Texas du ký

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Texas du ký

Post by unclevinh »

Image

Texas du ký
Thái-Vinh

Dallas và Fort Worth

Nghe tôi điện thoại than buồn, nàng khuyến khích:
- Từ từ rồi sẽ quen. Nhiều người muốn như mình mà không được đó!
Tôi nổi quạu:
- Em làm ơn cho anh biết nhiều người đó là ai?
Nàng cười không nói, nhưng tôi biết những người đó toàn là bạn của nàng! Thế nhưng một hôm, chị Liên, bạn đánh tennis của tôi đang ở Quận Cam nghe tôi về San Jose ăn tết với nàng và đánh tennis với Hằng liền gửi meo khen: "Anh với nàng bây giờ cứ như là tình nhân, gặp nhau mỗi tháng một lần. Như vậy cũng buồn nhưng cũng vui, vì tình yêu lúc nào cũng mới" thì tôi còn biết nói gì nữa, đành cam chịu "từ từ rồi sẽ quen"!
Nàng dịu dàng hỏi:
- Tuần nầy anh bay qua Texas thăm em nha?
Mấy năm trước nàng rủ tôi sang thăm bạn ở Houston. Được dạo biển vắng Galveston ngắm trăng và viếng thăm Lyndon B. Johnson Space Center, tôi thấy biết xứ cao bồi Texas chút chút như thế cũng đã tạm đủ, nên không mấy hào hứng.
Nàng lại hỏi:
- Không phải anh có bạn ở Texas à?
Tôi nói ngay:
- Những người đó bây giờ đâu cần mình nữa!
- Ai vậy?
- Thì cha con ông Bush ấy!
- Hì hì... Thế còn một vị đại hiệp mà anh thường gọi là Quách Tĩnh và cháu Thư của anh đâu?
- Ờ nhỉ!
Quách Tĩnh Đại Hiệp là bạn đồng môn. Sau ngày 30 tháng 4 bỏ học kỹ sư, dông thẳng về quê làm ruộng. Cày bừa vất vả mà vẫn không đủ ăn, lại bỏ nhà lặn lội vào Rạch Giá tìm đường vượt biên. Nhờ ở tạm Rạch Giá một thời gian mà sau nầy qua Mỹ tình cờ quen một gia đình gốc ở Rạch Giá, nhận đại làm đồng hương, rồi lấy được vợ đẹp! Tôi gọi Việt-Trung là Quách Tĩnh vì không thấy ai cần cù bằng anh và lại có tài nấu ăn. Chắc là học lóm của phu nhân? Nhưng phu nhân của anh thở than, "Từ hồi mẹ gả em lấy chồng, em chưa bao giờ được anh Trung cho vào bếp nấu ăn một bữa!" Nhiệm vụ chính của phu nhân là đưa con đi học và chở con đi thi đấu khắp tiểu bang Texas từ mọi môn học cho đến âm nhạc. Một năm rưỡi trước nghe cháu lớn Minh-Ngọc tốt nghiệp đại học MIT lừng danh và cháu kề là Hồng-Ngọc được nhận vào trường Stanford, tôi tưởng anh sẽ chỉ còn vất vả vài năm nữa cho hai cháu Song-Hào và Quốc-Khải ra trường là anh được về hưu non, thì đùng một cái, anh mếu máo báo tin phải cày thêm 22 năm nữa vỉ thằng Út, Tuấn-Kiệt mới chào đời!
Xuống phi trường Dallas - Forth Worth chưa gặp mặt nàng thì điện thoại reo. Anh Sơn, vị đại sư huynh của chúng tôi mới lái xe trốn tuyết từ Cincinati, Ohio đến Austin, Texas muốn gặp hai thằng đàn em đồng môn ngày mai. Thế là chương trình thuê xe đi ngay Austin và San Antonio đêm ấy bị đảo lộn. Nàng bàn, "Vậy ta hãy đi coi Dallas và Forth Worth trước."
Sáng sớm hôm sau Quách Đại hiệp nhờ phu nhân lái xe đến American Airlines Training Center đón chúng tôi để anh ở nhà trổ tài một tay bồng thằng Út, một tay làm bếp đãi khách. Phu nhân trở về ngó thấy thằng nhỏ đì bố liên tục, bèn vội vàng bốc Út đi gửi vú nuôi!
Trong lúc nồi gà rang muối đang nổ lốp bốp, chúng tôi theo đầu bếp ra vườn hái rau. Nhưng vườn ngoài ngập lá khô; ngôi vườn mùa đông của anh đã được di dộng vào dưới hiên nhà. Thấy chúng tôi trầm trồ khen ngợi cây me, anh khiêm tốn kể mấy năm trước về quê hái me ăn lỡ nuốt luôn hột, không ngờ khi về Mỹ thải đại ra ngoài lại mọc thành cây. Bây giờ anh bị thằng Út hành quậy suốt ngày đêm, chắc khó còn dịp về thăm lại quê cũ một lần nữa; nhưng anh đã có cây me như cũng có quê hương ở bên mình!
Món cá sống cuốn bánh tráng chấm nước xốt lá me của Đại Hiệp Quách Tĩnh ngon tuyệt; còn món thịt gà rang muối, mặn nhưng chưa đủ ấm, tôi không dám chiếu cố! Ăn uống tâm sự cà rịch cà tang xong mất cả buổi sáng. Thằng lớn bị bắt ở nhà luyện nội công; còn cả bọn lên xe theo Quách Tĩnh du ngoạn Dallas. Forth Worth cách Dallas 35 dặm. Đại Hiệp lái xe lên xa lộ chạy lạc một hồi, rồi hỏi:
- Các anh chị muốn đi chơi ở đâu? Bọn nầy ở Forth Worth gần 30 năm; nhưng ít khi vào Dallas!
Biết anh chị Sơn đã từng đi khắp nước Mỹ, tôi đề nghị:
- Đại Hiệp cho đi coi chỗ Tổng thống Kennedy bị ám sát và dạo phố một vòng, chớ biết coi cái gì bây giờ?
Lại chạy lạc một hồi nữa! Đại Hiệp phải đánh "Text" cầu cứu thằng lớn ở nhà lên mạng chỉ đường...
John F. Kennedy là vị Tổng thống thứ 35, trẻ tuổi, và đẹp trai nhất nước Mỹ, lại bị ám sát chết sớm nên được nhiều người thương tiếc. Thời Kennedy làm Tổng thống là thời kỳ thế giới khởi đầu cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War), nước Mỹ nhượng bộ Cộng Sản Nga để Đông Đức xây Bức Tường Ô Nhục Berlin, thất bại trong chiến dịch Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) không dám giúp Cu Ba lật đổ chính quyền Phidel Castro, lại bắt đầu tham dự trực tiếp vào chính trường Việt Nam đỡ đầu nhóm tướng lãnh đảo chính giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 2 tháng 11 năm 1963. Ngày 22 tháng 11 năm 1963 trên đoàn xe mui trần từ đường Houston quẹo trái qua đường Elm ở Dallas, Tổng thống Kennedy bị 2 phát đạn ám sát bắn chết. Lee Harvey Oswald bị bắt và bị tình nghi là thủ phạm; nhưng Lee Harvey Oswald lại bị Jack Ruby xông vào bắn chết ngay trước mặt đám nhân viên đang giải Lee Harvey Oswald vào tù. Trên đoạn đường Elm có hai vết sơn X mầu trắng đánh dấu chỗ Tổng thống Kennedy bị trúng một phát đạn từ sau lưng trổ ra trước cổ và một phát đạn trí mạng ở đầu. Tôi đứng đó bồi hồi ngó xuống hai dấu sơn trắng, rồi ngước lên nhìn cửa sổ ngoài cùng ở tầng thứ 6 của Texas School Book Depository Building, nơi bị tình nghi là chỗ núp của kẻ bắn lén mà tự hỏi Tổng thống nước Mỹ sao lại dễ dàng bị ám sát chết; còn các lãnh tụ cộng sản hay các nhà độc tài của các nước khác chắc phải được dân chúng thương nên không thấy ai bị giết? Kennedy Memorial Monument hôm nay là chỗ tụ họp biểu tình chống nhà độc tài Muammar Gaddafi của nước Libya.
Dallas với nhiều toà cao ốc đồ sộ và có nhiều viện bảo tàng để coi; nhưng từ sau trận tranh tài Super Bowl ngày 6 tháng 2 vừa qua, Dallas trở nên vắng vẻ ít khách du lịch. Chúng tôi thong thả dạo bộ từ khu West End Historic đến Arts District ghé Trammell Crow Center coi Collection of Asian Art. Đến Morton Myerson Symphony Center phái đoàn đã thấm mệt. Buổi chiều ở Dallas trở lạnh. Chúng tôi được Việt-Trung và phu nhân Ngọc-Châu đãi bữa ăn tối chia tay ở quán Thanh-Thanh trên đường Arkansas thuộc thành phố Arlington nằm giữa Dallas và Fort Worth. Quách Tĩnh Đại Hiệp có tài nấu ăn và sành ăn mà còn nức nở khen món chả cá quán Thanh-Thanh hôm ấy ngon hơn món chả cá Lã Vọng ở Hà Nội!
Dallas và Fort Worth bằng phẳng như bộ ngực lép, nên phong cảnh thiên nhiên tầm thường, không thể so sánh với cảnh đẹp có núi non quyến rũ trong sa mạc Arizona. Ngày hôm sau chúng tôi thuê xe đi thăm Fort Worth. Chưa biết coi cái gì thì thấy bảng chỉ đường vào trường TCU (Texas Christian University) đúng là nơi tôi muốn thăm viếng vì mấy năm qua Football của đội banh trường TCU luôn luôn được xếp hạng "Top 10". Texas Christian University là trường đại học tư, nhưng không phải điều khiển bởi nhà thờ Disciples of Christ. Trường nhỏ, khoảng dưới 10 ngàn sinh viên. Khuôn viên đại học rất đẹp. TCU đang phát triển rộng lớn và sang năm 2012 tăm tiếng sẽ còn bay xa hơn nữa vì sẽ bỏ Mountain West Conference để gia nhập Big East Conference. Chúng tôi đang tìm cách vào coi sân Football thì thấy một nhóm sinh viên sắp hàng lấy thức ăn. Tôi hỏi mua, thì trưởng ban ẩm thực trả lời, "Chúng tôi không bán; nhưng nếu bạn sắp hàng, thì sẽ được phục vụ." Thế là chúng tôi được TCU đãi một bữa ăn trưa miễn phí rất ngon miệng. Tò mò muốn vào coi nhà thi đấu thể thao, nhưng cửa khoá; chưa kịp bỏ đi thì có người đến vui vẻ mở khoá ngay cho chúng tôi vào coi khiến chúng tôi lại càng có cảm tình với trường TCU.

Austin

Ngày tôi xa quê hương, 30 tháng 4, năm 1975 cháu Thư của tôi chưa ra đời; ba mẹ của cháu cũng chưa sống chung, nhưng lúc còn ở Sài Gòn chứng kiến nhiều đoạn tình sử rất gay cấn giữa hai người, tôi vẫn thầm mong cả hai đừng bao giờ lấy nhau. Năm 1979 cháu tôi vừa được 3 tuổi thì cùng ba mẹ vượt biển đến Philippines. Năm sau cả ba định cư ở cùng thành phố Franklin với tôi. Tuy chưa bao giờ gặp, nhưng cháu từng nghe gia đình nhắc nhiều về người em kề của ba cháu nên vừa gặp nhau hai chú cháu đã kết nhau hết sức thân mật. Ba năm sau gia đình anh tôi tan vỡ. Tôi vô cùng buồn bã khi nghe cháu tôi mới 7 tuổi đã phải ra toà làm thông dịch cho mẹ cháu nghe quyết định của toà án! Cháu tôi theo mẹ đi Texas, và chúng tôi bặt tin nhau từ đó cho đến khi cháu trưởng thành lập gia đình, và tự đi tìm gặp lại Bà Nội cùng ông chú thân mến ngày xưa.
Nghe chúng tôi sắp đến thăm, cháu rất mừng:
- Cô chú lái xe hay đến bằng máy bay?
- Austin cách Dallas 200 dặm mà chú chỉ có một ngày để coi hai thành phố Austin và San Antonio nên sẽ bay từ Dallas đến Austin rồi thuê xe.
- Cô chú đã có ý định muốn thăm nơi nào ở Austin chưa?
Trước khi đi, tôi đã gọi điện thoại hỏi Lão Chạy:
- Lão đệ biết Austin có chỗ nào hay bày cho ta coi?
- Nên đi coi dơi ở dưới cầu đại lộ Congress!
- Dơi mà có gì coi?
- Đừng coi thường! Mỗi lúc hoàng hôn, hàng triệu con dơi từ dưới cầu túa ra bay rợp trời coi rất kỳ bí!
- Nhưng dơi ngủ suốt mùa đông đã dậy chưa? Lão đệ từng ở Austin hai năm mà không còn biết chỗ nào để coi nữa à?
- Không! Gặp đàn bà ở đó bị rắc rối liên tục nên tiểu đệ phải bỏ của chạy lấy người!
Coi dơi chỉ mang lại điều bất hạnh. Tôi nói với cháu Thư:
- Cho cô chú đi coi Texas State Capitol (Toà nhà Quốc Hội) và trường Đại Học Texas.
- State Capitol gần phi trường hơn nhà cháu. Vậy chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.
Texas State Capitol là Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang to nhất và đẹp nhất nước Mỹ, xây bằng đá hoa cương hồng, cao 311 feet, cao hơn Tòa nhà Quốc Hội nước Mỹ 23 feet, trên đỉnh Capitol có tượng Nữ Thần Tự Do (Goddess of Liberty), được khởi công ngày 2 tháng 3, năm 1885 (Ngày 2 tháng 3, năm 1836 là ngày Độc lập của Cộng Hoà Texas) và được khánh thành vào ngày 21 tháng 4, năm 1888 (21 tháng 4, năm 1836 là ngày Chiến thắng trận San Jacinto). Texas State Capitol có 4 tầng lầu, 392 phòng, là nơi làm việc của các vị dân biểu và Thượng nghị sĩ tiểu bang. Trên tường treo hình 47 vị Thống đốc tiểu bang và các anh hùng của Cộng Hoà Texas. Trong số 47 vị Thống đốc của tiểu bang Texas có 6 người thuộc đảng Cộng Hoà, và hai người phụ nữ là bà Miriam Ferguson, Thống đốc thứ 29 (1925-1927) kiêm Thống đốc thứ 32 (1933-1935) và bà Ann Richards, Thống đốc thứ 45 (1991-1995). George W. Bush, Thống đốc thứ 46 (1995-2000). Thống đốc đương nhiệm là Rick Perry. Nếu được dân thương, chức vụ Thống đốc tiểu bang Texas có thể được làm suốt đời.
Thấy hình George W Bush đang cười, tôi hỏi:
- Chắc cháu không thích ông Bush?
- Dạ. Cháu ghét ổng!
- Vậy cháu thích ông Obama?
- Cháu cũng không thích Obama!
- Chú tưởng cháu thuộc đảng Dân Chủ mà?
- Cháu chỉ thích Hillary Clinton.
Tôi nhập chung vào phái đoàn du khách có nhân viên hướng dẫn gải thích bức hoạ "The Battle of San Jacinto" to lớn treo trên tường do Henry Arthur McArdle vẽ năm 1895 diễn tả lại trận đấu lịch sử ngày 21 tháng 4 năm 1836 quân đội cách mạng Texas do Tướng Sam Houston chỉ huy đã chớp nhoáng trong vòng 18 phút đánh tan tành binh đoàn của Tướng Antonio López de Santa Anna kiêm Tổng thống Mexico đang ngủ trưa. Antonio López de Santa Anna bị bắt làm tù binh phải ký hoà ước Velasco. Nước Cộng Hoà Texas (Republic of Texas) ra đời từ năm 1936 đến năm 1845 thì trở thành tiểu bang thứ 28 của nước Mỹ.
Từ mặt sau Texas State Capitol ngó thẳng ra phía bắc cách đó chỉ 6 con đường cũng có một toà cổ tháp cao không thua gì Texas State Capitol đó là The Tower cao 307 feet của University of Texas (UT). Đã thăm trường nhỏ TCU ở Fort Worth nên không thể làm ngơ UT ở Austin. Vợ chồng cháu Thư rất vui mừng hướng dẫn con và cô chú vào thăm trường cũ. Hôm ấy trùng ngày "Explore UT Open House" nên bố mẹ và học sinh kéo đến thăm University of Texas tìm chỗ đậu xe rất khó. Tôi không thích UT lắm vì khuôn viên trường Đại học nằm ngay trong phố. UT nầy rất mạnh về mọi môn thể thao nên tăm tiếng của Texas Longhorns rất lớn. Vì ỷ lớn nên không dám đụng độ với trường nhỏ TCU vì sợ lỡ bị thua mất mặt!
Gia đình cháu Thư đãi ăn trưa rồi chỉ đường cho chúng tôi đi San Antonio.

San Antonio

Trước khi đến San Antonio, tôi đã nghe các vị sư huynh của tôi ca tụng cảnh đẹp River Walk; nhưng sau khi thăm Texas State Capitol ra tâm trí tôi cứ bị ám ảnh bởi 2 trận đánh lịch sử tạo nên nước Cộng Hoà Texas: Trận thất thủ Alamo và chiến thắng San Jacinto.
Buổi chiều ngày 6 tháng 3 chúng tôi đến San Antonio trùng ngày kỷ niệm 175 năm thất thủ Alamo nên vừa từ xa lộ 35 rẽ vào thành phố San Antonio đã thấy xe cộ đông nghẹt. Tôi lúng túng chưa biết River Walk ở đâu thì chợt thấy bảng chỉ đường đến Alamo, tôi mừng rỡ nói với nàng, "Chúng ta cứ đi coi Alamo trước."
Alamo trước kia là nhà thờ San Antonio de Valero của các giáo sĩ Tây Ban Nha truyền giáo trong vùng dân da đỏ. Kỵ binh Tây Ban Nha từ đầu năm 1800 từng chiếm cứ làm đồn binh và đổi tên ra Alamo (Cottonwood) là "Cây bông vải" để nhớ quê hương. Mexico dành được độc lập năm 1821; nhưng các nhà lãnh đạo Mexico tiếp nối trở thành độc tài khiến các tiểu bang nổi loạn. Tháng 12 năm 1835 Ben Milam lãnh đạo quân cách mạng Texas chống quân đội Mexico. Sau 5 ngày chiến đấu từng căn nhà ở San Antonio, binh sĩ và tướng Martín Perfecto de Cós đầu hàng. Tướng Antonio López de Santa Anna kiêm Tổng thống Mexico tức giận đem binh đến vây Alamo ngày 23 tháng 2 năm 1836. Quân cách mạng Texas chiến đấu hăng hái, nhưng sau 13 ngày thì Alamo tan vỡ vào ngày 6 tháng 3 năm 1836. Tướng Antonio López de Santa Anna ra lệnh giết tất cả tù binh. Thất thủ Alamo càng làm cho quân cách mạng quyết tâm chiến thắng trận San Jacinto ngày 21 tháng 4 năm 1836 và thành lập nước Cộng Hoà Texas.
Alamo ngày nay là di tích lịch sử quốc gia (National Historic Landmark). Bên trong có đền tưởng niệm các binh sĩ tử trận và viện bảo tàng di tích lịch sử 300 năm của Alamo.
Sau lễ diễn hành kỷ niệm 175 thất trận, Alamo trở lại trống vắng buồn hiu; River Walk ở đâu? River Walk nằm dưới Alamo một tầng lầu, là một hệ thống lối đi dọc theo hai bờ sông San Antonio đầy shopping, quán ăn, và câu lạc bộ ca nhạc dài 2.5 dặm với 39 cây cầu. Mua vé ngồi thuyền (Rio Taxi) nghe kể sự tích San Antonio, rồi chờ đến hoàng hôn River Walk đẹp huyền ảo nắm tay nhau dạo thơ thẩn bên bờ sông cảm giác như trôi lạc vào cõi thiên thai. Hèn chi các sư huynh của tôi nói San Antonio không có gì coi, chỉ có River Walk!
Chúng tôi về lại Austin đã hơn 10 giờ đêm. Rồi 4 giờ sáng nhẹ nhàng rời nhà ra phi trường trong lúc gia đình cháu Thư còn ngủ say. Vừa đến Dallas có chuyến bay Phoenix sắp rời bến. Tôi chưa kịp nói lời chia tay thì đã xa nàng và Texas.
Texas là tên của bộ lạc Tejas. Tejas có nghĩa là "Những người bạn". Thế mà trước kia tôi cứ nghĩ người Texas ngang tàng mang súng ống đi nghênh ngang như cao bồi. Không ngờ người Texas rất hiền hoà. Cứ coi cách lái xe trên xa lộ không chạy nhanh vượt ẩu mới thấy người Texas đàng hoàng. Texas hơn hẳn 49 tiểu bang nước Mỹ, không phải vì đất rộng và dân đông, mà Texas là tiểu bang duy nhất đã từng là một quốc gia độc lập, Cộng Hòa Texas làm chúng tôi rất kính phục.

Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
uncleVinh
Post Reply