Mê Tín Dị Đoan

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Mê Tín Dị Đoan

Post by uncle_vinh »

Hệ lụy của nạn mê tín dị đoan

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-03-16

Nạn mê tín dị đoan ngày nay đã len vào mọi ngóc ngách xã hội, kể cả những cơ quan nhà nước, nơi lẽ ra phải làm gương cho người dân trước các hủ tục mà hàng trăm năm nay Việt Nam đang cố gắng tẩy xóa.

Image
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Hàng năm, gần đến kỳ thi đại học thì sinh viên và gia đình của họ lại đến chùa để cầu may mắn

Từ rất lâu đời

Hủ tục mê tín dị đoan xuất hiện từ bao giờ không ai có thể xác quyết được, thế nhưng những nỗ lực chống lại nó đã được rất nhiều chính phủ thực hiện, tương đương với chống đói nghèo lạc hậu.

Từ thời Pháp thuộc, báo chí việt ngữ không ngớt lên tiếng đả phá thói mê tín dị đoan bằng khá nhiều bài viết của các nhà văn, nhà báo. Xã hội cũng đồng tình tuyên chiến với mê tín dị đoan, góp sức cùng chính quyền trong việc vạch trần những mánh lới của các nhà bói toán hay chiêm tinh gia lừa đảo.

Thế giới tuy bước sang thiên niên kỷ mới với những lời đồn đoán tận thế vào năm 2000, nhưng con người vẫn điềm nhiên sống qua 10 năm đầu tiên với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc.

Niềm tin vào các nhà tiên tri tuy chỉ ảnh hưởng đến một giới nào đó rất nhỏ bé, thế nhưng số còn lại, với tính chất yếu đuối muôn thuở, con người không thể ngày một ngày hai tự vươn lên trong đời sống quá nhiều thử thách.

Nếu thiên tai, dịch họa là những nguyên nhân kéo người ta tới gần thượng đế thì lòng tham muốn giàu có lại lôi con người vào những cúng tế đầy mê tín dị đoan. Trong những xã hội mà con người chưa được tôn trọng đúng mức do pháp luật lỏng lẻo thì điều này lại xảy ra thường xuyên hơn.

Bên cạnh tính chất dã sử của những nhân vật được đồng bóng hóa trong các đền đài miếu mạo, nhiều người không ngại ngần gì khi lợi dụng nó để cầu xin cho những ước muốn không chính đáng, nếu không muốn nói là tham lam.

Đền Bà Chúa Kho là một thí dụ.

Image
Sinh viên và gia đình đi chùa cầu may mắn cho kỳ thi đại học vào tháng 6/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán tòa án nhân dân tối cao kể lại những điều ông từng chứng kiến rằng, trong những ngày tết có những ngân hàng, công ty mang đồ tới đền cúng rồi vay tiền với lời hứa là sẽ trả lãi gấp bội vào sang năm.

Theo LS Trần Lâm thì việc này không phải chỉ xảy ra vào ngày hôm nay mà đã hàng chục năm qua rồi.

Vẫn tồn tại và phát triển

Đối với nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người có bài viết nói lên những bất cập của tệ nạn cúng bái trong các ngày lễ hội thì sự chiều chuộng tâm lý đám đông chính là nguyên nhân gần nhất khiến lễ hội nào cũng không thiếu việc cúng bái, cầu xin.

Ông Ân nói rằng các tổ chức lễ hội có tâm lý phỉnh nịnh sự mê tín của người đi hội. Bởi vì có mê tín dị đoan thì lễ hội mới có khách. Ông cũng chú ý tới tâm lý cầu tài cầu lộc trong công sở mà theo ông miêu tả thì không khác gì các bàn thờ tại gia đình. Tuy nhiên mục đích lại hoàn toàn khác nhau.

LS Trần Lâm xác định những nhận xét của ông Lại Nguyên Ân qua những ghi nhận mà nhiều năm qua đã thường xuyên xảy ra tại các công sở. Ông nói rằng trong cơ quan có rất nhiều bàn thờ, không hiểu thờ ai nhưng nhiều người gọi là thần tài, tức là một bát hương cầu cho cơ quan có tài lộc.

Ông Lâm không thể giải thích nổi tại sao những người cộng sản vốn dĩ là vô thần nay lại trở nên tin tưởng vào một thế lực vô hình như vậy, và ông kết luận, tất cả chỉ vì tiền, vì lòng tham và mọi lý tưởng đều trở thành phù phiếm.

Nhìn lại những hiện tượng đã và đang xảy ra tại Việt Nam, dư luận thường đưa ra các nhận xét nghiêng về sự mất lòng tin của xã hội trước các vấn đề chưa được chính phủ giải quyết rốt ráo.

Ngay tại các công sở, nơi được xem là cửa công, nếu còn đặt bàn thờ Thần Tài bên cạnh bức ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì không những sự tôn nghiêm của lãnh tụ bị xem thường mà tính chất nghiêm trang của công quyền sẽ trở nên hài hước.
Post Reply