Nước non xứ Lào

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Nước non xứ Lào

Post by unclevinh »

Nước non xứ Lào
(Thái-Vinh mến tặng các chàng trai Việt làm rể xứ Lào)

Năm anh Hai đi hỏi vợ, Má thấy tôi vui vẻ trổ tài chọc ghẹo hết cô nầy đến cô kia, bà hào hứng nói nhỏ:

- Con coi trong đám nhân công quấn thuốc của má nếu ưng ý cô nào, má sẽ hỏi cho?

Tôi làm bộ nhỏng nhẻo, gạt ngang:

- Con thấy không có cô nào được hết, mà con cũng sẽ không lấy người cùng quê như anh Hai đâu!

Má tôi không bằng lòng:

- Đừng mất gốc, con ạ!

Tôi cười to:

- Má đừng lo, thầy bói nói con có số lấy vợ ngoại quốc mà!

Buổi chiều đến Chiang Khong, nàng vui mừng chỉ qua bên sông Mekong nói, "Bên kia là quê hương em!" Đêm hôm ấy nằm bên nầy không hiểu sao câu nói đùa với Má tôi ngày xưa lại trở thành sự thật làm tôi trằn trọc thao thức suốt đêm theo tiếng chó sủa và tiếng gà gáy bên Houay Sai cho đến sáng hôm sau, ăn quà sáng xong, mỗi người còn được một hộp đựng phần ăn trưa đem theo bao gồm trong giá vé từ Chiang mai đến Luang Prabang 1500 Baht mỗi người (1 đô la đổi được khoảng 30 Baht của Thái Lan), chúng tôi xuống thuyền nhỏ rời Chiang Khong giã từ xứ Thái Lan bước qua cổng Đông Dương (Indochina) đi vào xứ Lào.

Houay Sai là một làng nhỏ đèo heo hút gió, nhưng là thủ phủ của tỉnh Bokeo nằm trong khu Tam Giác Vàng giáp biên giới Miến Điện và Thái Lan mà ngày xưa vừa nổi tiếng là khu đãi cát ra vàng vừa là ổ buôn thuốc phiện. Từ Houay Sai chỉ cần bơi thuyền qua dòng sông rộng độ 1 km là sang xứ Thái, dễ như đi chợ; nhưng tìm đường đi bộ đến cố đô Luang Prabang của xứ Lào thì rừng núi chập chùng, chỉ có con đường đi thuyền xuôi dòng sông Mekong là gần nhất, xa đế đô 300 km! Hèn chi Houay Sai trước kia hết bị Miến Điện tới Thái Lan thay phiên chiếm lấy! Houay Sai chắc không có gì vui, nên từ mờ sáng dân làng đã tụ tập ra bến sông chờ coi khách du lịch! Lệ phí xin chiếu khán nhập cảnh cho du khách Mỹ là 30 đô la, nhưng vào ngày cuối tuần, phải thêm phụ phí 1 đô la, vì người Lào biết cách sống rất nhàn nhã, không thèm say mê làm thêm ngày nghỉ như người Mỹ! Ở Houay Sai không có gì coi, lèo tèo vài ba quán bán thức ăn cho du khách ngồi chờ thuyền xuôi nam. Thuyền chúng tôi là loại thuyền chậm (Slow Boat) chở khoảng 50 người, không còn chỗ trống, nhưng vẫn cà rịch cà tang chờ kiếm thêm gần 100 khách, chở thêm xe đạp, xe gắn máy, và hàng hoá lai rai nên mãi tới gần ăn trưa mới nhổ neo. Thuyền có mái che, hai bên có hàng ghế gỗ lót gối đệm ngồi được hai người, dài thòng như một chiếc xe trống trải chạy trên nước rất êm ái. Thuyền không trang bị phao cấp cứu, chắc chưa bao giờ bị tai nạn chăng? Còn một loại thuyền khác nhỏ như ca nô chỉ chở độ 6 người trang bị đầy đủ mũ áo an toàn, chạy nhanh gấp đôi (Fast Boat); nhưng ít khách du lịch nào muốn đi, dù giá tiền rẻ hơn 200 Baht vì phải ngồi im một chỗ, lại không dám coi cảnh thoải mái vì sợ gió thổi hay đụng đá ngầm, cứ phải lo bấu tay vào thuyền cho thật chặt! Ngoài thuyền trưởng mặc quần đùi đi dép cao su bình dị, thuỷ thủ đoàn còn có một nhân viên phụ và một tiếp viên kiêm phu nhân của vị thuyền trưởng lo bán nước giải khát và khuyên nhủ các du khách trẻ đừng ngồi trên mạn thuyền. Nhưng khuyên thế nào được? Bà cứ bán hết chai bia Lào nầy tới chai bia Lào khác làm du khách trẻ say sưa cao hứng ca hát nói chuyện cười vui như thuyền cưới đi rước dâu; có anh còn cầm chai bia Lào bò ra nằm phơi nắng trước mũi thuyền làm choán mất tầm nhìn tránh đá ngầm của thuyền trưởng!

Từ Houay Sai xuôi về nam, sông Mekong bỏ hẳn Thái Lan chảy quặt sâu vào xứ Lào, dòng sông Mekong như con rắn khổng lồ nhẹ nhàng uốn mình trườn len lỏi giữa rừng núi cao vút xanh rì. Nhà sàn ven sông thưa thớt. Trâu bò tự lang thang gặm cỏ để trẻ con vui đùa nghịch nước trên sông. Mỗi khi có thuyền ghé vào đổ khách, lũ trẻ chạy ùa lại mừng. Cảnh sắc làng quê thật thanh bình, các em ở đây không phải đi bán hàng cực khổ moi tiền du khách như trẻ em bên xứ Chùa Tháp, nhưng không biết các em có được đến trường học, hay cứ tiếp nối từ thế hệ nầy sang thế hệ kia quanh quẩn bên ruộng nương hoặc đánh cá trên sông? Một ý nghĩ buồn buồn mới thoáng qua bỗng chợt vụt tan theo con thuyền chòng chành. Mọi người đứng dồn hẳn một bên mạn thuyền cố nhìn và chụp hình bác đánh cá trên sông vừa bắt được cá to chèo thuyền đem lại bán!

Khách du lịch Tây Ba Lô phần đông là những sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp Đại Học bên trời Âu hay Úc Châu. Họ thường bỏ ra một năm hay sáu tháng đi du lịch đó đây cho đã, rồi mới trở về kiếm việc làm! Người Mỹ không có truyền thống phiêu lưu như vậy, nên nghe chúng tôi ở Mỹ, chưa đến tuổi về hưu mà được đi du lịch liên tiếp 2 tháng khiến hai người bạn Mikael và Cina từ Thuỵ-Điển (Sweeden) giật mình! Mikael và Cina đã về hưu và đang làm một vòng du lịch xuyên 4 nước Thái lan, Lào, Cam Bốt, và Việt Nam. Chúng tôi đã nhanh chóng kết bạn và giới thiệu trước vài cảnh đẹp ở quê hương Lào và Việt Nam cho 2 người bạn nầy, nhưng lúc thuyền đến bến Luang Prabang lạc nhau; rồi tình cờ một tháng sau chúng tôi lại gặp nhau ở khách sạn Hoàng Linh trên đường Đề Thám, Sài Gòn! Thấy Mikael có cuốn cẩm nang du lịch các nước Đông Nam Á, tôi mượn đọc ngấu nghiến về lịch sử nước Lào. Càng đọc, tôi càng hiểu thêm quê vợ và thương mến người dân Lào vô cùng.

Lịch sử nước Lào thật trái ngược với lịch sử quê tôi. Nếu người Pháp không mang súng ống đến đô hộ, thì bộ mặt Việt Nam ngày nay chắc phải khá hơn nhiều, vì Việt Nam luôn luôn là một cường quốc ở Đông Nam Á. Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng từng bảo hộ cả xứ Chùa Tháp và vùng Sầm Nứa của xứ Lào; nhưng nếu người Pháp không đến Việt Nam thì chưa chắc nước Lào được tồn tại như ngày nay! Vì từ ngày vua Fa Ngum chính thức thành lập vương quốc Lan Xang hay xứ Triệu Voi vào năm 1350, nước Lào luôn luôn bị ba nước láng giềng hùng mạnh là Miến Điện, Thái Lan, và Việt Nam xâm chiếm tàn phá liên tục cho đến năm 1707 thì vương quốc Lan Xang bị bể ra làm 3 mảnh riêng rẽ Luang Phrabăng, Viang Chan, và Champăsak. Năm 1804 vua Anuvong từ Viang Chan vùng lên tái lập xứ Lào, nhưng rồi lại bị Thái Lan chiếm đô hộ, nước Lào tưởng chừng như đã bị xoá tên hẳn ra khỏi bản đồ Đông Nam Á. Năm 1883 Pháp đô hộ Việt Nam, 10 năm sau sẵn trớn chiếm luôn Cam Bốt và Lào thành lập xứ Đông Dương. Nhưng thoả ước chia cắt biên giới Lào-Thái ký kết tay đôi giữa Pháp và Thái Lan đã khiến xứ Lào vô cùng tức tưởi mất đi rất nhiều phần đất bên kia sông Mekong, và đặc biệt mất gần 15 triệu dân Lào ở vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay!

Lào đang mùa nắng, mực nước sông Mekong thấp, chảy rất dịu dàng, trừ vài chỗ nước chảy xoáy mạnh vì bị đá chắn ngang giữa dòng khiến thuyền phải chạy tránh gần bờ. Lúc chạy ngang qua mấy tảng đá lớn có bàn thờ cắm nhang đèn tôi rợn người, nhưng nàng bình tĩnh giải thích chỉ có đàn bà con gái đi thuyền lỡ mặc quần áo mầu đỏ và tới số chết mới bị thần sông Mekong bắt làm vợ! Thuyền đi trên sông êm ái suốt 6 tiếng đồng hồ, được nửa quãng đường Houay Sai và Luang Prabang thì ghé vào làng Pakbeng nghỉ đêm. Pakbeng là một ngôi làng nhỏ bé thơ mộng nằm trên dốc núi, nhưng Pakbeng lại là một bến đò chính rất nhộn nhịp chở hàng hoá từ tỉnh Oudamxai xuất cảng sang hai vùng nam bắc sông Mekong. Lúc chúng tôi vào nhận phòng ngủ ở Monsavanh Guesthouse giá 6 đô la một đêm, được phát một cây đèn pin, chưa biết làm gì với cây đèn nầy thì chủ nhân vui vẻ giải thích gần Pakbeng có đập thuỷ điện trên sông Nam Beng, vào mùa nước lớn thì điện dư dùng xài không hết phải bán sang Thái Lan, nhưng đến mùa nước hạ, thì điện hay bị cúp bất thình lình, nên dân làng Pakbeng quyết định không thèm xài thuỷ điện. Hầu hết các hàng quán và nhà cửa ở mặt đường chính đều có máy phát điện riêng; nhưng sau 10:30 tối, tất cả các máy điện đều phải tắt để dân làng yên lặng âm thầm làm việc giúp xứ Lào gia tăng dân số. Chúng tôi cầm đèn pin dạo phố, gặp chủ quán đứng dưới đường chào hàng niềm nỡ, ngó lên thấy quán tre thắp đèn lồng xinh xắn, bèn trèo lên quán. Quán không dự trữ sẵn thực phẩm nấu ăn tươi, nên mỗi khi khách đặt món ăn nào, chủ quán cũng phải xách xe chạy vụt lên dốc mua hàng, rồi chạy về giao cho đầu bếp vửa ru con vừa nấu nướng. Chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới được ăn, nhưng không một thực khách nào phàn nàn vì thức ăn rất ngon miệng và khung cảnh rất tình tứ! Chủ quán lại giới thiệu một quán tạp hoá duy nhất do người Việt làm chủ bên kia đường để chúng tôi ghé lại thăm. Nghe chúng tôi nói tiếng Việt, chị Li mừng rỡ cảm động vì đã 20 năm lấy chồng Lào về Pakbeng, chị chưa có cơ hội về thăm lại quê nhà ở tỉnh Hải Dương!

Mười giờ sáng hôm sau, chúng tôi đổi thuyền rời Pakbeng chạy suốt 8 tiếng đồng hồ mới đến cố đô Luang Prabang. Hành trình đi thuyền ngày thứ hai dài lê thê nầy, thần sông Mekong xứ Lào cùng thần Angkor xứ Chùa Tháp hợp nhau âm thầm hành hạ khiến sức khoẻ của tôi đã tồi tệ. Luang Prabang là một thành phố nhỏ bé với kiến trúc cổ kính và thơ mộng nằm giữa ngã ba hai dòng sông Mekong và sông Khan. Hòn Ngọc Viễn Đông trước kia ở Sài Gòn, hay Bangkok bây giờ chỉ có vẻ đẹp hào nhoáng ồn ào sầm uất bên ngoài; nhưng Luang Prabang mới chính thật là Hòn Ngọc đẹp không cần trau chuốt, đẹp hơn bất kỳ hòn ngọc nào khác ở Á Đông khiến tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã ưu ái chọn làm di sản chung của thế giới cần được gìn giữ. Dạo chơi Luang Prabang nên đi bộ hoặc cỡi xe đạp mới thưởng thức được vẻ đẹp cực kỳ cẩm tú của sông núi bao bọc chung quanh cố đô. Chúng tôi thả bộ dọc hai bờ sông, coi người Lào làm bánh, dệt vải, mệt thì dừng lại uống nước dừa, thấy bà cụ Lào ngồi ăn trái cây dưới hiên nhà một mình cũng ghé vào chào. Người Lào vô cùng hiếu khách và bình dị. Đi du lịch ở xứ Lào rất thoải mái không lo sợ bị giật ví hay bị công an mời vào văn phòng làm việc, khiến du khách đến Lào thăm một lần cảm tình cứ muốn trở lại. Ngay giữa lòng thành phố Luang Prabang có Wat Phu Si kiến trúc rất độc đáo nằm trên đỉnh đồi cao 100 mét với nhiều cây Hoa Đại cổ thụ, trèo hơn 328 bậc tam cấp, lên đỉnh ngắm cảnh chiều tà rơi trên sông chan hoà cùng mầu hoàng kim bọc tháp vàng Phu Si (Tháp Mầu) đẹp rực rỡ lạ lùng. Đảo mắt xuống chân đồi, thấy vườn thượng uyển, hoàng cung, với bức tượng đồng vua Sisavang Vong kín đáo từ từ chìm dần vào bóng tối im lìm! Luang Prabang vui nhất ở khu chợ đêm bán hàng kỷ niệm là nơi du khách ưa đến chụp hình và thưởng thức các món ăn ngon, sạch sẽ, lại rẻ tiền. Lúc đi ngang qua qua hoàng cung, nay đã biến thành viện bảo tàng, chúng tôi đến vừa kịp lúc vở kịch múa dân gian Phra-Lak Phra-Lam mở màn diễn lại một câu chuyện thần thoại kỳ bí về người khổng lồ Virahu hành hương tỏ lòng ngưỡng mộ nhà hiền triết Phakyin sống trên đỉnh núi Meru. Khi Virahu thấy cảnh đẹp rừng núi Meru, trong lòng cực kỳ khoan khoái bèn cúi lạy khắp bốn phương cảm tạ trời đất, thì con rắn mối Kapkur tưởng lầm Virahu kính trọng mình bèn ra mặt kiêu ngạo. Virahu tức giận rút chiếc vòng thần ném chết Kapkur, nhưng vô tình lại làm sập ngọn núi Meru khiến Virahu hoảng sợ bỏ chạy. Phakyin vô cùng thương tiếc, bèn ra lệnh Chithtabouth đi rao truyền khắp nơi tìm người tài giỏi dựng lại ngọn núi Meru. Thotsakan với nhiều phép tắc và được sự giúp đỡ của các vị thần linh bốn phương đã dựng lại ngọn núi Meru khiến Phakyin hết sức vui mừng ban cho Thotsakan được quyền tự do chọn lựa phần thưởng. Thotsakan nhất quyết chọn Nang Uma là một trong các phu nhân của Phakyin. Phakyin không thể nuốt lời hứa đành để Nang Uma yêu quý nhất ra đi!

Chao ôi, xứ Lào đẹp thơ mộng như ngọn núi Meru, người Lào dễ thương và thành tín như Phakyin, thế bạn có mơ ước được làm rể xứ Lào như tôi không?

Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
uncleVinh
Post Reply