Phiếm Luận

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Phiếm Luận

Post by uncle_vinh »

Tản Mạn Về Vương Thúy Kiều
(Việt Báo - 10/06/2011)
Trúc Giang MN


1* Kiều phải sống

Chuyên Kiều là một tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam đã đưa tên tuổi tác giả Nguyễn Du lên thành một đại văn hào và là một danh nhân thế giới. Giá trị của Chuyện Kiều là tài xử dụng ngôn ngữ phong phú, trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình, tả người, làm nổi bật từng nhân vật của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Câu chuyện được viết bằng văn nôm dưới cái tựa là Đoạn Trường Tân Thanh, gồm có 3,254 câu thơ lục bát. Cốt chuyện phỏng theo một tác phẩm Trung Hoa. Nhân vật chính là Vương Thúy Kiều, được Nguyễn Du trình bày để nói lên thuyết “tài mệnh tương đố”, hồng nhan bạc phận, hồng nhan đa truân, trời già quen thói má hồng đánh ghen hoặc chữ tài liền với chữ tai một vần.

Chuyện Kiều được đưa vào chương trình giáo dục là do giá trị nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. Nhưng dưới nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa, mọi giá trị đều được thẩm định và đánh giá trên quan điểm và lập trường giai cấp của Chủ nghĩa Mác Lênin. Phải mang tính đảng và phải phục vụ cho cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa, đang xảy ra quyết liệt chống Tư bản, để xem “ai thắng ai”.

Cái lối giáo dục nhồi sọ đó tạo ra một thế hệ học sinh suy nghĩ và nói một chiều đúng hệch một khuôn khổ quy định. Đại ý như, luôn luôn nêu quyết tâm dưới mỗi bài viết như nhau “Em quyết tâm học tập tốt, lao động tốt, làm tốt 5 điều bác Hồ dạy, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, theo gương anh Phan Đình Giót lấy thân mình chèn pháo, anh La Văn Cầu lấy thân mình lấp lổ châu mai, anh Lê Anh Xuân nhắm thẳng quân thù mà bắn, anh Nguyễn Văn Trỗi, trước khi chết còn hô vang Bác Hồ muôn năm, chị Đặng Thùy Trâm cũng hô bác Hồ muôn năm khi bị đạn M-16 bắn vào đầu, chị Út Tịch thì đánh còn cái lai quần cũng đánh, chị Tạ Thị Kiều tay không lấy đồn giặc. Đa số học sinh đều chọn cái chết để đưa nước VN phồn vinh cùng bè bạn XHCN năm châu.


Dưới đây là bài kiểm tra của một học sinh đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải, do một tác giả tên Bồ Đào Công Tử đưa lên trang mạng.

Đầu đề bài thi học kỳ:

"Bằng kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tế, em hãy phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều và liên hệ với hoàn cảnh hiện đại".

Bài kiểm tra của em học sinh mang tựa đề “Kiều Phải Sống!” và có nguyên văn như sau:

"Nguyễn Du là một đại văn hào của đất nước, và tác phẩm Kiều là một kiệt tác bất hủ của văn học Việt Nam đã liên tục nhiều thế kỷ lọt vào top ten những tiểu thuyết được yêu thích nhất trong tuần của MTV. Chỉ tính riêng trong tháng mười một, nhân vật Kiều cũng như Sở Khanh đã được lên trang bìa và trang giữa của nhiều báo với số lượng hơn hẳn các diễn viên Hàn Quốc trong phim “Anh em nhà bác sỹ.” Hằng ngày hiện nay Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Từ Hải và Thúy Vân... đều dành hết thời gian trả lời thư ái mộ của bạn đọc mà cũng không đủ. Riêng các áo in hình Vương ông và Hoạn thư trong dịp Noel vừa qua đã bán được với số lượng kỷ lục với giá rất nhiều dollars, có khuyến mãi cho người mua số lượng lớn.

Bản thân em rất quý mến Kiều vì cô ấy dễ thương, sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gặp nhiều éo le, trắc trở, nhưng Kiều vẫn phấn đấu vươn lên. Chỉ tiếc khi Kiều bán mình chuộc cha không chịu coi kỹ giá cả, đúng vào lúc thị trường nhiều biến động nên bị lừa đảo, tư thương ép giá quá trời.

Riêng về vấn đề Kiều nhảy xuống sông tìm đường *(Tiền Đường) tự vẫn thì đó là một hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ và cũng chứng tỏ thời kỳ này còn lạc hậu về kỹ thuật, không có nhiều phương án để chọn như chọn số điện thoại di động trong đợt giảm giá vừa qua. Với kinh nghiệm thực tế của em, vào lúc này nếu có xảy ra chuyện gì thì Kiều vẫn phải sống bởi các lý do chủ quan và khách quan như sau:

1- Nhảy xuống sông thì hiện nay nước ngập, lòng đường hoặc vỉa hè sau cơn mưa cũng có thể thành sông, nhưng độ sâu rất thất thường, Kiều mà không biết chỗ (mà làm gì có ai biết) nhảy bừa vào chỗ cạn thì có thể sứt trán hoặc trầy đầu gối chứ chết đuối là rất khó khăn.

2- Tất nhiên là Kiều có thể nhảy lầu. Nhưng hiện nay dưới các lầu đều có dây điện thoại hoặc dây phơi quần áo chằng chịt. Kiều gieo mình xuống mắc vào những sợi dây này sẽ bị phơi nắng, dẫn tới việc phải mua kem dưỡng da chứ không thể chết được. Đã có trường hợp nhảy lầu mười ngày sau mới tới đất.

3- Sau đó Kiều có thể chọn cách lao vào ô tô đang chạy. Cách này có lợi là có thể bẹp dí như bánh tráng trong thời hạn rất nhanh, không sợ bị cứu chữa ngoài ý muốn, và hình như Kiều đã áp dụng thí điểm ở một số ngã tư. Nhưng ôi chao, Kiều cứ thử chỗ nào thì chỗ ấy lại kẹt xe cả ngày trời.

4- Có cách tự vẫn hiện đại nhất là cho điện giật, nhưng Kiều bị lừa đảo đúng vào mùa khô, mực nước sông đều cạn kiệt ngoài dự đoán của Sở Điện lực nên Kiều cứ dùng dây điện châm vào người mấy lần mà điện vẫn bị cúp hoặc tệ hơn nữa, điện yếu khiến Kiều bị giật tê tê chứ toàn thân vẫn nguyên vẹn "rõ ràng trong ngọc trắng ngà".

5- Cuối cùng, Kiều áp dụng phương pháp phổ biến và rẻ tiền nhất là uống thuốc trừ sâu. Nhưng số Kiều quả là lận đận, nàng đã cẩn thận uống đến mười chai mà vẫn phây phây tăng trọng lượng. Về sau mới biết đó là loại thuốc trừ sâu dởm pha bằng nước đường.

Kết luận là trong bất kỳ hoàn cảnh nào em thấy Kiều cũng cần phải sống. Sống để nhìn thẳng vào sự thật, để lạc quan yêu đời và để xem cho hết các bộ phim nhiều tập rất hay đang được chiếu trên tivi. Kiều cũng cần bắt chước Củng Lợi, phải sống, phải sống và phải sống!"

***

Sau đây là nhận xét Bồ Đào công tử:

“Em đã sử dụng chủ nghĩa duy vật Mác Lê như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ Truyện Kiều, rồi phân tích đề tài một cách logic, có hệ thống và biện chứng:

Rằng: Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Tuy nhiên, em học sinh đã quên đề cập đến một biến cố trọng đại trong đời Kiều. Ấy là chuyện nàng từng bị bán sang Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, rồi Hàn Quốc; tiếng là làm vợ ngoại nhân nhưng trong thực tế, chỉ là nô lệ tình dục. Chuyện này đã được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong tác phẩm:

Thoắt buôn về thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!


Tại những nơi này, chốc chốc nàng lại phải cắn răng mà chịu đựng:

Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.


Là nô lệ tình dục, Kiều phải làm việc nhiều lắm, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”. Nói nôm na là nàng bị chúng xoay, chúng vần đến nơi đến chốn:

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.


Đau đớn, khổ não, và tủi nhục quá, đã vài lần Kiều đi trốn nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần như vậy, chúng đánh nàng thừa sống thiếu chết.
Có khi chúng dùng tay chân mà đấm đá:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.


Có khi chúng lấy gậy mà quật:

Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.


Tuy nhiên, may mắn thay, Kiều không đến nỗi bị tử vong như cô dâu Trần Thị Thu An, quê ở Cần Thơ, bị chồng Hàn Quốc đánh chết tại Daegu, gần thủ đô Hán Thành, ngày 25 tháng 4 năm 2007 vừa qua.

Khi thương tich chưa lành hẳn, Kiều lại bị chúng xoay, chúng vần. Chẳng bao lâu, nàng bị nhiễm bệnh SIDA, tức bệnh AIDS, coi như hết thuốc chữa:

Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào"


Kiều lại còn mắc phải bịnh tiểu đường :

«Xè xè» nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.


Đến lúc ấy, chúng mới buông tha cho Kiều. Không một đồng dính túi, nàng phải làm “ô sin” cả năm trời tại xứ người để lấy tiền mua vé tầu bay trở về quê quán. Cụ Nguyễn Du đã thuật lại hoàn cảnh “ô sin” của Kiều qua những câu như “ra vào theo lũ thanh y, dãi dầu tóc rối da chì quản bao”“sớm khuya khăn mặt lược đầu, phận con hầu giữ con hầu dám sai.”

Khi về đến quê nhà, vì không có hộ khẩu, Kiều bị các cán bộ địa phương hạch sách để vòi tiền. Điều này cũng được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong truyện:

Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.


Ôi thôi, đến nỗi này thi sống làm chi nữa, tự tử quách cho xong một đời, Kiều đã nhủ với lòng như thế:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!


Viết đến đây, em học sinh mới nên kể đến chuyện Kiều nghĩ cách tự tử sao cho hiệu quả như đã trình bầy trong bài luận kiểm tra “Kiều Phải Sống” đăng ở trên. Tự tử mãi mà không chết vì đảng đã bố trí sẵn hồ cạn trên đường phố, dây điện chằng chịt ngang trời, xe cộ kẹt suốt ngày, điện lực thì bữa đực bữa cái, còn thuốc trừ sâu thì mười lọ đến chín rưỡi là thuốc rởm.

Cuối cùng, sau khi khẳng định Kiều cần phải sống, phải sống, và phải sống, em học sinh có thể chấm dứt bài bằng hai câu dưới đây để nội dung bài thêm phần “ấn tượng”:

Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết..
. Đảng nào đã cho!!!

Khi đọc hai câu trên, ắt hẳn các cụ tự nhận thông thạo Truyện Kiều sẽ nhăn mặt mà rằng “nói bậy, nguyên văn câu này là ‘người dù muốn quyết Trời nào đã cho’ chứ làm gì có Đảng vào đây.” Các cụ nói thế là chỉ biết một chứ không biết hai. Kể từ ngày xô cả nuớc tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, các bậc đỉnh cao trí tuệ đã dõng dạc tuyên bố:

Lão Trời hãy xích một bên,
Đảng nay nhất trí đứng lên làm Trời!

Vì thế, tại Việt Nam hiện nay, người dân phải hiểu Đảng Là Trời và Trời là Đảng mới gọi là giác ngộ Mác-Lê chủ nghĩa. Cụ Nguyễn Du có sống lại cũng phải sửa thơ như trên mà thôi.

Và hiểu Kiều như thế, nhất định em phải là phụ nữ. Phải chăng em đã mơ hồ thấy mình đang bước vào con đường định mệnh của Kiều thuở truớc, như hàng trăm ngàn chị em hiện sống ở Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc:

Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa!


và:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Cuối cùng, hiểu Kiều đến thế thì chắc chắn em học sinh ấy phải đẹp như Kiều.
Khi thuật chuyện người ta mua đứt Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: “cò kè bớt một thêm hai, giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.” Ấy là cụ nói khoác để giữ thể diện dân tộc. Thật ra, giá Kiều thời xã hội chủ nghĩa chỉ vài cây (vàng) là cùng.

Bán mình cho lũ ngoại nhân ấy không những chỉ khổ đến thân mà còn nhục quốc thể lắm. Chẳng hiểu tại sao đảng ta đỉnh cao trí tuệ như thế mà lại khuyến khích trò này" Ngay cả đại vương Nguyễn Minh Triết, khi sang bệ kiến hoàng đế Bút vào tháng 6 năm nay, đã công khai dụ dỗ các doanh gia xứ Cờ Hoa rằng con gái Việt Nam đẹp lắm, mại dzô, mại dzô !»

(Bồ Đào Công Tử *10/2007)

***

Cũng đề tài ấy, những học sinh khác viết như sau:

1. Một học sinh lớp 9 PTCS T.A, Huế đã viết như sau:

"Thúy Kiều là 1 người con gái tài sắc vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nỗi, chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền giang tự vẫn. May thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng."

2. Một học sinh lớp 11 PTTH Cái bè, đã viết: "... Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công "Vương Thúy Kiều" hay còn gọi là "Đoạn Trường Thất Thanh". Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm "thất điên bác đảo" cả giới "hậu bối" chúng ta.

3. Đề : Em hãy phân tích trình tự diễn biến tâm trạng nàng Kiều trong đoạn trích "Những nỗi lòng tê tái".

Bài làm:

"Nay hoàng hôn lại mai hôn hoàng". Qua đó ta thấy tên khách họ Hoàng thật là tàn nhẫn, hắn hôn Thúy Kiều đã rồi, lại bắt Kiều hôn lại hắn, làm cho Kiều ngày càng biến thành gái lầu xanh chuyên nghiệp, muốn ngóc đầu lên cũng không nổi.

4. Tả Từ Hải:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
.

“Nguyễn Du có thể nói là sư phụ trong nghệ thuật biến hoá. Ông tả Từ Hải hết chỗ nói, vai năm tấc, thân mười thuớc y như ông Thần Đèn trong Aladin với cây đèn thần. Ngoài đời làm sao có người thiệt như vậy. Độc đáo hơn là một nhân vật có tới 3 đại diện loài vật, hùm beo, chim và bướm. Thật tài quá xá!

5. Giải thích câu tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh"

"Câu tục ngữ nói lên sự dã man của bọn giặc cướp, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ em chúng cũng đánh đập, hành hạ..."

---

6. Giải thích câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ"

"Câu tục ngữ cho thấy sự thông minh của loài ngựa, chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hoá."

7. Giải thích câu: “Gió đưa cành trúc la đà

Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương."
Cuồng phong lay ngọn trúc
Chiếu xuống tà vẹt đường
Vợ Trời giống một hồi chuông (Thiên mụ: Vợ Trời)
Canh gà húp vội mắc xương mấy lần. (Canh gà: Chicken soup)


2* Thúy Kiều ngoài đời

Vương Thúy Kiều (1524-1556) người Lâm Truy tỉnh Sơn Đông. Do phải trả nợ cho cha mẹ, Kiều phải vào kỹ viện Lâm Truy với biệt hiệu danh kỹ Tần Hoài. Sau gặp Từ Hải và trở thành vợ của tướng cướp biển nầy. Sau đó, Kiều nghe lời dụ dỗ của Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng triều đình nhà Minh vào năm 1556. Từ Hải bị Trần Đông bức bách, phải nhảy xuống sông tự tử. Vương Thúy Kiều bị quan binh nhà Minh giải về, đến sông Tiền Đường đã nhảy xuống tự tử. Sông Tiền Đường là con sông lớn của tỉnh Chiết Giang, chảy ra Vịnh Hàng Châu.

2.1. Thúy Kiều trong văn học
Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Du mô tả Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, cầm kỳ thi họa.

Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh …
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đức một toà thiên nhiên.


Về tài năng thì:

Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.


2.2. Hồ Tôn Hiến

Hồ Tôn Hiến (1512-1565) là một nhân vật chính trị quân sự đời nhà Minh, người tỉnh An Huy. Trong truyện Kiều, Hồ Tôn Hiến dùng mưu kế đánh dẹp hải tặc Từ Hải, mang vàng bạc đến mua chuộc ái thiếp của Từ Hải là Thúy Kiều, thuyết phục Từ Hải ra đầu hàng. Hồ Tôn Hiến dùng phục binh giết chết Từ Hải. Trong bữa tiệc, Hồ làm nhục Thúy Kiều, rồi gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Khi đi ngang qua sông Tiền Đường, Kiều nhảy xuống sông tự vận.

2.3. Đời nhà Minh

“Đầu năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”


Người lập nên nhà Minh là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (21-10-1328 - 24-6-1398) thọ 70 tuổi. Cai trị 31 năm. Gia đình nghèo, nguyên quán tỉnh Giang Tô (Trung Hoa), phải đi ở đợ cho phú hộ, chăn dê chăn bò.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Thường Ngộ Xuân phò tá Chu Nguyên Chương, nổi lên lật đổ quân Mông Cổ của dòng họ Triệu Minh, cô nầy sau làm vợ của Trương Vô Kỵ.
Chu Nguyên Chương và Thường Ngộ Xuân tham gia Minh Giáo do Tả sứ Dương Tiêu lãnh đạo. Trương Vô Kỵ sau đó được đưa lên làm Giáo chủ Minh Giáo.
Thường Ngộ Xuân là người dẫn Trương Vô Kỵ đến Hồ Điệp Cốc để được thần y Hồ Thanh Ngưu chữa trị hàn độc trong người.

3* Thanh lâu

3.1. Lịch sử thanh lâu

Tào Thực đời Tam Quốc có viết:

“Thanh lâu lâm đại lộ
Cao môn kết trùng quan”

Nghĩa là:

Lầu xanh bên đường lớn
Cửa cao mấy lần then”

Ngày xưa, lầu xanh là nơi ở của các gia đình quyền quí cao sang, các thiếu nữ khuê các.
Vua Vũ Đế nhà Tề bắt dân phu xây những nhà cao thật đẹp, cửa sổ đều sơn xanh, để nhà vua đến ở với các mỹ nữ, phi tần.
Từ đó, các quan đại thần cũng bắt chước sơn cửa nhà màu xanh. Dân chúng xem những nhà màu xanh đó là chỗ ở của những người có quyền thế, danh gia vọng tộc và đó cũng là nơi mà các vương tôn công tử nhắm vào.
Lúc ấy, bọn bán phấn buôn son cũng đem gái đẹp mở nhà tiếp khách sơn màu xanh. Thanh lâu trở thành kỹ viện, một thứ động mãi dâm thời xưa.

Nguyễn Du viết:

Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi nổi tiếng về già hết duyên


Khi nói về Thúy Kiều thì:

Hết nạn nọ đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.


Thanh lâu là gái mại dâm. Thanh y là người hầu, tôi tớ.

3.2. Thần Bạch Mi

Ở các lầu xanh, Tú Bà thường dựng những bàn hương án ở giữa nhà, có treo hình Thần Bạch Mi (Chân mày trắng) để thờ như “Tổ nghiệp” của nghề bán dâm. Thần Bạch Mi mặt to, râu dài, cởi ngựa cầm đao, giống như Quan Công, nhưng lông mày trắng, mắt đỏ.

Những cô gái lầu xanh nào ế khách, cho rằng bị xui xẻo, bèn trút bỏ hết quần áo vào lúc nửa đêm, đến trước bàn thờ Tổ mà khấn váy, cầu xin. Lấy bông hoa mới thay vào bình, rồi lấy hoa đã cúng đem lót dưới chiếu nằm, như thế sẽ được bướm ong bay đến vù vù.

Nguyễn Du có những câu:

Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề nầy thì lấy ông nầy tiên sư
Hương hoa hôm sớm phụng thờ
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng
Cởi xiêm trút áo sỗ sàng
Trước thần sẽ nguyện, mảnh hương lầm rầm
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.


4* Mại dâm hay bán dâm

Mại dâm là bán dâm, trái ngược với mãi dâm là mua dâm. Nhưng nhiều tự điển định nghĩa mãi dâm là bán dâm và người đời cũng quen dung theo nghĩa của một số tự điển như thế. Thật ra, trong chữ Hán thì Mại nghĩa là bán. Mãi, có nghĩa là mua.
Mại dâm là một hoạt động dùng các dịch vụ tình dục ngoài hôn nhân, trên cơ sở bán và mua, trao đổi bằng tiền bạc, vật chất hay quyền lợi.

Tại một số quốc gia Hồi giáo, bán dâm thì bị tội tử hình. Trái lại, ở một số nước như Hoà Lan, Đức, New Zealand… thì hoạt động bán dâm là hợp pháp.

Mại dâm đã có ở khắp nơi từ ngàn xưa, nhưng “nghể” nầy nở rộ đến cao điểm trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Con số nhà nước CSVN đã cắt xén, thì trong thời gian từ 2006 đến 2010, trên cả nước có 31,000 phụ nữ bán dâm bị bắt. Gái bán dâm ngày càng “trẻ hoá”, số tuổi từ

16 đến 18 bị bắt khi hành nghề chiếm 15.3 % trên tổng số 31 ngàn.
Từ 25 đến 35 tuổi: 35%
Từ 18 đến 25: chiếm đa số.
51% có liên quan đến ma túy
27% bị nhiễm HIV/AIDS

Gái bán dâm còn gọi là gái giang hồ, gái bán hoa, gái làng chơi, đĩ, gái lầu xanh, gái bao, gái gọi, gái làm tiền, “chị em ta”, “gái”. “Sống làm vợ khắp người ta, đến khi chết xuống làm ma không chồng”

4.1. Gái bao

Gái bao là hiện tượng xã hội hiện đại. Những cô gái có nhan sắc chấp nhận làm tình nhân cho một người, đa số là có nhiều tiền, có địa vị như những cán bộ viên chức cao cấp lớn tuổi mà còn nhiều máu dê, đã chán mụ vợ nái sề đã cưới nhau trong thời kỳ công tác cách mạng xa xưa. Già dịch ham của lạ, dê xồm thích gậm cỏ non.
Nhiền quan chức bị thân bại danh liệt như trường hợp của một Trung tướng Trung Cộng tên Vương Thủ Nghiệp.

Trung tướng Vương Thủ Nghiệp, Tư Lệnh Phó Hải Quân Trung Cộng, bị kết án tử hình về tội tham ô 160 triệu Tệ, đạo đức bại hoại, nếp sống sa đoạ, nuôi 5 gái bao.
Ngày 29-6-2006, Quốc Hội Trung Cộng ra QĐ bãi miễn tư cách Đại biểu QH của đương sự.

Vương Thủ Nghiệp sinh năm 1943, trong 5 năm từ 1997 đến 2001, họ Vương đã tham ô 160 triệu Tệ. Điểm độc đáo của hắn là không nuôi vợ con, không chuyển tiền ra nước ngoài, mà quyết định lấy tiền của nhân dân nuôi nhân dân. Nhân dân ở đây là 5 thiếu nữ hoa khôi, tuyệt đẹp là diễn viên văn công, hoặc nhân viên phòng cơ yếu. Cán bộ dê xồm nầy lấy 12 triệu để nuôi 5 cô bồ nhí.

Bị phát giác, có 4 thiếu tướng và 7 đại tá lien hệ bị tù và cách chức. Cho thấy tham nhũng và bại hoại có hệ thống đại trà và tập thể.

Khám xét 2 dinh thự ở Bắc Kinh và Nam Kinh, phát hiện 52 triệu Tệ dấu trong tủ lạnh. 3 triệu đôla trong máy giặt và 50 triệu cùng với thuốc you're dying của Hoa Kỳ ở văn phòng.

Bị ép buộc, 5 cô bồ nhí đồng ký tên xác nhận đã có quan hệ tình dục 57 lần trong suốt 2 năm.

4.2. Bia ôm

Có lẻ bia ôm là một “đặc sản” của Việt Nam. Bia ôm được xem như là một hình thức của tệ nạn xã hội, vì có chữ ôm, cho nên có biên giới mong manh với mại dâm. Đó là hình thức núp bóng kinh doanh hợp pháp để thực hiện việc bán dâm. Đồng dạng với bia ôm là cà phê ôm, cà phê đèn mờ…Những cô gái xinh đẹp được huấn luyện nghệ thuật câu khách, thường chủ động gợi ý bằng cách ăn mặc mát mẻ, hở hang, khêu gợi, cọ quẹt.

Những biệt ngữ:

Bia tay quơ : Bia Tiger
Em út, “đi”, đi du lịch, đi khách: là quan hệ tình dục.
Mò cua bắt ốc: sờ mó.
Một chai: 1 triệu đồng.
Một xị: 1 trăm ngàn.
Ôm đứng, ôm cơ động, ôm thoát y, ôm nhẹ nhàng, ôn quằn quại…
Ôm văn chương: là các tiếp viên được huấn luyện, mặc đồng phục học sinh, giả làm sinh viên, học sinh…đọc lên một câu lấy trong ca dao, tục ngữ, chuyện Kiều, Lục Vân Tiên… ra câu đố. Nếu khách đáp trúng thì thưởng bằng một cái hôn hoặc cho cọ quẹt, mò cua bắt ốc. Nếu đáp sai thì bị phạt, phải uống dzô, dzô 100%, uống hết rồi phạt kêu thêm chai khác.

Đáp đúng hay đáp sai gì, thì mấy tay dê xồm cũng chết. Sai thì phải trả tiền bia vừa uống vừa đổ. Đúng thì bị kích dục đến độ “tẩu hoả nhập ma” phải đi khách, không còn tiền nuôi vợ con.
Nhiều phường ở thành phố mang tên Bác có tới trên 50 quán bia có ôm.

5* Những mại dâm nổi tiếng

Ngoài Thúy Kiều ra còn có:
Marie Duplessis đưa vào tiểu thuyết Trà Hoa Nữ (Pháp)
Trần Viên Viên (Trung Hoa) * Lý Sự Sự (Trung Hoa) * Lâm Uyển Nhi (Nha Trang)* Trong điện ảnh, Pretty Woman thì có cô gái đứng đường do Julia Roberts thủ vai với triệu phú Richard Geer, được nhiều khán giả ưa thích.

5.1. Trần Viên Viên

Trần Viên Viên (1624-1681), tự là Uyễn Phân, xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Giang Tô (Trung Hoa).

Viên viên đến Tô Châu làm kỹ nữ. Với tài năng và nhan sắc đã nổi tiếng vang lừng trong giới vương tôn công tử, được gọi là Đệ nhất Giang Nam bát diễm.

Khi đó, vua Sùng Chính nhà Minh đang sủng ái Điền Quý Phi, cho nên Chu hoàng hậu ghen tức. Cha của bà biết chuyện, bèn đến kỹ viện bỏ tiền ra chuộc Viên Viên, đưa vào cung phục vụ cho Sùng Chính. Từ đó, Sùng Chính mê mệt Viên Viên nên ở miết trong cung, không thiết triều nữa.

Khoảng thời gian đó, nhiều nhóm nổi dậy chống triều đình nhà Minh do Chu Nguyên Chương lập nên. Trong đó, lực lượng của Lý Đạo Thành là mạnh nhất.

Sau khi biết quân nổi dậy đã chiếm lấy 3 thành trì quan trọng, và cùng với những lời can gián của các đại thần, vua Sùng Chính mới cho Trần Viên Viên ra ở ngoài phủ Chu quốc trượng.

Trong một bữa tiệc, Viên Viên ra múa hát, tài năng và nhan sắc của nàng đã thu hết hồn vía tướng quân Ngô Tam Quế.

Khi Ngô Tam Quế được cử ra trấn giữ Sơn Hải Quan ở Vạn Lý Trường Thành, để ngăn chận quân Mãn Châu, để khích lệ Ngô Tam Quế, Sùng Chính tặng Viên Viên cho tướng quân.
Viên Viên được Ngô Tam Quế sủng ái, nhưng nàng không theo ra biên ải, mà ở lại Bắc Kinh.

Ngày 26-5-1644, Lý Tự Thành tự xưng là Sấm Vương, vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đại Thuận.

Trong tiểu thuyết của Kim Dung, thì vua Sùng Chính thua chạy, trước khi tự tử thì chém cụt tay con gái là Trường Bình công chúa. Bà nầy sau làm sư phụ của Trần A Kha và cũng là sư phụ của Vi Tiểu Bảo. Về sau, A Kha là một trong 7 vợ của Vi Tiểu Bảo. A Kha là con gái của Trần Viên Viên và Lý Tự Thành.

Khi Lý Tự Thành vào chiếm kinh đô, thì Ngô Tam Quế đem quân về cứu giá, nhưng trên đường đi, biết được Sùng Chính đã chết và do Lý Tự Thành thuyết phục đầu hàng. Ngô Tam Quế ưng thuận, nhưng khi biết được ái thiếp Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, cho nên vô cùng tức giận và hợp tác với quân Mãn Thanh do Đa Nhĩ Cổn chỉ huy, mở cửa Sơn Hải Quan cho quân Thanh vào Trung Nguyên.
Lý Tự Thành bị đánh bại và bị dân chúng giết chết. Trong tiểu thuyết Kim Dung thì Lý Tự Thành đi tu.

Ngô Tam Quế “thu hồi” Viên Viên, nhưng khi nghe tin sắp được phong vương, ông không dám đưa Viên Viên ra trình với vua Thuận Trị nhà Mãn Thanh, và cho Viên Viên vào tu ở một ngôi chùa nhỏ ngoại thành Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam.
Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành làm chết hàng vạn người, cho nên dư luận đổ tội cho Trần Viên Viên, là người đã gián tiếp gây ra thảm họa đó.

Có lẻ trong tiểu thuyết Kim Dung, Trần Viên Viên là người đẹp nổi trội hơn hết. Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Vương Ngọc Yến…chỉ là những người đẹp ở lứa tuổi 18, 20. Chỉ làm say mê một vài người. Trái lại, Viên Viên ở tuổi 40, từ tay của những phong lưu công tử ở kỹ viện, đến vua Sùng Chính, đến Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế là những bậc vua chúa, tướng quân.

5.2. Bán dâm ở trường học

Ngày 10-3-2011, toà án tỉnh Hà Giang kêu án Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, 9 năm tù về tội mua dâm người chưa thành niên, từ 13 đến 18 tuổi trong thời gian từ tháng 7 năm 2008 đến tháng 8 năm 2009.

Bị can Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1992, học sinh trường Việt Lâm do Sầm Đức Xương làm hiệu trưởng, 6 năm tù về tội môi giới mại dâm.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1991, học sinh Việt Lâm, 5 năm tù về tội môi giới mại dâm.

Hai bị can Hằng và Thúy đã tiếp tay với hiệu trưởng dâm dục, lôi kéo, làm hại cuộc đời của nhiều bé gái vị thành niên còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trường Việt Lâm trở thành một cơ sở mua bán dâm giữa hiệu trưởng, thầy giáo và học trò trong trường. Ngoài ra còn là đường dây gái gọi của 16 cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Hàng chục nữ sinh tham gia vào đường dây gái gọi nầy. Mỗi lần bán dâm và bán trinh được trả từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

5.2.1. Sầm Đức Xương ép buộc học sinh như thế nào"

Ở chức vụ hiệu trưởng, Sầm sư phụ đã dùng quyền lực đe dọa các học sinh học kém, nhà nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cho điểm hạnh kiểm xấu, đánh rớt kỳ thi nên phải bị ở lại lớp nếu không ưng thuận. Trái lại, chịu bán dâm và bán trinh thì được nhiều tiền, được giúp đở học hành. Đồng ý bán trinh được trả 3 triệu đồng. Mai mối dẫn gái mỗi lần được từ 100 ngàn đến 500 ngàn.

5.2.2. Sầm Đức Xương mua sự im lặng

Vụ mua bán dâm giữa thầy trò ở Vị Xuyên đổ bể, lòi ra 3 nữ sinh vị thành niên 13 tuổi, mà cha mẹ các em không hay biết.
Sầm dê xồm cho người nhà mang đến cho mẹ của em N.T.N (13 tuổi) số tiền 25 triệu và mang đến cho cha mẹ của em NTTK số tiền 35 triệu để yêu cầu không làm đơn tố cáo.

5.2.3. Lọt lưới danh sách đen 16 cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang

Báo chí trong nước loan tin. Hai bị can Thúy Hằng và Thanh Thúy khai huỵch tẹt trước toà là đã tự bán dâm và dẫn mối bán trinh cho cán bộ Nguyển Trường Tô, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Hà Giang, ông H. Giám đốc Ngân hàng và những cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh, tổng cộ 16 người có tên tuổi và chức vụ rõ ràng. Hai bị can còn thuộc làu làu số điện thoại di động của họ nữa.

Toà án Hà Giang ra lịnh điều tra và sau đó xử kín. Bí mật bao trùm.

Tóm lại, báo chí điều tra và kết luận, Sầm sư phụ là một thầy giáo bại hoại, hoang dâm phóng túng, luôn luôn chi tiền hậu hĩ. Hiệu trưởng dâm tặc đã quan hệ tình dục với học sinh Nguyễn Thúy Hằng 6 lần, trong đó 2 lần tại văn phòng hiệu trưởng. Đã chi cho Hằng tất cả là 4 triệu rưởi.

Thông qua Hằng, Sầm “ nọc trư” quan hệ tình dục với Nguyễn Thị Thanh Thúy 3 lần, đã trả 650 ngàn đồng.
Thông qua Thúy và Hằng, sư tổ dâm đảng nầy còn quan hệ tình dục với cả chục học sinh, trong đó có bé gái 13 tuổi.

Vì lợi ích 10 năm, trồng cây. Lợi ích trăm năm, trồng người. Vậy con người Xã hội Chủ nghĩa của thế hệ nầy là như thế đó. Thật là hết nước nói. Tiếng Tây gọi là Phi nỉ lô đia. Có nghĩa là “tuyệt hảo, hết chỗ chê”.

6* Kết

Việc mua bán dâm đã có khắp nơi trên thế giới từ ngàn năm về trước, thế nhưng trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào mà phong trào “cách mạng” nầy đã dâng cao tột đỉnh như thế. Nó đã phát triển đại trà và tổng hợp, đầy ấn tượng, theo đà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc của cuộc cách mạng XHCN do đảng lãnh đạo.

Việc bán dâm được thực hiện bởi nhiều tầng lớp xã hội, từ sinh viên, học sinh, tài tử điện ảnh thông qua nhiều hình thức từ đường dây gái gọi xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Đường dây bán trinh qua Singapore và các nước ngoài.
Nhức nhối nhất là trường học XHCN đã trở thành lầu xanh hiện đại.

Một chế độ như thế có chi mà hãnh diện, hỉ"

Trúc Giang
Minnesota ngày 11-4-2011
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Re: Phiếm Luận

Post by dhth »


Quên


Nguyễn Tài Ngọc
http://www.saigonocean.com/trangNguyenT ... vanNTN.htm


Người nào ngày xưa nói câu “càng già, càng dẻo, càng dai” chắc có lẽ một là trẻ con hỉ mũi chưa sạch không biết kinh nghiệm già cả là gì, hai là ở túc trực tại nhà thương điên Biên Hòa nên phát ngôn bừa bãi không hiểu chính lời mình nói, ba là một bà già 90 tuổi xưa nay độc thân vẫn còn trinh lần đầu tiên trong đời lên xe hoa về nhà chồng, và bốn là làm ở cơ quan truyền thông tuyên truyền chống đế quốc Mỹ nói xuyên tạc mãi thành ra thói quen, cứ tưởng những gì mình phát biểu là đúng sự thật.

Không, càng già không càng dẻo và nhất định không càng dai. Ngược lại, “càng già, càng mỏi, càng quên”. Tôi đã quá 50, cũng đã bắt đầu già. Những người cùng lứa tuổi già với tôi suy nhược giống nhau nên điều mỏi mệt không làm tôi lo ngại. Điều lo ngại là gần đây tôi hay quên làm tôi lo lắng sốt mông sốt vó là bắt đầu có dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ Alzheimer’s. Cái bệnh quên của tôi rất đặc biệt ở chỗ tôi không nhớ tên đàn bà. Tên đàn ông thì tôi nhớ, nhưng đàn bà thì không. Nhân viên làm trong sở không nói chuyện vài tháng là tôi quên tên. Ngay cả những bà vợ láng giềng trong khu nhà tôi ở mà tôi cũng quên tên của họ.

Buổi chiều đi làm về lái xe đậu trước cửa garage, vừa bước ra xe thì một bà cũng mới đi làm về, hớn hở vẫy tay chào “ Hi, David!”. Sáng Thứ Bẩy hay Chủ Nhật ra trước cửa nhặt báo đem vào nhà thì bà trước nhà cũng ra trước sân nhặt báo, nhoẻn miệng cười : “Hi, David!” Tối Thứ Năm đem thùng rác ra đường cho người ta đổ rác vào sáng hôm sau, bà láng giềng kế bên cũng mang thùng rác ra cùng một lúc, “Hi, David!”. Mỗi lần như thế tôi đều đứng thộn mặt ra, không nhớ tên người láng giềng của mình là gì, chỉ ú ớ: “Oh, hi…!”. Không lần nào là tôi không thấy xấu hổ, không cảm thấy mình quá bất lịch sự không gọi đích danh của họ để chào trả lễ. Đôi lúc tôi phải chạy thật nhanh vào nhà hỏi vợ con nhắc cho tôi biết tên họ là gì rồi trở lại ra ngoài nói chuyện với họ “ Hi Debra….”, “Hi Maria….”, “Hi Peggy….”. Sau này, không muốn mấy bà ấy nghĩ tôi khinh người không gọi họ bằng tên, tôi viết tên của họ vào một mảnh giấy, để vào ngăn đựng bao tay trong xe để không thể nào quên tên của họ.

Trong những năm gần đây, một số ca sĩ, nhạc sĩ, MC, sinh sống ở hải ngoại có căn bệnh quên giống như tôi (MC: Master of Ceremonies, người điều khiển chương trình của ban Tùng Lâm). Họ không nhớ lý do nào rời quê hương hơn 35 năm về trước. Bây giờ tất cả lần lượt khăn gói quả mướp về lại Việt Nam (lần này cao cấp hơn ngày ra đi là đựng khăn gói quả mướp trong hành lý Samsonite hay Louis Vuitton). Nhưng khác với cái quên của tôi là một căn bệnh của tạo hóa dành cho những người có mái tóc muối tiêu nhân loại không thể nào tránh khỏi, cái quên của họ là một cái quên cố tình, cái quên của họ là một cái quên có chủ ý, cái quên của họ chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền cho cá nhân họ với một đầu óc hẹp hòi hoàn toàn không suy xét.

Triết lý gia nổi tiếng người Mỹ gốc Tây Ban Nha George Santayana nói một câu rất nổi tiếng: “Người không nhớ quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm” ("Those who cannot remember the past are condemned to repeat it"). Những ca sĩ, nhạc sĩ, MC, này là những người không nhớ quá khứ trong câu nói của ông George Santayana. Trong cái bối cảnh khốc liệt của chiến tranh, của chiến thắng của đại quân Bắc Việt, họ đã quên những chuyện đau thương, căm hờn, khổ ải, tước đoạt, xót xa, chết chóc, thân nhân muôn đời vĩnh biệt của hơn 35 năm về trước. Họ đã quên trăm nghìn dân chúng trong nỗi kinh hoàng gia tài chỉ là mảnh vải che thân hay bao bố đội trên đầu, kẹt cứng trên một con đường duy nhất đầy máu đổ để có thể thoát thân vào SàiGòn lánh nạn khi Tổng Thống Thiệu quyết định bỏ tử thủ vùng Cao nguyên. Họ quên đi cả nghìn thuyền nhân boat people đã bỏ mạng nơi biển cả, trong tay hải tặc Thái Lan trên con đường ra khơi tìm tự do. Họ đã quên đi cả trăm nghìn chồng, cha, chú, bác, anh, em, trong quân đội đi tù với cả nghìn người đã vĩnh viễn không có cơ hội đoàn tụ với gia đình. Họ đã quên đi những bà mẹ điên đầu xoay sở làm cách nào tìm được từng củ khoai, từng bát bo-bo để nuôi nấng bố mẹ, chồng con của mình qua thời gian nghèo đói kinh hoàng nhất của lịch sử Việt Nam . Họ đã quên đi là một phần tử trong một tập thể chiến bại, sinh mạng của họ trở nên vô nghĩa, rẻ hơn một con thú vật, như chỉ mành treo chuông, có thể bị lấy mất đi bất cứ lúc nào không một ai hay biết.

Họ quên đi tất cả chỉ vì lý do gì? Tìm lại mạng sống của mình? Thưa không, các quốc gia hải ngoại bảo toàn tối đa sinh mạng công dân của họ. Đóng góp vào việc hỗ trợ dân nghèo, giúp ích xã hội? Thưa không, đã có chính phủ Hoa Kỳ hay tư nhân người Mỹ trắng như Bill Gates, Warren Buffet… lo. Họ quên đi tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất: kiếm tiền để làm giầu cho cá nhân của họ.

Giá vào cửa show của họ lên đến hai hay ba triệu đồng Việt Nam ($100-$150 dollars) / một vé. Lương tháng của một anh làm nghề bảo vệ hay cắt tóc đàn ông của một người ở Việt Nam thậm chí không bằng một vé xem show của họ. Tôi thắc mắc không hiểu lương tâm của họ có bao giờ hỏi chính họ là những người tạo ra vật giá leo thang đắt đỏ ở Việt Nam , ảnh hưởng trực tiếp đến dân nghèo càng túng quẫn không tìm đủ miếng ăn? Thế nhưng tự hỏi là tự trả lời: lòng tham của họ là một lòng tham không đáy.

Điều ngạc nhiên tôi nhận thấy là những người này khi trở lại bên Mỹ, họ vẫn ngang nhiên kiếm tiền như thường, không một ai chê trách. Các chương trình DVD vẫn bán chạy như tôm tươi. MC, ca sĩ ở đây vẫn tiếp tục điều khiển, hát hò trong chương trình với họ như không có chuyện gì xẩy ra. Họ vẫn tiếp tục đòi tiền thù lao cao tận trời vì vẫn có người bằng lòng trả tiền họ đòi hỏi. Tôi biết một cô ca sĩ hàng đầu ở đây đòi tiền thù lao $5000 dollars cho một xuất hát ba tiếng đồng hồ. Không những thế, cô ta đòi phải trả tiền máy bay cho chồng đi theo! Thế mà vẫn có bầu show hay tập đoàn tư nhân trả số tiền đòi hỏi đó.

Chúng ta, những người bỏ tiền mua vé đi xem show của họ hát ở bên Mỹ hay chuyển tiếp email video của họ hát cho bạn bè xem, là những người đã trực tiếp hay gián tiếp đồng ý với hành động của họ làm, nối giáo cho giặc. Bernie Madoff, cựu Giám Đốc Thị Trường Chứng Khoán NASDAQ lừa gạt khách hàng trị giá 65 tỷ đô-la làm vài người tự vẫn vì số tiền mất mát quá lớn. Chính người con cả của ông ta, Mark Madoff tự tử vào tháng 12 năm ngoái vì xấu hổ với hành động của bố mình làm, và vì những cơ quan đầu tư thưa kiện để lấy lại tiền. Andrew Madoff, người con thứ hai, trong chương trình “60 minutes” vào Chủ Nhật tuần vừa rồi , tuyên bố là anh đã từ bố mình, cắt đứt tất cả mọi liên lạc vì hành động của ông ta quá đê hèn, làm hại cả trăm nghìn người.

Khi thấy cha mình làm một điều sai quấy, Andrew Madoff còn từ bỏ cha mình được thì tại sao người Việt hải ngoại không có một thái độ dứt khoát với các ca sĩ về Việt Nam hát?

Hoa Kỳ là một xã hội tư bản, tiền là động lực chính yếu thúc đẩy tất cả mọi sự. Netflix là một hãng cho mướn phim ở Mỹ. Khi một người trả tiền lệ phí hàng tháng, họ có thể xem bằng hai loại: Netflix gửi DVD đến nhà hoặc họ xem trực tiếp trên TV streamlined (Netflix chiếu phim thẳng trên TV như mình xem TV những chương trình thường lệ). Vài tháng trước đây, Giám Đốc Netflix là Reed Hastings quyết định không gửi DVD đến nhà nữa. Ai muốn thì phải trả thêm tiền. Chính sách này làm những hội viên mướn phim Netflix nổi giận. Chỉ trong một tháng mà 800,000 người hủy bỏ thẻ hội viên!

Dịch vụ thẻ lấy tiền debit card ở nhà băng Mỹ từ xưa đến nay miễn phí. Vài tuần trước đây, Bank Of America tuyên bố tính tiền khách hàng $5 dollar/ một tháng. Khi chính sách này áp dụng, cả nghìn người hủy bỏ trương mục ở Bank Of America và mở trương mục mới ở ngân hàng khác. Mất một số khách hàng khá lớn làm Bank Of America cách đây hai ngày quyết định sẽ không tính tiền thân chủ $5 nữa, debit card sẽ được miễn phí như cũ.

Chúng ta có thể bắt chước hội viên của Netflix hay thân chủ của Bank Of America, không nên tiêu một xu cho các ca sĩ này.

Không bỏ tiền mua vé đi xem những ca sĩ, MC, hải ngoại về Việt Nam trình diễn; không chuyển tiếp email tin tức, video liên hệ đến họ là một hành động thực tiễn nói cho họ biết là những gì họ đang làm là sai lầm. Thế nhưng buồn thay người Việt hải ngoại chúng ta không có can đảm gióng tiếng chuông lương tâm cho họ biết. Chính chúng ta là những người gián tiếp cổ võ hành động của họ bằng cách mua vé đi xem show, chuyển tiếp email liên quan đến họ. Do đó, chúng ta cũng như họ, không khác biệt một tí nào.

Họa sĩ Walt Kelly vào năm 1971 trong một tranh hoạt họa khá nhiều người ưa thích, vẽ con thú Pogo tuyên bố với bạn nó, con cá sấu Albert: “We have met the enemy, and he is us”. Câu nói này thật hợp tình hợp lý với tất cả người Việt chúng ta ở hải ngoại trong vấn đề này:

“Chúng ta đã gặp kẻ thù, và kẻ thù đó là chính chúng ta”.

November 2011
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Re: Phiếm Luận

Post by dhth »


Học Làm Người Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa



Chu Thập

Quê hương thì ai cũng nhớ cũng thương. Dù chùm khế ngọt có héo đi, dù cây đa cũ bên đò xưa có thay đổi, dù con sông bờ ruộng có bị lấp đi...quê hương ấy vẫn cứ sống mãi trong ký ức và tiềm thức của tôi. Nhà văn Sơn Nam đã có lý để viết: “phong sương mấy độ qua đường phố, hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Sau 30 năm xa cách, tôi cũng trở về Việt nam với tâm trạng ấy và ra đi cũng với tâm trạng ấy.

Tôi không thể nào không thương nhớ quê hương. Nhưng tôi không sợ bị kết án là vong bản để nói rằng tôi không thể nào hòa nhập trở lại vào cuộc sống ở quê hương. Sau đúng một tháng đi “xâm nhập thực tế” từ Nam chí Bắc, bằng mọi phương tiện di chuyển thượng vàng hạ cám từ máy bay đến taxi, xe đò, xe buýt, xe ôm, xe xích lô, thuyền bè, tiếp xúc với hầu hết mọi giai cấp xã hội, tôi vẫn chưa thấy mình “tốt nghiệp” từ trường học làm người Việt nam XHCN. Tôi vẫn cảm thấy lạc lõng ngay trên chính quê hương của mình.

Suốt một tháng sống ở quê hương, theo lời ông bà dạy, tôi đã bắt đầu lại bài học vỡ lòng là “học ăn”. Trong trường XHCN hiện nay, đây là môn khó nuốt nhứt đối với tôi. Về Việt nam để ăn cho thỏa thích là chuyện có thể hiểu được đối với nhiều người Việt hải ngoại. Ai mà chẳng thèm các món đặc sản ở quê hương. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng về khoản này. Hàng ăn ở Việt nam không thiếu. Thật không ngoa để nói rằng cả nước Việt nam hiện nay là một “hàng ăn”. Trên vỉa hè và ngay cả trên đường phố, dọc theo những con lộ ở thôn quê, chỗ nào cũng có tiệm cà phê và quán ăn. Đó là chưa kể những gánh hàng rong. Đồ ăn, món nhậu và thức uống được dọn ngay trước mặt mình vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Đầu thập niên 80, mới đến Pháp, tôi thực sự thất vọng và cảm thấy bơ vơ trong xã hội mới: đi tìm một hàng quán là chuyện trần ai. Giá cả thì lại làm cho những người tỵ nạn chân ướt chân ráo phải dội ngửa. Đó là chưa kể ngày chúa nhựt: phố xá đóng cửa im thin thít. Có đói thì cũng đành phải bóp bụng mà kéo lê từng bước mỏi mệt đến hằng bao cây số may ra mới tìm được một tiệm ăn bình dân.

Đến Ý tôi lại càng bực mình hơn: cứ từ hai giờ trưa đến bốn giờ chiều, mọi quán sá đều đóng cửa. Mặc cho du khách có réo gọi, người ta vẫn cứ tỉnh bơ ngủ trưa đã.

Ở Việt nam XHCN hiện nay thì trái lại, muốn ăn cái gì cũng có, muốn ăn giờ nào cũng được, muốn ngồi ăn ở đâu cũng chẳng ai cười. Có lần trên một chuyến taxi, tôi nêu thắc mắc với người tài xế: tại sao ở VN người ta “ăn nhậu” liên tục như thế? Anh trả lời rằng đa số người Việt nam hiện nay sống rất hiện sinh. Anh giải thích rằng người Việt nam ăn nhậu xả láng là vì không muốn nghĩ đến ngày mai và cũng chẳng có ngày mai mà nghĩ. Kiếm được đồng nào xài đồng đó. Đó là chủ trương sống của rất nhiều người Việt nam hiện nay. Không chỉ có những cán bộ phì nộn, ăn mặc bảnh bao hay các đại gia và giai cấp nhà giàu mới mới ăn nhậu, xem ăn nhậu như thủ tục đầu tiên, người dân lao động, những kẻ ăn không ngồi rồi cũng ăn nhậu và ăn nhậu suốt ngày, suốt đêm.

Sau một tháng về thăm Việt nam, đứng lên bàn cân, tôi sụt ký thấy rõ vì không muốn và không dám ăn một cách “thỏa thích” như mọi người. Tôi thực sự cảm thấy ái ngại mỗi khi bước vào một nhà hàng sang trọng. Giá cả không quá cao nếu so với Úc và các nước văn minh. Nhưng trong một đất nước mà thu nhập bình quân của một người lao động phổ thông vẫn còn ở mức dưới 5 Mỹ kim một ngày thì một bữa ăn trong một nhà hàng giá đến vài chục Mỹ kim, chưa kể tiền bia rượu, thì đây hẳn là một cách tiêu xài xa xỉ chỉ dành riêng cho giới nhà giàu mới trong xã hội.

Tôi không thấy thoải mái để bước vào các nhà hàng sang trọng . Cơm đường cháo chợ thì ê hề. Nhưng ngặt một nỗi, vì đã lỡ học cái thói vệ sinh của các nước văn minh cho nên có thèm nhỏ rãi tôi cũng đành ăn hàm thụ. Trong những ngày đầu, bị tào tháo rượt một lần, tôi tởn tới già. Cùng lắm, muốn ăn món tủ, nhà tôi đành phải mua rau cỏ về nhà rửa sạch với thuốc rửa rau mà chúng tôi mang theo từ Úc, rồi đem ra nhà hàng ăn thay vì ăn rau của họ trước con mắt khó chịu của người xung quanh. Ngoài ra, xuất xứ của các thứ thịt cá được dọn ra trong các hàng quán cũng khiến tôi nghi ngại. Những con thú chết vì bệnh thay vì đem chôn được xẻ thịt ra bán trong chợ là chuyện có thật được chính báo chí Việt nam phanh phui. Thịt quay treo lủng lẳng trên đường phố đầy bụi bậm và ngày này sang ngày khác là chuyện mà tôi thấy trước mắt mỗi khi xuống đường. Ngay chợ Đồng Xuân, nhà tôi đã vô tình chứng kiến cảnh người ta xẻ thịt bò ngay trên nền chợ lầy lội nước.

Tựu trung, các hàng ăn ở Việt nam kinh doanh bằng mọi giá, bất kể các tiêu chuẩn vệ sinh và chuẩn mực đạo đức. Xét cho cùng, nếu ăn uống là thể hiện của văn hóa một đất nước, thì điều được gọi là “văn hóa ẩm thực” của Việt nam hiện nay cũng nói lên sự dối trá và lừa gạt vốn tràn lan trong xã hội. Muốn có chỗ ăn ngon, sạch, đúng giá thì chỉ có nước nhờ người quen mách bảo.

Tôi thấy mình chưa thuần thục trong bài “học ăn” ở Việt nam. Sang đến chuyện “học nói” thì tôi lại càng thấy mình “ngọng” hơn. Cả nước Việt nam không chỉ là một “hàng ăn” mà còn là một khu triển lãm các khẩu hiệu. Từ thành thị đến thôn quê, từ các đường phố sang trọng đến các con hẻm tồi tệ bẩn thỉu, ở bất cứ ngõ ngách nào, du khách cũng có thể đọc được những khẩu hiệu. Từ việc ca tụng đảng cộng sản Việt nam quang vinh đến nếp sống văn minh, xem ra người Việt nam xã hội chủ nghĩa sống bằng khẩu hiệu hơn với thực tế. Quả thực, đi đâu tôi cũng thấy “mưa sa trên mầu cờ đỏ” và bơ vơ trong rừng khẩu hiệu. Lạc lõng hơn nữa khi mở các kênh truyền hình chính của Việt nam. Cái giọng Bắc hoàn toàn khác với giọng Bắc “năm mươi tư” không thể không làm cho tôi nghe đau lỗ tai. Phải nói thật sự có một “Nước Bắc” xâm chiếm Miền Nam Việt Nam và áp đặt không chỉ ý thức hệ mà còn cả văn hóa, ngôn ngữ và giọng nói. Trước 75, trong miền Nam làm gì có chiếc xe “ô tô”, “ điện ô tô” hay “xe con” hay làm gì có chuyện “đảm bảo”. Tôi thấy rõ chuyện “thực dân mới” ấy trên chuyến bay từ Hà nội về Sài Gòn. Thông thường các cô tiếp viên của các hãng không dân dụng Á châu đều có một sắc đẹp đủ để đại diện cho đất nước của mình. Nhưng trong chuyến bay của hãng Jetstar từ Hà nội vào Sài Gòn hôm đó, tôi hoàn toàn thất vọng về cô tiếp viên trưởng. Với “nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai”, nếu cô được chọn làm tiếp viên trưởng của chuyến bay thì chắc chắn cô chỉ có thể là “con ông cháu cha” mà thôi. Tôi lại càng nghĩ rằng tôi không đoán sai điều đó, bởi vì khi cô mở miệng nói với hành khách bằng tiếng “Nước Bắc” thì tôi chẳng hiểu gì “sốt”. Đến khi cô “dịch” sang Anh ngữ thì tôi lại càng “điếc” và không biết cô nói tiếng nước nào.

Nói như thế không có nghĩa là tôi giỏi và nói tiếng Anh rành đến độ quên tiếng mẹ đẻ. Thật ra, vấn đề tiếng Việt của tôi ở Việt nam không phải là “nói” cho bằng là “hiểu” cái lối nói “xa lạ” hiện nay của nhiều người Việt nam. Không kể đến chuyện người ta cho vào bảo tàng viện hai tiếng “xin lỗi” và “cám ơn”, cái cách ăn nói cộc lốc, thiếu lịch sự, thiếu lễ độ, thiếu cả văn minh... của người Việt nam XHCN vừa làm cho tôi đau lỗ tai vừa làm cho tôi đau lòng. Đau lòng thực sự bởi vì cái lễ giáo và nét đẹp của cách nói năng được nhào nặn từ bao thế hệ đã hầu như hoàn toàn bị xóa bỏ. Tôi rất sợ vào chợ để mua hàng. Tôi sợ khi phải sờ đến một món hàng và hỏi một câu, mặc dù đã cố gắng để tỏ ra lịch sự hết sức có thể. Tôi sợ là bởi vì lúc nào mình cũng có thể được đáp trả bằng một tràng câu nói như chửi vào mặt.

Quả thật, một tháng có lẽ chưa đủ để tôi “học nói” lại trong Việt nam XHCN hiện nay. Sau chuyện “học ăn, học nói”, tôi lướt qua chuyện “học gói học mở” để đi thẳng vào một chuyện tối quan trọng trong những ngày sống ở Việt nam: đó là chuyện “học đi”.

Tôi còn nhớ: cách đây vài năm, nhân một cuộc họp APEC được tổ chức tại Hà nội, một nữ phóng viên Phi luật tân tháp tùng phái đoàn chính phủ Phi, đã ghi lại hai nhận xét mà cô cho là tâm đắc nhứt trong chuyến thăm Việt nam: một là con trai Việt nam không đẹp, hai là: ai muốn tự tử cứ “đi bộ” băng qua các đường phố ở VN.

Cả hai điều, tôi đều thấy đúng cả. Tuần cuối cùng ở Sài Gòn, không biết làm gì, tôi bắt xe buýt đi Thủ Đức, Biên Hòa. Tại đây tôi được dịp nhìn thấy làng đại học của Miền Nam Việt nam. Có cả một trường đại học quốc tế (International University) mà tôi không biết của nước nào. Nhưng phải nói là nhận xét của cô phóng viên người Phi thực là chính xác: trong đám nam sinh viên, rường cột và tương lai của đất nước, chen chúc trên xe buýt hay đi bộ đến trường, tôi chỉ nhìn thấy những tấm thân ốm o, còm cõi, nhỏ bé và những gương mặt thiếu sức sống và sự tỏa sáng. ( Ôi ! Thật là nhục nhã cho các đấng Sinh viên VN !!! )

Nhưng trở lại với bài “học đi” mà tôi đã cố gắng học trong những ngày lê bước ở Việt nam. Phải nói ngay rằng người Việt nam XHCN hiện nay rất ít đi bộ. Không cần phải nhìn cách tôi ăn mặc hay nghe tôi nói chuyện mà chỉ cần thấy tôi đi bộ hay băng qua đường là biết rõ tôi không phải là người Việt nam XHCN. Ở Việt nam, cứ bước ra khỏi nhà thì hầu như ai cũng cỡi xe gắn máy hay ít nhứt trèo lên xe ôm. Tôi không biết mình có quá chủ quan không khi nói rằng có lẽ không nơi nào trên thế giới có nhiều xe gắn máy cho bằng Việt nam, không có nơi nào trên thế giới bị ô nhiễm cho bằng các đường phố ở Việt nam và dĩ nhiên cũng không có nơi nào trên thế giới “nguy hiểm” cho khách bộ hành cho bằng VN. Quả thật, nếu muốn tự tử một cách dễ dàng, chẳng cần phải nhảy cầu, trầm mình xuống sông, rơi từ cao ốc, uống thuốc ngủ hay thắt cổ: chỉ cần hiên ngang băng qua đường ở VN cũng đủ để đi thẳng vào thế giới khác ngay.

Ở Việt nam luật đi đường nào cũng có, nhưng chẳng ai tuân giữ và khách bộ hành là hạng người rẻ nhứt trong xã hội. Ở Việt nam, công an giao thông đứng đầy đường, nhưng không phải để hướng dẫn về giao thông mà chỉ để được người lái xe “hối lộ” hay “mãi lộ” theo đúng nghĩa. Hôm giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, bị kẹt trong một rừng người hỗn loạn thiếu điều đạp lên nhau tại Rạch giá, tôi không sao tìm thấy bóng một cái “áo vàng”.

Tôi vẫn nhớ mãi chuyến đi từ Vũng Tầu ra Nha Trang. Tài xế của chuyến xe, như anh tự giới thiệu, một người Thanh Hóa đã từng là công an. Nói chung, những tài xế người “Nước Bắc” có lối lái xe phải nói là “mất dạy” và lối nói năng cũng “mất dạy” hơn tài xế Miền Nam. Suốt chuyến đi, vì ngồi sau lưng anh, tai tôi bị tra tấn vì những câu văng tục liên hồi của anh. Nhưng được bộ nhớ của tôi ghi nhận kỹ nhứt là lúc anh trả lời cho một hành khách muốn xuống trước đồn công an gần một cổng trường tiểu học. Anh nói: “Làm gì có đồn công an gần một trường học. Chẳng có thằng ngu nào lại đi xây một trường học bên cạnh một đồn công an, bởi vì làm như thế thì trẻ con sẽ phải làm chó trước khi kịp“học làm người”.

Tôi đã học được rất nhiều bài học trong một tháng đi “thực tế” ở Việt nam. Nhưng bài “học đi bộ” thì tôi đành bỏ cuộc. Mỗi lần băng qua đường mà còn lành lặn, tôi xem như một phép lạ. Theo tôi, lối giao thông ở Việt nam thể hiện đúng cách sống của người Việt nam XHCN hiện nay: ở đâu người ta cũng có thể luồn lách và tránh né miễn là được việc và dĩ nhiên được việc cho bản thân mình trước đã. Người khác có sống chết ra sao cũng mặc kệ.

Về thăm lại quê hương tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Phải nhìn nhận, sau 30 năm “xây dựng” xã hội chủ nghĩa, có một số dấu hiệu của phát triển: nhiều cao ốc hơn, nhiều đường sá hơn, cuộc sống vật chất và tiện nghi có khá hơn. Nhưng thật đáng buồn cho một đất nước khi sự phát triển hỗn loạn đã bóp nghẹt và chà đạp những giá trị tinh thần và luân lý. Nói như ai đó, phần “con” trong "con-người" Việt nam XHCN đã phát triển hơn, nhưng phần “người” thì lại ngày càng nhỏ lại.

Nghĩ như thế mà buồn cho quê hương!
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Re: Phiếm Luận

Post by dhth »


Thập thò cửa hang


Lá bùa trở thành dây thòng lọng



Điền Thảo

Một trong những luận cứ đã được giới truyền thông Hoa Lục đắc ý nêu ra là Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều khúc mắc khiến hai nước này không thể trở thành đồng minh tín cẩn. Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Sản có những giá trị Hà Nội không thể vượt qua. Những giá trị cố hữu như Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền thường được Hoa Kỳ đưa ra như những điều kiện để tiến xa hơn trên lộ trình hợp tác với các nước.

Luận cứ trên đây của Hoa Lục đang tỏ ra là đúng với thực tại. Hà Nội muốn dùng Mỹ như một hậu thuẫn có thể là tạm thời để chận đứng bước nam tiến của Cộng Sản Tàu nhưng đồng thời Đảng CSVN lại luôn luôn muốn bám chặt lấy vị thế độc tôn để một mình hành xử quyền lực mà hệ quả là đàn áp khối người bất đồng chính kiến, điều mà dư luận Mỹ không chấp nhận.

Nhóm thủ cựu trong Đảng CSVN bị gò bó không đi xa hơn được cái mớ lý luận lỗi thời. Họ cho rằng Đảng là lớp người tiên phong hoạt động dân chủ (thứ dân chủ tập trung kiểu CS) nên cực kỳ sáng suốt và khôn ngoan. Và rằng đã giác ngộ chính trị, Đảng là lớp người duy nhất nắm được quy luật vận hành của xã hội. Bởi vậy mà hiến pháp 1992 nước CHXHCN VN đã ghi rõ:

Điều 4

Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
(Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1992)

Khỏi cần nói những xác quyết trên đây của điều 4 thực sự có phản ánh thực tế hay không. Đảng CSVN trước đây và hiện nay có thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam hay không, có thực sự là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân hay không hay chỉ là những ngụy tạo? Đảng viên đảng CSVN được kết nạp bí mật và do quyết định từ cấp cao trong đảng. Một đảng như thế sao gọi được là của toàn dân và đại diện quyền lợi của toàn dân?

Hoang tưởng và võ đoán gắn liền với những chế độ độc tài. Điều 4 là một võ đoán. Trong lịch sử sự võ đoán đã khiến nhiều tập đoàn độc tài bị lạc lối gây chiến tranh, và bị tan rã nhanh chóng. Đam mê quyền lực đã khiến Đức Quốc Xã của Hitler bịa ra rồi tự mình bị mê hoặc bởi cái lý thuyết nhảm nhí rằng dân tộc Aryen là dân tộc thông minh nhất. Thậm chí Đức quốc Xã còn lập ra và thực hiện kế hoạch tạo nên một "dân tộc siêu đẳng".

Du nhập thuyết chuyên chính vô sản để làm lá bùa, chuyển tả lý thuyết ấy vào điều 4 hiến pháp 1992, Hà Nội đang bị chính lá bùa này ếm, không còn có khả năng biến hóa ứng phó với thảm trạng trên đe dưới búa hiện nay. Dân nổi dậy đòi công lý. Giặc bắc phương hà hiếp. Chạy đôn đáo cứu viện từ các nước bên ngoài.

Sự sợ hãi các nhóm gọi là phản động trong "diễn tiến hòa bình" kéo sụp đổ cái ghế cường quyền của mình khiến cho Hà Nội thập thò cửa lỗ, không bước ra được và cũng không bao giờ dám bước ra khỏi hang. Truyền thông Hoa Lục đã gợi ý và Bắc Kinh đang nắm lấy con bài tẩy này để khống chế Hà Nội

Thực tiễn hơn, Hà Nội cố ôm chặt quyền lực cho riêng Đảng Cộng Sản VN và được họ giải thích như đó là con đường duy nhất mang lại ổn định xã hội và chính trị. Những thập niên gần đây, đảng CSVN luôn luôn lấy Hoa Lục làm mẫu mực. Cái lý luận trên đây cũng là một suy diễn từ lý thuyết do đám chóp bu Bắc Knh chủ xướng nổi bật nhất có Đặng Tử Bình* và sau này có cựu bô trướng quốc phòng Hoa Lục Trì Hạo Điền**.

Mới đây Trương Tấn Sang, chủ tịch nước VNCS sang thăm Hoa Kỳ khi bị chất vấn về nhân quyền lúng túng nhưng chung quy vẫn bám vào thể chế độc tài từ chối chấp nhận đối lập. Thái độ thập thò cửa ngõ khiến cho những nước lúc đầu có cảm tình nay đã có những dấu hiệu chán nản. Truyền thông chính thức điều khiển bởi nhà nước cộng sản Việt Nam khi đưa tin đã cố ý bỏ qua những vấn nạn về dân quyền từ phía Mỹ đưa ra***.

Những cuộc gặp gỡ chiến lược sau cửa khép do Mỹ- minh bạch và Nhật- âm thầm chủ động Việt Nam không được mời. Riêng Phi Luật Tân hiện được hiệp ước an ninh với Mỹ bảo vệ. Còn Việt Nam vẫn là một giải đất bỏ ngỏ, là miếng mồi hấp dẫn và sẽ là nơi đầu tiên để Hoa Lục thử ý chí của phương tây. Quá khứ đã chứng tỏ Mỹ không coi Việt Nam là quan trọng. Có quan trọng chăng là con đường thủy lộ ở Biển Đông.

Chính sách đu dây cố hữu của đảng CSVN cộng với cái lá bùa chuyên chính vô sản không biết chừng sẽ là sợi dây thòng lọng xiết cổ Hà Nội một ngày nào đó không xa.

Điền Thảo
11.2011
________________

(*) Đặng Tử Bình sinh thời nói rằng nếu đảng (CSTH) không kịp thời dập tắt vụ Thiên An Môn bằng bàn tay sắt thì Tàu Cộng không có ngày nay - ý nói ổn định và phát triển.

(**) Trì Hạo Điền là người chủ trương một chiến lược gồm 3 điểm: Thứ nhất, mở rộng không gian sinh tồn bằng cách đưa người Tàu di cư ra nước ngoài để lấn chiếm thế giới một cách tiệm tiến. Thứ hai, duy trì vô thời hạn chế độ độc tài, độc đảng tại Hoa Lục. Thứ ba, khai thác và sử dụng mọi phương tiện quân sự và khoa học tiên tiến để đánh bại Hoa Kỳ và thống trị thế giới. (Diễn văn đọc trước đại hội các tướng lãnh Tàu)

(***) Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói hôm thứ Năm rằng Việt Nam buộc phải cải thiện hồ sơ quá khứ về nhân quyền của mình nếu muốn mưu cầu mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.

Bà Clinton tuyên bố tại trung tâm East-West Center ở Hawaii (trước khi gặp ông Sang) rằng: "Chúng tôi đã minh định với Việt Nam rằng nếu chúng ta có ý phát triển mối quan hệ chiến lược, như hai quốc gia mong muốn, thì (chính quyền) Việt Nam buộc phải hành động nhiều hơn để chứng tỏ họ tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân nước mình".

Vietnam must do more on rights

HONOLULU - US Secretary of State Hillary Clinton said Thursday that Vietnam must improve its human rights record if it seeks better relations as the two countries held talks on the issue.

"We have made it clear to Vietnam that if we are to develop a strategic partnership, as both nations desire, Vietnam must do more to respect and protect its citizens' rights," Clinton said at the East-West Center in Hawaii.

(Ngôn từ ngoại giao mà dùng đến chữ must thì đã sắp cạn tàu ráo máng!)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Phiếm Luận

Post by uncle_vinh »

Trên đời có 4 cái ngu


Ông bà ta thường nói:

“Trên đời có 4 cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”


Ở Mỹ, tôi xin phép được sửa lại 4 cái ngu theo ý của riêng tôi:

“Trên đời có 4 cái ngu:
Làm mai, bảo lãnh, co-sign, cho tiền”.


Làm mai, co-sign thì chắc nhiều người biết tại sao ngu rồi, tôi không bàn thêm nữa. Hôm nay tôi xin được phép góp vài ý kiến cá nhân về cái chuyện dài bảo lãnh và cho tiền làm từ thiện ở Việt Nam .

* * *

Người Việt Nam ta thường có tình cảm gia đình rất sâu nặng, người đi trước giúp người đi sau. Sau khi được sang định cư ở nước thứ ba là bắt đầu lo giấy tờ bảo lãnh người thân. Các văn phòng lo dịch vụ di trú, đoàn tụ mọc ra như nấm và không bao giờ thiếu khách hàng. Hết lo bảo lãnh người thân ruột thịt như cha mẹ, vợ chồng, con cái xong, thì đến bảo lãnh anh chị em, con cháu, họ hàng, bạn bè xa gần.

Nhiều người bảo lãnh thân nhân sang Mỹ xong, chỉ một thời gian ngắn sau đó là gây gỗ, cha mẹ anh em không thèm nhìn mặt nhau, có khi chính gia đình vợ chồng người bảo lãnh cũng gẫy đổ vì những người thân từ Việt Nam sang đâm thọc.

Người ở Việt Nam bây giờ nếu biết làm ăn buôn bán, tham nhũng, hối lộ, chạy chọt thì cũng có tiền bạc rủng rỉnh, nên khi có giấy tờ bảo lãnh của thân nhân về, họ đi Mỹ định cư mà cứ như là đi du lịch dài hạn, ở được thì ở, không được thì về. Khi qua Mỹ, họ tưởng đâu ở Mỹ là thiên đàng, việc làm dễ kiếm, đủ loại trợ cấp nhà nước nên khi đụng vào thực tế phủ phàng sau mấy tháng qua Mỹ ăn ở không chẳng có đồng nào trợ cấp, người bảo lãnh cũng không khá giả gì hơn, họ bất mãn và tháo lui về lại Việt Nam, nhưng vẫn không quên để lại con cái ở Mỹ nhờ anh em, bà con chăm sóc giùm cho mấy đứa nhỏ có tương lai!

Có người Việt Nam mới qua Mỹ có mấy ngày, đi ăn nhà hàng Việt Nam ở khu Little Saigon, khẩu vị khác với ở Việt Nam, đã không ngần ngại chê bai “đồ ăn Việt Nam ở Mỹ dở ẹt, thịt cá đều là đông lạnh, ăn không vô!”.

Ban ngày ở nhà khu yên tịnh, chủ nhà đi làm hết, không có xe cộ ở nhà để xuống phố Bolsa, thì rên rỉ “nhà gì đâu mà ở khu vắng vẻ như chùa Bà Đanh, ở nhà suốt ngày giống như ở tù bị giam lỏng!”.

Có nhiều anh Việt kiều về Việt Nam lấy vợ, rước nàng về Mỹ, được một, hai tháng, thấy nàng suốt ngày gọi điện thoại về Việt nam vì nhớ cha nhớ mẹ, bill điện thoại mỗi tháng không dưới 200 đô. Ban đêm hay cuối tuần thì bắt anh chồng chở đi shopping, tiêu xài thoải mái, cà thẻ tín dụng không cần biết bao nhiêu. Anh chồng kêu đi học Anh văn, học nghề thì viện đủ lý do để khỏi đi, ở nhà để chồng nuôi cho sướng. Không biết một hai năm sau, anh chồng có còn chịu nổi nữa không?

Có một cặp vợ chồng đang êm ấm, rước bà mẹ chồng và cô em chồng qua thì trong nhà bắt đầu lục đục. Bà mẹ chồng thấy con trai mình đi làm về vào bếp phụ vợ nấu cơm thì khó chịu, chì chiết con dâu là không làm bổn phận làm vợ, làm dâu đúng tiêu chuẩn Việt Nam của bà. Cô em chồng thì luôn nói xấu chị dâu với anh mình những khi chị dâu đi làm. Như vậy thì ai mà chịu đời cho thấu.

Có một gia đình người bạn mà tôi được biết, bảo lãnh cả gia đình người chị chồng từ Việt Nam qua. Qua Mỹ được vài tháng, bà chị chồng xúi dại người chồng mượn tiền ngân hàng cho bà ta để mua nhà vườn ở Riverside để làm rẫy, trồng rau bán cho các chợ Việt Nam. Gia đình người em tan nát khi chủ nợ ngân hàng, credit card gửi thư đòi nợ ráo riết vì công việc làm rẫy không được thuận lợi như ý muốn.

Ông bà ta thường nói:

“Cứu vật, vật trả ơn
Cứu nhân, nhân trả oán”


Câu này tôi thấy rất là đúng. Người Việt Nam được thân nhân bảo lãnh sang Mỹ bao nhiêu năm nay, có mấy ai còn biết nói tiếng "cảm ơn" người đã đùm bọc cưu mang gia đình mình từ những ngày đầu mới đến Mỹ. Có mấy ai còn liên lạc, còn gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, chúc Tết “khổ chủ” ngày xưa. Hay đã giận hờn nhau, không thèm nhìn mặt nhau từ lâu lắm rồi?

* * *

Bây giờ, xin được nói qua chuyện cho tiền làm từ thiện ở Việt Nam. Thấy có nhiều hội đoàn sốt sắng làm các công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo khó ở Việt Nam , tôi rất là cảm phục. Tôi chỉ xin lưu ý các cá nhân đã và đang đóng góp cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, có nhiều người còn dấn thân về Việt Nam, đem tiền tận tay giao cho các tổ chức cứu trợ ở Việt Nam.

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi không còn tin tưởng nhiều các tổ chức cứu trợ từ thiện ở Việt Nam dưới sự quản lý của nhà nước. Nếu có cho tiền xin đừng để lại tên tuổi, chỉ gây phiền phức cho mình sau này.

Người đại diện ở Việt Nam, có khi tay mặt nhận tiền, nhưng tay trái bắt đầu ghi tên Việt kiều vào sổ phong thần, để điều tra lý lịch, công ăn việc làm của mình ở hải ngoại, để sau này dễ dàng chụp mũ khi cần. Họ làm báo cáo chi tiết nhưng không bao giờ báo cáo huê hồng ít nhất 10 % cho người kêu gọi đưọc tiền đóng góp từ hải ngoại, gọi là tiền “bồi dưỡng”. Nhiều khi các hội đoàn ở hải ngoại biết rất rõ việc này, nhưng vẫn phải nhắm mắt làm ngơ để quà cứu trợ được đến tận tay đồng bào nghèo khó.

Muốn qua sông phải lụy đò
Muốn thương dân Việt phải “dò” mới tin


Xin hãy “dò” kỹ nguồn tin trước khi trao tiền, và đừng tin tưởng quá đáng vào tổ chức từ thiện của nhà nước như Hội Phụ Nữ Từ Thiện chủ trương giúp phụ nữ nghèo tạo dựng lại cuộc sống. Xin hãy tìm hiểu kỹ càng hoạt động của họ trước khi bỏ tiền ra giúp họ.

Vài hàng góp nhặt, hy vọng mọi người đọc xong sẽ suy nghĩ và thông cảm với tác giả.

- Vô danh -
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Re: Phiếm Luận

Post by dhth »

Khi Đảng CS thổi kèn "trúng cử" vào Hội Đồng ...Liên Hiệp Quốc,
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA UNESCO VÀ UNITED NATIONS

Chỉ có 4 nước xin vào GHẾ mà có 4 GHẾ” TRỐNG thì gọi gì là TRÚNG CỬ ? Nếu nói như vậy thì ngay cả thằng DU CÔN nó đi xin việc ở một thành phố một người ở thì nó cũng “TRÚNG CỬ” dễ dàng.

Chữ CỬ ở đây mang tính bầu cử và khi bầu cử thì có tính cạnh tranh, thi cử trong đó. Đằng nầy trong cuộc bầu thì chẳng có ai biểu quyết DƠ TAY hay DƠ CHÂN gì mà chỉ là filling the empty seats (điền vào chỗ trống) thì đâu gọi là TRÚNG CỬ được!

CHIẾC ÁO ĐÂU LÀM NÊN THẦY TU!. Ngay cả nước bạo tàn như TRUNG QUỐC hay BẮC TRIỀU TIÊN mà có ghế trống, thì nó cũng “TRÚNG CỬ” thì cái chức danh HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ có ăn thua gì.

Đừng lầm điều nầy nhé, cái tên LIÊN HIỆP QUỐC là dùng cho UN (UNITED NATIONS) còn UNESCO (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) là một bộ phận khác cũng dùng tên LIÊN HIỆP QUỐC nhưng không phải là diễn đàn dành cho các mục CHÍNH TRỊ.

Trong UNESCO có một nhánh là “The Office of the High Commissioner for Human Rights” thì Tổ chức nầy là tổ chức mà Việt Nam vừa “TRÚNG CỬ” vào. Chi nhánh “The Office of the High Commissioner for Human Rights” không có liên quan gì tới tổ chức UNITED NATIONS.

Tuy là tổ chức có trùng danh từ (LIÊN QUỐC GIA) nhưng cách làm việc của UNITED NATIONS và UNESCO hoàn toàn khác nhau.

Sau khi UNESCO cho nước Palestine được làm thành viên thứ 195 thì Mỹ áp lực và cắt viện trợ cho UNESCO trong vòng 3 năm mất 220 triệu USD. Vì Mỹ không thèm đóng tiền nên UNESCO đã không cho Mỹ được quyền bầu bán trong tổ chức nầy nữa.

Tổng Giám Đốc của UNESCO là bà Irina Bokova trong khi đó Tổng Thư Ký của UNITED NATIONS là ông Ban Ki-moon.

Nguyên cái tổ chức UNESCO chỉ là một thành viên của United Nations Development Group (UNDG) chứ không phải UNESCO là UNITED NATIONS hay là một bộ phận của UNITED NATIONS mà nhiều người lầm tưởng.

Những nước Cộng Sản như Trung Quốc và Việt Nam thích đánh lận con đen, đánh đồng giữa UNITED NATIONS và UNESCO nên mới mập mờ dùng tên là LIÊN HIỆP QUỐC chung cho nó OAI.

Nguyễn Thùy Trang
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Phiếm Luận

Post by uncle_vinh »

Câu chuyện Văn hóa... Kiều Trinh
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)

Cô Văn hóa Kiều Trinh kính mến,

Image

Trước tiên, để tạo bầu không khí thân thiện, tôi xin chuyển tiếp đến Cô lời khen của một kiều dân Pháp-ngày nay Kách Mạng gọi là Tây kiều-tự xưng là “Un lecteur demeurant au Cap Saint Jacques, Viet Nam”, khen rằng “Kiều Trinh mignonne hơn em Phượng Yêu”, cũng là người xin-cho tôi viết vê` “Câu chuyện Văn hóa... Kiều Trinh” này. “J'espère que votre lettre intitulée "Kiều Chinh Yêu" apparaitra prochainement sur cet écran.” Xin lỗi, tôi trích ra đây nguyên văn lời ông Tây kiều để nói có sách mách có chứng, kẻo bị Cô cho là tôi “nổ sảng” như anh chồng không chịu cưới của cô Nông Thị Xuân ở 66 Hàng Bông Nhuộm Hà Nội dù đã có con với nhau. Mong Cô thông cảm cho sự cố tiếng Tây tiếng U lằng ngoằng ở đây. Cảm ơn cô Kiều Trinh nhiều lắm.

Tôi xin phép tự giới thiệu là Bá tước De Balais. Tuy là dân Tây 100%, và nước Phú Lang Sa không ở trong khối Việt- Nam - mô (Vietnamophonie), nhưng nhờ vào cái thân mệnh trong số Tử Vi (do Chiêm tinh gia Huỳnh Liên cùng với Maitre Khánh Sơn và Thầy Minh Nguyệt hợp đồng lấy cho trên báo Bà Bút Trà năm xưa) là “thân cư thê” vào Bá tước phu nhân dân Hải Phòng, nên tôi viết và nói tự oánh giá thông thạo tiếng Việt, chứ không quá thảm như ngài Thủ tướng nước CHXHCNCC khoe mình thuộc khối Phờ-Râu-Cô (Francophonie) nhưng ngồi tô hô họp báo trước truyền thông thế giới với Thủ tướng nước tôi mà không nói lấy được một chữ tiếng Pháp, lại còn, chỉ vì vạt nắng hiếm hoi của trời Paris hắt vào phía sau lưng mà ai cũng thích chỉ Ba Ích/3X không thích hay là vì quen thói sợ ánh sáng muốn bịt lại kiểu bịt miệng cha Lý, nhưng không biết nói sao với chủ nhà, bèn ngọ nguậy, quay đầu ra sau, chỉ chỏ, khều tay, thậm chí đọc cái tên Thủ tướng Jean Marc Ayrault thành “Giăng Mặc Ê Rô” khiến cho dân cả nước Pháp cười sặc sụa, vì “Ê Rô”/Eros trong tiếng Pháp là nữ thần Tình Ái. (http://player.canalplus.fr/#/941808).

Xin cô đừng ngạc nhiên vì sao tôi, một dân Tây ròng, lại rành sáu câu “Câu chuyện Văn hóa Kiều Trinh” của VN. Cô đã từng có dịp sang Châu Âu và nhờ cầm nhầm đồ siêu thị Thụy Điển, Anh Quốc mà có dịp “làm việc” với Cảnh Sát bên ấy, nên cũng biết phần nào văn hóa Tây với tôn ty trật tự: đàn bà trước tiên, rồi đến con nít, xuống chó, cỏ, và “cái đuôi đi sau rốt” là đàn ông”, nên tôi tuy là nam bá tước của nước Đại Pháp dù không muốn nhìn cái mặt VTV, vưỡn phải qui đầu về quê vợ, mở đài Hà Nội để học tập đạo đức bác Hồ trong đó có... “Câu chuyện văn hóa... Kiều Trinh” mà tôi rất thích thú.

Cô sẽ hỏi tôi, bá tước De Balais thích thú... Kiều Trinh là thích thú ở chỗ nào? “Thích cô ở chỗ nào?” Cái này cô hỏi bá tước phu nhân sẽ có câu trả lời chính xác, đầy đủ, rõ ràng, chi tiết và nhất là chỗ chị em phụ nữ với nhau tiện lợi hơn, vì tuần nào chúng tôi cũng kề nhau nằm chạng cẳng nghe xem “Câu chuyện Văn hóa Kiều Trinh” cả, và tôi thì không rảnh để tả hết ra đây. Nhưng có một điều thích thú tôi có thể tiết lộ ở đây. Đó là cái tên Kiều Trinh của cô.

Kiều Trinh!? Đã Kiều rồi mà lại còn Trinh! Xưa nay hễ nghe đến Kiều là nghĩ đến... phận gái bán mình chuộc cha và cuộc đời suốt mười lăm năm lưu lạc chốn thanh lâu. Dù có “chiêu tập” tới lui bằng cả tỷ khối “nước vỏ lựu máu mào gà” cũng không cách gì mà “lại còn nguyên” sau mười lăm năm ấy ấy, “giờ sao tan tác như hoa giữa đường”. Vậy mà bảo Kiều vưỡn Trinh là trinh ở chỗ nào?

Hay là “Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường”, như đường con ăn cắp chợ quốc tế nổi tiếng thế giới dạy “Câu chuyện Văn hóa” cho dân Hà Nội, “Thủ đô của phẩm giá con người”.

Cái tôi khoái xem “Câu chuyện Văn hóa Kiều Trinh” là khoái ở chỗ thế giới này không ai có,chỉ có nước CHXHCN Chi Chi đó mới có. Những chuyện đó.

Báo cáo tình hình “câu chuyện văn hóa...” của VTV sơ bộ là như vậy.

Thưa cô Kiều Trinh,

Le Comte De Balais


Nguyễn Bá Chổi
danlambaovn.blogspot.com
Post Reply