Bình Luận

User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Chuyện một người mù sáng suốt

Tuesday, June 23, 2009
Ngô Nhân Dụng

Hiện nay, người lịch sự không dùng chữ “người mù” mà phải viết là “người khiếm thị.” Sửa lối nói, vì những người mắt sáng muốn tỏ lòng kính trọng đối với những đồng loại không may mắn, mất khả năng nhìn bằng đôi mắt.

Nhưng xin quý vị cho phép chúng tôi dùng tên gọi khiếm nhã cũ, khi kể lại một câu “chuyện người mù” thời xưa, thời xã hội chưa tiến bộ như bây giờ. Thời đó người ta chỉ gọi người không trông thấy được là “người mù.” Có người nói như vậy còn tỏ vẻ khinh bỉ, rẻ rúng những “người mù;” mà không thấy áy náy, không ngượng ngùng nữa. Ngày nay xã hội văn minh hơn, chúng ta tránh những tiếng nói hạ phẩm giá người khác, nhất là những người không được may mắn như mình. Chúng ta chỉ dùng những chữ như “điếc” hay “mù” khi nói đến khuyết tật, nhưng khi nói về con người thì dùng những từ nhẹ nhàng, tôn kính hơn. Phải nói loài người bây giờ đã tiến bộ hơn trong cách đối xử với nhau, và chúng ta nên hãnh diện về sự tiến bộ đó.

Có tác giả kể chuyện một người mù, tôi đọc thời niên thiếu, bây giờ đã quên tên người viết, tôi đã lục tìm bằng các phương tiện rất mới nhưng vẫn không tìm ra tung tích. (Quý vị có thấy nguyên bản ở đâu làm ơn chỉ cho chúng tôi được đọc lại.)

Câu chuyện đó để lại một ấn tượng rất mạnh cho nên tới giờ tôi vẫn chưa quên. Vì đó là chuyện khích động giai cấp cần lao hãy vùng lên tranh đấu đòi quyền lợi cho mình.

Chuyện kể về một chuyến xe lửa chở thợ khai mỏ trên đường đi làm, rồi từ hầm mỏ trở về nhà. Những người lao động này phải ra đi từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc; và lúc họ trên đường trở về nhà với thân thể mệt nhoài thì trời cũng đã tối đen. Nhưng trong toa xe lửa không có đèn, không bao giờ có đèn. Và mọi người ai cũng chấp nhận như thế, coi đó là một điều tự nhiên. Khi tìm được một chỗ ngồi hay chỗ đứng trong toa xe là họ cũng bắt đầu ngủ gật hay là ngủ gục, còn ai quan tâm đến đèn đóm làm gì?

Cho đến một hôm, có một người mù cũng đáp chuyến xe lửa tối đen đó, chen chúc giữa đám phu mỏ. Bỗng anh mù đánh rớt một vật gì đó, một đồng xu chẳng hạn, và anh ta cúi xuống rờ mò tìm kiếm. Tìm mãi không ra, anh ta nói nhờ những người chung quanh kiếm giùm. Không ai tìm ra. Anh mù than phiền rằng mọi người không tử tế, có đôi mắt sáng mà không chịu tìm giúp một người mù như anh. Mọi người bèn giải thích là trong toa xe lửa tối đen, không ai thấy gì cả. Anh mù ngạc nhiên: Trong xe không có đèn à? Tại sao họ không thắp đèn? Sao vô lý vậy? Các anh để cho bọn chủ nhân họ bóc lột, họ bạc đãi các anh như vậy mãi mà cứ cam chịu hay sao?

Cuối cùng, mọi người đồng ý rằng các công nhân có quyền đòi hỏi mỗi toa xe phải thắp ít nhất một ngọn đèn bão, chẳng tốn kém bao nhiêu nhưng sẽ sống dễ chịu hơn. Họ cử người đại diện đến xin các ông chủ, bị các ông chủ nhân từ chối. Họ tổ chức đình công, nhiều cuộc tranh chấp diễn ra. Trước sự đoàn kết của các công nhân, các chủ nhân phải nhượng bộ.

Câu chuyện thật lý thú, chuyện một người mù chỉ cho những người mắt sáng thấy họ có quyền được sống trong ánh sáng. Nói theo lối các anh chị em Mác xít, người mù này “giác ngộ quyền lợi” trước những người sáng mắt.

Trong xã hội nào cũng vậy, người ta sống trong một nề nếp quen rồi, không biết rằng đáng lẽ mình không nên sống như thế, hoặc không bắt buộc phải sống như thế. Thí dụ có một bọn trẻ không được giáo dục, sống chung mà không có thói quen nói năng lễ độ với nhau. Ðến khi gặp một người biết nói năng, thưa gửi với các em đó một cách lễ độ, các em thấy là hay, từ đó bắt chước. Một thời gian sau, mọi người đều biết thưa gửi, biết xin lỗi, biết cảm ơn lẫn nhau, cả xã hội sống lịch sự hơn. Từ đó, nghe ai nói năng cục cằn thô lỗ thì mọi người đều cảm thấy khó chịu.

Có những xã hội người ta coi việc xin xỏ, lạy lục, hối lộ quan chức nhà nước là chuyện bình thường. Hoặc coi những ông lớn, những ông có chức có quyền tất nhiên phải được hưởng mọi ưu tiên hơn mình, đó là chuyện tự nhiên. Coi báo, đài phải tuân theo mệnh lệnh nhà nước cũng là chuyện tự nhiên, trời sinh ra như vậy.

Hãy làm thí nghiệm cho những người này được thử sống trong một xã hội tự do. Cho họ thấy ở một nước dân chủ người dân đến công sở không phải lo hối lộ, khi chờ đợi thì một quan chức nhà nước cũng phải xếp hàng như mình, ai đến trước đứng hàng trước, đến sau đứng sau. Và thấy người ta được tự do sử dụng các phương tiện báo chí, phát biểu ý kiến riêng mà không sợ ai hết. Cho sống như vậy một thời gian, họ sẽ quen đi, khi trở về xứ sở cũ họ sẽ thấy lối sống trong sợ sệt, lối sống bất bình đẳng và thiếu tự do là không thể chấp nhận được. Khi đó những người này có thể trở thành “những anh mù sáng suốt” chỉ cho mọi người quyền được sống trong ánh sáng.

Trong mọi xã hội còn chậm tiến, cần phải có những người “sáng suốt hơn” như anh mù trong câu chuyện ngụ ngôn trên, đứng ra bảo cho người chung quanh là cái lối họ sống như cũ làm họ mất nhân phẩm! Con người không thể sống như vậy! Cần phải thay đổi! Rồi phải có những người có can đảm đứng lên đòi thay đổi, quyết tâm đòi thay đổi, không sợ khó, không sợ chết. Những người thấy trước, biết trước người khác; cùng những người can đảm tranh đấu cho người khác được hưởng những quyền lợi đáng được hưởng, chúng ta rất cần.

Ngay trong các xã hội tiến bộ rồi người ta cũng cần những “anh mù” như trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, những người nhìn rõ các vấn đề chung để cùng tìm cách giải quyết. Trong các xã hội tự do dân chủ thì những người đi trước đó có quyền kêu gọi các đồng loại của mình, nếu có ý kiến khác nhau thì sẽ có dịp tranh luận.

Còn trong những xã hội độc tài đảng trị thì họ cấm bàn, vì giai cấp cầm quyền chỉ muốn ai ở đâu ở đó, trên bảo dưới nghe. Các chính quyền độc tài coi dân như trẻ con, họ là cha mẹ, cha mẹ cho con cái gì thì được cái đó, không được đòi hỏi.

Chúng tôi nhớ lại câu chuyện về người mù trên đây vì mới đọc một bài báo với câu hỏi là “Dân Chủ cho ai?” được trích đăng lại trên nhật báo Người Việt gần đây. Ðại ý bài này nói rằng đa số đồng bào chúng ta sống ở Việt Nam không cần sống trong chế độ tự do dân chủ; do đó tranh đấu Dân Chủ là làm một việc không cần thiết.

Cái ông, bà nào viết bài đó rõ ràng là người dễ tính. Ông/bà ta coi 80 triệu con người sống thỏa mãn với chế độ độc tài chuyên chế của đảng Cộng Sản; cứ tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó, bất công và mất tự do như vậy mà không người Việt nào cảm thấy hổ thẹn với lân bang.

Xã hội nào cũng có những người dễ tính như vậy, nhất là những người đang được hưởng thụ nhờ cơ cấu xã hội đó.

Nhưng thế nào cũng cần phải có những “người mù sáng suốt” hơn người khác, như trong câu chuyện trên đây. Nếu không thì người chung quanh cứ chịu sống trong cảnh tăm tối mãi mà không biết là mình thiếu thốn, là mình bị khinh rẻ, bị sỉ nhục.

Vậy thì từ mấy thế kỷ nay, cả thế giới loài người đã tranh đấu đòi tự do dân chủ, họ đòi Dân Chủ cho ai nhỉ? Cho tất cả chúng ta, cho cả ông hay bà nào viết bài báo đặt câu hỏi đó. Sống tự do là lối sống tôn trọng và bảo vệ giá trị con người, tất cả mọi người. Ðó là sự tiến bộ của nhân loại, phải mất hàng trăm năm, bao nhiêu người đổ máu mới đạt được sự tiến bộ đó. Từ nô lệ bước tới tự do, văn minh nhân loại được xây dựng dần dần như vậy. Cũng giống như lối nói năng lễ phép, tránh không dùng những chữ “người mù,” hay “người điếc” mà sử dụng các tiếng thanh nhã và kính cẩn hơn. Ðó cũng là một nếp sống văn minh mọi người cùng bảo nhau phải sống. Nói năng lễ độ là niềm hãnh diện của loài người, cũng như mọi người hãnh diện khi được sống tự do. Chúng ta chọn sống theo lối đẹp đẽ văn minh; không tiếp tục sống trong bất công, sợ hãi, mất phẩm giá người khác và của mình.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Bản thú tội hay bản cáo trạng

Nguyễn Quang Tuấn

Cả tuần nay chắc không ít thì nhiều người trong chúng ta đã lưu ý và đọc tin về Cộng sản Việt Nam bắt Luật sư Lê Công Định. Và chỉ vài ngày sau là CSVN đã trình bày với công chúng cái gọi là bản thú tội của Luật sư Lê Công Định với 1 video clip tại một số website thông tin tuyên truyền của CSVN.

Sự việc này chắc sẽ làm cho chúng ta có nhiều suy nghĩ, cảm nhận hay phản ứng khác nhau.

Tôi chỉ xin chia sẻ cảm nhận của cá nhân mình sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần "văn bản thú tội" của Luật sư Lê Công Định như sau:

Kính gởi Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an

Tôi tên là Lê Công Định, sinh ngày 1 tháng 10, năm 1968, đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ 163/8 Xô viết Nghệ Tĩnh, tạm trú tại BB34 Toà nhà Mỹ Khang, khu 4 Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp Luật sư.


Trên đây là phần sơ yếu lý lịch không có gì đặc biệt.

Kế tiếp Ls LCĐ vào cuộc.

Tôi xin trình bày hành vi vi phạm pháp luật của tôi theo Điều 88 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Thứ nhứt, tôi đã tham gia khoá huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức từ ngày 1 tháng 3, 2009 tới ngày 3 tháng 3, 2009 tại Thái Lan. Trong đó … do hai người Serbia trình bày. Một người tên là Blado, còn người kia thì tôi không nhớ rõ tên. Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam.


Ls LCD xác nhận đã tham gia huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức khủng bố Việt Tân. Đây là 1 câu với 2 mệnh đề mâu thuẫn. Đã gọi là tổ chức "khủng bố" thì làm sao có chuyện đấu tranh "bất bạo động" được?

Thứ hai, theo sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, tôi đã tham gia tổ chức Đảng Dân chủ Việt Nam do Nguyễn Sĩ Bình Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động đứng đầu. Ông Bình mời tôi tham gia ban Thường vụ của Đảng Dân chủ. Ngày 26 tháng 3, 2009 tôi sang Phukhet gặp ông Nguyễn Sĩ Bình và ông Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam, và về chủ trương thành lập thêm hai đảng là Đảng Lao Động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút thêm mọi người tham gia.

Tiếp theo, Ls LCD xác nhận chủ trương thành lập 2 Đảng chính trị để thu hút mọi người tham gia. Hiến pháp của CSVN chỉ nhấn mạnh DCSVN là lực lượng lãnh đạo tiền phong v.v.. chứ không nói rõ là không cho phép thành lập đảng phái khác.Trên thực tế, thì đã từng có đảng xã hội và đảng dân chủ cùng hoạt động với DCSVN (mặc dù là 2 đảng bị giật dây và chi phối bởi DCSVN). Vậy thì việc Ls LCD muốn thành lập 2 Đảng chính trị không có gì là trái hiến pháp cả. Nếu Ls LCD bị bắt vì điều 88 Luật hình sự thì dây là 1 cơ hội để nêu lên tính vi hiến của đạo luật này, khoan kể đến vi phạm những qui ước về nhân quyền mà CSVN đã ký kết với Liên Hiệp Quốc năm 1982.

Trước mắt, tôi thống nhứt thành lập một blog mang tên là “Đảng Lao động Việt Nam” do tôi phụ trách và blog kia tên là “Đảng Xã hội Việt Nam” do anh Thức phụ trách. Và cũng tại Phukhet chúng tôi đã bàn về việc viết chung một cuốn sách mang tên là “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội kinh tế và pháp luật cho Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nhận định thời cơ của sự thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm 2010, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng. Sau khi về nước tôi đã lập một trang blog và viết lời tuyên cáo thành lập đảng Lao động Việt Nam nhưng do lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện và công bố thì nay tôi đã bị bắt.

Luật sư LCD lại tiếp tục "thú tội" "viết chung một cuốn sách mang tên là “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội kinh tế và pháp luật cho Việt Nam..etc"

Viết sách và tìm giải pháp để cải cách đất nước là 1 sinh hoạt đáng được ca ngợi và thúc đẩy tại các nước dân chủ văn minh nhưng tại Việt Nam thi là tội. Đây lại thêm 1 lần nữa Ls LCD lên án "luật rừng" của CSVN.

Trong quá trình tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam tôi cũng đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong và thuật ngữ của bản điều lệ của Đảng Dân chủ Việt Nam. Tôi cũng đã được ông Nguyễn Sĩ Bình chuyển cho tham khảo và nghiên cứu một bản tân hiến pháp nhằm phục vụ cho việc soạn thảo một bản hiến pháp của Đảng Dân chủ Việt Nam.

Tôi thấy rằng là những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình và tôi mong được nhà nước xem xét, khoan hồng.


Đọc đến đoạn cuối cùng.. "Tôi thấy rằng là những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam" Xin nhấn mạnh... vi phạm luật pháp (rừng) của nhà nước CSVN mà thôi. Xin lưu ý, Ls LCD không hề nhận tội chống phá, hay âm mưu lật đổ chính quyền như CSVN rêu rao trên các báo đài.

Thêm 1 chi tiết nhỏ khá tinh tế... "mong được nhà nước xem xét, khoan hồng". Trong 1 nhà nước pháp quyền thực sự thì... Ls LCD phải xin vị đại diện cho tòa án (chánh án chẳng hạn) khoan hồng. Nhưng ở đây Ls LCD xin 'nhà nước' khoan hồng.

Theo ý kến riêng của tôi đây là 1 bản cáo trạng khéo léo và khôn ngoan mà Ls LCD đã nặn ra. CSVN trong lúc hấp tấp muốn khoe khoang khả năng đàn áp của mình nên đã huênh hoang ép cung Ls LCD và tung lên trên bộ máy tuyên truyền của chế độ văn bản "thú tội" này nhưng có lẽ chắc CSVN không ngờ đã bị bộ óc thông minh của Ls LCD lật mặt chế độ độc tài vởi luật pháp vi hiến, đi ngược với trào lưu tiến hóa văn minh của thế giới.

Tôi thật thán phục bộ óc thông minh của Ls Lê Công Định và ngòi bút uyển chuyển khéo léo của anh đã mượn bộ máy công an, thông tin của CSVN để tự lật mặt nạ chính chế độ độc tài, lạc hậu và thối nát này.

Bái phục, bái phục.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Công An làm chủ

Tuesday, July 07, 2009
Ngô Nhân Dụng

Một người bạn tôi trên 70 tuổi mới đi Việt Nam trở về California tỏ ra rất phấn khởi. Anh chỉ về nước thăm gia đình, sống ba tuần lễ cùng các bà chị và các cháu rất thân thiết. Anh vui mừng kể người cháu trai con Chị Ba làm nhà lớn cho mẹ ở, mời cậu lúc nào muốn cứ về nước sống, cháu dành sẵn cho cậu một phòng rộng rãi có đủ tiện nghi không khác gì bên Mỹ. Anh cháu này lớn lên sau năm 1975, khi kinh tế đổi mới anh chuyên làm nền, móng cho những ngôi cao ốc mà người ta đã xây trong mươi năm qua, đi thầu lại của các nhà thầu lớn, chỉ nhờ thế mà gây nên sự nghiệp.

Ðiều này chứng tỏ trong thời kỳ “đổi mới” này những người biết làm ăn là có cơ hội kiếm ra tiền, ra rất nhiều tiền. Ðây là một điểm đáng mừng. Người bạn tôi vốn tính rất chất phác, thành thật, dễ tin người, hay bị lừa, tôi đã biết từ gần nửa thế kỷ nay. Anh đã vượt biên từ năm 1978, sau khi thấy sống không nổi dưới chế độ Cộng Sản, dù anh là một người lao động thật sự; khi sang Mỹ vẫn sống bằng mấy nghề tay chân, có lúc theo tầu đi đánh cá. Không thể nói là anh có ý nói tốt cho chế độ Cộng Sản. Tôi thành thật chia sẻ niềm vui vì anh bạn tôi có người cháu giỏi giang và may mắn.

Sau khi mô tả cảnh sống sung túc của gia đình người cháu mà anh chứng kiến, ông bạn tôi kể thêm rằng anh chỉ rời nhà bà chị đi chơi một chuyến mấy ngày, nhờ anh cháu lái xe đưa đi. “Nó biểu cậu muốn đi đâu cũng được, mà nó đưa tôi đi khắp, vui quá! Tới chỗ nào có lính, cảnh sát, hay bảo vệ, công an đứng gác nó chỉ huơ tay một cái họ vẫy cho đi qua luôn. Ði chỗ nào cũng được, không ai cần xét hỏi giấy tờ chi hết, sướng thế đấy!”

Anh bạn tôi giải thích thêm: “Vì cái xe nó mượn là xe công an, nó mượn thằng bạn công an vẫn mần ăn với nó. Thẳng chả để một cái mũ công an của nó nằm chình ình dưới kiếng xe ngay đằng trước tay lái, thế là đi đâu cũng lọt!”

Nhìn anh bạn hãnh diện, hả hê, tôi không hỏi anh mấy câu này: Tại sao người cháu anh được phép lái xe của công an mặc dù anh ta chỉ là một nhà thầu chứ không phải là công an? Tại sao một anh công an lại có quyền cho mượn xe công dùng vào việc tư, chỉ để lái đi chơi? Tại sao một cái mũ của anh công an nào đó, không rõ cấp bậc cao tới đâu, mà lại có phép lạ khiến cho các tay cảnh sát, bảo vệ, công an khác phải kính trọng và quơ tay cho đi tự do như vậy?

Chắc hẳn người cháu anh bạn tôi phải là tay giỏi giang và may mắn, như hầu hết những người thành công trên thế giới này. Nhưng trong sự thành công của anh ta, bao nhiêu phần nhờ tài giỏi giang và may mắn, còn bao nhiêu phần là nhờ “thân thiết” với giới công an? Hay là sự thành công của anh hoàn toàn nhờ giỏi giang và may mắn, nhưng sau khi thành công anh bắt buộc phải thân thiết với các vị công an? Nếu không thân thì làm sao có thể mượn oai hùm như vậy?

Câu chuyện nhỏ trên đây là một vài nét nhỏ nằm trong toàn cảnh bức bích họa mô tả xã hội Việt Nam bây giờ. Từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, có thể nói nước Việt Nam bây giờ là do “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,” và... “Công An làm chủ.”

Mà khi nói “Công An làm chủ” thì công an làm chủ nhân thật sự chứ không phải chỉ đứng tên suông, giống như “Nhân Dân làm chủ” mà vẫn cúi đầu để cho Ðảng và Nhà nước muốn làm gì thì làm!

Cho nên không ở quốc gia nào có cảnh một người lái xe bị công an thổi còi, dừng xe lại chậm mấy phút là có thể bị anh công an bạt tai. Có cảnh một nông dân ở Kontum đi về tới đầu làng bị công an hỏi, cãi lại, thế là bị công an đánh vỡ đầu. Ðó là những chuyện nhỏ.

Còn chuyện lớn như ma túy, ma túy tràn ngập khắp các phố phường, gần một nửa số thanh thiếu niên bị mắc vào ma túy. Mà công an thì nhan nhản, ở đâu cũng có mặt, ai động chân động tay đều biết hết. Nhưng ma túy vẫn lộng hành. Nếu không phải chính công an nuôi và bảo đảm thì làm sao bọn buôn ma túy sống được?

Một vụ đàn áp đang làm giới Phật tử ở trong nước kinh ngạc đã xẩy ra ở tỉnh Lâm Ðồng gần một năm nay, mà thành phần chủ động trong việc đàn áp cũng là công an. Gần 400 tăng ni và cư sĩ đang tu tập tại Tu Viện Bát Nhã thuộc xã Damb ri, tỉnh Lâm Ðồng đã bị đuổi khỏi tu viện. Họ mới xuất gia từ năm sau 2003 và theo pháp môn Thiền định, lúc đầu đã được chấp nhận. Nhưng từ năm 2008 tình hình bắt đầu thay đổi... Người đứng tên chủ nhân tu viện này, Thích Ðồng Hạnh, tục danh là Võ Thành Nguyên, đã báo tin cho các tăng ni trẻ tuổi này rằng ông không bảo lãnh cho các tăng ni tạm trú tại chùa theo quy chế hộ khẩu như trước nữa. Tức là gần 400 vị tu sĩ không được phép cư ngụ, phải giải tán. Ông cũng cho biết quyết định này không thuộc thẩm quyền của ông, cũng không thuộc quyền của các chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Lâm Ðồng.

Vậy thuộc thẩm quyền nào? Ðảng? Nhà nước? Hay là ai khác? Chỉ biết rằng trong tháng trước, mấy vị tu sĩ chức sắc của giáo hội tỉnh đến thăm các tăng ni trên cũng bị hành hung! Công an vẫn theo thói thuê côn đồ đến những căn nhà của các tăng ni trẻ trong tu viện để đàn áp không khác gì phương pháp họ đã dùng đối với cụ Hoàng Minh Chính lúc sinh thời, hay đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thủy gần đây. Họ dọa đốt nhà, dọa phong tỏa không cho tiếp tế thực phẩm, và đã cắt điện, cắt nước, và hăm dọa các nhà tu hành trong lứa tuổi đôi mươi.

Những tăng ni này mới xuất gia vì muốn theo phương pháp tu học của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai. Lúc đầu họ được phép cư ngụ tại đó, khi chính quyền Cộng Sản còn cần mời Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh về nước để mượn tiếng tô điểm cho chế độ. Và chính Làng Mai đã giúp khoảng 15 tỷ đồng, khoảng một triệu Mỹ kim để xây dựng thêm và mua thêm đất cho tu viện.

Tại sao có những chuyện rắc rối xẩy ra với các tăng ni ở Bát Nhã? Một nguồn tin phát xuất từ các vị tăng sĩ trong tỉnh Lâm Ðồng cho biết đó là do lệnh của Thiếu Tướng Trần Tư, thuộc Tổng Cục An Ninh. Công an muốn giải tán đám môn đệ của Làng Mai. Mà mệnh lệnh có thể phát ra từ Trung Quốc.

Năm 2008, khi Hòa Thượng Nhất Hạnh về dự lễ Vesak thì chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Hà Nội trục xuất ông. Nguyên do vì trước đó ông đã tuyên bố tại La Mã (Roma) những lời ủng hộ cuộc tranh đấu của nhân dân Tây Tạng, khi được báo chí phỏng vấn. Ông cũng đề nghị ban tổ chức lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc nên mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tới Việt Nam tham dự lễ này. Những ý kiến đó khiến chính phủ Bắc Kinh nổi giận.

Từ đó, những tai họa bắt đầu đổ lên đầu đám tăng ni trẻ tuổi. Hơn mười tăng ni từ Làng Mai về nước đã lần lượt bị chấm dứt chiếu khán không được phép ở lại Việt Nam. Bây giờ chỉ còn những tăng ni mới tu học, gia đình họ bị công an làm áp lực phải kêu gọi con em trở về nhà. Trong khi đó thì công an áp dụng chính sách hộ khẩu đòi đuổi họ ra khỏi chùa! Ðiều khiến dư luận trong nước ai cũng bầy tỏ niềm kính trọng là các vị tăng ni dù còn trẻ nhưng vẫn kiên trì bất bạo động. Khi bị đám du côn đe dọa và khiêu khích thì các nhà tu mới xuất gia được dăm bẩy năm này chỉ ngồi xuống, thiền định, niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Họ đã đủ sức tự bảo vệ lẫn nhau và chứng tỏ cho đám công an biết sức mạnh tâm linh không hề lay chuyển trước bạo lực. Nhà thơ Hoàng Hưng ở tận Hà Nội cũng phải động lòng trước cảnh các tăng ni bị đàn áp ở Tu Viện Bát Nhã, trên đài RFI ông đã yêu cầu đảng Cộng Sản và Nhà nước phải can thiệp chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo và vô lý này.

Nhưng nhà thơ đã mất công nói chuyện với cái đầu gối! Vì trong vụ Bát Nhã, không ai biết đảng Cộng Sản và Nhà nước của họ chủ trương thế nào cả. Họ hoàn toàn im lặng, giao phó mọi việc cho công an. Chỉ biết là có những đám côn đồ kéo đến một trăm, hai trăm người, hành hung và hăm dọa giết các tu sĩ, kéo dài trong mấy tuần lễ. Chuyện tầy đình như thế, cả nước chỉ biết tin qua các mạng lưới còn báo chí của đảng Cộng Sản thì theo lệnh cứ hoàn toàn im lặng. Cả bộ máy nhà nước Cộng Sản không hề làm một việc gì hay nói một câu nào để chứng tỏ là họ biết và quan tâm đến những tội ác đang diễn ra ở Tu Viện Bát Nhã.

Như vậy thì chỉ có thể kết luận là cả Ðảng và Nhà nước Cộng Sản hiện nay không có mặt trong nước Việt Nam! Mọi việc đều do công an làm chủ!

Có thể trong vụ này Ðảng và Nhà nước Cộng Sản đã chịu thua thật sự. Vì họ đã tính lợi dụng ông Hòa Thượng Nhất Hạnh khi mời ông về nước, cốt chứng tỏ họ tôn trọng Phật Giáo. Ông đã về Việt Nam hai lần, nhưng bây giờ đảng Cộng Sản phải trả giá và cái giá có vẻ quá cao đối với họ. Chỉ trong mấy năm trời Làng Mai đã gieo được những hạt giống mới, đã nẩy mầm, đã trở thành những cây xanh tốt. Nhóm tăng ni trẻ tuổi đã chứng tỏ họ có tu tập Phật pháp vững vàng. Họ bắt đầu được các Phật tử địa phương kính trọng, rồi đến những Phật tử mỗi tuần từ miền Nam và miền Trung bắt đầu kéo về tu viện để học cách thực hành Phật Giáo theo phương pháp mới.

Ðảng Cộng Sản không thể chấp nhận những ảnh hưởng trên quần chúng ngoài tầm kiểm soát của họ, dù chỉ là những cái mầm mới nhú ở một tu viện trên cao nguyên Lâm Ðồng. Nhưng điều nan giải nhất với đảng Cộng Sản Việt Nam là họ cũng không thể kiểm soát được Hòa Thượng Nhất Hạnh khi ông bầy tỏ quan điểm đối với Trung Quốc. Không những đã ủng hộ việc dân Tây Tạng đòi quyền tự chủ, ông còn khuyên họ hãy kiên nhẫn, lấy dân tộc Việt Nam làm gương. Người Việt Nam đã bị Hán tộc cai trị cả ngàn năm, sau cùng vẫn dành được độc lập, người Tây Tạng nên biết điều đó.

Có lẽ đó là giọt nước làm tràn ly. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể nào chấp nhận được những ý kiến như vậy. Từ đó, công an Cộng Sản Việt Nam phải đàn áp! Ở một nước mà công an làm chủ thì chỉ cần nắm được công an là nắm được tất cả. Hàng lậu chuyển đi cũng lọt khi được công an bảo lãnh. Ma túy chuyển vào cũng được, làm tiêu hao sức lực thanh niên. Và khi cần đàn áp trả thù ai thì công an cũng sẵn sàng!
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Cái Chết ông Nguyễn Hộ

VI ANH . Việt Báo Thứ Bảy, 7/11/2009, 12:00:00 AM

Ông Nguyễn Hộ một người gốc gác Miền Nam theo CS rất sớm đã qua đời. Lẽ ra chết là hết, nên để cho ông yên, ôm niềm đau, mối hận của ông đối với Đảng CSVN xuống mồ để an giấc ngàn thu. Nhưng hềm vì đến giờ phút này ở hải ngoại vẫn còn có người chưa hiểu Cộng sản, và CS Hà nội đang tuyên truyền kêu gọi người Việt tỵ nạn CS bỏ quá khứ ra sau, hướng về tương lai phiá trước đem chất xanh, chất xám về xây dựng quê hương. Cái chết của ông Nguyễn Hộ có thể là một bắng cớ sống để những người còn mon men muốn hoà giải hoà họp đi với CS rút kinh nghiệm.

Một, có kỳ thị Bắc Nam trong nội bộ Đảng CS. Kể ra nỗi hận buồn của ông Nguyễn Hộ đối với Đảng CS coi vậy ít hơn đối với Tướng Trần văn Trà. ông Hộ tuy gia nhập Đảng sớm, ở tù chung Côn Đảo với ông Lê Duẩn, nhưng trong thời CS Hà nội tóm thâu được Miền Nam, thời kỳ quân quản Miền Nam, ông Hộ chỉ làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn TP.HCM, rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM. Sau đó bị CS Hà nội "điều" ra khỏi địa bàn Saigon, đưa ra làm Tổng Công Đoàn một chức vụ hữu danh vô thực, cho ngồi chơi xơi nước để dễ kiếm soát.

Còn Tướng Trần văn Trà là một đại quốc công thần của Đảng CS trong việc trường kỳ kháng chiến tóm thâu cho được Miền Nam. Ông tùng giữ Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản nhưng chỉ khác ý với CS Hà nội đặc biệt là ông Lê đức Thọ khi viết về cái gọi là Đại Thắng Mùa Xuânï, là "đì tận cùng cây số". Bị tịch thu sách, điều ra Bắc làm việc ở Quốc Phòng với ý đồ như đối với ông Hộ. Tướng Trà kinh nghiệm CS nhiều, không đi,sợ bị ám hại trên đường và một thời gian sau đi trị bịnh ở Tân Gia Ba và chết một cách khó hiểu trong thang máy.

Niềm đau nỗi hận của Ô Hộ coi vậy cũng ít hơn đối với những người "trí thức học Tây" gốc gác Miền Nam, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, giáo sư nghe lời Đảng CS, gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, con đẻ của CS Hà nội. Khi Oâng Trường Chinh vào tới Saigon là bịt mũi chê mùi tư sản; CS Hà nội "giải thể" Mặt Trận, bóp mũi sinh mạng chánh trị những nguời trí thức Miền Nam theo CS Hà nội - một cách không thương xót. Có một người làm Bộ Trưởng Tư Pháp của chánh phủ lâm thời của Mặt Trận Giải Pháp Miền Nam liều mạng vượt biên đến được Pháp. Còn những người kẹt ở lại CS Hà nội cho ngồi chơi xơi nước, nhổ từ sợi tóc suy gẫm về điều mà Ô Nguyễn Hộ gọi là "đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa".

Nói gì thì nói -- Nam- Bắc vẫn là lý do bị CS Hà nội đa số là người Miền Bắc và Băc Trung Phần nghi kỵ về lý lịch, về những ngày hoạt động trong lòng địch, nên bị "phân biệt đối xử", trong thời CS Hà nội mới chiếm được Miền Nam. Kỳ thị đến đổi CS Hà nội sáp nhập các tỉnh Miền Nam để bớt trung ương ủy viên tức hạ số phiếu của đảng bộ Miền Nam xuống.

Thực ra Ông Nguyễn Hộ chỉ bắt đầu "phản tỉnh" khoảng năm 1987 sau khi về hưu. Nhưng cái tánh "nam kỳ cục" của ông là "cọc, ruột để ngoài da". Ông viết và phổ biến nhiều bài bàn về ''Giải pháp Hòa hợp Hòa giải'' và ''Quan điểm và cuộc sống''. Ông thành lập Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ năm 1987 và ra tờ báo Truyền thống Kháng chiến. Cọc đến nổi gia nhập Đảng Cộng sản năm 1934, và năm 1991 tuyên bố ra khỏi Đảng. Ra khỏi Đảng sau khi vào năm 1990 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm cố gắng nói phải quấy để ông từ bỏ con đường đối lập mà không thành và sau khi hàng ngàn thành viên của Câu Lạc Bộ bị bắt và tờ báo của ông đến số 3 bị tịch thu. Riêng ông Nguyễn Hộ thì rời Sài Gòn về sống tại Củ Chi và bị bắt nhưng một thời gian ngắn cho ông về nhà và quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào tuổi gần 100, sống rất thọ.

Ô. Hộ được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao tặng giải thưởng Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu). Khi ông qua đời, tin ghi nhậân được trên chương trình tiếng Việt của Đài RFI, RFA, BBC, ông Hà sĩ Phu, Nguyễn thanh Giang, Bùi Minh Quốc (những người trong hàng ngũ Đảng Nhà Nước CS phản tỉnh và bất đồng chánh kiến với Đảng Nhà Nước CS Hà nội) tỏ ra cảm kích về cái chết của ông Hộ.

Nhưng ở hải ngoại có người chống. Một người không xa lạ gì ở Little Saigon ( Mỹ) ông Lưu trung Khảo viết trên web "ông Hộ là một đảng viên cán bộ có chức có quyền thời Saigon mới bị chiếm, Oâng Hộ nói 'Chiếm được Saigon, nhà của ngụy ta ở, xe của ngụy ta lái, vợ của ngụy ta lấy, con cái ngụy ta bắt làm nô lệ, ngụy quân, ngụy quyền ta sẽ tống vào trại cải tạo, khai thác sức lao động cho chết dần không cần phí đạn mà bắn chúng.’

Chỉ sau khi bị mất chức, mất quyền, Nguyễn Hộ mơi thành lập Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiền Cũ và tranh đấu chống lại bọn cầm quyền đã tước bỏ quyền lợi của y." Câu nói này của ông Khảo chưa thấy nói lấy ở nguồn nào, Ông Hộ nói ở đâu, lúc nào. Nhưng phù hợp với thái độ và hành động của ông Hộ, Tạ bá Tòng, Mười Tân, Sáu Nở, những cán bộ CS gốc Miền Nam đã lùng sục, bươi móc làm cho dân kỳ cựu Miền Nam ở Saigon "rung eng phát rét", nhán còn hơn cọp 30-4.

Sau cùng, gần đây ở Little Saigon có ra mắt phát hành cuốn "Hồi ký Của Một Thằng Hèn" của Nhạc sĩ Tô Hải. Nhạc sĩ Tô Hải tự cho mình là "thằng hèn" chính vì nhạc sĩ đã từng cam chịu là một công chức văn nghệ sáng tác theo yêu cầu của Đảng, chứ không phải sáng tác từ những rung cảm của trái tim (RFI phỏng vấn Tô Hải từ Saigon) . Nhưng nhạc sĩ Tô Hải không phải là người đầu cũng chưa là là người cán bộ đảng viên CS chót "phản tỉnh" sau khi mất chức, mất quyền, vì "phục viên [ từ CS, tức hưu trí] " như Thủ Tướng Võ văn Kiệt, Ô. Nguyễn Hộ, bị thất sủng như Đại Tướng Võ nguyên Giáp.

Theo Ô. Nguyễn thanh Giang. Ô. Hộ là người đầu "phản tỉnh". Nhiều người lắm nhưng có một hiện tượng này không thể không ghi nhận. Từ ngày đổi mới kinh tế, khoá chặt chánh trị, trong chế độ CS Hà nội, hầu như đã đang thành hình qui luật bất thành văn. Một số đảng viên CS có chức có quyền sau khi "phục viên", thất sủng, về vườn thường hay thức tỉnh hay "phản tỉnh", nói theo cảm nghĩ, quan điểm chung của "quần chúng nhân dân". Bày tỏ cảm tưởng bất bình chống lại những sai trái của đảng mà CS bưng bít hay lên tiếng về những thời sự khác với ý đảng vận động tuyên truyền.

Có lẽ do bất mãn cá nhân cũng có, mà do về vườøn sống với dân chúng nên biết sư tình, thông cảm nỗi khổ của dân nên lương tâm cắn rứt thành lời.

Dù sao số phận những cựu cán bộ, đảng viên cũng không nguy hiểm lắm. Dù sao hậu bối những cán bộ đảng viên đang cầm quyền vuốt mặt cũng phải nể mũi. Dù gì Đảng cũng còn "chiếu cố" những "đồng chí lão thành cách mạng".

Báo chí trong nước một vài tờ cũng còn đăng phát biểu ý kiến của Cựu Đại Tướng Võ nguyên Giáp, Cựu Thủ Tướng Vỗ văn Kiệt.

Trường hợp Ô Nguyễn Hộ được Mặt Trận Tổ Quốc Saigon lo "lễ tang" như một nhân vật "cách mạng lão thành", được báo của Đảng tại Saigon đăng một tin rất nhỏ, tuốt trong trang trong.

VI ANH
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

CSVN muốn tồn tại phải tiếp tục khủng bố, lừa bịp

Ðỗ Nam Hải
Tuesday, July 14, 2009

SÀI GÒN 14-7 (NV) - Chế độ CSVN dùng khủng bố và lừa bịp để tiếp tục nắm giữ quyền lực chính trị. Ông Ðỗ Nam Hải, một thành viên ban điều hành “Khối 8406” ở Sài Gòn còn chưa bị bắt giữ gửi thân hữu khắp nơi một bản ý kiến về chiến dịch bắt giữ những người đấu tranh cho công lý và dân chủ đang diễn ra ở Việt Nam.
------------------------------------------------------

Kính gửi: Quý vị và các bạn quan tâm,

Thời gian qua, có 1 số bạn hữu đề nghị tôi cho biết suy nghĩ của mình về việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (NCQ CSVN) vừa mở 1 chiến dịch mới để đàn áp, bắt bớ những người đấu tranh dân chủ trong nước. Theo tôi, có một số nguyên nhân chính sau:

1. Nhà cầm quyền CSVN muốn dằn mặt dân tộc Việt Nam, dằn mặt phong trào Dân Chủ Việt Nam, dằn mặt giới trí thức, luật sư, báo giới, du học sinh, học sinh, sinh viên trong nước và tầng lớp công-nông-binh, v.v. Ý đồ của họ là muốn duy trì thường trực nỗi sợ hãi trong nhân dân bằng cách triệt tiêu từ trong trứng nước mọi sự phản kháng của nhân dân đối với sự cai trị hà khắc, thâm độc, phản dân chủ và phản dân tộc của họ. Bởi vì, hơn ai hết họ hiểu rằng: Muốn tồn tại, họ không còn con đường nào khác ngoài con đường lừa bịp và khủng bố dân tộc như hơn 64 năm qua họ đã làm. Cái gọi là: ‘Chế độ XHCN tươi đẹp của chúng ta là sự lựa chọn của nhân dân và của lịch sử’ thực chất là 1 luận điệu bịp bợm và xúc phạm nặng nề đối với toàn bộ dân tộc Việt Nam.

2. Ðánh lạc hướng dư luận trong nước về:

- Vụ bauxite ở Tây Nguyên, về sự bạc nhược của họ ở biển Ðông, về sự gặm nhấm, lộng hành bởi việc đã và đang có mặt của hàng chục ngàn người Trung Quốc ở khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các dự án đầu tư mà phía Trung Quốc thắng thầu bởi sự thiếu công khai, minh bạch.

- Sự thối nát bởi bộ máy tham nhũng và những mâu thuẫn trong nội bộ của nhà cầm quyền CSVN đang ngày càng sâu sắc và lộ rõ, không gì có thể che giấu được, v.v. Chính cái bộ máy độc tài toàn trị hiện nay là vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho tổ quốc ta bị tụt hậu, nhân dân ta bị điêu linh chứ không phải là cái gì khác!

3. Lấy lòng quan thầy Bắc Kinh. Ðặc biệt là sau chuyến đi của ông Lý Nguyên Triều, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tổ chức trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc sang Việt Nam, Tháng Sáu 2009.

4. Bộ Công An Việt Nam muốn tạo ra những chiến công giả để được mừng công, báo công và được đảng CSVN thưởng công thật. Qua chiến dịch bắt bớ thô bạo, với những chứng cớ giả tạo vừa qua và có thể sắp tới nữa sẽ có nhiều công an Việt Nam được thăng chức, thăng cấp v.v... và nhất là có lý do để duy trì bộ máy công an đồ sộ hiện nay nhằm “bảo vệ nền an ninh quốc gia”(!?) Trong khi thực tế thì chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, an ninh kinh tế, an ninh trật tự, v.v. của nhân dân thì ngày càng xấu đi một cách tệ hại.

ÐCSVN cũng biết ý đồ “tạo chiến công” này của Bộ Công An Việt Nam, nhưng họ vẫn chấp nhận và vẫn thưởng công thật. Bởi một lẽ đơn giản là họ rất cần lẫn nhau. Tất cả các chế độ độc tài trên thế giới đều có chung điểm này: Sự giả dối và lộng hành, kể cả sự lộng hành và qua mặt những nhà lãnh đạo chính trị của các lực lượng cảnh sát như: Stasi (Ðông Ðức cũ), KGB (Liên Xô cũ), v.v. đã chứng minh rất rõ điều này.

Nếu quý vị đọc báo CAND ngày 8 Tháng Bảy 2009, trang 1 có đi tin về Hội nghị tổng kết kế hoạch KH. CM12 tại Cà Mau, có cả các ông: Lê Hồng Anh - bộ trưởng, Nguyễn Khánh Toàn - thứ trưởng thường trực, Phạm Dũng - tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An tham dự sẽ thấy rõ hơn vấn đề. Vậy KH. CM12 là gì? Thực chất, đây chính là một kế hoạch phản gián mà trong đó, cái đinh của kế hoạch này chính là việc cài người vào các tổ chức đấu tranh mà họ gọi là ‘phản động’ gần 30 năm về trước (từ 1981). Cũng cần lưu ý rằng: Họ đã làm việc này một cách rất thành thạo trong suốt hơn 64 năm qua; kể cả việc cài được người vào trong Dinh Ðộc Lập, trước ngày 30 Tháng Tư 1975. Nay, 30 năm sau họ chú trọng tổng kết rất toàn diện nó, không ngoài ý đồ tiếp tục cài người vào phong trào Dân Chủ Việt Nam đang dâng cao. Qua đó, tìm cách lấy tin, lấy chứng cứ giả để đặt bẫy, đánh phá phong trào Dân Chủ Việt Nam từ trong ra.

Bài học này rất xưa rồi nhưng họ vẫn cứ lặp đi lặp lại và vẫn tỏ ra “hữu hiệu”. Thực tế là họ vẫn bẫy được người đấu tranh dân chủ.

5. Sự quan tâm không đúng mức của chính phủ các nước dân chủ, nhất là chính phủ mới của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đối với các vấn đề dân chủ, nhân quyền trên thế giới cũng là một dấu hiệu thuận lợi cho sự đàn áp vừa qua của NCQCSVN.

Trên đây là một số ý kiến sơ lược, rất mong nhận được sự quan tâm của quý vị và các bạn. Tôi luôn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: phong trào Dân Chủ Việt Nam dẫu có phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách khốc liệt ở phía trước, song nhất định sẽ đấu tranh thắng lợi. Dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thoát được tai ách của chế độ độc tài toàn trị hiện nay để xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, tự chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị trong một tương lai không xa.

Trân trọng,

Ðỗ Nam Hải (Phương Nam)
441 Nguyễn Kiệm - phường 9 - quận Phú Nhuận - Sài Gòn
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Sự im lặng ô nhục

Friday, September 04, 2009
Lê Duy Nhân - Viết riêng cho Người Việt

Sau loạt bắt giam các nhà hoạt động dân chủ, chính quyền CSVN tung chiến dịch đàn áp các “blogger” trong nước, nhằm hạn chế không gian ảo tại Việt Nam.

Việt Nam không có bất cứ một tổ chức truyền thông tư nhân nào ngoại trừ Internet. Mặc dầu chính quyền áp dụng trăm phương ngàn kế để chặn đứng các luồng thông tin trên không gian ảo nhưng số người truy cập thông tin trên Internet mỗi ngày một đông đảo khiến chính quyền càng gia tăng đàn áp. Việt Nam được xếp vào danh sách 12 nước “kẻ thù của Internet.”

Trong những ngày gần đây hầu hết các blog đều tập trung mũi nhọn vào hai vấn đề nổi cộm trong tâm tư người Việt trong và ngoài nước: Trung Quốc khai thác bauxite và cưỡng chiếm biển-đảo của ta. Vì lo sợ “tình hữu nghị 16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt” với người “thầy phương Bắc” vĩ đại bị xúc phạm, chính quyền Việt Nam đã vội vã bắt giữ blogger Người Buôn Gió tức ký giả Bùi Thanh Hiếu.

Các bài viết về “chuyện nước Vệ và nước Tề” mô tả tài tình tính chất ươn hèn của đảng CSVN và bản chất bá quyền của Trung Quốc của ông được hàng trăm ngàn độc giả trong và ngoài nước say mê sau đọc.

Vài ngày sau đó công an lại “bắt cóc” phóng viên Phạm Ðoan Trang của báo điện tử VietnamNet. Bà Trang đã bị bắt mà ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng biên tập của bà cũng không hay biết bà hiện bị giam giữ ở đâu. Ông Tuấn còn tuyên bố rằng bà Trang bị bắt không phải do các bài bà viết trên VietnamNet. Vậy thì bà bị bắt vì lý do gì? Vì tội “phá hoại an ninh tổ quốc” hay sao? Nhờ cái tội tưởng tượng này mà ông Tuấn sẽ không bị liên lụy về những bài viết của Phạm Ðoan Trang. Bà Trang “can tội” tiết lộ thái độ hống hách của viên tham tán kinh tế thương mại Hồ Tỏa Cẩm của sứ quán Trung Quốc, đòi “dạy dỗ” báo điện tử VietnamNet, tin tức “kinh khiếp” này không có báo nào dám đăng nên phải nhờ blog loan truyền cho nhân dân.

Ngoài ký giả Huy Ðức của báo Sài Gòn Tiếp Thị bị “mất việc” vì bài viết “Bức Tường Berlin”, mới đây lại có tin ông Trần Uy, phó trưởng Ban Thời Sự của Ðài Truyền Hình Việt Nam đã bị treo giò.

Hàng loạt người cầm bút dũng cảm cất tiếng nói của sự thật và công lý, bị đàn áp, bắt bớ... thế mà toàn bộ báo chí, truyền hình im lặng, y như chuyện chẳng liên quan gì đến giới truyền thông. Các cơ quan chủ quản, đồng nghiệp, độc giả, bè bạn,... cũng nín thinh. Nếu chuyện như vậy xảy ra trên bất cứ một nước có tự do báo chí thì chắc chắn chính quyền nơi đó sụp đổ ngay.

Tại các nước dân chủ, báo chí là đệ tứ quyền vì không có tự do báo chí thì một trăm bản hiến pháp dân chủ nhất cũng không ngăn chặn được lạm dụng quyền lực và dục vọng độc tài của người lãnh đạo. Báo chí vừa là nguồn thông tin vừa là nhà trường của quần chúng.

Cho nên có thể nói rằng dân tộc nào có nền báo chí đó và ngược lại báo chí nào có dân tộc đó. Báo chí là chỉ dấu của trình độ dân trí và thành trì đích thực của dân chủ tự do.

Một nhà nước sợ tự do báo chí là một nhà nước có tội lớn với dân tộc. Nó hủy hoại óc sáng tạo, triệt tiêu tinh thần độc lập, tự chủ, thui chột tư duy tiến bộ.

Việt Nam có trên 700 tờ báo và hàng trăm đài phát thanh, truyền hình, sao không có lấy một tiếng nói chân thật? Mấy chục ngàn nhà báo, ký giả, phóng viên, bình luận gia,... họ ở đâu? Họ làm nghiệp vụ báo chí để lĩnh lương của đảng, nhưng tiền đảng lấy ở đâu? Tiền bán bauxite, bán đảo biển cho Trung Quốc hay tiền do cướp đất của nông dân?

Lịch sử sẽ phán xét đảng CSVN nhưng lịch sử cũng không quên “sự nghiệp bồi bút” của báo chí. Trong lịch sử nhân loại không có báo giới nào vô trách nhiệm như báo giới “quốc doanh” ở Việt Nam ngày nay.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontieres) đã lên án chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Người Buôn Gió và phóng viên Phạm Ðoan Trang.

Các nhà báo VN nghĩ sao?
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Ai cũng có một thời tuổi trẻ

Tuesday, October 06, 2009
Ngô Nhân Dụng


Những trận bão đổ vào miền Trung Việt Nam khiến khắp nơi lại kêu gọi nhau cứu giúp các đồng bào lâm nạn. Chúng tôi lại nhớ trận bão lụt năm Thìn, 1964. Tháng Mười năm đó, báo chí loan tin bão lụt làm hàng chục ngàn đồng bào mất nhà cửa, không đủ thức ăn; nhiều thanh niên, sinh viên đã tự động họp lại bàn chuyện “cứu lụt.” Họ thuộc nhiều đoàn thể, như nam và nữ Hướng Ðạo, thanh niên, sinh viên Phật tử, thanh niên, sinh viên Công Giáo, thanh niên thiện chí, các hội sinh viên ở Văn Khoa, Khoa học, trường Kỹ Thuật Phú Thọ, học sinh Cao Thắng, vân vân. Nhưng khi họp nhau thành lập một tổ chức tạm thời lo việc cứu trợ họ không cần xin phép đoàn thể của họ. Họ cũng không cần phải xin phép chính quyền, lúc đó cụ Phan Khắc Sửu là quốc trưởng. Phong trào “cứu lụt” này chỉ kéo dài trong mấy tháng rồi giải tán, nhưng đã gửi được nhiều đoàn sinh viên, học sinh ra miền Trung đem theo quần áo, chăn mền, thực phẩm và tiền quyên góp được ở Sài Gòn và các thành phố lớn đến tận tay các nạn nhân.

Khi phong trào khởi lên, các báo đài đều loan tin. Sinh viên, học sinh tự động đến ghi tên tham dự. Chính quyền lúc đó không nghi ngờ, không ngăn cản mà còn khuyến khích bằng cách giúp đỡ phương tiện di chuyển. Cụ Phan Khắc Sửu và ông Bộ Tr ưởng Phan Quang Ðán cho mở kho của Bộ Xã Hội, nhờ các thanh niên đem phẩm vật đến tận tay đồng bào, họ biết đường dây đó nhanh chóng hơn guồng máy của nhà nước và không lo bị mất mát. Mỗi đoàn thanh niên từ 50 đến 100 người gồm đủ sinh viên, học sinh các trường, được Bộ Giáo Dục cho nghỉ học, các giáo sư được nghỉ dậy để tham dự việc nghĩa trong hai, ba tuần.

Công tác xã hội đó là một kinh nghiệm sống quý báu cho giới trẻ. Vì họ có dịp chứng kiến những người bị hoạn nạn và mở rộng đức từ bi, chứng kiến cảnh chiến tranh mà trước đó họ chỉ đọc tin tức trên báo chí. Nhờ thế mà họ sống thật trong tình yêu nước thương nòi, thêm ý thức về trách nhiệm của mình đối với đất nước, và nuôi dưỡng lý tưởng phục vụ suốt cuộc đời của họ.

“Ai cũng có một thời trai trẻ,” đó là một câu thơ của một bạn trẻ viết vào thời 1960, 70. Thế hệ lớn lên trong thời đó rất dễ nẩy sinh lòng nhiệt thành muốn phục vụ xã hội chung quanh. Phải nói năm 1964 mở đầu một phong trào thanh niên ở miền Nam Việt Nam, nhờ chính quyền mới cho người dân được tự do hơn. Trong mấy năm sau đó xã hội công dân ở miền Nam phát triển mạnh vì chính quyền tin tưởng vào đám thanh niên có thiện chí. Bao nhiêu đoàn thể trẻ ra đời, một phần phát xuất từ các tôn giáo nhưng đa số là những nhóm người tự nguyện tự động họp nhau. Cứ 10 người, 20 người trẻ họp lại là có thể thành lập một tổ chức, xin Bộ Thanh Niên công nhận và được Bộ Nội Vụ cho phép. Từ đó họ phát triển thành những đoàn thể hàng trăm, hàng ngàn người, từ các thành phố lớn lan ra các tỉnh, quận. Tất cả đều nêu cao lý tưởng phục vụ xã hội, giúp đỡ đồng bào. Chính phủ miền Nam có lúc cũng tổ chức những đoàn thể thanh niên để chi phối hoặc hướng dẫn nhưng không thành công như các tổ chức tự do và tự nguyện của tư nhân. Sau năm 1971 thì phong trào này bớt mạnh vì áp lực của chiến tranh khiến các sinh viên, học sinh phải lo học nhiều hơn, nhiều người phải gia nhập quân đội, và nhiều thanh niên khác được lôi cuốn vào những phong trào chính trị hơn là xã hội.

Nhưng trong khoảng 5, 6 năm từ 1964 trở đi, tuổi trẻ ở miền Nam đã sống những ngày rất đẹp nhờ tự do hoạt động. Các thanh niên, sinh viên họp nhau để hội thảo. Các sinh viên, học sinh họp nhau để làm công tác giúp ích. Các đoàn thể tự nguyện không có cách nào khác là phải sống theo các quy tắc tự do dân chủ, vì thanh niên không thể chấp nhận cách nào khác. Trong khi làm các công việc cụ thể, họ rèn luyện bản thân, họ nuôi dưỡng lý tưởng. Các bạn trẻ này đã trở thành những hạt giống để phát sinh một xã hội công dân năng động, là nền tảng của mọi chế độ dân chủ. Không có một trường học dân chủ nào hữu hiệu bằng các sinh hoạt thanh niên tự do, tự nguyện.

Khi nói đến xây dựng chế độ dân chủ tự do người ta thường nghĩ đến việc thiết lập một bản hiến pháp mới, xây dựng các định chế, lập ra một chính quyền mới, vân vân. Nhưng một chế độ dân chủ có bền vững hay không là do xã hội công dân có đủ mạnh hay không. Khi các công dân một nước, trong từng khu phố, từng làng xóm biết tự động, tự nguyện họp nhau cùng thảo luận và tìm cách giải quyết các nhu cầu chung, không cần đợi chính quyền kêu gọi hoặc ra lệnh, khi đó họ đang sống tự do dân chủ và xây dựng dân chủ. Thói quen đó được huân tập lâu ngày cho thêm bền chặt, thì nền dân chủ sẽ bền vững. Ngày xưa Phan Châu Trinh khuyên dân ta phải bồi bổ dân trí, phải nâng cao dân khí. Phương pháp bồi bổ và nâng cao không gì bằng phát triển xã hội công dân (civil society). Trong nước hiện giờ hay dịch là “xã hội dân sự,” một từ ngữ không diễn tả đầy đủ ý nghĩa của vai trò các công dân tự do, tự nguyện, độc lập và ngang hàng với chính quyền. Trong đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang bàn đến nhu cầu phát triển xã hội dân sự. Nhưng một “xã hội dân sự” do chính quyền tổ chức theo nhu cầu của họ, mà không do các công dân tự nguyện đứng ra làm lấy, thì không phải là “xã hội công dân.” Vì vậy cần phải chính danh trước.

Năm 1964 đánh dấu một thời kỳ giới trẻ ở miền Nam Việt Nam phát triển thành những đoàn thể tự nguyện với lý tưởng phục vụ. Giống như mặt đất bước vào Mùa Xuân, không khí thay đổi trong xã hội thời đó tạo cơ hội cho bao nhiêu thanh niên có dịp sống cuộc đời có ý nghĩa.

Tuần trước, một nhóm anh em cùng hoạt động trong thời gian đó mới họp mặt với nhau ở Thiền Viện Tánh Không, miền Nam California. Ðó là những người đã khởi xướng và hoạt động trong phong trào Thanh Niên Chí Nguyện, thành lập năm 1964. Vị trụ trì thiền viện, thầy Thông Triệt trước khi xuất gia cũng là một Thanh Niên Chí Nguyện, mà nhóm này do anh Trần Ngọc Báu, một bạn cựu chủ tịch Sinh Viên Công Giáo khởi xướng cùng các thanh niên thiện chí khác. Các thanh niên chí nguyện đã huấn luyện được khoảng 300 thanh niên, gởi đi tới các làng thôn hẻo lánh để sống chung và phục vụ đồng bào trong thời gian từng 6 tháng một. Các thanh niên, sinh viên này giúp đồng bào cải thiện về y tế, vệ sinh. Họ mở lớp dậy học và dậy con em trong làng về cách cư xử có đạo lý trong gia đình, trong xã hội. Họ giúp đồng bào sửa sang đường sá, trường học, chợ, cải thiện kỹ thuật canh nông. Ngày nay đã ở tuổi giữa Ðiêu và 80, những thanh niên chí nguyện này gặp nhau vẫn công nhận họ đã dùng tuổi trẻ của mình vào những việc hữu ích. Ðiều đáng tiếc cho phong trào này là sau thời gian công tác ở mỗi làng, họ không thiết lập được những cơ cấu tại chỗ để tiếp tục công việc đang làm. Là Khai dân trí, Hưng dân khí như Phan Châu Trinh đã kêu gọi từ đầu thế kỷ 20.

Cùng thời gian đó, một tổ chức khác phát xuất từ Viện Cao Ðẳng Phật Học là trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, cũng theo đuổi các mục tiêu trên. Ðiểm đặc biệt là các tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đến mỗi làng đều ở một thời gian nhiều năm, lần lượt thay phiên nhau giúp đồng bào phát triển về y tế, giáo dục, kinh tế và tổ chức cuộc sống chung với tính cách các công dân, không cần chờ chính quyền giúp đỡ hoặc ra lệnh chỉ huy. Những hạt giống của xã hội công dân được gieo rắc những năm đó ngày nay vẫn còn tiếp tục sống, nhiều tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội vẫn âm thầm hoạt động phục vụ dù không còn được tập họp trong một tổ chức nào nữa. Vì khi một thanh niên đã quyết định dùng cuộc đời của mình cho có ích thì lý tưởng đó không bao giờ mất.

Thanh Niên Chí Nguyện và Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chỉ là hai thí dụ trong rất nhiều nỗ lực của thanh niên, sinh viên, học sinh trong thập niên 1960-70 cùng ý thức về nhu cầu phục vụ và quyết tâm theo đuổi lý tưởng giúp ích đồng bào. Có những Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã phải sống ba tháng trong một làng mới thuyết phục được đồng bào đào hố cầu tiêu ở mỗi nhà để sống theo lối mới. Có những Thanh Niên Chí Nguyện là sinh viên con nhà giầu ở Sài Gòn đã xung phong làm việc dọn cầu tiêu công cộng trong trại tị nạn để làm gương cho đồng bào ý thức bổn phận giữ vệ sinh chung. Người ta có thể hăng hái và bền chí, nhẫn nại như vậy, vì các bạn trẻ này biết họ đang sống một cuộc sống có ý nghĩa, có lý tưởng, một cuộc đời rất đẹp, đáng sống!

Trong tuần này, chính quyền Cộng Sản sắp đưa một số nhà trí thức trẻ ra tòa. Họ cũng là những thanh niên khát khao sống với lý tưởng, và họ đã chọn con đường đấu tranh cho tự do dân chủ. Bao nhiêu thanh niên khác đang cần được tự do để được sống có ý nghĩa.

Ngay bây giờ ở trong nước ta có hàng triệu thanh niên, sinh viên, và học sinh đang muốn sống cuộc đời có lý tưởng, có ý nghĩa. Dù không được phép chính thức, các đoàn thể như Hướng Ðạo, Gia Ðình Phật Tử, các đoàn thể thanh niên Công Giáo đã hoạt động trở lại. Họ cũng nuôi dưỡng lý tưởng phục vụ. Trong mấy năm vừa qua khi các thiền sinh ở Tu Viện Bát Nhã mở những khóa tu tập cuối tuần, những ngày quán niệm, có hàng ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh từ các thành phố đã kéo về tham dự. Tới đó, họ biết thế nào là sống an lạc, hạnh phúc, và họ muốn chọn một đời sống có ý nghĩa.

Chỉ có một điều kiện hiện nay còn thiếu là giới trẻ ở Việt Nam không được hưởng không khí tự do của thời 1964 như chúng tôi đã trải qua. Mà vì thế, xã hội công dân cũng không được phát triển tự do nữa. Nhưng chúng ta biết thanh niên Việt Nam không muốn sống cuộc đời vô vị, kể cả con cái của các đại gia. Họ đều không muốn bê tha trà đình tửu điếm, không muốn sa vào cái bẫy ma túy, nếu có cơ hội nuôi dưỡng lý tưởng vị tha. Ai cũng có một thời tuổi trẻ, và không ai muốn bỏ phí. Chỉ nhìn vào cuộc sống của các thiền sinh Bát Nhã trong những ngày hoạn nạn vừa qua. Họ là những người mới biết và tu tập đạo Phật trong vòng mấy năm! Nhìn họ không sợ hãi, không chán nản, chúng ta có thể tin vào chí khí cao thượng, khát khao sống lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam. Họ là một biểu tượng cho niềm tự hào và niềm hy vọng cho dân tộc.

Cho nên bây giờ khi chúng ta đòi cho người Việt Nam được sống tự do, trước hết phải đòi cho các thanh niên, sinh viên, học sinh được tự do sống có lý tưởng, được tự do phục vụ đồng bào. Như các bạn trẻ Bát Nhã chứng tỏ, tuổi trẻ Việt Nam là một kho tàng chưa được dùng để phục vụ đất nước. Chỉ cần được tự do tập họp và tự do phục vụ, họ cũng sẽ trở thành những viên đá xây dựng xã hội công dân làm nền tảng cho chế độ tự do dân chủ trong tương lai. Nếu không, một thế hệ thanh niên nữa sẽ bị phí phạm.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Thức dậy đi nào gỗ đá ơi!

Thursday, December 10, 2009
Ngô Nhân Dụng


Thi sĩ trở về nhà sau khi sống 10 năm trong nhiều nhà tù cải tạo, có lúc thốt lên lời cầu cho phép lạ xẩy ra: Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!

Chúng ta có thể tưởng tượng, khi trở về thành phố cũ nhà thơ thấy khung cảnh cuộc đời chung quanh đã thay đổi như thế nào (Mười năm thế giới già trông thấy... Mười năm người tỏ mặt nhau đây... Mười năm chớp bể mưa nguồn đó... Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay...) Nhà thơ tự nhìn thân phận mình, “Ta về như giấc mơ thần bí” giữa một thế giới không những đã trở thành hoàn toàn xa lạ mà còn như một cơn mộng dữ bị quỷ ám. Cho nên, trong cơ mê thảng thốt, nhà thơ tự nhủ mình, “Ta về khai giải bùa thiêng yểm,” rồi bỗng nhiên thốt lên câu thần chú: “Thức dậy đi nào gỗ đá ơi!”

Làm sao cho gỗ đá biết thức dậy? Tại sao phải hô thanh hoán vũ yêu cầu gỗ đá thức dậy? Có thể vì nhìn thế giới chung quanh thấy toàn những gỗ đá vô tri.

Ở thời đại nào chúng ta cũng nên lắng nghe các thi sĩ. Vì họ nhìn thấy những hình ảnh thật hiện ẩn hiện đằng sau cuộc sống trong xã hội. Thấy bao nhiêu là gỗ đá. Toàn là gỗ đá. Khô. Cứng. Không có sự sống. Không thấy tình cảm. Một xã hội đang hóa thạch. Lòng người đã hóa thạch, trơ ra, khô cứng. Người đối xử với người như gỗ đá. Người đi đường nhìn nhau thấy chỉ là gỗ đá. Thi sĩ là tiên tri. Họ kêu lên bằng những tiếng nói lạ. Họ là những tiếng kê trong đồng vắng: Thức dậy đi nào gỗ đá ơi! Thi sĩ không “nhân cách hóa” gỗ đá. Ngược lại, mong gỗ đá trở lại làm người.

Như thế nào là một xã hội biến thành gỗ đá? Ông Trần Quốc Việt viết trên blog talawas mô tả xã hội Việt Nam vào năm 2009, 24 năm sau khi thi sĩ viết những câu thơ trên: “...Cho nên ở Việt Nam có cảnh một em bé bị chủ của quán phở hành hạ dã man bao năm trời mà không ai lên tiếng. Cảnh đám người hiếu kỳ dửng dưng nhìn người bị đụng xe nằm trên đường phố. Cảnh đám đông bị lùa vào các quán cơm tù ngay khi các xe khách ghé vào. Cảnh đánh ghen mà nạn nhân bị lột trần truồng, bị xúc phạm thân thể trước hàng trăm cặp mắt thờ ơ bên lề. Cảnh bao thiếu nữ lui tới các nơi phá thai công khai như đi chợ.”

Trần Quốc Việt chưa kể đến những chuyện gần đây hơn: Ngày 8 Tháng Mười Hai, 2009, khi trong giờ giảng bài, giáo viên Ðặng Ngọc N. ở Bình Phước bị một học sinh lớp 10A9 lấy mã tấu trong cặp sách xông lên bục giảng chém nhiều nhát vào vai, vào lưng. Trước đó, ngày 1 Tháng Mười Hai, thầy Hoàng Minh Luận, giáo viên môn thể dục tại xã Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước cũng bị côn đồ xông vào trường chém trọng thương.

Tại sao đạo lý trong xã hội xuống thấp đến như vậy? Trần Quốc Việt giải thích: “Chế độ toàn trị sống được là nhờ bạo lực và dối trá. Hai cái này hợp lại và, qua thời gian, đã bào mòn dần các lớp men lương tâm tích lũy từ thời sơ khai...” Một chế độ không có lương tâm biến xã hội thành khô, cứng, mất cả những xúc động bình thường của loài người. Ông viết thêm: “Nhân phẩm đã bị hủy diệt từ rất lâu... trong thời gian quá dài so với đời người, cho nên các sự kiện đàn áp tôn giáo vừa qua là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly vô lương tâm của chế độ khi nó dùng bạo lực trấn áp giới tu sĩ và những người thực hành tôn giáo.” Nhắc đến vụ chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp các tăng ni ở tu viện Bát Nhã, Ông Trần Quốc Việt viết: “Biến cố Bát Nhã là đỉnh cao của bạo lực vì làm tổn thương đến nền văn minh tâm linh và đạo lý của con người.”

Bạo lực không diễn ra qua gậy gộc, giáo mác, gươm súng. Bạo lực lên tới đỉnh cao nhất khi nó hiện ra trong tâm con người. Những người đã bị guồng máy biến thành gỗ đá vô tri mà không tự biết. Vì thế, khi nói, khi làm, họ vô tình “làm tổn thương đến nền văn minh tâm linh và đạo lý của con người.”

Khi nghe Ðinh Quang Anh Thái phỏng vấn một ni cô trong nhóm tăng ni Bát Nhã xuất gia ở Tu Viện Bát Nhã, Lâm Ðồng và đang tị nạn ở chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, chúng ta có thể cảm thấy có những người công an đã biến thành gỗ đá. Ni Cô trả lời điện thoại ngày 10 Tháng Mười Hai, năm 2009, trong lúc nhóm côn đồ đang tấn công chùa bằng khẩu hiệu và biểu ngữ, bao vây Thượng tọa trụ trì. Hàng trăm công an chìm giả làm thường dân đang hô hoán những lời lăng mạ và treo những biểu ngữ đòi đuổi gần 200 tăng ni Bát Nhã còn sót lại đi nơi khác. Ni Cô nói các “các cô chú công an” đó hỏi những tăng ni trẻ tuổi rằng, “Tại sao các cô chú còn trẻ như thế mà đã đang tâm bán nước?” Ni Cô không thể hiểu họ muốn nói gì!

Bán nước? Gần 200 tăng ni phần lớn chưa tới 20 tuổi muốn sống đơn giản, giữa hạnh nguyện trang nghiêm, thanh tịnh. Họ không nghĩ xấu về ai, không nói, không làm tổn thương đến ai, gọi những người đến xua đuổi, đánh đập mình là “các chú công an.” Họ cũng chưa hề ra khỏi nước Việt Nam một lần, không có nhu cầu tiền tài, danh vọng, quyền hành nào để thúc đẩy họ phải bán nước! Tại sao các cô chú công an này vu cho họ tội “Bán nước?” Họ đâu có khả năng “Bán nước” như các người lãnh đạo vẫn ca ngợi “Tình hữu nghị Việt Trung đời đời xanh tươi bất diệt” trong lúc chính quyền Bắc Kinh cho lính đánh đập, cướp bóc các ngư phủ Việt Nam tránh bão cập thuyền vào hòn đảo thuộc Hoàng Sa vốn của Việt Nam?

Những người công an chìm nổi tấn công các tăng ni Bát Nhã bằng cái tâm bạo lực đã hô lên hai tiếng “Bán nước” mà không suy nghĩ, chắc cũng không biết mình nói dối, đáng hổ thẹn. Họ đã được biến thành gỗ đá. Những người đã ra lệnh cho công an làm việc đó, chính họ cũng đã biến thành gỗ đá.

Không thể nói vụ đàn áp tăng ni Bát Nhã là một hành động đơn lẻ xuất phát từ địa phương nữa. Ðây là một chính sách được chỉ đạo từ Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

Lúc đầu, họ tấn công tu viện Bát Nhã nhưng gán cho một vụ tranh chấp nội bộ giữa hai nhóm Phật Giáo, lấy cớ vị viện chủ tu viện đuổi các tăng ni này đi. Khi các chùa khác sẵn sàng đón nhận các bạn trẻ này, họ không còn lấy lý do đó được nữa, bèn bầy ra mưu khác. Họ không cho phép các chùa được cho các tăng ni này trú ngụ. Thượng Tọa Thái Thuận, viện chủ chùa Phước Huệ đã can đảm không chịu ký giấy đuổi các tăng ni thơ dại, cho nên bây giờ đảng Cộng Sản tổ chức cho công an đóng vai côn đồ đòi đuổi thượng tọa đi. Trong khi đó, vấn đề Bát Nhã đã trở thành quốc tế. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã ngỏ lời thăm và khuyến khích các tăng ni Bát Nhã chuyên cần tu tập. Nghị viện Âu Châu đã nêu vấn đề Bát Nhã khi lên án cộng sản Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng. Hội nghị các tôn giáo ở Úc Châu đã xúc động khi coi triển lãm hình ảnh và lắng nghe thuyết trình về vụ Bát Nhã. Lấy lý do gì để đuổi những người trẻ tuổi chỉ muốn tu hành, chỉ niệm Phật khi bị tấn công? Họ bèn đặt ra hai chữ “Bán nước!”

Chỉ có những cán bộ “tư tưởng,văn hóa” cấp trung ương mới biết bầy ra trò vu tội này, cán bộ địa phương không có khả năng, cũng không có quyền sáng tác ra trò đó. Vì khi dùng đến trò vu vạ “Bán nước” là người ta đã sử dụng một thủ đoạn được sáng chế từ thời Hồ Chí Minh khi ông muốn tiêu diệt cán bộ các đảng phái quốc gia. Vu cho ai là “Bán nước” tức là tuyên án tử hình mà không cần tòa án. Họ đã cho tay sai giết những Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Huỳnh Phú Sổ, vân vân, bằng cách đó.

Hiện nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đang nhắm vào Thiền Sư Nhất Hạnh, người đã chính thức yêu cầu họ giải tán Ban Tôn Giáo Chính Phủ, người đã “xúc phạm” Trung Quốc khi khích lệ người dân Tây Tạng hãy noi gương người Việt Nam bền bỉ tranh đấu hàng ngàn năm, rồi có ngày cũng thoát cảnh lệ thuộc dân Hán.

Ðể triệt hạ ảnh hưởng của vị thiền sư này, Cộng Sản Việt Nam đã nghĩ ra cách dùng hai chữ “Bán nước.” Trong khi hô hoán cũng như khi viết khẩu hiệu, họ gọi các tăng ni Bát Nhã là “Tăng ni Làng Mai,” mặc dù những bạn trẻ này đã xuống tóc xuất gia tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng. Bởi vì Làng Mai là một tu viện ở Pháp, ở ngoại quốc. Gắn cho tên gọi như vậy, dễ vu cáo họ là “gốc từ nước ngoài” hơn.

Phương pháp tu tập ở Làng Mai thực ra không mới, đó chính là phương pháp tu hành của Phật Giáo Việt Nam đã có từ thời Trần Nhân Tông, từ thời các Thiền Sư Lâm Tế, Liễu Quán, nay đem áp dụng lại. Làng Mai chính thức thuộc dòng Liễu Quán, xuất phát từ Huế, giống như nhiều tự viện ở Việt Nam. Nhưng khi gắn danh hiệu một tu viện ở nước ngoài, người ta dễ vu cáo hai chữ “Bán nước” hơn!

Ðây là một thủ đoạn có tính toán, có sách lược, phải do trung ương chỉ đạo. Những anh chị em công an vậng lệnh vu cáo các tăng ni Bát Nhã tội “Bán nước” họ không biết gì cả. Họ đã được huấn luyện để biến thành gỗ đá. Những người Việt đứng ngoài bàng quan tọa thị không thấy xúc động trước cảnh chế độ bạo tàn cấm đoán và đàn áp các người tu hành, chính họ cũng đã biến thành gỗ đá. Cũng giống như những người trơ mắt nhìn “cảnh một em bé bị chủ của quán phở hành hạ dã man bao năm trời mà không ai lên tiếng. Cảnh đám người hiếu kỳ dửng dưng nhìn người bị đụng xe nằm trên đường phố” như ông Trần Quốc Việt đã kể. Ông Trần Quốc Việt giải thích hiện tượng “lương tâm hóa thạch này: “Quyền lực xui khiến những kẻ bên trên cam tâm đi ngược lại hướng tiến hóa của lương tâm con người, còn sự sợ hãi làm đa số ở phía dưới câm lặng và nhẫn nhục trước bao cảnh bất công cá nhân trong đời thường, rồi tiếp tục ngoảnh mặt trước những cảnh bất công lớn hơn ngoài xã hội, rồi dần biến thành một đám đông thầm lặng cùng khiếm khuyết một phần lương tâm bình thường, như lương tâm bình thường của người dân trong các nước theo thể chế dân chủ và tự do.

Trong tình cảnh đó, tiếng chuông đại hồng do các tăng ni Bát Nhã thỉnh lên báo động chùa Phước Huệ bị tấn công chính là những tiếng chuông tỉnh thức lương tâm của tất cả mọi người. Ông Trần Quốc Việt viết, “Qua các vụ trấn áp tôn giáo gần đây, đặc biệt qua sự hành xử của chế độ trong vụ Bát Nhã, niềm hy vọng về một sự thức tỉnh lương tâm trong tầng lớp cầm quyền của chế độ đã thành ảo vọng.”

Nói như vậy quá bi quan. Chúng ta phải tin tưởng trong mỗi con người đều có “nhất điểm lương tâm. Như Nguyễn Du từng thấy đá có khả năng chia sẻ những xúc động với con người, “Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người.” Gỗ và đá cũng có khi tỉnh dậy làm người. Cho nên, cứ theo lời thi sĩ kêu gọi: Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Việt Nam cần làm gì cùng với hiện đại hoá quốc phòng?

Việt Long, Biên tập viên đài RFA
2010-01-05

Dư luận quốc tế chú ý đến việc Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng, cho là để đương đầu với Trung Quốc ở biên giới phía bắc và biển Đông, sau những sự kiện diễn ra từ năm 2004 tới nay.

Image
RFA photo from YouTube
Tàu ngầm Kilo cải tiến và máy bay Sukhoi-30MK2 mà VN mua để hiện đại hóa quân đội

Trung Quốc đã bắn giết, bắt giữ, đánh đập, nhục mạ ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu thuyền, cướp giựt ngư cụ trước khi thả họ về. Nhưng trong khi biên giới phía bắc đã được thoả thụân và cột biên giới đang được xây dựng, sách lược quân sự ấy có hiệu quả để giữ được lãnh hải với ngư trường và mỏ dầu, nguồn sống của người dân Việt hay không?

Cuộc chiến xưa và nay

Thực ra những hành động đối với ngư dân Việt Nam chỉ là việc làm tái khẳng định mạnh mẽ tham vọng đại dương của Trung Quốc, trong đó biển Đông bị họ coi như sân trước của lục địa Trung Hoa vĩ đại, bao quanh là vùng Đông Nam Á đông dân, trù phú.

Tuy nói chuyện mật ngọt với các nước phương nam, nhưng Bắc Kinh tự vạch ranh giới luỡi bò chiếm gần hết diện tích biển Đông, hành động như trong sân nhà của mình, hiển nhiên coi Việt Nam cùng Hiệp hội ASEAN chẳng khác nào những chú cọp con chưa mở mắt, phải khiếp sợ móng vuốt của con rồng Trung Hoa sắp vươn ra khắp các đại dương với những hạm đội hàng không mẫu hạm.

Chẳng phải chờ đến những biến động ở biển Đông mà Việt Nam mới tăng cường quân sự. Ở vị trí đóng chốt phía nam, có chủ quyền sinh tử trên thuỷ lộ huyết mạch tiến vào sân trước của Trung Hoa, Việt Nam đã phải nghiên cứu sách luợc này từ lâu, ngay cả từ trước khi xảy ra trận chiến 1979.

Những trận đánh của những sư đoàn Việt Nam thiện chiến nhất ở vùng biên giới Trung Quốc từ 1979 đến 1986 càng khiến Việt Nam thấy rõ thế yếu về vũ khí, trang bị, quân số, ngay trên những địa thế và chiến thuật sở trường của một đạo quân vẫn luôn luôn ngạo mạn là một quân đội từng đánh thắng cả Pháp lẫn Mỹ.

Thế và lực ở các cuộc chiến xưa và nay hoàn toàn khác nhau. Trong chiến tranh chống Pháp và tiến đánh miền Nam, quân đội và cả toàn dân miên Bắc Việt Nam trước đây được Liên Xô cùng Trung Quốc cung cấp vũ khí, lương thực, từ viên đạn, hạt gạo đến cây kim sợi chỉ, dựa lưng vào hậu phương lớn Trung Quốc với sức người vô tận, với cùng quyền lợi phát triển thế lực xuống phía nam, trong cùng chiến lược đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới để mở rộng vùng ảnh hưởng của phe Cộng Sản.

Quân đội miền Bắc thiện chiến, lại chủ động trong chiến lược tấn công, có cả một hành lang Lào Miên lợi hại để chuyển quân và vũ khí, để trú ẩn và chuẩn bị cho những trận chiến quyết định. Đến lúc người Mỹ không còn đủ kiên nhẫn để yểm trợ cho một cuộc chiến tranh trường kỳ ở cách xứ sở của họ cả nửa vòng trái đất, thì thời cơ chiến thắng của Hà Nội đã đến.

Ngày nay chính hậu phương lớn kia đang trở thành cường địch. Những lợi điểm về địa lý trước đây nay rơi vào tay kẻ địch bắc phương. Việt Nam dựa vào đâu? Vũ khí đã cũ mèm từ khi Liên Xô trở thành nước Nga, khối Xã Hội Chủ Nghĩa tan thành mây khói.

Mọi vũ khí quân trang quân dụng chiếm được ở miền Nam đều đã hỏng hóc từ nhiều năm trước, không đạn dược, không cơ phận thay thế và bảo trì. Còn chăng chỉ có dăm chiếc tàu đổ bộ đang dần dần bơi vào lịch sử. Vũ khí đạn dược gần cạn kiệt sau chiến cuộc Kampuchea, nguồn cung hạn chế.

Phía Trung Quốc, lực lượng quốc phòng có thể chinh phục cả châu Á, nếu người Mỹ không có mặt nơi đây, có lẽ chỉ có Nhật Bản là ngoại lệ.

Liệu những vũ khí đang được sắm sửa có giúp Việt Nam phòng thủ chống được Trung Quốc cả trên bộ, trên không lẫn mặt biển chăng?

So sánh lực lượng

Năm nay Việt Nam sẽ được giao 2 tàu ngầm Kilo cải tiến, 4 chiếc kia dường như sẽ giao vào năm sau, có tin nói giao mỗi năm sau một chiếc, giá tổng cộng 1 tỉ rưỡi đến 1 tỉ 800 triệu đô la. Tàu ngầm Kilo của Nga được công nhận là vũ khí phòng thủ mặt biển lợi hại, nổi tiếng là “vô âm vô hình” với mệnh danh “chiếc lỗ đen” nhờ sự vận hành rất êm nhẹ bằng máy điện-diesel, cách thiết kế toàn thân không gây tiếng ồn và chống sonar phát hiện, có radar, trang bị vũ khí tối tân và hùng hậu.

Tàu dài trên 70 mét, thuỷ thủ đoàn 57 người, vận tốc 17 hải lý dứơi mặt nước, 11 hải lý trên mặt biển. Tầm hoạt động 7 ngàn 500 dặm khi tuần du chậm gần mặt nước và 400 dặm nếu lặn xuống dứơi, có khả năng hoạt động liên tục 45 ngày ngoài biển khơi.

Tàu Kilô có 6 ống phóng và giá phóng, bắn được tổng cộng 18 ngư lôi, với hệ thống điểu khiển đánh được hai mục tiêu cùng lúc. Hai ống phóng bắn được ngư lôi nặng gần hai tấn tự điều khiển bằng sonar, theo dõi bằng truyền hình để xạ thủ chuyển được hướng mục tiêu.

Một ngư lôi khác nặng hơn hai tấn, tầm xa 40 km, tầm đánh sâu tối đa 500 mét. Tàu còn phóng được 8 phi đạn Strela tầm nhiệt chống các phi cơ diệt tàu ngầm, tầm xa 6 km, hoặc loại Igla nặng hơn, xa 5 km, vận tốc hơn gấp rưỡi tốc độ âm thanh.

Việt Nam cũng đã đặt tiền cọc để mua 12 chiếc Sukhoi-30MK2 của Nga, giao hàng trong 2 năm, giá khoảng 600 triệu đô la. Đó là loại phi cơ chiến đấu đa năng, với hệ thống radar và điện tử cải tiến tới mức tối tân nhất, có thêm khả năng phóng phi đạn chống tàu chiến.

Phía Trung Quốc, lực lượng hải quân được xây dựng để thách đố quyền lực quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á, chứ không nhắm vào Việt Nam.

Các tàu chiến tuần dương, khu trục, thiết giáp của Trung Quốc mang tên các triều đại Trung hoa như Lương, Tần, Tấn... càng ngày càng được tăng cuờng về số lượng và phẩm chất, với những hệ thống vi tính do Trung Quốc tự tạo để đỉều khiển hải hành và vũ khí, chưa kể những hàng không mẫu hạm được khoe là đang kiến tạo.

Thực ra giới quan sát cho rằng chưa hẳn Trung Quốc đã muốn có hàng không mẫu hạm, vì họ không thấy Bắc Kinh có kế hoạch nào để mua sắm hay chế tạo máy bay cho các con tàu chúa tể đại dương đó. Tướng Trung Quốc Tiền Lợi-hoa nói với báo chí quốc tế rằng điểm quan trọng không phải là Trung Quốc có hàng không mẫu hạm hay không, mà là Trung Quốc làm điều gì với chiếc hàng không mẫu hạm đó.

Về tàu ngầm, ngoài hằng trăm tàu ngầm loại cũ để phòng thủ lãnh hải và các tàu ngầm lớn để phóng hoả tiễn liên lục địa, Trung Quốc có 12 tàu Kilô loại cũ và mới, bố trí ở biển Đông hải đối diện Nhật Bản, Đài Loan và biển Đông của Việt Nam, nhằm bành trướng hải phận phía Nam, đương đầu với hạm đội 7 của Hoa Kỳ.

Cuộc biểu diễn lực lượng nhân dịp kỷ nịêm 60 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cho thấy trong số 52 tàu chiến diễn tập có một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chưa từng xuất hịên trước đây.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Bình Luận

Post by uncle_vinh »

Chế độ côn đồ

Tuesday, January 12, 2010
Ngô Nhân Dụng


Lực lượng vũ trang của chế độ Cộng Sản Việt Nam đã chọn lúc 2 giờ sáng ngày 6 Tháng Giêng năm 2010 để triệt hạ một cây Thập Tự Giá do đồng bào Công Giáo Ðồng Chiêm dựng lên trên núi, cũng giống như tấn công trong lúc đang đình chiến nhân ngày Tết. Theo một bản tin của đồng bào Thiên Chúa Giáo, chế độ đã huy động từ 500 đến một ngàn người, gồm công an và cảnh sát và tay sai, với súng ống, dùi cui, lựu đạn cay, mang theo cả chó công an chuyên nghiệp, bao vây phong tỏa giáo xứ Ðồng Chiêm, chặn tất cả các lối đi và khu vực Núi Thờ rồi bắt đầu triệt hạ và đập nát Thánh Giá.

Người không từng sống trong chế độ Cộng Sản thì không thể hiểu được một chính quyền có thể sử dụng bạo lực làm những hành động bất xứng như vậy đối một biểu tượng của tôn giáo. Nhất là sau khi những người đứng đầu chế độ đó như Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng đã tới La Mã bệ kiến Ðức Giáo Hoàng để chuẩn bị tái lập bang giao với Tòa Thánh Vatican.

Nhưng ai đã có kinh nghiệm sống với Cộng Sản Việt Nam thì hiểu. Ðây là một đảng cầm quyền không những vẫn coi các tôn giáo là kẻ thù giống như các chế độ Cộng Sản khác, mà còn thêm một đặc tính nữa là xưa nay họ vẫn quen dùng các thủ đoạn côn đồ với bất cứ người nào không tuân theo chính sách của đảng.

Hành động của chế độ Cộng Sản đập phá Thánh Giá trên ngọn núi chôn các ngôi mộ trong đó có những người theo đạo là một hành động vô luân không xã hội văn minh nào chấp nhận. Nhưng đó là một lối cư xử quen thuộc của một chế độ côn đồ, vì nó cũng không khác gì việc chính quyền Cộng Sản Việt Nam yêu cầu các chính quyền Mã Lai, Indonesia đục, phá những tấm bia tưởng niệm các thuyền nhân thiệt mạng trên con đường vượt biển để chạy trốn chế độ Cộng Sản. Rất may là các người lãnh đạo tại các nước Ðông Nam Á này vẫn còn có tình người và còn biết giữ gìn, tôn kính những giá trị của nền văn minh của nhân loại, cho nên đã họ cho phục hồi lại những tấm bia sau khi người tị nạn Việt Nam ở các nơi lên tiếng phản đối.

Khi giáo dân Ðồng Chiêm yêu cầu những kẻ căm thù tôn giáo hãy ngừng tay lại, đồng bào đã bị công an cảnh sát ném lựu đạn cay, một số đã bị đánh đập tàn nhẫn, hai người vốn là thương binh từng phục vụ cho chế độ đã bị bắt. Công an còn đổ tội cho một người “mang ma túy trên xe” giống như các hào lý thời Pháp thuộc bỏ rượu lậu vào vườn, ruộng người khác rồi đi tố cáo! Hành vi côn đồ của chế độ vẫn tiếp tục: Chính quyền đã bất chấp luật pháp, bất chấp tính người lắp thêm hàng loạt loa vào bốn phía nhà thờ, cứ suốt ngày ra rả để quấy nhiễu người dân ngay trong giấc ngủ! Buổi trưa ngày 11 Tháng Giêng 2010 một chiếc xe chở giáo dân đỗ ngoài cánh đồng lò gạch đã bị xịt hết hơi hai lốp trước. Trên thế giới ít có một chính quyền nào đối xử với dân của mình theo lối bần tiện, tiểu nhân như thế.

Nhưng đó là một đường lối “trước sau như một” của các chế độ bạo tàn. Kinh nghiệm đã cho thấy khi các tay công an tư tưởng, văn hóa của chế độ Cộng Sản không đủ lý lẽ để đối phó họ đã đóng vai côn đồ để đàn áp những người kêu gọi dân chủ cho nước Việt Nam, như các ông Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Ðài, các bà Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Hồ Thị Bích Khương, vân vân. Côn đồ luôn luôn là một cánh tay đắc lực, một công cụ cần thiết của chế độ.

Một chế độ quen sử dụng côn đồ, cuối cùng chính họ cũng cư xử như côn đồ, cuối cùng sẽ trở thành côn đồ. Chính sách côn đồ của Cộng Sản Việt Nam cũng không khác gì những chế độ độc tài tàn bạo khác ở Congo hay Tân Cương; nhưng điều nguy hiểm cho cả xã hội ta là những hành động côn đồ đó lại được chế độ biện minh một cách trâng tráo. Họ sẵn sàng chối bỏ những sự thật hiển nhiên về tội lỗi do họ gây ra, mà không mảy may tỏ ra là biết xấu hổ.

Chính những thái độ trâng tráo đó gây tai hại cho nền tảng đạo lý của cả xã hội. Sau khi sống dưới một chế độ tàn bạo mà không biết xấu hổ, sẵn sàng gọi trắng là đen, đen là trắng, bất chấp sự thật; miệng nói chống tham nhũng, tay thò ra đòi tiền hối lộ; kinh nghiệm sống đó khiến cho nhiều người từ người lớn đến trẻ em, sau khi phải chứng kiến cảnh tượng đó lâu ngày cũng sẽ nhiễm thói quen đối xử với nhau như côn đồ và dần dần cũng tập thói quen sống trâng tráo không còn phân biệt thiện và ác nữa. Nền tảng đạo lý của cả xã hội bị phá nát.

Khi có những thanh niên Hà Nội cướp hoa trong những kỳ hội chợ Hoa Anh Ðào, năm này sang năm khác, chúng ta biết rằng các bạn trẻ này sinh ra hư hỏng không phải vì bản tính họ, không phải vì gia đình thiếu giáo dục; lý do chính là vì họ phải sống trong một hoàn cảnh xã hội nhiều thứ xấu quá. Không cần phải nói, ai cũng biết hoàn cảnh xấu đó là do chế độ Cộng Sản tạo ra. Như Soljenitsyn đã nhận xét, một chế độ dùng bạo lực áp bức người dân bao giờ cũng phải kèm theo một guồng máy dối trá để trốn tránh trách nhiệm, để vu oan giá họa cho những người không đồng ý kiến và không chịu khuất phục.

Ðồng bào giáo dân ở Ðồng Chiêm và các nơi khác trong vùng Hà Nội đã tới nhà thờ cầu nguyện, đầu chít khăn tang. Họ để tang cho cả nền đạo lý của đất nước đang bị chế độ Cộng Sản giết chết dần mòn.

Khi đọc bài giảng của Linh Mục Phạm Minh Triều nói với giáo dân xứ Ðồng Chiêm sau khi cây Thánh Giá bị công an côn đồ đập phá, chúng ta có thể biết trong xã hội Việt Nam vẫn có cái Thiện, khác với cái Ác mà chế độ là tiêu biểu. Vị linh mục nói, “Khi mà quyền lực bóng tối đã bao phủ thì chúng không còn cơ hội để nhìn ra ánh sáng.

Nhưng chúng ta không chống đối. Chúng ta không cầu nguyện để rồi Chúa làm cho những con người đã đập Thánh Giá của Chúa phải chết một cách bất ưng hoặc là gặp sự khốn khó. Ðức Tin Công Giáo của chúng ta không cho phép chúng ta làm điều ấy.”

Toàn thể các linh mục Tổng Giáo Phận Hà Nội tham dự kỳ tĩnh tâm tháng tại Tòa Giám Mục đã lên đường tới giáo xứ Ðồng Chiêm để chia sẻ cảnh tang tóc với giáo dân tại đây. Một bản tin viết: Vành khăn tang trắng xóa chít chặt mọi mái đầu từ già đến trẻ.

Cây Thánh Giá bằng tre được dựng vội tại hiện trường với cờ tang ủ rũ, những nén nhang cháy dở, là dấu tích của các hành động đàn áp.

Linh Mục Phạm Minh Triều đặt câu hỏi: “Tại sao không đi ra biên giới phương Bắc mà đòi hải đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc mở các tour du lịch, lấn chiếm; rồi các ngư dân của chúng ta đang bị đánh đập. Tại sao lại đi đàn áp tôn giáo từ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, rồi xứ Loan Lý, rồi Tam Tòa? Không chỉ Công Giáo, rồi còn chùa Bát Nhã nữa.”

Những gì công an côn đồ Cộng Sản đang làm ở Ðồng Chiêm, tháng trước họ đã diễn cùng một vở tuồng đó ở Bảo Lộc. Cũng dùng đám côn đồ quấy nhiễu (thuê 200 ngàn một ngày, theo lời một chị được thuê từ ngoài Bắc vào Bảo Lộc, chị nói thực với một ni cô). Cũng những ống loa gây ô nhiễm không khí thanh tịnh của nơi tu hành. Và sau 3 tháng, chế độ Cộng Sản đã đạt được mục tiêu: Giải tán 400 tăng ni Bát Nhã, buộc Thượng Tọa Thái Tuận chùa Phước Huệ gạt nước mắt tiễn các đứa con tinh thần của mình ra khỏi chùa. Và chế độ Cộng Sản vẫn giữ thái độ trâng tráo, chối biến trách nhiệm của họ!

Phó trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ là Nguyễn Thanh Xuân đã mở một cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội chiều ngày 11 Tháng Giêng để “cung cấp thông tin chính thức” về thành tích phá tan tăng đoàn Bát Nhã của đảng Cộng sản. Ai không sống trong chế độ cộng sản thì không thể hiểu được cảnh tượng một viên chức chính quyền trâng tráo nói trái sự thật một cách tự nhiên như vậy! Những người có liêm sỉ không thể nào hiểu nổi tại sao đến bay giờ chính quyền còn có thể nói rằng các tăng ni Bát Nhã đã “tự nguyện rời khỏi chùa Phước Huệ, chính quyền chưa rõ họ trở về địa phương ra sao.”

Cùng một giọng điệu đó, ông Nguyễn Ngọc Ðông, phó chủ tịch Lâm Ðồng giải thích rằng các “Phật tử thị xã Bảo Lộc và các tăng sĩ tại chùa Phước Huệ” đã “yêu cầu tu sinh rời về địa phương theo ý kiến của GHPGVN.” Tất cả những người có mắt, có tai đều biết đó là những lời dối trá. Ðồng bào Phật tử không ai đang tâm chống các tăng ni đã chọn con đường chỉ biết tu tập để cứu độ chúng sinh. Nếu không có đám công an và đám côn đồ do họ thuê mướn đến quấy phá, làm áp lực, thì chùa Phước Huệ không nỡ lòng nào để các vị tăng ni đó ra đi.

Chế độ Cộng Sản đã chối bỏ trách nhiệm, và tiếp tục nói dối. Họ không dám nhận là chính họ quyết tâm phá không cho các tăng ni Bát Nhã tu tập ở cùng một nơi. Họ vẫn dùng luận điệu gian dối cũ khi giải thích, “Ðây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo.” Họ tiếp tục nói dối khi “khẳng định chính quyền địa phương không gây bất cứ sức ép nào đối với các tu sinh.” Tất cả là những lời dối trá.

Linh Mục Phạm Minh Triều nhận xét: “Một tổ chức, một chính quyền nào mà xúc phạm đến biểu tượng tôn giáo thì chính quyền đó đang đi dần vào sự tự sát!” Linh Mục chỉ nói đến một chế độ tự sát, ông không có ý nói đến những con người nắm giữ chế độ đó. Ông đã kêu gọi các giáo dân hãy cầu nguyện cho cả những người đến đập phá Thánh Giá và đánh người ta. Tất cả chúng ta có thể chia sẻ những lời cầu nguyện này. Cầu nguyện cho những người đang đóng vai côn đồ sẽ nhìn thấy hành động của họ là sai lầm mà sửa đổi đi. Cầu cho những quen người nói dối sẽ tỉnh ngộ, thấy việc nói dối đó vô ích và từ nay không tiếp tục nữa. Hai điều nguyện này đạt được thì đó là đại phúc cho nước Việt Nam. Khi đồng bào chúng ta được sống trong một chế độ biết kính trọng tín ngưỡng của dân, biết tôn trọng sự thật, thì nền tảng đạo lý của dân tộc có thể bắt đầu được khôi phục.
Post Reply