Tôi gánh ở trong tim này...

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1824
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Tôi gánh ở trong tim này...

Post by uncle_vinh »

Tôi gánh ở trong tim này... (1)

Trần Khải Thanh Thủy
(danchimviet online)

1. Tính đến giờ phút này tôi đã chính thức rời khỏi "hang đá" 9 ngày (26-11 âm) tức 22 -12 -2008. 9 ngày qua quả thực là một sự thăng hoa sau bao nhiêu khổ đau, bất hạnh. Thành thực được sinh ra làm người, tôi không hiểu sao kiếp người ở Việt Nam lại khổ ải, nhọc nhằn đến thế? Từ bé, tôi đã nghe bà nội bảo: "Đời là bể khổ, là kiếp nạn", song khổ như tôi và bao nhiêu triệu người Việt Nam giữa thế kỷ 21 thì quả là không sao hình dung nổi? Nỗi khổ làm tôi bao nhiêu lần ước mình...hoá đá, bởi những đớn đau luôn vượt quá sự chịu đựng của thân kiếp con người.

5 tuổi anh tôi mất, 7 tuổi bà ngoại mất, 17 tuổi đến lượt bà nội, rồi 25 tuổi đầu, vừa chân ướt chân ráo ra khỏi trường đại học sư phạm, chưa kịp làm gì để báo hiếu, đã thể nghiệm nỗi đau chôn bố. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đến 27 tuổi, lại phải chôn em...Cả nhà có 6 người thì ba thuộc về cõi âm, và 3 thuộc về dương thế. Những cái chết thật là phi lý. Anh tôi chết vì phải xa mẹ, xa em theo bố đi sơ tán tận trường đại học Hàng Hải (Hải Phòng) trong thời kỳ giặc giã chiến tranh -1967, khi vừa sang tuổi thứ 9. Một cỗ quan tài bé xíu, bị vùi lấp trong sân trường tiểu học của làng nơi trường đại học sơ tán, mà 36 năm sau gia đình tôi mới tìm lại được. Tôi đã khóc như mưa, như gió khi ngồi trước nấm mộ anh, mà không sao lý giải được sự khổ đau, bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống gia đình mình. Em tôi - một chàng trai 26 tuổi đẹp trai, dữ dằn, chết ngay sau khi gia nhập quân đội 4 năm, 7 tháng; bị kỷ luật, tước quân tịch vì không chịu tuân lệnh cấp trên, thực chất là không chịu...ăn cắp. Giữa thập kỷ 80, nhà tù hoả lò chứa chật ních tù thường phạm, thụ án không quá 3 năm vì tội ăn cắp vặt (mũ cối, đồng hồ, xe đạp, ví tiền, đôi dép, tem phiếu v.v) thì trong quân đội, các chiến sĩ quân đội nhăn răng Việt Nam cũng được lãnh đạo đơn vị huấn luyện cho ăn cắp...dưới danh từ mỹ miều là làm làm kinh tế, lấy tiền nộp lãnh đạo. Sáng sáng được phát 2 bò gạo tiêu chuẩn rồi đi lang thang gõ cửa nhà dân để xin tre, pheo cho đơn vị dựng lán trại, hoặc bán lấy tiền gây quỹ. Xin mỏi mồm chẳng được, cuối cùng túng thì phải tính, trong khi 4, 5 thằng mò vào nhà dân, giở trò lừa gạt "bố bố con con" thì một thằng xuống bếp vác dao rựa ra bụi tre của bố, chọn cây to nhất để chặt trộm rồi tất cả lặng lẽ rút lui, mặc bố khi phát hiện ra...chết lịm, đứng như bóng dừa, tóc dài bay trên...trán hói(!) tha hồ chửi, thì nó im lặng theo dõi, im lặng đứng ngoài cuộc, sau khi đã can gián các chiến sĩ trong tiểu đội năm lần, bảy lượt không được. Thà về viết bản kiểm điểm vì không hoàn thành nhiệm vụ chứ không thể để lương tâm không cắn dứt, để bị bà con dân làng gộp tất cả lực lượng chủ lực của nước nhà vào thành câu chửi: "Bộ đội mà lừa đảo, ăn cướp thế à? Tưởng bộ đội với dân như cá với nước, hoá ra lại thành cá với thớt à?".

Bao nhiêu lần đơn vị tăng gia sản xuất, lợi dụng lúc trời còn nhá nhem tối, lãnh đạo sai cả đại đội mò vào bãi để phân của hợp tác xã xúc trộm gánh lớn gánh nhỏ bón cho ruộng của tiểu đội mình, nó cũng...lặng lẽ đứng nhìn, vì không đan tâm sống dựa trên nỗi khổ, nỗi mất mát thua thiệt của chính những người mình từng mang ơn...Lại càng không thể ngửa tay xin mẹ những đồng tiền còm cõi để nộp cho đơn vị, mỗi lần về phép, dưới dạng cuốc, xẻng, ấm chén (dù chỉ là 5, 7 chiếc, hoặc vài ba bộ). Thế là bị chỉ trích, mắng mỏ, bị viết kiểm điểm, bị nhận kỷ luật hết lần này rồi lần khác. Con giun xéo mãi cũng phải quằn, huống hồ con người. Biết mình có chữ, nó cãi lý rồi bị đánh, bị dìm xuống nước, khiến con người đạo đức nổi loạn, phải uất ức đánh trả ngay chính cái gọi là...đội trưởng, cấp trên, lãnh đạo của mình. Bị đuổi khỏi đơn vị, sau 4 năm 7 tháng cống hiến...không hộ khẩu, không tem phiếu, không tương lai, không tình cảm vì bị người yêu lừa dối, cướp hết tất cả những gì thiêng liêng trân quý nhất từ những món quà tặng đầy ý nghĩa, đến tình cảm sâu nặng, đành chấp nhận...bỏ cuộc và treo cổ tự tử giữa nhà khi tuổi đời chưa tròn 26, hừng hực sức trai và bao mơ ước không thành. Sinh 1962 - tuổi dần, đa mưu túc trí, nó có thể làm được biết bao nhiêu việc tốt đẹp cho mình, cho đời nếu được gieo cấy vào môi trường tốt. Tiếc rằng đôi bàn tay tài hoa và cái đầu đa mưu của nó, vừa giỏi mộc, yêu thích văn thơ, vẽ đẹp, nét vẽ tài hoa, sống động, ai trông cũng thích, ai nhìn cũng ưa, ai nghe kể chuyện - dù chỉ một lần cũng tin cậy, yêu mến...đã lặng lẽ tan rữa hết trong chính cái quyết định của những kẻ đồi bại, vô học, chuyên chính vô sản ở cuộc đời, khiến bao nhiêu lòng ái mộ của bạn bè, người thân biến thành sự ái...ngại suốt những năm sau đó.

Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe ai nhắc đến tên Trần Khải Ca - nhà đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc, tôi lại giật mình đau đớn, vì đó chính là đầy đủ họ và tên của đứa em cùng nguồn cội với mình. Nếu nó cũng như tôi, biết vượt lên trên định mệnh thì cái mà ông đạo diễn Trần Khải Ca làm được, chắc gì nó không làm được? Một điều đau xót nữa mà chỉ một mình tôi biết, một mình tôi hay, đó là chính nó đã đi thay số phận tôi, nếu không vì cái chết của nó và của anh trai trước đó, chắc chắn tôi đã không tồn tại lâu dài ở cõi đời trần tục, ô trọc này làm gì. Tôi vốn không mưu cầu gì cho riêng mình cả, chỉ vì chứng kiến cảnh nhà rộng tênh hoang vắng, mẹ già ngã quỵ trước cái chết đường đột của em - bị ám ảnh suốt đời bởi sợi dây treo cổ giữa nhà, đến mức bấn loạn tâm thần, mà phải chấp nhận ở lại để vực sự sống và tương lai cho gia đình mình dậy. Vốn mơ mộng lãng mạn từ nhỏ, tôi không sao chấp nhận nổi sự thực nghiệt ngã khi những lớp men hạnh phúc mỏng manh của mình cứ liên tục bị những viên đá thực tế ném xuống làm rạn nỡ, nứt toác, khiến trái tim nhỏ nhoi, yếu đuối của tôi thường xuyên bị rỉ máu...Hồi đó tôi quan niệm, chết nghĩa là hết, là một giấc ngủ dài, không đau đớn, không mộng mị, hơn nữa cái chết trẻ còn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào, một ngôi mộ đắp đầy những vòng hoa trắng, những giọt nước mắt tiếc thương chân thành của người đời...Trang thơ của tôi khi ấy tràn ngập những dòng chữ gợi nhớ về cái chết trẻ, chết đẹp: Từ "Đêm định mệnh", "Thần chết", "Bóng đêm"; "Cho tôi về","Lời người dưới mộ"...Bằng trí tưởng tượng tuôn trào phong phú, tôi tự ngắm cái chết của mình và tả lại vô cùng sinh động, khiến ai đọc cũng phải rùng mình lo sợ...


Lời người dưới mộ

Tôi nằm lại đây chốn nghĩa trang
Trạm cuối cùng cuộc đời bao số kiếp
Đất phủ kín mình tôi giá lạnh
Khói nhang thơm mách nẻo đi về

Quà chia tay bạn hữu tặng trao
Nhị rữa nát hám hôi mùi nghĩa địa
Gió cứ thổi vật vờ khoang đất trống
Quạ tru rên từ khoang đất không người

Cỏ đã xanh rờn chân, tóc, tai
Hồn tôi thoát tục để băng ngàn
Lang thang rừng thẳm muôn nơi ngắm
Cõi trần ai người sống đoạ đầy

Thôi hãy xanh cùng với đất đai
Tạo hoá anh minh đã mỉm cười
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1824
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tôi gánh ở trong tim này...

Post by uncle_vinh »

2. Cái chết của cậu em đã mở mắt cho tôi nhìn sâu hơn vào nỗi khổ đau của mẹ, của kiếp người, khiến tôi bừng ngộ...Tôi hiểu, em tôi đã là vật thế mạng của tôi rồi, tôi không có quyền đầu hàng số phận như nó nữa, không có quyền cướp công nuôi dưỡng sinh thành của mẹ, vì như vậy là quá tàn nhẫn với người mẹ của mình. Với phụ nữ, hạnh phúc đích thực là những đứa con, cả cuộc đời mẹ có 3 nạng chống, thì anh tôi mất rồi, mẹ tôi phải đẻ thêm một người con nữa, nay em tôi lại bỏ đi, mẹ làm sao trụ nổi nếu tôi và đứa em còn lại (kém tôi 9 tuổi) không tự nguyện đứng ra làm nạng chống tinh thần cho mẹ trong suốt quãng đời nhọc nhằn, khổ ải, vui ít buồn nhiều này? Cả chồng và hai đứa con trong số 4 đứa con của mẹ đã hoá thân thành cây cỏ, nay tôi lại...bỏ đi, để mẹ hoá đá giữa đời sao? Chính vì thế trong thời gian ngắn ngủi này, tôi hoàn toàn thay đổi quan niệm.

Chết nghĩa là vĩnh viễn
Chấm dứt muôn đời sau
Làm người ta đã nguyện
Vượt lên mọi khổ đau

Khi đã tự trang bị được ý nghĩa cuộc sống cho mình rồi, tôi quyết không cúi đầu tuân phục, mà phải sống bằng tất cả nội lực, tâm huyết của mình để khẳng định, để cống hiến, để toả sáng, để sống thay cho cả phần đời của người anh xấu số và cậu em tài hoa, bạc mệnh của mình:

Ta không thể lặng im
Vào hư vô bế tắc
Sống là phải dốc sức
Làm sáng lên cuộc đời

Trước đó (5-6-1985) bố tôi chết vì suy dinh dưỡng, hưởng dương ở tuổi 65. Vốn là con của một ông thông ông phán, chuyên làm nhiệm vụ phiên dịch cho Pháp, lương mỗi tháng tương đương 5 cây vàng...Nhà ngang dãy dọc, con sen thằng ở, vú nuôi đàng hoàng, cách mạng đến thành anh bộ đội cụ hồ...Cả cuộc đời trẻ trai say trí lớn, đến khi giật mình ngoảnh lại tóc điểm sương, mới phát hiện ra mình sinh ra không phải để theo con đường binh nghiệp, mà là nghiên cứu khoa học. 39 tuổi lấy vợ, cũng là 39 tuổi nằng nặc xin ra khỏi quân đội, thành cán bộ, kỹ sư của cục quân giới, bộ công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, và cuối cùng là cán bộ trường đại học hàng hải, rồi không thể thích nghi với lề lối làm việc của những kẻ bất tài, vô dụng, ngồi trên đầu, trên cổ mình, buộc phải xin nghỉ hưu non giữa chừng, khi tuổi đời mới tròm trèm 49. Suốt cuộc đời - 65 năm làm người, thì trừ 25 năm đầu sống trong nhung lụa, 45 năm còn lại, chết trong mòn mỏi kiệt quệ...Không phải chịu thua số phận ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp như đứa em đẹp trai bạo liệt mà xấu số của tôi, mà chịu thua khi sự nghiệp vẫn còn dang dở, và bản thân đang ở độ tuổi chín của trí tuệ và tư duy. Vốn đầy mình sách vở cộng với khả năng đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm, ông là người đầu tiên phát minh ra luật đường biển, viết giáo trình về luật đường biển cho học sinh của trường học, sau đó được bác tôi - cũng là giáo viên của trường đại học Hàng Hải hoàn thiện và nâng cao...vậy mà không một lần được tắm gội trong vinh quang. Chết đi chỉ có hai bàn tay trắng, 24 năm phục vụ trong guồng máy nhà nước, hết binh nghiệp lại giảng dạy mà không có nổi căn nhà để ở, đã thế còn phải thế chấp căn hộ 26,5 m2 mặt đường tại số nhà 53 phố hàng Bông để lấy căn hộ tập thể 10,5 m2 trong khu tập thể của viện thiết kế bộ thuỷ lợi nơi mẹ tôi làm, để hoà đồng với quần chúng, để con thơ được gửi trẻ trong nhà trẻ của bộ, để không phải bế đi quá xa, trong điều kiện non nớt, trứng nước, mắc chứng bệnh sưng phổi, thấp khớp v.v.

Vật có giá nhất đối với ông khi ấy là những tấm huân chương (nếu bây giờ đem đổi cũng được hai triệu đồng tiền thưởng) và lô lốc giấy khen, riêng tấm thẻ đảng viên với bề dày 38 năm tuổi đảng thì nằng nặc trả lại, xin ra khỏi đảng...dù bị bạn bè gia đình kịch liệt phản đối.

Sau khi cùng gia đình chôn cất bố, tôi ngồi ngẫm ngợi về cuộc đời ông, cuộc đời của những con người bị đảng lừa cho trắng mắt...những vần thơ của tuổi 25 tuôn trào trên đầu ngòi bút, mà già nua như bà lão 60...

Ôi khuôn mẫu mô hình lý tưởng
Hiện thực đây: Trại lính giam cầm
Bao tư tưởng dân lành trói nghẹt
Triệu cái tôi cho một cái chúng ta

Đất nước này liệu có đáng ngợi ca?
Bao vô lý tạo cuộc đời đang sống
Giống đứa trẻ lộn ngược đầu trồng chuối
Xã hội này cũng thế, không hơn

Ngoe nguẩy trên đầu là một lũ con buôn
Cậy chỉ, cậy cây, đa ngôn phè phỡn
Trí thức nghèo, đồng lương khốn đốn
Lặn ngụp, ngóp ngoi...tít tắp đáy tận cùng

Cuộc đời này liệu còn nữa tình thương?
Sự hiền lành không cần cho đời nữa
Có văn hoá, sẽ trở thành kẻ yếu
Triết lý ư ? Vô văn hoá không đùa

Ngẫm đời nay càng thấm mãi chuyện xưa
Ác thắng thiện đã trở thành bi kịch
Quyền cởi trói văn học ơi hư ảo
Bão động đầy trời, thơ mãi chẳng...rung rinh

Nhầm lẫn rồi hỡi bác kính yêu
Chủ nghĩa xã hội đang trên đường tắt lụi
Giữa đất nước của Lê Nin vĩ đại
Cách mạng Nga làm lịch sử thụt lùi

Thế kỷ nghèo sinh sản bác vĩ nhân
Bầy con cháu gắng gánh tròn hậu quả
(Là ngư dân bác chỉ lo được thế
Đất nước đói nghèo nhờ...di chúc thiêng liêng)

Xã hội này nặn tạo những quái thai
Bần cùng hoá nông thôn, đô thành nông thôn hoá
Những kẻ nghèo, hèn, đói cơm, rách áo
Tri thức mù lãnh đạo công nông

Suốt đời ông đã lầm lẫn mẹ ơi
Nghe đảng gọi, cầm vàng theo kháng chiến
Ngày cải cách: gông cùm, uất hận
Rạch ruột mình bằng...mắt kính bẻ đôi

Sao lời ông chẳng vọng đến ngàn năm?
Cha gian khổ trải đời theo kháng chiến
Vết thương nhức mỗi khi chiều trở gió
Cuối cuộc đời - bàn tay trắng trinh nguyên

Từ gĩa đời...vật trang trí cỏ xanh
Dâng hào phóng quanh nghĩa trang thành phố
Đời con nghèo lẽ nào tại số?
Đảng làm chủ cuộc đời, định đoạt số phận con

Đảng độc tài lại càng vĩ đại hơn
Ngày bác mất đảng trở thành...vợ goá(!)
60 triệu con côi chìm trong tăm tối
Trọn một lòng son, dâng đảng đời đời

Ba bố dượng Đồng, Chinh, Lê Duẩn
Chẳng làm cha mà chỉ thích làm chồng
Bác Linh ơi quả điều vô nghĩa quá
Chúng con đói nghèo, mẹ đảng đã già nua

Hãy để con định đoạt lấy đời con
Tự cứu mình trước khi trời cứu
Xin giải thoát khỏi mẹ già độc đoán
Con muốn bay lên bằng đôi cánh của mình

Ôi lòng tham mẹ đảng kiệt cùng
Và bố đảng gian manh như loài sói
Con bán mình nhọc nhằn khốn khó
Còn bắt con phải nộp lãi bẩy phần 1

Anh chị con cũng sống kiếp lầm than
Bố mẹ bỏ lắt lay không đủ sống
Phải lê lết bên hè đường kiếm sống
Giơ lưng ra để đóng thuế hàng năm

Con biết tìm no ấm ở nơi đâu?
Bác ruột con cũng nghèo nàn, tăm tối
Cũng trói buộc, cũng độc tài, vô lối
Cải tổ, mị dân, đổi mới, bao giờ? 2
Kẻ thù ở ngay sát vách nhà ta
Người đã một thời được con coi là bác 3
Biết mẹ hèn, bác giang tay lấn đất
Cha Hồ ơi, lăng vắng nghĩ suy gì ?

Ôi cuộc đời sao giống cuộc đỏ, đen
Xưa đồng chí, nay mặt mình...tự vả
(Đã cướp đất nay còn đòi ơn cũ
Anh lớn hơn sao cậy khoẻ đánh em?)

Chú thích:
1 Các đối tượng hợp tác lao động đều phải nộp lại 70% lương cho nhà nước, chưa kể khi ra đi phải chịu nhiều khoản tiền đóng góp phi lý, hoặc chạy cửa
2 và 3 Đảng cộng sản Liên Xô và Trung Cộng
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1824
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Tôi gánh ở trong tim này...

Post by uncle_vinh »

4. Ở trong lòng "mâm son" chưa được bao lâu thì tôi không chịu nổi cung cách làm báo của mấy ông già cổ hủ, công thần, láng cháng. Trong khi tôi đề nghị được đi công tác để tăng tính xã hội cho bài viết thì ông trưởng phòng tổ chức - người điều động xe cộ của toà soạn - một từ chuyên sâu không biết, cáu tiết đập bàn quát tháo: - Báo này là báo hội, chỉ cần tính hội không phải báo Phụ Nữ, Tiền Phong, Văn Nghệ mà cần tính xã hội...Một tuần có 7 ngày thì hai ngày họp, loanh quanh mấy vấn đề cũ rích, nhai đi nhai lại như chó nhai giẻ rách, càng họp càng nát càng chống phá nhau, càng tăng mâu thuẫn. Tờ báo không có nội dung, màu sắc, tư tưởng gì, cứ xám xịt, ngây ngô như tờ báo tường của những năm 1960. Câu què, ý cụt, nội dung đơn điệu, nghèo nàn theo kiểu :

Đảng là gì hở em ơi
Là không quen biết mà ngồi với nhau
Khi tôi kịp nhận biết và định nghĩa lại cho chính xác:
Đảng là gì hở...má ơi
Là quân ăn cướp cùng ngồi trung ương

Thông qua một loạt bài viết về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, với các tựa đề gợi cảm, lay động trái tim mỗi người: "Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền", "Bão thổi không ngừng trong những vành tang trắng", "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên", "Đói khát, đau thương đeo đuổi đến bao giờ ?"; Nhà không, vườn trống tàn hoang"; "Đêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ"... để nói về sự vô ơn của các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đối với các bà mẹ liệt sĩ, cướp mồ hôi xương máu của cả người đã chết lẫn người đang sống, lập tức bị treo bút ra khỏi báo, và cuộc đời cứ lênh đênh theo ghềnh thác...Hết thoát ra khỏi bến đục, bờ nông này lại...sa chân vào bến nông, bờ đục khác. Khi vào được báo Văn hoá văn nghệ công an, tưởng chim khôn chọn được cành cao để đậu, ai ngờ lại đậu phải cành thành phần 5C và 5D*.Cho dù tôi được đích danh phó tổng biên tập gọi về làm việc đi chăng nữa, nhưng tư tưởng nổi loạn, bất tuân của tôi, cùng sự đố kỵ, hẹp hòi, ghen ăn tức ở của cánh chị em khiến tôi nhanh chóng bật khỏi báo. Trong lúc người đời quan niệm: "Đời là một cái chợ, càng chơi nhiều càng lãi", tôi không bao giờ tham gia vào bất cứ trò chơi mất phẩm giá nào vì bảo vệ quan điểm riêng của mình: "Nếu coi đời là một cái chợ khổng lồ, thì mình chỉ đi chợ nhân cách thôi", dù sống giữa chạ người cũng vậy. Ngưỡng cửa đạo lý trong thời buổi cộng sản - thả nổi các giá trị làm người - thật vô cùng mỏng manh, chỉ cần tặc lưỡi là có thể bước qua, nhưng tôi lại tự trói buộc mình bởi bao ước lệ đạo đức, bao câu chữ của đạo thánh hiền từ thời ông, cha để lại, nên không thể nào vượt nổi, cứ đau đáu bên mình những giá trị bất biến, lỗi thời: Nào "nhân nào quả nấy", "Gieo gió gặt bão", "Gieo đức hạnh gặt vinh quang, gieo tai ương gặp...quả báo". Rồi "thật thà ma vật không chết", "Có công, có đức, mặc sức mà ăn"; "Trồng cây phúc để quả đức cho con" ngược hẳn với câu: "Một đời làm lại, tam đại dở hơi"...

Chính vì quyết tâm làm người, không làm lại (tay sai, nha lại), hay trở thành công cụ, kẻ thừa hành, hại người ngay để con cháu ba đời phải khổ lây, mà tôi thành kẻ bơi ngược dòng lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam, không chịu tắm mình trong dòng sông đảng (mà đặc điểm chủ yếu là mị dân, tham nhũng, và khủng bố, dối lừa) ngược lại chỉ thích trồng cây phúc để quả đức cho con...Tu nhân, tích đức, để về già...mặc sức mà ăn, tôi đã phải trả giá cho những quan niệm "lạc mốt, lỗi thời" của mình. Vì thật thà, tôi đã bị đủ thứ mưu ma chước quỷ của đảng vật. Hết bắt lên đồn, tra vấn thẩm cung ngày này, ngày khác lại giáo dục đấu tố giữa cộng đồng...Khủng bố giữa sân vận động của khu tập thể cả nghìn người không xong, lại tràn vào nhà trấn áp, đánh đập cả chồng và hai con gái tiếp. Hai, ba lần, vẫn không vật chết tư tưởng trong sạch, thể hiện quyền làm người của chính tôi, vẫn không khiến chồng và con xa lánh, sợ sệt. Ngược lại, từ ánh mắt trẻ thơ, đến ánh nhìn của một giáo viên trường tiểu học trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đều toát lên sự bất cần, khinh bỉ bọn giòi bọ, sâu mọt, chó đói một cách rõ ràng. Chúng càng thể hiện sự trắng trợn, điên cuồng hơn, quyết dồn tôi vào ngõ cụt, đường cùng của sự thiếu đói, uất ức. Chỉ trong vòng 6 tháng trời, 3 lần công an các cấp phòng, từ bộ sở, cục, quận, phường, phụ trách văn hoá phản động, chống gián điệp, khủng bố, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ an ninh v.v nhận lệnh quan thầy, tràn vào nhà tịch thu toàn bộ phương tiện làm việc, máy móc, sách vở, tư liệu của cả gia đình tôi...nâng số vi tính bị cướp lên thành 4 cái, cùng 6 điện thoại di động, 2 máy scan, một máy ghi âm, một xe spacy, hàng chục ổ USB, hàng nghìn đầu tài liệu, đơn thư của bà con dân oan. Nếu tính thành tiền Việt, không dưới 200.000.000 (hai trăm triệu). Số tiền mà một đời cả nhà đi làm việc cho nhà nước, cũng không thể nào có được. Đơn giản vì ở Việt Nam, đồng lương đi làm cho nhà nước rất thấp, ăn còn không đủ nói gì đến chuyện mua sắm, tích luỹ? Vì vậy mất là đồng nghĩa với sự trắng mắt, trắng tay, không thể có cơ hội sắm lại được, huống hồ tôi còn bị đảng ra cả chiến dịch cướp bóc 3 lần...mà tôi ...càng phẫn càng phát, không những không lo sợ nao núng, còn phát tiết tinh hoa ra ngoài qua việc lên án việc làm đồi bại thối tha của đảng, biểu lộ rõ quan điểm của mình...khiến đảng như một con thú hoang bị dư luận tiến bộ trên thế giới dồn vào ngõ cụt đường cùng, trở thành ú ớ, ra sức dùng mặt nạ, lưỡi gỗ che chắn cũng không xong...Không làm gì được tôi sau bao nhiêu lần ra chiêu độc, đảng liền bắt tôi vào tù...để tôi có cơ hội nghiền ngẫm những việc làm quá khích của mình, để văn hoá đảng đè chết văn hoá đạo đức truyền thống dân tộc đã thấm sâu vào huyết quản mình, để tôi vĩnh viễn không còn là tôi nữa, mà ngược lại là một sự phục tùng, ngoan ngoãn, câm nín, tả tơi...

Thật không ngờ, văn hoá truyền thống lại có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng người Việt đến vậy. Ngay tại quốc nội, khi tôi bị bắt, trừ những kẻ tự nguyện biến mình thành công cụ, thành chó săn trung thành của đảng quỷ, tất cả những ai còn chút lương tri làm người đều xa xót trước cảnh tôi bị cùm tay trong tiếng khóc xé vải của con, sự đau đớn thắt ruột của mẹ già, sự bàng hoàng phẫn uất của người chồng bấy lâu nay vốn chỉ biết hiền lành như một thứ cỏ trong vườn, sự hẫng hụt của con gái lớn, khi sáng ra còn ôm eo mẹ đến hiệu thuốc rồi chào mẹ để đến trường cùng bố và em, mà khi trở về, mẹ đã bị bắt...Tất cả những hình ảnh thương tâm, bất công vô lý đập vào giác quan, thính giác, thị giác họ, làm họ phải âm thầm cất lên những tiếng nói phẫn uất, dù yếu ớt:
"Cả xã hội dối trá, mình cái Thuỷ dám nói sự thật nên bị bắt, thật là thời đại chó má, đồ đểu Hồ Chí Minh chứ tư tưởng gì?"

Hoặc:
- Cứ phải có vài trăm đứa như con Thuỷ, xã hội này mới khá lên được


- Phản động gì nó, có mà cấp tiến thì có, xem mấy người ăn nói được như nó, vào nhà chỉ toàn sách với giấy chứng nhận bản quyền của cục xuất bản cấp, đọc ba bài viết của nó là biết ngay nó giỏi hay dốt, ngu hay khôn? Cả bộ chính trị cộng lại cũng không có nổi một nhúm tư tưởng của nó ấy chứ...Bộ chính là trung tâm lừa đảo, còn nó chỉ vì viết lại chuyện lừa đảo của bộ chính trị mà bị đảng bắt.

Một số bà con dân oan thì bảo:
- "Sống trong xã hội chủ nghĩa nên toàn bị những con người mới xã hội chủ nghĩa lừa, kể từ đứa bé 12 tuổi đến con mẹ học lớp 7 ở Trại Nhãn, rồi bao nhiêu dân oan tận đẩu tận đâu cũng lừa được v.v và v.v
(Còn tiếp)
Post Reply