Mỹ nhân Trung Hoa thời xưa

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
Linh Cham
Posts: 3
Joined: 19 Sep 05, Mon, 7:44 pm
Location: Sài Gòn, Việt-Nam

Mỹ nhân Trung Hoa thời xưa

Post by Linh Cham »

MỸ NHÂN TRUNG HOA THỜI XƯA (1)
(Linh-Châm Phạm Kim-Long)

Văn học và lịch sử Trung Hoa thường tán tụng bốn giai nhân tuyệt đẹp (tứ đại mỹ nhân) là Chiêu Quân, Tây Thi, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Họ tán tụng dữ quá khiến thi nhân Việt Nam xưa kia cũng đua đòi mỗi khi nói tới đàn bà đẹp thì phải là Tây Thi, hoặc Dương Quý Phi. Tục ngữ Việt có câu: “đẹp như Hằng Nga,” song tôi nghĩ chắc chỉ là một thuật ngữ “thuần Việt” vì trong sử sách của Tàu cũng có nhân vật Hằng Nga (là vợ của Hậu Nghệ) nhưng Hằng Nga này không được coi là đàn bà đẹp. Hiện nay tôi cũng không có sẵn tài liệu Hán ngữ về “tứ đại mỹ nhân,” nhưng cũng nhớ lõm bõm một số dữ liệu sau nhiều năm đã từng đọc qua. Do vậy, tôi xin phiếm luận cho vui.

1. Chiêu Quân
Chiêu Quân (trong điển tích “Chiêu Quân cống Hồ”) vốn là con gái một nông dân nghèo sinh về thời Hán suy vi vì nạn ngoại xâm: rợ Hồ xâm lấn biên cương nhiều năm trong khi vua bất tài chỉ lo hưởng lạc và bề tôi toàn loại sâu dân mọt nước. Cuối cùng vua nghe theo lời nịnh thần là đem gả Chiêu Quân cho vua Hồ để đổi lấy hòa bình cho đất nước. Trước đó vài năm, vua Hán sai thái giám đi tuyển chọn mỹ nữ để tiến cung. Bọn nhà giàu sợ con gái sống hiu quạnh trong cung nên “móc ngoặc” với bọn thái giám để con gái được rút tên ra khỏi cuộc “thi hoa hậu” thời bấy giờ. Chỉ con gái nhà nghèo là bị “dính chấu!” Nàng Chiêu Quân cũng không ngoài ngoại lệ. Họa sĩ Mao Diên Thọ (?) được vua Tàu sắc phong làm “họa sĩ ưu tú” để vẽ truyền thần lại những cung nữ tiến vua. Những hoa hậu được “trúng tuyển” bèn “móc ngoặc” với họa sĩ “hủ hóa” này bằng cách đút lót vàng bạc để họa sĩ vẽ bức chân dung của mình sao cho thật “bắt mắt.” Họa sĩ này “vì sự nghiệp đất nước” đã không từ nan. Chỉ riêng mình Chiêu Quân, vì nghĩ mình đẹp và cũng vì bị bệnh “viêm màng túi” nên không đủ phương tiện “đấm mõm” được. Họa sĩ tài hoa này, vốn là một “đỉnh cao trí tuệ” trong một đất nước tham ô nhũng loạn, không thể xơ múi gì ở Chiêu Quân nên đâm lòng thù hằn. Nhưng quả thật Chiêu Quân đẹp tuyệt trần. Hắn không thể nào vẽ Chiêu Quân xấu được vì mọi người trong cung đình đều biết rõ về sắc đẹp tuyệt trần của nàng. Cuối cùng hắn nghĩ được một tuyệt chiêu: đánh vào tính mê tín dị đoan! Hắn vẽ thêm một nốt ruồi nhỏ vào một bên khóe mắt mà Ma Y tướng số gọi là “trích lệ thương phu.” Nốt ruồi như thế này là một tướng “sát phu” nghĩa là người chồng chắc chắn sẽ sớm chết yểu. Niềm xác tín này cũng giống như một số người Việt chúng ta đã từng tin rằng “nếu ăn nằm với một phụ nữ bị đoi dù chỉ một lần tất sẽ gặp tai nạn bất đắc kỳ tử!” Khi Mao Diên Thọ đem những bức chân dung trình vua thì nhà vua “chấm” ngay Chiêu Quân. Nhưng một số thái giám đã vội khuyên can nhà vua. Vua đành phải tránh xa Chiêu Quân. Trong khi đó Mao Diên Thọ cho người sang báo với vua Hồ rằng vua Tàu có một mỹ nữ rất đẹp tên là Chiêu Quân. Quần thần khuyên nhà vua nên đưa người đẹp sang cho vua địch. Cả triều đình đều hoan hỉ trước tin này vì nghĩ “trích lệ thương phu” sẽ giết hại kẻ thù! Cuối cùng thì Mao Diên Thọ cũng trả thù được Chiêu Quân và còn được vua Hung Nô trả thù lao rất hậu!

2. Điêu Thuyền
Điêu Thuyền cũng là một mỹ nhân. Nàng vốn là con gái nuôi của Doãn đại thần thời Tam Quốc. Lịch sử kể rằng nàng vốn xuất thân là một kỹ nữ vừa đẹp và ca hát hay, sau được ông nhận làm con nuôi. Ông đã dùng mỹ nhân kế để hứa gả Điêu Thuyền cho cả hai cha con Đổng Trác và Lã Bố. Đổng Trác là thừa tướng soán thần một tay che lấp bầu trời về thời Hán, còn Lã Bố được Đổng Trác nhận làm con nuôi để hậu thuẫn thế lực hòng mưu bá đồ vương. Quả nhiên cha con nhà nó bị trúng kế và tàn sát lẫn nhau.

3. Tây Thi
Tây Thi là con gái một tiều phu và sống bằng nghề giặt lụa bên bờ sông La trên đất Việt. Sau khi bị thua trận, Việt vương Câu Tiễn bị vua Ngô Phù Sai bắt đem về nước làm tạp dịch. Câu Tiễn cùng với trung thần Phạm Lãi phải ăn gió nằm sương trên đất Ngô. Để phục thù, Câu Tiễn đã theo kế sách của Phạm Lãi bằng cách sai người đi tìm mua gái đẹp để dạy múa hát rồi đem tiến cống vua Ngô Phù Sai. Quả nhiên Phù Sai mắc mưu và thả cho Câu Tiễn về nước vì cho rằng vua Việt cam tâm phục tùng vua Ngô. Sau vài năm chấn chỉnh đất nước, Câu Tiễn đã đánh thắng và giết được kẻ thù là Phù Sai. Câu Tiễn nghĩ mình đã cướp được đất nước của kẻ địch thì làm sao lại không đoạt vợ (Tây Thi) của kẻ thù. Nhưng Phạm Lãi khuyên can vua không nên theo gương Phù Sai vì sẽ bị mất nước. Câu Tiễn nghe bùi tai nên ra lệnh tạm giam để vài ngày sau sẽ xử trảm Tây Thi đề phòng hậu hoạn. Đây chỉ là mưu kế của Phạm Lãi để vua không lưu ý tới Tây Thi vì năm xưa Phạm Lãi đã từng là người phát hiện ra người đẹp Tây Thi: trong thời gian gần nửa năm huấn luyện người đẹp về nghệ thuật ca vũ nhạc, thì Phạm Lãi và Tây Thi đã thầm yêu nhau. Ngay đêm hôm đó, Phạm Lãi đã giải tán gia nhân sau khi cho họ một số vàng bạc, rồi Phạm Lãi mua chuộc bọn lính gác để đem Tây Thi cao chạy xa bay. Sau khi biết tin, Câu Tiễn lập tức cho người đi tìm, nhưng không thấy. Truyện kể rằng Phạm Lãi đã mang Tây Thi tới vùng Tây Hồ để ẩn cư chung sống cùng người đẹp.

4. Dương Quý Phi
Dương Quý Phi vốn là con gái một nhà quyền quí về thời nhà Đường, sau đó được tuyển chọn làm vợ cho thái tử (mà tôi quên mất tên), tức là con dâu của vua Đường Minh Hoàng. Trong một lần, do tình cờ vua cha nhìn thấy con dâu tắm nên rất thích bầu vú của nàng dâu vì có màu hồng như mào gà trống, do vậy khi về cung nhà vua cứ tơ tưởng mãi người con dâu. Một thái giám biết chuyện đó bèn bày mưu để vua Đường Minh Hoàng đạt sở nguyện bằng cách tìm một con gái đẹp khác để gả cho thái tử. Vì sợ oai, vua con không dám hó hé. Thế là từ đây Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi như cá gặp nước, xoắn xuýt lấy nhau… mà lịch sử đã ghi chép nhiều giai thoại kỳ thú như: An Lộc Sơn phải lập nhiều trạm trải dài hàng ngàn cây số từ vùng trồng vải thiều ngon nổi tiếng về tới triều đình để phu trạm gồng gánh trái lệ chi về tiến cống cho người đẹp, vua nhận An Lộc Sơn làm con nuôi, Dương Quý Phi gọi An Lộc Sơn vào cung để tắm rửa cho con nuôi ngay trước mắt ông vua già, Cao lực sĩ (một sủng thần của vua) phải quỳ gối khom lưng cởi giày cho thi vương Lý Bạch viết những bài thơ ca tụng sắc đẹp của Dương Quý Phi, trong một đêm trung thu vua và Quý phi đã thề mãi mãi bên nhau bằng cách hẹn ước rằng “nguyện làm chim liền cánh và cây liền cành” (1). Nhưng khi An Lộc Sơn làm phản (chắc vì muốn lấy mẹ nuôi Dương Quý Phi?) nên đích thân Đường Minh Hoàng phải thân chinh đi dẹp giặc, nhưng quan quân không chịu tiến binh mà yêu sách vua phải giết Dương Quý Phi. Cuối cùng Đường Minh Hoàng đành phải gạt lệ ra lệnh thắt cổ người đẹp.
Tới đây, tôi chợt nhớ lại hồi nhỏ đã đọc cuốn Nợ Vu Sơn hay Lá Gió Cành Chim hoặc Nợ Bướm Hoa gì đó (hình như tác giả là bác sĩ Trương Ngọc Hơn, do nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ấn hành tại Saigon năm 1955) đã có một đoạn rất lý thú vì tác giả đã giải thích nguyên nhân của bệnh lậu và giang mai (syphillis). Truyện tiếu lâm này giải thích từ nguyên của chữ “Đường sang” (bệnh “ghẻ Tàu”). Trước khi bị bức tử, người đẹp xin nhà vua để cho được chết toàn thây, tức là không bị chém đầu. Do vậy nàng đã chọn giải pháp uống độc dược tự tử. Sau đó nhà vua ra lệnh quấn trong vải liệm và chôn sơ sài bên vệ đường để sau đó vội đi hành quân giết giặc. Khi vua vừa đi khỏi thì lập tức quân lính nghĩ rằng một người đẹp khi xưa là của riêng vua thì khi đã chết tất họ phải được hưởng lạc thú. Lập tức bọn chúng đào lên và cùng nhau hoan lạc với xác chết. Xác chết đó cứ bị đám quân lính thay phiên nhau làm… đến một thời gian nào đó thì xác chết thối rữa ra làm người lính cuối cùng bị bệnh “Đường sang” và mang về nhà truyền bệnh cho vợ và những đàn bà qua đường. Tới đây, bệnh lậu thực sự do người Tàu truyền sang nước ta!

Ghi chú
(1) Nhà thơ Bạch Cư Dị đã sáng tác bài Trường Hận Ca để nói lên nỗi u sầu và khốn khổ trong thời buổi loạn ly do vua chúa hoang dâm vô đạo khiến nước mất nhà tan làm dân chúng đói khổ triền miên. Tôi chỉ xin trích lược 4 câu thơ mà trong đó có 2 câu nói về ước nguyện của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi.

“Tại thiên nguyện tác tị dực điểu,
Tại địa nguyện vi liên lý chi.
Thiên trường địa cửu hữu thì tận,
Thử hận miên miên vô tận kỳ.”


Sau đây là bốn câu thơ dịch của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

“Xin kết nguyện chim trời liền cánh,
Xin làm cây cành nhánh liền nhau.
Thấm chi trời đất dài lâu,
Giận này dằng dặc dễ hầu có nguôi…”
Post Reply