Ông Bác Vật

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Ông Bác Vật

Post by maixuanthanh »

ÔNG BÁC VẬT


Thân tặng tất cả những bác vật Công Nghệ đã từng…. “ qua dòng sông dài…tìm đến phương này…một nhà thân ái…”


Bác vật là kỹ sư. Cái tên gọi nghe lạ lẫm bây giờ nhưng vào thời thập niên 40, 50 ai cũng quen gọi thế. Bác vật còn ít nhiều mang ý nghĩa thông thái và được xã hội trọng vọng lắm. Xứ mình lúc bấy giờ đâu có đào tạo được, phải đi Tây học thì về nước mới thành ông Bác vật. Oai lắm ! Tôi đã được nghe nhiều người nói về bác vật khi còn bé, nghe nhiều chuyện về một ông bác vật nữa.. Rồi những năm sau này, khi tôi khôn lớn chả mấy khi nghe ai nhắc đến cái tước vị nghe “sang không chịu được” ấy. Thế mà vào năm 1980, ở một nơi xa lơ xa lắc, cách quê nhà cả một chiều dài đất nước, qua một biển lớn, trong một hoàn cảnh khổ ải…. lại được nghe một người không quen gọi là “ông bác vật” thì mới nhớ chuyện đời xưa đời nay để mà kể…..

Khi tôi tới tuổi cắp sách đến trường thường nghe cả nhà nhắc nhở đến Bác Thạc, người anh của Mẹ, đã đi du học từ ngày tôi còn bé chưa biết gì. Cứ nghe kể chuyện Bác đi Tây học bác vật và nhìn hình chụp Bác gởi về nhà cho Ông Bà thấy Bác lịch sự và oai phong quá thì tôi nghĩ bác vật là một nghề gì đó hay ho lắm. Chả thế sao ai cũng khuyến khích tôi cố học giỏi để lớn lên làm Ông Bác vật ! Và Bác đã trở thành thần tượng của tôi hồi nào không hay. Tôi thường nghĩ về Bác với lòng mong mỏi sớm được gặp người Bác mà tôi cho là cũng giống như Ông tôi, sẽ dành cho tôi một tình thương rất đậm đà. Nhưng tôi chờ mãi mà Bác không về nhà. Nhớ Bác, tôi hỏi Ông sao lâu quá Bác không về thì Ông tôi cười và bảo là “Bác không về Hà Nội nữa đâu. Bác về Saigòn rồi, vì Bác đã phải lòng một cô gái Long Xuyên du học ở Ba Lê !” Từ đó tôi ráng không nhớ tới Bác nữa và giận cô gái Long Xuyên kia luôn. Không biết cô ấy ghê gớm thế nào mà làm cho ông Bác bác vật của tôi đi theo, không về với Ông Bà tôi nữa ! Một hôm, vui miệng Mẹ tôi nói : “Con học cho giỏi, mai này Bố Mẹ cho con đi du học bên Tây con nhé !”. Tôi đã dõng dạc trả lời : “Con không thèm đi Tây đâu !” Mẹ tôi hỏi tại sao thì tôi thưa là : “ Đi Tây học bác vật rủi con cũng gặp một cô gái Long Xuyên rồi không về nhà nữa thì sao. Con không muốn xa Mẹ đâu, Mẹ ơi !” Bà ôm chặt tôi vào lòng, đôi mắt hiền từ và đẹp đẽ của Mẹ chớp không ngừng ! Thế nhưng, cuộc đời ngày sau ai mà biết được. Lúc ấy, Mẹ nào ngờ (và cả thằng bé thơ dại là tôi nữa) hai mươi năm sau đó, đứa con trai yêu quí của Bà sẽ trở thành bác vật như cả nhà mong muốn và cũng dẫm vào bước chân của ông anh, nghĩa là cũng phải lòng một cô gái miền Nam, không phải là Long Xuyên mà là Rạch Giá (Long Xuyên là đâu, Rạch Giá là đâu, gần bên thôi mà !) nhưng có khác là Bố Mẹ tôi đã vui vẻ mang trầu cau và lễ vật xuống tận nơi hỏi cưới nàng cho tôi. Tuy làm việc và ở xa mấy trăm cây số nhưng lúc nào muốn về thăm Bố Mẹ cũng được, không phải mang tiếng là mê gái !

Thế rồi ngưng tiếng súng. Những người bà con về thành lánh nạn ở nhà tôi lục tục trở lại làng quê và cả nhà tôi cũng xôn xao, vội vã để thu xếp đi Nam. Mọi người thầm thì như thế. Tôi hoang mang và buồn quá nhưng không dám hỏi vì sao mà phải đi, đi Nam là đi đâu, vì ai cũng hối hả và bận rộn. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi vẫn hàng ngày tụ tập chơi đùa với nhau mặc cho người lớn gánh gồng, chạy ngược chạy xuôi. Tôi hỏi những đứa bạn trang lứa đi Nam là đi đâu thì chúng cười tôi nhà quê chả biết gì. Đi Nam là đi Sài Gòn chứ đi đâu ! Tuy tôi không cảm thấy hứng thú lắm, nhưng vẫn thấy lòng nôn nao, vì như thế tôi sắp được gặp Bác Thạc của tôi. Có lúc tôi lại nghĩ là mình lẩn thẩn, vì Bác có biết mình là ai đâu và không biết Bác có thương mình hay không mà mong gặp làm gì !

Sau mấy ngày đêm nhồi sóng mệt lả người, tàu cặp bến Saigon. Trời gần xế trưa, nắng vàng chói chang nhưng đẹp vô cùng đã làm cho mọi người thấy phấn chấn và quên cả nhọc mệt. Nhìn lên bờ thấy cả rừng người ra đón, vẫy tay kêu gọi, những đứa bé như tôi cũng có cảm giác như mình đi xa vừa về tới quê nhà. Cuộc đổ bộ thật vất vả với hành lý lỉnh kỉnh rồi cũng xong. Mẹ tôi gọi Ông rồi chỉ về phía một người đàn ông đang giơ cao hai tay, nhảy dựng lên và gào thật to “Thầy ơi…. Thầy ơi !” Ông nắm tay tôi bước nhanh tới, và ông Bác của tôi cũng phóng lại ôm chầm lấy Ông mà khóc, bỏ lại đằng sau một bà mặc áo dài che dù, đang đứng ngơ ngác. Nhìn là biết ngay. Bác gái Long Xuyên đây rồi. Bác nhìn tôi cười làm tôi ngẩn ngơ và lúng túng. Người ở đâu mà đẹp quá thể. Xưa nay, cứ nhìn gương mặt thanh tú của Mẹ hàng ngày, tôi cho là khó có ai đẹp hơn, hôm nay tôi mới biết là phụ nữ Việt có người đẹp hơn cả mấy cô đầm thi đấu xảo sắc đẹp ! Vì thế mà ông Bác của tôi đã thất điên bát đảo để hết biết đường về Hà Nội là phải rồi ! Mọi người xúm lại truyện trò tíu tít. Thật nhiều nước mắt đã nhỏ xuống cho buổi trùng phùng ở một chỗ không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bác gái chạy đến nắm tay Bà tôi và hỏi thăm đủ thứ. Giọng Bác trong trẻo, nghe du dương như đang hát. Chỉ thấy Bà tôi cười vui nhưng không đáp lại lời nào cả. Một lúc sau, nghe Bà nói nhỏ với Mẹ tôi : “Chị Thạc nói chuyện Mẹ chỉ hiểu loáng thoáng thôi ! ”

Vì có Bác lo hết cả nên gia đình chúng tôi không phải vào trại tạm cư. Bác đã mua sẵn một căn nhà rộng rãi và khang trang ở ngoại ô cho Ông Bà tôi với đầy đủ mọi thứ tiện nghi cho sinh hoạt hàng ngày. Riêng tôi, Bác còn cho một chiếc xe đạp mới toanh thật là hách ! Trong bữa cơm thịnh soạn để mừng ngày đoàn tụ, hai Bác tôi trịnh trọng đứng dậy khoanh tay cúi đầu trước Ông Bà để xin tha lỗi vì Bác đã tự lo việc hôn nhân ở Paris. Còn việc hồi hương về Sài Gòn thì Bác nói là khi còn ở Pháp, Bác theo dõi tình hình nước nhà và đã biết là Việt Nam sẽ bị phân chia nên quyết định về Saigon trước để thu xếp, nếu Ông Bà không di cư thì Bác sẽ đích thân trở về Hà Nội đón cả nhà vào Nam. Tôi chắc là Ông Bà cũng hiểu và xí xóa cho cái “tội” si tình của Bác rồi, vì từ ngày đó mọi người sống với nhau rất hòa thuận và vui vẻ. Phần tôi, tự nhiên thấy hết giận khi tôi gặp được hai Bác và rất phục ông Bác của mình. Bác vật có khác. Bác không những thông hiểu sự, vật mà còn am tường thời, thế nữa.

Tôi đi học trường mới. Ngay buổi học đầu tiên tôi đã được mọi người chú ý vì “thằng nhỏ Bắc kỳ nói nghe ngộ quá !” Thầy giáo rất hiền và thương tôi lắm nên tôi không cảm thấy lạc lõng từ phút đầu vào trường. Đám bạn mới tuy không ngừng chế nhạo nhưng vẫn cho tôi nhập bọn và đối với tôi không hề có ác ý. Hình như từ ngày có tôi cả lớp vui nhộn hơn trước. Nói cái gì tụi nó cũng cười được. Như là: “ Ê, ê …thằng nào có cây bu..u..úc cho nó mượn đi bây. Tao chỉ có cây diê…ê…ết thôi ! ”. Thực tình, lúc ấy tôi chỉ bực mình vì sự giễu cợt của đám bạn mới thôi chứ không thù ghét đứa nào cả. Để bớt bị trêu ghẹo tôi cố sửa giọng nói cho bớt “không giống ai” thôi…….

Giòng đời cứ trôi …… Chúng tôi đã có một cuộc sống yên bình và hạnh phúc nơi quê hương mới. Miền Nam tự do chan hòa nắng ấm .

Hai mươi năm sau…

Hai thập niên vật đổi sao dời. “Thương hải biến vi tang điền..” Bình thản được thì nói nghe cho êm tai một chút. Hai mươi năm ấy, biết bao nước chảy qua cầu. Nhưng giòng nước ấy có khi nào chảy êm ả đâu. Giòng nước cuồng nộ, hung hãn đã một lần cuốn trôi chiếc cầu bắc qua dòng sông lịch sử, để cho một triệu người không còn lối quay về…. Tưởng đã yên thân, không ngờ lại biến cố 1975. Lần này kinh hoàng và thảng thốt hơn nhiều. Cuộc bỏ phiếu bằng chân và bằng thuyền của hai triệu người là một hành trình vĩ đại nhưng bi thảm, đầy máu và nước mắt. Có bao nhiêu trong số một triệu người của cuộc di cư 1954 ấy lại phải thêm một lần từ giã quê hương để quăng mình vào biển cả, liều mạng sống để đi tìm một cõi người có tình người ?

Một đêm hè năm 1980 ở trại tị nạn Songkhla, Thái lan…

Đã mấy ngày liên tiếp văn phòng Ban Điều hành trại làm việc gần như thâu đêm để chuẩn bị hồ sơ cho đợt phỏng vấn sắp tới của phái đòan Hoa Kỳ. C. vươn vai đứng dậy, khều tay tôi: “Em còn thuốc lá, mình ra ngoài phì phà một lúc cho mát rồi lại vào làm tiếp!” Nghe nói thuốc lá tôi tỉnh người liền ! Anh em làm việc thiện nguyện ở văn phòng trại được hưởng tiêu chuẩn “bồi dưỡng” mỗi ngày hai ly cà phê và hai điếu thuốc lá. Cho “morning tea” và “afternoon tea”. Như làm việc ở Mỹ vậy đó, nhưng là Mỹ... nghèo nên làm thêm buổi tối dân ghiền không có thuốc hút thì hút…gió. Mạnh ai nấy “ngáp” thôi ! C. là một người bạn trẻ dễ thương và chịu chơi. (bác vật thứ thiệt mà !) C. vượt biên có một mình nên rỗi rảnh, ngoài giờ giúp việc cho văn phòng Trại, C. mở lớp dạy Anh văn, học trò đông vì dạy rất hay. Thương đàn anh sau một hải trình gian khổ, không bị hải tặc ngoài khơi nhưng đổ bộ lên một làng đánh cá bị “địa tặc” cướp sạch, bầu đoàn thê tử nheo nhóc, C. chia lớp học làm hai và nhường cho tôi dạy một lớp kiếm chút đỉnh tiền tiêu. Học trò đóng cho thầy mỗi người chỉ có một Bath (tiền Thái) cho mỗi giờ thôi. Lớp có 20 học trò thì cũng mua được thêm quà bánh cho các con. Tôi dạy được mấy ngày thì lớp lên được 25 “trò” (trẻ nhất 10 tuổi và già nhất là 52). Hơn một tuần không thấy trò nào đóng tiền cả. Một hôm bắt đầu giờ học một chú nhỏ tên L. bước đến gần tôi và thì thào : “ Em chưa có tiền đóng học phí, anh cho em thiếu nhe. Chắc tuần sau em mới có tiền của người anh bên Mỹ gởi ! ”. Chú bé chừng 17 tuổi, mặt mũi hiền khô vừa nói vừa cười ngượng ngập. Tuy cố mím môi để che hàm răng nhưng vẫn lộ cho thấy bốn cái răng cửa mất tiêu. Tôi gạn hỏi và L. kể là trên đường vượt biên thuyền bị hải tặc Thái chận cướp. Thấy L. có một chiếc răng cửa bịt vàng, bọn thú đội lốt người này đè cậu ấy xuống dùng búa và đục để xeo chiếc răng. Vì táng mạnh quá nên cả bốn cái cùng văng ra luôn ! Nghe xong câu chuyện tuy ngắn nhưng cảm thấy rợn sống lưng và ê cả răng này lòng tôi chợt chùng xuống trong nỗi uất nghẹn….. Đưa mắt nhìn đám “học trò” đang ngồi lộn xộn dưới nền nhà kho (tạm làm lớp học) tôi thấy mặt nào hình như cũng vêu vao và thất thần như nhau…Tôi quyết định thật nhanh và bảo với cả lớp là : “ Tôi biết là nhiều người không có tiền để đóng. Học Anh văn trong hoàn cảnh này thật cần thiết. Từ nay, các cô chú, anh chị em và các cháu cứ đến học, tôi dạy miễn phí.” Từ đó, lớp Anh ngữ thực hành của tôi đêm nào cũng “nghẹt rạp” ! Thôi lỡ nghèo cho nghèo luôn!. C. cười và gọi tôi là “thầy dòng”, vì nghe kể hồi trước có lúc C. học Anh Văn ở nhà dòng không phải đóng học phí ! Suốt thời gian ở Songkhla lúc nào C. cũng “xu hào rủng rỉnh”, tính tình lại hào sảng nên cứ mời cà phê thuốc lá hoài, và ông anh ít khi từ chối. Nghèo muốn chết mà còn sĩ diện gì nữa !

Nhìn đồng hồ treo tường. Mới hơn 11 giờ đêm. Chúng tôi bước ra ngoài. Văn phòng trại là một căn nhà gỗ đơn giản cất theo lối nhà sàn thấp, phía trước có hàng hiên, đi lên xuống bằng chiếc thang ngắn. Giờ này vẫn còn nhiều người quanh quẩn qua lại trước sân, ý chừng là những người nóng ruột muốn chờ xem có ai quen đang làm hồ sơ để hỏi tên mình có được vào danh sách phỏng vấn kỳ này không ?! Ngọn đèn ở góc trại soi mờ mờ mấy cây dương gần đó chỉ lay động phất phơ vì gió biển thổi nhẹ quá. Gần nửa đêm mà trời vẫn còn oi bức. Điệu này đêm nay dám mưa lắm. Mưa thì tội nghiệp cho lớp đồng bào mới nhập trại, không còn chỗ trong lán phải che bạt nylon quanh những cây dương ngòai bãi biển để ở tạm. Gia đình tôi đã kinh qua nhiều ngày thấp thỏm như thế. Nửa đêm nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên các mảnh nylon thì phải ngồi bật dậy, hai tay bế hai đứa con chạy thốc vào ngay thì may ra mới còn chỗ đứng trú mưa dưới mái hiên của Niệm Phật Đường gần “hộ khẩu cây dương” của chúng tôi !

Vừa bước xuống tới đất tôi nghe có người gọi rất nhỏ: “ Ông bác dậc ....ông bác dậc ơi ! ” C. níu tôi dừng bước và nói : “hình như gọi mình anh à ”. Chúng tôi cùng quay lại. Một ông già ốm và cao dáng người trông khắc khổ bước tới lên tiếng ngay: “Ông bác…dậc ơi ! Tôi là Tư S. có việc nhờ quí ông giúp đỡ..” Đến lúc đó tôi mới vỡ lẽ ra là người đàn ông đã chờ sẵn ở ngoài văn phòng không biết tự hồi nào vừa gọi tôi là “Ông bác vật” theo giọng miền Nam ! C. cười hỏi : “Sao bác gọi tụi tôi là bác vật vậy ?” Ông Tư bảo: “ Tôi biết và nhiều người cũng biết quí ông là kỹ sư và đang làm việc giúp cho đồng bào tị nạn. Thời của tui gọi quí ông là bác vật. Nghe xưa nhưng mà quí lắm !” Tiếp theo, ông kể là hôm qua có người môi giới mua vàng có giá, gia đình ông đã bán 2 “cây” để lấy tiền mua sắm trước khi lên đường định cư. Hồi chiều cảnh sát Thái vào bắt ông ra đồn phía ngoài trại vu cho ông là bán vàng giả, đòi bắt nhốt và giải tòa. Chỉ vào mắt phải bầm tím ông nói : “Trước khi tạm thả tên trưởng đồn đánh tôi và cho hạn định là nội đêm nay không trả lại tiền thì sáng mai tụi nó bắt lại !” Thật là hỗn quân hỗn quan. Bọn ăn cướp mặc sắc phục này coi phép vua luật nước của chúng không ra gì vậy sao ! Tôi bảo ông Tư chờ và chúng tôi trở lên văn phòng hội ý. Trưởng trại Cao Ủy đêm nay không có trong trại. Trưởng trại Việt Nam giờ này chắc đang ngủ yên vì đã sắp xếp công việc xong rồi. Tôi thấy tình hình cấp bách không thể chờ đến sáng như đề nghị của C. Bàn tính một hồi tôi quyết định dẫn ông Tư ra đồn cảnh sát. C. có vẻ lo lắng hỏi tôi tính sẽ làm gì ? Tôi trấn an : “Thằng trung úy cảnh sát này biết tôi, đụng độ vài lần rồi. Dù gì đi nữa nó cũng không dám giữ mình lại đâu. Tôi sẽ có cách hù nó. Nếu êm thì khỏe, còn không thì sáng mai mình quậy tiếp. Tôi sẽ đưa ông Tư đi. C. gọi giùm anh chàng V. (nhân viên trật tự) ”. C. đứng lên ngay và nói: “ Em cũng không sợ gì cả. Để em gọi V. rồi cùng đi với anh.”

Chúng tôi ra đồn cảnh sát Thái gặp tên trung úy còn đang khề khà nhậu nhẹt với hai cảnh sát khác. Đồn là một nhà cây nhỏ cất tạm phía ngoài hàng rào trại, mở cửa ngày đêm. Thấy tôi đứng ở cửa hắn khệnh khạng đứng dậy, ngoắc tay mời vào. Nhìn thấy ông Tư mặt hắn hơi biến sắc, lăng xăng gọi người lấy thêm ghế. Không chờ mời ngồi, tôi vào đề ngay, ngắn gọn nhưng rất rõ ràng:

- Hồi chiều Trung úy đã cho bắt ông già này về tội bán vàng giả và đã đánh ông ấy có thương tích. Trung úy phải biết là trước khi bắt người Việt trong trại ông phải thông báo Ban Điều Hành trại. Các ông đã làm một việc phi pháp và phi lý bởi vì không có một người tị nạn Cộng sản nào liều mạng sống bỏ nước ra đi lại mang theo vàng giả bao giờ. Chúng tôi chỉ yêu cầu Trung úy xin lỗi ông già này và tuyên bố không vu cáo nữa. Nếu không, sáng mai tôi sẽ thưa đến Hoàng Gia, theo cách của tôi.

Tên trưởng đồn đứng bật dậy, trợn mắt :

- Thưa Hoàng Gia hả ? Dám không ?!

Tôi nhìn thẳng vào cặp mắt đang mở to và đỏ ngầu của hắn :

- Trung úy biết tôi là kỹ sư. Mình biết nhau mà ! Nhưng ông chưa biết tôi đã từng học ở Viện Đại học Hoàng Gia Chulalongkhorn ở Bangkok phải không ? Đức Hoàng thượng Bumiphon và Hoàng hậu Sirikit có hai hoàng nam. Đông cung Hoàng tử du học ở London còn Thái tử Sukumvich là bạn học rất thân với tôi ở Chulalongkhorn. Sáng ngày mai tôi sẽ điện thoại cho Thái tử kể chuyện này thì tôi chắc Ngài Điện hạ sẽ không từ chối giúp người bạn cũ đâu Trung úy à !

Tôi cố nói chậm rãi, nhấn mạnh những chữ Hoàng thượng, Thái tử.. và thấy tên cảnh sát vô thiên vô pháp này hơi rúng động. Tôi bồi thêm:

- Chắc các ông biết Thái tử có biệt tài đàn vĩ cầm rất hay. Nhưng không thể so tài với Đức Hoàng thượng được đâu. Hồi chúng tôi còn học ở Chula.., cứ cách vài tháng là Đức Vua ngự giá xuống Viện Đại học biểu diễn vĩ cầm cho sinh viên nghe với sự phụ họa dương cầm của Công chúa nữa …..

Không chờ cho tôi chấm dứt chuyện đời xưa, tên trưởng đồn đứng dậy khều tôi và lừng lững bước ra ngoài. Tôi bước ra theo. Hắn quay lại nhỏ giọng:

- Ê. Nãy giờ nói chuyện thiệt hay đùa vậy ông bạn ?

Tôi bình tĩnh:

- Tôi không kể chuyện Việt Nam. Chuyện xứ Thái đúng hay sai các ông biết. Người bị ông bắt và hành hung cũng không muốn làm to chuyện đâu, chỉ không muốn bị vu cáo thôi. Nếu Trung úy không làm theo yêu cầu thì tôi xin kiếu. Sáng mai, chuyện của ai thì người nấy làm thôi !

Khuôn mặt cau có của hắn dịu lại và nói : “Thôi. Được!” rồi trở vào trong. Khi tôi theo vào thì mấy tên cảnh sát kia biến mất rồi . Hắn cầm tay ông Tư cười cười: “Hiểu lầm. Hiểu lầm. Chúng tôi xin lỗi ông !” Tôi giải thích ngắn gọn với ông Tư vì không chắc ông có biết tiếng Anh, và bảo với ông là nếu thấy vui lòng với cách giải quyết như thế thì bắt tay hắn một cái rồi về trại không cần sợ sệt, lễ phép gì cả. Tôi dặn kỹ thế vì không muốn thấy một bô lão Việt Nam khúm núm trước bọn cướp cạn này ! Thế là chúng tôi an toàn và thoải mái rời khỏi cái đồn canh của bọn hung thần ác sát đó. Chính ông Tư cũng vui vẻ chấp nhận cái kết quả thương thuyết nhanh không ngờ đó và cho qua chuyện luôn.

Câu chuyện thật nhưng kể nghe như tiểu thuyết hư cấu, chắc cũng cần phụ chú thêm một tí cho dễ thuyết phục ! Chuyện đã từng học ở Viện Đại học Hoàng gia Chula.. là thực, nhưng có 50 % thôi. Người Thái chỉ gọi là Chula, để nói đến Viện Đại học Hoàng gia Chulalongkhorn có thực ở ngay thủ đô Vọng Các. Năm 1969 tôi là sinh viên của Viện Kỹ thuật Á Châu (AIT), tuy không trực thuộc nhưng lại nằm trong khuôn viên của Chula. Nói gọn là học ở Chulalongkhorn cho tiện việc sổ sách tuy có mập mờ và dựa hơi một tí !... Sự việc Đức Vua hay ngự giá xuống thăm và đàn cho sinh viên nghe là chuyện có thật thời đó mà thần dân Thái đã truyền tụng, ngưỡng vọng và tôn kính Ngài như một minh quân. Đông cung Hoàng tử du học ở Anh Quốc và Thái tử học ở Chula cũng là chuyện thực. Tên của Thái tử là gì tôi nào có biết ! Một tên sinh viên ngoại quốc cà lơ thất thơ như tôi làm sao đến gần được Thái tử, chứ nói gì tới làm bạn học. Khi nhắc tới “Ngài” thì tôi nói chữ Thái tử lên giọng còn cái tên Sukhumvich (mà tôi đã hư cấu ra) thì nói nhỏ hơn ! Trước khi dẫn ông già Tư đáng thương ra đồn cảnh sát tôi tự tin là mình sẽ thành công. Xong việc đêm nay thì tốt, còn không, sáng mai mời cả hai vị Trưởng trại ra tay thì xá gì việc nhỏ này… Cũng như chơi một ván xì phé thôi. Không dễ gì thua. “Tẩy” của bọn này tôi nắm được rồi nên mới dám tố xả láng, vì tôi biết rõ dân Thái rất tôn sùng Hoàng gia, còn những tên cảnh sát này chỉ là bọn cướp ngày, thừa nước đục thả câu, có gan cóc tía chúng cũng không dám hỏi xem Thái tử có bạn học người Việt hay không !

Trở vào trại, trước khi chia tay về ngủ yên ông Tư nắm lấy cả hai tay tôi mà lắc và cám ơn rối rít. Đèn văn phòng đã tắt. C. cười vui nói: “Thôi anh em mình xuống bãi biển làm vài ngao cái đã… Em nể anh thiệt tình. Từ bây giờ không gọi anh là “thầy dòng” nữa mà phải gọi là “thầy tuồng”, mà phải là “thầy tuồng bác…bác dậc” mới đúng ! ”. Chợt nhớ là trong túi có một ngân phiếu 50 đô mới nhận được hồi chiều từ nhà bác vật NHT. ở Canada gởi giúp bạn trong cơn hoạn nạn, tôi bèn rủ C. vào quán cà phê mở 24/24. Nãy giờ không thấy bóng dáng của V. Tưởng anh chàng đã về lều ngủ nhưng khi từ sân văn phòng rẽ trái vào “đại lộ Bình minh” thì thấy V. cùng với một đám trật tự viên ngồi sẵn, chờ tụi tôi đến để đãi cà phê hai “ông thầy” dám “chơi” cảnh sát Thái lan !... Đến 3 giờ sáng cả bọn mới chia tay. Trên đường về chỗ ngủ, tôi bật cười khi lẩm nhẩm lại mấy chữ “ông bác dậc” mà ông Tư đã gọi hồi nãy. Mấy chữ xưa như trái đất này nghe buồn cười nhưng cũng hay hay khiến tôi nhớ Bác Thạc của tôi quá. Người tài hoa như Bác mà lại vắn số. Bác mất ở Paris, vào lần thứ hai Bác trở lại đây để chữa bệnh, khi tôi vừa xong Trung học. Nếu Bác còn sống, chắc giờ này Bác cũng đang ở đâu đó bên trời Tây, tôi sẽ viết thư kể cho Bác nghe chuyện vừa rồi và rất nhiều chuyện khác của những bác vật trẻ tuổi thời nay, sau cơn quốc nạn, đã sống như thế nào trong một thời đầy bất trắc và tai họa khôn lường. Vì thế, có khi bắt buộc phải đóng vai ngu ngơ hoặc giả trá để tự cứu chính mình, hoặc, nếu được, giúp cho những người đồng chung cảnh ngộ. Mỗi ngày cố làm được một việc thiện như thời đã được dạy dỗ làm một thiếu sinh gương mẫu. Chừng nào con người không còn làm khổ nhau, và trên trái đất này những kẻ gây tội ác ngập trời phải được xét xử đích đáng thì nhân loại mới bớt điêu linh.

Đêm sắp tàn. Tôi sẽ có một giấc ngủ ngắn không mộng mị để lấy sức làm việc cho một ngày thật dài, bắt đầu từ sáng mai.


VĨNH NGỘ.
Post Reply