Hàn Quốc Du Ký Tập 4 (Panmunjeom)

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Hàn Quốc Du Ký Tập 4 (Panmunjeom)

Post by unclevinh »

Hàn Quốc Du Ký Tập 4 (Panmunjeom)
Thái-Thanh, Mộng-Lan & Thái-Vinh

Hàn Quốc Du Ký không thể kết thúc nếu chưa đi thăm di tích của một thời chiến tranh tưởng chừng thế chiến thứ ba có thể bùng nổ làm xoá tan bán đảo Triều Tiên.

Cả xứ Hàn đang mưa. Mưa làm chúng tôi thèm món ăn Việt Nam. Tôi chợt nhớ trên lầu ba của một toà cao ốc gần gác trọ nơi Thái-Thanh cư ngụ ở Nowon-gu có bảng hiệu "PHO BIEN" nho nhỏ đèn vàng. Từ lâu phở đã không còn là món ăn riêng của người Việt Nam. Từ hàng trăm năm trước người Cao Ly đã ăn phở vì ở đâu có người Việt tị nạn là có phở. Người Việt Nam đầu tiên đến Cao Ly tị nạn năm 1150 là Đô đốc Thủy quân Kiến Hải Vương Lý Dương Côn (con nuôi vua Lý Nhân Tông) đã cùng tông tộc dong thuyền sang Cao Ly để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu. Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui-min) dưới triều vua Minh Tông (Myeongjong 1170-1179) nước Cao Ly chính là hậu duệ của Lý Dương Côn. Năm 2003 đài truyền hình KBS1 của Hàn Quốc trình chiếu bộ phim The Age of Warriors (Mooninshidae) kéo dài hơn 1 năm. Phim có giới thiệu Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là dòng dõi hoàng tộc nhà Lý nước Đại Viêt.
Người tị nạn thứ hai ở Cao Ly là Hoàng tử Lý Long Tường. Năm 1225 Trần Thủ Độ chuyên quyền lật đổ nhà Lý bằng cuộc hôn nhân cưỡng ép giữa hai đứa con nít 7 tuổi là cháu Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng của triều Lý cũng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau đó Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng trở thành vua Trần Thái Tông, lại còn làm bẫy sập chôn sống gần hết toàn bộ tông thất nhà Lý đang làm lễ cúng tổ tiên, và bắt những người sống sót phải đổi sang họ Nguyễn hay cải họ khác. Hoàng tử Lý Long Tường mang vương miện, long bào, và thanh thượng phương bảo kiếm của vua Lý Thái Tổ cùng 6 ngàn tướng sĩ và gia nhân lên ba hạm đội từ cửa Thần Phù ở Thanh Hóa chạy ra biển Đông. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển thuyền ghé vào Đài Loan, rồi lại dong buồm đi tiếp. Không biết ông muốn đi đến đâu; nhưng cuối cùng bị bão táp đánh trôi giạt vào Trấn Sơn (Chen-san) bên bờ biển phía tây nước Cao Ly thuộc Bắc Hàn ngày nay. Ông được vua Cao Tông (Kojong) rất kính trọng. Khi quân Mông Cổ vượt Hoàng Hải và đường bộ xâm lăng Cao Ly hai lần vào năm 1232 và năm 1253, ông lãnh đạo quân dân chống trả đánh lui quân Mông. Sau hai chiến tích oanh liệt đó, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn (Chen-san) thành Hoa Sơn (Hwa-san) và phong ông làm Hoa Sơn Tướng Quân (Hwa-san Sanggun). Lúc ở Hoa Sơn, ông thường leo lên đỉnh núi Kwang-dea trông về phương nam khóc. Nơi ông ngồi khóc đó tục gọi là Đỉnh Vọng Quốc (Peak of Nostalgia). Trong chuyến công du Việt Nam Cộng Hoà ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman hay Lee Seungman) đương kim Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã thừa nhận ông là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường.
Kể vòng vo như thế mới dám kết luận rằng người nước Cao Ly (sau nầy là nước Triều Tiên) chắc chắn đã ăn phở từ lâu. Bây giờ thì đã có nhiều gái Việt về làm dâu bên xứ Hàn, mà người phụ nữ Việt nào đi đâu cũng mang quê hương là món phở đi theo. Không biết hiện nay đã có bao nhiêu quán phở ở Hàn Quốc, nhưng PHO BIEN ở Nowon-gu là quán phở duy nhất mà chúng tôi đã thưởng thức trong hành trình Hàn Quốc Du Ký. Quán có hai nam nữ tiếp viên trẻ đẹp. Tuy cả hai không biết nói tiếng Việt, nhưng gọi món ăn bằng tiếng Việt đều hiểu ngay. Bên trong thấp thoáng bóng nữ đầu bếp, nhưng chúng tôi nói chuyện rôm rã toàn tiếng Việt mà không thấy người ấy phản ứng gì. Tất cả các món ăn Việt ở Phở Biển đều được chế biến theo kiểu ăn Hàn Quốc trông rất xinh xắn. Không có bát phở mà chỉ có chén phở; không có bánh xèo đúc nổi phồng to bằng cái đĩa mà chỉ có những lát bánh xèo mỏng cắt vừa miệng ăn trông giống món Taco của người bạn Mễ. Mùi nước mắm và mùi cánh hồi trong chén phở ở một quán ăn nơi xứ Hàn bốc lên thơm phức. Ôi, mùi vị quê hương thật đáng mê làm sao!
Thái-Thanh lại đề nghị rất hợp lý:
- Bố nên uống một lon bia?
Tôi khoái chí kêu:
- Cho một chai 33?
- Không có bia 33; nhưng có bia Hà Nội và bia Sài Gòn.
- Trời ơi, còn bày đặt lựa chọn! Cho bia Sài Gòn đi?
Chỉ còn thêm một ngày và một đêm nữa là phải xa xứ Hàn. Đã được ăn phở mà thấy tôi vẫn còn bứt rứt, Thái-Thanh trấn an:
- Ngày mai con được nghỉ lễ...
- Ủa, lễ gỉ vậy?
- Lễ toàn quốc nghỉ làm để đi bầu quốc hội.
- Chà, cái nầy Hàn Quốc hay hơn Mỹ rồi đó!
- Mình sẽ đi thăm Panmunjeom.
Dân tộc Triều Tiên là một trong những dân tộc chịu nhiều bất hạnh nhất thế giới vì lỡ sinh ra nằm bên anh hai Nhật và anh ba Tàu nên bị hai anh thay phiên nhau đô hộ triền miên. Sau thế chiến thứ hai, toàn bộ bán đảo Triều Tiên có cơ hội được độc lập và thống nhất như bao nhiêu nước nhược tiểu khác; nhưng oái oăm và quái gở thay, chính Tổng thống Harry Truman, người bạn Mỹ lãnh đạo khối thế giới tự do đã có quyết định ghê gớm thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật lại nhũn nhặn với Stalin, lãnh tụ khối cộng sản lấy vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo Triều Tiên cho Nga dẫn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) vào giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Bắc (Nhật có bị Nga đánh bại đâu mà đầu hàng Nga?) và Mỹ giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Nam. Sau đó mỗi anh lại tạm cai quản mỗi miền 3 năm trong lúc chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Nhưng tổng tuyển cử thế nào được? Tháng 8 năm 1948 Miền Nam thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc; tháng 9 năm đó Miền Bắc cũng có ngay chính phủ Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên!
Sự thất bại của cuộc tổng tuyển cử thống nhất năm 1948 làm hai miền càng chia rẽ sâu xa hơn. Tuy nhiên việc đàm phán thống nhất hai miền vẫn tiếp tục cho đến cuối năm 1949 khi Mao Trạch Đông làm chủ được toàn bộ nước Tàu láng giềng vĩ đại của đồng chí Kim Nhật Thành thì cơ hội thống nhất bán đảo Triều Tiên trong hoà bình chỉ còn một cách duy nhất là Miền Nam phải đầu hàng Miền Bắc. Đúng 4:30 sáng ngày 25 tháng 6 năm 1950 Bắc Hàn tung 7 sư đoàn tinh nhuệ và xe tăng tràn qua vĩ tuyến 38 chớp nhoáng chiếm Seoul. Mỹ khẩn cấp triệu tập Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga tẩy chay vì không thừa nhận ghế hội viên thường trực của nước Tàu vẫn do Đài Loan đại diện dù Tưởng Giới Thạch đã bỏ chạy khỏi Hoa Lục; nhưng Nga lại không phủ quyết giải pháp Liên Hiệp Quốc lên án hành động xâm lăng và kêu gọi Bắc Hàn phải rút quân ngay lập tức. Nhưng rút thế nào được, hở anh Mỹ ngây thơ? Kim Nhật Thành đã tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ Nam Hàn trong 3 tuần! Nay Bắc Quân mạnh như thế chẻ tre đánh đâu thắng đó, đã chiếm gần hết phương Nam đang dồn quân Liên Hiệp Quốc và Nam Hàn vào vòng đai Busan bé tẻo teo ở cực đông nam Triều Tiên đổ xuống biển! Lúc đó không biết Kim Nhật Thành tức vua Kim Thế Tổ vĩ đại mở đầu triều đại nhà Kim đang say men chiến thắng ở đâu? Mỹ phản công không phải ở ngay mặt trận Busan. Danh tướng Douglas MacArthur, con sư tử trong chiến dịch Thái Bình Dương thời Đệ Nhị Thế Chiến đã bí mật đổ quân xuống Inchon gần vĩ tuyến 38 đánh bọc hậu bất ngờ làm toàn bộ quân Bắc Hàn tan rã nhanh chóng. Quân Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Nam Hàn và 21 nước khác (England, Turkey, Australia, Canada, France, Greece, Colombia, Thailand, Ethiopia, Netherlands, Philippines, Belgium, Union of South Africa, New Zealand, Norway, và Luxembourg) truy kích tàn quân Bắc Hàn vượt qua khỏi vĩ tuyến 38 ngày 11 tháng 9 năm 1950, chiếm thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang), và tiến đến gần sông Áp Lục (Yalu River) giáp biên giới Tàu. Mao Trạch Đông bên kia sông không thể nhịn Nam Hàn núp bóng Mỹ được nữa. Lịch sử nước Tàu đã biết bao lần chứng minh Tàu là nước lớn mới có quyền chinh phạt nước nhỏ, hay dạy cho nước nhỏ một bài học. Tuổi thơ của tôi bị truyện Tàu đầu độc. Tôi cho cái gì của Tàu cũng ghê gớm nhất. Tàu là Trung Quốc, là Thiên Quốc; còn các nước nhỏ chung quanh toàn là bọn mọi rợ Bắc Phiên, Đông Di, Tây Đột, và Nam Man đáng ghét. Tàu dạy cho tôi học làm người quân tử Tàu, dạy cho tôi biết nhẫn nhục để trả thù dù mười năm hay trăm năm cũng không muộn; mà đã trả thù là phải nhổ cỏ tận gốc, phải tru di tam tộc mới đã tay. Ủa, mà tôi làm gì có mối thù bất cộng đái thiên với ai như vậy cà? Tôi chỉ say mê đọc và khoái chí những cuộc trừng phạt, như La Thông Tảo Bắc, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, hay Địch Thanh Chinh Nam nào có biết đâu mục đích của những sự trừng phạt đó là thiết lập nền đô hộ dạy cho dân nước nhỏ sống như Tàu rồi từ từ đồng hoá để mở rộng biên cương. Đúng như quân sư Từ Mậu Công đã tâu với vua Đường Thái Tôn (Lý Thế Dân) trong La Thông Tảo Bắc:
"Xưa nay hễ nước lớn thì phạt nước nhỏ, chứ chưa thấy nước nhỏ mà khiêu khích nước lớn bao giờ, ngày nay nó đã đến, thì chắc là sanh việc chẳng lành, vậy bệ hạ kíp mau phát binh qua mà tảo trừ cho dứt đường hậu hoạn mới xong."
Vua Thái Tôn nghe qua mười phần đẹp ý, bèn phong Tần Thúc Bảo làm Tảo Bắc Đại Nguyên Soái và ngự giá thân chinh phạt Bắc Phiên.
Tiết Nhơn Quí Chinh Đông cũng là bộ truyện Tàu do Tô Chẩn dịch đã diễn nghĩa thêm: Vua nước nhỏ Bắc Tề cho sứ giả mang ba món báu vật là Kim Hà Bửu Quan, Bạch Ngọc Đái, và Huỳnh Mãng Bào sang triều cống Đường thiên tử. Trên đường đi ngang qua nước Cao Ly, sứ giả Bắc Tề bị nguyên soái của Cao Kiến Trang Vương là Cáp Tô Văn đoạt mất báu vật lại thích chữ trên mặt hăm doạ vua Đường sẽ cử binh thâu tóm trung nguyên. Vua Đường Thái Tôn nổi giận lập tức cho tìm hiền thần Tiết Nhơn Quí chinh đông. Kết quả khỏi cần đọc cũng biết trước nước Cao Ly sẽ bị trừng phạt nặng nề về tội vô lễ ấy!
Con sư tử già MacArthur lúc đó đã hơn 7 bó, chắc chắn không bao giờ đọc truyện Tàu nên không tin Tàu dám nhảy qua sông tham chiến. MacArthur từ tổng hành dinh xa xôi ở Tokyo bay đến Pyongyang hỏi đùa binh sĩ, "Kim Nhật Thành ở đâu, sao không đến đón?" Ông không ở lại chiến trường Triều Tiên một ngày vì cho Tàu chỉ dám diệu võ giương oai bên kia sông Áp Lục; không có gì đáng lo ngại cả! Ông có biết đâu đã có hàng trăm ngàn chí nguyện quân Tàu len lỏi tràn ngập rừng núi Bắc Hàn đang chờ mùa đông nghiệt ngã sắp đến mới ra tay! Ngày 25 tháng 11 năm 1950 Tàu bất ngờ tổng tấn công. Liên quân Liên Hiệp Quốc thua trận rút lui liên tục. Seoul bị đổi chủ tháng Giêng năm 1951, nhưng 2 tháng sau Liên quân Liên Hiệp Quốc lấy lại Seoul, rồi đẩy lùi Bắc quân trở qua bên kia vĩ tuyến 38. MacArthur muốn thừa thắng bắc tiến giải phóng luôn cả bán đảo Triều Tiên; nếu cần sẽ sử dụng bom nguyên tử nướng hết 1 triệu chí nguyện quân Tàu! Tổng thống Harry Truman kinh hãi bèn cất chức tư lệnh chiến trường Triều Tiên của tướng MacArthur vào ngày 11 tháng 4 năm 1951. Một cuộc chiến tranh vô ích không thắng một tấc đất, nhưng đã làm hơn 3 triệu người chết, và làm biết bao gia đình ly tán thế mà vẫn cứ tiếp tục cầm cự nhì nhằng ở hai bên vĩ tuyến đó cho đến khi ký hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) vào ngày 27 tháng 7 năm 1953; nhưng một hiệp ước hoà bình thật sự đã gần 60 năm qua vẫn chưa bao giờ được ký kết!
Vì Bàn Môn Điếm nằm trong vùng phi quân sự, nên du khách muốn đến thăm phải ghi tên đi một trong các tua du lịch được Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc bảo trợ, ví dụ như USO Tour (phone 82-2-795-3028) mỗi tuần tổ chức 2 lần đi thăm JSA và Đường Hầm Thứ 3, giá $77 đô la mỗi người, không bao ăn trưa; hay tua du lịch mà chúng tôi đã tham dự, giá $77 đô la có bao ăn trưa dài khoảng 6 tiếng đồng hồ là Panmunjeom Tour (Tua không đi các ngày lễ, Chúa Nhật, và Thứ Hai). Liên lạc tại địa chỉ:
6th Floor Lotte Hotel
#1 Sogong-dong, Jung-gu
Seoul, South Korea
Phone: 82-2-755-0073
Du khách phải trên 11 tuổi, có Passport, và ghi danh ít nhất trước một ngày. Các nước có tên trong danh sách bị hạn chế như Tàu, Việt Nam... phải nộp bản sao tờ đầu tiên của Passport trước 1 tuần. Công dân của vài nước bị cấm vào vùng phi quân sự là Afghanistan, Cuba, Iran, Iraq, Libya, North Korea, Pakistan, Sudan, và Syria.
Điều lệ vào thăm Bàn Môn Điếm:
Không được mặc quần áo thể thao, áo tắm, hay mang dép.
Không được chạm vào các đồ trang bị như microphone hay cờ của phía bên kia trong phòng hội nghị MAC.
Không được nói, tiếp xúc, hay làm bất kỳ điệu bộ gì đối với nhân viên phía bên kia.
Không được mang máy chụp ảnh có ống kính quá 90mm.
Tua khởi hành lúc 8:30 sáng tại bãi đậu xe của khách sạn Lotte. Hôm ấy ít du khách, nên nhóm 15 người chúng tôi do Laura hướng dẫn nói tiếng Anh đi chung xe với nhóm 6 người do một cô nói tiếng Nhật hướng dẫn từ Seoul chạy lên biên giới trên con đường Tự Do (Freedom Road) rộng thênh thang với 12 làn xe. Đường rộng mục đích để xe tăng đến kịp thời nếu chiến tranh xảy ra. Bà Laura lật lại từng trang sử chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kể chuyện rất lôi cuốn; chẳng mấy chốc xe chạy qua khúc hợp lưu của sông Han phía nam và sông Imjin từ phía bắc chảy xuống đã thấy xuất hiện lô cốt và hàng rào kẽm gai phòng thủ giăng liên tục dọc theo bờ sông phía nam. Mờ mờ bên kia sông là Bắc Hàn. Đường Tự Do đến Imjingak là ngôi làng cuối cùng trước khi vào trại Bonifas hẹp dần dựng đầy chướng ngại vật để chận xe tăng. Xe ngừng ở cổng trại Bonifas. Bà Laura nhắc nhở bắt đầu từ đây cho đến trước khi vào JSA (Joint Security Area) tức Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm, tuyệt đối không được phép chụp hình. Bonifas là cửa phía nam đi vào vùng phi quân sự. Bonifas là bản doanh của bộ tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Quốc phòng vệ an ninh JSA, trợ giúp uỷ ban kiểm soát đình chiến, quản trị làng Tự Do, và hướng dẫn du khách. Trại Bonifas chỉ cách JSA 400 mét. Một quân nhân Nam Hàn lên xe nhìn mặt từng người và kiểm soát Passport; rồi cho chạy vào bãi đậu xe, lại kiểm soát một lần nữa trước khi vào phòng coi phim và nghe thuyết trình sơ lược về JSA. Binh sĩ ở trại Bonifas ăn ngủ với súng đạn đeo bên người và luôn luôn túc trực trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến 100 phần trăm. Sau khi mỗi người đã đọc và ký tờ cam kết "Visitor Declaration" chấp nhận đi vào vùng thù địch có thể chết hay bị thương do hành động phía bên kia gây ra phải ráng chịu, và phải tuân theo các điều hướng dẫn thăm viếng JSA, mỗi người được phát một cái nhãn mầu xanh dán lên túi áo trên ngực chứng minh là du khách của Liên Hiệp Quốc. Du khách được chuyển qua xe của Liên Hiệp Quốc chạy vào JSA ở Bàn Môn Điếm.
Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) là cách viết cho dễ đọc của đại diện phe Tàu trong hội nghị đình chiến, còn tên thật theo tiếng Triều Tiên là Neolmun-ri. Bàn Môn Điếm là Khu Vực An Ninh Chung (Joint Security Area tức JSA) duy nhất trong vùng phi quân sự (DMZ: Demilitarized Zone) được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc và Bắc Hàn dùng làm nơi hội thảo và gặp gỡ quân sự giữa hai bên. JSA hình chữ nhật, dài 800 m, rộng 400 m. Đường phân ranh giới (Military Demarcation Line gọi tắt là MDL) vô hình cắt đôi khu JSA và cắt đôi bán đảo Triều Tiên thành hai nước thù địch. Từ đường phân ranh giới ngược về phía bắc 2 km và lui về phía nam 2 km là vùng phi quân sự. Vùng phi quân sự phân ranh hai nước được kể từ dưới đất, dưới sông, dưới biển, hay trên trời dài khoảng 250 km rải đầy mìn bẫy. Với một triệu binh sĩ phía Bắc Hàn và 600 ngàn quân Nam Hàn cộng với 37 ngàn quân Mỹ túc trực ngay bên ngoài vùng phi quân sự rộng 4 km đó biến biên giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn thành vùng nguy hiểm nhất thế giới. Khi mới thành lập, nhân viên cả hai bên được tự do đi lại trong Khu Vực An Ninh Chung nầy, nhưng kể từ sau vụ chém giết bằng rìu (The Axe Murder Incident) ngày 18 tháng 8 năm 1976 khi nhân viên bên Liên Hiệp Quốc tỉa cây bạch dương (the poplar tree) ở gần Bridge of No Return cho dễ quan sát bị binh sĩ phía Bắc Hàn túa ra cấm cản, rồi rút rìu chém chết 2 sĩ quan Mỹ là Đại uý Arthur Bonifas và Trung uý Mark Baret cùng 4 binh sĩ Nam Hàn thì hai bên không còn được phép tự do bước qua đường phân ranh giới trong JSA nữa.
Chúng tôi được hướng dẫn đứng thành hai hàng ngay phía trước Fredom House thay phiên nhau chụp hình lính Nam Hàn cao lớn đứng trong một tư thế Thái Cực Đạo rất oai nghiêm bên nầy nhìn đăm đăm sang lính Bắc Hàn đứng trên hành lang Panmungak phía bên kia dùng ống nhòm quan sát đám du khách chúng tôi. Chỉ cần thấy một cử chỉ đáng nghi nào đó đối với lính Bắc Hàn thì có thể sẽ bị một viên đạn bay vèo sang trúng chết ráng chịu! Hai anh lính Bắc Hàn bên ấy chắc không thích bị chụp hình nên lúc ẩn lúc hiện. Mỗi năm có khoảng 200 ngàn du khách đến viếng nửa phía nam JSA; còn du khách đến viếng phía bắc JSA không tới 10 ngàn người. Giữa Freedom House và Panmungak là 7 căn nhà xây đơn sơ kiểu như loại nhà di động được sơn mầu khác nhau. Đường phân ranh giới vô hình giữa hai nước cắt đôi các căn nhà đó. Ba căn nhà phía cuối bên trái chúng tôi là phòng họp của 2 nước cộng sản Tiệp Khắc (Czechoslovakia) và Ba Lan (Poland) trong uỷ ban 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến nay trống vắng vì 2 nước đó đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo tự do nên đã bị Bắc Hàn đuổi về nước năm 1995 và năm 1998. Hai nước còn lại trong uỷ ban kia là Thụy Sĩ (Switzerland) và Thụy Điển (Sweeden) vẫn còn đó, nhưng có phòng họp riêng xa hơn một tí ở bên phía nam đường phân ranh. Trên thế giới bây giờ đâu còn bao nhiêu nước theo chủ nghĩa cộng sản nữa mà Bắc Hàn không đề nghị với Liên Hiệp Quốc mời ngay hai nước bạn thân yêu cùng chung ngoại tổ Lenin là Cu Ba và Việt Nam vào thay thế Tiệp Khắc và Ba Lan nhỉ? Bên phải ba ngôi nhà ma đó là 3 căn nhà sơn mầu xanh. Căn bên trái là phòng họp của uỷ ban cố vấn 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến. Căn bên phải là phòng họp của sĩ quan an ninh chung (Joint Duty Ofice gọi tắt là JDO) mỗi ngày họp một lần lúc 12 giờ trưa. Du khách phía bắc được đưa vào thăm JDO. Du khách phía nam chúng tôi được hướng dẫn vào thăm căn chính giữa là phòng họp của uỷ ban quân sự đình chiến (Military Armistice Commision gọi tắt là MAC). Đây là nơi dành cho những cuộc họp cỡ cấp tướng trở lên để giải quyết các vụ vi phạm trầm trọng đối với hiệp định đình chiến. Chắc đã lâu không có chuyện gì quan trọng cần họp nên trong phòng MAC chỉ thấy bàn ghế trống trải cô đơn, không treo cờ cũng không gắn điện thoại! Ồ, có anh lính Nam Hàn đứng oai nghiêm như pho tượng, ai cũng sắp hàng chờ được chụp hình chung. Bên ngoài cửa sổ ngay giữa phòng họp là đường phân ranh giới chia sân xi măng phía bắc và sân đá cuội phía nam. Nhân viên an ninh 2 phía Bắc Nam đứng cách nhau một gang tay; nhưng hai miền vẫn còn xa cách vời vợi!
Từ năm 1979, ngoài những cuộc họp quân sự, JSA còn được dùng làm nơi gặp gỡ của Hội Hồng Thập Tự, các cuộc đối thoại, trao đổi, và cộng tác hòa bình giữa hai miền. Chung Ju-mung sinh ngày 25 tháng 11 năm 1915 ở Kangwon, Bắc Hàn, năm 16 tuổi trốn nhà ra tỉnh tìm việc làm 2 lần, nhưng bị cha tìm bắt về tiếp tục cày ruộng. Lần trốn nhà thứ 3, ông lén bán một con bò của cha để có tiền mua vé xe lửa đi Seoul làm đủ nghề từ lao công bến cảng Incheon đến giao gạo. Sau giải phóng ách đô hộ của Nhật, ông sáng lập công ty Hyundai chuyên lãnh vực xây cất. Khi chiến tranh do quân Bắc Hàn xâm chiếm Nam Hàn, ông cùng gia đình và anh em bỏ của chạy xuống Busan. Sau hiệp định ngừng chiến, ông tái lập công ty Hyundai thầu các dự án tái thiết đất nước và kỹ nghệ. Hyundai phát triển nhanh chóng trở thành đại công ty xây cất và chế tạo tất cả mọi thứ từ chiếc căm xe đạp, xe hơi, đến đóng thuyền. Công ty Hyundai đã đầu tư các dự án xây đường sắt, đập nước, trung tâm nghỉ mát... ở Bắc Hàn. Ngày 16 tháng 6 băm 1998 Chung Ju-mung dẫn đầu đoàn xe 50 chiếc Hyundai chở 500 con bò thống nhất (Unification Cows) xuyên qua Bàn Môn Điếm tặng cho nhân dân làng cũ của ông ở Bắc Hàn. Ông cũng không quên tặng thêm 1 con bò để trả lại con bò năm xưa ông đã lén cắp của cha đém bán để mua vé xe lửa đi Seoul. Sau đó Chung Ju-mung còn làm một chuyến tặng thêm 500 con bò thống nhất nữa trước khi ông chết ngày 21 tháng 3 năm 2001.
Chúng tôi trở ra xe chạy dọc theo đường phân ranh giới cắm cột mốc, mỗi cột cao 1 mét và cách nhau 10 mét. Từ đây cho đến khi trở về bãi đậu xe ở trại Bonifas xe không ngừng, nhưng chạy chậm vừa đủ cho du khách ngắm cảnh đẹp hoang liêu trong Bàn Môn Điếm và chụp hình. Đi ngang qua nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa lính Bắc Hàn rút rìu chém chết lính Mỹ và Nam Hàn làm cả thế giới lên cơn sốt, cây bạch dương không còn nữa, chỉ còn bia đá kỷ niệm chơ vơ bên đường. Gần đó là Bridge of No Return (Nhịp cầu không cho quay trở lại). Đây là cây cầu bắc qua sông Sachon dùng làm đường phân ranh thiên nhiên nam bắc. Nhân viên từ phía Bắc Hàn đến Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm phải đi qua cây cầu nầy. Từ khi ký kết hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 7 năm 1953, Bridge of No Return được dùng trao đổi tù binh. Tù binh chở đến cây cầu nầy được phép bước qua cầu trở về nước hay chọn ở lại phía bị bắt. 14049 tù binh của lực lượng Liên Hiệp Quốc và 120523 tù binh Bắc Hàn lẫn Chí Nguyện Quân Trung Cộng (Chinese People's Volunteer Army) đã bước qua cây cầu nầy. Tù binh một khi đã quyết định bước qua cầu thì không được phép quay trở lại nên cây cầu vô danh trên dòng sông Sachon bỗng trở thành cây cầu Bridge of No Return độc đáo trong lịch sử chiến tranh. Bridge of No Return được tái sử dụng vào ngày 28 tháng 12 năm 1968 khi 82 thủy thủ đoàn của tàu hải quân Mỹ USS Pueblo xâm phạm lãnh hải bị Bắc Hàn bắt làm tù binh sau gần 1 năm được trả tự do, nhưng con tàu USS Pueblo vẫn còn bị Bắc Hàn sử dụng làm viện bảo tàng tuyên truyền chống Mỹ. Từ sau vụ "The Axe Murder Incident" ngày 18 tháng 8 năm 1976 đã kể trên, Bridge of No Return bị đóng cọc cấm qua lại làm Bắc Hàn hết đường ra vào Bàn Môn Điếm bèn vội vã xây một cây cầu khác cách đó khoảng 1 km trong vòng 72 giờ. Cây cầu mới nầy được gọi là "72 Hour Bridge" nằm phía Bắc Hàn nên du khách phía nam không nhìn thấy.
Trong vùng phi quân sự gần Bàn Môn Điếm đặc biệt có 2 ngôi làng đối diện cách nhau một bãi mìn rộng 2 km.
Taesong-dong được gọi là làng Tự Do (Freedom Village) có cột cờ cao 98.4 mét treo lá cờ Hàn Quốc nặng 130 kg (286 lbs). Làng có khoảng 200 nông dân đã sinh sống từ lâu đời ở đó. Dân làng Tự Do không phải đóng thuế và được miễn thi hành nghĩa vụ quân dịch. Ban ngày ra đồng làm ruộng được lính đứng canh trên bờ kẻo quân Bắc Hàn lẻn sang tóm cổ đòi tiền chuộc! Mặt trời lặn phải về nhà. Giới nghiêm sau 11 giờ đêm phải đóng khoá cửa cẩn thận. Bực mình nhất là lên giường ngủ phải trùm mền và mang nút bịt tai chắn tiếng loa tuyền truyền phát ra từ làng Kijong-dong. Muốn trở thành dân làng Tự Do phải được sinh ra ở đó hay do kết hôn, nhưng đàn ông ngoài làng Tự Do không được kết hôn với cô gái trong làng để trốn thuế hay trốn quân dịch. Muốn giữ quyền công dân làng Tự Do mỗi năm phải ở liên tục trong làng ít nhất 8 tháng. Tuy nguy hiểm và kém thoải mái, nhưng lợi tức trung bình hàng năm của mỗi dân làng khoảng 100 ngàn đô la!
Đối diện làng Tự Do là làng Kijong-dong có cột cờ Bắc Hàn cao 160 mét, cao nhất thế giới; riêng lá cờ không thôi đã nặng 270 kg (594 lbs). Kijong-dong là một ngôi làng xây toàn cao ốc giả tạo hiện đại, bên trong trống ộc trống ạc không có người ở, dùng để tuyên truyền thiên đường cộng sản Bắc Hàn giàu mạnh; nhưng thiên đường đã mất không còn gì để tuyên truyền mà người dân lại quá nghèo khổ nên bây giờ làng Kijong-dong đã có người ở thật.
Chúng tôi trở lại trại Bonifas mua ít món quà lưu niệm, rồi lên xe tua ra khỏi vùng phi quân sự. Trên đường về ghé thăm Imjimgak. Du khách không đi tua vào thăm Bàn Môn Điếm được, có thể tự lái xe, đi xe buýt hay xe điện ngầm đến Imjingak ngắm cảnh biên giới. Imjingak là công viên lưu giữ nhiều di tích chiến tranh xây bên dòng sông Imjin năm 1972 để an ủi gia đình có thân nhân hay bạn bè đã mất hoặc ly tán trong chiến tranh 1950-1953 không được trở về nhà. Nơi đây có đài quan sát, chuông hoà bình, bàn thờ ly tán, con ngựa sắt muốn chạy (The iron horse wants to run), và cây cầu Tự Do (Freedom Bridge) nổi danh xây bằng gỗ dài 83 mét bắc vào đường xe lửa chạy qua cây cầu sắt sơn mầu trắng trên dòng sông Imjin. Đó là cây cầu duy nhất nối liền hai miền nam bắc. Freedom Bridge được xây để đón 12773 tù binh Liên Hiệp Quốc trở về tự do. Freedom Bridge đi ra phía bắc nay đã bị đóng bít lại bởi bức tường cao rào kẽm gai. Du khách đến sờ bức tường ngậm ngùi và gắn lên đó vô số giải lụa đủ mầu sắc ghi lời ao ước hoà bình và thống nhất sẽ trở về mang lại hạnh phúc thật sự cho dân tộc Triều Tiên.
Tại Imjingak vài du khách trong đoàn chia tay lên xe khác đi thăm Đường Hầm Thứ 3 là đường hầm lớn nhất trong 4 đường hầm do Bắc Hàn lén đào xuyên qua vùng phi quân sự bị quân Nam Hàn khám phá. Đường hầm đó dài 1.7 km, rộng 2 m, cao 2 m, cách mặt đất 73 m có thể cho 30 ngàn quân Bắc Hàn bí mật tiến qua biên giới trong 1 tiếng đồng hồ. Hai lần về Việt Nam muốn đi Tây Ninh thăm Thánh Thất Cao Đài, nhưng thấy tua du lịch nào đi Tây Ninh cũng bắt buộc phải ghé coi đường hầm Củ Chi, nên chúng tôi vẫn chưa biết Tây Ninh. Chúng tôi chán ghét tất cả mọi đường hầm gây chiến tranh nên theo xe tua đi ăn trưa và trở về Seoul.
Buổi chiều hôm đó, tôi theo mẹ con nàng đi dạo Seoul. Seoul có nghĩa là "thủ đô" rồi nên không cần gọi thủ đô Seoul. Tên cũ của Seoul là Hanyang tức Hán Thành. Tướng Yi Seong-gye cướp ngôi nhà Cao Ly (Goryeo Dynasty) thiết lập ra triều đại Triều Tiên (Joseon Dynasty) kéo dài từ năm 1392 đến năm 1910. Deoksu Palace nằm đối diện với toà đô chánh Seoul là một trong 5 cung điện hoàng gia Triều Tiên ở Seoul tuy đã trải qua bao lần bị chiến tranh tàn phá, nhưng nay đã phục hồi được vẻ đẹp độc đáo nguyên thuỷ của kiến trúc truyền thống pha lẫn vẻ đẹp mới mẻ của tây phương. Trước cổng hoàng cung Deoksu có nghi lễ đổi lính canh một ngày 3 lần lúc 11 giờ, 2 giờ, và 3 giờ 30 đẹp lộng lẫy và rất long trọng. Ngay giữa quảng trường Gwanghawmun ở trung tâm thủ đô có 2 bức tượng được toàn thể dân tộc Triều Tiên muôn đời kính ngưỡng. Bức tượng người đứng cầm kiếm cao 17 mét bằng đồng đen là Đô đốc Yun Sun-si, người đã đánh tan hạm đội Nhật xâm lăng vào ngày 26 tháng 10 năm 1597 tại eo biển Myeongyang, và bức tượng người ngồi đọc sách bằng đồng vàng cao 9.5 mét là Sejong The Great (trị vì từ năm 1418 đến năm 1450). Dười thời vua Sejong nước Triều Tiên tiến bộ rất nhiều về canh nông và khoa học như phát minh máy đo nước mưa, thiên văn cầu, đồng hồ mặt trời... Nhưng phát minh quan trọng nhất đã giúp dân tộc Triều Tiên thoát khỏi anh hai Nhật và anh ba Tàu đồng hoá là nhà vua đã phát minh ra chữ viết Hangeul tức hệ thống chữ viết Korean vô cùng đơn giản ngày nay hơn hẳn Tàu và Nhật đều lúng túng xếp chữ để gõ trên bàn phím computer. Một dân tộc dù hùng mạnh đến đâu mà không có chữ viết cũng sẽ bị đồng hoá hay mất gốc!
Chúng tôi vui chân theo hướng dẫn viên Thái-Thanh đi bộ ngang dọc thủ đô một hồi đến khu Insadong. Đường chính trong Insadong là Insadong-gil dẫn sâu vào nhiều ngõ ngách buôn bán nhộn nhịp như khu phố cổ Hà Nội. Insadong có rất nhiều tiệm ăn, hàng quán bán bánh kẹo truyền thống, tiệm đồ cổ và tranh ảnh nghệ thuật. Nơi đây vào ngày cuối tuần tiếp nhận hơn 100 ngàn du khách. Insadong là một trong vài nơi ở thủ đô du khách ngoại quốc thích đến thăm nhất. Một nơi khác cũng được ưa chuộng không kém là Bukchon Hanok Village. Đó là ngôi làng truyền thống được xây từ hàng trăm năm trước vẫn còn giữ được nét cổ kính nguyên vẹn. Nơi đây có nhiều quán ăn và quán bán nước trà pha chế đủ mùi vị hấp dẫn. Từ trên dốc cao ở làng Bukchon Hanok, Thái-Thanh chỉ Tháp Seoul xa tít, nói:
- Chúng ta sẽ đi đến đó ăn tối.
- Bố đã hết xí quách rồi!
Đêm cuối cùng, Thái-Thanh đãi bố mẹ ở quán ăn ngồi bệt trên sàn bên lò nướng có ống chụp hút khói đúng kiểu Barbecue Hàn Quốc ngon tuyệt cú mèo!
Sáng hôm sau gọi điện thoại chia tay Park, người bạn hôm nào cùng Hiking trên Buramsan. Park lập tức lái xe đưa vợ con đến mời chúng tôi bữa ăn chia tay.
Ôi... tôi yêu mến người bạn Hàn nầy và đất nước của anh vô cùng, nhưng nếu ở lâu thêm nữa, tôi chắc chết vì ăn!

Hình ảnh Hàn Quốc du ký tập 4, DMZ
April 4 - April 12, 2012

Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
\Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
uncleVinh
Post Reply