Băng mười tên

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Băng mười tên

Post by maixuanthanh »

BĂNG MƯỜI TÊN.


Đây là chuyện của mười người. Gọi là băng nghe cho kêu thế thôi, chứ không phải băng hay đảng gì cả, đừng ngại đọc tiếp quí vị ạ ! Mười nhân vật trong câu chuyện tâm tình này chỉ được nhắc đến bằng “biệt danh” hay “hỗn danh” mà thôi, vì người kể chắc là không ai muốn bị hài tên cúng cơm ra hết. Chuyện đời xưa, trước ngày “xảy đàn tan nghé”, nhưng vẫn còn vương mắc tình cảm cho đến ngày nay, năm thứ bảy của thiên niên kỷ mới.

Mười cái tên theo thứ tự như sau : Cả Ngẩn, Hai Quắn, Ba Mộc mạc, Tư Bình vôi, Năm Thẹo, Sáu Sún, Bảy Quốc tế, Tám Tẻn, Chín Củi và Mười Phê. Mới nghe tưởng như là mười anh em nhưng không phải, chỉ là một nhóm bạn mà thôi. Nói rõ thêm, là bạn đồng liêu, cùng làm việc cho một công ty lớn của miền Nam trước ngày tai ương ập đến. Nghe mười cái tên quê mùa, chơn chất này chắc có người tưởng bở….Thôi, xin đi ngay vào “lý lịch trích ngang” của mấy anh chàng này để cho rõ nét nhân vật một tí.

Cả Ngẩn là một kỹ sư Phú Thọ, Việt Nam, trắng trẻo, đẹp trai, nói năng chừng mực, vừa phải. Về nụ cười thì anh Cả xài tiện tặn quá nên nhân viên thuộc quyền ngại chạm mặt xếp lắm ! Về niên kỷ thì Cả Ngẩn bằng tuổi với Hai Quắn, Tư Bình vôi và Năm Thẹo nhưng bởi vì Trời cho cái tướng từ đi, đứng, ngồi đều thấy đầy dáng vẻ quan trọng nên anh em nhất trí “đẩy” anh lên làm anh cả. Làm anh cả nhưng đâu có được yên thân làm kẻ bề trên vì anh được chiếu cố nhiều nhất trong những màn chọc ghẹo điên đầu. Nhiều lần tích cực phản công nhưng không xong, anh bèn chọn một giải pháp tiêu cực là “thôi, kệ tụi bay muốn nói gì thì nói, tao cứ làm ngơ”. Khổ nổi là chín lần giỡn chơi thì cũng có một lần nói thật, nhưng lần nào anh Cả cũng làm lơ không nghe (hoặc là không thèm nghe) để anh em phải nhắc lại thì mới “ Hử ! Ờ..ờ…!” trông càng thêm tức cười nên mới có tên là Cả Ngẩn (ngẩn ngơ).

Hai Quắn cũng là kỹ sư Phú Thọ, người tầm thước, mặt mũi sáng sủa, nhiều người khen hắn bảnh trai, duy chỉ có một người chê thôi. Đấy là một cô ký điệu mới là “quê” chứ ! Có lẽ sau nhiều lần ỏng ẹo, chớp đèn mà hắn cứ tỉnh bơ, cô bèn tuyên bố là : “ Anh chàng kỹ sư rỗ đó ai mà thèm !” Thực sự thì hắn chưa từng bị bệnh đậu mùa, mặt chỉ có một ít dấu vết vì nặn mụn quá mạnh tay khi xưa mà thôi ! Lỡ có một hôm, đi hớt tóc bị bác phó cạo chải, xấy thế nào mà tóc bị quăn lại. Thế là cả bọn xúm lại cười cợt và đặt cho hỗn danh là Hai Quắn. Là một cấp chỉ huy luôn luôn thông cảm, chia xẻ những nhọc nhằn và sống hòa đồng với nhân viên, thợ thuyền từ trong công tác cho đến đời sống bên ngòai nên đã có lần bị “Xếp lớn” rầy rà về lối cư xử “bình dân” này ! Nhưng có lẻ nhờ thế mà Hai Quắn đã sống sót qua nhiều họan nạn sau cuộc “đổi đời”.

Ba Mộc Mạc là kỹ sư xuất thân từ một đại học danh tiếng Úc châu. Cao lớn và đẹp trai như tài tử xi nê Boggart, rất nghệ sĩ và vui tính. Ăn nói từ tốn và nhỏ nhẹ với tất cả mọi người. Có khi rất….nhẹ, như gió thỏang, muốn hụt hơi, vì chẳng may bị chút bệnh xuyễn thôi ! Được sắp thứ ba vì đó là ngôi thứ trong gia đình riêng, còn biệt danh “mộc mạc” được anh em tặng không trong một bữa tiệc mười tên. Hôm đó, thầy Ba được “lên đối tượng” để chọc ghẹo. Thường trong những buổi họp mặt, chén chú chén anh, thói quen tật xấu của mọi thành viên được bới móc kỹ lắm. Hiền thì luôn luôn cãi thua, nên sau khi chống trả nói muốn hết ra hơi, thầy Ba bèn thì thào “ Thấy tao hiền lành, mộc mạc tụi bay làm tới phải không ? Thôi muốn nói gì thì nói đi ! ” Một sự đầu hàng êm ả và rất danh dự. Từ đó, anh có biệt danh rất dễ thương là Ba Mộc Mạc.

Tư Bình Vôi là một Ông Cử của Đại học Saigon. Tướng thư sinh nho nhã, ăn mặc xuyềnh xòang, đi đứng chậm chạp, nhẹ nhàng, ít khi nghe anh Tư nói cái gì cả. Ai nói động tới mình cũng chỉ cười trừ. Mười tên tụ họp ăn uống, rượu vào lời ra ồn ào, bát nháo, mặc cho ai nói gì cứ nói, anh chỉ gật gù và cười mỉm thôi. “Uống đi , anh Tư ”. Uống. “ Ly nữa nhe anh Tư ”. Gật đầu. Cứ thế, tới chừng anh lắc đầu thì một lúc sau là biến mất. Êm ả cũng như khi anh tới vậy thôi ! Chả bao giờ làm ai phiền hà và chắc cũng không khi nào giận ai cả. Gọi anh Tư là “bình vôi” cái miệng móm của anh nở một nụ cười thật hiền thì chắc là đúng tên rồi ! Nếu có hỏi tại sao ít nói quá mà công việc sở của anh cứ chạy êm ả, vậy anh có bí quyết gì, thì anh cũng cười mà thôi. Thủ khẩu như bình (vôi) mà !

Năm Thẹo là em út trong một gia đình có 4 chị em, chỉ có một vết thẹo nhỏ thôi mà phải mang cái tên nghe chiến quá xá ! Tốt nghiệp từ Phú Thọ, một kỹ sư thủ khoa. Tài năng của thầy Năm thi thố được nể nang qua những sáng chế mang lại lợi ích lớn cho công ty. Sống trong thời chiến thật gò bó nhiều mặt, Năm Thẹo như một kình ngư kẹt trong một dòng sông cạn, thiếu môi trường để vẫy vùng. Và rồi cũng đành thúc thủ sau cơn quốc nạn. Thế thời như thế còn biết làm sao hơn. Anh em rất ớn cái nghề chọc ghẹo “thầy chạy” của thầy Năm, những cuộc họp mặt nào mà thiếu bóng Năm Thẹo là mất đi hơn nửa phần họat náo.

Sáu Sún cũng là một kỹ sư Phú Thọ. Rất chịu khó học hỏi, không nề hà công tác nặng nhọc và luôn hòa mình với thợ thuyền. Nếu không có biến cố của thời cuộc thì Sáu Sún đã tiến xa trên đường sự nghiệp. Tính tình hiền lành dễ mến. Khuôn mặt thóang trông có vẻ khắc khổ với ánh mắt biểu lộ một nội tâm thâm trầm nhưng với nụ cười thỏai mái và rất trẻ thơ đã gây được cảm tình nơi người đối diện. Vì mất một chiếc răng cửa mà hay cười hết cỡ nên anh em đặt cho biệt danh Sáu Sún. Sau nhiều năm dài lao lý, cuộc sống đầy trôi nổi gian truân, thầy Sáu đã được đền bù với một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp và hai con trai rất khôi ngô tuấn tú. Hiền nội là nha sĩ chắc là Sáu Sún phải đổi mới biệt danh chứ nhỉ ?

Bảy Quốc tế , kỹ sư Phú Thọ, có hai cái nhất, cao nhất trong mười anh em, là một trưởng đơn vị trẻ nhất nhưng đã tạo thành tích sản xuất rất cao. Nhìn tướng tá thầy Bảy ai cũng ớn, cao lênh khênh, chân đi chữ bát lừng lững hiên ngang nhưng tính tình hiền lành, điềm đạm, nói năng từ tốn. Đó là lúc thỏai mái thôi, còn khi bị chọc ghẹo thì giọng đổi “tông”, lên cho tới…cà lăm luôn ! Biệt danh “quốc tế” đạt được ngòai sân quần vợt. Thầy Bảy có những đường banh rất quái chiêu, thay đổi bất ngờ rất khó đóan. Khi anh em thắc mắc, xì xào thì anh giải thích đấy là lối chơi của quốc tế, vì thế cái “tài nghệ” này gắn luôn với thầy Bảy từ đó.

Tám Tẻn, cũng từ lò Phú Thọ mà ra. Nhanh nhẹn, xông xáo trong mọi lãnh vực, từ công tác cho đến thể thao. Thích vui nhộn và đàn hát cho vui đời. Có lẽ vì đã học bài “đắc nhân tâm” nên thầy Tám không tiếc lời khen ngợi mọi người về mọi đề tài. Hay thì khen đã đành còn không hay gì cũng khen luôn ! Chỉ có một câu xài hòai “Trời ơi. Bảnh tẻn quá dzậy ta !” Cho nên anh em đành đáp lễ lại, gọi anh là Tám Tẻn.

Chín Củi là một ông Cử tốt nghiệp từ Đại học Đà lạt. Cao ráo đẹp trai, rất thích khi được gọi là tài tử Alan Delon.Tính tình nghệ sĩ và có một giọng ca ngọt ngào truyền cảm không thua một danh ca nào. Con người đa tài này còn là một “chân tiền” của đội túc cầu công ty. Thứ chín là sắp theo tuổi tác và hỗn danh “Củi” là một bản lãnh khác kể ra nghe mất thanh bai, thôi cho qua !

Mười Phê, em út, lại thêm một kỹ sư Phú Thọ nữa đây. Là “người Việt trầm lặng” chính cống nên ít khi phát biểu hay khiếu nại cái gì cả ! Rất hiền lành nên hợp với anh Tư thành cặp bài trùng, có điều là êm ả quá vì “hai đứa ngồi như hai hòn bi” thôi, chả anh nào nói năng chi hết ! Tuy sức vóc không khá nhưng thầy Mười cũng chịu “lăn chai” trong công tác nên thợ thuyền khóai lắm. Cũng như thầy Bảy, Mười Phê lãnh cái tước hiệu này ngòai sân bóng nỉ. Có lẻ vì không đủ công lực để quạt những đường banh sấm sét như Tám Tẻn hay Năm Thẹo, thầy Mười thường đi nhũng cú giao banh lả lướt, nhẹ nhàng và chặt vợt cho banh “ép phê”, dội theo những đường quái lạ khó đỡ. Đó là lai lịch thể thao của danh vợt Mười Phê !

Mười chàng thanh niên độc thân vui tính đã làm việc và sống gần gũi với nhau như thế trong nhiều năm dài, những năm sôi động của cuộc chiến tương tàn và cũng là những năm mở mang và phát triển kinh tế đáng lạc quan của nền kỹ nghệ non trẻ miền Nam Việt Nam. Trong một cơ sở kỹ nghệ lớn có tính cách chiến lược này, đứng đầu là hai ông Xếp, Chánh và Phó Giám đốc, rồi đến mười chàng này, vì thế nếu có ai nói là họ nắm vận mạng của công ty thì cũng không có gì quá đáng. Cũng như một trận chiến, nếu thắng, công đầu là thuộc về tướng chủ sóai, nhưng nếu không có sự điều động bản lãnh và can trường của chỉ huy các đơn vị tham chiến thì không thể chiến thắng được. Khi băng mười tên này xốc vác công việc thì năm nào sản lượng của công ty cũng cao kỷ lục, bởi vì họ không những đã được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật đầy đủ mà còn mang trong lòng một hòai bão canh tân và xây dựng một đất nước phú cường. Thế nên, kể công lao đóng góp của họ bây giờ tuy muộn màng nhưng mới hợp lẽ phải và công bình cho dù là cuộc đời thanh xuân của họ thật đẹp, thật lý tưởng, nhưng cũng đã yểu mệnh theo cùng với vận nước.

Tuy có thứ bậc, anh Cả đến chú Mười, nhưng thường thì cứ mày tao chi tớ cho rôm rả ! Không phải là thiếu sự tôn trọng lẫn nhau mà vì sự thân mật đã vượt quá thân tình và tuổi đời không hơn kém nhau nhiều. Vả lại, đã từng chia sẻ với nhau quá nhiều, gian nan trong công tác, chịu đựng trong hầm trú ẩn những lúc cao điểm của cuộc chiến hay nhà máy bị tấn công, anh tỉnh thức nằm nghe tiếng đạn nổ đầy đe dọa, nghe bạn nói trong cơn mê, giọng thảng thốt chất chứa những tâm tư thầm kín nhất; và những buổi khề khà chén chú chén anh; anh tỉnh lắng nghe chàng say thổ lộ tâm tình..…để hiểu nhau thêm. Đặc biệt là chưa hề có một sự gây gổ hay va chạm nào (việc công cũng như đời tư) xảy ra, bởi vì mười anh em đều chân tình và cởi mở đối với nhau. Trong những giờ phút trà dư tửu hậu, có gì không vừa ý thì cũng …phàn nàn đại khái “….sao kỳ vậy mậy ?!”, và quá lắm là đệm thêm vài tán thán từ bằng tiếng Đức cho hả hơi rồi quên luôn !

Tuy là cấp chỉ huy kỹ thuật nhưng tất cả hãy còn trẻ lắm, đến độ có thể làm ngạc nhiên nhiều người mới đến công ty lần đầu. Có một nhân viên tân tuyển tên V, một cựu kế tóan viên của một đồn điền cao su ở cao nguyên, hôm trình diện nhận việc, không chờ tùy phái giới thiệu, gõ cửa rồi bước vào văn phòng, thấy Hai Quắn ngồi ở bàn giấy ông ta nhìn sửng và lúng túng trong một dáng vẻ đầy ngạc nhiên. Thầy Hai tuy đã được thông báo rồi nhưng vẫn tỉnh bơ hỏi : “Ông cần gặp ai ?” “Tôi tên là NVV, mới được tuyển dụng, muốn trình diện ông xếp.” “Tôi đây. Mời ông ngồi.” Vừa ngồi xuống ghế, ông V cười bẽn lẽn, bảo : “ Trời ơi ! Xin lỗi. Ông trẻ quá, tôi không ngờ nên mới thất lễ…!”. Hỏi thăm thân thế và bàn công việc làm được một lát thì có tiếng gõ cửa và một người bước vào thật nhanh. Ông Giám đốc. Ông nhìn Hai Quắn cười nói nhanh: “ 11 giờ họp bất thường nhé !” Vừa nói xong là ông biến nhanh hơn khi bước vào. Ông V hỏi là ai và khi nghe trả lời là Giám đốc lại trợn mắt kinh ngạc một lần nữa ! Sự ngạc nhiên này chắc không kém phần lý thú. Mười “ông xếp” trẻ này ông nào củng mới…hăm…mấy mà thôi. Còn “xếp lớn”, Giám đốc và Phó, thì cũng mới …băm …chừng năm sáu nhát chứ mấy !

Tuy vậy, xếp mà trẻ quá cũng có khi bị giỡn mặt. Công ty có một đội trật tự viên, gồm tòan những thương binh được xếp lọai hai, thay vì giải ngũ thì xin ở lại quân đội, được tuyển vào làm công tác bảo vệ an ninh và được hưởng qui chế công nhân viên của công ty. Trong đội này có một trung sĩ già tên T, công tác rất chuyên cần nhưng tính tình ba gai nổi tiếng. Cổng nhà máy lúc nào cũng khép kín có vọng gác với bảo vệ mang súng, mọi người ra vào đều phải có giấy phép và ghi giờ giấc vào sổ trực. Khi đúng phiên gác, mỗi lần thấy xe của mấy xếp vào trung sĩ T cũng mở cổng rồi đứng nghiêm chào ra vẻ quân cách lắm ! Ra vẻ thôi, vì cứ nhìn nụ cười rất diễu của lão thì ai cũng thấy là thiếu nghiêm túc. Có hôm, có lẽ vì sinh nghi, Mười Phê ra cổng xem sổ trực rồi vào báo lại với Hai Quắn là Lão T ghi trong sổ “ bầy kỹ sư vào lúc 8 giờ 15.” Sau đó, thầy Hai ra khám sổ lại thì thấy dấu huyền của chữ “bầy” đã được thêm một dấu hỏi. Những tay ba trợn, ba gai thường nhanh trí nên không chờ gạn hỏi, lão đã đứng dậy giơ tay chào kính và nói : “ Vì gấp quá nên viết tháu lộn dấu thôi chứ không dám vô phép đâu ông xếp ơi !” Nhìn gương mặt nhăn nheo vì tuổi tác và đầy thẹo vết vì chiến thương của lão lòng Hai Quắn dậy lên một nỗi cảm thương vì bản thân của thầy Hai cũng đã từng khóac áo lính nên xí xóa cho xong. Thật ra, chuyện không có gì nghiêm trọng, Hai Quắn chỉ muốn xem qua cho biết đội bảo vệ làm ăn ra sao mà thôi !

Vào thời đó, chẳng cần ai hô hào lý tưởng quốc gia hay nhử mồi danh lợi mười chàng vẫn lao vào công việc với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ để hòan thành nhiệm vụ. Làm việc bất kể ngày đêm để tăng năng suất và luôn chia sẻ nhọc nhằn với nhân viên dưới quyền điều động. Nhìn thấy Sáu Sún sau những giờ lăn xả vào cùng anh em thợ kéo những đường dây cáp điện nặng nề, trở về văn phòng quần áo lem luốc, mặt mày phờ phạc, những người khách lạ không dám nghĩ anh là kỹ sư đâu. Còn Mười Phê, nhỏ con ốm yếu nhưng cũng dám chui vào gầm máy ủi để tiếp tay với thợ cơ giới xeo dây xích cho vào khớp, xong chui ra muốn té xỉu vì mệt nhưng miệng vẫn cười méo xệch thấy mà thương! Có hôm, thợ thuyền đang vất vả trục vớt một chiếc tàu chìm, Hai Quắn đã lao xuống sông, lặn xuống đáy để thăm dò cách quàng dây cáp cho hiệu quả và an tòan. Mấy anh chàng này làm như thế để làm gì ? Không phải là lập công với cấp trên đâu. Không cần thiết, vì họ là những trưởng đơn vị sản xuất hay công tác. Hay là làm gương xung phong cho thợ thuyền lao vào sự hiểm nghèo ? Trật luôn ! Họ làm thế chỉ vì muốn theo sát để thông cảm những lao nhọc và cũng để bảo đảm sự an tòan lao động cho thuộc cấp mà thôi. Tuổi trẻ trong sáng, tuổi trẻ hồn nhiên, tuổi trẻ nhiệt tình …Những đức tính này mười chàng có đủ, và lại thêm lòng nhân hậu nữa nên càng được nhân viên quí trọng hơn. Dầu vậy, khi lịch sử sang trang mới với một cuộc “đổi đời” không ai mong đợi thì bản án “tiếp tay với bọn tư bản đàn áp và bóc lột giai cấp công nhân” đã không tha cho một ai. Lý của kẻ mạnh luôn luôn đúng, huống gì là lẽ của người chiến thắng ! Đến thời của chập chùng khổ nạn .. ….”Bình an dưới thế cho người thiện tâm”….Cầu nguyện như thế để an ủi phần hồn thôi chứ Chúa hay Phật đều không cứu nổi tai kiếp cho hiền nhân dưới thế gian vào một thời mà sự công chính không còn được ai biết tới.

Tan đàn rã gánh ! Người đi kẻ ở không kịp nói lời từ giã. Người đi chưa biết sẽ về đâu. Đường vào trại cải tạo ngay trước mặt. Ra biển rộng bão táp phong ba. Còn về quê rồi sẽ ra sao ! Người ở lại muốn làm một công dân bình thường cũng không được yên thân. Chính quyền mới tập trung công nhân viên lại tuyên bố một cách hằn học là “Cách mạng đã đặt được cơ sở trong tất cả các cơ quan chính quyền ngụy, kể cả dinh tổng thống, chỉ có cái công ty này là không lọt vô được (!) Tại sao ? Bởi vì cái tổ chức tình báo Mỹ trong đó mạnh quá ! Cho nên bây giờ anh chị em công nhân là chủ của công ty phải phấn đấu tìm cho ra tên chỉ huy của tụi nó ”. Bà con “hồ hởi” vỗ tay như sấm dậy, vì cách biện luận như thế thật không còn gì “lô gích” hơn ! Sau đó, thật nhanh chóng và dễ dàng, một trong mấy anh “xếp” còn kẹt lại bị “nhân dân” phát hiện và truy tố là “chỉ huy tình báo Mỹ” còn gài lại để tiếp tục phá họai !.... Có một chuyện khác còn “lô gích” hơn nữa. Ở địa phương, công an tóm được một chú nhỏ 11 tuổi đi câu cá mà mặc áo lính với đầy đủ huy hiệu. Lôi về điều tra thì cậu bé khai rất mạch lạc và thật thà trước đây là thiếu sinh của thiếu đòan X, thuộc liên đòan Y hướng đạo VN, và liên đòan trưởng là một trong mười chàng của câu chuyện này mới thật là tới số. Lần này thì nhân dân không thể để cho lọt lưới một tên “cực kỳ nguy hiểm” được ! Xe công an chạy ào ào vào công ty dẫn chàng về nhốt. Sau nhiều cuộc chấp cung gay gắt (được gọi là “làm việc”), tuy đã giải thích tường tận nhưng “cán bộ” không chịu hiểu hướng đạo là gì và vẫn đề quyết “Anh ngoan cố không chịu nhận tội để hưởng sự khoan hồng. Cách mạng biết hết, anh chỉ huy tới 4 tiểu đòan (một ấu, hai thiếu và một tráng đòan được kê thành bốn tiểu đòan luôn cho dễ tính sổ !) quân hàm của anh ít nhất cũng phải là đại tá chứ ! Còn chạy tội đàng nào ! ” Trời ơi ! Chỉ có Ngài Powell, nếu còn sống mà biết được, nhờ Nữ hòang Anh can thiệp chưa chắc cứu nổi ! Tai kiếp nối theo khổ nạn … Chập chùng…không dứt. Con người là vốn quí thật không ? Trí thức có phải là người không, đã làm gì nên tội mà phải bị đày ải trong các trại tù khổ sai mang mỹ từ cải tạo nhiều năm dài. Lâu nhất là Cả Ngẩn 6 năm, Sáu Sún 4 năm…. Để làm gì ? Có lợi cho ai ?

Cho tới năm 1980 thì “xếp cũ” ở công ty chỉ còn ba anh em chia xẻ họan nạn, Hai Quắn, Chín Củi và Mười Phê. Sau nhiều chuyến đi thất bại, Hai Quắn tự đóng một chiếc ghe chỉ tính vượt thóat với gia đình mà thôi nên không dám thổ lộ cùng ai. Vả lại, chuyện này giữ kín được là tốt nhất. Chín Củi, sau chuyến đi thăm nuôi thân phụ đang tù cải tạo ngòai Bắc về, than rằng : “ Đi thăm ông già tốn kém quá, chắc thăm lần này rồi thôi. Đâu có dư giả gì, phải bán nhẫn cưới của bà xã mới có tiền lộ phí…Phải chi có tiền để vượt biên được, ra ngòai làm ăn gởi về giúp cho gia đình thăm nuôi chắc ông già mới sống nổi ! ” Tâm tình này đã gây cho Hai Quắn một nỗi xúc động khôn cùng. Thương hòan cảnh của bạn, Thầy Hai đã quyết định cho vợ chồng Chín Củi và đứa con trai nhỏ cùng đi mà không phải đóng góp gì cả. Đây là một nghĩa cử dành cho một người bạn chung cảnh ngộ dù phải bất chấp sự nguy hiểm cho bản thân nếu mưu tính bị lộ. Gần tới ngày đi vợ Chín Củi năn nỉ cho đi thêm ông anh mới học tập về, vợ anh đã đi rồi nên bần thần tịnh khẩu luôn. Làm sao mà từ chối đuợc nữa. Để đền bù cho phần gánh nặng thêm này, gia đình vợ Chín Củi xin đóng góp một “cây”, gọi là phụ thêm xăng dầu, thực phẩm. Đến ngày ra khơi, một người em trai của Chín Củi xuất hiện trước cửa nhà Hai Quắn, quần áo chỉnh tề, tay xách túi du lịch, nói : “Tui biết mấy anh đi hôm nay. Anh phải cho tui theo. Nếu không thì tui cứ ngồi ở đây !” Còn biết nói gì nữa !

Chuyến đi đó không thành. Lý do thì vợ chồng Chín Củi biết rõ vì cùng ẩn thân một chỗ trong bãi và đã lên thuyền ra khơi nhưng không thóat được phải quay trở lại và giải tán kịp thời, không có ai bị tóm cả ! Vì đã lộ và bị theo dõi nên không thể tập trung anh em lại được. Nhờ may mắn bất ngờ, được sự giúp đỡ của một “bến” khác, gia đình Hai Quắn vượt thóat và an tòan đến bến bờ tự do. Vài năm sau đó, Hai Quắn nhận được thư của một người em vợ, thư kể rằng cậu ấy có đến thăm Chín Củi và thất thần khi nghe vợ hắn chửi bới rất dữ dằn và hăm he là : “Hai Quắn mà về đây tui sẽ kêu công an còng đầu lại !” Có ai thông cảm được nỗi đau của người làm ơn mắc óan trong tình cảnh kẻ ở người đi này không ? Trong nhiều năm dài Hai Quắn không thóat ra được nỗi chua xót mỗi khi nhớ tới “băng mười tên” của những năm xa xưa, và buồn cho nhân tình thế thái. Dù không đi được thì vợ chồng Chín Củi cũng phải hiểu là bạn đã muốn cứu vớt mình, tuy chẳng may việc không thành mà thôi, chứ ai đâu chỉ vì xót của có một “cây” thôi mà rủa xả ác độc như vậy! Cho đến năm 2003 thì sự thắc mắc này được giải tỏa, hiểu ra lẽ thì nỗi chua xót càng ê chề thêm. Năm đó, vợ chồng Bảy Quốc tế xuất ngọai để cưới vợ cho thứ nam đang du học và gặp lại Hai Quắn. Bạn cũ tái ngộ thật vui tràn trề. Tâm sự vơi đầy, vợ chồng thầy Bảy kể cho Hai Quắn nghe là: “Mày đi rồi vợ chồng Chín Củi chửi qúa trời. Tụi nó nói mày đòi nộp chiếc nhẫn cưới để cho vượt biên mà lại gạt rồi bỏ tụi nó lại ! ” Thì ra thế. Chiếc nhẩn cưới mà Hai Quắn chưa hề nhìn thấy, nghe bạn kể là đã bán để làm lộ phí đi thăm nuôi thân phụ tù cải tạo tận ngòai Bắc, bây giờ lại trở thành “vé tàu” vượt biên. Hai Quắn đã lầm khi mở lòng ra để cứu vớt một một người bạn sau câu chuyện chiếc nhẫn cưới gây xúc động. Thật không xứng đáng để được cưu mang. Thời thế đảo điên, lòng người cũng điên đảo luôn ! Vượt biên là một chuyện gian nan gai góc với quá nhiều hệ lụy, thất bại là hết đời. Bình tâm suy xét, bạn sẽ thấy là không có ai, vào thời điểm đó, ghe cộ sẵn sàng để ra đi mà lại cho thêm ba mạng người theo với cái giá là một chiếc nhẫn! Nếu cần tiền thì Hai Quắn đã nhận thêm những tay giàu có chứ đành lòng nào gạt gẫm một thằng bạn nghèo đã một thời vui buồn, họan nạn có nhau.

Bài viết này không nhằm mục tiêu tạo thêm những tị hiềm, dù đã có những dư luận thêu dệt cho thêm lâm ly và đồn đại làm tổn hại danh dự người vắng mặt, mà chỉ muốn tâm tình để những người bạn xưa thấy được sự xảo trá của trò đời và tấm chân tình của một người luôn trân quí tình bạn với những bằng hữu đã cùng sống những năm tháng tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân đầy ắp niềm tin vào tương lai, rồi sau đó là một thời khốn khó với biết bao tai họa khó lường. Ở kiếp nhân sinh có thời lượng hữu hạn nhưng khổ nạn khôn cùng này ta nên trả công đạo về cho người thiện tâm. Nếu bạn hiểu được thật quí lắm thay. Còn như bạn chưa thông cảm mà vẫn chịu khó đọc đến những dòng chữ này thì cũng quí vậy. Nhưng không bằng cái quí kia !

NGƯỜI KỂ CHUYỆN.
Post Reply