Từ Bàn Viết Houston

User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Động đất ở Tứ Xuyên: thiên tai hay nhân tai?

Sunday, June 08, 2008

Việt Nguyên
(Đặc biệt của Ngày Nay)

LTS – Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.


HOUSTON (NN) – Ngày lễ Mothers day, tôi có dịp lang thang ở Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Houston với Gs Nguyễn Mạnh Hùng để ngậm ngùi nhìn lại những di tích lịch sử của thành Pompeii bị vùi dưới đống tro tàn sau khi ngọn núi lửa Vusurius nổi giận đúng vào ngày Lễ Thần Hỏa năm 79 sau Tây Lịch. Một nền văn minh vĩ đại của thê giới đã biến mất trong một ngày. Ngắm di tích thành Pompeii lại nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nên cũ lâu đài bóng tịch dương”. Cuộc đời vô thường trong một nháy mắt. Con người không qua được mệnh trời và lịch sử đã ghi rằng thành phố Pompeii đã bị Thượng Đế phạt vì dân Pompeii ở vào thế kỷ thứ 8 đã sống một đời xa xỉ vô đạo đức.

Hai ngày sau, con rồng Trung Quốc đã dẫy mình ở vùng Tứ Xuyên, không phải con rồng kinh tế như chánh quyền Trung Quốc thường tự hào mà là con rồng đất đã cạn nước. Con Rồng quậy đuôi ngay sau trận hồng thủy ở Miến Điện. Cùng một cảnh “tai trời ách nước” nhưng khác với lần sóng thần Nam Á năm 2004 giết hơn 200,000 người, người ta không nghe nạn nhân kêu gào: “Thượng Đế ở đâu?” mà chỉ nghe lời than oán “Chánh quyền ở đâu? Đảng ở đâu?”. Dân Á Châu nhìn về Trung Quốc với cặp mắt nhân đạo thương xót nạn nhân nhưng nhiều người có cùng một ý: “Trời đã phạt” và chính thân nhân của các nạn nhân bị chôn vùi ở Tứ Xuyên cũng đã lên tiếng: “Đây không phải là tai trời mà là tai nạn do người gây ra”.

Nghèo là một cái tội

“Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu, Thánh nhân bất nhân, dĩ bá tánh vi sô cẩu” (Trời đất bất nhân xem mọi vât như chó rơm, thánh nhân không nhân từ xem trăm họ như chó rơm). Cộng Sản Trung Quốc từ sau cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông không còn tin vào thuyết Phật, Lão, họ xem những lời dậy của Lão là mê tín nhưng người Tầu vẫn tin chánh quyền vô đạo đưa đến thiên tai. Chánh quyền quân phiệt giết hàng ngàn nhà sư đổi lại hàng trăm ngàn người Miến Điện nghèo khổ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc trước sau vẫn xem dân như rác. Mao Trạch Đông thay tên người bằng con số tương tự như Lê Nin “Một người chết là một thảm cảnh, triệu người chết chỉ là những con số vô nghĩa”. Mao nhìn người chết trong thời kỳ cách mạng văn hóa cảm thấy sảng khoái chưa từng thấy và tiên đoán 1/2 dân số Trung Quốc sẽ phải chết. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ve vuốt nạn nhân nhưng cái tội giết các nhà sư Tây Tạng và nhạo báng Đức Đạt Lai Lạt Ma “con cáo đội áo nhà sư” đã phải trả một giá đắt với trên 70,000 nạn nhân và năm triệu người vô nhà cửa. Các chánh quyền trở mặt, sau khi vào WTO, không tôn trọng nhân quyền rồi quên lời hứa sau khi ký nhân tổ chức Thế Vận Hội 2008, ngạo mạn đem ngọn đuốc với tinh thần tự ái dân tộc đi khắp nơi nay bị trờichận lại ở miền Tây Trung Quốc.

Động đất đã xẩy ra ở đất Tứ Xuyên nơi có bốn con sông tụ về, miền đất Trung Tâm Nguyên Tử của Trung Quốc nơi Lão Tử đã đi qua về phía Tây và để lại lời dậy “Đạo khả đạo phi thường Đạo” và Đảng CS Trung Quốc đã quên lời dậy để sống vô đạo. Nghèo khổ ở Trung Quốc là một cái tội. Hết bị dịch SARS, AIDS nay đến động đất. Cháy nhà ra mặt chuột. Cái xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Đào nay lộ rõ bộ mặt trái “phồn vinh giả tạo”. Đa số nạn nhân là những công nhân di dân đên từ những vùng quê nhỏ để tìm công việc ở thành phố lớn, những người dân nghèo đã bị đảng và chánh quyền bóc lột. Thành phố Thành Đô với mười triệu dân vẫn đứng vững còn trường học, nhà thương bị xập đổ vì xây cất thiếu tiêu chuẩn do nạn tham nhũng từ chánh quyền, cán bộ và nhà thầu.

Động đất là do sự cọ sát liên tục giữa hai mảnh đất Ân và Âu Á từ 50 triệu năm nay, mảnh đất Ấn di chuyển về Bắc 6 cm mỗi năm tạo nên Hy Mã Lạp Sơn và động đất từ A Phú Hãn cho đến Trung Quốc nhưng người dân Trung Quốc vẫn tin là con rồng đã nổi giận vì long mạch bị phá nhanh do xây cất các đô thị nhỏ của chánh quyền Cộng Sản vì mộng bá quyền muốn làm chủ thế giới, buôn bán chỉ muốn thu vào với cái lợi riêng mà không cân biết đến các nước khác như chính sách Bắc thuộc với Phi Châu, Miến Điện và Việt Nam khác với lời dậy của Lão Tử “Phi duy bất tranh, Cố thiên hạ mục năng dữ chi tranh (chỉ vì không tranh giành nên trong thiên hạ không ai tranh giành được với mình).

Xây cất quá nhanh, cái gì thái quá thì không bên. Các nhà cửa cao ốc ở các thành phố thiêu tiêu chuẩn như Bắc Kinh. Các thị trấn nhỏ mọc nên như nấm từ các vùng nông thôn trong mấy năm qua trong chương trình đô thị hóa đã tạo ra sự mất quân bình giầu nghèo trong tất cả các lãnh vực từ y tế đến giáo dục. Kinh tế Trung Quốc được xem là kinh tê mất quân bình nhất trên thế giới. Lợi tức mỗi đầu người ở vùng nông thôn là 500 Mỹ kim một năm trong khi lợi tức ở thành phố lớn là 1500 Mỹ kim một năm và 60% của 1.3 tỷ người Trung Quốc vẫn còn ở vùng quê. 15 triệu người từ các vùng quê đổ lên thành phô nhỏ mỗi năm cần nhà cửa và nội trong năm 2006, xây cất lên đến 19 tỷ square feet vuông; nhà cửa xây nhanh chóng và vật liệu rẻ đã gây thảm cảnh hơn là chính trận động đất 7.9 độ.

Phong thủy không còn thuận lợi

Thế Vận Hội Bắc Kinh với những con số 8 có vẻ kém may mắn hơn nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Kinh mơ tưởng. Tháng Giêng 2008, nước Tầu chịu trận bão nặng nhất trong vòng 50 năm, các tỉnh ở vùng trung ương và miền Nam bị thiệt hại nặng, bị cô lập hàng tuần. Tháng 3, dân Tây Tạng biểu tình ở Lhasa nay lại đến trận động đất. Sau thiệt hại ở Tứ Xuyên người dân sắp phải đối phó với mối lo lụt, bệnh truyền nhiễm và dịch. Các đập nước ở vùng Tứ Xuyên có vẻ như không bị thiệt hại nhưng ở một quốc gia với 22,000 đập nước, nhiều nhất thế giới, với 1/2 số xây để chận lụt và công trình thủy điện đã gây ra rối loạn xã hội như dập Tam giáp đã khiến 1.5 triệu người phải di cư và môi trường bị xáo động. Gió độc với than và chất độc CFC. Nước độc ở những con sông Hoàng Hà, Giang Tử có những thị trấn với số nạn nhân ung thư lên đến 50%. Do kết qủa cuộc những công trình xây cất vội vã.

“Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ? (Việc trời đất còn không kéo dài được, huống gì việc của con người). Phong thủy, điều mà người Tầu tin hàng năm đã bị phá vì Thế Vận Hội 2008.

Để chuẩn bị Thế Vận Hội, chính quyền kiêu ngạo Bắc Kinh đã xây cất khoe khoang những công trình đồ sộ. Vận động trường Olympic, “Water Cube” xây cho những cuộc tranh tài bơi lội, “nhạc hội nước” ở Bắc Kinh kể cả đại hý trường Quốc gia hình quả trứng xây bằng Titanium cạnh Đại sảnh đường Nhân dân sát bên Quảng trường Thiên An Môn, bồn nước lớn nhất thế giới “Thiên Thủy” bắn nước lên cao 134 thước và hàng trăm sân đánh gôn trên 20,000 mẫu đất nuốt một số lượng nước khổng lồ từ các con sông ở Bắc Kinh. Trong những ngày thế vận hội, nước sẽ được dẫn vào từ các tỉnh vào Bắc Kinh, những giọt nước tinh khiết đặc biệt cho Thê Vận Hội.

Hàng triệu khán giả sẽ được thưởng thức những cảnh “hoành tráng” của thế vận mà quên đến con rồng cạn nước do lỗi lầm của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1953 khi Mao Trạch Đông xây đập và hồ chứa nước ở Quảng Tính. Con đập lớn nhất sắp hoàn thành với chi phí hàng chục tỷ Mỹ Kim “Tam Giáp” ở sông Giang Tử đã bị các nhà môi sinh phản đối. Đảng Cộng Sản biết câu: “Xây một đập là làm khô một con sông” nhưng họ vẫn say mê xây đập. Trong bước nhẩy vọt thập niên 1950, đảng khuyến khích dân xây cất các công trình thủy điện ở mọi nơi. Bước nhẩy vọt lên Cộng Sản đã gây ra những nạn lụt do vỡ đê, gây ra nạn đói, mất mùa, nông dân phải di cư đến các tỉnh khác.

Năm nay vì Thê vận hội, dân ngoài vùng Bắc Kinh phải chịu cảnh thiêu nước cho tinh thần tự ái dân tộc. Nếu 300 năm trước, Bắc Kinh có thể chịu được, mặc dù thành phô bao quanh bởi núi vẫn có năm nguồn nước, hồ và suối nhưng ngày nay Bắc Kinh khác hẳn, 90% các hồ chứa nước đã cạn, nước ở các con sông đang ở mức thấp nhất và dân số gia tăng. Từ 1949 dân số Bắc Kinh tăng tám lần (từ 2.2 triệu năm 1948 lên đến 18 triệu năm 2008). Thành phố 50 lần lớn hơn và nhu cầu nước tăng 35 lân. Trung bình dân Bắc Kinh chỉ có 300 khối nước mỗi đầu người (1/8 so với người Trung Hoa các tỉnh khác và 1/30 so với những người dân khác trên thế giới).

Trung Quốc mới, khoe cái giầu với du khách vào ngày Thế Vận Hội, du khách sẽ không thấy cảnh dân Tầu vùng Bắc và thôn quê đang thiếu nước, tất cả nguồn nước được dẫn vào Bắc Kinh để phục vụ “tinh thần tự ái dân tộc” mà quên đến hậu quả: môi sinh Trung Quốc đang bị đe dọa từ nước, khoáng sản cho đến rừng. Tất cả đang dẫy chết. Một nấm mồ yên lặng của Trung Quốc bên cạnh những cảnh “phồn vinh giả tạo” của những người Cộng Sản.

Trung Quốc có vẻ ở vào cái thời “nhà Minh không còn sáng”, cuối thế kỷ thiên tai giết hơn 1/3 dân số, nhà Minh áp dụng chính sách Bắc thuộc khắp nơi, quên câu của Lão Tử: “Cố, đại quốc, dĩ hạ tiểu quốc tắc thủ tiểu quốc” (nước lớn khi hạ mình với nước nhỏ thì chiêu phục được nước nhỏ) cuối cùng đưa đến chánh sách bế môn tỏa cảng và đưa đến sự ô nhục với năm nước chia chác.

Người Trung Hoa xem thiên tai là điềm trời khác với ý nghĩa của Thánh Alphonsus Liguori: “Thượng đế dùng thiên tai, lụt lội để cảnh cáo con người phải thay đổi hơn là để trừng phạt.”

Năm 1976, điềm trời với cơn động đất với hơn 240,000 người chết của Mao Trạch Đông nhưng họ vẫn chưa biết mệnh trời tiếp tục độc tài. Cuộc động đất ở Armenia năm 1988 với 10,000 dân Sô Viết thiệt mạng đã khiến TT Gorbachev mất các nước chư hầu Đông Au.

Năm nay, tháng 8 với Thế Vận Hội 2008 sắp đến, với những điềm trời hãy chờ xem chánh quyền Bắc Kinh có thay đổi chương trình khai mạc Thế Vận Hội với những màn múa nước trong khi con rồng Trung Quốc đang cạn nước và họ có chịu lắng nghe lời dậy của Tuân Tử: “Dân như nước, kẻ cầm quyền như thuyền. Nước có thể làm thuyền trôi đi và nước cũng có thể làm thuyền đắm”.


Việt Nguyên
(Houston 23 tháng 5-2008)
Last edited by uncle_vinh on 01 Aug 08, Fri, 10:01 am, edited 2 times in total.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Post by uncle_vinh »

"Bắc Kinh Hôn Mê" cuốn tiểu thuyết nhân quyền ai cũng nên đọc

Thursday, July 10, 2008

* Việt Nguyên
(Đặc biệt của Ngày Nay)

HOUSTON (NN) – Giữa mùa Hè năm nay, tôi đã có dịp đến thăm cô bạn học cũ đang ở trong tình trạng sống thực vật hơn một năm nhưng nay đã ra khỏi tình trạng hôn mê. Bạn tôi đã nhận biết người đến thăm và hỏi han lại đôi ba điều với nhiêu phần tỉnh thức. Nhìn bạn tôi, người đã qua tình trạng hôn mê, tôi đã tự hỏi, những người như thế, ở trong tình trạng lúc thực lúc ảo, khi mơ màng khi nhận thức như âm hưởng tiểu thuyết Kafka?

Cuốn tiểu thuyết mới “Bắc Kinh Hôn Mê” (Beijing Coma) của Ma Jian như đã trả lời một phần thắc mắc của tôi. Cuốn truyện dầy 586 trang ra kịp đúng lúc bộ máy tuyên truyền vĩ đại của đảng CSTQ đang sửa soạn cho ngày khai mạc Thê Vận Hội Bắc Kinh vào đầu tháng 8-2008. Cuốn sách cũng ra đúng lúc trước ngày TT George W Bush tiếp đón Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến cầu khẩn Hoa Kỳ cứu vãn nền kinh tế đang nguy ngập của VN nhưng bảo vệ mô hình Trung Quốc và xem thường vấn đề nhân quyền.

Tác giả “Bắc Kinh Hôn Mê”

Cuốn tiểu thuyết “Bắc Kinh Hôn Mê” đầy những sự kiện và bằng chứng về sự đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc đang gây ra tiếng vang trong giới văn học thế giới và làm giới trí thức nổi giận. Từ thời kỳ cải cách ruộng đất đến cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông kéo đến thảm sát Thiên An Môn, cả một hồ sơ nhân quyền về đảng CS Trung Quốc mà chánh quyền Trung Quốc muốn người Trung Hoa trong thời kỳ hưởng thụ vật chất này quên đi đã được Ma Jian ghi lại qua những hồi tưởng của bệnh nhân đang nằm hôn mê trên giường bệnh. Các tội ác, tương tự như tội ác của đảng CSVN ở Huế năm Mậu Thân 1968, bị giới trẻ hiện nay nghi ngờ đã được Ma Jian chứng minh bằng những hồ sơ đảng.

Sanh năm 1953 ở Thanh Đảo, nhà văn Ma Jian qua Anh lấy vợ năm 1987 (bà vợ Flora Dew là dịch giả cuốn tiểu thuyết) chứng kiến thảm sát Thiên An Môn, được tự do du lịch ở Trung Quốc, nhưng như các nhà văn lưu vong khác không được xuất bản sách hay tuyên bố bất cứ điều gì ở Trung Quốc.

Thuở nhỏ, sống trong thời cách mạng Mao Trạch Đông, Ma Jian cùng với các bạn hay ra nghĩa trang đào các xác chết đã thúi rữa, dùng que gậy nhặt các cơ quan nội tạng còn lại ra nghịch ngợm. Tác giả cũng đã chứng kiến các cảnh nạn nhân bị diễn hành trên đường phố trước khi bị xử tử và nhìn thấy những xác nạn nhân vứt xuống từ trên các cao ốc.

Năm 1989, Ma Jian đi Hồng Kông rồi về lại Bắc Kinh, tưởng là Trung Quốc sắp thay đổi thật sự. Muốn tham dự sự thay đổi, anh bỏ sáu tuần ở với các sinh viên biểu tình, sống trong các ký túc xá và lều bên ngoài công trường Thiên An Môn, chứng kiến cảnh các sinh viên tuyệt thực. Trước đó, năm 1987, cuốn tiểu thuyết “Le lưỡi chế nhạo” của Ma Jian được nhà Văn hóa Nhân dân xuất bản nổi tiếng ngay nhưng sách bị bộ tuyên truyền trung ương lên án suy đồi, phát huy tư tưởng đồi trị của văn hóa nhiễm độc Tây phương.

Ma Jian sau đó bỏ việc làm ký giả nhiếp ảnh cho báo tuyên truyền của đảng, đi du lịch khắp Trung Quốc với cuốn kinh thư cổ điển “Sơn Hà Kinh” trong túi, ghi nhận những sự thật trong cuốn sách du ký thứ hai “Bụi Đỏ”.

Khi cuộc thảm sát Thiên An Môn xẩy ra, Ma Jian về lại quê ở với cậu em, cậu này một hôm đi vấp phải dây phơi quần áo, té đập đầu xuống đất và lâm vào tình trạng hôn mê. Cậu em này trở thành nhân vật chính Đại Vệ trong cuốn “Bắc Kinh Hôn Mê”.

Đại Vệ nằm hôn mê trên giường bẹnh với viên đạn nằm trong đầu, một phần sọ nằm trong tủ lạnh bệnh viện, mù, câm, liệt, không thể nghe vì bị bắn trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989. Cuộc thảm sát do đảng CS Trung Quốc “không những tiêu diệt linh hồn mà còn tiêu diẹt thân xác dân Trung Hoa”. Cuộc thảm sát Thiên An Môn bị đảng CS Trung Quốc che dấu, xem như không hề xẩy ra, được những nhóm hội kín như “hội các bà mẹ Thiên An Môn” làm sống lại vào những ngày kỷ niệm trong khi Công An di chuyển những nạn nhân sống sót từ Bắc Kinh về các khách sạn vùng ngoại ô, không cho họ tiếp xúc với ký giả ngoại quốc.

Nhân quyền dưới thời Mao Trạch Đông

Đại Vệ sống trong tình trạng thực vật, hồi tỉnh, lúc tỉnh lúc mơ, nhớ về những kỷ niệm cũ. Trong 60 trang, với âm hưởng Kafka, bằng giọng điệu khôi hài đau thương của văn Ma Jian, Đại Vệ nhớ lại những lần mổ xác trong giảng đường bộ môn cơ thể học đại học Nam Hoa. Các sinh viên mổ xác những tội nhân vừa mới bị chính quyền xử tử trong ngày Quốc khánh, để lấy các cơ quan nội ghép. Bộ Y Tế cho phép phẫu thuật nạn nhan ngay trên các xe cứu thương đậu ngoài pháp trường. Tỷ lệ nội ghép thành công thấp nhưng nhu cầu cơ quan nội tạng gia tăng nhất là từ khi bịnh nhân từ nước ngoài đến, trả bằng ngoại tệ tốt cho kinh tế Trung Quốc.

Để đáp ứng lại nhu cầu gia tăng, chánh quyền cho phép xử tử ngay trong bệnh viện thay vì ở pháp trường, nơi đó nội ghép được thực hiện ngay lập tức. Những phẫu thuật xảy ra hàng ngày ở bệnh viện Nam Hoa gần trường Quân Y cũng như Bệnh viên Y khoa Đại học Khoa học Quân sự.

Năm 1971, cô Lý Liên chỉ trích cách mạng văn hóa bị bốn cảnh sát đẩy vào tường, đưa lưng ra ngoài, cảnh sát vén váy lên đến lưng, cắt và móc thận không dùng thuốc mê, đem thận bán cho bệnh viên. Sinh viên y khoa bàn với nhau “lấy cơ quan từ người còn sống là vô nhân đạo” nhưng đảng CS xem người tù “không có quyền trên thân xác họ”.

Chánh sách đổi mới của đảng CSTQ muốn kinh tế đổi mới nhưng không muốn cải tổ văn hóa và chính trị. Cậu Đại Vệ nằm một nơi, ký ức bay về thời kỳ cải tạo của cha cậu. Trong cuốn tiểu thuyết “Bắc Kinh Hôn Mê” trại tù cải tạo có phần dã man hơn các trại tù ở Việt Nam sau 75 cũng như trong cuốn “Vòng Đầu Địa Ngục” và “Một ngày trong đời Ivan Demisovitch” của Alexandr Solzhenitsyn. Thời kỳ Đảng “dương ngọn Hồng kỳ vinh quang Mác xít tiến lên đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng”, bố của Đại Vệ là “con chó của bọn tư bản”, vĩ cầm thủ nổi tiếng được đi nước ngoài nhưng trở về lại Trung Quốc. Trong 20 năm, ông tiếc hối về quyết định ấy và sống dưới thời đại Mao Trạch Đông, ông mất hẳn bản ngã và nhân cách. Năm 1976, sau trận động đất lớn, có dịp thăm bố, Đại Vệ được khuyên học tiếng Anh, và khoa học, phải tìm cách đi ngoại quốc để trở thành công dân thế giới, người Mỹ người Anh, để có thể đi du lịch vòng quanh thê giới.

Người Hoa lúc ấy có thân nhân ở nước ngoài không còn bị xem ô nhục trái lại còn được xem là một vinh dự. Ông bố yêu Mỹ vì ở Mỹ chánh quyền để dân yên, không can thiệp vào đời sống của dân.

Năm 1980, ông bố trở về nhà, đầu bị cạo trọc sau khi học tập 22 năm, còn ông con Đại Vệ nằm trong năm thành phần danh sách đen bị cán bộ đá đổ đĩa thức ăn: “mày nghĩ mày là gì mà có quyền ăn thịt?” Trong trại lao động của ông có 3,000 tù nhân đói trong sáu tháng chỉ có ông già Lý khỏe mạnh. Ông mỗi ngàyđi nhặt phân tìm những phân khô có dính những mảnh khoai lang đem rửa sạch. Ông ăn khoảng một ký mỗi tháng, nhờ vậy ông có dáng điệu khỏe mạnh và đủ sức rửa mặt mỗi sáng.

Ông nội của Đại Vệ là nạn nhân của chánh sách cải cách ruộng đất, bị đấu tố chết vì chính bà vợ đem ra tố khổ. Mẹ của Đại Vệ học thuộc bài học thực tế, sau khi Mao Trạch Đông chết đến thời Đặng Tiểu Bình đổi mới, bà đến trường đại học khuyên con đấu tranh vào Đảng để “nếu có gặp rắc rối ở Đại học mà con không phải là đảng viên thì con sẽ có nhiều vấn đề, đừng nhìn cái vỏ cải tổ bề ngoài, ở dưới đáy mọi việc vẫn như vậy. Đảng Cộng sản là thây ma thối tha, chỉ khi nào Đảng biến mất xã hội Trung Quốc mới thay đổi”. Bà nhắc Đại Vệ về những ngày học tập của bố. Ong bị đối xử như con vật trong trại tù cải tạo. Tù nhân chỉ được ăn thịt một lần khi TT Nixon đến năm Trung Quốc vào năm 1972. Mười năm sau điều kiện trại tù có thay đổi chút đỉnh, tù nhân được phát báo để chùi đít nhờ vậy họ đọc lén tin tức ở bên ngoài. Đói đã khiến bố Đại Vệ, một người trí thức trở nên xấu xa, ông giữ những thói như khi về nhà “ăn những vụn bánh, vụn đồ ăn trên bàn, giấu xương và vỏ trái cây vào trong hộp để dành khi đói.”

Điều kiện tù ở Quảng Tây dành cho người Hoa nước ngoài về khó khăn nhất là năm 1968, năm bạo động trong thời cách mạng văn hóa. Cách mạng ép tù nhân phải ăn thịt người, thịt của kẻ thù cách mạng. Những tư liệu chưa được tiết lộ ghi trong tài liệu Quang Tây. Ở trại tù Cam Túc có hơn 17,000 tù nhân chết vì đói. Tù nhân được lệnh ăn thịt tù mới chết để sống sót, ngay cả cán bộ coi tù, ông Lưu cũng bị móc gan ướp rượu. Con gái ông 16 tuổi, đẹp có tài múa, chơi vĩ cầm giỏi bị cán bộ cưỡng hiếp, thắt cổ giết chết, cắt vú, moi gan chiên ăn. Năm 1968 có 100,000 người bị giết ở Quảng Tây. Ở quận Vũ Xuân 3,523 người bị giết và 350 người bị ăn thịt.

Nhân quyền thời Hồ Cẩm Đào

Đại Vệ đi về lại trại cải tạo ở Quảng Tây, đọc nhật ký của bố mới hiểu hết nỗi lòng của cha nhưng chính cậu cũng sống trong cảnh khủng bố ở thời đại đổi mới của Đặng Tiểu Bình. Năm 15 tuổi, cậu sống trong chế độ Công an trị (thời tương đương với VN sau 1975, những người như ông Võ Văn Kiệt cũng phải bó tay với Công an) bị công an tra tấn đánh đập khi yêu cô bạn học đồng lứa Lulu (Lu là lộ vì cô bé đẻ rơi ở bên đường). Cậu yêu sớm vì bị nhiễm tư tưởng phản động Tây phương. Sống theo lối sống tư sản, tự do tình dục. Thời gian Đại Vệ họcĐại học Quảng Châu là thời “thế hệ sống rỗng tuếch, thèm khát học hỏi, thèm khát kiến thức, nhìn về văn hóa Tây phương sau khi Trung Quốc ra khỏi thời kỳ khủng hoảng cách mạng Văn hóa”. Sinh viên mê tiểu thuyết Hemingway và tranh Van Gogh. Sách triết của Freud bán chạy như tôm tươi vì sinh viên lầm tưởng là sách dâm ô. Nhờ mê sách Kafka, “the castle” mà Đại Vệ đọc hồi ký của cha và hiểu rõ bộ mặt thật cuộc cách mạng văn hóa nhưng sinh viên đã hiểu lầm Đặng Tiểu Bình. Họ Đặng nắm quân đội, tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn.

Những chương sách của Ma Jian cho thây sinh viên chống đôi, can đảm, say mê dân chủ nhưng do dự thiếu quyết đoán. Một phần muốn lật đổ chánh quyền, một phần muốn giữa Đảng để cải tỏ từ từ. Sinh viên chống đôi trở thành tù nhân của đám đông ở quảng trường Thiên An Môn, không thể chọn lựa giữa sự ở lại hay bỏ đi. Họ xây tượng Nữ thần Tự do, tuyệt thực đòi dân chủ, chống đôi quân đội, đối đầu với xe tăng, yêu cầu phục chức Thủ tướng Triệu Tử Dương nhưng cuộc tranh đấu thất bại dẫn đến thảm sát.

Trong ngày tái ngộ, sinh viên Vương Phi tuyên bố: “chúng ta bị đàn áp, bị tàn sát, bị bịt miệng nhưng đây là cơ hội cuối cùng. Đảng đang van xin thế giới cho họ tổ chức Thế Vận Hôi nay chúng ta yêu cầu Đảng cho chúng ta nhân quyền”. Năm 2000 Trung Quốc không được chọn tổ chức Thế Vận Hội vì các viên chức trong ủy ban Thế Vận Hội phải bịt mũi phần vì nhân quyền và phần vì “Bắc Kinh đầy mùi nước đái”.

Nhân quyền cũng không thay đổi sau năm 2000. Ở Tây Tạng, Ma Jian đi qua những vùng đất nghèo nàn, văn hóa Tây Tạng bị xóa không còn một Tây Tạng huyền bí! Thiệt hại gây ra vì sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc. “Trái tim tâm linh của Tây Tạng đã bị móc ra khỏi lồng ngực.”

Ký ức Trung Quốc ở thời đại mới đã bị xóa dần bởi xã hội tiêu thụ, sản phẩm điện tử, đám cưới sang trọng, xe hơi ngoại quốc lộng lẫy. “Vấn đề trọng đại trở thành vấn đề nhỏ và vấn đề nhỏ từ từ trở nên không còn là vấn đề quan trọng”, đó là cái khả năng sinh tồn của người Hoa trên mấy ngàn năm.

Bạn bè đến thăm Đại Vệ trong bệnh viện ăn mặc sang trọng, mang theo diện thoại di động và bỗng nhiên mọi thứ trong xã hội mới đều được đem ra đổi chác mua bán, giá trị đảo ngược. Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa định đoạt tất cả trong xã hội nhiễu nhương.

Đại Vệ vẫn nằm trên cùng một giường bịnh được y tá đề nghị: “Chương trình săn sóc 20,000 đồng Nguyên mỗi tuần sẽ có tia Hồng ngoại, thuốc nhập cảng từ Anh hay chương trình 10,000 đồng Nguyên với thuốc Nhật và Tầu, còn chương trình 5,000 đồng Nguyên chỉ có năm kỳ chữa bằng khí công, một lần châm cứu và một liều thuốc có tác dụng 24 giờ”.

Ma Jian mô tả xã hội thời Hồ Cẩm Đào với giọng điệu chua chát. Bà mẹ của Đại Vệ phải bán một trái thận của ông con đang hôn mê để trang trải chi phí bệnh viện. Bà phải giả tạo hồ sơ bệnh lý vì nếu bác sĩ biết bệnh nhân là nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn thì họ sẽ không nhận. Trái thận của Đại Vệ bán được 8,500 đồng Nguyên trong khi thương gia cần trái thận trả bệnh viện 150,000 đồng Nguyên.

Về phần mẹ của Đại Vệ, sau khi sống cả đời trong cảnh khủng bố của xã hội CS, bà tin vào Pháp Luân Công, nhờ Pháp Luân Công bà sống hạnh phúc và khỏe mạnh nhưng đệ tử của PLC bị đối xử tàn nhẫn hơn các tù nhân khác. Nội tạng của họ bị đánh cắp để nội ghép khi họ đang bi giam và sự việc vẫn tiếp diễn sau khi chính quyền CS Trung Quốc ký giấy tôn trọng nhân quyền để đuoc tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

Những mối tình của Đại Vệ trong “Bắc Kinh Hôn Mê” với Lu Lu và A Mỹ nóng bỏng vội vàng như những mối tình xã hội chủ nghĩa nhưng đoạn kết cuốn truyện thơ mộng như Doctor Zhivago của Boris Pasternak.

Đại Vệ cuối cùng rôi yêu con chim sẽ đậu trên cửa sổ phòng cậu mỗi ngày, “có một loài chim chỉ có một cánh và một mắt. Nó cần một con chim khác để kết đôi nếu nó muốn bay”. Con chim se sẻ một ngày rơi xuống chỉ còn lồng ngực trên mặt đât. Đại Vệ rồi đây không còn phải dựa vào ký ức để qua được mỗi ngày nằm trên giường bệnh, anh không cần một ký ức chớp lên trước khi chết. Một khởi đầu mới sẽ đến.

TT George W.Bush cần đọc cuốn “Bắc Kinh Hôn Mê” như ông đã đọc cuốn “Một trường hợp cho dân chủ” của Natan Sharansky, khi ông tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Cộng sản Hồ Cẩm Đào, Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Nhà lãnh đạo ca ngợi dân chủ là người đã tha thứ cho cộng sản nhiều nhất trong tám năm cầm quyền.

Cuốn sách sẽ giúp ông hiểu được những người Pháp Luân Công trước tòa Đại sứ Trung Quốc đứng biểu tình, hiểu những vi phạm nhân quyền trầm trọng với địa ngục đi ra ngoài biên giới Trung Quốc qua đến Tây Tạng, Miến Điện và Việt Nam. Cuốn sách sẽ giúp ông hiểu rõ nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên, thiệt hại nặng hơn vì “nhân tai”.

Cuốn sách cần được phát dọc đường rước đuốc Thế Vận Hội để dân chúng thế giới không bị che mắt vì chánh sách tuyên truyền “khoan hồng của các đảng CS Trung Quốc, Việt Nam với chánh sách công an trị.

Việt Nguyên
23/6/08
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Một nhà văn lớn của thế kỷ đã không còn nữa

* VIỆT NGUYÊN
(Đặc biệt của Ngày Nay)
Wednesday, August 20, 2008

* Solzhenitsyn, nhà văn đã dùng ngòi bút để đánh bại qủy
* Aleksandr Solzhenitsyn 1918-2008 * Đọc lại 'Tầng Đầu Địa Ngục' và 'Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich'


HOUSTON (NN) – “Ông không làm gì được tôi hết vì tôi chẳng còn gì, ông hiểu không? Ông không thể làm hại được vợ con tôi vì một trái bom đã làm vợ con tiêu tan từ lâu rồi. Ông không thể hành hạ được cha mẹ tôi vì cha mẹ tôi đã chết...

Bobynin vạch áo để trần ngực: “Ông đã tước đoạt tự do của tôi lâu rồi và ông cũng không có khả năng trả lại tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do... Ông chỉ mạnh khi nào các ông không tước đoạt của người khác hết tất cả mọi thứ. Bởi vì khi một người đã bị các ông lấy mất hết tất cả, người đó sẽ không còn ngán sợ các ông nữa. Người đó lại được tự do.”

Những dòng đối thoại giữa người tù kỹ sư Bobynin với Tổng trưởng An ninh Abakumov trong cuốn “Tầng đầu địa ngục” của Aleksandr Solzhenitsyn đã được chúng tôi đọc gần như thuộc lòng trong căn phòng nội trú Bệnh viện Bình Dân những ngày sau 30-4-1975. Trước 1975, đọc “Tầng đầu địa ngục” đã thấy những sự thật dã man của chế độ Cộng sản Stalin, sau 1975, đọc những chữ của Solzhenitsyn lén lút trong phòng đóng kín cửa, tôi mới thấy thấm thía sự thật thiên đường Cộng Sản đang diễn ra ở bên ngoài, không còn là nhà tù Siberia ở Nga mà là những nhà tù đang ở cùng khắp trên đất nước Việt Nam.

Nhà văn Solzhenitsyn con người can đảm, nhân bản, đã đứng một mình đánh bại đê quốc quỷ với ngòi bút. Sanh ngày 11/12/1918, sau ngày cách mạng tháng Mười ở Nga, ông giáo sư toán tỉnh Ryazan với chòm râu dài như văn hào Tolstoy đã nổi tiếng nhanh chóng với những tác phảm văn học phản kháng trong thế kỷ thứ 20. Năm 1973 với tác phẩm Gulag Archipelago (Quần đảo ngục tù) với hơn 300,000 chữ ông đã ghi lại những sự thật về những trại tù nằm rải rác trên Sô Viết với hơn 60 triệu nạn nhân của chế độ Stalin. Bị ung thư bao tử năm 1956, ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Trại Ung thư” năm 1967, khi được điều trị tại Uzbekistan. Ông đã ví căn bệnh độc hại của chê độ Cộng sản Sô Viết như căn bệnh ung thư lan tràn tàn phá nhân loại.

Đoạt giải văn chương Nobel năm 1970 với tác phẩm “Một ngày trong đời Ivan Denisovich”, ông cũng nổi tiếng nhờ “Tầng đầu địa ngục”. Ông là người tù lương tâm, một hình ảnh điển hình cho những tù nhân của chế độ CS VN, khi bị bắt nhốt vào trại Ekibastuz ở Kazkhstan ông nói: “Không ai có thể ngăn chặn con đường đi đến sự thật, tôi sẵn sàng chấp nhận chết cho lý tưởng”.

Tầng đầu địa ngục

Hai nhà tù trong hai tác phẩm của văn hào Aleksandr Solzhenitsyn là hai hình ảnh tiêu biểu của xã hội Cộng sản Stalin và xã hội CSVN sau 1975. Bị bắt giam, các nhà lãnh đạo CS như Stalin và Hồ Chí Minh đã xem “nhà tù là trường học”, nhưng khi thành công sau cuộc cách mạng vô sản họ biến cả nước thành nhà tù với những trường “học tập cải tạo”. Những nhà trí thức bị nghi ngờ và bị đối xử tàn tệ ở “Tầng đầu địa ngục”, tầng tốt nhất trong chín tầng địa ngục và bẩy sân thượng địa ngục trong tác phẩm “Divine Comedy” của nhà thơ Dante. Văn hào Solzhenitsyn đã sống sót trở về từ địa ngục của Cộng sản ghi lại tầng đầu địa ngục qua phòng nghiên cứu âm thanh giam các nhà trí thức phản động, nghi ngờ phản quốc vì tội chống đối chánh quyền. Một địa ngục sung sướng của Cộng sản; “Tầng địa ngục đầu tiên”: sáng sớm không bị đưa ra làm việc ngoài đầm nước giá lạnh, được hưởng ngày 30g bơ tươi, được ăn bánh mì đen tha hồ, ở đây không bị cấm đọc sách, ở đây người tù được quyền cạo râu, ở đây người tù không bị cai tù đánh như súc vật, nhưng người tù vẫn phải làm việc gẫy lưng mỗi ngày từ 12 đến 14 tiếng. Những nhà khoa học bị giam để phát minh máy nghe lén có thể thu âm và dò xét tất cả các công dân Sô Viết và những khoa học gia có liên lạc với những nhà khoa học khối Tây phương kẻ thù của nhân dân Sô Viết như bác sĩ Dobroumov phát minh thuốc mới chia xẻ kinh nghiệm ở Paris đều bị Stalin bắt giam.

Nhà độc tài Stalin nghi ngờ tất cả các cộng sự viên, tạo ra một xã hội trong đó mọi người nghi kỵ và dò xét nhau. Những anh hùng đã từng chiến đấu và sống sót trong các trại tù binh của Đức Quốc Xã đã trở thành những tên phản quốc sống trong những nhà tù ngay trên tổ quốc của họ. Những người tù, để bù lại tình trạng bị tước đoạt tất cả các quyền khác, được hưởng quyền làm việc 12 giờ một ngày. Những tù nhân thản nhiên bình tĩnh sống trước những hạn tù mười năm, mười hai năm, họ chú tâm đến công việc để sống sót, dù công việc không đem lại cho họ một thù lao nào. Những người tù ấy đã may mắn hơn những người tù cải tạo Việt Nam sau 1975, những người bị tù không tuyên án.

Solzhenitsyn đã làm Tổng bí thư Brezhnev nổi giận với những giòng chữ trong “Tầng đầu địa ngục”: “Họ phải nhận thức rằng họ không đúng, họ không có quyền bắt người khác vào tù chỉ vì những người khác không nghĩ như họ”. Những sự thật đau lòng từ thời đại Stalin khi bắt đầu chánh sách khác với Marx: “Giai cấp vô sản chiến thắng có thể sống mà không cần tước đoạt hết tài sản tư hữu của giai câp tiểu địa chủ”, vẫn là những sự thật 80 năm sau đang xẩy ra ở Trung Hoa và Việt Nam.

Stalin nhà độc tài Sô Viết, dưới con mắt của văn hào Solzhenitsyn là tổng hợp của Robespierre và Napoleon. Tư tưởng của nhà độc tài “ông thợ cầy” thô tục và ngu ngốc.

Viện nghiên cứu thính thị Mavrino với phòng số 7 là nơi quan trọng nhất của viện đã khiến người đọc nhớ lại xã hội Việt Nam sau 1975 đến thời kỳ hết cấm vận 1994: “Người ta bắt chước những đầu máy Radio đã được chế tạo của Hoa Kỳ xong người ta cố tình coi đó là những gì do các kỹ sư điện tử Nga chế tạo... Những đặc san và những quyển sách vô tuyến truyền thanh được bầy bán đầy ở các tiệm sách cũ ở Nữu Ước được người ta đóng bìa da, đánh số xem là tài liệu tối mật, được cất kỹ trong những tủ sách kiên cố để ngănkhông cho bọn gián điệp Mỹ lấy trộm!” Tinh thần phản kháng của Solzhenitsyn đã là mẫu mực của tinh thần của những nhà phản kháng trong các chế độ độc tài Cộng sản từ Đông Au sang đến Trung Hoa và Việt Nam: “Người ta có thể xây những tòa nhà trăm tầng như Empire States, người ta có thể suy tôn lãnh tụ cao hơn Thượng đế nhưng người ta vẫn không thể áp chế tinh thần của một số người”.

Trong nhà tù Mavrino, vẫn có những ăng-ten, cai tù như Đại tá Anton Yakonov bênh vực cho những người Bolsevich “Họ rất kính trọng nền văn minh thế giới. Họ tin rằng không một ai có quyền độc đoán quyết định thay cho người khác hay bắt người khác phải nghĩ phải làm theo mình, họ tin ở sự hợp lý, ở lẽ phải. Điều duy nhất họ muốn là công bằng”. Cái thiên đường Cộng sản được những người như đại tá Yakonov ca ngợi đã không thuyết phục được những nhà tù trí thức như nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn. Ông sẵn sàng bỏ tầng cao nhất, tầng tốt nhất, tầng đầu tiên của địa ngục để đi xuống đến tầng cuối cùng của địa ngục “ở những nhà tù miền băng giá Siberia, miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan, ở đó họ sẽ đói, sẽ khổ, sẽ chết nhưng trái tim họ sẽ được yên ổn”. Những người tù lương tâm sẵn sàng: “thà ăn bánh mì hầm với nước lã mà lương tâm vẫn yên ổn còn hơn là ăn thịt mà hèn hạ.”

Tù nhân ở viện Mavrino như Khorobov sau cùng bị đưa lên những chuyến xe chở thịt chạy trên đường phố Mạc Tư Khoa để đến các trại tù tập trung. Họ không biết số phận của họ, cũng giống như trường hợp của những người tù VN sau 1975 bị chánh quyền Cộng sản di chuyển trên những chuyên xe mịt mùng trong đêm đi đến các trại học tập cải tạo.

Một ngày trong đời Ivan Denisovich

Tôi không thể quên lời phê bình của một người bạn đã là tù cải tạo: bạn không thể hiểu chúng tôi vì bạn chưa hề bị đi học tập cải tạo. Câu nói tương tự như lời viết của văn hào Solzhenitsyn: “Người ở nơi ấm áp không thể hiểu được người ở nơi giá lạnh”. Nhưng, bạn tôi không biết rằng tôi đã không quên được những cặp mắt của những người tù cải tạo mà tôi đã nhìn thấy trong một đêm trăng nào ở trại Kà Tum khi tôi đên thăm anh tôi. Những cặp mắt như mắt con thú bị thương của tù nhân Ivan Denosovich.

Cuốn “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” mỏng, mô tả một ngày sinh hoạt trong tù của Ivan, một người tù thuộc giai cấp công nhân. Anh thợ hồ Ivan bị giam trong trại tù lao động khổ sai vùng Tây Bá Lợi Á.

Stalin đôi xử với giới trí thức tàn tệ và Cộng sản đã phản bội giai câp công nhân của họ. Công nhân Ivan Denisovich đã bị giam sau cuộc cách mạng của giai cấp công nhân trong một xã hội công nhân đoàn kết với khẩu hiệu hồ hởi “Vùng lên hỡi các nô lệ của thế gian”.

Cuốn tiểu thuyết năm 1962 đã lọt qua hệ thống kiểm duyệt của Cộng sản do lỗi lầm của nhà xét lại Krushchev. Cuốn truyện được xem tương đương với những tiểu thuyết có giá trị đạo đức của văn hào Dostoyevski.

Người tù Ivan bắt đầu mỗi ngày như mọi ngày, 5 giờ sáng bị đánh thức bởi tiếng kẻng từ phòng quản trại, tiếng kẻng không xuyên qua được cánh cửa sổ băng giá dầy hơn hai ngón tay. Người tù Ivan Denisovich cũng giống như những người tù cải tạo trong trại Đầm Đùn hay những trại cải tạo Suối Máu, Kà Tum, sống trong vòng kẽm gai, bị đánh đập, theo dõi, dò chừng bằng những ăng-ten, bị bỏ đói, bị đàn áp tinh thần bởi những quản trại trong đó Stalin đã thiết lập một hệ thống tù toàn hảo, những người tù bị phạt hay được thưởng chung như một đơn vị gây sức ép đồng đều cho mỗi tù nhân. Người tù Ivan là nạn nhân của chế độ. Trong thời chiến, anh là lính đánh nhau với Đức Quốc Xã thiếu vũ khí và quân nhu, bị Đức bắt, tha về bị nghi ngờ là gián điệp phản quốc chống đôi chế độ. Người tù Ivan sống đúng như chủ thuyết Mác, “làm việc hết mình trong chế độ chứ không phải cho chế độ, thích hợp với môi trường, làm cho xong việc để chủ không để ý”. Người tù cố thích hợp đến nỗi “anhkhông còn biết đến là anh muốn được tự do hay không. Lúc bắt đầu, anh muốn tự do hết sức, đếm mỗi đêm để biết còn bao nhiêu ngày thì được tha. Sau đó anh nản lòng và dần dần những người như anh không được trả về nhà mà bị đầy đi xa và anh không còn biết sống ở đâu dễ thở hơn, ở nơi nhà tù này hay ở nhà tù kia.”

Sống trong tù Cộng sản, Ivan dần dần rồi như một triết gia, một ngày sống khổ như tù là một ngày sung sướng. Hạnh phúc của Ivan là khi được sống cho chính mình ngoài giấc ngủ, ba lần trong ngày 10 phút buổi sáng khi ăn điểm tâm, 5 phút ăn trưa, 5 phút ăn chiều. Những bữa ăn được ăn kỹ lưỡng, nhấm từng mảnh vụn bánh mì, thưởng thức khẩu vị và nhấp nhấp, mút đồ ăn trong hai má. “Ăn thật chậm, nhặt từng mẩu cá, dưới miếng bắp cải đen, để xương cẩn thận trên bàn, không nhổ xương xuống đất”. Bọn cai tù thời Stalin là kiểu mẫu của cai tù Cộng sản sau này ở Trung Hoa và Việt Nam, bắt tù ăn uống thiếu thốn đến khi “bao tử mệt mỏi không còn giữ được thức ăn và ruột cũng chỉ còn giữ được thức ăn lỏng”.

Người tù hăng hái làm việc vì làm việc khổ sai người tù Ivan sẽ được ăn đồ ăn nóng, không có thì giờ suy nghĩ vẩn vơ, còn ở tù thật có khikhông được làm việc!

Người tù trong “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” sống một ngày hạnh phúc nếu được vét sạch bát thức ăn sau bữa cơm chiều, tìm được một mảnh sắt vụn để làm thành con dao, làm việc vất vả để được thưởng thêm một miếng thịt.

Hạnh phúc sau một ngày trong đời của Ivan Denisovich giản dị như vậy “hài lòng với cuộc đời khi anh đi ngủ sau một ngày lao động”.

Người tù Aleksandr Solzhenitzyn lưu vong sang Hoa Kỳ năm 1976. Ông sống cô lập ở Vermont – giống như những nhà văn phản kháng sau này, khi xa rời quê hương, những cuốn sách của ông không còn có lửa. Cuốn sách tựa “1914” không có người đọc. Ông nổi giận vì người Nga không đọc những sách ông viết, tình trạng tương tự như ở Việt Nam và Trung Hoa, người trong nước không biết đến những nhà văn phản kháng bằng những người ở ngoài nước. Năm 1978 ông lên án “chủ nghĩa vật chất” ở Hoa Kỳ. Về lại Nga năm 1994, ông chủ trương “nước Nga có một văn hóa thuần túy trên mấy ngàn năm không Cộng sản cũng không giống nền dân chủ Tây phương”.

Ông có lúc chỉ trích Tổng thống Nga Vladidmir Putin là độc tài, nhưng nhìn nước Nga tan nát sau thời kỳ Cộng sản vì những đại gia, đại công ty Oligarch, ông lại ủng hộ tinh thần quốc gia của Vladimir Putin. Không hiểu khi ông mất ngày 3-8-2008, lúc 89 tuổi, Solzhenitsyn có hôi tiếc khi Putin đã lộ mặt độc tài đứng sau lưng các đại công ty Oligarch?

Con người cô đơn, một mình một bút, Solzhenitsyn đã đánh bại đế quốc Sô Viết nhưng những nơi khác độc tài vẫn còn. Thay vì chiêu bài xã hội chủ nghĩa, CS Việt Nam và CS Trung Quốc dựng lên chiêu bài “phát triển kinh tế” và họ vẫn được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Những lời tuyên bố của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn khi nhận giải văn chương Nobel năm 1970, đã như những lời tiên tri về Việt Nam và Trung Quốc: “Thế giới văn minh không tìm thấy điều gì để phản đối sự man rợ trắng trợn ngoại trừ những sự nhượng bộ và cười trừ.”

Việt Nguyên
(Houston 6 tháng 8-2008)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Giải oan cho Karl Marx
Góp ý với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
và đảng cộng sản Việt Nam

Sách mới: “Con người thật của Karl Marx”



Nhân ngày kỷ niệm 143 năm Lê Nin, lãnh tụ vĩ đại của những công nhân bị bóc lột trên thế giới! ông Nguyễn Mạnh Hưởng viện trưởng viện khoa học nhân văn quân sự Hà Nội đã có dịp ca tụng chủ nghĩa Mác Lênin. Tôi hơi hoang mang không hiểu ở đầu thế kỷ thứ 21, ông Hưởng có ca ngợi Lê Nin và xã hội chủ nghĩa thật hay những lời tuyên bố ngớ ngẩn như đang ở vào giữa thế kỷ thứ 19 của ông Hưởng cố tình chỉ trích chế độ Hà Nội với giai cấp tư bản đỏ đang đàn áp và bóc lột giai cấp công nông Việt Nam.

Giữa thế kỷ thứ 19, năm 1847, hai triết gia Đức Friederich Engels và Karl Marx ra tuyên ngôn Cộng sản (Das Kommunistche Manifest) lên án giai cấp tư bản, lập đảng Cộng sản. Thế giới bắt đầu quen thuộc với những từ: đấu tranh giai cấp, tiểu tư sản, giai cấp công nhân bị bóc lột và chủ trương không ai được làm chủ đất, hủy bỏ chế độ thừa hưởng gia tài, tịch thu tài sản và bắt bỏ tù những kẻ chống đối nhà nước. Cách mạng của Engels và Marx bùng ra, lan đến Pháp tháng hai năm 1848, qua đến Âu Châu, Mỹ Châu rồi phong trào tàn lụi, Marx bị bắt, sau qua Pháp rồi chết ở London, về sau phong trào Paris Công Xã năm 1871 cũng không thành công. Ở các nước kỹ nghệ hóa đầu tiên Anh và Pháp là những nước văn minh, phong trào cộng sản không phát triển.

Năm 1917, Lenin làm cuộc cách mạng vô sản ở Nga, ngọn cờ búa và lưỡi liềm tượng trưng cho giai cấp công nhân và nông dân đã thành công, chủ nghĩa cộng sản với lá cờ màu đỏ giờ đây đi đôi với chủ nghĩa Marx Lenin. Phong trào cộng sản thành công ở thế kỷ thứ hai mươi ở Nga lan qua Đông Âu, Trung Hoa, Đông Nam Á đi đôi với các chế độ nổi tiếng khát máu. Máu, lửa, hận thù, đấu tranh, đố kỵ, phân chia giai cấp, gia đình ly tán, tổ quốc phân ly để xây dựng một xã hội không tưởng thay cho những giá trị cổ điển của nhân loại từ mấy nghìn năm.

Giết, giết, giết…chủ nghĩa Marx Lenin tạo ra được những người học trò giỏi. Joseph Stalin ở Nga là kẻ thực hành chủ thuyết Lenin với bàn tay sắt của bạo lực cách mạng, rồi đến Mao Trạch Đông ở Trung Hoa và Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Những ông “Bác” không yêu các cháu, hàng trăm triệu người đã bị giết vì súng đạn (như bài hát thời Xô Viết: Đồng chí được giao khẩu súng máy là đồng chí giữ quyền phát biểu) hay vì những chính sách sai lầm như chính sách cải cách ruộng đất. Cộng sản đồng nghĩa với tội ác và tội ác được thế giới ghi nhận trong những cuốn “sách đen” đối lại với “sách hồng” của cộng sản. Qua hơn một thế kỷ, thế giới giờ đây có dịp nhìn lại con người thật của Karl Marx. Cuốn sách mớI: “con người thật của Karl Marx: cuộc đời ở thế kỷ 19” của Jonathan Spencer đã xem lại những bài viết của Marx Engels qua ấn bản mới bằng tiếng Đức MEGA (Marx Engels German).

Thời đại cách mạng của triết lý Friedrich Engels là thời buổi của những năm đầu kỹ nghệ hóa ở Anh. Cách suy nghĩ của Engels và Karl Marx là những suy nghĩ ở thế kỷ thứ 19 với những suy tưởng và biến cố vào thời đại của hai ông. Đây chính là sai lầm của Marx. Gọi Karl Marx là tư tưởng gia vĩ đại vào thế kỷ thứ hai mươi là một nhận định sai lạc của những con người cộng sản. Karl Marx sống ở thế kỷ 19, chết vào năm 1883, Marx chưa thấy thế kỷ thứ 20 và đây cũng là sai lầm của Stalin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và những người làm cách mạng vô sản. Karl Marx hiểu rõ chế độ tư bản và giai cấp công nhân bị bóc lột. Nhưng chế độ tư bản ấy là chế độ tư bản của thế kỷ 19 hoàn toàn khác hẳn với chế độ tư bản bắt đầu bước vào thế kỷ 20. Là triết gia nhưng Karl Marx không có viễn kiến (vision) ông hoàn toàn không có một quan niệm nào về một xã hội mới sau khi tư bản sụp đổ. Nói cách khác, Karl Marx đã tiên liệu chế độ tư bản với những bất công sẽ sụp đổ nhưng thành lập một xã hội cộng sản đầy bất công, đổ máu và bạo lực là do Lenin. Chính trị của Karl Marx hoàn toàn khác với những điều người cộng sản gán ép cho ông. Các thái độ chính trị của Marx chỉ là những phản ứng, những thái độ chống lại các chính quyền quân chủ chuyên chế Âu Châu và những xung đột vào thế kỷ thứ 19. Hoạt động chính trị thời ấy của Karl Marx qủa thật là giống những hoạt động của nhà đấu tranh nhân quyền và Blog ở thế kỷ thứ 21. Ông chống chế độ quan lại vì bọn quan lại Nga làm cuộc cách mạng 1848-1849 chống lại nước Nga. Ông ghét các chế độ Âu Châu, ông gần như là thành phần phản chiến, chống Anh một phần vì Anh nhúng tay gây ra trận chiến Crimean phần vì Anh là thù nghịch của nước Nga. Ông ghét cả Hoàng gia Phổ (Prussia) kẻ thù không đội trời chung của Nga. Ông tham gia vào Hiệp hội công nhân quốc tế (IWMA) để bênh vực quyền lợi công nhân. Thần tượng của Karl Marx là anh chàng giác đấu Spartacus người thành Pompei, 70 năm trước công nguyên, nổi loạn chống La Mã. Đối với Marx, Spartacus đại diện cho giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh giai cấp thời Đế quốc La Mã.

Tác giả Spencer đã bỏ hết thì giờ nghiên cứu các bài trong MEGA để xét lại các ý thức hệ và tư tưởng bị gán ép là ý thức hệ Karl Marx.

Từ đầu thế kỷ thứ 20, Marx đã bị gán ép với chủ nghĩa cộng sản nhưng thật ra Marx không gắn liền với chủ nghĩa ấy. Viết cho tờ Rhiland News năm 1842, bài viết đầu tiên khi Karl Marx làm chủ bút, ông đã tấn công vào tờ báo đứng đầu nước Đức thời ấy là tờ Augsburg General News vì tờ báo này chủ trương ủng hộ chủ thuyết cộng sản! Điều này quan trọng nếu người đọc thấy rằng bài của ông đả kích ý thức hệ cộng sản chứ ông không nhắm vào những điều không thực tế của chủ nghĩa cộng sản.

Marx đã viết rằng: “Khi cộng sản thành công, khi tất cả những thành phố thương mại không còn phồn thịnh thì ý thức hệ cộng sản sẽ hủy hoại trí tuệ của chúng ta và làm tình cảm con người bị thui chột!” (tiếc thay điều này không được cán bộ cộng sản Việt Nam biết để dạy trong các trại tù cải tạo ở Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975!).

Marx đã mâu thuẫn với chính ông. Con người đã viết chung với Engels bản Tuyên Ngôn Cộng Sản năm năm sau đã chủ trương dùng quân đội tiêu diệt và đàn áp cuộc vùng dậy của giai cấp công nhân. Trong diễn văn tại hội Dân Chủ Cologne tháng 8 năm 1848, Marx đã phát biểu: “Độc tài cách mạng lập ra một giai cấp duy nhất là điều vô nghĩa” điều này khác với những điều Marx đã viết sáu tháng trước đó trong bản Tuyên Ngôn Cộng Sản . Con người tiên đoán đấu tranh giai cấp, thầy của Lenin, đã tiên đoán máu phải trả bằng máu, Marx tiên đoán chiến tranh khi ông đã viết: “Bất cứ cố gắng nào để thực hiện chủ thuyết cộng sản ngay cả những cố gắng của đám đông, sẽ bị trả lời bằng súng đại bác ”

Hai mươi năm sau trận chiến tranh Pháp - Phổ xảy ra, Karl Marx cũng phải thay đổi nói rằng ý niệm về Công Xã Paris “là một điều vô nghĩa”.

Mặc dù là học trò của F. Engels, tư tưởng của Karl Marx không bao giờ hợp thành một hệ thống thuần nhất như những đàn em cộng sản đã gán ép cho ông. Một trong những lý do khiến Marx không tổng hợp được lý thuyết cộng sản là vì cuộc đời của ông “lung tung”, ông vừa tham gia chính trị, tranh đấu, vừa là ký giả, vừa là hội viên công nhân đoàn kết, chủ bút báo và chuyện gia đình, vợ con bệnh nặng, vợ chết, con chết sớm và riêng Marx ông cũng bị khổ sở vì bệnh ngoài da không chữa được rồi mất năm 1883. Lý thuyết của Marx vì vậy bị ngắt đoạn nửa chừng ông chỉ làm việc vào buổi tối nhưng chính yếu là Karl Marx đã vay mượn ý tưởng từ nhiều người mà không tổng hợp hay tiêu hóa được những điều ông đã học hỏi. Viết bản Tuyên Ngôn Cộng Sản nhưng ông đã xung đột tư tưởng với Hegel, một nhà triết học Đức khác, tin vào lịch sử đưa đến biến chuyển xã hội và tin vào khoa xã hội học. Người ảnh hưởng lên Marx là August Comte (1798-1857), Comte là một trong những nhà sáng lập khoa xã hội học bắt đầu từ nhà xã hội học Pháp Henri De Saint Simon. Quan điểm của Auguste Comte là tương lai xã hội tùy thuộc vào biến chuyển xã hội ngày hôm nay. Comte nhìn vào xã hội tương lai khi tôn giáo biến mất, khi giai cấp xã hội thay đổi và chủ nghĩa kỹ nghệ ( industrialism danh từ của Saint Simon) tái phối trí theo lý luận và dựa trên căn bản hài hòa. Sự thay đổi của chủ nghĩa kỹ nghệ sẽ thay đổi tự nhiên như những thay đổi trong thiên nhiên và vũ trụ qua nhận xét của các nhà khoa học.

Karl Marx đã có ý tưởng giống như Herbert Spencer (1820-1903) cho rằng con người hay xã hội sống sót nếu biết đáp ứng với những thay đổi. Spenser đã chia hai xã hội: Xã hội nổi loạn (tiền kỹ nghệ và tiền khoa học) và xã hội kỹ nghệ (bắt đầu thời đại mới của lịch sử thế giới) khác với Marx chỉ nghĩ đến tư bản sụp đổ. Marx ngưỡng mộ Darwin (thuyết tiến hóa) khi viết “Tư Bản Luận” ông muốn đề tặng sách cho Darwin vì Marx nhận thấy thuyết tiến hóa là khúc quanh quan trọng về phương diện xã hội học nhưng khác với Marx, Darwin đưa ra chủ thuyết tiến hóa, theo thuyết ấy con người và con vật thay đổi theo môi trường sống (Natural Selection) chứ không nói như Marx con người hay con vật tiến hóa tốt hơn để đi đến chỗ tốt hơn. Đây cũng là điểm khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản và khoa học. Cộng sản khác với khoa học. Bản chất của Marx là triết gia và Marx là triết gia Đức, phân tích lịch sử của Marx không dựa trên khoa học mà dựa trên siêu hình học của Hegel cho rằng có một linh hồn của thế giới (Geist). Hegel tin lịch sử là tiến trình căn bản của tiến hóa. Marx tin vào Hegel và đã thất vọng với Darwin vì thuyết Darwin cho thấy tiến hóa không dẫn đến một chiều hướng hay một kết luận nhất thiết. Sách của Jonathan Spencer đã cho thấy hai điều ngộ nhận về Marx xuất phát từ Lenin và đàn em: Marx không bao giờ muốn tạo một chế độ xã hội độc tài như chế độ cộng sản Xô Viết và Marx không bao giờ có một viễn kiến rõ rệt về một xã hội hậu tư bản. Lenin đưa Marx vào chủ thuyết cộng sản biến thành chủ thuyết Marx Lenin đã khiến Marx bị hàm oan là người đã chịu phần nào trách nhiệm của tội ác cộng sản vào thế kỷ 20. Marx chỉ tin rằng: “sau khi chế độ tư bản sụp đổ một thế giới tốt đẹp khác sẽ xảy ra và nhân loại sẽ theo đuổi nghệ thuật và kiến thức”. Chế độ cộng sản thế kỷ 20 hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Karl Marx.

Lenin đã dựa trên khoa học giả tạo và khoa siêu hình học để tạo ra chủ nghĩa độc tài cộng sản, theo đuổi viễn kiến “xã hội hài hòa”sau khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ nhưng những người đi theo bước chân Lenin từ Stalin đến Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã xây dựng một xã hội vô nhân bản, một xã hội đàn áp dựa trên súng đạn không hài hòa chút nào, để rồi tự nó, cái xã hội dồn nén của Lenin đã sụp đổ trong khi chế độ tư bản sửa đổi, tiếp tục phát triển mạnh hơn sau khi Xô Viết sụp đổ năm 1991. Trái với tư tưởng của Karl Marx, chủ nghĩa quốc gia và tôn giáo không suy tàn, trái lại tôn giáo phát triển ngay cả trong thời cộng sản hưng thịnh và chủ nghĩa quốc gia nay mạnh mẽ hơn trong các quốc gia hậu cộng sản ở Nga, Đông Âu cũng như ở Trung Hoa và các nước Đông Nam Á trừ Việt Nam.
Cái xã hội cộng sản chỉ biết vật chất quên đi phần tâm linh cao quý nay được ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam bảo vệ khi muốn giữ điều bốn hiến pháp!

Niềm tin của ông Trọng có lẽ vững hơn khi những người Việt nước ngoài về góp ý kiến như cựu phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Bác Sĩ Bùi Duy Tâm và gần đây là Nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng, phải giữ chế độ độc đảng để phát triển kinh tế. Nghị quyết 36 là một nghị quyết thất bại, trong khi dân Việt từ trong ra ngoài nước đã không có lòng hiềm khích với nhau thì Đảng vẫn chỉ muốn nghe những lời xu nịnh hơn là những đóng góp ý kiến thành thật. Những ý kiến xu nịnh của các chính khách xu thời giống như những bản tự khai của những người tù dưới họng súng!

Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi để sống còn nhưng vẫn nghĩ phong trào tự do dân chủ hóa do bọn phản động tiến trình dân chủ với Mỹ đứng sau lưng, chỉ sửa đổi bề ngoài mà không thay đổi thật như bỏ điều bốn hiến pháp.

Dân chủ không phải là quan niệm độc quyền của Âu Mỹ. Dân chủ có từ nghìn năm trong lịch sử Á Châu. Từ năm trăm trước công nguyên Khổng Tử đã dạy chính quyền “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) và Mạnh Tử chủ trương “Dân vi qúy”, dân là trọng, Vua đứng sau dân và giết Trụ Vương không phải là giết một ông Vua mà giết một kẻ vô đạo. Ở Ấn Độ, ngày nay trước Viện Bảo Tàng ở Tân Dehli vẩn còn tấm bia ghi lại sắc lệnh của Vua Asoka (A Dục) 300 năm trước công nguyên, lời dạy xưa nhất khuyên các Vua phải biết tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do dân chủ cho dân và tự do ngôn luận 1900 năm trước triết gia Tây Phương John Locke người Anh chủ trương tự do dân chủ.

Ở Việt Nam, các Vua yêu dân vẫn tôn trọng tiếng nói của dân, như Trần Nhân Tông, luôn luôn đi thăm dân cho biết sự tình, lắng nghe tiếng kêu than của dân, tôn trọng luật pháp, mọi người bình đẳng trước pháp luật không khác gì với tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Xã hội nào cũng có pháp luật, xã hội loài thú cũng có luật lệ riêng, ở thế kỷ 21, đảng cộng sản Việt Nam không thể nào thi hành tuyên ngôn cộng sản thế kỷ 19 trong đó dân không có quyền làm chủ đất, đất của chính quyền cho thuê, tịch thu tài sản những người chống đối trong khi đảng viên cộng sản và bí thư đảng có toàn quyền dẫm trên pháp luật làm chủ đất từ Bắc vào Nam.

Đối kháng cũng không phải là tinh thần riêng của Tây Phương. Tinh thần “uy vũ bất năng khuất”, không sợ vũ lực của ác quyền đã có từ nghìn năm trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam. Người dân chỉ đòi hỏi pháp luật và pháp luật phải công bằng đối với mọi người.

Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn giữ chế độ độc đảng trong khi cả thế giới sau năm 1991 đã xem danh từ cộng sản đồng nghĩa với dơ dáy. Ông nghe những lời khuyên của những kẻ xu nịnh trong khi tổng bí thư đi thăm nước ngoài chỉ còn được đón tiếp bởi các tổng bí thư của các đảng cộng sản còn sót lại Trung Cộng, Bắc Hàn và Cuba.

Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn giữ một chế độ độc tài mà quên bài học ở Ai Cập ở đó các Vua Ai Cập cũng như các Vua Trung Hoa thời xưa cai trị dân xem như theo “Mệnh Trời” thay vì theo “Ý Dân”, có lẽ ông muốn dân cung kính tung hô “Thánh thượng vạn vạn tuế” hay thích bọn xu nịnh Việt Kiều theo tục lệ của thổ dân Polynesia trên đảo Tikopia ở Trung Mỹ năm 1929, được ghi nhận trong tài liệu nhân chủng học của Raymond Firth, khi thổ dân gặp tù trưởng họ cúi đầu khấu lạy, mũi chạm đầu gối tù trưởng và nói: “Con xin ăn phân ngài mười lần!”

Chừng nào ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới dẫn đảng cộng sản Việt Nam về với thế giới Văn Minh?

Việt Nguyên
(Ngày quốc tế Lao Động 1 tháng 5, 2013)
Ngày “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”
dacung
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Vài ý kiến về buổi họp Việt - Mỹ
Ông Trương Tấn Sang “chửi xéo” Đảng?


Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng 7 năm 2013 không đạt được mục đích mong muốn, vào các nước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng cuộc gặp gỡ giữa ông Trương Tấn Sang và T T Barack Obama vẫn còn để lại tiếng vang. Những tiếng vang của hơn hai ngàn người biểu tình ngoài toà Bạch Ốc gồm nhiều thành phần khác nhau, từ những người Việt hải ngoại cho đến các thành phần đối kháng tranh đấu cho nhân quyền bị đàn áp trong nước.

Khoảng cách giữa nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn là một hố thẳm khác biệt dù ông Trương Tấn Sang đã mở lời “đánh giá cao cộng đồng người Việt hải ngoại”. Cái khoảng cách ấy vẫn không khác gì khoảng cách sáu năm trước ngày người lãnh đạo Việt Nam đầu tiên Nguyễn Minh Triết qua gặp Tổng thống George W. Bush. Chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam năm 2013 làm tôi nhớ đến câu nói của ông Hồ Chí Minh khi gặp cộng đồng người Việt ở Pháp hơn 60 năm trước, trong hồi ký của linh mục Cao Văn Luận, xem cộng đồng người Việt nước ngoài và nước Việt Nam phải có hỗ trợ chặt chẽ, nước có mạnh thì cộng đồng người Việt nước ngoài mới mạnh và ngược lại, nghĩ thì đúng nhưng cộng sản luôn luôn làm sai. Sống trong cái không khí của ông Hồ Chí Minh năm 1946, đi ngược thời gian hơn nửa thế kỷ, ông Trương Tấn Sang đã mang bản sao lá thư của ông Hồ Chí Minh gởi T.T. Hoa Kỳ Harry Truman năm 1946 “mong hợp tác đầy đủ” và lịch sử đã tái diễn, chính quyền Obama năm 2013 đã không cam kết “hợp tác đầy đủ” để Việt Nam vào TPP. Ngày 25/7/2013 ở Tòa Bạch Ốc vì lịch sự ngoại giao T.T. Barack Obama đã nói rằng “ông Hồ Chí Minh có cảm hứng nhờ Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ cùng lời nói của T. T. Thomas Jefferson”. Đài truyển hình Fox đã gọi T. T. Obama là một người ngu dốt, thiếu hiểu biết lịch sử, không biết gì về con người nổi tiếng giết người trong cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam không khác gì các nhà độc tài khát máu Stalin ở Nga và Mao Trạch Đông ở Trung Hoa và T. T. Obama cũng quên rằng ông Hồ Chí Minh là đệ tử trung thành của chủ nghĩa Marxist Leninist.

Tội nghiệp T. T. Obama, chuyến đi thăm của ông Trương Tấn Sang qua Hoa Kỳ do tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam dàn xếp, đại sứ David Shear đã đón tiếp ông Trương Tấn Sang tại phi trường quân sự Andrew ở Hoa Thịnh Đốn, nghi lễ khác hẳn nghi lễ dành cho ông Sang khi ông qua thăm Trung Cộng gặp chủ tịch Tập Cận Bình ngày 19 tháng 6 năm 2013 và những người Việt trẻ tuổi thế hệ thứ hai trong ban tổ chức đã không biết rõ tất cả văn hóa, lịch sử Việt Nam để cố vấn ông Obama.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được hỏi về tư tưởng chính trị, ông luôn luôn xác nhận ông “không có tư tưởng gì cả ngoại trừ tư tưởng Mác Lê Nin và Mao”. Câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân Chủ, Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 1945: “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ có những quyền không ai có thể xâm phạm được, những quyền ấy, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là câu trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ do T. T. Thomas Jefferson là tác giả. Con người cộng sản Hồ Chí Minh vô thần lại dùng chữ tạo hóa trong tuyên ngôn Việt Nam Dân Chủ Cộng Sản, nó do bản tính của ông Hồ. Nếu ông Obama có học lịch sử Hồ Chí Minh như các sinh viên đại học Houston thì ông sẽ biết ông Hồ Chí Minh dùng 15 biệt hiệu khác nhau để tự đánh bóng cho chính mình. Những điểm văn hóa rất khác biệt với Hoa Kỳ như tự đánh bóng mình bằng những bài viết hay “đạo văn” đối với văn học Hoa Kỳ là điều cấm kỵ. Văn sĩ “đạo văn” là điều sỉ nhục, học trò “đạo văn” bị đánh rớt. Ông Hồ Chí Minh với những vần thơ con cóc trong tù bắt chước Mao Trạch Đông quen thói “đạo văn”, chợp những câu nói nổi tiếng thành những câu của mình không cần biết xuất sứ. Thế nên mới có câu của Jefferson và có lẽ ông cũng không biết là câu ấy của Jefferson. Thế nên, học sinh Việt Nam và đảng viên đảng CSVN vẫn phải học thuộc lòng những câu của người xưa, “vì lợi ích mười năm ta trồng cây, vì lợi ích trăm năm ta trồng người” của Quản Trọng và “lương y như từ mẫu” của người Trung Hoa trở thành tư tưởng và lời dạy của bác! (nếu là người Việt thì bác phải dạy “thầy thuốc là mẹ hiền”).

Chủ tịch Trương Tấn Sang qua T.T. Obama đã gửi lời “cám ơn sự chăm sóc hết sức chu đáo đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm qua”. Cả hai nhà lãnh đạo đều thiếu cố vấn, ông Trương Tấn Sang muốn lấy lòng Mỹ hay muốn đoàn kết với người Việt hải ngoại?

Năm nay 2013 là 40 năm kỷ niệm hiệp định Paris 1973, một hiệp định ký kết do nhà đạo diễn thời cuộc Henry Kissinger để Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam sau 40 năm hô hào ủng hộ tiền đồn chống cộng VNCH với tinh thần hào hiệp của T.T. John F. Kennedy “can thiệp bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào” vào các quốc gia bị ức hiếp. Hiệp định Paris đã cho phép miền Bắc để lại quân trong Nam, dẫn đến sự cáo chung của miền Nam và ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã xảy ra. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tìm tự do vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 hay sau đó trên biển cả, hàng triệu người bị mất tích, hàng triệu người thành nạn nhân cộng sản. Những người làm việc cho Hoa Kỳ và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở lại bị đày vào những trại tù được gọi là “trại học tập cải tạo” vì những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam như ông Hồ Chí Minh xem “nhà tù là trường học tốt”. Ông Trương Tấn Sang đã “chửi xéo” chủ nhà. Năm 1975, phái đoàn VNCH trong đó có đại sứ Trần Kim Phượng và ông Nguyễn Xuân Phong đến Quốc Hội Hoa Kỳ theo lịnh của T.T. Nguyễn Văn Thiệu xin viện trợ quân sự theo đúng như lời hứa của chính quyền Hoa Kỳ qua hiệp định Paris. Hoa Kỳ đã từ chối, một trong những người ngồi trong tiểu ban Quốc Hội ngày hôm ấy là TNS Joe Biden! Ngày Hoa Kỳ mở trại Guam đón người tị nạn cũng chính ông TNS Joe Biden ấy nay là Phó Tổng Thống của ông Obama đã có ý khinh miệt người Việt tị nạn “cho bọn chúng mỗi người $4,000 để về lại Việt Nam bọn ngu xuẩn không biết sẽ làm gì ở đất nước Hoa Kỳ!”. Ông Trương Tấn Sang đã “chửi xéo” chính đảng Cộng Sản của ông, đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam đã đuổi hàng triệu người Việt ra khỏi nước với “chiến tranh giải phóng”, danh từ mai mỉa nhơ nhuốc không rửa sạch trong lịch sử Việt Nam. Những người ấy không phải là công dân của ông và đảng cộng sản Việt Nam. Ông không có quyền cám ơn người Mỹ. Tổng Thống Obama đáng lẽ phải dạy cho ông Sang một bài học. Ông Sang phải thay mặt đảng CSVN xin lỗi và cám ơn những người Việt tị nạn sau năm 1975, chính những người Việt tị nạn đã nuôi sống thân nhân và những người Việt ở trong nước trong hơn hai mươi năm bi thảm của một nước Việt Nam cộng sản trong thời kỳ quá độ. Những người Việt này đã yêu quê hương, giúp Việt Nam không cần biết chính trị nhất là thời gian sau 1989 khi cộng sản Đông Âu sụp đổ, thời kỳ mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải thú nhận khó khăn, kiệt quệ vì Việt Nam dựa vào buôn bán với các nước cộng sản nay đã bị cô lập cấm vận.

T. T. Obama đáng lẽ trong dịp này phải cám ơn người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Trong mười, hai mươi năm đầu khi qua Mỹ, những người Việt tị nạn đã phấn đấu, tạo lập một cuộc đời mới không phải là ký sinh trùng như ông Joe Biden đã nghĩ. Trong những năm ấy người Việt tị nạn, bị chính quyền cộng sản ruồng đuổi, đã cám ơn chính phủ Hoa Kỳ giúp cho những cơ hội để làm lại cuộc đời. Nhưng những năm sau, chính quyền Hoa Kỳ phải cám ơn người Việt tị nạn, những người tị nạn thành công từ trong trường học ra đến trường đời, những người tị nạn đã đóng góp vào những ngành nghề, từ thương mại, y khoa, kỹ thuật đến quốc phòng v.v… Chúng tôi những người Việt thành công ở Hoa kỳ đã đóng thuế và nhiều người trẻ đã đóng góp vào qũy tổng thống cho ứng cử viên Obama.

Năm 2005, khi Việt Nam được xem là cởi mở, tôi được tiếp xúc với những nhà báo ở Việt Nam qua Hoa Kỳ du học, một người đã hỏi tôi: “tại sao cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thành công anh ạ?” Tôi trả lời, theo ý tôi, “người Việt đã thành công vì đất nước tự do này cho chúng tôi những cơ hội không có ở Việt Nam”. Nhà báo ấy sau thú nhận với tôi là “nhà nước không cho viết về những thành công của cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ anh ạ”. Cũng chính ông Trương Tấn Sang nằm trong ban lãnh đạo ấy nay lại ngỏ lời cám ơn Tổng Thống Obama!

Đúng ra ông Sang phải cám ơn Hoa Kỳ đã chăm sóc các du sinh Việt Nam. Từ ngày Hoa Kỳ mở rộng bang giao với Việt Nam số du sinh ở Hoa Kỳ và số người đoàn tụ gia đình gia tăng. Nhiều người hiểu lầm cho rằng đây là chính sách của chính quyền cộng sản và cho họ công lớn. Sự thật là chính sách của Hoa Kỳ, năm 2007 khi ông Michael Michalak còn là Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, gặp gỡ báo Ngày Nay ở Houston đã cho biết “chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ là tăng số du sinh Việt Nam để trong tương lai sẽ có một nhà lãnh đạo Việt Nam được huấn luyện ở các trường đại học Hoa Kỳ”. Việt Nam đã phải dễ giãi trong vấn đề di dân, người Việt hiểu lầm Hoa Kỳ khó, chính quyền Việt Nam đã chấp thuận cho đi nhưng phải đợi Hoa Kỳ cho phép. Sự thật là các nước đã vào LHQ phải tôn trọng các quyền tự do của con người trong đó có quyền tự do cư trú, trên nguyên tắc muốn sống ở nước nào thì chính quyền địa phương phải cho phép chỉ chờ sự ưng thuận của chính quyền nước xin cư trú.

Hơn hai ngàn người Việt đã biểu tình trước Tòa Bạch Ốc để đòi nhân quyền. Từ thời chính quyền Clinton qua đến Bush, Hoa Kỳ vẫn chủ trương tự do mậu dịch đi đôi với nhân quyền. Việt Nam may mắn thoát khỏi danh sách CPC nhưng báo chí Hoa Kỳ đều ghi nhận: chính quyền Cộng Sản Việt Nam đàn áp “khủng khiếp”, càng ngày càng dã man đối với những thành phần đối lập chính trị”. Trong khi ông Sang qua Mỹ, ở Việt Nam người viết Blog, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tuyệt thực từ ngày 22 tháng 6 năm 2013 và còn hơn 150 tù chính trị vẫn bị giam. Việt Nam ký hiệp định nhân quyền nhưng bắt chước đàn anh Trung Cộng, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Houston năm 2008, nói với ông Bush “Việt Nam chỉ bắt những người vi phạm pháp luật” thì chính quyền cộng sản đã dùng đòn phép ấy để buộc tội Điếu Cày tội trốn thuế như Trung Cộng bắt nghệ sĩ chống đối Ngãi Vị Vị . Hoa Kỳ có bổn phận phải theo dõi nhân quyền ở Trung Cộng, Việt Nam và các nước, trái với sự tuyên truyền của cộng sản, Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ, vì điều luật HR19 vạch rõ, các nước ký kết phải có trách nhiệm thực hành và theo dõi tiến triển.

Trong đám người biểu tình có cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh, ông tuyên bố chính quyền CS Việt Nam là chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất ở vùng Đông Nam Á. Điều tuyên bố này khác hẳn hồi hơn hai năm trước khi đến Hà Nội được ông thứ trưởng ngoại giao quàng vai, ông Ánh đã tuyên bố “chính quyền Hà Nội tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo, chỉ có chính quyền địa phương làm sai luật”. Hết làm dân biểu ông Ánh đã học được bài học khác với đương kim nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng vẫn còn chìm đắm trong “biển mê”.

Cũng người ôm vai cười hỉ hả với ông Ánh, ngày đi qua Mỹ với ông Sang, thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn không còn cười được, lên tiếng phỉ báng những người có ý kiến khác với chính quyền cộng sản Việt Nam “Vì hận thù cuối cùng…” “muốn có thêm thu nhập …” “ngăn cản con đường hội nhập, những người bạn Mỹ trong quá trình phát triển Mỹ - Việt.” Thứ trưởng đặc trách Việt Kiều Nguyễn Thanh Sơn qua Mỹ nhiều lần muốn hòa hợp hòa giải, nay với những lời tuyên bố ngu xuẩn cần phải bị khiển trách hoặc cách chức. Người Việt ở Mỹ đã hội nhập thành công trong mấy mươi năm, chỉ có con đường hội nhập của các ông Việt Cộng vẫn còn bị cản trở, vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội đã ngăn cản tiến trình phát triển Mỹ-Việt. Ông Sơn gọi “những người bạn Mỹ” nhưng chúng tôi tiếp xúc với một người liên hệ trong chuyến đi trong bộ quốc phòng thì họ vẫn xác định “Việt Nam chưa phải là bạn, chưa phải là đồng minh”. Tôi không dám tin vào người bạn Mỹ như những người Mỹ đã ký vào hiệp định Paris nhưng lời nói trên có phần nào đúng sự thật.

Hàng chục năm qua, người Việt đã giúp thân nhân và đồng bào trong nước, họ luôn luôn có ý thức phân biệt giữa dân và chính quyền, dân và đảng. Sau khi Hoa Kỳ chính thức bang giao với Việt Nam năm 1995, nhiều người Việt làm trong các cơ quan ngoại giao, IMF, quân đội v.v… đã giúp Việt Nam. Những năm gần đây, tranh chấp biển Đông giữa Trung Cộng và Việt Nam đã gây ra một vần đề nan giải. Quân đội Việt Nam phải mạnh để chống Trung Cộng nhưng giúp chính quyền và quân đội phục vụ cho đảng thì sự giúp đỡ ấy đi ngược với quyền lợi của dân nhất là chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam đã đi đúng theo mô hình Trung Quốc, một mô hình tai hại nhất trong lịch sử nhân loại.

Thế giới trong hai thế kỷ vừa qua đã chứng kiến sự sụp đổ của các đế quốc từ đế quốc Anh đến đế quốc Nhật. Các đế quốc ấy dựa trên chính sách kinh tế mạnh, quân đội mạnh. Trung Cộng ngày nay áp dụng đúng một chính sách: bành trướng đất, xây các hải cảng ở vùng Đông Nam Á theo chính sách “vòng chuỗi ngọc”, dùng xe hỏa đem tài nguyên vơ vét từ các nước lân cận, chuyển dân đến các nước để giải tỏa nạn nhân mãn v.v… Chính sách của chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bóc lột, vơ vét tài nguyên thiên nhiên ở các nước thứ ba, Phi Châu, Trung Á, và Tây Tạng, xây hải cảng ở Pakistan, Miến Điện, Tích Lan, vơ vét hầm mỏ ở A Phú Hãn. Chính quyền TC đem chính nhân công, dụng cụ, nhân viên an ninh đến các nước ấy mà không mướn những người bản xứ, không huấn luyện nhân công, không mua sản phẩm, thực phẩm địa phương, không đóng thuế. Họ mua đất và đưa hàng triệu di dân Trung Hoa qua ở. Chính sách thực dân mới của Trung Cộng khác với chính sách “Đế Quốc Mỹ” mà Việt Nam thường phản đối. Trung Cộng cộng tác với các chính quyền độc tài tại các nước thứ ba, không yêu cầu tôn trọng nhân quyền, tài trợ các chính quyền tham nhũng vô điều kiện và lợi dụng sơ hở của chính sách chống khủng bố của Hoa Kỳ xem đối lập là khủng bố để tiêu diệt họ. Bản chất của mô hình Trung Quốc đã ảnh hưởng đến người dân. Gần đây với chiếc du thuyền đầu tiên của Trung Quốc, người dân Việt Nam ở Vịnh Hạ Long và Đà Nẵng đã có dịp so sánh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: Du khách Trung Quốc bần tiện, đem theo đồ ăn thức uống, không đổi tiền, không xài tiền, du khách cũng như chính quyền Trung Cộng không đem đến lợi ích gì cho các quốc gia láng giềng.

Nền kinh tế Trung Hoa đã qua mặt Nhật Bản, với tư bản Nhật con người đã hưởng được những phát minh và những tiến bộ khoa học, với mô hình Trung Quốc thế giới chỉ thấy chữ “Ăn”: Ăn gian nói dối, Ăn cắp phát minh, Ăn trộm tài sản trí thức, Ăn hiếp dân, Ăn giựt, Ăn chặn, con ông cháu cha Ăn trên ngồi trước.

Cựu Tổng Thống Tiệp Veclav Havel đã nói: “cộng sản là con đường vòng dài nhất dẫn đến tư bản”. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đi con đường vòng trong mấy chục năm, đến khi thấy ánh sáng văn minh bỗng thấy mình lỗi lạc như những lời tuyên bố của thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, không khác gì năm 1975 đảng tự cho là “đỉnh cao trí tuệ loài người”!

Đi vòng qua mô hình “Ăn” của Trung Quốc, chừng nào đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bước về “Ăn năn” với dân tộc!

Việt Nguyên
7/8/2013
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Trăm năm nhìn lại, 1914-2014
Liệu lịch sử tái diễn?


Tôi đến Los Angeles nhân dịp kỷ niệm 35 năm báo Người Việt, tình cờ gần ngày kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa năm 1974 với 74 anh hùng tử sĩ VNCH chết vì tổ quốc và tự do, trên cùng chuyến bay với nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà thơ nổi tiếng với bài “Trường Sa Hành” năm 74, với 4 câu đầu:

“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”

Những câu thơ đã được tôi nhắc đến trong bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa bảy năm về trước. Bốn mươi năm sau ngày Hoàng Sa thất thủ những người trẻ lớn lên sau 75 lại một lần chếnh choáng về Hoàng Sa, Trường Sa, về những người lính miền Nam VNCH yêu nước yêu tự do, đã yêu và thuộc lòng bài thơ Tô Thùy Yên. Bài thơ như bài ca dao về Trường Sa cho những người trẻ Việt nhớ về một thời những người hùng thất thế:

“Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya”.

Bốn mươi năm kỷ niệm ngày Hoàng Sa thất thủ, đất nước chuyển động, những cuộc biểu tình với hình Việt Dzũng đòi quyền làm người đánh dấu ngày Việt Nam vào ủy ban quốc tế nhân quyền Liên Hiệp Quốc và những người đảng viên cộng sản từ bỏ Đảng như Lê Hiếu Đằng gây sôi động mặc dù muộn màng. Các cựu sinh viên tranh đấu thời thập niên 1960 như Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm có trách nhiệm về cuộc cộng sản hóa miền Nam VN, đấu tranh giả dạng dưới vai trò đảng viên cộng sản, họ đã hối hận như giới trí thức trẻ Tiệp Khắc thập niên 1960. Nhà văn Ivan Klíma trong nhóm của cựu Tổng Thống Tiệp Vaclav Havel, sống trong thời hậu cộng sản Tiệp đã viết cuốn “Thế kỷ điên cuồng của tôi” (My Crazy Century) để nhắc những người trẻ Tiệp sống trong những năm hậu cộng sản đã không hiểu được những năm tháng của xã hội độc tài cộng sản Âu Châu bị cai trị bởi cộng sản Sô Viết sau khi Cách Mạng mùa Xuân Prague năm 1968 thất bại. Những người trí thức trẻ như Ivan Klíma đã sống ngộp thở trong hơn hai thập niên cộng sản, họ bị cấm viết theo ý của họ, bị kiểm duyệt rồi bước qua thời kỳ tự kiểm duyệt dưới sự kiểm soát văn hóa của đảng cộng sản. Sống dưới chế độ Sô Viết trên hai thập niên họ đã so sánh chế độ Phát Xít Đức với cộng sản Sô Viết và lịch sử cộng sản Sô Viết cũng giống như cộng sản Việt Nam và Trung Cộng: Lịch sử của sát nhân và mồ chôn tập thể (như Mậu Thân Huế 1968) lịch sử với những nạn đói, diệt chủng, khủng bố với cảnh sát chìm, mật vụ, tuyên truyền giả dối, khai thác lợi dụng sự ngu dốt và nhiệt tình của người dân và giới thanh niên. Ivan Klíma tỉnh ngộ qua “một thế kỷ điên cuồng” sớm hơn các đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn còn mê muội trong cảnh Việt Nam sắp bị Trung Cộng đô hộ như Sô Viết đô hộ Đông Âu trong hơn hai thập niên.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry qua VN và Á Châu vào tháng 12 năm 2013 trong bối cảnh mới, nhờ ông người Việt có thêm cơ hội đấu tranh nhân quyền và có những tiếng nói yêu nước như kỷ niệm ngày Hoàng Sa thất thủ nhưng ông Kerry đến Việt Nam và các nước Á Châu với sự đe dọa của Trung Cộng còn mang theo một mối lo của người Mỹ: 100 năm sau thế chiến thứ nhất, thế giới có vẻ như trở lại 100 năm trước với lịch sử có nhiều điểm tương đồng.

Thế chiến thứ nhất, được gọi là trận đại chiến, xảy ra ngày 28 tháng 7 năm 1914 kéo dài đến ngày 11 tháng 11 năm 1918, gây thiệt hại nặng đến 20 triệu người chết. Cuộc chiến lôi kéo tất cả cường quốc kinh tế với hai phe, Đồng Minh gồm Anh, Pháp và Nga đối với lực lượng trung ương gồm Đức, Áo và Hung Gia Lợi sau đó Nhật và Hoa Kỳ vào phe Đồng Minh còn Bảo Gia Lợi và đế quốc Ottoman (tiền thân Thổ Nhĩ Kỳ) gia nhập phe lực lượng trung ương. Thế chiến xảy ra bất ngờ không ai đoán trước. Một năm trước đó, năm 1913 là năm thịnh vượng, thế giới đầy năng động về mọi mặt, từ kinh tế cho đến văn học nghệ thuật, từ Marcel Proust với đại tác phẩm “À la recherche du temps perdu” (đi tìm thời gian đã mất) cho đến nghệ thuật vĩ cầm của Stravinsky. Thế giới văn minh tiếp diễn với những tiến bộ khoa học từ thế kỷ thứ 19. Bổng nhiên ngày 28 tháng 6 năm 1914 tiếng súng ám sát quận công Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo đã gây ra sửng sốt cho toàn thế giới và cơn khủng hoảng chính trị đã xảy ra, các nhà lãnh đạo chính trị không giữ được bình tĩnh và sáng suốt. Áo và Hung Gia Lợi đưa tối hậu thơ đến chính quyền Serbia. Ngày 28 tháng 7 năm 1914, liên quân Áo- Hung bắn phát súng đầu tiên, đưa quân xâm chiến Serbia. Đức điều quân qua Nga (mặt trận miền Đông) và Pháp (mặt trận miền Tây). Cả Âu Châu lâm vào trận chiến năm 1914, một trận đại chiến, dưới cái nhìn của các sử gia, là cuộc chiến ngu ngốc, không cần thiết.

Tác giả Christopher Clark đã nhìn lại trận thế chiến thứ nhất xuất phát từ vùng Balkan trước thuộc đế quốc thổ Ottoman. Từ năm 1912 đến năm 1913, Hy lạp, Bảo Gia Lợi và Serbia tách rời ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Serbia là quốc gia có lợi nhất về phần lãnh thổ dành được từ Thổ. Tinh thần quốc gia Serbia lên cao nhất là từ sau năm 1908, khi đế quốc Áo sát nhập Bosnia vào đế quốc Áo Habsburg đã khiến những người quốc gia yêu nước Serbia nổi điên lên, họ cảm thấy Âu Châu nhất là Nga đã phản bội quê hương họ. Vùng Balkan đầu thế kỷ thứ 20 cũng giống như vùng Balkan cuối thế kỷ 20 vừa qua. Năm 1912 đến 1913, Serbia đem quân xâm chiếm Albania một nước được đế quốc Áo bảo đảm trung lập, giết hơn 300 người Hồi giáo với những mồ chôn tập thể, hàng ngàn vụ tương tự xảy ra sau đó trước khi Serb rút quân về sau hiệp định hòa bình.

Để đánh dấu kỷ niệm sinh nhật năm thứ 525 ngày Serbia bị đánh bại ở Kosovo, quận công Ferdinand và vợ đi thăm Bosnia, ông vui vì được đi xa thành Vienne, không bị căng thẳng vì chính trị. Được đón tiếp long trọng ở Bosnia, quận công Ferdinand đã có một viễn kiến Liên Hiệp Âu Châu, di chuyển quyền lực ra khỏi Đức và nước Nga kinh tế hùng mạnh. Đến Sarajevo, Quận công Franz Fernidand bị ám sát. Câu chuyện ám sát này ly kỳ hơn chuyện ám sát TT John F. Kennedy năm 1963. Quận công Ferdinand là người lãnh đạo Áo đi tìm một giải pháp hòa bình cho vùng Balkan. Ông là người lập gia đình hạnh phúc với bà Sophia. Giống như TT. John F. Kennedy ở Dallas, Quận công Ferdinand và bà Sophia ngồi trên xe bỏ mui trần đi trên đường phố Sarajevo. Ngày 28/6/1914 là ngày kỷ niệm độc lập Kosovo, cuộc viếng thăm của Quận công làm bừng cháy tinh thần quốc gia của người Serb. Bảy người trẻ tuổi âm mưu chờ đợi quận công đến Sarajevo để giết. Quận Công ngồi xe mui trần là một mục tiêu dễ dàng cho họ. Âm mưu có tổ chức của bảy thanh niên giống như âm mưu của quân Hồi giáo Al Qaeda thế kỷ thứ 20 nhưng họ thiếu bản lãnh. Hung thủ thứ nhất sắp ra tay bỗng nhiên sợ, đứng liệt người không nhúc nhích. Thủ phạm thứ hai ra tay ném bom nhưng không trúng đích bị bắt. Quận công Ferdinand thản nhiên tiếp tục ngồi xe đi đến tòa thị chính để đọc diễn văn sau khi ông săn sóc người bị thương. Các hung thủ còn lại định ra tay nhưng nhìn thấy bà Sophia bỗng nhiên chùn tay không muốn giết đàn bà. Quận công Ferdinand có thể hủy bỏ cuộc viếng thăm nhưng lại nhất định tiếp tục thăm viếng các binh sĩ bị thương ở bệnh viện. Chiếc xe tiếp tục lộ trình khác với lộ trình đầu tiên, đến đường Franz Joseph, thủ phạm thứ bảy, chàng Gravrilo Princip nhảy ra bắn chết cả hai ông bà Ferdinand.

Nguyên nhân nào gây ra thế chiến thứ nhất ngoài sự hốt hoảng của các nhà lãnh đạo đến nay vẫn còn được bàn cãi. Đối với ông Christopher Clark, trận đại chiến có nhiều nguyên nhân lớn: nguyên nhân thứ nhất là do kết quả của sự khủng hoảng chủ nghĩa đế quốc (cái nhìn của Lê Nin) nguyên nhân thứ hai là sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia quá khích phát sinh sau sự phát triển kinh tế kèm theo tinh thần bảo thủ cuối thế kỷ thứ 19 cộng thêm kết quả của 40 năm chạy đua vũ trang, hệ thống đồng minh cộng tác giữa phe tả và phe hữu cũng như là chính trị phe tả và phe hữu ở các nước tư bản kỹ nghệ.

Sử gia Paul Schroeder,chuyên về lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ năm mươi năm trước cho rằng trận đại chiến xảy ra ngoài sự kiểm soát của tất cả các nhà lãnh đạo đương thời, trước khi chiến tranh xảy ra họ đã đổ tội cho nhau về tình hình thế giới và xuyên tạc tất cả các bằng chứng lịch sử.

Điều 231 của Hiệp định Versaille đổ tội cho chế độ quân phiệt Đức và chính các nhà lãnh đạo dân sự Đức đã xây dựng nước Đức trở thành đại cường quốc về quân sự còn nhà sử học Nial Ferguson đổ tội cho Ngoại trưởng Edward Gray kéo toàn bộ nội các Anh và khích động cả nước Anh đi vào đường chiến tranh, một chiến tranh bắt đầu cho ngày tàn của đế quốc Anh. Ngoại trưởng Gray đã thuyết phục nội các Anh ngày 8 tháng 4 năm 1914 tránh gặp gỡ Đức ở Bỉ. Thế giới vào năm 1913 trước năm xảy ra thế chiến là thế giới ở vào thời kỳ hòa giải với những hiệp định hoà bình được ký kết giữa các nước (giống y như cuối năm 2013, đầu năm 2014 một trăm năm sau với Hoa Ky là trung tâm). Năm 1879 Hiệp ước hoà bình giữa Đức và Áo. Năm 1894, Hiệp ước ký kết thiết lập trục Đồng Minh Pháp – Nga. Năm 1904, Hiệp Ước đồng minh Anh và Pháp. Năm 1907 là năm hòa đàm giữa Nga và Anh. Trước năm 1914, hội nghị tấp nập giữa các nước. Chiến tranh Nga - Nhật năm 1904 đến 1905 với sự thắng trận của Nhật đã làm Nga bỏ chính sách thực dân ở Á Châu và xoay tham vọng về miền Balkan. Chính sự chuyển hướng của Nga đã làm cả Âu Châu tập trung về Balkan và chú ý đến sự bất ổn của các nước quanh Âu Châu trước thế chiến thứ nhất.

Một trăm năm sau thế chiến thứ nhất, thế giới lại đi vào tình trạng chủ nghĩa quốc gia quá khích từ Trung Đông cho đến vùng Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Trung Cộng đóng vai chính thay thế cho Anh và Đức trên bản đồ thế giới.

Cách mạng “mùa Xuân Á Rập” không mang đến những thay đổi dân chủ như Âu Châu và Hoa Kỳ mong muốn, cuộc cách mạng ấy đã không giống cách mạng ở Đông Âu năm 1989 đưa đến sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Sô Viết. Kết qủa của cuộc cách mạng “Mùa Xuân Á Rập” là sự bùng phát phong trào quốc gia quá khích. Các quốc gia Trung Đông thiếu một ý thức hệ mới để thay thế cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cuối cùng là các quốc gia trong vùng tập trung năng lực vào những tranh chấp và chiến tranh giữa các nhóm tôn giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các nhóm sắc tộc. Chủ nghĩa quốc gia quá khích xảy ra ngoài ý muốn của Tây Phương đưa đến sự phân biệt sắc tộc cùng các nhóm võ trang. Ở Syria, TT Assad tưởng bị lật đổ dễ dàng như trường hợp Sadam Hussein ở Iraq nhưng cách mạng Syria từ tháng 3 năm 2011 đã trở thành cuộc nội chiến với TT Assad vẫn cầm quyền. Nếu có một cuộc bầu cử dân chủ Tây Phương xảy ra trong năm nay TT Assad sẽ có nhiều cơ hội thắng cử với đa số phiếu. Cách mạng võ trang của Chechchen bắt đầu từ 1994 đến 1996 đòi quyền độc lập với Nga nay lu mờ bị Tây phương xem là phong trào quốc gia cực đoan giống như vùng Balkan 20 năm vừa qua. Các nơi khác ở Trung Đông sau cuộc cách mạng cho thấy những thất bại của Tây phương. Lybia hậu Qadaffi rối loạn, Barhain với chính quyền độc tài và chính quyền ở Baghdad là một chính quyền tham nhũng và vô trật tự hơn thời Saddam Hussein.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam tháng 12 năm 2013 lo ngại về chủ nghĩa quốc gia và tinh thần quốc gia quá khích ở Đông Nam Á hơn là chủ nghĩa quốc gia ở vùng Trung Đông. Chủ nghĩa quốc gia ở vùng Đông Nam Á bị khơi dậy do chính quyền Trung Cộng. Trung Cộng tạo ra phong trào quốc gia chống Nhật, khơi lại tội ác và mối thù với người Nhật trong thời thế chiến thứ hai khi Nhật chiếm Trung Hoa mà không nhắc lại những tội ác của Đảng CSTQ để lái người dân Trung Hoa về một kẻ thù chung để cai trị. Chính sách của TC gây hấn với các nước láng giềng tạo ra các phong trào quốc gia, Trung Hoa chống Nhật, Trung Hoa chống Đài Loan, Trung Hoa chống Phi Luật Tân, Trung Hoa chống Việt Nam. Vùng biển quanh đảo Hải Nam trở thành vùng tranh chấp dầu hỏa và khoáng sản dưới biển là nguyên nhân chính, khéo che dấu qua chiêu bài tranh dành lãnh thổ có từ lâu giữa Đài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Indonesia và Trung Cộng.

Năm 2013 là năm Trung Cộng theo đuổi tham vọng lãnh thổ ở biển Đông. Tháng 1 năm 2013, Phi Luật Tân chính thức phản đối Trung Cộng dựa trên luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS, chính quyền Manilla gọi vùng biển Tây Phi Luật Tân là của người Phi nhưng tình trạng nặng nhất xảy ra khi cuối tháng 11 năm 2013, tranh dành đảo Điếu Khâu với Nhật, Trung Cộng loan báo vùng phòng không ADIZ cấm các phi cơ bay qua không phận mà không báo trước cho chính quyền TC để khiêu khích Tokyo, Hán Thành và Hoa Thịnh Đốn. Phó TT Joe Biden trả lời ngay, Hoa Kỳ sẽ không tuân lệnh của Bắc Kinh, các phi cơ Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn bay qua vùng ADIZ không cần xin phép như thường lệ mà TC chỉ đứng nhìn. Hoa Kỳ và Trung Cộng thử thách giống như Hoa Kỳ và Sô Viết trong thời chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng từ đầu với chiến thuật phòng thủ trên trời dưới biển với căn cứ mới ở Saipan nam Thái Bình Dương, hàng không mẫu hạm với phản lực cơ bay ngang qua đảo Guam và căn cứ không quân ở tây Thái Bình Dương cùng hàng không mẫu hạm thường xuyên đi tuần từ Úc và Ấn Độ. Chính sách cô lập bằng các căn cứ quân sự này gia tăng từ ngày TC dành biển Đông.

Nhà báo NY Times Margaret Mc Millan gọi tình hình biển Đông hiện nay là “Chủ nghĩa quốc gia quá khích độc hại”. Tình hình từ 2013 qua 2014 giống như một trăm năm trước. Năm 2013 đời sống con người khả quan hơn với những tiến bộ lớn về khoa học, nhất là kỹ thuật điện tử và truyền thông mạng lưới, tuổi thọ con người tăng nhờ tiến bộ y học, kinh tế hồi phục sau cơn khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường chứng khoán tăng cao nhất trong năm 2013. Hoa Kỳ phải đối đầu nhiều mặt trong khi Trung Cộng trên đà trở thành cường quốc kinh tế với nền kinh tế đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Trung Cộng gửi phi thuyền lên mặt trăng, thi đua vũ trang, thử các loại hỏa tiễn tầm xa, đóng hàng không mẫu hạm để dành độc quyền Thái Bình Dương. Trung Cộng đang xem Hoa Kỳ như đế quốc Anh đang trên đường đi xuống một trăm năm trước.

Giáo sư khoa học chính trị đại học Chicago, ông John Mearsheimer nhận định: “Trung Hoa không thể đi lên một cách hòa bình, chiến tranh không thể tránh”, khác với các nhà phân tích khác nhìn lại thế chiến thứ nhất như một cuộc chiến có thể tránh. Chiến tranh đã xảy ra vì Đức đã sợ quyền lực Nga trong khi Anh sợ sức mạnh quân sự của Đức. Một trăm năm sau, tình hình Hoa Kỳ và Trung Cộng có điểm khác, cả thế giới đều sợ thảm họa nguyên tử. Thập niên 1960 Hoa Kỳ và Sô Viết đụng độ trong cơn khủng hoảng hoả tiễn liên lục địa ở Cuba nhưng cuối cùng Sô Viết đã phải nhượng bộ. Về phương diện ý thức hệ, chủ nghĩa quốc gia quá khích đang bùng lên mạnh ở Trung Hoa, Trung Cộng muốn có vai trò lớn, làm chủ vùng Đông Á nhưng Hoa Kỳ có nhiều đồng minh trong vùng, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật có tiềm năng quân sự nhất là về hải quân hơn hẳn Trung Cộng cũng như hệ thống phòng không của Đài Loan hơn Trung Cộng xa. Tập Cận Bình vào tháng 3 năm 2013 cổ động một “giấc mơ Trung Hoa” sau khi bộ phận 61398 của quân đội nhân dân giải phóng phá mạng lưới điện tử của chính quyền Hoa Kỳ, nhưng “giấc mơ Trung Hoa” của họ Tập vẫn chỉ là giấc mơ vì hiện nay Hoa Kỳ trên chân TC hơn nhiều thập niên về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương để kiểm soát TC trong vùng. Thế chiến thứ 3 nếu có xảy ra như Notradamus tiên đoán xuất phát từ vùng Thái Bình Dương chỉ đem phần bất lợi về cho Trung Cộng.

Chủ nghĩa quốc gia cực đoan ở Trung Hoa bùng phát cùng lúc với sự phục hồi Khổng giáo. Đảng CSTQ gọi xã hội cộng sản là “Xã hội hài hòa”. Xã hội hài hoà thay cho hai chữ Cộng sản nhưng Khổng Tử của cộng sản là Khổng Tử chọn lựa với hai chữ Trung Hiếu được đưa lên hàng đầu để khuyến khích dân Trung Hoa nhắm mắt phục tùng đảng và tinh thần của người Hoa vẫn là tinh thần của nước Trung Hoa từ nghìn xưa tự xem mình là người “Trung Quốc”, nước Trung Hoa ở giữa với chư hầu chung quanh, Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ giống như tinh thần của con người thời Trung Cổ xem trái đất là cái rốn của vũ trụ cho đến khi Corpenicus thế kỷ thứ 16 chứng minh trái đất quay chung quanh mặt trời và con người chỉ là một sinh vật rất bé nhỏ trong vũ trụ!

Việt Nguyên
19/1/2014
(Kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa)
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Thần thánh hóa: Tôn giáo của Đảng Cộng Sản

Đầu năm Giáp Ngọ đồng chí Đặng xương Hùng, vụ phó bộ ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại Genève từ 2008 đến 2012, đã biếu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn phú Trọng một món quà Tết đáng nhớ: “Tấm thẻ đảng”. Ông Hùng đã viết thơ tuyên bố ra khỏi đảng và nộp đơn xin tị nạn ở Thụy Sĩ. Tấm thẻ đảng đã được ông Hùng giữ trong 27 năm sau thời gian tranh thủ từ đoàn lên đến đảng với bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của dân Việt Nam giờ đây như món nợ. Tấm thẻ đảng nhuốm màu máu của dân Việt từ năm 1954 với hai câu thơ của Trần Dần:

“Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà,
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Tấm thẻ đảng đậm thêm màu máu đỏ sau ngày 30 tháng tư năm 1975 đã đổi từ từ thành màu xanh Dollar, sau khi đảng cộng sản Sô Viết và Đông Âu sụp đổ và Hà Nội bang giao với Hoa Kỳ. Tấm thẻ đảng đang là vinh quang cho những cán bộ trung kiên bây giờ trở thành mối nhục cho hơn 3 triệu đảng viên. Tấm thẻ đảng tượng trưng cho hy sinh trong những năm chống Pháp giờ trở thành tấm thẻ tiến thân của giai cấp bóc lột. Hơn hàng chục ngàn đảng viên đã bỏ đảng, mỗi người có một lý do riêng. Hành động của đảng viên trung kiên Đặng xương Hùng một người còn trẻ 53 tuổi sống hoàn toàn dưới chế độ cộng sản khác hẳn với ông Lê hiếu Đằng người bỏ đảng vì những hối hận muộn màng. Ông Hùng, theo lời của ông khi trả lời phỏng vấn, đã bỏ đảng vì niềm tin đã bị đánh cắp. Ông vỡ mộng với thần tượng Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn nhắc đến ông Võ nguyên Giáp như một người đòi cải tiến nhưng thất bại, ngày đám tang ông Giáp gần ngày đảng cộng sản Việt Nam cương quyết giữ điều bốn hiến pháp. Sống trong xã hội cộng sản và là đảng viên trung kiên ông Hùng vẫn chưa thoát đuợc huyền thoại thiên tài quân sự Võ nguyên Giáp.

Từ sau trận Điện Biên Phủ, Tướng Giáp được đảng CSVN đề cao xem như một Napoléon của Việt Nam. Giống như Napoléon, thiên tài Võ nguyên Giáp do kết quả của sự tuyên truyền của đảng CSVN. Đại Đế Napoléon, nhà quân sự và chính trị lỗi lạc cai trị nước Pháp trong 10 năm, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 1799. Những cuộc chiến tranh của Napoléon đã giúp Pháp giữ ảnh hưởng ở Âu Châu. Được gọi là thiên tài cho đến khi thua trận ở Nga năm 1812 và cuối cùng trận Waterloo đã chôn vùi tên tuổi ông năm 1815. Sáu năm lưu đày ở đảo St Helena đã khiến những người tôn thờ ông không còn gọi ông là thiên tài. Napoléon là con đẻ của cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Những người ái mộ Napoléon đã đề cao những cá tính của ông: một người có viễn kiến, có ý chí, biết tập trung mạnh mẽ vào mục đích đi tới, con người có nhiều năng lực, có khả năng làm việc ngày đêm, khéo léo biết thương thuyết. Trong lúc vinh quang tột đỉnh người ca tụng Napoléon còn cho thấy ông ngoài tài chính trị và quân sự còn có tài vế toán và khoa học, khả năng toán đã chứng tỏ khi ông bàn luận với các nhà toán học Pháp ở Ai Cập, ông là người chuộng khoa học và mê nền văn minh Ai Cập, nhờ Napoléon mà Pháp giàu có về nền văn minh Trung Đông và Ai Cập. Thiên tài nào cũng có hai mặt, ngay khi Napoléon còn sống, tướng Jean Baptist Kipler đã gọi thiên tài Napoléon chỉ là huyền thoại do cuộc cách mạng Pháp tạo ra. Thiên tài Napoléon cũng như các thiên tài khác phải có thời, ngay cả người được gọi là thiên tài như nhà toán học Newton ngồi dưới gốc cây nhìn trái táo rụng nghĩ ra định luật trọng lượng của trái đất cũng là người biết tự quảng cáo, các thiên tài văn học và khoa học gia khác vào thế kỷ 18 như văn hào Jean Jacques Rousseau, khoa học gia Benjamin Franklin hay văn hào Voltaire là những người biết cách tự đề cao tài năng của mình. Napoléon biết dùng hình ảnh vinh quang, biết dùng quyền lực để phục vụ nhu cầu chính trị. Con người được xem là siêu nhân đến khi bị đày ở St Helena thì cả thế giới chỉ nhớ đến bộ mặt thứ hai quỷ quái, phá hoại nước Pháp, con người có bản chất thông minh sáng tạo không biết dùng khả năng ấy vào việc tốt.

Trường hợp tướng Giáp có nhiều điểm tương đồng với Napoléon. Ông được xem là thiên tài quân sự, thiên tài là tài trời cho không cần học, không vào học một trường quân sự nào nhưng ông điều quân đánh trận Điện Biên Phủ, có khả năng học vấn không giỏi toán như Napoléon nhưng giỏi Sử là thầy dạy Sử trường Thăng Long Hà Nội. Con người hùng ấy năm Mậu Thân 1968 bất đồng với bí thư Lê Duẩn, không đồng ý với cuộc Tổng công kích, đã không còn được xem là thiên tài. Sau 30 tháng 4 năm 1975, Tướng Văn tiến Dũng đi lên, Tướng Võ nguyên Giáp đi xuống cấp kế hoạch hóa gia đình, đến khi ngã bệnh mười năm đảng bỏ quên thiên tài Võ nguyên Giáp trên gường bệnh. Những tài liệu mới đây đã cho thấy trong trận Điện Biên Phủ từ tướng cho tới quân và khí cụ vận chuyển đến Điện Biên Phủ do Trung Cộng điều khiển. Từ thiên tài đến quỷ quái, mọi sự đi từ chính sách tuyên truyền của đảng cộng sản.

Sau Napoléon đến nhà độc tài Đức Quốc Xã Aldolf Hitler, ông ta tự cho mình là thiên tài, vào hàng ngũ những người được xem là thiên tài trong lịch sử như thiên tài âm nhạc Mozart, thiên tài kiến trúc mỹ thuật Michael Angelo hay thiên tài quân sự Đại đế Frederick . Hình ảnh Hitler đầy trên những bảng trên đường trên phố và trong phim ảnh. Đến khi Đức Quốc Xã đại bại Hitler hiện nguyên hình là con quỷ phá hoại nhân loại.

Danh từ thiên tài có từ thời văn minh Hy Lạp. Thiên tài là tài của trời cho, tài bẩm sinh, thiên bẩm, sinh ra đã có không cần học hỏi. Tiếng Hy Lạp “Daimon” qua đến thời La Mã thành “Genius”. Con người ai cũng có tính bẩm sinh, không có tính “genius” nào giống nhau. Nguyễn công Trứ gọi “Thông minh vốn sẳn tính trời”. Người Hán 500 năm trước công nguyên gọi những người khác hơn người thường là Thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử. Triết gia cùng thời ở Hy Lạp như Socrate được gọi là thiên tài, Daimon. Về sau trong văn minh Âu Châu, Daimon cũng đồng âm với Demon (quỷ). Con người có cùng hai tính Thiện Ác như hình ảnh Thiên Thần và quỷ đứng trên hai vai của con người trong hình ảnh của Thiên Chúa giáo. Tài trời cho phát triển thì thành thiên tài, thành thiện nhân, Thiện thắng Ác thì con người xuất chúng thành ông Thánh ông thần còn Ác thắng Thiện thì thành quỷ. Chữ Genius gần với chữ Genii như trong chuyện “Nghìn lẽ một đêm”, xoa chiếc đèn thần thì thần (genii) hiện ra cho những điều ước thành sự thật cho nên con người thời đại lãng mạn (Romantic age) ở Âu Châu đều muốn thành thần. Thiên tài toán Newton, thiên tài âm nhạc Mozart, triết gia Emanuel Kant được thiên hạ thời ấy xem như những ông thần Genii. Thần tính, thần nhập đem đến cho thiên tài nhưng cũng đem đến tai hoạ, đa số thiên tài đều có mặt xấu, có tài có tật như những thiên tài về văn học, thiên tài như các thi sĩ nổi tiếng thi sĩ nào cũng đầy tật xấu. Có tính thiện như triết gia Socrate, được người Hy Lạp xem là thiên tài bị kết án tử hình vì tiếng nói thần nhân (Daimonion) hay nói bên tai. Những người ghét Socrate kết tội Socrate vì ông thường nghe tiếng quỷ dạy bảo bên tai.

Làm thế nào để nhận ra quỷ hay người, từ cổ đến kim đã khó biết huống chi làm thế nào để nhận được người nào là thiên tài? Thầy tướng số chỉ nhìn gương mặt đoán tính tình, dung mạo thông minh hay ngu đần. Khoa học Tây Phương có môn đo sọ não Phrenology (Phreno = tinh thần, logy= kiến thức, môn học) do BS Franz Joseph Gall sáng lập, ông đo chẩm, trán, hình dáng sọ. Ông cho rằng sọ là bản đồ của não vì sọ bao bên ngoài bộ não. Phái này đưa ra những kết luận cũng giống như người bình thường, nhìn những người trán cao, mắt lớn sáng như sao là những người có dấu hiệu thiên tài.

Năm 1912, nhà tâm lý học William Stern xem thiên tài là tặng phẩm của trờI, tìm cách đo bằng chỉ số thông minh IQ, lấy tuổi trí tuệ chia với tuổi thật nhân với 100. Người có chỉ số IQ>140 là người xuất sắc thiên tài. Giáo sư Galton cổ võ chỉ số IQ cùng với nhà tâm lý học Lewis Terman nhưng ông Terman đã không đoán được hai sinh viên Luis Alvarez và William Shockley, hai ông chỉ số IQ dưới 140 nhưng về sau cả hai đoạt giải Nobel về vật lý!

Các khoa học gia vẫn còn tò mò về “thiên tài”, tò mò là căn bản của khoa học, cách tốt nhất là nhìn thẳng vào óc chứ không chẩn đoán tướng sọ. Bộ óc được khảo cứu là bộ óc của nhà bác học Einstein, một thiên tài lớn trong những thiên tài của thế kỷ 20, có nhiều tật xấu nhưng nhiều tài hơn tật, bác học Einstein đã cổ võ Hoa Kỳ dùng bom nguyên tử. Trước khi chết nhà bác học, hối hận về lời khuyên của ông với T.T. Truman. Sau khi ông chết , ngày 18 tháng 4 năm 1955, BS Thomas Harvey viện cơ thể học của bệnh viện Princeton đã lấy bộ óc của ông, cắt ra thành 240 mẫu, cất trong thuốc Formol, còn BS Henry Adams giữ hai con mắt. BS Harvey đã có kinh nghiệm giải phẫu khảo nghiệm óc nhà độc tài Mussolini năm 1945. Bị các nhà khoa học cáo buộc ăn cắp thi thể ông Einstein, BS Harvey chia cho các nhà cơ thể thần kinh ở California vài mẫu để làm thử nghiệm. Năm 1985 các BS thần kinh này cho biết bộ óc của nhà bác học Einstein có nhiều tế bào “glial” hơn người bình thường, các tế bào này có nhiệm vụ giúp tiến trình chuyên chở các chất hóa học. Năm 1999, báo y học Lancet của Anh công bố kết quả khác cho thấy não bộ của Einstein vùng màng tai lớn hơn người bình thường 15% và những nếp nhăn Sylvian không đều. (Vùng màng tai liên hệ đến ngôn ngữ, hiểu biết và toán).Sau khi BS Harvey chết năm 2007, bộ óc Einstein được đưa lên mạng lưới thông tin, các người tò mò có thể lên mạng trả 9.99 Mỹ Kim mang xuống xem. Bộ óc của nhà bác học Einstein được xem là không có gì đặc biệt cho thấy sự thông minh sáng tạo.
Bác sĩ Harvey đã đánh cắp bộ óc Einstein để khảo cứu vì ông đã cảm hứng theo BS Oskar Voght người khảo sát bộ não của Lenin.
Tháng 2 năm 1925, BS thần kinh học người Đức Oskar Voght được chính quyền Sô Viết mời đến Moscow. BS Voght thuộc viện nghiên cứu bộ não Berlin, thiên tả, thuộc đảng xã hội dân chủ nhưng quen biết với cán bộ cộng sản cao cấp của đảng cộng sản Sô Viết đặc biệt là ông bộ trưởng y tế nhân dân Alexandrovich Semashko một trong những người đứng đầu về ngành ưu chủng.

Semashko mời BS Voght đến nghiên cứu bộ óc Lenin và làm giám đốc viện não bộ. Ngoài việc chính quyền Sô Viết muốn BS Voght xác nhận “thiên tài” Vladimir Ilyich Lenin chết vào tháng 1 năm 1925 qua việc khảo sát não, họ còn muốn tìm hiểu các não bộ siêu việt ưu chủng và thiên tài để tạo ra những con người ưu việt cho xã hội chủ nghĩa Sô Viết: “37 triệu thi sĩ tương đương với thi sĩ Homer, (thi sĩ Hy Lạp được xem là thi sĩ đầu tiên của thế giới) 37 triệu nhà toán học tương đương với nhà toán học Newton (người Anh) 37 triệu nhà viết kịch như Molière (kịch gia Pháp)”

Chính quyền Sô Viết lúc ấy háo hức, cực đoan về những thiên tài văn học Nga như Alexander Pushkin và Leo Tolstoy mặc dù các thiên tài đều bị bệnh thần kinh, nhà văn Gogol bị bệnh điên, Dostoyevsky bị chứng động kinh và Tolstoy tâm tính bất thường. Chỉ có Leon Trotsky (sau bị Stalin ám sát ở Mexico) phản động: “phải đợi ngày Lenin chết nước Nga mới có những thiên tài như Aristotle, Goethe hay Marx”. Trong cách mạng khí thế bừng bừng xây dựng xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản sẽ là những siêu nhân, những con người ưu việt trong xã hội cộng sản ưu việt, BS G.V. Segali trong đảng đề nghị lập viện thiên tài để nghiên cứu thân thể, bộ óc của những người tài giỏi của Sô Viết đã chết, những người ấy lúc chết phải hiến thân thể cho viện để giải phẫu khảo cứu. BS Segali còn tự cho là đã tìm thấy di thể của sự sáng tạo, di thể này cần phải bị bệnh để phát triển (giải thích cho các tật của các thiên tài!) giấc mơ của BS Segali không bao giờ thành sự thật.

Tháng 2 năm 1925, BS Voght và phái đoàn đến Moscow, ông giải phẫu bộ óc Lenin cắt thành 30,000 mẫu đồng thời lập “Viện nghiên cứu não bộ Lenin” hay viện Mozga năm 1926 nơi tập trung cơ quan của các nghệ sĩ, khoa học gia và chính trị gia Sô Viết. Viện cũng là bảo tàng viện cho dân Nga đến xem, trưng bày hình ảnh, tượng, thạch cao các bộ óc của anh hùng cách mạng Sô Viết bắt chước đền Pantheon ở Paris nơi chôn Napoléon. Đền Pantheon về não bộ của Sô Viết sẽ là nơi an nghỉ của những người vĩ đại. Bộ óc của Lenin sẽ là hình ảnh trưng bày chính còn thân thể của Lenin nằm cách đó không xa ở Quảng Trường Đỏ.

Kết quả giải phẫu bộ óc của Lenin cho thấy não bộ bên trái của Lenin bị tổn thất nặng sau cơn tai biến mạch máu não trước khi chết chứng tỏ hình ảnh cách mạng Bolshevik không được hoàn hảo! Năm 1929, BS Voght ra bản tường trình láo đúng với tinh thần xã hội chủ nghĩa: “Kết qủa giải phẫu cơ thể cho thấy Lenin có một tinh thần mạnh” mặc dù ông không đưa ra bằng chứng cụ thể. Trước khi khám nghiệm, BS Voght đã có kết luận đúng theo đường lối của đảng và nhà nước như phó chủ tịch Sô Viết Grigory Evdokimov trong bài diễn văn khi Lenin mất: “Thiên tài vĩ đại của thế giới đã bỏ chúng ta ra đi, con người vĩ đại với bộ óc vĩ đại, ý chí vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại, đã chết!” Lenin được ca ngợi, tượng Lenin được dựng lên ở Công Trường Đỏ, cuộc cách mạng siêu việt năm 1917 đã tạo siêu nhân qua lời đồng chí Grigory Zinoviev ngày khánh thành tượng: “Thiên tài Lenin đã cất cánh bay khỏi mộ!”
Nhà thơ Vladimir Mayakovsky (nhà thơ Tố Hữu của Nga!) làm thơ bay vút: “Lenin sống, Lenin sống, Lenin sống mãi!” bắt chước người Thiên Chúa Giáo: “Chúa đã chết, Chúa đã bay lên, Chúa sẽ sống lại”.

Các triết gia Nga năm 1916 đã cảnh cáo về vương quốc của các Thánh với “Thiên Tài” là tôn giáo mới. Marx trước đó đã chế nhạo tục lệ cúi lạy trước các nhà quí tộc. Chính Lenin sau cuộc ám sát năm 1918 cũng đã chỉ trích dân Nga khi họ gọi ông là “cha yêu mến”, “kẻ cứu rỗi” “thiên tài lỗi lạc”. Trên gường bệnh, sau vết đạn, Lenin đã nói:”thật là xấu hổ khi đọc những giòng chữ ca tụng ấy, bọn chúng càng ngày càng cuồng điên gọi ta là thiên tài, người đặc biệt, cả đời chúng ta phải tranh đấu chống lại lối vinh quang cá nhân này!”.

Năm 1930, viện não bộ đóng cửa vì Hitler lên cầm quyền, BS Voght về lại Đức. Năm 1936, viện mở cửa lại với hai phụ tá của BS Voght là BS Semion Alexandrovich và Sarkisov. Hai ông này công bố bản tường trình chót. Bộ óc của Lenin được so sánh với các bộ óc của những công dân xuất chúng Sô Viết do viện não bộ Moscow sưu tập trong đó có óc của Maxim Gorky (đại văn hào), nhà sinh lý học đoạt giải Nobel Petrovich Pavlov (phản xạ có điều kiện ở con chó) và nhà thơ Mayakovsky (tự sát tháng 4 năm 1930 vì không tin vào con đường cách mạng Sô Viết trước khi Lenin đội mồ sống dậy!)
Bản tường trình cho thấy óc Lenin có tổ chức cao độ trên tất cả các chỉ số liên hệ đến diễn văn, lời nói, nhận thức và hành động cũng như “các tiến trình cần thiết đòi hỏi sự nhận thức cao độ và đa dạng” kể cả “hoạt động đặc biệt cao độ của hệ thống thần kinh”.
Các ủy viên trung ương đảng sau đó đồng xác nhận Lenin là “thiên tài”.

Sự thật đằng sau hậu trường là nhà độc tài Stalin quyết định không cho công bố chi tiết về khảo nghiệm và bộ não của Lenin, đồng thời giữ bí mật hoàn toàn về viện não bộ Moscow. Đền Pantheon não đi ngược với nguyên tắc của cộng sản: “mọi người bình đẳng”, công nhận thiên tài là công nhận có sự khác biệt giữa công dân này và công dân khác, cách mạng Bolshevik gọi những kẻ khác người là bọn tư sản. Những điều cấm kỵ của Stalin trái ngược hẳn những điều những người Cộng Sản nói trước đó. Năm 1923, Trotsky tuyên bố “Lenin là thiên tài, thế giới chỉ có hai thiên tài Marx và Lenin, không ai có thể tạo ra thiên tài ngay cả đảng!”. Năm 1883, Friederich Engels nói: “Marx là thiên tài còn chúng ta chỉ là người có tài!” còn Stalin gọi “Marx là thiên tài của học thuyết. Lenin là thiên tài của cách mạng còn chính Stalin là thiên tài của thời đại”.

Stalin thành công, viện não bộ Moscow hoạt động bí mật. Năm 1980, viện khảo sát não bộ nhà bác học A.D.Sakharov, nhà vật lý hạt nhân đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1975, sau chống đảng cộng sản Sô Viết!

Cho đến nay viện vẫn hoạt động không cho các nhà nghiên cứu các nước trên thế giới đến thăm.
Sử gia Edgar Zisel gọi viện não bộ là nhà thờ của các thiên tài không phải là viện khoa học, các cuộc nghiên cứu chỉ nhắm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của dân Nga. Stalin dùng chính sách tuyên truyền về thiên tài để cai trị, đàn áp tinh thần hàng triệu người Nga, dùng chữ thiên tài để đứng trên pháp luật. Tổng thống Mikhail Gorbachev về sau nói “Stalin lập ra giáo phái riêng của Stalin. Stalin tự nhận là thiên tài qua chính sách tuyên truyền để làm nền tảng cho chính sách đàn áp của chính quyền cộng sản”.
“Giáo phái thiên tài” và con đẻ là “thần tượng hóa” đã chết ở các nước tiến bộ Tây Phương. Nhà bác học Thomas Edison người đoạt nhiều bằng phát minh nhất thế giới ( 1093 bằng phát minh như bóng đèn, điện tín và máy hát đĩa) khi được hỏi về “thiên tài” của ông, đã trả lời: “ thiên tài 1% là do cãm hứng, 99% còn lại là mồ hôi từ sự làm việc”. Những người xuất sắc được gọi là những người có đầu óc thông minh và sáng tạo, không còn thiên tài đứng trên mọi người mà là hoạt động hợp đoàn như công ty Bell với phòng thí nghiệm gồm 1200 tiến sĩ PhD, trong đó có ít nhất là 13 giải Nobel, nhiều đầu óc sáng tạo tốt hơn là chỉ một nhân tài. Những cá nhân xuất sắc ở xã hội Hoa Kỳ được gọi là “siêu sao” thay vì “siêu nhân” hay là những người nổi tiếng (celebrity). Năm 15 tuổi nhà bác học Einstein bỏ học sau khi thầy giáo phán: “sự có mặt của mày không có ích lợi gì cả cho bạn bè và lớp học”, ông trở thành “thiên tài” còn Dell, Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerburg bỏ học đại học chỉ được gọi là những nhân vật xuất chúng.

Tôn giáo thần thánh hóa trong đó đầy những thiên tài và thần tượng tiếp tục ở Trung Cộng, Bắc Hàn và Việt Nam để giữ quyền lực cho nhóm thiểu số trong đảng cộng sản. Giáo phái Stalin ở Sô Viết đã tạo ra những trại tù khổng lồ ở Sô Viết, Trung Hoa và Việt Nam. Tôn giáo ấy phát triển qua Trung Cộng với cuộc cách mạng văn hoá đổ máu. Tôn giáo ấy đẻ ra những lãnh tụ kính yêu Kim Chánh Ân, Kim Chánh Nhật, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh để dân chúng nhắm mắt cúi đầu tuân phục.

Tôn giáo thần thánh hoá ấy vẫn giữ những lăng, những tượng của Lenin và Hồ Chí Minh ở Việt Nam. May mắn cho đảng CSVN là não của thần tượng đổ vỡ Hồ Chí Minh và thiên tài Võ nguyên Giáp không bị khảo sát như Lenin để cho nhân dân thấy họ chỉ là những người bình thường với những yếu đuối và lỗi lầm của con người.

Việt Nguyên
8/2/2014
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Bạn hỏi tôi có nhớ Ngày 30 tháng 4

Ba mươi tháng tư. Bạn nhắc ngày ba mươi tháng tư lại đến. Lời nhắc nhở hay lời than thở? Ba mươi tháng tư đến như tên khách lạ, không mời, không mong, không đợi, không chờ, đến nhà gõ cửa không hỏi, không chào. Ba mươi tháng tư, một nửa miền Nam cúi đầu dưới họng súng đi theo một nửa miền Bắc đau thương xã hội chủ nghĩa. Dãy Trường Sơn xương sống chuyển mình, Việt Nam gãy đổ, nước Việt chữ S trở thành hình con giun oằn oại.

Tháng tư, tháng của mùa xuân mà trời Sàigòn nóng như lửa, những chuyến máy bay di tản cất cánh hòa với bản nhạc “Giáng Sinh Trắng”, người Sàigòn chia ly đầu bừng bừng như trong “Mùa hè đỏ lửa”, người Mỹ lạnh lùng phản bội ra đi như tuyết mùa đông.

Bạn hỏi tôi có nhớ ba mươi tháng tư? Ngày còn trẻ mang nhiều ước vọng, chạy quanh Sàigòn nhìn những cảnh tang thương, người đi mang nỗi sầu trong tim kẻ ở lại đi trên đường với những giòng nước mắt âm thầm trên đôi mắt đỏ như màu máu. Sàigòn hỗn loạn, Sàigòn ngơ ngác đón xe tăng địch về với những gương mặt bộ đội ngớ ngẩn hỏi đường đến Dinh Độc Lập ngày Tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” không giữ được ngưòi ra đi. Sàigòn với những anh hùng lỡ vận đốt chiến y chờ đợi một tương lại. Sàigòn với những người hùng cố thủ trên cao ốc, Sàigòn với những tiếng khóc uất ức của những người bị phản bội. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” lừa dối người ở lại. “Rừng núi giang tay” đón những người không tim về thành phố!

Ba mươi tháng tư, bạn hỏi tôi có nhớ tháng tư? “Tháng tư gãy súng”, tháng tư đồng minh phản bội. Tháng tư hy vọng của hòa bình không đến. Chiến tranh chấm dứt đón hòa bình giả tạo. Tháng tư bắt đầu những hận thù âm ỉ, kẻ thắng không giữ lời xem toàn miền Nam như kẻ thù truyền kiếp. Nước Cửu Long không rửa được hờn oán những thập niên dối trá sắp đến với miền Nam. Người vào trại học tập, kẻ ở nhà trong một trại giam vĩ đại không hàng rào kẽm gai, gia đình ly tán người người ái ngại. Dương Văn Minh đầu hàng, chính quyền cách mạng lên tiếng kêu gọi “hòa hợp hòa giải” quên hận thù xây dựng tương lai, lính bỏ súng đầu hàng đi vào trại giam.

Ba mươi tháng tư bắt đầu một dối trá. Lời hứa giả tạo đem lại hy vọng cho người ở lại như một viên thuốc cho người bệnh hấp hối. Ba mươi tháng thư bắt đầu cho một chính quyền cộng sản với chủ thuyết Mác Lê thay cho lúa gạo.

Ba mươi tháng tư, tôi đi bộ trên đường phố Sàigòn như một chứng nhân lịch sử sau khi chạy xe gắn máy ngừng trên đường Thống Nhất nhìn xe tăng “Giải phóng” tung sập cánh cửa Dinh Độc Lập. “Độc Lập” sập, “Nô lệ” đến, nô lệ cho chế độ cộng sản tiếp tục từ chế độ nô lệ ở miền Bắc từ 1954, Độc Lập sập báo hiệu cho những thập niên sau nô lệ cho “mô hình Trung Quốc” một đảng cộng sản lệ thuộc Trung Cộng. Tôi bỏ đi khỏi đường Thống Nhất sau khi chứng kiến “hoan hô cách mạng” dưới họng súng của những người dân sợ hãi đứng bên đường nhìn đoàn xe tăng.

Ba mươi tháng tư, tôi đi trên đường phố Sàigòn hỗn loạn mà lòng buồn như hoang đảo. Loa phóng thanh ồn ào trên những chiếc xe lam, những chiếc xe gắn máy. Bộ đội chưa thấy chỉ thấy quân “ba mươi tháng tư” ăn có làm cách mạng. Trộm cướp ngoài đường của một ngày vô trật tự trong khi bên trong Dinh Độc Lập đầy những người cách mạng ngớ ngẩn nhìn những tiện nghi tối tân. “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”, dân hy vọng cách mạng sẽ đem đến trật tự mới. Nhưng những cảnh hỗn loạn, cướp trộm những nhà đã bỏ đi Mỹ, báo hiệu ba mươi tháng tư sẽ bắt đầu chiến dịch cướp hợp pháp lớn hơn qua chính sách đánh phá tư sản mại bản. Sàigòn hỗn độn với những người mặt lo lắng vội vàng bỏ đường phố về nhà. “Nhân dân vùng dậy làm cách mạng” chỉ là những lời tuyên truyền láo của chính quyền cho dân miền Bắc đang mơ dưới chế độ cộng sản trên hai mươi năm.

Tôi đi trên đường phố ngày ba mươi tháng tư 1975, qua cầu nước đục từ Gia Định về, bao nhiêu năm sau nước còn đục hơn nữa, ước vọng của dân nghèo ngày hôm ấy đón cộng sản về thành nỗi thất vọng lớn lao. Đi trên đường phố hỗn loạn, tôi chỉ nghĩ đến những cuốn sách đã đọc như “Từ thực dân đến cộng sản” của Hoàng Văn Chí, cuốn sách với những phân tích về chủ thuyết cộng sản thực hiện ở miền Bắc sau 1954 và thầm hy vọng tác giả đã nhận định sai. Đi trên đường phố hỗn loạn trong ngày lịch sử hôm ấy, nhìn những cửa hàng buôn bán, nghĩ đến những thương gia, điền chủ tôi chỉ mang một hy vọng những gì trong cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” với tài tử Lê Quỳnh chỉ là những lời tuyên truyền sai của Việt Nam Cộng Hòa. Trong những nguời lính đã bỏ súng đầu hàng trong ngày ba mươi tháng tư có bao nhiêu nguời đã đọc “Trại Đầm Đùn” và rồi đây những năm tháng sắp đến, “cách mạng khoan hồng” có tạo ra những trại giam khủng khiếp trong thế kỷ thứ hai mươi sau hai mươi mốt năm hiệp định Genève?

Tôi đi trên đường phố Sàigòn ngày hôm ấy, một ngày trời nóng bức như mùa hè, nhớ đến Doctor Zhivago và Lara qua cuốn truyện của Boris Pasternak đã được làm thành phim, nghịch cảnh sẽ tạo ra bao nhiêu Zhivago trong Việt Nam Siberia lạnh giá? Đêm ba mươi tháng tư, nằm trong nhà nghe bộ đội nói chuyện ngớ ngẩn ngoài xóm với những danh từ Bắc cách mạng khó hiểu, tôi nhớ đến những người bạn, cùng ngồi với nhau trong quán nước, nhìn nhau nuôi một hy vọng cuối cùng trong một tháng tư với những người dân tị nạn bỏ chạy giặc trên quốc lộ số một: cộng sản Việt Nam sẽ có một bộ mặt như cộng sản Nga thay vì cộng sản Tàu. Hy vọng buồn cườI : cộng sản Nga ít ác độc hơn cộng sản Tàu! Cách mạng của Stalin chỉ thanh trừng giết hại 60 triệu người thay vì cộng sản Mao giết hơn 100 triệu dân Trung Hoa. Những ngày tháng tư năm 1975, cùng nhìn nhau lo lắng qua những bản tin ngày “giải phóng Kampuchia” dân bị cưởng bách bỏ thành phố, Nam Vang bỏ hoang với Khmer đỏ, dân Sàigòn chỉ còn hy vọng số phận của Sàigòn sẽ khác và rồi những hy vọng ấy cũng tắt dần những ngày sau 30/4/1975.

Tôi ở lại hơn hai năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa bị khai tử, chứng kiến những thay đổi của xã hội miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ. Cuộc cách mạng bắt chước theo các thời kỳ của cộng sản Nga và Trung Hoa, đấu tranh giai cấp, vô sản hóa giai cấp tư bản và tiểu tư sản, công nông nhân làm chủ mặc dù lịch sử đã cho thấy hai cuộc cách mạng vô sản ở Xô Viết và Trung Hoa là hai cuộc cách mạng thất bại. Dựa trên tinh thần “Tư bản luận” cũ mèm của Karl Marx luận về nền kinh tế tư bản Tây phương thế kỷ thứ 19, đảng cộng sản Việt Nam không biết đến những tiến bộ xã hội và kinh tế cũng như căn bản của nền văn minh như nhà kinh tế hiện đại, Milton Friedman năm 1962 đã viết cuốn “Tư bản và tự do”: “Trong những nền văn minh tiến bộ vĩ đại trên thế giới tất cả những tiến bộ về kiến trúc, ấn loát, khoa học, văn chương, kỹ nghệ, nông nghiệp v.v…không hề đến từ chính quyền trung ương”.

Hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư trong hai năm sau, miền Nam tiêu điều, Sàigòn hoang vắng, đường phố chói chang với cờ đỏ sao vàng, cờ càng đỏ ngày 30 tháng tư thì đời người dân càng ngày càng tang thương, sao vàng càng phất phới kinh tế càng vàng vọt dù rằng chính sách học tập của đảng và nhà nước hứa hẹn trong mười năm Việt Nam bằng Pháp (đảng ít ra cũng còn giữ sĩ diện không so sánh với kinh tế Liên Xô hay Trung Cộng hay một nước cộng sản Đông Âu!)

Đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào”, nhà nước và đảng nhất định diệt tư bản qua chính sách đánh tư sản mại bản, tịch thu tài sản đuổi dân đi vùng kinh tế mới mà sự thật đằng sau là chính quyền cướp của, cướp đất của dân, chuyển tài sản về Bắc kể cả khối vàng 20 tấn đổ cho T.T. Nguyễn Văn Thiệu đã đem lên máy bay đi Mỹ.

Văn hóa giáo dục Mỹ ngụy phải thay đổi, trí thức là thành phần phản động đáng nghi ngờ. “Hồng thắm hơn chuyên” chính trị trên chuyên môn, bí thư đảng nằm khắp các cơ quan kể cả bệnh viện, trường học, một yếu tố làm hư hại đến chuyên môn mà sau này khi Tổng bí thư Gorbachev cải tổ việc đầu tiên ông làm là loại các bí thư đảng ra khỏi các cơ quan và hãng xưởng. Giáo dục xã hội chủ nghĩa đào tạo những chuyên viên kém, thiếu chất lượng nhưng đầy tính đảng: giả dối, nịnh bợ. Con người sống trong xã hội chủ nghĩa quá độ quên hết tình người, lễ giáo, đạp nhau mà lên, xô nhau mà đi. Con người đi ngược lại thuyết tiến hóa của Darwin “từ người trở về vượn”.

Đuổi dân đi vùng kinh tế mới để dạy dân bài học vô sản, cướp của cướp luôn cả phẩm giá con người dù rằng đảng lúc nào cũng hô hào xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và đổ tội cho Mỹ ngụy về các tội ác và mặt xấu của xã hội. Những giá trị vĩnh cửu bị phá hủy. Pascal nói “con người là con vật biết suy nghĩ”, trong thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa con người của các ông cộng sản đào tạo là những con vật không suy nghĩ.

Cai trị với quyền lực của họng súng và với sự cộng tác của những kẻ trở cờ ba mươi tháng tư, xã hội thay đổi như truyện “Cuốn theo chiều gió” của bà Margaret Mitchell thời chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ dùng đủ phương tiện cộng sản “cứu cánh biện minh cho phương tiện” khác với những lời khuyên đạo đức của triết gia Imanuel Kant “con người không nên bị xử dụng như là phương tiện để thoả mãn cứu cánh của kẻ khác!”

Không giết người trắng trợn, không đẩy dân ra khỏi thành phố cho giới truyền thông quốc tế thấy, đảng cộng sản lập ra các vùng kinh tế mới và các trại tù cải tạo. Dân miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ ngơ ngác như anh chàng nông dân Moritz ra toà án quốc tế Nuremberg trong truyện “giờ thứ 25” của nhà văn Lỗ Ma Ni Vigil Georghiu: “trong bao nhiêu năm tôi không còn biết tôi là ai, tôi ở đâu”

Trong khi giới trí thức cố giữ phẩm cách của mình khi phải phục vụ chế độ mới, chế độ tự nhận giải phóng, trong những điều kiện mà hy vọng vào tương lai như ánh sáng le lói bên kia đường hầm thì các trại tù cải tạo mọc lên cùng khắp. Những người tin tưởng vào chính quyền bị lừa đi tù không tuyên án không thấy ngày về trong khi vợ con bị đày vùng kinh tế mới gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng. Chồng trong tù, vợ ở ngoài vất vả nuôi con, Người tù “được” cải tạo để trở thành những con người không còn suy nghĩ như tù nhân Ivan “ trong một ngày trong đời Ivan Denisovich” của Aleksander Solzhenitsyn. Trước 1975, người đọc tưởng Solzhenitsyn thêu dệt, CIA Mỹ “đầu độc” trí thức miền Nam qua các tác phẩm chống cộng, nhưng rồi những tù cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau 1975 cũng giống như những tù khổ sai ở vùng Tây Bá Lợi Á của chính quyền Stalin, phản bội giai cấp công nhân trong khi toàn quốc hát bài quốc tế lao động “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Người tù bị đánh đập, bỏ đói, bị các “ăng ten” theo dõi, “vét sạch bát thức ăn, hài lòng khi đi ngủ sau một ngày lao động”. Người tù không biết khi nào được trả về nhà, bị chuyển từ trại tù này sang trại tù khác “anh không còn biết sống ở đâu dễ thở hơn, ở nhà tù này hay ở nhà tù kia!”

Thiên đàng cộng sản với những nhà tù cùng khắp ở Việt Nam không khác gì “Quần đảo ngục tù” của Nga được diễn tả bởi Solzhenitzyn qua 300,000 chữ. Cuối cùng thì những người tù bị tước đoạt tất cả không còn sợ chế độ cộng sản, điển hình là kỹ sư Bobynin và hàng nghìn người tù lương tâm Việt Nam khác. Bobynin trong “Tầng đầu địa ngục” đã vạch ngực ở trần nói với tổng trưởng an ninh Abukomov: “ông đã tước đoạt tự do của tôi lâu rồi và ông cũng không có khả năng để trả lại tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Ông chỉ mạnh khi nào các ông tước đoạt của người khác tất cả mọi thứ bởi vì khi một người khác bị lấy mất tất cả, người đó sẽ không còn ngại sợ các ông nữa, người đó lại được tự do”.

Sau hơn hai năm, hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư của kẻ chiến thắng, tôi rời Sàigòn ra đi bằng thuyền, trở thành một trong hàng triệu thuyền nhân, cố quên đi chuyện cũ để lập lại cuộc đời mới trên đất mới như bao nhiêu triệu người Việt xa xứ. Năm đầu tiên ở Mỹ, tôi đến dự ngày ba mươi tháng tư do cộng đồng người Việt ở Portland Oregon tổ chức, sau gần một tháng định cư. Ngày tưởng niệm được tổ chức ở hội trường, đứng chào quốc kỳ hát quốc ca với lá cờ vàng ba sọc đỏ trong không khí trang nghiêm, nỗi xúc động lại đến với tôi như lần đầu nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới giữa sân trại tị nạn Pulau Besar khi bước chân lên đảo sau 42 ngày lênh đênh trên biển.

Các cộng đồng tị nạn những năm đầu còn nghèo nhưng đầy tình người, các buổi tổ chức trang nghiêm với những bài hát yêu nước, những bản nhạc chống cộng và những vở kịch dân tộc làm người tị nạn không thể quên quê nhà bỏ lại đằng sau. Những năm sau dù bận rộn với công việc của cuộc đời bác sĩ thường trú tôi vẫn ghé đến những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng New Orleans, rồi sau này định cư về Houston, những đêm ba mươi tháng tư của những giờ “còn chút gì để nhớ” và không thể quên được đêm ba mươi tháng tư 1975, một đêm không ngũ.

Những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng người Việt tị nạn trong những năm đầu, còn mang nặng dấu đau thương nhiều ý nghĩa. Những năm thao thức của những người Việt xa nhà, đợi tin nhà từng phút từng giờ qua những thông tin bị bưng bít và phương tiện liên lạc khó khăn, văn nghệ trong những năm này thể hiện tâm hồn người tị nạn với trái tim gởi về gia đình và quê hương bên kia bờ Thái Bình Dương.

Những đêm không ngủ thao thức theo nhịp đập của quê nhà. Một quê nhà rách nát với “Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng khởi vùng lên diệt Tự do”, người người tiếp tục rời bỏ Việt Nam ra đi bằng thuyền hay đường bộ qua Thái Lan. Trong chế độ không Tự Do và Công Lý mọi người mất hy vọng nhìn thấy ánh sáng bên kia đường hầm. Các trại cải tạo vẫn ở cùng khắp từ Nam ra Bắc, người tù không thấy ngày về sau khi bị đảng lừa “đem lương thực 10 ngày đi đường”.

Trong hai mươi năm đầu, những ngày kỷ niệm 30 tháng tư thay đổi theo tình hình chính trị. Các phong trào tranh đấu hải ngoại vùng lên trong khi tiếng nói của người dân trong nước càng ngày càng bị dập tắt. Khí thế tranh đấu vùng lên đôi khi đòi phương pháp bạo động mặc dù chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không đổi, người Mỹ đã phủi tay khỏi Việt Nam với bàn tay phù thủy của Henry Kissinger qua hiệp định Paris 1973. Chính sách cấm vận thay cho giải pháp quân sự. Chính sách đoàn tụ giảm bớt con số thuyền nhân. Trong hai mươi năm cấm vận, kinh tế Việt Nam khó khăn nằm trên phao chết đuối nuôi sống một phần bởi những người Việt Nam yêu gia đình gửi về hàng tỷ Mỹ Kim dù biết một phần tiền sẽ rơi vào tay cán bộ. Chính sách nhà nước không thay đổi, càng sửa càng sai vì đi vào con đường sai lầm xã hội chủ nghĩa. Chính sách hòa giải của nhà nước cũng trước sau như một “tội các anh đáng chết, cách mạng khoan hồng”. Con đường cách mạng mờ mịt với kinh tế suy kiệt chỉ thấy ánh sáng khi Hoa kỳ bỏ cấm vận và sau đó là bang giao chính thức với Việt Nam năm 1995. Trong hai mươi năm, trong khi những người tù cải tạo phải chịu tội để trả những lỗi lầm của Hoa Kỳ thời chiến tranh của Johnson với Tướng Westmoreland thì tội ác cộng sản càng ngày càng chồng chất và thế giới làm ngơ dù sau này có cuốn “Sách đen” thay cho “Sách hồng” của cộng sản. Hai mươi năm đầu là thời kỳ đen tối nhất của đảng cộng sản, sau này chính cựu Thủ tướng Phan Văn Khải phải thú nhận, “hai mươi năm khó khăn nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ vì Việt Nam chỉ giao thương với khối cộng sản”. Tôi vẫn theo dõi những ngày kỷ niệm 30 tháng 4 mặc dù đôi khi không đồng ý cách tổ chức mỗi năm nhưng tinh thần trong 39 năm qua là tinh thần của những người Việt cao thượng theo phương châm không hận thù của người Mỹ “tha thứ nhưng không quên” (Forgive but not forget).

Mỗi ba mươi tháng tư tôi cầm viết như các bạn khác, viết về đề tài có dính líu đến 30 tháng tư, một ngày đau thương như vết thương không lành, có khi là bài viết về lỗi lầm của Tướng Westmoreland trong chiến tranh Việt Nam, có khi là bài về Kissinger và Nixon, có khi là cuộc cách mạng cải cách ruộng đất ở Trung Hoa và Việt Nam.v.v…Tôi chủ trương không nhắc lại ba mươi tháng tư mỗi năm, chỉ nhắc đến những đánh dấu quan trọng, năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nhưng năm nay 39 năm, gần 30 tháng tư lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao đặc trách Việt kiều, về hòa hợp hòa giải, đến Gia Nã Đại qua Hoa Kỳ ghé Houston: “Thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh” đã làm tôi phải cầm viết, viết lại những chuyện cũ nhàm chán nhưng cần thiết như tinh thần của nhà văn Klíma: sau khi cộng sản Đông Âu đổ vẫn phải viết những chuyện thời cộng sản để hậu thế đừng quên mà có thể mắc phải một lỗi lầm đáng tiếc một lần nữa.

Những người cộng sản Việt Nam cũng có óc khôi hài như Stalin, nhà độc tài khát máu đã nói: “một người chết là một thảm họa, triệu người chết là con số vô nghĩa”. Tháng 7 năm 2013, chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ gặp T.T. Obama, cám ơn Hoa Kỳ đã chăm sóc cộng đồng Việt Nam, thiếu liêm sỉ ông Sang nhận vơ cộng đồng tị nạn, những người bị chế độ đuổi ra khỏi nước, là công dân của ông. Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố “thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh”, một thứ trưởng đặc trách người Việt hải ngoại thiếu trình độ hoặc ông quen nói một lời hai nghĩa của cộng sản, buột miệng nói “nạn nhân của chiến tranh giải phóng” nhưng ông kịp thời ngưng lại.

Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản. Ngày 30 tháng tư hàng nghìn người đã ra đi từ các bến cảng, trên những tàu chiến ra Đệ Thất hạm đội, những người ấy không được gọi là thuyền nhân. Những người ấy ra đi hoặc vì hốt hoảng hoặc vì đã biết cộng sản ở miền Bắc sau 1954, một số ngây thơ tin cộng sản trở về bị nhốt vào tù. Thuyền nhân là hàng triệu người đã sống trong chế độ cộng sản sau ngày 30/4/1975, bị từ chối quyền sống của con người, quyền công dân của nước Việt Nam, bị tước bỏ những tự do tối thiểu, bị tù cải tạo, bị đày đi kinh tế mới, những người ra đi vì tuyệt vọng nhưng can đảm để hy vọng vào một tương lai làm lại cuộc đời dù biết những hiểm nguy trên biển cả bão tố, hải tặc và công an biên phòng. Liên Hiệp Quốc xem thuyền nhân trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á là nạn nhân của chế độ cộng sản. Thuyền nhân đã đánh thức lương tâm thế giới. Hàng triệu người trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé trên đại dương mênh mông thê thảm hơn là hình ảnh trong truyện Khái Hưng “Anh phải sống” trên sông Hồng một ngày bão tố, và đánh thức lương tâm triết gia Jean Paul Sartre nguời đã lên án Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh thuyền nhân và tù cải tạo đã làm ca sĩ phản chiến Joan Baez thức tỉnh hối hận.

Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản, ở miền Nam thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh giải phóng, ngoài Bắc thuyền nhân ra đi sau 1975 là nạn nhân của chế độ nô lệ chủ nghĩa Mác Lênin. Năm 2004, thủ tướng Võ Văn Kiệt nói “Trong ngày 30 tháng tư có triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Ông nói sau khi Việt Nam được xem là đã có sự đổi mới. Năm 1989 cộng sản Đông Âu sập, năm 1991 đến phiên Liên Xô sau khi Gorbachev dẹp đảng cộng sản. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện “đổi mới” nhưng đảng cộng sản Việt Nam như con cắc kè chỉ “đổi màu”, hệ thống bí thư đảng trong tất cả các cơ sở vẫn giữ không bãi bỏ như TBT Gorbachev đã làm. Năm 1995, Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam, người Việt hải ngoại tiếp tục gởi tiền về, nhân tài các ngành hoặc về nước hoặc giúp đỡ các chuyên viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học, tất cả từ tấm lòng của những người Việt yêu quê hương. Việt Nam thay đổi về kinh tế, giao thương với các nước tư bản nhưng về mặt chính trị không thay đổi. Tiếng nói đối lập bị dập tắt. Văn chương phản kháng từ trong nước, những tiếng nói Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp.v.v… từ miền Bắc vạch rõ bộ mặt thiên đường cộng sản, họ không phải là nạn nhân của chiến tranh như ông Nguyễn Thanh Sơn nghĩ.

Gần hai mươi năm sau ngày bang giao với Hoa Kỳ, kinh tế Việt Nam được xem như là thành quả của cơ quan tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới nhưng tham nhũng lan tràn, hố thẳm giàu nghèo càng ngày càng sâu. Câu nói của ông Võ Văn Kiệt ngày 30 tháng 4 phải là “30 tháng 4 có tám triệu đảng viên vui và hàng chục triệu người Việt buồn.”

Ông Võ Văn Kiệt đã nói “mỗi nước có một thể chế chính trị riêng”, ông nói đúng nếu thể chế chính trị ấy được người dân chọn. Đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo điều 4 hiến pháp vẫn giữ, tiếng nói đối lập vẫn bị xem là tiếng nói của những kẻ theo âm mưu “tiến trình dân chủ hóa của Mỹ”, nghi ngờ ấy luôn luôn có trong đầu những kẻ lãnh đạo đảng ngay từ những phút đầu khi lập bang giao với Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo bước chân Trung Cộng: “bắt giữ những kẻ phạm pháp chứ không bắt giữ đối lập”, không vi phạm nhân quyền nhưng danh sách tù nhân lương tâm chồng chất ! Hai mươi năm sau ngày cấm vận được Hoa Kỳ bãi bỏ, chế độ cộng sản Hà Nội cảm thấy vững hơn nhờ “chính sách ổn định Đông Nam Á” của tiến sĩ Henry Kissinger. Chính sách hòa hợp hòa giải của đảng cộng sản Việt Nam vẫn là chính sách kêu gọi qui hàng, không đối thoạI, như sau ngày 30 tháng tư 1975. Đảng và nhà nước không tiếp xúc công khai với người Việt nước ngoài chỉ gặp những kẻ xu nịnh chạy theo đồng tiền. Tổ chức tiệc ở Dinh Độc Lập cũ để chiêu đãi những Việt kiều hoặc không tim hoặc không óc, những con người duy vật. Năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn đại diện đảng kêu gọi đại hội Việt kiều hải ngoại ở Việt Nam nhưng đảng vẫn thờ bác Hồ, bác Mao, bác Stalin. Ông Hoàng Duy Hùng ở Houston tiếp xúc nhiều với các thành phần lãnh đạo đảng cộng sản đã học được tính khôi hài của cộng sản, ông nói các ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Minh Triết không còn theo cộng sản vì ông không thấy trên bàn thờ nhà các ông ấy có hình bác Hồ, bác Mác, bác Lê Nin, bác Stalin. Ông Hùng hiểu sai nghĩa thần thánh hóa, thần tượng hoá. Năm 1995, kỷ niệm hai mươi năm ngày 30 tháng 4, nhà báo William Safire đến Sàigòn gặp ông Phạm Xuân Ẩn và gặp thủ trưởng của ông Ẩn là ông Mai Chí Thọ một người cộng sản sắt máu. Ông Mai Chí Thọ đã cho thấy ông vẫn thờ cúng tổ tiên, những người cộng sản trước khi chết sợ đối diện với trời, trên bàn thờ ông không có hình Hồ Chí Minh hay Stalin. Ai bảo ông Mai Chí Thọ không phải là người cộng sản trung kiên?

39 năm sau ngày 30 tháng tư, tiếng nói đối lập bị đàn áp, chiến thuật của đảng cộng sản vẫn như cũ, trả tự do các người tù lương tâm luật sư Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Tiến Trung thì cũng như tha bác sĩ Nguyễn Đan Quế mấy chục năm trước. Thế giới có thể bị lừa nhưng những người tranh đấu bất bạo động vẫn sẽ tiếp tục con đường kiên trì của họ. Nhà tranh đấu bất bạo động ở Palestine, ông Zwahre nói: “đấu tranh bất bạo động giống như rễ cây mọc trên đá, trông thì mềm nhưng rễ sẽ đâm vào đá để nước thấm vào lá và cây sẽ lớn vững. Đấu tranh bất bạo động cũng như vậy, sẽ xuyên thủng quyền lực cầm quyền”. Nghe như Lão Tử tân thời, không gì hơn sức nước mềm soi thủng mọi vật “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiên lợi vạn nhi bất tranh”.

Bạn hỏi tôi còn nhớ ngày 30 tháng tư?

Việt Nguyên
30 tháng 4, 2014
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

CIA, Boris Pasternak và Dr. Zhivago
Việt Nguyên

Tổng thống Nga V. Putin hồi tháng 4 năm nay đã gọi mạng lưới thông tin toàn cầu, một phát minh của nhà khoa học Anh, Sir Tim Berners Lee, là đồ án của cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA nhằm dọ thám phá hoại và lật đổ chính quyền các quốc gia độc tài. Putin và Trung cộng dự định sẽ thành lập mạng lưới vùng để thay cho mạng lưới toàn cầu, một chương trình trong tương lai có thể sẽ thực hiện được. Các chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn bị ám ảnh CIA, bàn tay CIA nhúng vào tất cả những biến cố qua tiếng nói đối lập như chính quyền cộng sản Việt Nam đã luôn luôn nghi ngờ các nhà văn Việt Nam trước và sau 1975 đã làm việc cho CIA và họ đã bắt nhiều nhà văn nhà báo vào trại cải tạo chỉ vì nghi ngờ thiếu bằng chứng.

Cơ quan CIA giữ im lặng trong hơn 50 năm nay đối với những cáo buộc của các chính quyền cộng sản nhưng gần đây vào tháng 6 năm 2014 họ đã nhận bàn tay CIA đã nhúng vào việc xuất bản đại tác phẩm Dr. Zhivago của nhà văn Boris Pasternak. Cuốn tiểu thuyết bất tử Dr. Zhivago được giải văn chương Nobel năm 1958 đã được mọi người nhớ nhiều hơn qua cuốn phim do David Lean làm đạo diễn với tài tử đẹp trai Omar Sharif trong vai Dr. Zhivago và Julie Christie trong vai Lara cùng với bài hát bất hủ Somewhere my love. Hai nhân vật trong truyện Dr. Zhivago của Pasternak, Yuri Zhivago (Zhi= sự sống) và Larissa (Lara=hớn hở) đã làm sống lại không khí của một nước Nga vĩ đại, một nước Nga bao la băng giá, từ cách mạng Cộng Sản qua đến nội chiến với bạo lực cách mạng cùng hình ảnh các chuyến tàu hỏa xuyên qua những cánh rừng tuyết phủ trắng, làng mạc bị đốt cháy, thị trấn bỏ hoang, người nằm chết đói trong các thành phố lớn Moscow và St. Petersburg. Những hình ảnh bi thảm này trở thành biểu tượng của những cuộc cách mạng từ Nga sang Đông Âu qua Trung Hoa đến Việt Nam.

Dr. Zhivago với máu thi sĩ và triết lý xem “thơ là ánh sáng là không khí, là tiếng động của cuộc đời, là muôn hoa từ ngoài vào căn phòng qua cánh cửa sổ” đã trải qua cuộc đời thanh xuân trong không khí bi thảm của một nước Nga cách mạng. Câu chuyện đã được nhà thơ Boris Pasternak viết như bài thơ dài, âm điệu với ý niệm căn bản “con người tự do, sống trên đời phải biết hy sinh”. Cách mạng và nước Nga mông mênh với những cánh rừng trong câu chuyện và trong cuốn phim của David Lean: “Thế giới bên ngoài chung quanh cậu như cánh rừng vì vậy khi mẹ mất, cậu rung động đi lạc vào cánh rừng và cảm thấy bơ vơ…”. Cánh rừng mênh mông tuyết phủ trắng khi cha của Yuri Zhivago nhảy từ xe hỏa tự vẫn, cánh rừng khi Zhivago bị quân cách mạng bắt, cánh rừng bao la tuyết ở Moscow khi Yuri có cùng tâm cảnh với Lara.

Cậu bé Zhivago xuất thân từ gia đình giàu có bị phá sản trước cách mạng, thích viết văn, mơ thành thi sĩ nhưng sau lại ham mê vật lý hoá học, chọn y khoa làm nghề sinh nhai có thể giúp ích cho con người và xã hội thay vì làm thi sĩ vì “thi sĩ có khi vui buồn quá độ đi lạc trong cuộc đời”. Hôn nhân đầu tiên của Zhivago với Tonya Gromeko đến từ tình bạn. Trước khi mẹ Yuri mất, bà đã cầm tay Yuri Zhivago và Tonya bắt hai cô cậu hứa sẽ gắn liền hai cuộc đời sau khi bà mất nhưng cuộc đời tình ái của Zhivago sau này nghiêng về thơ hơn là khoa học, ngoài Tonya, Lara, sau này Dr. Zhivago lại có thêm bà vợ thứ ba!

Lara, nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết, lớn lên trong gia đình tiểu tư sản, hứa hôn với Pasha Antipov, dạy học trong gia đình Kologrivovs để trả nợ cờ bạc cho ông anh. Luật sư Komarovsky nắm được yếu điểm của Lara, lợi dụng, quyến rũ và dụ dỗ cô để cuối cùng xem Lara như nô lệ tình dục. Komarovsky cũng là người đẩy cha Zhivago đến con đường tuyệt vọng phải tự vẫn nhảy từ trên xe hỏa. Con quỷ luật sư Komarovsky đẩy cuộc đời Lara và Zhivago đến với nhau. Tiếng súng Lara bắn hụt Komarovsky trong đêm tiệc Giáng Sinh là tiếng súng Lara tự bắn vào mình và bắn vào định mệnh. Định mệnh của Lara cũng là định mệnh của nước Nga trong thời cách mạng tuyệt vọng.

Lara bỏ nghề cô giáo trở thành y tá trong khi đi tìm ông chồng mất tích, nhưng Pasha Antipov không mất tích, anh chàng theo cách mạng bỏ hai mẹ con Lara khi biết chuyện giữa Lara và luật sư Komarovsky. Lara và Yuri đã gặp nhau khi cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến và sống chung với nhau khi về thành phố Yuriatin (thành phố do Pasternak tưởng tượng ở Urals). Zhivago về Urals từ Moscow, không về nhà với vợ, ở với Lara được hai tháng thì bị quân cách mạng bắt cóc. Zhivago sống với quân cách mạng liên tục, thành tù nhân của cách mạng, một tù nhân “trong nhà tù không kẽm gai, không tháp canh, không lính canh, tù và cai tù sống chung với nhau”. Những cai tù của Zhivago là những quân giải phóng “chìm đắm trong sự ngu dốt và nghèo đói, họ lúc nào cũng nghĩ sẽ giải phóng dân, sẽ làm dân sung sướng hạnh phúc mặc dù dân không yêu cầu họ giải phóng. Họ nghĩ rằng không nơi nào ở nước Nga có hạnh phúc hơn là trại giam của họ!”

Cuộc đời bác sĩ Zhivago trẻ tuổi trong thế chiến thứ nhất, qua cách mạng rồi đến nội chiến, đã trải qua trên nước Nga mênh mông từ phần Nga Âu Châu qua phần phía Tây của Tây Bá Lợi Á, chấm dứt khi Yuri được thả về sau khi nội chiến kết thúc.

Yuri sống với Lara, thuyết phục nàng đi về vùng đông Tây Bá Lợi Á trong khi Zhivago về Moscow, có hai con với bà vợ khác trước khi bị chết vì cơn chấn động cơ tim (khác với hình ảnh trong phim Dr. Zhivago, đạo diễn cho Dr. Zhivago rượt theo chiếc xe buýt khi nhìn thấy Lara trên xe rồi chết vì cơn chấn động cơ tim). Lara đến dự tang lễ của Zhivago, bị bắt và bị đày vào trại tù tập trung Gulag.

Câu chuyện Dr. Zhivago hơi giống câu chuyện đời của thi sĩ Boris Pasternak. Năm 56 tuổi, Boris Pasternak ở với bà vợ thứ hai Zinaida cùng hai cô con gái, lại bị choáng váng vì nàng Olga Ivinskaya có vóc dáng như siêu sao điện ảnh, nhiều tài và năng động, khác với vợ của Pasternak, Olga say mê sách vở văn chương. Trẻ hơn Pasternak 22 tuổi, không chồng, có hai con, gặp thi sĩ nàng Olga rung động về nhà viết nhật ký “hôm nay em gặp chàng như em đã gặp Thượng Đế!”. Sau đó Olga và Boris trở thành tình nhân, Olga là thư ký bán chính thức và phụ tá của Pasternak. Năm 1949, Olga bị bắt về tội chống chế độ Xô Viết, đi tù 5 năm trong trại cải tạo Gulag nhưng được 4 năm thì được Stalin ân xá năm 1953. Thi sĩ Boris Pasternak cảm thấy mang ơn Olga vì Olga đã không phản bội tố cáo ông khi Olga bị KGB tra khảo và viết truyện tình hai người với các bài thơ tình trong truyện.

Boris Pasternak đã mất gần nửa đời để viết cuốn Dr. Zhivago. Khi mới bước chân vào văn chương ông đã muốn viết một cuốn truyện vĩ đại như những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong thế kỷ thứ 19. Cách mạng Nga tháng hai và nhất là cách mạng tháng mười, những cuộc cách mạng trong đời Boris Pasternak đã trải qua và sau đó là nội chiến giữa Hồng Quân và Bạch Quân đã là cảm hứng cho truyện Dr. Zhivago. Bắt đầu viết năm 1932 khi Boris còn say mê cách mạng nhưng sau đó đang viết dở dang ông phải xé bỏ khi nhà độc tài Stalin gây ra “Đại Khủng Bố “. Cá nhân Boris Pasternak đã đụng độ Stalin hai lần. Lần đầu năm 1934 Stalin đã gọi điện thoại cho Boris để hỏi ý kiến ông về nhà văn Osip Mandelstam khi ông này bị bắt vì bài viết về Stalin. Bạn bè của Boris Pasternak xem ông đã hèn nhát tố cáo bạn trong khi Stalin lại cho rằng ông che chở cho Mandelstam. Lần thứ nhì khi Pasternak có tên trong đám tử tội, Stalin đã ra lệnh yêu cầu ông viết lại truyện Dr. Zhivago năm 1946, thời kỳ Xô Viết dễ dãi trong thế chiến thứ hai. Năm 1956 ông gởi truyện đến tạp chí Văn Nghệ Novy Mir với chủ biên là Olga Ivinskaya sau khi truyện viết xong năm 1954. Ông phải đợi nhiều tháng để tạp chí văn nghệ Novy Mir trả lời vì KGB điều tra ông về tội phản cách mạng. Cuốn truyện được đưa lên tận ủy ban trung ương đảng để cứu xét. Tháng 9 năm 1956, tờ Novy Mir gởi thơ cho Pasternak cho biết theo quan điểm của tờ báo truyện Dr. Zhivago không thể xuất bản.

Những lời đồn về cuốn truyện đã đến tai nhà báo trẻ tuổi Ý Sergio d’ Angelio, anh mời Pasternak in truyện ở Ý, nhà xuất bản là cộng sản Ý, Giangiacoma Feltrinelli. B. Pasternak gửi bản đánh máy cho Sergio, liên lạc qua trung gian Olga. Cơ quan KGB biết được can thiệp, chụp hình ấn bản cuốn truyện và áp lực Pasternak phải lấy sách về trong lúc đó đảng cộng sản Ý cũng làm áp lực với Feltrinelli.

B. Pasternak cương quyết phải in được sách, một bản ông gửi cho Isaiah Berlin ở Anh, một bản gửi cho Jacqueline de Proyard ở Pháp, bản thứ tư ông gửi cho George Katnov người Nga ở Anh. Đến lúc này Pasternak chỉ muốn in mà không cần biết ai sẽ in truyện của ông, trong khi đó Feltrinelli tranh đấu với đảng cộng sản Ý in lại bản dịch tiếng Ý cho ra thị trường vào tháng 11 năm 1957 và sau đó sách được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức và các tiếng khác vào mùa xuân năm 1958.

Cuốn Dr. Zhivago được xem là biến cố chưa xảy ra ở Nga từ năm 1920 và chính quyền xem ngay Pasternak là thành phần phản cách mạng chống phá Xô Viết. Chưa đến một tháng sau khi Dr. Zhivago được xuất bản ở Ý, CIA đã xem truyện “quan trọng hơn bất cứ tác phẩm văn chương nào từ khối Xô Viết”. Tháng 1 năm 1958, CIA nhận hai cuối phim từ phản gián Anh, bản chụp ấn bản nguyên thủy của Feltrinelli. Cơ quan CIA có nhiều nhân viên có khả năng văn chương và yêu sách vở chứ không hẳn là một cơ quan chỉ biết làm gián điệp, họ tin vào “sức mạnh của tư tưởng” và đồng ý “sách vở khác với phương tiện tuyên truyền khác vì một cuốn sách có thể thay đổi thái độ độc giả và đưa đến hành động”. Ý tưởng của họ cũng tương tự như ý của đại văn hào Xô Viết Maxim Gorky năm 1934 “sách là vũ khí” và sách là vũ khí quan trọng nhất trong văn hóa xã hội chủ nghĩa cũng giống như thời Việt Nam Cộng hòa “mỗi cây bút là một sư đoàn”.

Gậy ông đập lưng ông, George Kennan tác giả chủ thuyết cô lập cộng sản của Hoa Kỳ đã thành lập nghị hội văn hóa tự do năm 1950, đến năm 1956 cơ quan này đã bắt đầu gửi sách báo Mỹ qua bức màn sắt, bước tiếp theo là dịch sách Tây Phương qua tiếng Nga xuất bản khắp các nước trong khối Xô Viết tổng cộng lên đến 10 triệu cuốn. Chương trình của CIA được giữ bí mật, quốc hội cung cấp ngân khoản nghệ thuật và văn hóa cho các nhà xuất bản.

Cơ quan CIA phải đối phó với nhiều khó khăn. Cuốn Dr. Zhivago có giá trị tuyên truyền lớn nhưng gửi sách dịch tiếng Anh qua Xô Viết không dễ dàng, CIA quyết định in “sách đen” bí mật qua Xô Viết. Anh yêu cầu Mỹ không in sách ở Mỹ để không làm hại Boris Pasternak và Pasternak cũng yêu cầu không Nga kiều nào ở Mỹ dính dáng vào chương trình in “sách đen”. Giải pháp của CIA là giao cho nhà xuất bản Nữu Ước Felix Morrow, cựu ký giả phe Trosky, chống cộng đã được CIA điều tra lý lịch. Ngày 23 tháng 6 năm 1958 Felix Morrow ký khế ước với CIA, ấn bản sách được in ở Âu Châu, phân phối kịp thời vào ngày hội chợ thế giới ở Bỉ cho du khách Nga vào tháng 9 và phát không cho thủy thủ Nga đem về Xô Viết.

Trong vòng sáu tháng, cuốn Dr. Zhivago nằm trong danh sách truyện bán chạy nhất trên tờ New York Times. Cuốn truyện được giới thiệu như là truyện làm chấn động thế giới với chiến tranh, hòa bình, cách mạng, nội chiến, bối cảnh vĩ đại thay đổi với nhiều nhân vật như cuốn “Chiến Tranh và Hoà Bình” của đại văn hào Lev Tolstoy. Chuyện tình Lara và Zhivago lồng trong khung cảnh chính giống như hai đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hoà Bình” và “Anna Kerinina” nhập một.

Nội dung cuốn truyện hơn là nghệ thuật đã là chìa khóa thành công của Dr. Zhivago, một Zhivago thích tranh cãi, suy tưởng, không thích cách mạng. KGB đã sắp truyện Zhivago vào loại sách phản động vì những tranh cãi giữa Lara và Zhivago trong suốt cuốn truyện. Khi cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến, Dr. Zhivago luôn luôn có ý tưởng “con người mới xã hội chủ nghĩa đi ngược với tự nhiên”, “cách mạng là căn bệnh của thời đại”, “cách mạng đã đem đến quyền lực cho thiểu số lãnh đạo còn đa số nhân dân là nạn nhân”. Tranh luận với Lara, Zhivago nói “con người khi nắm quyền, luôn luôn vì quyền lợi, quay mặt với sự thật”. Lara sau phải đồng ý: “dối trá đã đến trên nước Nga, dân bắt đầu hát một bài giống nhau, không biết lúc nào sự thật sẽ đến hay lúc nào sự thật được chấp nhận ở nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên này”.

Boris Pasternak đoạt giải Nobel văn chương năm 1958 với cuốn Dr. Zhivago nhưng chủ tịch hội nhà văn Xô Viết Vladimir Semichastry kêu gọi đuổi Boris Pasternak ra khỏi Xô Viết vì Pasternak đã “thở hơi thở tư bản”. Hơi thở tư bản của nhà thơ Pasternak với những lời lẽ qua Dr Zhivago đã tố cáo những kẻ làm cách mạng: “Những kẻ làm cách mạng, nắm luật trong tay, khủng khiếp không giống như bọn phạm pháp nhưng giống như những bộ máy không còn bị kiểm soát”. Hình ảnh những chuyến tàu hỏa lao mình qua cánh đồng tuyết Tây Bá Lợi Á đã in đậm vào ký ức của những người mê điện ảnh qua phim Dr. Zhivago nhưng đối với Dr. Zhivago hình ảnh những chuyến tàu hỏa ấy là hình ảnh của cách mạng Xô Viết “như những chuyến xe hỏa lao đầu đến trước không người lái”. Cách mạng với những con người đỏ xã hội chủ nghĩa đã thay đổi con người thi sĩ của Dr. Zhivago qua nhận xét của Lara: “Anh đã thay đổi anh biết không? Anh thường nói về cách mạng một cách bình tĩnh”. Ông bác sĩ trẻ tuổi Zhivago đã thay đổi theo xã hội cách mạng vì “Cách mạng được tạo ra bởi những kẻ cực đoan với đầu óc chật hẹp, họ nghĩ mình có đầu óc thiên tài, thay đổi trật tự xã hội trong vài giờ hay vài ngày nhưng mười năm sau hay thế kỷ sau đầu óc chật hẹp này khiến cách mạng cộng sản được xem là cách mạng thần thánh”.

Lời tiên tri của Zhivago trở thành sự thật với những chính quyền cộng sản từ Xô Viết qua Trung Cộng đến Việt Nam nhưng Boris Pasternak sợ bị đuổi ra khỏi quê hương đã từ chối nhận giải Nobel văn chương năm 1958. Khác với Yuri Zhivago, Pasternak một năm sau chết vì ung thư phổi còn nàng Olga Ivinskaya bị bắt đi đày trong trại tù Gulag 8 năm cùng với cô con gái Irina nhưng sau 4 năm được thả.

Cuốn Dr. Zhivago được nhà văn nổi tiếng Vladimir Nobokov (tác giả cuốn Lolita) xem là “một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử văn học và đạo đức của thế giới”. Boris Pasternak đã đâm thủng bức màn sắt của Xô Viết, ông được xem là cha đẻ của phong trào phản kháng Xô Viết, khi cố tình gửi sách ra ngoại quốc phạm luật Xô Viết. Sự can đảm của ông đã dẫn đường cho những nhà văn chống chế độ cộng sản như Solzhenitsyn và Joseph Brodsky.

Cuốn truyện Dr. Zhivago đang được trưng bày ở bảo tàng viện của CIA ở Langley, Virginia, 600 trang trên giấy Thánh Kinh để đưa vào Nga là ấn bản bằng tiếng Nga xuất bản bởi CIA in ở Pháp nhưng không phải là ấn bản đầu tiên.

Giống như những mạng lưới nhân quyền vào thế kỷ thứ 21, chính quyền đàn áp của các nước độc tài đã quảng cáo cho các nhân vật đối kháng trên mạng. Cuốn Dr. Zhivago đã nổi tiếng một phần nhờ cơ quan KGB đàn áp hơn là do bàn tay CIA.

Việt Nguyên
11/7/2014
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Bàn Viết Houston

Post by uncle_vinh »

Bút ký những ngày cuối hè 2014
Việt Nguyên


“Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ”. Bạn bè từ xa đến chơi bao giờ cũng đem đến cho tôi niềm vui. Đã qua tuổi “anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương…”. Thành phố Houston có bạn phương xa đến bỗng trở nên lạ, đẹp hơn, nhờ bạn đến mà người ở trong thành phố trên ba mươi năm có dịp nhìn lại những con đường đẹp với những hàng cây sồi rậm bóng trên đường Rice như trong những truyện về miền Nam nước Mỹ của William Faulkner. Mùa hè với sân trường đại học Rice, với trung tâm Y khoa Texas lớn nhất thế giới, với vườn bươm bướm đặc biệt của Houston trong bảo tàng viện thiên nhiên; công trường với bồn nước trên đường Main cạnh viện bảo tàng nghệ thuật đã tạo khung cảnh đẹp cho thành phố khiến tài tử Bob Hope khi đến Houston đã trầm trồ nhớ lại khung cảnh Paris. Thành phố Houston nay đang phát triển trên đường đi đến thành phố toàn cầu trong mười năm tới, với phố Bellaire của người Việt ở Tây Nam thành phố đã qua mặt Little Sàigòn ở Nam Cali.

Nhờ các bạn đến, tôi lại có dịp bỏ qua những công việc nhàm chán hàng ngày để trở lại thú giang hồ vặt lái xe xuyên bang, đi trên những xa lộ liên bang dài vạn dặm thăm những thành phố quen thuộc của Texas. Từ xa lộ 10 đi đến San Antonio thăm hang thạch nhũ, lang thang trên những con đường cạnh bờ sông khu phố Riverwalk nổi tiếng và thành Alamo với người hùng David Crockett, qua thủ phủ Austin. Con đường 290 quen thuộc đi trong bao năm qua từ Houston đến Austin nay được mở rộng nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp với những đóa hoa dại Blue Bonnett bên đường. Một nước Mỹ bình yên, một Texas rộng lớn với những cánh đồng cỏ bao la và những đàn bò gặm cỏ thản nhiên.

Điện Capitol ở Austin là điện lớn nhất trong 50 tiểu bang nơi chúng tôi thường ghé đến mỗi lần thăm thủ phủ Austin. Chiến tranh máu lửa năm 2014 không tràn đến Texas nhưng bên ngoài bãi cỏ sân Capitol thanh bình đã che đậy sóng gió bên trong hậu trường chính trị Texas với ông thống đốc cao bồi Rick Perry lâm nạn trong mùa chính trị giữa nhiệm kỳ. Hai năm trước lăm le ra tranh cử Tổng Thống, Thống Đốc Perry ăn nói cà lăm không được đảng Cộng Hoà đề cử, năm nay ông Thống đốc nhất định chống Tổng thống Obama, lăm le đưa tổng thống Dân Chủ ra tòa và nhắm đại diện đảng Cộng Hoà năm 2016. Trên con đường dài lắm chông gai, ông Thống đốc cao bồi đã ngã ngựa, ông mới bị bồi thẩm đoàn buộc tội lạm dụng quyền thế vì ép buộc bà biện lý đảng Dân Chủ quận hạt Travis từ chức. Ông hăm dùng quyền phủ quyết chặn ngân sách tiểu bang nếu bà Rosemary Lambert không từ chức. Đảng Dân Chủ xem hành động của Thống đốc Perry có tính cách chính trị đảng phái. Đảng Cộng Hòa bênh vực ông Perry cho thấy ông chỉ làm như vậy sau khi bà Lambert bị bắt về tội lái xe trong khi say rượu. Chính trị đảng phái với thống đốc bị buộc tội không phải là lần đầu xảy ra trong lịch sử chính trị Texas. Năm 1917, thống đốc Ferguson bị buộc tội lạm dụng quyền thế vì ông dùng quyền phủ quyết bác ngân sách quốc hội dành cho trường đại học Texas vì trường này không chịu sa thải các giáo sư đã làm ông thống đốc bực mình! Trong 21 tội (ông Ferguson đã từ chức trước đó) ông thống đốc bị kết 10 tội.

Cái tên Ferguson năm 1917 là tên của thống đốc Texas, năm nay 2014, cái tên quen thuộc ấy là tên thành phố nổi danh ở tiểu bang Mississipi đang loạn lên vì màu da và kỳ thị chủng tộc. Bạo động ở thành phố Ferguson xảy ra khi chàng thanh niên da đen 18 tuổi sinh viên trường cao đẳng bị cảnh sát bắn chết trên tay không vũ khí, giảo nghiệm cho thấy nạn nhân bị bắn 6 lần. Cảnh sát bắn là người da trắng. Thành phố Ferguson được xem là thành phố phân biệt chủng tộc nhất nước Mỹ, không một thành phố lớn nào ở Mỹ có sự căng thẳng và nghi ngờ giữa hai sắc dân mạnh nhất trong lịch sử như thành phố Ferguson. Bạo động dẫn đến biểu tình phản đối. Đây cũng không phải là lần đầu tiểu bang Missouri có cảnh bạo động sắc tộc, năm1917 thành phố Illinois phía đông St. Louis bạo động bùng nổ kéo dài hơn một tuần với 300 người chết chỉ vì có tin đồn một người da đen đã giết một người da trắng. Tiểu bang với nữ ca sĩ Josephine Baker, nàng ca sĩ da màu nổi tiếng ở thủ đô ánh sáng Paris với bài hát “J’ai deux amours, mon pays et Paris”. (Tôi có hai tình yêu, quê hương tôi và Paris). Quê hương nàng là thành phố St. Louis. Thành phố của một tiểu bang kỳ thị sắc tộc với chàng thanh niên Stokely Carmichael, năm 1966 bị bắt vì đòi quyền làm người, đòi quyền bình đẳng đã nói một câu nổi tiếng “Chúng tôi muốn sức mạnh da đen”. “Black Power” đã làm nước Mỹ rúng động. Tháng 3 năm 1968, Tổng Thống Richard Nixon trong khi phải đối phó với chiến tranh Việt Nam đã công nhận “sức mạnh da đen”, công nhận vì Tổng Thống Nixon sợ bạo động lan tràn trong một thập niên từ 1964 đến 1967, bạo động lan khắp nước Mỹ từ Harlem đến các thành phố Watts, Detroit, Cleveland và Newark.

Dân Mỹ đang sợ sống lại thập niên 1960, thập niên của phong trào đòi dân quyền trong nước và chiến tranh bên ngoài, Tổng Thống Obama Dân Chủ cũng giống như Tổng Thống Richard Nixon Cộng Hòa 50 năm trước, phải đương đầu với hai mối họa. Từ 1950 qua thập niên 1960, phong trào dân quyền lan khắp nước trong khi chiến tranh lạnh xảy ra giữa Nga và Mỹ. Thế giới thân Mỹ và Âu Châu áp lực các tổng thống Hoa Kỳ phải nhượng bộ phong trào dân quyền của người da đen trong khi những chuyến xe buýt chở những người yêu tự do biểu tình. Năm 1961, Tổng Thống John F. Kennedy đã hoảng hốt khi nhìn thấy những chiến sĩ tự do, “Freedom Riders” đi trên những chuyến xe buýt.

Hình ảnh bạo động ở thành phố Ferguson, Mississipi được các chính quyền Nga và Trung cộng dùng để tuyên truyền chống Mỹ. Các chính quyền độc tài như Việt Nam có dịp dùng hình ảnh biểu tình bạo động ở Ferguson để so sánh với những cuộc biểu tình bạo động đòi tự do dân chủ ở Moscow, ở Bắc Kinh, ở Hà Nội, ở Sàigòn. Họ có dịp chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ đã nhúng tay vào nội tình các nước trên thế giới trong khi Hoa Kỳ không phải là tấm gương. Nhưng bạo động ở thành phố Ferguson đã cho thấy bạo động ấy khác với bạo động ở Tân Cương, ở Moscow hay ở các thành phố Việt Nam, các bạo động của các chính quyền độc tài vô pháp luật đàn áp những đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền và dân Việt Nam đòi cộng sản Việt Nam độc lập với mô hình Trung Quốc.

Hệ thống chính trị nào cũng có những khiếm khuyết và lỗi lầm. Người Mỹ đã cho thế giới thấy lỗi lầm của họ và sửa chữa còn các chế độ độc tài che dấu lỗi lầm và nhất định xem chính thể của họ “Siêu Việt”. Trong cuộc bạo động ở Ferguson, cảnh sát đã không bắt giam ký giả tường thuật biểu tình hay bịt miệng giới truyền thông như các chính quyền Việt Nam, Nga và Trung Cộng đã làm.

Thế giới cũng dường như sống lại thập niên 1960 trong khi tôi và các bạn y khoa cùng lớp, Phan Xuân Lâm và Nguyễn Qúy Khoáng mới qua định cư ở Hoa Kỳ, du hành trong Texas. Một thập niên với năm 1968 cách mạng và biểu tình lan tràn từ các phong trào sinh viên tranh đấu đại học Sorbonne, Paris, qua Nhật, đến Hoa Kỳ, đại học Berkely và phong trào sinh viên phản chiến do cộng sản giựt dây ở Sàigòn để rồi 50 năm sau các cựu lãnh tụ sinh viên đã hối hận viết thơ bỏ đảng hay viết thơ cảnh tỉnh. Một thập niên chiến tranh Việt Nam với Việt Cộng xử dụng chiến thuật của quân ISIS năm 2014 ( hay chiến thuật của quân ISIS giống hệt chiến thuật của Việt Cộng? ).

“Ám sát, hành quyết bằng cách bắn súng vào đầu, giết người tập thể, mồ chôn tập thể, đốt nhà dân, chặt đầu dân để cảnh cáo dân không đi theo Mỹ”. Tổng Thống Obama xuất hiện trên truyền hình tố cáo tội ác của bọn du kích ISIS với các chiến thuật nói trên và hình ảnh chặt đầu ký giả James Foley đã làm tôi giật mình tưởng đang mơ thấy Tổng Thống John F. Kennedy hay Johnson đang nói về chiến tranh Việt Nam.

Ngày Tổng Thống Obama xuất hiện trên đài truyền hình đưa hình ảnh ký giả James Foley bị chặt đầu hành quyết tình cờ đúng vào ngày cựu đại sứ Bùi Diễm gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” được ông thực hiện sau 1954 thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã trở về trong trí nhớ tôi. Cũng những cảnh giết người có thật trong phim với tài tử Lê Quỳnh, cảnh địa chủ bị hành quyết bằng cách chôn sống chỉ chừa đầu để máy cày chạy qua cắt đầu, đã không đủ để thuyết phục lương tâm thế giới và người Mỹ. (Sau này bà Bùi Diễm tâm sự với chúng tôi là cuốn phim lỗ lã về mặt tài chính nên bà đã sửa tựa là “Chúng tôi muốn chết” vì ông bà phải mất rất nhiều năm để trả nợ”!)

Chiến thuật cổ điển trên 50 năm đã được Cộng Sản dùng nay làm chấn động Hoa Kỳ và thế giới có lẽ một phần cũng vì màu da, ký giả James Foley là da trắng còn Tổng Thống Obama da đen? Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Cộng giết người Việt, Việt Cộng không hành quyết người Mỹ chỉ tra tấn như họ tra tấn tù binh John Mc Cain ở nhà tù Hỏa Lò cho nên người Mỹ không quan tâm? Đi với các bạn tôi, năm nay tuổi trên 60, nhìn lại thập niên 1960 quả thật chúng tôi không có tuổi trẻ. Câu thơ “hai mươi năm chúng tôi làm tuổi trẻ” trong thời chiến tranh chỉ cho thấy tuổi trẻ chúng tôi thui chột vì chiến tranh khủng bố. Cha mẹ cấm chúng tôi đi xem ciné sợ chúng tôi chết vì Việt cộng đặt bom trong xe taxi ở rạp Kinh Đô trên đường Lê Văn Duyệt. Cha mẹ không cho chúng tôi đi xa như đi Vũng Tàu mặc dù Vũng Tàu chỉ cách Sàigòn hơn một trăm cây số vì Việt Cộng đặt mìn và bắn sẻ từ trong rừng. Mùa hè năm 1969, người đầu tiên chết trong lớp chúng tôi là Phan Thứ Hiền sau năm học dự bị y khoa APM đã chết vì viên đạn bắn sẻ trên quốc lộ Sàigòn Vũng Tàu. Hình ảnh ký giả Foley bị hành quyết chỉ nhắc tôi những kỷ niệm cố quên về chiến tranh Việt Nam trong những ngày du hành trên những xa lộ yên bình ở Texas.

Tổng Thống Obama vẫn bị ám ảnh về chiến tranh Việt Nam mặc dù ông quá trẻ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Giải quyết vấn đề Iraq ông đã trở lại như Tổng Thống John F. Kennedy vào bước đầu chiến tranh Việt Nam: gửi cố vấn Mỹ. Ông gọi quân ISIS là bệnh ung thư cần phải cắt bỏ nhưng nếu muốn chữa bệnh ung thư tận gốc ông đã cho thấy sự do dự trong chiến tranh Iraq giống như ông đã do dự trong việc trả đũa Tổng Thống Bashar al Assad về chiến tranh hóa học ở Syria. Giải pháp quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq bị giới hạn. Cuộc bỏ bom để bảo vệ thủ đô Kurd là Erbil và tái chiếm đập Mosul tiêu diệt quân phiến loạn ISIS thành công ngoài mặt trên đài truyền hình trong khi quân ISIS chiếm căn cứ không quân sự ở Tabqa, căn cứ quân sự cuối cùng của chính quyền Syria ở tỉnh Rappa. Mất đập Mosul không làm quân ISIS và Sunni nao núng, chúng tiếp tục tấn công các thành phố phía Bắc Iraq với chiến thuật khủng bố để làm dân phải sợ như dân quê Việt Nam phải sợ Việt Cộng trong thời chiến tranh Việt Nam. Tổng Thống Obama đã phải dội bom Iraq và nước láng giềng Syria giống như Tổng thống Nixon đã dội bom Campuchia và Việt Nam. Quân ISIS là quân có tổ chức không phải là Al Qaeda. Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, Tướng Martin E. Demsey đã nhất mạnh Hoa kỳ chỉ đánh bại được quân ISIS khi tấn công quân Hồi giáo quá khích ở Iraq và Syria, nhưng muốn thành công như vậy theo chuyên viên chống khủng bố Brian Fishman Hoa Kỳ phải cần đổ 15,000 quân và tổn phí trên 10 tỷ Mỹ Kim.

Tổng Thống Obama khi lên cầm quyền năm 2009 chủ trương chấm dứt chiến tranh Iraq, hy vọng năm 2014 chấm dứt chiến tranh A Phú Hãn và chiến tranh chống khủng bố nhưng rõ ràng là ông đang phải bắt đầu một chiến tranh mới sau khi ký giả James Foley bị quân ISIS hành quyết. Ông chưa có câu trả lời trong khi Âu Châu áp lực ông phải can thiệp mạnh thêm ở Iraq. Chiến tranh chống khủng bố của Hoa Kỳ đang thất bại vì Hoa Kỳ không nhắm vào phong trào thánh chiến Jihad một cách tổng diện với Pakistan và Saudi Arabia là hai quốc gia dung dưỡng chủ nghĩa thánh chiến Jihad. Hoa Kỳ bận tay ở Trung Đông là niềm vui của Tổng Thống V. Putin và Hoàng đế Tập Cận Bình, màn kịch ở Ukraine và biển Đông tiếp tục tiếp diễn trong mùa thu 2014 với những áp lực quân sự.

Chúng tôi, những người bạn trên 40 năm, gặp nhau nhìn dòng đời trôi qua, có những giấc mơ đã đạt, có những giấc mộng đã vỡ. Tôi đưa bạn đến thăm trung tâm không gian Nasa, đúng 45 năm sau ngày phi hành gia Amstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. 45 năm trước mang khẩu súng Garant nặng trên vai trong quân trường Quang Trung nhìn “Bước chân nhảy vọt của loài người” nghĩ đến hoàn cảnh đất nước. 45 năm sau chúng tôi ngoảnh nhìn về Việt Nam lại thấy đằng sau những khoe khoang về thành quả kinh tế là những điếm nhục về nền Văn Hoá “39 năm nhảy lùi về sau” của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Việt Nguyên
9/1/2014
Post Reply