Phù thủy chơi chử

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
Linh Cham
Posts: 3
Joined: 19 Sep 05, Mon, 7:44 pm
Location: Sài Gòn, Việt-Nam

Phù thủy chơi chử

Post by Linh Cham »

PHÙ THỦY CHƠI CHỮ
(Linh-Châm Phạm Kim-Long)

Chữ “văn” (phiên âm Quan thoại là “wén”) trong nhóm từ như: văn chương, văn học, văn sĩ, văn từ… được người Hoa và Việt dùng ám chỉ sự toàn thiện và toàn mỹ vì xưa kia, mục đích của văn chương là “văn dĩ tải đạo” (văn chương được dùng như một công cụ chuyển tải luân lý đạo đức để có thể phân biệt con người với loài cầm thú) mà Nho giáo xưa kia đã từng chủ trương. Người Anh dùng chữ “writer” bằng cách ghép động từ “to write” (viết, viết lách) và tiếp vĩ ngữ “er” để chỉ người viết văn, nhưng ý nghĩa rất chung chung không có ý xấu hay tốt. Nhưng chỉ ở người Pháp mới độc đáo: phải chăng xưa kia người Pháp đã biết được sự bất lực trong sáng tác của giới nhà văn nên họ mới đặt ra chữ “écrivain” vốn là sự ghép của 2 từ “écrire” (viết, viết lách) và “vain” (vô ích). Tóm lại “écrivain” là “viết một cách vô ích” tức văn sĩ đã không thành công trong việc diễn tả tâm tư nguyện vọng của mình hay của tha nhân vì con người là vật khó hiểu, ngay cả chính bản thân mình mà mình cũng không hiểu nổi thì còn mong gì truyền đạt tâm tư nguyện vọng cho mọi người! Phải chăng vì thế mà trong văn học đã từng xuất hiện nhiều trường phái (cổ điển, lãng mạn, siêu thực, hiện thực…), điển hình như phái Dada xưa kia đã không theo đường lối thông thường trong sáng tác nghệ thuật? Ngoài ra, “tha nhân là địa ngục” (l’enfer c’est autrui là câu nói của J.P.Sartre) đã khiến văn sĩ lúng túng trong giao tiếp với người xung quanh lại càng làm sáng tác của mình trở thành khó hiểu (điển hình như những tiểu thuyết của nhóm Nouveau Roman bên Pháp hồi thập niên 60). Nhưng dù tiểu thuyết theo bất cứ trường phái nào đi chăng nữa thì tác giả cũng vẫn mong muốn sáng tác của mình có thể tới tay độc giả với hy vọng truyền đạt một điều gì đó. Xưa kia J.P.Sartre đã nói rằng “kỹ thuật viết văn đã ẩn tàng một quan niệm siêu hình.” Điều này ám chỉ rằng bất cứ một kỹ thuật sáng tác văn nghệ nào đó (tiểu thuyết, họa phẩm, nhạc phẩm…) đều tự thân nó mang một ý nghĩa triết học.

Trong văn học Việt Nam tôi chỉ thấy có hai nhân vật xứng đáng là “phù thủy chơi chữ”: Hồ Xuân Hương và Bùi Giáng hiện nay. Nhưng ở đây tôi chỉ nói về Bùi Giáng. Ông sinh ngày 17.12.1926 và mất ngày 7.10.1998 tại Saigon vì tai biến mạch máu não. Ông viết đủ thứ: 6o đầu sách, 14 tập thơ, 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa, 10 tập thơ chưa in, một số biên khảo triết học và thi ca. Riêng trong thơ (đặc biệt là thơ lục bát), Ông đã sử dụng một kỹ thuật độc đáo bằng cách dùng từ và biểu đạt ý tưởng diệu kỳ chứ không bình dân chất phác như thơ của Nguyễn Bính. Có người đã nói rằng “Ông ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ…” Ông đã được nhiều văn gia và thi sĩ nổi tiếng (như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) của chế độ trước ca tụng. Ông quá tài ba xuất chúng nên dù tôi nói có ca tụng nữa thì cũng bằng thừa.

Tôi chỉ nói tới dịch phẩm Nhà Sư Vướng Lụy (Đoạn hồng linh nhạn ký) tức The Lone Swan, nguyên tác của Đại sư Tô Mạn Thù (Su Man Shu 1833-1918). Cuốn truyện dịch này đã được nhà xuất bản Võ Tánh in lần đầu năm 1969 tại Saigon và nay được sửa chữa và tái bản do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2002 tại Tp. HCM.

Nhà sư Tô Mạn Thù (tên thật là Tô Huyền Anh, biệt hiệu Tô Tử Cốc) có cha là người Hoa sang sinh sống bên Nhật và lấy vợ bản xứ; sau đó vợ chồng về Tàu. Nhưng ít lâu người cha chết khi đứa con mới độ năm sáu tuổi. Người mẹ để con cho bên nội nuôi rồi trở về Nhật vì hai dân tộc Hoa và Nhật về thời đó khó sống chung với nhau. Nhưng bị bên nội hắt hủi, Tô Mạn Thù xin xuất gia nương nhờ cửa Phật. Được phương trượng chùa Lôi Phong là Tuệ Long dốc lòng dạy dỗ: kinh Phật, văn học Ấn Độ, Trung Hoa và năm bảy ngôn ngữ Tây phương trong hơn mươi năm. Khi phương trượng viên tịch, Tô Mạn Thù bèn trút giũ áo tu ra ngoài sống trong cõi tục và đi vân du nhiều nơi: đã vài lần sang Nhật thăm lại mẹ ruột, du lịch sang Ấn Độ, Âu châu và Mỹ… Tại Nhật, Ngài đã từng gặp Tôn Dật Tiên, nhưng cảm thấy không thích hợp với chính trị nên bỏ đi vì cảm nhận cuộc đời của mình là hệ lụy. Trong tuổi thanh niên Ngài đã có hai mối tình: hai người con gái (một Hoa tên Tuyết Mai vốn được gia đình hai nhà hứa hôn từ thuở nhỏ và một Nhật tên Kiyoko vốn là người con gái được mẹ đã ưng ý chọn trước) vừa đẹp, thùy mị, nết na… sẵn lòng sửa túi nâng khăn, nhưng vì thấy đời là bể khổ mà chính Ngài đã chịu bao đắng cay tủi nhục trong cuộc sống nên không muốn cả hai người bạn tình kia phải khổ sở về sau, dù giáo phái Chân Tông bên Nhật cho phép nhà sư lấy vợ.

“Kế đó tôi chợt gẫm ra rằng theo phong tục Nhật Bản Chân tông, thì dù có đi tu cũng cứ lấy vợ được như thường. Một mặt tu niệm tụng kinh, một mặt ngủ chung với gái, hai sự kiện kia không có mâu thuẫn nhau trong Nhật tục Chân tông” (sách đã dẫn, trang 124).

Ít lâu sau người con gái Hoa kia tự tử vì bị cưỡng hôn với một trọc phú, còn người con gái Nhật nọ đành sống lẻ loi trọn kiếp trong khi nhà sư này còn đang trầm luân trong thảm kịch “muốn và không muốn” với hai mối tình vô vọng.
Tôi không có bản nguyên tác trong tay nên cũng không biết nguyên tác được viết bằng Anh hay Hán ngữ (The Lone Swan và Đoạn hồng linh nhạn ký). Nhưng có một điều hiển nhiên rằng trong khi dịch, Ông đã viết tuôn trào vừa Việt, Hán (chữ Nho được phiên âm theo âm Hán Việt), Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha…: khi thì bằng văn xuôi, khi thì bằng văn vần (thường là thể thơ lục bát), khi thì trích cả một câu trong ca khúc Mùa Thu Chết của Phạm Duy (Anh đã hái ngành lá cây thạch thảo, Em nhớ cho! Mùa thu đã chết rồi! trang 123), khi là một vài bài thơ của Byron (trang 51), Gerard de Nerval (trang 135), Appollinaire (trang 137), Goethe (trang 186), Heinrich Heine (trang 189), Emily Bronte (trang 201), Beaudelaire (trang 203), Virgil (trang 220)… Sau đây là một thí dụ minh chứng cách phiên dịch của Ông.

“… Thử thời đồng lai chư tăng, hàm hãi dị, dĩ bỉ bối vị thường tri dư thân thế; bỉ ý vị dư nhứt nhân kiến chiêu, tức hữu thù vinh cực sủng…

Lúc bấy giờ chư tăng vốn cùng đồng đi trong cuộc lễ, thảy thảy đều lấy làm kinh hãi kỳ dị, ấy bởi vì họ vốn không rõ thân thế quá khứ tôi, thấy tôi bỗng nhiên được mời đi ăn cơm như thế, thì trong ý họ tưởng rằng đó là một vinh dự đặc biệt của kẻ được chuộng đãi tài năng. Nhưng chư tăng kia mặc dù vào cửa Phật, mà tâm hồn tình tự thì lại rạo rực xu hướng hết về phía vinh hạnh phồn hoa! Thế mới nên ra như thế vậy.

(All the other monks who had come with me were startled by this statement because they did not know my past. They must have thought to themselves that it was a marked honor and great favour for me to be invited alone in this fashion. Although these men were in monkhood, their natures were still eager for mundane glory. That is why they acted thus…” (sách đã dẫn, trang 233)

Sau đây tôi xin nêu ra một vài phong cách độc đáo:

1. Đem tên một vài ca sĩ và tài tử vào trong bản dịch
Tên của một số danh ca như Thanh Thúy và Tuyết Mai, tên “cải lương chi bảo” Thanh Nga, tên tài tử Thẩm Thúy Hằng và diễn viên thoại kịch Kim Cương… được lồng vào câu văn rất ý nhị và thâm thúy. Điển hình như:

“Trừ em Tuyết Mai ra, thì còn cái chi đáng kể nữa đối với tôi?” (sách đã dẫn, trang 43).

“Tôi lim dim con mắt, lặng lẽ suy đoán cái giọng nói kia xem đó là ai mà thanh âm uyển chuyển tròn xoe ra như thế. Đó là em Hoàng? Em Lục? Em Xích Bích? Em Thanh Nga? Em Cấm Nguyệt? Em Thiền Vu? Hay là em Thâm U Chi Xứ?” (sách đã dẫn, trang 229).

Tên những nhân vật này đôi khi không còn là nhân danh (công năng trong văn pháp là chủ từ và túc từ) mà đã biến thành tính tự, trạng tự…

“Trong lòng chợt tủng nhiên sực nhớ ra rằng mùa thu thanh thúy đã hầu tàn” (sách dã dẫn, trang 89).

“Ôi em Kim Cương ngàn thu một thuở, Nương Tử rất mực vô ngần Nam Diện cành Nam màu lan sơn thủy sơ khai tại sơ đầu cổ độ, cổ mở ra hoa đà đún đẩy, sơ hở một đôi phen lăng tằng phôi dựng rất mực, một ù lỳ, hai sàm sỡ, ba bốn dục trích sàm diên bên phi tuyền xuất sơn vẫn muôn vàn thanh thúy thẩm thúy hằng miền cõi một Đa Mang” (sách đã dẫn, trang 94).

2. Phong cách dịch cách rất tếu

Người ta nói dịch là phản dịch, tức là không thể diễn tả hết được ý từ nguyên tác, do vậy, trong khi dịch thuật, Ông đã phải sử dụng đủ mọi ngôn từ và nhiều ngôn ngữ khác nhau (khiến độc giả có cảm tưởng như đang đọc cuốn Ulyss của James Joyce viết bằng Anh ngữ nhưng xen kẽ 17 ngôn ngữ khác nhau). Do vậy, trong bản phiên dịch này thường nhiều khi rất dài dòng để mong có thể lột được hết ý nghĩa trong nguyên tác.

“… Thì từ đó cái cô nương ôi, cái nương tử ôi, cái nuồng ấy ôi, dẫu ôi rằng là Kim Cuôông, hoặc rằng là Kiêêêm Cuốốống, hoặc Cuốốống Cuồồồng chàng Kim, thì chung quy cũng chỉ một Nuồồồng là Thúy nọ vốn có phen từng đã ở truồng mà tắm hoa thang lan rũ bức giữa một mùa hè rực rỡ lập lòe lửa lựu ở đầu tường chính trong cái giờ vô hạn sát na mà tại Âu Châu Zarathustra đã một phen đi về giữa một vùng Gái Tơ Sa Mạc và luống đã là also sprach… Vậy chăng ru?” (sách đã dẫn, trang 110)

“Kính thưa cô nương. Tại hạ đồng ý là: tiếng cô nương nghe ra không có vẻ thân mật. Nhưng còn tiếng ‘cô nuồng’ thì quả thật là thân thiết bịch bồ,” (sách đã dẫn, trang 144).
“Như rằng uồng uồng chuồn chuồn thèm thuồng và ở truồng vân vân” (sách đã dẫn, trang 144).

3. Chơi chữ rất siêu thoát

Tôi không dùng chữ “độc đáo” hay “thần tình” mà tôi lại dùng chữ “siêu thoát” để nhấn mạnh tới kỹ thuật dùng chữ đạt tới mức thượng thừa, nghĩa là độc nhất vô nhị. Trong bản dịch này có rất nhiều những chữ “liên tồn” và “tồn liên” mà đều không có trong tất cả những tự điển Việt Hán và Hán Hán, do vậy, Độc giả, khi đọc tới một trong hai từ ngữ đặc biệt này đành cố sức mà hiểu, nghĩa là phải “tâm hiểu” vậy thôi.

3.1. Liên (chữ Hán được phiên âm Quan thoại là: “lian, lián”) có 2 nghĩa là “liên kết” (như trong chữ liên bang, liên hiệp, liên kết) và “gắn bó, nối liền” (như trong liên đới, liên hoàn, liên từ, liên thanh).

3.2. Tồn (chữ Hán được phiên âm Quan thoại là “cún”) có 2 nghĩa là: “còn” (như trong chữ tồn tại) và “tích trữ” (như trong chữ tồn hóa tức hàng hóa tích trữ).

Gần như cứ vài trang lại xuất hiện một cặp chữ ”liên tồn” hay “tồn liên.”

Có lẽ đây là cách “nói lái” của người Việt chúng ta mà xưa kia bà Hồ Xuân Hương đã dùng trong những bài thơ tài tình của mình, thí dụ: “Thú vui quên cả niềm lo cũ, Kìa cái diều ai nó lộn lèo.” (bài thơ Quán Khánh), “Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo.” (bài thơ Kiếp tu hành)… Xưa kia Trạng Quỳnh cũng đã từng sử dụng, nhưng chỉ ở cấp độ thấp, tức là “nôm na là cha mách qué,” thí dụ như khi gặp Bà Chúa kênh kiệu thì Trạng Quỳnh liền chạy ra bờ ao nghịch ngợm giữa buổi trưa hè nắng chang chang để có thể đối đáp lại bằng câu: “Trời nắng cực nên phải ra ao đá bèo.”

Có thể là hai cặp từ “tồn liên” hoặc “liên tồn” khi đảo lại thành chữ “lồn tiên” tức tên một loài hến hay trai có những sợi lông tơ đen xồm xoàm ở ngoài hai mảnh vỏ mà dân nhậu nhẹt rất thích ăn vì thịt ngon, mềm và thơm hơn chem chép. Họ giải thích rằng cứ mỗi khi nhìn thấy con “lồn tiên” này thì lại liên tưởng đến “cái đó” nên lại càng tăng thêm khẩu vị!
Sau đây là một vài trích dẫn:

“Con xin trút giũ thảy thảy hết trở lại cho Như Lai, để suốt một bình sinh đi theo dấu chân liên tồn của Tuyết Mai tiên nữ.” (trang 39)

“Cha Tuyết Mai đã cùng nghĩa phụ tôi hứa gả Tuyết Mai cho tôi, từ cái thuở nàng còn liên tồn bé bỏng (sau này mới chậm rãi lớn rộng dần ra). (trang 40)

“Cả tua mệnh vận há là
Liên tồn chịu trận năm qua năm về.” (bài thơ Tù Nhân, trang 196)

“Niềm vui hứng? Nỗi tần ngần
Liên tồn chết lịm tiên lần tồn lo.” (bài thơ Tù Nhân, trang 197)

“Tiền bạc liên tồn được sử dụng làm miếng ăn thức mặc, và Phật giáo trở thành một món đồ có thể đem bán mua.” (trang 224)

4. Chất thơ trong tản văn

Ngay trong bản phiên dịch này cũng đã sẵn âm điệu du dương như trong thi ca, đôi khi là những câu thơ lục bát. Điển hình như:

“Bé ôi ôi! Cũng thể mà ra thể lệ rồi. Cung bậc trầm luân thu Xích Bích. Linh hồn Tào Tháo mím hai môi! Bé ôi! Mạch thị ra đời. Mịch thiên nhiên bạc mạt đời kiếp than. Ta về giũ áo quan san. Mùi hương đất trích cung đàn nhật tâu.” (trang 230)

Tóm lại, khi đọc bản dịch Nhà Sư Vướng Lụy, Quý Bạn cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần không cần đọc hết cho xong mà chỉ cần lần đầu cố đọc cho hết, rồi lần thứ nhì mới nhởn nhơ đọc vài trang, rồi gấp sách lại. Khi nào rảnh lại lấy ra đọc, cũng không nhất thiết phải đọc những trang kế tiếp. Điều này có nghĩa là khi mở sách ra ở trang nào thì đọc trang đó. Lúc đó Bạn mới cảm nhận được niềm thích thú. Bạn sẽ cảm thấy lâng lâng, khoan khoái.. như khi đọc một vài thơ của Hồ Xuân Hương, hoặc như khi đọc cuốn The Sound and the Fury của Williams Faulkner, hoặc như khi đọc truyện tình cảm Grazilella của Lamartine, hoặc như khi đọc lại vài bài thơ Đường luật của Lý Bạch, Thôi Hộ, Đỗ Phủ…, hoặc như khi ngâm nga vài bài hát nói của Cao Bá Quát khi xưa, hoặc gần đây như vài bài thơ của Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng và Thanh Tâm Tuyền…

Trong khi đọc những đoạn văn trác tuyệt này, Quý Bạn sẽ có cảm giác lâng lâng như đang quay về quá khứ của tuổi thơ xa xưa, hoặc nói theo cách của Marcel Proust tức là “à la recherche du temps perdu!” (đi tìm lại quá khứ đã mất).

P. Kim Long
Saigon 2004
Post Reply