THƯ TỪ MIỆT DƯỚI 6

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

THƯ TỪ MIỆT DƯỚI 6

Post by maixuanthanh »

NGÀY XƯA THÂN ÁI.


Bạn hiền,

Trước mặt tôi là màn ảnh máy vi tính đang chiếu lại đoạn phim Thầy Trần Kiêm Cảnh đọc diễn từ trong tiệc tiếp tân của ngày Đại hội Kỹ sư Công Nghệ thế giới lần đầu tiên sau ba mươi năm ly tán. Vẫn với nụ cười thân tình và giọng nói ấm áp của ngày xưa thân ái, Thầy đã làm cho tôi xúc động bồi hồi. Cái video clip dài 8 phút này tôi đã mở ra xem đi xem lại nhiều lần, nhưng lần nào mối cảm xúc cũng tràn ngập lòng, cuốn tôi trở về một thời dĩ vãng thật tuyệt vời.

Trước khi chấm dứt Thầy không quên nhắc nhớ các giáo sư của trường. Thầy nói : “…Nhớ tới quí Thầy tôi xin mạn phép nhắc lại Ông Giám đốc Văn Đình Vinh, người cha đẻ Kỹ sư Công Nghệ, một người Thầy mà đối với…(bị ngắt quãng vì ồn ào)…Rất tiếc Cụ Văn Đình Vinh nay đã qua đời. Theo tôi biết Cụ đã sống ở San Jose này. Nếu nay Cụ còn sống chắc Cụ cũng vui lắm !......” Một người Thầy Công Nghệ đã không còn nữa, để chứng kiến ngày hội ngộ tưng bừng của những môn sinh mà Thầy thương như con đẻ, ở một nơi không phải là Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, vào một thời điểm khó có ai mơ thấy được, nhiều năm sau ngày Trường bị xóa tên theo mệnh nước nổi trôi. Nuôi con nên vóc nên hình, công lao Cha Mẹ thật bao la như trời biển. Còn ân sâu nghĩa nặng của quí Thầy đã dốc tâm đào luyện cho môn đệ thành người hữu dụng và danh vọng cho xã hội thì biết lấy gì để so sánh cho vừa ! Xin mời Bạn, hãy cùng tôi thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ Thầy Văn Đình Vinh, một vị Thầy đã cho Anh Chị Em ta hành trang vào đời không những chỉ có kiến thức và trí tuệ mà còn đầy ắp tình thương yêu của một người Cha dành cho nhiều đứa con mà đứa nào cũng nhận được phần đều nhau.

Những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ của một đời người là những gì trân quí nhất, không dễ gì để mất đi được nhưng lại thật dễ để chia xẻ cùng nhau, với những người bạn đã qua một thời yêu dấu cũ. Hay với cả những ai còn mang nỗi hoài niệm về quãng đời thanh xuân thơ mộng. Học cùng Thầy, cùng sách, biết nhau cả thì có gì để mà giấu diếm hay khoe khoang. Kể chuyện tâm tình để nhắc nhớ về những ngày xưa thân ái cho vui thôi. Phải không, Bạn hiền ? Mời Bạn thoải mái cùng tôi trở lại mái trường Công Nghệ thân thương vào những năm 65…69. Tôi nói thoải mái là vì đi với tôi Bạn chả cần phải lo hộ chiếu hay visa gì cả. Cũng chẳng cần phải đổi tiền giấy nhỏ một đô, năm đô, để “thí cô hồn” cho những bộ mặt khó đăm đăm, nhăn nhó như khỉ phải gió ngồi ở các cửa khẩu nữa đâu. Tôi mượn được chiếc máy vượt thời gian rồi. Cứ lên ngồi, bấm nút, nhắm mắt lại, mở mắt ra là tới nơi thôi !

Nhớ lại trước năm 65 một chút, khi tôi đang chuẩn bị thi Tú tài đôi. Tôi cũng đã băn khoăn như bao học sinh khác là không biết nên theo học môn gì khi vào Đại học. Ba tôi muốn tôi thi vào trường kỹ sư, còn Mẹ tôi lại muốn tôi trở thành thầy giáo. Bà thường bảo “ Con ốm yếu thì liệu học kỹ sư có nổi không ? Mẹ thích con làm giáo sư hơn !” Tuy có ý kiến nhưng hai đấng sinh thành vẫn để tôi tự ý chọn. Lúc bấy giờ, đối diện nhà tôi có anh T. một kỹ sư thủy lâm, đi làm có xe đưa đón rất oai vệ. Cách nhà tôi vài căn cũng có hai anh em anh Ph. và Tr., anh Tr. tốt nghiệp Đại học sư phạm, hàng ngày đi dạy chạy một chiếc Mobylette máy ho khục khặc hoài, còn anh Ph. kỹ sư Công Chánh, làm trưởng ty, đi làm bằng công xa đàng hoàng… Nếu ở vào trường hợp của tôi, trước những “gương sáng” ấy, Bạn sẽ chọn học môn nào ?! Nhưng nếu quyết định học kỹ sư thì nên chọn ngành nào ? Cũng giống như anh 6 Nguyễn Sáu, tôi có cái duyên với Công Nghệ, qua một câu chuyện rất dễ thương và nhớ đời mà tôi sắp kể ra đây.Trong thời gian học thi, tôi cùng một nhóm tụ tập ở nhà một anh bạn để gạo bài. Căn phố sát vách có một anh tên Sê, bạn tôi bảo anh đang học kỹ sư Phú Thọ. Vào giờ giải lao, chúng tôi thường ra ngồi ngoài ban-công chuyện trò và gần như lần nào cũng thấy anh Sê ngồi bên kia, vì không có vách ngăn giữa hai ban-công. Có lẽ thấy chúng tôi học chuyên cần và hiền lành nên anh thấy mến và lên tiếng hỏi thăm trước. Thế là chúng tôi như đang chơi vơi trên giòng nước gặp được chiếc phao, xúm lại “phỏng vấn” anh về trường kỹ sư Phú Thọ. Anh cho biết anh đang học Công Nghệ và khuyên chúng tôi nên thi vào trường này. Trước đây, nghe nói tới kỹ thuật học trò phổ thông “ớn” lắm ! Nhưng qua anh Sê, chúng tôi thấy Công Nghệ có nhiều môn học hay quá và muốn “kết” liền ! Khi thấy chúng tôi còn do dự, sợ không biết thi đậu nổi không vì mỗi năm trường dành cho dân phổ thông có 12 chỗ thôi, thì anh khuyến khích “Tôi thấy mấy bồ học dữ quá, chắc không rớt đâu. Cứ thử đi !” Lúc đó anh đang học năm cuối, sang năm anh sẽ là ông Kỹ sư rồi, nhưng lúc nào anh cũng khiêm tốn, bình dị và tươi vui. Giọng nói thân mật, gần gũi và đầy thiện ý của anh đã gây cho chúng tôi một niềm tin vào tương lai. Tôi nghĩ đó là một “ngõ rẽ” đầy may mắn (một hạnh ngộ) trong đời học trò cùng với nhóm bạn thân của tôi. Nghe lời khuyên của anh 5 Võ Kim Sê, chúng tôi đã “thử”, và may thay, có tới ba thằng đã trở thành đàn em Công Nghệ của anh. Thế đó, “mối duyên Công Nghệ” thật đằm thắm đã đến với tôi từ trước khi thi đậu vào trường nữa ! Ra trường, làm việc cho Công ty đường, tuy bận rộn nhưng mỗi lần gặp là anh hỏi han rất kỹ về việc học của chúng tôi. Anh đã chỉ dẫn và mang những cuốn sách của riêng anh ra cho mượn để trau dồi thêm. Anh 5 Kim Sê ơi ! Em còn nợ Anh mấy cuốn sách quí. Ngày sập trời, bọn “ba mươi” lùng xục khu nhà Anh em mình đã ở, trong chiến dịch gọi là “truy quét tàn dư văn hoá đồi trụy và phản động”, khuân đi hết nguyên một tủ sách của gia đình em, không cần biết đó là sách gì, trong đó có những sách Anh cho mượn. Biết lấy gì để trả lại cho Anh đây ! Cho tới hôm nay, sau hơn 40 năm, qua biết bao cuộc bể dâu, mối thân tình của Anh và tôi vẫn y như ngày nào !

Một khung trời mới lạ và đầy hấp dẫn đón chào ngày tôi bước chân vào trường Công Nghệ. Vì đã chuẩn bị tinh thần nên đối với các môn học kỹ thuật mới mẻ tôi xem là những khám phá kỳ thú dù có lúc cũng phải cố gắng một cách vất vả ! Như ngày đầu tiên học Cơ xưởng, bắt thăm Máy Dụng cụ trúng ngay Ông khổng lồ Titan ! Tên học trò trung học phổ thông ốm yếu là tôi đã đổ không biết bao sức lực cho chiếc máy mà ai cũng sợ này ! Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không biết vì sao lúc đó tôi chả ngán tí nào cả ! Trong truyện truyền kỳ, ông khổng lồ Goliath quyền lực biết bao mà còn bị anh chàng tí hon David hạ mà ! Tôi đã tỉnh táo vuốt mồ hôi để khuất phục anh chàng Titan kịch cợm này thôi.(Nói ngay tình, còn có con đường nào khác nữa đâu !) Bất chấp chiếc mâm nặng nề, phải bặm môi, phùng má mới xoay cho được, và cái “xa dao” vặn muốn trẹo tay nó mới nhúc nhích, tôi đã cố công tạo được những thành phẩm mà Ông Thầy Peret đo đạc xong là gật gù làm cho thằng nhỏ lên tinh thần quá trời ! Chỉ có một điều làm tôi bận tâm lắm, là chỉ sợ Mẹ tôi lo, nên mấy tháng đầu,sau những giờ học Cơ xưởng về nhà, dù mệt nhọc bơ phờ đến đâu cũng làm bộ khoẻ khoắn, nhún nhảy, huýt sáo vang nhà cho Mẹ tôi đừng chú ý !

Tính tôi thấy cái gì mới lạ là thích lắm (nói ham của lạ chắc không sai !) và môn học mà tôi thích thú đến say mê là môn Kỹ nghệ họa. May mắn là tôi được học môn này với Thầy Văn Đình Vinh. Thầy dạy cả hai lớp học riêng, cho Nhóm A (học sinh từ trung học kỹ thuật) và Nhóm B, gồm 12 tên ngơ ngáo chúng tôi, nhìn vào các bản vẽ như lạc vào rừng rậm ! Phải học thế nào cho đến năm thứ hai là hai nhóm sát nhập làm một. Yêu cầu khó khăn này phải làm cho được bằng mọi giá. Chúng tôi cố gắng miệt mài và Thầy cũng đã vất vả không kém. Nếu lúc đó có ai ghé thăm lớp học, mới thấy công khó và sự tận tâm của Thầy. Nếu chúng tôi còn nhỏ hơn một chút, chắc Thầy phải cầm tay để tập cho vẽ quá ! Ngày đó, tôi đã tâm cảm được một điều là dạy cùng một môn học cho hai nhóm có trình độ khác biệt một trời một vực, Thầy đã làm hết sức mình, giống như dạy cho những học trò học dở, đầu óc còn u tối, theo kịp một nhóm học sinh giỏi vậy. Muốn làm được việc này, ngoài lương tâm của một giáo sư, Thầy còn cho chúng tôi tình thương yêu của một người Cha, tận tụy chăm sóc cho những đứa con thua kém các con khác. Từ ngày ra trường, và cho mãi đến hôm nay, qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời luân lạc, mỗi lần nghĩ đến Thầy là tôi đều có cảm tưởng như trên đuờng thiên lý nhọc nhằn, được dừng chân ngồi nghỉ dưới gốc một cây cao sừng sững đang toả bóng mát thật bao dung để thấy lòng êm ả vô cùng.

Thầy nói chuyện rất nhỏ nhẹ và giảng bài cũng thế nên tôi thường ngồi ở hàng ghế đầu để nghe cho rõ. Có lẽ nhờ có “hoa tay” nên học vẽ nhanh và hay thắc mắc, hỏi này hỏi nọ, nên Thầy chú ý đến tôi nhiều hơn và hay nhờ tôi làm một số việc nhỏ như gom bài tập, phát bài…Có khi, trong giờ học Thầy phải đi ra ngoài, thường nhờ tôi làm “phụ giáo”, chỉ thêm chút ít những gì tôi biết cho bạn nào cần giúp (chữ “phụ giáo” mới nghe tưởng là “bảnh” lắm, nhưng thực ra không phải đâu, nó có nghĩa là người phụ giúp chuẩn bị học liệu cho giáo viên tiểu học, do đám bạn đặt ra để chọc ghẹo tôi mà thôi !). Tuy vậy, cái “uy tín” này của tôi cũng được 11 anh chàng kia chấp nhận một cách thật dễ dãi và vui vẻ mới ngộ chứ ! Bằng chứng là mỗi lần muốn “xin xỏ” Thầy cái gì đó thì tụi nó lại đẩy tôi ta, làm như là chỉ có tôi xin mới được thôi ! Tỉ dụ như : “ Ngày mai, mày xin Thầy chở lên Công trường Điện lực 33-66 trên Thủ đức nghe Thành !” Nghe êm tai quá xá ! Cái cơ sở Điện lực tối tân đang xây cất này có quá nhiều thứ để học hỏi. Nhưng không phải chỉ có thế để hấp dẫn chúng tôi. Trên đó còn có những huynh trưởng Công Nghệ, tuy rất bận rộn nhưng đón tiếp đàn em thật nồng hậu. Lần nào tôi xin Thầy cũng cười và gật đầu. Thế là cả lớp hí hửng thu dọn sách vở gởi trên văn phòng rồi lên xe. Chiếc xe Falcon màu xanh rêu to tướng của Thầy rồi cũng đủ chỗ ém được tới một tá sinh viên kỹ sư, tuy lớn đầu rồi mà vẫn còn đáng được xếp hạng ba, chỉ thua có …quỉ và ma mà thôi !

Kể chuyện Công Nghệ mà không nói tới những nụ cười thì thiếu sót lắm Bạn hiền ơi ! Mời bạn tiếp tục đi với tôi lên Công trường 33-66 nhé. Bảo đảm với bạn, lên đó nhìn thấy các anh dù bận tíu tít nhưng lúc nào cũng cười là bạn sẽ thấy ấm lòng lắm ! Xe lên tới nơi là Thầy sẽ bàn giao tụi tôi cho các anh hướng dẫn đi xem các nơi. Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đó Thầy làm Giám đốc Chương trình nhiệt điện này, và huynh trưởng Công Nghệ thì thường gặp các anh Lê Minh Quân, Lâm Dân Trường, Nguyễn Sáu…Xuống xe là Thầy đi trước. Thầy đi nhanh lắm, những bước thật dài và mạnh chứng tỏ lúc nào Thầy cũng bận, phải tranh thủ thời gian. Các anh ra đón. Thế là từ ngoài xe chúng tôi thấy được những nụ cười….Bọn “phá phách” là chúng tôi vẫn hay “thấy mặt đặt tên” cho vui và dễ nhớ, nhờ thế mà mấy chục năm sau vẫn không quên bạn ạ ! Thầy “cười mỉm”, anh 3 Minh Quân “cười cởi mở”, anh 6 Nguyễn Sáu thì “cười thoải mái”, còn nụ cười của anh 3 Dân Trường thì thôi….. hiền hết biết, tụi tôi gọi là “cười Như lai” ! Trong suốt mấy năm học tôi nhớ ít khi Thầy cười thành tiếng và không bao giờ thấy Thầy tỏ ra bất bình chuyện gì cả. Trên khuôn mặt hiền từ của Thầy luôn phảng phất nụ cười dịu dàng. Mà hình như, Thầy thường cười bằng ánh mắt nhiều hơn. Nói tới đôi mắt cười, tôi xin kể thêm một kỷ niệm vui có một bức chân dung thật sống động mà chắc có nhiều Anh Chị đã từng ngắm qua. Chỉ sau một năm nhập môn là tôi đã trở thành một thằng em “được việc” của các anh “chức sắc” vì tính sốt sắng, nhanh nhẩu mỗi khi được sai phái. Vui nhất là cuối năm, có Dạ vũ tất niên, một sinh họat truyền thống rất được hâm mộ của Công Nghệ. Lễ hội được tổ chức thật trang trọng và rình rang nhờ quí Thầy và các anh chị kỹ sư đã ra trường ủng hộ rất hào phóng. Thế nhưng, khi sắp đặt cho nhóm “bị gậy” đi hành nghề thì hình như cũng hơi…lo lo ! Vì ai cũng ngại đến gặp huynh trưởng vừa tặng tiền vừa cho “miễn phí” vài bài “morale” !Trong danh sách phân công cho tôi có Chị Cả Quách Thị Thu. Nếu đừng có ai nói gì hết thì tôi sẽ lên đường lòng vui phơi phới, đằng này có anh còn “nhận định tình hình” rằng : “Thằng Thành mặt mũi hiền lành, đi xin tiền chị Thu là …hợp cảnh rồi ! ” Và, lại còn dặn với theo : “ Nói phòng xa, nếu bà chị giảng “morale” thì cứ cười, ngậm họng ăn tiền nghe mậy !!”….Trời ơi. Sao vậy ?! Nếu Chị Cả có đọc những giòng chữ này xin Chị đừng cười và trách mấy cậu em ấm ớ. Kể chuyện xưa cho vui thôi. Khi vào trường, tôi đã hãnh diện vì có hai bà chị Công nghệ và hâm mộ lắm, rất muốn diện kiến, nhưng nghe nói vậy cũng hơi “rét” chứ ! Cuối năm, thời tiết mát mẻ, gởi xe ở gần bùng binh chợ Saigon xong, bước vào trụ sở trung ương Hoả xa Việt Nam mà vẫn còn rịn mồ hôi ! Lòng “nặng trĩu ưu tư” tôi bước chậm dọc theo hành lang để ngắm nhìn những bức chân dung của các vị Giám đốc Hỏa xa treo trên tường. Sau những bức hình của các ông râu xồm là hình của Thầy Văn Đình Vinh. Tôi đứng yên và ngắm khá lâu, bức ảnh rất đẹp, trông Thầy thật nghiêm nghị và hình như Thầy đang cười với tôi. Cười bằng ánh mắt. Bức ảnh đẹp sống động đã tạo một ấn tượng mạnh khiến tôi vui và thư thái trở lại. Vừa lúc đó, một bác tùy phái bước đến hỏi và đưa tôi vào văn phòng của Chị Thu. Phòng làm việc của Chị rộng rãi và trang nhã gây cho tôi một cảm giác ấm cúng. Từ sau bàn giấy thật to Chị đứng dậy vui vẻ tiếp đón. Bạn hiền ơi ! Nếu có ai chưa bao giờ thấy Chị ngồi trong văn phòng Chánh Sự vụ ấy và gặp Chị ở một nơi khác sẽ không nghĩ một phụ nữ với dáng vẻ thanh nhã và vui tươi ấy là một kỹ sư, chứ đừng nói là kỹ sư Công Nghệ, không ai tin đâu ! Nhìn Chị cười là tôi thấy “phẻ” quá ! Chị ân cần hỏi han đủ thứ, từ chuyện học đến tổ chức tất niên chứ không nói…..gì khác ! Trước khi tiễn tôi ra về chị cho một bao thư “nặng” hơn của mấy anh trai nữa. Theo hành lang ra ngoài, tôi dừng lại nhìn chân dung của Thầy và cười thầm “…thì ra, mấy ông anh chỉ nghe tin đồn rồi lo thôi ! ”.

Tưởng nhớ Thầy Văn Đình Vinh và môn Kỹ nghệ họa tôi phải nhắc đến một người bạn hiền của Công Nghệ 10. Đỗ Văn Chơn, một kỳ tài độc nhất vô nhị của trường về môn học quan trọng hàng đầu này. Tôi không nói quá lời đâu. Chơn từ Cao Thắng vào Công Nghệ. Những học sinh kỹ thuật giỏi Kỹ nghệ họa là điều hiển nhiên, nhưng Chơn là tác giả của nhửng bản vẽ toàn bích, đúng và đẹp từ bố cục cho đến từng nét vẽ, chữ viết. Trong đời làm việc kỹ thuật tôi chưa từng gặp một bản vẻ của một người nào khác đẹp hơn. Tôi đã thường lân la xem Chơn vẽ để học hỏi thêm. Nếu được một lần tận mắt chứng kiến thì bạn mới tin những điều tôi vừa nói. Bạn còn nhớ chứ. Vẽ một góc vuông có “bo” tròn thì mình quay compas một phần tư vòng trước, rồi dùng bút nối hai đầu của cái vòng cong đó là xong. Khéo tay thì nét vẽ xuông, vụng thì “mụn” sẽ nổi lên ! Chơn cũng làm y như mình thôi. Nhưng khi nối hai đầu phần tư vòng tròn Chơn đặt bút thật nhẹ, kéo cho chỗ giáp mí hơi khuyết một chút (nếu không khuyết thì cũng chắc ăn là không nổi cộm, đó là “bí quyết” mà Chơn đã truyền nghề cho tôi), rồi dùng đầu kim nhọn của compas gạt nhẹ cho đầy đặn mí nối của nét vẽ. Sợ chưa ? Chắc bạn mới nghe lần đầu phải không ? Cần cù và sáng kiến như thế vẽ không “hết xẩy” sao được ! Chơn là người bạn đáng quí, không chỉ vì tận tình với bạn bè thôi, mà còn rất hiền. Ít nói, chỉ cười thôi.
Tôi và Chơn là hai thái cực nhưng quí mến nhau mới lạ chứ ! Chơn điềm đạm còn tôi thì lúc nào cũng đùa được. Chọc ghẹo cho vui nhưng có tên muốn nổi sùng, còn Chơn thì chỉ cười hiền lành chẳng bao giờ giận cả. Có một hôm Chơn hỏi tôi: “ Mày là dân phổ thông mà sao vẽ cũng “độc” quá vậy mậy ?!” Tôi cười hỏi lại : “Ủa. Mày không nghe nói kiếp trước tao là kỹ sư Công nghệ sao ?” Chơn trợn mắt : “ Hồi trước cũng có kỹ sư Công nghệ nữa hả ? Mà làm việc ở đâu ?” Nghe tôi bảo “làm việc trên thiên đình” bạn hiền cười hà hà rồi phán : “Ở trên thiên cung sướng muốn chết còn xuống đây làm chi ! Mày bị sa thải hả ? Hay ở trển hổng có bán rượu ?” Tôi chép miệng như tiếc rẻ : “ Rượu ngon ê hề mày ơi. Tiên nữ xinh như mộng nhưng khổ một nỗi là chai rượu nào cũng có cái lỗ nhỏ dưới đáy, còn các nàng tiên thì…….” (Xin phép ngưng kể tiếp chỗ này để khỏi bị rầy nghe Bạn hiền !) Nghe xong, Chơn cười cười rồi bỏ đi chỗ khác…. Chơn thân mến, tôi không biết giờ này Bạn đang ở đâu. Nếu đọc được những giòng chữ này, chắc Bạn sẽ dành ít phút để tưởng nhớ Thầy Văn Đình Vinh, người Thầy kính yêu của Anh Chị Em mình, đã một đời cống hiến tài năng cho nước nhà nói chung, và trường Công Nghệ nói riêng, qua những chức vụ chỉ huy các cơ sở kỹ thuật có tầm vóc quốc gia và còn dành thêm thì giờ và tâm lực cho việc đào tạo nhân tài để phát triển kỹ nghệ, canh tân và xây dựng một đất nước phú cường. Tôi nhớ có lần tranh luận, tôi nói “ …đứa nào Thầy cũng thương như nhau.” Thì Bạn cãi lại “…nhưng mà hình như tao thấy Thầy thương tao và mày hơn mấy thằng kia một chút xíu !! ” Đọc lại chuyện cười vừa rồi, chắc Bạn sẽ rủa thầm “ thằng quỉ này, già đầu rồi mà còn khoái bông đùa ! ”. Có phải vậy không, Bạn hiền ?

Xin phép dừng bút nơi đây. Kính chúc quí Thầy Cô, huynh trưởng và các bạn những điều tốt đẹp nhất.

Thân ái,
Mai Xuân Thành (CN10)
Tây Úc, mùa Xuân 2006
Post Reply