Tinh Thần Công Nghệ

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Tinh Thần Công Nghệ

Post by uncle_vinh »

Gặp lại thầy cũ

Paris có gì lạ không anh?

Chưa đặt chân đến kinh thành ánh sáng mà Thái Vinh đã hỏi vói...
Last edited by uncle_vinh on 07 Sep 05, Wed, 8:03 pm, edited 12 times in total.
dacung
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Gặp lại bà chị không quen!

Chỉ còn có hai tuần là chị Thu CN1 sẽ bay về VN ...
Last edited by uncle_vinh on 07 Sep 05, Wed, 8:03 pm, edited 10 times in total.
dacung
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Post by unclevinh »

Hai chị em

Dạo ấy khi miền Nam vừa độc lập. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cần phát triển mạnh để đương đầu với người anh em phương Bắc, thì người nữ sinh Gia-Long vừa trúng tuyển kỳ thi Tú-Tài phần một đã hăng hái lên Bộ Tổng Tham Mưu nộp đơn xin đi học bay ở Marrakech để trở thành người nữ phi công đầu tiên của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng tiếc thay, ở một xã hội vừa thoát khỏi chế độ phong kiến và ách thực dân, Không Quân Việt-Nam ngày đó chưa sẵn sàng đón nhận người nữ phi công nầy!

Một người phụ nữ với lý tưởng cao đẹp như thế cũng đủ cho tôi khâm phục rồi; huống chi, sau nầy người ấy lại thi đỗ và vào học trường Kỷ Sư Công Nghệ là trường dành cho bọn con trai chuyên xử dụng kềm búa và máy móc, nên tôi rất ngưỡng mộ, nhất định phải gặp chị một lần cho thỏa ước.

Biết chị vừa du ngoạn kỳ quan Grand Canyon bên Arizona của anh Nguyễn Đắc-Ứng, tôi lúng túng không biết San Jose có kỳ quan gì để mời chị lên thăm! Mấy năm trước San Jose còn nổi tiếng là vùng đất dễ kiếm việc làm nhờ kỷ nghệ điện tử bộc phát, bây giờ thì hãng xưởng đã dọn hết qua Trung-Hoa chẳng còn gì để khoe:

- Anh Quang và anh Đẩu đều bận cả, chị ạ!
- Bốn mươi lăm năm trước, mấy ảnh cũng đâu có nói chuyện với chị nhiều.
- Thôi em đưa chị lên San Francisco coi cầu treo Golden Gate nhé?
- Chắc cũng giống cầu treo ở Bắc Mỹ Thuận chớ gì? Chị lên chơi với gia đình em là đủ vui rồi.

Chị ao ước được đi xe lửa cho biết, nhưng sắp về Việt Nam, thì giờ đâu còn thong thả nữa. Thôi bắt chước anh Đoàn Cảnh-Đức làm "Một chuyến xe đò" vừa nghe nhạc vừa coi cảnh nam bắc tiểu bang California cũng rất thú vị. Dầu chưa thấy hình chị, nhưng khi Mộng-Lan đến bến xe, đã nhận ngay ra chị nhờ bộ đồ bà ba đen lạ quắc!

Khi tôi về, chị mừng rỡ cầm tay, nói chuyện thân mật như hai chị em xa cách đã lâu, gây cho tôi một cảm giác vui vẻ dịu dàng. Mộng-Lan trổ tài làm cơm nhà nghèo đãi chị ăn toàn rau và đậu. Cơm nước xong, đưa chị đi dạo vườn Nhật trong Kelly Park. Nghe tiếng động rục rịch trong bụi cây, tôi giải thích đây là chỗ trai gái thường trốn vào hẹn hò, chị giựt mình chỉ coi phớt qua loa, rồi nhờ tôi tìm nhà đến thăm người em bà con bạn dì là Bác sĩ Đinh Xuân Dũng. Chị xa anh Dũng cũng đã hơn hai mươi năm. Nghe chị giới thiệu tôi là một đồng môn lớp nhỏ của chị, vợ chồng anh Dũng khen ngợi tinh thần Công Nghệ vô cùng!

Sáng hôm sau, ngồi xe đi coi San Francisco và cây cầu treo Golden Gate, quan sát mọi cảnh vật hai bên đường, thấy cái gì lạ chị cũng hỏi; ngay cả những tấm bảng chỉ đường, rồi khẽ thở dài, "Ước gì Nam Bắc Việt-Nam mình chỉ cần được nối nhau bằng một con đường 101 nầy thôi cũng đủ!"

Image

Lúc đứng trên cầu nhìn hòn đảo Alcatraz xa xa trong vịnh San Francisco, tôi đùa:

- Làm cây cầu cao để thuyền bè qua lại, nhưng nhiều người chán đời cũng thường mượn chỗ nầy để nhảy chết cho mát thây...

- Đã có người Việt nào tự tử ở đây chưa?

- Ồ, mấy vụ nầy, người mình còn nhát lắm!

Image
Ý, đừng nhảy nghe chị Thu!

Hai chị em thong thả đi tới giữa cầu, rồi quay trở lại, ngồi ăn trưa và thả thức ăn cho chim ở gần bức tượng kỷ sư trưởng xây cầu, Joseph B. Strauss.

Image
KS Thu và KS Strauss

Thời tiết ấm áp và khí trời ở vùng vịnh hôm nay trong vắt làm hai chị em và du khách rất hài lòng.

Trên đường về, chúng tôi ghé Palo Alto thăm trường Đại học Stanford lừng danh. Lúc nào có bạn ở xa đến chơi, tôi đều đưa đến thăm khu đại học rất đẹp nầy. Nghe tôi giải thích tiêu chuẩn thâu nhận sinh viên vào các trường Đại học ở Mỹ, ngoài học giỏi, sinh viên còn phải có thành tích hoạt động thiện nguyện giúp ích cho cộng đồng, chị khen, và lấy làm tiếc là người Á đông tuy có truyền thống chăm học, nhưng thường tự kiêu và không biết bổn phận giúp đỡ cho xã hội!

Chị ước gì sau khi chết đi, sẽ đầu thai làm một người học trò bên Mỹ để được theo học trường Đại học nổi danh nầy.

Tôi nhất định ngày ấy, nếu chưa ngỏm, sẽ có mặt trong buổi ra trường của chị!

Tuy không gặp được các bạn cùng lớp, nhưng lúc về nhà, có thư của anh Lê Văn-Dĩnh kèm theo mấy tấm hình hôm họp mặt Công Nghệ ở San Jose. Chị coi rất lâu, rồi hỏi:

- Dĩnh vẫn mồm méo không thay đổi mấy; còn hình ai mà đầu tóc trọc lóc vậy?

- Hình anh Quang mà!

- Trời! Quang rụng hết tóc tai, tội nghiệp quá!

- Sao chị nói nghe mâu thuẫn vậy! Lúc nãy ở trường Đại học Stanford, chị khen các anh sinh viên sói trán thông minh, thì anh Quang sói thông minh mà!

- Nhưng làm sao ảnh biết chỗ nào là đầu và chỗ nào là mặt để rửa?

Bất giác đưa tay lên sờ trán, tôi chợt hiểu hôm nào ở quán Vũng Tàu, thằng Lê Tự-Đoàn và Bùi Anh-Dũng đã nói tương lai tôi sẽ giống y như anh Quang!

Ba ngày vui đã qua nhanh. Hôm đưa chị ra bến xe đò Hoàng, hai chị em vẫn còn bịn rịn; nhưng nghe mẫu đối thoại của hai người khách đi cùng xe làm chị em tôi cười xòa chia tay:

- Bà có uống cà phê không, thì tôi đi mua?

- Thôi, tôi sợ uống cà phê sẽ bị đau bụng!

(Kỷ niệm chị Quách Thị Thu CN1 viếng thăm San Jose và gia đình Thái-Vinh CN17 từ ngày 3 đến 5 tháng 6, 2005)

Mời bạn xem hình "Hai Chị Em":
http://pg.photos.yahoo.com/ph/lanvinh@s ... DB3mco5BCs
Last edited by unclevinh on 10 Jun 05, Fri, 5:15 pm, edited 1 time in total.
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 470
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Post by admindd »

Tình Nghĩa Thầy Trò
Ghi nhớ của Võ Văn Hoàng CN9


Khi chiếc xe Lambretta màu trắng của tôi vừa qua khỏi cổng Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ thì mùa khai giảng niên học 1967-1968 cũng vừa bắt đầu.

Sau ba tháng hè tập sự ở các xí nghiệp, hôm nay các sinh viên của trường Cao đẳng Điện học, Cao đẳng Công Chánh, Cao đẳng Hoá học, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ bắt đầu một niên học mới trong ánh nắng mai vàng đầy hy vọng của một khung trời Sài Gòn dễ thương. Riêng đối với tôi, đây là năm thứ tư, cũng là năm cuối cùng của một cuộc đời sinh viên Phú thọ.

Ngày khai giảng năm học, một thay đổi mới cho trường Công nghệ là Giáo sư Bùi Tiến Rũng, PhD ở Hoa kỳ, thay thế GS Văn Đình Vinh, Kỹ sư Arts et Métiers, Pháp, làm Giám Đốc. Trong bầu không khí đổi mới, chúng tôi hân hạnh đón tiếp ngày đầu tiên thầy BT Rũng, dạy môn động cơ (moteurs). Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy học bên Mỹ, thầy nói tiếng Pháp lưu loát như mấy thầy Granottier, Martin dạy công nghệ lúc bấy giờ ... mà thầy lại còn trẻ quá, xem như là anh cả của chúng tôi. Sau một thời gian ngắn làm GĐ, thầy được thăng chức làm GĐ Trung tâm, lúc ấy tôi cũng vừa tốt nghiệp và được tuyển dụng ngay làm giáo sư trường Công nghệ khỏi phải làm đơn ...

Thời gian trôi qua, tôi đắc cử Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Công nghệ và với chức vụ nầy, tôi thay mặt sinh viên toàn trường trực tiếp gặp thầy GĐ thường hơn và để làm viên gạch nối giữa trường và ban GĐ về mọi hoạt đôïng liên quan đến sinh viên. Có lẽ trong ánh mắt, qua nhiều lần trò chuyện, hội họp với ban giáo sư ... thầy đã bắt gặp ở tôi một niềm tin, một sinh viên có hướng đi tốt và chính tôi cũng nhận thấy ở thầy điều ấy.

Hy vọng của tôi lúc bấy giờ là muốn "đổi mới" mọi hoạt động văn hoá sinh viên theo lối các trường lớn ở Pháp và Mỹ, và tôi may mắn được thầy chấp nhận chương trình trên nguyên tắc vì cả thầy lẫn trò đều cùng một hướng đi lên cho trường được mọi người biết đến hơn,... dễ dàng kiếm việc làm cho sinh viên ... Tôi phải quyết tâm thực hiện giấc mơ đẹp nầy mặc dầu con đường đi rất khó khăn ... Thế rồi mọi đổi mới cũng hoàn tất tốt đẹp theo năm tháng ...

Ngoài việc học hành, tôi cũng sát cánh bên thầy về tình hình chính trị có ảnh hưởng đến sự xáo động sinh viên, vì lúc bấy giờ chắc hẳn chúng ta đã xuất thân từ Phú Thọ không ai quên được thời điểm éo le của cuộc chiến tranh đau khổ nầy. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của nước nhà. Sinh viên biểu tình, tranh đấu, chính phủ thay đổi lia lịa ... cộng sản len lỏi trong sinh viên, rồi Tết Mậu thân 68, chiến tranh kế bên trường, sinh viên cầm súng chống kẻ xâm lăng ... Tôi chỉ ghi nhớ vài mẩu chuyện "Tình nghĩa thầy trò" quý hóa nầy giữa tôi và thầy BT Rũng kể từ năm 1968 đến nay 2003, đã hơn 35 năm, mỗi lần nhắc đến thầy, vừa vui mừng vừa cảm động ... Trong cuộc đời của tôi, tôi luôn nhớ đến hình bóng vị thầy kính mến, hai thầy trò đã cùng nhau "Đổi Mới" trường Công nghệ một thời ... Cái tình nghĩa cao đẹp đó, tôi xin cám ơn đấng tối cao đã cho tôi cái hạnh phúc này ...

Tôi nhớ mãi vào lối tháng 10 năm 67, tôi có mời thầy Rũng và gia đình đi viếng thăm và dự tiếp tân, xem văn nghệ nhân dịp lễ Phụ Huynh (fêtes des parents), được tổ chức hằng năm để giới thiệu cho cha mẹ, bạn bè, hội đoàn trong và ngoài nước, nơi ăn, chốn ở của tôi và khoảng 60 sinh viên đủ mọi ngành, được cái may mắn sống tại cư xá sinh viên Đắc Lộ (Foyer Alexandre de Rhodes), đường Yên Đổ, do các cha Dòng Tên (Pères Jésuites), phần lớn là các linh mục Canadiens điều khiển. Ngoài việc cư ngụ trong một campus tân tiến kiểu Âu Mỹ, sinh viên được hướng dẫn sống tập thể lành mạnh, kỷ luật, tương thân tương ái, dạy dỗ về mọi khía cạnh theo chiều hướng làm ngưới tốt, "Esto Vir", nhất là tham gia công tác xã hội, giúp đỡ đồng bào nghèo ở thôn xóm ngoại ô Sài gòn vào mỗi cuối tuần. Chúng tôi hoạt động với đầy đủ phương tiện y tế, giáo dục, tiền bạc ... của một hội đoàn quốc tế yểm trợ nhiệt tình ...

Thầy Rũng rất ngạc nhiên về cuộc sống sinh viên ở đây, nên thầy và tôi bàn luận để áp dụng vào cuộc sống của sinh viên trường Công Nghệ. Vào dịp gần lễ Giáng Sinh, chúng tôi tổ chức ngày lễ Phụ huynh cho trường Công Nghệ. Tôi áp dụng thêm lễ "Đỡ Đầu" (Bâptème et Parrainage) như các trường kỹ sư bên Pháp cho mỗi sinh viên mà sau này tôi có dịp tham dự lúc học Arts et Métiers ở Aix en Provence.

Để có tài chánh, chúng tôi huy động một số sinh viên đi mời các kỹ nghệ gia, các công ty lớn vùng Sài Gòn, Thủ Đức, Khu kỹ nghệ Biên Hòa ... tham dự ngày lễ và được sự hưởng ứng về tài chánh dồi dào, nhờ vậy mà sinh viên và gia đình cũng như quan khách tham dự lễ, ăn uống, dạ vũ ... đều thoải mái, khỏi lo chi phí. Ngày lễ bắt đầu từ chiều, tất cả sinh viên đều ăn mặc đồng phục complet đậm và thắt cà vạt, rất đẹp mắt. Họ hướng dẫn từng toán quan khách gồm gia đình, bạn bè, kỹ nghệ gia ... và nhất là rất đông các cô ăn diện phần lớn jupe dài kiểu dạ hội, có cô mang găng tay trắng, như tài tử xi-nê-ma ... đi thăm trường, giải thích các môn học, viếng xưởng cơ khí, luyện kim, máy dụng cụ ... với máy móc được chùi rửa sạch sẽ cả tuần trước, chuẩn bị rất chu đáo. Đây cũng là một hình thức quảng cáo trường với báo chí và quan khách ... chiều lại có lễ "Bâptème", tiệc tiếp tân, và tối đến có dạ vũ nhạc sống vui nhộn cho đến giới nghiêm, ra về với bao luyên tiếc ... Ngày ấy có cả ngàn người tham dự, trong lịch sử của trường chưa bao giờ trung tâm đón nhiều khách lạ như thế ... Danh xưng Kỹ sư Công nghệ không còn xa lạ với quần chúng và xí nghiệp nữa, và được đánh giá cao ... rồi từ đó thành thông lệ cho trường ... Hy vọng đổi mới của tôi đã thành sự thật ...

Trong khói lửa của Tết Mậu Thân 68, sinh viên Công Nghệ được huy động bảo vệ tổ quốc canh gác tại Bến Hàm Tử, Chợ Lớn, tay cầm súng, thầy và tôi đi thăm hết đơn vị nầy đến đơn vị nọ, để làm tăng lên tinh thần yêu nước của mấy chú lính sinh viên thơ ngây, ban đêm cầm súng carbine kiểu "nhân dân tự vệ", đứng gác trên mấy chung cư, không biết kẻ thù ở nơi nào tới ... Dạo ấy trung tâm như một trại lính khổng lồ ...

Hè 68, lúc tôi ra trường, mặc dầu tôi không phải là sinh viên xuất sắc, tôi được đặc biệt tuyển dụng ngay về làm giáo sư trường Công Nghệ, với ý định của thầy là sẽ đưa tôi đi học thêm ở Mỹ vài năm, nhưng vì tôi phải lập gia đình, và vì nhiều lý do khác ... nên sau vài tháng dạy học, được sự thông cảm của thầy, tôi rời chức giáo sư, để làm việc cho hãng Dệt, rồi Điện lực VN, ... Nếu lúc ấy tôi còn độc thân thì tôi sẽ đi học thêm bên Mỹ là cái chắc rồi, nhưng cuộc đời thay đổi chỉ trong giây phút mà thôi ... và sau đó vài năm, thầy Rũng cũng lìa chức GĐ Trung tâm để đi làm Tham vụ Ngoại giao.

Vào năm 71, lúc làm việc cho Công ty Điện lực VN, nhân dịp được đi Pháp tu nghiệp cùng với hai bạn là TS Thực và NV Thích, chúng tôi có ghé thăm thầy Rũng tại Bangkok, Thái lan, trên đường đi Paris. Thật vô cùng cảm động và sung sướng cái tình cảm thầy trò cao đẹp mà thầy đã dành cho chúng tôi. Chỉ cần tôi báo tin sẽ ghé thăm thầy là hôm ấy, lúc xuống phi trường Bangkok đã có sẵn xe của Ngoại giao đoàn tiếp đón về ở chơi với thầy và gia đình, cùng nhau thăm viếng thủ đô Thái lan suốt ba ngày, thầy không cho trả một xu ...

Kể từ ngày mất nước 30 tháng tư năm 75, sau khi đến Pháp và đã yên ổn cuộc sống mới, tôi bắt đầu tìm kiếm thầy Rũng. Gặp ai có liên hệ đến Trung tâm Kỹ thuật Phú thọ tôi đều hỏi thăm không biết nay thầy ở phương trời nào, gia đình thầy có bình an hay không ... Cho mãi đến năm ngoái 2002, nhân dịp anh chị NV Thích ở Canada qua Pháp thăm chúng tôi, tôi có nhờ anh kiếm dùm tôi vì nghe tin thầy Rũng ở Canada. Lúc trở về bên ấy anh Thích đã tìm kiếm thầy và cho tôi e-mail của thầy ở Montréal.

Lúc được thơ tôi, thầy Rũng bàng hoàng, cảm động, không nói nên lời, thầy tưởng như là giấc mơ gặp lại được học trò cũ, và tôi cũng thế, nước mắt cứ trào ra khi cầm trên tay mấy hàng chữ đầy thương mến của thầy. Thầy hẹn với tôi ngày mai mới viết dài được, vì quá cảm động tưởng như là không bao giờ gặp lại được tôi ... Rồi hôm sau, tôi được một lá thư rất dài của thầy nhắc lại dĩ vãng êm đẹp đã qua đầy thương mến và thầy khen ngợi tôi với tất cả tấm lòng của một vị giáo sư tài ba, mà âm thầm ...

Lá thư dài tôi để trên đầu nằm, mỗi lần đọc, niềm hạnh phúc chạy từ từ lên người tôi, rồi cái sung sướng ấy tôi để nước mắt cứ trào ra ... Tôi có thưa với thầy là chừng ấy chữ đầy "tình người" của thầy đủ cho tôi sống mạnh trong cuộc đời ly hương, tôi không muốn đòi hỏi gì thêm nữa vì hạnh phúc đang trong tầm tay của gia đình tôi. Trong cuộc sống hải ngoại, vật chất dư thừa mà nhiều lúc vẫn cô đơn, chỉ thiếu chút "tình người" ấm áp mà thôi ...

Trong suốt 35 năm xa cách, thầy Rũng vẫn còn nhớ đến tôi như ngày hôm qua, thầy viết: J'étais vraiment ému par le message de H... Je me souviens de H comme si celà était hier...

Ngày 10 tháng 6 năm nay, 2003, chúng tôi đi Canada theo lời mời của bạn bè và anh chị Thích, những người đã ghé thăm chúng tôi tại miền nam nước Pháp trong suốt gần 27 năm qua. Biết tin vợ chồng chúng tôi ghé Montréal, thầy cô đã sắp đặt đón chúng tôi bằng một buổi họp mặt với các thân hữu đã cọng tác tại TTQGKT Phú Thọ mà chính thầy là Giám Đốc, và tôi là sinh viên rồi là giáo sư được mấy tháng,... tôi mong sao cho mau đến ngày gặp lại thầy và các bạn bè thương mến của chúng tôi... chắc chắn sẽ rộn rã tiếng cười và nước mắt tái ngộ...

Tôi nghĩ : nơi nào có tình yêu thương, nơi đó ắt có Thành đạt, Giàu có, Hạnh phúc, Hoà bình vĩnh viễn ...

Image

35 năm đã qua,"Tình nghĩa thầy trò" dưới mái trường Công Nghệ vẫn được tiếp tục nối vòng tay thân ái, kính mến của cả hai dòng sông St Laurent và sông Seine... nước xanh một màu hy vọng và nước của hai dòng sông sẽ không bao giờ vơi cạn ...

Tình nghĩa thầy trò là thế đó ... cao đẹp biết bao ...

Viết cho thầy Bùi Tiếng Rũng kính mến.
Học trò cũ: Võ Văn Hoàng CN9
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 470
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Post by admindd »

TÔI ĐẾN THĂM ANH
-----o-----

Không êm đềm thơ mộng như lời nhạc thăm nhau đêm 30 hay một chiều mưa, tôi đến thăm anh vào một buổi sáng có nắng đẹp, nhưng trong một tâm trạng buồn man mác. Mới cách đây một tuần, anh hốt hõang báo tin: anh mới phát hiện mang một chứng bệnh hiểm nghèo, anh vội vã trở về quê …

Từ Sàigòn vượt 40 cây số bằng xe gắn máy đến đây, quê anh, tôi hy vọng có thể giúp anh vượt qua các hụt hẫng và tạo được chút niềm tin. Do được báo trước, anh ra cửa đứng chờ, từ xa tôi đã thấy anh trong chiếc áo pyjama rộng thùng thình, hôm nay tôi mới cảm nhận được cái ốm sút người của anh, tuần trước có gặp nhưng qua mấy lớp áo dầy nên không thấy được các thay đổi thể trạng nhanh chóng này.

- Anh thấy khá hơn không?

- Vẫn vậy, có chiều hướng tăng! ...

Chỉ vậy, khác hẵn tối hôm trước, tại một góc quán cà phê lề đường, anh hối hả, huyên thuyên kể cho tôi nghe các thông báo giám định của bệnh viện, như muốn phân bua thắc mắc tại sao chứng bệnh quái ác lại đến với anh? Mà thực tế, cả 3 Bệnh viện đều chung kết luận: Anh bị ung thư phổi nặng, một căn bệnh nhà giàu cũng phải sợ ! ... Tôi cũng bị hụt hẫng, chỉ ngồi trố mắt nghe, không biết phải nói gì? … Hai ly cà phê đá gọi ra không ai uống, đá tan phân biệt rõ 2 màu đen trắng, như phụ họa một kết luận dứt khóat của anh:

- Thôi ! đành chịu, mai tôi về LA ! ...

Hôm nay anh có vẽ trầm tĩnh ít nói hơn, và hình như không muốn nhắc gì đến căn bệnh. Tôi trao cho anh quà và món tiền của các bạn từ bên Mỹ gửi về tặng với các lời thăm hỏi động viên, tay anh run run đón nhận, mắt anh ướt. Lần đầu tiên tôi thấy anh chảy nước mắt …

Anh giới thiệu về cơ ngơi của anh, một căn nhà đơn sơ do chị (vợ anh) khởi dựng 30 năm trước, lúc anh đi “học tập”, chị bồng dắt con về đây nương trú, khi anh về có bồi đắp thêm, khá khang trang so với các nhà ở vùng quê này. Anh khoe một các chái nhỏ là một “xưởng cơ khí miền quê” gồm một máy tiện, máy hàn, máy mài, v.v... tất cả là máy cũ, hàng phế thải, anh mua về chỉnh trang lại, bằng nguồn tiền trợ giúp lần trước do các bạn bè ở Mỹ gởi cho, làm phương tiện kiếm sống qua ngày.

Một công trình khác: một giàn hoa thiên lý, trước sân và quanh nhà, thơ mộng và kinh tế:

- Thiên lý gì mà không có chút mùi thơm? Tôi hỏi.

Anh cười: - Thơm sao được, hoa mới ra nụ đã cắt bán hết rồi đâu kịp nở.

Vâng anh đã cười, tôi rất muốn làm cho anh cười. Nhờ bán nụ hoa thiên lý có tiền chợ hàng ngày cho chị.

Nơi anh ở cách Sài Gòn hơn 30 km đường chim bay, là một xã quê đang được đô thị hóa. Khỏang hơn trăm căn nhà đủ kiểu dáng chung quanh một cái chợ. Đi bộ 20 phút đã hết vòng.

Chị dọn cơm trưa, nhìn chị, tôi liên tưởng đến người vợ của nhà thơ Tú Xương: một tay chị tảo tần, mọi việc trong ngòai “Nuôi nấng 5 con với 1 chồng”. Từ ngày biết tin anh bệnh, chị bỏ cả việc đồng áng, ở nhà chăm sóc anh. Người chị thật đáng quý, chị nói rất mong có nhiều bạn bè đến thăm anh lúc này.

Buổi trưa ở đây rất yên tĩnh, hai cái võng anh và tôi nằm trong mái hiên có giàn hoa thiên lý ngăn đi cái nắng nóng, cái loa trong nhà vẵng ra lời nhạc nhè nhẹ của một ca sĩ, tôi thấy anh như quên hết mọi lo âu, trở lại bình thường, mặt tươi hẵn lên, tôi và anh trò chuyện như không có gì xảy ra, chuyện trên trời dưới đất, chuyện xưa, nay… Anh kể lại thời học xong Cao Thắng, thi vô CN lần đầu bị rớt, đi lính, lúc ra lính là Đại Úy lại học để thi tiếp vào CN, hai năm mới đậu … Rồi chuyện về một người bạn học cũ, nay là Giám thị đã bỏ qua những lỗi nhỏ lúc làm bài thi …

Bốn năm học CN, bao nhiêu là kỹ niệm, về bạn, về thầy, trong lớp, ngòai trường, … rồi lúc ra trường, anh rất “khỏe” trong khi nhiều tên đang lo về chuyện đi lính, nhưng đến khi phải “đi học tập” thì anh lại mệt hơn … Tôi kể về bài báo của một tên cùng lớp dấu tên viết về “một cuộc tình không lối thóat”. Hỏi anh có biết tên nào không vây. "Dể ợt!" anh nói, nhưng thắc mắc "nó đã bỏ đi tức là thóat được rồi" tại sao lại bảo là không?...

Anh nói say sưa như chưa bao giờ được nói và sẽ không còn có dịp để nói. Khi nhắc đến căn bệnh, anh tự nhận một phần do lúc trẻ hút thuốc lá quá nhiều … Anh không than trách, và rất bình tỉnh tự đánh giá và đón chờ các sự việc sắp đến, Anh chỉ lo lắng cho gia đình, cho vợ, con, cháu ngọai, về mặt tình cảm và cuộc sống …

Tôi rất khâm phục sự bình tỉnh của anh, và có vài lời khuyên an ủi. Tôi bàn với anh có thể kiến thức về y học của tôi và anh chưa đủ để hiểu hết các kết luận y khoa trong hồ sơ bệnh của anh, do đó tôi đề nghị và anh bằng lòng để tôi đem hồ sơ về tham khảo thêm ý kiến với các bác sĩ chuyên môn khác coi có phương cách điều trị nào tốt hơn không.

Tôi từ giã ra về mang theo một hy vọng. Bắt tay anh, tôi cố giữ nét mặt cương quyết, tin tưởng! Nhưng khi quay đi, tôi không dấu được chút ngậm ngùi …

Vâng, tôi đến thăm anh với một tấm lòng.


NVTHAI CN11,
(Thăm anh ĐVThời 14-10-2005)
Post Reply