Hành trình vào xứ Chùa Tháp

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Hành trình vào xứ Chùa Tháp

Post by unclevinh »

Hành trình vào xứ Chùa Tháp
(Thái-Vinh và Mộng-Lan mến tặng các bạn muốn đi du lịch kiểu Tây Ba Lô)

Mưa liên tiếp mấy hôm, cố đô Sài Gòn trở nên yên tĩnh bớt bụi bặm và xe cộ, nhưng sinh hoạt du lịch ở khu phố Tây Ba Lô trên đường Đề Thám vẫn luôn luôn vui vẻ nhộn nhịp. Chúng tôi gửi tất cả hành lý ở lại khách sạn Hoàng Linh, mỗi đứa chỉ đeo một xắc nhỏ trên vai trở thành Tây Ba Lô mua vé xe buýt ở Cà Phê Sinh giá 14 đô la mỗi người, đi Siemreap coi cho biết 2 ngôi đền Angkor Wat (Đế Thiên) và Angkor Thom (Đế Thích) lừng danh của xứ Chùa Tháp.
Sáu giờ rưỡi sáng lên xe cảm thấy buồn vì khách toàn là người bạn láng giềng Khmer, chỉ có 6 mạng Tây Ba Lô. Nếu theo đúng lịch trình như đã ghi thì chúng tôi sẽ đổi xe buýt tại thủ đô Phnom Penh (Nam Vang) lúc 1 giờ chiều, rồi đến Siemreap lúc 7 giờ tối. Trước khi đi chúng tôi đã nghe nói nhiều về khu chợ trời ở biên giới buôn bán rất sầm uất, nhưng lúc đến bên nầy cửa ải hữu nghị Mộc Bài nhìn quanh chỉ thấy vài công trình xây dựng đang dở dang. Tất cả mọi người đều xuống xe vào trạm công an biên phòng làm việc; xong qua trạm xin Visa lệ phí 20 đô la vào xứ Chùa Tháp. Đi bộ tới bãi đậu xe bên kia, thấy có khách sạn Kings Crown Hotel Casino lẻ loi im lìm, vài ba quán bán thức ăn Miên lèo tèo, và một người đàn ông đen đúa cỡi xe đạp bán bánh giò nóng hổi ăn rất ngon miệng. Hỏi thăm mới biết là người Việt ở bên kia biên giới mỗi ngày đều đạp xe chở bánh qua bên nầy bán dạo, công an và cảnh sát hai nước đều quen mặt làm lơ.

Tiếp tục cuộc hành trình con đường trước mặt chạy băng qua cánh đồng nước bao la. Xứ Chùa Tháp đang mùa lụt, màu lúa xanh non vẫn còn cố vươn cao hơn mặt nước. Trâu bò thảnh thơi gặm cỏ dọc bên đường, dân làng bơi thuyền thả lưới, bắt cá, đó đây điểm xuyến vài cánh cò trắng bay là đà mặt nước trông cảnh sắc thanh bình đẹp như một bức tranh. Trên đường cái quan ít xe cộ, không có công an rình rập chờ xe quơ gậy bắt nạp tiền mãi lộ, nên các xe chở khách tha hồ nhét đầy nhóc người bên trong lẫn trên mui xe, mỗi khi xe chúng tôi vượt qua ai nấy đều vui vẻ dơ tay chào. Xe đang chạy ngon trớn, bỗng chậm lại, rồi dừng hẳn. Tài xế phụ, Kith Kim Chay người Miên trẻ tuổi nói tiếng Việt không bỏ dấu nghe rất dễ thương, bảo chúng tôi xuống xe đi bộ đến bến tàu lấy phà qua sông tìm tắc xi đi cho kịp giờ đổi xe ở Phnom Penh, và nhờ chúng tôi giải thích dùm với 4 người Tây Ba Lô khác. Claudia người Ecuador và Juan người Colombia theo chúng tôi ngay, nhưng John người Mỹ và Christina cô vợ người Trung Hoa chống cự một hồi vì phải trả thêm tiền; khi nghe nếu không trả thêm tiền phải ở lại chờ ít nhất 6 tiếng đồng hồ kẹt xe, hai người sợ hãi bèn vui vẻ đi theo. Chúng tôi mới đúng là dân Tây Ba Lô thứ thiệt; còn 4 người bạn kia thì hành lý cồng kềnh nếu không nhờ hai anh tài xế phụ vác giúp dùm thì còn lâu mới vượt nổi đoạn đường tuy chỉ 2 cây số nhưng đang kẹt cứng người đến tận bến phà Neakloeung. Ì ạch một hồi chúng tôi vượt qua sông Mekong một giải nước mênh mông chảy ào ạc.
Kith Kim Chay tìm được một chiếc tắc xi nhỏ xíu nhét 3 cặp Tây Ba Lô chúng tôi như nhét mắm vào hũ. Con đường từ NeakLoeung đến Phnom Penh chưa tráng nhựa lại lồi lõm nứt nẻ như đám ruộng khô, mỗi khi xe chạy qua ổ gà xóc đầu đít chúng tôi đau ê ẩm, nhưng phải ráng chịu trận cứ ngó chừng đếm từng mốc cây số bên đường cầu mong cho chóng đến thủ đô. Vào thủ đô tài xế lại lạc đường, hỏi gì cũng ấm ớ không nói được tiếng nào khác trừ tiếng Miên, nhưng muốn giận cũng không được vì anh có nụ cười rất hiền lành. Cuối cùng anh cũng tìm được đúng bến xe thả John và Christina ở lại Phnom Penh để chúng tôi bắt kịp chuyến xe sắp chuyển bến đi Siemreap.
Đoạn đường quốc lộ số 6 từ Phnom Penh đi Siemreap tráng nhựa còn rất tốt, hai bên đường những ngôi nhà sàn cất đơn sơ mọc thưa thớt, nước lụt đang lên liếm chân cột làm chó chạy lên cầu thang nằm, nhưng các em bé lại được cơ hội nhảy tắm đùa nghịch trong ao nước trước nhà, khung cảnh giống như miền Trung Việt Nam mỗi năm trời hành cơn lụt.

Khoảng 8 giờ xe đến bến tối thui, vừa bước xuống xe chúng tôi giật mình sợ hãi vì lạc ngay vào một rừng người chào đón dành nhau đưa về khách sạn. Từ chối một hồi, cuối cùng chúng tôi chọn lên xe Tuk Tuk của một người cao nhất, trông có vẻ hiền lành nhất, và nói tiếng Anh khá nhất đưa về khách sạn. Tưởng anh tìm cho một khách sạn ở ngay trong phố, anh cứ ra lịnh cho tài xế chạy vào ngõ hẻm đá quanh co một hồi rồi đỗ trước Ancient Angkor Guest House ở đây chỉ còn đúng 2 phòng trống, không có máy lạnh, ít muỗi, giá 10 đô la một đêm rất hợp với túi tiền của Tây Ba Lô đang cần chỗ ngả lưng.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tranh thủ dạo chợ sáng và thăm một ngôi chùa chớp nhoáng, rồi tài xế đêm qua tên Thuan rất hiền lành lái Tuk Tuk đến đưa 4 đứa chúng tôi đi coi các ngôi đền Angkor. Từ phố Siemreap đến cổng vào công viên lịch sử Angkor khoảng 10 cây số. Giá vé một ngày cho mỗi du khách là 20 đô la. Thuan thả chúng tôi xuống bìa rừng bên nầy hào nước, ngó qua đền Angkor Wat chúng tôi bàng hoàng choáng ngợp trước vẻ vĩ đại của những ngôi đền đen thần bí vượt cao uy nghi trầm mặc giữa rừng.
Từ lâu tôi đã nghe Angkor Wat được coi là một trong những kiệt tác điêu khắc đền đá của nhân loại ở sát nước láng giềng mà mình lại chưa được cơ hội đến coi tận mắt, mãi cho đến hôm nay vượt cầu bắc qua hào nước rộng 200 thước, bước lên lối đi thênh thang và sâu thăm thẳm xuyên bức tường thành dẫn lên Đài Trời Angkor Wat tức Đế Thiên, tôi rùng mình cảm giác như bị thần thánh ở trên cao tóm cổ nghẹt thở. Ngó ra bốn bên Angkor Wat thấy mình nhỏ bé như con kiến lọt giữa một cổ thành kỳ bí của Đài Trời rộng hơn 1 cây số vuông, cao 3 bậc với các tháp xây chung quanh đền chính ở giữa trổ lên cao 65 mét nhìn từ xa như những búp sen đen. Tất cả những bức tường đá bên dưới Đài Trời đều được đẽo khắc tràn đầy hình ảnh nổi tuyệt xảo, từ thần, người, và sinh hoạt dân gian được sắp xếp nối liền nhau liên tiếp thành một bức tranh vĩ đại. Tôi nhập chân theo một đoàn khách, nghe ké người hướng dẫn giải thích mới biết dân tộc Khmer cũng đã từng có những vị vua tài giỏi tạo nên Đế Quốc Khmer tức thời đại Angkor kéo dài từ năm 802 đến năm 1431, và cực thịnh dưới thời vua Suryavarman II (1113-1150) mà biên giới trải dài giáp Việt-Nam, Miến Điện, và Mã lai.
Người Khmer trước theo đạo Bà La Môn (Hinduism) rồi sau mới theo đạo Phật. Họ thờ tứ đại Thần Phật: Thần Brahma sinh ra muôn loài, thần Vishnu giữ gìn muôn loài khỏi bị tiêu diệt, Thần Shiva tàn phá và kiến thiết, và Phật Avalokiteshvara là vị Phật của chu kỳ hiện tại. Angkor Wat do vua Suryavarman II cho xây dựng để dâng tặng lên thần Vishnu và ghi lại chiến công hiển hách trong trận Kuru đánh bại nước lân bang Chiêm Thành (Champa) được khắc toàn bộ trên bức tường phía tây; còn lại bức tường ở các phía khác khắc đầy hình ảnh trên Thiên Đình, dưới Địa Ngục, và các Thần biến hoá khi thì ba đầu sáu tay, khi thì thành con rắn bảy đầu...Trong Đài Trời trống trải lạnh lùng phảng phất không khí cổ mộ u linh. Kia là Tàng Kinh Các chắc có ẩn tàng bí kíp, nhưng trèo lên coi, chỉ thấy nền đá đã bị khai quật đổ nát giống như các tượng đá Thần Phật chung quanh Đài Trời bị cướp bóc tàn phá chém cụt đầu, cụt chân tay. Tôi chơi nghịch ráp đầu mình vào một bức tượng cụt đầu chụp vội tấm hình rồi rút ra bìa rừng uống nước dừa hồi sức. Trẻ em được cơ hội bu lại mời mọc mua quà cáp lưu niệm. Nhìn các em đen đúa đi chân đất áo quần không tươm tất nhưng rất dễ thương và lễ phép, chúng tôi ái ngại hỏi các em tại sao không đi học? Tất cả đều trả lời một câu buồn buồn, "Cháu học lớp buổi chiều." Đến buổi chiều, ở các ngôi đền khác thì lại gặp các em học lớp buổi sáng!

Thuan ngồi chờ bên kia cầu nở nụ cười vui vẻ tiếp tục chở chúng tôi đi coi tiếp Angkor Thom (Đế Thích) cách Angkor Wat độ 1 cây số. Vừa thấy cổng vào Angkor Thom mọi người đều ngẩng mặt hân hoan vì trên chóp cổng cao có bốn khuôn mặt Phật vĩ đại bằng đá quay về bốn hướng chiếu đôi mắt hiền từ trìu mến xuống muôn loài. Còn đang vui vẻ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổng Đài Thích thì một đàn voi từ bên trong Đền chậm rãi đi ra, làm du khách bồi hồi tưởng chừng như mình đang đi ngược dòng lịch sử trở về thời đại Angkor huy hoàng khi vua Jayavarman VII đánh bại Chiêm Thành lấy lại Angkor vào năm 1181, cho xây dựng Angkor Thom to lớn gấp ba lần Angkor Wat, làm kinh đô cuối cùng của thời đại Angkor. Bayon là ngôi đền chính trong Angkor Thom thờ Phật Avalokiteshvara. Trong đền chỗ nào cũng có đầu Phật bằng đá, mỗi đầu 4 mặt, cùng vô số tượng Thần, người, và thú linh kỳ dị. Phòng ốc trong đền kiến trúc cực kỳ tinh xảo và có phần đẹp hơn bên Angkor Wat dù đã xiêu vẹo, đổ nát chỉ cần một cơn địa chấn rung nhẹ dưới nền đá kia thì tất cả các ngôi đền trong Đài Thích sẽ sụp đổ tan tành.
Đang lo sợ suy nghĩ vẩn vơ thì máy chụp hình tự nhiên bị trục trặc, cầm máy mà tiếc ngẩn ngơ không thu được vài bức hình đẹp ở Angkor Thom, chợt đâu một luồng gió lạnh từ trên Đài Phật xông thẳng xuống đánh vào đầu làm tôi choáng váng! Thôi rồi, chắc lúc ở trên Đài Trời tôi đã vô lễ ráp đầu vào bức tượng đá cụt đầu của một vị thần nào đó để chụp hình, nên bị phạt chăng? Dạo quanh tường thành và hàng chục ngôi đền khác trong Angkor Thom; nầy là Đền Vua Hủi, kia là Bệ Voi Đền Phimeanakas nơi vua nghỉ ngơi... thấy đền nào cũng đẹp, nhưng đều hoang tàn xiêu vẹo mà buồn lòng hết hào hứng!

Thuan nói,"Còn một ngôi đền nầy các anh chị nên đi coi, kẻo tiếc!" Ra khỏi Angkor Thom, thấp thoáng sau hàng cây cao hai bên đường đó đây rải rác vài ngôi đền nghe tên không kịp nhớ, Thuan đều bỏ qua, cho đến ngôi đền nầy chỉ cần coi hình ai cũng biết ngay đó là Đền Ta Prohm trứ danh được quay trong phim Tomb Raider. Trứ danh vì đền Thần mà bị cây sung cây gòn tầm thường mọc rễ đè đầu! Vua Jayavarman VII cho xây đền Ta Prohm làm quà tặng mẹ. Tiếc thay, trải qua bao thế kỷ món quà độc đáo chìm vào hoang phế trong rừng rậm để chim chóc ăn trái làm rớt hột trên nóc đền hóa thành cây cao to lớn dị thường mọc rễ chằn chịt đâm thẳng xuống cắm chặt đền Ta Prohm vào lòng đất! Coi chừng rắn! Rắn một đầu đang bò kia kìa, hay là hồn của rắn thần Naga bảy đầu khắc trên tường đang bị đè tức giận biến hoá? Ta Prohm một ngôi đền rừng đẹp hoang dã sẽ bị rễ cây nghiền nát nhanh chóng tàn theo thời gian. Bạn hãy đến coi mau lên!

Một ngày viếng thăm công viên lịch sử Angkor, bốn người chúng tôi chỉ trả tiền xe có 15 đô la. Hàng quán ăn uống ở Siemreap rất sạch sẽ và ngon miệng, ngon nhất là món canh chua Khmer. Siemreap là một thành phố du lịch đang phát triển mạnh. Trong tương lai khi quốc lộ số 6 từ đây nối liền tới Poi Pet giáp biên giới Thái Lan được tráng nhựa sẽ thu hút du khách biến Siemreap thành một trung tâm du lịch bậc nhất Đông Nam Á.

Cam Bốt, Lào, và Việt-Nam, ba nước anh em cột chèo cùng theo chế độ cộng sản, nhưng người dân Khmer luôn mơ ước được trở lại thời Angkor, đã đổi tên nước thành Vương Quốc Cambodia giống Thái Lan hay Nhật. Nước có vua, ngưởi dân Khmer hiền lành, lại có Phật Avalokiteshvara và Thần Vishnu với Angkor Wat và Angkor Thom linh thiêng phù hộ, chắc chắn xứ Chùa Tháp sẽ phục hưng trở lại thời cường thịnh.

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image
uncleVinh
Post Reply