Bạn hiền

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Bạn hiền

Post by maixuanthanh »

BẠN HIỀN.


Cầm “Bản tin” của Thân hữu Điện lực vừa mới được gởi tặng, theo thói quen tôi mở coi “Mục lục” trước, dò thấy bài “Phiên phiến tuổi già” của Tràm Cà Mau tôi mừng quá lật ra đọc ngay. Tràm Cà Mau là một nhà văn, nhà thơ đã nổi tiếng từ lâu nhưng tôi chỉ mới biết tên ông vài ba năm nay, kể từ ngày tôi nghỉ hưu và bắt đầu làm quen với máy vi tính để tìm đọc truyện trong một số trang web. Cái bút hiệu đã gây cho tôi một ấn tượng, đúng ra là sự tò mò để mong tìm đọc một văn phong miền Nam chơn chất, đôn hậu. Quả tình, bài nào của ông cũng mang lại cho tôi niềm thơ thới do những tâm tình mà ông đã dàn trải qua một giọng văn bình dị nhưng thật lôi cuốn. Đọc và say mê tác phẩm của các cây viết chuyên nghiệp là chuyện bình thường. Riêng tôi, còn thích tìm đọc văn thơ của giới khoa bảng, viết văn là nghề tay trái. Các ông thầy thuốc đã góp mặt khá đông và nhiều nguời nổi danh trong làng văn từ lâu. Còn dân kỹ thuật của chúng tôi ít người chịu cầm bút quá. Phải nói là quá ít. Buồn chứ ! Có lẽ, nghề nghiệp khô khan làm thui chột các “tài” khác chăng ? Vì thế, mới đây, nghe một anh bạn cho biết Tràm Cà Mau là nhà văn gốc kỹ sư Phú Thọ tôi thích chí quá muốn hô hóan lên rằng “ Có thế chứ. Làng Phú thọ ta có một văn tài là Bác Tràm anh em ơi !”

Qua nhân vật Hai Hô, trong bài “Phiên phiến tuổi già”, Bác Tràm đã tặng cho độc giả nguyên cả một “cẩm nang”. Chắc tôi không nói quá lời đâu. Cẩm nang gồm những kinh nghiệm quí giá về thuật xử thế đắc nhân tâm, các chỉ dẫn thiết thực về y tế, giữ gìn sức khỏe….và Bác Hai Hô, mới gặp trong truyện của Bác Tràm mà ngỡ như thân quen từ lâu lắm rồi, là một người bạn với cái tâm bồ tát mà chúng ta không thể thiếu được trong cõi đời nhiều hệ lụy này.

Thật là một sự trùng hợp lý thú khi tôi cũng có một bạn thân là anh Hai Hô. Bạn của Bác Tràm là một người bạn hiền có phong thái ung dung, tiêu sái, chắc phải là người có cuộc sống an nhàn hạnh phúc. Còn bạn tôi, chỉ giống được cái nước hiền và….hô thôi. Cái khác đáng buồn ở đây là bạn tôi “ở hiền” mà chẳng “gặp lành”, chỉ gặp toàn…dữ dằn và sóng gió thôi. Nhân tiện, vì cảm hứng sau khi đọc bài văn của Bác Tràm, xin kể chuyện đời của người bạn hiền cho anh em nghe chơi.

Dĩ nhiên, Hai Hô cũng chỉ là biệt danh mà thôi. Nhìn hàm răng hô chìa của anh mà thấy tiếc cho một gương mặt đầy những nét thanh tú. Nhưng anh chàng không có chút mặc cảm nào cả. Bị bạn bè chọc ghẹo thế nào cũng chỉ cười. Thậm chí, khi lên trung học tụi bạn quá quắt còn làm thơ để ngạo :

Anh Hai người gốc Bến Tre,
Có cái bàn nạo anh khoe tối ngày !

thì chàng cũng cười trừ. Nói đáng tội, không biết có vui nổi không nữa, vì hàm răng của Hai Hô lúc nào mà chẳng trông giống như cười !

Hai Hô sinh quán ở Sơn Tây, cả nhà chạy giặc về Hà Nội rồi di cư vào Nam luôn. Chúng tôi quen nhau khi cả hai cùng vào học lớp nhì một trường tiểu học ở Saigon. Vì là trường tư nên lớp rất đông, trai gái học chung, lớp có tất cả là 53 đứa và phe “ăn cá rô cây” thiểu số chỉ có 4 tên : tôi, Hai Hô, hai anh em Thiết và Thực. Lớp học đông quá và lại có lắm đứa quỉ quái, lấy sự chọc phá gây hấn làm trò vui nên phe yếu thế chúng tôi phải tự động đòan kết lại để “sinh tồn”. Hai Hô thì quá hiền lành nên không có một chút khả năng tự vệ nào cả, tôi chỉ còn trông cậy vào hai tên kia. Thiết có vẻ gan lì nhưng hễ mở miệng ra là nói chậm rãi, thủng thẳng nghe sốt cả ruột và lại hay lý sự…cùn nên có biệt danh là Cụ Thiết. Thực nhỏ hơn anh một tuổi nhưng học cùng lớp. Chỉ có “chú Thực” là bảnh nhất. Thiết hay gọi em một cách thân mật và rất “bắc kỳ” như thế nên bị phe “giá sống” chọc ghẹo tới bến. Thực lúc nào cũng hiên ngang và sẵn sàng để “húc”. Chú ta vẫn thường tự hào là : “ Em đã từng là tự vệ của nhà thờ ở giáo xứ mà. Mấy thằng nhóc này em “húc” văng mấy hồi, các anh đừng lo !”. Chú em Phát Diệm này, tôi đóan nếu có theo tự vệ chắc chỉ là điếu đóm, thôi cứ để chú ấy ba hoa không chừng lại được việc ! Có một điều ai cũng thấy là anh em nhà Thiết Thực chẳng bao giờ mang mặc cảm là dân mới và không sợ cái gì cả nên phe “bốn thằng bắc kỳ con” còn có thớ một tí. Giáo viên lớp nhì, thầy Lâm, là một thầy dạy hay, rất nghiêm túc và giỏi văn nghệ nên học trò rất nể trọng. Tuần nào cũng thế, vào ngày học chót là thầy mang guitar vào lớp đàn cho học trò hát. Đứa nào tình nguyện hát trước thì được quyền chỉ định người kế tiếp, nếu không hát thì phải làm một trò vui khác. Lần nào tới phiên thì cả hai anh em Thiết Thực đều cùng lên hát. Hát rất vững nhịp nhưng chất giọng “đặc sệt” dân miền biển đã làm cho hai bạn của tôi trở thành họat náo viên bất đắc dĩ. Mỗi lần hát đến những chữ như “ na ná na nà na nà…” hay “ nầm nỡ… nung nay…” là cả lớp cười ầm lên. Mặc cho ai cười cứ cười, ai huýt gió cứ huýt.. hai chàng vênh mặt lên tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra và tiếp tục hát rống to thêm cho đến hết bài luôn.

Thỉnh thỏang Hai Hô cũng bị chỉ mặt, làm trò hề thì bố bảo cũng không dám nên chỉ còn hát hò thôi. Lần đầu bước lên bục trông Hai Hô lúng túng đến tội nghiệp, đầu cúi, mắt nhìn xuống một lúc mới nhướng mắt lên nói khẽ “ hát bài Ông Lái Đò ”. Sau phần dạo nhạc của thầy Lâm, khi Hai Hô cất giọng ca thì không khí náo nhiệt của lớp dịu xuống ngay vì Hai Hô hát hay quá. Thầy giáo vừa đàn vừa gật gù tán thưởng, bạn học có đứa ngày thường hay chọc phá há hốc mồm ngạc nhiên. Lần thứ nhì Hai Hô cũng hát bài đó, và những lần sau nữa cũng vẫn “Ông lái đò”; có đứa la hét nhưng cứ hát tỉnh bơ, ai chịu thì nghe, không chịu thì thôi ! Sau mỗi lần trình diễn, anh chàng ca sĩ kỳ cục này trở về bàn ngồi bên tôi cũng cười vui và thì thào : “ Mày thấy không….Bọn con gái vỗ tay ào ào đó. Chỉ có mấy thằng phá thối la ó thôi ! "

Vào giờ văn nghệ vui vẻ hò hét chút đỉnh không sao, chứ ngày thường thì bị phạt. Hình phạt ở trường tôi dạo ấy không bị đánh đòn mà chỉ phải “nhún”, hay còn gọi là “thụt dầu”. Không thuộc bài lần đầu nhún 20 cái, và cứ nhân lên hai hoặc ba cho các lần sau. Nghịch phá, 50 cái. “Tội nhân” phải lên đứng trước bảng đen, quay mặt xuống lớp, tay phải véo tai trái, tay trái véo tai phải rồi nhún người lên xuống. Nhẹ nhàng thế thôi, nhưng đứa nào cũng sợ vì bị mấy đứa con gái cười cũng ê mặt lắm ! Đó là chưa kể, vô phúc cho tên nào lúc đang thụt dầu có thầy Hiệu trưởng đi ngang qua lớp, dừng lại xem và hỏi cớ sự thì đố khỏi bị gia tăng thành “thụt dầu có phụ diễn văn nghệ” nghĩa là phải hô to từng chữ theo nhịp nhún, thí dụ như “ tôi … không… dám… nói…chữ… Bắc … kỳ …nữa…” cho đến khi xong hình phạt mới thôi. Chỉ có một tên không sợ vì đã bị phạt quá nhiều lần thành ra chai lì. Đó là thằng Khóai, “hung thần” của cả trường. Trong giờ ra chơi, cái bản mặt đen xì sần sùi của nó ló đến đâu là có chuyện ở đó. Không chọc phá bậy bạ thì cũng gây sự đánh nhau. Làm thành một cặp bài trùng với Khóai là thằng em tên Sướng, học lớp ba. Anh khoái em sướng. Đã thiệt ! Thằng em có cái miệng chửi thề liên tục, trình độ mất dạy còn hơn thằng anh một bậc. Hai tên du côn này chiếu cố “tụi Bắc kỳ” rất kỹ, nhưng chưa có gì quá đáng nên “phe thiểu số” cũng nhường nhịn, bỏ qua cho yên chuyện. Cho đến một hôm, vì tức nước vỡ bờ, nên chuyện xô xát đã không tránh được. Hôm đó, gần đến giờ ra chơi Hai Hô móc túi ra một nắm tiền cười cười bảo “ Xem này, tao hoạnh tài mày ạ. Hôm qua, Bố tao chơi tổ tôm “ù” liền mấy ván, tan sòng ông cụ cho mỗi đứa một nắm tiền. Tí nữa, tao với mày chạy qua chợ uống nước mía rồi mua lạc về cho anh em cụ Thiết ăn với mày nhé !” Chuông reo. Hai đứa vừa ung dung bước ra khỏi cửa lớp thì thằng Khoái chạy xô vào đụng Hai Hô té xuống. Không chờ cho Hai Hô đứng dậy, hắn xấn tới chỉ mặt và xỉa xói “ Đui không thấy đường sao mậy ?... ĐM mấy thằng BK !... Ăn đậu phọng thì nói ăn đậu phọng, còn bày đặt lặc… ..lặc..Lặc cái con c. tao nè ! ” Thì ra thằng này đã rình nghe chúng tôi nói chuyện và cố ý gây sự chứ không phải vô ý đụng nhằm người. Nhìn xuống gương mặt ngơ ngác sợ sệt với đôi mắt đỏ hoe của Hai Hô tôi tức uất cả người, quay lên thấy khuôn mặt vênh váo của tên mất dạy tôi không còn nhịn nổi. Dùng hết sức mình tôi xô hắn ngã ngửa ra sau. Vừa chửi thề vừa gượng đứng dậy xong, Khóai lao ngay vào người tôi đấm đá túi bụi. Tôi cũng đã trả đòn thật quyết liệt với một sự tức giận chưa từng có. Không biết có phải là tôi may mắn tránh né được hay đã trúng đòn mà không cảm thấy đau trong cơn nóng giận, vì khi Khóai lùi bước tôi dừng tay, nhìn lại mình không thấy thương tích gì cả, còn đối thủ của tôi tay trái ôm lấy miệng đang chảy máu và một mí mắt bên phải bầm tím. Khi đó tôi mới cảm thấy sợ, quay lại thấy Hai Hô cười rồi nắm lấy một cánh tay tôi lôi chạy qua bên kia đường, mặc cho Khóai lủi thủi đi về phía sau trường. Ly nước mía của chú Phóng mọi ngày ngon thế sao hôm ấy nhạt thếch ! Mua xong một gói lạc, Hai Hô đòi về trước một mình để nghe ngóng tình hình xem sao đã, nhưng tôi không dám để cho bạn đi như thế, nhỡ bị trả thù thì làm sao. Cuối cùng thì hai đứa cùng trở về sân trường. Sinh họat giờ chơi vẫn như mọi ngày. Không thấy bóng dáng Khóai, còn anh em Thực đang ngồi ở gốc cây phượng ngóng cổ sang bên kia đường chờ bạn về. Bốn đứa cùng ngồi xuống, giở gói lạc ra ăn. Tôi không nuốt nổi một củ nào dù lạc còn nóng hổi và thơm phức. Dù là tự vệ nhưng lỡ tay đánh hắn thương tích như thế biết làm thế nào bây giờ. Tôi chưa từng đánh nhau với ai. Cứ nghĩ đến phải xô xát là tôi đã sợ rồi huống hồ gì đánh người khác bị thương. Lòng tôi bồn chồn lo sợ. Chỉ còn biết cầu Trời khấn Phật thôi. Lâm râm khấn nguyện một hồi mà cũng chưa thấy yên tâm. Tôi chợt nhớ là tôi còn Bà Mẹ Sanh của tôi nữa. Ở nhà, bà Ngọai tôi thường nói với anh chị em tôi rằng mỗi người đều có một Bà Mẹ Sanh phù hộ. Mẹ sanh Mẹ độ. Nhớ đến Bà và siêng cầu nguyện thì Bà phù hộ, độ trì cho các con thông minh sáng dạ, học hành giỏi giang. Thế là tôi thành tâm khẩn cầu với Bà : “Hôm nay con không cần xin thông minh hay học giỏi gì cả, con xin chỉ bị phạt bơm dầu 50 cái. Hay là một trăm cái có phụ diễn văn nghệ cũng không sao. Đừng để cho nhà trường báo về cho phụ huynh biết hay đuổi học thì đời con khốn nạn lắm !” Khấn xong, mở mắt ra thấy Hai Hô và cụ Thiết vẫn ngồi yên nhìn tôi lo lắng quên cả ăn, chỉ có mình chú Thực sơi ngon lành. Để cho bạn vì mình mà lo sợ thật không phải, tôi cảm thấy thương mấy thằng bạn quá. Để cho không khí bớt nặng nề tôi tự trấn tỉnh, quay sang Thực cười và làm bộ trách móc: “ Lúc giặc tấn công chú em dân quân tự vệ lỉnh đi đâu mất tiêu thế ? ” Thực ngừng nhai, mặt nhăn nhó : “Kh..ô..ồ..ng ! Em ở đó chứ có đi đâu. Em phải canh chừng thằng Sướng chứ. Mấy lần nó định xông vào nhưng em trừng mắt ghê lắm nó mới không dám động tịnh đấy anh ạ ! ”

Chuông reo. Cả bọn uể oải đứng lên. Vào lớp thấy thằng Khóai đã ngồi yên vào chỗ, mặt cúi xuống, một tay còn che miệng. Thầy giáo tiếp tục cho làm bài tập. Tôi lâu lâu lại liếc nhìn Thầy, trong lòng hồi hộp lo âu. Gần tan học, bất ngờ thầy nhìn thấy, kêu Khoái đứng dậy hỏi nguyên do. Hắn trả lời thật tỉnh “ Thưa Thầy, em bị té ! ” Tôi thở ra nhẹ nhõm. Thế là hết sợ bị đuổi học, chỉ còn đề phòng anh em nó đánh trộm để trả thù mà thôi. Ngày hôm sau không thấy Khoái đi học chúng tôi lại đâm lo. Sau khi bàn bạc, nhà thông thái Hai Hô bảo anh em Thiết phải cùng với hắn đi theo tôi về tới nhà rồi mới chia tay, sợ tôi bị “phục kích” bất ngờ ! Lo xa thế cũng phải, nhưng đã không có chuyện gì xảy ra. Ngày kế, Khoái vào lớp trông bình thản, môi đã hết sưng chỉ có mắt còn hơi thâm. Cả ngày hôm đó cu cậu ngồi yên nín khe, quên luôn thói xoay ngang xoay ngửa chọc ghẹo phá phách bạn bè.

Mấy ngày học trôi qua êm ả. Bất ngờ một hôm,vào giờ ra chơi anh em Khóai tìm tôi và Hai Hô xin bắt tay. Không biết là bắt chước phim ảnh hay học ở đâu mà bọn nhóc tì tiểu học lúc đó cũng bày đặt ra điều lịch sự, cái gì cũng bắt tay. Trước khi ấu đả bắt tay rồi giơ nắm đấm lên và hô : “tay đôi”. Làm hòa cũng bắt tay, rồi nắm vai, hô : “bồ tèo” ! Thế là từ cái ngày đẹp trời đáng nhớ ấy hai “đầu đảng” Khóai Sướng và cả bọn phá phách trở thành bồ tèo của bốn tên Bắc kỳ. Người vui nhất là Hai Hô, vui ra mặt. Tôi thầm cám ơn Bà Mẹ Sanh của tôi. Quyền phép của Bà thật linh hiển vô biên, không những độ cho tôi không bị đuổi học mà còn biến hai tên du côn thành người vui tính và dễ mến. Từ đó, giờ ra chơi hình như ngắn lại vì đầy những trò chơi náo nhiệt. Chúng tôi tham gia những trò chơi mạnh bạo mới mẻ như “táng u” hay “táng cõng”. Trong các món chơi này anh em Thiết tỏ ra xuất sắc làm cho mấy tên “cựu thù” chạy phờ người. Hai Hô cũng hòa mình vào các trò chơi và bớt trầm lặng hơn trước.

Trường tôi học đối diện một cái chợ thật lớn, ngay bên kia đường đầy những hàng quà bánh rất hấp dẫn. Vào giờ ra chơi, dù là bị cấm chạy qua đường sợ tai nạn xe cộ, nhưng thế nào cũng có tên mắt trước mắt sau xem không có ai để ý thì chạy vụt sang mua quà giùm cho cả bọn. Tội nghiệp cho bạn hiền Hai Hô của tôi, trước kia hay né tránh và thu mình lại vì sợ bị chọc phá, nay tung tăng hớn hở chạy lăng quăng khắp nơi. Bà Đốc học ( bọn tôi quen gọi bà vợ của thầy Hiệu trưởng như thế) thường đi chợ về vào giờ học trò ra chơi. Chúng tôi luôn chào bà một cách lễ độ, riêng anh chàng Hai Hô lúc nào cũng khoanh tay cúi đầu. Có một hôm, bà vừa bước lên lề đường thì làm rơi một túi nhỏ, Hai Hô nhanh nhẹn chạy lại nhặt lên và còn xách giùm cho bà một túi lớn mang luôn vào nhà bếp. Khi trở ra tôi thấy Hai Hô dúi nhanh vào tay Xuyến, cô bạn học cùng lớp có khuôn mặt bầu bĩnh trông rất xinh, một món gì đấy. À, thì ra cô cậu “mết” nhau rồi . Thảo nào cô bé hay gọi cậu chàng rất ngọt là “ Anh Hai ơi!” thay vì gọi tên. Khi vào lớp tôi hỏi : “ Tớ thấy rồi nhé. Anh Hai tặng em gái món quà gì thế ? ” Hai Hô nhìn tôi, ấp úng “ Nói khẽ chứ mày… không, tụi nó cười. Có gì đâu… bà Đốc học cho tao cái bánh bông lan… tao không muốn ăn nên cho cái Xuyến thôi. ” Tôi làm bộ chép miệng : “ Tiếc thật. Sợ tụi bạn nó cười thì cho tao ăn.” Hai Hô : “ Ừ nhỉ..” Ngưng vài giây rồi tiếp: “ Nhưng mà….” Xong lại ngưng, nhíu mày nhăn mặt như ngại diễn tả điều thật khó nói. Mãi chả nói được gì, Hai Hô nhìn tôi, phô cái “bàn nạo dừa” ra cười như anh ngố.

Chúng tôi lên lớp nhất. Trước khi ghi tên cho tôi học trường này, Bố Mẹ tôi đã dò hỏi và biết là trường đã có tiếng là dạy rất hay vì năm nào tỉ số học sinh trúng tuyển vào trường trung học công lập rất cao. Năm ấy, tổng số học sinh lớp nhất, vừa từ lớp nhì lên, vừa thêm học sinh mới, lên đến 90 nên phải chia ra làm hai lớp. Bốn tên Bắc kỳ được xếp chung một lớp và lại được học với thầy Lâm. Chúng tôi đã học hành chuyên cần lắm vì đứa nào cũng đông anh chị em, nếu thi đậu vào trường công sẽ đỡ tốn kém cho gia đình nhiều lắm. Hai Hô vẫn là học trò ngoan và giỏi nhất lớp. Một hôm, khi tan lớp Thiết bao cả bọn uống nước mía. Hai Hô lén nhìn tôi nháy mắt như thầm bảo : “ Chuyện lạ, hôm nay “cụ” chơi sang. Chắc lại bày vẽ gì đây.” Thật vậy, Thiết đã nài nỉ Hai Hô chấp nhận một đề nghị mà anh chàng cho là sáng kiến rất độc đáo về việc thi đua trong lớp. Tất cả năm lớp của trường đều được khuyến khích học tập và phát “Bằng danh dự” hàng tháng cho ba học sinh giỏi của mỗi lớp. Riêng lớp nhất, về môn toán có thi đua rất hào hứng gọi nôm na là “Toán chạy”, nghĩa là sau khi thầy ra đề toán ai làm xong giơ tay lên ngay rồi mang kết quả lên cho thầy xem và chưa công bố cho đến khi có đủ ba người giải đáp đúng. Theo thứ tự trước sau sẽ được cho điểm 10, 9, 8 ghi vào sổ. Đề bài thường luân phiên theo các lọai toán như “động tử” (xe, người chạy) , “vòi nước” (phân số), hình học…… Trò nào làm xong sớm nhất và đúng cho một lọai toán liên tiếp ba lần thì được tặng danh hiệu “Vua”. Thí dụ như “Vua động tử’, “Vua hình học”…..Phần thưởng cho các “Vua” là một món quà do chính thầy Hiệu trưởng ban tặng. Đã qua mấy tháng thi đua mà chả có cô cậu nào soán ngôi của Vua Hai Hô nổi. Bạn hiền của tôi là “Vua của tất cả các môn”. Hãy nghe Thiết thuyết phục Hai Hô: “ Ai cũng phục mày là giỏi, nhưng tao thấy mày chiếm hết các ngôi vua một mình như thế cũng không hay. Hãy nhường cho hai đứa tao vài môn thì được tiếng cả bọn mình không hơn à ?! ” Cuộc “đàm phán” khá găng. Tôi không góp ý vì thấy hơi kỳ cục. Hai Hô nhất định không chịu, cuối cùng bảo: “Tao chả giỏi gì hơn chúng mày đâu. Nếu mày cố nhiều thêm sẽ hơn tao thôi mày ạ. Tao không thích cái trò ma giáo ấy đâu ! ”. Thiết giận lắm và sau đó cố gắng thật. Hai anh em Thiết Thực không còn đi học trễ như trước. Chừng vài tuần sau Thiết “hạ” được Hai Hô môn “vòi nước” và “xưng vương”. Ngồi kế Hai Hô, làm sao mà tôi không biết, cứ đến đề tài toán vòi nước thì thấy cu cậu làm chậm lại chờ cho bạn giơ tay lên trước. Trong thầm lặng, tôi thán phục Hai Hô, thằng bạn hiền mới tí tuổi đầu mà đã biết xử sự với bạn thật cao quí, không thua gì Lưu Bình ngày xưa !

Thi đua với nhau trong lớp, với lớp nhất kia do chính thầy Hiệu trưởng dạy dỗ, cố học để đậu Tiểu học và được tuyển vào trường công với hạng thật cao nên một năm học trôi qua thật nhanh. Cuối năm ấy, trong số 62 học sinh của trường đậu cuộc thi tuyển vào đệ thất trường nhà nước có bốn tên “rau muống” và một “giá sống trụng nước sôi” là Khóai. Tỉ lệ học sinh thi đậu tròm trèm 70 phần trăm năm ấy đã mang lại cho trường chúng tôi tiếng tăm vang dội. Đáng nói hơn nữa là có bốn học sinh đậu cao trong hạng từ 1 đến 50. Người dẫn đầu cũng vẫn là Hai Hô. Ngoài phần thưởng của trường, thầy Lâm còn thưởng cho bốn trò đậu cao một chầu kem ở Bonnard, và đi bằng taxi đàng hòang. Năm thầy trò chất lên chiếc xe Renault nhỏ xíu trông như con cóc, sơn hai màu vàng lục. Khi xe chuyển bánh Hai Hô cất tiếng hát nho nhỏ, giọng khóai trá: “…Đi bờ hồ, ta chén kem kẹo dừa…”. Thằng bạn ngồi kế cười hỏi ca bài gì, Hai Hô không trả lời đổi tông ngay: “…. Đi Bô Na, xực cà rem nước dừa…”. Chú tài xế taxi ngoảnh đầu lại, tủm tỉm cười. Thầy Lâm thấy vậy kể là mấy thầy trò đi ăn kem để mừng thi đậu đệ thất. Lúc đến nơi, chú tài nhoài người về băng sau bắt tay bốn đứa và nhìn Hai Hô nói: “ Dân Hà nội phải không ? Chúc mừng các cậu! ” làm chúng tôi mừng và cám ơn rối rít. Thêm vui vì hai đứa tôi gặp đồng hương, chú ấy nói giọng Hà thành rất ấm cúng.

Chúng tôi rời mái trường tiểu học thân thuơng với nhiều kỷ niệm tuyệt đẹp, suốt đời không quên. Vào lứa tuổi ngây thơ, những đứa bé phải đột ngột rời xa quê cha đất tổ, từ giã phố phường êm đềm thơ mộng với những góc phố rêu phong của tuổi thơ tung tăng chân sáo, theo gia đình về miền đất mới tự do chan hòa nắng ấm, nồng đậm tình người; tâm hồn chúng tôi như những khung vải trắng tinh khôi, may mắn được những họa sĩ tài ba vẽ nên bức tranh đẹp vô ngần. Những “họa sĩ” ấy là thầy giáo Lâm tài giỏi và nghệ sĩ, ông Đốc học nghiêm nghị với đôi mắt long lanh sau cặp kính cận dày cộm, một nhà giáo điển hình cho những nhà mô phạm đáng kính của miền Nam, bà Đốc học hiền lành, còn hiền hơn bà Ngọai của tôi….và còn nhiều nữa…kể cả “kép độc” Ba Khóai, và…. một lô bạn gái cùng lớp với những nụ cười má lún đồng tiền nhìn thấy mát cả lòng.

Tôi và Hai Hô lại được học chung lớp đệ thất. Vào trung học tôi thấy mình như lớn hẳn lên. Trường ốc rộng lớn, khang trang; các giáo sư thật nghiêm nghị, oai vệ; còn học sinh mặc đồng phục rất nghiêm chỉnh. Buổi lễ chào cờ đầu tiên của ngày khai trường đã để lại trong tôi một ký ức khó quên. Tất cả học sinh sắp hàng theo từng lớp, đều đặn và thẳng tắp. Giáo sư cũng sắp hàng giữa hành lang, Ông Hiệu trưởng ung dung đứng phía trước. Nhìn ông tôi nhớ ông Đốc học trường tiểu học của tôi quá. Cũng gương mặt đầy cương nghị với đôi kính cận dầy cộm, chỉ có khác là ông cao lớn hơn nhiều. Hai anh lớp lớn từ từ bước đến cột cờ để buộc quốc kỳ vào dây. Một anh có nhiệm vụ kéo lá cờ lên, còn một anh quay lại hướng về phía thầy cô, sau khi hô to : “Nghiêm ! Chào cờ. Chào.” Anh bắt giọng cho tất cả cùng hát bài quốc ca. Chúng tôi đã hát thật to và nghe lòng rộn ràng đầy phấn khích. Trong suốt cuộc đời, tôi đã từng chào cờ không biết là bao nhiêu lần, quốc kỳ, hiệu kỳ, đòan kỳ, quân kỳ.. nhưng chưa bao giờ tôi có được sự xúc động như buổi sáng đẹp trời hôm ấy. Đứng kế bên tôi, Hai Hô vừa hát vừa ngước nhìn lá cờ đang lên cao dần, mắt ngời sáng long lanh.

Suốt học trình trung học Hai Hô là một học sinh xuất sắc ở mọi lãnh vực, kể cả văn nghệ. Chàng có tài ngâm thơ, và cũng như ca hát, chỉ thích biểu diễn có một bài mà thôi. Đôi mắt người Sơn Tây. Mỗi lần ngâm đến câu: “Thóang hiện em về trong đáy cốc..” là đôi mắt mơ màng như sống lại với kỷ niệm xưa. Bạn bè trêu ghẹo “Chắc chàng đang hư cấu mình là một chiến sĩ từ chinh chiến sắp ra đi và gặp nàng đang ở thành Sơn chạy giặc về….” thì Hai Hô cũng chỉ cười thôi. Góp vui trong những dịp văn nghệ thì cũng chỉ hát bài “Ông lái đò”. Chỉ khác là Hai Hô hát hay hơn với nhiều xúc cảm hơn xưa. Khi được yêu cầu hát thêm bài khác chàng chỉ lắc đầu. Có đứa không vui, bảo “ Số thằng này chắc nữa sẽ làm ông lái đò thôi”. Nói đùa thế mà đúng. Hai Hô sau này làm “ông lái” thật. Nhưng không phải là ông lái tàu đò mà là ông lái tàu chiến. Tàu to lắm, có súng liên thanh đại bác nên sau ngày “sập trời” chàng phải trả giá bằng mười năm dài lao lý.

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nếu tính như thế thì bạn tôi đã bị đọa đày tới ba mươi sáu triệu rưỡi “ngày” trong địa ngục trần gian. Tấm thân gầy mảnh khảnh của Hai Hô càng ngày càng xơ xác, mỏng như chiếc lá khô phất phơ trong giông bão. Mấy năm đầu cải tạo chàng sống lủi thủi như một cái bóng bên cạnh những bạn đồng cảnh. Cho đến ngày tù được thăm nuôi chàng vẫn là “con bà phước”. Bạn bè nhận được tiếp tế chia xẻ cho thì chàng từ chối mọi thứ, chỉ nhận một bi thuốc lào. Khi được an ủi thì Hai Hô bảo: “Buồn mà làm gì. Tiếc mà chi. Mình chỉ là một phận đời nhỏ nhoi trong dòng sinh mệnh bất hạnh của cả nước thôi bạn ạ !”. Sau câu nói nghe ra thuận tình cạn lý ấy bạn tù không còn xem Hai Hô như một người “dở hơi” nữa. Bất chợt một hôm, anh em thấy Hai Hô tươi tỉnh sau khi đọc thư nhà, lá thư đầu tiên mà chàng đem khoe ngay với anh bạn tù nằm kế bên, nội dung lá thư ai đọc cũng thấy êm tai nên mới lọt qua vòng kiểm soát của trại tù. Vợ chàng viết :“Chấp hành nghiêm chỉnh lời kêu gọi của nhà nước nên em sẽ mang hai con lên sống ở vùng kinh tế mới với cậu Long….. Anh cứ phấn đấu học tập tốt để sớm được khoan hồng…”. Chàng không dám thố lộ với mọi người là Long, em vợ, được học bổng Colombo du học Úc từ năm 1974. Hai Hô cảm thấy như được tái sinh, nỗi buồn lo cho tương lai hai đứa con trai không còn nữa. Gánh nặng oằn vai người tù khốn khổ đã được cất bỏ. Từ đó, Hai Hô bắt đầu tham gia vào sinh họat nhóm bạn tù gần gũi và tin cẩn. Thời tuổi trẻ của một người say mê văn nghệ như chàng là thời của những bài ca trữ tình lãng mạn qua các giọng hát nồng nàn, mê đắm của Paul Anka, Charles Anavour, Nat “King” Cole… Sau một ngày lao động mệt nhòai, dăm ba tấm thân còm cõi chân lê không vững tụ lại bên ánh lửa của điếu thuốc lào thỉnh thỏang lóe lên yếu ớt, lắng nghe giọng ca tuy không còn mạnh mẽ nhưng vẫn nồng nàn của Hai Hô hát lại những bài xa xưa ấy, cũng được ít phút ấm lòng. “Phước bất trùng lai..” nhưng “hoạ” thì “vô đơn chí” mới khổ. Hát khe khẽ cho bạn nghe thôi nhưng cũng có người nghe được và báo cáo. Biện bác là hát nhạc Liên xô thì may ra còn gạt được lũ người rừng, chứ với bọn ăng ten thì khỏi. Cái lũ ma đã bán linh hồn cho sa tăng này đã không từ mọi thủ đoạn đê hèn để hãm hại anh em chiến hữu. Hai Hô bị cùm hai tuần về tội truyền bá nhạc ngoại quốc đồi trụy. Lững thững đi theo quản giáo rồi chui vào hộp sắt, khi cho ra lại chệnh choạng, bước thấp bước cao trở về lán, cười với anh em như không có việc gì xảy ra. Nhìn vào mắt các bạn tù chàng hiểu là họ đã xót thương và ái ngại, sợ chàng không chịu đựng nổi cái lạnh trong chiếc hòm sắt ấy vào mùa đông hãi hùng của vùng ma thiêng nước độc nằm sát biên giới Trung hoa. Biết bao người đã từ mấy cái trạm tử thần ấy ra thẳng bìa rừng u tịch để an giấc nghìn thu. Lần biệt giam thứ hai lại đến sau đó không lâu trong một truờng hợp “cười ra nước mắt”. Lũ tù nhân khẳng khiu, rách bươm bị dồn hết cả lên hội trường để nghe cán bộ ở trên phái xuống phổ biến tình hình biên giới. Chẳng khác gì những lần trước, cái “máy phát băng thu sẵn” cứ lải nhải, tiếng được tiếng mất cứ từ tai này chạy ra khỏi tai kia của những cơ thể đói rạc rài, ngồi đó mà đầu óc đang nghĩ về những dĩa cơm Dương châu ở Đồng Khánh đại tửu lầu của ngày về phép thành đô, hay tô thịt rùa hầm nước dừa nhậu với rượu nếp than chôn trăm ngày vào dịp dừng quân ở Tây đô, miền quê hiền hoà gạo trắng nước trong…Bất ngờ có tiếng cười ré lên sau một câu nói xuẩn ngốc của tên cán bộ. Hắn ngừng nói, trừng trừng quét mắt khắp hội trường : “ Anh nào cười ?!... Ai dám chế nhạo cách mạng ?!!....” Không ai lên tiếng. Cặp mắt cú vọ của hắn dừng trên khuôn mặt Hai Hô vài giây rồi hét lên : “À, tên phản động này cười... à… à…Cùm hắn lại ngay.!” Ba thằng vệ binh chạy tới. Hai tên chĩa AK vào đầu, một tên trói giật cánh tay Hai Hô ra sau và dẫn đi. Thật là cái miệng hại cái thân. Ca hát làm gì cho khổ đời. Hàm răng tự nhiên vều ra chứ có cười ai đâu mà bị đọa đày, hở Trời !

Túy ngọa sa trường quân mạc vấn.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Tàn cuộc binh đao, những bại tướng còn biết “hồi” về đâu khi cả nước đã biến thành trại tù khổng lồ. Đem chí trai báo đền ơn nhà nợ nước, những chàng trai khí phách ngang tàng một thời, may mắn sống sót sau cơn bão lửa nay trở thành kẻ sa cơ, đang chịu đựng sự trả thù dã man từ những người mang cùng màu da, nói cùng thứ tiếng. Một câu hỏi còn ám ảnh mãi trong trí kẻ chiến bại bất đắc dĩ là “tại sao thua, và thua đau như thế !” Trong những lúc ngồi riêng với nhau ngậm ngùi ôn lại thời ngang dọc, các nhóm tù thường luận bàn về câu hỏi này. Mọi luận cứ nhằm trả lời cho câu hỏi đều không thể làm vơi bớt nỗi bi hận. Hai Hô đóng góp phần mình bằng câu chuyện mà anh đã đọc khi còn ngồi ghế trung học. Chắc các bạn có đọc văn của Dõan Quốc Sỹ, một nhà giáo viết văn, đã sáng tác nhiều áng văn mang đậm tình người bằng một tấm lòng nhân hậu, trong sáng vô ngần. Có một truyện ngắn của Ông đã làm cho người đọc bàng hòang. Sau này người ta mới thán phục tài tiên tri của nhà văn hàng đầu này của miền Nam tự do. Truyện kể về một trận chiến qui ước nhưng kết quả thật lạ lùng. Một đội quân tinh nhuệ phải chiến đấu thật dũng mãnh và ngoan cường chống lại quân xâm lược. Hùng binh dũng tướng của ta ra sức chống cự, đã giáng cho quân địch những đòn đích đáng nhưng vẫn không ngăn được bước tiến của bọn xâm lăng. Ở tất cả các mặt trận chúng đều xung phong như vũ bão và liều chết cho đến tên lính cuối cùng chứ không chịu ngưng tấn công. Biển người hàng lọat xông lên và hàng lọat gục ngã. Mỗi tên chốt thí trước khi nằm xuống đều hét vang lên tên lãnh tụ của chúng và hô “muôn năm”. Trong một khỏang thời gian tạm lắng dịu phe ta thử đi nhặt xác mới khám phá ra rằng địch quân là hạng “mình đồng da sắt” thật sự. Chúng là người máy chứ không phải người thường, mang phía sau lưng một chiếc máy phát âm có gắn băng thâu tiếng hô lãnh tụ muôn năm, khi trúng đạn ngã xuống thì máy tự động phát ra tiếng.

Quân đội miền nam đã chiến đấu với tất cả sức người, bằng cả một tấm lòng son sắt để giữ vững quê hương tự do. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô ”. Tuy biết thế nhưng đã là dũng tướng muốn chiến thắng cũng cần phải cân nhắc sự thiệt hại sinh mạng của binh sĩ dưới quyền chứ không thể xua quân vào chỗ chết một cách lạnh lùng vô cảm và tàn ác như thế. Hai Hô kể thêm về trận Hạ Lào vào mùa hè đỏ lửa 1972. Anh có một người em hy sinh trong trận trận chiến ác liệt này với số thương vong cao khủng khiếp của cả hai phía. Khi người nhà đến bộ chỉ huy hỏi thăm tin tức thấy bảng tên tiểu đoàn phủ một tấm vải đỏ trông rất thê lương và được cho biết là sau trận đánh hoảng loạn này, cả tiểu đoàn chỉ có một binh sĩ sống sót về được hậu cứ, đó chính là người lính thân cận mang máy truyền tin cho em của anh, đang nằm dưỡng sức ở quân y viện. Gặp dịp nghỉ phép, anh đích thân đến gặp người lính trẻ may mắn được biết thêm những chi tiết mà báo chí cũng như các cấp thẩm quyền không bao giờ tiết lộ. Khi tìểu đoàn thiện chiến của binh chủng trừ bị nhảy vào trận địa vào lúc chập tối thì cường độ trận đánh đã lên cao nhất. Thiết giáp dẫn đầu, đơn vị “tùng thiết” theo dọc hai bên một con lộ để tiến vào mục tiêu. Đi chưa được bao lâu thì địch khai hỏa. Đạn nổ rền cả ba phía, trước mặt và hai bên sườn. Khi bão lửa từ trên trời chụp xuống mấy chiếc tăng dẫn đầu trúng đạn bốc cháy thì cả đơn vị chỉ còn biết nằm bất động để tránh đạn. Không phải là đại bác, phi pháo mà là tiếng nổ kinh hoàng của B.40, rất gần, từng loạt rót xuống từ trên cao. Đơn vị nhận lệnh tạm rút quân. Nhưng khi những toán quân sống sót bắt đầu tháo lui thì lại bị nổ. Như vậy là quân ta đã tứ bề thọ địch. Liên lạc truyền tin lúc bấy giờ không còn dùng ám số hay ẩn danh gì cả mà chỉ là những tiếng gào thét bạch thoại qua ống liên hợp. Bộ chỉ huy mặt trận báo tin dữ, ta và địch đang ở thế cài răng lược và lực lượng hai bên rất chênh lệch, phần bất lợi về phía mình. Thế rồi có tiếng B.52 gầm thét trên không trung và từng loạt bom trút xuống. Trời ơi ! Thôi đành. Biết bao sinh linh thảm tử…..Sau đó ít lâu, Hai Hô gặp một người bạn sĩ quan thuộc bộ tổng tham mưu và nghe kể rằng khi trận đánh kết thúc phái đoàn kiểm tra vào trận địa đã chứng kiến một cảnh tượng não lòng. Đó là những xác bộ đội bị xích chân trên ngọn cây còn sót lại sau trận bom, có những xác một tay ôm súng B.40, một tay còn ôm ghì cành cây, và nhiều xác khác treo lơ lửng với sợi dây xích còn dính trong chân…. Thì ra, mạng người nằm trong tay những “danh tướng” không có trái tim người đã là vật thí cho giấc mộng xâm lăng điên rồ mà thôi.

Tai họa còn chiếu cố Hai Hô nhiều lần nữa. Cứ mỗi dịp lễ lạc là chàng đều bị biệt giam vì đã được liệt vào lọai tù nguy hiểm. Lần cuối cùng là năm 1984, chúng trói gô Hai Hô dẫn lên hội trường để nghe tòa án nhân dân xử tội tuyên truyền chống phá cách mạng. Tòa tuyên bố rằng khung trại nhận được “phản ảnh” từ nhiều cải tạo viên “tiến bộ” là Hai Hô đã nói “Bọn cán bộ 4d : nói dài, nói dai, nói dở và nói dốt ”. “Cán bộ 3d ” là nhận định chính xác mà tù nhân thường nói nhỏ cho nhau nghe, bây giờ thành “4d ” lại càng hay hơn. Không có ai từng nghe Hai Hô nói câu này, chỉ là bọn ăng ten thêm chữ “nói dốt” cho thêm nặng tội mà thôi. Hai Hô được phong cho tước hiệu “ Trùm phản động ” và bị xử biệt giam vô thời hạn. Nhưng Trời còn chưa nỡ bỏ người hiền, sau hai tuần bị cùm trong thùng sắt chàng được thả ra để cùng tất cả anh em chuyển trại gấp rút. Không ai hiểu lý do tại sao, chỉ nghe phong phanh rằng phải di chuyển để tránh biệt kích Mỹ tấn công. Đến trại mới được vài tháng thì Hai Hô được “biên chế” về một trại tù trong Nam và sau đó được thả. Đúng vào ngày thứ 3651 cầm tờ giấy tạm tha chàng bước ra khỏi cổng trại cùng với hai bạn đồng cảnh đón xe về Saigon.

Bước chân vào nhà, người chàng gặp đầu tiên là mẹ. Bà ngẩn người nhìn chàng một hồi rồi mới ôm lấy con mà khóc như mưa. Bà mẹ già lưng còng tóc bạc mòn mỏi chờ con vừa khóc vừa đưa hai tay sờ lên đôi gò má nhô cao, đôi vai và cánh tay chỉ còn xương với da của đứa con yêu của bà mới ngày nào đây trông thật oai vệ trong bộ quân phục. Hai đứa em của chàng cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy anh. Hai Hô phải đến trình diện công an phường. Tên trưởng đồn thu giấy tờ và lạnh lùng nói :
- Anh học tập tiến bộ nhà nước tạm tha. Về địa phương, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp tục giúp đỡ anh trở thành công dân tốt. Anh chỉ đuợc tạm trú ở nhà của mẹ anh ba ngày, sáng sớm thứ hai anh ra đây đúng 6 giờ, phường sẽ chiếu cố cấp cho anh phương tiện để đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới.

Trở về nhà anh chỉ dám báo tin buồn này cho hai em và dặn không cho mẹ biết, chỉ nói là anh đi làm với một người bạn thôi, sớm muộn gì thì anh cũng sẽ trốn về rồi sau sẽ liệu.

Hai Hô cùng với hơn mười gia đình khốn khổ bị đẩy lên một xe bộ đội được đưa đến một vùng gọi là kinh tế mới chỉ có lèo tèo dăm chòi lá xiêu vẹo có người ở, còn lại chừng vài chục khỏanh đất có vẻ như đã được san phẳng để làm nhà. Tên công an áp tải dẫn anh đến một chỗ có để sẵn một ít lá chầm và mươi thân cây nhỏ cùng với một cái cuốc không có cán và bảo:

- Đây là “hộ” mới của anh. Nhà nước ta còn nghèo chỉ giúp được như thế. Anh phải phấn đấu lao động để góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thế là chàng “phấn đấu” cất một cái chòi nhỏ với chỉ có một “trái tim vàng”, không có tình yêu nhưng có gió mát vì tứ bề trống hoác. Cất chòi xong, Hai Hô bắt đầu vỡ đất sau chòi để chuẩn bị trồng hoa màu theo chỉ tiêu lương thực. Một buổi xế chiều, đang ngồi bó gối trên mảnh nóp nghĩ ngợi mông lung, nhìn ra đường Hai Hô thấy hai người đàn ông đi tới. Tên đi đầu là công an xã mặt đen đủi và choắt lại như con khỉ già, hôm nay hắn mặc quần đùi đi chân không, mặc áo vàng không cài nút. Cùng đi với hắn là một ông già dáng vẻ thật quắc thước mặc đồ bộ đội, đeo sắc cốt nhưng không mang cấp bậc. Tên công an chỉ vào chòi rồi bước ra xa đứng chờ. Ông bộ đội khom mình bước vào chòi lá. Thấy chàng dợm đứng lên, ông ra dấu đừng và ung dung ngồi xuống, nói khẽ:

- Chắc cậu không nhận ra tôi. Tôi là em rể ông Quỳnh…

Hai Hô mừng quá reo lên:

- Cháu nhớ rồi. Chú Dụng. Chú lặn lội lên đây có việc gì thế ?

- Thật là may cháu còn sống sót và được thả. Thôi chú vắn tắt. Chú lên đây để đem cháu về. Đừng hỏi gì thêm cháu ạ. Ta đi ngay bây giờ. Cháu cứ bình tĩnh, chú đã lo liệu mọi việc. Về nhà mình nói chuyện.

Ông Dụng đứng lên, bước ra đường vẫy tay. Hai Hô bước ra theo. Thằng công an trở lại, nhận một bao thư từ tay ông. Sau khi mở ra đếm tiền hắn bảo:

- Đồng chí phải đưa anh này trở lại đây trước khi trời tối. Nhớ đấy.

Hai người đi ra ngoài lộ cái. Trên đường đi ông kể sơ cho Hai Hô biết là gia đình đã chuẩn bị xong ghe cộ, chờ chàng về lái đi thôi. Ra đến lộ chàng thấy hai chiếc xe gắn máy chờ sẵn, hai thanh niên lái xe trông giống nhau lắm, nhìn chàng cười. Ông Dụng móc túi đưa cho chàng một bao thư dày, bảo:

- Kể từ giờ này cháu là Trần Văn Hải, ngày và nơi sinh như cũ, là công nhân viên của phòng vật tư tỉnh Sông Bé, về thành phố mua hàng. Trong bao thư có đầy đủ giấy tờ và tiền để cháu xài. Cháu đi trước, chú chạy theo sau.

Chàng ngồi lên xe. Chú tài nổ máy lao nhanh rồi quay đầu lại cười:

- Chắc ông anh không nhận ra thằng em này. Cường đây ! Ngày anh đi tù em mới được 8 tuổi thôi. Anh Tuấn đang đèo Bố đằng sau.

Chàng thêm phục ông chú quá chu đáo khi Cường ngừng xe, đưa cho chàng một bọc nhỏ, chỉ vào bụi cây bên đường nói:

- Anh thay bộ đồ khác cho giống công nhân viên nhà nước.

Chàng trở ra với một bộ dạng khác hẳn, quần kaki xanh áo trắng dài tay bỏ ngoài, chân đi dép da. Quần áo cũ nhưng tươm tất lắm. Cường nhìn thấy cười hì hì :

- Giống lắm, anh “cán bộ” ơi ! Giống hơn Bố giả làm bộ đội.

Đường đi không gặp trở ngại nào có lẽ nhờ “cán bộ” Hai Hô trông giống dân mã tấu thứ thiệt lắm. Về đến nhà chú Dụng đã gần nửa đêm. Cả nhà còn thức để chờ. Chàng chưa kịp tỉnh hẳn cơn mê, bàng hoàng như vừa thức dậy sau một giấc mơ hãi hùng. Vào đến nhà thật bất ngờ được Mẹ chàng ra đón. Lần này Bà cụ không khóc mà cười bảo:

- Thế là Mẹ sắp gặp lại hai thằng cháu cưng rồi con nhỉ ? Mẹ nhớ chúng nó quá. Hai thằng chó con xa Bà đã hơn 6 năm rồi còn gì !

Chàng nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy của Mẹ không nói được tiếng nào, nước mắt rơi lả chả. Những giọt lệ chan hòa nỗi vui mừng và hy vọng. Chàng tự nhủ vậy là mình lại sắp được ra biển Đông. Số của mình còn gắn bó với biển khơi. Tổ quốc – Đại dương, chí trai tang bồng hồ hải, biển cả ngang dọc một thời, nay lại được làm thuyền trưởng. Nhưng không phải, ghe trưởng thôi. Mới có mười năm mà xuống cấp dữ quá. Nhiệm vụ lần này cũng rất quan trọng. Chàng sẽ đưa Mẹ, hai em cùng thân bằng quyến thuộc thoát khỏi nanh vuốt của loài quỷ đỏ. Hai đứa em kế của chàng đã đi lọt trước đây vài năm, đang định cư ở Úc, nếu xuôi chèo mát mái chuyến này, cả gia đình sẽ được đoàn viên. Chàng rùng mình nghĩ lại mười năm lao lý đã qua, ngày dài lê thê, đêm đen sâu thẳm thê lương trong nỗi nhớ thương Mẹ già và vợ hiền con thơ. Hai thằng con yêu dấu mà chàng đã tả dung mạo của chúng với bạn tù là “ Hai chú nhóc giống tớ lắm, giống đủ thứ, trừ hàm răng hô. Mô Phật ! ”

Chuyến đi thành công như mọi người mong đợi. Lên đảo được bốn tuần thì chàng nhận được thư của vợ con. Kèm theo bức thư thật dài và xúc động với cả ba tuồng chữ có một tấm hình vừa xem qua chàng muốn nhảy cẫng lên vì thích thú. Hình chụp ở một bến tàu nào đó. Hai chú nhóc mặc đồ sĩ quan hải quân, chào tay đúng nghi lễ quân cách, mặt làm nghiêm nhưng trông tếu không chịu được. Vợ chàng và cậu Long đứng tươi cười ở hai bên. Con trai đầu lòng năm nay mới 14 tuổi, nhưng mặc quân phục đã thấy cao hơn mẹ rồi. Đây chắc là sáng kiến của Long, người em vợ thông minh và tài hoa của chàng. Đêm đó, chàng nằm mơ thấy mình và vợ được tham dự lễ mãn khóa sĩ quan hải quân hoàng gia Úc của con trai đầu lòng. Chàng oai vệ trong quân phục hải quân đô đốc, còn vợ chàng xinh tươi với áo dài nhung trắng có thêu một đóa hoàng lan thật quí phái. Tan lễ, cậu quan con chạy đến, đứng nghiêm chào quan bố : “ Tân thiếu úy….trình diện Đô đốc !”….. Sáng hôm sau, khi thức dậy chú em hỏi :

- Đêm qua anh ngủ mơ thấy gì mà em nghe như hô hiệu lệnh oai lắm ?

- Anh mơ thấy mình là Đô đốc.

- Mơ khôn thế ! Nhưng mà…nếu đừng có cái tai kiếp 75, bây giờ nhẹ thể lắm thì anh cũng là Đề đốc chứ bở sao !

Thủ tục bảo lãnh kéo dài 4 tháng, Hai Hô cùng Mẹ và hai em được nhận cho đi Úc. Nghỉ ngơi, tẩm bổ một thời gian, “bộ xương biết đi” trông đã khá hơn chỉ trừ hàm răng, vẫn hô muôn năm. Cuộc trùng phùng vui không bút mực nào tả được. Cuộc đời của người bạn hiền đã qua cơn bỉ cực, đến hồi thới lai. Đến vùng trời tự do, làm lại cuộc đời từ đầu, chuyện buồn không còn và bạn tôi có chuyện vui kể cho bạn bè nghe. Ngày mới sang xứ người còn nghèo, vợ chồng Hai Hô thường đến những tiệm bán đồ cũ của các hội từ thiện. Có một lần, vừa bước vào tiệm được một anh bán hàng chào hỏi vồn vã, lịch sự. Anh hỏi thăm chàng từ đâu đến. Khi nghe trả lời là Việt Nam, anh ta nhìn chàng cười ranh mãnh : “ À… Dân tị nạn. Chào Ông Tị Nạn !” Mr. Refugee (ông rờ bu-gi) đàng hòang chứ bỡn sao ! Chàng đi lanh quanh, dừng lại ngắm một chiếc áo khóac may bằng nỉ màu xanh đậm còn khá mới, có thêu một huy hiệu trên túi áo trông khá đẹp, đề giá bán chỉ có ba đô. Anh ta lại bước đến cười, bảo : “ Cái áo chắc là vừa với ông và mặc vào sẽ lịch sự lắm. Cứ thử đi, nếu chịu mua tôi lấy 1 đô thôi. ” Chàng ướm thử thấy được, mua chiếc áo và mặc ngay theo lời khuyên của anh bán hàng. Suốt buổi đi dạo trong thương xá để ý thấy nhiều người nhìn chàng và cười. Cô vợ an ủi : “ Chắc họ thấy anh mặc chiếc áo bảnh quá nên cười đấy thôi ! ”. Khi ra về, ở bãi đậu xe, tình cờ gặp một bà hàng xóm, bà ấy cười nói nhỏ với vợ chàng : “ Bà nói với ông nhà đừng mặc cái áo đó nữa nhé. Đồng phục của trường nữ trung học Đức Mẹ Maria đấy !”

Nghe câu chuyện “vui” vừa rồi tôi cảm thấy cáu, hỏi Hai Hô:

- Chuyện như thế mà cậu thấy vui à ? Rồi sau đó cậu làm gì ?

Hai Hô cười xề xòa :

- Làm gì.. để làm gì… hở mày ? Phiên phiến đi thôi cho đời bớt phiền muộn mày ạ !

Tôi nhìn vào mắt Hai Hô và không nín được cười vì chợt nhớ lại vào những năm trung học, cũng chỉ vì cái tính không bao giờ câu chấp, chín bỏ làm mười này mà bạn bè đã đặt cho hắn thêm một tên, đó là “Ông Phiên phiến”. Lòng tôi dâng lên một niềm thương cảm :

- Ừ. Phiên phiến đi thôi…Ông Phiên phiến ơi !

Hai Hô ngẫm nghĩ vài giây rồi nhìn tôi cười ngây ngô.

Ở cái xứ tự do này người ta cứ hồn nhiên đặt tên cho người khác, bất kể đối tượng nghĩ gì. Đặt tên cho tha nhân chán rồi lại tự đặt tên cho mình. Trong thành phố nhỏ này có hai ông tự gọi mình là “ông khùng”. Ông John khùng “Crazy John” chuyên bán điện thọai cầm tay và các dịch vụ viễn thông. Ông Clark khùng “Crazy Clark” thì bán hàng gia dụng. Quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, truyền thanh. Hai ông hô hào mại dzô, mua ngay kẻo hết vì bán hạ giá như điên như khùng vậy. Làm như khùng quá buôn bán không cần lấy lời. Đích thân chủ nhân xuất hiện trên TV nói năng diễu cợt, khùng đâu khộng thấy chỉ thấy bản mặt láu cá thôi. Khùng mà khôn quật trời. Bà con xúm lại mua vì thấy rẻ thiệt. Cơ nghiệp của hai ông khùng càng ngày càng lớn. Trong một thành phố mở nhiều tiệm và nghe đâu còn mở thêm những tiệm thật lớn ở các tiểu bang khác. Dân chúng ham của hời ít để ý là hàng hóa của hai ông tòan là sản phẩm của các chú “con Trời”, đang là xưởng chế tạo cho cả thế giới ham tiêu thụ hàng vừa túi tiền không cần phẩm chất cao.

Người bạn hiền của tôi được đời đặt cho nhiều cái tên. Anh Hai Hô. Ông Phiên phiến. Ông trùm phản động. Và cuối cùng là “ông rờ bu-gi”. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời dâu bể, bạn tôi vẫn cứ sống ung dung. Muốn kể cho hết đầu đuôi ngọn ngành chắc phải viết cả một cuốn sách. Xem ra người hiền cuối cùng cũng gặp lành, tuy muộn nhưng còn hơn không. Câu chuyện tạm kết thúc với “happy ending” thế này người viết cảm thấy an ủi và mong quí độc giả cũng thấy vui. Có phải không ạ ?

VĨNH NGỘ
Post Reply