Đại hội và hồi tưởng

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Đại hội và hồi tưởng

Post by maixuanthanh »

ĐẠI HỘI VÀ HỒI TƯỞNG.

(THƯ TỪ MIỆT DƯỚI 4)

Bạn hiền,

Sau một thời gian vắng thư vì bận rộn cho tờ Đặc san kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ, nay xin nối lại cánh thư để ghi lại cảm tưởng về Đại hội Kỹ Sư Công Nghệ thế giới kỳ I vừa được tổ chức ở San Jose từ ngày 2 đến 4 tháng 6 năm 2006, một cuộc hội ngộ lịch sử sau hơn 30 năm ly tán, một cuộc tương phùng chan hòa tình thân ái của những người cùng xuất thân từ một mái trường thân yêu.

Tới đây, chắc không khỏi có bạn sẽ hỏi là “Bạn có tham dự Đại hội đâu mà cũng bày tỏ cảm tưởng ?!” Xin thưa là “Có chứ !” Nhưng chỉ dự “hàm thụ” mà thôi ! Từ từ, tại hạ giải thích ngay cái cách tham dự lạ lùng này cho Bạn nghe nhé. Nếu có sử dụng computer chắc bạn biết là mình có thể nói chuyện với nhau qua mạng “Skype” miễn phí, chỉ cần ghi danh và gắn một speaker vào máy mà thôi. Một lúc có thể chuyện trò với nhiều người nên rất vui. Lần “đấu láo” vui nhất cách đây không lâu là một dịp tình cờ, tại hạ “bắt” được hai ông em, Nhậm Giáo chủ (TháiVinh,CN17,cư ngụ ở San Jose) và Điền-Bá-Quang (Anh Tiến,CN17, ở Saigon). Chuyện nổ như bắp rang, vui như Tết, làm khuấy động cả ngôi nhà vốn vắng vẻ và u tịch vì con cái lớn khôn đã ra riêng cả rồi. Bà xã nghe ồn ào chạy vào hỏi “Nói chuyện với ai mà vui thế”. Nghe tại hạ trả lời là “đang trò chuyện với Nhậm Giáo Chủ và Điền Bá Quang” bà xã trợn mắt cười rồi vừa đi ra vừa lẩm bẩm “Thời buổi này mà lại còn giáo chủ với lại bá tánh..!!”. Vui như thế đó cho nên Ban tổ chức Đại hội vừa rồi đã cho tại hạ biết là sẽ nhờ đồng môn Việt Trung (CN18) đem theo máy móc để nối mạng “Skype” nói chuyện với anh em ở xa không thể tới tham dự được. Nghe như vậy mừng quá ! Sáng ngày Chủ nhật 4-6-2006 (tức là tối thứ bảy ở San Jose) tại hạ canh giờ, mở máy, vào “Skype”, ngồi đọc Diễn đàn KSCN và chờ với hy vọng sẽ được nghe lại giọng nói, tiếng cười của huynh đệ Công Nghệ sau biết bao năm xa cách. Hơn ba giờ đồng hồ lặng lẽ trôi qua chẳng thấy động tịnh gì hết ! Sau đó mới biết là Nhà hàng không có “cable”! Trong khung cảnh im vắng, buồn và lạnh của mùa đông Miệt Dưới, tại hạ thả hồn bay qua Đại hội San Jose, nơi đang có hơn một trăm người, gồm sư phụ và huynh đệ Công Nghệ cùng gia đình đang vào cuộc hạnh ngộ, mà nói như Thầy Trần-kiêm-Cảnh “có nằm mơ cũng không thấy được !” Thế rồi liên tiếp mấy hôm sau đó, ngày nào cũng vào Website KSCN để đón xem hình ảnh đại hội. Cho đến khi ngồi viết những dòng tâm tình này, tại hạ mới xem được một số hình do vài anh chị em chụp riêng và gởi vào. Biết tại hạ mong chờ,nên chỉ hai hôm sau ngày “Tiền Đại hội”, sư hưynh Giụ-Hùng đã email 3 tấm hình cho coi đỡ ghiền ! Ba tấm hình gởi thật sớm này đã làm cho tại hạ xúc động vô cùng. Hơn ba mươi năm rồi còn gì ! Nhìn hình chụp không nhận ra được mấy người, dù đọc qua danh sách tham dự đại hội tại hạ thấy tên nhiều huynh đệ đã có ân tình hay kỷ niệm đáng ghi nhớ với tại hạ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Tại hạ đã tham dự đại hội một cách “hàm thụ” như vậy đó. Trong “Thư từ mũi Cà Mau” anh 8 Hoàng-Giáo có khen là tại hạ có một trí nhớ “tuyệt hảo”. Chắc không dám nhận đâu anh Giáo ơi ! Trí nhớ của tại hạ chỉ “hảo” một cách hơi lạ lùng thôi. Nói “lạ” không phài là khoe hay đâu. Mà nó “lạ” thiệt ! Trong đời sống hàng ngày hiện nay, đụng đâu quên đó là thường. Như có hôm bà xã nhờ đi shop Việt Nam chỉ mua có ba món thôi, chạy tới nơi thì chỉ còn nhớ có hai món. Suy nghĩ một hồi rất lâu mà cũng không tài nào nhớ. Lại phải trở ra bãi đậu xe để lấy tiền xu gọi điện thoại về nhà cho vợ để hỏi !! Bình thường thì như vậy, nhưng khi nhắc tới chuyện “ngày xưa Công Nghệ” thì nhớ không sót một chi tiết cỏn con. Thế có lạ không ?!

Nếu mình học “hàm thụ” mà đạt tiêu chuẩn thì cũng được phát biểu hay thi để lấy bằng cấp. Chắc không sai Bạn nhỉ ? Thế thì dự đại hội “hàm thụ” cũng có quyền kể chuyện tâm tình chứ ? Không gặp lại được nhau trong buổi đại hội để tâm sự vơi đầy thì xin mượn cánh thư này để ghi lại những hồi tưởng, tuy có hơi muộn một tí !

Xin bắt đầu với Đại huynh Nguyễn-văn-Tân, và xin phép được gọi tên quí huynh trưởng kèm theo số của khóa Công Nghệ cho thân mật. Anh cả Văn-Tân đứng đầu danh sách 5 “nhà báo” được giới thiệu là “Ban Biên tập” của Đặc San kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Anh được anh em gọi một cách thật thân ái là “Ông Nghè Tân”. Hồi xưa khối người “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”, bây giờ đã làm “Ông Nghè” thì bàn dân thiên hạ hàng tổng, hàng xã có nói chê khen gì thì mình cũng “pha”, phải không Đại huynh ? Bây giờ “báo bổ” xong rồi, tiểu đệ mới dám nói. Trước đó Đại huynh chỉ biết có một mình “Thiết Thạch Đại phu” ở Phoenix thôi. Còn lại ba thằng em kia chưa biết tụi nó mặt tròn mặt méo ra sao, tài nghệ cỡ nào mà Đại huynh dám ra tay chèo lái để làm báo. Rủi chìm xuồng luôn thì sao ! Thay mặt cho “đại liều tứ quí” của Ban Biên tập, tiểu đệ bái phục Đại huynh là một “chiến tướng” Công Nghệ ! Đại huynh có hứa khi tiểu đệ qua thăm Sa mạc Phượng hoàng sẽ lo cho chỗ ăn ở làm cho tiểu đệ cảm kích vô cùng. Biết Đại huynh vào tuổi thất thập mà còn dư sức đánh độ quần vợt,và “đi” Paso rất điệu nghệ, tiểu đệ rất mừng và hâm mộ lắm. Mong có ngày hội ngộ để vấn an Đại ca và Đại tẩu .

Người mà tại hạ mong gặp mặt nhất là Giáo sư Trần-kiêm-Cảnh. Thầy là Giám Đốc cuối cùng của Trường,cho đến ngày “sảy đàn,tan nghé”. Tại hạ được thụ giáo với Thầy môn “Nghiên cứu và chế tạo cơ phận”, một môn học tinh túy của Công Nghệ mà tại hạ rất say mê, cố gắng đạt điểm cao nên được Thầy thương mến. Nói theo võ lâm, đây là “môn võ công trấn sơn của Cơ Nhạc”! Cùng với sự dốc tâm truyền thụ của tất cả sư phụ, đệ tử đã bước vào đời với lòng tự tin nghề nghiệp rất cao khi còn ở trong nước. Đến ngày lưu lạc tha hương, nhờ môn “Mechanical design” này mà tại hạ đã kiếm cơm no đủ ! Nhớ lại những ngày còn học dưới mái trường Công Nghệ yêu dấu, những giờ học với Thầy là những giờ phút thoải mái nhất của học trình 4 năm. Trong giờ học, Thầy cho phép sinh viên muốn ra khỏi lớp bất cứ lúc nào cũng được, chỉ cần ghi tên lên bảng với giờ ra và trở lại lớp. Kể cho Bạn hiền nghe một chi tiết này, xin đừng nói là tại hạ quảng cáo cho cái thứ làm hại sức khoẻ nhé ! Chỉ có những tay ghiền hút thuốc mới thông cảm là những lúc đầu óc căng thẳng như đang làm bài thi hay trong một độ “xì-phé” gay cấn (!!), mà được tạm nghỉ để phì phà một điếu thì sau đó cái óc nó sáng và tính toán nhanh lắm ! Vì thế, đang giờ học bài khó mà được thoải mái ra ngoài kéo ít hơi thì “đã” kể gì ! Chưa hết, những lúc thấy đệ tử coi bộ không mấy hăng hái thì Thầy kể chuyện “tiếu lâm” cho cả lớp cười mệt nghỉ ! Bốn mươi năm qua rồi mà tại hạ vẫn không nín được cười khi nhớ lại những chuyện Thầy đã kể, nhất là câu chuyện chàng ngố làm chuyện “adam”, tới màn chót chỉ rút sợi dây thun làm giàn ná bắn chơi thôi ! Tới giờ thì tại hạ biết Thầy còn có tài “karaoke” rất hay nữa. Trong số hình ảnh do sư đệ Thái Vinh (CN17) chụp trong dịp Thầy Cô ghé Phoenix, và đưa lên website, có mấy hình Thầy đang hát say sưa, nhìn thấy “phê” quá xá !

Đến giữa năm 2005, trong một dịp tình cờ tại hạ đựơc gặp người bà con của thông gia từ Pháp sang Tây Úc du lịch cho địa chỉ của Thầy nên sau đó Thầy trò nối lại được liên lạc sau bao năm xa cách. Khi biết tại hạ bệnh đau hai tay do dây thần kinh bị nghẹt, Thầy đã thuờng xuyên thư từ thăm hỏi và an ủi. Thấy vắng trả lời email thì Thầy viết thư gởi bưu điện và hỏi thăm các huynh đệ khác xem có ai biết tin của tại hạ không. Sự ân cần hiếm có này đã làm cho đệ tử cảm kích vô cùng ! Thầy có người bạn ở Pháp cũng bệnh tương tự, nhờ chữa bằng phương pháp chỉnh xương (chiro) và đã khỏi bệnh, nên đề nghị tại hạ thử. Nghe lời khuyên của Thầy, sau mấy tháng theo đuổi cách trị này hai cánh tay của tại hạ đã có thể hoạt động gần như bình thường. Sư huynh Giụ-Hùng an ủi rằng “cái vận xui đã qua”, nhưng tại hạ cảm nhận được là tình thương chân thật và bao la của Thầy mang đến cho một đệ tử mà Thầy thương mến ở cách Thầy cả mấy đại dương, một phước duyên thật kỳ diệu. Kỳ đại hội Kỹ sư Công Nghệ thế giới vừa qua, tiếc là đệ tử không thể tham dự để gặp lại Thầy Cô và nói lời đa tạ.

Tháng 4 năm 1980, tại hạ cùng gia đình vượt thoát được và đến Trại tị nạn Songkhla, Thái lan. Lúc đó, anh 3 Nguyễn-hữu-Tấn, cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, làm Trại trưởng. Giúp việc cho anh trong Ban Điều hành trại có nhiều anh em kỹ sư Phú Thọ. Vào thời điểm đó, hơn mười ngàn đồng bào tị nạn sống chen chúc trong một trại nhỏ, khoanh vùng vội vã ở góc của một căn cứ hải quân Hoàng gia Thái, có diện tích không hơn một cây số vuông. Đây là một mật độ dân số cao khủng khiếp. Vì thế, Ban Điều hành Trại đã phải đương đầu với nhiều vấn đề sinh tử chưa kể những khó khăn ngoại tại như đồng bào phải ăn uống đói khổ triền miên do nhà thầu Thái lan ăn chận khẩu phần. Một chuyện khác, không ai có thể tưởng tượng được đã xảy ra trên một đất nước có tiếng là hiền hòa với đại đa số dân chúng mộ đạo Phật, đó là mỗi lần bộ đội Việt cộng truy kích Khmer đỏ qua biên giới, xâm nhập lãnh thổ Thái thì ngay đêm đó cảnh sát Thái “hành quân” vào Trại tị nạn, khí giới trang bị tận răng, hung hãn như bầy lang sói. Chúng đánh thức mọi người dậy, lục tung tất cả hành lý của dân tị nạn để “tịch thu hàng buôn lậu”. Hàng buôn lậu đây là tất cả những thứ hàng giá trị “không sản xuất tại Thái Lan”. Thế là còn sót cái gì được nữa, hả Trời !! Trước hành vi “ăn cướp” trắng trợn và kinh khiếp này, Ban Điều hành Trại đã nhiều lần gởi kháng tố nhưng có ai xử cho, khi cả thế giới đang bàng hoàng vì làn sóng người tị nạn Cộng sản Việt Nam càng ngày càng lên cao. Cứ nhìn vào một khối lượng quá đông đảo những con người liều mạng sống, bỏ quê cha đất tổ ra đi tìm tự do, đến được bến đầu của mảnh đất tự do, chưa kịp hoàn hồn lại bị khủng bố tinh thần thì những ai còn có chút lòng không thể ngoảnh mặt làm ngơ được ! Một trong những vấn đề sinh tử tại hạ vừa nói ở trên là “vệ sinh toàn trại”. Trong trạng thái bất ổn về tâm thần, thấp thỏm chờ ngày thoát được cảnh sống cực kỳ xô bồ, phức tạp để đi định cư ở một đệ tam quốc gia không mấy ai thấy rõ được những nỗ lực của Ban Điều hành Trại trong công tác thiện nguyện giúp đỡ đồng hương qua cơn khốn cùng. Hãy tưởng tượng một trại nhốt người, đêm nằm như nêm cối trên sạp gỗ của 33 dãy “nhà” dài, hơn một nửa là tre lá, còn ban ngày chen chân không lọt trước sân Văn phòng Trại và trên “đại lộ Bình minh”, (tên do đồng bào đặt cho con đường duy nhất của Trại). Hệ thống thoát thủy không có mà Trại chỉ có một dãy nhà xí, nếu không cải thiện và giữ được vệ sinh đúng mức để bệnh dịch xảy ra thì sẽ có bao nhiêu nhân mạng (chắc phải lên đến hàng ngàn người) “nằm lại” ở Vương quốc Thái, không bao giờ đến được bến bờ tự do đích thực ?!

Làm công tác thiện nguyện chỉ với lòng nhân ái thì không đủ. Cần phải có tài năng và đức độ nữa. Trong hoàn cảnh như vừa lược tả ở trên, chúng tôi, những kỹ sư đàn em hiểu được tại sao Đại diện Cao Ủy Tị nạn Liên-hiệp-quốc ở Trại Songkhla, Ông Kozumi (người Nhật) đã hết sức trân trọng và nài nỉ mời cho được Anh 3 Nguyễn-Hữu-Tấn lên làm Trưởng Trại. Nhìn thấy anh trong Đại hội lại nhớ những ngày tôi cùng nhiều anh em Phú Thọ khác đã sát cánh cùng Anh trong công tác thiện nguyện ở Songkhla, những ngày “ăn cơm….Cao Ủy, vác ngà voi…tị nạn” nhưng đã làm việc miệt mài, bất kể giờ giấc, ít có đêm nào ngủ được hơn 6 tiếng đồng hồ.

Làm việc thiện hết mình mà cũng bị chống đối mới là chán ! Ban Quản trại đã bị một nhà văn “tấn công”. Bà con trong Trại bàn tán là ông văn sĩ này nhắm chức Trưởng Trại mà không được nên phá chơi,lại thêm vì gia đình ông ta kẹt ở Trại lâu quá, vợ con mè nheo nên sinh ra quạu quọ hung dữ, không còn là một nhà văn hiền lành, đã nổi tiếng qua những quyển tiểu thuyết xã hội ăn khách trước khi nón cối dép râu vào chiếm thành phố Saigon. Không biết có khoác áo lính ngày nào không, mà ông ta tự xưng là sĩ quan giảng sư Trường Cao đẳng quốc phòng. Được sự a dua rất đỗi ồn ào của một số “sĩ quan cao cấp” ông ta đã lợi dụng các buổi họp của Cựu quân nhân để làm cái việc mà ông ta tự cho là “góp ý xây dựng”. Trong những lần “xây dựng” này, ông đã lải nhải hàng giờ, phát ngôn đao to búa lớn (có lúc xùi cả bọt mép) để đặt điều vu cáo đủ thứ và hô hào “hạ bệ” Trưởng Trại ! Ông ta “tố cáo” Trại trưởng bè phái và quan liêu ! Bằng chứng mà ông cho là “rất hùng hồn” (chữ nghĩa nhà văn mà !) là Anh 3 Tấn đã kéo cả đám kỹ sư vào “lũng đoạn” Ban Điều hành Trại.., chỗ ngủ của Trại trưởng cho gắn đến 3 bóng đèn 100 W…Vì quá say mê chống báng, ông quên mất là hàng ngày bữa cơm của gia đình ông đã có thêm nhiều gạo và thức ăn, đêm ông được ngủ ngon không còn bị cả bầy chuột to bằng bắp tay bò lên sạp gặm cẳng, vợ con ông không còn phải ăn ở dơ, thiếu nước nấu nướng tắm giặt vì các bơm giếng đã được sửa chữa hoàn hảo ! Thậm chí, một “nhà văn lớn” như ông chữ nghĩa đầy bụng, cả Việt ngữ lẫn ngoại ngữ, mà có việc cần gặp phái đoàn Mỹ ông ấp úng đến tội nghiệp, phải nhờ người thông ngôn. Nếu ông có được sự ngay thẳng của một người đàng hoàng thì ông phải bíết là những gì ông được hưởng là công lao đóng góp của “bè lũ kỹ sư” đang ngày đêm “lũng đoạn” ở trong Trại ! Còn lời tố cáo “quan liêu, hoang phí”, rất tiếc là trong buổi họp quân nhân hôm ấy tôi đã bỏ ngang, chạy đi kiếm Trưởng ban Điện của Trại về đối chứng mà tìm không ra vì anh bận sửa chữa điện đóm đâu đó. Giá mà tôi tìm được Anh 5 Đào-hữu-Hạnh (Trưởng ban Điện lúc đó) thì vui biết mấy vì tôi chắc ăn là thế nào anh 5 của tôi cũng sẽ xách cổ ông văn sĩ nhớn này chạy lên lô nhà anh 3 Tấn và mắng cho rằng : “Đèn đâu, bao nhiêu bóng đếm thử coi. Không có ai hưởn đâu, và cũng không cần thiết phải gắn thêm bóng đèn. Tốp cái trò bẩn thỉu này đi !” Có lẽ vì muốn ra oai để bà con khỏi quên tên tuổi của mình, ông nhà văn này đã bị đưa vào “xiếc” để trình diễn những trò hề rẻ tiền không khiến cho ai cười được, và tự ông làm mất phẩm cách của mình. Những chuyện “ruồi bu” xảy ra lúc đó tôi nghĩ anh 3 Tấn biết hết, nhưng một người tài cao đức trọng như Anh không cần bận tâm đến những chuyện lèm bèm hạ cấp này làm chi cho mệt trong lúc cần để tâm trí đối phó với bao vấn nạn của Trại. Vì là một sĩ quan biệt phái nên tại hạ được mời dự họp Cựu quân nhân. Thấy chuyện bất bình thì giòng máu Công Nghệ sôi lên và không thể nào bỏ qua được. Thế là có thù oán. Nhóm “sĩ quan cao cấp” quay sang tấn công tại hạ, chụp cho cái mũ “phản bội anh em”. Tuy là sĩ quan không có một tí công trạng chiến đấu nào cả, nhưng tôi lúc nào cũng kính trọng lòng bất khuất, hy sinh anh dũng của chiến sĩ Cộng hòa và tôi không thể hùa theo những âm mưu đen tối này được. Nhóm “sĩ quan cao…cấp và rất cao…..bồi” ủng hộ cho ông nhà văn lúc đó gồm nhiều ông lớn lắm, tôi nhớ có “Thiếu tá” M. biệt động quân, “Trung tá” N. tình báo miền,”Thiếu tá” K. phi công phản lực…..,chính ông lái tàu bay này đã lớn tiếng hăm dọa “..gặp lại mấy thằng kỹ sư này trên Bangkok, ông sẽ cho biết tay..!” Không cần phải chờ lâu. Chỉ mấy ngày sau là “gặp’ ngay. Trong đợt phỏng vấn bổ túc của phái đoàn Hoa kỳ để giải tỏa bớt số lượng đồng bào tị nạn nhập Trại quá đông, ông K. được lên danh sách. Chỉ hơi kẹt một chút, vì ông học lái phản lực ở Mỹ nên chỉ nói được tiếng Huê-kỳ, còn tiếng Anh thì…..”diễn tả bằng tay” nên cần phải nhờ thông ngôn ! Trời xui đất khiến hồ sơ của “thiếu tá” lại lọt vào bàn do tôi làm thông dịch. Ông bà mình đã bảo mà “cây kim dấu trong bọc vải làm thế nào cho khỏi lòi ra” ! Thoạt nhìn thấy ông dắt díu vợ con khúm núm ngồi xuống ghế, điệu bộ ủ rũ như “gà mắc nước” tôi đã ngạc nhiên và sinh nghi.Cho đến khi được hỏi về cấp bậc và công tác trong không quân ông ngần ngừ một hồi rồi trả lời: “trung sĩ, cơ khí” ! Từ lúc đó cho đến khi phỏng vấn xong ông không dám nhìn mặt tôi lần nào nữa ! Thấy tội nghiệp nên tôi đã hết lòng làm tròn bổn phận và gia đình ông được phái đoàn nhận cho đi định cư, hồ sơ được đưa sang phần chờ bảo trợ. Mừng quá, trước khi rời bàn, ông cúi gập người nói cám ơn và cười bẽn lẽn ! Khoảng chừng mươi phút sau, nghe ồn ào ngay cửa văn phòng tôi bước ra xem thì thấy một chú bé trạc mười tuổi hai tay bưng chiếc khay có 6 ly cà phê đá. Thấy tôi ra cậu bé đưa cả khay và nói: “Chú ơi, ông thiếu tá K. mua cà phê quán của Ba cháu, biểu đem đến cho Ban Thông dịch uống bồi dưỡng “! Từ bữa đó trở đi, những cái loa phá rối ngưng hoạt động. Mỗi buổi sáng trên đường từ lều lá 29 lên văn phòng Trại để làm việc tôi đều được các “sĩ quan cao cấp” chào hỏi vồn vã và lễ phép, nắm tay bá vai nài nỉ, mời mọc uống cà phê, ăn sáng ! Tôi “cạch” những khuôn mặt giả hình này rồi vì không cần suy đoán tôi cũng biết “thiếu tá” K. đã về rỉ tai đồng bọn là “Hãy cảnh giác, nhân viên Ban Điều hành Trại đấy,bị trù là khó đi định cư !” Còn ông “nhà văn lớn” thì lâu lâu thấy ngồi uống nước một mình,mặt mày cú rũ, không còn “sĩ quan” nào theo hộ vệ nữa !

Kỳ Đại hội KSCN vừa rồi, khi gặp nhau không biết Anh 3 Tấn và Anh 5 Hạnh có nhắc lại chuyện cũ Songkhla không, chứ riêng tại hạ khi nhìn thấy hình hai huynh trưởng lại nhớ vô cùng những ngày vừa đặt chân lên trạm đầu của vùng đất tự do. Khi còn học ở trường, nhiều lần được đi thăm viếng các cơ sở Điện lực nên có dịp gặp Anh 5 Đào-hữu-Hạnh. Anh 5 Võ-kim-Sê, là một huynh trưởng rất thân tình với tại hạ, thường kể chuyện về Anh 5 Hạnh cho nghe. Gần cuối tháng 3 năm 1980 tại hạ đang ở Rạch Giá để chờ thời cơ ra khơi. Thật bất ngờ, một buổi chiều trời vừa chạng vạng tối chú em rể của tại hạ báo cho biết là “có một anh tự xưng là kỹ sư Hạnh muốn gặp anh hai ở quán cà phê ngoài bến tàu”. Tôi đến gặp anh ngay. Anh em lâu ngày gặp lại rất mừng. Câu chuyện bắt đầu hơi dè dặt nhưng chỉ một lát sau trở nên rất cởi mở vì kín đáo quan sát chung quanh tôi đã hiểu và thán phục sự chu đáo và sáng suốt của anh. Còn gì “kín’ và an toàn hơn khi ngồi bàn chuyện vượt biên ở một địa điểm tấp nập người qua lại và ngay trước mũi “bò vàng”. Anh cho biết anh xuống miền này là để chuẩn bị một chuyến đi, mọi việc đã gần xong, nếu tôi chưa có chỗ nào dựa thì anh sẽ cho tháp tùng. Tôi cũng thực tình kể anh nghe là tôi cũng đang tự đóng một chiếc ghe ở một nơi khuất nẻo, hy vọng mọi việc sẽ xuông xẻ. Vì ẩn thân ở đây khá lâu tôi biết nhiều đường đi nước bước, nên tôi hứa sẽ yểm trợ khi anh cần đến tôi. Sự xuất hiện bất ngờ cùng với hảo ý của một huynh trưởng Công Nghệ đã gây cho tôi niềm phấn khởi và hy vọng trong lúc đang rất lo lắng cho chuyến mạo hiểm sắp tới. Anh em chia tay và rồi chỉ mấy tuần sau đó tôi qúa vui mừng được ra cổng Trại Songkhla đón anh. Anh chỉ mặt tôi mà cười ha hả rồi tiếp tục xăng xái cho bà con sắp hàng theo tôi nhập Trại. Không kịp nghỉ ngơi, ngay hôm sau anh xung phong nhận làm Trưởng ban điện cho Trại. Từ ngày đó, anh xông xáo mọi nơi, mọi lúc để tu bổ, sửa chữa điện cho toàn trại, kể cả những đêm mưa bão anh cũng đội mưa mà đi …Nhìn hình ảnh của anh ngày Đại hội vừa qua, tôi nhớ lại những ngày anh em cùng chia sẻ công việc “vác ngà voi”. Lúc đó, không có gì cản được bước anh, cứ càn tới, rất hùng dũng và hiên ngang. Bây giờ, hai mươi sáu năm sau, thấy anh vẫn còn đường bệ lắm, Anh 5 Hạnh ơi ! Trước khi tạm chia tay với anh ở bến tàu RG năm nào, có một câu muốn hỏi anh mà mải nói chuyện nên quên mất. Đó là làm cách nào anh biết tiểu đệ đang “mài” ở RG mà tìm được hay vậy ? Kỳ hội ngộ vừa rồi nếu gặp anh thì chắc anh đã cho biết rồi ! Và nếu tiểu đệ kể cho anh nghe câu chuyện đời xưa từ Anh 5 Sê “Anh em phục Đào-hữu-Hạnh lắm. Nó tuổi trẻ tài cao qúa Trời !” thì anh có rầy là “nhiều chuyện” không ? !

Tại hạ có hai anh 8 đang định cư ở “Vùng Cà-mau, Florida, đuôi cán chảo xứ Cờ hoa” Anh 8 Phó-quốc-Uy và Anh 8 Lê-hoàng-Giáo. Anh 8 Quốc-Uy có hẹn tái ngộ ở Đại hội để anh em đấu đía cho đã. Tiếng “đấu đía” này là của anh, vừa nghe là thấy vui nhộn lên rồi ! Anh là người cao nhất Công Nghệ (cả Trung tâm Phú Thọ chắc chả có ai cao hơn !) danh thủ của cả 3 môn chơi là bóng chuyền, bóng rổ và bóng đá. Tướng anh chơi bóng rổ và bóng chuyền thì khó có đối thủ rồi. Còn túc cầu, quí huynh đệ còn nhớ không, hồi xưa anh chụp gôn cho đội tuyển Công Nghệ, kính cận buộc dây quàng ra sau gáy, tay chân dài ngoằng của anh xàng xê, quơ tới quơ lui làm cho hàng tiền đạo của đối phương đem banh xuống tới khung thành là thấy hoảng đá hết nổi ! Đàn em 9, 10, 11 khoái anh không chỉ vì các môn thể thao có anh tham gia đã mang lại nhiều huy chương cho Trường mà còn bởi tính tình hào hiệp của anh. Chỗ nào có anh là có tiếng nói rổn rảng và những tràng cười rộn rã. Chuyện gì cũng có anh xung phong đi đầu và luôn luôn bảo vệ cho đàn em trong mọi hoàn cảnh. Với anh, “thằng nào đụng tới Công Nghệ là bỏ bố nó luôn !” Sau cuộc bể dâu, sang Mỹ anh vẫn xông xáo như thuở còn hoa niên, trong nhiều công tác cộng đồng để giúp đỡ đồng hương. Thế đó, từ xưa tới nay, ở bất cứ nơi đâu, anh 8 Quốc-Uy vẫn sống và làm việc với tác phong của một hiệp sĩ. Anh 8 Hoàng-Giáo đã thân ái gọi tại hạ là “Đại hiệp”. Tại hạ chưa xứng đáng. Phải trả lại danh hiệu này cho Anh 8 Quốc-Uy mới đúng. Phó Đại hiệp ! Nghe kể trong chuyến Tây du vừa qua, sau khi nghe Thầy Tâm-Thiện giảng kinh Bát-Nhã sư huynh đã “đại ngộ”. Xin có lời mừng ! Thấy Phó Đại hiệp công lực vẫn còn dồi dào lắm, chắc còn lâu mới “phong kiếm quy ẩn” chứ nhỉ ?

Anh 8 Lê-Hoàng-Giáo và tại hạ đã từng làm việc chung ở Xi-măng Hà Tiên, nhà máy Kiên-lương, trước năm 1975. tuy không cùng một đơn vị nhưng có quan hệ công tác rất mật thiết. Tôi bảo trì, sửa chữa máy móc cơ giới cho anh khai thác đá vôi và đất sét. Khi tôi tập tành Trưởng xưởng Cơ khí thì anh đã là “Ông Chánh” (Chánh Sở) rồi. Cũng như Anh Cả Trần-Thế-Can, kỹ sư Công Nghệ đi làm khí đá, anh 8 Hoàng-Giáo làm nghề “bắn đá” không có học ở trường nhưng rất thành công. Thời ấy, nhà máy xi-măng Kiên-lương hoạt động với sản lượng rất cao, nhưng cao cỡ nào anh cũng “chấp” hết ! Đá vôi và đất sét luôn luôn có thừa. Sở của anh có công tác “bắn hầm” là quan trọng nhất. Chuyện này đáng lý phải để cho anh kể thì chắc hấp dẫn hơn, nhưng thôi lỡ rồi tại hạ xin kể sơ lược. Bắn hầm là một công tác dài ngày, gian khổ và đầy hiểm nguy. Phải mở một con đường dốc lên núi, đến cao độ muốn đào hầm. Với sức người sử dụng máy cầm tay, khoan thẳng vào núi rồi dùng mìn cho nổ từ từ tạo thành đường hầm sâu vào lòng núi đến mấy chục thước. Rồi lại đào ra hai nhánh thành hình chữ T, mỗi nhánh sâu vài mươi thước nữa. Nhồi mìn vào hai cuối của nhánh, chuyền dây điện kích nổ xong rồi lấp đá cho thật kín suốt đường hầm. Bấm nút điện một phát là xong. Kể nghe chỉ trong vòng vài phút, nhưng muốn thành công phải cần một sự tính toán thật chính xác cùng với sự đầu tư tâm lực của kỹ sư và thợ thuyền trong nhiều tháng lao nhọc. Anh 8 Hoàng-Giáo không hề thất bại. Anh bắn hầm êm lắm. Chỉ “bụp một cái” là xong ! (bộ giỡn sao ta, bắn mìn mà chỉ nổ một tiếng bụp thôi ! Chắc có người thắc mắc?) Thật thế, nều đào nhánh chữ T chệch hướng, nhồi chất nổ không đúng cách hoặc không đủ, ém đá không chặt..( đủ thứ nếu !) thì khi mìn nổ đá đã dùng để ém sẽ từ đường hầm phóng ra và tiếng nổ sẽ long trời lở đất. Vậy là “công cốc”. Núi đã nứt thì chỉ có nước đào hầm khác ! Lần bắn hầm nào cũng có mặt gần đông đủ Ban Giám đốc và nhân viên cơ hữu của Sở Khai thác. Chờ cho “Xếp lớn” (Giám đốc, anh 2 Dương-Đình-Hợp) và tất cả “khán giả” kiếm chỗ núp an toàn xong là “Ông Chánh” nhận nút máy kích nổ. Sau “một tiếng bụp” vài giây là cả một mỏm núi như có bàn tay khổng lồ và vô hình nâng lên cao một tí, và rồi, không biết cơ man nào là đá lăn xuống triền núi trong một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục với tiếng hoan hô vang cả núi rừng ! “Xếp lớn” là người nhảy ra khỏi chỗ núp đầu tiên, miệng cười rạng rỡ (những nụ cười đáng giá ấy làm cho đám kỹ sư đàn em thấy…”nhẹ” cả người !) chạy đến bắt tay “Ông Chánh” xong là lên xe phóng như bay trở vào Nhà máy. Chắc là Ông về văn phòng gọi máy báo ngay về cho “Cụ Tổng” (Tổng Giám đốc, ở Thủ-đức) là “Chú 8 Giáo mới “bụp” được một mẻ đá to lắm !” !!. Lần bắn hầm nào tại hạ cũng có mặt. Dù không bắt buộc nhưng bận thế nào cũng thu xếp để gần tới giờ là xách xe chạy ra núi. Không tham dự là dại và “thiệt hại” lắm ! Làm như là tới để ủng hộ tinh thần, để đàn anh bấm nút điện khỏi run tay ! Thực ra là anh 8 Hoàng-Giáo bắn đá…ăn chắc, và đàn em tới hoan hô anh cũng chắc…(được) ăn ! Mỗi lần bắn hầm thành công “Xếp lớn” đều thết đại tiệc để ăn mùng. “Đại yến” thì phải chờ đến cuối tuần, còn “tiểu yến” thì “Ông Chánh” làm sốt dẻo ngay ! Chỉ cần chờ anh hất hàm ra lệnh “Đi !” là lục tục lên xe chạy ra “phố quận”. Khi đó, Kiên-lương đã trở thành Quận lỵ, nhưng “phố quận” vẫn còn là một dãy nhà cũ mèm có một “cao lâu” duy nhất, với bàn mộc ghế đẩu chỉ có bán hủ tiếu và cà phê thôi ! Còn bia để uống mừng thì “Ông Chánh” không quên đâu, kêu đệ tử đi kiếm mua rồi !

Vì nắm một Sở quan trọng với bản chất công việc không thể chấp nhận sơ hở để bảo đảm an toàn cho công nhân nên anh đã làm việc rất thận trọng và kỹ lưỡng. Tuy hào phóng và thương đàn em nhưng tên nào lạng quạng là bị anh cằn nhằn dữ lắm ! (Nói nghe rồi bỏ nhe Bạn hiền, chớ nói lại “Ông Chánh” nghe Ổng cằn nhằn tui !) Tại hạ đã từng “ăn ké” với anh những giờ phút vinh quang như thế đó. Và lúc gian nguy cũng đã có nhau. Vào “mùa hè đỏ lửa” 1972, anh và tôi được Nhà máy phân công thay phiên làm “Trưởng đoàn công tác kỹ thuật” đi tiếp nhận máy móc, cơ giới ở một tỉnh lỵ miền Trung cho chương trình xây dựng Nhà máy sản xuất Vôi Canh nông. Tình hình chiến sự sôi động đã khiến cho công tác gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Bắc quân tăng cường bộ đội vào trận địa chiến, pháo kích hàng đêm vào thị xã và đặt thủy lôi hải cảng phá hoại tàu chở máy móc… Có nhiều đêm chúng tôi phải dùng thuyền thúng để bơi ra tàu lớn kiểm tra thiệt hại. Cũng trong khoảng thời gian đó, Hà-tiên bị thất thủ, nhà máy xi-măng Kiên-lương bị địch quân chiếm đóng. Vì Xi-măng Hà-tiên được liệt vào hạng “sản xuất hàng chiến lược” nên bằng mọi giá phải sớm lấy lại, sợ Nhà máy bị phá hủy. Lo ngại “ném chuột vỡ đồ” nên Nhà máy đã được Bộ Tổng tham mưu tham khảo để lên “phương án phối hợp” có kỹ sư của Nhà máy Kiên lương tham dự cuộc hành quân, cùng với Biệt động quân thiện chiến và anh dũng tái chiếm lại Nhà máy trong một trận đánh thần tốc dù địch quân đã đào hầm hố để cố kháng cự.

Cuối năm 1973 anh được thuyên chuyển về Phòng chuyên viên ở Trung ương, anh em chia tay nhau từ ngày đó. Gần 33 năm sau, giữa năm 2005, nhờ Website KSCN, chúng tôi tìm lại được nhau trong niềm vui vô bờ. Những điện thư anh gởi cho tôi tuy ngắn nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình huynh đệ. Tưởng cũng cần ghi nhớ anh 8 Hoàng-Giáo là người đầu tiên, đã thật mau mắn và hào sảng ủng hộ cho Đặc san và đã ứng trước khá tiền cho Ban tổ chức Đại hội dễ dàng xoay sở. Gần đến ngày Đại hội Công Nghệ lần đầu tiên ở San Jose, chờ hoài không thấy tên tôi trong danh sách tham dự anh đã đề xướng và nhờ sư đệ Đắc-Ứng, quản gia của Website, gởi cho tôi một email có nội dung : “Anh T. ơi ! Cái này là đề nghị của anh Giáo, ảnh không dám nói nên ‘xúi con nít ăn cứt gà’, biểu tui nói, mong anh đừng tự ái. Anh em rất muốn gặp lại anh và nghĩ là từ Úc qua Mỹ tốn kém lắm, nên muốn phụ một phần chi phí để anh qua dự Đại hội với anh em!” Cánh thư này đã làm cho tôi xúc động đến nghẹn ngào. Đây là một niềm hạnh phúc bất ngờ đến với tôi trong cảnh sống biệt lập, luôn nhớ Thầy, nhớ bạn. Dù có xa cách nhau mấy mươi năm, tuổi đời đã chồng chất với biết bao nhiêu là hệ lụy, nhưng tình đồng môn Công Nghệ trong lòng mọi huynh đệ vẫn đẹp như thế đó !

Anh 9 Nguyễn-Giụ-Hùng là “Chủ báo” Công Nghệ hồi xưa, và tại hạ đã có hân hạnh làm phụ tá cho anh lúc làm báo Xuân cho Trường. Tính tình điềm đạm nhưng rất nghệ sĩ của anh thể hiện qua ngòi bút điêu luyện mà người đọc khó tin anh là dân “kềm búa”. Tại hạ đã dám liều nhận làm Đặc san vì tin cậy là có anh. Anh viết thể loại nào cũng hay. Tôi thích nhất là chuyện phiếm của anh. Tôi tưởng tượng khi viết anh luôn thư thả và ung dung để dắt người đọc đi theo anh, nghe hết chuyện nọ đến chuyện kia một cách thích thú vì lâu lâu anh lại đùa một tí cho vui. Cái lối đùa của anh ý nhị và có duyên khiến ta không khỏi bật cười. Công Nghệ mình nhiều người chỉ mới thưởng thức văn tài của anh qua Đặc san kỷ niệm 50 năm thành lập Trường vừa ra mắt thôi chứ không biết là anh đã cộng tác với “Bản tin thân hữu Điện lực” mấy năm nay và anh đã được bầu là “cây viết số 1” của Bản tin ấy ! Nếu có thường viếng website KSCN chắc quí huynh đệ thấy cái hình animation đi theo những bài viết của anh 9 Giụ-Hùng, hình một người đang ngồi bàn, vừa viết vừa nhịp chân coi bộ sảng khoái quá. Tại hạ khoái cái “icon” này lắm. Đó là sáng tác của Thập tam sư đệ Nguyễn-Đắc-Ứng, quản gia của Website KSCN, để làm biểu hiệu cho anh thì không có gì hợp hơn ! Đặc san vừa in xong là anh đóng thùng gởi cho tôi ngay vì anh biết tôi đang ngóng cổ chờ ! Đại hội chưa kết thúc anh đã vội gởi hình cho tôi xem cho đỡ nhớ anh em ! Tôi thật may mắn có được một người bạn chân tình như Anh 9 Giụ-Hùng.

Nếu không có Thập tam sư đệ Nguyễn-Đắc-Ứng thì làm gì có được những dòng thư tâm tình này, và nếu có viết thì biết gởi cho ai ?! Thầy Trần-Kiêm-Cảnh đã thay mặt cho Ban Giám-đốc và toàn thể KSCN trao tặng một món quà thật xứng đáng với công lao của sư đệ đã giúp cho anh em Công Nghệ tìm được lại nhau và sau đó chúng ta có Đặc san, Đại hội và “Hội Ái hữu” sắp ra đời… Được huynh đệ đặt cho nhiều biệt danh lắm, “Quản gia Website”, “Thập tam thái bảo”, “Thiết thạch đại phu”, “Thiết thạch tướng quân”, “Thiết bì….gì gì đó, quên rồi !”….. có lẽ vì sư đệ có thật nhiều tài mà chắc tại hạ không cần kể ra đây vì anh em biết cả rồi. Bàn về khả năng của dân Công Nghệ không khéo sẽ khiến cho thiên hạ dị nghị, nhưng tại hạ lúc nào cũng thấy cảm khái khi kể cho võ lâm đồng đạo nghe những thành tích của huynh đệ đồng môn ở khắp nơi. Tài của Thập tam sư đệ Đắc-Ứng đã mang lại lợi ích lớn lao cho anh em Công Nghệ để biến giấc mơ nối lại vòng tay thành hiện thực. Tuy chưa gặp mặt nhau lần nào nhưng tại hạ và sư đệ Đắc-Ứng đã có được sự thân tình nhờ những họat động website và báo chí. Chính sư đệ đã mang đến cho tại hạ cảm giác gần gủi với anh em để cùng chia sẻ công việc chung. Rất tiếc là kỳ Đại hội vừa rồi tại hạ không tham dự được ! Xin hẹn kỳ tới, để tại hạ được bắt tay trái với “Thiết thạch đại phu” vì tại hạ biết sư đệ là một cựu Hướng đạo. Bạn hiền ơi ! Thỉnh thoảng tại hạ lại có ý nghĩ là hình như dân Công Nghệ mình và Hướng đạo về tác phong có vài điểm giống nhau ? Có huynh đệ nào nghĩ như tại hạ không?. Thôi để khi gặp Thầy Cảnh và sư đệ Đắc-Ứng rồi Thầy trò sẽ bàn lại xem sao !

Thập thất sư đệ Nguyễn-Thái-Vinh, tự “uncle Vinh”, tự “Nhậm Giáo chủ”, tự “Người đàng hoàng” là thành viên trẻ nhất trong Ban biên tập Đặc san nhưng đa tài không kém “Thập tam thái bảo”. Sư đệ là cây viết mạnh nhất của Website KSCN. Cho đến khi tại hạ viết những dòng chữ này thì “uncle Vinh” đã đóng góp số bài viết ở nhiều dạng khác nhau là 573, cao nhất, so với 510 của “Quản gia”. Những bài ký và tường thuật của sư đệ Thái-Vinh tràn đầy những hình ảnh cùng với lối hành văn trào lộng đã làm cho mọi người say mê. Văn của Thập thất sư đệ cũng có duyên như nụ cười trong hình chụp vậy. Có nhiều bài tại hạ đọc nhiều lần không chán. Ta biết, cùng với “Mộng cô nương” (người đẹp Mộng-Lan của người đàng hoàng) Nhậm Giáo chủ đã lâu nay tung hoành suốt dãy Giang Nam, Giang Bắc và tiếng hát mượt mà cùng tiếng tiêu mê hồn của đôi uyên ương tài hoa đã vang xa đến tận Miệt dưới này đấy ! Có lần anh 9 Giụ-Hùng hỏi “Nhậm Giáo chủ” là gì mà coi bộ Thái-Vinh thích thú thế !?” Tại hạ lờ luôn vì khó trả lời quá ! Thói thường, dân mê truyện chưởng khi nhận cho mình một danh xưng người ta hay chọn những thứ nghe hay hay như “hiệp khách”, “quân tử”…. hay tệ lắm là “tệ chức” chứ có ai lại tự xưng là “Giáo chủ Ma giáo”. “Nhậm lão đệ” muốn tự trào chăng ? Chắc không phải ! Hay là khinh thế ngạo vật ? Tại hạ cũng không cho là như thế ! Bây giờ, nếu có người nói với Nhậm lão đệ như thế này : “Ta suốt đời thù ghét những gì giả trá, luôn tìm cách xa lánh những tên giả hình, giả nhân giả nghĩa, trước mặt thì đãi bôi, sau lưng thì rình đâm anh em những nhát trí mạng ! Và ta cũng sẵn lòng hâm mộ những kẻ bị người đời cho là Ma giáo nhưng đối với bằng hữu thì một lòng trung nghĩa, xả thân giúp người hoạn nạn..” thì lão đệ có thấy tâm đắc và xem người đó là tri kỷ hay không ? Nếu sư đệ trả lời là “có” thì anh em sẽ hiểu tại sao lại có “Nhậm Giáo chủ” NTVinh ! Trong cõi đời ô trọc này, tìm được một người bạn dám trải lòng ra để sống chân thật với bằng hữu thật không phài dễ ! Có phải thế không ? Nhậm lão đệ ơi ! Thuở thiếu thời ta có học lóm được vài ngón cầm nhưng công lực còn non nớt quá, chắc ta phải xuống núi tìm danh sư luyện tập thêm để khi hội ngộ ta sẽ cùng lão đệ hợp tấu hảo khúc “Tiếu ngạo giang hồ”. Có nên chăng ?

Thư đã quá dài rồi nhưng vẫn “bất tận ngôn”. Tại hạ còn nhiều tâm tình chưa cạn tỏ, xin hẹn thư sau sẽ nối tiếp. Kính chúc Quí Thầy Cô, quí huynh trưởng và các bạn cùng quí quyến dồi dào sức khoẻ, thân tâm thường an lạc.

Tây Úc, mùa đông, tháng 6/2006.

Mai-xuân-Thành (CN10)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Ồ ... ! Xin lổi anh Thành nghe! Vì lúc đưa tin là ... nếu có signal thì sẽ "trực tiếp truyền hình" cho anh em ở xa coi. Nhưng đến ngày thì quên báo là ở nhà hàng không có cable, vì lu bu quá nên quên mất! Làm anh em ở xa ngồi coi trực tiếp ... tàng hình, đợi dài cả cổ ...
dacung
User avatar
AnhTien_CN17
Posts: 118
Joined: 01 Nov 05, Tue, 5:55 am
Location: Viet Nam

Post by AnhTien_CN17 »

Thập sư huynh Xuân Thành ,

Tiểu đệ không biết nói gì hơn ngoài sự ngưỡng mộ vô bờ bến.

Chúc sư huynh luôn mạnh khỏe và luôn vẫn yêu đời.
dbaq
Le Hoang Giao
Posts: 18
Joined: 17 Nov 05, Thu, 11:46 am
Location: CN8, Florida, USA

Thư hồi âm từ miệt Cà Mau xứ Cờ Hoa.

Post by Le Hoang Giao »

Thập Đại Hiệp Mai Xuân Thành nhã giám,
Đầu tiên, xin cám ơn ĐH về bài viết Đh và hồi tưởng. Những tưởng những kỹ niệm cũ lúc còn làm việc tại NMXMHT tại Kiên Lương đã phai mờ theo thời gian, tuổi đời chồng chất, quá khứ là những gì còn sót lại khi được những bạn hữu, thiện tri thức kể lại cho nhau nghe để nhớ về những ngày còn học nơi mái trường CN thân thương hay nơi làm việc với nhiều đồng môn khác. Cá nhân tôi và ĐH có rất nhiều kỹ niệm đáng ghi nhớ tại Kiên Lương, dù ở bất cứ nơi đâu, dù với không gian và thời gian nào cũng là tri kỷ. Ký ức của ĐH quả là siêu việt có gì đáng chê trách, trên 37 năm còn gì nữa, những chi tiết do ĐH hồi tưởng , chính tôi còn không nhớ hết, nhất là về việc bắn Hầm. Thật ra, công việc Sở thành công nhiều là do có những người phụ tá giỏi như các KS Công Chánh Nguyễn Văn Thành, Phan Hữu Lộc, trong đó có phần sửa chữa Cơ Khí của KS Mai Xuân Thành nữa. Tôi chỉ học về Hầm Mõ theo sách vở và học lóm một phần của các KS Công Chánh mà thôi. NMXMHT vẫn còn nợ ĐH một huy chương " Kinh Tế Bội Tinh" lúc chúng ta cùng làm việc trong Chương Trình Phân Vôi Canh Nông và Cơ Quan USAID, tuy vất vả khi đi lãnh máy móc, lúc Thủ Đức, khi Long Bình, lúc Qui Nhơn, rồi về lại Kiên Lương để thiết kế, ráp máy và chạy thử. Tại Kiên Lương, tất cả dây chuyền sản xuất đều chạy êm đẹp và rất mỹ thuật về cấu trúc. Trong đó, sự đóng góp bàn tay và khối óc nghệ thuật không nhỏ của ĐH vào công trình nên đã mang lại thành quả nầy. Kết quả, tôi đã được NM, đề nghị lãnh huy chương nầy thật bất ngờ. Tôi đã làm hết sức mình để xin cho ĐH, nhưng số lượng huy chương có giới hạn cho NM tại Kiên Lương. Mong ĐH cảm thông cho đàn anh về việc nầy. Họa phúc không lường là chuyện thường tình trong thế gian. Chỉ có tình Đồng Môn là thắm thiết....
Khoan Dung Thứ
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Thư từ anh Mai Xuân Thành:

Quí Anh thân,

Anh Hổ đã gởi cho tôi hai polo shirts có in huy hiệu KSCN rất đẹp. Nói chuyện Skype tuần rồi anh Ứng có nhắc chụp hình gởi lại, trước đó anh Giụ Hùng có đề nghị tôi gởi vài bức tranh lên WS. Nhân tiện có áo đẹp chụp vài tấm hình gởi quí Anh xem chơi cho vui. Tấm hình mặc áo vàng chụp trong "art gallery", với áo trắng chụp trong "studio".

Image

Chắc quí Anh có lưu ý tới "bức vẽ miniature" -MXT, CN10- tôi mang trên ngực áo ? "tác phẩm ưng ý" nhất trong năm 2006 của tôi đấy !!

Tôi thật cảm động với lòng ưu ái của quí Anh đối với tôi, đã cho tôi những phút giây hạnh phúc khi được mặc chiếc áo có huy hiệu ngôi trường thân yêu của anh em mình để chụp hình gởi tặng quí Anh. Xin chân thành cám ơn.

Chúc quí Anh và quí quyến luôn an khang.

Thân,
MXThành.

TB: Email này tôi đã gởi hôm qua nhưng bị trả lại vì địa chỉ của Thái Vinh không nhận nữa ! Nếu anh Ứng có đ/c Email mới của Vinh thì cho tôi xin và chuyển hai tấm hình này đến TVinh giùm. Cám ơn nhiều.

-----------------------------
Quý vị và các bạn nào muốn tìm hiểu thêm về studio và tài hội họa của anh MXThành, xin email về:

maixuanthanh2005@yahoo.com
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Cám ơn

Post by unclevinh »

Mai Xuân-Thành wrote:Email này tôi đã gởi hôm qua nhưng bị trả lại vì địa chỉ của Thái Vinh không nhận nữa ! Nếu anh Ứng có đ/c Email mới của Vinh thì cho tôi xin và chuyển hai tấm hình này đến TVinh giùm. Cám ơn nhiều.
Quý vị và các bạn nào muốn tìm hiểu thêm về studio và hội họa, xin email về:

maixuanthanh2005@yahoo.com
Ái chà, đẹp trai ác!

Mà lại có tài nữa!

Cỡ này bên Mỹ kiếm khó à nghen!

Mai Đại ca,
Tiểu đệ đã đổi tất cả, trừ bả! Meo mới nè: unclevinh@yahoo.com
Ước gì có được một bức tranh của Đại ca để treo cho ấm nhà mới!

Rán qua Phàn Thành chơi một chuyến đi Đại ca?

(Thái-Vinh)
Post Reply