Huế và Tết Mậu Thân 1968

User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Suy nghĩ sau khi đọc bản tin về Kỷ niệm Mậu Thân 1968

Ý Yên


Biến động Mậu Thân 1968 vẫn còn chứa nhiều bí ẩn, mà chỉ những người trong cuộc mới biết rõ, đó là những nhà thảo kế hoạch Hoa Kỳ và ông Hồ Chí Minh, và có lẽ ông Hồ đã đem theo điều đó xuống tuyền đài.

Lẽ ra những nạn nhân của cái “liên minh ma quỷ” bị thấm đòn phải biết rõ về sự kiện Mậu Thân nhiều hơn ai hết. Nhưng tiếc thay, mỗi người biết một chút, dù chính xác nhưng chưa có một sự phối hợp tổng kết rõ ràng, nên vẫn còn những nhận xét theo báo chí, hay theo lối phóng sự chiến trường trên chiều nổi.

Bài viết với nhan đề Hà Nội kỷ niệm tổng tiến công và nổi dậy 1968 đã đăng trên DCVOnline và cũng nhận được những góp ý nhận xét khác nhau, vẫn là khác nhau.

Nhận thấy có những mâu thuẫn về ý nghĩa ngày lễ kỷ niệm, người viết muốn đóng vai trò của một người điểm duyệt bài viết, và trình khán lại cùng bạn đọc bốn phương.

Chỉ một mình ông Hồ nắm biết về bí mật Mậu Thân, bởi ông đã mần thơ ra hịch tổng tấn công và ông phải biết mục đích chính trị của nó là gì, dẫn tới đâu.

Câu thơ “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”(1) chỉ là một câu rỗng không, bởi bộ đội của ông kiềng mặt đâu có đánh Mỹ trong mấy ngày hưu chiến. Ngược lại, quân Mỹ gác súng, rảnh rang đi PX hay các clubs những ngày đầu năm, để mặc cho lính ông Hồ muốn làm gì thì làm. Phi cơ chiến đấu Hoa Kỳ nằm phơi nắng tại các phi trường, không thèm cất cánh.

“Thanh niên với quần đen của Việt Cộng cùng AK-47 và súng phóng lựu đã tham gia cuộc diễn hành, cùng với phụ nữ gánh những giỏ trái cây trên vai, nhằm gợi nhớ cái hình ảnh vũ khí và bom đạn đã được chuyển lậu vào thành phố như thế nào”. Bản tin có đoạn ghi khá chính xác về danh từ “Việt Cộng”, là cái tên mà người đồng minh Hoa Kỳ có ý xử dụng để phân biệt với “bộ đội Miền Bắc.”

Tất cả các giấy tờ chính thức của người Mỹ đều phân biệt rõ ràng như thế, trong khi người Việt Nam mình hầu như cứ gom chung hai thứ Cộng sản Nam Bắc vào chữ “Việt cộng” mà quên rằng cái thứ “Việt cộng Bắc kỳ” này đã ăn tươi nuốt sống cái thứ “Việt cộng Nam kỳ” kia.

Hình ảnh các “phụ nữ gánh những giỏ trái cây… vũ khí và bom đạn…” cũng có thể xảy ra riêng biệt đây đó tại miền Nam thuở ấy, nhưng không phải là phổ biến. Sau này ta vẫn thấy nhan nhản những mẩu tin đăng trên các tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên, phản ảnh nỗi buồn tủi bị bỏ quên của những kẻ vô ơn bạc nghĩa đối với các bà mẹ chiến sĩ trong chiến tranh.

Khi có các phụ nữ gánh trái cây lẫn bom đạn thì cũng có hàng trăm người dân miền Nam đã đóng vai hướng dẫn viên cho các đơn vị hành quân Việt Nam Cộng hòa truy quét Việt cộng khắp nơi.

Một cô bán trái cây tại đường Bạch Đằng gần xa lộ đã bất ngờ hạ sát một chú bộ đội lớ ngớ lạc mất đơn vị, và đem vùi thây trong ao rau muống. Một phụ nữ khác đã che chở nuôi sống một nhóm chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa trong một căn hầm qua thời gian Cộng quân tạm chiếm Huế. Những hành động “sát cộng” bởi tay người dân nhắc lại thêm đau buồn cho một giai đoạn binh lửa nơi quê nhà nhưng cũng nên hồi tưởng. Thế mà đến thời gian này vẫn còn các phụ nữ tự nguyện diễn cái trò gánh trái cây bom đạn vào thành phố khi xưa.

Ông Hồ đã kêu gọi “tổng tấn công và tổng nổi dậy” nhưng không thấy có một nhóm người dân nào nổi dậy đón chào chú bộ đội, mà chỉ thấy hàng trăm hàng ngàn người dân miền Nam chạy về hướng các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa xin che chở.

Trong Chợ Lớn, khi Cảnh sát Dã chiến đánh giải toả bệnh viện nhi đồng bị tạm chiếm, thì các “anh chiến sĩ Mặt trận Giải phóng miền Nam” ôm các em nhi đồng ra hành lang ra làm bia đỡ đạn. Tướng Nguyễn Ngọc Loan phải ra lệnh không được tác xạ mà đánh cận chiến chiếm lại mục tiêu. Kết quả đã trả giá bằng con số gần chục chiến sĩ Cảnh sát Dã chiến thương vong.

Nói về đặc điểm cuộc tổng tấn công, bản tin đưa ra nhận xét “Cuộc tấn công táo bạo này, vốn vi phạm hiệp ước ngưng bắn để đánh dấu ngày tết truyền thống cổ truyền của Việt Nam đã làm cho quân lực Hoa Kỳ và Miền Nam bị bất ngờ, trở tay không kịp”.

Đây chỉ là một tin tức, chưa thành một sự thực, nên người viết xin mạnh dạn nói lên rằng Quân lực Hoa Kỳ không bị bất ngờ. Lý do quá dễ hiểu là quân lực Hoa Kỳ đã tôn trọng hưu chiến, mà không bị Việt cộng tấn công, và Hoa Kỳ cũng không tìm đánh Việt cộng.

Cái bất ngờ của Hoa Kỳ chính là cái thắng lớn của quân dân Việt Nam Cộng hòa trên khắp lãnh thổ, thay vì cái thua phải tan hàng.

Hoa Kỳ đã bất kể đến những cái thắng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, để biến thành cái hoà với Bắc Việt, nhằm tới một mục tiêu cao hơn cái mục tiêu Bắc Việt. Ông Hồ vẫn chối không đem quân xâm lăng miền Nam, nhưng Cộng sản Bắc Việt vẫn được lôi dậy mà ngang nhiên tới dự hòa đàm.

Tham dự hoà đàm về chiến tranh, thì cho dù dấu mặt, Cộng sản Bắc Việt mặc nhiên thú nhận có dính líu đến cuộc chiến tại miền Nam. Ông Hồ ra lệnh “tổng tấn công” chứng tỏ rằng Bắc Việt là kẻ chủ động trong cuộc xâm lăng miền Nam.

Đến đây người viết hơi lưỡng lự không dám xác định về mục đích của Cộng sản Bắc Việt trong biến động Mậu Thân.

Có thể là làm tiêu hao lực lượng Mặt trận Giải phóng Miền Nam để phải tuân thủ đường lối của Bắc Việt trong một ngày N, như 30.4.1975.

Cũng có thể là tạo cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam niềm lạc quan tếu sẽ toàn thắng và phạm những tội ác tầy trời như vụ thảm sát 5 nghìn người dân Huế và một vụ thảm sát không thành tại Nha Trang, bởi nhóm tỉnh ủy viên Việt cộng bị bắt trước đó cùng với những bản dự thảo cho vụ thảm sát người dân Nha Trang.

Hoặc có thể nếu diễn ra một tình trạng hỗn độn chính trị tại miền Nam, nhưng có lợi cho Hoa Kỳ, thì cũng có mặt chia phần của Bắc Việt…

Đáng chú ý nhất trong bản tin là sự có mặt của bà Nguyễn Thị Bình trên khán đài. Thật là vẽ vời. Một đoạn tin viết: “Trên khán đài là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, và bà Nguyễn Thị Bình là người đã ký Hiệp ước Ngừng chiến ở Paris năm 1973 cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam và sau đó bà trở thành phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo bài bản đã diễn ra, thì Mặt trận Giải phóng Miền Nam, kẻ đã đồng ký kết Hiệp định Paris, phải tuân hành sự hoà giải hòa hợp giữa hai phe Miền Nam, là Việt Nam Cộng hòa và chánh phủ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tuy nhiên Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã xé Hiệp định Paris thay vì hoà giải, bắt ép Big Minh phải đầu hàng.

Biết rằng Cộng sản Bắc Việt đã đánh tráo danh nghĩa và cờ quạt của Mặt trận Giải phóng Miền Nam để cưỡng bức một cuộc đầu hàng, nhưng trên hình ảnh và giấy tờ thì đó là hành động của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Mười ngày sau, Bà Bình họp báo tại Đà Nẵng đã than phiền “Cuộc thống nhất diễn ra vội vàng quá, lẽ ra phải để cho Miền Nam trung lập ít ra là năm năm nữa!”

Cộng sản Bắc Việt không ngu như người ta tưởng. Họ lập Trung ương Cục tại Miền Nam là nhằm theo dõi, chi phối, kiểm soát Mặt trận Giải phóng Miền Nam về mọi mặt quân sự chính trị, không để Mặt trận Giải phóng Miền Nam chạy thoát khỏi tay họ mà đi chơi với kẻ khác, đòi trung lập.

Cấp lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Miền Nam hầu hết là dân khoa bảng, được đào tạo tại Pháp, đều là những thương gia, điền chủ giàu có tại Miền Nam, và cũng như ông Sihanouk, thân Pháp. Từ sau 1968, Mặt trận Giải phóng Miền Nam đồng sàng dị mộng, có ý qua mặt cánh Bắc Việt để chơi thân với Pháp và Trung Cộng, trong khi Bắc Việt bắt đầu bỏ Trung Cộng để thân Liên Xô (sự chia đàn sẻ gánh Cộng sản này cũng là do cái tài đưa đẩy, dẫn dụ của Hoa Kỳ, không đề cập tới trong bài này).

Bà Bình chịu cái chức “phó” gật đầu cho Cộng sản Bắc Việt, cũng như mấy ông Thọ, Phát, Trà… vô quân bất tướng ngậm quả bồ hòn cho đến cuối đời. Những người đồng cảnh với bà Bình cũng khá nhiều, đều bị vào tròng Bắc Việt, và sau này cũng “chửi” Bắc Việt rất dữ, như các ông Tản, bà Quỳnh Hoa… Các ông Bảy Trấn, Nguyễn Hộ… còn phát hành tờ Câu lạc bộ Kháng chiến (đến số Ba thì đình bản) công khai lăng nhục ông Hồ chẳng khác gì quân thù quân hằn vậy.

Tội lỗi thấu trời của Mặt trận Giải phóng Miền Nam là vụ thảm sát đồng bào tại Huế mà Cộng sản Bắc Việt là kẻ giật dây đàng sau. Vậy có hay ho gì mà tổ chức kỷ niệm 40 năm Mậu Thân, gợi nhớ đến mối thù chưa nguôi của dân Miền Nam. Lại tổ chức tại Sài Gòn, chứ không tại Huế, Đà Nẵng, hay ngay tại Hà Nội, nếu Cộng sản Bắc Việt coi Mậu Thân là chiến thắng. Tổ chức tại dinh Độc Lập là chiếu lại cái cảnh quân “giải phóng” ôm cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam chiếm dinh này.

Nếu còn dành chút danh hão nào cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam, thì Cộng sản Bắc Việt đã cho treo lại trong chốc lát cái lá cờ xanh đỏ bên cạnh một bà Bình bơ vơ lúc tuổi về chiều.

Đối với Miền Nam, trong cái xui lớn cũng còn cái may cho quân cán chính Việt Nam Cộng hòa, vì nếu Mặt trận Giải phóng Miền Nam chủ động trong cuộc chiếm trọn Miền Nam, thì một “biển máu” ghê rợn hơn Mậu Thân ắt đã xảy ra, cũng như bên Cambốt dưới bàn tay Pol Pot, người bạn của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Nhưng vì đâu, một buổi lễ dềnh dàng như thế lại chỉ có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bà Bình tham dự? Bản tin không thấy nói về hai ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng, lẽ ra phải có mặt, đặc biệt là ông Triết, chủ tịch Nước. Cũng không thấy nói tới phái đoàn báo chí, nhất là ngoại giao, như Hoa Kỳ, Nga, Pháp, hay Trung Cộng…

Có tốt đẹp gì cho ông Mạnh và bà Bình? Hai ông Triết và Dũng, tuy đang là thủ lãnh của chế độ, lại vắng mặt, được xem như vô can không chịu trách nhiệm đối với những hành động của Cộng sản Bắc Việt trong thời đó. Cho dù hai ông Triết, Dũng hiện diện trong buổi lễ, thì bà Bình lại chườn mặt ra đó làm gì một khi Cộng sản Bắc Việt đã giải tán Mặt trận Giải phóng Miền Nam của bà một cách không thương tiếc?

Đã thù ghét và giải tán Mặt trận Giải phóng Miền Nam không nương tay, thì sao Hà Nội còn “kỷ niệm tổng tấn công, tổng nổi dậy” mà đa số người dân và quốc tế đều biết là một thất bại lớn nhất cho Cộng sản qua hai cuộc chiến, những thất bại gom lại còn nặng nề hơn trận Điện Biện Phủ đối với thực dân Pháp khi xưa?

Trình diễn lại biến cố Mậu Thân đã vô tình nhắc nhở lên những đập phá, những tội lỗi không kể xiết của cái Mặt trận Giải phóng Miền Nam đối với người dân hiền hoà Miền Nam.

Trong khi các “thanh niên quần đen Việt cộng cùng với AK-47…và các phụ nữ gánh giỏ trái cây” (đầy bom đạn)… thì cũng có biết bao gia đình người Việt khắp nơi, tại Huế, nơi xứ người đang dâng lễ tưởng niệm vong linh hàng ngàn nạn nhân của Cộng sản, của cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Cũng trớ trêu thay, lệnh tổng tấn công đã được ban bố từ một bài hịch cuối năm của ông Hồ, và Mặt trận Giải phóng Miền Nam tự đem cổ vô tròng, tận tình thi thố những thủ đoạn dã man khủng khiếp, để rồi tự dẫn mình vào cửa tử sau này.

© DCVOnline


--------------------------------------------------------------------------------

(1): Nguyên văn bài thơ chúc tết của Hồ Chí Minh năm 1968 như sau:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta”
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế (1968) (Kết)

Trần Gia Phụng


Tổng kết


Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH, cho đến cuối tháng 3, 1968, số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên trong cuộc tổng công kích tết Mậu thân (1968) là: 4.954 sĩ quan và binh sĩ VNCH; 14, 300 thường dân VNCH; 58.373 sĩ quan và binh sĩ trong lực lượng MTDTGPMNVN và Bắc Việt; 3, 895 sĩ quan và nhân viên Hoa Kỳ (gồm Bộ binh, Không quân, Hải quân, và TQLC), 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH. Trong số 14, 300 thường dân, Huế mất khoảng 2000 người.(32)

Riêng tại Huế, theo thống kê của tác giả Douglas Pike, ước lượng tổng số thiệt hại tại Huế sau biến cố Mậu Thân như sau:

Tổng số thường dân thương vong: 7.500 người.
Số bị thương vì chiến tranh: 1.900 người.
Số thường dân bị tử nạn: 844 người.
Số người mất tích: 1.946.(33)

Theo thống kê của tác giả David T. Zabecki qua một bài viết đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người và hàng ngàn người mất tích. Trong khi đó, Quân đội VNCH có 384 tử trận, 1,830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng 5.000 tử trận, số bị thương không tính được.(34)

Các con số nầy chắc chắn chưa đầy đủ, vì còn nhiều người mất tích chưa được kê khai. Riêng tại Huế, nếu số tử thi tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2.810 xác, thì số người thật sự chết phải cao hơn rất nhiều, vì chắc chắn còn có những nấm mồ chưa được phát hiện, và có thể không bao giờ được phát hiện, mà vùi dập mãi với thời gian; hoặc những người bị cộng sản đem đi các địa phương khác rồi thủ tiêu. Ngoài ra còn có những người chết được gia đình tự lo liệu việc chôn cất. Dầu có tác giả cho rằng tối thiểu số thường dân bỏ mạng trong dịp Tết tại Huế phải khoảng trên 3.000 người,(35) nhưng thực tế con số nầy phải cao hơn nhiều.

Một điều cần ghi nhận là trong khi giết hại cả hàng chục ngàn thường dân vô tội trên toàn quốc, và nhất là chôn sống đồng bào tại Huế, một tội ác “đất không dung, trời không tha", cộng sản địa phương Huế cũng như tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phủi tay trốn trách nhiệm, hoàn toàn không đả động gì đến ai đã chủ mưu và giết chóc như vậy. Đó là lý do chính khiến cộng sản không công bố hồ sơ biến cố Mậu Thân, mặc dầu sự kiện nầy đã xảy ra cách đây bốn mươi năm.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, ông bộ trưởng Bộ quốc phòng Bắc Việt lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng công kích Tết Mậu Thân: “Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó. Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện.”(36)

Tài liệu hiện nay cho thấy vụ Tết Mậu Thân do chính Nguyễn Chí Thanh soạn thảo kế hoạch, rồi Võ Nguyên Giáp tiếp tục khi Nguyễn Chí Thanh chết bất ngờ, chính Bộ chính trị thông qua kế hoạch nầy, chính Hồ Chí Minh ra lệnh thi hành bằng bài thơ giết người trên đài phát thanh Hà Nội, và chính Trung ương cục miền Nam do Phạm Hùng, uỷ viên Bộ chính trị đảng LĐ đứng đầu, chỉ đạo mọi diễn tiến của tình hình. Ngày nay nhà cầm quyền Hà Nội công khai thừa nhận và ăn mừng “chiến thắng” Mậu Thân, có khi nào Võ Nguyên Giáp nghĩ đến lời nói dối “hào nhoáng” sống sượng của một đại tướng không?

Còn về việc giết người tập thể, ông Bùi Tín, nguyên là đại tá quân đội cộng sản Bắc Việt, nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân Hà Nội trước năm 1990, đã viết rằng:

“Cho nên những vụ tàn sát có tính chất tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui. Giữa cảnh hỗn loạn khi có lệnh rút lui...Một số đơn vị nảy ra hành động thủ tiêu tù binh để bảo đảm không lộ bí mật, không bị nguy hiểm, “nhẹ gánh", “khỏi vướng chân", “sẽ chết cả nút"... Cuối cùng cũng còn một số ít tù binh giải về căn cứ, được dùng để đào hầm hố, khuân vác... một số về sau được thả về.”(37)

Nếu biện minh như ông Bùi Tín, thì ông giải thích làm sao về việc cộng quân đã tàn sát và chôn hàng ngàn người tại Gia Hội (Huế) trong thời gian họ tạm chiếm vùng nầy?

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng:

“Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.”
(Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khê, bđd.)

Chưa đặt vấn đề lương tâm dân tộc ở đây, nhất là với những người cộng sản và những người chạy theo cộng sản như Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước hết, phải xác định rõ ràng cuộc chiến do cộng sản gây ra không phải là “chiến tranh cách mạng”, mà là một cuộc chiến tranh ý thức hệ do tham vọng quyền lực và tham vọng bành trướng của cộng sản Bắc Việt.

Thứ hai, cách thức đổ lỗi “cục bộ", “địa phương” là bài bản sách vở của cộng sản. Trong tất cả các chương trình kế hoạch hành động, cộng sản luôn luôn cho rằng thành công là nhờ đảng lãnh đạo, thất bại là tại địa phương làm sai. Thậm chí nông dân Việt hiện nay có câu ca dao mỉa mai: “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta.”

Thứ ba, “tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân” vì không có nơi nào trên toàn quốc mà cộng sản chiếm được lâu ngày để có thể hoành hành, giết chóc như ở Huế. Trong khi đó, suốt từ 1945 đến 1975, đã nhiều lần cộng sản giết hại tập thể một cách tàn bạo, chôn sống biết bao nhiêu người, như những cuộc thủ tiêu khắp nước những nhà ái quốc không cộng sản,(3 vụ giết hại những tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi,(39) vụ chôn sống nhóm Đệ tứ Quốc tế ở vùng sông Lòng Sông thuộc tỉnh Bình Thuận,(40) vụ tàn sát các tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo ở trong Nam.(41) Có nhiều trường hợp người ta không có tội vẫn giết, vì người đó là một nhân tài, có thể có hại cho cộng sản trong tương lai, nên cần phải giết trước để trừ hậu hoạn. Giết như thế cộng sản gọi là “giết tiềm lực”.

Người trong cuộc là ông Lê Minh, bí thư Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đã thú nhận rằng việc tàn sát tù binh và thường dân ở Huế là có thật. Ông ta tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát nầy, nhưng lại chống chế rằng cộng quân “đã ở trong một hoàn cảnh quá khó khăn, đến không thể nào kiểm soát nổi những hành động thô bạo.” (lời của ông Lê Minh, Chính Đạo trích dẫn, Mậu Thân, sđd.137.)

Như đã trình bày ở trên, đây không phải là lần đầu tiên cộng sản “hành động thô bạo". Hơn nữa, từ đâu phát sinh hành động thô bạo? Thông thường, đó là do xuất thân từ một tập thể thô bạo, được giáo dục dưới chủ trương và chính sách thô bạo, và được khuyến khích bằng những hành động thô bạo, không bị pháp luật chế tài. Do đó, chẳng cần phải hoàn cảnh khó khăn thì cộng quân mới “hành động thô bạo”.

Tuy nhiên, ít nhất ông Lê Minh cũng đã can đảm công khai thú nhận quân đội cộng sản đã “hành động thô bạo”, một lời thú nhận hiếm thấy nơi những nhà lãnh đạo cộng sản. Lời thú nhận của ông Lê Minh được đưa ra năm 1988, trong thời gian đảng CSVN bắt đầu cởi mở, đã đuợc đăng trên tạp chí Sông Hương, và được dịch đăng trên báo Newsweek ở Hoa Kỳ (Theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời bà Thụy Khê).

Sau đó những biến động ở Đông Âu dồn dập xảy ra, và Liên Xô sụp đổ năm 1991, đã làm cho phái bảo thủ trong đảng CSVN cứng rắn trở lại. Hồ sơ Mậu Thân bị khép kín lần nữa. Quyển hồi ký của Lê Minh liền bị thu hồi và bản thân đương sự bị thất sủng, cô lập. Hiện nay, hàng năm vào dịp Tết, CSVN ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, trên sự đau khổ của đồng bào cả nước, vì ngày đó cũng chính là ngày kỵ giỗ của khoảng gần 80, 000 người Việt cả Bắc lẫn Nam, cả dân sự lẫn quân sự, đã bỏ mình trong cuộc tổng công kích nầy.

Dầu Võ Nguyên Giáp có chối tội, Bùi Tín, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Lê Minh có biện minh thế nào cho cộng quân, bất cứ ai đã từng sống với cộng sản đều biết rằng:

− Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và sắt máu của cộng sản, không có một người nào dưới quyền đảng Cộng Sản mà không bị kiểm soát, không có một người nào dưới quyền cộng sản mà có thể tự ý làm bất cứ điều gì họ nghĩ. Nhất nhất họ đều phải theo chỉ thị của đảng bộ và của cấp trên. Do đó, việc tàn sát trong cuộc chiến Tết Mậu Thân hoàn toàn là chủ trương chính sách của đảng LĐ tức đảng CSVN.

− Đảng Cộng Sản là một đảng chính trị tổ chức chặt chẽ, rất có kỷ luật. Bất cứ đơn vị quân đội cộng sản nào cũng có một chính uỷ (uỷ viên chính trị) để điều khiển công việc, đứng trên và quyền hành hơn cả đơn vị trưởng. Do đó, không thể đổ lỗi cho các cán binh cộng quân rút lui nên mới tàn sát bừa bãi, và cũng không thể đổ lỗi cho các đơn vị địa phương hay tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã phạm sai lầm hoặc giết người để tự vệ.

Chắc chắn phải có kế hoạch chính sách do trung ương hoặc do các đảng uỷ cộng sản quyết định, khi tiến thì làm gì, khi rút lui thì làm gì, các đơn vị thừa hành hoặc các cán binh mới dám tàn sát dân chúng một cách vô nhân đạo, tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới. Hiếu sát, giết người bừa bãi là một đặc tính căn bản của cán bộ cộng sản học được từ các lãnh tụ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Như thế, đảng LĐ tức đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về việc tàn sát trong cuộc chiến tết Mậu Thân năm 1968.

Đặc tính khát máu tàn bạo nầy của cộng sản thể hiện xuyên suốt từ những vụ thủ tiêu chính trị năm 1945 (vài trăm ngàn người bị giết), đến cuộc tàn sát trong Cuộc cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc (200,000 nông dân bị tàn sát), rồi Nhân Văn-Giai Phẩm (bắt tất cả trí thức, văn nghệ sĩ phản đối sự chỉ huy văn nghệ cuả cộng sản), vụ án “chống đảng” (bắt giam dài hạn sĩ quan, trí thức không đồng chánh kiến). Cộng sản Việt Nam học theo đúng bài bản Liên Xô trong thế chiến thứ nhì (tiêu diệt tập thể những người yêu nước Ba Lan để thay thế bằng những đảng viện cộng sản Ba Lan), ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, tiêu diệt ngay chính đồng bào mình.

Vụ tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế là một dấu mốc trong tiến trình xâm lăng VNCH, nhắm đặt toàn thể nước Việt Nam dưới sự cai trị của cộng sản. Sau năm 1954, khi người Pháp rút lui, đất nước bị chia hai. Đáng lẽ cả hai miền Nam và Bắc thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đất nước sau cuộc chiến 1946-1954, và chuẩn bị thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tình anh em ruột thịt một nhà, các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt quyết tâm thôn tính miền Nam bằng võ lực.(42)

Các cấp lãnh đạo cộng sản không thể bằng những phương thức hỏa mù chính trị, đổ tội cho những nhân vật cấp thấp hay rất thấp. Ví dụ ở Huế, cộng sản tuyên truyền đổ tội cho Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, trong khi ai cũng biết những người nầy chỉ là những kẻ ăn theo chạy dọi, những người theo phong trào. Những người nầy, nhất là Hoàng Phủ Ngọc Phan (em của Hoàng Phủ Ngọc Tường), Nguyễn Đắc Xuân đã xuất đầu lộ diện, hăng hái chỉ huy cuộc lùng bắt, tấn công, trước sự chứng kiến của dân chúng Huế, nên đành phải chịu tai tiếng suốt đời. Cộng Sản dùng họ làm những con cờ thí. Các cấp lãnh đạo của cộng sản hy vọng lớp bụi thời gian sẽ lần lần che phủ những dấu vết tội lỗi của cộng sản.

Về các lực lượng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân:

1) Rõ ràng du kích cộng sản miền Nam đã hoàn toàn thất bại. Đại bộ phận lực lượng MTDTGPMNVN bị tiêu diệt. Nhiều tài liệu của phía CSVN cho thấy MTDTGPMNVN hầu như kiệt quệ sau vụ Mậu Thân. Cuộc tổng công kích không được dân chúng hưởng ứng. Dưới lằn đạn của du kích CS, dân chúng hướng về phía quân đội VNCH hay quân đội Hoa Kỳ để tìm đường sống, chứ không ai chạy theo CS cả.

2) Quân lực VNCH bị tấn công bất ngờ, nhưng đã phản ứng kịp thời, nhanh chóng và mạnh mẽ. Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, đã viết: “Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968.”(43) Sau Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington, đã nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.”(44)

3) Quân du kích CSVN tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn nhắm mục đích gây tiếng vang chính trị, nhưng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Việt Cộng tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng Hoa Kỳ, mà chỉ nhắm tấn công vào quân lực VNCH. Vì vậy, quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh chỉ hoạt động để giúp đỡ quân dội VNCH. Do đó có người cho rằng quân đội Hoa Kỳ phản ứng chậm. Lực lượng Hoa Kỳ và Đồng minh thiệt hại tương đối nhẹ.

Tuy nhiên việc CSVN tấn công vào các thành phố đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ hoang mang về tình hình an ninh ở Việt Nam, khiến họ tránh đến Việt Nam đầu tư, làm ăn buôn bán. Quan trọng hơn nữa, dân chúng Hoa Kỳ ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, chỉ theo dõi tình hình qua truyền hình và báo chí. Lúc đó truyền hình và báo chí thiên tả hoạt động mạnh, tô đậm chiến tranh Việt Nam, khiến cho dân chúng Hoa Kỳ lo ngại cho thân nhân của họ đang thi hành quân dịch ở Việt Nam. Việc nầy tạo cơ hội cho các phong trào phản chiến đòi rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam hoạt động mạnh hơn nữa. Chỉ khi nào quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, Bắc Việt cộng sản mới hy vọng chiến thắng ở miền Nam. Dầu thế nào, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cũng ảnh hưởng sâu rộng đến chính trường Hoa Kỳ.

Ngày 23/02/1968, tổng thống Lyndon Johnson cử tướng Earle G. Wheeler sang Việt Nam tìm hiểu tình hình tại chỗ. Tướng Wesmoreland, tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị tăng 206,000 quân Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ngày 01/03/1968, quyết định cử Clark Clifford giữ chức bộ trưởng Quốc phòng thay Robert Mc Namara. Ngày 22/03/1968, Lyndon Johnson cử tướng Abrams, tư lệnh phó MACV thay tướng Westmoreland. Ngày 30/03/1968, tổng thống tuyên bố không tái ứng cử và xúc tiến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị trên bàn hội nghị. Từ năm 1969, Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh, mở đầu cho việc rút quân Hoa Kỳ sau nầy...

4) Như đã trình bày ở trên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cộng sản Bắc Việt. Sau năm 1975, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên quan trọng trong MTDTGPMNVN cho rằng “Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam.”(45) Thật ra, Hà Nội không sai lầm, mà Hà Nội tính toán trước việc nầy, dầu thắng hay bại, CS Hà Nội đều hưởng lợi (đã trình bày ở trên). Khi quân đội MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, cộng sản Hà Nội liền ào ạt gởi quân vào Nam để tăng viện, điền trám chỗ trống, giữ vững quân đội du kích cộng sản khỏi bị suy sụp. Từ đó, CS Bắc Việt hoàn toàn điều khiển MTGPDTMNVN, và loại bỏ những thành phần miền Nam vốn không tuân phục quyền lực Hà Nội trong MTDTGPMNVN. Ngoài ra, Hà Nội khá lợi thế trên chính trường quốc tế trong việc thương lượng để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho chiến tranh Việt Nam.

Cuối cùng, dầu bên nào thành công, bên nào thất bại, thiệt thòi nhất vẫn là dân chúng Việt Nam. Người Việt Nam ở cả Bắc lẫn Nam Việt Nam đã mất mát nặng nề trong vụ Mậu Thân. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một vị tướng thành công thì có cả hàng vạn người chết). Xin chú ý thêm rằng Mậu Thân mới chỉ là một trận đánh, trong nhiều trận đánh của cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa kéo dài trong 30 năm trên quê hương Việt Nam, do Hồ Chí Minh và đảng CSVN gây ra, khiến khoảng 3 triệu người đã bỏ mạng.

Theo tin các báo, ngày 22/01/2008, tổng thống Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn hay Nam Triều Tiên) Roh Moo-hyun đã xin lỗi dân chúng Đại Hàn vì cảnh sát và quân đội đã xử tử không thông qua xét xử 870 người ở thành phố Ulsan trong tháng 7 và tháng 8, 1950 do dính líu đến hoạt động của cộng sản trong thời gian đầu của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong khi đó, cũng theo tin các báo, từ ngày 18/06/2007 đến ngày 27/06/2007, Viện Nghiên cứu Vùng và Quốc tế của Đại học Princeton đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội về đề tài “Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam: nguồn gốc, hệ lụy và hậu quả”. Trong khóa hội thảo nầy, giáo sư Nguyễn Đình Lê, tiến sĩ khoa Lịch sử, hiện giảng dạy tại Đai học Quốc gia Hà Nội, đã chối tội cho chế độ Hà Nội bằng cách lập luận rằng vụ thảm sát Tết Mậu Thân là do Mỹ ngụy tạo để đổ lỗi cho CSVN (?)

Cộng Sản Việt Nam đã không nhận lỗi mà còn cho một giáo sư chối tội hết sức ấu trĩ, vì lối bào chữa của ông Nguyễn Đình Lê thật đúng là “Lấy vải thưa che mắt thánh” (tục ngữ). Nếu quả thật quân nhân Mỹ phạm một trọng tội như vậy, chắc chắn CSVN đã la làng từ 40 năm nay, chứ không phải đợi đến bây giờ ông giáo sư đại học Hà Nội mới lên tiếng. Và nếu quả thật quân đội Mỹ phạm trọng tội như vậy thì chẳng những CSVN la làng, mà truyền thông Tây phương (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, sách vở) cũng đã làm rùm ben, khai thác triệt để, chắc chắn còn hơn cả vụ Mỹ Lai. Ngoài ra, những nhân chứng người Việt hay người ngoại quốc về vụ Mậu Thân hiện nay còn sống ở Huế hay ở khắp nơi trên thế giới. Những hình ảnh rùng rợn về Tết Mậu Thân vẫn còn đó, hàng ngày xuất hiện trên báo chí hay trên các website khắp toàn cầu.

Mới đây, ngày 01/02/2008, CSVN tổ chức các cuộc diễn hành của lực lượng võ trang, kể cả cựu chiến binh tại Sài Gòn để ăn mừng “chiến thắng” Mậu Thân, trong khi hàng vạn gia đình Việt Nam âm thầm tổ chức lễ kỵ giỗ để tưởng nhớ thân nhân của mình đã từ trần trong vụ Mậu Thân..

“Trăm năm bia đá thì mòn,/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Vụ án Trần Thủ Độ giết con cháu nhà Lý năm 1232, dù tối đa chỉ vài trăm người, đã trên bảy trăm năm, ngày nay sử sách vẫn còn nhắc nhở, và sẽ mãi mãi nhắc nhở. Sự dã man của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội qua biến cố Tết Mậu Thân, đậm nét không kém gì những vụ án dã man khác của đảng Cộng Sản, chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của người Việt.

Xin hãy cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng nhớ nạn nhân cộng sản trong vụ Mậu Thân nói riêng và trong suốt cuộc chiến vừa qua trên đất nước yêu quý của chúng ta.


Toronto, Canada

© DCVOnline



--------------------------------------------------------------------------------

(32) *Phạm Văn Sơn (chủ biên), sđd. tr. 35.− Don Oberdorfer, sđd. trang đầu sách: “Tặng những người đã hy sinh (từ 29-1 đến 31-3-1968)", không ghi số trang.
(33) Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm
(34) David T. Zabecki, “Huê, Battle of (1968)", bđd., sđd. tr. 304.
(35) Stéphane Courtois và một số tác giả, sđđ. tr. 572.
(36) Don Oberdorfer, sđd. tr. 45. Nguyên văn: “We had nothing to do with it. The [National Liberation] Front put it on.”
(37) Thành Tín [Bùi Tín], sđd. tt. 185-186.
(3 Sau biến cố năm 1945, trên toàn cõi Việt Nam, rất nhiều người bị thủ tiêu. Sau đây là ví dụ vài nhân vật có tiếng: ở Bắc: Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Chu Khải, Trương Tử Anh, Khái Hưng...; ở Trung: Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, Tạ Thu Thâu...; ở nam: Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ ... Tổng số người bị thủ tiêu trong thời gian nầy trên toàn cõi Việt Nam từ thượng tầng đến hạ tầng ở thôn xã lên đến khoảng vài trăm ngàn người.
(39) Trong “Bạch thư Cao Đài giáo", viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, do vị đại diện đạo Cao Đài là Ngọc Sách Thanh đưa ra ngày 9-4-1999 tại San Bernardino, California, gởi cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Uỷ ban Quốc tế Nhân quyền, thì chỉ trong ba tuần lễ kể từ 19-8-1945, tại Quảng Ngãi, VM cộng sản đã giết bằng nhiều cách 2.791 người, vừa chức sắc, chức việc, vừa tín hữu Cao Đài giáo, kể cả phụ nữ và trẻ em,” như chém đầu, chôn sống, thả biển, và cả hình thức “tùng xẻo” thời trung cổ.” [nguyên văn]
(40) Nguyễn Long Thành Nam, Phật giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc, California: Nxb. Đuốc Từ Bi, 1991, tr. 359.
(41) Theo tài liệu của Nguyễn Long Thành Nam trong sách đã dẫn và của Huỳnh Tâm, Cao Đài dưới chế độ cộng sản Việt Nam, Paris: Ban Đạo Sử Đạo Cao Đài, 1994.
(42) Ngày nay, ai cũng thấy rõ ràng: Đông Đức và Tây Đức thống nhất không đổ máu; Bắc Hàn và Nam Hàn hiện bắt tay bàn chuyện giúp đỡ và thống nhất; Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Đài Loan tuy tranh chấp về chính trị và quân sự nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng cũ.
(43) Yves Gras [tướng lãnh Pháp], “L'autre armée Vietnamienne, L'engagement des Vietnamiens dans la guerre d'Indochine (1945-1975)", đăng trong sách Indochine: Alerte à l'histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d'Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l'Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d'Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279. Nguyên bản Pháp văn câu nầy là: “L'armée sud-vietnamienne joue un rôle capital dans les combats qui brisent l'offensive nordiste du Têt Mau Than en février 1968...”
(44) Tường trình của tướng Earle G. Wheeler (1908-1975) được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài viết của Yves Gras đã trích dẫn ở trên. Nguyên bản Pháp văn Yves Gras dịch của Wheeler: “Les forces armées de la République du Vietnam ont résisté à l'assaut initial avec une force surprenante.”
(45) Peter Macdonald, Giap, the Victor in Vietnam, New York: W.W. Norton & Company, 1993, p. 268. Nguyễn Đức Cung trích dẫn, “Từ ấp chiến lược đến biến cố Tết Mậu Thân”, tập san Định Hướng, Paris: số 51, Mùa Xuân 2008.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Phải Làm Sáng Tỏ Sự Thật Tết Mậu Thân
NHÃ CA

Việt Báo Thứ Hai, 3/31/2008, 12:02:00 AM


...Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc... Bạn tôi, chị Tâm Tuý cũng đã bị chôn sống...

(Bài nói chuyện tại buổi 40 Năm Tưởng Niệm Tết Mậu Thân, Viet Bao Gallery, Thứ Bẩy 29-3-2008.)

Kính chào quí vị,

Cám ơn tất cả quí vị đã vì những oan khiên của Tết Mậu Thân mà mà bỏ công tới đây.

Xin cho phép tôi ôn lại nỗi đau chung.

Thưa quí vị,

Bốn mươi năm trước đây, đúng vào giờ trưa mùng Hai Tết, tại Cửa Đông Ba Huế, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đột nhập, cộng sản khai diễn cuộc tàn sát.

Toán nạn nhân đầu tiên gồm 5 thường dân -không hề có người lính Cộng Hoà nào. Tất cả bị trói, bắt đứng quay lưng vào tường thành. Dân chúng đứng coi. Súng AK nổ. Từng người gục chết. Sau cuộc hành hình, thân nhân những người bị bắn nhào ra muốn ôm xác. Họ bị đánh, bị đá, bị đuổi. Xác người bị phơi ngày phơi đêm. Nắng. Máu. Ròi bọ...

Và cuộc tàn sát tiếp tục. Không bằng súng đạn mà bằng cách chôn sống.

Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính chùm xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc. Cứ thế mà chôn hàng ngàn người. Bạn tôi, chị Tâm Tuý cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất. Móng tay, móng chân mọc dài hơn. Tóc mọc dài hơn... Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống.

Huế Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn như thế.

Họ còn bị chôn lần thứ hai, bằng sự im lặng đồng loã của truyền thông Hoa Kỳ. Thời ấy, truyền thông Mỹ phản chiến muốn Mỹ rút quân. Tội ác Cộng Sản họ không muốn khui ra. Chiến thắng lớn lao của quân lực Việt Nam Cộng Hoà và đồng minh, họ cố ý dập xoá. Dân Mỹ bị che mắt. Chính quyền Mỹ mỏi mệt. Kết quả là kẻ ác không đáng thắng đã thắng.

Và rồi, mới đây thôi, Huế Tết Mậu Thân vừa bị chôn thêm lần thứ ba, bởi nhà nước cộng sản, bằng lễ lạc, diễn binh, diễn hành mừng chiến thắng trên mồ mả của những người chết oan. Họ muốn bịt miệng người sống, xoá bỏ người chết, đánh tráo lịch sử, nguỵ tạo một chiến công giả để chôn sống một tội ác thật.

Thưa quí vị,

Bốn mươi năm. Ba lần bị chôn sống. Chừng đó đủ rồi.

Đã tới lúc phải làm sáng tỏ toàn bộ "Sự thật Tết Mậu Thân".

Không để lịch sử tiếp tục bị đánh tráo.

Không để tương lai tiếp tục bị phỉnh gạt.

Không để con em chúng ta phải học, phải đọc những điều gian dối về cha anh của chúng.

Đó là những nhắc nhở, thúc giục của cả người chết lẫn người sống.

Mới chiều hôm qua, có đôi bạn nam nữ trung niên tới toà báo mua sách,

thấy Việt Báo Gallery đang treo ảnh triển lãm hình ảnh thảm sát Tết Mậu Thân, họ ghé qua coi. Người đàn ông chừng 47, 48 tuổi kể chuyện sau khi các hầm chôn người Tết Mậu Thân đã được đào lên làm đám tang tập thể. Ông bảo có một hình ảnh của Huế mà đến chết tôi cũng không thể quên. Đó là hình ảnh người ta tay cầm những bó đuốc cháy rực lửa, chạy như điên trong thành phố, vừa chạy vừa gọi tên người thân. Có người la khóc, có người đập bó đuốc vào thân cây, bờ đá. Ông khách nói lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng đã nghe người lớn bảo đó là người ta đi "sai vía" tức là đi gọi hồn. Hồn những người chết oan không biết đường về nhà. Phải gọi hồn về cầu cúng. Đông lắm. Đuốc nhiều lắm. Ở khắp thành phố đâu cũng có.

Dân Huế từ thời sau 75, không còn đuợc phép có chung một ngày tưởng niệm nạn nhân Tết Mậu Thân.

Đã bốn mươi năm. Những người Huế chết oan, hồn ở đâu bây giờ?

Tôi không biết người kể câu chuyện trên hôm nay có trở lại đây không.

Tôi mong có ông trong chúng ta.

Trong phòng này không có đuốc gọi hồn, nhưng có lửa. Lửa trên những ngọn nến tưởng niệm. Và lửa trong tấm lòng của quí vị tham dự.

Tôi mong là khi tưởng niệm Tết Mậu Thân ở đây ông cũng thấy như tôi, là hồn thiêng những người chết oan đang ở cùng chúng ta.

Chỉ ít phút sắp tới, cuộc thuyết trình, hội thảo về Tết Mậu Thân sẽ được bắt đầu. Đây cũng là bước khởi đầu của một dự án sẽ liên tục thực hiện suốt năm 2008. Mục tiêu của dự án là sưu tầm tài liệu, hình ảnh liên quan tới trận chiến Tết Mậu Thân, kêu gọi những nhân chứng sống kể ra từng chi tiết sự việc, ghi chép bằng âm thanh, hình ảnh, chữ nghĩa, thành lập một thư khố về vụ thảm sát Mậu Thân. Sau đó là tổng hợp, nghiên cứu mọi yếu tố lịch sử, pháp lý, thực hiện công trình phiên dịch, biên tập và ấn hành một hồ sơ lịch sử về tội ác cộng sản, mang tên "Sự Thật Tết Mậu Thân 68."

Để có thể tiến hành dự án, sẽ cần nhiều công sức, phương tiện. Chính vì mục đích này, sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế đã được ấn hành để trình diện quí vị. Toàn bộ số tác quyền thu từ sách này sẽ được góp vào quĩ khởi đầu cho dự án kể trên. Rất mong được quí vị tiếp sức.

"Sự thật Tết Mậu Thân" là chứng tích cho công lý và lương tâm Việt Nam.

Chương trình thuyết trình, hội thảo. suy niệm về "Sự Thật Mậu Thân" sắp bắt đầu.

Kính chào quí vị.

NHÃ CA
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

Mậu Thân, anh còn nhớ hay anh đã quên?

Saturday, January 17, 2009
Tạp ghi Huy Phương


Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Phan Văn Tuấn là một thiếu niên ở tuổi 16, đang học lớp Ðệ Tam, trường tư thục Nguyễn Du, Gia Hội Huế, nhà ở khu Chợ Xép, sát cửa Ðông Ba. Rạng sáng ngày mồng hai Tết, anh cũng như toàn thể dân chúng thành phố Huế nghe nhiều tiếng nổ chát chúa liên hồi, tiếng đạn pháo kích vào thành phố và tiếng súng giao tranh càng ngày càng nhiều.

Lúc đầu, họ chợt choàng tỉnh dậy và tưởng như nghe tiếng pháo mừng Xuân của ai đó chợt nổ giữa khuya, nhưng sau đó vài phút, trưởng thành trong chiến tranh, người dân đều biết rằng thành phố đang bị tấn công và những cuộc giao tranh đang xẩy ra, bây giờ đang ở ngay trong thành phố. Tất cả đều xuống hầm trú ẩn hoặc ẩn nấp sát dưới sàn nhà, được che chở bởi những chiếc giường hay những chiếc “phản ngựa” bằng gỗ, và lo lắng theo dõi động tĩnh, từ đó cho đến sáng với niềm lo âu, giữa tiếng súng lớn nhỏ khi dồn dập khi thưa thớt trải dài trong đêm tối, giữa một đêm Huế Mùa Xuân khá lạnh. Việt Cộng phản bội lệnh hưu chiến để đem quân tấn công nhiều thành phố và thị trấn miền Nam.

Vào tờ mờ sáng, từng đoàn dân chúng từ phía ngoài hớt hải chạy vào thành nội theo ngõ cửa Ðông Ba và loan tin Việt Cộng đã về thành phố, ít lâu sau những toán Việt Cộng khác đã hiện diện trong vùng của Phan Văn Tuấn. Việt Cộng có hai thành phần, theo trang bị, cán bộ với dép râu, nón cối, quần dài màu olive, áo sơ mi trắng, đeo xắc cột và mang K.54., đứng tuổi, binh lính Việt Cộng với đầu trần hay nón tai bèo, dép râu, hầu hết mặc quần ngắn, áo đủ loại, mang ba lô, trang bị AK 47, lựu đạn, bộc phá.

Ngay trưa mồng hai Tết, Phan Văn Tuấn chạy theo đám trẻ, chứng kiến cảnh xử bắn năm người dân tại ngay cửa Ðông Ba, nạn nhân bị trói tay, đứng dựa lưng vào vách thành. Trong số thường dân này, có người đang mặc áo quần ngủ, có người còn đi chân đất, Phan Văn Tuấn chỉ nhận ra một người quen, đó là một viên chức cảnh sát trong thành phố đã về hưu. Chỉ huy toán võ trang và ban lệnh hành quyết năm người dân này là ông thầy dạy Việt Văn trước đây của Phan Văn Tuấn tại trường Nguyễn Du: Tôn Thất Dương Tiềm. Năm người bị bắn phơi xác giữa trời nắng, đầy kiến, ruồi và mãi mấy hôm sau gia đình mới lén lút mang về chôn cất.

Ba ngày sau, khi phi cơ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Ðồng Minh bắt đầu can thiệp bắn vào các mục tiêu của Cộng Sản, thì gia đình Phan Văn Tuấn quyết định chạy về phía đồn Mang Cá tức là Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Họ tránh đi theo các con đường lớn và đi băng qua những khu vườn nhà dân, nhưng đến giữa đường thì bị Việt Cộng chặn lại, Phan Văn Tuấn bị tách khỏi gia đình và bị bắt dẫn đi cùng với một toán thiếu niên khác khoảng 10 người trở lại vùng chiếm đóng của Việt Cộng tại chùa Diệu Ðế, Gia Hội.

Toán thiếu niên này, dưới sự canh gác cẩn mật của những tên lính Việt Cộng, tuổi cũng còn rất nhỏ, được dùng trong việc khiêng vác những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, mì gói từ các hiệu buôn trong thành phố về bộ chỉ huy. Năm ngày sau, toán dân công thiếu niên của Phan Văn Tuấn, vào mỗi đêm, được lệnh mang cuốc đi đào những giao thông hào trong vùng Gia Hội. Toán thiếu niên này đứng theo chiều dọc, đào những chiếc hố bề ngang khoảng hai thước, bề sâu một thước.

Thoạt đầu Phan Văn Tuấn nghĩ đây chỉ là những công sự cho bộ đội Việt Cộng tránh bom đạn trong thời gian VNCH bắt đầu phản công chiếm lại Huế, nhưng đến đêm giữa ánh đèn chập chờn, Việt Cộng bắt đầu dẫn ở đâu về từng toán người, cũng như năm người bị giết trong những ngày đầu tại cửa Ðông Ba, đều mặc thường phục, có người mang dép, có người đi chân đất. Tất cả đều bị trói tay quặt ra sau lưng và được cột nối liền với nhau như những xâu người bằng những sợi dây điện thoại, dây kẽm hay lạt tre.

Phan Văn Tuấn bắt đầu kinh hoàng khi thấy bọn lính Việt Cộng, giọng miền Bắc, ra lệnh cho hàng người đứng sát và xoay lưng về phía giao thông hào. Một tên cán bộ bắt đầu đọc bản án tử hình, đại khái cho rằng những người này là “phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân”. Sau một cái khoát tay, một tràng AK chát chúa nổ, nhưng Việt Cộng chỉ nhắm bắn vào người đứng ở đầu hàng, trước sức mạnh của loạt đạn bắn gần, ông già bị hất ngửa ra, chới với trong mấy giây và lăn xuống hố. Sức nặng kéo theo người bên cạnh, người tiếp theo cũng đổ nhào, và cứ như thế kéo theo những người khác, tất cả đều ngã xuống giao thông hào.

Giữa tiếng la khóc, van xin, não lòng vang cả một góc trời, bọn Việt Cộng bắt đầu thúc giục đám dân công của Phan Văn Tuấn: “Nấp, nấp nhanh lên, nhanh lên! Ðịt mẹ, nhanh lên!”

Tiếng báng súng AK giọng vào vai, vào đầu, khi toán đào hố ngần ngừ, chậm tay. Phan Văn Tuấn sững sờ, một lưỡi lê đâm sát vào sườn, máu chảy đầm vạt áo. “Nấp đi mày”. Tiếng khóc la, những cái đầu muốn ngẩng cao hơn, những cái miệng đầy đất cát, nhưng đôi mắt trợn trừng, tức giận, tuyệt vọng, u uất. Những cú nện vào đầu nạn nhân đang vùng vẫy dưới hố, những tiếng chửi rủa tục tằn, thêm một tràng AK tiếp theo. “Nấp nhanh lên”.

Tiếng ồn ào, kêu gào than khóc. Rồi tất cả trở lại im lặng như địa ngục. Hố sâu đã trở thành mặt bằng, nhưng đất còn cựa quậy, có nơi bỗng sụp xuống. Những người dân Huế dưới hầm mộ kia chưa chết hẳn, trừ ông già xếp hàng đầu, may mắn hưởng tràng AK đầu tiên.

Những lần sau, có lúc sợ ánh sáng từ họng súng khai hỏa sẽ bị phi cơ trinh sát phát giác, không cần dùng đến một viên đạn, tên lính Việt Cộng chỉ cần trở cán cuốc lại, đánh thẳng vào đầu nạn nhân đứng đầu hàng, người này ngã ngửa ra đằng sau, cứ tuần tự như thế, bị chôn sống từng hố từng hố một. Dưới áp lực của lưỡi lê, báng súng và sự canh gác cẩn mật, Phan Văn Tuấn và bạn bè đã trải qua những giây phút kinh hoàng, đào hố, lấp đất chôn đồng bào ruột thịt của mình.

Ðó là nỗi đau đớn mà Phan Văn Tuấn phải chịu đựng, mục kích trong hơn chục lần trên mười hố chôn sống người như thế trong vùng đất quê hương hiền lành của Tuấn. Cuối cùng, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đồng lứa khác đã trốn thoát được, chạy về phía phòng tuyến quốc gia, ôm chặt lấy người lính đầu tiên mà khóc nức nở.

Sau khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đã đi tìm lại những giao thông hào chôn người cho chính quyền địa phương cải táng. Tất cả những người khác trong toán “dân công” cùng với Phan Văn Tuấn đều đã bị Việt Cộng thủ tiêu trước khi rút ra khỏi thành phố.

Phan Văn Tuấn lớn lên, vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức và trở thành một sĩ quan Pháo Binh, năm 1975, bị tập trung trong trại Cộng Sản và cuối cùng vượt biển sang Úc. Nhưng từ những ngày xẩy ra vụ thảm sát Mậu Thân, anh không bao giờ muốn trở lại Huế, quê hương của mình, không muốn nhìn lại cảnh Huế, nghe tiếng Huế, thưởng thức một dòng nhạc Huế với nỗi ám ảnh và mặc cảm khôn nguôi. Có ai lại ghê sợ chính với quê hương mình.

Phan Văn Tuấn giấu cả với vợ con của anh những gì anh đã xẩy ra tại vùng Gia Hội trong những ngày Tết Mậu Thân tại Huế. Anh muốn quên đi nhưng cơn ác mộng vẫn vò xé tâm hồn anh qua nhiều năm tháng, anh nhớ lại những cái đầu cọ quậy, những cái miệng đầy đất cát, những đôi mắt trợn trừng, van xin hay tuyệt vọng của đồng bào anh.

Năm ngoái, nhân dịp nhớ lại vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế, sau gần 40 năm im lặng, Phan Văn Tuấn đã dành cho nhà văn Nam Dao trong chương trình phát thanh “Tiếng Dân Tôi” ở Adelaide, Úc một cuộc phỏng vấn mà qua đó, không những Phan Văn Tuấn đã xúc động vì hồi tưởng, khóc nức nở, mà chính người phỏng vấn cũng nghẹn ngào khóc theo.

Nhắc lại vụ chôn người ở Huế, Phan Văn Tuấn như bị đưa vào một trạng thái mê sảng, điên cuồng, đau đớn như đang ở trong chính cơn ác mộng. Anh hứa rằng anh sẽ không bao giờ nhắc lại câu chuyện này một lần nữa với bất cứ ai, vì không chịu đựng nỗi đau đớn, dày vò đang hành hạ tâm hồn anh khi phải vận dụng trí não để hồi tưởng những câu chuyện cũ.

Không, anh Phan Văn Tuấn ơi, anh phải can đảm để sống và nhớ lại những gì anh đã trải qua, không phải riêng để cho những bà con xứ Huế, cho đồng bào mình, mà cả nhân loại cần có những nhân chứng như anh, để nói lên sự độc ác của con người, trong đó có sự độc ác từ bản chất, không thể tha thứ được của những con người Cộng Sản, mà ngày nay chế độ này đang còn ngự trị, làm tình làm tội cả dân tộc của chúng ta. Những con người này không còn lương tri, sống trong dối trá, nên Huế ngày nay mới có những con đường tủi nhục mang tên Mậu Thân, 68, để chúng cười cợt như lũ quỷ đói trên những linh hồn oan khuất của hàng nghìn đồng bào Huế vô tội của chúng ta.

Xin đừng bao giờ quên vụ thảm sát Mậu Thân!

(Những ngày cuối năm Kỷ Sửu Tháng Giêng, 2009)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế trong Mậu Thân 1968

Sunday, January 25, 2009
Liên Thành


Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành xử Luật Pháp Quốc Gia:

- Sáng ngày mồng 2 Tết Mậu Thân, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đang chỉ huy trận đánh khốc liệt tại khu vực Chợ Lớn, đường Sư Vạn Hạnh, thì một Sĩ Quan thuộc Chiến Ðoàn TQLC/VNCH giải giao đến Thiếu Tướng Loan tên Ðại Úy Vc Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp mà Chiến đoàn TQLC vừa bắt được.

Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp chỉ huy đơn vị đặc công, trước đó vài giờ đã giết hết gia đình của một Sĩ Quan CSQG gồm vợ, con và thân nhân của vị Sĩ Quan này. Sau đó y chỉ huy tấn công và kiểm soát trại Phù Ðổng của binh chủng Thiết Giáp, Bảy Lốp bắt giữ gia đình Trung tá Nguyễn Tuấn, dùng vợ con của Trung tá Tuấn áp lực và bắt Trung Tá Tuấn chỉ dẫn cách sử dụng xe tăng còn lại trong trại, Trung Tá Nguyễn Tuấn từ chối, Bảy Lốp đã giết chết toàn gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, gồm cả bà mẹ già của Trung Tá Tuấn đã 80 tuổi, chỉ có một bé trai bị thương nặng và sau đó đã được cứu sống.

Trước đó, y là thủ phạm đã giết chết 34 thường dân vô tội và là tác giả của mồ chôn tập thể 34 đồng bào này. Y còn khai y rất hãnh diện về thành tích này....

Nhân chứng Nguyễn Trường Toại một thường dân đã kể lại rằng: “Tôi biết hắn đã làm những gì trong cuộc chạm súng với QLVNCH, hắn sử dụng trẻ em làm lá chắn, đẩy trẻ thơ vô tội làm bia đỡ đạn, QLVNCH không thể nổ súng, để cho đồng đội hắn tẩu thoát”.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã được báo cáo đầy đủ về tội trạng và hành động man rợ của tên VC này, và khi nhìn những xác chết của trẻ thơ vô tội, ông đã hỏi: “Tại sao, chuyện gì vậy”, khi được biết tại sao và ai là hung thủ, phải chịu trách nhiệm, Thiếu Tướng Loan đã nổ súng, hạ sát tên thủ phạm Ðại úy Ðặc công Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp.

Bám sát theo theo BCH hành quân của Thiếu Tướng Loan lúc đó là đám ký giả chiến trường ngoại quốc, trong đó có nhiếp ảnh gia Eddie Adams của hãng thông tấn AP, và phóng viên quay phim cho hãng tin NBC người Việt Nam là ông Võ Sửu.

Tất cả diễn biến về việc Thiếu Tướng Loan xử bắn tên đặc công Bảy Lốp đã được Võ Sửu và Eddie Adams thâu hết vào ống kính, Tướng Loan thấy rõ việc này, nếu muốn, ông có thể ra lệnh tịch thu hết các các cuốn phim, nhưng không, ông không làm như vậy, và ông đã nói với Eddie Adams cùng các ký giả ngoại quốc cũng như ông Võ Sửu lúc đó:

- Tên VC này đã giết vô số đồng bào của tôi và một số người Hoa Kỳ.

Và Eddie Adams kể lại:

- Lúc đầu tôi tưởng Lém được dẫn đến để Tướng Loan thẩm vấn. Khi ông rút súng chĩa vào Lém, tôi vẫn còn tưởng ông chỉ dọa thôi, hóa ra, ông bắn thật.

Ngay tối hôm đó, mồng 2 Tết Mậu Thân, Eddie Adams đã chuyển bức hình Thiếu Tướng Loan xử bắn tên đặc công Bảy Lốp từ Sàigòn đi khắp thế giới.

Cả thế giới rúng động, và đám ký giả ngoại quốc, các phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, Việt Nam, Âu Châu, và nhiều quốc gia khác, tận tình khai thác bức hình này.

Nó chính là bức hình oan nghiệt, đã đưa cuộc đời của Thiếu Tướng Loan vào khúc quanh nghiệt ngã.

Tranh luận về bức hình, và hành động của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan: Ðúng hay Sai. Theo Thẩm Phán Trần An Bài, giảng sư Học Viện CSQG/VNCH:

- Nhóm phản chiến Hoa Kỳ lý luận rằng: Ðại úy đặc công VC đã bị bắt, hai tay bị trói về sau lưng, tức Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp đã thật sự trở thành tù binh chiến tranh. Tướng Loan không có quyền hành quyết một kẻ thù đã trở thành tù binh chiến tranh, không còn phương tiện tấn công. Hành động này trái với Ðiều 3 quy ước Genève ngày 12-8-1949 về tù binh.

Phóng viên chiến trường của Úc Ðại lợi, ký giả Neil Davids trong cuống “In the Frontline” đã bênh vực Thiếu Tướng Loan, cho rằng:

Tên đặc công mặc áo dân sự, tức không phải quân nhân địch như đã qui định trong qui ước Genève về tù binh. Bảy Lém đã phạm tội quá rõ ràng là giết nhiều đàn bà con nít, và ngoan cố không chịu đầu hàng, Tướng Loan xử bắn một tên phản loạn trong thời gian Thiết Quân Luật thì cũng không có gì gọi là quá đáng.

Tướng William Westmoreland, Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, đã nhận định về hành động của Thiếu Tướng Loan:

- Không khôn ngoan, nhưng Tướng Loan đã làm dưới áp lực. Vấn đề này liên quan đến pháp lý, ông không thể phán đoán được. Ông chỉ muốn nhấn mạnh áp lực vào thời điểm đó, tức là sự giận dữ về những hành động khủng bố của Cộng Sản.

Và Eddie Adams tác giả của tấm hình đã đem lại oan nghiệt, cay đắng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Eddie Adams đã nói là tấm hình của ông chỉ nói lên được một nửa sự thật. Ông đã ân hận, phân bua, gào thét trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, để cảnh giác thế giới rằng họ đã hiểu lầm về ý nghĩa tấm hình của ông. Tấm hình là cái bánh, một nửa cái bánh là sự thật, một nửa cái bánh kia là sự sai, sự gian xảo, sự lừa lọc và lầm lẫn. Thế mà cả thế giới nhắm mắt, bịt tai và im lặng, để cho Tướng Loan chết trong nỗi oan khiên, và VNCH chết tức tưởi trong nhục nhằn.

Vậy nửa thực sự cái bánh kia là gì?

1- Adams đã không ghi lại được những hình ảnh mà Bảy Lốp đã bắn giết và chôn sống dã man những người dân vô tội mà Tướng Loan có trách nhiệm phải bảo vệ. Họ là đàn bà, con nít không có phương tiện tự vệ trong tay. Sự việc này cũng đã được Ðiều 4 qui ước Genève ngăn cấm các quân nhân tham dự chiến tranh không được làm như vậy.

2- Adams cũng không diễn tả được cảnh Bắc Việt đã lợi dụng hưu chiến ngày Tết, tấn công VNCH, gieo bao nhiêu đau thương chết chóc cho dân chúng Nam Việt Nam.

3- Adams đã không ghi lại được cảnh hàng ngàn dân lành bị chôn sống tại Huế trong tết Mậu Thân, do tay các đồng chí của Bảy Lốp gây ra.

Tóm lại nửa chiếc bánh mà thật sự Adams đã không trình bày được là nguyên nhân dẫn đến nửa thật sự chiếc bánh kia mà Adams đã diễn tả trong bức hình, trong chiếc bánh kia.

Nói cách khác, Tướng Loan nổ súng kết liễu đời Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp chỉ là hậu quả tất nhiên của chính việc làm của Bảy Lốp đã giết hại những người dân vô tội mà thôi.

Tranh luận về pháp lý:

1- Bốn phe tham chiến tại Việt Nam chỉ có VNCH đã không hề ký kết vào bất cứ phần nào của Quy ước Genève về tù binh và còn công khai bác bỏ vào ngày 18-2-1974. Trong khi đó thì Hoa Kỳ ký vào ngày 2-8-1955. Bắc Việt ký vào các năm 1953, 1957 và 1976. Mặt trận Giải Phóng Miền Nam ký vào 1973,1974. Như vậy thì làm sao có thể quy kết cho Chính phủ VNCH và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã vi phạm Quy ước này được.

2- Dù có phê chuẩn Quy ước nhưng mỗi quốc gia lại tự giải thích Quy ước theo quan niệm và quyền lợi riêng tư của mình.

Hãy lấy ngay Bắc Việt và Hoa Kỳ làm bằng chứng:

Bắc Việt không tuân thủ quy ước dành cho tù binh Hoa Kỳ với lý do Hoa Kỳ đã mở cuộc chiến tranh đế quốc xâm lược Việt Nam, tức là cuộc chiến không có chính nghĩa, cho nên tù binh Mỹ không đáng được hưởng những đặc ân của quy chế tù binh.

Hoa Kỳ lại cũng không cho binh lính Bắc Việt và MTGPMN được hưởng quy ước, viện lý do là Bắc Việt và Mặt Trận đã áp dụng những chiến thuật du kích quá dã man, không thích hợp cho một cuộc chiến quân sự, binh lính Bắc Việt và Mặt Trận bị bắt thật sự chỉ là những can phạm hình sự, chứ không phải đúng nghĩa là tù binh.

Giả như VNCH có ký vào quy ước Genève, thì có thể giải thích rằng Nguyễn Văn Lém không phải là tù binh chiến tranh và khi bị bắt, y không giao tranh với QLVNCH, mà lại đang lùng kiếm giết hại dân lành vô tội. Rõ ràng y là tội nhân hình sự chứ không phải là tù binh.

MTGPMN được khai sinh vào ngày 20-12-1960, với mục đích lật đổ chế độ chính trị miền Nam bằng bạo lực, và Bắc Việt luôn luôn chối bỏ là không hề tham dự vào các trận đánh ở miền Nam, và đó chỉ là chuyện riêng tư giữa nhân dân Miền Nam nổi dậy chống nhà cầm quyền của họ.

Nếu lập luận này là đúng, thì hai hậu quả được đặt ra cho vụ Tướng Loan:

- Thứ nhất, Nguyễn Văn Lém là một phần tử trong tổ chức nổi loạn chống chính phủ miền Nam nên không phải áp dụng quy chế Genève, mà là luật lệ của VNCH.

- Thứ hai, luật Pháp của VNCH thời đó đã đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật, nghĩa là các cán binh Cộng Sản chống lại VNCH bằng vũ lực, không còn được luật pháp bảo vệ như một công dân thường.

Nguyễn Văn Lém là một phần tử trong tổ chức bị luật pháp đặt ra ngoài pháp luật, y lại còn bị bắt quả tang trong lúc phạm tội hình nguy hiểm. Vậy thì Tướng Loan vị chỉ huy cao cấp nhất của ngành CSQG/VNCH, đang có mặt trên phạm trường có quyền thụ lý nội vụ và quyết định những biện pháp thích nghi.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã hành xử đúng quyền hạn của ông, khi quyết định xử tử Nguyễn Văn Lém ngay tại phạm trường, để chấm dứt tội ác của y. Quyết định của Tướng Loan phải được gọi là hợp luật.

Và sau cùng, luận về việc Thiếu Tướng Loan xử tử Bảy Lốp có đúng thủ tục pháp lý và nhân đạo hay không? Theo Giảng Sư Trần An Bài thì:

- Lý lẽ quan trọng nhất người ta thường nêu lên để trách cứ Tướng Loan là đã xử tử Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp mà không có án lệnh của tòa án.

Không, người ta đã lầm. Lầm hoàn toàn. Người ta đòi hỏi Nguyễn Văn Lém phải được bắt giữ đúng thủ tục tư pháp? Và ai có quyền bắt giữ kẻ phạm pháp? Ðó là Cảnh Sát. Nhưng chính cảnh sát lại là những người đang bị Bảy Lốp tìm giết, chẳng những giết Cảnh Sát mà Bảy Lốp còn giết cả vợ con gia đình Cảnh Sát. Người ta còn đòi hỏi phải đem Bảy Lốp ra tòa án xét xử, còn tòa đâu mà xử, tòa án và các cơ sở công quyền là mục tiêu của Bảy Lốp và đồng chí của y đang chủ trương, đốt phá cho kỳ hết, và thẩm phán là những người mà Bảy Lốp đang tìm bắt để chôn sống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, chết chóc lửa đạn như vậy, mà còn đòi hỏi nào Quy ước, nào là Cảnh Sát Tư Pháp, nào là tòa án, nào là Thẩm phán. Tất cả những thứ đó Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp không cần, điều mà y thật sự cần là chấm dứt tội ác và đền tội.

Nguyễn Văn Lém đã không mặc quân phục đội nón cối đi dép râu, để giao tranh với quân đội VNCH như các bộ đội Bắc Việt khác. Nguyễn Văn Lém mặc thường phục, đi giết hại khủng bố đàn bà con nít để bắt họ làm bia đỡ đạn. Lém chẳng những đã không phủ nhận mà còn hãnh diện về các vụ giết và chôn sống đàn bà con nít của y.

Hành vi này kết thành tội sát nhân với trường hợp gia trọng, bắt buộc phải bị tử hình.

Phương cách thi hành bản án tử hình vẫn được áp dụng vào thời đó tại Việt Nam là tử tôi bị trói vào cột và một tiểu đội hành quyết nổ súng, sau đó viên tiểu đội trưởng đến gần bắn một phát súng ân huệ vào đầu tử tội để chắc chắn y đã chết.

Nguyễn Văn Lém đã bị hành quyết đúng theo thủ tục: Tử tội bị trói đem ra pháp trường, và hưởng phát súng hành quyết cũng chính là phát súng ân huệ của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Ðốc CSQG.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đến Huế.

QLVNCH và CSQG đã tiêu diệt hầu như toàn bộ các lực lượng VC tấn công Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam tạm yên. Nhưng Huế, mặt trận Huế vẫn còn khốc liệt, Cộng quân chiếm Huế 22 ngày, kể từ 2 giờ 32 phút đêm mồng một Tết rạng ngày mồng 2 Tết, đến khuya ngày 22 Tết Mậu Thân, bọn chúng mới bắt đầu tháo chạy, và Huế thật sự ngưng tiếng súng vào sáng ngày 26 Tháng Giêng Âm Lịch.

Huế trong cảnh đổ nát điêu tàn, Huế đầy xác người đã sình thối, Huế nhiều mồ chôn tập thể trong thành phố, Huế đói, Huế lạnh, Huế cơ cực, Huế có quá nhiều đồng bào Huế tỵ nạn ngay thành phố Huế, Huế có quá nhiều trại tỵ nạn và, trẻ thơ, góa phụ, ông bà già đang đói, đang run rẩy trong các trại tỵ nạn, vì trời Huế quá lạnh. Huế với những tiếng khóc tức tưởi, Huế với những tiếng nấc và dòng nước mặt nghẹn ngào của thiếu phụ, của cha, của mẹ, của anh, của em, của bạn bè gần xa, Huế với những tiếng thét kinh hoàng, thất thanh, vút tận trời xanh khi tìm ra thân xác thân nhân mình đã sình thối.

Huế sau 26 ngày bị VC chiếm đóng và tàn sát dân lành là thế đó, với 5327 thường dân vô tội bị tên sát nhân tàn bạo nhất thế kỷ là Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam của y sát hại, cùng với 1200 thường dân bị chúng bắt dẫn đi mất tích.

Huế trong tuyệt vọng thì Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh CSQG đến Huế, cùng với những phi cơ C-130 của Không Quân VNCH, với những phẩm vật tiếp cứu khẩn cấp cho đồng bào Huế.

Tôi đón ông tại Phi trường Phú Bài, vừa bước xuống cầu thang máy bay, ông đã nói:

- Tưởng mày bị bọn nó chôn sống rồi.

- Ðâu dễ vậy Thiếu Tướng, em là lính mà.

Trong khi chờ đợi bốc hàng khỏi máy bay, tại phòng khách danh dự của phi trường Phú bài, tôi trình với ông tất cả những diễn biến xẩy ra trong suốt 26 ngày qua. Ông nắm tình hình Huế rất vững, chính xác, có thể ngoài việc hằng ngày tôi báo trình vào BTL, ông còn hai hệ thống an ninh báo cáo cho ông, đó là Cục An Ninh Quân Ðội và Phủ Ðặc Ủy Trung Ương tình báo.

Ông hỏi tôi:

- Hai thằng Cán, và Ðoàn Công Lập mày bắt đã bắt chúng nó chưa?

- Quận Cán thì đã bắt rồi, nhưng Ðoàn Công Lập thì chưa, vì ông ta đang còn là Chief của em và cũng chưa có lệnh của Thiếu Tướng làm sao bắt được. Hơn nữa, chuyện ông ta làm nội tuyến em đang bám sát, có bắt bây giờ cũng chưa đủ dữ kiện để truy tố ra tòa.

- Bao nhiêu anh em tử trận, bị thương.

- Trình Thiếu Tướng, 150 người tử trận, bị thương nặng nhẹ gần 60 người.

- Số bị thương nằm ở đâu?

- Trình Thiếu Tướng ở tại Bệnh viện Trung ương Huế

- Ngày mai đi thăm họ.

Tại BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, Thiếu Tướng Loan đã có quyết định giao Quận trưởng Nguyễn văn Cán, nguyên Trưởng Ty CSQG Thị xã Huế, cho Trung tá Nguyễn Tự Cường, Trưởng ty ANQÐ Thị xã Ðà Nẵng thụ lý, hoàn tất hồ sơ nội vụ trong thời hạn sớm nhất, truy tố ra Tòa Án Quân sự Mặt Trận Vùng I, với tội danh hoạt động cho địch, tiếp tay với kẻ thù sát hại đồng bào và đồng đội trong thời gian Tết Mậu Thân, với bản án đề nghị: Tử hình - Và sẽ đem ra Huế hành quyết.

Về phía ông Ðoàn Công Lập, Trưởng Ty CSQG Thừa Thiên-Huế, Tướng Loan, giải nhiệm chức vụ Trưởng Ty tại chỗ, bắt giữ đương sự với tội danh: Hèn nhát trước địch quân, bỏ trốn đơn vị khi tác chiến và tẩu tán tài sản quốc gia [hơn 400 vũ khí trong kho đã bị thất thoát]. Ông Lập bị giải vào BTL/CSQG ngày 27/2/1968.

Cũng trong ngày 27/2/1968, trong khi thăm viếng và tặng một số phẩm vật cho đồng bào tỵ nạn như: chăn, màn, thực phẩm, cho đồng bào tại các trại tỵ nạn ở các trường Trung và Tiểu học trong thành Phố Huế, tôi thấy nét mặt của ông ta đăm chiêu và buồn bã, bất chợt ông nói với tôi:

- Thật quá tội, tình hình đã tạm ổn sao họ chưa về nhà?

- Trình Thiếu Tướng, những người còn nhà họ đã về từ hôm qua, những người này nhà cửa bọn VC đã đốt cháy rụi rồi, còn nhà đâu nữa mà về. Nghe tôi nói xong, ông im lặng, chẳng nói gì.

Sau khi thăm một số anh em Cảnh sát bị thương đang nằm tại Bệnh viện Trung ương Huế, trên đường trở về lại BCH/CSQG, bỗng ông chợt nói với tôi:

- Tao đã có cách giúp họ, đi gặp Tỉnh Trưởng, xin thằng này một khu đất, mình làm nhà cho họ ở.

Tôi thật ngạc nhiên, chẳng nói gì, nhưng thầm nghĩ: Vật dụng đâu mà làm?

Nhân đi gặp ông Tỉnh Trưởng, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để Thiếu Tướng Loan có thể can thiệp cho tôi với ông ta về việc một mình kiêm hai chức vụ: Phó Ty CSÐB và Quận Trưởng Quận III, Thị xã Huế:

- Thiếu tướng, em kiêm hai chức vụ, trọng trách quá nặng, sợ không chu toàn nổi, bây giờ tình hình quân sự đã tạm ổn, Thiếu Tướng nói với ông ta cho em giao lại chức vụ Quận Trưởng Quận 3 để về làm công việc tình báo bên CSÐB.

- Ðúng rồi, đó là điều tao muốn nói với ông Tỉnh Trưởng, mày trả lại cho ông ta, còn nhiều việc phải làm.

Ba hôm sau, tôi bàn giao Quận III Thị xã Huế cho một Thiếu Tá và trở lại thuần túy lo công việc của ngành CSÐB.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Trại tỵ nạn Tình Thương cho đồng bào Huế.

Theo yêu cầu của Thiếu Tướng Loan, ông Tỉnh Trưởng đã cấp một khu đất rộng và dài tại đường Hòa Bình, thuộc Quận I thành nội Huế. Khu đất rộng mênh mông này nằm sát Tử Cấm Thành của Hoàng Cung.

Cầu không vận của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã được thiết lập giữa Sàigòn-Huế, nhiều tấn hàng vật liệu xây cất như tôn, xi măng đã được chở ra Huế.

Với hơn 100 nhân viên cảnh sát do tôi tuyển chọn, và khoảng 200 đồng bào tình nguyện, như vậy là 300 nhân công, loại có tay nghề và loại tay mơ, do ông cai thầu là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan tức “Anh Sáu Lèo” chỉ huy, và phụ tá cai thầu là Trung úy Liên Thành.

Chỉ trong 16 ngày chúng tôi hoàn tất khoảng 500 nhà mái lợp tôn, vách bằng đủ thứ có được, nhưng hầu hết là ván ép, như vậy có chỗ cho 500 gia đình trú ngụ tạm thời, không phân biệt họ là ai, gia đình quân đội, Cảnh Sát, Công chức, thường dân, những ai mất nhà mất cửa đều được mời vào trú ngụ.

Trong suốt 16 ngày xây cất, ngoại trừ những lúc phải giải quyết công việc khẩn cấp, hầu hết thì giờ Thiếu Tướng Loan đều có mặt, ông cũng xắn tay áo, tay cầm búa cầm đinh, miệng la hét đốc thúc, y như một ông cai thầu thứ thiệt.

Có lần tôi cũng như ông, tay búa tay đinh cùng đám đệ tử đứng gần ông, nhìn dáng dấp của ông, tôi nín cười không được quay qua nói với đám đệ tử:

- Bọn bây nhìn Ông Tướng mình giống anh cai thầu quá phải không?

Cả bọn cùng cười bị ông bắt gặp, ông hỏi chúng tôi:

- Ð... cụ chúng mày cười gì đó.

Tôi trả lời ông tỉnh bơ:

- Thì cười Thiếu Tướng đó, trông ông giống y chang ông Cai thầu. Ông cũng cười, nụ cười thật hiền lành.

- Thôi làm việc đi, làm nhanh lên cho đồng bào có chỗ ở. Mười sáu ngày sau, ngày khánh thành khu Trại Tình Thương cho đồng bào tỵ nạn Huế, Thiếu Tướng Loan đứng vòng tay ngay cửa chính nhìn đồng bào nhập trại với nụ cười thỏa nguyện, mọi người đi ngang trước mặt ông đều cất tiếng:

- Cám ơn Thiếu Tướng,

- Cám ơn Ông Tướng,

- Cám ơn Ôn.

Và ông vẫn đứng vòng tay im lặng, nhìn họ bằng ánh mắt trìu mến.

Thiếu Tướng, trong trăm ngàn nỗi khổ đau và khốn cùng mà dân Huế, đã nghiến răng, gồng mình chịu đựng suốt 26 ngày VC tàn sát thân nhân họ, và chính bản thân họ đã kinh hoàng, đã đói, đã lạnh, đã run rẩy trong những trại tỵ nạn, ông đã tìm về với họ, về với Huế, thành phố đầy ắp những kỷ niệm thời niên thiếu của ông bằng một tấm lòng, một vòng tay mở rộng cứu giúp họ.

Họ đã ghi lòng tạc dạ những ân tình đó, để rồi mãi 5 tháng sau, khi VC tấn công vào Sài Gòn trong đợt II, tôi đã sang trại Tỵ Nạn Tình Thương của Ông báo cho họ biết:

- Thiếu Tướng Loan đã bị trọng thương, ông đã bị địch bắn gãy hai chân trong một trận giao tranh với địch tại cầu Phan Thanh Giản Sài Gòn .

Thiếu Tướng, ông biết không, những người đó, những kẻ khốn cùng mà ông đã cứu giúp, cả mấy trăm người trong trại tỵ nạn đã bật khóc thành tiếng, những dòng nước mắt của góa phụ, của ông già, của bà lão, đã tuôn trào, giọt lệ xót thương ông khi gặp nạn, và trong những tiếng khóc nghẹn ngào đó đã có tiếng la lớn, đầy uất hận của một cụ già, đã già lắm:

- Ông trời! răng người nhân đức như ông mà lại gặp nạn.

Thiếu Tướng, những giọt nước mắt và tiếng than lớn của cụ già là những lời cám ơn chân thành nhất của họ, của người dân Huế đối với ông, mà họ đã ấp ủ trong lòng từ lâu đối với ân nhân của họ.

***

Sau Trại Tình Thương, những ngày kế tiếp, Thiếu Tướng Loan hỏi lại tôi:

- Bao nhiêu anh em tử trận?

- 150 người, Thiếu Tướng.

- Quá nặng!

- Mày nói thằng Trưởng Phòng Hành Chánh của mày lập thủ tục khẩn cấp tuyển dụng vợ của 150 anh em tử trận vào nữ Cảnh sát, ngành Ðặc biệt của mày, để họ có lương tiền nuôi nấng con cái, tao không có tiền giúp họ, chỉ còn cách này thôi. Phải làm gấp, tao ký lệnh tuyển dụng, và muốn gặp mặt họ trước khi về lại Saigon.

- Tôi hiểu rõ và thi hành ngay.

Tôi may mắn có được Ðại úy Hoàng Thanh Tùng một sĩ quan Cảnh sát trẻ, năng động và nhiệt tình, chỉ bốn năm ngày sau vừa là hồ sơ tuyển mộ và hồ sơ xin trợ cấp tử tuất đã làm xong.

Thật tình đây là một cuộc tuyển mộ phi hành chánh, không hợp với điều lệ tuyển mộ, vì một số các bà quả phụ không biết đọc mà cũng chẳng biết viết một chữ nào cả, nhưng nó lại hợp với lòng nhân đạo, thương người, và nhất là lòng thương mến và lo lắng cho thuộc cấp của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh CSQG.

Ðộc nhất, chỉ có Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan là người tuyển mộ nữ nhân viên Cảnh Sát như thế này.

Ngày những “Nữ Cảnh sát viên” nhận việc, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã gặp họ trong một hội trường lớn của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

Hội trường đông kín với khăn tang áo chế của 150 quả phụ, với trẻ thơ theo mẹ nhỏ nhất là hai tháng tuổi, lớn nhất là năm, mười tuổi. Quang cảnh đượm nét tang thương, u buồn. Tất cả im lặng và chờ đợi Thiếu Tướng Loan lên tiếng. Với giọng nói Bắc pha Huế, ông chia buồn cùng họ, giọng nói nhỏ nhẹ và buồn buồn, trong hội trường đã có tiếng khóc nhỏ. Tôi quan sát ông, bất chợt thấy ông quay mặt đi nơi khác, đã có chút dòng lệ trong mắt ông, thật quả xúc động.

Cuối cùng ông cất tiếng nói to hơn:

- Ngày hôm nay tôi tuyển quí bà vào lực lượng Cảnh sát, để các bà, các cô, có đồng lương nuôi nấng các cháu, kể từ ngày hôm nay các cô, các bà là “Nữ Cảnh Sát viên” của Ty Thừa Thiên-Huế”.

Nhiều tiếng “cám ơn Ôn” trong đám đông, cùng với tiếng khóc, có lẽ họ đã quá xúc động trước tấm lòng nhân hậu của ông.

Ông chợt đến gần một quả phụ đang bồng một hài nhi khoảng hơn 1 tháng tuổi, và hỏi cô ta:

- Bây giờ bà là “Nữ Cảnh Sát” rồi đó, bà muốn làm gì?

- Thưa ôn, cho em làm chi cũng được, em đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.

Ông cười và nói lớn để mọi người cùng nghe:

- Cảnh sát không có việc đi chợ nấu ăn. Thôi, các bà về, hằng tháng đến gặp cái ông Trung úy trẻ Liên Thành này mà lãnh lương. Chẳng có việc gì cho các bà, các cô cả.

Tôi quá hoảng, nói nhỏ với ông:

- Thiếu Tướng, chết em, 150 bà đó Thiếu Tướng, không phải ít đâu. Em chết chắc.

- Thì Ð... cụ mày, cho mày chết luôn !

Mọi người ra về, ông nói riêng với tôi:

- Mày cố gắng lo cho họ đàng hoàng, sức tao chỉ có thể giúp họ đến đó.

Thiếu Tướng, hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đó, đã bao nhiêu đổi thay cho thân phận và nỗi oan khiên nghiệt ngã của ông, 150 quả phụ và hơn 300 trẻ thơ lúc đó, nay đã hơn 40 tuổi, một số đã may mắn định cư tại HK, họ đã nên người, là Kỹ sư, là Bác sĩ , là Luật sư... Tôi đã có gặp họ, cả mẹ lẫn con, họ nhắc tên Ông, Thiếu Tướng Loan, với sự kính trọng và lòng biết ơn ông: “Không có Thiếu Tướng Loan cứu mẹ con tôi, chúng tôi đã không có cơm ăn, áo mặc” - Ðó là lời nói của những cô nhi quả phụ năm xưa, những người mà ông không cần luật lệ, thủ tục, tuyển họ vào “Nữ Cảnh Sát tại gia”.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm về việc Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan thành lập Trung Tâm Phượng Hoàng tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế.

Vừa khánh thành xong trại tỵ nạn Tình Thương khoảng 12 tiếng, chưa kịp thở, ông lại bày trò chơi khác, lần này là Trung Tâm Phượng Hoàng, một danh từ nghe quá xa lạ với chúng tôi.

Ðầu tiên, ông bắt dời Trung Tâm Văn Khố đã có từ đời Mật thám Pháp cho đến Mậu Thân 1968, ông muốn dùng phòng này làm Trung Tâm Phượng Hoàng. Thế là phải mất một ngày dời đi chỗ khác. Hồ sơ văn khố vừa dời đi, thì ván ép, gỗ, đinh búa, máy lạnh ập vào, và ông Tướng lại làm Cai thợ. Hai mươi tay Cảnh sát viên có tay nghề là thợ mộc, còn tôi là thứ 21, dưới quyền chỉ đạo của anh “Sáu Lèo” bắt đầu cưa, đục, đóng đinh nghe điếc cả tai, cộng thêm anh “Sáu Lèo”, vừa đóng đinh vừa thét, chỉ trỏ lung tung, cuối cùng một đêm một ngày không ngủ, căn phòng rộng mênh mông đã bọc phủ ván ép, máy lạnh chuyên viên điện cũng đã bắt xong. Tôi nói với anh em:

- Sắp chết , sắp chết, mệt quá...

- Ð... Cụ thằng Trung úy con nói gì đó?

- Thì nói gì nữa, bóc lột sức lao động quá xá, gần một ngày, một đêm làm hộc hơi mà ông cai không cho ăn.

- Chúng mầy chưa ăn sao? Ði ăn đi.

Ông thọc tay vào túi quần rồi rút tay ra, y như trò chơi năm lớp tư, lớp ba, túi rỗng, ông chẳng có đồng nào. Một sĩ quan cấp tá trong ban tham mưu của ông dúi cho chúng tôi khoảng bảy tám ngàn gì đó. Thật ra chúng tôi đã thay nhau đi ăn rồi, nhưng muốn tống tiền anh “Sáu Lèo”, tích trữ để tối kéo nhau đi nhậu.

Thế là Trung Tâm Phượng Hoàng cấp tỉnh, có lẽ là đầu tiên được thành lập từ Mậu Thân 1968, do tôi làm Tổng thư ký, điều hành Trung tâm Phượng Hoàng Thừa Thiên-Huế từ cuối tháng 2/1968 cho đến 1975. Có một điều mà những ai gần gũi và làm việc trực tiếp với Thiếu Tướng Loan mới thấy rõ được bản chất thật sự của Ông ta: Ông là một người rất tình cảm, dễ xúc động, bản chất nhân hậu, thương người, điểm đặc biệt làm việc rất tận tụy, chi tiết, và thông minh lạ thường.

Trung Tâm Phượng Hoàng vừa thành lập xong, ngày hôm sau tôi đã phải ngồi nguyên ngày với ông, để nghe ông giảng bài, để nghe ông nói về mục đích, về điều hành, về phối hợp với các cơ quan tình báo bạn của VNCH và phối hợp với cơ quan Tình báo Ðồng Minh như thế nào trong chương trình Phượng Hoàng, rồi thì cách thức thiết lập hồ sơ hạ tầng cơ sở địch v,v... và v.v... Ông giảng giải cho tôi như là một ông thầy trong trường Tình báo. (Sẽ nói chi tiết về Chương trình Phượng Hoàng này sau)

Sau gần một tháng ở Huế, Thiếu tướng Loan và toàn BTM của ông về lại Sàigòn, còn nhớ ngày tôi đưa ông xuống phi trường Phú Bài, ông dặn tôi hai việc:

1- Trại Tình Thương là cố gắng của lực lượng CSQG chúng ta, nhằm giúp đỡ đồng bào tỵ nạn Huế. Giao lại cho mày, nhớ lo an ninh, giúp đỡ đồng bào cho chu đáo.

2- Ðám 150 quả phụ đó và đám trẻ, mày gắng lo cho họ. Tôi trả lời ông:

- Dạ thưa Thiếu Tướng, em sẽ lo chu toàn, Thiếu Tướng an tâm.

Tại sân bay Phú Bài, tôi và ông đứng cạnh máy bay đợi anh em Cảnh sát chất hàng lên, gồm những vật dụng ông đem ra từ Sài Gòn, trong đó có 4 xe Jeep của các Sĩ quan trong BTM và một chiếc của ông. Chiếc xe của ông là chiếc chót đưa lên máy bay thì bỗng ông cho lệnh đem xe đó xuống lại, tài xế lái xe lại đậu gần ông. Ông lấy chìa khóa xe trong tay viên tài xế và giao cho tôi:

- Cho mày, chiếc xe này đầy đủ mọi thứ trên xe, mày cần để làm việc. Chỉ có chiếc máy truyền tin Motorola trên xe mày trả lại cho tao vì khác tần số ở đây.

Tôi chưa kịp nói câu gì, cho dù là hai tiếng cám ơn thì ông vỗ vai tôi và đi thẳng lên máy bay chẳng thèm nhìn lại.

Ngày 5 tháng 5 năm 1968, VC mở đợt II Tổng Công Kích vào Thủ Ðô Saigòn, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã cùng với các đơn vị can trường Cảnh Sát của ông, lại xông pha trận mạc, chiến đấu ngày đêm trên đường phố Saigòn-Chợ Lớn.

Lần này “Hùm Thiêng” đã bị sa cơ, Thiếu Tướng Loan đã cầm súng chiến đấu bên cạnh những người lính Cảnh sát can trường của ông y như một khinh binh, thì ông bị địch bắn trọng thương vào cả hai chân tại ngay trên cầu Phan Thanh Giản Sàigon, ông đã ngã quỵ

Ông đã ngã quỵ, cả thân xác và cả cuộc đời của một Anh Hùng Hào Kiệt, của một Chiến sĩ Không Quân VNCH và CSQG.

Những cay đắng, nghiệt ngã nhất của cuộc đời bắt đầu đến với ông ngay ngày đó, cũng chỉ vì tấm hình, tấm hình oan nghiệt mà gã thợ ảnh Eddie Adams, phóng viên của hãng AP đã chụp vào trước đó trong đợt I Tổng Công Kích của VC tại Saigòn.

Eddie Adams và tấm hình của ông ta đã đốn ngã đời của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan một cách tàn bạo, oan khiên. Sau này ông ta đã gào thét, phân trần, hối hận, vì hành động ông ta đã tung ra bức hình oan nghiệt đó.

Ngày Thiếu Tướng Loan bị trọng thương, ông được chở sang Úc để chữa trị, nhưng công luận Úc phản đối, người ta lại hành hạ ông, hành hạ trên nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn ông, người ta lại chở ông sang bệnh viện Walter Reed Army Medical Center tại Washington DC, Hoa Kỳ. Ông cũng lại gặp sự quay lưng ngoảnh mặt của những kẻ mà mà trước đó ông đã từng xả thân cứu họ, những công dân Hoa Kỳ của một quốc gia dân chủ và công bằng nhất thế giới, mà lại đối xử với ông như hành vi của những kẻ man rợ, như những người đã cạn lòng nhân đạo, thấy chết vẫn không cứu, trắng trợn và bẩn thỉu nhất chính là những dân biểu trong quốc hội Hoa Kỳ, họ cũng phản đối một kẻ đang bị thương trầm trọng cần được chữa trị cấp thời, lại còn bẽ bàng và phũ phàng hơn nữa kẻ đó lại là bạn bè, đồng minh và là ân nhân của công dân của họ trong trận đánh Mậu Thân.

Thiếu Tướng Loan bị từ chối chữa trị, trở về với đôi chân tật nguyền khập khiễng.

Ông giải ngũ, rời khỏi đời sống mà ông đã suốt đời tận tụy với tấm lòng ái quốc không thể chối cãi, không thể phủ nhận.

Ngày tháng còn lại, ông để hết thì giờ giúp trẻ mồ côi.

Tôi đã viết những gì về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, những gì tôi biết về ông thật quá ít và quá hạn hẹp, vì thời gian gần ông và làm việc cạnh ông rất ngắn, có một người rất thân cận với ông và cùng sát cánh với ông trong những giờ phút điêu linh và nguy nan nhất của của tổ quốc, của dân tộc, như biến động Miền Trung 1966, Mậu Thân năm 1968, người đó là Ðại tá Trần Minh Công, nguyên Trưởng ty CSQG thị xã Ðà Nẵng 1966, Trưởng Ty CSQG quận II thủ đô Saigòn 1968, và sau đó là Viện Trưởng Học Viện CSQG/VNCH. Tôi nhường lời để Ðại Tá Trần Minh Công nói về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan:

- Nhìn phong cách và diện mạo của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, nhiều người cứ tưởng lầm ông là một bạo Tướng, nhưng nhiều lần tôi đã từng chứng kiến Ông ngồi khóc một mình. Tìm hiểu ra mới biết, ông là một người rất giầu tình cảm. Ông thương yêu thuộc cấp và sống chết với ho: Kể cả khi ông bắt gặp đàn em làm bậy, ông cũng không nở phạt họ mà chỉ răn đe để họ cải sửa. Mỗi khi thuộc cấp hy sinh tử trận, ông khóc thương, nước mắt đầm đề. Có khi thượng cấp hiểu lầm ông, ông cũng khóc. Ông kể lể: “Tao phục vụ Quốc gia, Dân tộc, chứ tao đâu phục vụ cho cá nhân nào”.

Và:

- Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị tướng trí thức trong hàng ngũ tướng lãnh VNCH. Tướng Loan là một người rất can đảm, một cấp chỉ huy tài ba và là một vị anh hùng dân tộc. Ít có một vị tướng nào lại cùng cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận như một người lính thường.

Nếu không có Tướng Loan xông pha bảo vệ Thủ Ðô Sàigòn trong dịp Tết Mậu Thân, tôi nghĩ Sàigòn sẽ hoàn toàn không khác gì Huế.

***

Dưới đây là những nhận xét và hối hận của Eddie Adams, nhiếp ảnh viên của hãng thông tấn AP, kẻ đã đưa cuộc đời của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan vào khúc quanh nghiệt ngã:

- Tôi mặc đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại đại hội nhiếp ảnh Hòa Lan. Khi ban nhạc trỗi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức được việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn còn làm như vậy, nhưng hiếm có ảnh viên nào chụp được mà thôi. Và:

- Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận... Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con người này .

Sau này, khi Adams đến thăm Tướng Loan tại thành phố Springfield, VA, khi nhắc đến tấm hình oan nghiệt năm xưa, Thiếu Tướng Loan không hề nói một lời oán trách Edie Adams, mà ông còn an ủi Adams: “Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi”.

Khổng Phu Tử sống lại cũng chỉ có thể nói được câu đó đối với người đã hủy hoại đời mình, không thể nói hơn được nữa. Ông đúng là một người luôn sống với một tấm lòng, một tâm hồn cao thượng. Adams xúc động trước lời nói cao thượng đó của tướng Loan, và kể từ đó họ trở thành hai người bạn thân.

***

Những Dòng Lệ Khóc Thương Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan

Ngày 14-07-1998 lúc 20 giờ, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan vĩnh biệt mọi người, vĩnh viễn ra đi, để lại phu nhân, 5 người con và 9 cháu nội ngoại. Ông hưởng thọ 68 tuổi.

Kính Thiếu Tướng,

Thiếu Tướng ra đi vào ngày 14-07-1998, ngày hôm sau chúng tôi mới nhận được tin Thiếu Tướng đã đi khuất.

Ông đã để lại sự kính trọng và lòng biết ơn của rất nhiều anh em chúng tôi, những kẻ đã một thời phục vụ dưới quyền ông. Ông đã để lại những ân tình, ân nghĩa trong lòng người dân Huế, trong lòng xứ Huế, nơi mà ông đã sinh, và đã lớn lên tại đó, ông đã để lại nỗi xúc động và những ân nghĩa khắc sâu trong lòng 150 quả phụ và trên 300 cô nhi, khi chồng, cha của những người này, những chiến hữu thuộc cấp của ông, đã hy sinh vì bổn phận và trách nhiệm của một nhân viên công lực tại Huế vào Mậu Thân 1968. Ông đã để lại những tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào, của nhiều ngàn người Huế trong Trại Tỵ Nạn Tình Thương, ngôi trại mà chính ông đứng ra xây cất cho đồng bào tỵ nạn vào Mậu Thân tại Huế, khi mà tháng 5 Mậu Thân 1968 tôi báo cho họ biết thiếu tướng đã bị trọng thương trong một trận đánh với VC tại Sàigòn.

Tôi nhớ và nhớ rõ đã bắt gặp những giọt nước mắt của ông khi ông nhìn thấy nỗi cơ hàn của đồng bào ông trong các trại tỵ tại thành phố Huế, và đôi mắt ông đã đỏ, nét mặt thật buồn, khi ông gặp 150 quả phụ và hơn 300 trẻ thơ tại hội trường BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế trong ngày đầu ông tuyển họ làm “Nữ Cảnh Sát Tại Gia” để những người đó có cơm ăn áo mặc, để trên 300 cô nhi kia cũng nhờ tấm lòng nhân đức của ông mà chúng đã lớn khôn thành người lương thiện hữu dụng.

Thiếu tướng, ở cõi đời này có mấy ai nhận được những dòng lệ tiếc thương khi nằm xuống của những người không là thân nhân mình, Chỉ có ông, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh CSQG /VNCH, 1966-1968.

Ông đã đem sinh mạng và danh dự của đời ông, đã hy sinh bảo vệ Tổ Quốc trong lúc nguy nan, bảo vệ sinh mạng cho đồng bào được sống, để rồi ông đã phải gánh chịu những đau đớn về thể xác và những oan khiên, nghiệt ngã mà mà người ta gán ép cho ông. Thật quá bất công, vô ơn và phũ phàng đối với ông, mặc dầu tôi còn nhớ ông đã nói và đã dặn tôi: “Họ nói gì thì kệ họ, trách nhiệm và bổn phận của mình, mình phải làm” .

Kính Thiếu Tướng,

Xin ông an nghỉ, cõi đời phiền muộn này ông đã dứt bỏ ra đi. Cái mà ông không thể đem theo được là lòng thương tiếc sự kính trọng của rất nhiều chiến hữu và đồng bào đối với ông, cái đó sẽ còn tồn tại mãi mãi trong lòng mọi người.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan!

Vĩnh biệt Thiếu Tướng...

Liên Thành
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

“Ai Đã Giết Người Dân Huế?” Câu Hỏi 40 Năm Chưa Trả Lời
2008-02-02
Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Hôm nay, chúng tôi xin trình bày bài cuối cùng trong loạt bài gồm 5 phần, do biên tập viên Thiện Giao thực hiện, trong chương trình Tưởng Niệm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Trong 4 phần trước, chúng tôi đã lần lượt điểm qua các giai đoạn của cố đô những ngày trước, trong và sau cuộc thảm sát.

Nhiều ngàn người Huế đã bị giết trong vòng chưa đầy 1 tháng phía quân đội Bắc Việt chiếm đóng Huế. Cuộc thảm sát chỉ kết thúc khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ tiến đánh, vãn hồi an bình cho Huế ngày 24 tháng Hai với đỉnh điểm là hai trận đánh tại Đại Nội và Kỳ Đài Phu Văn Lâu.

Trong phần trình bày sau đây, qua lời kể của các nhân chứng và cả những người đã từng tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lúc ấy, chúng tôi sẽ đặt lại câu hỏi: cuối cùng thì, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Mậu Thân. Xin theo dõi qua phần trình bày của Việt Long.

Các nạn nhân xấu số

Cuối cùng, mặt trận Mậu Thân 1968 tại Huế cũng chấm dứt. Ngày 25 tháng Hai năm 1968, những lực lượng cuối cùng của phía Bắc Việt bị đẩy lui ra khỏi thành phố. An bình được vãn hồi. Cờ Việt Nam Cộng Hoà được kéo lên trên tháp Kỳ Đài Phu Văn Lâu thay cho cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chễm chệ giữa cố đô trong hơn 3 tuần trước đó.

Nỗi kinh hoàng đối với dân Huế qua đi, nhưng trong lòng họ, vẫn còn nỗi đau. Người còn sống vẫn đau với vết thương chưa lành, trong khi người đã khuất vẫn chưa được giải oan. “Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa.”

Cho đến nay, chưa bao giờ chính quyền Hà Nội chính thức lên tiếng giải trình những thảm sát xảy ra cho Huế mùa Xuân năm 1968. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cuộc thảm sát kinh hoàng này: Ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng trong Biến Cố Mậu Thân? Những cuộc thảm sát xảy ra trong hoàn cảnh nào? Các nạn nhân xấu số đã bị giết ra sao?

“Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.” (Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên)

Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.

Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia Đình Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6,000 người. có nhà báo ước tính 5,000. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu.

(Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân Biểu khu vực Thừa Thiên)

Thủ phạm của vụ thảm sát

Nhiều nguồn dư luận được đưa ra, liên quan đến thủ phạm của vụ thảm sát. Có người nói rằng, chính những thành phần thiên Cộng tại Huế, đa số là sinh viên, đã thoát ly lên mật khu năm 1966 trong các phong trào sinh viên tranh đấu phải chịu trách nhiệm. Trong số này, những tên tuổi được nhắc đi, nhắc lại gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo.

Thật sự, một số thành viên trong nhóm này đã về lại Huế trong những ngày Mậu Thân. Điều này được khẳng định bởi ông Nguyễn Phúc Liên Thành, vào thời điếm 1968 là Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.

“Năm 1966, như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… đã vượt thoát lên mật khu, đã xâm nhập vào thành phố Huế trong thời gian đó.”

Trở về Huế, họ có tham gia vào các cuộc thảm sát trong 25 ngày thành Huế thất thủ? Ông Nguyễn Phúc Liên Thành tin rằng, trên thực tế, trong thành phần sinh viên trở về Huế, một số người đã thực hiện các vụ hành quyết, nhưng chỉ là một số rất ít, vì tư thù cá nhân.

“Trường hợp đó chỉ là 1 phần trăm. Như trường hợp các sinh viên tranh đấu cũ, nay trở lại, vì thù hận bạn bè, nay mang ra xử và chôn sống, nhưng rất ít, chỉ khoảng 1 phần ngàn.”

Trong khi đó, ông Lê Văn Hảo, từng là Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên – Huế vào thời gian ấy, khẳng định về sự vô tội của ông.
Các quan tài của những nạn nhân chưa nhận dạng nằm trong một trường học tại Huế, Tết Mậu Thân, 1968. Photo courtesy of Wikipedia.

“Đó không phải là sự thật lịch sử. Tôi chỉ là một con tin trong thế kẹt, phải nhận một chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mong có ngày về với vợ con thôi. Chứ tôi nói thật, trong Tết Mậu Thân, vai trò của tôi hoàn toàn thụ động, chỉ ngồi trên núi thôi. Lâu lâu, các ông lãnh đạo, như Trần Văn Quang, ghé qua thăm, an ủi là thôi, sự việc diễn tiến như vậy thì mình đi theo Cách Mạng thôi.”

Ông Hảo, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do hồi năm 2006 cũng nói về vai trò bù nhìn của Mặt Trận Giải Phóng.

“Khi lên trên núi, tôi biết ngay Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chỉ là một trò bịp bợm, một tổ chức hữu danh vô thực của Cộng Sản thôi, do Hà Nội chỉ đạo. Mà họ có dấu điều đó đâu.”

Ai chịu trách nhiệm

Như vậy, thì câu hỏi là: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết oan khuất của nhiều ngàn người Huế cách đây 40 năm? Trước khi thử tìm cách đi vào trả lời câu hỏi này, hãy nghe những phát biểu nói về cố gắng che dấu, hay chính xác hơn, xúc phạm vào nỗi đau của các nạn nhân, từ phía chính quyền Hà Nội. Nhà báo Vũ Ánh, nguyên phóng viên chiến trường Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 nhớ lại.

“Một bản tin của đài Giải Phóng mà về sau tôi nghe được qua kiểm thính của nhân viên của đài (Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà) thì họ nói đó là cảnh sát và quân đội VNCH khi thua, rút đi thì làm điều đó. Chuyện đổ vạ là điều bình thường của Cộng Sản từ trước đến giờ. Nhân chứng vẫn còn sống đây thôi, cả trong lẫn ngoài nước. Họ không thể xoá được những điều ấy.”

Trong những trận đánh tại chiến trường Huế, người dân cố đô đã chọn cho mình phía bên nào? Một trung uý tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân đã tham gia trận tái chiếm Huế, ông Trần Tiễn San, kể lại:

“Lúc đánh ở Vỹ Dạ, lực lượng chính của Việt Cộng không còn nữa. Nhưng khó đánh vô cùng. Mình tiến từ nhà này qua nhà khác, nhà thì có kẽm gai, bờ tường. Mình bên này thì dân chúng bên kia thấy là họ đâm đầu họ chạy qua. Không biết làm sao. Dân thì ở giữa làn đạn. Mà họ thấy mình thì họ đâm đầu chạy qua.”

Câu hỏi lại được đặt ra lần nữa: Ai đã giết người dân Huế năm 1968?

“Người chịu trách nhiệm cuối cùng về vụ thảm sát

Vụ này không do một cá nhân nào chủ trương, không do một sự tình cờ hay hoàn cảnh bó buộc nào bắt buộc phải làm như vậy cả. Đây là chủ trương của Hà Nội, là dùng bao lực cách mạng trấn áp dân Huế. Hà Nội tin là khi họ chiếm Huế, người dân Huế sẽ nổi dậy theo họ. Đó là một đánh giá sai lầm.

Người Huế sợ cộng sản vô cùng. Vô cùng sợ. Khi Việt Cộng tràn vào Huế, họ đến đâu, dân chúng bỏ chạy đến đó. Mà chạy thì họ bắn. Đó là sự thật không hề nói thêm một lời nào hết. Những ai sống tại Huế thời đó điều biết.”

Image
Phu Văn Lâu trong Đại Nội Huế. Photo courtesy of wikimedia.

Họ đã bị giết trong hoàn cảnh nào?

“Năm 1972, tôi bắt được một trung tá Việt Cộng, tên Hoàng Kim Loan, là thành uỷ viên hoạt động bí mật tại Huế 20 năm. Tôi hỏi: tại sao các anh thảm sát đồng bào Huế man rợ đến như vậy? Thì Loan nói đây là chủ trương bạo lực Cách Mạng của cấp trên chỉ thị. Thứ hai, khi trên đường rút lui, do không thể đem theo tù nhân, nên phải giết. Loan nói, người Cộng Sản chúng tôi có chủ trương thà giết lầm còn hơn bỏ sót.”

Và, họ đã bị giết ra sao?

“Tôi hỏi tại răng không bắn họ, cho họ viên đạn còn dễ hơn lấy búa, dùng vật cứng đập đầu họ và đẩy xuống hố. Loan nói: Đạn chúng tôi để bắn Mỹ Nguỵ. Đạn đâu để bắn những đám người như vậy.”

Một vết thương chưa lành

Rồi đến năm 1975, khi quân đội Bắc Việt tiến vào miền Nam, một lần nữa, những người đã khuất vẫn không được yên nghỉ. Nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi Khe Đá Mài vùng Đình Môn Kim Ngọc tháng 9 năm 1969 bị đập phá cả tấm bia và các bàn thờ. Linh mục Phan Văn Lợi kể lại.

“Năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã phá ngay tấm bia dựng ở phía sau và phá hai bàn thờ nằm ở phía trước. Từ đó về sau, người ta có đến cũng chỉ đến trong âm thầm lặng lẽ hoặc cá nhân mà thôi, không dám công khai.”

Đã 40 năm trôi qua kể từ Biến Cố Mậu Thân 1968, vụ thảm sát vẫn là một vết thương chưa lành, vẫn còn là đau mỗi khi trái gió, trở trời. Người dân Huế sẽ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên, đó cũng chính là cá tính của người dân đất thần kinh.

“Thân nhân bị mất, tài sản bị mất, trong một hoàn cảnh như vậy, nhưng người Huế khi nào họ cũng cố gắng vươn mình lên để sống. Thành ra, đời sống ở Huế trở lại rất là nhanh. Khoảng 5, 6 tháng sau, đời sống trở lại bình thường.”

Riêng đối với người dân Huế, với sông Hương, với núi Ngự, với Nam Dao, với thành vách kinh thành cũ, mùa Xuân 1968 vẫn luôn luôn là một ngày đại tang. Đến bao giờ, công lý và công bằng sẽ được trả lại cho người đã chết?

Đến đây là kết thúc bài thứ 5, cũng là bài cuối cùng trong chương trình phát thanh tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Tưởng cũng xin nhắc lại những gì đã được trình bày trước đây, cuối cùng, sẽ không một ai có đầy đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi: ai, bằng cách nào, và tại sao đã giết nhiều ngàn người Huế chỉ trong vòng vỏn vẹn chưa đến 1 tháng?

Có lẽ, chỉ có người dân Huế, với tư cách là nạn nhân của thảm kịch, mới có quyền đòi hỏi công lý, đòi hỏi sự phán xét, và cả quyền đưa ra những lên án. Loạt bài tưởng niệm Biến Cố Mậu Thân tại Huế, xin hãy được xem là một nén hương, được thắp lên, để tưởng niệm những người đã chết, và cũng để chia buồn cùng tất cả những thân nhân đang còn sống, trong một biến cố đã bị chính quyền Hà Nội giữ kín gần nửa thế kỷ qua.

© 2008 Radio Free Asia
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

Mậu Thân- Huế, đi tìm những phản đề
Tường An, thông tín viên RFA
2012-02-07

Trận chiến Mậu Thân vẫn là một trải nghiệm nghịch lý giữa hai miền Nam Bắc khi nhìn lại con người và sự kiện. Trên Wikipedia, cuộc chiến về Tết Mậu Thân vẫn có hai định đề khác nhau.

Image
Hài cốt nạn nhân bị tàn sát tập thể- Wiki-Commons photo

Trong khi một trang đặt tên là "Thảm sát Huế Tết Mậu Thân" đưa lên những con số về các nạn nhân đã bị giết hoặc chôn sống trong các hố chôn tập thể thì ở một trang khác của Wikipedia được gọi rất nhẹ nhàng là "Sự kiện tết Mậu Thân" chỉ nói đến nguyên nhân, quá trình cũng như kết quả của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Trang “Thảm sát Tết Mậu Thân” gọi cuộc thảm sát này là “hành động tàn bạo ở quy mô lớn đã được thi hành ở Huế và vùng lân cận trong 4 tuần do quân giải phóng miền Nam chiếm giữ” Còn trang “Sự Kiện Tết Mậu Thân” lại cho rằng “số đông thường dân bị giết chết trong cuộc chiếm lại thành phố Huế bởi đạn pháo kích của Mỹ”

Ngay cả những con số về cả các chiến binh tử trận cũng không thống nhất. Trang “Thảm sát Tết Mậu Thân” cho biết “Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH chịu khoảng 4 ngàn 400 lính thương vong và MTDTGPMNVN cũng tổn thất trên 4 ngàn quân” thì ở trang “Sự Kiện Tết Mậu Thân” lại đưa ra bảng thống kê với 44 ngàn 824 bộ đội chết và 4 ngàn 511 mất tích.

Về số thường dân bị chết trong Tết Mậu Thân Huế, số liệu từ các nguồn khác nhau cũng không thống nhất. Có nguồn nói là 6 ngàn 700, có nguồn lại đưa ra con số 7 ngàn 600 người chết.

Biến cố Mậu Thân đã ghi lại một vết chém lịch sử trong lòng người dân cố đô. Cư sĩ Trí Lực, người đã chôn cất những xác chết nằm lại sau biến cố Mậu Thân không bao giờ quên được nổi kinh hoàng lúc đó:

“Khi đó tôi đang ở chùa Thiên Mụ, tôi về thăm gia đình ngày mùng một Tết, dân chúng cố đô Huế ăn Tết bình thường, nhưng khuya mùng một rạng mùng hai Tết thì tôi thấy bộ đội Cộng Sản miền Bắc lũ lượt từng đoàn kéo nhau vào.

Vùng tôi ở là Tây Lộc, họ đi vào cửa Chánh Tây nườm nượp. Đúng vào ngày hôm sau thì máy bay hai bên giáp chiến. Cà nông, đại bác diễn ra một trận chiến tranh kinh hoàng. Tôi và gia đình đi tản ở vùng Tây linh, cách vùng Tây lộc khoảng 2 cây số. Trên đường đi tản cư thì tôi thấy rất nhiều xác chết của bộ đội miền Bắc cũng như dân chúng và binh lính Việt nam Cộng Hòa.

Hai mươi sáu ngày sau, sau khi cố đô Huế bình định trở lại thì tôi tận mắt chứng kiến những hầm chôn tập thể được khai quật lên từ vùng Bãi Dâu Gia Hội, những người xấu số đã bị trói quật lại sau lưng và có những mảnh xương sọ bị vỡ nát. Cảnh kinh hoàng là cảnh Cộng sản đã chôn sống bao nhiêu người dân vô tội.

Khi đó tôi theo hầu Thầy làm lễ cầu siêu thì tôi chứng kiến hàng trăm cỗ quan tài được khai quật lên từ Bãi Dâu Gia Hội, Sau đó làm một đám tang tập thể đưa từ trường trung học Gia Hội lên nghĩa trang Ba Đồn. Khi đó tôi thấy một cuộc chiến tranh hết sức là kinh hoàng. Bây giờ bốn năm mươi năm nhớ lại tôi vẫn còn in rõ mồn một trong trí của tôi. Thật là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”

Nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống tại Pháp, cũng là chứng nhân của biến cố Mậu Thân:

“Gia đình của tôi của vùng Phủ cam là một, vùng An vân thượng là hai, Gia Hội là ba. Bà con xa bà con gần của bên họ ngoại của tôi là gồm cả thảy 12 người. Trong 12 người đó, có người bị chôn sống, có người bị bắn tại chổ, có người bị chặt đầu, có người bị mổ bụng”

Cho đến nay vẫn còn có những nghi vấn về trách nhiệm của những người đã nhúng tay vào cuộc thảm sát Mậu Thân Huế. Hai trong những người được nhắc đến nhiều nhất là hai người con của Huế: Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) và Nguyễn Đắc Xuân (NĐX)

Trong một dịp đến Pháp năm 1997 ông HPNT đã trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khuê :“Trong “Giải Khăn Sô cho Huế” Nhã Ca nói rằng Phủ (tức HPNT) không về Huế và nếu có về thì cũng không giết người, thành thật cám ơn chị Nhã ca đã dành cho tôi điều thành thật rất quan trọng này”

Và ông tiếp:

“Đã không có mặt thì làm sao tôi – HPNT- lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là “đồ tể” Mậu Thân ở Huế được”

Đúng thế, ở chương 7 của “Giải khăn sô cho Huế", nhà văn Nhã ca có viết “Tôi hỏi gặng mãi em gái tôi có nhìn thấy Phủ không. Có ai nhìn thấy Phủ không? Nó quả quyết là nó không thấy, cả bạn bè của nó đi họp cũng nói không thấy. Tôi hơi yên tâm và mừng thầm cho kẻ phản bội”

Trong một bài phỏng vấn do phóng viên Dương Minh Long thực hiện cách đây 4 năm mà trang nhân dân VN đã đăng lại, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định HPNT không hề có mặt ở Huế mùa Xuân 1968:

“Nhiều dư luận và cả sách báo lâu nay ngộ nhận rằng nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có mặt ở Huế trong tết Mậu Thân 1968. Nhân đây tôi xin đính chính: Suốt thời gian chiến dịch mở ra, nhà giáo (nay là nhà văn) Hòang Phủ Ngọc Tường đều ở tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm việc với các vị nhân sĩ trong Mặt trận Liên Minh chứ không hề bước chân về chiến trường Huế. Cho nên tất cả những “thông tin” nói nhà giáo Hòang Phủ Ngọc Tường làm việc này việc nọ ở Huế trong những ngày tết Mậu Thân 1968 đều là thông tin bịa đặt”

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy dạy Việt văn trung học của ông Nguyễn Phúc Liên Thành, theo ông Liên Thành thầy giáo HPNT dạy môn Triết và Việt văn rất giỏi, ông giảng rất hay và không bao giờ nhìn vào sách. Ông Liên Thành rất ngưỡng mộ thầy giáo HPNT. Ông Liên Thành nguyên là Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt trong những năm 68. Ông đưa ra 4 bằng chứng để chứng minh ông HPNT đã có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân :

“Tôi xin đưa ra 4 trường hợp để chứng minh HPNT đã không thành thật về việc nói y không có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân :
Thứ nhất, năm 72 tôi bắt được tên trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, chính Hoàng Kim Loan khai rằng y và Hoàng Lanh như là Hoàng Phương Thảo là Ủy viên thành phố Huế. Khi thành lập tòa án Nhân dân tại Huế thì chính ba cán bộ thành ủy này đã đề cử HPNT vào ghế Chánh án tòa án Nhân dân tại trường trung học Bãi Dâu Huế.

Cái thứ hai, theo lời tường trình của một số nhân chứng xác nhận rằng kẻ ngồi xử tại tòa án Nhân dân Huế tại trường trung học Gia Hội vào năm 1968 và kết quả sau đó chúng tôi đã khai quật 204 xác nạn nhân tại trường trung học. Cái người ngồi xử đó chính là giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường nguyên là giáo sư về môn Triết và Việt văn ở Huế.

Cái xác nhận thứ ba: Định là sinh viên y khoa năm thứ hai Huế, cũng là bạn của Hoàng Phủ Ngọc Phan, em HPNT, xác nhận rằng, trong những ngày đầu của Tết Mậu Thân thì chính HPNT và HPNP đã đến nhà ông Định ở đường Nguyễn Du để tìm bắt ông Định. Chính HPNT đứng ở ngoài và HPNP vào nhà để tìm bắt nhưng cha ông Định đã nói một cách để che chở, cuối cùng ông Định trốn trong nhà mà không bị bắt.

Nhưng cái điều quan trọng là chính HPNT đã xác nhận có mặt trong thời gian biến cố Mậu Thân xảy ra. HPNT có trả lời phỏng vấn với một nhà làm phim Mỹ, phim “VietNam Television History” của ông Burchett. Y nói rằng y đã từng đứng ngay trong một bệnh viện tại vùng Gia Hội, bệnh viện này đã bị Mỹ thả bom và trong đêm đó y dẵm lên một vũng bùn, y tưởng đó là bùn, khi mà y bật đèn thì thấy toàn là máu cả. Điều đó cho thấy sự hiện diện của HPNT tại bệnh viện ở trường trung học Gia Hội”

Riêng về sinh viên Nguyễn Đắc Xuân, năm 66 là trưởng đoàn thanh niên quyết tử và năm 68 là trưởng đoàn Thanh niên vũ trang thành phố Huế còn gọi là Lực lượng an ninh và bảo vệ khu phố. Trong giải khăn sô cho Huế, nhà văn Nhã ca có nhắc đến sinh viên NĐX đã giết một người tên là Mậu Tý, ông Liên Thành cũng khẳng định chi tiết này:

“Nguyễn Đắc Xuân sử dụng hầu hết các cơ sở nằm vùng, chia ra từng toán, lục soát từng nhà một tìm bắt ngụy quân, ngụy quyền và nhiều cuộc xử bắn đã xảy ra.

Sau này NĐX có chối tội nói rằng là trong trận đánh Huế thì tôi ở tuyến sau chứ không ở tuyến đầu. Nhưng nhiều nhân chứng đã kể lại những hành động dã man của NĐX trong đó NĐX đã bắn người bạn rất thân của nó là sinh viên Lê Mậu Tý vì nghi Lê Mậu Tý làm việc cho cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng hòa hoặc là đảng viên đảng Đại Việt.

Ngoài ra những cuộc hành quyết tại quận nhất, quận nhì và quận ba đều là do lực lượng an ninh bảo vệ khu phố của NĐX thi hành. Như bà Thái Hòa đã nói chính HPNP và NĐX đã bắn hai người anh của cô ta và bắn luôn ông nội của cô ta trước sự chứng kiến của bà Nguyễn thị Thái Hòa.

ôi hy vọng một ngày rất gần, Ban Truy tố tội ác đảng CS do tôi đang lập hồ sơ để truy tố những tên này ra tòa án Quốc tế để nó phải trả lời trước dư luận Quốc tế và mong rằng đem lại sự công bằng, công đạo cho những người đã chết trong Mậu thân 68 Huế”

Câu hỏi vẫn thường được đặt ra là : Ai là kẻ thắng, người thua sau cuộc chiến này?

Quân lực VNCH và đồng minh đã thắng vì đã đánh bật quân Bắc Việt ra khỏi Sài Gòn và Huế. Hay quân đội Bắc Việt đã thắng vì sau tổng tiến công Mậu Thân, VNDCCH đã áp lực được Mỹ ngồi vào bàn hội nghị? Trong cuộc chiến này, có lẽ không có kẻ thắng hay người thua mà chỉ có người dân là nạn nhân, oằn mình chịu đựng bao nỗi oan nghiệt của chiến tranh.

Nhà báo Bùi Tín, nguyên phó Tổng biên tập báo QĐND, cho biết quan điểm của ông:
“Mậu thân thì tôi đang công tác ở Hà Nội. Riêng về Tết Mậu thân thì ý kiến của tôi như thế này: Cuộc tổng tiến công và nổi đạy của phía Bắc Việt là thất bại nặng nề. Tất cả các đơn vị đều bị đánh ra khỏi các đô thị. Với cái tổn thất mà đến 2 năm sau mới phục hồi được, như vậy đánh giá về thực chất thì Bắc Việt đã thất bại rất nặng nề, do chủ quan, do không nổi dậy, do có tập kích rộng rãi những không giữ được do đó thiệt hại rất nặng đến 2, 3 năm sau.

Các cơ sở lộ hết, nhất là ở đô thị cơ sở mất hết và ở nông thôn cũng mất từng mảng lớn và phải tạt qua tận Cam-bốt. Do đó mà phía đồng minh đã thắng, nhưng đã không duy trì được chiến thắng, tình báo kém lại bị cái tuyên truyền phản chiến ở Mỹ thổi phồng chiến thắng của Việt Cộng lên nên Quốc hội Mỹ rút khỏi chiến tranh VN.

Do đó mà chiến thắng không được phát huy. Thực chất là chiến thắng nhưng lại chuyển thành thất bại. Chiến tranh là thất bại của nhân dân cả hai phía. Tôi thấy là cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà trong lịch sử chưa bao giờ mà cả hai bên chết đến như thế.

Sinh mạng chết nhiều như thế mà nếu đất nước thống nhất mà có Tự do, Dân chủ thì đó cũng là điều an ủi. Đằng này tổn thất đến như thế, hòa bình trở lại, thống nhất được đất nước mà cũng không có hạnh phúc, không có hòa hợp dân tộc, cái tội của đảng Cộng sản rất là lớn, rất là nặng nề là như thế"

Trả lời nhà phê bình văn học Thụy Khuê về trách nhiệm thuộc về ai cho cuộc thảm sát ở Huế, HPNT cho biết ông Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân nói rằng:

“Trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân…. Điều quan trọng có thể làm và phải làm bây giờ, là những người kế nhiệm ở Huế phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân Huế, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ”

Trong khi chờ đợi những thân nhân của những nạn nhân Mậu Thân Huế được trả lại công bằng và quyền công dân như nguyên Tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân đã nói thì xin coi những hồi tưởng này, theo lời của nhà văn Nhã Ca, như “một bó nhang đèn góp giỗ. Và góp cho một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử"


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

Gần 50 Năm Sau

Thay vì "nhận lổi, sữa sai" như đã làm sau vụ giết hằng trăm ngàn người trong cuộc "Cải cách ruộng đất", đồng chí gái đạo diễn Lê Phong Lan vừa ra mắt bộ phim "Mậu Thân 1968" (làm theo đơn đặt hàng của Đảng Việt cộng) nhằm mục đích chạy tội cho Việt cộng đã giết hàng ngàn người dân Huế.

Phim "Mậu Thân 1968" đổ thừa rằng: Huế và mấy ngàn người dân bị thảm sát là do đại pháo bắn vào từ Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ!

Sau đây là vài bài nên coi cho biết sự xảo trá muôn đời của Việt cộng:

*****************************

Lê Phong Lan và bộ phim: “Chạy tội cho CSVN”
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Đầu xuân gửi nhà đạo diễn Lê Phong Lan

Soviet Secretary General Mikhail Gorbachev: “I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that The Communist Party only spreads propaganda and deceives...”. Tổng Bí Thư Xô Viết: - “…Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.

Nhận định ngắn gọn nhưng chính xác của Mikhail Gorbachev, “VIP” số 1 cộng sản Nga nói trên rất phù hợp để thay mọi lời bình luận cho bộ phim tài liệu nhiều tập “Mậu Thân 1968” và “Đại thắng Mùa Xuân 1975” của đạo diễn theo “đơn đặt hàng” Lê Phong Lan được “nhà nước, đảng ta” mua lại đang quảng cáo ầm ỉ, phát sóng trên đài truyền hình CHXH/VN.

Hơn ai hết, hàng chục triệu đồng bào miền Nam Việt Nam, những người trong cuộc “muôn năm cũ”, đã từng là thân nhân, nạn nhân và nhân chứng, chứng kiến trực tiếp nhiều sự việc mà đạo diễn “theo đóm ăn tàng” Lê Phong Lan đang “nổ, chém gió và xuyên tạc” trong sản phẩm giàu chất hư cấu “tưởng tượng” của mình để phục vụ cho “đảng ta” trong mưu toan dối trá bịp bợm “đánh bóng” lật ngược, những sai lầm, tội ác và thất bại của CSVN trong quá khứ với lứa tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975. Nhưng suy cho cùng, khi internet nối mạng toàn cầu những âm mưu dối trá ấy chỉ là “ảo vọng”.

Bởi hiện nay quốc tế cộng sản /XHCN như bóng hoàng hôn đang thoi thóp trên khắp thế giới thì những động thái “tuyên truyền và dối trá” với nhân dân và công luận thế giới như thế này cũng chỉ như là ánh tà dương hấp hối le lói cuối ngày của cộng sản Việt Nam mà thôi.

Nhất thiết, một lần nữa phải nhắc lại những điều này với “đạo diễn” Lê Phong Lan:

Khác với cỏ cây là loài vô thức, hơn động vật bởi tư duy, con người hoàn thiện về nhân cách và đạo đức có thừa lý trí để phân biệt phải trái tốt xấu hay đúng sai, các sử gia chính thống khuyên rằng: mọi động thái chạm vào lịch sử, ngoài cái “tầm”, người trong cuộc lật lên để sưu tra cần phải có thêm cái “Tâm” trong sáng và trái tim “lạnh lùng”, bởi sự việc liên quan đến “núi xương sông máu” cả một thế hệ thanh niên và đồng bào vô tội đau thương oan uổng đã nằm xuống hơn 2/3 thế kỷ vì cốt nhục tương tàn do ông HCM và đảng CSVN chủ trương. Nếu vì cơm áo hay bã vinh hoa, không trong sáng hay thiếu trung thực thì vô tình sẽ làm cho nhân cách phẩm giá hay tên tuổi mình thấp xuống như động vật hay cỏ cây lại còn mang tội với hồn thiêng sông núi và bia miệng ngàn đời, bởi:

Lịch sử như ánh mặt trời (triết gia Henri Bergson) Dù có khi một bóng mây đen che lấp, nhưng không thể là mãi mãi,

Đây! Góp thêm, một “sự thật” mà đạo diễn Lê Phong Lan rất “vô tư” cho biết đã phải bỏ ra đến mười năm để sưu tra hoàn tất 18 tập phim Mậu Thân 1968. nhưng không thấy nhắc đến cho rõ ràng trong “tác phẩm” gọi là phỏng vấn trên 200 nhân vật rất “Trung Thực” ấy của mình...

Xem tiếp"
http://danlambaovn.blogspot.com/2013/02 ... R7-lauwWSo

************************************

Lê Phong Lan: láo xác chết, lừa người sống
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) -

Image

Nếu năm 1968 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Hát trên những xác người” sau khi ông chứng kiến cảnh người dân xứ Huế của ông bị thảm sát trong Tết Mậu Thân, thì nay 45 năm sau, đạo diễn gái Lê Phong Lan không biết từ đâu chui ra làm phim láo trên những xác người dân Huế.

“Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để khỏa lấp cho sự thất bại nặng nề, phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã phát động những tin đồn nhảm gây nhiễu loạn như một cuộc chiến tranh tâm lý, và nó đã kéo dài trong một thời gian. Nhưng sự thật là sự thật. Chiến dịch Mậu Thân trải qua thời gian càng khẳng định là bản anh hùng ca vĩ đại của quân dân Việt Nam”.

Trên đây là lời Lê Phong Lan. Chẳng hay nhà đạo diễn gái - nói theo kiểu “chiến sĩ gái”, vì nhà đạo diễn lề đảng này cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng mà bọn làm báo lề dân gọi là “chiến sĩ bưng bô”- “đã gặp nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến” là ai?.

Trong khi đó người trốn lính VNCH Trịnh Công Sơn, người Huế, về Huế đón Tết Mậu Thân, thấy tận mắt dân Huế chết thảm thương do “Cách Mạng” và chạy trốn “Giải Phóng” như thế này:

Hát trên những xác người *

Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm
Đã chôn vùi thân xác anh em...

Vẫn lời chiến sĩ bưng bô gái, “Một nhân chứng đạo diễn Phong Lan đã gặp và phỏng vấn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát.”

Trong khi đó tay đao phủ “có công lớn” trong vụ thảm sát Mậu Thân là Hoàng Phủ Ngọc Phan lại phát biểu trước đây rằng “những người bị thủ tiêu chôn sống là thành phần ác ôn có nợ máu nhân dân” (Theo Thiện Giao - Kỷ vật Mậu Thân).

Cũng theo chiến sĩ gái bưng bô:. “Đó là những thường dân bị chết do những trận bom pháo Mỹ san bằng TP Huế. Rồi sau đó khi Mỹ và VNCH phản kích trả thù lại thời kỳ hậu Mậu Thân cũng giết chóc rất nhiều.”

Nhờ Lê Phong Lan tiết lộ “sự thật lịch sử nói lên sự vĩ đại của cha ông” trên đây mới thấy bọn Mỹ Ngụy cực kỳ ác ôn vì trước khi “phản kích trả thù”, chúng còn đào hầm, trói tay, đẩy nạn nhân xuống hố, đập đầu, chôn sống mấy ngàn người.

Láo trên những xác người nổi bật nhất là “Cách Mạng” vào giải phóng Huế trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, nhưng đến năm 1972 rồi 1975, chỉ thấy dân Huế chạy vào chứ không chịu chạy ra.

Thì vẫn như 1968 Trịnh Công Sơn...

Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm
Đã chôn vùi thân xác anh em...

Này Lê Phong Lan, khóc, hát, hay thậm chí bước qua trên những xác người thì sao cũng được, nhưng láo trên những xác người, đặc biệt là trên dưới 6000 dân Huế vô tội bị quân “Giải Phóng” thảm sát hồi Tết Mậu Thân cách đây 45 năm chắc chắn là chuyện trời không dung đất không tha.

Chẳng những láo trên những xác người, Lê Phong Lan còn lừa những người còn sống sờ sờ: “Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ... và cả miền Nam đã thay da đổi thịt rất nhiều. Những chiến trường xưa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nay đã là những đô thị sầm uất hiện đại... góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.”

Năm Mậu Thân, Huế cũng như toàn cõi miền Nam đang theo nền kinh tế Tư Bản, thì “Cách mạng” vào “Giải phóng” để đi theo nền Kinh tế tập trung, nay nhờ “đổi mới tư duy”, tức chạy theo Kinh tế thị trường mới khấm khá được. Nếu miền Nam không bị “giải phóng” thì cả nước Việt Nam ngày nay đâu có “thần tượng” mấy anh chàng cô nương mắt hí Nam Hàn mà trước 1975 công dân nước VNCH xem thường.

Lê Phong Lan, đúng là kẻ láo người chết, lừa người sống.


Nguyễn Bá Chổi
danlambaovn.blogspot.com

**************************************

Đồng bào Huế gửi “quà Xuân” cho nữ đạo diễn Lê Phong Lan
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) -

“Đồng bào Huế có thể hỏi y thị Phong Lan rằng: Ngay từ bây giờ y thị có đủ can đảm đối chất công khai với nhân dân Huế không?
và hãy vào Huế trưng ra mọi hình ảnh, hoặc chỉ cho nhân dân Huế thấy những nơi nào là: Bom đạn, pháo Mỹ từ Hạm đội 7 ngoài khơi Thái Bình Dương bắn vào, 80% thành Huế đổ nát và bị san phẳng như một bãi chiến trường? -
(Trong khi toàn bộ các đình, chùa, nhà thờ và hoàng cung, Thành Nội bao la, sau 1975 còn nguyên vẹn tới 90%)”

Image
ImageImage
“Và đây là 'gương mặt' mà đồng bào thân nhân, nạn nhân của tội ác cộng sản VN rất cần thiết phải ghi nhớ truyền lại cho con cháu: Lê Phong Lan”
Image

Xin xem tiếp:
http://danlambaovn.blogspot.com/2013/02 ... R8E7auwWSr

**********************************

Gửi bà Lê Phong Lan và đồng bọn!
Đặng Chí Hùng (Danlambao) -

Tôi là một người sinh sau đẻ muộn và cũng là dân Bắc, hay còn gọi là sinh trong cái nôi xã hội chủ nghĩa “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Nói như vậy cho bà rõ tôi không có thân nhân nào trong vụ thảm sát Mậu Thân năm 1968. Tuy nhiên tôi nói cho bà và đồng bọn rõ rằng: “Dù một giọt máu của DÂN TỘC tôi, ĐỒNG BÀO tôi đổ xuống do tội ác của đồng bọn của bà cũng không thể tha thứ. Huống chi bà và đồng bọn còn cho quay một bộ phim tài liệu lịch sử đổi trắng thay đen 100% để vu cáo tội ác của Hồ Chí Minh và đồng bọn cho người khác - đó là tội ác không thể dung tha.”

Thưa bà Lan, tôi biết bà cũng là người Việt Nam như tôi. Như vậy chúng ta không thể nào có thể làm ngơ trước những tội ác của những kẻ giết người man rợ. Ấy vậy mà bà lại cho làm một bộ phim hoàn toàn bịa đặt lịch sử. Bà đổ lỗi cho những hố hầm đầy xác người tết Mậu Thân là do “Mỹ Ngụy”. Chính vì bà và những người đang làm tay sai cho chế độ cộng sản khát máu đã cố tình quên đi sự thật để đổi trắng thay đen đã làm tôi không thể ngồi yên để nói với bà rằng những người như bà và đồng bọn là một lũ cơ hội và vô đạo đức.

Thưa bà Lan, nhân dân Việt Nam có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Bà có biết câu đó không? Tôi hi vọng rằng bà không mất gốc đến nỗi quên mất câu đó. Nếu có biết thì bà có hiểu câu đó không? Đó là đối với người đã khuất thì cái nghĩa của chúng ta phải là cái nghĩa tận tụy nhất, cao cả nhất. Thế nhưng, bà và đồng bọn lại đi làm một bộ phim hoàn toàn bịa đặt lịch sử để đổ vấy sang cho người khác. Tôi thì không lạ gì trò này của cộng sản vì đây là nghề của bà và đồng bọn: “ném đá giấu tay, ngậm máu phun người”. Bà đã bịa đặt hoàn toàn lịch sử, như vậy bà đã làm cho vong hồn những người chết oan uổng bởi đồng bọn của Hồ Chí Minh không được an nghỉ. Bà có lúc nào đó nghĩ rằng làm điều đó thì sẽ gặp quả báo không? Tôi không mê tín nhưng tôi là đệ tử Phật Gia nên tôi tin có quả báo. Bà và đồng bọn cứ chờ đấy!

Thưa bà Lan, nếu nói xuông với bà và đồng bọn thì bà sẽ cho rằng tôi đang nói lấy được mà thôi. Nhưng xin bà nhớ cho rằng còn rất, rất nhiều bằng chứng lịch sử đang còn sống thậm chí ngay cả những người trực tiếp tham gia tàn sát dân lành đã gặp tôi và họ đã kể cho tôi nghe những gì thật nhất về sự kiện Mậu Thân. Họ sẵn sàng ra đối chất để nói lên sự thật kinh hoàng mà bè lũ khát máu cộng sản gây ra cho nhân dân Huế năm 1968. Hôm nay tôi chỉ có đôi dòng gửi đến bà như sau:

Thứ nhất, bà trả lời cho tôi những chứng cứ mà tôi công khai viết tại bài 14 “Những sự thật không thể chối bỏ” là sai hay đúng. Nhất là bà cho tôi ý kiến về những cuốn sách của các tác giả trung lập, thiên tả... viết về sự kiện mậu thân 1968 tại Huế.

Thứ hai, có một người lính cộng sản thuộc trung đoàn Thừa Thiên (cho đến giờ phút này tôi xin được giấu tên vì lý do an ninh) sẵn sàng cùng tôi ra đối chất tại phiên tòa nếu có của LHQ về tội ác cộng sản đã nói với tôi thế này: “Chú là trung đội phó của trung đội tự vệ nhân dân. Chú đã thực hiện lệnh cấp trên tham gia xử chôn sống 14 người ở khe Đá Mài - Huế. Chú xin nhận trách nhiệm nếu phải ra tòa án làm chứng. Chú muốn chú sống quãng đời còn lại thanh thản và con cháu chú không bị quả báo...” Bà cho tôi biết bà có sẵn sàng đối chất không?.

Thứ ba, sau đây 5 ngày tôi xin gửi bà và đồng bọn cũng như đông đảo bạn đọc BẢN CÁO TRẠNG tội ác Hồ Chí Minh và cộng sản (bài 2) có thêm rất nhiều tài liệu cụ thể về sự kiện Mậu thân - Huế. Lúc đó tôi mong bà nếu có thể lên tiếng phản biện cho tôi và bạn đọc xem sự thật là thế nào?

Thưa bà Lan, tôi không có ý thách thức cá nhân bà và đồng bọn, nhưng tôi sẵn sàng thách thức kẻ nào dám viết láo lịch sử bênh vực cho những kẻ sát hại ĐỒNG BÀO tôi. Thưa bà, tôi đã khóc rất nhiều lần khi viết về sự kiện Mậu Thân cũng như khi nghe bài hát “Hát trên những xác người”. Tôi không hiểu sao bà lại có thể đổi trắng thay đen để bịa đặt lịch sử, bà không có trái tim một con người hay sao bà? Con thú còn biết yêu thương nhau, sao bà là người Việt lại đi bịa đặt lịch sử để cho những oan hồn vô tội kia phải buồn tủi?

Đáng buồn cho những kẻ vì tiền, vì quyền lợi mà phải sống hèn hạ!

15/02/2012

Đặng Chí Hùng
danlambaovn.blogspot.com
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Huế và Tết Mậu Thân 1968

Post by uncle_vinh »

Image
Post Reply