Sổ Tay Thường Dân

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Những Người Bị Thiến

Image
"Cách mạng không phải để xây dựng lên một chế độ độc tài"
- Huỳnh Nhật Hải & Huỳnh Nhật Tấn

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (RFA Blog) –Mới đây, Thanh Nien On Line có bài tường thuật của nhà báo Nguyễn Công Khế về cuộc hội thảo phong trào đấu tranh đô thị từ 1954 đến 1975 (trong hai ngày 19 và 20.5.2012) tại Đà Nẵng:

“Tôi nhìn xuống hội trường của Trường ĐH Duy Tân mà lòng bùi ngùi, xúc cảm. Xúc cảm bởi tất cả các mái đầu đều bạc hoặc chấm bạc.
Những Nguyễn Hữu Thái, Phạm Chánh Trực, Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Công Giàu, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Vũ Hạnh... của Sài Gòn. Những Chu Sơn, Nguyễn Duy Hiền, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Phước Á, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Đồng Nhật, Hoàng Thị Thọ, Trần Hoài, Võ Quê, Phan Hữu Lượng… của Huế. Những Phan Duy Nhân, Huỳnh Văn Hóa, Đỗ Pháp, Lương Thanh Liêm, Lê Đức Hùng của Đà Nẵng. Còn những Bửu Chỉ, Vĩnh Linh, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Quí, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Phạm Thế Mỹ... và nhiều người thì đã ra đi vĩnh viễn, không có mặt trong cuộc hội ngộ này…”“Tôi cảm ơn anh Lê Công Cơ người đã hoạt động và lãnh đạo phong trào từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, nay là Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng đã có sáng kiến và đứng ra tổ chức cuộc gặp rất có ý nghĩa và đầy cảm xúc này.”


Nội dung của cuộc hội thảo này ra sao (tuyệt nhiên) không thấy ông Nguyễn Công Khế đề cập đến. Bởi vậy, “ý nghĩa” của nó (nếu có) e cũng không sâu sắc gì cho lắm!

Gần hai năm trước, vào ngày 12/01/ 2010, cũng có bài viết liên quan đến “phong trào đấu tranh đô thị” (Bức Ảnh Quý Về Khí Phách Sinh Viên Huế 1975) trên trang Dân Luận:

“Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong một lần soạn lại sách vở tư liệu gia đình, đã phát hiện ra trong thùng đựng ảnh cũ của gia đình bức ảnh thầy giáo siêu hình học Trường Quốc Học Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường đang diễn thuyết trong một cuộc đấu tranh, với câu khẩu hiệu rất “ác chiến” sau lưng ‘CHÚNG TÔI THÁCH ĐỐ MỌI SỰ ĐÀN ÁP CỦA THIỆU - KỲ’.

Thấy bức ảnh giá trị, Mỹ Dạ bèn ra phố scan lại rồi phóng to treo đầu giường anh Tường nằm. Trong ảnh có rất nhiều sinh viên và ‘cán bộ phong trào’ đứng cạnh anh Tường. Trong ảnh còn có một người mặc xê-vin trắng, thắt cà vạt đứng phía tay trái anh Tường, mắt nhìn xuống. Tôi hỏi anh Tường: ‘Người này là ai ?’

Tường bảo:‘Đó là một vị đại diện bên Ty cảnh sát cử sang để ‘theo dõi’ cuộc mít –tinh’. Mới hay, chính quyền Thừa Thiên Huế những ngày đó cũng rất ngại lực lượng sinh viên xuống đường, nên họ đã không ra tay đàn áp cuộc ‘xuống đường’, mà chỉ ‘theo dõi’ !

Theo nhà thơ Trần Hữu Lục, thời kỳ đó có nhiều ‘tổ chức’ sinh viên Huế độc lập với nhau xuống đường đấu tranh lắm. Ngô Kha cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là ‘Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng’ và ‘Quán bạn’, tham gia xuất bản tờ tin ‘lực lượng’ kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ.

Họ luôn bám trụ ở Trụ sở Tổng hội Sinh viên (22 Trương Định, Huế) để phát động đấu tranh. Họ xuất bản tập san ‘Tự quyết’, thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Ngô Kha làm chủ tịch, tổ chức triễn lãm tội ác của Mỹ tại Huế.

Có một nhóm sinh viên yêu nước khác gọi là NHÓM VIỆT, hoạt động công khai Những năm 1967, 1968, đang là sinh viên đại học, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Lê Văn Ngăn, Trịnh Công Sơn… đã ra tờ báo Thân Hữu ( ĐHSP Huế, 1967), Sinh viên Huế (1968) do Trần Hữu Lục làm chủ biên.

Nhóm Việt sau Mậu Thân 1968 vẫn hoạt động công khai bằng cách phối hợp làm trang văn nghệ cho tạp chí Đối Diện, luôn chủ trương tìm về nguồn cội dân tộc, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản. Đến năm 1975, Nhóm Việt mới giải tán.

Hoàng Phủ Ngọc Tường hăng hái làm chủ bút, phóng viên, biên tập viên của nhiều tờ báo như Dân (Tiếng nói đấu tranh của Trí thức Huế), Tiếng nói sinh viên, Việt Nam, Cứu lấy quê hương (Liên minh Huế).

Tất cả các nhóm sinh viên xuống đường đều do cách mạng chỉ đạo. Họ đấu tranh bằng thơ và bằng cả những đêm không ngủ: Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe/ Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy...(Thái Ngọc San); Bị bắt vô tù, họ vẫn sục sôi: Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa ( Võ Quê)… Bị địch đàn áp, bắt bớ, bị lộ, nhiều trí thức sinh viên Huế đã ‘lên xanh’ và trở thành những cây bút xuất sắc của cách mạng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao (*)...”

Tôi sinh sau đẻ muộn, và chưa bao giờ có dịp được đặt chân đến Huế nên không được biết rõ lắm cái “khí phách” của nhiều trí thức sinh viên” (thưở đó) ra sao? Riêng những “cây bút xuất sắc của cách mạng” với tên tuổi (vừa nêu) thì gần như mọi người đều đã nghe danh. Tưởng cũng nên nghe chính những nhân vật này nói, (hay viết ) qua về thành quả “cách mạng” mà họ đã dõng dạc “kêu gọi đấu tranh” khi còn trẻ ... dại:

Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng” (“Nói Chuyện Với Hoàng Phủ Ngọc Tường Về Biến Cố Mậu Thân Huế” – Thụy Khuê, RFI, 12 tháng 7, 1997).

Trần Vàng Sao: “Cuộc cách mạng này kinh khủng thật. Không phải nó chỉ thay đổi tâm tính, thái độ, tư tưởng của từng con người mà thay đổi vị trí của từng đồ vật trong từng nhà, cái ghế, cái bàn, cái tủ, cái giường, tôn lợp trên mái nhà, lư hương trên bàn thờ… đều thay đổi chỗ, xếp đặt lại tất cả. Hôm qua cái bàn còn để đó, hôm nay không còn nữa, cái bàn đã đi qua nhà khác, đã ở ngoài chợ. Cuộc cách mạng này đã phá hết, phá tan hết những gì mà từng gia đình đã bòn mót bao nhiêu năm nay từ ông cha đến con cháu để nuôi sống mình, để tồn tại với đời. Và những người làm cách mạng đã thay thế những gì mà họ đã phá sạch bằng công an, bằng quyền lực trấn áp, bằng mệnh lệnh, khẩu hiệu, băng cờ” (Tôi Bị Bắt – talawas, 10.11.2005).

Nguyễn Đắc Xuân: “Giấu máy ảnh trong áo mưa, tôi đi men theo con đường sát với khu nhà bếp đối diện với xóm Rừng Phương Bối. Nhìn qua hàng rào tôi thấy bên trong hàng trăm người đàn ông, đàn bà, con trai con gái, áo nâu, áo lam nhếch nhác, nhiều người ăn mặc như cán bộ, một số cầm máy ảnh, máy quay phim, đùi, gậy, dao rựa đi đi lại lại, ăn nói, cười cợt lao xao. Tôi liên tưởng đến những côn đồ, xã hội đen, giả Phật tử đã từng tung hoành ở Bát Nhã được lưu trong các trang web phapnanbatnha, phusa, langmai lâu nay. Tôi sợ phải đối đầu với những đồng chí của mình nên muốn nhanh chân ra khỏi nơi này… Tôi cảm thấy kinh hoàng giống như sáng ngày 21-8-1963 khi Cảnh sát Dã chiến thực hiện kế hoạch Nước lũ của ông Ngô Đình Nhu tấn công vào chùa Diệu Đế mà tôi đã từng viết trên báo Giác Ngộ. Và hơn thế nữa, hồi 1963, thấy Cảnh sát Dã chiến tôi có thể nhận ra họ để tìm cách đối phó, còn ở Bát Nhã hôm đó Cảnh sát đồng chí của tôi mặc thường phục, không phân biệt với dân thường, đám xã hội đen lau hau, tôi không biết họ là ai, nếu nhỡ bị họ hành hung đập máy ảnh, thu giấy tờ trong ví của tôi thì tôi không biết ai để mà thưa với chính quyền của tôi” (“Những Bạo Hành Ở Tu Viện Báy Nhã Xin Giải Thích Giùm Tôi” – sachhiem.net, 5.10.2009).

Qúi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân đều đã “lên xanh,” đều “trở thành những cây bút xuất sắc của cách mạng” và (rõ ràng) đều không được lạc quan hay hãnh diện gì cho lắm về thành quả mà họ đã “sục sôi, tranh đấu, dấn thân” vào những ngày tháng cũ.

Vậy còn “... Những Nguyễn Hữu Thái, Phạm Chánh Trực, Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Công Giàu, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Vũ Hạnh... của Sài Gòn. Những Chu Sơn, Nguyễn Duy Hiền, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Phước Á, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Đồng Nhật,Trần Hoài, Võ Quê, Phan Hữu Lượng… của Huế. Những Phan Duy Nhân, Huỳnh Văn Hóa, Đỗ Pháp, Lương Thanh Liêm, Lê Đức Hùng của Đà Nẵng...” thì sao?

Những trí thức và sinh viên học sinh của phong trào đô thị trong cuộc hội ngộ tại Trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng - Ảnh: Lê Văn Thọ

“Các anh các chị, có thể không phải là thủ phạm nhưng không thể phủ nhận là những người đã góp phần gây ra những điêu tàn đổ nát hôm nay. Xin đừng im lặng nữa. Nếu không đủ sức để hành động, hãy viết, hãy nói, hãy kể lại cho các thế hệ trẻ những bài học dù thất bại, những ước mơ dù bị phản bội, những kinh nghiệm dù được đổi bằng xương máu của mình. Là những người có lương tâm, hôm nay, không có tòa án nào kết án các anh chị nặng bằng tòa án lương tâm của chính các anh chị. Là những người vốn nặng tình cảm, hôm nay, không có tình cảm nào cấu xé các anh chị bằng tình cảm các anh chị đã từng dành cho đất nước. Xã hội Việt Nam băng hoại, trụy lạc, tha hóa ngày nay là chiếc gương, các anh chị hãy soi vào đó để thấy lại chính mình...”

Đoạn văn thượng dẫn được trích trong bài viết “Thời Sinh Viên Ở Sài Gòn” của tác giả Trần Trung Đạo, trên trang Đàn Chim Việt – vào hôm 14 tháng 6 năm 2012 – và đã nhận được phản hồi của ông Lâm Vũ như sau: “Thật ra ai cũng hiểu, rằng họ đã là cá nằm trong rọ. Nhưng đó chỉ là vấn đề thể xác. Không ai có thể nhốt được tinh thần! Sự bệ rạc của giới thanh niên thiên tả miền Nam sau 20 năm chỉ chứng tỏ một điều: vốn dĩ họ chỉ có tiếng mà không có miếng, chỉ có cái vỏ mà thiếu thực chất.

Nếu so với những người đồng trang lứa, nhưng đã cưỡng lại sự quyến rũ của chủ nghĩa CS hư vô, phải nói lớp thanh niên thiên tả miền Nam của thập niên 60s đã thua xa về cả bản lĩnh lẫn ý chí. Đó cũng là sự khác biệt giữ lý tưởng thật và lý tưởng giả.

Ngay lúc này là cơ hội cuối cùng cho lớp thành niên ‘thiên tả’ của miền Nam, hiện tại đang ở lứa tuổi 60, đứng lên làm cuộc cách mạng bản thân và để cứu dân tộc, chuộc lại những sai lầm của thời xưa. Nhưng cho đến nay, tôi chưa thấy một dấu hiệu nào khả dĩ hy vọng họ có ý định làm chuyện đó… Có lẽ, giấc mơ của họ là có thể biến mất khỏi trần gian một cách yên ổn, tốt hơn là không ai để ý đến họ nữa… bây giờ cũng như mãi mãi về sau…”

Nói gọn lại, và nói cách khác (bỗ bã hơn chút xíu) là họ đã bị thiến hết trơn rồi. Chấm hết.

Tưởng Năng Tiến.
http://www.rfavietnam.com/node/1247
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Bác Kiệt
Mon, 06/04/2012 - 09:11 — tuongnangtien


Image


Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông trẻ nhỏ. Cùng lứa với tôi, có cả tá nhi đồng mà tên gọi đều bắt đầu bằng chữ út: Út lé, Út lác, Út lồi, Út lùn, Út hô, Út còi, Út ghẻ, Út mập, Út sún, Út sứt, Út méo, Út hô, Út đen, Út ruồi, Út xẹo, Út trọc …

Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu (lôi thôi) kiểu cách, theo kiểu Âu Tây:

- Còn đây là thằng út, nó tên là Út rỗ. Vùa lọt lòng thì cháu rơi ngay vào một cái … thùng đinh!

Riêng trường hợp của tôi thì hơi (bị) khác. Tôi tên Út khùng. Lý do: khi mới chập chững biết đi, tôi té giếng. Khi tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ mặt mày tím ngắt, chân tay xụi lơ, bụng chương xình, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng “rồi” và lăn ra bất tỉnh.

Thực ra thì “chưa” đâu. Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, cũng kể như … “rồi” – theo như chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi hồi đó:

-Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đong . Mà loại tế bào này thì không tái tạo. Bởi vậy, cháu sẽ hơi bị… tửng và khó nuôi chút xíu nhưng ông bà ráng nuôi chắc cũng sống được chớ không đến nỗi nào đâu.

Dù đã được trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không an tâm gì cho lắm về cái khoản “hơi bị … tửng và khó nuôi chút xíu” như vậy. Ông bà hẳn cũng khổ tâm lắm vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con … cầu tự!

Họ quyết định di chuyển đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời.

Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc, ngay trung tâm của thành phố Đà Lạt. Giữa đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa.

Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là đợi cho đến lúc tối khuya – đường vắng – leo lên xe, thả cho chạy xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được cho ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.

Một hôm, bỗng dưng, có thằng nổi quạu:

- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.

Tôi vênh váo:

- Đ… má, bộ tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi mày đẩy được lên tuốt tới tận đây!

Tôi có cái tên mới, Tiến khùng – thay cho Út khùng – kể từ bữa đó.

Khùng, kể ra, cũng khoẻ. Điều đáng tiếc là tuy tôi khùng thiệt nhưng không (được) khùng lâu. Ngày ba muơi tháng tư năm 1975, cách mạng về giải phóng miền Nam. Từ đây, vùng đất này có vài chuyện đổi thay nhỏ: nhạc sĩ Văn Vĩ đang mù bỗng sáng, không ít nguời dân miền Nam cũng vậy, còn (riêng) tui thì đang khùng bỗng … tỉnh! Sống với cách mạng mà không tỉnh (chắc) không xong.

Tui tỉnh rụi và tỉnh lâu rồi. 2011 – 1975: hơn ba mươi năm đã trôi qua, cả đống nước mưa (cũng như nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Sở dĩ tôi nhớ (và nhắc lại) chuyện xưa vì mới đây, nhân ngày giỗ của ông Võ Văn Kiệt, trên Tuần Việt Nam Net, có “giới thiệu một loạt bài viết của những nhân sĩ trí thức” về nhân vật này – với lời dẫn nhập như sau:

“Vậy là đã tròn một năm ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi về chốn vĩnh hằng. Thời gian trôi đi càng nhận ra sự trống vắng này, cuộc đời càng nhớ Ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cũng chính vì thế, tư tưởng của Ông, hình bóng của Ông sống mãi trong trái tim của nhân dân.”

Tui đang rảnh nên cũng muốn thử coi chơi “tư tưởng của Ông” ra sao mà thiên hạ cứ nằng nặc là “sẽ sống mãi trong trái tim của nhân dân” như vậy?

Trong một cuộc phỏng vấn(Việt Weekly – VOL. IV, NO.50 – phát hành từ Garden Grove, California, số ra ngày 7 tháng 12 năm 2006) ông đã tuyên bố:

“Cả quá trình đấu tranh của người cộng sản là vì đất nước, vì dân tộc là trên hết. Vì thế họ mới chịu hy sinh. Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng cộng sản, do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.”

Sao tui nghi là hồi nhỏ ông Kiệt (cũng) bị té giếng quá hà. Ổng làm tôi nhớ đến cái lúc mình khi ngồi rà thắng xe ba gác, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi hì hục đẩy thấy mẹ luôn. Đã vậy mà còn vênh váo:

- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây!

Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa …nuớc mắt!

Cứ theo như lời của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại (ở Việt Nam) có hàng trăm đảng phái đang tham chính – chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không được phép hoạt động gì ráo trọi, nên ông ấy phải năn nỉ xin cho họ “một chỗ … đứng” chơi – kẻo tội. Sự thực, ai mà không biết là nửa thế kỷ qua cái đảng (thổ tả) của ông Kiệt có lúc nào mà không ngồi trên đầu trên cổ toàn dân. Và rõ ràng là họ “định” ngồi luôn, nếu không có gì trở ngại, như ông Kiệt đã khẳng định - trong phỏng vấn dẫn thượng:

“Việt Weekly: Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không?”

“Ông Võ Văn Kiệt: Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này cũng đòi hỏi tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như đảng Cộng sản Việt Nam là tin cậy được…”

So với cái kiểu sỗ sàng của ông Nguyễn Minh Triết (“bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”) thì cách nói của ông Võ Văn Kiệt nghe có vẻ … tế nhị hơn - chút xíu. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy quên nêu danh những quốc gia đã “xẩy ra nhiều rối rắm” vì không được ĐCS lãnh đạo. Còn ban biên tập Việt Weekly (cũng) quên hỏi coi băng đảng của ông Kiệt “được sự đồng thuận” và “tin cậy” của dân tộc Việt Nam” để tiếp tục vai trò (lãnh đạo) hồi nào vậy?

Tui chưa gặp ông Kiệt lần nào, điện thoại, email (qua lại) hay kết bạn tâm thư cũng không luôn. Sau khi cái nghị định 31 C/P nổi tiếng (do ông Kiệt ký) ra đời, tư thất của tôi cũng không (bỗng) trở thành lao thất như trường hợp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… Nói tóm lại là tui không có “vấn đề” hay “mâu thuẫn” gì ráo (trọi) với cá nhân ông Kiệt.

Đã vậy, ông còn không phải là loại người bị than phiền là đã gây ra “nỗi ngán ngẩm thường ngày” cho thiên hạ. Nói nào ngay, hình ảnh quen thuộc , cùng với cử chỉ thân thiện và bình dị của ông Kiệt cũng để lại trong tôi ít nhiều thiện cảm. Dù khó tính tới đâu người ta vẫn phải nhìn nhận rằng: ông Võ Văn Kiệt là người đàng hoàng nhứt trong đám… lộn xộn!

Giới báo chí ở Việt Nam hay mô tả ông Kiệt như “kiến trúc sư của công trình đổi mới.” Tuơng tự, họ cũng thường đề cập đến cái gọi là “sự quyết tâm và dũng cảm của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước” – vào cuối thập niên 1980.

Theo như cách nói của blogger Đinh Tấn Lực thì đây chỉ là hiện tượng “đảng hoá các ý niệm đổi mới của nhân dân.” Ông Lực quả là người khéo ví von và … khéo nói. Chứ nói trắng (phớ) ra là nhờ chạy theo những bước chân (phá rào) của toàn dân mà toàn Đảng đã thoát chết (đói) đợt rồi.

Trong vụ “bỏ của (và bỏ cộng) chạy lấy người” này, ông Võ Văn Kiệt chính là kẻ tiên phong. Không có ông thì đám dân mù ở làng Ba Đình chắc chết, chết chắc. Ông đã nổi bật lên như là kẻ chột giữa một đám mù.

Và có lẽ vì thế nên cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hoá bằng cách viết hoa. Làm lãnh tụ ở xứ sở này (vốn) dễ. Trở thành vĩ nhân (ngó bộ) cũng không khó khăn gì.
Ngoài cả đống (đủ kiểu và đủ cỡ) anh hùng và liệt sĩ ra, nửa thế kỷ qua “cách mạng” VN đã sản xuất được một ông Thánh và một ông Á Thánh:

Bác Hồ cùng với Bác Tôn
Cả hai cùng thích ôm hôn nhi đồng…

Nhiêu đó cũng đủ (mệt) ứ hơi rồi. Ráng thêm một Bác Sáu Dân nữa thì e là sẽ quá tải và… quá mệt!
Dân tộc này chưa xét đến công/tội của ĐCSVN. Chuyện đâu còn có đó. Không nên cứ lật đật phong thánh cho nhau, và cầm đèn chạy trước ô tô, như thế. Nó cán cho chết mẹ.

Chúng ta sẽ có gì để lại cho những thế hệ mai sau ngoài một di sản đạo đức băng hoại, một đất nước khiếm khuyết về diện tích, tan hoang về môi trường, và cạn kiệt về tài nguyên. Bộ như vậy chưa đủ (và chưa “đã” ) sao mà qúi vị còn muốn tung thêm một mớ rác ruởi hay hoả mù vào lịch sử nữa.


tuongnangtien's blog
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Từ Nguyễn Hữu Đang Đến Bùi Thanh Hiếu
Thu, 08/30/2012 - 13:08 — tuongnangtien


Không có gì quí hơn Độc Lập Tự Do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó.

Nguyễn Chí Thiện

Ngày 2 tháng 9 năm 45, Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do: không phải vì bận rộn, hay vì có chuyện mâu thuẫn (hay đố kỵ) gì đó với cá nhân ông Hồ mà chỉ vì tôi chưa kịp… ra đời!

Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì cho lắm” quanh cái ngày (thổ tả) này – ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà,” và (đôi nơi) có người còn gọi là ngày Tết Độc Lập. Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu Đang – Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9 – được trích dẫn nguyên văn từ những cơ quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó:

Báo Quân đội nhân dân (21/01/1960):
“Ta hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng chính trị phản động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những khuyết điểm để nói xấu Chính phủ và những cơ quan Nhà nước.”

Báo Nhân dân (21/01/1960):
“Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng. Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải …”

Báo Thời Mới(21/01/1960):
“Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội. Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.

Image
Nguồn ảnh:talawas

Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù – không biết Thụy An trôi dạt về đâu – riêng Nguyễn Hữu Ðang thì lủi thủi trở lại làng quê của ông, ở Thái Bình:

… Gót nhọc men về thung cũ
Qùi dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn

(”Ăn năn” – Phùng Cung)

Nguyễn Hữu Đang sống gần hết quãng đời còn lại nhờ vào… côn trùng và cóc rắn! Ông cũng đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Phùng Quán, “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn Ðộc Lập.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007, 137).

Đọc xong bài viết thượng dẫn, Công Tử Hà Đông có đôi lời góp ý như sau:

“Nguyễn Hữu Đang đi kháng chiến 9 năm, không thấy nói trong 9 năm ấy NH Đang làm gì, ở đâu. Trở về Hà Nội sau Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, NH Đang là một trong số văn nghệ sĩ đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác được gọi là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm; NH Đang bị Tố Hữu, Trường Chinh thù, kỵ tài, dùng tội Phản Động Chống Đảng đánh cho tàn tệ. Bọn Tố Hữu, Trường Chinh cho NH Đang đi tù năm 1959. Năm ấy Hồ chí Minh mới về Hà Nội, được tẩm bổ, tiếng VC học mót của CS Tầu là ‘bồi dưỡng’, người ngợm Hồ béo tốt, hồng hào, phởn phơ. Nhưng không một lần họ Hồ nhớ đến ‘chú Đang’, không một lời hỏi:

– Chú ấy làm tội gì mà bắt chú ấy tù khổ thế?

Nhiều người Hà Nội biết chuyện NH Đang là Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Đài Ngày 2 Tháng 9, 1945 ở Hà Nội, NH Đang là người đứng trước micro giới thiệu:
– Thưa đồng bào... Đây là Chủ Tịch Chính phủ Lâm Thời Hồ chí Minh.
Nói xong, NH Đang lùi lại, nhường micro cho Hồ chí Minh. Bức ảnh chụp Hồ đọc tuyên ngôn có NH Đang đứng ngay sau lưng họ Hồ. Sau khi còng cổ tống NH Đang đi tù, bọn Tố Hữu cho tẩy, xóa hình NH Đang trong bức ảnh. Từ đó ảnh Hồ chí Minh đọc Tuyên Ngôn không có NH Đang.”


Nói tóm lại là cuộc đời của Nguyễn Hữu Đang đã bị cách mạng xoá sổ hoàn toàn. Đây không phải là loại “tai nạn” chỉ xẩy ra riêng cho một cá nhân. Ở bình diện tập thể, người dân cũng bị cách mạng tước đoạt mọi thứ – “tan hoang đến tột cùng” – theo như cách diễn tả của nhà văn Võ Văn Trực, trong ký sự Chuyện Làng Ngày Ấy (**):

“Ngày mồng 2 tháng 9 hàng năm, dân làng tôi gọi là ngày ‘tết Độc Lập’. Cả làng nghỉ việc đồng án. Nhà nào cũng thắp hương bầy biện mâm cỗ cúng đơm. Nhiều trò vui được tổ chức như ngày tết Nguyên Đán. Làng xóm hân hoan trong phong tục mới...”

"Thêm được ngày hội Tết độc lập, nhiều ngày hội cổ truyền khác bị phế bỏ: rằm tháng giêng, thanh minh, tết Đoan ngọ, rằm tháng bẩy...Người ta cho đó là cổ hủ, là mê tín dị đoan ... Thế là cả làng làm cách mạng triệt để, thay cũ đổi mới hoàn toàn. Gặp nhau ngoài đường, giơ nắm tay phải lên ngang tai ‘chào đồng chí’. Nhất là trong các cuộc hội nghị, mẹ gọi con bằng ‘đồng chí, con gọi bố bằng ‘đồng chí’, anh gọi em bằng ‘đồng chí’... “

"Sau tết Độc lập đầu tiên, đến tết Nguyên Đán, không thấy ông tôi cuộn hương trầm công phu như trước, chỉ mua hương ở chợ. Chiều 29 tết, ông mở hòm gỗ trắc, lau bụi đôi hạc đồng, xếp lại câu đối, rồi khoá hòm. Tôi ngỡ ngàng hỏi: ‘Sao ông không đem ra cúng tết?’ Ông trả lời giọng ngậm ngùi: ‘Bây giờ là cách mạng, khác rồi cháu ạ...’ Vĩnh viễn các đồ tế khí linh thiêng ấy nằm trong hòm khoá kín như tấm lòng ông tôi khoá lại niềm tôn kính thờ phụng tiền nhân…"
"Sau cuộc rước tổ tiên tập trung về một nơi, tất cả các nhà thờ họ trong làng đều bị phá. Có nhà thờ biến thành địa điểm hội họp. Có nhà thờ biến thành kho phân. Tất cả thánh, thần, phật ở rải rác cá thể trong thôn xã đều phải về tập trung tại đền Hàng Khoán, dưới chân núi Hai Vai..."

“Thần đã đi rồi. Thánh đã đi rồi. Phật đã đi rồi. Những ngôi đền, ngôi chùa, ngôi miếu như cái xác không hồn. Dân tứ chiếng tranh nhau cướp giật mang đi: người được hòn đá tảng, người được cái cửa vọng, người được viên ngói viên gạch, người được cái cột gỗ...”
“Ôi tan hoang đến tột cùng tan hoang sau cuộc rước các thần các thánh về thế giới đại đồng. Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt...”


Image
Nhà thơ Võ Văn Trực - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh

Tác phẩm Chuyện Làng Ngày Ấy, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Thụy Khuê:

“Nhẹ như tiếng thở dài, Võ Văn Trực đưa ta vào cõi ấy, cõi mộng du hoang tàn tiền sử: Sau khi tập trung tất cả những gì thuộc địa hạt thần linh, đến tập trung con người. Tập trung con người bằng hội họp, suốt ngày hội họp bỏ bê đồng áng, hệ quả tất yếu là không có lúa gạo, là đói khát, là thuế khả năng: vét nhẵn, sạch trơn không còn một hạt thóc. Không còn gì để đóng thuế, là phản động. Là tố cáo lẫn nhau. Là đấu tranh chính trị. Là tố khổ...”

Chưa hết, cùng thời điểm mà mồ mả tổ tiên và đền thờ thánh thần phải tập trung “để lấy đất canh tác” thì một trong những nhân vật lãnh đạo của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà – ông Phạm Văn Đồng – đã thể hiện “một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị” bằng một công hàm tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của nước láng giềng Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về hải phận.

Công hàm này đang được Trung Cộng coi như “là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Và đây có lẽ là một trong những lý do khiến cho một nhóm trí thức Việt Nam, vào ngày 13 tháng 7 năm 2011, đã gửi một bản kiến nghị đến Quốc hội và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, bầy tỏ sự lo ngại rằng: "Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng."

Trước đây, cũng đã có nhiều người dân Việt khác bầy tỏ sự quan ngại tương tự về lãnh thổ, lãnh hải cũng như tính cách độc lập của đất nước này. Tất cả, đều đang bị cầm tù. Không có gì bảo đảm rằng 20 nhân sĩ vừa ký tên trong bản kiến nghị (dẫn thượng) sẽ thoát khỏi số phận tương tự, trong tương lai gần.

Không có gì qúi hơn Độc Lập Tự Do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó ra sao


Tác giả bốn câu thơ thượng dẫn, ông Nguyễn Chí Thiện, rõ ràng là một người ... vô ơn! Ông ấy quên béng đi rằng trong 27 năm đi tù, năm nào vào ngày 2 tháng 9 ông ấy cũng đều được ban quản lý trại giam cho ăn thịt – chí ít thì cũng phải được một miếng (bạc nhạc) bằng đầu ngón tay út, hay lớn hơn tí xíu.

Truyền thống “văn hóa độc lập” này vẫn còn kéo dài mãi đến hiện nay, theo như nhật ký (Một Năm Kể Lại) của Người Buôn Gió:
“Hôm nay là ngày 2-9-2009, sáng sớm đài phát thanh trên tường ra rả ca ngợi thành tích đạt được của đất nước, lời ông Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập được phát đi phát lại nhiều lần. Anh bạn tù cùng phòng hít hít cái mũi vào không khí nói:

- Hôm nay chúng mình sẽ được ăn thịt.
Tôi nhìn ra ô cửa sắt bâng quơ:
- Chắc hôm nay không phải đi cung nhỉ ?
Anh bạn hồ hởi gật đầu.
- Đúng, ai lại đi cung ngày này...”


Ngày mà Bác tuyên bố “từ nay đất nước ta hoàn toàn độc lập” (quả) là một ngày đặc biệt đối với tất cả mọi người dân Việt, không loại trừ ai, trải mấy thế hệ qua – kể từ Nguyễn Hữu Đang, qua Nguyễn Chí Thiện, đến Bùi Thanh Hiếu.
Cái giá của độc lập/tự do, tất nhiên, phải mắc – đã đành. Điều khó đành lòng, phải nói, là dân Việt lại vớ nhằm của giả mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt – từ hơn nửa thế kỷ qua.

Tưởng Năng Tiến

(*) Tất cả các bản tin về phiên toà xử Nhân Văn - Giai Phẩm, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đều có thể đọc được ở talawas.
(**) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động phát hành tháng 6 năm 1993 - nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản, nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo - và đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Tác phẩm này được Tạp Chí Văn Học ở California in lại năm 2006.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Dốt Nát & Ngụy Tín
Fri, 10/19/2012 - 16:13
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến


“Chỉ khi nào có sự thay đổi chế độ để nước ta trở thành DÂN CHỦ thực sự, mới mong có sự cãi tổ toàn diện cho nền giáo dục VN. Bằng không, tất cả mọi sửa chữa chỉ là VÁ VÍU và sẽ không đi đến đâu.”

Khách Qua Đường – độc giả trang Dân Luận.


Tháng Chín năm 1975, giáo sư Lý Chánh Trung được mời ra Hà Nội để tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất. Chuyến đi được ông kể lại, với rất nhiều hào hứng:

“Ra Bắc, gặp một cô lái đò, cô hỏi: có phải là giáo sư Lý Chánh Trung không? Đúng là tôi. ‘Trước 1975, cháu có đọc nhiều bài viết của chú, cháu thích lắm...’

“Lý Chánh Trung tấm tắc đưa ra nhận xét: Trình độ văn hóa ngoài Bắc cao. Chiến tranh như thế mà một cô lái đò cũng tìm đọc Lý Chánh Trung ở trong Nam...” (Miền Đất Lạnh – Nguyễn văn Lục, ĐCV).

“Chiến tranh như thế” (rõ ràng) cũng có điểm rất ... hay, và người Việt quả là một dân tộc rất ... lạ. Họ chỉ đọc sách trong thời chiến thôi hà. Gần bốn mươi năm sau, sau khi đất nước hoà bình và thống nhất, và sau khi trình độ văn hóa (thấp) ở miền Nam đã được nâng lên cho bằng với văn hoá (cao) ở miền Bắc, trong một cuộc phỏng vấn dành cho VietNamNet – vào ngày 3 tháng 5 năm 2012 – ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, kiêm Giám Đốc Thái Hà Books) rầu rĩ cho biết:

“Người Việt đọc chưa đến 1 cuốn sách/năm!Không thiếu những cuốn sách quý chở tư tưởng hiện đại và tư duy mới về Việt Nam, được dịch thuật một cách kì công. Nhưng câu chuyện về vỏn vẹn 500 bản in cho mỗi đầu sách quý này, tính trên số lượng 88 triệu dân – tức là chỉ có xấp xỉ 0,00057% dân số tiếp cận – quả là một con số giật mình.”

Chưa hết, báo Dân Trí vừa cho phổ biến công bố của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Toàn Cầu (World Intellectual Property Organization) – theo đó “VN đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng.”

Thảo nào mà ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội, đã bầy tỏ sự lo lắng “rằng trong các vụ tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc, cũng có đa số là những người khiếu kiện đất đai bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh – trật tự.” Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, TGĐNHVN, cũng phàn nàn y như vậy: “Do dân trí VN chưa cao, nên người dân không biết ngân hàng nào tốt hay xấu.”

Ở nước ngoài, Đại Sứ Đỗ Xuân Đông cũng có nỗi băn khoăn tương tự: “Giá trị dân chủ là cái đích, mà tất cả chúng ta đều mong tiến tới. Nhưng trình độ dân trí của dân ta còn thấp lắm, nên chưa thể làm như vậy được.”

Thế còn quan trí?

Câu trả lời xin được dành cho một nhân vật (rất) có thẩm quyền, nhà báo Trương Duy Nhất:

“Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi:

– Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm, tìm thế nào để đọc được?

Tôi thật thà:

– Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ Trương Duy Nhất là ra hết !

Vậy mà ổng trợn tròn mắt:

– Gút- gồ là cái chi rứa ?

Thật tình không dám cười vì sợ thất thố!"

Ông Trương Duy Nhất (rõ ràng) là một người vô cùng lịch sự và tế nhị. Không phải nhà báo nào cũng có được những phẩm chất cao qúi đó. Bà Phạm Thị Hoài (rành rành) là một “nhà” như thế:

“Những lời hùng biện nổi tiếng của Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang có nguy cơ nhường vị trí đầu bảng cho phát ngôn của Bí thư Thành ủy Hải Phòng ngày 17.2.2012 tại CLB Bạch Đằng, trong đó ông Nguyễn Văn Thành cảnh báo nguy cơ từ tai nạn truyền thông về sự cố trong lãnh địa do ông cai quản, với hơn 1500 bài báo và ‘5 triệu người vào mạng Gú gờ chấm Tiên Lãng’...

Khả năng của Gú gờ là vô tận, chúng ta biết. Nhưng vẫn bị bất ngờ, mà chính Gú gờ cũng sửng sốt. Một chương mới trong lịch sử internet sắp mở. Gú gờ còn có thể chấm rất nhiều thứ khác.

Trước hết là chấm sự dốt nát của vị tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, cử nhân Anh văn Nguyễn Văn Thành, người lãnh đạo cao nhất của Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương lớn thứ ba trong toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ở vị trí đó, theo cơ chế chia ghế của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và có thể lên đến ủy viên Bộ Chính trị.”

“Ai cũng có cái dốt của mình. Dốt mạng không phải là tội. Nhưng trường hợp ‘Gú gờ chấm Tiên Lãng’ cho thấy hai điều đáng gọi là rùng rợn:

Thứ nhất, tác giả của phát minh nói trên, ông tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, là một trong 175 người lãnh đạo cao nhất của 90 triệu người Việt Nam, tức thuộc giới thượng lưu chính trị của đất nước. Thứ hai, một sự dốt nát như thế chỉ có thể dõng dạc diễn thuyết như thế, khi nó chắc mẩm rằng cử tọa còn ngu dốt hơn nhiều.”

Tôi đồ chừng rằng bà Phạm thị Hoài có thành kiến hay tư thù (chi đó) với ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Văn Thành nên mới nặng lời đến thế. Chứ sự dốt nát của hai quan chức này (nói nào ngay) cũng không tệ hại gì cho lắm, nếu so với một vị lãnh đạo (kính yêu) khác – ông Nguyễn Tất Thành:”Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được.”

Tất nhiên không phải mọi người họ Nguyễn đều nói năng bậy bạ và nhảm nhí như quí ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Văn Thành, hay Nguyễn Tất Thành. Xin đơn cử một thí dụ, ông Nguyễn Gia Kiểng: “Ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố, và tội ác.”

Bác Kiểng nói không sai nhưng (e) hơi bị thiếu. Nếu thêm hai chữ (“dốt nát”) nữa vào cuối câu – chắc chắn – nghe sẽ đầy đủ và thuận nhĩ hơn: “Ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố, tội ác, và ... dốt nát.”

Hoạ cộng sản sẽ qua và (rất) có vẻ sắp qua nhưng nghèo khó, bạo lực, tội ác, và dốt nát (chắc) sẽ còn ở lại hơi lâu. Bao lâu thì tùy vào cái cách chúng ta tiếp nhận, cũng như xử lý những “di sản” thổ tả này trong những ngày tháng tới.

Riêng đối với sự dốt nát, hãy thử nhìn sang nước láng giềng xem người dân Miến Điện đang rục rịch phản công lại với giặc dốt ra sao trên mảnh đất khốn cùng của họ – theo như tường thuật của Từ Khanh, từ Yangon:

“Sau khi được trả tự do, Daw Suu vận động thành lập 36 ‘trường’ tư. Đúng hơn nên gọi là ‘trường thí’ vì học sinh không phải đóng tiền, dành cho các gia đình nghèo không đủ sức cho con theo học trường nhà nước (đủ thứ phí)... Chúng tôi bàn sẽ thuê xe đi thăm bốn trong 36 trường của Daw Suu nằm ở ngoại vi Yangon....

Khái niệm ‘trường’ sẽ không đúng khi đến các ngôi trường này, vì mỗi trường chỉ gồm một lớp học. Cả bốn cái trường đều nằm trên những khu vực sinh lầy và hôi hám xa trung tâm Yangon vài chục cây số...

"Sau suốt ngày dài, chúng tôi từ giã bốn ngôi trường trong tâm trạng buồn bã nhưng tràn đầy hy vọng và phấn khích. Nền giáo dục Miến Điện, như ở mọi thể chế không tự do, bị thui chột và đồng dạng. Bảy mươi phần trăm sinh viên đại học đều học hàm thụ, mỗi năm chỉ tập trung ở trường tám ngày. Trên năm mươi phần trăm trẻ em thất học. Những đứa trẻ được đến trường công thì cha mẹ phải đóng phí học thêm để thầy giáo kèm thi. Nhà chùa, dưới chế độ quân phiệt, đóng vai trò hướng dẫn cuộc sống đời và đạo.

Nhưng dù thực trạng não nề nhưng một con đường mới đang thắp sáng trước mắt. Những ngôi trường của bà Aung San Suu Kyi là một định hướng chiến lược, dù gần ba trăm giáo viêntình nguyện đang dạy trên 20.000 học sinh đều chưa qua trường lớp sư phạm, phần lớn mới học xong trung học. Một khởi sự đầy nhọc nhằn trong bầu khí dân chủ đang chuyển biến ngoạn mục trên quê hương đã quá nhiều lầm than.

Bắt đầu trang bị cho thế hệ mới những điều không được nói trên nửa thế kỷ qua từ khi nhà độc tài Ne Win chiếm quyền năm 1962.Bắt đầu công khai cấy ý thức dân chủ, thế nào là quyền căn bản của con người. Các lớp học trong chùa suốt năm thập niên qua tiếp tục dạy con người trở thành kẻ hiền lương trong mọi hoàn cảnh. Họ đã đạt được mục tiêu đó. Những chuyển động tài bồi dân trí hiện nay đang hướng về những kiến thức thời đại. Dạy làm người hiền lương là điều khó nhất nhưng họ làm được, trang bị những tri thức thời đại là điều tất nhiên sẽ thành.”

“Nhà chùa, dưới chế độ quân phiệt, đóng vai trò hướng dẫn cuộc sống đời và đạo." Chùa chiền, thánh thất, giáo đường ở Việt Nam không có cái may mắn đó. Đám tướng lãnh ở Yangon (xem chừng) cũng không chuyên nghiệp và chu đáo như những vị lãnh tụ kính yêu ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh, theo như ghi nhận của Dương Kế Thằng:

“Từ nhà trẻ đến đại học, sứ mệnh chính là cấy thế giới quan cộng sản vào tâm trí của học sinh, sinh viên các cấp. Các viện nghiên cứu khoa học xã hội, đoàn văn công, cơ quan truyền thông và trường học tất thảy đều trở thành công cụ cho sự độc quyền của Đảng về tư tưởng, tinh thần và quan điểm, và tất cả các cơ quan này liên tục tham gia nhào nặn tâm hồn của thế hệ ...”

“Trong hoàn cảnh suy nghĩ và thông tin bị bưng bít như vậy, chính quyền trung ương dùng bộ máy độc quyền của mình cho công tác lâu dài là làm cho mọi người thấm nhuần các giá trị cộng sản đồng thời phê phán và bài trừ bất cứ giá trị nào khác. Bằng cách này, tâm trí của giới trẻ hình thành những cảm xúc rõ rệt và sâu sắc về đúng/sai và yêu/ghét, và những cảm xúc đó hóa thành niềm khao khát mãnh liệt muốn biến các lí tưởng cộng sản thành hiện thực. Lúc đó, bất cứ lời nói hay hành động nào phản đối hay đi chệch khỏi những lí tưởng này sẽ bị toàn thể mọi người nhất loạt đả kích(*).”

Nạn nhân của chế độ quân phiệt, ngó bộ, dễ thoát hơn là nạn nhân của chế độ cộng sản – theo như nhận xét của giáo sư Cao Huy Thuần: “Ở Myanmar, dù tướng tá có hư hỏng, văn hóa đó vẫn còn tốt, xã hội đó vẫn còn tốt, con người ở đó vẫn còn tốt, vẫn còn cùng nhau chia sẻ một đạo đức chung.”

Từ Khanh, qua bài viết thượng dẫn, cũng có nhận xét (gần) tương tự: “Người Miến Điện, khi bị cai trị bằng súng đạn, vẫn có một sức mạnh bền bĩ nhờ tín ngưỡng. Họ dùi mài niềm tin trong im lặng, thâm trầm, y cứ vào lời dạy của giáo chủ để làm phương châm sống. Sự dùi mài niềm tin ấy trở thành máu thịt, rèn luyện họ thành những trí tuệ biết tập trung vào công việc. Những đền đài và tượng đài vĩ đại nhất thế giới của họ không làm bằng sự tự mãn, bằng xương máu, hoặc để được ghi vào sách Guiness, mà được tỉ mỉ dựng xây từ thế hệ này qua thế kỷ khác, bằng công và của chắt chiu từng ngày.”

Về tín ngưỡng, cũng như về văn hoá – xem chừng – nước Việt không có những ưu điểm tương đồng. Vì thế, trong việc đối phó và xóa bỏ vô số những điều ngụy tín đã thấm sâu vào lòng người, dân Việt chắc sẽ gặp rất nhiều trở lực. Dù vậy, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta sẽ nói KHÔNG với sự ngu xuẩn, dối trá và bất nhân. (**)


Tưởng Năng Tiến

(*) Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (2). Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh (The Fatal Politicsof the PRC's Great Leap Famine: the preface to Tombstone).Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Ăn Học & Ăn Nói
Fri, 11/09/2012 - 10:08
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến


“Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng dậy đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.”
Bùi Ngọc Tấn


Tôi không rành ngoại ngữ nên chỉ đoán non, đoán già rằng nhân loại (chắc) không mấy ai “đam mê” chuyện ăn uống như là dân Việt: ăn tết, ăn giỗ, ăn khao, ăn cưới, ăn đám, ăn mừng ... Ngoài ăn trưa, ăn tối, ăn chiều và (thỉnh thoảng) ăn dặm, ăn chơi, ăn hàng – như đa phần thiên hạ – người Việt còn ăn chực, ăn ké, ăn quà, hay ăn vặt ... suốt ngày.

Và cách ăn của chúng ta, xem ra, lại (thường) không được thanh nhã hay tử tế gì cho lắm: ăn bẩn, ăn vụng, ăn hớt, ăn bớt, ăn xén, ăn chận, ăn lường, ăn quỵt, ăn theo, ăn mảnh, ăn lẻ, ăn gian, ăn tham, ăn không, ăn vạ... Đó là chưa kể đến chuyện ăn mày, ăn xin, ăn nhặt ... hoặc ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, và tệ nhất là ăn tiền, ăn hối lộ hay còn gọi một cách bóng bẩy là tham nhũng!

Trong giới hạn cho phép của môt bài báo ngắn, câu chuyện hôm nay chỉ xin giới hạn vào hai chuyện (nhỏ) có liên quan đến miếng ăn: ăn học và ăn nói.

Vi nạn tham nhũng nên dù sống trong một quốc gia có con số xuất khẩu lúa gạo cao nhất thế giới, nhiều người dân Việt vẫn không đủ cơm ăn – theo như tường trình của báo Dân Trí , đọc được vào hôm 5 tháng 09 vừa qua:

“Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao, việc đầu tiên của những cô giáo trước ngày khai trường, không phải là nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra cách thu tiền mà là ‘dân vận’ để cha mẹ học sinh đồng ý đưa con đến trường. Không thể có giáo dục nếu như không có những ngôi trường. Nhưng cũng không thể có những ngôi trường nếu như không có học trò. Chỉ buồn là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ. ..

Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là bát cơm có miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ, thậm chí xa lạ. Chúng tôi đi từ Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, ngược lên Phong Thổ, Mường Tè, qua 9 điểm bản và nhận ra một điều rằng, ở bất cứ trường học vùng cao nào cái khó nhất của thầy trò nơi đây chính là bữa ăn...”

Cái đói, tất nhiên, không chỉ giới hạn ở những vùng thượng du miền Bắc mà hiển hiện khắp mọi nơi. Tại một phiên chợ sớm, họp lúc nửa khuya và tan lúc trời vừa hừng sáng – tại thị trấn A Lưới, Thừa Thiên, Huế – phóng viên Như Ý và Văn Long đã ghi lại được nhiều hình ảnh mưu sinh (nhọc nhằn) của những bé thơ miền núi:

“Em Hồ Thị Nhơn, 5 tuổi (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo) thức dậy từ 2h đêm với mớ rau má mang đi. Em Hồ Thị Hiền, học sinh THCS Hồng Quảng đang ngồi bên chậu hến. Hồ Thị Hiền tâm sự: ‘Buổi chiều, khi cô giáo cho lớp nghỉ là em lên cái suối xa để mò con hến, rồi chờ đến sáng sớm mai để đem xuống chợ.’ Mỗi lon hến tươi của Hiền có giá 1.000 đồng. Em vẫn đi mò thường xuyên, và sau mỗi buổi chợ em có được 10 đến 15 ngàn để giúp mẹ cải thiện bữa ăn gia đình và mua thêm sách vở.”

Không cần phải là thầy bói, người ta cũng đoán được rằng trên bàn tay của các em Hồ Thị Nhơn và Hồ Thị Hiền không có đường học vấn; hoặc, lỡ có, chắc cũng ngắn thôi. Không đứa bé nào có thể tiếp tục thức dậy lúc hai giờ sáng để em hến đem rau ra chợ bán, xong vội vã đến trường, rồi tan trường lại lật đật đi hái rau mò hến .... cho buổi chợ hôm sau mãi mãi.

Đời sống có những nhu cầu ưu tiên sắp sẵn: ăn – học. Cơm chưa có đủ ăn, áo chưa có đủ mặc. Nói chi đến chuyện học hành làm chi cho nó thêm phiền.

Miếng ăn ở miền xuôi, về cơ bản, coi như tạm ổn. Chuyện ăn/học không còn là một vấn nạn lớn cho phần đông dân chúng. Tuy nhiên, người dân lại phải đôi diện với một vấn nạn khác: ăn/nói:

“Sếp ăn dữ quá...Một chuyến đi Hồng Kông về được là bao. Sếp xuống gặp thuyền trưởng nói thẳng: Chuyến này lo cho hai trăm triệu nhé... Hai trăm trịệu chứ ba ba trăm triệu cũng phải nôn ra. Thế là anh em lại phải đóng góp. Đây chỉ là khoản đóng góp đột xuất thôi. Các chuyến khác thấp hơn nhưng vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu...những buổi họp cán bộ chủ chốt, đến hội nghị công nhân viên chức, sếp lên nói chuyện. Sếp toàn nói về những điều to lớn hệ trọng, về toàn tâm toàn ý xây dựng xí nghiệp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, về năng động sáng tạo, và chống lãng phí tham ô, về vấn đề phát huy tinh thần làm chủ, đấu tranh xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nói mà không hề ngượng nghịu, không hề vấp váp."

- Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.
- Cái tài của các sếp chính là ở chỗ ấy. Có thế mới làm sếp được...”

(Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008,197).

Theo Khánh Phương tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá “nói bằng ngôn ngữ trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu, và cả tiếng thở dài” về “những góc khuất của đời sống và con người” trong một công ty đánh cá quốc doanh, khi Việt Nam vừa bước vào Thời Kỳ Đổi Mới.

Image
Ảnh: tintuchangngay.org

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, “các sếp” mỗi lúc một “ăn dữ” hơn và “nói” cũng nhiều hơn mà chả hề “ngượng nghịu” hay vấp váp” gì ráo trọi. Về chuyện ăn, gần đây, blogger Đào Tuấn ghi nhận:

“Ngày 5-6-2006, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XI, Báo cáo kiến nghị cử tri của Mặt trận đã đề cập tới nhiều vấn đề ‘chưa được giải quyết’, ‘chưa chuyển biến rõ’, thậm chí ‘ngày càng nghiêm trọng hơn trước. Điểm tên cụ thể một số vụ án tham nhũng điển hình: vụ xây dựng khu du lịch ở Khánh Hoà; dự án nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2; mua sắm thiết bị ở 38 bưu điện các tỉnh; vụ Cảng Thị Vải trong ngành dầu khí và tất nhiên, vụ tham nhũng, tiêu cực tại Ban quản lý các dự án PMU 18, báo cáo đánh giá: Tham nhũng lãng phí ‘ngày càng nghiêm trọng hơn trước’ ... Điều này không khó hiểu khi mức độ thiệt hại chỉ của riêng một tập đoàn đã gây lãng phí bằng tất cả các vụ từ năm 2006 đến nay cộng lại.”

Cái “tập đoàn” mà Đào Tuấn vừa đề cập đến đã được tác giả Nguyễn Trung chỉ tên và mô tả như sau:

“Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Vinashin khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Văn phòng của Thủ tướng với quyết định 103/QĐ- TTg và cái đích đến là 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới… Sau bốn năm hành trình và chưa rời bến được bao xa thì Vinashin đã chìm xuống biển sâu... dù vụ đắm tàu Vinashin không cướp đi những mạng người, nhưng cơn ác mộng của nó gây ra không phải là nhỏ. Hàng chục ngàn người mất việc. Nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản hay chìm ngập trong nợ nần vì hùn hạp làm ăn với Vinashin, vì nhận thầu của Vinashin. Nhiều gia đình, mà trong có nhiều người về hưu, thương bệnh binh lâm vào sự khó khăn túng quẫn vì đã lỡ cho Vinashin vay mà không đòi được tiền.”

Dư luận, trong cũng như ngoài nước – xem ra – đều có vẻ đồng thuận với nhận xét khắt khe, thượng dẫn. Theo phân tích của blogger Đào Tuấn, Vinashin chỉ là một cái bánh vẽ. Còn theo tuần báo Trẻ – phát hành từ Dallas, Texas – cái gọi là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, thiệt ra, đúng là một “cái máy rửa tiền.”

Nó rửa đâu cỡ chừng ... vài tỉ Mỹ Kim!

Xong, ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng nói tỉnh queo:” Quyết tâm năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”
Trong khi chờ đợi “cái mới” này thì nhà báo Ngô Nhân Dụng khám phá ra một “cái mới” khác:

“Hết cái lỗ hổng Vinashin lại đến cái lỗ ALC II! (Ban kiểm toán công ty ALC cuối tháng 10, 2010 cho biết, năm 2009 ALC II lỗ tới 3,004 tỷ đồng bạc Việt Nam (gấp 8.5 lần vốn điều lệ chỉ có 350 tỷ). Công ty ALC II làm thất thoát số tiền của Nhà nước tới 4,617 tỷ đồng. Trong số các món nợ có đến 60% là nợ xấu, tức là người vay không trả được đúng hạn! Trong ba tháng cuối năm 2009, ALC II thiếu 1,763 tỷ đồng không có tiền để trả ai hết; và đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4,000 tỷ.)

Rồi ổng than trời: “Đã bao năm khai thác tài sản của nước Việt Nam, sức lực của người Việt Nam, không biết bao giờ đến lượt cái tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng mới về hưu?”

Bác Ngô Nhân Dụng nói chuyện về hưu khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (Công Chức Bị Buộc Thôi Việc Nếu Hai Năm Liền Làm Việc Kém) đọc được trên tờ Dân Trí vào ngày hai tháng 7 năm 2009:

“Có hai trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc, gồm: có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản; bị cơ quan, tổ chức, đơn vị cho thôi việc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ... Nghị định sẽ có hiệu lực kể từ ngày một tháng giêng năm 2010.”


Bây giờ là cuối năm 2012, tuyệt nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy “tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng sắp hay sẽ về hưu” hết trơn hết trọi. Đã thế, theo BBC: “tại một buổi nói chuyện tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật ngày 21/10 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công chức nhà nước phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng.”

Ông Dũng lại khiến tôi nhớ đến đoạn văn thượng dẫn (trong cuốn Biển Và chim Bói Cá) của Bùi Ngọc Tấn:
“Sếp toàn nói về những điều to lớn hệ trọng, về ... xây dựng chủ nghĩa xã hội, về năng động sáng tạo, và chống lãng phí tham ô, về vấn đề phát huy tinh thần làm chủ, đấu tranh xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nói mà không hề ngượng nghịu, không hề vấp váp.

- Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.
- Cái tài của các sếp chính là ở chỗ ấy. Có thế mới làm sếp được...”
User avatar
dhth
Posts: 272
Joined: 09 Mar 05, Wed, 9:17 am
Location: USA

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by dhth »



XƯNG TỘI


Tưởng Năng Tiến


- Thưa cha con muốn xưng tội : Trước năm 75, có mấy nguời cán bộ cộng sản nằm vùng bị truy lùng đến xin tá túc, và con có chứa họ dưới hầm nhà …
- Giúp đỡ tha nhân khi họ kêu cứu trong lúc bị hiểm nguy không phải là một cái tội.
- Nhưng thưa cha…
- Con cứ yên tâm ra về. Điều con làm hoàn toàn hợp với tinh thần bác ái của Chúa Ky Tô và văn hoá của dân tộc Việt. "Thương người như thể thương thân. Rét thời cho mặc, đói thời cho ăn". Gia Huấn Ca cũng có dậy như vậy. Chúng ta không thể vì chính kiến hay lòng thù hận mà bỏ nguời ta đói khát trong cơn hoạn nạn; hoặc tệ hơn nữa là tố giác những kẻ ở bước đường cùng.
- Thưa vâng nhưng thưa …
- Cha hiểu …đó không phải lỗi của con. Nếu những kẻ được cứu giúp trong cơn hoạn nạn, sau này, trở mặt, lấy ân báo oán hoặc lại tiếp tục con đường tà đạo thì đó là tội lỗi của họ…
- Dạ vâng nhưng điều khiến con áy náy là…
- Là gì nữa ?
- Là vì họ… vẫn còn dưới hầm nhà…
- Con nói sao ?
- Thưa cha, qúi vị cán bộ cộng sản trốn dưới hầm nhà con vẫn còn sống ở duới đó cho mãi đến bây giờ.
- Ối, Giê Xu Ma…lậy Chúa tôi ! Sao lại thế, hả con ?
- Vì con vẫn chưa cho họ biết là cách mạng … đã thành công !
- Nhưng… sao… sao… con lại … lại … đãng trí đến như thế được
- Tại con rút kinh nghiệm hồi kháng chiến chống Tây. Thuở ấy, bố con cũng chứa cán bộ cộng sản trong nhà; sau này, chính những nguời này đã "dàn dựng" để "nhân dân" mang ông cụ ra … đấu tố cho đến chết ! Bởi vậy nên con sợ…
- Kể thì cũng như nuôi rắn trong nhà, đáng sợ thật chứ chả phải chuyện đùa !
- Xin cha giúp con…
- Thôi thế này con ạ, về lấy xi măng lấp luôn cái hầm nhà lại cho… xong ! Đỡ được đứa nào hay đứa đó. Tội nghiệt này, xin Chúa nhân từ chứng giám, ta xin chịu thay con.
- Con xin lĩnh ý cha; tuy nhiên, việc làm này, cũng xin Chúa nhân từ chứng giám ("I am more than happy to do that…"), con làm thì con chịu, không liên hệ gì đến cha hoặc bất cứ ai.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Công An Văn Hoá & Văn Hoá Công An
Fri, 12/14/2012 - 08:17Tưởng Năng Tiến


Ai nuôi chúng mày lớn,
Cho áo mặc, cơm ăn,
Để mà theo bọn ác
Quay lại đánh người dân?


Thái Bá Tân


Có bữa, vừa mới đặt mắt vào trang Dân Luận đã thấy hình (ngó buồn thiu) cùng với những lời càm ràm của nhà báo Trương Duy Nhất:

“Sau khi về quê ngoại truy lục lý lịch, sáng qua thứ sáu 12/10/2012, công an tiếp tục làm việc với tôi. Thật ra đây là lần thứ ba. Hai lần trước tôi đã im lặng bởi coi đó là những động thái góp ý thiện chí, tích cực. Lần này là A 87 (cục an ninh thông tin truyền thông Bộ Công an), cơ quan an ninh văn hóa và an ninh điều tra…

Một ‘biên bản lấy lời khai’ được lập như mọi lần. Tôi ký như muốn rạch nát tờ giấy sau khi ghi ‘Tôi không đồng ý với cách ghi lời khai’ bởi tôi không phải là tội phạm và cũng không có hành vi sai phạm nào. Tôi không đồng ý với những nhận xét mang tính qui chụp của câu hỏi. Trang blog của tôi không có bất cứ điều gì sai phạm.”

Image
Ảnh: truongduynhat.net

Trước đây, cũng đã có lần, tôi nghe nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng cằn nhằn y chang như vậy:
“Mà thằng Tây gian ác cũng lạ… Nó cóc có Ban Tư tưởng, cóc có A25, cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người thò tay, thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập, tự do bây giờ. Trong thời Tây, nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra không biết bao nhiêu là kiệt tác truyền tới hôm nay…”

“Trong thời Tây nô lệ muôn vàn” và“gian ác muôn vàn” thưở trước, nói nào ngay, Việt Nam không có đủ kiểu và đủ cỡ công an như hiện nay: công an khu vực, công an giao thông, công an vũ trang, công an kinh tế, công an tôn giáo, công an biên phòng, công an phòng chống tội phạm, công an môi trường, công an an ninh, công an hình sự, công an tư pháp, công an hải quan, công an phi trường, công an bến cảng...”

Và đất nước này, không chừng, dám là xứ sở duy nhất có một lực lượng được mệnh danh là Công An Văn Hoá (cùng với một thứ văn hoá đặc thù mà nhà báo Bùi Tín đặt tên là nền Văn Hoá Công An) có mặt ở khắp mọi nơi – từ hè phố đông người, vào đến trong trong đồn kín:

“Thỉnh thoảng người ta lại mở một đợt càn quét vỉa hè. Phải nói sức sống vỉa hè thật là dai dẳng. Hàng đoàn công an, phòng thuế, quản lý thị trường, khu phố… giằng từng quang rau muống, xách từng sảo cà chua, thu từ nồi bún riêu, rá xôi. Vỉa hè sạch bách được vài ngày. Rồi như Phạm Nhan, nó lại mọc ra. Lại phải mở một đợt càn quét mới. Biết bao giai thoại, huyền thoại chung quanh việc đó. Nào là một anh quản lý thị trường kéo cái thúng của bà bán xôi đội trên đầu xuống, thế là cả một nồi cứt ụp lên mặt anh ta. Rồi chuyện mấy anh liên ngành thu nồi bún riêu vào trụ sở đang ngồi đánh chén với nhau thì bà bán bún vào, bà móc túi lấy ra mấy quả chanh để các thủ trưởng dùng “vì riêu nhà em hôm nay ít chua.” ( Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000).

Khi vào miền Nam, ảnh hưởng tính ôn hoà của sông nước Cửu Long, Văn Hoá Công An – xem ra – có phần xuê xoa hơn chút xíu:

Samit nói ít hiểu nhiều
Ba Con Năm (555) vừa nằm vừa ký.


Qua đến Thời Kỳ Đổi Mới, tác giả Hồ Phú Bông có nhận xét như sau:

“Thế giới bắtđầu đổ tiền của đầu tư vào ViệtNam. Tài nguyên, biển, đảo, đất đai,cộng thêm sức cần cù lao động của nông dân, công nhân nghèo khó, ‘Đảngta’ đem đánh đổi tất cả cho Trung Cộng và Tư Bản để chia chác lợinhuận. Cũng chẳng cần che dấu, bất cứ nơi nào cơ ngơi của ‘Đảng ta’cũng bề thế hơn của chính phủ. Đảng ủy, Chính trị viên bao giờ cũngnắm trọn quyền lực. Tài sản của đảng viên, viên chức, con cái và giađình giàu nứt đố đổ vách trước sự cùng khốn của cả ¾ dân số cả nước.Kỳ công nầy là phần thưởng tự chia chác của tầng lớp cai trị và phecánh.”

Phần thưởng của phe công an, tất nhiên, không nhỏ. Nhờ thế, tô bún riêu, điếu thuốc lá (thời bao cấp) không còn là nhu cầu thiết thân hàng ngày của họ nữa.

Phú qúi sinh lễ nghĩa. Đám công an, từ đó, mỗi lúc một thêm quan quyền và quan cách. Họ có thể bóp cổ người dân chỉ vì “đi xe máy và bật đèn pha quá sáng” – theo như tường thuật của báo Dân Trí:

“Ông Nguyễn Văn Thanh (Phó trưởng Công an xã Long Hòa, thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã dừng xe anh Bùi Văn Hùng, trói tay chân rồi cùng 2 người khác đánh đập, bóp cổ cho đến khi anh Hùng bị kiệt sức. Lý do chỉ vì nạn nhân đi xe máy và bật đèn pha quá sáng. Sự việc xảy ra tối 5/7, tại ấp Tân, xã Long Hòa. Anh Hùng dọa sẽ tố cáo liền bị ông Thanh dùng chân đạp thẳng vào mặt anh nhiều lần.”

Dùng chân “đạp thẳng vào mặt người dân” không phải là phương cách tác nghiệp riêng biệt của ông Nguyễn Văn Thanh ở Tiền Giang, hay ông Nguyễn Đức Minh ở Hà Nội. Cứ theo như “sưu tập” của tác giả Trương Nhân Tuấn (đọc được trên trang Thông Luận) thì công an ở bất cứ đâu cũng đều tai quái như thế cả:

- Ngày 8/8, anh Nguyễn Văn Hô, trong lúc đi xe đạp ngang qua đồn công an phường Thanh Xuân, Hà Nội, đã bị hai công an chạy từ trong đồn ra gọi giật lại, rồi bị đánh nhiều lần vào đầu, ngực, tát và giật tóc. Lý do chỉ vì anh Hô bị vẩu nặng, răng chìa ra, theo lời hai công an thì “trông ngứa mắt”, “như trêu tức chúng ông”.

- Ngày 4/6, chị Trần Thị Thắm, mua bán đồng nát, đã bị ông Trần Nguyên, phó đồn công an ở thị xã Phú Thọ, bắt giam 24 tiếng. Lý do là chị đã rao “Ai sách báo giấy cũ bán đêêê….” quá to làm mất giấc ngủ trưa của ông Nguyên. Theo người dân xung quanh kể lại, chị Thắm đã bị bắt tự tay đốt hết đống giấy và các-tông chị thu lượm được trong ngày, và bị dán băng dính vào miệng trước khi được thả ra về.

- Ngày 24/3, đầu bếp và chủ nhà hàng thịt chó Hồng Cẩu ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã bị bốn công an đuổi đánh. Hai người này phải nhảy xuống ao bơi mới thoát được trận đòn. Lý do là món dựa mận của nhà hàng “không được nhừ”, ngoài ra lại bị “hết bánh đa”. Không bắt được chủ quán, bốn công an quay lại đập phá bát đũa, bàn ghế...

Chỉ vì bật đèn quá sáng, rao hàng quá lớn, hay nấu món rựa mận không nhừ mà người dân Việt bị công an đạp vào mặt, dán băng dính vào miệng, hay tẩn cho nhừ đòn là chuyện thường ngày – lâu nay – vẫn xẩy ra ở huyện. Nó đã trở thành truyền thống văn hoá, Văn Hoá Công An.

Image
Nguồn ảnh: hoacai2012

Và với thời gian thì mức độ tàn ác của cái thứ văn hóa bạo ngược này mỗi lúc một đáng ngại, theo như nhận xét (tổng quát) của blogger Lê Anh Hùng:

“... như vụ việc Đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân lính bắn xối xả vào nhà ông Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5/1/2012 để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật rồi sau đấy lại tự vỗ ngực huênh hoang rằng đó là ‘trận đánh đẹp’; vụ Trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ ngày 28/2/2011 khiến ông tử vong nhưng chỉ bị Toà án Hà Nội tuyên xử 4 năm tù giam; vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết tại đồn công an huyện Bến Cát (Bình Dương) với nhiều thương tích trên người song phía công an lại thông báo là anh Nhựt ‘tự nguyện ở lại đồn công an trong 4 ngày từ 21-25/4/2011 rồi tự tử vì ân hận’, còn viên cảnh sát được giao điều tra vụ việc khi anh Nhựt đang bị tạm giữ thì trắng trợn gạ tình vợ đương sự; hay hiện tượng tiêu cực ngày càng ngang nhiên và lộ liễu trong lực lượng CSGT suốt bao năm qua, v.v.”

Sau “trận đánh đẹp” ở Hải Phòng của đại tá Đỗ Hữu Ca, nền Văn Hoá Công An còn vượt lên cao hơn nữa qua câu nói của Trung Tá Vũ Văn Hiển (“tự do cái con c...”) vào ngày 24 tháng 9 – khi đương sự nhìn thấy một thanh niên VN, mặc áo có in dòng chữ “tự do cho những người yêu nước.”

Rồi nó lên đến đỉnh cao chói lọi sau khi đại tá Nguyễn Sáu - Thủ Trưởng Cơ Quan An Ninh Điều Tra tỉnh Long An - khẳng định:

"Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo gia đình bị can Uyên nhận phải mất vài ngày chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu."

Theo nhận xét của blogger Lê Diễn Đức thì đây “là một người khoác mã đại diện pháp luật nhưng trong não bộ trống rỗng kiến thức về pháp luật, hoặc là một kẻ trơ tráo, vô liêm sỉ và coi thường dư luận. Một sự dối trá chính danh, được ký tên đóng dấu!”

Đỗ Hữu Ca, Vũ Văn Hiển, Nguyễn Sáu ... không phải là những kẻ mới từ trên Trời rớt xuống. Họ đều sinh trưởng trong lòng cách mạng Việt Nam, và đều là thành quả tự nhiên của chế độ công an trị.

Chế độ này đã từng có vị Bộ Trưởng Công An đầu tiên, tên Trần Quốc Hoàn, là một kẻ sát nhân (trong vụ thảm sát hai chị em bà Nông Thị Xuân và Nông Thị Vàng) và vị Bộ Trưởng Công An đương nhiệm, tên là Trần Đại Quang, là một kẻ đang bị dư luận kết án về tội “đổi trắng ra xanh” và “man khai lý lịch cũng như bằng cấp.”

Những tên vô lại này sẵn sàng nhúng tay vào bất cứ tội ác nào – miễn là “còn Đảng còn mình” cho dù là đảng cướp.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Bên thắng/bên thua & những bức tường lòng


Image
"Bức tường Bá Linh nằm trong đầu óc của người Việt miền Đông với người Việt miền Tây còn cao hơn cả bức tường của người dân Đức đối với người dân Đức."

Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Dân Việt đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt. Nếu chúng ta không vượt qua được những bức tường lòng hiện hữu, không xếp lại được những lông nhọn tua tủa tự mỗi người, và mọi phe nhóm đều nhất định "tử thủ" trong pháo đài của riêng mình thì (e) khó mà qua khỏi được cơn quốc nạn này. Vấn đề không phải là mùa Đông sẽ kéo dài vô tận mà vì đất nước (cũng như lòng người) sẽ bầm dập, te tua, tan nát, và tanh bành - sau đó...

*

Khi còn bị phân chia bởi bức tường Bá Linh, dân Đức hay kể câu chuyện hài này:

Có một con chó chui tường từ Đông sang Tây. Thấy khách lạ nên lũ chó bên Tây Đức xúm xít và tíu tít hỏi thăm:

- Bên ấy có hội bảo vệ súc vật không?
- Có chứ.
- Có bác sĩ thú y không?
- Có luôn.
- Có thẩm mỹ viện và nghĩa trang dành riêng cho chó không?
- Có tuốt.
- Thế thì việc gì đằng ấy phải vất vả chui tường sang đây?
- Tại vì ở bển bị cấm được cho... sủa!

Tháng 9 năm 1989, bức tường Bá Linh bị đập đổ. Đông Đức được giải phóng. Từ đây, người dân được quyền ăn nói tự do, và chó có quyền.. được sủa.

Sự thống nhất nước Đức về thể chế, cũng như về nhân tâm, tuy không phải là một tiến trình toàn hảo nhưng có thể được coi như là ổn thỏa - ngoại trừ đối với một số người. Họ là những di dân đến từ Việt Nam, theo như tường thuật của Alisa Roth:

"Người Việt vẫn đang là nhóm Á Châu lớn nhất tại thành phố Bá Linh. Những người được mệnh danh là Người Việt miền Tây là những người miền nam Việt Nam, hầu hết là thuyền nhân mà trong những năm tiếp theo chiến thắng 1975 của cộng sản, họ đã đổ đến những vùng bây giờ là Tây Đức.

"Còn người Việt miền Đông là những người đến Đông Đức vào thập niên 1960 và 1970 cùng với các công nhân xuất khẩu từ những quốc gia cộng sản đang phát triển tới làm việc trong các nhà máy…"

"… Cái cộng đồng nhỏ bé này hãy còn duy trì sự chia cắt với hai thế giới, hai phương trời cách biệt. Những ý thức hệ - từng xé nát nước Đức và nước Việt Nam ra làm đôi - hiện vẫn còn luân lưu mạnh mẽ tại nơi đây..."

Nó "mạnh mẽ" tới độ khiến một người dân bản xứ phải thốt lên rằng: "Bức tường Bá Linh nằm trong đầu óc của người Việt miền Đông với người Việt miền Tây còn cao hơn cả bức tường của người dân Đức đối với người dân Đức." ("Berlin’s Divide Lingers For Vietnamese Expatriates Capital’s East - West Gap Reflects Cold War Past," San Jose Mercury News, 12 Jul. 2002:A1/ Việt Mercury 12 Jul. 2002: 1 + 69. Trans. Nguyễn Bá Trạc").

Nói như thế, nghe đã phũ phàng nhưng (vẫn) chưa... hết ý! Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng - ấn bản 2001, Paris, nơi trang 70 - tác giả còn trích dẫn nhận xét của một người ngoại quốc khác về dân Việt - như thế này đây: "Ils ne s’aiment pas" (Chúng nó không ưa nhau đâu).

Cha nội Parisien nào đó nói bậy bạ vậy mà… trúng phóc. Những phương tiện truyền thông và giao thông của thời hiện đại quả có làm cho trái đất nhỏ lại, và khiến cho loài người gần gũi với nhau hơn. Nhưng riêng với với dân Việt thì không. Nhất định là không.

Người ngoài có vẻ "hơi" ngạc nhiên về thái độ "rất kém thân thiện" của dân Việt đối với nhau, trên bước đường lưu lạc. Họ sẽ ngạc nhiên chết (mẹ) luôn nếu biết rằng những "bức tường ô nhục" tương tự hiển hiện khắp chốn, kể cả ở Việt Nam, chứ chả riêng chi ở Berlin.

Dù đất nước đã "thống nhất" hơn một phần tư thế kỷ, dân chúng giữa hai miền Nam/Bắc Việt Nam (rõ ràng) vẫn chưa gần nhau mấy. Đôi lúc, họ ăn ở cư xử với nhau cứ y như những kẻ phải sống trong một cuộc hôn nhân... cưỡng bách vậy.

Theo "truyền thống," người Việt hay chia phe và họ thường nhìn nhau qua những "lỗ châu mai" từ những "pháo đài" của... phe mình. Họ hay gọi nhau là "tụi này" hay "tụi nọ" (tụi Công Giáo, tụi Phật Giáo, tụi Nam Kỳ, tụi Bắc Kỳ, tụi Trung Kỳ...) Gần đây, có thêm một "tụi mới" nữa - tụi thuộc... phe thắng cuộc!

Và đó mới chỉ là những chuyện nhỏ, ở miền xuôi. Ở miền ngược, miền núi, hay còn gọi là miền cao, miền sơn cước (hoặc cao nguyên) thì còn nhiều chuyện... kỳ cục dữ nữa. Nơi đây, một phần dân tộc Việt vẫn chưa được nhìn nhận là người thường hay người Thượng. Họ bị coi là... "tụi mọi" và bị chính đồng bào mình (toa rập với cường quyền) cướp đoạt hết đất đai canh tác.

Nghèo đói quá hóa "sảng" chăng? Khổ cực quá, cùng quẫn quá, bị chèn ép quá nên đâm ra gấu ó, cấu xé lẫn nhau chăng? Không hẳn đã thế đâu.

Tại nước Đức, ngay giữa một thành phố tự do và phú túc, "bức tường Bá Linh nằm trong đầu óc của người Việt miền Đông với người Việt miền Tây (vẫn) còn cao hơn bức tường của người dân Đức đối với người dân Đức" mà. Hơn nữa, như đã thưa, những bức tường lòng (ô nhục) tương tự hiển hiện ở khắp nơi chứ đâu có riêng chi ở Berlin.

Nơi đâu có người Việt quần tụ là tức khắc nẩy sinh những chuyện đố kỵ, chia cách, phân hóa, và đánh phá lẫn nhau túi bụi. Mỗi cộng đồng vẫn thường cần đến hơn một ban đại diện (dù tất cả những ban đại diện “dường như” không đại diện được cho bất cứ ai và cũng không mấy ai - thực sự- cần người đại diện).

Tương tự, mỗi hội đoàn đều có tới hai hay ba ông (bà) chủ tịch, dù cả hội đoàn đều không mấy ai biết rõ là họ hội họp lại với nhau để làm gì. Mọi tổ chức (không chóng thì chầy) nếu không vỡ tan tành thì cũng bể thành vài mảnh!

Người Nga có câu ngạn ngữ là nếu thiếu chó chăn, loài cừu không trở nên bầy đàn được. Cái khó của những cộng đồng người Việt hải ngoại là họ có dư loại chó này. Đã thế, phần lớn, đều là... chó dại!

"Sự kiện vô vàn phi lý, cực độ vô nghĩa, và bất lợi không lường này, đang diễn tiến kết thành hiện tượng phân hóa hỗn loạn, phân liệt khắc nghiệt, chia rẽ trầm trọng giữa những cá nhân, nhóm cá nhân, cộng đồng người Việt" (Phan Nhật Nam, "Lời Khẩn Thiết Nhằm Chấm Dứt Hiện Tượng Phân Hóa"). Cũng theo tác giả bài báo vừa dẫn thì Cục Tình Báo Hải Ngoại, trực thuộc Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng Cộng Sản Hà Nội, là nguyên nhân gây ra những hiện tượng phân hóa tiêu cực kể trên.

Những nhân viên của Cục Tình Báo Hải Ngoại e không tài ba đến thế. Chợ chiều rồi. Chúng nó (nếu có) cũng chỉ lo đánh quả mà thôi và chuẩn bị để chạy thôi.

Thủ phạm không đến từ bên ngoài. Chúng phục sẵn trong “thâm tâm” của tất cả chúng ta.

Khi còn nhỏ, tôi nhớ là đã đọc ở đâu đó - qua lời kể của Schopenhauer - một câu chuyện ngụ ngôn mà nội dung (đại khái) như sau:

Có một mùa Đông lạnh đến độ muốn tồn tại muôn loài đều phải xích lại thật gần nhau để truyền cho nhau hơi ấm. Chỉ riêng có loài nhím vì lông quá nhiều, quá nhọn và không cách nào thu lại được nên đành... chờ chết!

Dân Việt đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt. Nếu chúng ta không vượt qua được những bức tường lòng hiện hữu, không xếp lại được những lông nhọn tua tủa tự mỗi người, và mọi phe nhóm đều nhất định "tử thủ" trong pháo đài của riêng mình thì (e) khó mà qua khỏi được cơn quốc nạn này. Vấn đề không phải là mùa Đông sẽ kéo dài vô tận mà vì đất nước (cũng như lòng người) sẽ bầm dập, te tua, tan nát, và tanh bành - sau đó.


Tưởng Năng Tiến
danlambaovn.blogspot.com
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Sử gia và dân biểu Dương Trung Quốc
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Lúc bé, tôi vẫn thường xem phim cọp. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi rất ít khi có tiền mua vé. Lỡ có, tôi lại muốn dùng tiền để mua những thứ khác: bắp nướng, đậu phụng rang, cà rem, bánh kẹo... để nhai lai rai trong lúc coi phim.

Nhưng làm thế nào để vào cửa cọp mới được chứ? Ít nhất cũng có hai cách. Thứ nhất là đứng xớ rớ truớc cửa rạp, thấy một ông hay một bà trông có vẻ bảnh bao và dễ tính là mình xà ngay đến:

- Thưa chú, thưa dì, thưa cô, thưa bác... con muốn coi cái phim này hết sức nhưng không có tiền, làm ơn dắt con vô luôn nha?

Nếu họ gật đầu là kể như... khỏe. Theo lệ, mỗi người lớn đi xem phim có quyền dắt theo một trẻ em - miễn phí.

Lối thứ hai rắc rối hơn một chút, kém đàng hoàng hơn một tí, và cần một ít vốn đầu tư. Mấy đứa phải hùn hạp đủ tiền cho một thằng hay một con nào đó mua vé (hạng nhi đồng) vào cửa. Rồi nó sẽ len lén mở cửa bên hông rạp, cho cả lũ vào luôn!

Có lần vì giông bão, nên dù là ngày chủ nhật, rạp chiếu bóng cũng chỉ có mấy ngoe mua vé vào xem. Lũ nhi đồng chúng tôi quên chi tiết đó, vẫn tiếp tục rủ nhau vào cửa cọp. Không những thế, nhiều đứa còn “mời” cả anh chị và bố mẹ “đi” luôn. Dân trong xóm tôi đều nghèo, đều rất ham... vui; do đó, gặp ngày mưa buồn bã và rảnh rỗi – rạp hát lại gần nhà – nên mọi người đều vui vẻ... vô luôn!

Chủ rạp kinh ngạc khi thấy vé không bán đuợc bao nhiêu mà bên trong rộn rã tiếng cười đùa vỗ tay của trẻ con, rôm rả tiếng bàn tán nói cười của người lớn. Không cần phải thông minh lắm người ta cũng tìm được lý do, không lâu, sau đó.

Thế là bất ngờ, sau một lời xin lỗi ngắn ngủi qua hệ thống phát thanh, đèn bật sáng lên, chủ nhân cùng nhân viên ào vào xoát vé. Lần lượt từng mạng một, không phân biệt già trẻ lớn bé, không xót một mạng nào, cả xóm bị “mời” ra khỏi rạp bằng những lời lẽ - tất nhiên - hoàn toàn không nhã nhặn.

Đã có lúc vui miệng, tôi kể cho mấy đứa con bé nhỏ của mình nghe về cái kỷ niệm ấu thơ (không mấy êm đềm) này. Chúng đều tỏ vẻ ái ngại và vô cùng thất vọng về thái độ hơi thiếu đàng hoàng của tôi:

– It’s not fun. Như vậy đâu có vui bố.
– And it’s not fair, either! Cũng không công bằng mấy bố à.
– Ờ thì bố cũng thấy là không vui gì cho lắm và có hơi kỳ kỳ một chút.
– Kỳ một chút sao được. It’s cheating, như vậy là ăn gian, đó bố!

Tôi miễn cưỡng đồng ý với tụi nó mà bụng dạ (nói thiệt) có hơi buồn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã gian lận gì nhiều trong chuyện xem phim mà vào bằng cửa cọp. Cũng như tất cả những người dân lớn nhỏ khác của cả xóm mình, tôi chỉ có tội nghèo mà ham... vui, và hơi láu cá chút đỉnh, thế thôi.

Láu cá (rõ ràng) không phải là một đức tính, dù nhìn theo quan niệm đạo đức của bất cứ ai. Bởi vậy, càng già tôi càng đàng hoàng thấy... rõ! Những người tử tế, biết phục thiện, và đàng hoàng tử tế như tôi – tiếc thay – hơi ít.

Tạp chí Khởi Hành số 34, phát hành tháng 8 năm 99, từ California, có bài viết “Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hóa”, của Trần Anh Tuấn, về những người... rất không đàng hoàng như thế. Những kẻ mà đến lúc chết vẫn còn (vô cùng) láu cá!

Một phần của bài viết, ông Trần Anh Tuấn dùng để điểm cuốn Lịch Sử Và Văn Hóa Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức, tập Một, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, nhà xuất bản Văn HóaThông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Nội dung cuốn sách được ông Trần Anh Tuấn ghi nhận như sau:

- “Với hơn 700 trang, các tác giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN.)”.

- “Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Đó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Đôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài.”

- “Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 người, tức 47%. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam và những người phục vụ chế độ cộng sản. Đó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Ngụy Như Kon Tum, Dương Đức Hiền, Đặng Văn Ngữ, Hoài Thanh, Nam Trân, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Từ Chi, Nguyễn Đổng Chi, Cao Xuân Hy, Trần Đức Thảo, Hoàng Thúc Trâm, Đào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn.”

Cứ theo như lời của ông Trần Anh Tuấn thì “nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách”. Là kẻ hậu sinh, tôi không hề dám có nghĩ tranh luận hay bút chiến với một người cầm bút vào hàng trưởngthượng – và nặng ký – như ông Trần Anh Tuấn; tuy nhiên, vì đã lỡ biện minh cho chuyện vào cửa cọp của chính mình, tôi tự thấy có bổn phận phải lên tiếng để bênh vực cho một số những người vừa được vinh danh là “trí thức Việt Nam tiêu biểu” – trong nửa thế kỷ qua.

Theo tôi thì qúy ông Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn... đều dư sức dắt theo ba trự lóc nhóc cỡ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh... đi vào lịch sử mà khỏi cần mua vé. Như đã thưa, tuy không bằng luật nhưng theo lệ (ít nhất cũng là lệ ở những thành phố thân miền Nam, khi tôi còn bé) mỗi người đi xem phim có quyền dắt theo một nhi đồng – miễn phí. Hồi nhỏ tụi tôi vẫn đi xem phim ké theo kiểu đó mà. Điều này đâu có gì là gian lận mà ông Tuấn phải phàn nàn và nặng lời dữ vậy?

Giữa chuyện ham vui (của lũ bé con chúng tôi, ngày truớc) và chuyện ham danh (của những ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam, bây giờ) có một điểm này chung: túng làm liều. Điểm chung đó, với ít nhiều chủ quan, tôi tin tưởng là thông cảm và chia sẻ được.

Nếu không, nghĩa là nếu ông Trần Anh Tuấn không đồng ý, tôi xin đề nghị chúng ta nên nhìn vấn đề theo cách khác – dựa vào hình ảnh, kinh nghiệm phổ cập hơn với phần lớn mọi người, và cũng vẫn với phong thái nhẹ nhàng tương tự. Hãy tưởng tượng đến cảnh quá giang.

Chiếc bè chở những “gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu” của nửa thế kỷ qua đi vào lịch sử mà chỉ có vài ba ông cỡ như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo và Hoàng Xuân Hãn… thì ngó bộ hơi neo đơn và cũng (có phần) phí phạm. Nó còn rộng chỗ nên qúy ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… xin được quá giang – vậy thôi.

Người ta mượn lời để diễn ý. Đặng ý thì bỏ lời. Thiên hạ mượn bè để qua sông. Miễn sao họ qua lọt thì thôi. Câu nệ quá tôi sợ… mất lòng và, chắc chắn, cũng sẽ mất vui!

Tôi chỉ tận tình chia sẻ nỗi bất bất bình của ông Trần Anh Tuấn về việc những vị sử quan đương đại – Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, và Tạ Ngọc Liễn – theo chỉ thị, đã mở cửa hông cho thêm cả đống ông nữa (tổng cộng lên đến 33 mạng) ào ạt nhào luôn vào lịch sử.

Cũng như đi coi phim cọp, đi quá giang – dù là bằng thúng, bằng mủng, bằng bè, bằng ghe tam bản, bằng thuyền ba lá, bằng ca nô, bằng tầu, hay bằng thủy phi cơ… chăng nữa – nên tránh chuyện đàn đúm, kéo bè, kết đảng đông đảo quá. Xô đẩy, giành giật, chen lấn là cảnh (luôn luôn) rất khó coi và dễ gây hiểu lầm là một vụ thủy tặc hay không tặc. Đó là chưa kể chuyện quá tải, rất không an toàn. Chìm xuồng, cả lũ, như chơi.

Nửa thế kỷ qua dân việt dở sống dở chết. Giữa lúc muôn họ lầm than, nhân tâm ly tán, nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm; danh nhân, trí thức, kẻ sĩ… ở đâu mà hăm hở chen lấn đi vào lịch sử đông dữ vậy – hả Trời? Chợ chưa họp mà kẻ cắp đã đến đủ mặt như thế (kể) cũng kỳ.

Mới đây ông Nguyễn Chính còn khám phá ra vụ này, ngó bộ, còn kỳ dữ nữa về chuyện khai thác bauxite ở Việt Nam: “Quốc hội chưa họp, nghĩa là chưa ai có ý kiến gì, ông dân biểu Dương Trung Quốc đã phát ngôn trên báo Tuổi Trẻ rằng “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi” khiến nhiều cử tri rất ngỡ ngàng.”

Tôi thì không ngỡ ngàng gì cho lắm vì đã được họp tập trước về việc “Đảng chỉ tay, Quốc Hội vỗ tay, dân trắng tay” tự lâu rồi. Chỉ hơi ngờ ngợ vì cái tên của ông Dương Trung Quốc nghe (có vẻ) quen quen. Té ra, ông chính là một trong ba nhân vật đã sưu tầm và biên tập cuốn Lịch Sử Và Văn Hóa Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức (tập I) do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998.

Tưởng sao chớ “đi ra, đi vô cũng cái thằng cha khi nẫy” chớ ai! Muời năm trước ông Dương Trung Quốc tô vẽ cho nhiều kẻ bất hảo trở thành “Những Guơng Mặt Trí Thức” của lịch sử và văn Hóa Việt Nam. Bây giờ thì ông mở đường để con chúng nó mang đất nước ra băm xẻ, cho bằng thích.

Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!

Tưởng Năng Tiến
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by Do Huynh Ho »

Đàn Cá trong Ao Bác Hồ và Những Con Chó của Pavlov

Lê Diễn Đức

Kể về bản thân là chuyện nên kỵ. Nói về cái dở thì không sao, nhưng nói cái hay, dễ bị coi là khoe mẽ. Vì thế, tôi thỉnh cầu trước một sự châm chước.
Tôi có ý định lấy chính mình làm điểm xuất phát để bàn về một chuyện khác. Về những cay đắng của một con người. Như một ví dụ. Chẳng phải để dạy dỗ ai (làm gì dám cho mình ghê thế!). Cũng chẳng khoác cái áo “dân chủ, nhân quyền” gì ráo trọi. Càng không nhân danh trí thức. Đơn giản chỉ là những nghĩ suy. Một kinh nghiệm.
Khi mới ở tuổi lên mười, tôi đã đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Năm 1967 tôi được Hồ Chí Minh trao phần thưởng cho kết quả học tập xuất sắc với tất cả 14 môn học đạt điểm cao nhất. Đó là một cuốn sổ tay kích thước khoảng 20 x 15cm, giấy trắng tinh, bìa cứng láng bóng, màu xanh dương, có in hình Hồ Chí Minh chụp thẳng và dòng chữ phía dưới “Giải thưởng của Hồ Chủ Tịch”. Với tôi, gia đình, trường học và chính quyền địa phương, giải thưởng này là một vinh dự, vì không phải tỉnh, thành phố nào cũng có thưởng, và nếu có thì chỉ có một hoặc hai người. Buổi trao giải thưởng được tổ chức hào hứng trên sân kho của hợp tác xã, dưới ánh trăng (vì lúc bấy giờ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, học sinh đi sơ tán ở thôn quê, ban đêm không dám nổi lửa, thắp đèn). Bà con làng xóm tụ hội rất đông. Ba tôi cảm động đến phát khóc. Tôi nâng niu cuốn sổ tay đến mức không dám xài, lâu lâu lấy ra ngắm nghía ! Tuy nhiên cũng chưa tức cười thảm hại bằng thằng bạn. Năm 1968, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thăm trường, tặng cho mỗi đứa được cử đi gặp một cục kẹo Hải Châu (thứ cao cấp, hiếm hoi, xa xỉ với lũ học sinh nghèo trong những ngày chiến tranh). Thằng bạn thèm rỏ dãi nhưng trân trọng quá, không dám ăn, để dành làm kỷ niệm. Trời nóng, chỉ vài hôm, cục kẹo chảy nhão nhoẹt dính bê bết với giấy bọc, phải vứt đi. Hắn đi Đông Đức, về nước giảng dạy ở Bách khoa Hà Nội, cho đến giờ. Tôi tin chắc hắn không quên chuyện này!
Tôi sang Ba Lan năm 1969. Cả đoàn du học sinh chúng tôi phải vào nằm viện để bác sĩ khám, tẩy giun sán trước khi được sống chung với người ta tại Trung tâm học tiếng Ba Lan dành cho người nước ngoài. Trong bệnh viện, được báo tin Hồ Chí Minh từ trần, chúng tôi khóc thảm thiết ! Mấy cô y tá Ba Lan ngơ ngác, lúng túng chẳng biết chuyện gì xảy ra !
Chúng tôi đã yêu Đảng, yêu Bác Hồ đến thế ! Đã một thời ngây thơ, ngây ngô như thế !
Đến năm 1994, Kim Nhật Thành chết, xem TV thấy dân Bắc Triều Tiên đứng đông nghẹt hai bên đường ôm nhau gào khóc. Lúc này thì tôi đã bật cười ! Cười cả chính mình ! Tôi cũng đã y chang vậy ngày nào, bị ngu hoá, bị lừa gạt mà không biết.
Phải công nhận các chế độ cộng sản đạt mức siêu đẳng về chuyện nuôi trồng con người theo ý đồ của mình.
Thế hệ tôi và cả xã hội miền Bắc, mỗi một con người được nhào nặn, rèn luyện, nhồi nhét tư tưởng vào trí não, để không còn là mình nữa, chỉ biết suy nghĩ và hành động theo những lời dạy dỗ của Đảng và Bác, đi theo con đường mà Bác và Đảng vạch ra, như con rối, như cái máy. Cái bóng Đảng, Bác…bao trùm lên đời sống.
Phản ứng của chúng tôi chẳng khác gì những con cá trong ao của ông Hồ ở Phủ Chủ Tịch. Không hơn, không kém.
Vào năm 1958, theo yêu cầu của ông Hồ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đã thiết kế cho ông ngôi nhà sàn theo kiểu của người miền núi, cùng với vườn cây, ao cá.
Ngôi nhà sàn có hai tầng, tầng trên ông Hồ dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc trong mùa đông, tầng dưới là nơi ông làm việc vào mùa hè, họp Bộ Chính trị. Ngôi nhà sàn xây dựng xong vào ngày 1/5/1958, bằng gỗ loại bình thường, chiếu theo căn dặn của ông – báo chí viết như thế.
Tuy nhiên, trong thực tế, mãi sau này tôi mới biết, gỗ được sử dụng để làm ngôi nhà sàn “giản dị” thuộc loại tốt. Ngoài ra, sự giản dị này cũng đáng bàn… Bởi vì, ngôi nhà tọa lạc giữa phong cảnh hữu tình, đầy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, chim bay, cá lượn bốn mùa. Bác ngồi thư giãn, hút thuốc lá 555 hay xì-gà của Fidel Castro gửi tặng thì còn gì bằng ! Đấy là chưa nói đến chuyện có các nàng tới hầu hạ (như cô Nông Thị Xuân chẳng hạn)! Ngay giữa thủ đô chật hẹp, ồn ào, bụi bặm mà hưởng thụ một dinh cơ tao nhã, thanh bạch như vầy, thì khác gì cuộc sống của Tiên ông dưới trần, quả là chưa có tiền lệ.
Vào thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lắm đại gia tư bản đỏ “chơi độc” theo gương ông Hồ, cũng xây những dinh thự to rầm theo kiểu nhà sàn bằng toàn gỗ quý, vườn tược được trồng nhiều loại cây kiểng mà một chậu trị giá hàng chục ngàn đôla. Cũng ngay trong lòng Hà Nội.
Hồi nhỏ tôi được nghe nhiều huyền thoại về ông Hồ. Với chúng tôi, tên Hồ Chí Minh đồng nghĩa với đấng siêu nhân, thánh thiện và lòng tôn kính. Ở Nghệ An, có bài đồng giao xem ông Hồ, Tướng Giáp sinh ra như là tất yếu của Trời Đất: “Đụn Sơn phân dái / Hòn Đái thất thanh / Nam Đàn sinh Thánh / Đông Thành sinh Tướng”
Mỗi lần nghe ai kể về đời sống của Bác, nói đến đàn cá trong ao của Bác, lũ trẻ chúng tôi xuýt xoa, phục lăn. Số là đàn cá đông đúc được ông Hồ luyện công phu. Sau một thời gian nhử mồi cám dỗ, ông đã thành công. Khi cho cá ăn, ông chỉ cầm cái que gõ gõ vào cái hộp đựng mồi hay thành bờ ao gì đó.. là cả đàn lúc nhúc bơi lại.
Khi lên cấp 2, bắt đầu học vật lý, tôi không còn phục cao kiến luyện cá của ông Hồ nữa, mà chỉ phục ông ở tính kiên nhẫn. Tôi cúc cục mãi mới tập gọi được đàn gà. Còn dạy cá đâu phải giỡn ! Té ra ông Hồ chỉ thực hành lý thuyết từ xửa xưa của nhà khoa học người Nga Ivan Pavlov, Giải thưởng Nobel Y học năm 1904.
Ivan Pavlov nổi danh từ việc thí nghiệm phản ứng tiêu hoá trên cơ thể chó. Qua nghiên cứu sinh lý học của nước bọt, ông khẳng định rằng, nước bọt không chỉ tiết ra lúc ăn, mà cả trong phản ứng trước bữa ăn. Thức ăn gây chảy nước bọt được gọi là “kích thích ban đầu”, còn tiếng chuông gõ hoặc ánh sáng của cái đèn xuất hiện trước bữa ăn, gọi là loại “thức ăn phụ trợ”. Kích thích chó liên tục một thời gian dài bằng “thức ăn phụ trợ”, cùng lúc với “kích thích ban đầu” để tạo thói quen, ông đã làm chó tiết nước bọt chỉ còn qua sự kích thích thứ cấp. Hiện tượng này được gọi là phản xạ có điều kiện của Pavlov, trái ngược với sự chảy nước bọt bẩm sinh, là phản xạ vô điều kiện.
Thì ra, những con cá của ông Hồ chỉ là một phiên bản nhỏ từ con chó của Pavlov.
Phiên bản lớn mới thật hãi hùng.
Người ta nói Việt Nam là một nhà tù lớn, hay cả quốc gia đang bị nhốt trong cái cũi.
Trong cái cũi này, giống như đàn cá trong ao, ông Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng muôn vàn “thức ăn phụ trợ” để “trồng người” vì “hạnh phúc trăm năm” của… Đảng.

Bằng quản lý trong tay sổ hộ khẩu, sổ gạo, sổ dầu, phiếu thực phẩm, phiếu vải, học đại học; nay thêm sổ đỏ, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chủ quyền xe, v.v… – ông Hồ và Đảng từ lúc cầm quyền đến nay đã biến đất nước thành một phòng thực nghiệm vĩ đại của “phản xạ có điều kiện”, biến dân tộc thành một bầy đàn ngoan ngoãn. Hàng chục triệu người Việt đã, đang và tiếp tục trở thành những con cá trong ao hay là những con chó của Pavlov.
Ngoài ra, còn một “thức ăn phụ trợ” khác công hiệu. Đó là bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chằng chịt từ trung ương xuống thôn xã, bản làng, liên tục đập vào não trạng con người ngay từ thưở thiếu thời. Bất kỳ nguồn thông tin nào bất lợi cho sự độc quyền cai trị của Đảng đều bị ngăn chặn. Những mầm mống phản kháng ngay lập tức bị đè bẹp, đời sống của gia đình, người thân bị phong toả đến bần cùng…
Cho nên, lúc còn là học sinh, tay còn vương mực tím, khi ông Hồ chết, tôi và các bạn tôi cùng thời đã chảy dài nước mắt, cũng không có gì là lạ. Đúng ra, chúng tôi nên được chia sẻ, được thương hại, tội nghiệp.
Nhưng nhờ Trời, ngay trong năm thứ nhất học đại học, tôi đã nhanh chóng nhận ra lẽ thường phải có ở đời, sự bất công và bất nhân của chế độ cộng sản. Nó tước đi của con người đời sống riêng tư, cá tính và những quyền tự do tối thiểu nhất. Chúng tôi bị Toà đại sứ Việt Nam tại Ba Lan cấm không được yêu đương, không được mặc quần jeans ra ngoài đường, không được khiêu vũ, không được đến thăm nhà người bản xứ, không được đi lao động kiếm thêm tiền trong dịp nghỉ Hè, v.v… Một ngàn lẻ một thứ cấm ! Hàng tuần họp chi đoàn, viết bản tự kiểm. Lơ mơ là bị trục xuất về nước !
Và tôi lơ mơ, xé rào nên bị trục xuất thật. Vừa đặt chân tới ga xe lửa Hàng Cỏ, Hà Nội, chưa kịp xuống tàu, hai công an đã xông lên chỗ ngồi và áp tải tôi vào trại giam, sau đó lãnh án tù hai năm về tội yêu và trốn ở lại nước ngoài. Ra tù, lận đận mãi tôi mới xoay được việc làm và quay lại Ba Lan năm 1989, đúng lúc chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ. Làm nhân chứng của 20 năm xây dựng thể chế dân chủ ở Ba Lan với muôn vàn khó khăn nhưng thành quả phát triển giành được thấy rõ qua từng năm tháng, nhãn quan chính trị của tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi được tỉnh ngộ qua liệu pháp điện áp của thực tế một xã hội từ chế độ cộng sản chuyển sang dân chủ tự do, cho mình cơ hội nhìn nhận, phân biệt Ác và Thiện. Quy trình tiến hoá bình thường của tôi được tái hiện, từ “con cá của Bác Hồ”, “con chó của Pavlov” lên làm người. Tôi lột xác cùng với những thăng trầm của tiến trình dân chủ hoá ở Ba Lan và Đông Âu.
Ba Lan tự do đã đưa sự thật lịch sử ra ánh sáng và công lý. Quá khứ đã chứng minh không thể chối cãi rằng, chế độ cộng sản tồn tại thực chất nhờ dối trá và bạo lực. Những người cộng sản không thèm nghe ai khi thấy phương hại đến độc quyền lãnh đạo của họ, cho dù những lời khuyên đó có mang lại lợi ích cho đất nước đến đâu. Chỉ khi bị áp lực tranh đấu mạnh mẽ của quần chúng, bị thất bại, bị dồn vào thế cùng, họ mới làm ra vẻ hướng thiện hoặc nhượng bộ. Nhưng khi có sức mạnh và nhất là lúc thành công, họ tự mãn, cao ngạo, và độc ác gấp bội. Bản chất lưu manh, cướp giật của họ, theo thời gian càng ngày càng lộ liễu. Họ biến thù thành bạn, biến bạn thành thù tuỳ theo tình huống có lợi cho sự bảo đảm quyền lực. Họ là bậc thầy của sự tráo trở, lật lọng và bội bạc. Quan điểm phải hợp tác với cộng sản để cải tạo cộng sản, có cách nói cho cộng sản nghe, đã chứng tỏ tính chất xuẩn ngốc của nó qua hậu quả việc làm của rất nhiều người từ hàng chục năm nay. Chưa có vị “quân sư” nào làm cộng sản thay đổi được bản chất, ngược lại, họ thường bị phản phé, ngược đãi và chịu chung một bi kịch giống nhau. Rốt cuộc họ chỉ là những kẻ bị phấn khích hoặc có tâm thức bất bình thường, thích đi theo vết xe đổ.
Thiếu tự do và thông tin với bên ngoài, con người không thể nào có đủ kiến thức để nhìn nhận, so sánh các mô hình sinh hoạt xã hội khác, cho nên đại bộ phận người Việt trong chế độ cộng sản, nhất là nông dân, cứ tưởng rằng, cái ao, cái cũi mà trong đó mình đang được Đảng ban phát là “đỉnh cao chói lọi” rồi.
Mẹ kiếp! Nhốt người ta lại, bưng tai, bịt mắt, chỉ mở cho nhìn, cho nghe những gì mình muốn áp đặt, cùng với sự đe doạ mạng sống thường trực – rồi bảo “dân trí thấp”, “dân tộc chưa trưởng thành”. Nói thế có khác gì trói chân, buộc tay thằng bé, cho ăn uống nhỏ giọt, cách ly với sông nước, rồi phán nó chậm lớn, không có khả năng biết bơi. Đểu giả, mất dạy cỡ này là cùng!
Vậy mà, lạ lùng thay, có những người không sinh ra trong chế độ ấy, đầu đã hai thứ tóc, mà giờ đây bắt đầu muốn yêu Bác Hồ như thế hệ chúng tôi mấy chục năm trước đây !
Lạ lùng nữa, vì những người ấy đã tháo thân chạy khỏi chế độ cộng sản và được lớn lên, ăn học, trở thành kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ ở các quốc gia dân chủ, tự do.
Lạ lùng hơn, vì những người ấy, được gọi là trí thức, không thể không biết đến tội ác mà chủ nghĩa cộng sản toàn trị đã gây ra cho nhân loại nói chung và đối với dân tộc Việt Nam nói riêng trong suốt gần một thế kỷ.
Lạ lùng đến kinh ngạc, vì những bi kịch Cải cách Ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét lại Chống Đảng, Thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968, Cải tạo Tư bản, Tư thương miền Nam sau 1975, Chiến dịch bán bãi thu vàng, các vụ án Minh Phụng-Epco, Năm Cam, PMU 18, PCI, vân vân và vân vân… – chẳng mang đến cho họ một chút ý thức gì về dã tâm khủng khiếp và ghê tởm của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.


Không biết bị ám bởi phản xạ có điều kiện nào qua “thức ăn phụ trợ” của thời “đổi mới”, “tăng trưởng”, “phát triển”, “vươn ra biển lớn”, mà giữa lòng Hà Nội xuất hiện một sự đảo ngược tiến trình tiến hoá của loài người. Cả ngàn con người đang no cơm ấm cật, xiêm áo chỉnh tề, bỗng dưng biến thành đàn cá Bác Hồ, bầy chó của Pavlov, “hân hoan”, “hồn nhiên” hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và rồi sau khi kết thúc thắng lợi ra về, cùng nhau đồng ca điệp khúc: “dân trí Việt Nam còn thấp”, “dân tộc ta chưa trưởng thành” nên chưa thể vươn tới tiến trình dân chủ hoá.
Bệnh này coi bộ hết phương cứu chữa !
Lê Diễn Đức
Post Reply