Xứ Chùa Tháp

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
Tu Minh Tam
Posts: 8
Joined: 05 Jan 06, Thu, 9:52 pm
Location: CA, USA

Xứ Chùa Tháp

Post by Tu Minh Tam »

Bài 1: Đường qua xứ Chùa Tháp:

Minh Tâm

Bao ngày ẩn mình trong rừng sâu để bị thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Angkor huyền bí đã thức tỉnh sau giấc ngủ triền miên để trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn của hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến để khám phá một công trình đồ sộ, to tát tưởng như chỉ được xây cất bởi người từ hành tinh khác hoặc bởi một điều kỳ lạ thần bí nào đó. Họ cũng đến Angkor để xem những kiệt tác về điêu khắc trên các bức phù điêu trên đá. Họ muốn tận mắt nhìn thấy nụ cười Bayon huyền bí đã từng làm ngây ngất biết bao nhiêu người. Tôi cũng vậy, cũng tò mò muốn biết Angkor như thế nào nên quyết định du lịch xứ chùa Tháp vào tháng 10 năm 2007.

Chuẩn bị:

Như các kỳ trước tôi sẽ đi theo tua. Từ Mỹ có các tua qua Thái Lan hay Singapore sau đó sẽ bay qua Siêm Riệp để thăm viếng Angkor. Giá vé chừng 1.300 đô la cho một người. Đó là chưa kể tiền thuế. Nhưng đối với tôi, chương trình nầy hơi thiếu là họ không viếng thăm Phnom Penh để xem Hoàng Cung và Chùa Vàng Chùa Bạc. Tìm trên internet, tôi thấy có tua từ Việt Nam đi Campuchia 4 ngày 3 đêm có viếng thăm cả hai nơi trên với giá 195 đô la một người, ở khách sạn 4 sao do Saigontourist tổ chức. Tôi thử tính nếu đi chơi một mình thì tiền xe từ Sài Gòn qua Siêm Riệp hai chuyến hết 60 đô, vô Angkor một ngày 20 đô, khách sạn 3 đêm cũng hết 120 đô. Tổng cộng cũng hơn 160 đô rồi, chưa kể tiền ăn uống và di chuyển lặt vặt. Như vậy giá tua cũng phải chăng, tuy cũng không rẻ so với một chuyến đi ngắn chỉ có 4 ngày. Ngoài ra, tôi phải về Việt Nam rồi mới đi Campuchia. Do đó, tôi phải làm thêm một cái visa nữa tốn hết 40 đô la. Lúc nầy vụ miễn thị thực mới bắt đầu thông báo mà chưa có đơn cụ thể nên tôi phải tốn tiền như vậy. Để về Việt Nam, trước ngày đi hai tháng, tôi đến công ty du lịch để mua vé máy bay. Tôi đi theo hãng Asiana với ý định sẽ ghé thăm Hán Thành một lần nữa vì chuyến về họ ngừng ở đó 8 tiếng nên tôi sẽ có cơ hội đi thăm thủ đô Hàn Quốc một cách chớp nhoáng. Lúc mua vé thì thấy vé cũng rẻ, một người chỉ 850 đô la. Ai dè hai tuần sau khi lấy vé máy bay thì vé lại xuống giá thêm 50 nữa. Mỗi vé chỉ có 800 đô la mà thôi. Thành ra, mua sớm lại bị mắc hơn. Dù sao mua sớm thì bảo đảm có vé đúng ngày giờ mình mong muốn. Đợi tới gần ngày đi có khi hết chỗ. Tôi tự bào chữa như vậy. Còn mua tua du lịch Campuchia thì tôi nhờ bạn tới công ty du lịch đặt cọc, dặn chỗ với số tiền là 100 đô la cho mỗi người.
Trước ngày đi chánh thức 3 ngày, chúng tôi lại phải đến công ty du lịch ở Sài Gòn một lần nữa để đóng hết số tiền còn thiếu, đồng thời lại phải nộp hết giấy tờ như passport, visa cho họ để họ lo làm visa nhập cảnh Campuchia cho mình ở lãnh sự quán Campuchia tại Sài Gòn. Như vậy tiện hơn là làm visa tại biên giới. Chi phí làm visa vào Campuchia là 25 đô la. Ai chưa có visa tái nhập Việt Nam thì họ cũng lo luôn với giá 40 đô la. Giấy tờ công ty du lịch giữ hết thì mình cũng hơi lo. Nhưng đó cũng là lo hão mà thôi. Sau nầy mọi chuyện đều tốt đẹp,và nhờ công ty lo trước nên lúc qua biên giới mọi chuyện nhanh chóng, dễ dàng.

Lên đường:

Ngày thứ năm 25/10/2007 chúng tôi lên đường. Công ty du lịch hẹn đón tại góc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Lê Thánh Tôn lúc 5 giờ sáng. Do đó chúng tôi để đồng hồ báo thức lúc 4 giờ. Thật ra, do chưa quen giờ giấc nên tôi đã dậy từ lúc 3 giờ khuya. Tối hôm trước, chúng tôi đã gọi điện thoại cho hãng taxi dặn đúng 4:30 có mặt trước nhà để đón chúng tôi nên vừa mở cửa ra là đã có xe đang chờ. Đi vào sáng sớm, gọi xe trước thì chắc ăn hơn.
Mấy ngày nay ở Sài Gòn thấy đường sá kẹt xe quá độ nên tôi sợ trễ, chớ thật ra, đường phố Sài Gòn sáng sớm vắng vẻ dễ đi nên chúng tôi tới công ty trước giờ hẹn 10 phút. Tuy vậy, văn phòng đã mở cửa và lai rai đã có mấy người bạn đồng hành tới đây rồi và họ đang ngồi nghỉ ngơi, đọc báo.
Đúng 5 giờ xe tới. Đoàn du khách hôm nay gồm 31 người trong đó 80% là việt kiều từ Mỹ, Úc, Pháp ... Còn lại là người trong nước. Có cả một cô gái người Úc nữa (cô nầy đi theo bạn là việt kiều Úc). Hướng dẫn viên cho đoàn là anh Nguyễn Hoàng. Sau khi chào mừng, anh trả lại giấy tờ để bà con xem lại và điền thêm những chi tiết cần thiết. Công ty đã có người điền hầu hết giấy tờ nhập cảnh và xuất cảnh rồi, nhưng có một vài chi tiết như địa chỉ, và ký tên thì cần chính tay hành khách phải ghi. Du lịch theo đoàn có ưu điểm là người ta rành thủ tục, và có “tay trong” để lo giấy tờ nên mọi việc sẽ rất dễ dàng. Nếu đi một mình có thể rắc rối và tốn thì giờ nhiều hơn. Nên nhớ Campuchia là một nước nổi tiếng về tham nhũng. Đi theo tua, người ta đã “lót tay” rồi nên thủ tục nhanh chóng hơn.
Xe đi theo đường Hốc Môn, Củ Chi, để tới Trảng Bàng. Dọc đường, anh Nguyễn Hoàng giới thiệu sơ về địa lý và lịch sử Campuchia.

Sơ lược về địa lý và lịch sử Campuchia:

Địa lý:

Campuchia nằm giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Diện tích khoảng 181.035 km2 (tức khoảng ½ Việt Nam), nhưng dân số chỉ có 13 triệu người. Ba phần tư lãnh thổ là đồng bằng do sông Mekong bồi đắp. Campuchia có Biển Hồ Tonle Sap diện tích khoảng 2.590 km2 trong mùa khô và khoảng 24.605 km2 vào mùa mưa. Cả nước chia làm 20 tỉnh và theo chế độ quân chủ lập hiến. Về kinh tế, đây là một nước nghèo vì đa số dân sống bằng nghề nông. Kỹ nghệ hầu như không có gì. Sản phẩm chủ yếu là lúa, cao su, đường thốt nốt, hải sản, đá quý ...

Lịch sử:

Từ trước công nguyên, khắp vùng Hạ Lào, Thái Lan, Campuchia, Miền Nam Việt Nam đã có người Khmer sinh sống, họ chịu ảnh hưởng tôn giáo từ Ấn Độ và theo thời gian đã lập nên những vương quốc có lãnh thổ rất rộng rãi. Đầu tiên là vương quốc Phù Nam (1-630). Di tích còn sót lại của họ có ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Sập, Tây Ninh ... Vương quốc Phù Nam từng có dịp buôn bán với các thuyền buôn Châu Âu bằng chứng là người ta đã đào được tiền cổ La Mã trong vùng Ba Thê. Vương quốc nầy được ghi lại trong sử sách Trung Quốc với danh xưng Funan.
Khoảng năm 550, một vương quốc mới phát sinh ở trong lòng Phù Nam có tên là Chân Lạp. Chân Lạp sau nầy lại phân làm hai là Lục Chân Lạp mà trung tâm là tỉnh Champasak (Hạ Lào) và Thuỷ Chân Lạp (vùng đồng bằng sông Cửu Long). Chân Lạp lật đổ Phù Nam và cầm quyền trong khoảng 630-802.
Đế quốc Khmer (802-1432): đây là thời kỳ rực rỡ nhứt của dân tộc Khmer. Đế quốc nầy rộng lớn hơn 1.000.000 km2 bao gồm Thái Lan, Lào, Capuchia, Nam Việt Nam ... . Vị vua đầu tiên tên là Jayavarman II. Khi còn nhỏ ông đã sang Java sinh sống. Lúc trưởng thành ông theo đường thuỷ trở lại Chân Lạp dành chánh quyền và tự xưng là Chakravartin (Vua Thiên Hạ). Ông lập kinh đô ở Phnom Kulen, ở phía bắc Siêm Riệp và đặt tên nước là Kampuja, khởi nguyên cho chữ Campuchia sau nầy. Trong 500 năm vinh quang của đế quốc Khmer, có gần 30 vị vua. Hai người nổi tiếng nhứt trong thời đại nầy là Suryavarman II, người xây Angkor Wat, và Jayavarman VII, người chiến thắng quân Chiêm Thành (Champa) và xây Angkor Thom. Trong thời gian 5 thế kỷ, họ đã tạo nên một đế quốc hùng mạnh với lãnh thổ thật to lớn. Họ đã xây nên kinh đô Angkor với những đền đài cung điện chứng tỏ họ đã có những thành tựu về kiến trúc và điêu khắc tiến bộ nhứt thời đó. Chu Đạt Quan, một sứ thần thời nhà Nguyên - Trung Hoa đã đi sứ ở đây năm 1297 và viết du ký về một quốc gia nầy. Ấn Độ Giáo và sau đó là Phật Giáo được truyền bá rộng rãi ở đây.
Đến đầu thế kỷ thứ 13, ở phía tây, người Thái từ Vân Nam xuống đã lập ra vương quốc Xiêm đầu tiên có tên là Sukhothai. Hai trăm năm sau, Sukhothai lại bị một vương quốc khác cũng của người Thái là Ayutthaya đánh bại. Ayutthaya lớn mạnh tấn công vào đế quốc Khmer và chiếm được Angkor năm 1431. Người Khmer chạy về Phnom Penh ở phía đông và đế quốc Khmer cũng suy tàn từ đó.
Campuchia suy yếu (1432-1863): Những thế kỷ sau đó, Campuchia suy yếu do tranh giành quyền lực trong nội bộ hoàng gia mà đất đai mất dần về Thái Lan và Việt Nam. Chúa Nguyễn gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Campuchia. Sau đó người Việt đến lập nghiệp tại Mô Xoài và Bà Rịa. Dần dần, như tằm ăn dâu, cả miền Thuỷ Chân Lạp (Nam Việt Nam hiện nay) nằm dưới sự kiểm soát của người Việt. Thậm chí dưới thời vua Minh Mạng, Việt Nam đã gởi Trương Minh Giảng đến Phnom Penh cai trị và đổi tên thành Trấn Tây Thành. Hình như lúc đó triều Nguyễn dự định đồng hoá nước nầy nhưng không thành.
Đến năm 1863, Campuchia bị Pháp chiếm làm thuộc địa tới năm 1953 thì Pháp mới trao trả độc lập dưới sự lãnh đạo của quốc vương Norodom Sihanouk.
Campuchia độc lập dưới thời Sihanouk (1953-1970): Sau hiệp định Geneve, Campuchia được độc lập. Sihanouk theo đuổi một chính sách trung lập thiên tả. Ông ta nhận viện trợ của Nga, Trung Quốc và có quan hệ ngoại giao với cả Bắc và Nam Việt Nam. Nhưng dần dần, ông ta đã thiên hẳn về phía tả và tỏ ra không ưa chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông đã giúp miền Bắc trong việc để các tỉnh phía đông Campuchia cho các lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng đóng quân. Cảng Sihanoukville được xây dựng và tiếp tế cho họ. Quân dụng từ miền Bắc cũng qua Hạ Lào, Campuchia mà tiếp tế có bộ đội cộng sản.
Năm 1970, trong khi Sihanouk đi chửa bịnh ở nước ngoài thì bị thủ tướng Lon Nol đảo chánh lật đổ.
Nội chiến tại Campuchia (1970-1975): Chiến tranh ở Đông Dương leo thang ác liệt. Ở Campuchia, chánh phủ Lon Nol chỉ kiểm soát được vùng thành thị. Ở nông thôn, nhứt là vùng đông bắc, quân cộng sản do Khmer Đỏ và bộ đội Việt Nam kiểm soát. Tháng 4/1970, quân đội Miền Nam Việt Nam mở cuộc hành quân vào Campuchia để phá hậu cần của cộng sản nhưng chỉ hai tháng sau, họ đã phải rút quân về.
Ngày 17/4/1975, Phnom Penh thất thủ về tay Khmer Đỏ do sự lãnh đạo của Pol Pot, Ieng Sari ... Sau đó họ lập nên nước Campuchia Dân Chủ và thực hiện một chánh sách "diệt chủng" rất tàn ác. Hơn một triệu người đã bị giết chết. Đất nước không có tiền tệ, ngân hàng. Không ai có tài sản riêng. Nông nghiệp bị hợp tác hoá. Công nghiệp bị quốc hữu ... Nhưng sai lầm lớn nhứt của Campuchia Dân Chủ chính là theo phe Trung Quốc và gây chiến tranh với Việt Nam. Họ tấn công biên giới và gây nên những cuộc tàn sát dân Việt.
Cuối năm 1978, Việt Nam giúp Heng Samrin và Hunsen thành lập Mặt Trận Kampuchea Thống Nhứt rồi xua quân qua biên giới để "Làm Nghĩa Vụ Quốc Tế". Họ nhanh chóng chiếm Phnom Penh ngày 7/1/1979 và đuổi tàn quân Khmer Đỏ về phía tây sang tận biên giới Thái Lan.
Từ năm 1979 đến năm 1989, quân Việt nam ở Campuchia phải đánh nhau với quân tàn quân của Khmer Đỏ, quân kháng chiến của Sihanouk, và lực lượng trung thành với thủ tướng Lon Nol ... Do áp lực quốc tế và khó khăn nội bộ, Việt Nam đã rút quân về từ năm 1989.
Những hội nghị quốc tế ở Paris đã giúp ngừng bắn ở Campuchia từ năm 1991. Một cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1993 đã khôi phục tình trạng hoà bình. Sihanouk lại được lập làm vua. Hoàng thân Norodom Ranarith được cử làm thủ tướng thứ nhứt. Hun Sen làm thủ tướng thứ hai. Cuối năm 1997, ông Ranarith làm đảo chánh tính lật đổ Hunsen nhưng thất bại nên phải chạy ra nước ngoài. Sau nầy ông cũng được cho về nước. Phe Hun Sen thắng thế. Các lực lượng Khmer Đỏ cuối cùng đã phải đầu hàng.
Năm 2004, Sihanouk thoái vị để nhường ngôi cho con là Norodom Sihamoni. Nhưng nhà vua chỉ có tích cách tượng trưng. Quyền hành nằm trong tay Thủ Tướng Hun Sen.
Ngày nay sinh hoạt chánh trị tại Campuchia đã tương đối ổn định. Các cuộc bầu cử được tổ chức tự do. Kinh tế đã khá phát triển. Campuchia gia nhập khối Asean và WTO. Ngành du lịch phát triển mạnh, nhứt là ở Siêm Riệp nơi khách sạn loại 5 sao được xây cất còn nhiều hơn ở thủ đô Phnom Penh. Campuchia đã hồi sinh. Dân số hiện nay đã gần 13 triệu.
Campuchia đang ở phía trước và chờ chúng tôi đến khám phá và tìm hiểu.

*****

Sau một giờ di chuyển, xe ngừng ở một tiệm ăn ở Trảng Bàng – Tây Ninh để chúng tôi ăn sáng. Trảng Bàng nổi tiếng với hai đặc sản là bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc và món bánh canh mà chúng tôi được thưởng thức sáng hôm nay. Tuy nổi danh như vậy nhưng tôi nhận thấy bánh canh Trảng Bàng cũng bình thường chớ không có gì đặc sắc. Cũng chỉ là bánh canh giò heo, có thêm hai miếng thịt nạc. Vậy thôi, không có gì đáng nói. Nấu ăn “tàng tàng” như tôi chắc cũng dư sức nấu một món ăn như vậy. Do đó, khi nghe người ta đồn đại một điều gì, bạn chớ nên tin liền. Phải đến nơi, tự mình kiểm tra, đánh giá rõ mọi việc.
Ăn sáng xong, chúng tôi tiếp tục lên đường theo quốc lộ 22 qua Gò Dầu để chuẩn bị “vượt biên” qua Campuchia.

Trích Á Châu Quyến Rũ
ký sự du lịch của Minh Tâm
(310)523-1857
Tu Minh Tam
Posts: 8
Joined: 05 Jan 06, Thu, 9:52 pm
Location: CA, USA

Post by Tu Minh Tam »

NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN VỀ CAMPUCHIA

Minh Tâm

Thủ tục qua biên giới:

Khoảng 7:30 chúng tôi đến biên giới Mộc Bài. Xe ngừng ở bến xe bên cạnh đường. Mấy người phu khuân vác tới hỏi có ai muốn đem dùm hành lý qua bên kia biên giới hay không. Giá rất rẻ chỉ 5.000 -10.000 đồng cho một vali nhưng không ai trong đoàn chịu gởi. Hình như họ sợ giao hành lý cho mấy người phu nầy thì sẽ thiếu an toàn và có thể bị rắc rối. Tôi cũng vậy, chịu khó một chút thì an tâm hơn. Rủi ro, người ta nhét ma tuý vô vali của mình thì đời tàn. Chúng tôi sẽ tự kéo hành lý qua hai trạm xét: Mộc Bài của Việt Nam để xuất cảnh, và Bavet của Campuchia để nhập cảnh. Hai trạm cách nhau chừng vài trăm mét.
Văn phòng làm trụ sở xuất nhập cảnh của Việt Nam ở Mộc Bài là một toà nhà lớn, phân nửa dành cho xuất cảnh, phân nửa dành cho nhập cảnh. Toàn bộ giấy tờ của đoàn do Nguyễn Hoàng nộp cho công an di trú một lần. Chúng tôi chỉ đứng chơi và xem thiên hạ làm gì. Hôm nay du khách qua biên giới khá đông. Tôi thấy khách du lịch thì có đoàn của Cholontourist, Fiditour, Viettravel ... Họ đến cùng một lúc nên mấy trăm người đang láo nháo tại đây. Một lúc sau, Nguyễn Hoàng trở ra, giao lại giấy tờ cho từng người để chúng tôi trình cho công an xuất cảnh. Ra khỏi trạm, chúng tôi tiếp tục kéo vali qua biên giới chánh thức của hai nước, nơi có một cột mốc có cắm hai lá cờ Việt Nam và Campuchia.
Văn phòng xuất nhập cảnh của Campuchia ở Bavet có vẻ bề thế và đẹp hơn của Việt Nam. Kiến trúc nhìn thoáng qua thấy hơi giống kiến trúc Thái Lan. Ở lối vào văn phòng, con buôn hỏi có ai muốn đổi tiền thì đổi, hối suất là 1 đô la ăn 3.900 ria (trong khi ở Nam Vang là 4.160 ria)... Tại đây, chúng tôi cũng tiếp tục đứng chơi. Thủ tục giấy tờ sẽ do hướng dẫn viên làm hết. Chừng 15 phút sau, anh kêu tên từng người trả lại giấy tờ để chúng tôi trình cho công an nhập khẩu Campuchia. Rồi sau đó, anh ta lại thâu lại để công ty du lịch làm thủ tục sẵn sàng cho chúng tôi trong ngày về.
Như vậy trong bốn ngày ở Campuchia, tôi không có bất kỳ một tờ giấy nào để “lận lưng”. Nếu rủi có bị cảnh sát bắt bỏ bót thì không biết làm sao để chứng minh lý lịch của mình !!!.

Những sòng bài ở cửa khẩu Bavet:

Sau khi ra khỏi cửa khẩu Bavet, chúng tôi lên một xe khác do tài xế người Campuchia lái, anh nầy cũng biết chút ít tiếng Việt. Đồng thời chúng tôi cũng gặp anh Quang là hướng dẫn viên địa phương của đoàn. Anh tự giới thiệu là người “đầu gà đít vịt” nghĩa là có hai dòng máu: cha là người Hoa và mẹ là người Miên, nhưng không biết tại sao anh nói tiếng Việt rất giỏi. Trong khi chờ đợi cả đoàn lên xe, anh chỉ cho tôi những sòng bài ngay tại cửa khẩu Bavet. Có 7 casino như vậy ở đây để thu hút những con bạc mê đen đỏ từ Việt Nam qua chơi. Dân cờ bạc từ Sài Gòn lên đây chỉ cần chờ ở biên giới, sau đó có “cò” dẫn tới các sòng bài. Tuỳ theo khách muốn như thế nào thì họ có thể đi xe ôm “chui” qua Campuchia bằng các ngõ ngách chỉ có người địa phương mới biết. Họ cũng có thể đi chánh thức qua biên giới như chúng tôi nhưng phải xin visa nên mất công và tốn tiền hơn. Hàng ngày, không biết bao nhiêu đô la đã bị “chảy” ra đây. Có thể tới hàng trăm ngàn chớ không ít. Nếu không tại sao các sòng bài nầy làm ăn phát đạt và cứ tiếp tục mọc lên như vậy ? Nếu bạn có nhà ở Sài Gòn rồi lỡ thua bài mà muốn mượn tiền ? Người ta sẽ cho bạn mượn, dĩ nhiên là với tiền lời “cắt cổ”. Sau đó sẽ có người về tận Sài Gòn để thu lại. Chánh phủ Campuchia cho mở sòng bài ở biên giới Việt Nam và Thái Lan để thu thuế. Ngay cả ở Nam Vang cũng có sòng bài Naga mà chúng tôi sẽ ghé thăm vào đêm cuối cùng trước khi rời xứ Chùa Tháp.

Từ biên giới về Prey Veng – cảm nhận đầu tiên về Campuchia:

Từ biên giới, chúng tôi đi sâu vào đất nước Campuchia theo quốc lộ số 1. Con đường nầy tuy chỉ có hai làn xe nhưng mới được làm lại gần đây nên êm ái không dằn xóc. Dọc đường cảnh vật giống như ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Nhà cửa dân chúng ở nông thôn Campuchia nho nhỏ và làm bằng vật liệu nhẹ. Khác biệt lớn nhứt là mái nhà của họ có 2 nóc, không giống nhà ở Việt Nam có 1 nóc.
Dọc đường, một điều gây chú ý khác cho du khách là những tấm bảng để tên các đảng phái chánh trị để chứng tỏ khu xóm đó chịu ảnh hưởng của đảng nào. Quang cho biết hiện nay, Campuchia có trên 30 đảng nhưng mạnh nhứt là 3 đảng sau:
Cambodian People’s Party (CPP): Đảng Nhân Dân Campuchia do thủ tướng Hunsen lãnh đạo, có dấu hiệu là vũ nữ apsara.
Đảng Funcinpec của hoàng thân Norodom Nararith, có dấu hiệu là hình của ông.
Đảng của ông Sam Rainsy có dấu hiệu là cây đèn cầy...
Xem ra, sinh hoạt chánh trị ở Campuchia có vẻ tự do hơn ở Việt Nam nhiều.
Từ biên giới về bến phà Neak Luong, không thấy bóng cảnh sát giao thông nào và đường cũng vắng nhưng xe chỉ chạy với tốc độ vừa phải khoảng 60-70 km/h mà không dám chạy nhanh. Bác tài cho biết ông sợ đụng phải mấy con bò. Ở Campuchia, người ta nuôi bò khá nhiều. Chúng đi lang thang hai bên quốc lộ, có khi nổi hứng đi ra giữa đường. Nếu đụng phải mấy con bò nầy thì cũng phiền phức lắm.
Xe đi ngang qua Sway Rieng thuộc vùng Mỏ Vẹt, giáp ranh với Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Mùa nầy là mùa nước nổi. Hai bên đường, nước ngập trắng đồng như biển. Ở đây đất thấp nên không thấy nhiều nhà cửa, chỉ thấy toàn nước và ... nước. Cảnh quan nầy, đối với dân Cali quanh năm không có một giọt mưa như chúng tôi thì thấy thật kỳ thú và lạ lùng.
Khoảng 9:30 chúng tôi đã tới bến phà Neak Luong, nếu qua phà thì sẽ đi về Nam Vang nhưng chúng tôi rẽ phải theo quốc lộ số 11 đi dọc bờ sông Mekong nhắm hướng Siêm Riệp thẳng tiến. (Từ Sài Gòn, để đi Siêm Riệp ta có thể qua Tây Ninh ở Mộc Bài như chúng tôi đang đi, hay cũng có thể đi theo cửa khẩu Lộc Ninh thì gần hơn nhưng vì Lộc Ninh không phải là cửa khẩu quốc tế nên không thấy tua nào tổ chức qua hướng đó).
Nửa giờ sau, chúng tôi đã tới thị trấn Prey Veng để nghỉ ngơi đôi chút.

Prey Veng:

Prey Veng có nghĩa là Rừng Dài, nhưng ngày nay kiếm không ra một cánh rừng nào ở Prey Veng nầy. Đây là một thị trấn nhỏ chỉ có 55.000 dân sinh sống. Và đây cũng là một nơi nghèo nhứt Campuchia, đa số dân chúng sống bằng nghề nông và đánh cá. Xe ngừng ở một trạm xăng để bà con xuống nghỉ ngơi đôi chút. Bên trái có một ngôi chùa Khmer khá đẹp nhưng đóng cửa. Đường sá vắng vẻ, buồn tênh. Thấy có chỗ bán nước mía ven đường, mấy người trong đoàn nhào ra mua uống. Mấy vị nầy chắc có bao tử “thép” nên không sợ tiêu chảy !!!.
Rời Prey Veng trời hơi mưa lâm râm, chúng tôi tiếp tục lên phía bắc. Chúng tôi đã đi vòng vòng từ đông qua tây rồi từ nam lên bắc. Chừng 1 tiếng sau, chúng tôi đi ngang qua một vùng đất đỏ có những vườn cao su lớn. Ở Campuchia, người Pháp đã xây dựng những đồn điền cao su ở Kompong Cham và ở những tỉnh gần biên giới Miền Đông Nam Phần của Việt Nam.
Xe qua một chiếc cầu thật dài do Nhật xây cất ngang sông Mekong tên là Spien Kazuma. Bên kia sông là thị trấn Kompong Cham.

Kongpong Cham:

Kompong: bến nước, Cham: người Chăm (hay Chàm). Kompong Cham là một thị trấn lớn của Campuchia. Đây là quê hương của thủ tướng Hun Sen.
Chúng tôi ngừng ở đây để ăn trưa trong một nhà hàng của người Hoa tên là Hảo An. Bữa ăn gồm 6 món: hai dĩa rau xào, thịt gà, trứng hầm với cá sửu, canh chua cá ... Mấy cô hầu bàn đem bia Campuchia hỏi khách muốn uống thì khui. Bia nầy lạt hơn Hennecken mà tình tiền lại quá mắc: 3 đô la một chai.
Ăn xong ra phía trước nhà hàng để coi có hàng quán gì không thì thấy ở đây ... không có gì. Thành phố thì to lớn mà hàng hoá thì chán phèo. Họ chỉ bán điện thoại di động, báo chí tiếng Campuchia, và vài món quà ăn vặt. Kompong Cham thật chẳng sinh động chút nào.

Từ Kompong Cham về Kompong Thom:

Ăn trưa xong, chúng tôi tiếp tục lên đường về hướng tây. Hai bên đường cây cối khá nhiều và xanh tươi. Cảnh vật giống như ở vùng quê miền Đông Nam Phần như ở Bình Dương, Bình Phước. Nhưng khác một chỗ là người Campuchia thì ở nhà sàn, vách gỗ, mái ngói. Thỉnh thoảng lại có một vài ngôi chùa đẹp đẽ hay một căn nhà thật mới và thật đẹp của một ông nhà giàu nào đó. Quang chỉ cho chúng tôi biết và để ý: nếu nhà nào mà cửa sổ có treo màn màu hồng thì nhà đó có con gái chưa có chồng. Một điều lạ nữa là nhà ở đây không có số, không biết bưu điện làm sao phát thơ. Ngoài ra, cũng không có cột điện. Dân quê ở Campuchia còn nghèo lắm, ban đêm chỉ thắp đèn dầu. Ở Campuchia, chỉ có thành phố lớn mới có điện và giá điện cũng mắc hơn ở Việt Nam rất nhiều vì giá xăng mắc hơn 30%. Trái lại, xe ô tô lại rẻ hơn vì thuế nhập cảng thấp và giấy tờ đăng bộ cũng dễ dàng hơn thế mà người ta còn không thèm lấy bảng số. Ở Campuchia, xe không biển số chạy tứ tung. Cảnh sát có bắt thì “lót tay” vài ngàn ria là cho đi.
Trên đường chúng tôi còn thấy một chiếc xe kia chở khách thấy mà sợ. Khách ngồi chật trong xe, khách đeo phía sau, khách ngồi trên nóc. Một chiếc xe ở nông thôn Campuchia có thể chở được 40-50 người như chơi. Nói tóm lại, cứ chở được bao nhiêu thì chở, không cần chú ý về an toàn hay sợ cảnh sát phạt như ở Việt Nam. Quang cho biết thêm đó là tại vì dân nghèo quá, nếu không làm như vậy thì họ không có phương tiện di chuyển. Giá tiền xe rất rẻ, thí dụ đi từ biên giới về Nam Vang một người chỉ phải trả chừng 7.000 ria nếu ngồi trong xe, hay 5.000 nếu ngồi trên mui. Dĩ nhiên nếu có tai nạn thì rán chịu. Tôi thầm nghĩ Campuchia sao khác Việt Nam nhiều quá. Cái gì Việt Nam cấm thì ở Campuchia cho phép. Thí dụ cờ bạc, chạy xe quá tốc độ, chở dư người ... ở Việt Nam cấm thì ở đây tự do. Nhưng tự do kiểu Campuchia hơi quá trớn và không an toàn.
Xe chạy một lát sau chúng tôi lại thấy một điều lạ nữa. Đó là thấy một người chạy xe gắn máy chở một người phía sau. Người nầy cầm một cành cây. Trên cây là một ... bình nước biển. Anh nầy đang được vô nước biển và trên đường về nhà. Quang giải thích như sau: ở đây, nếu bịnh mà đi khám bác sĩ thì 90% là họ sẽ được cho vô một chai nước biển liền. Vô nước biển không phải là chuyện đùa và có thể bị sốc dễ dàng. Vậy mà ở đây làm như vậy. Y tế xứ lạc hậu thiệt là bậy bạ. Thảo nào, những người có tiền ở Campuchia, mỗi khi bịnh thì hay qua Sài Gòn để chữa.

Kompong Thom:

Kompong: bến nước, Thom: lớn. Sau gần hai giờ thấy nhiều chuyện lạ trên đường, chúng tôi tới Kompong Thom, một thị trấn lớn trên quốc lộ 6 ven hồ Tonle Sap ở phía bắc và nằm khoảng giữa Nam Vang và Siêm Riệp. Trong lịch sử Campuchia, Kompong Thom có thời đã là thủ đô của nước nầy trong một thời gian ngắn trước khi dời chánh thức về Nam Vang. Dân cư ở đây sống bằng nghề làm ruộng và đánh bắt hải sản nhờ có nhiều cá trên con sông Seine chảy ngang thị trấn hay trên Biển Hồ.
Trong khi các bạn đồng hành vào nghỉ chân trong một nhà hàng, tôi vòng ra phía trước để coi sinh hoạt của thị trấn. Ở đây, người bán hàng ăn vặt khá nhiều. Nào là nước uống, nào là trái cây như xoài, bưởi ... Tôi còn thấy họ bán côn trùng chiên như dế, nhền nhện, châu chấu ... Nhìn chung sinh hoạt buôn bán ở Kompong Thom trông có vẻ phồn thịnh và khắm khá hơn Prey Veng và Kompong Cham rất nhiều. Ngay cả khách sạn mà đoàn dừng chân hôm nay tôi thấy cũng to lớn và sạch sẽ.
Trên đường từ Kompong Thom về Siêm Riệp, Quang cho biết Kompong Thom là quê hương của Pol Pot, thủ lãnh Khmer Đỏ. Ông ta sinh ra và học tiểu học ở đây. Khi lớn lên thì đi du học tại Pháp về kỹ thuật vô tuyến và truyền thanh. Dưới thời Lonnol, ông vào bưng kháng chiến và lập ra đảng cộng sản Campuchia được Việt Nam ủng hộ. Sau 1975, ông ta theo hẳn phe Trung Quốc và thực hiện chánh sách diệt chủng và giết hại hơn 1 triệu dân Campuchia. Đây là thời kỳ kinh hoàng nhứt của nước nầy. Bất cứ ai làm việc cho chế độ cũ đều bị giết chết hoặc phải làm khổ sai trong các nông trường thuỷ lợi. Đất nước không có tiền tệ, ngân hàng, chợ búa. Trai gái thương nhau không được cưới mà phải lấy nhau do chánh quyền chỉ định. Sai lầm lớn nhứt của Pol Pot là tấn công Việt Nam để đòi đất. Việt Nam phải làm “nghĩa vụ quốc tế” để lật đổ ông ta. Sau năm 1979, Pol Pot lập chiến khu ở biên giới Thái Lan và đánh du kích chống Việt Nam tới năm 1998 thì chết trong rừng sâu. Khmer Đỏ từ đó buông súng và Campuchia mới thanh bình trở lại.
Lúc nầy, trời trở nên âm u, mưa lâm râm nên chương trình ghé thăm Cầu Rồng trên quốc lộ 6 bị tạm hoãn. Quang hứa ngày về sẽ ghé sau.
Hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng thay mặt công ty du lịch tặng cho mỗi người một cái khăn quàng cổ mà người Campuchia gọi là “krama”. Khăn nầy tương tự khăn rằn của người dân Nam Bộ. Người Campuchia rất tự hào về công dụng của cái khăn nầy. Họ nói nó có thể làm khăn quàng cổ cho ấm, làm khăn đội đầu để che nắng mưa, quấn ngang thắt lưng để thay đồ, thậm chí nó còn có thể dùng để ... nấu cơm. Cách làm như sau: gạo ngâm cho nở, bỏ vô khăn, sau đó đào lỗ dưới đất để khăn vào đó, lấp đất lại rồi đốt lửa bên trên. Hơi nóng sẽ làm cho gạo ẩm thành cơm. Tuy không ngon nhưng cơm nầy giúp cứu đói cho nhiều người trong thời gian diệt chủng.
Sau khi ngồi trên xe hơn 600 km, khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi mới vào tới Siêm Riệp, thị trấn du lịch nổi tiếng của Campuchia. Cả ngày hôm nay chỉ là một ngày di chuyển xuyên qua gần hết đất nước Campuchia. Đó cũng nhờ hệ thống cầu đường đã được sửa chữa lại gần hết. Trước đây, muốn đi Siêm Riệp, người ta chỉ có thể đi máy bay hay đường thuỷ chớ không thể đi đường bộ vì đường quá xấu. Họ phải tới Nam Vang rồi đi tàu cao tốc trong 5 giờ để tới đây. Ngày nay mọi chuyện đã tiến bộ nhiều. Đường bộ từ Nam Vang tới đây đã thông thương. Phi trường Siêm Riệp cũng đã được người Pháp đầu tư sửa lại. Hàng ngày máy bay lên xuống tấp nập. Ngoài ra, quốc lộ 6 từ Siêm Riệp đi biên giới Thái Lan hiện đang được sửa chữa, tráng nhựa. Đường nầy làm xong sẽ kéo thêm nhiều du khách từ Thái Lan tới. Trong tương lai Siêm Riệp sẽ bị tràn ngập bởi du khách bốn phương.

Minh Tâm
trích ký sự du lịch
Á Châu Quyến Rũ
Tu Minh Tam
Posts: 8
Joined: 05 Jan 06, Thu, 9:52 pm
Location: CA, USA

Post by Tu Minh Tam »

THÀNH PHỐ DU LỊCH SIÊM RIỆP

Minh Tâm

Siêm Riệp cách Phnom Penh 314 km đường bộ. Nhưng trước đây, đường bộ bị hư hại hoàn toàn nên Siêm Riệp chỉ thông thương ra bên ngoài bằng đường thuỷ qua Biển Hồ. Hai năm nay, quốc lộ 6 được sửa lại, đường sá thông thương, muốn tới Siêm Riệp cũng dễ. Tên của thành phố ở phía bắc Biển Hồ nầy có nghĩa là "Đánh thắng quân Xiêm". Nhưng thật ra, có thời người Thái đã chiếm đóng nơi đây cho tới khi trả về cho Campuchia do một hiệp ước với Pháp năm 1863. Ngày nay Siêm Riệp là nơi thu hút 85% lượng khách du lịch đến thăm Cambuchia vì ở đây có di tích Angkor (Đế Thiên Đế Thích) nổi tiếng thế giới. Tuy lớn thứ ba sau Phnom Penh và Battambang nhưng Siêm Riệp là một thành phố nhỏ chỉ có vài trăm ngàn dân sinh sống.
Chúng tôi đến đây khi trời đang mưa lâm râm. Bên trái là Chợ Mới nơi có nhiều vựa trái cây. Quang cho biết trái cây nầy nhập cảng từ Thái Lan. Một số khác là do địa phương trồng trọt. Trái cây của người Campuchia không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên ăn rất tốt.
Phố xá hai bên đường ở Siêm Riệp cũng mới mẻ và đẹp hơn các nơi chúng tôi đã đi qua hôm nay. Nhiều khách sạn 3-4 sao gắn đèn màu tạo nên một không khí vui tươi sống động. Đây chỉ mới ở ngoài rìa. Vào trong thành phố, khách sạn lớn và sang trọng hơn nhiều. Nhưng không có khách sạn nào được xây quá 5 tầng. Chánh quyền không muốn có bất cứ kiến trúc nào cao hơn chiều cao của Angkor Wat.
Chúng tôi cũng thấy ở đây đang xây cất rất nhiều chung cư. Quang cho biết tuỳ khu vực giá chung cư từ 70.000 tới 200.000 đô la. Đặc biệt người ngoại quốc có thể tới Campuchia mua nhà dễ dàng. Vì vậy, nhà đất ở Campuchia hiện giờ lên giá rất mạnh.
Trước khi về khách sạn, chúng tôi đi ăn tối tại nhà hàng New Bayon. Bữa ăn gồm 8 món gồm hai dĩa rau xào, hột vịt chiên khổ qua, một dĩa cá chiên, một nồi lẩu, hai món ăn truyền thống Campuchia là cá chưng với mắm bò hóc tên là amok và một món khác. Tôi không ăn món nầy nhưng mấy người việt kiều Úc thì khen ngon. Họ nói đồ ăn ở đây ăn được, khá hơn khi đi du lịch Trung Quốc nhiều vì bên đó cho ăn ít thịt, nhiều rau, mà lại nhiều mỡ.
Sau khi ăn tối chúng tôi được đưa về khách sạn Angkor Land, một khách sạn 4 sao để nghỉ ngơi và đi chơi tự do. Quang và Hoàng nói là ai muốn đi đấm bóp thì hai anh sẽ đưa đi. Giá tiền là 10 đô la một giờ. Còn nếu ai muốn đi riêng thì đi xe tuk tuk với giá 1 đô la một người. Hai anh còn cho biết, Siêm Riệp về đêm tương đối an toàn. Du khách có thể đi chơi thoải mái mà không sợ bị cướp giật hay du đãng.

Siêm Riệp về đêm:

Nhận phòng khách sạn xong thì cũng khoảng 7:30 giờ tối. Trời đã bớt mưa. Hai vợ chồng nằm nghỉ một chút, sau đó lên đường khám phá Siêm Riệp về đêm. Quang đã cho biết là Siêm Riệp không lớn nên có thể đi bộ để thăm viếng. Ngoài ra, ở đây không có xe taxi mà chỉ có xe tuk tuk là loại xe có bốn chỗ ngồi do xe gắn máy kéo ở phía trước giống xe lôi ở Miền Tây. Đa số tài xế xe tuk tuk biết sơ sơ tiếng Anh đủ để giao dịch.
Ra khỏi khách sạn thì anh tài xế xe tuk tuk tới hỏi chúng tôi muốn đi đâu. Tôi nói tôi muốn đi một vòng thành phố cho biết thì giá bao nhiêu. Anh ta nói 4 đô la cho 4 người. (Ở Campuchia, cái gì cũng nói giá bằng đô la !). Nếu đợi đủ bốn người thì mỗi người chỉ trả có một đô la. Thấy đợi lâu mà giá tiền xe không mắc lắm nên chúng tôi nói anh ta khởi hành và tụi tôi sẽ trả đủ tiền.
Đầu tiên xe chạy ra đường Sivatha là một con đường lớn ở đây. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là Siêm Riệp là một thành phố mới phát triển chủ yếu về phục vụ du lịch. Hai bên đường đèn đóm sáng sủa và có rất nhiều khách sạn, tiệm đấm bóp, cà phê internet, dịch vụ mua vé máy bay, bán tua du lịch ... . Khách du lịch Tây Phương đi lại khá đông. Tuy nhiên đường sá hãy còn dơ dáy, nhứt là hôm nay mới vừa qua một cơn mưa nhỏ nên hơi lầy lội. Sợ nhứt là mấy con chó chạy rong đầy đường.
Xe ngừng ở Chợ Trung Tâm là một nơi bán hàng bách hoá để chúng tôi vào thăm, nhưng tôi nói thôi chạy thẳng xuống khu phố cổ cách đó không xa. Xe ngừng ở phía ngoài chờ. Chúng tôi đi bộ vào trong coi thiên hạ ăn chơi vì đây là phố đi bộ, ban đêm không cho xe vào.
Phố cổ: là nơi vui vẻ nhứt vào ban đêm nằm ở phía nam Siêm Riệp. Du khách Tây Phương hiện diện khá đông nơi đây. Họ ăn uống trong các nhà hàng nấu kiểu Pháp, Thái, Ý, Ấn Độ, Trung Hoa ... Họ đi mua sắm trong các tiệm bán đồ kỷ niệm như đồ giả cổ, tranh ảnh ... Cũng có nhiều tiệm đấm bóp và quảng cáo là Traditional Khmer Massage. Nước nào cũng quảng cáo là mình có phương pháp massage tuyệt vời, nhưng tôi thấy một khi đã mệt mỏi rồi thì đấm bóp kiểu gì cũng đã hết.
Khu khách sạn : Xem một vòng để coi thiên hạ làm gì cho biết chớ không mua bán gì, sau đó chúng tôi trở lại xe để đi tiếp ngược lên phía bắc nơi có một công viên cây cối rậm rạp. Bên trái là biệt thự của hoàng gia Campuchia. Biệt thự nầy kiểu Tây, dành riêng cho ông Sihanouk. Nhưng bây giờ ổng còn ở bên Trung Quốc chửa bịnh, mấy khi ổng về đây. Ở Siêm Riệp hiện nay còn nhiều biệt thự kiểu Tây được xây cất từ thời thuộc địa. Một số đã được tu sửa lại. Giữa công viên tôi thấy có một tượng Phật cao chừng 2-3 mét, đèn nhang sáng sủa và có mấy phụ nữ đang quỳ lạy, khấn nguyện.
Xa một chút nữa, có mấy khách sạn 5 sao to lớn như Grand Angkor Hotel. Bác tài xế nói Siêm Riệp hiện có 6, 7 khách sạn sang trọng như vậy. Giá một đêm chừng 675 đô la như Amansara, 340 đô la ở Sofitel hay 300 đô la ở La Résident d’Angkor... Còn nếu ở phòng VIP, giá một đêm có thể tới 2.000 đô la. Trong phòng đó có cả một sân golf nhỏ. Nói chung Siêm Riệp hiện nay có đủ tiện nghi cho người giàu có đến thăm và tiêu tiền. Xe còn chạy ngang Angkor Museum là Bảo Tàng Siêm Riệp. Nhà bảo tàng nầy có kiến trúc rất đẹp và chuẩn bị khánh thành. Ngoài ra, xe còn đi ngang một khu buôn bán hàng sang trọng đắt tiền nữa.
Thấy khu nầy tuy sang mà hơi tối, nên bà xã tôi hơi sợ, không biết ông tài xế xe tuk tuk nầy có đàng hoàng hay không. Nếu ổng chở mình tới chỗ vắng rồi “trấn lột” thì mình chết chắc. Tuy nhiên, tôi thấy anh ta mặc áo đặc biệt, có số hiệu trên lưng đàng hoàng thì nghĩ rằng anh ta là người làm ăn ngay thật chớ không phải kẻ gian.
Vừa nghĩ tới đó thì xe cũng đã về tới khách sạn Angkor Land, chấm dứt tua một vòng thành phố.
Đi massage chân: Đi xe tuk tuk để tham quan một vòng cho biết thành phố chớ chưa đã. Tôi mới đề nghị bà xã là để cho bà vào bóp chân ở một tiệm massage gần khách sạn, còn tôi sẽ tiếp tục đi một vòng nữa, sau đó chừng nữa tiếng sau sẽ trở lại đón bà.
Tôi đi ngược ra khu phố cổ, sau đó vào một siêu thị nhỏ để xem hàng. Hàng hoá ở đây bán với giá tiền đô. Hàng đẹp nhưng giá không rẻ vì toàn là đồ nhập cảng. Tôi mua một hộp sữa tươi ¼ lít giá 1,8 đô la, một chai nước trái cây ¼ lít giá 0,9 đô la. Mua hàng trả bằng tiền đô. Số tiền còn dư được thối lại bằng tiền ria của Campuchia. Như vậy cũng tiện. Qua Campuchia chúng ta không cần đổi tiền vì ở đâu tiền đô cũng xài được.
Trở lại tiệm đấm bóp, bà xã khen bóp chân quá đã mà chỉ tốn có 3 đô la cho thêm 2 đô tiền típ cũng mới 5 đô mà thôi (đấm bóp cũng trả bằng tiền đô !!!), và nói tối mai sẽ trở lại đây để được “bóp” nữa. Tiệm nầy ở kế bên khách sạn nên đi lại cũng tiện.
Về tới khách sạn, tắm rửa xong thì đã gần 10 giờ. Tuy TV có rất nhiều đài như đài CNN, Tây Phương, Thái, Việt ... tôi cũng không mê mà chuẩn bị đi ngủ vì đã khá mệt. Hôm nay đi chơi cũng nhiều, mà chương trình ngày mai sẽ là một ngày bận rộn nhứt chuyến đi nên cần giữ sức khoẻ: đó là chúng tôi sẽ vào thăm đền Đế Thiên Đế Thích để khám phá Angkor huyền bí.

Vào Angkor lần thứ nhứt:

Sáng ngày thứ hai của chuyến đi tức là ngày 26/10/2007, chúng tôi dậy sớm lúc 6 giờ sáng, sau đó ăn sáng kiểu tự chọn tại khách sạn để vào thăm Angkor lúc 7 giờ. Hôm nay hứa hẹn là một ngày hào hứng, nhưng sẽ khá cực nhọc.
Xe chạy về hướng bắc, dọc đường nhiều khách sạn sang trọng, các khu nhà chung cư đang được xây cất cho thấy Siêm Riệp đang phát triển mạnh mẽ.
Khu đền Angkor nằm ở phía bắc thành phố Siêm Riệp 6 km nên chỉ 10 phút sau là đã tới cổng bán vé. Có ba loại vé tham quan: 1 ngày là 20 đô la, 3 ngày: 40 đô la, 1 tuần: 60 đô la. Mua vé nhiều ngày thì phải có hình để làm thẻ. Muốn xem Angkor cho tường tận thì 1 tuần mới đủ vì nó rất to lớn. Nếu không thì ít ra cũng phải xem trong 3 ngày. Chúng tôi “cởi ngựa xem hoa” chỉ trong một ngày mà thôi. Quang dặn chúng tôi phải giữ vé vào cổng cho cẩn thận vì vé dùng xem nhiều nơi, nếu mất thì có thể không vào được hay sẽ bị phạt 100 đô la. Dân Campuchia thì không phải mua vé, vì đây là tài sản của ông cha họ mà. Chỉ cần thu vé du khách là đủ rồi. Giá vé cũng không rẻ phải không các bạn.
Bạn biết ai là người thầu thu vé vào cửa Angkor hay không ? Quang cho biết đó là công ty Apsara do một người Việt (gốc Miên) tên là Soc Kung làm chủ. Ông chịu trả cho chánh phủ 2 triệu đô la một năm để làm hệ thống đường giao thông bên trong, quảng cáo và khai thác dịch vụ vé vào cửa. Đó là trên mặt chánh thức. Người ta đồn rằng ông phải chi 15% lợi tức cho các quan chức mới trúng thầu. Chuyện nầy là chuyện bình thường ở Campuchia, một nước nổi tiếng về tham nhũng. Hai năm đầu ông bị lỗ, nhưng gần đây ông ta lời to vì hàng năm có tới 1,5 triệu du khách tới thăm viếng khu đền lịch sử nầy. Ông ta cũng đầu tư vào ngành xăng dầu và khách sạn nữa. Cây xăng hiệu Sikimex thấy khắp nơi ở Campuchia là của ông ta. Ông còn tính mở thêm một bịnh viện tên là Chợ Rẫy ở gần Nam Vang vì thấy nhu cầu y tế của dân Campuchia khá nhiều. Sau 1975 ông còn nghèo lắm, vậy mà bây giờ đã là một đại gia. Ở các nước kém phát triển, nếu có gan thì có thể làm giàu nhanh chóng !!!
Đường vào Angkor mát mẻ, hai bên đường cây cao bóng mát. Sáng nay trời đẹp, tuy hơi có mây nhưng không mưa. Vài người Tây Phương đang thong thả đi xe đạp tham quan. Họ có nhiều ngày ở đây và đi một mình để tự khám phá. Đi chơi như vậy mới thật sự hiểu biết.
Xe đi ngang đền Angkor Wat, phía trước có một con hào rất rộng. Cảnh trí ở đây khá đẹp, nhưng chúng tôi chưa vào thăm vội mà sẽ đi Angkor Thom trước.

Cổng thành Angkor:

Xe ngừng trước cổng phía nam của thành Angkor để chúng tôi thăm viếng và chụp hình. Bên tay mặt đường có dịch vụ cởi voi để ai muốn ngồi vào trong trung tâm là đền Bayon cách đây 1,5 km thì đi. Giá tiền là 10 đô la một người.
Thành Angkor Thom là kinh đô của đế quốc Khmer vào thế kỷ thứ 13. Chữ Angkor lấy từ gốc tiếng Phạn là Nagara có nghĩa là kinh đô, Người Khmer phát âm từ Kinh đô là “Nôkor”, người Pháp lại đọc và ghi lại là Angkor. Chữ Thom có nghĩa là lớn. Angkor Thom có nghĩa là thành phố vĩ đại. Angkor Thom được xây dựng trong khoảng từ năm 1181 đến 1220 dưới thời vua Jayavarman VII sau khi ông chiếm lại kinh thành nầy từ tay người Chiêm Thành. Toàn bộ khuôn viên nằm trong một khu vực hình vuông, mỗi bề dài 3 km. Theo chu vi là hào nước rộng 100 mét. Hồi xưa, hào nầy có nuôi cá sấu. Sau hào là một bức tường bằng đá cao 8 mét, dầy 1 mét. Các viên đá được đặt khít khao lên nhau mà không dùng hồ vữa. Sau tường đá là tường đất rộng 25 mét để quân lính di chuyển. Tường thành có 5 cổng gồm ba cửa ở các hướng tây, nam và bắc. Tường phía đông có hai cửa. Một trong hai cửa đó là Cổng Chiến Thắng. Mỗi cổng thành là một công trình kiến trúc đặc biệt to lớn.
Trước cổng phía nam là một chiếc cầu rộng khoảng 20 mét bắt qua hào để đưa du khách đến khu trung tâm. Bên trái cầu có 54 tượng thần đang ôm rắn thần, bên kia có 54 tượng quỷ cũng đang ôm rắn. Các tượng nầy đã hư hại nhiều. Có cái không còn đầu. Cái nào có đầu thì chỉ là phục chế. Ở Angkor đâu đâu cũng thấy điêu khắc tương tự. Quang cho biết những tượng thần ở đây tạc theo sự tích “Khuấy biển sữa lấy thuốc trường sinh” như sau:
Người theo Ấn Độ Giáo (Hindism) tin vào thuyết luân hồi và ba vị thần:
Brahma: thần tạo dựng và là chủ của tất cả các thần (do đó người ta gọi Ấn Độ Giáo là đạo Bà La Môn đọc trại từ chữ Brahma)
Vishnu: thần bảo tồn
Shiva: thần huỷ diệt và tái sinh.
"Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh" là một câu chuyện thần thoại của Ấn Độ Giáo theo đó các thần và đám quỷ mỗi người nắm một bên con rắn thần Vasuki đang quấn mình quanh ngọn núi Meru rồi xoay tròn với mục đích làm ra thuốc trường sinh nhưng không có kết quả. Khi thần Vishnu đến thì núi bắt đầu lún dần xuống biển. Trong khi đó rắn thần phun nọc độc với ý định huỷ diệt các thần và ác quỉ. Thần Brahma nhờ thần Shiva nuốt những nọc nầy. Nọc đọc làm phỏng cổ thần Shiva và biến chỗ đó thành màu xanh. Thần Vishnu hoá thân thành một con rùa để nâng đỡ ngọn núi Meru giúp cho việc quậy biển sữa kéo dài thêm trên 1000 năm. Cuối cùng thuốc trường sinh được làm ra nhưng bọn quỷ chụp lấy. Thần Vishnu một lần nữa đánh thắng bọn ác quỉ và đoạt lại ly thuốc trường sinh. Cuộc quậy sữa cũng tạo ra voi thần có 3 đầu tên là Airavana, nữ thần sắc đẹp Lakshmi (sau nầy thành vợ thần Vishnu) và vô số vũ nữ Apsaras.
Cũng ảnh hưởng câu chuyện nầy mà kiến trúc trong Angkor đều xây theo kiểu một tháp cao ở giữa tượng trưng cho núi Meru (Tu Di), quanh thành là trần gian, xa hơn là những hào nước tượng trưng cho biển cả.
Du khách trong đoàn ai thích tìm hiểu thì nghe Quang kể chuyện. Đa số chỉ thích chụp hình mà thôi. Ở đây có một ông thợ người Campuchia biết nói tiếng Việt đi theo đoàn để chụp hình, giá 2.000 ria (50 xu Mỹ ) một tấm.
Đi đến giữa cầu nhìn về phía hào nước thì thấy cảnh trí cũng đẹp vì có nước trong, có cây xanh in bóng khiến cho người xem có một cảm giác mát mẻ …

Minh Tâm

trích Á Châu Quyến Rũ
Tu Minh Tam
Posts: 8
Joined: 05 Jan 06, Thu, 9:52 pm
Location: CA, USA

Post by Tu Minh Tam »

THĂM ANGKOR THOM VÀ TU VIỆN TA PROHM

Minh Tâm

… Sau chiếc cầu bắt qua hào nước là cổng thành phía nam. Từ cổng vào trong xưa kia chỉ có hoàng gia và quân lính cư ngụ. Dân chúng phải ở bên ngoài. Cổng làm bằng đá, trên có tạc tượng thần Bayon 4 mặt. Hai bên có tạc tượng voi có ba vòi như đang hút nước từ dưới hào. Từ mặt đất tới đỉnh cổng cao khoảng 20 mét. Cửa vào hơi hẹp nên xe lớn không vào được. Chúng tôi đi bộ vào trong để lên 2 xe nhỏ và tiếp tục đi thêm 1,5 km nữa mới tới khu trung tâm nơi có đền Bayon. Từ đây vào trong chỉ thấy hai bên là rừng già chớ không có người ở.
Qua khỏi cổng, Quang cho biết Angkor là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều phế tích xây dựng từ thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ thứ 15 dưới thời Đế Quốc Khmer. Toàn bộ khu vực có hơn 100 ngôi đền bằng đá nằm trong một diện tích rộng khoảng 100 km2 ở phía bắc Xiêm Riệp. Angkor đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản thế giới từ năm 1994. Do thời gian ngắn ngủi, chúng tôi sẽ được đi thăm 4 kiến trúc tiêu biểu của Angkor là:
Đền Bayon trong Angkor Thom (Đế Thích).
Tu viện Ta Prohm còn gọi là Ngôi Mộ của Hoàng Thái Hậu.
Đền Angkor Wat (Đế Thiên).
Đền Bakheng.

Đền Bayon và nụ cười Bayon huyền bí:

Vào bên trong thành, chúng tôi sẽ đi xe nhỏ để vào khu trung tâm cách đây 1,5 km. Ở đó có những kiến trúc quan trọng như:
Đền Bayon (chữ Bayon, theo hướng dẫn viên Quang thì có nghĩa là Bùa Ngải).
Đền Baphuon.
Khu cư ngụ của Hoàng Gia.
Phimeanakas.
Quảng trường sân voi.
Quảng trường vua cùi ...
Chúng tôi sẽ chỉ viếng thăm đền Bayon mà thôi.
Xe ngừng ở cửa phía đông của đền Bayon sau đó sẽ đón chúng tôi ở cửa phía bắc.
Từ xa, đền Bayon danh tiếng nhìn như một đống đá đổ nát. Toàn bộ khu đền có chiều dài 160 mét, rộng 140 mét có ba tầng. Tường thành tầng ngoài cùng được điêu khắc với những phù điêu thật mỹ thuật. Như một bách khoa toàn thư, các phù điêu mô tả một trận chiến đấu giữa quân Khmer và quân Chàm. Trang phục các tướng lãnh, quân lính hai bên, của nhà vua đều được mô tả tỉ mỉ. Tiếp theo đó là các phù điêu mô tả cuộc sống thường ngày của người dân. Ta sẽ thấy cảnh người đọc sách, một người đàn bà đang sanh đẻ, một khu đĩ điếm có cả tú bà và các “chị em ta”, một trận đá gà, cảnh chợ búa, đánh cá ... Hoa lá, cây thốt nốt được trang hoàng cho các phù điêu tạo thêm nét duyên dáng và mỹ thuật. Trên các cây cột vuông vức, người ta tạc tượng các nàng apsara đang uốn éo. Trình độ điêu khắc đã đến mức hoàn hảo, đẹp tuyệt vời.
Chúng tôi đi ngang những hành lang nhỏ hẹp rồi leo lên một cầu thang bằng đá để lên tầng hai. Từ đây chúng tôi thấy có rất nhiều tượng thần Bayon bốn mặt. Nhiều tượng bị hư hại, nhưng cũng có cái còn nguyên vẹn. Tôi không đếm được có bao nhiêu tượng Phật bốn mặt như vậy. Có người nói có tất cả 54 tượng và do đó có 216 mặt Phật được tạc. 54 tượng để thể hiện 54 tỉnh của đế quốc Khmer thời cổ. Theo những nhà nghiên cứu thì tượng Bayon là tượng Phật Quan Âm vì lúc đó người Khmer theo Phật Giáo Đại Thừa. Có người còn nói đó chính là tượng của vua Jayavarman VII. Sự điêu khắc những bức tượng nầy thật tài tình. Bạn hãy nhìn kỹ đi. Mắt tượng nhắm như đang thiền định. Môi tượng hơi dầy và đang nở một nụ cười bí ấn. Hình như các bức tượng Bayon đang nói với ta một điều gì đó: có thể là bao dung, thanh thoát; có thể là hiền hậu, dễ thương; mà cũng có thể là nụ cười trầm mặc, thản nhiên. Nụ cười Bayon thật quá bí hiểm và kỳ lạ !!!.
Để xây đền Bayon, người ta tính rằng phải có ít nhứt 1.000 thợ điêu khắc, làm việc ròng rã trong 10 năm mới hoàn thành. Còn các tượng đá, xưa kia được dát hay mạ vàng bạc và đá quý. Một bia ghi lại cho biết để trang trí các tượng nầy người ta đã dùng 5 tấn vàng, 5 tấn bạc và 40.000 viên đá quý. Còn tảng đá làm nền điện cũng là một bí ẩn vì nó là đá nguyên khối, cao 25 mét, mặt đá đủ rộng để chịu tổng cộng trên 50 ngọn tháp đá lớn nhỏ có ngọn cao đến 43 mét. Làm thế nào để gọt dũa và di chuyển tảng đá nầy là một bí ẩn cho những nhà khảo cổ.
Ngày nay, trong đền Bayon, người ta có thờ các tượng Phật nho nhỏ. Ở đó có các bà cụ người Campuchia lo nhang đèn cúng bái.
Chỉ mới xem một kiến trúc của Angkor mà chúng tôi đã thán phục quá nhiều. Cách đây 1.000 năm mà người ta đã làm nên một công trình quá to lớn và vĩ đại như vậy thì công sức bỏ ra không biết bao nhiêu mà kể. Bởi vậy cho nên khi người Pháp lần đầu tiên khám phá Angkor ông hỏi dân địa phương thì đa số đều tin là đền đài ở đây là do tiên Phật trên trời xuống làm chớ con người thì không ai có thể làm được to lớn và đẹp đẽ như vậy.
Đợi mọi người xuống đầy đủ, chúng tôi chụp một tấm hình kỷ niệm toàn đoàn trước khi lên xe thăm Quảng Trường Đấu Voi.

Quảng Trường Đấu Voi: đây là bức tường phía trước của Phimeanakas. Trên tường có điêu khắc rất nhiều voi. Trước bức tường dài 350 mét là một sân rộng. Ngày xưa nơi đây là nơi nhà vua duyệt binh hay thực hiện các cuộc lễ lạt đông người. Trước quảng trường có 12 tháp nhỏ. Phía sau quảng trường là Phimeanakas. Cung điện này đã bị đổ nát nhiều, ngày nay không còn mấy di tích. Nhiều người cho rằng xưa kia đây chính là ngôi điện có tháp vàng mà Châu Đạt Quan đã kể rằng trên tháp có một vị thần là một con rắn chín đầu là chúa tể giang sơn. Mỗi tối, rắn biến thành một nữ nhân và ân ái với nhà vua . Sau đó, nhà vua mới được ngủ với các phi tần của mình …

*****

Nhân nhắc tới Châu Đạt Quan, ta hãy lật trang sách cũ để tìm thấy vài hình ảnh thật sống động ở nơi đây được ông tả trong cuốn “Chân Lạp Phong Thổ Ký”.

Châu Đạt Quan đã tả đức vua Chân Lạp như sau:

“Ngài đội một cái mão bằng vàng giống như mão trên đầu các tượng Phật kim cương. Đôi khi Ngài không đội mão chỉ quấn một vòng hoa mùi hoa lài xung quanh đầu tóc. Trên cổ, Ngài đeo hột trai thật lớn nặng lối ba cân. Ở cổ tay, cổ chân và ngón tay, Ngài đeo vòng và nhẫn vàng, tất cả đều nhận ngọc mắt mèo. Nhà vua đi chân không. Gan bàn chân và lòng bàn tay của Ngài nhuộm thuốc màu đỏ . Khi ra ngoài, Ngài cầm một thanh gươm vàng .”

Còn đây là lúc vua xuất hành:

“Khi nhà Vua du hành, quân đội đi đầu để hộ tống, kế đến là cờ của kỵ binh, cờ hiệu, dàn nhạc. Các thị nữ trong cung từ ba đến năm trăm, mặc hàng vải thêu cành lá, dắt bông trên đầu tóc, tay cầm đèn cầy, họp thành một toán riêng, mặc dù giữa ban ngày đèn cầy vẫn đốt cháy. Tiếp đó là các thị nữ bưng vật dụng của nhà vua bằng vàng, bằng bạc, và tất cả bộ đồ trang hoàng với kiểu mẫu hết sức đặc biệt mà tôi không biết cách dùng. Kế đến các thị nữ cầm khiêng, vác giáo là đoàn canh phòng riêng biệt trong cung; các thị nữ này cũng họp thành toán riêng. Tiếp theo là xe do dê kéo, xe ngựa tất cả đều trang hoàng bằng vàng. Các quan, các vị Hoàng Thân đều cởi voi, trước mặt quí vị người ta thấy những cây lọng đỏ của quí vị từ xa, nhiều vô số. Sau quí vị là các bà vợ và cung phi của nhà Vua ngồi kiệu, ngồi xe, cởi ngựa, cởi voi, các bà có hơn trăm cây lọng thêu chỉ vàng lóng lánh. Sau quí bà là nhà vua đứng trên lưng voi, tay cầm gươm báu. Ngà voi cũng được bọc trong bao vàng. Có hơn hai chục cây lọng trắng thêu chỉ vàng lóng lánh và cán bằng vàng. Rất nhiều voi đi xung quanh Ngài và có thêm toán quân lính hộ vệ Ngài. “

Quang cảnh lúc đó thật hùng tráng và náo nhiệt thể hiện một quốc gia đang hùng mạnh và phú cường !!!

*****

Cổng Chiến Thắng:

Chúng tôi lên xe ra khỏi thành Angkor Thom theo cửa phía đông gọi là cửa Chiến Thắng. Kiến trúc cửa nầy tương tự như cửa nam mà chúng tôi đã vào thành hồi sáng, tuy nhiên đa số các tượng thần ở hai bên lan can cầu bắt qua hào nước đều bị mất đầu. Nhìn các bức tượng cụt đầu thì thấy cũng hơi ghê ghê. Đầu các bức tượng nầy đã bị các kẻ đạo tặc bán cho các tay mua đồ cổ ở Tây Phương. Nghe nói đồ cổ lấy ở đây có giá rất cao, một ký đá bán tương đương một ký vàng. Thảo nào mà bọn bạo trộm đạo lại không mê !!!

Viếng tu viện Ta Prom:

Từ Angkor Thom chúng tôi đi ra cửa đông để đến thăm một trong những kiến trúc có nhiều ấn tượng nhứt của Angkor là tu viện Ta Prohm. Đến nơi thì thấy du khách đang kéo vào khá đông. Đông nhứt là khách người Việt, sau đó là Nhựt, Đại Hàn, Pháp ... (rất ít hay hầu như không thấy du khách người Mỹ).
Ở lối vào cũng có một cổng với tượng thần Bayon bốn mặt. Từ cổng vào tới trong chúng tôi đi theo một con đường đất. Hai bên đường là rừng già với rất nhiều cây cao bóng mát. Bên vệ đường một ban nhạc Khmer với những nhạc công là những người mù đang chơi những bản nhạc dân tộc cổ điển. Thấy đoàn Việt Nam đi qua họ đánh nhạc Việt Nam. Những người làm du lịch ở đây rất khéo léo. Đoàn nào đi tới họ chơi nhạc nước đó để gây cảm tình. Nhờ đó họ được du khách thưởng tiền cũng khá. Họ có bán CD và DVD nhạc của mình nữa.
Vào tới bên trong, chúng tôi sững sờ khi nhìn thấy những cây đại thụ to lớn đang “đè” lên các tường thành của tu viện.
Ta Prohm là một tu viện Phật Giáo do vua Jayavarman VII xây khoảng năm 1186 để thờ Phật Prajnaparaamita (Phật A Di Đà) và cũng là nơi thờ mẹ của nhà vua. Lúc đó có 12.000 người sống bên trong tu viện nầy để tu học và làm việc. Trong khi đó 80.000 người khác sẽ được thu nhận để phục dịch và bảo trì nơi đây. Nhờ đó tu viện cung cấp thuốc men cho 102 bịnh viện trong nước. Những bức tường của tu viện cũng được điêu khắc rất đẹp. Nhưng giờ đây, tu viện đã đổ nát nhiều, điều đặc biệt nhứt và cũng lạ lùng nhứt của nơi đây chính là sự hiện hữu của rất nhiều cây cao và to lớn. Những cây nầy mọc bên tường, trên nóc nhà hay trong sân. Rễ chúng bò lan bên bờ tường rồi ăn xuống đất. Ông Nguyễn Hiến Lê đề cập trong du ký “Đế Thiên Đế Thích” của ông như sau:"Lúc đầu, một con chim nào đó đem một hột đến rơi rớt trên nóc đền. Do thời tiết ẩm ướt, hột nầy mọc thành cây. Cây nầy thuộc giống gòn và một loại nữa có thân xốp. Qua thời gian, cây lớn dần và thành vĩ đại như ngày nay”. Rễ cây và cành lá xoắn vào nhau rồi đè lên tường tu viện. Thiên nhiên vừa là kẻ phá hoại nhưng cũng có thể là kẻ hàn gắn những kẻ nứt của kiến trúc. Do đó khi Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu về việc phục hồi tu viện nầy họ quyết định không đụng chạm tới, mà giữ nguyên tình trạng giữa đá và cây. Thành ra, ngày nay chúng ta có một cảnh quan kỳ lạ để thăm viếng.
Ta Prohm càng nổi tiếng hơn sau khi có phim "Bí Mật Ngôi Mộ Cổ" do Angelina Jolie đóng. Từ sau phim đó, lượng du khách tới Campuchia tăng lên đáng kể, có năm tăng tới 200%.
Qua những hành lang đổ nát, chúng tôi vào thăm phòng mộ của hoàng thái hậu. Phòng hơi tối, trên tường có rất nhiều lỗ đều đặn. Quang cho biết những lỗ đó ngày xưa được nạm trân châu, ngọc quý để tạo ánh sáng cho lăng mộ. Khi quân Thái chiếm nơi đây họ đã đục ra lấy hết châu báu đó, để trơ lại những lỗ hổng.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm một khu vực đổ nát, nơi đó là cảnh trong phim Bí Mật Ngôi Mộ Cổ. Ở đó có một cái cây rất to và cao, rễ cây rất lớn và mọc tràn lan, bề ngang của bộ rễ cũng khoảng 8-10 mét trông rất ấn tượng.
Ở phía sau của tu viện có một tháp nhỏ, bên trong tháp, nếu ta dùng tay đấm vào ngực mình thì sẽ nghe tiếng vang “binh, binh” như một tiếng trống nhỏ. Ở Angkor Wat cũng có một phòng tương tự như vậy. Không biết người Khmer cổ xưa cố ý làm như vậy hay tình cờ xây dựng nên ?
Thăm viếng tu viện Ta Prohm ít ai biết rằng xưa kia nơi đây rất giàu có. Theo những tấm bia còn ghi lại bằng chữ Phạn thì xưa kia, Ta Prohm có một bộ dĩa bằng vàng cân nặng tổng cộng hơn 500 kg, có 35 viên kim cương, 40.620 viên ngọc trai, 4.540 viên đá quý, 876 tấm lụa Trung Hoa, 512 tấm lụa trải nền và 523 cái lọng. Những con số nầy nếu có hơi cường điệu thì cũng cho biết sự giàu có của nơi đây.
Trên đường ra khỏi tu viện ở một lối khác, chúng tôi lại thấy có một ban nhạc khác đang biểu diễn bên vệ đường. Du khách cũng đang kéo vào đông đảo. Ta Prohm đúng là một nơi có nhiều thu hút.
Bên ngoài, trẻ em và người lớn bán đồ kỷ niệm đang quảng cáo hàng hoá của mình. Giá hàng rẻ đến không ngờ. Một cái áo thun in hình Angkor Wat hay có dòng chữ Campuchia nói giá 2 đô la, sau đó giảm còn 5 đô ba cái. Cuối cùng trước khi lên xe chỉ còn 3 đô 2 cái. Họ còn bán bưu thiếp, nhạc cụ ... Trong đoàn có một việt kiều ở Úc mua một cây đờn cò giá 10 đô la. Ông nầy mua chơi thôi chớ tôi biết ông không biết đờn vì khi ổng thử kéo vài câu thì đã nghe ... “điếc cái lỗ nhĩ”.
Chương trình buổi sáng chỉ tham quan có hai địa điểm. Bây giờ mới 10:45 mà cả đoàn đã phải ... đi ăn trưa. Thật ra, khi về tới Xiêm Riệp thì cũng đã 11:15 rồi. Trưa nay chúng tôi ăn tại một nhà hàng khác là Amazon Restaurant. Tuy tên nghe có vẻ Ba Tây, nhưng cũng ăn tương tự như các nhà hàng khác nên không cần nhắc lại thực đơn ở đây. Ăn trưa xong thì cũng 12 giờ. Từ giờ đến 3 giờ trưa chúng tôi được tự do, ai muốn đi đâu thì đi. Chúng tôi đóng thêm tiền cho Quang mỗi người 12 đô la để mua tua phụ đi thăm Biển Hồ. Ai không thích đi thì về khách sạn ngủ. Tới 3 giờ chiều mới đi tiếp vô thăm Angkor Wat.

Minh Tâm

Trích Á Châu Quyến Rũ
du ký của cùng tác giả

Đón đọc kỳ tới: Biển Hồ đi dễ khó về ...
Tu Minh Tam
Posts: 8
Joined: 05 Jan 06, Thu, 9:52 pm
Location: CA, USA

Post by Tu Minh Tam »

Biển Hồ đi dễ khó về...
Minh Tâm

Đường ra Biển Hồ:

Trước khi đi thăm Biển Hồ, hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng đã phát biểu như sau về vấn đề trẻ em Việt Nam ở đây. Theo anh đây là một vấn đề tế nhị. Thấy các em nghèo quá đến xin giúp đỡ mà không giúp thì áy náy, mà giúp đỡ thì bao nhiêu mới đủ. Cho các em một, hai đô la cũng chỉ là một giọt muối bỏ biển, hoàn toàn không thay đổi được cuộc sống của các em. Cho tiền các em lại dễ gây ra tâm lý ỷ lại và dựa dẫm vào khách du lịch đồng thời gây mất trật tự ở đó. Du khách ngoại quốc sẽ nghĩ xấu về Việt Nam khi thấy trẻ em Việt ở Biển Hồ nghèo đến nỗi phải đi ăn xin. Anh còn nói Biển Hồ có rất nhiều cá, cuộc sống của đồng bào mình ở đó không đến nỗi khó khăn lắm. Nếu thật sự nghèo, tại sao họ không về Việt Nam để sinh sống mà cứ bám lại đây ? Nghe lý luận của anh thì mọi người không phản đối.
Nhưng họ nghĩ gì và sẽ làm gì thì sau nầy khi ra tới nơi thì mới biết.
Biển Hồ cách Xiêm Riệp 12 km, xe đi trên một con đường song song với con sông Xiêm Riệp để ra đó. Trước đây khi quốc lộ 6 chưa khai thông thì đây là con đường duy nhứt mà người dân Xiêm Riệp có thể liên lạc ra bên ngoài thông qua Biển Hồ. Từ đây nếu đi tàu cao tốc về Nam Vang thì mất 5 tiếng. Bên tay phải của con đường, tôi thấy có nhiều ngôi nhà sàn làm bằng gỗ quý trông rất đẹp. Cuộc sống của người dân dọc đường cũng khá sung túc. Trái lại bên trái là con sông Xiêm Riệp thì người ta cất nhà sàn dọc bờ sông. Những nhà bên đó trông nghèo hơn nhiều. Mùa nầy là mùa nước nổi nên thỉnh thoảng chúng tôi thấy những cánh đồng ngập nước. Tôi thấy có những nhà hàng bình dân để dân chúng tới đây nhậu nhẹt và câu cá ... Hôm nay khách cũng khá đông. Họ đang thụ hưởng sự mát mẻ của đồng quê trong mùa nước lớn.
Xe đã tới bến cảng. Bến ở chân một ngọn núi cao chừng 50 mét. Trên núi có một ngôi chùa. Hôm nay có lễ dâng y cho các thầy nên tín đồ theo những bậc cấp leo lên núi khá đông. Bên bờ, một chiếc tàu trang trí hoa hoè đang phát thanh những bài kinh kệ. 90% dân Campuchia theo Phật Giáo và họ rất sùng đạo. Mấy ngày nay là lễ dâng y nên đâu đâu cũng thấy người ta treo cờ kết hoa tại các chùa.
Chúng tôi lên một chiếc tàu cỡ vừa có thể chở chừng 30-40 người làm bằng gỗ. Tàu có hai tầng. Tầng dưới có ghế, tầng trên chỉ để ngắm cảnh. Tàu có áo phao treo trên đầu mỗi hàng ghế cho khách. Như vậy tôi thấy cũng an toàn.
Có một điều gây ấn tượng nhứt cho chúng tôi là có một em bé chừng 6 tuổi làm phụ lái cho tài công. Da em đen nhẽm. Em ốm nhách nhưng lại biết đẩy tàu cho tàu của mình không chạm vào các tàu khác. Em biết đưa tay cho du khách để họ bám vào mỗi khi họ lên xuống tàu ... Trẻ em Biển Hồ từ nhỏ đã là một thuỷ thủ giỏi rồi. “Thấy mà thương”, bà xã tôi buộc miệng nói như vậy và không quên nhét vô tay em mấy đô tiền thưởng cho chàng thuỷ thủ tí hon.
Tàu tách bến và chạy chậm chậm ra hồ. Quang cho biết ở đây tuy nước ngập mênh mông nhưng chưa phải là Biển Hồ mà chỉ là con lạch mà thôi. Từ đây ra tới Biển Hồ còn trên 10 km nữa. Anh cũng nói sơ qua về Biển Hồ như sau:

Biển Hồ:

Tên địa phương của Biển Hồ là Tonlé Sap có nghĩa là "Sông Lớn Nước Ngọt". Đây là hồ tự nhiên lớn nhứt Đông Nam Á. Hồ thông với sông Mekong ở Nam Vang bằng một con sông cùng tên là sông Tonlé Sap. Hồ có một tác dụng đặc biệt trong việc điều tiết lũ lụt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn sông Mekong về sẽ chảy ngược vào hồ làm ngập lụt các cánh đồng và rừng xung quanh. Lúc đó hồ có diện tích 24.605 km2 , sâu khoảng 9 mét. Qua mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, nước từ hồ sẽ chảy xuôi dòng ra biển. Lúc đó diện tích hồ chỉ còn 2.590 km2 và sâu 2 mét, thậm chí có nơi chỉ sâu có 1 mét. Biển Hồ như vậy có tác dụng điều tiết dòng chảy làm giảm bớt lũ lụt cho vùng hạ lưu.
Biển Hồ là nơi sinh sôi nẩy nở lý tưởng của nhiều loài cá. Sản lượng cá ở đây có thể nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt và 60% chất đạm cho người dân. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên cũng bắt đầu cạn nên ngày nay người ta đã bắt đầu nuôi cá trên bè như ở Việt Nam. Cá được nuôi nhiều nhứt là cá da trơn, cá lóc và ... cá sấu. Một con cá sấu con giá 20 đô la, nuôi lớn có thể bán tới 200 đô la.
Những thành phố ven bờ Biển Hồ là: Phnom Penh, Kompong Chnang, Pursat, Battambang, Sisophon, Xiêm Riệp, Kompong Thom...

Từ bờ ra biển:

Dọc hai bên tàu, chúng tôi thấy vô số những căn nhà nổi trên phao. Những căn nhà nầy làm bằng vật liệu rẻ tiền như gỗ, ván, tôn ... Người Việt sống ở đây rất nhiều đến nỗi trên các sách du lịch đôi khi ghi là “Làng nổi của người Việt trên Biển Hồ”. Thật ra, ngoài người Việt còn có người Campuchia và người Chăm. Quang chỉ cho chúng tôi cách phân biệt nhà nào của người Việt ngoài việc nhận biết bằng chữ Việt trên các tấm quảng cáo. Theo đó, nhà người Việt thường sơn màu rực rỡ như đỏ, xanh. Trong nhà, phụ nữ Việt thường mặc áo bà ba, đội nón lá. Ở đây có đủ mọi dịch vụ cho cuộc sống như có tiệm uốn tóc, thẩm mỹ viện, tiệm cà phê, quán nhậu ... Đa số cư dân trên làng nổi sống bằng nghề đánh cá. Tôi thấy một chiếc ghe kia đang kéo lưới. Cá họ bắt được chỉ nhỏ chừng vài ngón tay. Quang nói cá nầy bắt để cung cấp cho các bè nuôi cá lớn.
Tàu chạy ngang qua một nhà thờ công giáo. Đó là nhà thờ của người Việt. Ở đây cũng có một ngôi chùa của người Việt nữa.
Có một chiếc tàu cao tốc đang chạy ngược chiều sóng từ tàu nầy rất lớn làm cho chiếc tàu của chúng tôi dập dềnh hơi mạnh mặc dầu tài công đã lái vô sát bờ cho xa tàu cao tốc.
Chị Ba, một việt kiều Úc sợ quá mới hỏi :”Quang à, anh lái tàu nầy có bằng lái hay không ?.
Lái tàu là một anh chàng Campuchia chừng 25 tuổi.
Quang cười và trả lời: “Ảnh có bằng lái chớ. Và do ... tôi cấp”.
Chị Ba sợ quá đòi lái vô.
Tôi mới chọc chị:“Chị nhác quá, sao hồi xưa bắt mấy đứa nhỏ vượt biên ?”
Chị Ba mới nói: “Tại hồi đó khổ quá, bây giờ nghĩ lại còn kinh hoàng”.
Chỉ cho chị Ba một chiếc ghe nhỏ xíu, trên ghe có ba em bé (hình như là người Việt) đang chèo chống bập bềnh trên sông nước, tôi nói: “Tụi mình còn thua ba em nhỏ kia”. Chúng gan dạ quá. Dân Biển Hồ mà. Chèo ghe đi trên sông nước là “nghề của chàng”. Ba em nầy cũng thân thiện. Chúng vừa chèo ghe lại vừa vẫy tay chào những du khách không quen là chúng tôi. Điều nầy khiến cho chúng tôi một có một cảm giác gần gũi.
Tàu chạy ngang qua mấy nhà hàng của người Campuchia, sau đó thì ra tới hồ. Ra tới đây tôi thấy có nhiều tàu đánh cá loại nhỏ và nhiều ghe nhỏ bán trái cây, đồ kỷ niệm ... Sau đó thì thấy mênh mông nước nổi nhìn không thấy chân trời. Đúng là Biển Hồ rất rộng. Bốn phương chỉ thấy toàn là nước. Nước ngoài Biển Hồ tuy cũng có phù sa và có màu vàng nhạt nhưng cũng trong và sạch hơn nước ở gần bờ. Trong đó nước đục và dơ hơn nhiều. Đi thêm một đoạn ngắn nữa thì thấy sóng nước bao la và không có gì thú vị nên mấy người trong đoàn đề nghị không đi nữa mà quay lại.
Trên đường trở vô, chúng tôi thấy rất nhiều du khách trên các tàu khác đi ra. Họ là người Việt, người Tây Phương, mà cũng có người Campuchia nữa. Tàu cặp vào một nhà hàng nổi trên hồ để chúng tôi lên nghỉ ngơi một chút. Ở đây có bán đồ kỷ niệm và có nuôi cá trong lồng. Có một lồng nuôi rất nhiều cá sấu. Mấy con cá sấu nầy còn nhỏ, bề dài mới chừng 1 mét mà thôi. Nghề nuôi cá sấu ở Biển Hồ hiện đang phát triển và chủ nhân cũng kiếm được nhiều lợi tức. Ở Việt Nam người ta cũng nuôi nhiều cá sấu. Mới đây do lũ lụt mà cá sấu bị xổng chuồng ra ngoài hết mấy trăm con. Không biết người ta có bắt lại hết hay không. Cá sấu mà sống ngoài thiên nhiên thì có thể gây hoạ như chơi.
Mấy em nhỏ bơi xuồng cặp vào đây để bán chuối và xin tiền. Thấy tội nghiệp, bà xã tôi cho tiền mấy đứa. Một lát sau, cả một “tiểu đoàn” tàu nhỏ từ mấy xóm chung quanh kéo ra bu quanh. Có đứa không có ghe mà chỉ ngồi trên một chiếc thau nhỏ. Vậy mà cũng bơi được tới đây. Có đứa bị cụt tay chỉ chèo có một tay. Bà xã tôi đã chuẩn bị tiền lẻ nên phát đều hết. Mỗi em một đô. Mấy việt kiều khác ở Úc, Pháp cũng cho tiền các em. Vì tình thương, họ đã quên hết lời dặn dò của hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng. Số tiền không lớn nhưng hy vọng các em sẽ có một niềm vui nhỏ trong ngày hôm nay.
Tò mò tôi hỏi một em bé kia trông khá lanh lợi: “Có tiền thì em sẽ làm gì ?”.
Em nói: “Đem về đưa cho ba mua gạo”.
Tôi hỏi tiếp:” Còn ba em đang làm gì ?”
“Ba mắc đi làm biển”. Em trả lời như vậy.
Mùa nầy nước lớn, dân Biển Hồ bận rộn suốt ngày. Họ là những “bạn biển” tức là những làm mướn trên các tàu đánh bắt hải sản, sau đó làm cá, bỏ ruột, phơi khô ... Cả nhà, ai trên 10 tuổi đều phải làm việc. Công việc không khó nhưng phải làm suốt ngày đêm để kiếm sống. Bởi vậy nên mới có câu than rằng:

Biển Hồ cực lắm ai ơi
Ban đêm xẻ cá, ban ngày phơi khô.

Tàu rời tiệm giải khát và bán đồ kỷ niệm. Mấy em bé vẫy tay chào chúng tôi, chúng nói: “Chúc các cô chú mạnh khoẻ. Cám ơn các cô chú. Chúc mừng năm mới”.
Câu cuối cùng là câu chúc trật lất nhưng cũng làm cho chúng tôi hơi vui trên đường về vì mấy đứa nhỏ tuy ít học nhưng cũng biết cám ơn. Tuy vui nhưng trong lòng chúng tôi có đôi chút xót xa cho thân phận người Việt ở đây. Có lẽ đây là xóm người Việt nghèo nhứt trong các cộng đồng người Việt trên thế giới.

Người Việt ở Campuchia:

Đi thăm Biển Hồ xem sinh hoạt người địa phương đã khiến tôi tò mò. Sau nầy khi về Mỹ tôi đã tìm đọc thêm về người Việt ở Campuchia và đặc biệt là ở Biển Hồ:
Những người Việt đầu tiên tới Campuchia chính là đoàn tuỳ tùng của Công Chúa Ngọc Vạn, con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, khi cô được gã cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II năm 1620. Người Việt lúc đó có ảnh hưởng mạnh đến triều đình Chân Lạp. Từ đó về sau, di dân Việt liên tục đến Campuchia. Có khi họ ra đi do sự bạc đãi của chánh quyền trong nước như vụ cấm đạo thời Tự Đức hay các biến cố chánh trị thời Đệ Nhứt Cộng Hoà. Nhưng di dân Việt đến Campuchia nhiều nhứt là để làm ăn buôn bán do biên giới hai bên lỏng lẻo và do tình trạng tham nhũng của chánh quyền Campuchia. Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ , từ năm 1979 đến 1989, di dân Việt qua Campuchia rất mạnh. Tuy nhiên, không có con số chánh thức nào thống kê. Có người nói dân Việt ở Campuchia ước chừng 1,5 triệu. Con số nầy có thể hơi cao so với dân số hiện nay của Campuchia là khoảng 13 triệu. Có lẽ do đi đâu cũng thấy dân Việt và việc giao dịch bằng tiếng Việt khá phổ biến nên họ nói như vậy.
Từ những di dân ban đầu đã sinh ra thế hệ thứ hai, thứ ba... sinh đẻ tại đây. Những người nầy có thể biết nói tiếng Việt nhưng không còn gốc gác Việt Nam nữa.
Người Việt ở Campuchia làm đủ mọi nghề. Ở Nam Vang, họ buôn bán, làm thợ sửa xe, thợ mộc, thợ hồ ... Ở Biển Hồ họ làm “bạn biển” tức là làm nghề cá. Họ đi ghe, cào cá, lưới cá, nuôi cá bằng bè, làm khô làm mắm... Ở Biển Hồ, người Việt chịu khó và giỏi hơn người Khmer nhiều. Một nghề khá phổ biến do người Việt làm ở Campuchia là nghề ép chai tức là mua ve chai, đồ cũ. Tuy nhiên, cũng phải nói thật là ở Campuchia có rất nhiều cô gái Việt làm nghề không đứng đắn tức là thứ nghề không cần vốn. Thậm chí, có khi trẻ em còn bị lạm dụng tình dục nữa. Thực trạng nầy là một điều đau lòng mà không biết ai sẽ là người giải quyết. Bởi vậy từ xưa đã có câu:

Biển Hồ đi dễ khó về
Trai đi “bạn biển”, gái về tào kê.

Bạn biển thì biết rồi còn “tào kê” phải chăng là để ám chỉ cái nghề không vốn ?

Di dân Việt ở Campuchia qua các thời kỳ còn phải chịu nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử. Chúng ta còn nhớ thời Lonnol đã xảy ra vụ “cáp duồn” đầy kinh hoàng. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc thiên hồi ký đầy nước mắt của Nguyễn Huỳnh Mai trên internet theo địa chỉ: http://www.nguyenhuynhmai.com. Đại khái thời đó dân Việt bị cấm làm ăn nhiều nghề, ra đường thì bị kỳ thị, chèn ép, thậm chí không dám nói tiếng Việt. Thời Pol Pot cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong nhà tù Toul Sleng tức S.21 ở Nam Vang còn không ít hình ảnh người Việt bị giết chết ở đây. Ngay cả ở thời đại ngày nay, vấn đề kỳ thị cũng còn lai rai. Nhứt là vào các mùa bầu cử, những đảng phái đối lập như Sam Rainsy, Funcinpec ... lại khơi lại chiêu bài chống Việt Nam mà Việt kiều chính là nạn nhân của họ.
Người Khmer ít chịu cực, thiếu chịu khó suy nghĩ tìm tòi học hỏi. Họ không có kỷ luật, kém ý thức về giao thông ... Trong khi đó người Việt cần cù, chịu khó, sáng trí, siêng năng nên họ sống ở Campuchia tương đối dễ dàng. Do đó tuy có bị phân biệt đối xử đôi chút họ cũng chịu ở lại để làm ăn. Thật ra, nếu họ về nước thì biết làm gì khi không có người thân giúp đỡ. Có nhiều người Việt nhờ giỏi làm ăn mà đã trở nên giàu có lớn như đại gia Sok Kung đã nói ở phần trên. Một ông nữa tên là Sieng Nam đã làm tới nghị sĩ của Campuchia. Còn đa số dân Việt ở Campuchia có cuộc sống nghèo nàn và cực khổ. Cộng đồng Việt ở nước ngoài có giúp xây một trường học ở Biển Hồ để giúp các em nhỏ có dịp đến trường để biết làm toán , biết đọc, biết viết tiếng Việt. Chúng học tới lớp 5 thì nghỉ để phụ giúp gia đình. Tương lai của người Việt ở Biển Hồ rõ ràng không xán lạn chút nào.

*****
Chuyến du ngoạn Biển Hồ thật ra chỉ là một chuyến đi khám phá vì tò mò, chớ thật ra, ở đó chẳng có cảnh trí đẹp đẽ gì. Tôi nghe loáng thoáng nhiều người trong đoàn tỏ ý không thích lắm.
Về tới khách sạn thì đã 2 giờ trưa. Chúng tôi lại có 1 giờ để nghỉ ngơi. Đúng 3 giờ sẽ có mặt trước khách sạn để đi thăm Angkor Wat. Chương trình đi chơi hôm nay cho du khách nghỉ hơi nhiều. Do đó mà chiều nay không đủ thời gian để xem Angkor. Chuyện nầy sẽ nói tiếp trong bài sau.

Minh Tâm

Đón đọc kỳ tới: Angkor Wat - niềm tự hào của Campuchia

(Hình ảnh chuyến đi không thiếu nhưng tiếc là tôi không biết post lên diễn đàn như thế nào)
Post Reply