Công Nghệ Một Thời

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Công Nghệ Một Thời

Post by maixuanthanh »

CÔNG NGHỆ MỘT THỜI


Trong quãng đời cắp sách đến trường ai cũng trải qua nhiều trường lớp theo tuổi tác. Thời tiểu học, hồn nhiên vô tư nên không để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Những năm dài trung học của lứa tuổi chớm hiểu biết, tuổi ôm mộng dệt mơ theo những biến chuyển tâm, sinh lý là khỏang thời gian thật đẹp, một thời đầy hoa bướm và góp vốn học thức để mở đường cho tương lai. Đại học, nói lạc quan, là cánh cửa mở vào cuộc đời danh vọng, hay nói thận trọng hơn, thành công hay thất bại còn tùy vào phận đời mỗi người, nhưng sẽ ghi đậm vào tâm khảm chúng ta những kỷ niệm vui buồn mà suốt đời không thể nào quên.

Nói tới Đại học, thường người ta dễ hình dung đến những đại giảng đường mênh mông, những tòa nhà bề thế với những đường nét kiến trúc đặc sắc, những bãi cỏ mượt mà, vườn hoa xinh tươi. Những thứ đó kết lại thành một không khí hàn lâm và trang trọng quá. Nếu bước vào đó chỉ để học và học, lúc nào cũng chúi đầu vào các con chữ và con số thôi thì trở thành bác học cũng không khó lắm. Nhưng đối với những ai muốn tìm một không khí học tập thỏai mái, đầy hứng thú thì khung cảnh vừa mô tả thật là tẻ nhạt. Tôi là một trong “những ai” đấy, đã phí phạm một năm dài ở Khoa học vào một thời điểm đầy biến động chính trị. Đại giảng đường, lúc không có giờ học là nơi lý tưởng nhất cho các “tay tổ” sinh viên làm nơi hội họp để thảo kế họach xách động biểu tình chống chính phủ và cũng ồn ào, bát nháo trước và sau một tiết học. Kẻ đến chộn rộn, người đi hấp tấp không chút gì lưu luyến cả dù chỉ nán thêm vài phút để nói xong chuyện với người ngồi kế bên. Bởi vì phải nhanh chân để giành chỗ ngồi phía trước cho dễ theo dõi bài giảng, và lại phải vội vã để còn kịp giờ xí chỗ ở một giảng đường khác trong tiết học kế tiếp. Giáo sư trên “sân khấu” thì cứ thao thao bất tuyệt như chuyện trò với tòan những người thông thái. Gần hết giờ thì vừa giảng vừa nhìn đồng hồ và nhanh tay sắp xếp giấy tờ vào cặp, kim gió vừa chỉ số 12 là thầy biến nhanh hơn cả trò. Tôi biết có vị một ngày dạy đến ba trường tư thục khác nhau. Suốt một năm học tôi không có dịp giáp mặt một giáo sư nào và không tìm được một người bạn nào để trao đổi bài vở. Vì thế tôi đã quyết định thi vào Trường Công Nghệ. Thi cầu may thôi, vì tôi tự biết mình không phải là một học sinh xuất sắc, và chỉ có 12 chỗ cho học sinh phổ thông, dành được một chỗ thật không dễ gì. Thi xong không dám đi xem kết quả, cho đến khi một người bạn tới nhà cho hay là thi đậu đúng vào lúc ăn cơm chiều, tôi vội buông bát đũa xách xe chạy như gió lên xem “bảng hổ đề danh” mà thấy lòng vui như mở hội vì đời mình sắp bước qua một ngõ rẽ mới, sắp trở thành sinh viên của Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ. Bốn năm học ở đây tôi đã có Thầy có bạn. Tình sư đệ, đồng môn đã làm cho con tim mẫn cảm của tôi giàu thêm những tình cảm thăng hoa ngọt ngào. Hơn bốn thập niên đã trôi qua, giờ đây, ngồi viết những giòng chữ này, ở một nơi xa cách ngôi trường thân thương cũ hàng vạn dặm, lòng tôi vẫn xúc động bồi hồi.

Nhớ Thầy, nhớ bạn, tôi hồi tưởng lại những tháng ngày yêu dấu xa xưa…..Công Nghệ, là một khởi đầu để từ đó bước ra đời với một lòng tự tin về nghề nghiệp và hòai bảo thiết tha của lứa tuổi đôi mươi…và bây giờ, là một nơi chốn để tìm về với hòai niệm, với tâm tưởng cũng tha thiết không kém của một người đang bước vào bóng hòang hôn của cuộc đời.

Nền đạo lý Khổng Mạnh thường nhắc nhở là “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Với tâm niệm đó, tôi luôn ghi tâm tạc dạ công ơn của tất cả ân sư, không chỉ dạy dỗ chúng tôi “nhất tự” mà là cả những “pho bí kíp võ công” để nếu tự thân nỗ lực thì cũng có thể “giương danh thiên hạ” như một số huynh trưởng đã làm được. Vận nước nổi trôi, thế cuộc đảo điên đã làm tôi thành kẻ phiêu bạt, tha hương. Cuộc sống nơi xứ người bước đầu gặp tứ bề khốn khó, phải làm lại từ con số không với hai bàn tay trắng. Phải chấp nhận làm đủ thứ nghề để sinh sống, coi như là sự thử thách của số phận, tôi đã nghiệm ra rằng dân Công Nghệ chúng tôi làm được nhiều việc thật (*). Một trong những công việc chân tay mà tôi đã làm là thợ sửa chữa du thuyền. Cái nghề này tuy vất vả nhưng kiếm ăn khá vì chủ nhân ông toàn là những tay triệu phú. Nếu không có những kiến thức về đóng tàu học từ Thầy Giám Đốc Lê Mạnh Hùng thì chắc tôi không dám nhận làm công việc này. Chưa kể trước đó tôi đã tự đóng một chiếc thuyền nhỏ để đưa cả gia đình vượt biển khơi giông bão và an tòan đến bến bờ tự do. Công việc kế tiếp nhàn nhã hơn mà tôi đã làm trong nhiều năm là “cải thiện tiến trình sản xuất” cho một nhà máy. Những điều đã học được từ Thầy Nguyễn Đôn Phú (Sức chịu vật liệu) và Thầy Giám Đốc Trần Kiêm Cảnh (Nghiên cứu cơ phận) đã giúp tôi rất nhiều trong công việc này.

Thầy Lê Mạnh Hùng là giáo sư đỡ đầu cho một nhóm ba sinh viên chúng tôi với dự án đóng tàu (một thương thuyền trọng tải 5000 tấn) để thi ra trường năm 1969. Những buổi đầu học với Thầy môn kiến trúc hàng hải chúng tôi đã có cảm giác e dè trước một vị giáo sư nghiêm nghị, ít khi cười hay nói chuyện ra ngòai đề tài giảng dạy. Thêm vào đó, tướng tá đầy uy dũng, giọng nói tuy khúc chiết nhưng thật ngắn gọn của Thầy làm cho đệ tử có cảm giác nể sợ hơn là thân mật, gần gũi. Nhưng chỉ sau vài tháng, tan giờ học, vào những lúc chúng tôi xin giải thích thêm cho những thắc mắc Thầy bắt đầu kể chuyện tâm tình. Từ đó, chúng tôi thấy được ở Thầy một tâm hồn cởi mở và rất tận tình truyền đạt cho sinh viên những kiến thức thật rộng rãi, ra khỏi phạm vi của trường lớp. Hơn bốn mươi năm qua rồi, tôi vẫn nhớ hòai những buổi tối, Thầy mời chúng tôi đến nhà riêng, vừa ăn bánh uống trà, cà phê thơm ngon vừa hàn huyên tâm sự. Thầy đã đãi ngộ chúng tôi như một người anh cả hiền lành, nhỏ nhẹ, thủ thỉ, ân cần khuyên nhủ các đứa em của mình vậy.

Mới đây tôi được biết Thầy định cư ở Luân Đôn và đang nghiên cứu về lịch sử. Thầy đã đậu Tiến sĩ về Sử học,đã trình làng một cuốn sách viết về Việt sử đang được giới thức giả ca tụng là một công trình nghiên cứu rất giá trị qua một cách nhìn lại sử liệu thật độc đáo. Kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh để cống hiến những tác phẩm để đời trong lãnh vực mới.

Khi Công Nghệ 10 chúng tôi học xong năm thứ hai thì Thầy Bùi Tiến Rũng về làm Giám đốc trường sau thời gian du học ở Hoa Kỳ. Thầy trở về mang theo một luồng gió mới, làm cho sinh họat của trường linh động hẳn lên. Một trong những đổi mới độc đáo là Lễ nhập môn, một nghi thức thật mới lạ và gây nhiều xúc động, làm cho mọi người, cả sinh viên, lẫn gia đình và quan khách say mê thích thú. Thật là vinh dự, Công Nghệ 10 được làm khóa đàn anh đầu tiên, tiếp nhận và đỡ đầu cho khóa đàn em mới tinh mang số 12 và từ đó tiếp nối một truyền thống thật tuyệt vời cho mãi về sau. Trong vai tuồng Ông Thần Công Nghệ, đồng môn Hồ Phụng đã thủ diễn xuất thần làm cho không khí buổi l vô cùng sôi nổi và hấp dẫn. Lăng xăng chạy theo Ông Thần để di chuyển dụng cụ nhưng được phân công một vai thật “mờ nhạt” ít ai biết tới, nhắc tuồng cho Ông Thần, là người đang viết những dòng chữ này, tiện dịp kể luôn để xin “hưởng ké” một tí vinh hạnh quí vị nhé !

Chúng tôi còn được học với Thầy môn Động cơ nổ. Thông thường, giờ lý thuyết kỹ thuật nào cũng khô khan, nhưng học với Thầy trên lớp giờ học qua thật nhanh vì Thầy đã gây được sự hứng thú theo dõi của sinh viên qua lối giảng dạy thật linh động kèm theo là những “phụ chú” về những sáng chế mới lạ của mọi ngành, thí dụ như giảng giải về các tín hiệu “phản hồi” (feed back), là một phát minh tân kỳ vào thời điểm đó.

Nhiệt tâm của Thầy Giám đốc Bùi Tiến Rũng đã mang lại cho ngôi trường Công Nghệ một bộ mặt mới, lôi cuốn mọi người tham gia với tinh thần hăng say và rất năng động. Giao tế với bên ngòai được mở rộng trong chiều hướng đem các cơ sở sản xuất kỹ nghệ đến gần với trường hơn, để một mặt giúp cho sinh viên có cơ hội học hỏi về thực tế, mặt khác, tạo dịp cho chủ nhân xí nghiệp, nhà máy thấy được trình độ giảng dạy cùng tinh thần hiếu học của sinh viên để khi tốt nghiệp dễ tìm được việc làm đúng sở năng.

Còn trong nội bộ, khi có những bất bình giữa sinh viên Thầy cũng có cách giải quyết rất mới lạ, nhanh gọn và êm thắm qua câu chuyện sau đây: Trong khuôn viên của trường, ở phía sau, bên cạnh giảng đường có một bãi cỏ hoang rậm rạp, cao ngang vai người trông thật kém mỹ quan. Thầy phát động công tác khai quang và một nhóm sinh viên “number ten” chúng tôi xung phong ngay. Tên sốt sắng, nhanh tay vui miệng nhất được bầu làm trưởng nhóm. Vì trước khi bắt tay vào việc hắn tụ họp đồng môn lại nói huyên thuyên đủ thứ, nào là dặn dò coi chừng lia phảng vào ống chân nhau, coi chừng rắn độc cắn ra khỏi ra trường… nên được phong làm “giáo chủ”. Thâm ý của đám bạn là phong chức cho hắn khỏi lèm bèm, rác tai quá thôi ! “Giáo chủ” chả quan tâm tí nào vì công tác làm đẹp trường vừa xong là đến Tết, nghe anh 9 Giụ Hùng, trưởng ban báo chí, thông báo mời đóng góp bài vở cho báo Xuân Công Nghệ, chàng bèn tham gia với một bài tựa đề “Cắt cỏ” ký tên “Giáo chủ” luôn ! Đây là một ký sự viết cho vui thôi với thân tình đồng môn chứ không có ác ý gì cả. Các đối tượng bị trêu ghẹo đều cười hể hả trừ một tên nộ khí xung thiên, đi tìm tác giả bài viết để xừng xộ. Sau những tràng chửi thề là hắn thụi ngay một thoi ! “Giáo chủ” ngẩn ngơ trước thái độ hung tợn không thể ngờ và quá đáng ấy, chưa kịp phản ứng thì bạn bè xúm lại can ngăn và giải tán. Một lúc sau, Thầy Giám đốc gọi “giáo chủ” lên văn phòng bảo : “Tôi có đọc bài báo ấy rồi. Không có gì để phải nổi nóng cả, P. bạo động như thế là sai. Cho anh chàng này sang học bên Âu Mỹ xem báo sinh viên họ trêu ghẹo nhau khiếp thế nào thì mới biết. Anh có còn giận không ? Nếu anh muốn tôi gọi P. lên đây để anh đánh lại cho đỡ tức ! ” Thầy đã nói như thế thì còn ai dám vọng động. Câu chuyện xưa đúng 40 năm, bây giờ kể lại, tôi không biết dùng từ nào khác để tán tụng ngòai hai chữ “tuyệt chiêu” !

Giáo sư Giám đốc Trần Kiêm Cảnh là một vị Thầy gần gũi nhất với sinh viên. Phong cách ứng xử của Thầy mang đậm nét của một nhà mô phạm Đông phương, đầy đặn ân tình, khiến cho đệ tử đến với Thầy bằng một lòng vừa kính ngưỡng vừa thân ái. Chắc hẳn quí huynh trưởng và đồng môn cũng có một cảm nhận như tôi về tình cảm gắn bó giữa Thầy trò, huynh đệ và đồng môn đã tạo cho mái trường Công Nghệ một không khí đại gia đình đầy tình thân ái và vẹn tòan đạo nghĩa sư đồ. Cứ nhìn những lúc Thầy truyện trò với những vị giáo sư cao niên của trường như Thầy Văn Đình Vinh, thái độ thật khiêm cung, lễ độ của Thầy như nhắn nhủ chúng tôi bài học lễ nghĩa thật đẹp. Thế nhưng, khi tiếp xúc với sinh viên thì cung cách lịch sự, nghiêm trang nhưng vui vẻ, và cởi mở không ngờ của Thầy đã làm cho chúng tôi cảm thấy thỏai mái và thân thiết vô cùng.

Thầy giảng dạy những môn học tinh túy của nghề nghiệp, nhưng chúng tôi đã tiếp thu thật dễ dàng, nhanh chóng trong một bầu không khí học tập không có một chút nào căng thẳng hoặc lo âu. Rất thư thả, khi có việc cần, ai muốn ra khỏi lớp lúc nào cũng được, chỉ cần ghi lên bảng tên của mình, giờ ra vào và lý do. Dễ như thế, nhưng không có ai lợi dụng cả vì qua tác phong của Thầy chúng tôi đã học được tinh thần tự giác và tự trọng.

Sau nhiều năm ly tán, Công Nghệ bốn phương đã tìm về với nhau trong nỗi hân hoan vô bờ. Một số Giáo sư và huynh đệ đã hội ngộ liên tiếp trong hai năm liền. Đại hội 1, tháng 7-2006 ở San Jose, California và Đại hội 2 vào tháng 8-2007 ở Washington DC. Trong Đại hội 2 này, Thầy đã được bầu làm Hội trưởng Hội Ái hữu KSCN. Tôi chưa có cơ duyên tái ngộ, nhưng khi biết được tin này, tôi rất xúc động và vui sướng vì anh chị em Công Nghệ từ nay lại có được một “Chưởng môn nhân” tài đức vẹn tòan.

Khuôn khổ bài viết có hạn nên không thể ghi lại kỷ niệm với tất cả giáo sư Việt Nam của Trường. Chúng tôi còn học với nhiều giáo sư người Pháp rất đặc biệt nữa, và cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nói chung, học với giáo sư Pháp chúng tôi đã cố gắng nhiều hơn. Một phần vì khác biệt ngôn ngữ, ngọai trừ vài bạn xuất thân từ trường Tây, đa số sinh viên đã chới với bước đầu. Phần khác, sự đòi hỏi học hành nghiêm túc, cầu tòan, để trở thành kỹ sư có bản lãnh đã khiến cho chúng tôi không thể lơ đễnh được. Qua đó, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều quí giá, tạo cho những kỹ sư tương lai một tác phong đáng phải có của một cấp chỉ huy kỹ thuật. Xin mời quí vị “gặp gỡ” các giáo sư Pháp của chúng tôi.

Thầy Granotiere dạy lý thuyết Luyện kim và thực hành Lò đúc. Thầy là một giáo sư nghiêm túc nhất dù là lúc nào cũng tươi cười, ngay cả những khi rầy rà sinh viên ! Tướng người cao lớn, tóc quăn dợn sóng, khuôn mặt sáng rỡ trông rất quí phái. Đôi mắt sáng sau cặp kính cận đã “chiếu tướng” tên nào thì đố chạy cho thóat ! Trong những giờ dạy trên lớp Thầy giảng bài thật chậm rãi, thường nhắc đi nhắc lại những chỗ khó hay cần chú ý và ghi lên bảng đen dàn bài thật kỹ lưỡng. Lương tâm của một nhà mô phạm của Thầy thể hiện trong những dàn bài như thế, với chữ viết đẹp, ngay ngắn và sắc sảo với các hàng gạch dưới ở phần quan trọng bằng phấn màu. Chỗ nào cần nhấn mạnh hơn thì gạch tới hai lằn. Nếu đứng ở ngòai lớp nhìn vào có thể tưởng đấy là trang sách cổ quí giá của thư viện hòang gia thời vua Louis ngày xưa.

Trong giờ thực hành dưới Xưởng đúc, khi chuẩn bị nấu một mẻ gang, đứa nào cũng chạy bở hơi tai theo sự đôn đốc và thúc giục không ngừng của Thầy. Chậm chạp hay làm sai là bị rầy tối tăm mày mặt. Biết là Ông Tây muốn cho mình học tới nơi tới chốn thôi, nhưng cũng thấy khiếp đảm lắm ! Có lúc Ông giận quá, mặt đỏ bừng bừng, quơ tay quát thật lớn : “ Các anh học để mai này làm kỹ sư nghe chưa ! Chứ không phải để làm cu li……!! ” Thế nhưng, xong lúc đó rồi thôi. Đến giờ phút quan trọng, khi khui “lỗ lù” gang lỏng chảy ra thành dòng sáng lòa, tóe sao lấp lánh là Thầy cười thật to rất sảng khóai rồi chùi hai tay vào vạt áo chòang trắng loang lổ vết bẩn, xong móc ra bao thuốc Gaulois màu xanh đậm thảy lên bàn cho sinh viên hút chơi. Cái khỏan này mới là “đã” nha. Đổ gang lỏng vào khuôn xong là có quyền xả hơi. Dân ghiền được hút thuốc “chĩa”, lại là thứ thuốc lá đen Gaulois chính cống vào giờ phút vừa thở ra nhẹ nhõm thì phải nói là “phê” kể gì !

Một vị Thầy khác, dạy thực hành ở xưởng Máy dụng cụ là Monsieur Peret. Người vạm vỡ, hùng dũng, khi bước đi đôi vai to hơi chồm tới trước, hai tay khùynh ra trông giống như một lực sĩ, cộng thêm khuôn mặt đầy vẻ nghiêm khắc, bộ ria tỉa rất khéo, ít khi vui cười đã gây “ấn tượng” sâu đậm lắm cho đám sinh viên mới tập tành làm quen với máy móc. Nhưng có một lần Thầy cười, một nụ cười hiếm hoi, bất ngờ nhưng vui đáo để trong câu chuyện sau đây :

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết là Trung tâm kỹ thuật tổ chức tranh giải thể thao liên trường. Hôm đó, chúng tôi đang thực tập Máy dụng cụ và gặp ngày tập dợt bóng bàn nên tôi và hai đồng môn phải xin phép nghỉ vài tiếng. Thầy Peret đang ngồi ở văn phòng của Ông trên lầu Cơ xưởng. Ba đứa chúng tôi cứ đứng xớ rớ ở chân cầu thang, đứa này đẩy cho đứa kia chứ không dám dẫn đầu mạnh dạn bước lên. Thời may, có một anh khóa 8 đi ngang qua, thấy ba đàn em lớ ngớ bèn hỏi thăm. Sau khi nghe tự sự, anh cười rồi hất hàm bảo “ Đi lên ! ” Anh xăng xái bước nhanh lên lầu, gõ cửa phòng, rồi dẫn chúng tôi vào. Tôi là tay nhát gan nên vào sau cùng, đứng thủ sát cửa để nếu thấy không ổn là tẩu cho nhanh ! Thấy bốn tên bước vào, Ông ngồi yên chỉ ngẩng lên nhìn chúng tôi như thôi miên và không nói gì cả. Tự nhiên thấy anh 8 lúng túng vài giây mới lên tiếng lắp bắp : “

- Monsieur…permetter…permetter… lui…. (chỉ vào một tên đứng kế bên)… allez…allez….ping-pong…ping-pong…” (vừa nói tay anh vừa quạt lia lịa như đang cầm vợt gỗ đánh bóng bàn vậy !)

Thầy Peret đứng bật dậy cười hà hà gật đầu chỉ ra cửa. Ba chàng ngự lâm pháo thủ biến nhanh, quên cả cám ơn, vì sợ Thầy đổi ý bất tử. Cũng không kịp cám ơn anh 8 đã cứu khổn phò nguy. Chúng tôi bấm bụng chạy nhanh qua tới quán nước sau trường Công Chánh rồi mới gập người lại mà cười. Cười muốn trẹo quai hàm luôn, và bảo nhau : “ Trời ơi. Dễ như thế mà chả đứa nào dám xung phong lên xin phép. Chiều nay phải đãi anh 8 một chầu cà phê tụi bay ơi !”

Thầy Martin dạy thực hành xưởng Gò Rèn Hàn là vị thầy vui tính, tận tâm, hòa nhã và thường lưu tâm đến sinh họat của sinh viên. Trong ba môn học này, Rèn là món “khó xơi” nhất. Vì thế Thầy đã theo sát, chỉ dẫn từng chút khi sinh viên thực tập sử dụng búa máy hay búa tạ. Nói riêng về búa tạ thôi, khi đã tiếp thu được “bí quyết” của Thầy thì những tên ốm như cò ma cũng nện khỏe ra gì ! Kể thêm chi tiết một chút nhé. Quai búa một vòng, ( tiếng “nhà nghề” nói như thế ! ), bắt đầu từ thời điểm búa vừa đập xong một cái, hãy lợi dụng sức bật của búa (dù nhỏ) để nâng lên và kéo ra, đừng quai đầu búa vòng ra xa sẽ mau mỏi tay, mà nâng búa lên trong tư thế cán búa thẳng đứng, trong công đọan này nên dồn “công lực” vào một cánh tay thôi, khi khối búa lên vừa tầm cao dùng sức cánh tay kia kéo xuống để nện vào thanh thép nung đỏ. Cứ thế mà làm sẽ thấy dẻo sức và được việc lắm. Không tin thì quí huynh đệ cứ đốt lò rèn và thử lại để kiểm chứng nhé !

Phải kể lại một chuyện vui khác để thấy Thầy Martin quan tâm và dễ dãi với sinh viên như thế nào. Hôm đó, cũng vào buổi chiều một ngày cuối năm, Trung tâm tổ chức văn nghệ ngòai trời và có thi hát ở sân cỏ trước trường Công Chánh. Thấy tôi thường hát nghêu ngao những khi vui vẻ, có tên xúi tôi ghi danh lên thi. Dù tôi đã cực lực phản đối vì Công Nghệ đã có anh 9 Hòang sẽ tranh tài rồi và tôi chỉ thích “hát hay không bằng hay hát” cho vui thôi, nhưng cũng có một đồng môn đùa dai dám xin với Thầy, nói là tôi sẽ lên hát dự thi và tụi nó đi theo ủng hộ. Thầy Martin tin ngay và cho nghỉ sớm. Cả bọn ra đến nơi thì ban quân nhạc Hoa kỳ vừa xong phần phụ diễn trước các tiết mục văn nghệ. Trên sân khấu, anh Quốc Bảo, sinh viên Công Chánh trong ban tổ chức, đang chuẩn bị để giới thiệu phần thi đua. Chúng tôi tìm một chỗ phía sau bãi cỏ để ngồi vì sợ quần áo của dân kềm búa làm khó chịu khứu giác của khán giả chung quanh. Kềm búa thứ thiệt và là thứ dữ nữa, từ xưởng rèn ra chứ giỡn sao !

-“ Kính thưa quí Thầy Cô và quí vị khán giả, mở đầu cho buổi tranh tài ca hát hôm nay là phần trình diễn của một sinh viên Công Nghệ, anh Võ Văn Hòang với bài hát “Chiều một mình qua phố” của Trịnh Công Sơn……”

Phần nhạc đệm trổi lên, có tiếng dương cầm điêu luyện của sinh viên Công chánh Nghiêm Phú Phát. Đại diện của dân bù loong chúng tôi bước ra sân khấu là một chàng đẹp trai, cao ráo, dáng dấp hào hoa với kính trắng, mái móc bềnh bồng rất nghệ sĩ đã thu hút sự chú ý của khán giả ngay. Khi anh cất giọng “ Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em….” thì thời gian như dừng lại, chơi vơi…chơi vơi…Đám bạn láu táu của tôi nín khe. Tôi biết là tụi nó hết dám đùa dai xúi dại tôi lên ca rồi, vì đang nín thở thưởng thức giọng hát trầm ấm ngọt ngào của một tài năng Công Nghệ. Tôi đã cầm chắc là anh 9 Hòang sẽ chiếm giải nhất, nhưng không ngờ giọng ca vàng đã bị hạ xuống giải bạc, hạng nhì. Giải nhất về tay một sinh viên Hóa học, hát không hay lắm mà lại lùn và xấu trai nữa. Chúng tôi buồn lòng lắm, nhưng không dám lên tiếng, nghe đâu anh ấy thắng vì có lòng, trình diễn tới ba bài dân ca cho cả ba miền. Có thực như thế không ? Lâu quá rồi, “sà va” luôn nhé, kể lại cho vui thôi !

Ông Tây hiền lành và “dễ thương” nhất là Thầy Porteil, dạy thực hành ở xưởng động cơ. Ông đi đứng, nói năng chậm rãi và điềm đạm, luôn đối xử với mọi người với tấm lòng cởi mở và thông cảm. Ngòai lòng tôn kính đối với một vị Thầy, chúng tôi còn cảm thấy gần gũi và thương Ông lắm vì Ông là giáo sư Pháp duy nhất ở trường nói tiếng Việt không những thông thạo mà còn rất văn hoa nữa. Trong giờ học Thầy Porteil giảng dạy bằng tiếng Pháp (dĩ nhiên) nhưng khi nhìn quanh thấy sinh viên chưa thật hiểu thì Ông giảng lại bằng tiếng Việt. Còn ngòai giờ học thì không nói tiếng Tây, chỉ xài tiếng Ta thôi !

Tôi chưa bao giờ nghe Ông kể chuyện đời mình, nhưng nghe qua nhiều huynh trưởng tôi được biết thuở còn trẻ Ông từ Pháp qua làm việc ở Hải phòng và kết duyên với một thiếu nữ Việt Nam. Tôi cũng không có dịp được đến thăm gia đình của Ông ở tư gia, chỉ nghe kể lại là Ông Bà sống rất đầm ấm và hạnh phúc và Bà thường đãi những học trò đến thăm Ông món bún chả giò tuyệt ngon. Chúng tôi chắc rằng Ông nói tiếng Việt sành sõi bằng một giọng Bắc rất du dương vì Ông yêu thương Bà nhiều lắm, và Ông cũng thương những đồng bào của Bà mà Ông gặp hàng ngày là môn sinh của Ông ở trường Kỹ sư Công Nghệ.

Tôi nhớ có một lần, tiếng Việt của Thầy đã làm cho nhóm học tháo ráp động cơ xe hơi chúng tôi ngẩn ngơ và thích thú. Ráp xong máy thì hết giờ, Thầy cho về và hẹn ngày mai sẽ thử nổ máy. Lúc sắp bước ra khỏi cửa Thầy quay lại hỏi : “ À này, ráp máy xong rồi còn dư con bù loong nào không đấy, các cậu ?! ” Chưa ai kịp trả lời, Thầy tươi cười bước ra ngòai. Còn một chuyện nữa do một anh 9 kể lại. Cách một tuần nữa đến Tết ta, bốn cô sinh viên Hóa học mang báo xuân vào tận xưởng động cơ để bán. Các cô ân cần mời mọc, còn các anh khóa 9 thì cứ lúng túng vì chân tay lấm lem dầu mỡ chưa biết làm sao. Thấy thế, Thầy vui vẻ bảo (tôi nhắc lại nguyên văn những gì đã nghe kể nhé) : “Làm sao thế này… chẳng nghe anh nào lên tiếng cả, cứ để cho các người đẹp duyên dáng mời chào mãi thế ! ”

Đọc đến đây chắc không có huynh trưởng nào nỡ bảo là : “Chuyện xưa quá rồi, ai cũng biết mà cứ kể mãi! ” Còn quí vị độc giả không phải là dân Công Nghệ hiểu được vì sao đã bao năm qua rồi mà chúng tôi vẫn nhớ mãi về ngôi trường xưa. Ông Carnot ở Pháp ngày trước, khi công thành danh tọai trở về làng cũ, trường xưa tạ ơn thầy. Ngày nay, chúng tôi, những kẻ hơn nửa đời phiêu bạt, công danh như áng phù vân, có quay về ngôi trường yêu dấu cũ cũng không gặp được ai, nên chỉ biết trải tấm chân tình lên những trang giấy để tri ân tất cả những Giáo sư của tôi, nhân dịp phát hành Đặc san tưởng niệm Giáo sư Văn Đình Vinh, một vị Thầy khả kính của tất cả anh chị em Công Nghệ chúng ta.

Mười Nghệ.
( một Công Nghệ 10 )


(*) CƯỚC CHÚ :

Mười Nghệ là bút hiệu của một Công Nghệ 10 đã làm đủ 10 nghề :

Trước 75 : 1) Kỹ sư Công Nghệ.
Sau 75 : 2) thợ đóng tàu. 3) tài công. 4) thông ngôn, dạy Anh văn
5) thợ sửa bơm giếng nước.
6) thợ mộc ( sửa nhà và đóng thùng làm tổ ong mật).
7) thợ rừng ( lấy tổ mật ong, cưa cây để bán làm củi lò sưởi)
8) tài xế xe vận tải nặng. 9) thợ sửa chữa du thuyền.
10) kỹ thuật viên cơ khí, được thăng kỹ sư sản xuất, rồi nghỉ
hưu làm “handy man” cho vui !
Post Reply