Hàn Quốc Du Ký tập 2

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Hàn Quốc Du Ký tập 2

Post by unclevinh »

Hàn Quốc Du Ký tập 2
Mokpo & Jindo
Phái đoàn:Mộng-Lan, Thái-Thanh, Peter, và Thái-Vinh


Mokpo là thành phố nằm tận cùng ở mũi tây nam của bán đảo Hàn Quốc thuộc tỉnh Jeolla. Với hơn 1400 đảo nhỏ nằm rải rác bên ngoài tạo Mokpo thành vựa cá thiên nhiên và là hải cảng thương mại quan trọng thông ra Hoàng Hải (Yellow Sea) nối liền trục giao thương giữa Tàu và Nhật. Từ Seoul đi Mokpo không có phương tiện nào vừa nhanh và vừa khoẻ bằng Bullet Train; giá vé 44,700 Won ($44.7 đô la) mỗi người. Nói tới Bullet Train (xe lửa đầu đạn) mới thấy buồn cho dân Mỹ mỗi khi ra khỏi nhà, dù đi làm, đi ra đầu đường mua thuốc, hay chẳng biết đi đâu... cũng không muốn phiền ai làm tài xế, chỉ thích chính tay cầm lái khiến xe cộ càng ngày càng đông mà đường xá lại giới hạn gây nạn kẹt xe và tốn kém xăng nhớt chỉ làm giàu thêm cho các hãng xăng và các nước sản xuất dầu lửa. Dân chúng ở các thành phố lớn, New York hay San Francisco... đều biết tiện nghi của các phương tiện chuyên chở công cộng như Metro, Subway, hay Light Rail chạy quanh quẩn trong thành phố; nhưng đã biết bao lần các dự án xây dựng đường xe lửa cao tốc (High Speed Rail) với vận tốc đạt tới 300 km giờ (186 mph) ở khắp nước Mỹ đều bị chống đối vì đa số dứt khoát nói dù có cũng không đi, không muốn nghe tiếng ồn quá lớn, và nhất là không muốn trả thêm thuế. Lại còn đàng sau các tiếng nói chống đối đó có bàn tay lông lá của các đại công ty xăng dầu, xe hơi, máy bay, và các nhà làm luật ở Quốc Hội Mỹ đã bỏ túi rất nhiều tiền vận động tranh cử từ các đại công ty này thọc vào âm thầm cắt các nguồn tài trợ khiến nước Mỹ thụt lùi về kỹ thuật giao thông công cộng tiện ích của loại xe lửa đầu đạn vô cùng nhanh chóng và thú vị. California là tiểu bang duy nhất ở nước Mỹ đang có chương trình lắp đặt đường rầy xe lửa đầu đạn có thể chạy nhanh 354 kmh (220 mph), nhưng đang bị chống đối chưa biết số phận con đường xe lửa đầu đạn nối liền San Francisco với Los Angeles sẽ ra sao. Nhật là nước đi tiên phuông về loại xe lửa đầu đạn Shinkansen nối liền Tokyo và Osaka năm 1964; rồi Pháp khánh thành đường xe lửa TGV (Train à Grande Vitesse) nối liền Paris với Lyon năm 1981. Ngày nay các nước Âu Châu, Hàn Quốc, và Tàu đều có và đang tiếp tục phát triển đường xe lửa đầu đạn càng ngày càng tinh vi hơn. Thấy họ có mà thèm!
KTX (Korean Train Express) là xe lửa cao tốc của Hàn Quốc dựa theo kỹ thuật TGV của Pháp. Hàn Quốc hiện có 2 tuyến đường xe lửa đầu đạn chính. Tuyến đường Gyeongbu từ Seoul đi Busan, và tuyến đường Honam từ Seoul đi Mokpo. Bắt đầu từ năm 2004, mọi dịch vụ xe lửa tốc hành từ thủ đô được di chuyển từ ga Seoul ra ga Youngsan ở Youngsan-gu, một trong 25 Gu (District) của Seoul, là trung tâm thương mại sầm uất nằm cạnh bờ sông Hán (Han River). Phái đoàn đi Mokpo lần nầy do Thái-Thanh làm trưởng đoàn, được tăng cường thêm Peter, bạn học cùng trường UC San Diego với Thái-Thanh, nay đang khoác áo chiến binh Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Chúng tôi gặp Peter tại nhà ga Youngsan, kéo nhau vào quán mỗi người làm một bát xúp; mỗi bát nấu nguyên một con gà, lại dồn thêm Kimchi đủ loại cho ấm bụng đường xa. Xe lửa khởi hành lúc 9:40 đêm Thứ Sáu. Nếu chạy tốc độ tối đa 300 kmh thì khoảng đường Seoul-Mokpo dài 407.6 km chỉ mất khoảng 1 giờ 36 phút; nhưng tàu chúng tôi phải ghé 10 ga, đến ga cuối cùng là Mokpo lúc 1 giờ kém 5 phút sáng ngày Thứ Bảy. Phố xá vắng vẻ. Thấy tắc xi chạy đến đèn đỏ ngó hai bên không có xe đến cứ tiếp tục vượt qua luôn, tôi hỏi Thái-Thanh:
- Tắc xi ở Mokpo không sợ cảnh sát à?
- Nếu không gây tai nạn thì cảnh sát không xuất hiện vì cảnh sát bị dân chúng miền nam ghét!
- Hùm... bậy bạ quá; nhưng cảnh sát sợ dân tốt hơn là cảnh sát ăn hiếp dân.
Mokpo có gì đáng coi không hè? Chắc là có đó vì uống cà phê và ăn mì gói Kimchi trong Motel xong, Thái-Thanh dẫn phái đoàn đi bộ trên con đường tráng nhựa bằng vỏ bánh xe để dân chúng tập thể dục chạy êm chân dọc theo bờ biển. Dưới thuyền đã có đôi vợ chồng yên lặng sửa soạn lưới cá; một phụ nhân đang lội nước móc bùn bắt sò; xa xa cây cầu Mokpo bắc qua eo biển in lên bầu trời xanh buổi sớm mai tuyệt đẹp. Chúng tôi đi ngang qua Gatbawi, hai tảng đá kỳ dị mọc cạnh bờ biển phía đông của hải cảng Mokpo. Hình dáng của hai tảng đá ấy bị gió mưa, nước biển, và thời gian gậm nhấm khoét dần biến thành hai chiếc mũ lụp xụp. Theo truyền thuyết ghi lại, ngày xửa ngày xưa có chàng trai hiền lành làm nghề bán muối cực khổ nuôi cha già đau ốm. Người con muốn có tiền chữa bịnh cho cha, nên tạm xa nhà một tháng đi làm công cho một điền chủ. Anh làm việc siêng năng và đàng hoàng, nhưng bị lường gạt không được trả công. Khi về nhà thì cha đã chết khiến anh vô cùng hối hận. Ít nhất anh phải làm sao cho cha được thoải mái ở kiếp sau; chẳng ngờ lúc mang quan tài đi chôn bị sút tay rớt xuống biển. Anh đau khổ, đội mũ tre, thề nguyền ngồi đó cho đến chết cũng không nhìn trời. Sau khi anh chết đi, hai tảng đá dưới biển nhô lên thành Gatbawi. Gatbawi là một trong tám cảnh đẹp ở Mokpo, và được công nhận là Lâu Đài Thiên Nhiên thứ 500 của Hàn Quốc. Tôi chạy lên đồi, coi phía sau hai chiếc mũ đá lụp xụp không ngờ lạc vào một rừng đào đang nở bông trắng xoá. Lúc đi xuống, thấy Peter đang phụ giúp cặp vợ chồng căng lều bán hàng. Từ trong căn nhà ven chân đồi 3 con chó Jindo chạy ra, ngó tôi không sủa một tiếng. Tôi ở chơi với chúng một lát nghe tiếng réo gọi ơi ới đi coi viện bảo tàng.
Nước Tàu đang nổ lực chạy đua sức mạnh quân sự để theo kịp và qua mặt Mỹ, đặc biệt là về hải quân chủ trương nước nào kiểm soát mặt biển là kiểm soát được thế giới. Ngày ấy chưa đến mà đã hung hăng tuyên bố làm chủ gần hết Biển Đông khiến thằng em láng giềng sợ im re? Ở Mokpo có viện bảo tàng hàng hải rất đáng coi là National Maritime Museum. Nơi đây đúng là tàng kinh các, tàng trử vô số kỳ bảo bí kíp bị chôn vùi lâu năm dưới đáy biển; từ Shinan Treasure Ship của Tàu chở 7 triệu đồng tiền đúc bằng đồng nặng 28 tấn bị đắm năm 1323 mới khai quật lên năm 1975 cho đến chiến thuyền con rùa (Quy Bối Thuyền) phủ giáp sắt của thủy quân Triều Tiên lừng danh trong trận chiến đánh tan hạm đội Nhật ở eo biển Myeongyang. Ngoài sân viện bảo tàng hàng hải còn trưng bày hai chiếc thuyền tị nạn bất hợp pháp làm sao ngó lơ được? Vì mình cũng từng là một thuyền nhân tị nạn mà! Chiếc thuyền thứ nhất dài 14 m, rộng 3.2 m, đáy sâu 1.3 m do 5 người Việt trẻ vượt biển từ Việt Nam ngày 20 tháng 9 năm 2000 đến vùng đảo Gageo-do vào ngày 30 tháng 10 năm 2000. Gageo-do là một trong những hòn đảo xa xăm nhất của Hàn Quốc nằm về phía tây nam cách Mokpo 140 km. Chiếc thuyền thứ hai "Made in China" dài 13 m, rộng 3 m, đáy bằng, sâu 0.85 m do 11 người Tàu vượt biển bắt chước chiếc thuyền tị nạn bất hợp pháp của 5 người Việt cũng tấp đến vùng đảo Gageo-do tháng Sáu năm 2008. Thuyền nằm đó, nhưng không biết số phận của 2 nhóm người tị nạn bất hợp pháp ấy bây giờ ở đâu?
Thấy tôi cứ mãi đứng ngắm si mê chiếc thuyền vượt biên của người tị nạn Việt Nam, phái đoàn đang bước lên tắc xi gọi to: "Nhanh lên cho kịp chuyến xe buýt đi Jindo!"
Jindo cách Mokpo 120 km. Từ Mokpo đi Jindo chỉ còn đường đi thuyền hay đi xe buýt. Chúng tôi đến bến xe Mokpo Bus Terminal làm một bụng "All you can eat" chỉ tốn 6400 Won mỗi người mà có đủ các món ăn ngon như cơm rang, cá chiên, xúp, xà lách, và không thể thiếu hương vị món Kimchi trước khi lên xe đi Jindo. Xe buýt từ Mokpo sang Jindo đi qua eo biển Myeongyang nơi đây vào ngày 26 tháng 10 năm 1597 trong thời Trận Chiến Bảy Năm (The Seven Year War) Đô đốc Yi Sun-sin của Triều Tiên chỉ còn lại 13 chiếc thuyền con rùa đã giăng cáp sắt ngầm dưới biển chờ nước thuỷ triều xuống xông ra đánh tan một hạm đội 133 thuyền chiến hùng hậu của Nhật. Chiến công đó tựa như chiến tích Bạch Đằng Giang oai hùng của thuỷ quân Việt Nam hai lần đánh tan quân Nam Hán và quân Nguyên Mông Cổ. Bên eo biển Myeongyang có dựng pho tượng Đô Đốc Yi Sun-si đứng oai nghiêm như thiên thần chỉ tay xuống nước lại càng giống như pho tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị Đệ Nhất Danh Tướng nước ta ở bến Bạch Đằng.
Xe buýt chạy khoảng 1 giờ đến Jindo Bus Terminal. Đến đây lại phải xuống xe sắp hàng mua vé xé buýt thành phố để đi Hoedong-ri. Mỗi ngày có 9 chuyến xe; vào các ngày lễ hay hội hè như hôm nay có thêm các chuyến đặc biệt chạy suốt, không ghé các trạm dọc đường. Ở bến xe Jindo, biết tiếng Anh tiếng U cũng như không. Du khách ngoại quốc hôm nay đông áp đảo dân bản địa, cứ thấy chiếc xe buýt nào trờ tới đều vội vàng cầm vé bước đại lên, ú ớ một hồi lại phải bước xuống đứng hồi hộp chờ tiếp.
Jindo với diện tích 363 km² là đảo lớn thứ ba sau Jeju và Geoje của Hàn Quốc, nổi tiếng trên thế giới với hiện tượng thiên nhiên bí ẩn mỗi năm hai lần vào khoảng tháng Ba đến tháng Sáu một con đường hiện ra giữa biển, được ví như "Moses Miracle". Theo sách Exodus trong kinh Cựu Ước, nhờ phép lạ của Đức Chúa Trời tách đôi Biển Đỏ (Red Sea) thành một con đường dưới đáy biển cho Moses dắt dân Do Thái chạy về miền đất hứa, trốn thoát khỏi 300 ngàn binh của vua Pharaoh Ai cập truy nã. Khi thuỷ triều xuống, một con đường sỏi đá, rộng khoảng 40 m và dài 3 km lộ ra độ 1 giờ nối liền Jindo với đảo nhỏ Modo. Hiện tượng nước thuỷ triều xuống quá thấp nầy được truyền thuyết giải thích ghi lại bên hông tượng đài "Grandmother Ppong and the Tiger" rằng vào năm 1480, Son Dong Ji bị án tù lưu đày sang đảo Jeju. Trên đường đi, thuyền bị bão táp đánh trôi giạt vào Hoedong, xứ cọp. Son Dong và hậu duệ sống lưu lạc ở đó. Cuộc sống rất khó khăn và dân làng thường bị cọp tấn công vồ chết rất nhiều bèn đóng thuyền chở nhau trốn sang đảo Modo bên cạnh. Trong làng chỉ còn một mình lão bà Ppong chạy không kịp. Bà cầu nguyện ngày đêm xin Long Vương Thần Biển phù hộ cho bà được gặp lại gia đình. Vào một đêm trăng đầu tháng Ba kia, Long Vương hiện ra trong giấc mơ báo cho bà biết, "Ngày mai ta sẽ gửi một chiếc cầu vồng xuống biển cho bà cỡi lên đi sang đảo Modo." Khi thức dậy, bà lập tức chạy ra biển quỳ xuống cầu nguyện. Tức thì một chiếc cầu vồng năm sắc từ từ nổi lên mặt nước nối liền Jindo với Modo. Lão bà Ppong vô cùng mừng rỡ bước lên cầu vồng và dùng hết tàn lực chạy thật nhanh. Nhưng hỡi ơi, sức bà mới chạy được nửa đường đã ngã gục. Bên kia Modo, con cháu chạy ra bế được bà đang hấp hối trên tay mà vẫn nở nụ cười trối trăng rất vui mừng được Long Vương Thần Biển giúp bà đoàn tụ gia đình. Dân chúng ở đảo Jindo từ đó hàng năm đều tổ chức ngày hội Yeongdeung (Jindo Miracle Sea) náo nhiệt tưng bừng và cuộc vượt biển rất hào hứng; nhưng thế giới chỉ mới biết tiếng hiện tượng thiên nhiên độc đáo nầy vào năm 1975 khi Pierre Randi, vị Đại sứ Pháp tại Hàn Quốc đã viết trên một nhật báo Pháp về chuyến viếng thăm Jindo.
Xe chạy khoảng 40 phút đến bến Hoedong-ri. Quảng trường tổ chức "Jindo Miracle Sea Festival" ở ngay trước bến xe sát bờ biển đang rộn rịp với rừng cờ chào đón hàng trăm ngàn tài tử và giai nhân trang bị quần áo đủ màu sặc sỡ. Vé tham dự Jindo Miracle Sea Festival 5000 Won. Vào cửa xong, đổi vé lấy phiếu thưởng tương đương 5000 Won có thể dùng mua thức ăn hay quà cáp tùy thích; coi như vào xem hội không tốn một xu! Ngoài biển có hai hòn đảo nhỏ nằm yên lặng chờ đợi. Không biết con đường biển (The Sea Road) chốc nữa nổi lên sẽ nối Jindo đến hòn đảo nào vì có thấy gì đâu; chỉ thấy một lô thuyền cắm cờ lượn đùa trên sóng nước. Bấy giờ mới 1 giờ 30 chiều; còn thêm 2 tiếng rưỡi nữa Long Vương Thần Biển mới thả cầu vồng. Du khách tha hồ coi văn nghệ hay chen lấn dạo chơi và nếm các món ăn đặc sản của Jindo; còn dân bản địa từ con nít đến người lớn, mỗi người cầm hai ba cái túi nhựa to, hào hứng xuống bãi biển cạy đá bắt sò hay vớt rong biển (Seaweed). Thấy mẹ con nàng đứng ngó một nồi thức ăn như đậu phụ rán vàng nuốt nước miếng; tôi lại dòm rõ ràng là loài nhộng trần truồng. Nàng tiếc, "Ai lại đi luộc; mấy con nầy phải rang ăn mới bùi!" Tôi vội vàng bước đi chỗ khác. Sân khấu ca múa được kiến tạo thành hình một con sò há mồm xoay lưng ra biển. Khán giả ngồi trên từng bậc thang leo lên đồi thông và các dãy ghế hai bên say sưa thưởng thức các vũ khúc, từ dân gian như múa Pungmul (múa trống ngày mùa) do trai làng khoẻ nhanh nhẹn biểu diễn vừa đánh trống vừa nhảy múa xoay tròn không ngừng, đến truyền thống như múa Buchaechum (múa quạt) do các thiếu nữ xinh đẹp trong quốc phục Hanbok tha thướt bay lượn chập chờn như bướm vờn hoa đẹp mê hồn. Dọc theo bờ biển còn có nhóm nghệ sĩ lên đồng hát say sưa bên cạnh miếu thờ bà Ppong khói hương nghi ngút với mâm quả, đầu heo... khách sắp hàng sì sụp cúng lạy xin ơn bà già phù hộ. Địa diểm chính vượt biển là tượng đài đá "Grandmother Ppong and the Tiger". Chưa đến giờ xuất biên mà đã đông nghịt người háo hức ngồi chờ. Tôi cởi giày xuống bãi đá coi dân chúng bắt sò và vớt rong biển một hồi chịu hết nổi, chạy lên báo cáo, "Nước biển lạnh lắm!" Mẹ con nàng và Peter rủ nhau đi mua thức ăn; nhưng lại đổi ý, đưa 2 phiếu thưởng lấy đôi giày ống màu cam tặng cho tôi; còn Peter đổi 1 phiếu thưởng lấy đôi giày thường bằng nhựa. Nhìn quanh thấy toàn bộ đám du khách ngoại quốc lúc nầy đã trang bị giày ống sẵn sàng, đứng cười đùa. Mẹ con nàng sợ nước lên chạy không kịp nên ngồi trên bờ coi cho khoẻ. Thình lình ở đâu đó có một tiếng súng nổ, rồi tiếng trống trận và cờ xí do toán tế Long Thần đứng dưới nước phất lên. Mặt nước nhanh chóng rút xuống theo nhịp trống hối thúc để lộ ra một con đường sỏi đá. Lập tức hàng nghìn người vận áo quần và giày dép lội nước đủ màu hân hoan bước lên. Con đường đó tức thì biến thành một cái cầu vồng trăm sắc dài đến tận hòn đảo nhỏ Modo nằm bên phải. Du khách vừa đi vừa đùa giỡn chụp hình; còn dân bản địa nhào ra chụp bắt vô số binh tướng của Long Vương Thần Biển đi chơi mắc nạn hiện nguyên hình thành đám tôm, cua, sò, ốc, cá, bạch tuộc... vẫy vùng tìm đường thoát thân! Tôi đang thích thú lay hoay chụp hình một con sao biển màu xanh (Blue Starfish) tuyệt đẹp, bỗng đâu một bàn tay phía sau thò tới chộp ngay con vật hiền lành bỏ vô túi nhựa! Tôi mãi mê vui chân theo đoàn du khách trẻ đi gần tới đảo Modo, ngó lại không thấy Peter đâu, chỉ thấy chiếc cầu vồng trăm sắc kỳ diệu theo ánh nắng chiều từ từ mờ dần, bèn vội vàng quay đầu trở lại Jindo. Lúc nầy nước đã lên ngập bàn chân, dân bản địa quay ra vớt rong biển. Gặp lại Peter đang ngồi chà xát đôi chân cho ấm. Thế mới biết đi cầu vồng phải cần mang giày ống. Tôi cởi đôi giày kỷ niệm gói lại, đưa Thái-Thanh giữ để dành lần sau biết đâu sẽ trở lại Jindo. Trên đường ra, thấy các nghệ sĩ lên đồng đã dọn mâm quả và rượu chè cúng bà Ppong ra chiếu đất ngồi nhâm nhi; lại có thêm vài ba du khách ngoại quốc trẻ nhào vô góp miệng ăn rất tự nhiên.
Ngoài hiện tượng độc đáo "Jindo Miracle Sea", Jindo còn nổi tiếng với giống chó hiếm Jindotgae, một loại Quốc Bảo Cẩu (Korean National Dog) có "cầu chứng tại toà" và được công nhận là Báu Vật Thiên Nhiên (Natural Treasurer) thứ 53 của Hàn Quốc từ năm 1962 qua sắc lệnh "Jindo Preservation Ordinance". Chó Jindo thông minh, nhanh nhẹn, biết phân biệt người lạ là bạn hay thù nên không sủa bậy; nhưng can đảm, và tuyệt đối trung thành. Chó Jindo rất dễ nhận diện với mặt rộng không có nếp nhăn, tai vểnh hình tam giác, lông dày mượt, đuôi dài cuộn cong để ngược trên lưng như đuôi chồn. Vài giai thoại về lòng trung thành tuyệt hảo của loài chó Jindo:
Năm 1993 một chị Jindo tên Baekgu 7 tuổi bị Bak Bok, một bà chủ già 83 tuổi ở đảo Jindo sợ mình chết trước con vật trung thành bèn bán Baekgu cho người chủ mới ở Daejeon xa 300 km. Baekgu trốn thoát nhà mới tìm về chủ cũ sau 7 tháng lặn lội gian nan gần kiệt sức. Bà Bak Bok đành tiếp tục giữ Baekgu trung thành cho đến khi nó chết già 7 năm sau. Câu chuyện Baekgu trung thành được in thành sách và đưa lên màn ảnh gây xúc động toàn quốc. Năm 2004 Jindo County cho đắp tượng vinh danh Baekgu tại quê nhà. Rồi thêm một anh Jindo 4 tuổi cũng cùng tên Baekgu ở Jindo với Park Wan Suh. Khi chủ chết vì bịnh gan năm 2004, Baekgu bỏ ăn uống suốt 7 ngày nằm bên xác chủ. Sau đó Baekgu được giao cho Jindo Dog Research Institute nuôi, nhưng nó buồn bã không còn tha thiết gì trên cõi đời nầy nữa!
Cạnh sân khấu con sò lúc nầy có "Talent Show for Jindo Dogs", màn biểu diễn tài nghệ độc đáo của các con chó Jindo thông minh; ngoài tài nghệ thiên phú chơi được nhiều bộ môn thể thao, chó Jindo còn biết cầm giỏ đi bộ hai chân, biết cỡi xe đạp đèo em chó nhỏ đi dạo, lại còn biết kéo cờ nữa làm tôi vô cùng yêu mến cứ nấn ná đứng lại coi mãi làm phái đoàn đã ra bên ngoài phải quay trở lại tìm để đi cho kịp chuyến xe buýt đầu tiên kẻo trong chốc lát hàng nghìn du khách túa ra cùng một lúc sẽ không đi được Gwangju đêm nay.
Hẹn gặp lại các bạn ở Gwangju trong Hàn Quốc Du Ký Tập 3.

Hàn Quốc du ký tập 2
Jindo

April 4 - April 12, 2012

Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
uncleVinh
Post Reply