Sổ Tay Thường Dân

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Nguyễn Thị Hoài Thanh

Tưởng Năng Tiến
24-06-2007
(Tác giả còn có trang blog ở: http://tuongnangtien.wordpress.com/)

Trong những phụ nữ thuộc thế hệ chị và mẹ của mình, tôi rất thương chị Thanh và dì Bẩy. Khi còn đôi tám, người ta thường gọi dì là con Bẩy.

"Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nuớc.”
(Sơn Nam. "Con Bẩy Đưa Đò". Hương Rừng Cà Mau. 51-52).(*)

Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sống trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.

Ở tuổi thanh xuân, cổ gặp (và yêu) một người trên sông Cái Lớn. Chàng từ Bình Thủy xuống, đẹp trai, lịch thiệp, và hò hát cũng rất hay. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không phải thường dân, nên không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lứa, và sống an phận thủ thường - như những đám lục bình trôi, nơi ao hồ sông rạch. Chàng quyết chí đi theo tiếng gọi của non sông.

“Nghe qua con Bẩy bùi nghùi tấc dạ; từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bẩy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.

- Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.

Chàng cười mà đáp:
- Cảm ơn.

- Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.

- Đâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa ... Chí trai bốn biển là nhà…

Dứt lời chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bẩy xúc động rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần.

- Vậy thì xin chàng dậy cho em một hai câu hò để em nhớ đời.

- Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dậy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này...

Một tấm lòng! Con Bẩy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya"
(Sơn N. sđd, trang 57).

Con Bẩy chờ hoài, chờ hủy nhưng người xưa không bao giờ trở về bến cũ. Thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Tuổi đời khiến con Bẩy Đưa Đò phải chuyển nghề bán thịt, ở chợ Vàm, bên sông Cái Lớn. Thịt heo luộc của dì Bẩy nổi tiếng là "ngon hết biết" luôn.

Một hôm, có người năn nỉ xin chỉ cho cách luộc thịt. Dì Bẩy thoáng ngậm ngùi:

- Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.

- Công phu là thế nào dì Bẩy?

- Ở đây, hồi đó có người nói là cần "một tấm lòng”
(Sơn N. sđd trang 59).

Chao ơi (là) một tấm lòng! Sống không có nó (ngó) cũng kỳ mà có thì phiền lắm và (đôi khi) phiền lớn. Cũng như dì Bẩy, chị Thanh lao đao lận đận - suốt cả cuộc đời - cũng chỉ vì một tấm lòng thủy chung, và đôn hậu của mình.

Bà Nguyễn Thị Thêu, một người bạn ấu thời của chị, kể lại rằng:

”Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, gia đình tôi ra Hải Phòng để chờ ngày di cư vào Nam. Hoài Thanh vốn là người Hải Phòng nên ba tháng hè chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tôi rủ Hoài Thanh di cư vào Sài Gòn nhiều lần, nhưng Hoài Thanh bảo:

- Tao chờ anh Trúc ở ngoài kháng chiến về.”
(Nguyễn Thị Hoài Thanh. “Luyến Tiếc”. Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007. 121**).

Thành phố Hải Phòng của Việt Nam, hồi đầu thập niên 1950, cũng như thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha (vào cuối những năm 1940) là ngưỡng cửa của sự tử sinh. Nhiều người dân Âu Châu liều mình (và đã bỏ mạng) để đến được Lisbon, bến cảng mà người ta có thể từ đó vượt thoát khỏi sự săn đuổi chủ nghĩa phát xít. Tương tự: nhiều người Việt cũng đã bỏ ruộng vườn, tài sản, mổ mả ông bà chạy đến Hải Phòng - để có thể lên tầu di cư vào Nam, trốn chạy hiểm họa cộng sản. Riêng chị Thanh thì khác. Chị ở lại (chỉ) để chờ một người về.

Không một ai trở lại, như chị Thanh và dì Bẩy đã ngong ngóng đợi mong. Người đời rồi cũng dần lãng quên cái giọng hát “khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh” của cô gái đưa đò (xuân sắc) năm xưa. Và thời gian thì để mặc cho dì Bẩy sống hết đời mình, trong cô đơn và lặng lẽ, ven một bến sông êm đềm, ở miền Nam.

Chị Thanh, tiếc thay, đã không có được sự “may mắn” tương tự như dì Bẩy – hai muơi năm trước. Cái giá mà chị phải trả cho tấm lòng trung hậu của mình không rẻ vậy đâu. Ở miền Bắc, nơi mà (“miếng thịt lợn chao ơi là vĩ đại”) thịt thà không phải là thực phẩm thường dùng nên chị Thanh bán than:

Em lội giữa đống than như con cá mắc cạn
Cố vẫy vùng cho vượt khỏi gian truân…

(Chu Tất Tiến. “Viết Về Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Hoài Thanh.” Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007. 153).

Sống “giữa lòng cách mạng,” muốn “vượt khỏi gian truân” e hơi (bị) khó. Lý lịch trích ngang của Nguyễn Thị Hoài Thanh được Bùi Ngọc Tấn tóm tắt, như sau:

“Có việc gì mà không trải qua.

Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long…

Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng luơng không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con …
(Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2005. 105***).

Chưa hết, còn có “huyền thoại” là chị Thanh có hai ông anh đã di cư: Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Cao Kỳ. Cả hai đều (từng) là tư lệnh không quân của miền Nam. Huyền thoại này chỉ đúng năm chục phần trăm. Quả thực, chị là em của ông Nguyễn Xuân Vinh. Ở miền Bắc, có một ông anh cỡ đó cũng đủ chết (mẹ) rồi. Đâu cần đến cả hai.

“Dường như biết rằng có những dư luận bất lợi cho mình và mọi người nhìn mình bằng con mắt nghi kỵ xa lánh nên chị không chủ động thân thiết gần gũi với một ai.”
(Bùi N.T. sđd, trang 99).

Chị sống thui thủi một mình là phải:

Sau hổi kẻng tan ca
Tôi ngã vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông.

Chị Thanh có một người em, cùng ở lại miền Bắc, tên Nguyễn Xuân Đăng. Ông mất sớm và được an táng ở Ninh Hải. Từ thành phố Hải Phòng, phải đi qua chợ Cầu Rào mới tới nghĩa trang này. Vì thế, trong tập Hoa Phượng, có một bài thơ thắm thiết tựa là “Chợ Cầu Rào”:

Em nằm bên kia sông
Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái
Qua chợ dùng dằng
nửa muốn đi nửa toan ghé lại
Định mua quà cho em nhưng nào biết mua chi
Em nằm bên kia
Bên đây chợ lao xao kẻ mua người bán
Chỉ một thứ chẳng ai cần bán mua là nước mắt
Em mặc cả với đời mang nó đi theo …

Đời sống của cái gia đình nhỏ bé, riêng của chị Thanh, lại là thảm kịch khác. “Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa…”

“Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và vuợt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy”
(Bùi N.T. sđd, trang 101 -104).

Thì quả có “như vậy” thật nhưng sao, đôi lúc, tôi vẫn mơ hồ nghe như có tiếng chị thở dài - dù (rất) khẽ:

Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?

Sông Cấm, đã có lúc, mang “nguyên vẹn” hình bóng của người thơ ra biển. Nhưng chính chị Thanh đã không giữ được nguyên vẹn hình hài, cho chính mình, như thế mãi.

“Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình”
(Bùi N.T. sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật - ở tuổi sáu muơi - chị Thanh sẽ không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Có lẽ, chỉ còn có cách ăn xin để sống còn - như chị đã từng nghĩ thế.

Nhưng lòng tự trọng quá lớn đã không cho phép chị Thanh làm như vậy. Loay hoay một thời gian rồi chị cũng nghĩ ra một cách sinh nhai khác, lịch sự hơn. Chị vào Nam đi … mót!

Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc …cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác - với những nông dân khốn khó hơn, như trường hợp của chị Thanh.

Có chiều, ở Đồng Xoài, trong khi chờ người ta thu hoạch lạc xong để mót, chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc cở thì ý thơ chợt đến:

Chiều lặng ngồi trên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi, sau khi đọc xong tập thơ Hoa Phượng - nhất là những bài chị Thanh viết về Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa … Đó là những nơi tôi cũng đã sống qua, một cách rất vô tình, và đã đành đoạn bỏ đi - cũng vô tình không kém!

Chị Thanh thì khác. Từ Bắc vào Nam, không một người thân quyến, chị không đi để “nhận họ nhận hàng” với bất cứ ai. Chị đi qua từng vùng đất xa lạ của quê hương, với tấm lòng phơi phới:

Khi ta đến Di Linh chiều rất trẻ
Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung…

Chị Thanh của tôi đến với tất cả chân thành và thiết tha, khi chia tay cũng thiết tha và chân thành - không kém:

Tạm biệt nhé Di Linh thôi chào nhé
Ở chưa quen đã vội vã ra về …

Trong chị Thanh chỉ có một tấm lòng, chứ tuyệt nhiên không có “những bức tường lòng” phân cách Bắc/ Nam - như rất nhiều người Việt khác. Tình cảm của chị tinh khiết, trong veo, như con suối nhỏ - len lách, róch rách - xuyên suốt cả ba miền đất nước…

Nhưng (thôi) đó lại là chuyện khác. Mà đêm thì sắp tàn rồi. Tôi “hứa” sẽ trở lại chuyện Bắc/Nam và chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, trong những trang sổ tay kế tiếp, cũng trên diễn đàn này, khi có dịp.

© DCVOnline


--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:
(*) Sách được in lại (và in lậu) tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản.
(**) Tác phẩm Hoa Phượng của Nguyễn Thị Hoài Thanh, ấn phí và bưu phí 12 U.S.A dollars. Sách có thê đặt mua trực tiếp từ nhà xuất bản qua địa chỉ: uyenthao1@juno.com, hoặc Tủ Sách Tiếng Quê Hương P.O.Box 4653 Falls Church, VA 22044.
(***) Tác phẩm Viết Về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn, ấn phí và bưu phí 20.00 U.S.A dollars, địa chỉ liên lạc như trên.

--------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến Bạn đọc
(DCVOnline không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ bạn đọc)

--------------------------------------------------------------------------------

Đọc Báo VẸM - Reading Viet Commie Newspaper
2007-06-24 02:09:04

Pham Duy Thoai


Đây là 1 chương trình của đài SBTN bình luận báo chí của VC, đặc biệt là tờ báo Công An. Muốn xem tất cả chương trình thì:

1. vào trang http://www.youtube.com
2. trong mục search đánh vào doc bao vem - bấm search
3. tất cả chương trình sẽ hiện ra, số 1 là số đầu tiên, số mới nhất là 12

youtube.com hiện nay chưa bị cản bởi bức tường lửa ở VN. Cám ơn youtube, cám ơn SBTN cho người xem hiểu thêm về hiện tình báo chí hiện nay ở VN.

Và cám ơn ĐCV đừng xóa thông tin này, nếu được tôi đăng lại trong những bài viết khác nhau, để nhiều người khi vào ĐCV có thể biết đến chương trình này. Đa tạ
Last edited by uncle_vinh on 29 Sep 10, Wed, 2:38 pm, edited 1 time in total.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Của cọp và người

Tưởng Năng Tiến


“Cuối năm 1956, trong lúc tình hình cách mạng gặp khó khăn, thì một số phần tử xấu trong giới trí thức văn nghệ, tưởng rằng thời cơ ‘làm ăn béo bở’ đã đến, vội vã dương lá cờ rách Nhân văn nhảy lên võ đài, khua môi múa mỏ, với dã tâm, bóp méo, xuyên tạc những khuyết điểm của ta về văn nghệ, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ, và từ địa hạt văn nghệ, lan sang các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, bôi xấu, vu cáo toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng, hòng cản trở bước tiến lên xã hội chủ nghĩa của miền Bắc nước ta…” - (Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4 năm 1958 – Số đặc biệt chống tư tưởng phản động của Nhân văn-Giai phẩm, trang 75-86. Bản điện tử do talawas thực hiện).

Vào thời điểm này, tháng 4 năm 1958, ít nhất cũng có hàng trăm bản “luận tội” đanh thép như thế - hoặc hơn thế - của những “văn nghệ sĩ” (cùng thời) dành cho Nhân Văn – Giai Phẩm. Cuộc đời của những thành viên trong nhóm này, và tất cả những ai có liên hệ xa gần đến họ, tưởng như, đã hoàn toàn bế mạc! Tưởng vậy thôi, chớ không đến nỗi vậy đâu!

Thời gian vẫn thường mang theo trong lòng nó những phép lạ (rất) diệu kỳ.

Mươi, mười lăm năm sau: những kẻ phải vào tù (vì tội… Nhân Văn) đều được cho về để địa phương quản lý, và những người bị cấm viết đều có cơ hội được cầm viết lại - nếu chịu chui để kiếm sống qua ngày.

Hai, ba muơi năm sau nữa: người đi tù về được trả lại thẻ cử tri và cho lãnh lương hưu, kẻ bị treo bút được trả lại thẻ hội viên nhà văn và tác phẩm lại được phép cho xuất bản - với tên tuổi (thiệt).

Và bây giờ, tháng 2 năm 2007, Bộ Văn Hoá Thông Tin vừa họp báo công bố quyết định của Chủ Tịch Nước về việc tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước cho một số những thành viên của nhóm Nhân Văn (đã chết hay sắp chết) vì họ là “các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”.

Thực là một nghĩa cử cao cả, tử tế và qúi hoá!

Ở Việt Nam, đã có lúc, cứ bước ra ngõ là gặp (phải) anh hùng. Nay, hễ cứ ghé mắt vào báo chí là thấy ngay những chuyện qúi hoá và tử tế (cỡ) như thế - hay hơn thế nữa!

Báo Tuổi Trẻ - số ra ngày 24 tháng 1 năm 2007 - có bài tựa là “Ý Thức Công Dân,” viết vể hai nông dân Việt Nam (ông Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Tình, ở xã Triệu Lộc Thanh Hóa) đã cứu được cả một đoàn xe lửa. Vào đêm 20 tháng 1, hai nhân vật này đã phát hiện ra một chiếc xe vận tải hạng nặng - sau tai nạn lưu thông - nằm vắt ngang qua đường ray. Thế là họ dùng đèn pin làm tín hiệu cho đoàn tầu tốc hành dừng lại. Cả hai, đều đã được ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám Đốc Công Ty Đường Sắt, biểu dương và tặng thưởng 500.000 tiền mặt. Một số tiền lớn đủ để mua cả chục cái đèn pin nữa.

Theo giáo sư Tương Lai, tác giả của bài báo thượng dẫn, thì “chỉ có thể hiểu hành động quả cảm, thông minh của hai nông dân đã cứu cả đoàn tầu và hơn nghìn con người thoát hiểm trong gang tấc được thúc giục bởi ý thức công dân”.

Tôi cứ đọc đi đọc lại bốn chữ “Ý - Thức - Công - Dân”, được in rõ ràng và đàng hoàng (trên báo chí Nhà Nước) mà bần thần suốt mấy ngày liền! It’s too good to be true, man! Giá có hôm mở cửa sau, thấy vài con khủng long - đang đứng thơ thẩn giữa vườn - có lẽ tôi cũng chỉ bàng hoàng và sung sướng đến thế là cùng. Dù ở Việt Nam, thời gian mà “ý thức công dân” bị … tuyệt chủng chưa lâu đến thế!
Kể từ lúc mà toàn dân cương quyết “đi theo con đường mà Bác vô vàn kính yêu đã chọn,” dưới sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện của Đảng toàn năng, cùng với sự giúp đỡ tận tình - về mọi mặt- của những tổ chức và ban ngành thuộc Mặt Trận Tổ Quốc thì ý thức công dân (kể như) hết còn đất sống. Nó bắt đầu phải sống… chui.

Thò đầu ra là chết (mẹ)!

Hồi tháng 5 năm 1993, không biết nghe ai xúi (dại), một công dân Việt Nam, ông Hà Sĩ Phu bỗng dõng dõng dạc lên tiếng:

“Là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hoá, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của trí tuệ!” - (“Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân.” Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản năm 96, trang 46).

Sau khi nói lên “đôi điều suy nghĩ” lôi thôi như thế,” sĩ phu họ Hà đã bị te tua và bầm dập ra sao - cả nước - ai cũng biết. Từ đó, cái gọi là “ý thức công dân” - tuởng như - là… đi đứt. Tưởng vậy thôi nhưng (cũng) không đến nỗi vậy đâu.

Cũng như cuộc đời của những thành viên trong nhóm Nhân Văn, hậu vận của “ý thức công dân” (xem chừng) cũng tốt. Không những nó vừa được cho phép xuất hiện trở lại (khỏi phải tiếp tục sống chui) mà còn được biểu dương và khen thưởng nữa – như trường hợp (kể trên) của hai người dân, ở xã Triệu Lộc, Thanh Hoá.

Vì được cổ võ và khuyến khích như thế nên “ý thức công dân” đã bùng nổ hơi (bị) lớn trong chuyện Cọp Bình Dương, xẩy ra giữa tháng 3 vừa qua. Vụ việc này, được báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh - số ra ngày 20 tháng 3 năm 2007 - tường thuật như sau:

Image
Ông Ngô Duy Tân đang vuốt cọp con
Nguồn: news.yahoo.com/AFP


“Năm 2000, ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty bia Pacific - Thái Bình Dương có trụ sở đóng tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương tình cờ gặp một người đang mang 5 con hổ con trọng lượng khoảng 2 - 3kg đi bán với giá 180 - 200 ngàn đồng/con trong tình trạng bệnh tật, rất yếu. Vì quá lo lắng cho số phận những con hổ tội nghiệp trên, ông Tân đã liên lạc xin ý kiến và được sự đồng ý của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương về việc mua lại số hổ trên để chăm sóc. Năm 2003, ông Tân tiếp tục mua thêm 2 chú hổ con khác cũng đang trong tình trạng kiệt quệ sức khỏe với giá 35 triệu đồng.”

Trải qua hơn 5 năm, đến nay ông Tân đã gây giống thành công đàn hổ với tổng cộng 37 con đều trong tình trạng khỏe mạnh và có sự sinh sản tốt” .

Và sau khi ông Tân thành công thì có sự “dòm ngó” của những “giới chức chức năng.” Ngày 21 tháng 3 năm 200, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết là đàn hổ sẽ bị “tịch thu” và chủ nhân “sẽ bị xử lý nghiêm vì đã nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp.”

Quyết định ngang xương (và ngang ngược) này khiến mọi người… phẫn nộ. Cả nước - kể cả ông Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, và nhiều vị Dân Biểu Quốc Hội… - đều đã nổi khùng và hăm hở vào cuộc. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bồ: “không nên lạm dụng quyền lực để áp chế dân, thách thức công luận”.

Báo Thanh Niên, số ra ngày 23 tháng 3 năm 2007, tường thuật rằng mỗi ngày đều có “hàng ngàn bạn đọc đã viết thư, gọi điện, gửi tin nhắn đến toà soạn” tỏ ý tán đồng quan điểm vừa nêu.

Trong số này, có lẽ, đáng chú ý nhất là lời phát biểu của nhà thơ Thanh Thảo:

“Mấy hôm nay, lên bất cư tờ báo mạng nào cũng đọc thấy những ý kiến bức xúc của bạn đọc về chuyện 37 con hổ nuôi sẽ bị tịch thu bởi một công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…”

“Phía sau câu chuyện về số phận những con hổ là số phận những con người đang sinh sống bình yên trong một đất nước thượng tôn pháp luật. Tôi tâm đắc với những ý kiến rất tâm huyết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là ở điểm đó. Từ chuyện hổ, đã đổ sang chuyện người. Ý nghĩa sâu xa của việc công luận bức xúc bảo vệ cuộc sống của những con hổ đang được nuôi chính là để bảo vệ quyền tự do được sống trong pháp luật ngay thẳng, minh bạch và nhân đạo của con người.”

Tôi xin được trân trọng chia sẻ ý kiến này của nhà thơ, cùng với không ít ngậm ngùi và … cay đắng về điều mà ông mô tả là “số phận những con người đang sinh sống bình yên trong một đất nước thượng tôn pháp luật.” Mới hai tuần trước đó, trước ngày xẩy ra vụ cọp ở Bình Dương, vào hôm 6 tháng 3 năm 2007, công an Hà Nội đã ngang nhiên bắt giam hai công dân Việt Nam là luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Sau đó, “chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã ký Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của hai bị can Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân - nguyên là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội”.

Chưa hết, báo Lao Động, số ra ngày 10 tháng 3 năm 2007, còn có “bài hài tội” với kết luận (chắc nịch) rằng hai nhân vật này “…đã kích động những người dân khiếu kiện gây rối ANTT; nhận tiền của tổ chức chống đối nước ngoài để tập hợp hình thành các tổ chức trái phép, để chống chính quyền; tuyên truyền bôi nhọ chính quyền, bôi nhọ chế độ và tàng trữ tài liệu có nội dung chông Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật trên đây … sẽ bị đưa ra truy tố trước pháp luật.”

Coi: Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài chưa “bị đưa ra truy tố trước pháp luật” thì ông Bộ Trưởng Tư Pháp đã “thay mặt” luật sư đoàn ở VN thu hồi bằng hành nghể của cả hai người, và báo chí của Đảng đã viết xong bản án (sẽ) dành cho họ! Như thế, có phải là “lạm dụng quyền lực để áp chế dân, và thách thức công luận” - như ông Võ Văn Kiệt đã có nhận xét trong vụ (tính) bắt cọp ở Bình Dương không?

Vậy mà sao không thấy dư luận nóng lên, không có quan chức hay ông bà dân biểu nào bức xúc vào cuộc, và (tuyệt nhiên) cũng không thấy có một người dân nào (được phép) bầy tỏ ý kiến của họ trên mặt báo hết vậy?

Ý thức công dân, ở Việt Nam, chả lẽ chỉ cao tới ngang tầm đời sống của mấy con cọp thôi sao? Với tình trạng này thì “từ chuyện hổ” muốn “đổ sang chuyện người” - như ước nguyện của nhà thơ Thanh Thảo - ngó bộ còn lâu lắm. Từ luật sư Nguyễn Mạnh Tuờng đến luật sư Nguyễn Văn Đài mới có ba thế hệ người thôi. Ít xịt hà. Cuộc cách mạng trường kỳ của những người cộng sản chắc phải cần thêm vài thế hệ người Việt nữa thì mới hoàn thành xong sứ mạng (phá hoại) lịch sử của nó.

© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Cuối năm nói chuyện với đầu gối

Tưởng Năng Tiến


Đi hỏi già, về hỏi trẻ
Tục ngữ VN

Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông con nít. Cùng lứa với tôi, có chừng vài chục đứa tên bắt đầu bằng chữ út: Út Lé, Út Lác, Út Lồi, Út Hô, Út Còi, Út Ghẻ, Út Mập, Út Sún, Út Sứt, Út Méo, Út Hô, Út Đen, Út Ruồi, Út Xẹo, Út Trọc … Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu - lôi thôi - theo như kiểu cách trong xã hội Âu Mỹ:

- Còn đây là thằng út, nó tên là Út Rỗ. Chả là ngay sau khi lọt lòng, cháu bị rơi vào một cái … thùng đinh!

Riêng trường hợp của tôi thì hơi (bị) khác. Tôi tên Út Khùng. Nếu nhìn mặt mà bắt hình dong thì khó ai có thể biết được là tôi bị khủng. Bây giờ thì (than ôi) tôi trông tàn tạ và héo úa lắm rồi, chớ hồi nhỏ - nói thiệt nha - cả xóm ai cũng phải công nhận là Út Khùng ngó đẹp trai và coi dễ thương hết biết.

Image
Đà Lạt
Nguồn: vietnamparadisetravel.com

Chỉ có cái kẹt là lúc mới biết đi, tôi bi rơi xuống giếng. Khi tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ chân tay xụi lơ, bụng chương xình, mặt mày tím ngắt, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng “rồi” và lăn ra bất tỉnh.

Thực ra thì “chưa.” Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, là kể như … rồi – theo như lời chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi lúc ấy:

- Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đoong rồi. Nó sẽ hơi khó nuôi và cũng sẽ hơi khác người chút xíu, nhưng hy vọng cũng sống (được) chớ không đến nỗi nào đâu.

Dù đã nghe trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không yên tâm tí nào về cái chỗ “hơi khác người chút xíu” như thế. Ông bà hẳn cũng khổ tâm vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con … cầu tự!

Cả hai quyết định dọn nhà đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời. Đây thực là một cố gắng phi thường, rất đáng qúi nhưng (tiếc thay) hoàn toàn … vô vọng!

Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc, ngay trung tâm của thành phố Đà Lạt. Giữa đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, nên lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa tiệm.

Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là ban đêm nhẩy lên xe, thả cho chạy từ đầu xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.

Có lần, một đứa nổi quạu:

- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.

Tôi vênh váo:

- Đ…má, bộ mày tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi mày đẩy được lên tới tận đây!

Tôi có cái tên mới, Tiến Khùng, thay cho Út Khùng, kể từ bữa đó.

Và từ bữa đó, cho đến bữa nay, đã gần nửa thế kỷ qua. Chiều nay, tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm vào thuở ấu thời, sau khi đọc tờ Việt Weekly - VOL. IV, NO.50 - phát hành từ Garden Grove, California, ngày 7 tháng 12 năm 2006. Số báo này có đăng lại bài tường thuật về cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa ban biên tập Việt Weekly với ông Võ Văn Kiệt, trong thời gian họ trở về nước để làm tin về hội nghị APEC 16.

Vào dịp này, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt của nước CHXHCNVN - một nhân vật tuy đã “out” nhưng chưa “down”- tuyên bố:

“Ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thực là quá đáng.” Và cũng chính ông Võ Văn Kiệt, ngay sau đó, bầy tỏ sự lo âu rằng: “Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu, nghèo nàn. Chúng ta phải làm sao bắt kịp thế giới.”

Cũng như phần lớn những người cộng sản khác, ông Kiệt thường hay nói chữ, và nói … khá ngu! Việt Nam là một trong những quốc gia đã được xếp vào hạng lạc hậu, độc tài và nghèo nàn nhất thế giới từ lâu lắm rồi - chớ còn có “nguy cơ” hay “cơ nguy” (khỉ khô) gì nữa, cha nội!

Image
Xu 20 tuổi, người Ja-rai, Xu chưa vợ, 1 tháng làm rẫy, thu nhập được 20 ngàn. Xu nói với khách du lịch “mình thích có 5 ngàn để mua cái thuốc lá mà hút”!
Nguồn/Ảnh: static.flickr.com/mrnhatrang

Ông Kiệt, hồi nhỏ dám (cũng) bị té giếng lắm nha. Thằng chả làm tôi nhớ đến cảnh mình ngồi rà thắng, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi đẩy cái xe ba gác lên dốc Duy Tân, ở Đà Lạt. Đã vậy mà còn lớn tiếng kể công:

- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây!

Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa …nuớc mắt! Những kẻ chủ trương yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa - cái chủ nghĩa (thổ tả) đã kềm hãm cả nước VN trong tối tăm, nghèo đói, cùng quẫn, áp bức, dốt nát, bênh tật, lạc hậu … hơn nửa thế kỷ qua – nay đang lớn tiếng đòi hỏi mọi người không được “phủ nhận” chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc!

Có lần một sĩ phu Bắc Hà nói (nhỏ) với tôi rằng: “Người cộng sản giống như những kẻ lữ hành không biết dùng bản đồ nên hay bị sa xuống hố. Cứ mỗi lần như thế, sau khi lóp ngóp bò lên lại được mặt đất, họ lại tung hô chiến thắng.”

Nghe thiệt là ớn chè đậu. Chứng kiến cái thái độ “hơn hớn tự đắc” của những người cộng sản VN, khi mới chập chững bước chân vào WTO, khiến tôi thốt nhớ đến nhận xét vừa nêu và - không dưng - muốn ói.

Nếu cứ nghe theo như miệng lưỡi của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại, ở VN, có hàng trăm đảng phái đang tham chính - chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không cho hoạt động, nên họ mới có chuyện đòi hỏi tội nghiệp xin một chỗ để … đứng (xớ rớ) cho vui. Sự thực, ai cũng biết, người cộng sản không chỉ “đứng” mà còn giành ngồi (độc quyền) trên đầu trên cổ của dân tộc Việt từ hơn nửa thế kỷ nay. Ông Võ Văn Kiệt còn “thẳng thắn” cho biết là họ sẽ … ngồi luôn như vậy, nếu thấy không có gì trở ngại!

Đây là nguyên văn câu hỏi của ban biên tập Việt Weekly“Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không?”

Và ông Võ Văn Kiệt đã trả lời (lòng vòng) như sau:

“Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như đảng Cộng sản Việt Nam là tin cậy được … Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác.”

“Nhiều nước (nào) khác” đã “xẩy ra rối rắm” vì theo chính sách đa nguyên và đa đảng thì không nghe ông Võ Văn Kiệt nói (ra), và cũng không thấy ban biên tập Việt Weekly hỏi (tới). Đang xớ rớ ở Việt Nam mà biết giữ mồm giữ miệng như vậy là phải (giá). Hỏi han, ăn nói lạng quạng dám bị đụng xe hay … lỡ bị mà kẹt luôn thì chết (mẹ).

Tôi không có gì phàn nàn ban biên tập Việt Weekly về sự dè dặt như thế. Tôi chỉ lấy làm tiếc là anh em đã không có cơ may để thực hiện lời khuyên của ông bà chúng ta để lại: “Đi hỏi già, về hỏi trẻ.”

Khi rời khỏi VN, anh em đều còn rất trẻ nên đã đi theo gia đình, hoặc theo lời khuyên của những bậc trưởng thượng (trong gia đình) mình để … vuợt biên. Khi trở về, lẽ ra, nếu hoàn cảnh cho phép, anh em nên hỏi chuyện nước non với những người trẻ tuổi như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Bạch Ngọc Dương, Lê Trí Tuệ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Xuân Đài … Xuất lộ của VN, hy vọng, có thể bắt đầu từ những con người quả cảm và ưu tú như thế. Chớ mất thời giờ với những ông già gần đất xa trời nhưng vẫn đĩ miệng và láu cá (như cái thứ ông Võ Văn Kiệt) làm chi. Quyền lợi đã khiến cho những người cộng sản VN trở nên … khùng hết trơn rồi.

Lâu nay, họ vẫn kể công là “nhờ sự quyết tâm và dũng cảm đổi mới của Đảng” nên cả nước mới thoát khỏi cảnh cơ hàn, đói rách. Còn ai gây ra thảm cảnh này thì những người cộng sản đã (làm bộ) quên mất tiêu rồi.

Cứ theo giọng điệu tráo trở như thế, không chừng, những nạn nhân thoát chết sau vụ Cải Cách Ruộng Đất ở VN - hồi đầu thập niên 50 - rồi cũng phải ghi nhớ công ơn của Đảng luôn. Chính Đảng đã phát động Chiến Dịch Sửa Sai (sau khi đã sát hại vài trăm ngàn người) chớ còn ai khác.

Tương tự, có lẽ những cộng đồng người Việt ở hải ngoại (kể cả những phụ nữ đang đi làm thuê làm mướn hay làm nô lệ tình dục ở Đài Loan, và những em bé đang sống trong những nhà thổ ở Cao Miên) cũng đều phải ghi nhận “chỗ đứng” của người cộng sản - như là những ân nhân - chớ phủ nhận sạch trơn sao được. Nếu không nhờ vào những chính sách bất nhơn, ngu xuẩn, và sự hà khắc của Đảng (đến độ cái cột đèn - nếu có chân - cũng phải bỏ chạy) thì làm sao mấy triệu người Việt Nam có “cơ hội” xuất ngoại, đúng không?

Trong thư toà soạn, của số báo thượng dẫn, ban biên tập Việt Weekly đã nêu lên một chủ trương đứng đắn và hợp lý: “Chúng ta là những người đã từng can đảm cầm súng chiến đấu cho niềm tin của mình. Đã từng can đảm giăng buồm đi vào biển xanh âm u cho niềm tin của mình. Thì chúng ta phải có đủ can đảm nhìn thẳng vào niềm tin của mình, nhìn thẳng vào đối phương, để tìm ra tương lai. Tương lai không phải cho riêng ai, mà cho cả dân tộc.”

Tôi xin cảm ơn anh em đã tạo cơ hội cho nhiều người “nhìn thẳng vào đối phương” (thêm một lần nữa) để nhận ra rằng CS là loại người vô phương đối thoại, nếu không có súng để dí súng vào đầu của họ!

Image
Huỳnh Việt Lang và Nguyễn Hoàng Long (đã) bị họ bắt giam rồi.
Nguồn/Ảnh: DCVOnline

Từ trong nước, nhà báo Huỳnh Việt Lang - người sinh năm 1968, cùng thế hệ với anh em chủ trương tuần báo Việt Weekly – đã khẳng định như thế, trước đây, vào ngày 30 tháng 10 năm 2005: “Tập đoàn cầm quyền phản động Hà nội đã khước từ cơ may đối thoại... chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng, hoặc toàn bộ chúng tôi bị giết, hoặc chế độ cộng sản đểu cáng vô nhân tính tại Việt Nam này phải bị đánh sập”.

Mười hai tháng sau, “chế độ cộng sản đểu cáng vô nhân tính tại Việt Nam (chưa) bị đánh sập” thì Huỳnh Việt Lang (đã) bị họ bắt giam rồi. Chúng ta đang ở tình trạng đánh không nổi, hoà không xong, và đàm cũng không được nốt. Chuyện tìm ra tương lai cho cả dân tộc, theo như sự quan tâm và cách nói của anh em Việt Weekly, xem chừng, còn nhiều chông gai lắm.

Copyright © 2006 DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Chuyện từ những chuyến đò ngang

Tưởng Năng Tiến


Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một chuyến đò ngang - qua bến Cà Tang - bị nước cuốn trôi, khiến cho mười tám em học sinh chết đuối! Người phải chịu trách nhiệm trong tai nạn thương tâm này là ông Võ Nghĩnh, và kẻ liên đới là bào đệ của ông ta - ông Võ Quang Trang. Cả hai đều là những công dân lão hạng. Dù không ai trong số những gia đình nạn nhân nói trên đã đưa đơn thưa kiện, ông Võ Nghĩnh vẫn bị truy tố và xử phạt ba năm tù giam vì tội vi phạm các qui định điều khiển giao thông đường thủy.

“Bị cáo Võ Quang Trang (người giao đò cho anh trai điều khiển) và UBND xã Quế Trung phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường gần 282 triệu đồng cho các bị hại… "(*)

“Trước tòa, bị cáo Nghĩnh nhận hết trách nhiệm trong vụ án. Ông nói: "Tôi lẽ ra là người chết rồi, nhưng sống được tới giờ cũng khổ sở lắm chứ sướng ích chi. Tòa xử sao tôi cũng chịu vì tôi là người có lỗi". Chủ tọa Vũ Thanh Liêm hỏi: "Biết mình già yếu, tuổi đã cao nhưng tại sao ông vẫn còn chèo đò. Lúc đó ông có biết đã vi phạm pháp luật vì không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không?". Ông Nghĩnh đáp: "Tôi gắn bó với sông Thu Bồn từ nhỏ. Già cả rồi nhưng nghĩ tới hột lúa hột gạo nên phải làm. Cả đời tôi không đi ra khỏi làng, làm sao biết quy định của pháp luật được".

Image
Người mẹ ra bờ sông ngóng tìm con - Nguồn: Tiền Phong Online

Tính cho đến hôm nay, án tù dành cho ông ta và bào đệ vẫn chưa đáo hạn. Rồi sáng nay, ngày 7 tháng 10 năm 2006, một vụ chìm đò khác xẩy ra - ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - khiến cho 19 người thiệt mạng. “Theo người dân địa phương và một số học sinh sống sót, chủ đò tên là Phong, nhưng chuyến đò định mệnh này lại do con trai ông Phong lái, trên đò chở khoảng 25 em học sinh đang trên đường đến Trường THCS Lạng Khê. Lúc đò rời bến Chôm Lôm ra giữa sông Cả, nhận thấy đò quá nặng, lái đò loay hoay quay đò vào bờ để bớt người thì bị mất lái, chiếc đò chao đảo, học sinh hoảng loạn và đò lật chìm … các cơ quan chức năng đã vào cuộc để cứu nạn và điều tra làm rõ vụ lật đò này"

Không biết các cơ quan chức năng sẽ “cứu nạn” thế nào (khi mà 19 thi thể trẻ thơ đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ) nhưng khỏi cần điều tra thì người ta cũng có thể đoán được là Toà Án Nhân Dân Huyện Con Cuông sẽ có bản án xử phạt ra sao cho hai cha con người làm chủ con đò, ở bến Chôm Lôm. Hai anh em ông Võ Trang và Võ Nghĩnh đã trở thành vật tế thần cho oan hồn của những bé thơ ở bến Cà Tang, số phận cha con ông Phong (chắc chắn) cũng không thể khác.

Đó là những chuyện thường ngày vẫn xẩy ra ở huyện, và ở huyện nào thì những “cơ quan chức năng” cũng sẽ “xử lý” y như thế mà thôi. Chỉ có phản ứng của những giới chức ở trung ương, trong vụ đắm đò lần này, là hơi khác, và đây là một hiện tượng rất đáng khích lệ.

Ngay ngày hôm sau – ngày 8 tháng 10 năm 2006 - người dân ở bản Chôm Lôm đã nhận được công điện từ văn phòng của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông “gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến gia đình các cháu… Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và có biện pháp chấn chỉnh ngay, không để xảy ra tình trạng tương tự".

Qua hôm sau nữa, Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân cũng gửi thư chia buồn đến trường trung học Lạng Khê. Cùng lúc, bí thư tỉnh ủy Nghệ An, Nguyễn Thế Trung cũng đã đến “chia buồn với các gia đình nạn nhân, cũng như cảm ơn những người dân đã thể hiện tinh thần tuơng thân tuơng ái, tham gia tìm kiếm thi thể các em…Ông cũng ra lệnh phải “khắc phục ngay tình hình an toàn giao thông ở bến Chôm Lôm".

Ở những vùng cao, vùng xa, vùng sâu như huyện Con Cuông mà nhận được những lời chia buồn thảm thiết - cùng với sự quan tâm thắm thiết - của các giới chức lãnh đạo cao cấp như thế quả là một sự kiện hiếm hoi, và (vô cùng) cảm động. Là một người dân miền núi, tôi cảm thấy (rất) ấm lòng và an ủi. Chỉ có điều đáng tiếc là những biện pháp để “khắc phục” hoặc để “chấn chỉnh tình hình an toàn giao thông ở bến Chôm Lôm” mà qúi ông Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Bí Thư Tỉnh Ủy đã nhắc đi nhắc lại - trong những công điện hay huấn thị vừa rồi - thì nghe sao có vẻ hơi (bị) tù mù!

Dường như không ai trong qúi ông biết rằng đây không phải là lần đầu, mà là lần thứ 4 (trong vòng mấy năm qua) đã xẩy ra tai nạn chìm đò ở bến Chôm Lôm. Lần nào cũng có người tử nạn, và lần nào người dân cũng như những cán bộ địa phương cũng đều nhận được những chỉ thị “khắc phục” (tương tự) nhưng dường như không ai biết phải xoay trở ra sao cả?

Tôi cũng e rằng không ai trong số qui vị biết rằng, “sau ba lần bị chìm đò tại bến sông này làm thiệt mạng năm học sinh, năm 2004, dự án Luxembourg đã tài trợ cho xã Lãng Khê một thuyền lớn 12 sức ngựa, có thể chở từ 25 - 30 người để đưa các em học sinh qua sông đi học. Nhưng xã Lăng Khê lại không đưa vào sử dụng vì ‘tốn dầu’, thu sẽ không đủ chi. Thay thế chiếc thuyền này, xã đã thuê đóng chiếc thuyền có trọng tải dưới 1 tấn và ký hợp đồng với ông Lô Quốc Phong (sinh 1951) người bản Chôm Lôm làm người lái. Chính chiếc đò này đã gây vụ tai nạn thương tâm ngày 7-10".

Như thế, rõ ràng, những nạn nhân trong tai nạn vừa rồi đều chết là do số - số nghèo. Và họ nghèo đến mức nào thì đây (có lẽ) là điều ngoài sức tưởng tuợng của tất cả mọi người - chứ chả riêng chi qúi ông Thủ Tướng, Bộ Trưởng hay Tỉnh Uỷ… ở Việt Nam.

“Cả bản Chôm Lôm như chết lặng trong tiếng khóc thương. Nghĩa trang của bản đã phủ thêm 13 vòng hoa trắng. Nhiều em không thể có nổi tấm ảnh thờ, gia đình phải dùng sách vở, giấy khen để làm di ảnh”.

Ở một nơi mà những cụ già đến tuổi tám muơi vẫn phải làm việc mưu sinh, và những đưá bé suốt thời ấu thơ chưa bao giờ có đuợc cơ hội chụp một tấm hình, mà đòi hỏi ông lái đò phải có giấy phép hành nghề, và khách đi đò phải có phao an toàn là những biện pháp … “khắc phục” (nghe) rất … viển vông!

Và chuyện bắc một cái cầu, thay cho những chuyến đò ngang thì còn viển vông hơn nữa – theo như nhận định của ký giả Quang Long, người đã đến tận nơi để viết bài tường thuật: ”Bao giờ bản làng Chôm Lôm heo hút mới có một cây cầu nối hai bờ sông, để các em khỏi phải qua những chuyến đò rét mướt? Bao giờ, cho đến bao giờ?”

Chả cần đợi đến hôm nay người ta mới nhận thức được khoảng cách giàu nghèo (xa thẳm, và mỗi lúc một xa) ở Việt Nam, cùng với nguyên nhân của nó. Ai cũng biết một trong những lý do chính là tệ nạn tham nhũng. Và vấn để này đã được chính phủ đặt ra trước đó, trước đến … ba ngày, nếu tính từ hôm có chuyện th ương tâm xẩy ra - ở bến Chôm Lôm.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, vào ngày 4 tháng 10 năm 2006, đã có phiên họp (đầu tiên!) về việc phòng chống tham nhũng tại Hà Nội. Trong dịp này, Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng Ban Chỉ Đạo) tuyên bố: ”Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ từng bước ngăn chận và đầy lùi tham nhũng”.

Ông Dũng nói năng cứ y như là một người vừa mới từ trên Trời rớt xuống. Nghe sao mà dễ ợt vậy, cha nội? Nếu có chút xíu hiểu biết về thành tích và lịch sử của cái đảng (thổ tả) có tên là Đảng Lao Động VN thì có lẽ đương sự đã không lớn tiếng đến như thế. Trước đây đã lâu, vào ngày 13 tháng 9 năm 2001, ông Nguyễn Thụ (người mà tuổi Đảng nhiều hơn tuổi đời của ông Nguyễn Tấn Dũng) đã nói nhỏ nhẹ hơn, về vấn đề này, như sau:

“Từ hơn hai mươi năm nay, lấy mốc từ NQ /228 (mà cán bộ và nhân dân gọi đùa là ‘nghị quyết hai hai túm’), cho tới nay đã có hàng chục nghị quyết khác về chống tham nhũng: hết NQ14 sang NQ/15, rồi tới QÐ 240, lại ra NQ/45. Hết của Ðảng tới Chính phủ... Có khác gì chống tham nhũng bằng mồm, bằng văn bản? Nạn tham nhũng vẫn cứ như vòi bạch tuộc lộng hành khắp chốn khắp nơi"

Sống dưới sự lãnh đạo của “những cái vòi bạch tuộc lộng hành khắp chốn khắp nơi” như thế, cùng với đám ký sinh là “những doanh nghiệp nhà nước” thì khoảng cách giàu nghèo - ở Việt Nam - sẽ mỗi ngày một rộng hơn. Và chuyện bắc một cái cầu, qua những bến sông thay cho những chuyến đò ngang, mãi mãi sẽ là ước mơ vô vọng của những người dân ở bản Chôm Lôm, xã Lãnh Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Giá ngày trước Bác (giai) đừng đi linh tinh (tìm đường cứu nước, và chung chạ tùm lum) thì mọi chuyện – không chừng – đã khác, và đã khá. Cứ ở lại quê mình với bác gái, một vợ một chồng – sớm tối có nhau – không có sức vóc làm ruộng thì nuôi gà, nuôi vịt, đan lát quàng qué kiếm thêm (có lẽ) cũng không đến nỗi nào. Được thế thì bây giờ gia tộc cũng đỡ mang tiếng xấu và tỉnh nhà (chắc chắn) đã có một chiếc cầu ngang, qua bến Chôm Lôm. Còn những công dân lão hạng khắp mọi nơi (như ông Võ Nghĩnh) cũng sẽ đều được nằm chết ở nhà mình – thay vì ở nhà … tù, vì tội đưa đò – khi đã quá tuổi tám muơi.

Copyright by DCVOnline 2006

--------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: (*) Ngày 2 tháng 2 năm 2004, những gia đình có con thiệt mạng trong vụ những gia đình có con bị thiệt mạng trong vụ lật đò ở Nông Sơn, đã đồng loạt đệ đơn chống án lên TAND Tối cao, đề nghị cho bị cáo Võ Quang Trang không phải chịu trách nhiệm thanh toán hơn 140 triệu đồng bồi thường theo phán quyết của án sơ thẩm (18 gia đình bị hại trong vụ lật đò kháng cáo có lợi cho bị cáo).
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Tuân Nguyễn và Nguyễn Tuân

Tưởng Năng Tiến


“Việc xảy đến với Tuân… thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh… Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.” (1)

Hà Nhật tâm sự như trên, trong bài viết “Tuân Nguyễn, Kẻ Mộng Mơ,” đọc được ở talawas hôm 22 tháng 2 năm 2008. Tôi không quen nhưng biết cả ba nhân vật vừa kể, và những tai hoạ “đính kèm” trong cuộc đời (lao đao) của họ. Hôm nay, xin được thưa chuyện về ông Tuân Nguyễn trước.

Trong một bài viết khác (“Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội”), Phùng Quán kể lại rằng:

“Hòa bình lập lại, Tuân ra khỏi quân ngũ, đi học tiếp và tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, làm thầy giáo. Sau đó được điều về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam…Còn tôi, lâm vào cảnh khổ nạn văn chương Nhân văn Giai phẩm phải về tá túc bên bờ hồ Tây, nhập phường câu cá trộm…”

“Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin…”

“Một lần, tôi hỏi Tuân:

− Cậu hay gặp mình, thế nào cơ quan họ cũng biết. Cậu không ngại à…?

− Có ngại cái con cặc. Đù mạ …!” (2)

Ở Việt Nam mà quan hệ và nói năng “linh tinh” kiểu đó thì … lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (không chừng ) sẽ lôi thôi lớn. Tuân Nguyễn bị bắt vào ngày 21 tháng 10 năm 1964, và được thả … mười năm sau đó!

Sau đó, vẫn theo lời Phùng Quán:

“Một buổi vào giữa trưa, tôi đang ngồi đun bếp, thì cửa liếp xịch mở. Tôi ngẩng lên, ngồi lặng đi một lúc khá lâu. Tôi bật gọi, cổ nghẹn tắc:

− Trời… Tuân!

“Phải, người đang đứng trước mặt tôi là Tuân Nguyễn. Da mặt vàng úa và hơi phù nề. Cặp kính cận vành đồng rỉ xanh và hai gọng được thay bằng hai vòng dây gai xe. Cái miệng vẫn rộng nhưng không còn tươi nữa. Cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu. Như bừng tỉnh, tôi loạng choạng đứng dậy. Và hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau lúc nào không biết. Phút chốc hai gương mặt dãi dầu, bầm dập khổ nạn trần gian, đẫm lệ. Tôi thì thầm qua nước mắt:

− Thế mà đã gần mười năm rồi… Mười năm tốt đẹp nhất của một đời người…

“Tuân cười buồn:

− Chắc cậu không tin mình còn có ngày trở về?

− Cậu gầy yếu quá… Người của sách vở, của mộng mơ… Cậu đâu được chuẩn bị để nhận một đòn chí mạng như vậy…

“Tuân ngồi xuống cạnh bếp lửa, hơ hơ hai bàn tay gầy guộc, nói:

− Sức thích nghi vô tận cũng là một điều bí ẩn của con người, cậu ạ.

“Tôi thổi cơm, rán cá, nấu canh chua. Hai đứa ngồi ăn ngay bên bếp.

− Nghĩ cho cùng, không có cái rủi nào lại không chứa sẵn ít nhiều cái may. Có lẽ nhờ vậy mà con người mới có thể tồn tại trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.

− Cậu thử nói cái may cậu tìm thấy trong mười năm qua xem nào, tôi hỏi.

− Trước hết, mình có dịp suy gẫm thêm về cuốn tiểu thuyết mình định viết, vì đã viết được hai chương đầu… Nhưng điều may mắn này mới là quan trọng hơn cả: trong mười năm qua, mình đã sống giữa những con người vô cùng phong phú và phức tạp, chất liệu sống vàng ròng cho các nhà văn…”

Số “vàng ròng” qúi báu này, tiếc thay, Tuân Nguyễn không bao giờ có dịp đưa vào tác phẩm. Ông đột ngột giã từ cuộc sống, sau một tai nạn lưu thông.
Hà Nhật bùi ngùi kể lại:

“Vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm Tuân rồi đưa Tuân đến nghĩa địa Gò Dưa bên Thủ Đức, cúng ‘mở cửa mả’ cho Tuân, những chuyện ấy dồn dập xảy ra cứ như là không có thật. Buổi chiều ấy, ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe mà lạnh người:

− Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”(3)

Có lẽ vì “xót” bạn nên nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã nói (hơi) quá ra như thế. Chứ những mảnh đơi te tua bầm dập, với chung cuộc thê thảm và lảng xẹc (cỡ) như Tuân Nguyễn − hay chỉ hơn thua chút đỉnh − đâu có nhằm nhò hay hiếm hoi gì, ở Việt Nam.
Nơi đây, cứ theo như lời Phùng Quán:

Chín người − mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ, và bị lưu đầy…

Một nhà thơ khác, ông Nguyễn Chí Thiện, thì diễn tả nghe (có vẻ) kém … tế nhị hơn:

Trại lính, trại tù người đi không ngớt…
Người về thưa thớt, dăm ba!

Nghe mà thấy ghê! Và đúng thế thì ông Tuân Nguyễn chỉ là một đại diện tiêu biểu − cho hàng chục triệu người “đi không ngớt” vào những “trại lính, trại tù,” và cả chục triệu những “cuộc đời rạn vỡ” khác − ở Việt Nam thôi, đúng không? Hy vọng là giáo sư Cao Xuân Hạo đủ bao dung, cho phép kẻ hậu sinh này đổi lại vài chữ trong câu nói (“lạnh người”) của ông − như sau:

− Người Việt sinh ra ở đời để đóng vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên “Trời ơi sao dân tộc tôi khổ thế này,” khi nhìn vào Việt Nam sẽ thấy nỗi khổ của dân tộc mình chưa là cái … đinh gì (xất) cả!

Khổ như thế, đã đành. Chuyện không đành là ở đất nước này khi đề cập đến những chuyện khốn nạn, tàn ác, bất nhân, vô luân … (đại loại như những chuyện nát lòng đã xẩy ra cho Tuân Nguyễn) thì mọi người bỗng dưng nhỏ giọng, thì thào; hoặc rào đón, che chắn trước sau − cứ y như là họ sợ sẽ bị thần linh (hay ôn hoàng dịch vật gì đó) quở phạt vậy.

Thiệt, nghe mà phát mệt. Thử đọc một đoạn của nhà thơ Vũ Từ Trang, trong bài “Tuân Nguyễn Phận Mỏng Cánh Cò” – xuất hiện trên Việt Báo. VN, vào 14 tháng 10 năm 2007 mà xem:

“Giá như anh không va vấp, không gục ngã, thì anh đã thành đạt như bao bạn bè trang lứa mê văn chương chữ nghĩa một thời… Cái chết của anh như một định mệnh. Một tai nạn giao thông với một con người lầm lũi sống và yêu cuộc sống. Một cái chết của một cánh cò trắng đang bay…”(4)

− “Va vấp” vào cái con cặt gì vậy!

Dù là một người (vô cùng) nho nhã, tôi cũng (suýt) lây tật xấu của ông Tuân Nguyễn mà văng tục chửi thề − như thế − cho nó đã (tức). Mà không tức (ứa gan) sao được chớ?

Giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn, thẳng thắn trình bầy quan niệm sống của mình trước mọi người là cách hành xử bị coi là “va vấp,” đáng bị bỏ tù − hay sao? Ra tù, với “da mặt vàng úa hơi phù nề và cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu,” lúc phải ở nhờ, lúc thì sống chui rúc trong một căn phòng chỉ rộng bằng … chiếc chiếu. Xin đi làm việc thì bị khước từ vì có “thành tích là một tên phản động.” Vậy mà khi lìa đời thì được ông thi sĩ đồng nghiệp mô tả đó là “cái chết của một con cò trắng đang bay.”

− Đụ mạ, “bay” kiểu gì kỳ cục dữ vậy − cha nội? Nói như vậy mà nói (lấy) được sao?

Nếu không “đãi bôi” theo kiểu đó thì mọi người cũng chỉ dám khe khẽ thở dài, buồn rầu, ái ngại đổ thừa cho “số phận” (không may) của Tuân Nguyễn mà thôi. Ông Hà Nhật đã nhắc lại điệp khúc “mất mùa vì tại thiên tai” – như thế − để kết luận cho bài viết (thuợng dẫn) như sau:

“Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, ngẫu nhiên mà trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất nước ta. Có lẽ khi đặt tên cho con, các vị thân sinh của anh không hề nghĩ gì đến chuyện này, vì phải rất lâu sau khi con trai họ ra đời thì Nguyễn Tuân mới có Vang bóng một thời cho người đời ca tụng. Tránh việc trùng tên cho người ta khỏi ngộ nhận, hóa ra Tuân Nguyễn đã tự nhận mình như một sự đảo ngược của số phận: một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn nghiệt ngã.”

Cái được mệnh danh là “đủ thứ vinh quang” này, theo như chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là nhờ biết … sợ! Mà sợ hãi tới cỡ đó, vào thời buổi đó, nghĩ cho cùng, cũng phải (giá) thôi. Thời phải thế, thế thời phải thế.

Bỉ nhất thời dã.
Thử nhất thời dã.
Hồi đó là một thời.
Bây giờ là một thời (đã) khác.

Người Việt hôm nay ăn nói và hành xử (đã) khác xưa chăng? Không dám (khác) đâu. Đọc thử poster giới thiệu Hoàng Hưng, hồi cuối năm ngoái, của một nhà thơ “đương đại” thì biết:

“Tên thật Hoàng Thụy Hưng, con một gia đình trí thức Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 11 tuổi… Mười tám thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội… ông đã bỏ học, tình nguyện lên Tây Bắc…. Hai mươi ba tuổi, ông về dậy văn cấp ba tại Hải Phòng…. Về Hà Nội.… Hoàng Hưng rẽ sang một hướng khác: ông không nhìn đời toàn mầu hồng nữa, ông kết bạn với những thành phần ‘phức tạp’, và đến năm 1982, vì một lý do ‘đáng tiếc’, ông phải bước vào trại cải tạo.”

Image
Hoàng Hưng biểu tình chống Trung Cộng (Sài Gòn, 12/2007)
Nguồn: hahtncttg.org

Nghe cứ y như thể Hoàng Hưng đang là một thanh niên trí thức, lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết bỗng (khi khổng, khi không) đâm ra đổ đốn, giao du toàn với bọn đầu trộm đuôi cướp, rồi đến năm 1982 vì “một lý do đáng tiếc” không tiện nói (kiểu như móc túi hay giựt đồ và bị bắt gặp quả tang) ông phải bước vào trại cải tạo vậy!
Cái được mô tả là “thành phần phức tạp,” và “lý do đáng tiếc” − khiến Hoàng Hưng phải vào tù − được chính ông tường thuật như sau, qua đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA.org), nghe được hôm 22 tháng 7 năm 2007:

“Cái lý do trực tiếp của nó là khi tôi cầm trong tay tôi bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khi tôi từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhà thơ Hoàng Câm có tặng tôi bản thảo chép tay Về Kinh Bắc…Tôi không nghĩ là nó có vấn đề gì nhưng không ngờ họ lại bắt tôi và họ bảo tôi lưu truyền văn hóa phẩm phản động….” (5)

Chữ “họ” trong đoạn văn thượng dẫn là một đại danh tự, dùng để thay thế (hay ám chỉ) cái tập đoàn cộng sản − những kẻ đã hành xử quyền lực một cách bất nhân và bạo ngược hơn nửa thế kỷ qua − ở Việt Nam, chứ còn ai vào đó nữa. Bao giờ mà người dân Việt còn “kiêng”, chưa chỉ thẳng vào mặt, và đặt thẳng tên cho chúng nó (rõ ràng) như vậy thì “họ” vẫn tưởng mình là những người của “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Nam,” và vẫn có thể tiếp tục tác yêu tác quái, trên đầu muôn dân trăm họ.


© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

(1) Online: http://snipurl.com/20oqb [www_talawas_org]
(2) Online: http://snipurl.com/20oqg [vnthuquan_net]
(3) Online: http://snipurl.com/20oqb [www_talawas_org]
(4) Online: http://snipurl.com/20oqo [vietbao_vn]
(5) Online: http://snipurl.com/20or0 [www_rfa_org]
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Vẫn (cứ) theo gương Bác

Tưởng Năng Tiến


Sau nhiều năm lưu lạc, khi trở lại cố hương, ông Cao Ngọc Quỳnh bùi ngùi kể lại: ”Tôi cô đơn lạc giữa dòng người, dòng hoa, dòng đèn và dòng… khẩu hiệu. Vẫn những khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước với những sắc màu rực rỡ hơn trong sự mầu nhiệm của nền kinh tế thị trường.”

Họ Cao khiến tôi nhớ đến “những dòng khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước,” cùng với một tiếng thở dài - cố nén:

- Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm.
- Chủ Nghĩa Mac Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô địch Muôn Năm.
- Hồ Chủ Tịch Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta.
- …

Suốt đời phải sống giữa cả đống “ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc - Bách Chiến - Bách Thắng - Vĩ Đại - Quang Vinh - Muôn Năm ” … giăng mắc ở khắp nơi như thế, nếu không bị loạn thị, người dân Việt (ít nhiều) chắc đều trở thành mụ mị. Do đó, “Tổ Quốc (nếu được) Nhìn Từ Xa” trông có vẻ lại rõ nét hơn:

“Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày
Xứ sở nhân tình sao thật lắm thương binh
Đi kiếm ăn đủ kiểu
Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng …
Xứ sở thông minh sao lắm trẻ em thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương…
Xứ sở thiêng liêng sao lắm đình chùa làm kho hợp tác…”
Nguyễn Duy (Tổ Quốc Nhìn Từ Xa - 1988)

Hai mươi năm sau, năm 2008, một công dân khác - ông Phạm Đình Trọng - từ Ấn Độ cũng vẫn lại nhìn về Việt Nam với nỗi niềm ray rứt, trăn trở và bất an (y trang) như trước:

“Ấn Độ là đất nước của thần linh ...Việt Nam cũng là đất nước của thần linh… Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn xưa bị san phẳng, thần linh bị báng bổ… Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ…”

” Những ngày ở xứ sở của thần linh, tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, một thần linh lớn lao, cao cả của chúng ta mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ.”

”Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Ðộ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!”

”Ðịnh mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản!” Ðó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản mà chúng ta đã chọn!”

Nói là “Tổ Quốc Nhìn Từ Xa” nghe cho nó có vẻ giang hồ (vặt) và kiểu (cọ) chút đỉnh, chứ thực ra thì cũng không cần lê la xa xôi gì cho mệt, chỉ cần sống trên cao chút xíu - nhiều công dân Việt Nam - cũng có thể nhìn ra được rõ ràng thực trạng (phũ phàng) của đất nước mình.

Từ cao nguyên Lâm Viên, ông Mai Thái Lĩnh, một biên tập viên của tạp chí Lang Biang (tờ báo đã bị đóng cửa vào tháng 5 năm 1988) cũng đã trình bầy những quan điểm tương đồng như ông Phạm Đình Trọng, qua một loạt bài viết công phu – “Tìm Hiểu Quan Niệm chính Trị Của Phan Châu Trinh” - đọc được trên talawas vào những ngày 24 tháng 2, 26 tháng 2, và 24 tháng 3 năm 2007, xin trích dẫn một đoạn ngăn ngắn:

“Nếu quân chủ (quân trị) là chế độ mà một ông vua hay một dòng họ (hoàng gia) làm chủ, nếu dân chủ (dân trị) là chế độ mà toàn dân làm chủ, thì chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị) chính là chế độ trong đó một đảng làm chủ. Chế độ đó thực chất chỉ là một chế độ quân chủ kiểu mới, một chế độ quân chủ trá hình.”

”Như vậy, chế độ độc đảng toàn trị chỉ là một chế độ dân chủ giả hiệu, không phải là một chế độ dân chủ đích thực. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như tất cả, hay hầu hết những gì Phan Châu Trinh nhận xét về chế độ quân chủ đều có thể áp dụng cho chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị), tức là một chế độ trong đó một đảng làm chủ. Dù có thay một ông “vua cá nhân” bằng một ông “vua tập thể” thì những nét tương đồng vẫn có thể tìm thấy dễ dàng, nếu như mỗi chúng ta không bị những thứ chữ nghĩa “biện chứng” làm cho mờ mắt, hoặc bị những giáo điều của “tôn giáo mới” làm cho đầu óc khờ khạo, u mê.”

”Và cũng từ đó, chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc tại sao hàng loạt các nhà nghiên cứu dựa trên quan điểm Marx - Lenin đã và đang luôn luôn tìm mọi cách để bưng bít, xuyên tạc quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, một trong những nhà dân chủ đầu tiên và có thể là nhà dân chủ lớn nhất của nước ta trong thế kỷ 20.”

Quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh được ông Hà Sĩ Phu (một cư dân khác, cũng sống hơi cao, trên cao nguyên Lâm Viên) tận tình chia sẻ - qua một loạt những bài viết khác: “Tư Tưởng Và Dân Trí Là Nền Móng Xã Hội” - đọc được trên Thông Luận vào những ngày 15 tháng 5, 17 tháng 5 và 1 tháng 6 năm 2007. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:

”Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường ray Phan Chu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thuỵ Điển bây giờ thì sao nhỉ? “

”Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:

• không có cuộc đánh Pháp 9 năm
• không có cuộc “Nam Bắc phân tranh lần thứ 2” dẫn đến cuộc đánh Mỹ
• không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
• không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
• không có lý do gì phải tiến hành cuộc “đổi mới hay là chết”
• không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước toà cho thiên hạ xem, vân vân… “

“Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc… “

”Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không chọn Phan Chu Trinh. Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.”

Bộ thiệt vậy sao, Trời? Ông Phạm Đình Trọng thì nằng nặc cho là vì “định mệnh trớ trêu đưa đẩy chúng ta đã chọn con đường cách mạng vô sản!” Còn ông ông Hà Sĩ Phu thì nhất định nói rằng “dân tộc này đã không chọn Phan Châu Trinh.” Nói cách khác, theo hai ông, là “chúng ta” hay “dân tộc này” đã lựa ông Hồ Chí Minh - đúng không?

Nếu đúng vậy thì xin thưa (trước) là trong số những người mà ông Phạm Đình Trọng gọi là “chúng ta,” và ông ông Hà Sĩ Phu tóm gọn thành cả “dân tộc này” (kể như) không có … “em” đâu đó nha.

Ít nhất cũng có tới nửa phần dân tộc Việt - trong hơn một phần tư thế kỷ - đã chiến đấu không ngừng, đã chấp nhận hy sinh hàng triệu mạng sống, chỉ để cố giữ cho nửa phần quê hương VN không bị rơi vào thảm hoạ vô sản hoá và bần cùng hoá.

Mà nói vậy - không lẽ - nửa phần dân tộc Việt còn lại đều đã đồng lòng cắm cúi bước theo con đường (“kách mệnh”) mà “Bác kính yêu đã chọn” hay sao? Vơ đũa cả nắm như vậy (e) còn trật dữ nữa.

Cả dân này Việt - nói tình ngay - chưa bao giờ có cái may mắn được lựa chọn bất cứ chuyện gì. Họ chỉ bị huyễn hoặc (hay được lãnh đạo) để lao vào những cuộc chiến rất “thần thánh” nhưng hoàn toàn không cần thiết - thay vì kiên trì nghe theo lời kêu gọi thống thiết “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan - thế thôi.

Nếu nói theo kiểu của ông Bùi Tín, họ sống giữa “thế kỷ mây mù” mà. Và ông Hồ Chí Minh là nhân vật mù mờ, đáng ngờ nhất của thế kỷ này. Chỉ cái tên gọi, ngày sinh, ngày tử, và chuyện tình ái (lăng nhăng) của ông ấy không thôi cũng đủ cho toàn dân … phát mệt, và khiến cho không ít kẻ phải mất việc hay mất mạng!

Sống và hoạt động “kách mệnh” cùng thời với ông Hồ mà không bị bán đứng, không bị ám sát, không bị hãm hại, không bị thủ tiêu… là may mắn và phước đức lắm rồi. Còn chuyện bị xuyên tạc, bị cái bóng đen và dàn loa tuyên truyền của Đảng ông ấy che khuất lấp (như trường hợp của cụ Phan Châu Trinh) thì kể như là chuyện nhỏ.

Sở dĩ ông Hồ Chí Minh gạt được nhiều người, trong nhiều năm, và có thể trở thành một thứ “thần tượng giả được đôn lên” (nếu nói theo cách của nhà văn Phạm Đình Trọng) vì ông ta có được sự đồng lõa của cả một băng đảng chuyên môn làm bạc giả - Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

Nửa thế kỷ trước, không ít những người thuộc thế hệ cha anh của tôi chưa bao giờ may mắn có được cái độ lùi cần thiết để nhìn rõ về chân dung của ông Hồ (nói riêng) và cuộc cách mạng vô sản (nói chung) một cách rõ ràng như thế. Thực không có gì ngạc nhiên là họ đã… trao duyên lầm tướng cướp, và cũng không có gì đáng trách vì họ đã cầm nhầm tiền giả.

Có đáng trách chăng là cho mãi đến hôm nay, sau khi cả dân tộc đã bị đẩy đi đến tận cùng sự bi đát (theo con đường Bác đi) mà Tuổi Trẻ Online vẫn thản nhiên rầm rộ cổ động “bạn đọc tham gia viết bài Hoạt Động Theo Gương Của Bác.” Ông Nguyễn Văn Hùng, một độc giả, đã “tham gia” với bài viết “Chiếc Gối Thần Của Bà Tôi” – có đoạn – như sau:

“Bà tôi không theo đạo bà bảo chiếc gối bông là ‘chiếc bùa hộ mệnh’ của bà. Tôi để ý mỗi khi có việc gì hệ trọng thì bà lại lần giở chiếc gối, lấy ra một tờ giấy ố vàng đưa lên áp vào ngực và lẩm nhẩm khấn vái như người ta đọc kinh…”

“Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước rợp cờ hoa mừng giải phóng, bà tôi lặng lẽ làm mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Bác. Khác với mọi lần, bà tôi kính cẩn khấn vái rất lâu, nước mắt bà chảy dài làm tôi cũng muốn khóc theo. Khấn vái xong bà gọi tôi đến lấy cho bà chiếc gối. Tôi hồi hộp nhìn theo tay bà lần giở từng lớp bông gòn lấy ra một túi nilông đựng một tấm ảnh Bác Hồ đen trắng được bà cắt ra từ tờ báo Quân đội Nhân dân cũ và một tờ giấy ố vàng hơi nhàu, đó là bản Di chúc của Bác (3).“

Giữ “lề bên phải,” cho nó an toàn, là điều có thể thông cảm được trong hoàn nghiệt ngã đối với những người đang sinh sống bằng nghể truyền thông - ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục cổ võ cho chính sách ngu dân của nhưng kẻ đang cầm quyền ở xứ sở này thì lại là chuyện khác. Một chuyện bất nhân, ác tâm và ngu xuẩn.

Copyright © DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Sổ Tay Thường Dân TNT 31-05-2008
Tưởng Năng Tiến

Giọt nước tràn ly

Những trại trại cải tạo lao động, ở Việt Nam, thường không có điện.

Sinh hoạt, do đó, được phân chia rõ rệt: từ lúc mặt trời mọc cho đến khi lặn là thời gian dành cho “công tác.” Giữa khoảng thời gian đó, trại viên được “tùy nghi.”

Phải sống trong cảnh tối tăm mới thấy đêm dài, nhất là những đêm đông. Có đêm, tôi khều thằng bạn nằm bên - hỏi nhỏ:

- Theo mày thì lúc nào, hay nơi nào, được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

- Bắc Mỹ Thuận.

Nó đáp nhẹ nhàng, và lẹ làng, không một giây do dự. Tôi ngớ người ra một lát – và chỉ một lát thôi – rồi nhớ ngay đến sông Tiền Giang, với những đám lục bình lơ lửng trên dòng nước đẫm màu phù sa, đang cuồn cuộn trôi nhanh trong nắng chiều vàng rực, giữa bến bờ xanh um - xa ngút mắt.

Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến luợt xuống phà, người ta tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột nướng… Không gian rực rỡ màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc, của miền Nam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt…

Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi vị, cốm dẹp, nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò, đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim mía rô ti…

Tôi nuốt nước miếng cùng với ý nghĩ rằng: thằng em này … đang đói, và đói lắm. Nói tình ngay, vào thời điểm đó (những năm đầu sau ngày “giải phóng,” và gần cả hai thập niên sau nữa) cả nước đều đói cả - và đói lả - chứ chả riêng gì mấy đứa chúng tôi.

Thời đó, may quá, đã qua rồi. Cái đói, cùng với miếng ăn, không còn là điều ám ảnh thường trực đối với - phần lớn - những người dân Việt.

Bắc Mỹ Thuận cũng không còn nữa. Thay vào đó là cây cầu Mỹ Thuận, tân kỳ và tráng lệ, một món quà tặng qúi báu và mắc giá của người dân Úc, đã lạnh lùng đưa những chuyến “đò ngang” đi vào… lịch sử!

Đêm khác, tôi quay qua khều một thằng bạn khác, và cũng hỏi (nhỏ) một câu tương tự:

- Theo mày thì lúc nào hay nơi nào được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

- Đó là lúc giữa khuya. Đang nằm ngủ bỗng ghe tiếng tiếng xe thắng gấp, tiếng súng đạn lách cách, tiếng chân người rầm rập xông vào đập cửa nhà… bên cạnh! Nằm co rúm người lại, chờ đến khi thằng cha hàng xóm bị lôi đi. Sau đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm, không chỉ của riêng mình mà (có lẽ) của cả hàng trăm người khác nữa, đang trú ngụ trong cùng khu phố. Rồi không khí yên ắng trở lại. Cứ y như thể là chưa hề có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra, cho bất cứ ai. Thiệt là hú vía!

- Đ… mẹ, sao hạnh phúc của mày nghe kỳ cục và… thất đức dữ vậy?

Tôi chửi thề theo thói quen, và lên giọng đạo đức cho nó đã miệng, chớ thiệt tình khó chối được rằng hạnh phúc (theo như cách nói của thằng này) tuy có hơi… bất nhơn nhưng thực tế, và vừa trong tầm tay của mọi công dân - tại Việt Nam.

Ở xứ sở này - hơn nửa thế kỷ qua - mấy thế hệ kế tiếp nhau, đã sống dở (và chết dở) trong cái thứ niềm vui và hạnh phúc “đơn sơ” và "giản dị" như thế. Người Việt không còn ai dám ước ao được sống an lành, hay sung sướng nữa. Tất cả chỉ cầu mong được tạm yên thân, và đỡ khổ hơn tha nhân, là đã đủ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Đau khổ hay hạnh phúc, nghĩ cho cùng, vẫn thường tuỳ vào nhận thức (rất chủ quan và tương đối) của từng cá thể. Người ta có thể sống chui rúc trong một căn phòng mỗi bề 3 thước mà cả nhà vẫn thấy thoải mái và no đủ chỉ vì những người sống kề bên (cũng chừng đó nhân khẩu) nhưng chỉ đuợc phân cho có 2 mét ruỡi thôi, và tiêu chuẩn - thịt, mỡ, mắm, muối, gạo đường - của họ cũng ít hơn gia đình mình, chút xíu!

Đó là chuẩn tắc sinh hoạt, theo mô hình của một cái thang lật ngược, vào Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh.

Cái thời đại thổ tả này, may thay, cũng đã qua luôn.

Nó qua đúng vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. Hôm đó hai công dân Việt Nam (ông Nguyễn Việt Chiến và ông Nguyễn Văn Hải) bị công an đến lục nhà, rồi mang vào trại giam.

Trong một xã hội mà bất cứ ai cũng đều có thể là một tù nhân dự khuyết thì một thường dân (khi khổng khi không) bị nhốt vô tù là chuyện bình thường - như vẫn xẩy ra hàng ngày, ở huyện - từ hơn nửa thế kỷ qua. Chỉ có điều đáng nói là diễn biến của vụ bắt bớ, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, đã xẩy ra (hoàn toàn) khác trước.

Khi hai ông Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị lôi ra xe - tuyệt nhiên - không có ông (hay bà) hàng xóm nào cảm thấy … hạnh phúc, chỉ vì nạn nhân không phải là chính họ. Cũng không có người bạn đồng nghiệp nào - của hai nhân vật này - đã co rúm người lại vì sợ hãi, rồi thở phào nhẹ nhõm vì thấy mình vẫn còn được yên thân. Và mọi người đã không chịu sống “yên ắng”, cứ như thể là không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, y như trước nữa.

Sự hoang mang, sợ hãi cố hữu đã - đột ngột- biến mất. Đồng loạt, người dân - thuộc nhiều thành phần khác nhau - đều công khai bầy tỏ sự bất bình và giận dữ vì sự bạo ngược của nhà đương cuộc Việt Nam.

Báo Thanh Niên, số ra ngày 14 tháng 5 năm 2008, có bài “Phải Trả Tự Do Cho Các Nhà Báo Chân Chính”, xin được trích dẫn nhập đoạn mở đầu:

“Đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về toà soạn Thanh Niên phản đối việc bắt giam hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi Trẻ. Các đường điện thoại của Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước gần như bị nghẽn liên tục bởi ‘cơn bão’ điện thoại của bạn đọc bức xúc gọi tới. Tất cả đều toát lên một đòi hỏi: việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo là không có đầy đủ căn cứ xác đáng, không có lợi cho sự nghiệp chung, và cần trả lại tự do cho các anh càng sớm càng tốt…”

Cùng lúc, báo Tuổi Trẻ - số ra ngày 17 tháng 5 năm 2008 - cũng ngỏ lời “Cảm Ơn Bạn Đọc”, như sau:

“Bạn đọc thân mến, chúng tôi, những người làm báo Tuổi Trẻ, rất xúc động trước sự quan tâm của bạn đọc trước sự việc liên quan tới nhà báo Nguyễn Văn Hải. Hơn 2.000 cuộc điện thoại và mail tiếp tục gửi tới tòa soạn Tuổi Trẻ vào hai ngày 15 và 16-5 đã nói lên điều đó…”

“Và ngoài sự quan tâm chia sẻ, nhiều bạn đọc đã đến tòa soạn và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ đề nghị góp tiền để giúp gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải. Thay mặt những người làm báo Tuổi Trẻ và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải, chúng tôi chân thành cảm ơn tấm lòng bạn đọc. Nhưng, chúng tôi xin phép được từ chối các khoản quyên góp của bạn đọc. Tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã, đang và sẽ có trách nhiệm hỗ trợ gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải một cách chu đáo nhất…”

Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, giới luật sư - những người tưởng như đã “tuyệt chủng” ở Viêt Nam - bỗng hồi sinh. Báo Thanh Niên, số thượng dẫn, đã tường thuật như sau:

“… luật sư Phan Trung Hồi (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hồng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao…”

Mọi người đồng tình lên tiếng về cái thái độ luật sư Lê Công Định gọi là sự “nhạo báng công lý” của nhà cầm quyền Hà Nội. Tôi không tin là ở VN cũng có công lý để bị nhạo báng. Có chăng chỉ là một thứ “hệ thống luật pháp nhợt nhạt” (theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và thường xuyên bị chà đạp, hay dầy xéo.

Con giun xéo mãi cũng oằn. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Dân Việt đã thẳng thắn lên tiếng đòi hỏi được sống một cuộc đời bình thường, trong một xã hội (cũng) bình thường – như đa phần nhân loại. Cái kiểu sống theo mô hình cái thang chổng ngược, từ đây, sẽ bị khước từ (vĩnh viễn) ở Việt Nam.

© DCVOnline
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Mẹ và em

Tưởng Năng Tiến Đăng ngày 04.22.08


Phần lớn người Việt đều mơ ước, sau một đêm dài, khi mở mắt dậy, thấy mình đang lơn tơn - đi trong nắng sớm - giữa một thành phố (rực rỡ) hoa đào. Tôi chưa bao giờ có thứ ước mơ… tào lao cỡ đó. Ông Bùi Minh Quốc cũng vậy. Lý do, giản dị, chỉ vì chúng tôi vốn đã là những người dân Đà Lạt - thế thôi. Trong những trang sổ tay trước, tôi cũng đã để cập đến chuyện này rồi. Nay, xin được tóm gọn lại - như sau:

Ngày đầu tiên lò dò đến thành phố Ðà Lạt, bác sĩ Yersin hết hồn hết vía - mặt mũi xanh lè, cắt không còn giọt máu - khi thấy tôi và ông Bùi Minh Quốc đang ngồi uống ruợu và cãi lộn (um xùm) trên bờ hồ Xuân Hương.

Bữa đó, nhà thơ xỉn. Ổng cao hứng ngâm bài “Mẹ Đâu Ngờ”:

Sau lưng mẹ là tổ quốc mình trong khổ nạn
Là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ biết nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ …
Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
Trở về ngồi chễm trệ…
Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng
Dưới chồng đơn khiếu nại
Nặng hơn dẫy Trường Sơn

Tui cũng xỉn (thấy mẹ) luôn nên nằng nặc đòi sửa thơ của con người ta, cho bằng được:

Sau lưng mẹ là tổ quốc mình trong khổ nạn
Là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ tưởng nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ…

Ổng không chịu như vậy, lấy cớ rằng tui đòi đổi “biết” thành ra “ tưởng” chỉ vì là tui họ… Tưởng mà thôi!

- Ý Trời! Đừng có “tưởng tầm bậy” nha, cha nội! Mích lòng à. Đ…mẹ, tui đâu phải là cái thứ cà chớn dữ như vậy …

Ðúng lúc này thì Alexander Yersin xuất hiện. Nếu không nhờ chúng tôi lớn tiếng thì chưa chắc thằng chả đã tìm ra Ðà Lạt, vào chiều hôm đó.

Lịch sử của thành phố này, nay mai, rồi sẽ phải viết lại cho nó đàng hoàng (và rõ ràng) như thế. Làm gì có cái vụ bác sĩ Yersin là người đầu tiên đã đến Đà Lạt, mấy cha. Khi ổng tới đó thì tui và Bùi Minh Quốc đã ngồi nhậu (sương sương) ở bờ hồ Xuân Hương, cả chục ly rồi.

Nhưng đó là chuyện của lịch sử, trong tương lai. Bây giờ, xin được trở lại với bài thơ “Mẹ Đâu Ngờ” (cho xong nợ) cái đã.

Theo tôi thì thi sĩ Bùi Minh Quốc đã tự ái (hơi) quá đáng. Ở “ta” thì những đấng hiền mẫu, thuộc diện “Mẹ Đâu Ngờ”, có mặt ở khắp ba miền - và đã có từ lâu - chớ phải riêng chi ở miền Nam, vào thời “chống Mỹ cứu nước.”

Trước đó, hồi đầu thế kỷ XX, cụ thân sinh của nhà văn Võ Văn Trực cũng đã từng ngây thơ như thế - hay (dám) hơn thế nữa. Sự nhầm lẫn của bà (về cách mạng) rất dễ thương, cảm động và tội nghiệp vô cùng.

Trong cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy (*) – tác phẩm đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam, được in lại năm 2006 trên Tạp Chí Văn Học ở California – nhà văn kể lại về cuộc sống của bà như sau, sau khi đã “phải lòng” cách mạng:

Mẹ tôi vất vả hơn trước, tất tưởi hơn trưóc. Hết việc đồng áng lại lo việc nhà. Hết việc nhà lại lo việc hội họp. Chẳng mấy lúc mẹ đươc ngơi tay. Cán bộ thôn, xã và cả cán bộ cấp trên nữa thường xuyên vào nhà tôi, lúc một vài người, lúc dăm bẩy người. Có lần vào nghỉ một chốc rồi đi. Có lần vào làm việc rồi ngủ lại đêm. Hầu như ngày nào cũng có khách ăn cơm trong nhà tôi. Đang làm ngoài đồng, hễ tôi ra báo tin nhà mình có khách là mẹ về ngay. Thỉnh thoảng mẹ tham dự vào cuộc họp với các ông cán bộ. Nhưng công việc chính của mẹ là nấu cơm cho cán bộ ăn, lấy gạo nhà, thức ăn nhà, chẳng ai bận tâm đóng góp tiền nong… Mẹ tôi trang phục hoàn toàn khác hẳn, không ăn bận bình thường như trước nữa: mặc quần đùi, cắt tóc ngắn, đi dép cao su…

Đó là ‘phong trào cắt tóc thực hiện nếp sống mới.’ Mãi về sau, tôi mới biết mấy ông lãnh đạo đọc nhầm hai chữ ‘cấp tốc’ thành ‘cắt tóc’… (sđd 23 -26)

Mất đi mái tóc vì sự nhầm lẫn của các đồng chí lãnh đạo, tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ. Với thời gian, sự mất mát của mẹ mỗi lúc một lớn lao và khủng khiếp hơn nhiều

Sau mái tóc, đến tài sản.

Theo lời ông Chi Hội Trưởng Nông Hội địa phương thì bà con phát giác ra rằng gia đình của mẹ thuộc diện phải đóng thuế khả năng: Ba tạ thóc!

Mẹ tôi đứng dậy, giọng nói run run: ’Xin bà con dân làng xét cho thấu đáo. Cả nhà tôi chỉ còn hơn mười cân thóc với vài chục cân khoai khô…’ Chú Văn mắt toét cắt ngang:’Ba tạ! Ba tạ! Vấn để là bà phải gương mẫu’. Giọng nói của mẹ tôi như nhúng trong nuớc mắt: 'Từ khi cách mạng dành được chính quyền đến nay, tôi chấp hành nghiêm chỉnh mọi chính sách của nhà nước, của Nông Hội. Nhưng bây giờ thì quả là tôi không còn một chút khả năng để nộp thuế nữa. Không tin, mời Nông Hội vào nhà tôi khám ngay bây giờ… ". Vừa nói xong, mẹ tôi ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc. Chú Văn mắt toét cười gằn: "Không còn thóc thì bà gỡ sân gạch bán mà nộp thuế. Vấn đề là khối người còn đói hơn bà. Vấn để là bà còn giầu gấp vạn nhà tôi…. Bà không đóng thì thế này này ' – chú nắm chặt hai nắm tay, nắm này đấm vào nắm kia - 'cứ chầy vồ mà nện từ trên sọ nện xuống cho đến khi mồm ợ ra thóc mới thôi (sđd 102 -103).

Kế tiếp là mạng sống của những người thân.

Cuộc đấu tranh ác nghiệt này đã bén lửa vào mái nhà yên ấm của tôi.

Cậu Quế là em thứ ba của mẹ… Mấy năm vừa rồi, người ta phá sạch đền chùa, cậu Quế lại lập bàn thờ Phật trong nhà. Người ta nghi là cậu chống lại chính quyền nên mới lập bàn thờ Phật. Bị dân quân bắt ra đình cho dân làng Quảng Trạch đấu. Tra khảo cậu, cậu không khai – vì có biết gì đâu mà khai. Càng không khai cậu càng nếm đủ món đòn tra tấn: treo ngược lên xà nhà, trói vào gốc cây, hắt nước bẩn vào mặt. Nhục nhất là cậu bị mấy mụ đàn bà tốc váy trùm lên đầu. Hàng tháng trời cậu bị giam, không được về nhà. Đêm hôm ấy cậu xin phép người dân quân gác cho đi ỉa. Người dân quân ngủ quên, sáng dậy không thấy cậu đâu cả, chợt mở chuồng xí thì thân hình cậu đã cứng đơ treo lủng lẳng bởi sợi dây thừng… (sđd 140- 142).

Cho mãi đến lúc cuối đời, ở tuổi tám mươi ba, mẹ mới gửi lại những lời trăn trối rằng “mẹ không ngờ” như vậy:

Mẹ không đủ sức để lắc đầu nữa. Mẹ vẫn im lặng nhìn tôi, vừa đượm chút xót xa, vừa đượm chút ân hận. Nước mắt mẹ ứa ra và lăn xuống da nhăn nheo như quả thị héo…Mẹ ra hiệu cho tôi cúi sát đầu xuống để mẹ nói một điều bí mật:’ Hằng năm ngày giỗ mẹ, con cúng đúng ngày mẹ mất, đừng cúng theo ngày qui định của hợp tác xã. Con chớ làm mâm cỗ, chi bộ biết sẽ phê bình, con chỉ cần múc chén nước trắng và thắp hương cho mẹ đúng ngày mẹ mất…’ Lúc sống thì mẹ tuân theo nghị quyết của chi bộ, lúc nằm xuống mồ mẹ mới dám chống lại nghị quyết.” (sđd 154).

Chuyện những bà mẹ mà cuộc đời “cách mạng” bầm dập và te tua (như thế) được giấu kín như bưng, ở miền Bắc. Do đó - khi vào Nam - Bùi Minh Quốc vẫn được bảo bọc bởi những bà “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” khác:

… những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ (“tưởng”) nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ …

Khi mẹ (biết) ngờ thì… đã muộn! Cả hai miền Bắc/Nam đã được “giải phóng” xong! Từ đây, cả nuớc lại phải bắt đầu một cuộc kháng chiến mới. Mẹ đã mất, hoặc đã quá già để có thể dự phần. Mẹ còn đủ sức để đi thăm nuôi con ở trong tù đã là chuyện may mắn lắm rồi – như mẹ của anh Lê Nguyên Sang đã tâm sự với phóng viên của RFA, vào hôm 10 tháng 5 năm 2007:

Tôi năm nay tuổi già sức yếu, tôi đã ngoài 70 tuổi, tai một bên điếc, mắt thì mờ không thấy đường, chân thì đau… nhà thì không có. Mỗi tháng đi tiếp tế cho con tôi hai lần, cũng chẳng biết nương nhờ vào ai.

Và đã đến lúc các em vào cuộc:

… tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi để đấu tranh, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi.

Từ Hà Nội – giữa lòng cách mạng – em Lê Thị Công Nhân đã khẳng khái tuyên bố như trên, vào ngày 26 tháng 2 năm 2007. Em đã bị bắt sau đó, không lâu, và bị kết án tù vào ngày 11 tháng năm 2007.

Và điều này cũng đã được chính em dự liệu:

Tôi không nói mình là một tấm gương, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như tôi có thể tạm thời nhận một nhiệm sở mới hết sức bất đắc dĩ đó là nhà tù thì tôi mong rằng tại nhiệm sở bên ngoài tức là xã hội sẽ có nhiều những người con Việt Nam tiếp tục những công việc mà tôi còn đang làm.

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:
(*) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993. Nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản. Nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo. Tác phẩm chưa ra khỏi nhà in đã bị thu hồi và cấm phát hành. Ở hải ngoại, có thể đặt mua tác phẩm này theo địa chỉ email: tapchivanhoc@yahoo.com.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

Những người bại não

Tưởng Năng Tiến


Tôi biết Bill, Kite, và Lang khi còn đi học. Cả ba không may đều bị bại não. Lúc mới chập chững biết đi Bill té xuống hồ bơi và chìm nghỉm một hồi, thời gian đủ lâu để về sau y trở thành một gã dở hơi - nếu nói theo kiểu Việt Nam. Kite thì đẻ ngược và gặp bà mụ chậm tay nên tế bào não bị chết một mớ trước khi hắn cất tiếng khóc chào đời. Kite rồi ra cũng trở nên ... dở người, nếu vẫn cứ theo kiểu Việt Nam mà nói. Tương tự, khi hai tuổi, Lang bị sốt ác tính. Thuở ấy nước Mỹ chắc chưa có số điện thoại cấp cứu 911, và những xe cứu thương trang bị bình oxygen như bây giờ, nên khi đến được nhà thương thì tế bào não của y đã đi đong một ít. Tất nhiên là Lang bị "retarded" (chậm trí), nếu nói theo tiếng Mỹ.

Chậm trí có nhiều mức độ, phân chia tùy theo thương số thông minh của nạn nhân. Trong nỗi bất hạnh chung của ba nhân vật này họ có cùng một điều may mắn. Thương số thông minh của cả ba đều thấp nhưng không thấp lắm, nghĩa là cỡ chừng từ 50 - 55 đến cỡ gần 70. Cả ba, theo hồ sơ, cùng được chẩn bệnh là "Mild Mental Retardation" (bệnh chậm trí hạng nhẹ) - mức độ được coi là nhẹ nhất. Chính ở điểm chung đó tôi mới có cơ hội biết được cả ba người cùng một lúc. Họ đều là bệnh nhân lâu năm của của nhà thương X., nơi mà tôi được trường gửi đi thực tập, và đều đang ở giai đoạn chuẩn bị để cho xuất viện.

Tôi thực tập mỗi tuần ba ngày. Hơn phân nửa thời gian dùng để học nghề "cạo giấy"; phần còn lại, tôi được giao nhiêm vụ làm "group therapy" cho Bill, Kite và Lang. Gọi là "nhóm trị liệu", như theo chữ dùng của đời thường, chứ thực sự thưở ấy (và ngay cả bây giờ nữa) tôi không có khả năng chữa trị bệnh tật gì cho bất cứ ai và cũng chưa bao giờ tôi có tham vọng ấy. Tôi chỉ cố chỉ cho Bill, Kite và Lang một số những hiểu biết căn bản để sinh sống ở xã hội bên ngoài (basic skills to survive in the community), nếu nói nguyên văn bằng tiếng Anh qua sách vở.

Có sáng tôi đang chuẩn bị đến đón ba người ở "unit" của họ thì được báo tin cả ba đều biến mất. Bệnh nhân bỏ trốn là chuyện... bình thường, và sẽ bị bắt lại (không bao lâu sau đó) là chuyện bình thuờng không kém nên không có gì phải bận tâm. Tự nhiên có một buổi sáng rảnh rỗi nên tôi nghĩ ngay đến chuyện kiếm cớ chạy ra phố, kiếm một ly cà phê pha theo kiểu Việt Nam và một tờ báo tiếng Việt để đọc chơi. Vừa lái xe ra khỏi cổng vài trăm mét, tôi đã thấy Bill, Kite và Lang đứng lớ ngớ ở một góc đường, trước một cửa tiệm tạp hóa bán hàng đa dụng -Seven Eleven.

Tôi tắp xe vô, chưa kịp mở cửa thì Bill, Kite và Lang đã chạy nhào tới, tranh nhau nói, nói không kịp thở:

- We're in deep shit, man !

- We got big trouble, man !

- We're cold and hungry, man!

Tôi làm bộ như không biết chuyện gì xảy ra :

- Ủa, chớ tụi bay làm gì ở đây vậy cà ?

- Tụi tao chôm chìa khóa đi chơi tính gần sáng về ...

- Tụi tao làm mấy lần rồi, đâu có sao, đêm hôm qua xui quá...

- Xui làm sao ?

- Thằng cha gác gian nó quên khóa cổng nên tụi tao vô không được.

Tôi sợ mình nghe không rành tiếng Mỹ nên hỏi gặn:

- Nó quên khóa cửa tại sao lại không vô được ?

- Thì đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cửa phải khóa mới mở được chớ.

Cố nén một tiếng thở dài, tôi chỉ tay về phía bệnh viện, cổng đang mở toác hoác, ráng nói vớt vát:

- O.K., còn mai giờ thì sao ? Cổng mở từ sáng sớm mà.

Cùng lượt, cả ba đều nổi nóng:

- Trời, đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cổng nó mở tanh banh như vậy thì làm sao xài chìa khoá ! Mà mày có thuốc hút không, tụi tao thèm thuốc quá rồi.

Trong một thoáng, tôi chợt thấy chán chường và nghi ngại cho khả năng của mình nói riêng và của ngành tâm thần học nói chung. Trước khi gặp tôi, "chưa được tôi áp dụng tâm lý trị liệu", ba cha nội này cũng đã điên từ lâu, và điên dữ dội, nhưng chắc không điên... đến cỡ này.

Tôi mời ba người ăn "donut", uống cà phê, chìa cho họ bao thuốc Marlboro rồi gọi điện thoại về bệnh viện. Tôi tóm tắt sự việc, trấn an mọi giới chức hữu trách bằng tất cả những tĩnh từ Anh ngữ tốt lành nhất mà mình biết được khi nói về hiện trạng của Bill, Kite và Lang - đại loại là "they are cool, calm, logic, coherent, relevant, friendly, and very cooperative..." Tôi cố thuyết phục để họ đồng ý cho tôi đưa mấy chả về bằng xe của mình, khỏi phiền tới cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa... Và tất nhiên tôi lờ tít vụ cái chìa khóa cổng.

Rồi chuyện cũng đâu vào đó. Cuối cùng, cả ba ông bạn của tôi rồi cũng đều được phép rời bệnh viện, hòa nhập với đời sống bên ngoài. Bill về ở với gia đình bà dì ở Bloomington, tiểu bang Illinois. Kite và Lang thì không có thân nhân nên được sắp xếp để sống ở nhà trọ dành riêng cho người bệnh (Board and Care Home) ở thành phố San Jose, miền Bắc California.

Tôi thì học xong ra trường, đi làm, có vợ, có con, có nhà, có cửa, có mèo, có chó... Cuộc sống của tôi chỉ khác Bill, Kite và Lang ở những cái có vớ vẩn và chưa chắc đã cần thiết đó. Ngoài ra, chúng tôi đều chia chung với nhau một cuộc đời thường, rất tầm thường và hơi tẻ nhạt - nếu nói một cách lịch sự là như thế. Ðiều an ủi là chúng tôi đều có cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, được chăm sóc đàng hoàng về y tế khi cần, và đều có những quyền tự do tối thiểu của một con người.

Tôi không nhớ gì đến Bill, Kite và Lang nữa cho mãi đến mấy tháng gần đây. Gần đây, nơi quê hương tôi xuất hiện ba nhân vật lãnh đạo mới của đảng cộng sản Việt Nam: ông Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Ðức Lương và ông Phan Văn Khải. Theo dõi tình hình đất nước cùng với hoạt động của ba nhân vật này tự nhiên khiến tôi nhớ đến Bill, Kite, và Lang đến muốn... rơi nước mắt!

Qua báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt nam, số ra ngày 3 tháng 4 vừa rồi ông tổng bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố nguyên văn như sau :"Không nơi nào thiên hạ tự động đóng cửa. Nếu cửa đóng, nó sẽ tự mở ra và tại Việt Nam cũng vậy. Trong tình thế hiện tại, đóng cửa để hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa chỉ là ...ảo tưởng." Tôi có được xem qua tiểu sử của ông Phiêu, không thấy có nói đến chuyện ông bị ngọng nghịu hay khả năng tiếng Việt hạn chế vì lai Tàu hay lai Miên gì cả. Ông ấy ăn nói lòng vòng tối nghĩa như thế chả qua vì bối rối, thế thôi. Thái độ của ông thủ tướng Phan Văn Khải và ông chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng y như vậy.

Họ làm tôi liên tưởng đến cái đêm mà Bill, Kite và Lang đứng lóng ngóng ngoài cổng bệnh viện chỉ vì người gác gian quên... khóa cửa. Bức màn sắt, bức màn tre, hay cánh cửa Việt Nam... (muốn gọi tên gì cũng được) đã hỏng từ lâu và không đóng lại được nữa. Tuy thế ba ông Phiêu, Khải, Lương vẫn cứ lúng túng không thể bước chân ra được bên ngoài. Lý do chỉ vì họ còn kẹt trong túi cái chìa khóa... xã hội chủ nghĩa, nhất định phải dùng, thế thôi.

Cả ba ông, trong mấy tháng qua, đều nhiều lần khẳng định là Việt Nam sẽ tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa. Cho hợp thời trang, họ thêm rằng sẽ chủ trương "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tôi đã có dịp nhìn thấy con "lama" ở Nam Mỹ - tiếng Việt có thể dịch là con "đà mã" vì nó trông y như con lạc đà nhưng không có bướu ở lưng và chỉ thấp bằng con ngựa nhỏ. Tôi cũng có nghe nói đến một giống vật nửa dơi nửa chuột nhưng không thể hình dung được thực sự trông nó ra sao. Vì nhu cầu hiếu tri, tôi ước ao trước khi nhắm mắt được nhìn thấy loài thú lạ này và được ai đó giảng cho nghe hoặc chỉ cho biết thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng... chủ nghĩa xã hội!

May mắn cho tôi, hôm 24 tháng 3 năm 98, ông Phan Văn Khải đã "thuyết minh" điều này trong một cuộc họp báo tại Hà Nội là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội của Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc. Ah, thì ra thế, giống như Trung Cộng. Có thể nói (mà không sợ mang tiếng cường điệu) rằng lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam chỉ là sự lập lại, một cách máy móc và dại dột, tất cả những lầm lẫn của đảng cộng sản Trung Hoa. Xin đơn cử vài thí dụ : cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, vụ Nhân Văn, vụ án xét lại...

Bây giờ ba ông Lương, Khải, Phiêu lại tiếp tục đi theo... Trung Cộng. Trí nhớ của họ thiệt là ngắn, ngắn hơn của Bill, của Kite và của Lang nhiều. Họ dám bị "Severe Mental Retardation" (bệnh chậm trí nặng), nghĩa là thương số thông minh chỉ cỡ chừng từ 20 -25 đến 35 - 40 thôi, nếu nói theo DSM IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Washington, DC, American Psychiatric Association, 1994).

Vẫn cứ theo DSM IV thì ngoài trí nhớ ngắn ra, những người chậm trí còn có những thuộc tính chung khác như thụ động và hay nhờ vả (passive and dependent). Khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ cũng giới hạn nên hay có khuynh hướng sử dụng bạo lực. (Lack of communication skills may pre- dispose to disruptive and aggressive behaviors that substitute for communicative language - sách đã dẫn trang 43).

Tất cả những hội chứng kể trên ba ông Phiêu, Lương, Khải đều có đủ. Họ vô cùng thụ động và sợ thay đổi. Nói một cách ví von, ba ông giống như những người đạp phải cứt nhưng nhất định không chịu thay giầy; đã thế, họ sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai đứng kế bên mà mở miệng kêu hôi hay đưa tay bịt mũi. Tôi thực lấy làm tiếc vì đã ví von như thế, đã thiếu thanh nhã lại hoàn toàn không cân xứng. Cứt còn có chỗ khả dụng chứ chủ nghĩa cộng sản thì không và so với chủ nghĩa cộng sản thì cứt cũng đâu đã lấy gì làm thối.

Họ thích nhờ vả vào thiên hạ. Chỉ trong vài tháng cầm quyền ba ông đã rủ nhau đi ăn mày ở khắp mọi nơi, từ Âu sang Á. Trong lịch sử đảng CSVN, hiếm khi có những đồng chí lãnh đạo sẵn sàng và vội vàng đi công du nước ngoài "để vận động hợp tác kinh tế" như ba ông Phiêu, Khải và Lương.

Họ ngại chuyện đối thoại và thích dùng bạo lực. Những lời kêu gọi cải cách của những phần tử cấp tiến trong nước, dù được trình bầy rất là nhũn nhặn, đều bị ba ông Lương, Khải, Phiêu đáp lại bằng một thái độ rất kém... ôn hòa, nếu không muốn nói là vô cùng đe dọa. Thêm một thí dụ nữa: trong vòng mấy tháng cầm quyền, thượng tướng Lê Khả Phiêu đã thăng chức cho cỡ đâu... 15 ông tuớng công an và bộ đội. Nếu không biết rằng những người bại não rất "sính" bạo lực, người ta đã ngỡ là đồng chí bí thư đang chuẩn bị để Việt Nam sẵn sàng bước vào... Thế Chiến Thứ Ba.

Lời cuối, để thay phần kết luận, tôi xin chân thành gửi lời tạ lỗi đến những người bị bệnh bại não vì đã có đôi lời khiếm nhã xúc phạm đến nỗi bất hạnh của họ - dù những gì tôi viết chỉ là ghi lại những dữ kiện khách quan. Không phải mọi người bị bệnh bại não đều thụ động như ông Lương, hay cầu cạnh như ông Khải hoặc cùng ưa bạo lực như ông Phiêu. Chậm trí, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một chứng bệnh - như trăm ngàn loại bệnh khác trong tiến trình sinh lão bệnh tử của kiếp người. Vấn đề chỉ là sự may rủi của mỗi cá nhân thôi. Khi để những người bại não lãnh đạo một quốc gia thì vấn đề mới trở thành sự may rủi của cả một dân tộc. Dân tộc Việt Nam thiệt... rủi, thế thôi !
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Sổ Tay Thường Dân

Post by uncle_vinh »

Tấm lòng con bảy đưa đò

Tưởng Năng Tiến

Ngày xưa, tại vàm Cái Cau có một cô gái nổi tiếng vì nhan sắc, thùy mị và hò hay. "Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nuớc. (Sơn Nam. "Con Bẩy Ðưa Ðò". Hương Rừng Cà Mau). *

Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sống trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.

Thuở còn con gái, tình cờ cổ gặp rồi thương một người trên sông Cái Lớn. Chàng đẹp trai, đứng đắn, từng trải và lịch thiệp. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không "thuộc diện" ... thường dân, không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lưá và sống an phận thủ thường - như những đám lục bình trôi nơi ao hồ sông rạch. Nói gì thì nói, chàng vẫn nhứt quyết lên đường - nằng nặc đi theo tiếng gọi của non sông.

"Lúc chia tay, con Bẩy nói:
- Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.

"Chàng cười mà đáp:
- Cảm ơn.

- Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.

- Ðâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa...Chí trai bốn biển là nhà. Không có sức như chim bằng, như cá kình chớ phận con se sẻ, con tép, con tôm này cũng học đòi ngao du trong vòng đất nước nhỏ hẹp.

"Dứt lời chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bẩy xúc động rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần."

- Vậy thì xin chàng dậy cho em một hai câu hò để em nhớ đời.

- Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dậy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này...

"Một tấm lòng!" Con Bẩy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya."

Cô Bẩy chờ hoài, chờ hủy nhưng người xưa không bao giờ trở về bến cũ. Thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Tuổi đời khiến cô Bẩy Ðưa Ðò phải bỏ nghề và xoay ra bán thịt heo bên hông nhà lồng của chợ Vàm. Thịt luộc của dì Bẩy nổi tiếng là "ngon hết biết" luôn.

Một hôm, có người năn nỉ xin chỉ cho cách luộc thịt heo. Dì Bẩy thoáng ngậm ngùi:

- Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.

- Công phu là thế nào dì Bẩy?

- Ở đây, hồi đó có người nói là cần "một tấm lòng".

Tấm lòng của dì Bẩy, của chàng trai mà dì đã trao duyên - đối với nhau, cũng như đối với đất nước non sông - sao mà thiết tha và cao đẹp quá chừng, quá đỗi. Một đất nước đầy nhóc những con dân với tấm lòng quả cảm và vị tha như thế thì "kẻ thù nào mà không đánh thắng, khó khăn nào mà không vượt qua", và mọi người đều có quyền đặt nhiều kỳ vọng ở tương lai của dân tộc chớ - đúng không?

Tưởng vậy mà không phải vậy đâu nha! Từ hơn nửa thế kỷ qua, sau khi được động viên để đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, rồi bị kéo lê kéo lết qua hết trở ngại này đến trở ngại kia, người dân Việt in tuồng như kiệt sức. Tấm lòng của họ đối với tha nhân cũng như đối với xã hội và tổ quốc (chắc) không còn nữa.

"Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải giữ gìn các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… Con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá (Phạm Xuân Ðài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ, Hoa Kỳ 1994, 32-33).

Và những chuyện "thô bạo" hay "tệ quá" như thế không phải chỉ xẩy ra ở Hà Nội mà thôi. Ðó là "chuyện thường ngày vẫn xẩy ra ở huyện" và là tình trạng chung của cả nước mà.

"Tổ quốc đã trở thành đao phủ...Tổ quốc đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc...Tổ quốc bỏ tù và hạ nhục hàng triệu người. Tổ quốc hăm hoạ, khống chế bằng công an thành, công an tỉnh, công an huyện, công an phường...Tổ quốc hành động như bọn giặc cướp...Tổ quốc đểu cáng và lật lọng. Tổ quốc đổi tiền mấy lần để cướp giật, tổ quốc sách nhiễu từng ngày… nguời dân phải chịu đựng hết. Vì tổ quốc có súng." [Nguyễn Gia Kiểng. Tổ Quốc Ăn Năn. Paris 2001, 570 - 571).

"Chịu đựng" mãi, hết thế hệ này sang thế hệ khác, khiến luân lý và đạo đức của người dân Việt cứ suy yếu dần và có nguy cơ phá sản." Ý thức xã hội rất thấp, trước một khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ, vô cảm và trơ trơ trước nỗi đau chung" ("Dắt Tay Nhau Ði Dưới Những Tấm Biển Chỉ Ðường Của Trí Tuệ." Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tháng 1 năm 96, trang 201).

Thản hoặc, có vài ba người chịu không nổi "trước nỗi đau chung" lên tiếng đòi hỏi những cải cách đổi thay tối thiểu để cải thiện tình trạng "tệ quá" của xã hội thì lần luợt đều bị hăm dọa, khống chế, sách nhiễu, đấu tố, quản thúc, tù đầy…trước sự dửng dưng ("vô cảm và trơ trơ") của những người còn lại!

Chỉ trong vòng tháng 10 năm 2002, đã có mấy chuyện kỳ dị như sau xẩy ra ở Việt Nam - xin ghi lại theo thứ tự thời gian:

Ngày1 tháng 10 năm 2002, cả đài VOA lẫn hãng thông tấn DPA cùng loan tin hai công dân Việt Nam là ông Phạm Trọng Sơn và bà Nguyễn Thị Thảo đã bị kết án 3 năm và 8 tháng tù vì tội "biểu tình gây rối trật tự công cộng".

Ngày 22 tháng 10 năm 2002, tại thành phố Ban Bê Thuộc, tỉnh Ðắc Lắc ba công dân khác (ông Y Tim Ê Ban 34 tuổi, Y Coi B Krông 30 tuổi, và Y Tho Mas Ê Ya 47 tuổi) bị kết án tám năm tù và hai năm quản chế vì tội… "ép buộc người khác trốn đi nước ngoài" - nếu ghi theo như nguyên văn bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và nhật báo Nhân Dân, số ra ngày 24 tháng 10 năm 2002.

Còn theo bản tin của Xinhua News Agency, phát đi ngày 30 tháng 10 năm 2002, ba nhân vật vừa nêu bị kết tội "kích động dân chúng địa phương trốn ra khỏi nước" (The defendents were found guilty of inciting local people to flee the country). "Kích động" (incite) và "ép buộc" (force) là hai hành động hoàn toàn khác hẳn nhau.

Làm thế nào để có thể "ép buộc người khác đi nước ngoài", có lẽ, là điều mà những thông tín viên ngoại quốc không thể nào hiểu nổi. Do đó, họ "đành" phải chuyển ngữ "sai ý" của viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Ðắc Lắc!

Mà ba ông Y Tim Ê Ban, Y Coi B Krông và Y Thomas Ê Ya đã "xúi dục hay khích động" dân chúng cách nào vậy cà? Họ cho cán bộ đóng chốt trong nhà nạn nhân rồi tuyên truyền rỉ tai hay chõ loa phóng thanh vào nhà con người ta và nói ra rả suốt ngày rằng:"đừng ở với ‘bọn xấu, bọn ác, bọn bất lương, bọn khốn nạn’ đó nữa và bằng mọi cách phải chạy khỏi ‘tụi khốn nạn, tụi chó đẻ…’ đó đi…" - hay sao?

Cứ cho là ba ông Y Tim Ban, Y Coi B Krông và Y Thomas Ê Ya có làm đúng như thế chăng nữa, việc khuyến khích hay kêu gọi người khác bỏ đi khỏi một vùng đất mà "nếu cái cột đèn có chân nó cũng không chịu ở" thì cũng là chuyện "tốt thôi", chớ đâu phải là một cái "tội" - hả Trời? Căn cứ vào hình luật nào để nhà đương cuộc Hà Nội kết án ba người dân Ban Mê Thuộc 8 năm tù và 2 năm quản chế?

Cũng thế, ông Phạm Trọng Sơn và bà Nguyễn Thị Thảo (hai cư dân ở Phú Nhuận, Sài Gòn) đã lãnh một bản án gần 3 năm tù, chỉ vì đã biểu tình phản đối chính sách giải toả nhà đất bất công của nhà cầm quyền địa phương - sau khi điền sản của họ bị tịch thu và đãõ làm đơn khiếu nại nhiều lần không có kết quả!

Chưa hết đâu, cuối tháng 10, vào ngày 30, báo Nhân Dân lại hân hoan sung sướng loan tin "Hai Tên Tội Phạm Ra Ðầu Thú". Hai ông Y Sú Nie (58 tuổi) và Y Khai (không rõ tuổi) - cả hai đêàu là cư dân của huyện Ma Ðrac, tỉnh Ðăùc Lắc - đã ra "đầu thú" và đã nhận tội "móc nối với những thế lực phản động ở nước ngoài để hoạt đông chống phá nhà nước Việt Nam"!

Cách đây chưa lâu - vào khoảng tháng tư 1988, nếu tôi nhớ không lầm - giới truyền thông của làng Ba Ðình, Hà Nội cũng hớn hở chạy một bản tin tương tự về một nhóm Fulro ra "đầu thú" tại tỉnh Lâm Ðồng. Cái đuợc mô tả là nhóm Fulro kể trên gồm có ... năm người: hai đứa bé (có đứa mới mười mấy tháng), một ông già, một phụ nữ, và một người đàn ông trung niên có trang bị vũ khí - một cái... cung!

Nhóm người này, may mắn, không bị kết án "móc nối" với bất cứ ai. Lý do, tôi trộm nghĩ, vì Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Lâm Ðồng không đủ bằng chứng để buộc tội. Cung và tên không thể dùng để khều hay móc bất cứ cái gì. Khi "ra đầu thú", ngoài cung tên và xà gạc trên vai ra, tôi sợ rằng hai ông Y Sú Nie và Y Khai đã trót dại cầm theo một hay hai cái … cù nèo gì đó!

Làm sao để "lôi kéo, ép buộc người khác trốn đi nước ngoài" (nếu ghi nguyên văn theo tiêu đề của báo Nhân Dân) là chuyện mà tôi e rằng chỉ có Trời hay Yàng mới biết. Còn làm cách nào để "móc nối với những thế lực phản động quốc tế" bằng những cái cù nèo thì chắc có lẽ ngay cả đến Yàng và Trời, cùng với Phật Chúa thánh thần các thứ hợp sức lại, cũng phải chào thua thôi!

Có thể vì không hoàn toàn am tường tiếng Việt (nhất là cái thứ xảo ngữ của những "toà án nhân dân" ở miền xuôi) và vì thấp cổ bé miệng nên những đồng bào miền núi đành chấp nhận những những tội danh và những bản án dành cho họ. Chuyện không đành lòng là thái độ dửng dưng của cả hàng triệu triệu người Việt khác trước những lời buộc tội ngang ngược và xấc xược như thế của nhà đương cuộc Hà Nội.

Mền nắn rắn buông hay được chân lân đầu là thái độ và chiến thuật cố hữu của đảng CSVN. Vì mọi người đều im lặng, nghĩa là "đồng lòng", với những "bản cáo trạng" tháng 10 nên qua tháng 11 họ thản nhiên kết án một công dân khác (ông Lê Chí Quang) bốn năm tù và ba năm quản chế vì những tội danh rất mơ hồ: "tuyên truyền chống nhà nước" và "gây nguy hại nền an ninh của nước CHXHCVNVN"!

Họ tiếp tục áp chế cả dân tộc Việt vì tin rằng sẽ không gặp một phản ứng nào đáng kể, đến từ bất cứ ai. Tấm lòng của chúng ta đối với nhau, cũng như đối với non sông đất nước, đâu còn nữa! Họ đã cố tình giết cho nó chết và chúng ta thì đành lòng để cho nó …chết luôn. Có phải vậy không? Tôi ước ao là đã vừa nói bậy và sẽ có vô số dịp để hối hận về sự hàm hồ và nông nỗi của mình, trong những ngày tháng tới!

(*) Sách được in lại (và in "lậu") tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản.
Post Reply