VÀI CHUYỆN VÔ TƯ LẦN THĂM VN 2007

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

VÀI CHUYỆN VÔ TƯ LẦN THĂM VN 2007

Post by unclevinh »

Date: Sun, 12 Aug 2007 12:17:00 -0700 (PDT)
From: "tan nguyen" <ntanhoa@yahoo.com>
Subject: Về VN - Viết cho vui.

Các anh,
Thái-Vinh nói lâu quá ít ai viết để đăng vô Diễn Đàn KSCN. Thôi các anh coi bài này tạm được, thì xin anh Ứng để vô DĐ cho vui.

Tân


VÀI CHUYỆN VÔ TƯ LẦN THĂM VN 2007
(Tác giả: Nguyễn Văn-Tân, KSCN1)

Phải nhận là báo Saigon thường dùng hai chữ “vô tư” để vô tư mỉa mai rất hay. Tôi cũng thử kể vài chuyện “vô tư “ nhân chuyến về VN cho vui.

Tôi trở lại VN vào một buổi chiều lần đầu tiên sau mấy mươi năm xa xứ, được người bạn rước về nhà vùng Khánh Hội. Người, xe cộ tràn ngập đường phố. Thấy anh lái xe cứ phải “vô tư “bóp kèn (còi) liên tục, tôi vội xin ảnh: “ Anh ơi, xin cho tôi bóp kèn vài cái cho đã tay, mấy năm bên Mỹ không dám bóp kèn.”

Sáng sớm hôm sau tôi đứng trên balcony, nhin về phía ngã tư Khánh Hội và Hoàng Diệu gần đó. Đã gần 7 giờ sáng. Xe gắn máy, xe hơi nhà, xe Bus đủ loại, xe taxi, vài ba xe đạp chạy chật hết đường xá. Ngã tư có đèn giao-thông, nhưng không ai cần lưu ý. Lúc đèn đỏ bật, luôn luôn có vài xe rướn lên tiếp tục qua. Người đi bộ thì có thể băng qua đường bất cứ ở đâu, lúc nào. Người ta có thể băng xéo theo đường chéo tại ngã tư cũng được. Vô tư thôi.

Đường Khánh Hội rộng tổng cọng lối 4 lanes, được chia ra làm hai. Xe gắn máy cũng như xe taxi, cứ thoải mái, vô tư quẹo chữ U. Có một lần tôi được qua cầu Mỹ Thuận từ hướng Vĩnh Long về Mỹ Tho. Đang lên dốc, bỗng thấy các xe trước đều giảm tốc-độ đáng kể, tôi nghĩ có lẽ tai nạn xe cộ gì ở phía trước, nhưng khi lên đến đỉnh cầu thì thấy phía lane bên phải đang bi chiếm bởi cả chục xe gắn máy với từng đôi nhân tình ngồi nhìn ra sông hứng gió. Vô tư thôi.

Một lần khác, một người bạn chở tôi ngồi xe gắn máy chạy trên xa-lộ Xuyên Á, môt xa lộ mỗi bên 3 lanes được quốc-tế tài-trợ, xây dựng đúng tiêu-chuẩn. Nhưng dọc hai bên xa lộ thì nhà cửa cất sát nhau, cách mặt lộ lối mươi thước. Bấy giờ vào lúc tan sở buổi chiều của công nhân công ty giày gần đó, nghe nói có cỡ bốn năm chục ngàn công nhân gì đó . Mọi người túa ra xa lộ, người đi bộ thì từ từ băng qua đường, người đi xe đạp, xe gắn máy thì cứ “vô tư” lái xe đi ngược chiều. Lại có một cái chợ chồm hổm, bán rau cải thịt thà lấn chiếm ra cả gần một lane. Thằng bạn tôi nói “ Người ta nghèo quá! Công nhân lại làm cực lắm, không ngày giờ đi chợ xa. Phải lo cái bao tử trước rồi mới tôn trọng kỷ luật được mầy ơi.” Cái xa lộ Xuyên Á bấy giờ chỉ như một con đường thường trong thành phố. Thiệt, mỗi ngày đi bộ qua lại trên đường phố Saigon giống như giỡn mặt với tử thần. Cũng đành phải “vô tư” thôi.

Trên xe Bus đi tour đoạn đường Nha Trang về Saigon, một ông khách Việt Kiều hỏi ông tài xế “Coi kìa, cô đó rất trẻ mà đi cặp thân thiết với ông cụ già quá vậy?” Như được dịp, ông tài xế xổ ra môt hơi: “ Bác ơi, nghèo quá, lấy Đài Loan, Đai Hàn may ra còn có đổi đời. Ở thành phố lớn, bác thấy cuộc sống như phồn thịnh, nhưng bác không biết chớ nhà quê chỗ cháu không tài sản, không việc làm, khổ lắm. Gái tìm cách lấy chồng ngoại, trai mà có sức thì may ra tim viêc làm cho bè nuôi cá. Mười mấy tiếng đồng hồ một ngày, lặn hụp lo cho cái bè cá, da người còn gì nữa. Mỗi ngày lãnh tương đương với vài đô-la. Bệnh hoạn không tiền thì chỉ có chết một cách vô tư.”

Một hôm ở Hotel Nha Trang, một cô tiếp tân (lễ tân) trẻ mời vợ chồng tôi ghi tên đi tour ra các đảo. Tôi nói đã ghi tên xong rồi, nhưng cô nói “Thôi cô chú vô nói chuyện cho vui cũng được.” Tôi được biết cô tốt nghiệp trường du-lịch, ăn nói dễ thương. Tôi hỏi “Này, cháu làm viêc ở đây hẳn cháu phải tiếp xúc với rất nhiều người. Có chuyện gì hay, lạ kể cho cô chú nghe đi?”

- “Cũng không có gì đáng kể, thưa cô chú.”
- “Vậy khách Việt Kiều thì sao?”
- “Dạ, cũng có vài ông ưa khoe nầy nọ chút đỉnh vậy thôi.”
- “ Vây còn khách ngoài Bắc vô thì sao?”
- “Ồ, mấy ông nầy thì có vài ông khó tánh, phách lối lắm bác. Như lần đó, một ông không biêt cán bộ cấp nào. Vì cái máy lạnh chưa chạy mà ông chưởi tụi cháu. Ổng gằn giọng Nghệ An la lớn “Chúng mày là gì, tao bảo tụi mầy không vừa lòng tao, tụi bây sẽ biết tao!” Ổng biểu ban giám đốc phải phạt tụi cháu.”

Vào các quán ăn, tôi không thấy ai cho tiền “tip” (boa), trừ khách ngoại quốc và vài Việt Kiều ở Hotel. Tôi gặp mẹ con một bà chủ tiêm ăn ở Marseille, Pháp, mà cũng không cho xu nào. Vô tư thôi. Trong khi ở tiệm ăn bên Pháp thì bà cứ trông vào tiền boa. Chúng tôi lúc nào cũng để lại chút đỉnh cho “tip”, người ta vui, mình cũng vui. Một đêm, chúng tôi gặp một bà để rổ bắp nấu cạnh lề đường ở chợ Đầm, giá 2000 đồng một trái. Vài người đang ngồi lựa. Chúng tôi mua hai trái. Trả tiền xong, tôi đưa thêm bà 2000 đồng (chỉ tương lối 15 xu Mỹ), bà vội đưa tôi thêm trái bắp. Tôi lắc đầu, nói bà giữ đi. Nhìn nét thoáng mừng của bà mà tôi tự thấy mắc cỡ, số tiền 15 xu Mỹ có nghĩa lý gì với tôi đâu. Rổ bắp có bán hết đi thì chắc bà mừng lắm, nhưng lời được bao nhiêu, mua đươc bao nhiêu thức ăn cho những ngày sắp tới.

Đi taxi Saigon tương đối rẻ hơn Mỹ nhiều, nhưng với những người hưu-trí như chúng tôi, thì di chuyển hàng ngày mà chỉ dùng taxi thì cũng ngại tiền lắm. Hỏi thăm tài xế, tôi được biết họ làm việc cho công ty, lãnh lương chứ không phải mướn xe làm ăn. Như vậy cũng hay, vì khách hàng không phải sợ họ chạy lòng vòng để kiếm thêm tiền. Tiền kiếm được chi là do khách “boa”. Người Saigon, Tây Ba Lô và luôn cả mấy ông Đai Hàn, Đài Loan thì chí công vô tư không cho “boa”, phần khách Việt Kiều, Nhựt đều cho boa. Một ngày nếu taxi gặp được 3 khách ngoại kiều thì kể như có thể bỏ túi riêng được trên chục ngàn (lối một đô la). Đó là một ngày vui.

Saigon bây giờ it thấy áo dài ngoài đường. Chỉ một số học sinh và nhân viên vài cơ sở thì bị bắt buộc phải mặc áo dài. Phương tiện thông dụng để di chuyển là xe gắn máy đủ loại.
Thỉnh thoảng, tôi thấy vài nữ sinh đạp xe đạp, thì biết ngay là thuộc nhà nghèọ, gương mặt phần nhiều có vẻ buồn và chịu đựng.Thật là nản mà thấy một xứ với trên 80 triệu dân, có một nhu cầu xe gắn máy lớn như vậy mà không đủ kỹ-thuật, trí óc để tự sản xuất lại phải mua từ những xứ như Thái-Lan, Mã-Lai, Indonesia, những xứ mà trước 1975 VN mình vẫn coi thường họ, và ngay ngày hôm nay, những sinh-viên các nước này sang Mỹ học cùng lớp với con em người Việt hải-ngoại, họ vẫn không hơn được con em chúng ta.

Di chuyển bằng xe bus ở Saigon khá rẻ, 3000 đồng (lối 15 xu Mỹ), máy lạnh thì khá vô tư, khi chạy khi không. Xe nào cũng có gắn bảng đề “Xin nhường chỗ cho người già. Cấm hút thuốc”. Phải nhìn nhận là giới học-sinh sinh-viên trẻ Saigon nhã nhặn tuân theo điều nầy. Cũng không thấy ai hút thuốc trên xe. Tuy nhiên người già khó đi bus được, vì khi tới trạm ngừng vào lúc giao-thông đầy đặc thì xe không ngừng hẳn mà chỉ chạy chậm chậm lại cho khách nhảy xuống. Có té thì chắc ráng chịu. Vô tư thôi.

Cũng như phần nhiều những nơi khác, mua sắm ở VN thì phải trả giá. Nhưng có một lần tôi đi chợ gần biên-giới Việt Miên, tôi thấy đề “Đi tiểu 500 đồng, đi cầu 1000 đồng“. Nhưng sau khi tôi đi tiểu xong, người nhân-viên giữ cửa nhứt định bắt phải trả 1000 đồng, với lý do là tôi không phải người bản xứ. Lần sau có lẽ tôi phải trả giá trước khi đi tiểu. Saigon bây giờ đàn ông bớt bị bịnh “tiểu đường“ như lúc trước, tuy vậy vách tường vài nơi vẫn còn khai mùi nước tiểu chút ít. Thật ra, khu trung tâm Saigon bây giờ khá sạch sẽ dù người và xe cộ tấp nập suốt ngày đêm.

Tôi xin ngừng nơi đây. Thôi chỉ viết cho vui vô tư thôi, và miễn viết phần kết luận.
Last edited by unclevinh on 15 Aug 07, Wed, 5:34 am, edited 1 time in total.
uncleVinh
Post Reply