Quê hương ta ơi !

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Quê hương ta ơi !

Post by uncle_vinh »

Nữ thần Công Lý

Huỳnh Ngọc Tuấn


Tôi 16 tuổi - cái tuổi dậy thì đẹp tuyệt vời. Đâu đó, tôi bắt gặp những cái nhìn đắm đuối của mấy chàng trai. Tôi biết mình làm họ mất hồn. Tôi vui sướng một cách tinh nghịch.

Vào lớp 10, lần đầu tiên mặc chiếc áo dài nữ sinh, tôi nhìn mình lộng lẫy trong gương. Ba tôi chỉ từ ái mỉm cười. Ông không nói gì, nhưng nhìn ánh mắt mãn nguyện của ba, tôi biết ông rất vui. Má thì trầm trồ khen:

- Con đã là một thiếu nữ xinh đẹp rồi, con gái ạ.

Tôi cứ thế chạy tung tăng quanh phòng. Em tôi cũng hò hét theo sau, cả căn phòng náo loạn, má phải stop lại:

- Thôi nào, đừng làm ầm ĩ để ba nghỉ ngơi.

Mười sáu tuổi, tôi ngây thơ và trẻ con, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy khó hiểu trước sự phân hoá của xã hội Việt Nam, hố ngăn cách giàu nghèo thật là kinh khủng: cùng chung chia mảnh đất quê hương, nhưng hai thân phận chủ-tớ cách biệt rõ ràng và bi thảm. Bên cạnh những ngôi biệt thự hoành tráng, lộng lẫy là những khu nhà ổ chuột tồi tàn, ngập ngụa trong nước bẩn và rác rưởi. Bên cạnh những người đàn bà sang trọng, sực nức mùi nước hoa là những người phụ nữ nghèo lem lút cạnh những bãi rác trên bến xe. Bên cạnh người đàn ông to lớn, đỏ như một cây nến là những người đàn ông vẻ mặt hốc hác, râu ria không cạo, áo quần bẩn thỉu. Bên cạnh những cậu bé mập quá khổ là những cậu bé trơ xương, tay cầm xấp vé số và mấy tờ báo lê bước từ góc phố này đến góc phố khác. Bên cạnh các tiểu thư cành vàng lá ngọc là những cô cave trong những quán ba, quán bia ôm, cafe ôm. Tôi không hiểu tại sao như vậy? Một bên là những ông chủ sang trọng và hách dịch, một bên là những osin-lao nô hèn mọn; một bên đầy quyền lực nhưng bị căm thù, một bên hèn mọn và bị khinh miệt. Tôi thấy mình may mắn vì không nằm trong hai loại người ấy.

Tôi hài lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường mà tôi có. Có ai ganh tị với cái hạnh phúc đơn sơ ấy?! Nhưng tôi không hề biết rằng cái hạnh phúc đơn sơ, tầm thường ấy rất mong manh, mong manh như giọt sương trên lá.

Mấy hôm nay, người ta bàn tán nhiều về việc di dời khu dân cư, nơi tôi đang ở. Có quá nhiều những tin đồn-quá nhiều đến nỗi người ta không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Có người nói sẽ mở con đường lớn khoảng 40m đến 50m. Có người nói sẽ xây nhà máy chế tạo linh kiện điện tử của Đài Loan. Có người nói xây dựng khu đô thị mới. Ai cũng chứng tỏ mình thạo tin, có bạn bè người thân là quan chức lớn. Nhưng là để làm gì đi nữa, thì gia đình tôi ai cũng buồn rầu, nhất là ba tôi.

Đây là khu vườn trồng hoa nhiều đời của gia tộc tôi truyền lại. Khu đất không lớn chỉ hơn một ngàn mét vuông. Nhưng nó là sinh cơ của mấy đời gia đình tôi. Khu vườn thật đẹp: hoa xen với cây ăn trái. Những khóm hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, những cây cảnh được nâng niu chăm sóc, những chậu mai già được uốn nắn và rất nhiều loại cây thời thượng mà những khách sạn nhà hàng, cũng như mấy ông quan lớn đặt ba tôi làm.

Tôi thấy ba như người mất hồn. Ông ra ra vào vào mà chẳng làm được việc gì. Có lúc ông lặng người nhìn chằm chằm vào cội mai già có từ thời ông cố nội tôi. Ông như muốn tìm một điều gì đó-một câu trả lời chẳng hạn. Cái chứng tích của thời gian và lịch sử ấy vẫn lặng yên trầm tư như một minh triết: sự yên lặng ấy như muốn nói với ông rằng tất cả đều vô thường. Tôi hiểu ít nhiều Phật giáo với triết lý: “vô thường”, “khổ”, “không”. Con người thời nào và ở đâu cũng khổ. Nhưng cái khổ cũng có trăm tướng khác nhau. Ở các nước văn minh, cái khổ nó khác: người ta khổ vì công danh sự nghiệp hay vì tình yêu và danh vọng. Còn ở đây, ở cái đất nước này, người ta khổ vì miếng cơm manh áo, vì sự sỉ nhục, khổ vì không được sống như một con người, như mọi người. Người ta phải bán những gì họ có thể bán để tồn tại. Sức lao động, danh dự và nhân phẩm, trinh tiết một cách rẻ mạt. Rồi cũng đâu có được yên thân với sự hèn mọn. Một xã hội đầy rẫy những quan lại, đủ thứ quan, từ anh bảo vệ đến ông thôn trưởng, từ ông bác sĩ đến người quản lí điện, ai muốn hành hạ, sách nhiễu cũng được. Người dân thấp cổ bé miệng chỉ còn biết chịu đựng, hoặc mua đường vắn. Chẳng biết từ bao giờ họ biến mình thành con giun con dế, một thứ tôi đòi không chính thức, lại còn bị mỉa mai trên diễn đàn quốc tế, trên tivi báo chí là “người chủ đất nước”, thật sự là một sự mỉa mai cay độc mà có lẽ dân tộc này chưa bao giờ trải qua trong lịch sử mấy ngàn năm của mình. Đất nước này sống trong một nghịch lý, có những con người phải nhặt rác để sống, có người lại đánh bạc hàng triệu dollar tiền của dân. Có người có quá nhiều tiền muốn làm gì cũng được, luật pháp chính là họ, họ là luật pháp; có người mà một chút quyền căn bản cũng không có-quyền đi lại, quyền cư trú, quyền học hành, quyền kết hôn. Chỉ có một nhóm người tự đồng hoá mình là dân tộc, là đất nước, trong khi đó, 80 triệu người còn lại thì không được chính danh. Họ không là gì cả, họ cũng chẳng biết họ là ai ?

Một buổi chiều ông tổ trưởng dân phố đến, giọng hách dịch, gọi réo từ xa :

- Tối đi họp để nghe thông báo về việc di dời nhé, không đi thì mất quyền lợi đấy.

Tôi cảm thấy xót xa, lại một ngịch lý nữa: có bao giờ người ta ban phát cho một chút quyền lợi đâu. Nếu thật sự là quyền lợi thì chẳng bao giờ chúng tôi được nghe chứ chưa nói là được hưởng. Chúng tôi cũng chẳng thiết quyền lợi của ai cho, miễn sao quyền lợi chính đáng của mình được tôn trọng là may lắm rồi.

Chiều hôm đó, ba tôi không nuốt nổi một chén cơm. Ông vẫn gắp thức ăn vào chén cho má con tôi như mọi ngày, vẫn thăm hỏi chúng tôi ân cần. Nhìn đôi đũa trên tay ba run run làm rơi miếng cá trắng phau xuống mâm cơm, má ái ngại :

- Anh đừng lo lắng quá. Em và anh còn khoẻ thì còn nuôi con được. Chứ anh có mệnh hệ gì mình em nuôi con sao nổi.

Nước mắt tôi bất giác lăn dài trên má, chảy xuống chén cơm. Tôi vẫn ăn như một cái máy, ăn luôn những giọt nước mắt của mình. Bữa cơm yên lặng, cái yên lặng chưa hề có trong gia đình tôi. Tôi tự hỏi: những ngày vui, những bữa cơm đầy ắp tiếng cười có còn quay lại với gia đình tôi không? Tôi cảm thấy lo sợ, linh tính báo cho tôi một điều gì đó không lành.

***

Tối hôm ấy, ba tôi đi họp về, trông ông thất thần và thảm hại. Khuôn mặt ông tái xanh, ông ngồi xuống ghế như một chiếc lá rơi, không một chút sức lực, giọng ông lạc hẳn:


- Mất hết rồi em ơi.

Má tôi lấy khăn ướt lau mặt cho ông, bà nói để giữ tinh thần:

- Mất thì mất, ai mà chẳng mất, đâu có riêng chi mình. Anh cứ bình tĩnh, mình còn quầy bán trái cây. Anh đi xe ôm vẫn sống được.

Ba nói như rên rỉ, trông ông yếu đuối quá. Tôi chưa bao giờ thấy ông yếu đuối như vậy. Tôi nghĩ: không yếu đuối sao được, quyền sinh sát trong tay họ, họ bảo mình sống thì mình sống, họ bảo mình chết thì mình chết.

- Đây là mảnh đất tổ tiên mấy đời để lại, hơn nữa họ bồi thưồng rẻ mạt, gần như cướp trắng: 20 ngàn đồng/1m vuông .

Ông nhắc lại:

- Hai mươi ngàn đồng y, em nghe rõ chưa.

Má tôi sững sờ, nhìn chúng tôi, bà đứng phắt dậy:

- Như thế là ăn cướp. Bọn cướp, một lũ cướp ngày.

Mắt má long lên, tôi nhìn thấy cả một ngọn núi lửa hừng hực. Ba tôi khua tay:

- Em đừng nói nữa. Quyền lực trong tay họ, không khéo lại đi tù đấy, nhiều người đi tù rồi thấy chưa, tan cửa nát nhà hết.

Má cương quyết:

- Đằng nào thì cũng tan cửa nát nhà rồi. Mình cứ cúi đầu mãi, chúng nó lấn tới.

Tôi không ngờ bình thường má dịu dàng thế, nhu mì thế mà hôm nay má lại thể hiện một cá tính như vậy. Trong lòng tôi nể phục nhưng cũng vô cùng lo sợ.

Một thời gian sau, người ta đưa giấy mời lên Uỷ ban phường để ký vào biên bản di dời và nhận tiền bồi thường. Ba tôi mệt, tôi theo má lên phường. Đứng ngấp nghé bên ngoài, tôi theo dõi diễn tiến của buổi nói chuyện. Trong phòng có cả ông cán bộ địa chính thị xã, ông chủ tịch phường và ông trưởng ban địa chính phường. Sau khi nghe họ trình bày lý do, và những “ích lợi cho đất nước và nhân dân” của việc di dời khu dân cư này. Họ cũng hạ một câu để răn đe:

- Đây là kế hoạch mà trên đã phê duyệt, các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc không đựơc chậm trễ. Mọi biểu hiện tiêu cực đều phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Má tôi nói với một giọng bình tĩnh nhưng cương quyết:

- Chúng tôi là dân, chúng tôi sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương chính sách của nhà nước, nhưng trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của chúng tôi. Mức bồi thường mà nhà nước đưa ra là không thoả đáng.

Ông chủ tịch phường gằn giọng:

- Như vậy mà không thoả đáng hả? Vậy theo chị thế nào là thoả đáng?

Má rào đốn chặt chẽ:

- Đất nước chúng ta trong thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường, thì phải định giá theo thị trường là thoả đáng. Chắc các ông cũng biết giá đất hiện nay ở thị xã với diện tích 1000m vuông đất như của gia đình tôi thì giá thị trường hiện nay là trên 1 tỉ đồng. Các ông bồi thường cho chúng tôi cả gói, đất và nhà chưa được 100 triệu là không thoả đáng, mới có 1/10 giá trị thực của nó. Nếu các ông không đồng ý thì phải có một giải pháp thoả hiệp. Các ông mở đường đến đâu, bồi thường đến đó, phần còn lại để nguyên cho chúng tôi.

Ông địa chính thị xã lớn tiếng, đứng phắt dậy chiếc ghế đổ nhào sau lưng:

- Một mình chị một trời chắc. Chính sách là thế, chị phải di dời, phần còn lại là quĩ đất. Chúng tôi sẽ bán lại cho chị nếu chị muốn mua.

Má tôi đồng ý:

- Được, chúng tôi sẽ mua lại. Các ông định giá bao nhiêu?

Ông trưởng ban địa chính nói giọng mỉa mai:

- Chị có đủ tiền mua không? 1 triệu rưỡi /1m vuông.

Má xanh mặt, những sợi tóc đổ lộn xộn trên trán lấm tấm mồ hôi.

- Các ông ép chúng tôi thái quá. Các ông mua của chúng tôi 20ngàn/1m vuông mà bán lại 1 triệu rưỡi /1m vuông. Thế là thế nào? Đây có còn là chuyện mua bán nữa không?

Ông địa chính thị xã với giọng thách thức và đe dọa:

- Chị hiểu như thế nào cũng được. Đến ngày di dời mà chị không di dời thì chúng tôi cưỡng chế. Đến lúc ấy một xu cũng không có đâu.

Má cương quyết, nhưng chỉ là cái thế của người yếu:

- Các ông không biết đó thôi, tổ phụ của chúng tôi từ Thanh Hoá vào đây đã hơn 200 năm rồi. Đất đai này là của tổ phụ chúng tôi khai phá.

Ông chủ tịch phường lại mỉa mai giải thích:

- Đất gì là của tổ phụ chị. Đất là của nhà nước cả, cho chị mượn ở tạm thôi, khi cần sẽ thu hồi.

Má tôi nổi khùng:

- Đất gì là của nhà nước. Tổ phụ của chúng tôi khai phá mảnh đất này và đã giữ gìn nó hơn 200 năm, có khi còn có trước chủ nghĩa Marx của các ông chứ đừng nói đến chính quyền. Chính quyền của các ông chỉ mới được 30 năm thôi.

Họ đồng loạt đập bàn và xô ghế đứng dậy, mấy chiếc ghế ngã lăn trên sàn làm mọi người ở những phòng khác chạy qua:

- Con mẹ này lếu láo, đuổi nó ra ngoài .

Má bị lôi ra ngoài. Mặt mày bà tái nhợt vì tức giận.

Ba tôi đứng chờ trước cửa vẻ lo lắng bồn chồn, trông ông xanh xao và gầy hẳn. Má bước vào nhà, bà vứt chiếc nón lên đi-văng và ngồi xuống sửa mái tóc cho gọn gàng. Bà dùng dây buộc lại mái tóc dài và đen óng lên cao để lộ chiếc cổ ba ngấn nõn nà. Khi cởi chiếc áo khoát ngoài ra, má thở một hơi thật dài như để lấy lại sức và sự bình tĩnh:

- Quân ăn cướp.

Ba tôi vội vàng can ngăn:

- Thôi bỏ đi, chúng ta là dân đen, phận con tôm cái tép, họ nắm quyền sinh sát trong tay, trái ý họ chỉ thiệt cho mình thôi.

Má nhìn ra ngoài vườn. Trời nắng gắt biểu hiện một buổi trưa oi nồng. Cây khế trước sân rũ những chiếc lá mềm và mỏng. Con chim vành khuyên đang tìm mồi và gọi bạn, tiếng kêu thật trong trẻo, bình yên. Nó nhảy liếng thoắng và vô tư. Tôi chưa bao giờ thấy khu vườn đẹp như thế. Chắc có lẽ do cái cảm giác xót xa trước một sự mất mát phũ phàng cái mà mình yêu quí. Mấy cây xoài lủng lẳng những chùm trái xanh bằng nắm tay người lớn. Năm nay được mùa, những cây mận to lớn, tán lá xanh và tối như muốn che giữ những kỉ niệm êm đềm một thời thơ ấu của tôi. Tôi nhớ những mùa mận chín trước đây, lũ bạn tôi không ngày nào không tề tựu ở nhà tôi để được má khao món mận chấm muối ớt cay đậm đà theo cách chế biến riêng của má. Những trái mận xanh, mận đỏ, mận trắng bóng nhảy mọng nước, ngọt và mát được nhai rau ráu ngon lành và xuýt xoa, chảy cả nước mắt. Khu vườn tràn ngập tiếng nói cười, tiếng gọi nhau tinh nghịch. Mùi hoa ngọc lan thơm nồng, quyến rũ bọn con gái chúng tôi. Cây hoa ngọc lan già như một người bạn già tốt bụng, ban cho tuổi trẻ chúng tôi những bông hoa trắng muốt và thơm ngát. Những trưa gắt nắng, nằm trên chiếc ghế mây đan bằng những sợi nhỏ và mịn êm thật là êm, chân duỗi dài nhìn lên tán lá, dõi theo bóng dáng tí xíu nhanh nhảu của con chim vành khuyên, rồi ngủ lúc nào không hay. Mùi ngọc lan phảng phất vào giấc ngủ thần tiên không mộng mị. Tỉnh thức, nắng vàng rực khắp khu vườn, trời trong veo không một gợn mây, chạy tung tăng vào nhà, tắm một cái mát ơi là mát, quên không mang ghế vào. Buổi chiều trời mưa, ghế bị ướt, má mắng hoài vẫn không nhớ và chỉ nhớ những gì người lớn không thể nhớ được. Tôi vẫn là bộ nhớ của ba, nhưng má hay gọi tôi là đồ đãng trí. Tôi vẫn thích những giấc ngủ trưa dưới bóng cây ngọc lan già, tôi cảm thấy như mình được chở che, cứ nằm thoả mái, có hơi hớ hênh một chút vì ăn mặt nhẹ nhàng. Khu vườn kín đáo có ai nhìn đâu mà sợ, đó là những ngày tháng thần tiên. Và thế là chấm hết! Tôi giật mình vì má gọi:

- Thảo, dọn cơm ăn trưa thôi, con ngẩn ngơ gì thế?

Tôi “dạ” và lao vào bếp. Má đã chuẩn bị sẵn. Bữa cơm đơn giản, rau sống, cá kho-những khúc cá nục tròn lẳng béo ngậy, một rổ rau tươi: diếp cá, tía tô, đinh lăng, húng, ngò…Má nói cho không khí bớt căng thẳng:

- Ăn lá đinh lăng non và tía tô chữa được cảm cúm, còn lá mơ và diếp cá rất tốt cho đường ruột.

Bữa cơm lặng lẽ, tôi và ba không nuốt nổi, cu Tý vẫn ăn ngon lành như mọi ngày, nó còn ngây thơ quá, không biết gì. Hơn nữa chạy nhảy suốt buổi sáng, giờ cu cậu đói bụng ăn liền ba chén to tướng. Má cũng ăn uống bình thường như mọi ngày. Tôi phục má vô cùng. Đứng trước những khó khăn, má vẫn vững vàng kiên nghị làm chỗ dựa cho cả gia đình. Ba tôi là đàn ông nhưng quá hiền lành và yếu đuối. Trước một khó khăn lớn mà ba biết là không thể vượt qua làm ba suy sụp. Tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn đọc từ lúc nhỏ: ”Gà mẹ dũng cảm bảo vệ đàn con trước diều hâu hung dữ và đánh bại diều hâu. Gà mẹ tả xung hữu đột, vừa che chắn cho con dưới đôi cánh xoè rộng, vừa tấn công kẻ thù có sức lực và móng vuốt hơn mình”. Tôi cảm thấy bất an và tuyệt vọng vì gà mẹ thì chỉ chiến đấu với một con diều hâu thôi; đằng này có cả bầy, vừa diều hâu, vừa lang sói, với súng đạn, dùi cui, roi điện, lựu đạn cay, thuốc mê, làm sao mà đối phó đây? Tôi ao ước có được quyền năng siêu việt để giúp đỡ mẹ, bảo vệ gia đình, bảo vệ những người yếu đuối trước cường quyền, bạo ngược, nhưng làm gì có phép màu! Thật bất công!.

Buổi chiều nặng nề rồi cũng trôi qua. Tôi và ba má coi TV. Trong chương trình thời sự, người ta cũng nói đến chuyện di dời, nhưng những gì họ đưa lên TV đều hoàn toàn không đúng với sự thật: nào đền bù thoả đáng, thậm chí, người dân được lợi rất nhiều, nào chuẩn bị khu tái định cư cho dân, ai cũng mãn nguyện, hồ hởi. Họ cho một vài người cò mồi lên nói huyên thuyên về sự quan tâm của Đảng, “chính sách nhân đạo” chí tình hợp lý. Họ nói toàn chuyện trên trời. Họ không hề đề cập đến những hộ gia đình như chúng tôi và những người hàng xóm. Đang ngồi coi TV thì một người hàng xóm sát vườn nhà tôi đến. Vườn của bà chỉ có 400m vuông, cũng trồng hoa như gia đình chúng tôi. Tôi và má đứng dậy chào, ba thì mời bà ngồi và tắt TV.

- Mời chị Bách ngồi.

Chưa ngồi xuống ghế, bà đã nói ngay:

- Bọn này là bọn cướp ngày rồi. Ý cô chú thế nào? Bọn mình phải liên thủ để đối phó.

Tôi đang buồn thối ruột , nghe bà dùng từ “liên thủ” thì biết ngay bà này là dân ghiền phim kiếm hiệp rồi. Không nhịn được cười, tôi bước ra ngoài để dấu nụ cười không đúng lúc, rồi trở vào ngồi cạnh mẹ.

- Còn tính gì nữa chị. Họ đã dồn mình vào chân tường rồi. Chết thì chết, phải đấu tới cùng. Thà để họ cưỡng chế, lấy không đi, sau này còn có thể kiện được. Nếu ngửa tay nhận mấy đồng bố thí là đem dâng không cho chúng.

Được lời như cởi tấm lòng, mặt bà sáng lên, đôi mắt long sòng sọc, bà đập tay xuống bàn:

- Dù “tan xương nát thịt” cũng phải bảo vệ di sản của cha ông. Nhưng phải ”mưu trí”, phải biết dùng những “chiêu thức” phù hợp.

Má mỉm cười, nụ cười của má đẹp tuyệt vời, hàm răng trắng đều sáng như ngọc, cả tháng nay, hôm nay mới thấy má cười.

- Chị định dùng “chiêu thức” gì?.

Bà trả lời ngay:

- “Khổ nhục kế”.

Lần này, má và tôi không sao giữ được nữa. Lại là phim Tàu, cái xã hội Việt Nam ngày nay đã bị Tàu hoá từ lúc nào. Cái văn hoá “Đại Hán” được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam tuyên truyền quảng bá rộng khắp từ hang cùng ngỏ hẻm. Nó thâm nhập vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo thành thị. Tôi mơ hồ cảm thấy xã hội Việt Nam như được điều khiển bởi một chiếc đũa thần nào đó. Rồi bà trình bày “khổ nhục kế” của mình. Má nghe xong chỉ cười, nụ cười hơi khinh bạc:

- Em chịu, không thể làm như thế.

Đêm nay trăng thật đẹp. Cả khu vườn được phủ bởi một thứ ánh sáng dịu nhẹ, mịn màng, chỉ một vài thoáng gió từ biển xa thổi về, làm đong đưa những chùm hoa lan rũ xuống, thoang thoảng những mùi hương của lan, của huệ, dạ lý, mùi của mấy cây mít đầy khóm. Những con đom đóm chập chờn khắp vườn trong từng khóm cây. Nó đi tìm bạn, hồn nhiên, vô tư lự. Nó sướng thật, chẳng lo lắng về tương lai học hành, sự nghiệp, cũng chẳng bị ai bắt nạt, chèn ép. Ngồi ở giữa ba và má trên ghế đá, tôi ngả đầu vào vai má. Mùi hương từ tóc má dịu dàng. Giá như được tựa vào vai mẹ ngủ một giấc như mọi lần thì tuyệt quá. Nhưng bây giờ thì làm sao ngủ được. Cái vườn này sắp bị người ta phá đi. Cả cái thị xã này, theo đà phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu kinh tế thị trường man rợ, chụp giật, chèn ép, gian xảo mọc lên toàn nhà là nhà. Bên cạnh biệt thự là những ngôi nhà ổ chuột-nhà cấp 4, nhà xây theo đủ loại mô hình kiến trúc, mọi thứ đều bác nháo. Có những ngôi biệt thự của các quan chức và cả những kẻ mới giàu lên nhờ phe cánh được kiến trúc một cách quái gở: phần trên là kiến trúc Hồi giáo, phần giữa là Nhật Bản, ở dưới là phương Tây. Nó biểu hiện cái não trạng lai căn, và khả năng thẩm mỹ của chủ nhân. Giữa những hỗn loạn ấy, khu vườn này là một ốc đảo xanh tươi bốn mùa. Nó được bố trí đơn sơ theo kiểu Việt Nam từ mấy đời nay. Vậy mà người ta lại phá nó đi và không biết thay vào đó là thứ quái thai gì?…Tôi hình dung những cội mai già, những cây ngọc lan mà tôi đặt biệt yêu dấu, những cây mận, cây xoài, cây mít, những khóm hoa lan, hoa huệ, những cội sứ năm sáu mươi năm….tất cả sẽ bị mấy chiếc máy ủi, máy xúc nghiền nát. Thật kinh khủng, thật đau lòng. Làm sao để giữ lại những kỉ niệm này. Bất chợt tôi lại nghĩ: hay chụp hình lưu niệm?. Nếu không giữ được nó trong hiện thực thì cũng giữ được nó trong kí ức. Tôi đề nghị ba má:

- Con định chụp mấy tấm hình lưu niệm về khu vườn này. Ba má thấy thế nào?

Ba tôi khẽ gật đầu. Bình thường, ông vẫn là người hiền lành lặng lẽ; giờ đây, ông càng lặng lẽ hơn-như một cái bóng của chính mình. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đây là một hiện tượng phổ biến: người ta quên mất mình, đánh mất cá tính, lãng quên bản thể của mình. Họ hoá thân vào cái bóng của mình, co rúm trong cái lồng của chính mình. Như vậy, họ mới cảm thấy an toàn hơn. Má tôi ủng hộ nhiệt tình ý kiến ấy:

- Ừ! Đường nào mình cũng mất khu vườn này rồi, giữ lại một vài kỷ niệm cũng hay.

Má quay về phía ba, bà mỉm cười thật tươi. Trong ánh trăng, với một chiếc áo lụa mỏng, trông bà thật đẹp-một vẻ đẹp kiêu sa, với nụ cười thật quyến rũ. Tôi chợt nghĩ: ba tôi là một người đàn ông may mắn.

- Anh đừng có ủ rũ như đưa đám thế, còn người là còn của. Em vào pha một ấm trà, uống để thưởng trăng. Đêm nay, trăng rất đẹp, với lại mình chẳng còn nhiều thời gian cho mảnh vườn này.

Tôi giúp má bày biện ấm chén.

Trà này tự tay ba má chế biến, toàn là cây nhà lá vườn. Những búp chè non được ba tuyển chọn kỹ từ những cây chè mọc xen đâu đó trong vườn, hoa hoè, hoa ngâu cũng sẵn. Chén trà thơm ngát đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm tuổi thơ của tôi. Tôi nâng chén trà mời ba má, lòng không khỏi bùi ngùi, bất giác ba ngâm mấy mấy câu thơ giọng thật u hoài:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Phương kiều dạ bạc-Trương Kế)(*)

(Còn tiếp)

© 2008 www.danchimviet.com
Post Reply