Cha tôi

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Cha tôi

Post by uncle_vinh »

Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ
Monday, June 18, 2007

Đoạn kết có hậu của cuốn phim Vượït Sóng với hai mẹ con Mai và Lai tìm lại được đời sống mới, hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng với cánh diều bay làm tôi nhớ lại một đoạn trong cuốn sách “Người Thả Diều” (The Kite Runner) của Khaled Hosseini, sắp thành phim qua hãng Paramount. Những cánh diều rực rỡ ngày nào của những mùa hè trên quê hương thanh bình cũ. Những mùa hè hạnh phúc của thời đi học. Những con diều của tuổi thơ đã mất. Mùa hè năm nay, những người bạn thời trung học gần 40 năm mới gặp lại, đã đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm của những ngày tháng cũ và nhắc đến hình ảnh nghiêm khắc của cha tôi vào những mùa hè.

Father’s Day! Có ai muốn viết về những người cha nghiêm khắc? “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mẹ lúc nào cũng rộng lượng, nước lúc nào cũng mát mẻ, còn núi Thái Sơn khô khan, cao không với tới, mà núi Thái thì có ai biết ở đâu? Núi Thái xa xôi ở bên Tầu. Câu ca dao chỉ làm cha xa thêm và mẹ thì gần gụi lại.

Các bạn đã nhắc tôi mùa hè năm 1961, buổi chiều mùa hè cha tôi đứng đợi trước cửa trường trung học Trần Lục để đón tôi đi bộ về nhà sau một ngày thi tuyển vào đệ thất. Cái ngày mùa hè ấy, cậu học trò nhỏ luôn luôn lạc quan là tôi đã bảo đảm với ông rằng tôi chắc chắn đậu kỳ thi tuyển vì đã trúng một bài toán thuộc lòng với hai chiếc xe chạy cùng giờ ngược chiều, một chiếc từ Saigon một chiếc từ Vũng Tầu với hai tốc độ khác nhau, một chiếc 60km/giờ và một chiếc 40km/giờ sẽ gặp nhau ở đâu vào lúc nào? Và bài luận văn “Mùa hè em sẽ lên núi hay đi xuống biển”. Tôi chọn bài luận tủ “Mùa hè em sẽ đi lên núi”. Bài luận văn tủ được chú bé con viết rất dễ dàng vì tôi bị những ngọn núi ở Dalat quyến rũ từ nhỏ. Bài viết hơn sáu trang giấy với kết luận được ông giáo Mai trường Bàn Cờ dặn dò tôi để đi vào con đườøng hoạn lộ: “Em sẽ đứng trên núi nhìn thấy giang sơn gấm vóc và luôn luôn ghi ơn Ngô Tổng Thống!”. Có lẽ nhờ câu kết luận này mà tôi thêm tin tưởng để bảo đảm với cha tôi và có lẽ lần đó là lần duy nhất ông tin vào lời nói của tôi.

Năm tôi sáu tuổi, cha tôi đã ngoài 50, ông về hưu sau những năm làm việc ở hãng buôn Pháp. Hơn năm năm thất nghiệp, ở nhà dậy kèm cho anh tôi (hơn tôi một tuổi) và tôi trong suốt những năm tiểu hoc nhờ vậy chúng tôi có những mùa hè đẹp. Mỗi ngày ông bắt chúng tôi ngồi trước hàng hiên nhà, trên hai chiếc ghế đâu mặt vào nhau qua bàn học nhỏ. Ông bắt chúng tôi gò gẫm từng chữ, từng giòng, tập viết chữ đẹp một cách khổ sở như thời ông đi học. Sáng học toán, trưa được ngủ một tiếng, chiều lại phải học Pháp văn. Những năm ấy có lẽ là những năm đẹp nhất giữa ông và chúng tôi.

Nhờ ông mà tôi yêu Saigon. Mỗi chiều cha con đạp xe trên những ngõ hẹp gập ghềnh từ nhà ra rạp hát Việt Long, vòng qua những ngõ hẻm xóm Vườn Chuối thời Saigon còn thanh bình chưa thấy chiến tranh. Tôi yêu những con đường ở Saigon bắt đầu từ những ngày đi bộ đến mỏi chân với ông từ nhà ra khu trung tâm Saigon, qua Trần Qúy Cáp, Cao Thắng, Lê Văn Duyệt đến Tự Do, Lê Lợi, đi nhìn những ánh đèn Neon buổi tối, những căn phố lầu để ông có dịp kể lại những con đường ở Paris. Nhiều năm sau này khi đến Paris, bước vào những cầu thang máy cũ kỹ với hai cánh cửa sắt đóng xập vào tôi lại sững sờ nhớ lại những ngày còn nhỏ đi Saigon với cha tôi. Những buổi chiều đi bộ với ông khắp Saigon đếân mỏi chân, về đến nhà nằm lăn quay lên giường đọc sách. Ông không đọc sách nhiều nhưng ông đã làm tôi mê sách vở qua những sạp báo bên lề đường và những hàng nước mía khi ngừng chân. Những cuốn sách quyến rũ trên lề đường Lê Văn Duyệt và những cuốn sách trên đường Nguyễn Huệ trước nhà sách Khai Trí. Bắt đầu là những cuốn truyện bằng tranh mỏng, Phù Đổng Thiên Vương, bà Trưng bà Triệu rồi đến những cuốn sách trên sạp báo. Tôi đọc bất kể loại sách nào từ chuyện Tầu, Tề Thiên Đại Thánh, chuyện chưởng, chuyện kiếm hiệp, chuyện tình cảm. Đến 16 tuổi bao nhiêu tiền tôi dành hết cả vào sách và ciné! 17 tuổi tôi lại ham đọc sách triết. Những cuốn sách mới thơm mùi giấy và mực làm tôi quên những buổi cơm chiều, cha tôi phải sai anh tôi đi tìm lôi cổ về nhà. Sách vở đem lại sự bực mình cho cha tôi nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi, những hạnh phúc của ba tháng hè.

Năm tôi 50 tuổi, các con tôi bắt tôi viết nhật ký với những câu hỏi do chúng đặt ra, về những ngày ở Việt Nam, về những kỷ niệm tuổi thơ, câu hỏi khó nhất là “tôi đã nhớ học được gì từ cha tôi”? Ông là người nghiêm khắc, khó tính với hai con mắt làm bạn bè cùng lớp của tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mãi mới nhớ đến chín điều tâm niệm của ông hay lập đi lâp lại, những bài luân lý ông cố nhét vào đầu anh em chúng tôi, sáu anh em trai, như nước đổ đầu vịt.

Điều tâm niệm thứ nhất: Tụi mày, học trò đi học sau này đỗ đạt có bằng cấp là để cho tương lai chúng bay chứ không phải cho cha mẹ. Giảng điều tâm niệm thứ nhất xong, ông nhìn lại không thấy đứa nào, ông phải đợi đến ngày hôm sau để giảng tiếp điều tâm niệm thứ hai: khi nào chúng mày có con, chúng mày mới hiểu lòng cha mẹ. (Điều tâm niệm thứ hai này quả thật phải hơn 20 năm sau khi ông mất tôi mới thấm).

Điều tâm niệm thứ ba của ông được ông em kế thua tôi ba tuổi nhớ kỹ nhất, sau này nó bắt đầu dạy cho con như một ông già: chúng bay học giỏi, sẽ đi làm kiếm được nhiều tiền, có tiền, giầu nuôi được chúng mày và con chúng mày. Cha mẹ không được nhờ đâu. Nước đổ từ trên thác đổ xuống, không chạy ngược lên, đến đời con chúng mày cũng vậy đừng đợi nhờ vả đến chúng. Điều tâm niệm này ông nói hơi nặng lời, hình như khi ấy chỉ có ông anh cả của chúng tôi thấm thía. Điều tâm niệm thứ tư, có lẽ là lời tiên tri cho bọn chúng tôi vì ít khi nào ở VN anh em chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ giầu: Đừng quên gốc gác khi giầu có.

Điều tâm niệm thứ năm làm chúng tôi bực bội nhưng ở cuôí thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đúng phóc: Đừng nghiện ngập thuốc phiện! Dù giầu có đến đâu nghiện ngập không có lối thoát.

Điều tâm niệm thứ sáu: đừng quên những người giúp đỡ mình, kéo đến điều tâm niệm thứ bẩy, ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi làm chúng tôi chỉ muốn quên: khi giầu đừng quên lúc nghèo!

Hai điều tâm niệm chót thứ tám và thứ chín nặng tình gia đình: anh em phải thương yêu và đùm bọc lẫn nhau và sau cùng phải nhớ đến tổ tiên.

Hình như cứ mỗi cuối năm là ông lập đi lập lại những điều tâm niệm này, càng nhắc chúng tôi càng quên, có lẽ vì ông không tin tưởng lắm vào các con ông. Tôi không biết về phần năm anh em khác của tôi nhưng rõ ràng là ông ít tin tưởng vào tôi. Dậy kèm tôi suốt năm năm tiểu học, đậu hạng năm trường tiểu học Phan Đình Phùng nhưng ông nhất định bắt tôi thi vào trườøng trung học Trần Lục, giản dị là sau bốn năm học Trần Luc rồi thì cũng sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Học ở Trần Lục hai năm rồi nhưng ông lại muốn tôi thi vào trường Cao Thắng cho có nghề! (Ngôi trường cạnh chợ Cũ, chợ chó, học sinh đi học lúc nào cũng có kềm búa trong cặp, các anh em tôi đều tốt nghiệp trường Cao Thắng. Tôi hay đến họp Hướng Đạo, trổ nóc nhà đi qua chợ chó). Tôi phải cố gắng lắm mới thoát được kỳ thi tuyển vào Cao Thắng. Đậu trung học đệ nhất cấp ông và tôi lại tranh cãi một lần nữa. Ông đinh ninh tôi sẽ chọn ban B toán, tôi lại chọn ban C văn chương. Ông giận mất đến mấy ngày, cứ bảo tôi rằng: văn sĩ rách lấy gì mà ăn? (thật ra lúc ấy tôi muốn thành họa sĩ vẽ tranh khỏa thân chứ không muốn viết văn). Tôi thấy văn sĩ trong nước hồi ấy có nghèo thật, nhất là mỗi ngày nhìn ông Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng lảo đảo vào trong xóm, nhưng thích văn chương hơn toán nên vẫn cố cãi bướng. Mấy ngày liền ông cứ đặt câu hỏi: “Mày có chắc sống được với văn chương? Sau này có gia đình lấy gì nuôi con?” Sau đó ông đổi giọng nhẹ nhàng hơn. “Học ban toán sau này thành kỹ sư có nghề nghiệp vững chắc tại sao con lại thích viết văn?” Ông không biết rằng những đêm nằm trên sân thượng nghe ông ngâm chuyện Kiều và buổi tối theo dõi chương trình Tao Đàn ông yêu thích đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi. Cuối cùng tôi cũng chiều lòng ông chọn ban Toán khô khan. Tôi không biết nếu ngày ấy chọn ban C rồi thì cuộc đời sau này có lận đận như mấy ông bạn thơ Tô Thùy Yên hay Du Tử Lê? Mới đây, đọc những cuốn sách hay của Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ giải văn chương Nobel mới biết văn chương bạc bẽo, hồi nhỏ ông bị mẹ la rầy vì chỉ mong thành họa sĩ và văn sĩ bỏ cả ngành kiến trúc đang học để viết văn hay như nhà văn Tây Ban Nha Paulo Coelho, viết “The Alchemist” ấn bản hơn 100 triệu cuốn, hồi nhỏ nhất định mơ thành văn sĩ bị cha bắt bỏ vào nhà thương điên ba lần hồi năm 17 tuổi, hai lần trị bằng điện giật cho đến năm 26 tuổi mới được xem là bình thường đạt được giấc mộng theo đuổi ngành văn chương.

Học xong Chu Văn An, đậu Tú Tài đôi, cha tôi chọn cho tôi ngành Không Quân! Ông không tin tôi sẽ thi đậu vào Y khoa. Cuộc đời có trời sắp đặt. Tôi đậu Y khoa nhờ may mắn. “Cả năm chỉ thích đi Hướng Đạo, Hội Hồng Thập Tự, làm ban đại diện trường Chu Văn An, làm sao mà đậu được Y khoa?” Giống như Paulo Coelho viết trong The Alchemist “Khi mà mình mơ một điều gì mãnh liệt thì trời đất và mọi sự đều đồng lõa giúp vào”. Kỳ thi vào Y khoa năm 1968 do Gs Trần Ngọc Ninh làm chủ khảo đặt nặng kiến thức tổng quát và sinh ngữ. Lòng yêu sách vở đã giúp tôi. Gần 40 năm qua tôi còn nhớ, buổi chiều đi với anh tôi và một người bạn, đi qua sập báo trước nhà Khai Trí bỗng dưng tôi cầm cuốn sách “Cours de langue Francaise tome IV” đọc bài “Mary đi Mỹ”. Bị anh tôi và bạn thúc dục nhưng tôi bỏ hẳn chầu xi nê rạp Rex để đọc xong bài “Mary đi Mỹ”, đọc ngấu nghiến phần dịch tiếng Việt, phần phân tích mệnh đề, phân tích văn phạm và ngữ vựng. Kỳ thi đó bài Pháp văn là bài Mary đi Mỹ với các câu hỏi hoàn toàn trong cuốn sách đã được đọc. Tôi mất một giờ làm bài, phần còn lại viết tới viết lui cho đẹp! Năm ấy cha tôi không đợi tôi ngoài cổng trường thi nhưng ông lại được ông con ngông nghênh cho biết chắc chắn sẽ đậu vào y khoa dù ông thầy Vũ Bảo Ấu đằng sau nhà nhắc nhở rằng: “Cậu nhớ thi vào Y khoa là thi tuyển đấy”. Tôi đậu vào y khoa rồi, ông vẫn không tin tôi sẽ học. Ngày đầu tiên đến trường ông bắt tôi hứa sẽ không hoạt động xã hội, không đi Hướng Đạo, không được viết báo Chính Luận, không được làm ban đại diện sinh viên. Tôi giữ được lời hứa đúng một tháng nhưng sự tiên đoán tôi sẽ không học hết y khoa của ông không đúng. Năm 1975 tôi tốt nghiệp, ông mất sau ba tháng nhìn thấy cảnh đời tang thương mà không thấy ngày tốt nghiệp của tôi.

Đêm hôm nay, viết những giòng chữ này cho ngày Father’s Day và những kỷ niệm cũ, nếu ông còn sống chắc ông cũng sẽ rằy rà với cặp mắt nghiêm khắc như ngày tôi 18 tuổi: “Mày không đi ngủ sau mấy đêm làm việc chỉ thích viết lách!” Một lần nữa, cha con tôi chắc lại bất đồng ý kiến, ở vào tuổi của tôi ông cũng đã vướng vào những đam mê khác!

Việt Nguyên - 5/6/97
(Fathers’s day 2007)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Ba Tôi Không Còn Nữa

PHẠM HOÀNG CHƯƠNG .
Việt Báo Thứ Tư, 6/11/2008, 12:02:00 AM
Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2322-16208299-vb3100608

Tác giả đã góp bài viết về nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu và hiện là cư dân Riverside, Nam California. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông, nhân mùa Father’s Day đang tới.

Đã lâu tôi muốn viết một bài về Ba, nhưng cứ mỗi lần đặt bút xuống, lại thẩn thờ, bồi hồi, ngại ngùng không có can đảm. Chỉ nghĩ về Ba thôi là một cái gì đã dâng lên cổ nghẹn ngào, hai giọt nước mắt trào ra nóng hổi, bất cứ là đang ở đâu, lúc nào, và làm gì, lái xe, đọc sách, hay đang nói phone...

Ba mất năm tôi mới 20 tuổi, sinh viên Đại học sư phạm mới năm thứ nhì ở Huế, chưa kịp làm ra đồng nào để đền ơn báo đáp Ba, cho Ba được nghỉ ngơi, an nhàn sung sướng một ngày nào. Trong khi bên này nhiều người cha tuổi thọ bảy tám mươi tuổi, có con cái làm bác sĩ, nha sĩ ân cần đón đưa trên những chiếc xe Lexus lộng lẫy, ở trong những ngôi nhà lầu cao ngói đỏ nguy nga đồ sộ, phụng dưỡng ăn uống miếng ngon vật lạ, đi du lịch đó đây. Ba chưa hề có may mắn đó. Ba chết quá sớm, mới 46 tuổi, để lại Má và một bày con 9 đứa mà tôi là chim đầu đàn ở xa, không có mặt khi ba hấp hối. Suốt đời ba chỉ là một nhà giáo nghèo, tận tụy với học sinh bao nhiêu năm, mở trường trung học tư để đào tạo mầm non tương lai cho đất nước, mơ ước trúng số nâng cao mức sống gia đình, nhưng chẳng bao giờ trúng, bỏ vốn hùn với chủ dất trồng hành tây, nhưng củ chưa kịp lớn đã chết thảm trong một tai nạn xe, trong sự thương tiếc của bao nhiêu là bạn bè, người quen trong tỉnh.

Kỷ niệm lâu đời nhất ký ức tôi còn giữ được về ba là đứa bé 3 tuổi được Má bồng trên tay đi thăm ba ở tù quân Pháp nhốt vì tình nghi hoạt động cho Việt minh. Má kể Ba vì kẹt gia đình phải ở lại, không theo chú Châu tập kết ra Bắc chống Pháp, chỉ hoạt động lén lút trong nhóm của ông Ngô khắc Tỉnh ở Ninh Thuận. Rồi ba được thả ra, hùn hạp làm ăn với bác Sáu mở tiệm bán thực phẩm cho Tây. Khi em Chung ra đời năm 1948, sau tôi 4 năm, má suốt ngày bận rộn với em, ba lại không có anh em ruột, nên hai cha con hú hí chơi với nhau, ba giáo dục tôi từ thuở ấu thơ, kể chuyện cổ tích, chuyện đời xưa của Pháp, dạy hát các bài Thằng cuội, Chuột ăn cắp trứng, nhờ người chụp hình hai cha con khắp mọi nơi, nhất là hay dẫn tôi vào Saigon chơi bằng xe lửa. Thời kỳ đó chiến tranh Việt Pháp, có lần đường rày bị Việt minh phá hoại, hành khách phải treo võng ngủ trong rừng ba bốn ngày, vào nhà dân xin tắm rửa, mua thức ăn. Trong rừng cây xanh ven đường, Ba dạy tôi hát bài "Hoa lư ca", vinh danh anh hùng Đinh bộ Lĩnh lúc bé chăn trâu, bẻ lau làm cờ bày trò đánh giặc mà sau lên làm vua. Có lần cha con đang ngồi ăn trong toa xe thình lình hai bên Pháp và Viêt Minh đụng trận , bom nổ đùng đùng, đạn bay chí chóe, lật đật ba ôm chặt tôi vào mình, cùng đám hành khách từ trên cao nhảy xuống nằm mọp dưới sàn im thin thít.

Vào Saigon, ba hay ghé thăm nhà bà con ngoài Bắc vào, nhẹ nhàng cắt nghĩa liên hệ bà con cho tôi nghe, hãnh diện giới thiệu con trai đầu lòng, thấy ai có vẻ cũng quí ba. Nhớ những lần lẽo đẽo theo ba trên các con đường thành phố Saigon, tay cầm nguyên cái bánh dẻo Trung thu hạt sen ba mua cho, cắn nhai ngon lành thơm phức. Những lần bị đánh thức dậy 4 năm giờ khuya, trời còn tối đen, đèn bật sáng choang, mắt nhắm mắt mở chuẩn bị theo ba lên xe tải đi Đalạt mua khoai tây cà rốt, đồ "lê ghim", gà vịt về bán. Những chuyến đi với ba hồi đó diễn ra liên miên đến khi tôi 10 tuổi mới chấm dứt, vì bấy giờ ba đã chuyển qua làm thày giáo, không còn đi buôn nữa. Em Chung và những đứa em sau không bao giờ có may mắn được theo ba trong những chuyến du lịch ngoạn mục như vậy. Hồi tưởng những kỉ niệm ấu thơ đó mà chảy nước mắt, biết ba thương mình đến đâu, xa con vài ngày cũng thấy nhớ, đi đâu cũng phải mang theo con cho vui, dồn hết tình thương vào đứa con, cho nó được mở mang kiến thức, biết đó biết đây.

Năm tôi lên lớp Nhì, ba hợp tác với ông Kỹ sư Thành thuê một ngôi nhà lầu mở trường Lê Lợi, trung học tư thục đầu tiên ở Phanrang, từ đệ thất đến đệ tứ. Buôn bán chỉ là mưu sinh tạm thời, dạy học mới chính là mơ ước của ba. Đó là chí hướng của ba, muốn làm một cái gì ích lợi cho đất nước, cho dân tộc. Ba dạy Toán, Pháp văn, và Sử địa. Những buổi họp mặt của ba và các thầy khác, cười nói vui vẻ hòa hợp, hầu như đều có tôi. Ba dẫn tôi theo những buổi cắm trại trường tổ chức hai ba ngày liền ở các biển Hải chữ, Ninh chữ, Cà ná mát mẻ, cho tôi chơi với các anh chị học sinh trung học của ba. Các anh chị vui vẻ tử tế, lễ phép kính mến ba, săn sóc miếng ăn chỗ ngủ cho tôi thật chu đáo. Ba thương học trò lắm, có lần anh học sinh đệ tứ (sau này là giáo sư Triết, rồi đắc cử dân biểu Ninh thuận) dại dột viết một khẩu hiệu hô hào chống Pháp dán ngoài cổng trường bị công an bắt ở tù, ba hết lòng chạy chọt vận động cho anh ròng rã cả năm mới được thả ra đi học lại.

Nhà nghèo, mẹ đau chết, không đủ tiền ma chay chôn cất, anh đem cuốn sách tự điển dày lãnh thưởng đáng vài trăm bạc lên bán cho ba, ba cho anh một ngàn đồng đem về lo cho mẹ, sau này anh nhớ ơn, đi đâu xa về cũng ghé thăm thầy, coi như gia đình thứ hai.

Tết năm 54, trường ba tổ chức một đêm ca nhạc kịch bán vé, khán giả rất đông, thấy anh Luôn đóng vai Kinh Kha, chị Nhụy vai cô gái nước Tần, hóa trang diễn kịch "Chiến sĩ Kinh Kha" oai nghi hùng tráng trên sân khấu rạp Việt Tiến, nói lên lòng yêu nước của thanh niên thời chinh chiến, tôi say mê nghe chị Tố Hà não nùng hát bài "Ru con" của Phạm Duy, thấy hết cái hay lãng mạn của lịch sử, cuộc sống loạn ly thời chiến cha xa con chồng xa vợ trên sân khấu học trò.

Năm lên lớp Nhất, tôi giỏi nhất lớp môn luận văn, thỉnh thoảng lại được ba gà bài làm cho hay hơn. Như tả con trâu, ba dí dỏm bảo tôi viết so sánh bụng nó to tròn như thùng rượu vang "toneau", làm thày giáo cho 8 điểm, khen nức nở giữa lớp vì quá chính xác gợi hình. Năm học đệ thất ham chơi, làm toán sai be bét bị ba nổi nóng đánh cho một trận đòn sưng đít, nhớ mãi không bao giờ quên. Sau trận đó ba bắt đầu bỏ thì giờ kèm tôi học một ngày mấy tiếng, ra toán hình học đại số làm, giảng giải kèm cặp hai ba năm liền.

Cuối năm đệ ngũ, ba đưa tôi vào Saigon chơi 1 tuần, ở nhà lầu villa của cô Năm, con ông bác Vi, có chồng làm luật sư giàu lắm nhà ở đường Trần quí Cáp, có tài xế lái xe, có người chăm lo vườn tược, có hai ba người nấu ăn hầu hạ. Tôi đi theo ba ngoài phố, thấy có người bà con nghèo gầy hốc hác tới lí nhí xin tiền ba, ba ái ngại cho một trăm. Khi họ đi rồi, ba kể người đó ngày xưa nhà khá giả, chỉ vì lười biếng không chịu học hành làm ăn gì cả mà lớn lên phải lây lất đi xin như vậy, con phải lấy đó làm gương mà chăm chỉ học hành. Tôi so sánh cuộc sống vinh hoa phú quí của ông dượng luật sư và người bà con khép nép xin tiền, nhớ mãi lời ba ân cần dạy, tâm niệm luôn cố gắng học. Lên đệ tứ, tôi bắt đều lớn vọt lên, trổ mã, xuất sắc nhiều môn, đứng nhứt lớp và đỗ thủ khoa kỳ thi thử trung học đệ nhứt cấp tổ chức cho cả hai trường công và bán công trong tỉnh, ai cũng khen "con thầy giáo có khác".

Lúc đó trường Lê Lợi đóng cửa, ba được ủy nhiệm làm hiệu trưởng trường bán công Nguyễn công Trứ và dạy Sử địa cả bên công lập Duy Tân. Năm đệ tam, tóc tôi ra dày quá, phủ cả xuống trán, ba đưa tôi tới tiệm hớt tóc nổi tiếng nhất trong tỉnh, yêu cầu cắt xấy ép tóc cho gọn và mỹ thuật.. Ba hãnh diện thấy con trai đầu cao lớn, đẹp trai, học giỏi. Cả nhà đi chụp ảnh, ba cứ cầm tấm ảnh 3 anh em trai chụp chung, tấm tắc khen tôi đẹp trai nhất nhà, treo tấm hình trên bàn làm việc. Tôi giỏi văn chương sinh ngữ, không chịu học ban A và B, đòi vào Saigon học ban C. Má không chịu, sợ đi xa không có cha mẹ một bên, dễ hư hỏng, tôi giận Má mấy tháng không nói chuyện. Ba thấy tội, cho vào Saigon học hè Pháp văn hai tháng, rồi sau đó không hiểu thuyết phục Má cách nào mà mang tôi vào gửi ở trọ nhà ông bác họ ớ quận Một, học lớp Nhị C trung học tư thục Nguyễn văn Khuê. Ban C chỉ có lớp đêm, lại là tư thục, toàn người lớn học, cả năm chả có trả bài hay thi cử gì cả nên tôi làm biếng hay "cúp cua" tối thứ bảy để chưng diện áo quần, tóc tai, đi phòng trà nghe hát, hay đi xi nê với bạn, với bà cô, ông bác trong nhà, hơn tôi có bốn năm tuổi. Khi tôi đậu phần viết tú tài Một, Ba mừng rỡ vào Saigon hớn hở đãi cả nhà đi ăn một chầu thịnh soạn. Đến khi tôi hỏng cả hai kỳ vấn đáp, lủi thủi ở Saigon về, đứng ngoài cửa sau thật lâu không dám gõ cửa, ba cũng không la mắng gì, chỉ thất vọng dơ hai tay lên trời than với má một câu rồi không bao giờ nhắc tới nữa. Chẳng thà ba nổi trận lôi đình, đánh một trận đòn chí tử như ngày còn bé còn làm tôi sung sướng hơn. Ba chỉ buồn buồn, yên lặng. Dáng ba gầy gò, hiền lành, chịu đựng. Sự bao dung và yên lặng của ba chỉ làm tim gan tôi thêm xót xa tủi hổ, ăn năn hối hận. Tôi đã không xứng đáng với sự nuông chìu, lòng tin cậy mong đợi của ba, đã nuôi bầy em đông còn nhỏ dại, lại còn hy sinh tiền của cho tôi vào Saigon ăn học. Mười bảy tuổi, tôi đã hiểu thế nào là tình thương vô bờ cha mẹ dành cho con, bổn phận con cái phải làm sao cho xứng đáng với lòng hy sinh ấy.

Ra Nha Trang học lại đệ nhị C trường công Võ tánh, muốn chuộc lại lỗi lầm, tôi đạp xe đi kèm trẻ ban đêm không cho ba má hay để kiếm tiền phụ bớt tiền trọ học ba má gửi hàng tháng. Nhưng ba hay được, không cho, nói "ba má còn đủ sức lo được, con cứ lo học cho giỏi", chỉ sợ tôi lại thi rớt lần nữa. Thế là tôi đậu tú tài một, rồi qua năm sau, đậu luôn tú tài 2 với cả 2 kỳ vấn đáp một cách dễ dàng. Cuốn báo Xuân trường Võ tánh có đăng bài tôi viết cùng với các bài các giáo sư khác đem về khoe ba, ba chăm chú đọc, tủm tỉm cười không nói gì. Tôi biết tôi đang lấy lại lòng tin của ba. Ba đang chấm thi ngoài Nhatrang, hãnh diện dẫn tôi đi ăn chung với các thày cô giáo đồng nghiệp ba, vui cười hể hả. Hồi ấy nhiều thày cô là học sinh Lê lợi cũ ngày xưa của ba, cũng chỉ có bằng tú tài hay dự bị văn khoa đã đi dạy được.

Rồi ba đưa tôi lên Dalat thi Đại học sư phạm ban Pháp văn, qua hôm sau lại đưa tôi ra phi trường Liên Khương bay ra Huế thi tiếp Đại học sư phạm Huế. Tôi lo lắng chưa bao giờ tới Huế, ba dạy câu "Đường đi ở miệng" mà tôi nhớ đời. Ba đưa một lá thư tôi cầm tới người chủ trọ, do một đồng nghiệp ba viết giới thiệu. Ba nói không có chi phải lo sợ, hỏi thì thế nào cũng tìm ra chỗ, trước lạ sau quen. Tôi bước lên máy bay, ngoái cổ nhìn theo dáng ba gầy gầy nghiêng ngiêng trên đường về. Kết quả tôi đậu Đại hoc Sư phạm Huế 4 năm, sắp hạng 20 trên 30, có học bổng 1000$ 1 tháng. Ba tươi cười rạng rỡ. Ba tâm sự ngày xưa ba mới có 9 tuổi đã mồ côi mẹ, 17 tuổi đã mồ côi cha, 27 tết năm đó ba đi học ở Hànội về quê, thấy ông nội nằm liệt giường hấp hối, trong nhà túng quẫn, hoàn cảnh rất là bi thảm. Trong bóng tối lờ mờ của căn phòng ba làm việc, tôi lờ mờ hình dung ra cảnh tượng thê lương lạnh lẽo ấy trong đầu, nghe ba tâm sự được ông cậu nuôi đi học, mỗi chén cơm ăn chỉ được một miếng đậu hủ rán chấm tương chan nước rau luộc mà thấy thương ba vô cùng.

Tôi may mắn hơn ba nhiều, lớn lên ở miền Nam sung túc, ăn uống thoải mái, có cha mẹ lo cho ăn học lên đại học đầy đủ. Báo Xuân trường DHSP Huế đem về Tết đó tôi lại dem khoe ba, vì có truyện ngắn tôi viết trong đó, Ba đưa tôi lên trường ba chơi, thư ký nhân viên văn phòng ai cũng kêu tôi bằng "thầy" và kêu ba bằng "cụ". Có một lần ba đau nặng luôn mười ngày, tôi và má quanh quẩn hầu hạ thuốc men, tôi cứ lo sợ ba chết. Sau đó ba bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào. Ba đối xử với tôi như người lớn, những lúc cha con ngồi bên nhau không có ai, ba khuyên khoan sớm có bạn gái, chờ ra đi làm phụ ba lo cho các em một thời gian đã. Tôi hiểu tâm sự của ba, nghĩ đến bầy em đông ngày càng lớn mà ba còm cõi đi dạy hoài không biết bao giờ mới được nghỉ ngơi.

Ngày xưa ba hay đi đánh tennis sau giờ dạy ở trường về, rồi khám bài vở homework tôi làm ở nhà, bây giờ lớn tuổi tối tối ba hay nghe đài BBC theo dõi tin tức chính trị, chủ nhật ba xoay ra đánh bài tổ tôm để tiêu khiển với mấy người bạn thân, lười xem xét bài vở học hành mấy đứa em tôi. Có lần được nghỉ lễ mấy ngày, ba dẫn tôi ra Trại Cá ở Cam ranh chơi mấy ngày để ăn cá hấp và hưởng thú thiên nhiên nhàn nhã, tôi ở được có một ngày một đêm thì buồn chán quá. Tuổi trẻ thích ồn ào vui nhộn, tôi nhớ thành phố, bạn bè, đòi về, bỏ ba một mình trong mấy cái chòi tranh vắng ngắt trên mặt nước, ra đường cái đón xe về lại Phanrang. Nhiếu năm về sau, qua Mỹ, đêm khuya chờ cửa con trai lớn hay đi chơi đêm với bạn bè gần sáng mới về, buồn thấy con thích gần bạn bè hơn cha mẹ, tôi mới hiểu thấu tâm trạng cô đơn của ba, cần sự có mặt của đứa con lớn bên mình để an ủi lúc bấy giờ, nhớ tới ngày bỏ ba lủi thủi ở lại cái nhà sàn của quán ăn Ngọc Sương trên bờ biển Ba Ngòi đìu hiu năm nào, mà hối hận khóc chảy nước mắt. Lúc đó nhìn tôi bỏ về, chắc ba buồn lắm mà tôi nào có biết.

Có làm cha, thương con, mới hiểu hết lòng cha mẹ. Bây giờ ba còn đâu nữa mà chuộc lại lỗi lầm xưa, muốn sống lại thời gian ấy, ở lại chốn quạnh hiu ấy làm bạn với ba mười ngày đi nữa cũng không thể nào được.

Ngày 26 tháng 10 năm 1963 lễ Quốc khánh VNCH, tôi đang ở trọ học Huế thì ba tranh thủ từ Phanrang lặn lội đi xe đò ra Huế thăm tôi. Trời mưa tầm tã, thấy ba ngồi xích lô ọp ẹp đi vô ngõ hẻm ướt lầy lội nơi tôi ở mà thương. Tháng trước, đọc thư tôi viết than ở trọ ăn uống kham khổ, ba nhẹ nhàng viết trả lời 'ngoài Huế, đâu phải gia đình nào cũng có mức sống đầy đủ như nhà mình ở trong Nam, con phải cố gắng chịu đựng, nếu đói thì ra phố ăn thêm tô phở, bát mì cho có sức học", rồi bây giờ nóng ruột ba lặn lội ra thăm coi tôi ăn ở ra sao, đóng tiền cơm cho chủ nhà, cho tôi tiền bỏ túi.

Ba thường ra Huế chấm thi, nên biết ít nhiều về Huế. Ba đưa lên Gia hội ăn bùn bò, xuống cầu Đông ba ăn bánh khoái, dạo phố Trần hưng Đạo, dẫn tôi xuống đò qua sông Hương đi bộ về Cầu Nam Giao, mặt nước sông trong xanh, êm đềm, có năm bảy người khách, cô lái đò mặc áo dài cất tiếng hát, hát sao mà thê lương ão não suốt đời tôi không bao giờ quên. Ba ăn trưa ăn tối với ông bà chủ trọ, ngủ lại hai đêm. Nhớ buổi chiều hai cha con ra bờ sông trước nhà, ngồi trên cỏ, dưới mấy gốc phi lao, nhìn xuống dòng nước chảy về phía cấu Ga. Ba hỏi han chuyện học, chuyện nhà trọ, thày giáo, bạn bè, thi cử. ba kể chuyện gia đình, bà ngoại, má, các em. Rồi ba về. Mấy ngày sau thì nghe tin ở Saigon Cách mạng đảo chánh, lật đổ tổng thống Ngô đình Diệm, giết chết cả hai anh em. Đại học Huế vẫn bình thản như không có chuyện gì.

Hè năm đó tôi đậu sư phạm lên lớp đứng hạng nhì, đậu cả Dự bị văn khoa hạng bình thứ. Lớp sư phạm18 người mà chỉ có 6 đậu chính thức, về sau nhà trường phải vớt thêm 4 người có bằng Dự bị văn khoa lên thành 10. Tôi đi chơi ở Saigon với mẹ tôi về, thấy ba hớn hở cầm tờ điện tín bạn tôi báo kết quả đánh từ Huế về, dơ cao khoe với má, cưới reo lên sung sướng:

- Coi này, thắng trận vẻ vang !!!

Ba ít khi khen tôi trước mặt ai, vậy mà lần đó ông không dấu được nỗi sung sướng và hãnh diện trong lòng, phải bộc lộ ra ngoài làm Má cũng vui lây, tươi cười âu yếm nhìn tôi. Bà ngoại đang ốm cũng khều khào hai tay ôm lấy đầu tôi khen ngợi mãi. Mùa hè năm đó chưa bao giờ gia đình tôi được sống những ngày hạnh phúc như vậy. Chung qui là do cái kết quả đỗ đạt rực rỡ của tôi mà ra. Từ đây ba có quyền yên tâm về tương lai đưa con lớn, vài năm nữa sẽ ra đi làm công chức cao cấp giúp ba nuôi các em.

Tháng 9 năm đó ba má đưa tôi ra Nhatrang đón xe ra Huế đi học lại. Ba má ghé chơi nhà thầy Tuân hiệu trưởng cũ tôi thời trung học, cũng là bạn thân của ba. Ba trông khỏe ra, mập mạnh, cười nói huyên thuyên. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi thấy ba. Một tháng sau, từ Huế, tôi nhận cái điện tín của má "Ba hấp hối. Về gấp". Điện tín không đánh dấu, hoang mang không biết "bà" hay "ba". Mấy giờ sau, một cái điện thứ hai tới, rõ ràng hơn: "Ba bị tai nạn xe chở ra bệnh viện Nhatrang, về gấp".Thôi rồi, không phải bà ngoại, mà là Ba. Ba lái xe scooter đi làm mỗi ngày.

Tôi vội vàng thu xếp quần áo bỏ vô túi xách chạy ra bến xe vô Đànẵng. Phải ngủ lại đêm ở đó, vì tình hình an ninh. Sáng ra lên xe về Nhatrang, dọc đường có chỗ phải "đăng bo", đi bộ cả cây số. Đến Vạn giả cách Nhatrang 30 cây số thì trời tối mịt, xe bị chận lại không cho vào thành phố, phải ngủ đêm trên xe. Đêm rằm rạng 16 tháng 9 âm lịch, ngồi trên xe thức, ngắm mặt trăng sáng to vành vạnh lạnh lẽo trên mặt nước ruộng mà trong lòng ngổn ngang trăm mối, không biết có còn kịp gặp ba không.

Bảy giờ sáng hôm sau, vào nhà thương Nha trang, gặp cô y tá thương hại chỉ xuống nhà xác:

-Em ở Huế vô phải không? Ba chết tối qua rồi em. Ba được chuyển xuống nhà xác hồi 2 giờ khuya.

Nước mắt tôi bỗng ràn rụa chảy. Thôi rồi ba ơi. Bước xuống nhà xác tôi như kẻ mất hồn. Ba nằm đó, đắp khăn trắng che từ cổ xuống chân. Đầu ba quấn khăn trắng lốm đốm vết máu đỏ, hai mắt nhắm nghiền. Em Chung ngồi bên ba, đứng dậy nói:

-Má về hồi sớm để đưa hết mấy đứa nhỏ ra nhìn mặt ba lần cuối cùng. Trưa nay liệm vô hòm rối chiều đưa về Phan rang.

Tôi thấy một con mắt ba tím bầm, con kia he hé mở, thương cảm đưa mấy ngón tay nhè nhẹ vuốt mắt ba cho nhắm lại. Tôi nắm hai bàn tay ba, da ba lạnh ngắt. "Con về đây, ba ơi!" tôi đau đớn nói thầm. Chung kể:

- Đêm kia, có một lúc Chung nghe ba nói mê ú ớ "Gọi Chương về, gọi Chương về". Ai cũng mừng chạy tới, tưởng ba tỉnh lại, nhưng rồi sau đó ba lại im, chìm trong hôn mê.

Tôi lấy máy hình cũ ba cho tôi ra, chụp em Chung đứng cạnh đầu giường ba, nhờ Chung chụp lại tôi cúi xuống trên mặt ba mấy cái. Hai anh em yên lặng không biết nói gì trước biến cố đột ngột này, mơ hồ cảm thấy một tai họa to lớn đang chụp xuống cả gia đình và tương lai trước mắt đầy bóng tối. Rồi má dẫn một bầy em lôi thôi lốc thốc bước vô. Thấy tôi, má òa ra khóc. Tôi nghẹn ngào rưng rưng nước mắt, không biết nói gì. Má kể ngày chủ nhật, bà ngoại trở bệnh nặng hấp hối nên má cho người đi gọi ba lái xe vào Sông Mao kêu bác Hoàn (chị cùng mẹ khác cha với má) ra gặp bà lần chót, ai dè ba bị xe đò tông rồi bỏ chạy, hay ba né tránh mà ngã đầu đập vào đường nhựa bất tỉnh, máu ra lỗ tai, không ai biết rõ đích xác thế nào. Ông quận trưởng được dân cấp báo, lái xe chở xác ba về tận nhà Phanrang giao cho má. Má hỏi ba đau ở đâu, ba còn nghe hiểu, đập vào cánh tay nói "đau ở đây", rồi nói "Gọi Chương về", sau đó là mê luôn cho tới khi chở ra Nhatrang và chết ở đây.

Cô Sáu và Má đi mua quan tài, rước quí thầy ở chùa tới liệm và tụng kinh cầu siêu cho ba. Thày Tuân hay tin dữ, đạp xe tới thăm, đứng lặng nhìn xác ba hàng mấy tiếng đồng hồ. Xe chở quan tài về giữa đường thì xe bác Sáu từ Saigon chạy ra, bác tắp lên xe chở quan tài ba, ngồi chung với ba và anh em tôi, cúi đầu buồn bã. Tôi chìm đắm trong tiếng niệm A di đà Phật đều đều của vị sư, miên man trong những tư tưởng lo buồn lẫn lộn. Các em còn nhỏ quá, út Trang mới có 2 tuổi. Chung mới học đệ tam, má mới 37 tuổi. Tôi có học bổng, dạy kèm thêm đủ sức lo được thân, nhưng một bầy em 8 đứa, mất ba rồi, với tiệm buôn quần áo nhỏ hẹp của má, biết có đủ sống cho cả nhà không.

Đám ma ba được vô số bà con, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh, học trò lớn nhỏ xúm lại lo chu đáo, phúng điếu, đi tiễn đưa dài gần hai cây số, bao nhiêu là xích lô chở vòng hoa cườm, hoa tươi, bao nhiêu là học sinh, hướng đạo, đoàn thể, kẻ khiêng vòng hoa, người cầm liễn, ăn mặc đồng phục kính cẩn nghiêm trang đi yên lặng ra nghĩa trang trong ánh nắng cuối thu. Tôi trưởng nam, bơ phờ đội mũ rơm chống gậy đi đầu, chốc chốc ngoái cổ lại nhìn đám rước dài hun hút không thấy đuôi. Ba ơi, còn đâu những ngày vui hai cha con ở bên nhau.bao nhiêu người quí mến thương tiếc ba, ba có thấy không.Rồi thì tôi trở ra Huế đi học lại với vành khăn đen đeo trên áo, không cười không nói, mặt buồn đăm đăm.

Một tháng sau, bà ngoại mất. Má dấu không cho tôi biết, sợ tôi bỏ học về chịu tang, gián đoạn việc học, hai tuần sau tang lễ mới viết thư ra báo tin. Tôi ra bờ sông đọc đi đọc lại lá thư, nước mắt ràn rụa ướt đẫm hai má.

Hơn một tháng sau nữa, lại nghe tin bão lụt, đâp Đa nhim ở Sông Pha vỡ, cả thành phố Phanrang chìm ngập trong biển nước. Tôi mất liên lạc với gia đình ba tuần lễ vì đường dây điện đứt, hai tỉnh Quảng nam, Quảng ngãi cũng ngập lụt lênh láng cả tháng liền. Tôi như ngồi trên lửa, đêm đêm khấn thầm cầu nguyện chư Phật phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, có khi nửa khuya tỉnh giấc, khóc ướt gối vì nhớ thương ba, thương bà, thương má, thương 8 đứa em thơ, tức tưởi không có mặt bên cạnh để đỡ đần giúp gì được cho gia đình. Sau này Má gửi thư ra cho biết cả nhà may mắn bình yên, nhưng tiệm quần áo giày dép Má tiêu ma vì nước ngập tới 2 thước suốt một ngày đêm.

Mới 20 tuổi đầu, tang tóc dồn dập và thảm họa nước lụt làm tôi lao đao xuống tinh thần nguyên một năm học. Thi lên lớp, tôi đứng gần chót. Qua năm sau, sinh viên Huế bị Việt Cọng giựt dây biểu tình, bãi khóa chống Mỹ và chánh quyền quân nhân Thiệu Kỳ liên miên. Tôi thi lên lớp nhích lên được hạng năm. Má tôi nhờ bác Hiệp làm thứ trưởng Bô Giáo dục cho chuyển tôi vào ĐHSP Saigon học và tôi ra trường dạy ở Sóc trăng năm 67.
Biến cốTết Mậu thân ở Huế làm tôi bàng hoàng choáng váng, thương khóc cho người dân Huế nghèo khổ tôi đã từng mấy năm sống chung bị giết oan chôn sống và thành phố cổ kính bị bắn phá tan nát. Như nhiều công chức khác, tôi làm đơn tình nguyện ra Huế cứu trợ được Bộ Giáo dục chấp thuận, nhưng rồi bên Quân độ gửi lệnh nhập ngũ về cùng lúc, bắt tôi vào trường huấn luyện Quang Trung cùng với 5 đồng nghiệp cùng trường. Tôi từ đó cuốn hút vào cuộc chiến, ra trận gần hai năm, được biệt phái về đi dạy, đổi về quê lấy vợ sinh con, vào tù cải tạo năm 75, lao động nhọc nhằn ở Phanrang nhiếu năm cho đến khi vượt biên qua Mỹ năm 84. Năm 92 tôi bảo trợ vợ chồng cô em gái theo diện H.O. Em đưa tôi bức hình lộng kính của ba tươi cười hiền hòa vẫn để thờ ở nhà trước đây, hình chụp một năm trước khi ba mất.

- Má nói anh là trưởng nam, hãy giữ bức hình này thờ ba.

Tôi để hình ba và Bát Nhã, con trai đầu chết lúc mới 2 tuổi lên bàn thờ trên lầu, cạnh bàn Phật. Mỗi lần cắm hoa, thắp hương, nhìn nét mặt nhân từ, hai con mắt buồn phảng phất của ba, tôi lại chạnh lòng hồi tưởng lại cả một quá khứ 20 năm sống dưới gối ba, bao nhiêu là kỉ niệm ấp ủ tình thương vô bờ ba dành cho tôi từ nhỏ tới khi chết. Ba chưa hưởng được gì, chưa thấy các con thành đạt ra sao mà đã chết.

Thưa Ba,

Ngày xưa ba cho con cuốn tự điển bỏ túi Anh văn, ba còn nhớ không. Ba mong cho con khá tiếng Anh, ba có biết sau bao nhiêu biến cố đât nước tang thương dồn dập sau khi ba mất, giờ đây con đã qua Mỹ, giỏi tiếng Anh hơn ba mong ước nhiều, tay trắng tạo nên sự nghiệp nhà cửa, nuôi các con con ăn học thành đạt rồi không. Con không còn dạy tiếng Pháp học ở Đại học Huế nữa, mà làm thày giáo trường Mỹ, dạy tiếng Anh cho học sinh Mỹ, lái xe Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, chơi với bạn Mỹ, đi du lịch chiêm ngưỡng nhiều nơi trên thế giới mà ngày xưa ba dạy Địa lý thường hay nhắc đến. Hồi đó ba mong con muộn lấy vợ, phụ ba nuôi các em nên người, bây giờ hầu hết các em đã ra nước ngoài sinh sống, có nhà cửa công ăn việc làm đầy đủ. Con cái chúng nó học giỏi, thông minh, kiến thức rộng rãi hơn cha con mình ngày xưa nữa. Ba không cần phải lo lắng gì. Càng lớn tuổi, các cháu ở xa, con càng thấy cô đơn, càng thấy nhớ ba hơn bao giờ hết. Ba là người bạn tri kỷ, hiểu con và thương con, không ai có thể thay thế được. Ước gì có ba sống lại, ở đây với con cho con ngày đêm phụng dưỡng, lái xe chở ba đi ăn chơi đó đây, du lịch khắp nơi trên thế giới, kể lể với ba chuyện này chuyện kia, tâm sự với ba. Thế giới bây giờ văn minh lắm ba biết không, cell phone, computer, email gửi tin trong nháy mắt, máy chụp hình digital. Ở đất nước này, ba muốn thứ gì cũng có, con thừa sức mua được cho ba...

Cảnh quê người đủ muôn màu muôn vẻ, nhưng để làm gì khi mà những ngày xưa êm đềm hai cha con sống thanh bần đạm bạc bên nhau không còn nữa, không bao giờ còn...

Con bây giờ như thày Tử Lộ xưa kia, làm quan lớn mà không thích, ngồi xe đẹp mà không ham, ăn miếng ngon mà không khoái, chỉ muốn trở lại được nghèo nàn nắng mưa vất vả đội gạo nuôi cha mẹ như thời niên thiếu mà trong lòng sung sướng, mà ước mơ nhỏ đó cũng không thực hiện được. Chỉ biết rưng rưng hai hàng nước mắt nhìn hình ảnh ba, nhìn về mặt trời khuất bóng sau dãy núi xanh mờ xa xa mà trong lòng sầu thảm đớn đau không bút nào tả xiết...

PHẠM HOÀNG CHƯƠNG
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Viết Thay Cho Ba Mẹ

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG .
Việt Báo Thứ Sáu, 6/13/2008, 12:02:00 AM
Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2324-16208301-vb6130608

Tác giả đã hai lần nhận giải thưởng viết về nước Mỹ: Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose.


Thời nhỏ dại, mỗi lần đi tắm biển hay tắm hồ bơi mà có Ba đi cùng, bao giờ Ba cũng bắt chúng tôi chià hai bàn tay ra để xem xét những đầu ngón tay. Nếu những đầu ngón tay của chúng tôi nhăn lại, đó là dấu hiệu ngâm nước một thời gian dài, có thể đã bị lạnh, chúng tôi phải rời khỏi mặt nước và về nhà. Một vài lần như vậy, không được bơi lội dưới nước lâu như ý muốn, chúng tôi khôn hơn, nếu không bơi, đứng yên một chỗ trong nước biển, nước sông, hay nước hồ, bao giờ chúng tôi cũng giơ hai tay lên khỏi mặt nước để tránh những đầu ngón tay bị nhăn. Kiểu tắm này được anh cả của chúng tôi gọi là "tắm đầu hàng". Khi kiểu "khôn lỏi" này đến tai Ba Mẹ, chúng tôi đã phải bỏ kiểu tắm giơ hai tay lên khỏi đầu. Còn nhớ Ba đã dạy chúng tôi:

- Không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn. Ba không muốn trong tự điển của các con có chữ "đầu hàng".

Tháng 4 năm 1975, vì nhiều nguyên nhân, vì vận nước, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam VN, chỉ ngồi ở ghế lãnh đạo cao nhất của đất nước vài ngày, kêu gọi QLVNCH "bỏ súng". Lệnh "bỏ súng bàn giao" với một người lính hinh như đồng nghiã với "đầu hàng". Chắc là không ai muốn vậy, nhưng quân đội là nơi kỷ luật được đặt cao nhất, nên những người lính năm xưa đã "bỏ súng" dù trong lòng đầy chua xót, uất ức.

Vì nhiều hệ lụy, Ba cũng như cả ngàn đồng đội của mình bị lừa, từ một tháng đến cả một thập niên bị lao động khổ sai, sống dưới mức sống tối thiểu của con người., chừng như còn thê thảm hơn mức sống được mô tả bằng kinh nghiệm sống của chính tác giả trong "Tầng đầu địa ngục" của nhà văn người Nga đọat giải văn chương Nobel năm 1970 Alexander Solzhenitsyn .

Trước ngày vào trình diện ở trường Don Bosco (tôi không biết chính xác trường này ở quận nào của Saigon và cũng không chắc mình viềt tên trường có đúng không vì lúc đó chúng tôi còn qúa nhỏ), Ba tập họp chúng tôi (đoàn quân cuối cùng Ba còn được chỉ huy) giao nhiệm vụ trong một tháng Ba vắng nhà. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ dại, đứa lớn nhất vẫn ở ngưỡng cửa Trung học, đứa nhỏ nhất vừa đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng chúng tôi có linh tính trước những đổi thay rất lớn, chăm chú nghe khẩu lệnh của Ba, Chúng tôi đứng hàng ngang ngay ngắn và nghiêm nghị, giống như hình ảnh trong một câu thơ của Trần Tế Xương "Bốn con làm lính, Bố làm quan"

Ba dặn dò chúng tôi phải thương yêu nhau nhiều hơn, tuyệt đối vâng lời Mẹ, bà nội, ông bà ngoại, phải suy nghĩ kỹ càng trước khi làm điều gì.

Ba muơi ngày trôi qua, rồi một trăm ngày, một ngàn ngày, rồi ba ngàn ngày, Ba vẫn ở xa nhà, mỏi mòn trong một xó xỉnh đen tối nào đó , bao quanh bởi núi rừng, bởi những cánh đồng trồng sắn khoai có những gốc được vun bón bằng chính thân xác của những người tù khổ sai không có án.

Đến khi nhận được thư đầu tiên Ba gởi về từ một địa chỉ "hòm thư" có dấu bưu điện của miền Bắc XHCN thì dù còn thơ dại, chúng tôi cũng biết chắc chắn mình sẽ phải sống không có Ba trong một thời gian rất dài không phải tính bằng ngày, tuần hay tháng, mà tính bằng năm.

Thư Ba gởi về theo đúng như khuôn mẫu "one of a kind", nội dung giống hệt nhau của các trại giam tù chính trị, chỉ khác nhau ngày tháng, và chỉ có tác dụng giúp Mẹ và chúng tôi nhận ra nét chữ của Ba vẫn còn cứng cỏi để biết Ba vẫn khỏe. Thư nào Ba cũng kín đáo nhắn nhủ Mẹ gởi chúng tôi ra ngoại quốc để chúng tôi có cơ hội được học hành thành người. Trong cơn bão lốc lớn nhất của đất nước và của gia đình, chúng tôi trưởng thành nhanh chóng, có một khuôn mặt trẻ thơ với cái đầu của một người đã trải qua nửa cuộc đời. Duy có mỗi cậu em út, chưa đến mười tuổi lúc đi thăm Ba ở trại Nam Hà miền Bắc, lần đầu tiên gặp lại Ba với cái đầu bạc trắng ở mấp mé tuổi 50, đã buộc miệng tương tự như đứa bé trong bài thơ về vợ chàng Trương trong điển tích ngày xưa của vua Lê Thánh Tôn:

- Đâu phải Ba, người này già hơn Ba nhiều!

Mẹ thương Ba nên tay xách nách mang, chịu nhiều gian khổ từ tinh thần đến vật chất mua đủ thứ dồ thăm nuôi bởi xách cho Ba mặc dù Ba chẳng bao giờ đòi hỏi vì Ba vốn sống giản dị, không hút thuốc, không uống rượu và luôn luôn "ăn để sống", chưa bao giờ "sống để ăn". Có lẽ nhờ vậy nên mãi đến bây giờ đã qua tuổi "thất thập cổ lai hy", với qúa khứ mười năm gian khổ trong lao tù cải tạo từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Trung, Ba vẫn khỏe mạnh hơn hẳn so với những người cùng trang lứa.

Chúng tôi không được may mắn ở gần Ba nhiều, không được nghe Ba dạy dỗ hàng ngày trong suốt thời niên thiếu, nhưng bằng lối sống mẫu mực của Ba, bằng sự hy sinh và chịu đựng của Ba Mẹ trong nhiều năm tháng chúng tôi biết con đường mình phải đi, để làm vui lòng Ba Mẹ.

Đầu thập niên 90 lúc Ba Mẹ được phái đoàn Mỹ ở Saigon mời lên phỏng vấn theo diện HO thì chúng tôi đã học hành xong xuôi và ổn định cuộc sống ở quê hương thứ hai, nên Ba Mẹ chỉ qua Mỹ chơi, không nghĩ đến chuyện định cư hẳn.

Qua cách tiếp đón Ba Mẹ của những người bạn cùng thời, từ hồi Ba Mẹ còn đi học hay lúc đã đi làm, chúng tôi hiểu thêm nhiều về Ba Mẹ, mặc dù Ba Mẹ không kể nhiều về những ngày còn trẻ của chính mình.

Khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi, thời gian Ba Mẹ ở chơi với mỗi chúng tôi không được lâu, vì bạn bè của Ba Mẹ ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ đã bay về nhà chúng tôi thăm Ba Mẹ hay mua vé máy bay cho Ba qua thăm họ ở nhiều tiểu bang khác nhau. Ở một xứ sở rộng lớn và bận rộn như ở Mỹ mà tình bạn từ nhiều thập niên trước, có khi cả nửa thế kỷ trước vẫn được trân trọng thì hẳn là Ba Mẹ phải sống rất được lòng người khác.

Tình cờ đâu đó ở Mỹ, trong những hồi ký của những người cùng thời với Ba, chúng tôi đọc được những giòng nhắc đến Ba, từ những ngày Ba làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm trong quân ngũ, đến những ngày bị đọa đày trong" lao tù cải tạo" từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vô Trung, chúng tôi càng hiểu nhiều về sự hy sinh vô bờ bến của Ba và Mẹ.

Ba được về thăm lại quê hương miền Bắc lần đầu kể từ chuyến di cư vào Nam năm 1954 không phải bằng máy bay, không phải bằng xe, mà là chuyến tàu Sông Hương (hình như đó là con tàu Việt Nam Thương Tín đưa cả trăm người từ Mỹ về lại VN rồi vào thẳng trong trại cải tạo sau này được đổi tên thành tàu Sông Hương và đưa các cựu Sĩ Quan QLVNCH ra Bắc đến những trại tù ở mạn ngược) đưa Ba cùng hàng ngàn Sĩ quan QLVNCH đặt chân trên cảng Hải Phòng của miền Bắc XHCN. Có lẽ chưa bao giờ, kể cả trong những giấc mơ, Ba và nhiều người Bắc di cư năm 1954 tưởng tượng được mình được "quy cố hương" tập thể trong cái còng tay số 8 với thân phận của những người tù.

Còn bi thảm hơn nữa, khi đoàn tàu lửa chở súc vật chở những cựu Sĩ Quan QLVNCH rời cảng Hải Phòng để xuôi về miền rừng thiêng nước độc của mạn ngược, những trại tù ở Nam Hà, Sơn La, Vĩnh Phú...,. họ còn bị những trận mưa sỏi đá do đồng bào miền Bắc phải làm theo chỉ thị của chính quyền địa phương thời đó, ném vào qua cửa sổ những toa tàu, rất là tương phản với trận mưa bánh kẹo, tự phát từ tấm lòng của những người dân miền Nam, ào ạt đổ lên qua khung cửa sổ của những toa tầu chỉ mở hé (để khối người trên tầu khỏi bị ngợp thở) mỗi khi đoàn tàu lửa Thống Nhất chở họ xuôi Nam , ngừng lại ở những ga nhỏ từ Huế vào đến Long Khánh. Những đau xót vật chất lẫn tinh thần từ sỏi đá ở miền Bắc hay những an ủi ngọt bùi từ bánh kẹo ở miền Nam chưa bao giờ Ba kể lại với chúng tôi nhưng chúng tôi biết được qua những hồi ký của những cựu Sĩ Quan QLVNCH phải trải qua những ngày cuối đời ở đất khách quê người. Mãi về sau này chúng tôi mới biết được điều đó, và càng thương Ba vô bờ. Ấy vậy mà điều đó ám ảnh tôi đến nỗi, có lần đi xe lửa ở Mỹ, trên ghế ngồi của toa tàu sạch sẽ, thoáng mát tri tưởng tượng làm tôi nghe vang vang tiếng chát chúa của sỏi đá chạm vào thành toa của chuyến tàu Thống Nhất năm xưa đưa Ba và những cựu Sĩ quan cấp tá cảa QLVNCH vào một giai đoạn đen tối nhất của đời người.

Là một người suốt đời chỉ làm lính, kỷ luật và tác phong quân đội ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống cá nhân của Ba và của cả chúng tôi, tất cả mọi thứ đều phải ngay hàng thẳng lối , ngăn nắp, tinh tươm, Nên mãi cho đến bây giờ ở Mỹ, nhiều người đến chơi nhà cửa chúng tôi, cứ nghĩ là chúng tôi chuẩn bị "open house" khi thấy mọi thứ đều sáng bóng, ngay hàng thẳng lối như một hàng quân. Chúng tôi học được điều đó từ tác phong quân đội của Ba. Suốt đời Ba chỉ làm lính, chưa làm một nghề nào khác, nên tác phong đó theo Ba suốt cuộc đời.

Ngày đính hôn của Ba Mẹ từ cả nửa thế kỷ qua, đã sắp xếp trước nhưng giờ chót có thay đổi đột ngột, Ba không về được, nên ngày Bà Nội bưng trầu cau sang nhà Ông Bà Ngoại hỏi Mẹ cho Ba không có chú rể. Mười ngày sau, đơn vị của Ba hành quân ngang Huế, Ông Ngoại dẫn Mẹ ra Quốc lộ I ở Huế chờ đoàn xe Ba đi qua, xe ngừng, Ba Mẹ chỉ nói chuyện được mười phút với ...... sự hiện diện của Ông Ngoại và cả một đoàn lính ngồi nhìn xuống từ xe GMC , mặc dù lúc đó Ba Mẹ đều đã có đeo nhẫn đính hôn ở ngón tay áp út. Điều đó gây một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng chúng tôi, đến nỗi ngay cả những tháng ngày sống một mình ở các trại tỵ nạn ở tuổi hai mươi, mỗi lần đi dạo bờ biển Pulau Bidong, Malaysia hay những con đường tráng nhựa dưới ánh trăng ở Bataan, Philippine với người bạn thân, tôi vẫn tưởng tượng có Ba đang đi bên cạnh để tự giữ "thân gái dậm trường". Hay sau này ở Mỹ, đứng trước biển Malibu lúc mặt trời lặn hay ngồi bên bờ hồ nhân tạo ở khuôn viên trường Đại hoc MIT rất thơ mộng một mình với anh bạn rất thân, chúng tôi vẫn chưa bao giờ vượt qua bức tường lễ giáo. Vì hình ảnh ông ngoại năm xưa dẫn mẹ ra Quốc lộ 1 ở Huế đón Ba sau khi Ba Mẹ đã đính hôn vẫn luôn rõ nét trong trí tưởng tượng của tôi. Và tôi vẫn nhớ lời Ba phải suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, vì không ai có thể quay ngược lại bánh xe thời gian để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Có lẽ Ba Mẹ, nhất là Ba không có cơ hội ở gần chúng tôi dạy dỗ chúng tôi nhiều điều như những ông bố bà mẹ may mắn khác, cho nên những điều Ba Mẹ dạy chúng tôi như một tảng bê tông cốt sắt bám dính vào trí tưởng của chúng tôi giữ chúng tôi đi trên đường ngay nẻo thẳng.

Ngày Ba Mẹ qua thăm chúng tôi, Ba Mẹ có cơ hội đến thăm những người bạn xưa, chúng tôi tất bật với nợ áo cơm, với những lo toan ở một đất nước mà tốc độ sống nhanh tưởng chừng như bằng với tốc độ của ánh sáng, chúng tôi không được dịp theo chân Ba Mẹ trên những chuyến bay khắp nước Mỹ. Nhưng một lần nữa chúng tôi thấy và học được từ hình ảnh Ba với người bạn đồng ngũ thân nhất ở Pennsylvania lúc đó, vẫn sát cánh bên nhau dưới màu áo lam trong ngôi chùa do Bác đổ nhiều công sức tạo dựng , giống như một thời xa xưa, Ba với Bác vẫn làm việc cùng nhau rất trung thực trong màu áo ô liu của quân đội. Thật ra, bây giờ, trong những ngày cuối thu, dầu dông, của cuộc đời, Bác và Ba vẫn là một "team work" rất tâm đắc, như ngày nào. Thời xa xưa "team work" đó chỉ quanh quẩn trong một góc phòng của Bộ Tổng Tham mưu hay đôi khi ở khắp bốn vùng chiến thuật, những năm gần đây, "team work" trải dài từ Mỹ đến Việt Nam, trong công cuộc từ thiện, giúp những người tàn tật, khốn khó. Bác qua Mỹ từ 1975, làm Công chức suốt 30 năm, có lương hưu từ qũy an sinh xã hội của Mỹ, nên "giàu" hơn Ba nhiều. Nghiệp nặng hơn, Ba ỏ lại, cả đời không hại ai, không làm gì sai trái mà vẫn phải sống đời tù không có án cả thập niên, đến tuổi già chỉ còn trông cậy vào các con đúng như nghiã của câu thành ngữ Việt Nam "già cậy con".

Cuộc đời rẽ ra hai hướng từ tháng 4 năm 1975, vậy mà tình bạn, tình đồng ngũ vẫn còn nguyên, không sứt mẻ. Hai người lính trẻ ngày xưa, hai Sỉ Quan QLVNCH trung niên thủa nào, đến tuổi hoàng hôn của cuộc đời vẫn còn đầy đủ tình "huynh đệ chi binh", vẫn sống giản dị, vẫn giữ kỷ luật với chính bản thân, và vẫn ngăn nắp sạch sẽ như dạo còn là một sinh viên sĩ quan ở quân trường. Không gặp nhau thường xuyên, nhưng Bác và Ba vẫn rất tâm đằc trong những việc làm từ thiện, Bác góp của nhiều hơn nhờ tiền hưu trí mỗi năm từ qũy an sinh xã hội của Mỹ. Ba không có được một ngân khoản nào ngoài sự tài trợ của các con, nên góp công nhiều hơn của.

Nhưng cả hai người lính già cùng mãn nguyện, cùng vui; niềm vui đôi khi còn lớn hơn cả niềm vui của những người kém may mắn được nhận những khoản trợ cấp đột ngột , bất ngờ mà tên ân nhân luôn luôn được giữ kín.

Gương sáng đó dạy cho thế hệ chúng tôi biết nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ đến những nhu cầu xa hoa của chính mình, và biết "thi ân bất cầu báo" như những người bán hàng rong dọc theo các ga nhỏ năm nào đã đổ cả thúng hàng, cả một vốn liếng đáng kể đối với họ, để tặng những người "tù cải tạo", vẫn bị đói triền miên, đang chuyển trại từ miền Bắc về lại miền Nam (Sau này, có dịp về VN, chúng tôi vẫn chọn đi xe lửa, để mua hết những thúng mía ghim, bánh tráng, kẹo mè xửng... của những người bán rong dọc theo các ga nhỏ; chỉ mong được thay Ba trả lại phần nào những ân tình hiếm qúy năm xưa.)

Lần đưa Ba Mẹ vào những tiệm sách nổi tiềng của Mỹ như Barnes... Noble hay Borders, Ba chỉ quanh quẩn ở quầy sách về chiến tranh Việt Nam, Ba có thể đọc hàng giờ không chán, chốc chốc lại nhìn qua khung cửa sổ bằng kính dày của tiệm sách. Quang cảnh dưới đường phố vẫn tấp nập, một đường phố bình an, tự do, giầu có của Mỹ , nhưng trong mắt Ba hình như là hình ảnh đất nước Việt Nam với bom đạn năm xưa bỗng dưng sống dậy từ những trang sách. Hình như Ba đang chìm về một quá khứ nào đó, có một thời tuổi trẻ của Ba Mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi như công nghiệp của cả một thế hệ cùng thời.

Cũng ở quầy sách đó, Ba đã may mắn được "tha hương ngộ cố tri", có dịp nói chuyện với ông Larry, một ông cụ người Mỹ đã có một thời làm cố vấn cho quân đội miền Nam, và có một thời học ở trường Bộ binh Fort Benning ở Georgia như Ba từ thập niên 60. Hai người lính già, hai mái tóc bồng bềnh ngày còn son trẻ một màu đen, một màu brunette, bây giờ cùng thưa thớt và bạc trắng phau như nhau. Cũng giông như vào đầu mùa đông, tuyết phủ trắng khắp mọi nơi, dù là đất loại nào, màu gì, cũng đều mang một màu trắng như nhau mỗi độ đông về. Những nếp nhăn trên khoé mắt của cả Ba lẫn ông Larry không phải còn là vết chân chim sẻ mà là vết chân của chim đại bàng.

Mỗi một nếp nhăn phải chăng là một kinh nghiệm máu xương, là một tấc thảm đỏ cho thế hệ con cháu an nhiên tự tại bước lên?

Hai ông cụ già hai màu da khác nhau, ở hai lục địa khác nhau mà vẫn tương đắc như tri kỷ khi nhắc đến quá khứ trong quân đội.

Dòng đời đã lướt qua từ gần nửa thế kỷ ,nhưng người lính năm xưa dù "gối đã mỏi, chân đã chồn", đã đi gần hết vòng tròn sinh tử, nhưng nhắc đến thời son trẻ, mắt họ vẫn sáng rực lên đầy tự hào về một thời đã làm hết bổn phận của mình, mặc dù đã không toại nguyện giống như một câu hát của Mỹ "I did my best but it is not good enough ...."

Lần tới, Ba qua Mỹ chơi, tôi tự hứa sẽ cố gắng đưa Ba đến tiệm sách của trường Harvard, nơi có cả một phòng sách về chiến tranh Việt Nam, dưới mắt của nhiều tác giả, nhiều khuynh hướng khác nhau. Có lẽ đọc những trang sách đó, Ba và những người lính già như Bác, như ông Larry đỡ cảm thấy ray rức hơn.

Những năm gần đây, mỗi lần có một người bạn của Ba về với hạc nội mây ngàn, theo yêu cầu của Ba, chúng tôi gởi vòng hoa phúng điếu đến tang quyến ở rải rác khắp nước Mỹ qua hệ thống gởi hoa trên internet. Mỗi lần gởi hoa như vậy. trong lòng vẫn có một chút xót xa khi nghĩ đến vòng tròn sinh tử nhiều người cùng thời với Ba Mẹ đã đi hết, thời gian chúng tôi còn được ở gần Ba Mẹ sẽ thu ngắn dần, ngắn dần.

Vài năm sau nầy, Ba cũng viết hồi ký, không phải để phổ biến đến công chúng mà chỉ in ra vài quyển để phân phát cho chúng tôi "đoàn quân cuối cùng" trong đời binh nghiệp của Ba, một đoàn quân không bao giờ đầu hàng trước mọi nghịch cảnh như lời Ba dạy lúc còn thơ dại. Nhờ vậy mà chúng tôi biết được thêm nhiều điều, biết được thế hệ cha anh của mình đã chịu nhiều gian khổ để ngày hôm nay chúng tôi được thênh thang sống dưới bầu trời tự do.

Mỗi dịp Father's Day hay Mother's Day chúng tôi vẫn lúng túng không biết phải làm gì để Ba Mẹ vui hơn trong hai ngày đặc biệt đó, vì Ba Mẹ không cần gì hết, không còn tha thiết nhiều đến vật chất. Mà những món quà tinh thần thì hơn ai hết, chúng tôi biết mình phải nỗ lực nhiều, nhiều hơn nữa vẫn chưa đền bù được tất cả sự hy sinh, nhọc nhằn của Ba Mẹ trong một khoảng thời gian dài hơn cả cuộc đời của chúng tôi.

Dù chúng ta có giỏi đến đâu, dù chúng ta có thành công đến đâu, chắc chắn chúng ta vẫn nhỏ bé dưới công ơn của núi Thái Sơn, của nước từ nguồn. Và suốt đời chúng ta vẫn cần bóng mát của núi, vẫn cần mạch nước nguồn ngon ngọt đã chở che, vỗ về chúng ta cả một thời nhỏ dại. Không có công ơn cha mẹ, không một ai lớn nổi thành người.....

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Với lòng biết ơn Ba Mẹ của 5H. Viết dịp Father's Day 08 và ngày 19 tháng 6. Xin kính cảm ơn bác Định, chú Tấn, bác Lai về một vài tư liệu trong bài)
Post Reply