Cảnh đẹp phía nam Arizona

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Cảnh đẹp phía nam Arizona

Post by unclevinh »

Cảnh đẹp phía nam Arizona
Phái đoàn: Ông Mù, Phương Scottsdale, Phương-Mai, Mộng-Lan & Thái-Vinh

Nhóm Thân Hữu trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ thuộc Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ ngày xưa của chúng tôi có mặt tại Arizona từ cuối thế kỷ thứ 20. Tuy không phổ biến, nhưng có một thông lệ đẹp là hễ thân hữu từ bất kỳ nơi đâu ghé thăm sa mạc lần đầu đều được đãi ăn uống miễn phí, được hướng dẫn làm thẻ hội viên kéo máy tập thể dục trong các sóc dân Da Đỏ, và được chở đi coi hai thắng cảnh đẹp nhất của Arizona. Cũng vị thân hữu đó lần sau ham vui quay trở lại thì bị bắt chơi kiểu Mỹ, ăn uống phần ai nấy trả và tự đi tìm cảnh đẹp. Từ lâu trường đã bị Việt Cộng xoá tên. Mất trường nhưng còn bạn; vắng thầy nhưng còn đại sư huynh (không ngu gì gọi niên trưởng như kiểu lính để bị bắt nạt). Thấy anh cũng như thấy trường cũ; nên bạn bè mỗi khi lạc bước vào sa mạc đều mong được gặp anh. Một hôm chúng tôi tiếp đón một vị đại sư huynh khác từ Việt Nam sang thăm. Vị đại sư huynh nầy cùng phu nhân "tham quan" nước Mỹ quanh năm như đi chợ. Lần ấy ăn uống xong, phái đoàn của anh biến đâu mất tiêu. Thình lình nhận được meo khẩn cấp gửi từ London cầu cứu đồng môn chuyển tiền giúp anh bị cướp trấn lột! Một bạn động lòng vội vàng ra tay nghĩa hiệp chuyển tiền. Rất may có bạn sớm phát hiện được meo kêu cứu hoàn toàn bằng tiếng Anh đó là của một Hacker hạng bét! Vị đại sư huynh trong sa mạc bực tức ra sức truy tìm vết tích của người bạn học cùng lớp. Ít hôm sau anh gọi báo tin:
- Chả vẫn còn trong sa mạc!
- Lại lên Grand Canyon chứ gì?
- Không! Chả đang "tham quan" nghĩa địa máy bay dưới Tucson... mà nói thiệt từ hồi nào tới giờ anh chưa biết chỗ đó!
- Nghe anh nhắc tới nghĩa địa máy bay, em chợt nhớ năm nào đưa phái đoàn Mẹ Đẹp đi coi cảnh đẹp phía nam Arizona. Lúc ấy nhằm ngày cuối tuần, nghĩa địa máy bay đóng cửa khiến em tức tối lái xe chạy vòng vòng tìm chỗ ngừng chụp vài bô hình liền bị cảnh sát xuất hiện đuổi ngay lập tức nên chưa có dịp giới thiệu đó thôi!
Nói xong tôi liên lạc rủ ngay đôi bạn bên Quận Cam sang chơi và cùng xuôi nam một chuyến. Đến ngày đi, đôi bạn đó có vấn đề. Lập tức Phương Scottsdale, cô bạn quý của nàng dắt ông Mù và ái nữ Phương-Mai vui vẻ thế chỗ tháp tùng. Phái đoàn chỉ có 5 người, nhưng chia làm 2 xe. Trước khi leo lên xe của Phương Scottsdale trực chỉ ra xa lộ 10 East, nàng dặn ông Mù ráng nói chuyện liên tục đừng để tài xế ngủ gục. Người Mù thường hay hỏi nhiều; nhưng ông Mù nầy có bí quyết thành công là biết lắng nghe, vì vậy đi chung xe với ông hơi nản. Rất may là đoạn đường ngắn và ông chỉ đi chung, nhưng tự về riêng một mình!
Ai đến sa mạc lần đầu thấy bảng chỉ đường Tucson mà đọc đúng được "Tú Xân" ngay mới là tài; còn tôi ngày ấy thấy sao đọc vậy, đọc "Túc Xân" không ai hiểu mình nói cái gì! Tucson cách Phoenix 118 dặm (188 Km) dễ đi hơn Flagstaff nhiều. Vậy mà mỗi lần ra khỏi nhà trốn sức nóng ác liệt của Phượng Hoàng Thành hay dẫn bạn đi coi cảnh đẹp, chúng tôi cứ đi về mạn phía bắc! Tucson nằm về phía nam Phoenix, vậy nói đi xuống Tucson, đúng không? Trật lất! Phải nói đi lên Tucson vì Tucson nằm trên một bình nguyên cao 2643 feet (806 m) cao hơn Phoenix 1117 feet (340 m). Vì vậy Tucson tương đối mát mẻ hơn Phoenix gần 10 độ.

Qua biên giới Nogales

Image
Image

Lần xuôi nam nầy nhằm ngày lễ Tạ Ơn, nghĩa địa máy bay đóng cửa, nên chúng tôi không ghé vào Tucson ngay mà rẽ xuống xa lộ 19 cho ông Mù vượt biên qua Nogales cách Tucson chỉ 60 dặm (96 Km) thăm các Amigo.
19 là xa lộ duy nhất ở nước Mỹ cắm bảng chỉ đường bằng ký lô mét (Km) và bảng giới hạn tốc độ bằng dặm (Miles). Bảng ký lô mét chắc để các di dân lậu coi cho biết còn cách Tucson bao xa chăng, chớ dân Mỹ thiệt ít người biết rành thước tấc? Phương Scottsdale thấy bảng chỉ ký lô mét cảm giác như đang trở lại xứ Tây ngày nào, hào hứng vọt qua mặt xe hướng dẫn. Ông Mù thính tai nghe tiếng động khác lạ, đoán là có cái gì trục trặc dưới đít máy xe của người yêu bèn báo động ngừng ngay lập tức. Phải chạy lòng vòng tìm tiệm sửa xe mở cửa ngày lễ để khám bịnh. Té ra đó là cái chìa vặn ốc vít bị thợ thay nhớt xe tuần trước bỏ quên bên trong nay từ từ lủng lẳng ló ra làm phái đoàn qua biên giới trễ mất cả tiếng đồng hồ!
Xa lộ 19 chấm dứt ở phía bên nầy Nogales của Mỹ. Sang bên Mễ trở thành xa lộ 15. Nogales là thành phố xây trên đèo. Đứng bên nầy nhìn thấy bên kia. Phía bên Mỹ buồn hiu với dân số khoảng 21 ngàn người; còn bên kia với dân số áp đảo trên 300 ngàn người, xây nhà cửa chi chít trên đồi và sơn đủ mầu sắc trông như bức tranh vẽ rất đẹp. Khoảng cách chia đôi hai thành phố cùng mang tên Nogales là hàng rào sắt nâu coi giống như hàng rào một trại tù khổng lồ! California, Arizona, New Mexico, và Texas là 4 tiểu bang của Mỹ có chung đường biên giới với Mễ dài 1969 dặm (3150 Km). Nếu thừa tiền, Mỹ nên xây bức tường vĩ đại làm chỗ du lịch và cạnh tranh với Vạn Lý Trường Thành của Tàu; chớ coi bộ xây hàng rào chỗ có chỗ không, và tuy cao từ 18 tới 30 ft (9 m) chỉ ngăn được người yếu đuối và không quyết tâm muốn trèo hay đục đường hầm. Nhưng than ôi, nước Mỹ đang nghèo. Mỹ nên xé bỏ các hiệp ước thương mại với Tàu, mang việc về Mỹ làm và chia bớt cho Mễ hưởng để xoá bỏ hàng rào biên giới giữa hai nước đúng như câu tục ngữ không bao giờ trật: "Bán anh em xa mua láng giềng gần".
Chúng tôi chọn bãi đậu xe đầu tiên vì trên bảng quảng cáo của Ed's Border Lot khoe có nhà vệ sinh sạch sẽ. Giá đậu xe chỉ có 4 đô la, rồi đi bộ xuống dốc chút xíu là gặp ngay cửa khẩu biên giới. Cửa khẩu đi bộ từ Mỹ qua Mễ nằm khiêm tốn bên góc phải coi rất buồn tẻ chỉ có một nhân viên đứng coi cánh cửa quay một chiều. Trái với cửa chính to lớn bên trái dành cho người từ bên Mễ chính thức đi sang Mỹ sắp hàng dài lê thê. Kiểm soát lại mỗi người đều có mang theo US Passport đầy đủ, phái đoàn do ông Mù hướng dẫn hăng hái bước qua biên giới.
Vừa thấy mặt mẹt của chúng tôi ló ra cửa khẩu, các anh láng giềng Mễ bán hàng xén vội xổ tiếng Tàu:
- Ni hao ma?
Tôi cũng xổ lại:
- Wo hen hao, xie xie!
Chừng như hết chữ, vị Amigo đó quay ra hỏi tiếng Mỹ:
- Chinese?
Nghe hỏi câu nầy tôi rất ghét, liền trả lời:
- No! Mongolian.
Nơi đây không phải chợ trời, nhưng đầy dẫy cửa hàng xeo (Sale). Xeo nhiều nhất là tiệm thuốc Tây và phòng làm răng. Cả hai đều quảng cáo khoe nhận tất cả các loại bảo hiểm của Mỹ. Coi giá cả thấy rẻ hơn bên Mỹ nhiều; nhưng chắc chỉ dân Mỹ gốc Mễ biết tiếng Xì rành rẽ mới dám qua bên nầy làm răng?
Nàng dặn nhỡ lạc hẹn gặp nhau ở bãi đậu xe lúc 3 giờ chiều. Tôi theo ông Mù coi ổng làm ăn thế nào. Vừa thấy ông, một con Chihuahua mặc áo ấm từ bên trong sạp hàng hùng hổ nhảy ra sủa. Ông Mù quay lại đấu tiếng tay với cô chủ một lúc, rồi mò vào quán ăn ra dấu hiệu nầy nọ. Tôi vừa đưa máy hình lên định bấm vài bô thì một Amigo đứng trước quán kêu lớn, "No me gusta tener mi foto" làm tôi hết hồn bỏ đi ngược lại tìm nàng và lạc mất ông Mù!
Nàng đổi 20 đô la Mỹ được 273 Peso Mễ ($US = 13.65 Peso); nhưng chỉ ghé vào các tiệm đồ gốm coi bát đĩa và đồ thủ công mỹ thuật. Nogales vui vẻ chen lấn tấp nập nhờ hàng quán mở ngay trong phố không giống như ở Mỹ mua bán chỉ tập trung vào Shopping Mall kín mít. Nogales giống một thành phố Á Đông có các xe cóc trên lề đường bán đủ món ăn nhậu đơn sơ rẻ tiền mà ngon. Nàng mua cho tôi hai trái bắp luộc, ngồi trước bậc cửa nhà thờ hơn 120 tuổi La Purisima Conception ăn ngon lành. Ăn xong ghé vào quán kem. Sau một hồi chỉ chỏ ra dấu hiệu nầy nọ đòi uống nước dứa lại bị bắt ăn ly trái cây thập cẩm pha Vanilla ngọt như sữa ông Thọ! Cạnh quán kem có quán Tacos. Chúng tôi gặp lại ông Mù ở đây. Hỏi thăm, ông nói đã ăn Steak rồi nhưng còn đói. Cả bọn làm một bữa Tacos no bụng trước khi sắp hàng trở qua biên giới.
Buổi du lịch chớp nhoáng sang Nogales thăm Amigo hai chúng tôi xài đúng 20 đô la.
Phương Scottsdale và Phương-Mai theo chúng tôi trở lại Tucson để ngày mai vào coi nghĩa địa máy bay. Bóng ông Mù tự lái xe mò mẫm từ Nogales về Scottsdale một mình chậm dần mất hút trong sa mạc.
Trên đường từ Nogales về Tucson có nhiều di tích lịch sử rất đáng coi như Tumacacori National Monument ngôi nhà thờ hoang phế do cha Eusebio Francisco Kino dòng Chúa Cứu Thế truyền giáo thành lập năm 1691, Tubac Presidio là trạm mở đường nới rộng biên cương xứ Tân Tây Ban Nha, và San Xavier Del Bac ngôi nhà thờ kiến trúc độc đáo được ca tụng là chim bồ câu trắng trong sa mạc.
Image

The Boneyard (Nghĩa địa máy bay)
6000 E. Valencia Rd.
Tucson, AZ 85756
(520) 574-0462

Image
Image

Vì nghĩa địa máy bay nằm trong căn cứ quân sự nên muốn coi phải ghé vào Pima Air & Space Museum mua vé đi tua. Ngay tại viện bảo tàng Pima Air & Space nầy cũng có hàng trăm loại máy may đủ kiểu từ loại thô sơ làm bằng gỗ đến kỹ thuật tân kỳ tàng hình. Năm kia tôi đã đưa phái đoàn Mẹ Đẹp vào viện bảo tàng nầy coi mất trọn ngày; còn nàng làm việc ở Bến Cảng Trời ngó máy bay lên xuống liên tục bắt chóng mặt. Thôi ta đi coi nghĩa địa quách! Nghĩa địa máy bay tên thật là 309th AMARG (Aerospace Maintenance and Regeneration Group) thường được gọi là The Boneyard (Bãi Xương) , nôm na gọi đại là nghĩa địa máy bay. Giá vé đi coi nghĩa địa máy bay 7 đô la cho người lớn, 4 đô la cho trẻ em, con nít dưới 6 tuổi miễn phí.
Ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, máy bay quân sự của Mỹ dư thừa không biết làm gì và để đâu. Bán làm đồ phế thải thì tiếc và nếu chiến tranh thế giới thứ 3 lỡ xảy ra thì làm sao? Ngay tại Davis-Montham Air Force Base ở Tucson đã có sẵn kho bảo trì và sửa chữa máy bay B-29 và C-47 liền được chọn làm nghĩa đĩa máy bay. Gọi là nghĩa địa cho ghê rợn để tránh bị dòm ngó; chớ nơi đó là bãi đất trống rộng mênh mông để cho máy bay đậu. Viện bảo tàng Pima Air & Space mở cửa mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều; nhưng chỉ bán vé đi tua coi nghĩa địa máy bay từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trừ các ngày lễ. Tua sớm nhất bắt đầu từ 10 giờ sáng, đi bằng loại xe buýt du lịch 44 chỗ ngồi khởi hành từ viện bảo tàng chạy sang nghĩa địa chỉ 5 phút. Khách từ 16 tuổi trở lên phải trình thẻ tùy thân có hình, không được mang xách, ví, túi máy chụp hình... Hướng dẫn tua là một cựu phi công quân đội làm việc tình nguyện không lương. Tua dài khoảng 1 giờ 15 phút chạy như đi bộ để hướng dẫn viên chỉ dẫn và giảng lưu loát từng loại máy bay nghe rất hấp dẫn. Tại đây có hơn 4400 chiếc máy bay sắp thành 4 loại:
Loại dài hạn giữ nguyên vẹn để dùng trong tương lai.
Loại phục hồi được tháo gỡ làm đồ phụ tùng
Loại tạm nghỉ ngắn hạn chờ khi có nhu cầu (loại nầy có cả máy bay thương mại).
Loại dư thừa để bán nguyên chiếc hay từng bộ phận.
Máy bay trước khi kéo vào nghĩa địa an nghỉ được thay dầu nhớt, tháo gỡ súng đạn và ghế thoát hiểm, phủ lớp sơn chống nắng và nhiệt độ cao, rồi bọc khăn che đầu và ổ máy quạt chống bụi.
Vừa qua cổng chào, chúng tôi đã choáng váng với một rừng máy bay như đàn chim đang tắm nắng lồ lộ trong sa mạc! Hướng dẫn viên thao thao giảng bài học vỡ lòng:
A: Attack (tấn công)
B: Bomber (ném bom)
C: Cargo (chuyên chở)
...........
F: Fight (chiến đấu)

Chiếc máy bay bên trái là loại máy bay tấn công (Attack) cùng loại với chiếc A-4E Skyhawk mà Trung Uý phi công John McCain lái bị bắn rơi ở Hà Nội. Chiếc máy bay bên phải kia là C-5 Galaxy loại máy bay chuyên chở (Cargo) khổng lồ to lớn nhất thế giới. Chiếc C-5 Galaxy trống không cũng đã nặng khơi khơi trên 380 ngàn pounds (172373 Kg) nặng gấp đôi hung thần ném bom như trải thảm tức pháo đài bay B52. Ngày kéo chiếc C5a Galaxy vào nơi an nghỉ cuối cùng, phải đi qua một cây cầu bắc ngang xa lộ; tất cả xe cộ chạy bên dưới đều phải ngừng tránh thật xa; xe chữa lửa và xe cứu thương có mặt sẵn sàng chờ tiếp cứu!
Ở nghĩa địa nầy cũng có mấy chiếc pháo đài bay B52, nhưng bị cắt đầu mổ bụng trông rất thảm thương. Đó là kết quả của Thỏa Ước cắt giảm vũ khí START I giữa Mỹ và Nga. Mỹ phải phá bỏ 365 pháo đài bay B52 bằng cách cắt đầu mổ bụng phơi trần cho vệ tinh Nga chụp hình kiểm soát!
Hướng dẫn viên sửa lại cặp mắt kiếng rồi nói:
- Chiếc máy bay bên trái kia là máy bay chiến đấu F-117.
Mọi người đổ dồn mắt ngó mộ bia:
- Ủa ... sao không thấy gì hết?
- Đó là loại máy bay tàng hình, phải có mắt kiếng đặc biệt mới thấy được!
Khách ngồi xe liên tục rục rịch quay bên trái quay bên phải theo lời giảng của hướng dẫn viên không kịp chụp hình được rõ ràng. Mà có chụp hình thoải mái được đâu vì có vị khách chỉ muốn yên lặng ngồi coi nên không muốn nghe tiếng máy bấm chụp hình. Tôi bị một vị khách khó tính cứ đưa tay khều móc phát bực!
Căn cứ quân sự Davis-Motham được chọn làm nghĩa địa máy bay nhờ khí hậu ở Tucson ít mưa, độ ẩm rất thấp, và đất có nhiều chất kiềm máy bay có thể đậu lâu dài ít bị rỉ sét. Còn thêm điều địa lợi nữa nhờ đất cứng, khỏi cần xây bãi đậu bằng bê tông cốt sắt tốn kém!
Ngoài máy bay an nghỉ, nơi đây còn có kho chứa các xe ô tô của băng đảng buôn lậu ma tuý bị tịch thu chờ bán đấu giá.

El Tiradito, Wishing Shrine (Miếu Ước)
356 S. Main Street
Tucson, AZ 85701

Image

Vào thập niên 1960 khi biết dự án phát triển đô thị Tucson sẽ xây con đường Butterfield Expressway cắt xuyên Tucson và khu Tây Ban Nha cổ "Barrio Vejo" nằm trên đường Cushing sẽ bị dẹp bỏ, dân chúng liền tìm cách chống lại bằng cách vận động đăng ký biến El Tiradito thành một di tích lịch sử quốc gia (National Historic Place). Một nơi nào đó nếu được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, lập tức được đạo luật National Historic Preservation Act năm 1966 bảo vệ không được xâm phạm. Nhờ El Tiradito chính thức trở thành di tích lịch sử quốc gia vào năm 1971 mà khu Tây Ban Nha cổ "Barrio Vejo" ở Tucson được giữ nguyên vẹn, nhưng Tucson lại chưa xây một đường tốc hành như đường 101, 202, hay 51 ở Phoenix khiến trong giờ đi làm và tan sở ở Tucson lúc nào cũng bị nạn kẹt xe!
El Tiradito là miếu thờ duy nhất ở nước Mỹ hiến dâng linh hồn của một kẻ phạm tội đến lúc chết không được thánh hoá. El Tiradito có nghĩa là bị ruồng bỏ bơ vơ. El Tiradito là một phần di sản chuyện dân gian của người Mễ vào thế kỷ 19. Chuyện có nhiều bản khác nhau chút đỉnh, đại khái có một chàng rể yêu mẹ vợ. Bị bố vợ bắt gặp, chàng rể vội phóng ra cửa sổ chạy trốn; nhưng bị bố vợ nhanh tay rút súng bắn trúng, loạng choạng té chết ngay trước hiên nhà. Vào thời đó kẻ phạm tội, chết không được phép chôn trong nghĩa trang Công Giáo nên phải chôn ngay tại chỗ chết. Nhiều phụ nữ ở đó cảm động cho linh hồn kẻ xấu số bèn lập đàn cầu nguyện. Lâu dần El Tiradito biến thành miếu thờ kẻ bị ruồng bỏ bơ vơ mà quên đi chuyện phạm tội. Miếu El Tiradito trống ộc trống ạc, chỉ có một bức tường gạch. Không biết bức tường đó là mặt sau hay mặt trước của của một căn nhà còn sót lại? Có lẽ là mặt sau vì thông thường kẻ phạm tội nhảy trốn ra cửa sau! Miếu El Tiradito rất linh thiêng nên lúc nào cũng đầy hoa, đèn, và hình ảnh chưng bày ngổn ngang đã trở thành Miếu Ước (Wishing Shrine). Người cầu nguyện thắp ngọn nến, nếu sáng hôm sau trở lại thấy nến vẫn còn cháy sáng thì điều ước đã được chấp nhận. Trong vô số lời cầu nguyện ghi ra giấy nhét vào kẽ bức tường El Tiradito có lời cầu của một bà mẹ vợ rất cảm động:
Chúa ơi, xin đừng cho thằng rể yêu con! (Please God, don't have my own son-in-law fall in love with me!)

Quán ăn ngon
Miss Saigon
1072 N Campbell Ave.
Tucson, AZ 85719
(520) 320-9511

Qua biên giới ăn Tacos Mễ chính gốc rồi mới thấy trên đời không món ăn nào ngon bằng phở Việt Nam. Tối hôm đó mặc dù Hải từ Texas đã gọi sang dặn nên đi coi Đại Nhạc Hội Tạ Ơn Đời ở Casino Del Sol và biết vào Casino lúc nào cũng có ăn chứ không thua; nhưng chúng tôi nhất định đi ngủ sớm để dành bụng ngày mai ăn phở!
Mở cuốn Bút Tre số mới nhất ra tìm. Quái lạ nè... không thấy một quán ăn Việt Nam nào ở Tucson đăng quảng cáo cả?
Gọi điện thoại hỏi chị Thanh:
- Ở Tucson có quán ăn Việt Nam nào ngon không, hở chị?
- Có Saigon Phở!
- Biết ở đường nào không?
- Ơ... không biết!
Rõ chán! Chưa ăn mà biết ngon?
Nhờ bà Gi (GPS) tìm Saigon Phở ra liền; nhưng đến nơi kiếm chỗ đậu xe rất khó vì nằm trong khu đại học. Đến lúc trả tiền chỗ đậu xe xong thì mới biết quán không mở cửa ngày lễ! Ồ... mà mình đã ghi một lô quán ăn ra đây mà!
- Hello Miss Saigon!
- Miss Saigon đây!
- Ủa... Miss Saigon mà giọng đàn ông? Quán có mở cửa hôm nay không?
- Dạ có chứ!
- Có Phở không?
- Sao lại không có?
- Tốt quá! Làm ơn chỉ đường giùm coi?
Bãi đậu xe của Miss Saigon Restaurant rất rộng rãi và miễn phí. Bên trong quán tuy nhỏ, nhưng đông khách; vậy chắc là quán ngon rồi! Nhân viên nhà hàng toàn thanh niên. Nàng gọi một tô phở xe lửa; tôi cũng chơi tô xe lửa và dặn cho thêm hành chần giá trụng; Phương-Mai không thích món ăn Việt Nam trừ món phở; Phương Scottsdale gọi chả cá Thăng Long và gỏi cuốn chay. Thấy đĩa rau chỉ có giá sống và vài cộng ngò, hơi buồn nhưng phải thông cảm trời mùa nầy Tucson làm gì có húng quế? Tô phở vừa bưng ra đã bốc mùi thơm phức. Không cần hành chần giá trụng, chỉ cần thêm ớt xanh cay thôi. Ôi... phở Miss Saigon ngon tuyệt cú mèo! Tôi ít khi khen phở ở quán nào ngon được lâu vì ngon lúc đang ăn, đến lúc ra xe chạy một lát bị nhức đầu! Nàng và tôi hôm ấy khen mãi Phở Miss Saigon xứng đáng là Đệ Nhất Phở! Tiếc thay Miss Saigon không mở một quán ăn ngon như thế ở Phoenix!

Sabino Canyon
5900 North Sabino Canyon Road
Tucson, AZ 85750
(520) 749-2861

Image

Tucson từng là Tây Đô của một nửa Arizona theo phe Liên Minh Miền Nam (Confederate States of America) giữ chế độ nô lệ vào thời nội chiến (1861-1865). Sau khi Liên Minh Miền Nam bị đánh bật ra khỏi Tucson năm 1862, rồi Arizona tách ra khỏi New Mexico Territory trở thành hạt Arizona (Arizona Territory) năm 1863, Tucson trở thành thủ đô của hạt Arizona từ năm 1867 đến năm 1877 thì mất về tay Phoenix. Từ đó Tucson cứ phải e lệ đứng hạng nhì sau Phoenix. Chọn Phoenix làm thủ đô Arizona là một sự lạ vì thủ đô của các tiểu bang ở nước Mỹ thường rất ít dân so với các thành phố lớn khác trong cùng tiểu bang. Tuy nhiên có cái nầy Tucson hơn hẳn Phoenix. Từ ba năm nay cứ đến ngày lễ Tạ Ơn là chúng tôi đều trở lại Sabino Canyon ngắm lá vàng vì tìm trong khắp Phoenix cũng không thấy đâu có một khe núi đẹp và hùng vĩ bằng Sabino Canyon của Tucson!
Sabino Canyon nằm trong khe núi dưới chân rặng Santa Catalina thuộc lâm viên quốc gia Coronado, cách trung tâm Tucson khoảng 13 dặm về hướng đông bắc. Vào Sabino Canyon đậu xe không tốn tiền.
Có hai cách du ngoạn ngắm Sabino hoặc bằng chân hoặc bằng xe kéo (Tram) vì toàn bộ khu vực Sabino Canyon không được lái xe; chó cũng không được dẫn theo. Giá vé đi xe kéo $8 cho người lớn, trẻ em dưới 12 tuổi $4, con nít 2 tuổi miễn phí. Có hai Trail chính là Sabino Canyon Trail và Bear Canyon Trail. Mỗi nơi đẹp mỗi vẻ khác nhau. Nhộn nhịp vui nhất là Sabino Canyon Trail dài 3.8 dặm chạy dọc theo dòng suối Sabino. Khách có vé đi xe kéo đến mỗi trạm đều có thể xuống lên tự do. Sabino Canyon Trail có tất cả 9 trạm từ 2600 feet lên dần đến 3250 feet, nên độ dốc 650 feet (198 m) cũng không có gì ghê gớm cả.
Năm đầu tiên chúng tôi lấy xe đến trạm cuối, rồi Hiking lên núi theo Telephone Line Trail đi ngược trở lại. Từ trên cao giữa rừng đại xương rồng Saguaro ngó xuống khe núi thấy lá cây Arizona Sycamore, Ash, và Cotton Wood đổi mầu biến Sabino Canyon thành cánh đồng vàng đẹp não nùng.
Năm sau chúng tôi trở lại đúng vào ngày lễ Tạ Ơn, Sabino vẫn mở nhưng không có xe kéo; chúng tôi nhẩn nha đi xuống suối ngắm lá vàng rơi.
Năm nay sau khi đến trạm cuối xuống xe, nàng hăm hở rút gậy chuẩn bị leo núi; nhưng nghe Phương-Mai nhất định không Hiking, tôi hỏi nhân viên hướng dẫn chỉ đường vài câu, rồi nhảy lên xe kéo:
- Trở ra gấp! Chúng ta lái xe lên Mount Lemmon 9157 feet (2791 m) cao nhất Tucson coi mặt trời lặn!

Image
uncleVinh
Post Reply