị hôn mê luôn tới khi qua đời chỉ vài ngày sau!

Bài nhạc phổ thơ Vũ Thành, tôi đã hứa lúc anh còn sống, thì đã hoàn tất, nhưng chậm hơn ngày anh qua đời. Nên anh cũng chưa từng được nghe tôi hát. Tôi chỉ hát nó trong ngày cúng thất tuần, báo Ngày Nay và anh em bạn hữu tổ chức tưởng niệm Vũ Thành tại hội quán ca nhạc Dĩ Vãng trong thành phố. Không biết nơi nước Chúa, trên cõi vĩnh hằng, anh có nghe được không...?

Riêng với bài thơ Nắng Hương Cau, tôi vẫn còn nợ, không phải với Nguyễn Thạch Kiên mà nợ với chính lòng mình. Bởi nó vẫn còn dang dở, tôi chưa đủ tài năng hoàn tất nó sớm như mong muốn. Mà bây giờ, thầy Nguyễn Thạch Kiên đã bỏ hết tất cả, gia đình con cháu cùng thân bằng quyến thuộc; bỏ hết báo giới, bạn bè văn thi hữu bốn phương; bỏ hết những đàn em, đàn đệ tử muốn bước đi theo bước chân ông trong nghiệp dĩ thơ văn, báo bổ... từ tận ngày xưa. Trong đó có tôi đây...

Làm sao tôi có thể gởi được tiếng lòng mình đến Nguyễn Thạch Kiên vào những ngày tháng quá muộn màng nầy từ chính tôi khi ông đã vĩnh viễn về với nước trời trên cao? Nên chỉ còn cách mượn những dòng cuối cùng của bài viết nầy gởi đến “cô Phượng ngày xưa”, thần tượng của bạn tôi, và anh Nguyễn Thạch Quyết nữa, con trai Nguyễn Thạch Kiên mà tôi biết. Rằng, nếu hai anh chị có đọc được bài viết nầy, thì bất cứ khi nào sớm nhất mà anh chị có đi viếng nơi yên nghỉ của thân phụ, xin làm ơn khấn thêm giùm lời thành tâm của tôi: “Thưa bố, có một người đàn ông tên Huấn, tuổi sắp về chiều, hiện sống cùng gia đình ở Phoenix, Arizona mà ngày xưa, khi còn trẻ dại, đã lỡ lầm nói gạt bố một chuyện tài trời. Nay, ông ta, qua chúng con, xin được nói lên lời tạ lỗi vô vàn trước bố. Xin bố chấp nhận. Ðược vậy, người đàn ông nầy mới giải tỏa được hết niềm ân hận chất chứa trong lòng từ ngày xửa ngày xưa đến giờ. Và sẽ mừng vui biết bao, một ngày nào đó, ông ta được gặp lại bố trên cõi thiên đàng...!”

Hồ Hoàng Hạ
(Phoenix, AZ - Những ngày cuối năm Mậu Tý)
Post Reply