Câu chuyện hai người lính

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Câu chuyện hai người lính

Post by uncle_vinh »

10 Tháng 9 2008 - Cập nhật 09h49 GMT

Câu chuyện hai người lính

Giáo sư Andrew Wiest
Gửi cho BBC từ Đại học Nam Mississippi

Image
Tác phẩm của GS. Andrew Wiest được Đại học New York ấn hành

Trong lúc Cuộc chiến Việt Nam vẫn thu hút dư luận Hoa Kỳ và cộng đồng Việt tại Mỹ, kể cả trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, BBC Việt Ngữ xin giới thiệu bài của nhà nghiên cứu Andrew Wiest về đề tài này:

Khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, tôi chỉ mới 14 tuổi. Nhưng cuộc chiến của người Mỹ chiếm giữ phần trung tâm trong quá trình trưởng thành của thế hệ tôi.

Chúng tôi theo dõi cuộc chiến qua màn ảnh truyền hình, và sống với tác động xã hội của nó; nhưng hình như không ai có thể giải thích cuộc xung đột mà đã hủy hoại đất nước tôi quá nhiều.

Lớn lên tôi theo học lịch sử quân sự, một phần là để hòa giải với cuộc chiến, nhưng khi đó, ít đại học nào dạy về chủ đề gây tranh cãi này. Thành ra cuộc chiến Việt Nam vẫn là một bí ẩn mà tôi phải tự nghiên cứu.

Sau nhiều năm tìm hiểu, tôi bắt đầu dạy một khóa tại Đại học Miền Nam Mississippi, trong đó tôi làm việc gần gũi với các cựu binh.

Gặp gỡ

Năm 2001, tôi dẫn lớp đến Việt Nam, đi từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Hà Nội, nghe chuyện của cả các cựu binh Mỹ và những kẻ thù một thời của họ.

Khi chuyến đi gần kết thúc, tôi gặp được mảnh còn thiếu cuối cùng của câu đố lịch sử.

Đại tá Phạm Văn Đính, cựu binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, đến nói chuyện với lớp của tôi. Ông kể về trải nghiệm ở trận Huế trong Tết Mậu thân, và sau đó kể lại việc ông cho cả trung đoàn đầu hàng trong chiến dịch 1972 và việc ông chạy sang phía Bắc Việt.

Tôi tới Việt Nam để cố hiểu cuộc chiến của người Mỹ, nhưng điều tôi tìm thấy là một cuộc chiến của người Việt – thường bị phương Tây quên lãng.

Quyết kể câu chuyện về một anh hùng VNCH thành kẻ phản bội, tôi cố thu thập hết thông tin về Phạm Văn Đính. Nhưng trong lúc đi tìm, tôi lại thấy một cái tên khác: Trung úy Trần Ngọc Huế.

Ông này cũng là anh hùng VNCH, và là bạn của ông Đính. Nhưng khi đơn vị bị vây hãm ở Lào năm 1971, Huế đã chiến đấu tới cùng. Ông bị thương nặng và rồi sống 13 năm trong trại tù Bắc Việt.

Đây là hai người đàn ông, bạn bè và đồng đội, chiến đấu cho VNCH. Họ anh dũng phục vụ đất nước hơn một thập niên, nhưng khi chiến tranh đến hồi kết, họ đã chọn con đường khác nhau. Kể câu chuyện về họ có thể giúp đem lại nhận định quý giá về lịch sử phong phú và phức tạp của Nam Việt Nam thời chiến.

Tại phương Tây, rất ít tác phẩm viết về VNCH. Các sử gia Mỹ gần như chỉ tập trung vào bi kịch của Mỹ, khiến VNCH và miền Nam gần như vô hình trong sách sử.

Những gì đã viết về VNCH thường chỉ mô tả đây là một thể chế thất bại, với những kẻ hèn hạ và bất tài.

Quân đội miền Nam

Vì thế, câu chuyện về ông Huế và Đính trở nên càng quan trọng hơn vì nó giúp đưa Nam Việt Nam vào lịch sử của cuộc chiến tranh của chính họ.

Tác phẩm của tôi, Đội quân bị quên lãng của Việt Nam, nói về sự nghiệp hai sĩ quan, chứ không kể về cả cuộc chiến. Nhưng Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế phục vụ trong phần lớn thời gian xung đột, họ nhập ngũ năm 1961 và 1963, chỉ huy các đơn vị từ trung đội đến trung đoàn.

Vì vậy trải nghiệm chiến tranh của họ giúp ta hiểu rõ hơn về tính chất của Quân đội VNCH và quan hệ thời chiến của Mỹ và Nam Việt Nam.

Trái với suy nghĩ thông thường, Nam Việt Nam và quân đội của nó không chắc chắn phải bại trận. Dĩ nhiên cả nhà nước và quân đội miền Nam không hoàn hảo, bộc lộ tham nhũng sâu sắc, đấu đá chính trị tàn nhẫn. Nhưng một Nam Việt Nam khiếm khuyết vẫn chiến đấu suốt 25 năm để cố độc lập.

Image
Các sử gia Mỹ gần đây đề cập những khía cạnh ít được nhắc của cuộc chiến Việt Nam

Cuộc đời của Đính và Huế chứng tỏ chất liệu quân sự thô để chiến thắng là có tại miền Nam, nếu nó được sử dụng đúng.

Thay vì quy trách nhiệm thất bại cho riêng người miền Nam, cuốn sách của tôi muốn tìm sự hiểu biết đầy đủ hơn về thất bại phức tạp trong liên minh Mỹ - Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ xem cuộc chiến đơn thuần theo nghĩa quân sự; đó là cuộc chiến để lính Mỹ thắng trên chiến trường, chứ không phải là xung đột chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi giải pháp của người Việt.

Liên minh khiếm khuyết

Họ nghĩ lính Mỹ, chứ không phải lính Nam Việt Nam, sẽ giúp thắng lợi. Kết quả là, đội quân miền Nam, vốn đã gặp nhiều trắc trở, ban đầu bị gạt ra lề và rồi bị xa lánh trong chính cuộc chiến của họ.

Nhiều sĩ quan thế hệ trẻ hơn, gồm Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế, nhận ra câu trả lời không thể chỉ bằng áp dụng vũ lực.

Chiến thắng quân sự đòi hỏi sự bền bỉ, một thứ mà chỉ có miền Nam cung cấp nổi.

Chiến thắng thực sự đòi hỏi làm việc với dân để đem lại an ninh cho vùng nông thôn, đòi hỏi một quân đội độc lập của miền Nam và một chính phủ hiệu quả.

Nhưng thay vì làm việc với người miền Nam, quân Mỹ gần như tiến hành một cuộc chiến riêng.

Mặc dù liên minh Mỹ / Nam Việt Nam có lẽ hỏng không thể cứu vãn, sự nghiệp của ông Đính và Huế là bằng chứng về khả năng và sự ngoan cường của Quân đội VNCH.

Cùng đồng minh Mỹ, các đơn vị VNCH của Đính và Huế đã tham chiến trên khắp Quân khu 1, từ trận Thung lũng An Hậu, đến Khe Sanh và Đại lộ Kinh hòang (trận Quảng Trị mùa hè 1972).

Lực lượng miền Nam đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì sách sử Mỹ ghi lại. Và quân đồng minh đã thường xuyên đánh thắng các đơn vị Bắc Việt và Việt Cộng trên chiến trường.

Đến năm 1969, Quân đội VNCH đã học cách đóng vai là trợ thủ đắc lực cho cuộc chiến của Mỹ. Nhưng đến lúc ấy, Hoa Kỳ đã mệt với cuộc xung đột ở xa, và bắt đầu tách dần khỏi cuộc chiến.

Chỉ đến khi ấy mới có nỗ lực thực sự nhằm tạo nên đội quân VNCH thực sự độc lập.

Nhưng đã quá muộn.

Khi sự dính líu trực tiếp của Mỹ bắt đầu giảm, Quân đội VNCH tham dự hai trong số các chiến dịch lớn nhất – chúng bộc lộ cả ưu và nhược của họ.

Trong cả Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (Lam Sơn) năm 1971 và Chiến dịch Xuân Hè 1972, quân VNCH đã chiến đấu ngoan cường.

Nhưng trong cả hai lần, VNCH phải phụ thuộc hỏa lực của Mỹ và bộc lộ sự chỉ huy và kiểm soát kém.

Hai ngã rẽ

Cả Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế nhận thức được một VNCH tạo ra để làm anh lính phó của Mỹ thì sẽ rất khó khăn khi phải tự mình chiến đấu với cả Bắc Việt và Việt Cộng.

Nhưng họ đã tiếp tục chiến đấu trong tình hình ngày càng tuyệt vọng.

Khi đơn vị bị bao vây trên đỉnh đồi ở Lào, Huế chiến đấu cho tới khi bị thương và bị bắt.

Nhưng vào năm sau, khi đơn vị bị vây trên Căn cứ Camp Carroll, nhận thấy liên minh Mỹ/Việt không còn đáng để lính của ông hy sinh, Đính đã chọn cách đầu hàng và sau đó sang phía bên kia.

Mặc dù cuộc chiến chấm dứt, cuộc đời binh nghiệp của ông Đính và Huế tiếp tục.

Đính trở thành hàng binh quý giá trong quân đội của Việt Nam thống nhất. Còn Huế làm người tù suốt 13 năm, và rồi là người bị ruồng bỏ trong một đất nước ông không còn nhận ra.

Sau này, Huế tìm thấy hạnh phúc sau khi di cư sang Mỹ, còn ông Đính vẫn bị dày vò vì quyết định đầu hàng.

Cuốn sách của tôi là câu chuyện về hai người bạn bị chi phối vì những quyết định thay đổi đời họ.

Cả hai đã chiến đấu dũng cảm, bác lại hình ảnh về một Việt Nam Cộng hòa kém cỏi.

Nhưng họ, theo cách riêng của mỗi người, đã là nạn nhân của mối liên minh đầy khiếm khuyết giữa Mỹ và Nam Việt Nam.

Về tác giả:Nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Illinois năm 1990, ông Andrew Wiest chuyên nghiên cứu về Thế chiến I và chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm mới nhất, Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN, ra mắt năm 2007, đề cập cuộc đời ông Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế.
Post Reply