Hướng về Hà Nội

Ngồi nhà coi thiên hạ ... du lịch

Moderator: unclevinh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Hướng về Hà Nội

Post by unclevinh »

Hướng về Hà Nội
(Thái-Vinh & Mộng-Lan mến tặng phái đoàn Úc)

"Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ..."
(Hoàng Dương)

Hà Nội đối với tôi có sức quyến rũ lạ lùng. Vậy mà đã hai lần về thăm quê hương, tôi chưa ra tới Hà Nội. Hai năm trước nhìn tấm hình nàng chụp ngồi bên bờ sông Hồng gửi về, lòng tôi bồi hồi xúc động. Lần nầy, chính tay soạn chương trình đi hè, nghe nàng quả quyết, "Nhất định em sẽ đưa anh về Hà Nội!" tôi càng nao nức hướng về Hà Nội; rồi một tuần trước ngày đi, bất ngờ tôi lại nhận được thư của cô học trò cũ:

Anh Vinh,
Bộ anh giận em thiệt hả? Em, Lân, Loan, An (con trai của Loan) và Sophie (con gái út của Lân) đang ở Việt Nam. Hôm trước em không nhớ tháng mấy anh nói anh chị sẽ du lịch Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan? Em mới tới sáng nay từ Brisbane, còn các em đi từ Sydney. Má em đang ở Arab với Kim-Yến, tuần sau mới tới VN. Sài Gòn đang nóng và mưa. Con trai của Loan nói, "it's worse than Brisbane". Đây là lần đầu tiên Loan về VN, nó nói vui quá chị hai, nhất là thấy xe chạy loạn xà ngầu không có luật lệ gì cả. Tụi em dự định ở VN tất cả năm tuần, sẽ đi từ nam tới bắc; còn thì giờ và còn tiền thì sẽ đi tua Trung Quốc hay Thái Lan. Nếu anh chị đang ở VN hay sắp sửa đi VN thì liên lạc với tụi em để gặp nhau cho vui? (Học trò của anh, Kim-Long)


Từ buổi chia tay ở Brisbane, thấm thoát đã mười năm chúng tôi ít liên lạc và chưa gặp lại nhau, làm tôi càng vui mừng hẹn:

Kim-Long,
Anh không có gì giận em cả! Ngày 23 anh đến Nhật-Bản. Ngày 28 đến Hà Nội. Sẽ đi Trung Hoa bằng xe lửa, không đi tua, đi tới Bắc Kinh trước, rồi muốn đi đâu thì đi. Nếu các em muốn đi chung, hẹn gặp nhau ở bờ Hồ Hoàn Kiếm tối ngày 28. Ra đó coi chừng bị móc túi!(Anh Vinh)


Chuyến bay đêm ấy từ Narita đến Nội Bài có rất nhiều người Việt làm chúng tôi lo ngại thầm, vì họ mang quá nhiều số lượng hành lý được cho phép mang theo lên máy bay. Nhưng trái với những hình ảnh khó chịu bị nhân viên kiểm soát nhập cảnh làm khó dễ hồi 9 năm trước ở sân bay Tân Sơn Nhất, lần nầy phi trường Nội Bài vắng tanh, Việt Kiều chỉ bị hỏi một câu lấy lệ, "Cô chú sinh ở đâu?" rồi cho qua ngay. Ở cửa hải quan thấy không có ai xét, chúng tôi còn đang ngần ngại, thì một nhân viên từ xa đi lại vẫy tay như xua đuổi, "Được rồi. Đi đi!"
Bên ngoài phi trường Nội Bài tối thui, khí trời đầu thu miền Bắc vẫn còn nóng ngột ngạt. Khi xe tắc xi băng qua cầu Thăng Long, cây cầu dài nhất Việt Nam, tôi cố nhìn ra nhưng chỉ thấy dòng sông Hồng thấp thoáng mờ mờ. Qua bên kia cầu là vào thủ đô. Đã 10 giờ đêm, nhưng xe gắn máy vẫn còn chạy đông nghẹt đường. Càng về gần khách sạn ở khu Phố Cổ, càng đông xe gắn máy, có xe đèo cả gia đình 4 người! Họ chạy đi đâu vào giờ nầy mà trông rất vui vẻ?
Khách sạn Gia Bảo do cô em Hiền-Lương gọi điện thoại giữ chỗ từ trước, nằm trên đường Lò Sủ trước kia là phố bán hòm, giá một đêm 32 đô la thuộc loại sang 2 sao! Đến nơi, tôi điện thoại ngay cho các em học trò cũ cũng vừa mới tới ở khách sạn Holidays bên phố Hàng Mành thuộc loại 2 sao, nhưng chỉ có 18 đô! Đêm đã khuya, phái đoàn đang trằn trọc mệt mỏi, sợ cằn nhằn bèn hẹn nhau sáng mai.

Người Hà Nội thích đi xe máy, nên khi nghe chúng tôi hỏi thăm đường đi bộ qua phố Hàng Mành, ai nấy đều ngạc nhiên, "Xa lắm! Sao cô chú không đi xe ôm hay tắc xi cho khoẻ?" Đến Phố Cổ mà đi xe thì còn gì thú vị nữa; chúng tôi phải đi bộ để coi cho hết vẻ đẹp của 36 phố phường mà! Mấy câu thơ trong bài "Những con đường Hà Nội" của Tạ Tỵ chợt xuất hiện trong trí nhớ tôi:

"Đâu Hàng Bông, Hàng Trống, với Hàng Khay
Đâu Hàng Đào khoe nõn những bàn tay
Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách..."

Phố Cổ vui quá! Nhưng vừa đi vừa phải lo canh chừng bước chân khỏi bị vấp té hay va đầu vào đinh sắt trên cột điện! Đây rồi Hàng Bông! Nhưng sao không thấy bán bông, mà bán đủ thứ hàng hùm bà lằng vậy cà? Đặc biệt nhất là "Hàng Ăn" chỗ nào cũng có khách ăn hàng ngồi lan ra đường đi bộ. Chen lấn quẹo quọ một lúc đếm hơn 36 phố thì gặp phố Hàng Mành. Cả phố Hàng Mành bây giờ chỉ còn sót một hai quán bán món hàng chính hiệu èo uột, còn thì bán đàn, bán bún thịt nướng, bán phân bón, thuốc giết sâu...Ngó chỗ nào cũng thấy khách sạn! Chúng tôi đã gặp lại phái đoàn Úc ở Holidays. Trưởng phái đoàn là bác Phước, người mẹ có nụ cười rất tươi và dễ thương. Bác ôm hôn trìu mến thân mật coi chúng tôi như con. Ngày xưa, thấy bác nghiêm khắc với chồng con làm tôi là thầy dạy các em cũng sợ; nhưng bây giờ bác quá hiền và vui tính. Chúng tôi rất yêu mến và kính trọng bác như mẹ vì lúc nào bà cũng lo chăm sóc nhắc nhở việc ăn uống cho các con.
Tôi cũng gặp lại Long và Lân học trò cũ trong nhóm "Tứ Linh Đệ Tử" Long Lân Qui Phụng ở Sài Gòn năm xưa của tôi. Nhìn Lân đen gầy, rắn rỏi, và lạnh lùng giống y như một anh công an, tôi đùa:
- Đã có cơ hội, sao em không lấy gái Bắc?
Lân cũng cười:
- Gái Bắc đanh đá quá, em sợ!
Rồi ngập ngừng, Lân nói thêm:
- Tại em quên hỏi ý kiến anh, chứ nếu biết gái Bắc như chị thì hay quá!
Hai hôm sau, tôi rủ Lân cùng ra đê Yên Phụ ngắm sông Hồng, lúc trở về gặp ba bà cụ vui tính ngồi nhai trầu tâm sự trước nhà trên đường Lò Sủ, tôi hỏi thăm:
- Thưa bác, em cháu không biết gì hết, nhất định cứ bảo gái Bắc đanh đá nên không dám lấy vợ miền Bắc.
Bà cụ lớn giải thích:
- Không phải đanh đá mà là đẹp nết, đẹp người, và đảm đang không đâu bằng!
Lân xen vào:
- Nhưng Hà Nội bây giờ hình như không còn các cô gái đẹp như vậy nữa, phải không bác?
- Sao lại không? Cậu có vợ chưa?
- Dạ...dạ...cháu lỡ có vợ Nha Trang rồi!

Phái đoàn Úc còn có Kim-Loan, cháu An và Sophie. Sáu người thuê xe Mercedes 13 chỗ ngồi, do anh Nam, đẹp trai cao ráo trẻ trung và rất tếu làm tài xế chạy từ Nha Trang ra Hà Nội. Chúng tôi ham vui bèn tạm quên chương trình đi Trung-Hoa đã vạch sẵn, nhập ngay vào phái đoàn Úc cùng đi thăm Hà Nội.
Trưởng phái đoàn là bác Phước đã từng tham quan Hà Nội nhiều lần. Bác ra lịnh phải ăn sáng cái đã; rồi hỏi chúng tôi muốn đi coi chỗ nào trước. Lân đề nghị đi coi Chùa Một Cột, bác gạt ngay, "Vô đó bị bắt buộc phải vào lăng Bác, tao sợ lắm! Thôi dẫn tụi bay đi coi Văn Miếu trước!"

Văn Miếu là một di tích lịch sử lâu đời ở Hà Nội xây năm 1070 thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ. Quốc Tử Giám cùng nằm trong khuôn viên Văn Miếu với 82 tấm bia đá dựng trên lưng rùa đá ghi tên 1036 tiến sĩ, 46 Trạng Nguyên và các danh sĩ, được coi là trường đại học đầu tiên của Việt-Nam thành lập vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Trong khu nhà Thái Học mới có 4 bức tượng đồng, thờ các danh nhân: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An. Du khách ngoại quốc đến thăm Văn Miếu và Quốc Tử Giám rất đông. Ở đây lúc nào cũng có sẵn sinh viên khoa ngoại ngữ đến thực tập giải thích cho du khách miễn phí. Quanh quẩn ở trường đại học đầu tiên của Việt-Nam một hồi, trưởng phái đoàn nhận thấy thằng cháu ngoại bắt đầu đi đứng ìu ìu ễnh ễnh, bèn ra lịnh gọi tài xế lập tức chở đi ăn bún ốc ở Tây Hồ.

Tây Hồ hay Hồ Tây chỉ nghe tên thôi, đã thấy thơ mộng rồi. Hồ Tây trước kia là một đoạn cũ của dòng sông Hồng, sau nầy người ta đắp đê tách ra thành hồ để vua chúa làm chỗ thả thuyền du ngoạn. Hồ Tây rộng hơn 4km2. Du khách có thể thuê thuyền chạy trên hồ, vừa ăn vừa ngắm cảnh. Hồ Tây nổi danh với các quán ăn ngon. Trước đây thấy trên mạng quảng cáo Bún Ốc Phủ Tây Hồ ngon đặc biệt, chúng tôi nhờ cậu em đang du lịch ở Hà Nội thuê xe đến tận nơi ăn cho biết hư thực thế nào. Ăn xong, bún ốc Phủ Tây Hồ bị chê kịch liệt! Bây giờ chúng tôi đến tận nơi nhìn Hồ Tây thấy nước hồ đục như nước cống, hèn chi ốc Tây Hồ hết ngon!

Nằm ké né cạnh Hồ Tây là Hồ Trúc Bạch rất nhỏ so với Hồ Tây. Dưới thời Vua Lê Ý Tông (1735-1739) Chúa Trịnh Giang lấy đất làng Trúc Yên bên hồ xây thành biệt điện nghỉ mát Trúc Lâm Viện, về sau dùng làm chỗ an trí các cung nữ bị tội phải tự dệt lụa kiếm ăn. Lụa đẹp nổi tiếng thành Lụa Làng Trúc. Từ đó phần hồ bên làng Trúc Yên được gọi là Hồ Trúc Bạch. Ranh giới giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch là đường Cổ Ngư, bây giờ bị đổi tên thành đường Thanh Niên, rợp bóng phượng vĩ và hoa bằng lăng tím, lại có nhiều thắng tích cổ như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Châu Long... biến khung cảnh hai hồ thành chỗ nghỉ mát và hẹn hò rất nên thơ. Trưởng phái đoàn đang hào hứng chỉ trỏ giải thích nầy nọ, bất chợt liếc thấy thằng cháu ngoại bắt đầu lộ vẻ uể oải, bèn ra lịnh tất cả kéo vào Nhà Hàng Đặc Sản bên Hồ Trúc Bạch thưởng thức một chầu Bánh Tôm Hồ Tây!

Hà Nội có quá nhiều thắng tích, đền đài, và di tích lịch sử...nhưng nếu chỉ cần chọn một biểu tượng nào đó để nhớ về Hà Nội thì chúng tôi xin chọn Hồ Hoàn Kiếm nằm giữa khu Phố Cổ với khu Phố Tây. Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm dài độ 600 mét, rộng độ 200 mét, sâu không biết đâu mà lường! Nghe nói trước kia cũng là một nhánh cụt của sông Hồng, từ ngày vua Lê Thái Tổ đánh bại giặc Minh bơi thuyền trả gươm cho thần Kim Quy thì nơi đây trở thành hồ thiêng của dân tộc Việt. Giữa hồ có Tháp Rùa kiến trúc trống trải kỳ quặc dựng trên 1 hòn đảo nhỏ là chỗ rùa thần lâu lâu bò lên nằm phơi nắng. Ban đêm ánh đèn quanh tháp chiếu sáng lung linh trên hồ trông Tháp Rùa rất thần bí. Hồ Hoàn Kiếm còn có đền Ngọc Sơn (thờ Đức Trần Hưng Đạo và các danh nhân) với tháp Bút xây trên một hòn đảo bắc cầu Thê Húc nối liền bờ hồ. Chung quanh bờ hồ là công viên đầy cây cổ thụ rợp bóng mát với hàng liễu rũ mình soi bóng nước rất nên thơ. Từ buổi sáng tinh mơ phụ nữ Hà Nội đã ra bờ hồ tập thể dục. Suốt ngày chung quanh Hồ Hoàn Kiếm là chỗ ai cũng thích đến nghỉ mát, ăn uống, tâm tình, và giải trí từ cờ tướng đến cầu lông. Ở đó lại có trạm xe buýt Bờ Hồ rất tiện lợi; chỉ cần mua 1 vé xe 3000 đồng (1 đô la đổi được 16 ngàn đồng) là tha hồ ngồi xe an toàn đánh một vòng coi quang cảnh thủ đô. Bên cạnh bờ hồ có Nhà Hát Múa Rối Nước Thăng Long. Chương trình múa rối nước vừa sâu sắc vừa vui tươi sống động hoà với tiếng đàn sáo réo rắc của dàn nhạc dân tộc rất đặc sắc mà du khách đến thăm Hà Nội đều không thể bỏ qua!

Hà Nội đẹp lãng mạn pha lẫn nét cổ kính nửa Á Đông nửa Tây Phương vì Hà Nội còn sót lại nhiều công trình văn hoá và kiến trúc của người Pháp để lại. Còn gì thú vị hơn là ban ngày dạo chơi khắp 36 phố phường, ban đêm lại đi nghe nhạc ở Nhà Hát Lớn, một kiến trúc độc đáo thời trung cổ với các cột to vĩ đại và hình tượng điêu khắc ly kỳ! Chúng tôi được thưởng thức buổi nhạc kịch "Cây Sáo Thần" của Mozart do nhạc trưởng Wolfgang Groehs người Đức điều khiển dàn nhạc Hanoi Phiharmonic Orchestra với toàn bộ nghệ sĩ Việt Nam trình diễn rất hay!

Nhớ lại hôm đi chơi với Lân từ sông Hồng trở về, tôi hỏi bà cụ rất tự hào gia đình đã nhiều đời ở Hà Nội:
- Hình như người Hà Nội trẻ bây giờ biết rất ít về lịch sử? Cháu hỏi thăm đê Yên Phụ ở đâu cũng không ai biết, cho đến khi gặp một ông cụ mới biết mình đang đứng trên đê. Lại hỏi thăm Gò Đống Đa cũng không ai biết, chỉ biết có quận Đống Đa! Trước khi đi Vịnh Hạ Long coi bản đồ thấy Bạch Đằng Giang, hỏi thăm các nhân viên trong khách sạn chỉ đường cũng không ai biết sông Bạch Đằng chảy về đâu!
Bà cụ bực mình nói to:
- Chúng nó bây giờ đâu phải dân Hà Nội!
Bà cụ nói có lý lắm, vì dân Hà Nội mới bây giờ luôn luôn nói chữ L thành chữ N và ngược lại!

Trưởng phái đoàn không thích mua sắm nhiều ở Hà Nội dù bà đã cảnh cáo các cô bán hàng, "Bán cho đúng giá đàng hoàng để bác còn trở lại nghe con!" nhưng vẫn bị hố nhiều lần, bác ra lịnh tài xế chở đi thăm ngoại ô Hà Nội cho đỡ bực bội. Nhân đó chúng tôi được cơ hội viếng làng Gốm Bát Tràng coi tận mắt nghệ thuật làm đồ gốm nổi danh của Việt Nam và mọi người đều vui vẻ tha về rất nhiều món hàng gốm chính gốc đã đẹp lại rẻ! Bát Tràng là nơi duy nhất ở miền Bắc mà anh tài xế của chúng tôi luôn miệng khen ngợi gái Bát Tràng vừa đẹp vừa đảm đang không đâu bằng. Anh cứ nấn ná ở tiệm Nam Vương Ceramic năn nỉ cô Hà thay đổi phong tục miễn cho con trai lấy vợ Bát Tràng không phải về làm rể ở Bát Tràng, nhưng không thành công!

Tiện đường đi Bát Tràng, chúng tôi ghé thăm di tích thành Cổ Loa ở Đông Anh. Thấy phong cảnh quanh thành một thời liệt oanh của vua An Dương Vương với chiếc nỏ thần huyền dịu đã tiêu điều; rồi chúng tôi ngó qua giếng nước Trọng Thủy trầm mình mà cảm khái cho mối tình của đôi vương giả hai nước để lại niềm hối hận thương tiếc ngàn đời!

Đấy, chỉ vài ngày ở Hà Nội mà chúng tôi đã rành rẽ khắp 36 phố phường! Điểm đặc biệt của Hà Nội là ăn ngon. Các món ăn ngon bây giờ hình như tập trung ở Ngõ Bảo Khánh gần Bờ Hồ. Trong hành trình du lịch Việt Nam lần nầy chúng tôi đã trở về Hà Nội hai lần. Lần nào cũng quay lại Quán Cà Phê 29 thưởng thức bún thang, xôi gà...rất ngon miệng. Hà Nội còn có Quán Lẩu Nấm Ashima trên đường Phan Đình Phùng nằm đối diện Cửa Bắc Thành Nội. Chỉ ăn nấm không thôi! Đủ các loại nấm từ nấm dại tới nấm thiên nhiên nghìn năm mọc trên đỉnh Tuyết Sơn bên Trung Hoa ngon tuyệt cú mèo! Nhưng đáng nhớ nhất là đêm chia tay Hà Nội lần đầu, trưởng phái đoàn đã khoản đãi một bữa ăn độc đáo tại nhà hàng Cơm Lam Pắc Bó trên đường Âu Cơ ở Tây Hồ, được ăn toàn những món khó kiếm ở miền xuôi, như Chạch Chấu Nướng, Tôm Say Sỉn, Cá Chình Nướng Giòn Bì và uống rượu cần thả giàn rất thú vị!

Hà Nội đẹp lắm; nhưng vẫn không đẹp bằng hình ảnh Hà Nội trong trí óc của tôi thời còn đi học với biết bao văn thơ nhạc ca tụng vẻ đẹp êm đềm lãng mạn của Hà Nội đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hà Nội bây giờ ô nhiễm, ồn ào, đông người, và xe cộ chạy hỗn độn khắp mọi nẻo đường... Du khách đến viếng Hà Nội không khỏi hãi hùng mỗi khi phải đi bộ băng qua đường!

Hôm lên xe theo phái đoàn Úc xuôi Nam, xa Hà Nội lòng tôi vô cùng lưu luyến:

"Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về..."

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

img]http://www.unclenguyen.com/pictures/Hanoi/Hanoi-38.JPG[/img]

Image

Image

Image

Image

Image

Image
uncleVinh
Post Reply