Hàn Quốc Du Ký tập ba (Gwangju & Jeju)

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Hàn Quốc Du Ký tập ba (Gwangju & Jeju)

Post by unclevinh »

Hàn Quốc Du Ký tập ba (Gwangju & Jeju)
Mộng-Lan & Thái-Vinh

Buổi chiều hôm đó từ Huedong vừa về đến bến xe Jindo tôi vọt trước vô phòng đợi coi có món gì để nhấm nháp; một lúc sau trưởng đoàn vào mặt có sắc giận. Té ra mới gây với tài xế một trận vì vé xe đã bị nhân viên kiểm soát vé ở Huedong thu mất mà tài xế cứ bắt khách phải trả tiền. Đã biết đi xe sợ nhất là cái màn mất vé thế mà vẫn bị! Chúng tôi không trở về Mokpo mà mua vé xe buýt đi tiếp Gwangju đêm nay. Trong lúc chờ xe mỗi người mua một gói mì Kimchi chế nước sôi ăn liền. Ôi... ở Hàn Quốc, ngay cả món mì gói tầm thường ăn cũng ngon hơn ở xứ khác! Xe chạy trong đêm tối đến Gwangju đã gần nửa đêm. Tôi lo thầm giờ này tìm phòng ngủ chắc sẽ bị chém mắc tiền; nhưng Motel ở các tỉnh phía nam Hàn Quốc có rất nhiều và giá rất bình dân, khoảng 30 đô la là có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Nhưng ô kìa, chúng tôi đang đứng trước một cái Motel trong đường hẻm treo đèn tím mờ ảo lại văng vẳng tiếng nhạc dìu dặt nghe có vẻ không đàng hoàng tí nào? Thì ra vì đất hẹp dân đông, ở chung cư chật chội không đủ chỗ riêng tư nên Motel là chỗ lý tưởng để hẹn hò rồi chia tay mạnh ai về nhà nấy ngủ.
Gwangju trước kia cùng nằm chung tỉnh Jeollanam-do với Mokpo đến năm 1986 thì do kỹ nghệ nặng bắt đầu bùng nổ được tách riêng ra thành một trung tâm hành chính, văn hoá, và thương mại riêng biệt. Gwangju là một loại thành phố tự trị tương đương như một tỉnh. Với diện tích khoảng 501 km2 và 1.5 triệu dân Gwangju được xếp hạng đô thị lớn thứ 6, sau Seoul, Busan, Incheon, Daegu, và Daejeon.
Trong Hàn Quốc Du Ký tập 2, có mẩu đối thoại giữa 2 du khách:
- Tắc xi ở Mokpo không sợ cảnh sát à?
- Nếu không gây tai nạn thì cảnh sát không xuất hiện vì cảnh sát bị dân chúng miền nam ghét!
- Hùm... bậy bạ quá; nhưng cảnh sát sợ dân tốt hơn là cảnh sát ăn hiếp dân.
Tại sao lại có chuyện ngược đời cảnh sát sợ dân vậy cà? Ước gì Việt Nam bây giờ có cảnh như vậy thì sướng biết bao! Khi Tổng thống Park Chung-hee (1917 - 1979), người được coi là cha đẻ của cuộc cách mạng canh tân và phát triển kỹ nghệ Hàn Quốc, bị ám sát chết vào ngày 26 tháng 10 năm 1979 thì Hàn Quốc rơi vào cảnh bất ổn chính trị triền miên giống như thời Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc binh biến giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963. Gwangju là thủ đô chính trị miền nam chống chính phủ quân đội độc tài. Ngày 18 tháng 5 năm 1980 Phong Trào Vận Động Dân Chủ Hoá ở Gwangju (The Gwangju Democratization Movement) do sinh viên và dân chúng nổi dậy, chiếm kho đạn, đồn cảnh sát, và kiểm soát toàn bộ thành phố. Thiết quân luật ban hành. Đúng 4 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm 1980, năm sư đoàn được lệnh tiến vào Gwangju chớp nhoáng dập tan phong trào dân chủ trong 90 phút. Kết quả hàng trăm xác chết được chôn trên đồi Mangwol-dong. Nhưng kể từ đó phong trào dân chủ hoá Hàn Quốc dần dần thành công. Hai vị Tổng thống gốc quân đội lần lượt phải rút lui. Kim Young Sam trở thành vị Tổng thống dân sự đầu tiên được bầu năm 1992. Từ đó để tránh nạn độc tài, hiến pháp Hàn Quốc cho phép Tổng thống chỉ được phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm mà thôi. Bắt đầu từ năm 1997, ngày 18 tháng 5 được quốc hội chính thức công nhận là ngày truy điệu phong trào dân chủ toàn quốc. Hai cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-Woo bị án tù chung thân, và Mangwol-dong trở thành nghĩa trang quốc gia năm 2002.
Sáng Chúa Nhật chúng tôi vác ba lô đến nhà ga Gwangju, ghé vào quán Dunkin's Donuts nếm lại hương vị món bánh rán trứ danh của Mỹ ngày nào. Dunkin's Donuts ở Mỹ quá ngọt mà người Mỹ lại lười tập thể dục sợ mập nên bây giờ ít người dám ăn món nầy. Dunkin's Donuts được du nhập vào Hàn Quốc từ năm 1994 nay đã phát triển nhanh chóng với hơn 500 quán. Bánh rán và cà phê Dunkin's Donuts là hai món ngon rất được dân chúng ưa chuộng.
Phái đoàn du lịch phía nam Hàn Quốc đến đây tách ra làm hai. Thái-Thanh và Peter lấy xe lửa đầu đạn từ Gwangju trở về Seoul; còn chúng tôi theo tua du lịch bằng xe buýt đi trọn một ngày coi cho biết vài cảnh đẹp ở Damyyang của tỉnh Jeollanam-do.
Biết bố thích phong cảnh thiên nhiên và các di tích văn hóa, Thái-Thanh ghi cho đi tua số 4 "Litterature and Pavilion Tour" được tổ chức mỗi tháng 2 lần vào ngày Chúa Nhật thứ hai và thứ tư. Tua khởi hành trước một quán ăn gần nhà ga Gwangju lúc 10 giờ sáng. Nàng ngắm các món ăn hấp dẫn quảng cáo dán đầy trước quán, rồi quyết định chiều nay chúng tôi sẽ về ăn tối ở đây. Tua hôm ấy chỉ có 12 người, thêm một nữ tài xế và một nữ hướng dẫn viên. Thấy chúng tôi ngơ ngác như vịt nghe sấm, hướng dẫn viên tá hoả cầu cứu trong đám du khách có ai biết tiếng Anh để làm thông dịch cho hai người Hàn Quốc mất gốc; nhưng không nghe ai tình nguyện làm cái việc mất thì giờ ấy. Nàng vui vẻ trấn an phái đoàn, "Đừng lo chúng tôi không hiểu; nhưng làm ơn đừng để chúng tôi lạc đoàn". Hai ba cái đầu gật gù làm chúng tôi an tâm. Xe chạy độ nửa giờ đã đưa chúng tôi ra ngoại ô đi vào một làng quê. Tỉnh Jeollanam-do là vựa lúa cho cả nước; nhưng mùa nầy chưa thấy lúa đâu, chỉ thấy ruộng ngập nước. Địa điểm thăm viếng đầu tiên là ngôi đền Myeonangjeong nằm trên ngọn đồi dưới chân núi Jewol. Muốn lên đền phải leo cầu thang đá khá cao đưa vào rừng trúc.
Myeonangjeong Pavillion xưa là trung tâm của hội thơ Honam dưới thời đại Triều Tiên (Honam lyric literary society of the Joseon dynasty) nay được xếp hạng lâu đài lịch sử số 6 của tỉnh Jeollanam-do. Myeonangjeong Pavillion do hội chủ Song Sun (1493 ~ 1583) xây năm 1533 dùng làm chỗ xướng hoạ thơ ca và bàn việc nước với các thi nhân và danh sĩ đương thời. Trong số đó có Lee Hwang (1501 ~ 1570) một bậc đại nho được in hình trên đồng bạc 1000 Won ngày nay. Ngôi đền gỗ trống trải hư hao đã được tái tạo nhiều lần. Mặt trước đền ngó vào rừng trúc không biết có gì đặc biệt; nhưng mặt sau nhìn qua bức màn thưa lá non của các cây sồi là một cánh đồng rộng thấp thoáng bóng cò bay đến tận dãy núi xa khơi nguồn cảm xúc cho hồn thơ thi nhân tuôn trào lai láng.
Địa điểm thăm viếng thứ hai: Damyang's Bamboo Forest.
Tục ngữ Hàn Quốc có câu "Một khu vườn không có tre như một ngày không có ánh mặt trời" (A garden without bamboo is like a day without sunshine). Không ngờ Hàn Quốc là một xứ lạnh lẽo lại có tre, mà tre mọc thành rừng. Rừng tre ở Jungnogwon trong quận Damyang nằm về phía bắc cách Gwangju 22 km là một công viên nổi danh thu hút du khách tìm đến gần gụi với thiên nhiên trút bỏ mọi phiền toái của đời sống đua chen hàng ngày. Tre ở đây không gai mọc cao vút che rợp bóng mát. Đi trong rừng thơm mùi tre, cảm khái nhớ ngôi làng cũ ở quê mỗi khi đi xa trở về vừa nhìn thấy vòm tre đầu làng là lòng bồi hồi biết đã gần tới nhà. Người Hàn Quốc trồng tre để ngắm và để làm gì nữa cà? Muốn biết phải đi thăm địa điểm kế tiếp. Đó không phải là nơi để coi mà để ăn. Món ăn ngon nhất ở Damyang là Daetongbap, cơm gạo dẻo trộn với chà là và hạt đậu bọc bằng giấy Hanji hấp trong ống tre. Khách ăn xong được giữ ống tre làm kỷ niệm. Ngoài món cơm trứ danh Daetongbap còn có cá chiên, xúp, đậu hủ, rau tươi, và không thể thiếu các món Kimchi. Nhờ ngồi ăn dưới đất theo truyền thống Hàn Quốc để chân cẳng đụng chạm lẫn nhau thân mật như trong gia đình, tôi được bà Kim May-Ja thương mến cứ mút đũa gắp thức ăn bắt ăn liên tục. Ông Namgoong Choon-Bai, chồng bà bây giờ mới mở miệng nói tiếng Anh. Ông lại nói được vài câu tiếng Việt nghe rất đã tai:
- Chào ông bà! Tôi là lính Đại Hàn thuộc sư đoàn Mãnh Hổ đóng ở Quy Nhơn...
- Trời ơi, vậy mà từ hồi nãy giờ sao không chịu nói? Ông là người bạn đồng minh của nước Việt Nam Cộng Hoà chúng tôi đó!
Cơm nước no nê xong, chúng tôi lên xe đi tiếp đến một xóm nhỏ gần chân núi phải xuống xe đi bộ qua cầu. Một ngôi nhà ngói đỏ hai tầng cao như toà lâu đài kia là trung tâm Chuwolsan Mountain's Yak Dasik của nữ sĩ Lee Sunja. Chồng bà tiếp khách đưa lên lầu gặp bà rồi lặng lẽ rút lui. Nơi đây là tàng kinh các chứa đủ loại sưu tầm từ cây cỏ và trái cây dại đến nhân sâm hiếm quý được ướp men đặc biệt đựng trong lọ thủy tinh chưng bày khắp lầu. Chuwolsan Mountain's Yak Dasik là một loại kẹo truyền thống của Damyang làm bằng bột dược thảo, bột trái cây củ dại, và bột gạo hòa với mật ong. Quá trình làm kẹo rất công phu, phải phơi khô, luộc, hấp, khuấy, trộn, xay... sao cho kẹo giữ được mùi vị ngọt, chua, đắng, bùi và mầu sắc thật tự nhiên lại ăn ngon và bổ dưỡng. Chủ nhân khoản đãi phái đoàn bằng một lớp dạy làm bánh cấp tốc miễn phí. Học trò làm xong ăn thử thấy nghèn nghẹn trong lòng như ăn phải bánh in đám giỗ.
Hàn Quốc hay toàn thể bán đảo Triều Tiên cũng giống như Việt Nam là nước có chung biên giới với Tàu và cùng bị Tàu đô hộ triền miên nên bị bịnh truyền nhiễm văn hoá Tàu rất nặng dứt không được; nhưng có cái nầy của Tàu đã bị một phong trào lãng mạn nhất của thi ca Việt Nam ra đời năm 1932 lên đến tuyệt đỉnh năm 1945 đánh đổ được đó là thơ Đường. Ở Damyang có nguyên một lâu đài sưu tập thơ cổ Gasa. Đó là Korea Gasa Litterature Collection Hall. Gasa là một thể thơ chịu ảnh hưởng thơ Tàu với hàng chuỗi song song; mỗi hàng chẻ ra thành hai vế bốn vần rất thịnh hành lúc triều đại Triều Tiên (1392-1910) mới thành lập. Ngoài là toà lâu đài thơ, nơi đây có ao cá vàng và phong cảnh rất tao nhã. Bên kia đường, trước khu rừng tre có vài cô gái bán trái cây dưới mấy cội anh đào nở hoa quá đẹp. Đâu ngờ đó là lối vào Soswaewon Garden, một khu vườn tiêu biểu rất được ưa chuộng vào giữa triều đại Triều Tiên. Soswaewon do Yang San-bo vẽ kiểu. Sau khi Jo Gwang-jo là sư phụ của ông bị giết trong cuộc thanh lọc chính trị năm 1519, ông treo ấn từ quan về quê dạy học và thực hiện khu vườn thơ mộng Soswaewon năm 1530. Dưới cầu có suối nước trong chảy róc rách đổ xuống hồ hoà vào rừng tre. Trong vườn có đền dùng làm học viện và chỗ ngắm hoa. Hoa anh đào trắng và hoa vàng San Su You ở Soswaewon đang nở rộ biến khu vườn thành chốn bồng lai níu chân chúng tôi ở lại; nhưng hướng dẫn viên ra dấu phải lên xe đi thăm tiếp cảnh chót Sigyeongjeong Pavilion. Lâu đài nầy gồm một dãy đền như cung điện mùa hè nằm bên bìa rừng rợp bóng cổ thụ và một ngôi đền nằm chênh vênh trên đồi soi bóng xuống hồ nước sông Yeongsanggang êm đềm. Sigyeongjeong Pavilion được ca tụng là nơi ngay cả bóng trăng cũng có thể tìm chỗ nghỉ ngơi nên được xem là đệ nhất cổ đài của tỉnh Jeollanam-do. Trong Sigyeongjeong Pavilion còn có một ngôi đền lưu giữ những bài thơ khắc trên thanh gỗ của Jeong Cheol (1536-1593) một chính trị gia và một thi sĩ nổi danh với thể thơ Gasa.
Hành trình "Litterature and Pavilion Tour" đến đây chấm dứt. Xe đưa chúng tôi trở lại trước quán ăn gần nhà ga Gwangju lúc 5 giờ 30 buổi chiều hôm đó. Thật là một chuyến du lịch rất thích thú và bổ ích giúp chúng tôi yêu mến con người và văn hoá của dân tộc Triều Tiên tăng thêm mấy phần. Giá vé đi tua lại rất rẻ, chỉ có 17 ngàn Won ($17 đô la) mỗi người bao gồm bữa ăn trưa với món Daetongbap ngon tuyệt cú mèo! Chia tay phái đoàn, nàng hăm hở bước vào quán mà sáng nay đã chọn sẽ trở về ăn tối. Chủ quán là một phụ nữ to béo tướng tá như đàn ông không biết tiếng Anh. Nàng coi hình vẽ trong tấm thực đơn rồi gọi rất nhiều món. Thức ăn được dọn ra nhanh chóng, nhưng không đủ nóng làm giảm hương vị thơm ngon quen thuộc. Mới gắp được vài ba miếng Kimchi, đã nghe chủ quán to tiếng với ai đó qua điện thoại làm tôi giựt mình. Một lát sau bà chạy ra xổ một tràng tiếng Hàn như muốn gây lộn với khách.
- Hình như bà muốn đuổi mình đi?
- Mặc kệ! Cứ ăn cho xong!
Điện thoại lại reo. Chủ quán vọt vô bên trong đấu một hồi rồi lại chạy ra ngó chúng tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Đến lúc nầy thấy tôi đã muốn chạy, mà chắc nàng cũng tạm no bụng nên trả tiền quách! Vừa đứng lên, chủ quán đã lập tức quơ dọn bát đĩa. Chúng tôi thoát ra ngoài đã nghe tiếng khóa cửa đóng cái rụp. Quán bên cạnh vẫn còn đông khách.
Chúng tôi lấy xe buýt trở lại Mokpo khoảng 10 giờ đêm hôm đó. Nàng dặn tài xế tắc xi đưa chúng tôi đến bất kỳ một Motel nào gần bến tàu thủy Mokpo Ferry Terminal. Sau một hồi hử, hả... chạy lòng vòng vì bất đồng ngôn ngữ, anh tài xế lanh trí gọi cho bạn gái biết nói tiếng Anh. Cuối cùng anh thả chúng tôi xuống một Motel có chủ đang đứng trước cửa hút thuốc lá chờ khách. Nàng coi phòng trọ sơ sài rồi bằng lòng ngay. Tôi còn lo ngại:
- Quên hỏi có Wi-Fi bắt Internet không?
- Đừng lo, Motel nào cũng có cả!
Nhưng cái Motel nầy đã không có Wi-Fi mà lại có mùi vị như nấm mốc. Chắc tại gần biển? Nhưng thôi, giá quá rẻ chỉ có 30 đô la mà! Sáng sớm hôm sau, vừa kéo màn cửa sổ ra đã thấy bến tàu Mokpo to lớn đứng sừng sững cách một con đường. Chúng tôi vui vẻ giã từ Mokpo đi tàu thuỷ ra thăm Jeju. Jeju có gì lạ không em? Có chứ sao không! Đầu năm 2007 Tổ chức "The New7Wonders of Nature" ở Swiss phát động cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trên trang Web và khoá sổ vào ngày 11 tháng 11 năm 2011. Kết quả 7 kỳ quan sau đây được chọn là "The New7Wonders of Nature:
Jeju Island (Đảo núi lửa ở South Korea), Halong Bay (Vịnh Hạ Long Vietnam), Iguazu Falls (Thác nước lớn nhất thế giới nằm giữa Brazil và Argentina), Puerto Princesa Underground River (Dòng sông ngầm ở Philipines), Komodo Island (Đảo rồng ở Indonesia), và Table Mountain (Núi Mặt Bàn ở South Africa).
Mùa thu năm 2007 chúng tôi làm một cuộc du lịch gần 2 tháng xuyên qua 5 nước Á Đông, lúc đến Việt Nam thấy toàn quốc đang lên cơn sốt thi đua chiến dịch lên mạng Internet bầu cho gà nhà vịnh Hạ Long bèn đi thăm cho biết kỳ quan nước Việt. Đến nơi du khách ngoại quốc và chúng tôi bị bọn lái thuyền lôi kéo chôm chỉa lường gạt hết hồn! Một kỳ quan của đất nước đang bị tàn phá bởi chính sách và bàn tay những con người ngu dốt. Vịnh Hạ Long đã 2 lần (năm 1994 và 2000) được cơ quan UNESCO công nhận là Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới (The World Heritage Site) chi tiền giúp đỡ, lại vận động vịnh Hạ Long trở thành một kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới được mà tại sao không biến vịnh hạ Long trở thành một công viên quốc gia (National Park) như Grand Canyon để bào vệ và chăm sóc cho toàn dân và thế giới đến chơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời ban cho nước Việt Nam?
Jeju là một hòn đảo do núi lửa tạo thành đã ngừng hoạt động từ 800 năm nay. Đây là đảo lớn nhất của bán đảo Triều Tiên; trước kia trực thuộc tỉnh Jeollanam-do đến năm 1946 trở thành Jeju-do (tiếng Hàn "do" nghĩa là "tỉnh") là một trong 9 tỉnh của Hàn Quốc. Jeju-do là tỉnh nhỏ nhất và được dân chúng Hàn Quốc ưa thích đi du lịch nhất. Tám tỉnh kia là Gyeonggi-do, Gangwon-do, Chungcheongbuk-do, Chungcheongnam-do, Jeollabuk-do, Jeollanam-do, Gyeongsangbuk-do, và Gyeongsangnam-do. Thế giới biết tiếng Jeju nhờ Jeju World Cup Stadium ở Seogwipo là một trong mười sân vận động ở Hàn Quốc được chọn thi đấu giải đá bóng thế giới năm 2002. Đến năm 2006 Jeju lại được phong thêm tước Jeju Special Self-Governing Province là một tỉnh tự trị đặc biệt, được giảm thuế và tự hoạch định kế hoạch bỏ mọi thủ tục rắc rối để thu hút ký kết đầu tư với nước ngoài biến Jeju thành một thành phố tự do quốc tế (Free International City).
Đảo Jeju có hình dạng như mu rùa với bề dài 45 dặm (72 km), rộng 25 dặm (40 km), diện tích 714 dặm vuông (1849 km2), và dân số trên nửa triệu người. Thủ đô của Jeju là Jeju City nằm ở phía bắc, và thành phố lớn thứ hai nằm ở phía nam là Seogwipo. Tâm điểm của Jeju là Hallasan, ngọn núi cao nhất Hàn Quốc cao 6400 feet (1950 m). Jeju vừa là một di sản thiên nhiên thế giới với đảo nủi lửa (Jeju Volcanic Island) và các ống nham thạch (Lava Tubes) vừa là một kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng giống như vịnh Hạ Long.
Đảo Jeju nằm trong eo biển (The Korea Strait) giữa Japan và Korea, cách đất liền 81 dặm (130 Km). Star Cruise là loại phà chở khách giá vé 30 ngàn Won (30 đô la) và chở cả xe hơi khởi hành từ Mokpo Ferry Terminal lúc 9 giờ sáng đến Jeju City 1 giờ 20 chiều. Hôm chúng tôi đi không biết nhằm ngày gì mà thuyền chở học trò và các bà góa đông quá trời? Chúng tôi thả 2 ba lô vào phòng ngủ tập thể số 431 chứa khoảng 20 du khách nằm lăn lóc dưới sàn gỗ, rồi dạo chơi khắp nơi trên con thuyền cao lớn 6 tầng. Tầng dưới nhất chở xe cộ; các tầng còn lại chỗ nào cũng có người nằm ngủ ngon lành. Đám học trò và du khách mới đi lần đầu như chúng tôi túa ra boong tàu ngắm cảnh Mokpo, nhịp cầu treo trứ danh Jindo, và vô số đảo nhỏ nhấp nhô êm đềm trên biển trôi lùi dần phía sau cho đến lúc cảm thấy lạnh và không còn gì để coi ngoài sóng nước mênh mông, chúng tôi vào phòng ăn miễn phí. Ăn xong tới màn văn nghệ do cặp nghệ sĩ Philipines đàn hát rất giật gân làm vài bà góa ngứa ngáy rủ nhau ra trổ tài giật tới giật lui. Nhưng mới qua lại vài chiêu lả lướt liền bị một nhân viên giữ trật tự hùng hổ xông ra cấm cản; nhưng sức mấy mà cấm nổi các bà góa! Các bà dùng chiến thuật biển người ùa ra ôm nhảy loạn cào cào làm lão già giữ trật tự khó tánh trốn mất!
Đến Jeju không giống như đến vịnh Hạ Long bị dàn chào, lôi kéo, hay chôm chỉa chi cả; chỉ thấy một hàng xe tắc xi đậu chờ rất trật tự. Chương trình viếng thăm đảo Jeju của chúng tôi vỏn vẹn 2 ngày 1 đêm, nên không ghé vào coi thủ đô Jeju City. Vừa leo vô tắc xi lại gặp phải vấn đề bất đồng ngôn ngữ quen thuộc. Nàng nói vắn tắt:
- Seogwipo.
- Hử?
- Seogwipo!
- Hả!
Tắc xi đậu phía sau bóp còi liên tục làm tài xế lập tức vọt xe. Thay vì chạy đến một chỗ nào đó ngừng lại hỏi khách muốn đi đâu, lão lính quýnh chạy ra xa lộ. Được một lát lão bốc phôn gọi cho ai đó, rồi đưa cho nàng nói chuyện. Người bên kia đầu dây nói:
- Đi Seogwipo nên lấy xe buýt.
- Thế đi tắc xi giá bao nhiêu?
- Phải hỏi tài xế có chịu đi Seogwipo, hay không?
Nàng hỏi tài xế:
- 25 ngàn Won đi Seogwipo nha?
Ngó qua kiếng chiếu hậu thấy mặt tôi giống người bản xứ, lão quay ra hỏi:
- Công-công?
Tôi nào biết "Công-công" nghĩa gì; chỉ biết "Yes" là "Heh" và "No" là "Ah-nee-yo" bèn nói đại:
-Ah-nee-yo.
Lão thở dài, chạy thêm một lúc rồi tấp vô bãi đậu xe bên núi. Vừa ngó thấy một nhóm Hiking trong rừng đi ra và bảng chào mừng của Hallasan National Park, biết chạy chưa được nửa đường, nhưng chúng tôi mừng rỡ xuống xe. Nàng đưa lão 25 ngàn Won và bập bẹ nói "Kam-sa-ham-ni-da". Lão mỉm cười ra dấu đón xe buýt tại đây.
Một cô nhân viên ở Hallasan National Park thấy 2 Tây Ba Lô muốn leo núi lấy làm thích thú, hỏi:
- Các bạn từ đâu tới?
- Bọn ta từ Grand Canyon lên.
- Ồ... tiểu muội đã đến kỳ quan đó một lần.
- So với Hallasan thế nào?
- Khác quắc hà!
- Vậy cho bọn ta gửi ba lô, được không?
- Được, nhưng giờ nầy không thể leo tới đỉnh!
- Bọn ta chỉ muốn Hiking một tí tí cho biết mùi Hallansan thôi.
Rừng Hallasan còn thưa lá; sạn đạo được cải tạo rất công phu và dễ đi. Tuy chỉ cao 6400 feet (1950 m) còn thấp hơn Four Peaks ở Arizona, nhưng dài hơn 6 dặm (9.6 km). Đi chỉ mới được 1 dặm đã thấy bảng cảnh cáo, "Từ đây đến trạm nghỉ Jindallaebat còn cách 6 km (3.75 dặm); bạn phải đến đó trước 12 giờ 30 phút. Nếu không, đừng cố lên đỉnh!" Chúng tôi dạo chơi độ 45 phút, rồi quay trở xuống lấy ba lô, đến giếng nước lấy gáo hứng uống nước suối trong mát từ trên đỉnh Hallasan chảy xuống.
Xe buýt thả hai Tây Ba Lô ngơ ngác bước xuống Seogwipo.
- Kia có bảng chỉ đi coi thác nước Jeongbang bên trái.
- Phía bên phải lại có thác nước Cheonjiyeon.
Jeongbang, Cheonjiyeon, và Cheonjeyeon là 3 thác nước nổi danh ở Jeju. Jeongbang cao 75 ft (23 m) là thác nước chảy xuống ngay bãi biển đá giống như một bãi trứng nên thu hút đông du khách nhất. Vào coi thác nước phải mua vé. Bên cạnh lối vào có hàng quán bán quà lưu niệm đặc sản của Seogwipo như kẹo cam, kẹo xương rồng, quýt Jeju ... Tôi mê ăn kẹo xương rồng; còn nàng nếm quýt Jeju, nhưng lại chọn mua một quả dừa:
- Uống cho biết mùi trái cây xứ đảo.
Thấy vỏ dừa trắng trẻo, tôi hơi nghi ngờ:
- Dừa Jeju hả?
Cô chủ trả lời thật thà:
- Jeju làm gì có dừa!
- Hèn chi đi từ bắc xuống nam không thấy một bóng dừa. Thế nhập từ đâu?
- Việt Nam.
Nàng vừa nhấp vài ngụm nước dừa, nghe hai tiếng thân thương Việt Nam vội vàng để quả dừa xuống trả tiền đi ngay.
Seogwipo chỗ nào cũng có hoa. Nổi bật nhất là hoa cải vàng xen lẫn hoa anh đào mầu đỏ và mầu trắng tạo Seogwipo như một thảm hoa trên biển. Chúng tôi vào vườn Seobok Exhibition Hall xây bên cạnh thác nước Jeongbang say sưa ngắm hoa và cảnh biển chiều đến lúc ánh mặt trời sắp tắt mới đi tìm quán ăn. Ngang qua mấy tiệm ăn dọc đường, tôi thấp thỏm muốn vào; nhưng nàng làm lơ ra vẻ đã biết quán ngon ở đâu, cứ đi miết rồi quẹo lên dốc thật cao. Cuối cùng vào Daechungmaru, một quán ăn ngồi bệt xuống sàn theo truyền thống Hàn Quốc, nhưng lần nầy thú vị hơn vì đói bụng và vì mỗi món ăn được khéo léo từ từ đem ra cho khách thưởng thức trọn vẹn và được một người chuyên môn tiếp khách giải thích bằng tiếng Anh rành rẽ. Tổng cộng hơn 20 món ăn lạ rất ngon miệng.
Motel Gang Su Gak ở gần quán ăn, giá vẫn chỉ 30 đô la. Chủ nhân nói tiếng Anh, rất thân thiện và hiền lành. Suốt đêm hôm đó và ngày hôm sau trời đổ mưa không dứt. Lúc chia tay, bà tặng cây dù che mưa và chỉ đường cho chúng tôi ra bến xe buýt. Phố xá vắng vẻ chỉ có hai nhóm người mặc áo mưa mầu xanh và mầu đỏ đứng đối diện hò hét vận động tranh cử cho gà nhà. Xe buýt tuyến đường Donghue từ Seogwipo trở về Jeju City chạy dọc theo biển phía bắc xuyên qua nhiều làng nhỏ xinh xắn trồng toàn anh đào dưới mưa rụng hoa trắng dọc hai bên đường đẹp não nùng. Đến một trạm kia có hai mẹ con lên xe dáng chừng như hai người đăng ký lao động ở Hàn Quốc nói khẽ với nhau bằng tiếng Việt. Chúng tôi chưa được cơ hội làm quen thì hai mẹ con đã xuống xe ở trạm kế tiếp. Xe chạy khoảng 1 giờ 20 phút thì tài xế ra dấu đã đến chỗ cho chúng tôi xuống xe để đi bộ hay lấy tắc xi vì trời mưa vào thăm Manjanggul Cave, một Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới (UNESCO's World Natural Heritage).
Manjanggul Cave là một trong các đường hầm nham thạch hoàn hảo nhất thế giới. Toàn bộ đường hầm 2 tầng nầy dài hơn 13 Km (8.5 dặm), nhưng chỉ được mở một đoạn dài 1 Km cho công chúng vào coi. Đường kính hầm rộng từ 3 đến 20 m (65.6 ft). Nhiệt độ quanh năm trung bình từ 10 đến 20 ºC (68 ºF) là tổ ấm của nhện, rít, và loài dơi ngón tay dài. Giữa hầm có một tảng nham thạch với hình dáng y hệt hòn đảo Jeju được gọi là Đá Rùa. Cuối đoạn đường hầm dài 1 Km ấy là một cột nham thạch (Lava Tube) cao to ngoằn ngoèo như quái vật đứng chắn đường. Cột nham thạch ấy do dòng dung nham đang chảy trong ống phía trên đột ngột phá thủng lỗ chuyển hướng chảy xuống ống phía dưới thoát ra ngoài trông rất kỳ bí.
Cuộc du lịch đến đây kết thúc; tuy ngắn ngủi, nhưng đã mãn nguyện được tận mắt ngắm 3 cảnh đẹp tiêu biểu của đào hoa đảo Jeju là Hallasan National Park, Jeongbang Waterfall, và Manjanggul Cave. Chúng tôi lấy tắc xi đến thẳng phi trường Jeju để bay về Seoul. Mưa bên ngoài vẫn rơi. Ngó lại hoả diệm viên Manjanggul đã phủ trắng một mầu hoa anh đào.

Hàn Quốc du ký tập 3 (tiếp theo)
Jeju

April 4 - April 12, 2012

Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
uncleVinh
Post Reply