Mối tình si

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Mối tình si

Post by unclevinh »

Mối tình si
(Thái-Vinh mến tặng hai nữ hiền đồ Minh-Thư và Julia Doanh-Doanh)

Cùng ở chung phòng tập thể số 82 ở trại tị nạn độc thân Hát Cua, trừ một lần khi hắn lân la đến giường làm quen hỏi mượn cuốn tự điển tiếng Anh để viết thư, Thái ít khi để ý đến Hải thường rụt rè nằm chèo queo trùm chăn kín đáo trên giường hai tầng khuất tận góc phòng. Nhưng đến một hôm trại tị nạn bắt đầu tổ chức văn nghệ ca hát lai rai mỗi cuối tuần cho đỡ buồn tẻ, Hải bỗng hăng hái cầm đàn lên bục cất tiếng hát những lời ca rất tha thiết:

"Lớn lên theo tuổi hao gầy
Bài ca dao nào đó nhớ ngày loạn ly
Mẹ bồng con lên non lẩn trốn
Anh lính rừng lập tổ đấu tranh..."

Bất chợt một giọng hét to:

- Đả đảo cọng sản!

Mọi người giựt mình ngơ ngác ngó dáo dác, thì Hải im lặng cầm đàn đi xuống lẩn vào đám đông.

Trở về phòng, thấy Hải leo lên nóc trại ngồi ngó ra biển, Thái leo lên ngồi bên cạnh, khen:

- Tôi chưa bao giờ nghe ai có giọng hát hay như anh.

Hải cười buồn:

- Thôi đi anh, chưa bị đánh hội đồng là may!

- Ờ, mà có phải nhạc cách mạng của mấy ảnh không?

- Để tôi hát lại cho anh nghe, rồi hãy phê bình:

Rồi Hải ngồi lại ngay ngắn, búng mấy ngón tay lên đùi như gõ vào phím đàn, hát nho nhỏ vô cùng lôi cuốn:

"Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
Tiếng hát vang lên trong khu rừng giết giặt
Giọng ai hò trong bản chiều hôm
À ơi nước xuôi về nội
Tình cội là nguồn
Gặp nhau mà cách con truông
Bạn bè vô bưng, ta buồn lưu vong..."

Thái vỗ tay, khen:

- Áp dụng vào thời buổi chiến tranh bỏ nước ra đi như bọn mình, thì đúng quá. À, mà anh là gốc quân nhân, phải không?

Hải ngậm ngùi:

- Không, tôi đang học ban Triết năm cuối ở Đại Học Văn-Khoa, thì được tin Nguyệt ra đi, tôi vội chạy đi tìm. Có người chỉ cho tôi hay là nàng đã theo gia đình xuống tàu ở Khánh-Hội...

Thái tò mò, hỏi:

- Hẳn nàng là ý trung nhân?

Giọng Hải chợt nghẹn ngào:

- Nguyệt đã có chồng, nhưng tôi không thể nào quên được...

Thái cười to làm Hải ngơ ngác:

- Té ra hai chúng ta đều là những kẻ bị tình phụ!

Hải nở nụ cười đau khổ, móc ví lôi ra một tấm hình đã bạc mầu nước biển đưa cho Thái coi. Thái ngó phớt qua tấm hình người thiếu phụ, rồi lại chăm chú ngó Hải, lắc đầu:

- Tôi không biết gì về tướng số, nhưng cảm giác nét đẹp quý phái của người đàn bà trong hình có hai lưỡng quyền rất cao nầy sẽ làm cho người đàn ông nào vướng lụy đau khổ đến chết. Anh nên cám ơn phu quân của nàng đã cứu mạng anh!

Thấy Hải làm thinh, Thái lôi Hải về thực tế:

- Mai mốt được sang định cư ở Hoa-Kỳ, anh dự định sẽ làm gì?

Hải vẫn mơ màng:

- Ngày nào còn sống, tôi sẽ đi tìm nàng ở khắp chân trời góc biển...

Thái bực mình, gắt ngang:

- Phần tôi, tôi sẽ tìm cách cưới ngay một em gái mắt xanh, tóc vàng để trả thù dân tộc và để quên quách con người bạc tình kia. Tôi chưa bao giờ làm người lính chiến đấu, nhưng không chấp nhận làm kẻ bại trận. Ba tôi mà biết được cuộc lưu vong của tôi chỉ vì một người đàn bà thì ổng sẽ đau khổ biết là chừng nào. Nhưng mà này, vì lý do gì mà anh lại đi yêu một người đàn bà đã có chồng?

Hải chống chế yếu ớt:

- Nguyệt hát rất hay. Nàng và tôi tha thiết yêu nhau từ năm đầu đại học qua những lần sinh hoạt văn nghệ liên trường, nhưng gia đình bố mẹ gốc Bắc di cư của nàng chê tôi chỉ vì tôi là dân Miền Trung, mà lại không có địa vị, tương lai hết học chắc chắn phải khoác áo chiến binh bỏ mạng sa trường...

Thái im lặng ngồi nghe giọng Hải buồn buồn suốt đêm ấy dưới bầu trời lấp lánh ánh sao ở trại tị nạn Hồng-Kông. Hai người ngồi trên nóc trại cùng nhìn ra biển, không uống rượu mà như say kể lể tâm tình như hai kẻ đồng bệnh tương lân thông cảm tâm sự sâu xa.

Ngày cả hai xuất trại tỵ nạn Indian Town Gap, tái định cư mỗi người một nơi ở Hoa-Kỳ, siết chặt tay nhau, Hải nói mấy câu chia ly rất cảm động, "Được một người bạn như anh, tôi vô cùng mãn nguyện. Mong chúng ta đừng bao giờ quên nhau!"

Hải đi lên Boston, thủ phủ tiểu bang Massachusetts; còn Thái lạc lõng về một thành phố khỉ ho cò gáy ở tiểu bang Pennsylvania. Mùa đông đầu tiên lạnh lẽo buốt giá tâm hồn hai đứa mất tin nhau. Thái quên bẵng lời hứa tìm cách cưới ngay một cô gái mắt xanh tóc vàng cho đến một hôm đang ngồi thẫn thờ nhìn tuyết rơi trắng ngập phố phường, thì tiếng chuông điện thoại reo.

- Phải mầy đó không Thái?

Nghe giọng nói quen thuộc của Hải, nhưng không còn gọi anh xưng tôi như trước, Thái mừng rỡ hét to:

- Tao đây! Tưởng mầy đã biến thành người tuyết! Bao giờ mới xuống thăm tao?

- Vụ gặp mầy hãy từ từ. Báo cho mầy một tin vui. Tao đã tìm được nàng...

Tự nhiên, trong tâm trí Thái thoáng hiện một bóng hình cũ, nghe đau nhói trong lồng ngực, nhưng vẫn làm bộ vui vẻ:

- Mầy hãy cẩn thận vì ở đây ai cũng có súng!

Tiếng Hải cười sảng khoái:

- Cám ơn mầy đã lo cho tao; nhưng chồng nàng đang còn ở trong trại học tập cải tạo mút mùa. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 nàng bồng con xuống tàu đi trước; còn chồng nàng giờ chót lính quýnh sao đó bị kẹt lại! Tao đã làm đơn xin đổi sở làm. Nay mai sẽ dọn xuống Virginia gặp lại Nguyệt. À, mầy nhớ viết thư nhờ Hồng Thập Tự tìm giùm cô bạn cũ của mầy! Đàn bà không bao giờ quên mối tình đầu!

Thái cũng vui lây:

- Nói như mầy, thì tao không cần tìm chi nữa cho mất công, vì tao là mối tình cuối của nàng ở Việt-Nam.

Hải gọi lần ấy rồi im bặt suốt nửa năm. Nhiều khi Thái cảm thấy nhớ người bạn đầu tiên trên bước đường ly hương, nhưng không biết đâu mà liên lạc. Một hôm, Thái đang gây lộn với hai người bạn tị nạn cùng được nhà thờ United Methodist bảo trợ cho ở chung nhà, thì có tiếng Hải đứng trước nhà réo chửi, "Tiên sư tụi bay ở trên đó mà cãi lộn, có anh tụi bay đưa khách quý đến thăm nè!"

Hải đưa Nguyệt đến ở chơi một tuần. Người đàn bà ấy có nét đẹp rất sắc sảo, hơi lạnh lùng tàn nhẫn. Hải dạn dĩ ăn nói ồn ào với bọn Thái, nhưng đối với nàng lại rụt rè hiền lành như một chàng trai mới biết yêu lần đầu. Thái không bằng lòng, thường tìm cách châm chọc; nhưng Trinh và Giáo, hai người bạn tị nạn ở chung nhà đã lâu chưa thấy bóng phụ nữ Việt-Nam, cứ lén nhìn Nguyệt một cách say đắm. Nghe Hải kể đời sống náo nhiệt của người Việt tị nạn ở thủ đô, Trinh muốn dọn đi theo ngay.

Kể từ dạo ấy, Thái không còn tha thiết liên lạc với Hải nữa, và Thái cũng ly khai hai người bạn quý ra ở riêng. Đôi khi thấy nhớ, muốn biết tin Hải, Thái ghé thăm và hỏi Trinh về Hải. Thái ganh tị với người bạn đang hạnh phúc, mà quên mất lời nói bùi ngùi của nó hôm nào khi cả hai ngồi tâm sự trên nóc trại tị nạn Hát Cua nghe nó hứa trọn đời, "Ngày nào còn sống, tôi sẽ đi tìm nàng ở khắp chân trời góc biển..."

Bản tính Thái ngang ngược, thích làm trái lại những gì mà Hải đang đeo đuổi, để chứng minh là Hải sai lầm. Nhưng rồi Thái cũng bị tiếng sét ái tình đánh trúng. May mắn thay, đời Thái chưa bao giờ bị thất bại. Thái lập gia đình và lưu lạc khắp nơi. Có lúc dời về gần thủ đô; tuy biết Hải ở cùng một thành phố, nhưng Thái không muốn gặp lại người đàn bà mà lúc nào Thái cũng cảm thấy bất an nếu lỡ vướng vào sẽ bị đau khổ suốt đời.

Mấy năm trở lại đây, Thái đã bắt đầu cảm thấy già, mệt mỏi hết muốn giang hồ, bèn quyết định dọn về California chờ chết. Muốn biết tin Hải, Thái gọi thăm Trinh, lúc nầy cũng đã lấy vợ và dọn về gần thủ đô. Trinh ngạc nhiên:

- Anh đi đâu biệt tăm gần hai mươi năm nay? Tôi vẫn tưởng anh và Hải liên lạc với nhau luôn luôn! Khi tôi dọn về đây, thì Hải còn chung sống hạnh phúc với Nguyệt. Không ngờ vào một đêm mưa gió, khi tôi sắp đi ngủ thì nghe tiếng gõ cửa. Gặp lại Hải tiều tụy yếu đuối, tóc rụng xơ xác, tôi vô cùng bàng hoàng xúc động. Hắn bỏ nhà đi lang thang như một thằng điên...

Thái nóng nảy chặn ngang:

- Bộ con Nguyệt bỏ nó à?

- Nguyệt yêu nó lắm. Nhưng Hải là kẻ si tình dám tự móc mắt chữa bịnh người yêu như trong mấy câu chuyện kiếm hiệp. Hải cao thượng giúp đỡ tiền bạc và giúp Nguyệt làm giấy bảo lãnh người chồng cũ. Người ấy sang được, cả ba sống vui vẻ hòa thuận với nhau độ nửa năm đầu. Từ nửa năm sau trở đi, hoặc là Hải đuối sức, hoặc là bị cá lớn hiếp cá bé, nên nó từ từ lùi dần từ trên lầu xuống dưới lầu, rồi nhường người yêu, xe cộ, và nhà cửa, chỉ giữ lại cái ga ra. Không biết nó làm chủ cái ga ra lạnh lẽo được bao lâu thì mới bỏ tất cả đến đây...

- Anh không hỏi nguyên do nào nó lại quyết định điên rồ như thế à?

- Có chứ, nhưng nó đã nghiện rượu nặng, lúc nào cũng lè nhè ngâm bài "Hồ Trường":

"Nào ai tỉnh?
Nào ai say?
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây!"

và vỗ ngực tự hào đã sống đủ những chuỗi ngày thần tiên với Nguyệt!

- Rồi bây giờ nó ở đâu?

- Nó chỉ ở tạm vài hôm, rồi bỏ đi. Một hôm đi làm về khuya, thấy một đống gì đen thui ai để trước cửa, tôi sợ hãi, liền gọi mấy người hàng xóm đến mở ra xem; té ra là Hải đang nằm thoi thóp. Tôi đành gọi điện thoại báo cho Nguyệt...

Thấy Trinh nghẹn ngào ngừng kể, Thái giục:

- Rồi Nguyệt có đến không?

- Nguyệt đưa Hải vào nhà thương. Hôm sau tôi vào thăm. Thấy nó gầy gò đen đúa như một con mắm nằm co ro trên đĩa, lúc tỉnh lúc mê, tôi ứa nước mắt. Bất chợt mở mắt thấy tôi, ánh mắt nó long lanh nửa như vui mừng nửa như đau đớn, cố vói nắm lấy tay tôi, tưởng lầm là anh. Nó chỉ thốt được một câu, rồi tắt thở:

"Thái...mầy đã tìm được cô bạn cũ chưa?"
Post Reply