Văn Đình-Thành

Nhắn tin, tìm lại bạn cũ
Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Văn Đình-Thành

Post by unclevinh »

VĂN ĐÌNH-THÀNH

Nghe nói, VĂN ĐÌNH-THÀNH là nhà khảo cổ số 1 của VN bây giờ? Ai biết người ấy ở đâu, gửi giùm lá thư đính kèm.

From: "Vinh NGUYEN" <unclevinh@yahoo.com>
Subject: Cuối Năm Nhớ Bạn

Văn Đình-Thành thân mến,

Đọc xong lá thư của Đoàn Minh-Bảy kể lại buổi họp mặt cuối năm. Nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng ra ngay bóng dáng cô quạnh của THÀNH đang thẳng đường về núi... Có thật THÀNH đang nghiên cứu về đồ cổ, hay đang sống ẩn dật như một thiền sư từ ngày chúng ta xa nhau?

Lần đầu tiên trở lại quê hương năm 1995, tôi đã lên Pleiku và vào Ban Mê-Thuột sống mấy ngày thần tiên trong một đồn điền thơm ngát hương cà-phê của người em rể. Nào có biết Văn Đình-Thành đang ra vào mấy ngọn núi lớn gần đó! Giá mà bây giờ được về sống lại trên mảnh đất quê hương, tôi sẽ không ngần ngại bỏ hết các thành phố lớn ồn ào đông người, mà đi theo bạn như DŨNG và TRÚC trong ĐÔI BẠN của NHẤT-LINH. Chúng mình cách nhau đã hơn 30 năm. Trong quãng thời gian dài ấy, đôi khi nhớ về một vài người thân mến cũ như THÀNH là lòng tôi chợt bồi hồi cảm động.

THÀNH viết thư cho tôi nhé!

Mến chúc bạn hiền luôn an lành...

Thái-Vinh
Last edited by unclevinh on 29 Jan 06, Sun, 10:15 am, edited 1 time in total.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Xin các bạn chú ý:

Hầu hết các tiết mục trên DD đều buộc người muốn viết phải log-in trước; trừ vài chủ đề, như "Nhắn Tin" nầy đây, chúng tôi bỏ ngõ để cho khách cần tìm người thân hay bạn cũ có thể đăng dể dàng không cần phải ghi danh và ký nhập.

Người nhắn tin phải ghi tên thật, nếu không tin nhắn sẽ bị xóa!

Thành thật cám ơn!
dacung
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Post by unclevinh »

Xin chân thành cám ơn anh chị nào đã giúp tại hạ tìm ra người bạn cũ Văn Đình-Thành.
Thái-Vinh

Date: Mon, 3 Apr 2006 11:20:30 -0700 (PDT)
From: "minh tri" <vinhloi98@yahoo.com>
Subject: long time no see.
To: unclevinh@yahoo.com

Chào Thái-Vinh,

Chỉ còn một tháng nữa thì thời gian cách biệt giữa bạn và mình vừa đúng 31 năm. Mình là Văn Đình-Thành, tháng trước mình có nhận một mail của bạn, thật là một bất ngờ xen lẫn xúc động.

Mình đã vào lại trang web của KSCN để xem lại hình của Vinh, quả thật mình hòan toàn không nhận ra Vinh với cái hình ấy. Một Thái-Vinh trong đầu mình là Thái-Vinh của 31 năm về trước có một chút láu táu và hay lý sự, riêng địa chỉ email với tên unclevinh là còn mang đậm nét láu cá của "Thai-Vinh" 31 năm về trước.

Vì 31 năm là một khoảng thời quá dài nên những người bạn cùng khóa đã phân tán bởi hoàn cảnh đất nước và ít liên lạc với nhau thì chỉ còn biết về nhau một cách mơ hồ. Hôm nay nối lại được liên lạc với Vinh mình kể lại sơ lược diễn biến cuộc sống của mình trong 31 năm qua:

-1977 mình tốt nghiệp. Nhận nhiệm sở ngay tại trường.

-1979-1982 dạy môn kỹ nghệ họa cho khoa cơ khí.

-1982-1984 đi vượt biên bị bắt ở tù 2 năm. 2 năm là khoảng thời gian đủ để học xong bằng MA hoặc MS thì 2 năm trong tù của mình cũng là thời gian mình học xong master degree với cái bằng mình đặt tên là ML(master of life). Ngày dầu tiên mình đến trại lao động thì gặp Bùi Anh Dũng (nhan đây Vinh chuyển lời thăm của mình tới B.A.Dũ ng).

-1985-1990 sau khi Ba mình mất, chỉ còn lại một mình Mẹ mình ở Kontum và mình đã quyết định không vào lại Saigon và ở luôn lại Kontum.

-1991-1993 mình lấy vợ và cùng với một người bạn bắt đầu đi khai thác vàng. Vàng đào lên không được bao nhiêu nhưng gặp rất nhiều công cụ bằng đá của thời stone age, thế là mình nảy ra ý tưởng làm một bộ collection của stone-age tool nầỵ Mình đã đem hết số vàng đào được để đổi lấy các công cụ đá nằm trên dòng sông thượng nguồn thác Yaly. Kéo dài 16 năm, bộ collection của mình đã được 4500 hiện vật và nó có thể mô tả lại đầy đủ mọi mặt về cuộc sống của con người cách đây 1500 năm cho đến 6000 năm. Bắt đầu từ đó mình đã kết duyên với ngành khảo cổ và có lẽ nó đi song song với cuộc sống mình cho đến cuối đời.

-1995-1997 đây là khoảng thời gian khá quan trọng của cuộc đời mình. Mình đã lâm vào tình cảnh gay cấn là "sống trong tỉnh mà phải đi ra trung ương để kiện ông chủ tịch tỉnh" vì vấn đề nhà đất. Việc này nó khó giống như bạn lên liên bang để kiện tay Arnold của California vậy.Thế là 2 năm nầy mình bất dắt dĩ lấy thêm được cái bằng master of....law nữa.

Cho đến nay mình ở nhà buôn bán với vợ, không còn sự kiện lớn xảy ra nữa trừ trường hợp hôm nay liên lạc lại được với bạn. Cho đến thời gian hiện nay cuộc sống của mình dần dần đi vào ổn định, những khó khăn đã lần đi vào quá khứ, mình cũng đã nghĩ tới một chuyến đi thăm Canada và Mỹ, hy vọng sẽ được gặp mặt lại các bạn vào dịp đó để xem chúng mình đã già như thế nào.

Bây giờ khuya quá, mình phải ngừng ở đây lấy sức để mai làm việc. Khi nhận được mail nầy bạn viết vài dòng cho mình để chắc chắn rằng cái địa chỉ là đúng.

Thân ái chào Vinh.


Date: Tue, 4 Apr 2006 07:08:23 -0700 (PDT)
From: "Vinh NGUYEN" <unclevinh@yahoo.com> Add to Address Book Add Mobile Alert
Subject: Mung Gap Lai Ban Cu
To: "minh tri" <vinhloi98@yahoo.com>

Bạn Văn Đình-Thành,

Cám ơn bạn đã hồi meo dù meo đến trễ gần 31 năm!

Hồi còn đi học, tôi dành cảm tình đặc biệt đối với bạn, cũng như đối với cô Lê dạy Anh Văn. Khi xa rồi, tôi mới thấy luyến nhớ.

Còn một người nữa, tôi cũng rất ưa thích, nhưng nghe nói đã ngỏm củ tỏi trên đường vượt biên, là bạn Lê Văn Tiên tức Tiên Ông cũng là Người Tài Giỏi.

Tôi thích bạn vì bạn thông minh, vui tính, và ưa lý luận. Nghe kể lại sau năm 75, bạn thi rớt môn Lý Luận Mác Xít, tôi lại càng khoái bạn hơn.

Lại thêm cái họ VĂN đặc biệtcủa bạn. Tôi thường nghĩ bạn giống như một nhân vật rất tuấn kiệt trong Hồng Hoa Hội mà tôi rất kính trọng đó là Văn Thái Lai tức Văn Tứ Ca hay Bôn Lôi Thủ Đại Hiệp từ võ công đến tư cách đều tuyệt đỉnh.

Tôi rất vui mừng nghe bạn kể đã đạt được mấy bằng Master như thế cũng đủ để ngạo đời. Bây giờ mời bạn qua bên nầy ngao du gặp nhau một chuyến. Bạn đừng ngần ngại không còn nhận ra hình tôi. Cái bề ngoài đó, nhiều người giống y chang từ lúc mới sanh cho đến lúc lìa đời, nhưng bề trong đổi thay như chong chóng thì có gì hay?

Tôi luôn luôn yêu mến và quý trọng tình bè bạn.

Mời bạn bấm vào Diễn Đàn trường cũ ghi tên và đăng các công trình nghiên cứu đồ cổ cho mọi người cùng thưởng lãm.

http://kysucongnghe.net/diendan/index.php

Hẹn meo sau.

Thái-Vinh
NVTHAI CN11

Post by NVTHAI CN11 »

Tôi là NVTHAI KSCN11

Chào Văn Đình Thành đã xuất hiện trên Diễn Đàn

Ở SaiGon, năm 2003, đọc bài báo "Người đam mê... đồ cổ" trên báo Tuổi Trẻ, tôi rất ham mộ, nay lại biết bạn là một KSCN, Chúc mừng! Tôi copy toàn văn bài báo kèm sau đây, gửi các bạn cùng đọc, hoặc bấm vào địa chỉ ghi sau có hình:


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... annelID=10

Người đam mê...đồ đá


Ông Thành bên một khung kính trưng bày bộ sưu tập hiện vật của mình
TT - Ông Thành đang ở tuổi 50, ngụ tại một ngôi nhà trên đường Hoàng Văn Thụ, thị xã Kontum, có gần 20 năm nối tiếp nghiệp nhà trong chế tác và kinh doanh vàng bạc. Có thể xem đấy là “duyên nợ” để ông đến với thú sưu tầm hiện vật đồ đá, rồi “say” chúng suốt hơn mười năm qua.
“Thật tuyệt vời!” - đó là câu nói mở đầu của phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, trưởng phòng nghiên cứu thời đại đá của Viện Khảo cổ học (thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia), khi ông đưa ra những đánh giá của mình về bộ sưu tập với hơn 3.600 hiện vật thuộc thời đồ đá của ông Văn Đình Thành, một người dân có niềm đam mê về một lĩnh vực dường như chỉ những nhà khảo cổ học mới yêu thích.
Chuyện là vào những năm 1990-1991, dân đãi vàng các nơi đổ về các đoạn sông Krông Pôkô, thuộc địa phận huyện Sa Thầy để tìm vận may. Không cưỡng lại được lời đồn đãi rằng nhiều người đã đổi đời nhờ “trúng mánh”, ông Thành trực tiếp dẫn một số người giúp việc vào bãi vàng thử vận.
Ngày nọ, một người giúp việc tìm thấy từ dưới hố đất một vật nhỏ bằng đá, tròn như chiếc bánh xe và có lỗ ở giữa, anh ta đập vỡ để xem có vàng bên trong không. Vật ấy bể đôi cũng là lúc ông Thành nhìn thấy. Hình thù khá đặc biệt của nó khiến ông nghĩ: “Không thể là hòn đá trong tự nhiên được”, rồi nói lớn: “Là đồ vật của người xưa đó”. Thế là nhiều người liền bảo: “Thứ đó thiếu gì, còn có cả rìu đá, lưỡi cuốc đá nữa, bọn tui lấy làm gì”.
Chỉ với ý nghĩ trước cảnh hoang vu của sông sâu, rừng thẳm lại xuất hiện những vật mang dấu ấn của người xưa, của lịch sử đã khiến ông muốn nhìn thấy hình thù của chúng thế nào, vậy là ông bảo ai tìm thấy chúng mang đến ông mua... Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người trong lúc đào đãi vàng “nhân tiện” tìm thấy những vật có hình dáng đặc biệt đều mang đến cho ông và chỉ đòi hỏi ít tiền mọn hút thuốc, ăn quà.
Ông kể: “Lúc đó chẳng ai hiểu được chúng có giá trị như thế nào, cả tôi cũng vậy, nên thường khi nhận được một vật tôi trả họ năm, ba ngàn đồng. Có người ở bãi vàng lâu ngày, áo quần bị rách tươm, đưa tôi hàng chục viên đá nhỏ mà sau này tôi mới biết mỗi vật như thế là một lưỡi rìu, lưỡi cuốc; đổi lại họ chỉ yêu cầu được nhận một chiếc áo sơmi!”.
Thời điểm trước năm 2000, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử là trưởng đoàn khảo cổ học lên Kontum tiến hành điều tra, thám sát và rồi tổ chức khai quật di chỉ Lung Leng vào năm 2001. Đôi lần ông được ông Thành mời đến nhà để xin ông “chỉ giáo” cho nhiều điều. Nhờ những kiến thức này, ông Thành tiếp tục công việc sưu tầm một cách có hiệu quả hơn và tiến hành xử lý hiện vật trong bộ sưu tập của mình.
Hơn mười năm qua, ông Thành không hề trao đổi hoặc bán đi bất kỳ một hiện vật nào. Với ông, mỗi hiện vật đều gắn liền với từng kỷ niệm mà lòng say mê không cho phép ông quên. Đó là những ngày rong ruổi vào các thôn, làng ở các xã Ya Chim, Kroong (thị xã Kontum) rồi Sa Bình (huyện Sa Thầy)...
Ông nói những chuyến đi sưu tầm được ông thực hiện thường xuyên hằng năm, lúc thì mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh, quần áo... lang thang ở các bãi đãi vàng và trao đổi chúng với những người nhặt được hiện vật. Có lúc ông phải kiên trì cả nửa tháng trời để năn nỉ được mua từ một người dân tộc thiểu số đang có trong tay một hiện vật mà với họ chỉ mang ý nghĩa như một linh vật, khi có bệnh sẽ mài vật đó để uống (?).
Những hiện vật mà ông Thành có được chủ yếu là rìu, bôn, cuốc, bàn mài... và phần lớn mang đặc trưng của hậu kỳ thời đại đá mới, nằm trong khung thời gian cách đây 3.000 - 4.000 năm. Mỗi thứ lại có nhiều hình thức, đặc trưng riêng.
Lại nói đến nhận xét của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, rằng trong bộ sưu tập của ông Thành có đến hai “bảo bối” mà với cả bảo tàng nhà nước cũng phải ao ước, ngay cả danh sách ước tính trên dưới 2 vạn hiện vật đồ đá của di chỉ Lung Leng được khai quật cũng vắng mặt: đấy là ba mũi qua (một loại vũ khí) bằng đá ngọc, trong đó có một chiếc còn gần như nguyên vẹn; tiếp đến là bàn dùng đập vải vỏ cây được chạm khắc tinh xảo.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử đánh giá rất cao những gì mà ông Thành đã làm, về bộ sưu tập khá độc đáo không dễ có ở người thứ hai. Đặc biệt là việc ông Thành đã lựa chọn để trưng bày 2.679 hiện vật trong bốn khung kính tại nhà riêng của mình, chúng được ông trân trọng đặt trong căn phòng đã và đang là nơi thờ tự gia tiên.
TIÊN MINH
nvthai cn11

Post by nvthai cn11 »

Hôm nay, Báo Tuổi Trẻ ở SàiGòn lại có bài viết về Vă Đình Thành, Bộ sưu tập Đồ Đá Cổ của anh đã 4500 cái. Nguyên văn bài báo:

Bộ sưu tập đá cổ của một người đào vàng


TT - Giờ thì Văn Đình Thành không còn nhớ bước chân mình đã đến bao nhiêu làng bản, vượt bao nhiêu con suối ở Tây nguyên trong suốt 16 năm ròng rã để tìm những viên đá cổ.
Bạn bè gọi anh là Thành “khùng”. Anh cười vui, đó là cái giá phải trả để Thành có được 4.500 hiện vật đá cổ Sa Thầy.

Ăn đá cổ, ngủ đá cổ

Nghe danh đã lâu, nhưng bây giờ tôi mới mục sở thị “kho tàng” đá cổ của Văn Đình Thành (ở 60 Hoàng Văn Thụ, thị xã Kontum). Bên ly trà, tay mân mê những hiện vật đá cổ Sa Thầy, Thành đưa tôi về với cuộc hành trình chơi đá đầy thú vị nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt.
Những năm đầu của thập kỷ 1990, anh cùng một số người bạn đi đãi vàng kiếm sống ở bãi đá Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kontum). Đào mãi không thấy vàng, chỉ toàn thấy đá, anh cùng những người bạn nhiều phen ngán ngẩm. Suốt ngày hì hục đào vàng bở hơi tai, nhưng trong lúc nghỉ ngơi anh vẫn cầm đá vân vê, nhìn ngắm cho đỡ mệt.
Rồi có ý định cầm vài cái về cho con chơi, làm kỷ niệm một thời đào vàng khắc khổ. Đêm buồn, lấy đá ra... ngắm nghía, càng nhìn càng thấy lạ mắt, với nhiều hình thù thú vị, họa tiết tinh xảo... Biết chắc là có bàn tay chế tác của người xưa.
Nhiều đêm như thế, Thành nghĩ “sưu tập cho vui - tại sao không?”. Càng đào, càng không thấy vàng, nhưng toàn thấy những viên đá đẹp xuất hiện. Và Thành mê đá lúc nào không hay. “Trưa quên nghỉ, đêm quên tối, tôi đào như có một ma lực thôi thúc”- anh trầm ngâm. Mỗi lần về, cả nhà dường như không nhận ra anh vì “tôi đã trở thành Thành “đen” vì nắng cháy”.
Hai năm đầu, vừa đãi vàng anh vừa đào đá cổ, cùng với “nguồn đá” bạn bè cho... anh đã có trong tay 1.000 hiện vật quí. Với số lượng ấy là đã quá vui rồi, nhưng chẳng lẽ dừng khi niềm đam mê đá cổ trong người đang rực cháy. Vậy là Thành “phóng lao thì phải theo lao”...
Được bao nhiêu tiền, vàng tích cóp được từ những năm đào vàng, cộng với sự hỗ trợ của gia đình, anh nướng vào hết cho các hiện vật quí này. Và Thành đã có được một con số đá cổ không thể ngờ: 4.500 hiện vật.

Nhà nghiên cứu... đá

Ngoài thời gian đào bới, tìm kiếm, thu mua hiện vật, Thành lao vào tìm sách nói về thời kỳ đồ đá, về đá cổ để nghiên cứu. Dần dà Thành đã có một lượng kiến thức cơ bản về đá cổ, về thời kỳ đồ đá, đủ để hiểu những hòn đá cổ bí ẩn trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, những cuốn sách cũng chưa thể dẫn dắt anh về với quá khứ hàng triệu năm mịt mù sương khói.
Rồi anh gặp được tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử trong lần ông đưa các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ vào Kontum khảo sát và khai quật khu di chỉ Lung Leng ở Sa Thầy. Thấy được niềm đam mê của Thành, những nhà khoa học hỗ trợ kiến thức cho anh.
Giờ thì Thành đã hiểu biết khá sâu về đá. Thành vừa nói chuyện với khách vừa phân loại hiện vật, hệt như một nhà khảo cổ học. “Phải am hiểu thật sâu thì mới gìn giữ được nó” - Thành nói. Thành cho hay trong kho báu của mình có đủ loại đá: công cụ đá để sản xuất nông nghiệp như cuốc đá, cào đá, rìu đá, dao đá, dụng cụ khoan lỗ để tỉa hạt; công cụ nghiền thực phẩm như hòn nghiền (chày), bàn nghiền; khuôn đá để sản xuất công cụ như khuôn đúc đá, khuôn đúc đồng (thời kỳ giao thoa giữa thời kỳ đồ đá và đồ đồng)...
“Chế độ bảo quản phải thật nghiêm ngặt, nếu không cẩn thận sẽ bị vụn vỡ vì nhiều cái đá bị phong hóa - anh nói một cách rất am tường - Càng nhiều hiện vật, càng nghiên cứu sâu thì mới ngộ ra: người xưa cực kỳ khéo léo, đời sống của họ thật phong phú, đa dạng. Họ biết làm đẹp bằng đồ đá, tạo dựng tâm linh từ đá...”.

Bảo tàng tư nhân về đá cổ Sa Thầy

Đó là ước mơ mà Thành đang thực hiện. Thành nói cuộc tìm kiếm đá cổ khó khăn nhọc nhằn như thế, nhưng vẫn chưa kỳ công bằng việc tổ chức trưng bày để người xem thấy được “giá trị đời sống của ông bà xưa”.
Để trưng bày khoảng 350 hiện vật phải mất ba tháng trời cùng với một vài người phụ giúp. Hiện Thành chỉ mới trưng bày chưa được một phần ba số hiện vật đang có. Rất nhiều hiện vật đá cổ được anh bảo quản cẩn trọng trong tủ vẫn đang chờ ngày được trưng bày.
Thành cho hay: “Tôi đang nghiên cứu để làm một bảo tàng tư nhân tại gia để cho bạn bốn phương tới cùng chiêm ngưỡng cho vui, đồng thời để họ thấy được đời sống - văn hóa của người xưa qua hiện vật đồ đá". Anh nói: “Nhờ đá cổ Sa Thầy mà tôi mới có nhiều bầu bạn như ngày hôm nay, đó là điều khích lệ lớn lao khiến tôi càng thấy thú vị với niềm đam mê đá cổ của mình”.
Không ít khách Tây biết tiếng, đến xem và muốn trả giá cao để được làm chủ nhân của một số hiện vật, nhưng anh nói “không” vì đó là cả cuộc đời của anh, của bao người thân yêu. Và quan trọng nhất, “nếu bán đi thì con cháu của Việt Nam thế hệ sau làm sao biết đến hiện vật đá cổ Sa Thầy là gì?” - Thành kết thúc câu chuyện khi Kontum đã về chiều. Nhưng, ánh bình minh của thuở hồng hoang vẫn đang sáng lên từ những viên đá cổ của anh.
BÌNH GIANH

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... annelID=10

NVTHAI CN11
Post Reply