Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post Reply
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

Vô cùng thương tiếc báo tin:
Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC KSCN11
đã từ trần 9:30 tối ngày thứ bảy 28 tháng 4 năm 2012 tại California, USA
hưởng thọ 68 tuổi.
Khóa 11 trường QGKSCN thành thật chia buồn cùng chị Phước cùng gia quyến và xin nguyện cầu hương linh Anh sớm về cõi niết bàn.

Lể cầu nguyện hương linh sẽ được cử hành:
-Thứ bảy 5 tháng 5 tại chùa Đại Dăng, San Diego
-Chủ nhật 6 tháng 5 tại chùa Chân Giác, Santa Anna
User avatar
nvthaicn11
Posts: 55
Joined: 25 Jun 05, Sat, 7:55 am
Location: SaiGon, VietNam
Contact:

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by nvthaicn11 »

HUỲNH VĂN PHƯỚC đã ra đi.

Sau hơn 3 tháng trời chống chọi nhưng không qua khỏi cơn bạo bệnh, Giờ thứ 24 đã hết, Phước đã thanh thản nhắm mắt xuôi tay.

Cát bụi đã trở về với cát bụi.

Bạn đã ra đi vào đúng những ngày đầu của mùa Phật Đản.

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Cầu mong Hương linh của Phước sớm được Tịnh đô Siêu thoát.

Xin gửi lời chia buồn đến Chị Phước và toàn thể Gia quyến.


Vợ chồng Thái-Vân
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

Chi tiết tang lể Huỳnh Văn Phước:
Theo ý nguyện của Phước, gia đình không tổ chức thăm viếng và phúng điếu tại nhà quàn.
Anh sẽ được đưa thẳng từ bệnh viện đến nơi hỏa táng chỉ với sự có mặt của vợ và con cháu.
Thân bằng quyến thuộc và bạn bè có thể tham dự các buổi lể cầu siêu:
-Vùng San Diego: Thiền Viện Đại Đăng
6326 Camino Del Ray
Ponsall, CA 92003
760-945-5588
10-12 giờ trưa ngày thứ bảy 5 tháng 5

-Vùng Santa Anna: Thiền Viện Chân Pháp
1234 N. Euclid St.
Fullerton, CA 92833
(góc Euclid & Chapman, tư gia không có bảng tên)
7 chủ nhật liên tiếp kể từ 6 tháng 5, từ 10-12g trưa
Xin miễn phúng điếu nhưng có thể tùy hỹ cúng Phật và hồi hướng công đức cho Phước. Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu KSCN đồng ý xuất quỷ $100.00, thay vì mua vòng hoa phúng điếu, sẽ cúng Phật và hồi hướng về Phước. Anh Giai CN11 sẽ thay mặt hội và riêng khóa 11 chia buồn cùng chị Phước và gia quyến.
Xin nguyện hương linh anh Phước sớm tịnh độ về cõi niết bàn.
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

Bài Viết Cho Một Người Vừa Ra Đi Về Nước Vĩnh Hằng
Lâm Minh Hiệp CN10
.

CN-11 Huỳnh Văn Phước vừa ra đi vào tối ngày 28/04/2012. Trước đó vào buổi
ăn tối lễ Tạ ơn cuối tháng 11, anh có nói về sự sắp sếp này như một lời tiên đoán trước và
đã thành hiện thực. "Tôi đã mua hỏa táng trước, trả xong hết rồi và tro sẽ rải xuống biển".
Anh mới di chuyển từ San Diego lên thành phố Westminster, quan Cam từ mùa thu năm
2011. Anh định cư ở San Diego, mua một căn nhà, làm ở Shipyard Hải quân Mỹ. Có qua
làm ở Houston một thời gian, rồi sang Diego ở luôn.

Anh nói vừa đủ vào vấn đề , thảo luận chính trị sâu sắc nên tôi thường hay xuống
nhà anh, lâu lâu một lần ở lại một đêm. Tôi tới trò chuyện với anh đủ mọi vấn để trên trời
dưới đất và anh thường đãi ăn, cho tôi một quyển nói về Đề thiên Để thích vào năm 2007
khi anh đi du lịch. Vì thế, tôi thấy nên viết ra vài dòng về anh như một lời tri ân. Trước
đó như đã nói vào mùa Lễ tạ Ơn năm ngoái, anh có đến nơi tôi ở, uống cà phê, đi một
vòng Little Saigon khu Asian Gardens, ăn tiệm Thành Mỹ, tôi nói anh đã khao tôi nhiều
quá kỳ này tôi phải khao lại. Anh vẫn khỏe mạnh, tuy hơi chậm, nói đôi khi phải lắp bắp,
nhưng xem qua sức khỏe còn tốt.

Anh và tôi quen nhau từ lâu khi học chung trường Công Nghệ, Trung tâm Kỹ
Thuật Phú thọ, đến nay đã vài chục năm rồi.

1. Thời ở Saigon: sau kinh Tàu hủ, quận 4, Khánh Hội

Anh và tôi ở chung Quận 4, quận này là một cù lao nối liền với Saigon bằng cầu,
trong đó có cầu Camette, cầu Móng và cầu Quay. Nhà anh ở đường Đỗ thành Nhân, bây
giờ là có tên khác, qua cầu Camette một đổi là tới. Qua nơi tôi ở thì đi cầu Quay là nhanh
nhất, còn cầu Móng thì đã cấm chạy từ năm 67/68 nên không đi được; cầu Ông Lảnh
chạy qua chợ nhiều rác đổ ra nên ít được đi. Anh thường qua nhà tôi chơi, vì tôi ở trong
cư xá công chức an ninh.
Anh còn có quê ở Gò Công, sau này tôi mới biết, ở Tân Niên Tây/Đông gần với
quê Ông Nguyễn văn Bông bị sát hại năm 71/72, mà quê bà con tôi cũng ở Gò công ;
nhưng mối dây liên lạc chặc chẽ nhất là Đại tá Huỳnh Thu Toàn, chỉ huy trưởng Căn cứ
tân trang Quân cụ 80 Gò vấp.
Học năm thứ 4 trường công nghệ, sau trận tổng công kích Mậu thân, Tổng Thống
Johnson tuyên bố không ra tái ứng cử, và thương lượng với Hà nội; tình hình chính trị
nghiêng về phía VC thấy rõ, tôi được Ông Toàn tặng cho một học bổng danh dự với điều
kiện là ra trường sẽ trả lại. Sau khi ra trường, tôi lại được một học bỗng đi Mỹ.
Giấy tờ đi Mỹ học phải mất một năm. Hết hạn hoãn dịch tôi được tuyển vào làm cho
Điện Lực Vietnam, nên chỉ được cho đi với tư cách sinh viên không có lương. Khi về tôi
có xin dạy ở Trường Công nghệ để lấy tiền trả cho Ông Toàn, nhưng chưa lãnh thì mất
nước. Còn phần anh Phước, ra trường sau khi đi làm cho Tổng Cục Tiếp Tế, anh bị động
viên tốt nghiệp Thủ Đức được phái về Căn cứ 80 Tân trang Quân cụ dưới quyền Đại tá
Toàn.
Phải nói thêm là Đại tá Toàn, nguyên được Bộ Quốc Phòng gởi công văn cho
Trung tâm vào học Trường Công Nghệ để trở về phục vụ cho Quân cụ, ông học khóa 4.
Ông rất có tinh thần quốc gia tận tụy và có chí cầu tiến, ông cho đóng tàu lưới cá có tiền
nên giúp đỡ lại cho sinh viên khác.
Vì các mối liên lạc này, nên khi tôi và anh định cư ở Mỹ, thường hay nói chuyện
và liên lạc nhau.

2. Thời đi qua Mỹ lánh nạn: San Diego và Little Saigon

Năm 1975 tháng 4 đến, nhà tôi ở gần cổng của hãng tàu M&M của Pháp nên đi di-
tản với một đứa em trai. Còn anh Phước thì ở lại cho đến 5-6 năm sau mới vượt biên qua
Mỹ. Phước kẹt lại bị tập trung vào trại tù ở Katum. Trươc71 75, Phước được Đại tá Toàn
tin dùng vì có nhiều kinh nghiệm giải quyết các lèm nhèm ăn bớt vật liệu, thường hay đi
xe Jeep của chỉ huy trưởng. Xe này có cần câu ăn teng rất dài để liên lạc, nên có người tố
hoạt động cho Mỹ(lời nguyên văn của Phước) và nghi ngờ công tác đặc biệt, nên bị nhốt biệt giam.

Phước kể trốn thoát chỉ nhờ một cái muỗng ăn cơm mà đào hang chui ra ngoài?!!
Ra ngoài lại làm kinh tài cho nhà nước có tiền vượt biên. Phước đi vượt biên trước, sang
Mỹ rồi bảo lãnh vợ và 2 con sang sau.
Mới đầu đi Houston, rồi sang San Diego làm cho Shipyard do Đại tá Toàn giới
thiệu. Trong thời gian ở Houston Phước bị tiểu đường. Sang San Diego, làm cho Hải
Quan Mỹ mỗi sáng ăn Hamburger va khoai chiên quá ngon và dầu mở không cử được
nên sau đó lại mổ tim (bypass) và về hưu từ năm 1998/99.
Năm 2003-04 Phước về Little Saigon mua một Mobile home ở đường Bolsa. Phước
kéo nhà này bỏ đi sửa sang lại khu đất, kéo một mobile mới hoàn toàn về. Ở được chừng
hơn một năm Phước dọn về San Diego để giúp người con mở trường kindergarden.

Tháng 9/10 năm ngoái(2011) Phước dọn về lại Little Saigon, gần Westminster
Mall đường Bolsa va Golden West. Sau Tết đầu tháng 2 Phước bị xỉu trong nhà. Đem đi
bịnh viện, chụp quang tuyến não thấy bị suy, teo nhỏ lại. Rồi chuyển sang Rehab, vào
cuối tháng 3. Vợ Phước cho hay, tôi vào Rehab thăm thấy Phước ngồi trên xe lăng, ăn
nhờ ống vào mũi. Vào cuối tháng 4, chị cho tôi hay đã chuyển về bịnh viện Irvine , lúc
vào phòng phải mặc áo cách ly và đeo găng tay. Tôi lấy ngón tay khìu anh kêu tên
nhưng anh vẫn thở không trả lời. Và ra đi vĩnh viễn vào tối thứ Bảy sau đó.

3. Các Nghi Thức Cuối Cùng cho Phước

Phước có dặn dò trước là sẽ không có lễ an táng, phân ưu và phúng điếu, nên gia
đình Phước sẽ xin cầu siêu ở các Thiền viện San Diego và quận Cam. Tôi chỉ biết một số
chùa thông thường ở Little Saigon, còn các thiền viện thì không rõ lắm. Phật giáo Việt
nam cũng thăng trầm trôi nỗi theo vận nước. Thời Pháp, Phật giáo là các hội như Hội
Phật học Nam Việt...Thời Đệ nhất Cộng hòa để chống lại chủ thuyết Cộng sản, Công
giáo được đề cao và ưu đãi. Sau cách mạng 1963, Phật giáo được phát triển và hoạt động
có hệ thống rõ rệt, như Đại học Vạn Hạnh, Viện Hoá đạo...nhất là các sách vở về Phật
giáo được phổ biến rộng rãi, trong đó có các sách về Thiền tông được dịch từ tiếng Anh,
mà thông dụng nhất là bộ Thiền Luận của D.T. Suzuki.
Ở Little Saigon, gia đình sẽ cầu siêu ở thiền viện Chân Pháp ở thành phố
Fullerton. Thiền viện nầy thiết lập theo Thiền Tông, không có chưng hình của người quá
cố. Mọi sự là không có, chỉ có chân tâm thôi và trên bàn thờ có tượng Phật tay phải cầm

cành hoa, tay kia chỉ vào không trung, tượng trưng cho pháp "không là có, có là không".
Tôi thường thấy nhà Phước hay thiền vào sáng sớm và thông suốt giáo lý này. Tôi có
tham dự buổi cầu siêu đầu tiên ở thiền viện Chân Pháp, và nghe giảng về pháp thiền của
tông phái; thì mọi sự là không có, ngay cả hiện tại cũng không bắt được nó vì vừa nói ra
nó đã thành quá khứ!!!, và như thế Phước sẽ ra đi vào cõi không và cát bụi sẽ trở về cát
bụi.....

Little Saigon, 07 tháng 5 năm 2012

Xoài Rạp LMH, Công Nghệ 10
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

CẢM TẠ
Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ và tri ân:
-Thầy Thích Tuệ Giác- Hội Trưởng Hội Thiền Học Việt Nam Hải Ngoại kiêm trụ trì Thiền Viện Đại Đăng
-Toàn thể Quý Chư Tôn Đức Tăng trú sứ Thiền Viện Đại Đăng
-Quý Sư Cô các Thiền Tự trực thuộc Hội Thiền Học Việt Nam- trú sứ tại San Diego
-Quý Sư Cô Thiền Viện Chân Giác Fullerton, Orange County, California
-Quý Hội Ái Hữu Kỹ Sư Công Nghệ Phú Thọ và các bạn Kỹ Sư Công Nghệ khóa 11
-Cùng thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần đã gọi điện thoại, email thăm hỏi, chia buồn và góp phần cầu nguyện, tụng kinh cầu siêu và đưa tiển Chồng, Anh, Cha, Ông Ngoại của chúng tôi là:
Ông HUỲNH VĂN PHƯỚC
Pháp danh TUỆ ĐỨC

Đã tạ thế lúc 9:30PM ngày 28 tháng 04 năm 2012
(tức ngày 08 tháng 04 năm Nhâm Thìn)
Tại Westminster, Orange County, California, USA

Hưởng thọ 68 tuổi
Đến nơi an nghĩ cuối cùng

Trong lúc tang gia bối rối, có nhiều điều sơ sót, kính mong quý vị niệm tình tha thứ
Đại diện tang gia:
Vợ: Bà Quả Phụ HUỲNH VĂN PHƯỚC ,nhũ danh: HUỲNH KIM HOA , pháp danh: TỪ TÂM
Trưởng Nam: HUỲNH QUANG CHÂU
Thứ Nữ: HUỲNH KIM PHƯỢNG, Chồng: TRẦN ĐẦY và các con
Em Gái: HUỲNH THỊ YẾN, Chồng và các con, cháu
Em Gái: HUỲNH THỊ PHỤNG và Chồng
Em Trai: HUỲNH VĂN MINH, Vợ và các con, cháu
Em Gái: HUỲNH THỊ KIỀU, Chồng và các con, cháu

ĐỒNG BÁI TẠ
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

Hoài niệm HUỲNH VĂN PHƯỚC

Người viết: Trương Khắc Mẫn CN11


1- TÔI VÀ HVPHƯỚC TRONG BỐI CẢNH THÁNG 4 ĐEN

Khóa 11 KSCN ra trường năm 1970 gồm 27 người, có 6 người tuổi Thân 1944, HVPhước và Tôi cùng trong số đó. Ngày 28/4/2012 Phước đã nhắm mắt ra đi.

Sanh bất phùng thời, khi ra trường chúng tôi đều bị gọi nhập ngũ, phải tạm gác chuyện nghề nghiệp để khoác áo nhà binh. Riêng tôi sau đó muốn đổi đời nên ghi danh dự thi và đậu vào trường Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, đầu năm 1975 nhập học, nhưng mới học được vài tháng thì lại đến cái ngày Tháng tư đen tối !!!

Còn nữa, do hợp điều kiện, tôi nộp đơn để xin đi “Vượt biên hợp pháp” theo dạng HO. Chờ đợi mõi mòn để rồi năm 1990 tôi cũng được sang tới nước Mỹ thỏa lòng mong ước. Nhưng lại nảy sinh một “bất phùng thời” khác, do qua trể hơn, tuổi hơi cao, mọi việc không dễ dàng, “Trâu chậm uống nước đục”, so với bạn bè đến trước, về công danh, sự nghiệp, kể cả việc gia đình con cái, tôi đều kém hơn, không được toại ý lắm. Nhưng thôi tôi cũng phải tự an ủi, qua được đây đã là một thành công rồi, còn hơn ......

Trước đó có 2 người bạn đã quy tiên, thỉnh thoảng nhìn lại cái hình anh Thời ngồi trên bàn thờ với nụ cười cầu tài không thể nào quên được,...Và rồi mới đây người bạn cùng tuổi con Khỉ của tôi cũng đã ra đi.

Bấm đốt ngón tay, năm nay là năm Thìn, Phước tuổi Thân đâu phải là năm kỵ, có lúc tôi không tin, nhưng thực tế nó đã chết ! Cái chết có chuẩn bị, nó đã chuẩn bị trước việc hậu sự, hỏa táng, rải tro cốt xuống biển hay an lưu ở Chùa... Trước đó năm ngoái nó có chuyến về VN không cho ai biết và hạn chế gặp bạn bè ở VN, có lẽ cũng là chuẩn bị cho chuyến ra đi này. Phước luôn có những khác lạ, bạn bè đã rất ngạc nhiên khi nghe hắn kể câu chuyện tự Vượt ngục trại tù "cải tạo" trước khi vượt biên.

Phước là vậy đó, Nó thích đi trước, vì cho rằng sau đó còn có những người bạn sẽ nhớ về Nó, giống như tôi đang ngồi đây Hoài niệm về HVP vậy.

Việc viết lách là chuyện khó khăn với tôi, nhưng vì có những hiểu biết về người bạn nên tôi phải ghi lại, nếu không nó sẽ bị mai một. Bài viết này chắc không được mạch lạc lắm, vì nghĩ tới đâu thì tuông ra đến đó, mong các bạn đọc thông cảm.

Nhớ lại ngày còn ở VN, Phước và Tôi thường gặp nhau.

Đám cưới của Phước, khoảng 1972, có PT Toại và Tôi là phụ rễ, 50 năm sau nhìn lại những gương mặt non choẹt, thấy sự đổi thay nhanh quá.

Tốt nghiệp trường BB Thủ Đức, Tôi thì về Trung tâm Khảo sát Kỷ thuật Quân nhu, còn Phước đến CC80 Quân cụ, Lục quân công xưởng, được sự ưu ái của một KSCN đàn anh, Đại tá CH Trưởng Huỳnh Thu Toàn. Nói ưu ái vì thường thấy bạn ta chểm chệ trên chiếc xe Jeep của CH Trưởng có gắn chiếc anten cần câu cong vút, rong ruổi khắp Saigon. Sau này nghe chính bạn nói lại, có thể đó là điểm mà khi ở trại tù "cải tạo", khiến cho Phước bị nghi ngờ đủ chuyện, bị cho là “cớm” gì đó? và bị “chăm sóc” rất kỹ lưỡng.

Thời còn cùng làm việc ở Saigòn, Phước nhiều lần đến gặp tôi. Có lần thấy trên xe có cả hai ông anh Đại úy Thời và Đại úy Giai, chúng tôi rủ nhau đi Nhà Bè để ... ăn canh chua cá bông lau.

Đầu tháng 4/75, có lần tình cờ gặp Phước ở đường Lê Lợi, đứng lại nói chuyện bâng quơ, đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau ở Saigòn.

Sau ngày 30/4/75, Phước bị đưa đi trại tù "cải tạo" ở Katum Tây Ninh, còn tôi đến Long Khánh, nơi tôi chứng kiến biết bao là gian khổ của đời tù lao động khổ sai, chết chóc do bệnh tật, chết do bom mìn, ... Tôi chứng kiến cảnh Kho đạn nổ ở trại Long Khánh, tại quân y viện SĐ 18, có 12 người trong chúng tôi phải chết và vùi xác tại chổ, có những trường hợp vượt rào trốn trại bị bắn gục...

Sau này khi gặp nhau ở San Diego, nghe Phước kể lại cuộc sống của bạn khi ở trại, nhất là về cuộc đào thoát, so sánh những gì chứng kiến, tôi thấy ở bạn mình có một tinh thần và trí tuệ tuyệt vời, cũng có phần may mắn, và hi hữu.

2-CUỘC VƯỢT NGỤC HI HỮU:

Quân đội VNCH, tổng số hơn một triệu quân nhân, không tính tới lực lượng cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn. Trong hàng Sĩ quan, cấp Uý chiếm đa số đông đảo nhứt, lại trẻ trung hơn cấp Tá và Tướng vì luật tự nhiên: "Sống lâu lên lão làng". Theo con mắt của mấy ông "Cách mạng", cấp trung gian, uý là thành phần năng động, nguy hiểm số một. Với trăn trở làm sao cho mọi Sĩ quan vào rọ êm ru bà rù là thượng sách, khoảng bốn tháng sau ngày chiến xa tiến vào dinh Độc Lập, một thông cáo 3 ngày học tập tại địa phương dành cho Hạ sĩ quan và Binh sĩ. Quả thật, sau 3 ngày thì tất cả đi về nhà nhởn nhơ!. Tiếp theo, 30 ngày hoc tập cho cấp Tá và Tướng, tất cả phải tập trung theo địa điểm và lộ trình ấn định. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, tất cả cấp Uý tập trung học 10 ngày?!
Lúc bấy giờ đâu có ai nghĩ đó là màn lừa phỉnh thật ngoạn mục rất trơn tru như tướng T v Trà mong muốn. Được tập trung nhiều nơi, hầu hết ở các trường học vì việc xảy ra trong thời gian học sinh còn nghỉ hè. Trong thời gian 3 ngày đầu, ăn uống thì xuống sân xếp hàng lấy khẩu phần ăn, dồi dào ngon miệng do nhà hàng tiếng tăm nấu.
Bổng dưng vào đêm thứ ba, lệnh đưa ra tất cả phải tập họp ngoài sân trường. Anh em nhận ra nhiều xe nhà binh màu xanh do Trung cộng sản xuất đậu bên ngoài đường, và rồi mọi người bị đưa nhốt trong xe bít bùng. Xe lăn bánh, đi rất lâu không ngừng nghỉ, đến chỗ định trước thì trời vẫn còn tối nhưng ở đâu yên đó. Đến sáng ra mới biết đó là doanh trại của phe ta trước đây. Có nhóm đến bìa rừng thì được cho nằm ngủ khách sạn super " Ngàn Sao ", mệt quá ai cũng nhắm mắt ngủ không biết trời trăng.
Thời gian sống tại trại kéo dài mới tội cho đa số phe ta vì đã nông cạn nghĩ học tập không lâu, nơi học tập cũng tươm tất như hạ sĩ quan và binh sĩ trải qua lúc trước ở thành phố Sài gòn, đồ đạc cụ bị mang theo rất sơ sài, do vậy người tù cải tạo thiếu thốn mọi thứ: vật dụng vệ sinh, quần áo, chăn màn và nhất là lương thực, lúc đầu được lãnh khẩu phần gạo mốc và mọt ăn gần hết vì khi vo gạo thì gạo lêu bều như bèo dạt mây trôi, kèm theo một bịch muối hột màu đỏ lòm!!!.

Phước kể, tại Katum Đồng Ban cách biên giới Cao miên không xa, được một thời gian thì bị nhốt xuống hầm cọp vừa đủ ngồi, chỉ là hố đất nửa miếng nắp cống bằng kim loại che bên trên.
Lý do chỉ vì một bao cơm xấy. Sự việc xảy ra như sau:
Vợ Phước, cũng như bao nhiêu người vợ khác có chồng đi "học tập" 10 ngày nhưng sau hơn 6 tháng vẫn không biết tin tức gì, Chị chạy đôn chạy đáo để dò tìm tin chồng. Khi có tin, chị bèn tức tốc tìm mọi phương tiện lên Katum và bắt liên lạc qua ông xe be, nhờ ông len lén tiếp tế cho Phước. Dĩ nhiên, chị phải thân hành ngồi trên xe be nhận diện người, và xe phải đậu ở bìa rừng đặng đón đám tù thường đi ngang qua hàng ngày lao động lấy gỗ rừng. Hai anh chị chỉ lấy mắt nhìn nhau, không dám nói lời nào mà xem như người xa lạ. Riêng chị lặng khóc thầm vì trông thấy thân hình tiều tuỵ của chồng. Ông xe be có lén trao một bao cơm sấy, Phước dấu trong quần. Rủi thay, có kẻ nào đó nhìn thấy, quản giáo biết được, nên ngay khi về đến trại, Phước bị gọi ra "làm việc" liền. Khi bị hỏi về xuất xứ đồ tiếp tế, Phước cương quyết không nói. Do đó, chúng gán tội Phước thông đồng với tổ chức phản cách mạng. Ngay hôm đó, Phước bị nhốt vào hầm cọp, tay bị còng, những tay súng chỉa vào người, ngày đầu bị bỏ đói nhăn răng.
Bị cùm chưn bằng dây xích sắt suốt tuần đầu, hằng đêm không thể nào nằm trên đất lạnh, chỉ ngồi bó gối ngủ thôi! Phần cơm chỉ có chút muối, may lắm được con cá khô. Thường xuyên bị điều đi gặp cán bộ chính trị viên " làm việc ". Mấy ảnh hay xài chữ này nghe có vẽ nhẹ nhàng nhưng thực chất giống như " ngọt mật chết ruồi ", đó là thẩm vấn, hăm he, kết tội vv...và thường hỏi cung vào thời điểm ban đêm, bị lôi dậy lúc mình đang ngủ say nhứt.
Trong nhiều ngày ngồi chịu cực hình, chỉ phân biệt đươc ngày và đêm qua cái nóng hoặc lạnh, nghe tụi cán binh thì thầm to nhỏ và suy nghĩ lại câu nói của cán bộ ở các lần thẩm vấn, Phước đoán chắc tiêu mạng không sớm thì muộn thôi.

Thường ở các trại cải tạo, xử tội ai, cũng có tổ chức như một toà án bỏ túi có quan toà- chính trị viên-, " tội nhân " bị trói thúc ké đứng đó nghe đủ các lời buộc tội. Ngày xử, tất cả anh em phe ta một số được dự, số khác thì ở tại láng trại nghe qua loa phóng thanh. Và điều tức cười đến ói máu, bên cạnh nơi xử có đào sẵn hố chôn người; xet xử rất nhanh, sau đó thì nghe tiếng súng đoàng đoàng.... !?!

Phước vẽ kế hoạch thoát hiểm, dùng cái muỗng ăn cơm bằng nhôm luôn dấu trong người, mò mẫm đào đất tạo cái lỗ thông ra ngoài. Đào bất kể thời gian,ngày cũng như đêm dù trong hầm tối thui, có sức thì tiếp tục công chuyện....Ý chí con người là sức mạnh vạn năng, gọi là " có công mài sắt có ngày thành bù lon "; Rồi cuối cùng cũng đạt thành. Chỉ còn chờ ngày giờ hoàng đạo xuất phát xung trận theo tiếng súng nổ trong tim chai đá.

Trời chẳng phụ lòng người, may mắn bất ngờ, Phước bắt liên lạc được với một bạn tù cùng chí hướng, một anh không quân, những cuộc hội ý nhanh qua ánh mắt, hẹn nhau ngày giờ G ... Đêm đó, bầu trời tối đen, chỉ nhấp nháy ánh sao và vệt trăng lưởi liềm mỏng, có một vệt sao xẹt như báo điềm may, hai người đã vượt ra khỏi hàng rào bình yên. Vành trăng như mĩm cười nhìn theo hai người bạn đồng khổ.

Nhờ bạn KQ, từng bay yểm trợ hành quân nên thông thạo địa hình vùng này, dẫn lối theo con đường tương đối thuận lợi nhứt. Phước chỉ có thể ráng bò chậm chạp do quá nhiều ngày bị cùm chưn, bó gối ngủ, thiếu ăn...; muốn chạy lắm chứ, đứng chưa vững còn nói chi khác!? Lúc đầu còn phải nhờ người bạn cõng hoặc dìu, sau cố tự đi được.
Trời tối, trong rừng cây lá um tùm, không khí ngột ngạt, mồ hôi ra nhiều nhưng thấy lạnh hơn vì luôn sợ bị bắt lại. Đi như người mù, theo kẻ lá lấp lánh ánh sáng trăng nhạt nhoè mà lần bước. Tới sáng, dò dẫm rất cẩn trọng, lo sợ quay về nẽo cũ thì khốn nạn; vừa đi vừa bẻ nhành cây trước mặt làm dấu đã trải qua. Nhờ người bạn có kinh nghiệm đi rừng, những khi qua bãi trống nghi có gài mìn, phải bước theo dấu chân của bạn đi trước.
Đang mừng thầm trong bụng vì chắc đã xa trại, thoát nạn khổ rồi thì bổng nghe tiếng cán binh gọi nhau ơi ới, tiếng chửi thề, tiếng dẫm bước mạnh đâu đây.
Thôi rồi, bọn chúng đang rượt đuổi theo vì khám phá tù vượt. Phước và bạn vội lủi ngay vào lùm cây trốn. Chẳng bao lâu, nghe tiếng nói ngay trước đầu : " Địt mẹ, mới thấy bọn chúng đây mà, chạy đâu rồi " ....chúng xục xạo, la lên: " Ra ngay không ông đâm bỏ mẹ? ".
Một thằng cán binh ngay trên đầu Phước, nó lấy súng có gắn lưỡi lê đâm liên hồi, soạt soạt, quá may, tất cả đều hụt hết; bỗng chúng lảng xa, thoát nạn, hai bạn thở phào nhẹ cả người!
Cả hai lại tiếp tục không biết bao nhiêu ngày qua rồi, đói ăn đở cơm cứng như gạo sống vì khô cứng quá, hết thì kiếm lá cây gì đó, khát, tìm vũng nước, gặp suối thì quá đã...Cả hai cứ lẩn quẩn trong rừng, ý đồ tìm kháng chiến quân gia nhập vì trong thời gian lao động ở Katum nghe người dân đồn đại như thế.
Phước nói với người bạn: “Thôi thì phó mặc nhờ ơn trên, Tôi thì cầu Trời Phật độ, còn ông hãy cầu ơn Chúa”. Một chiều nọ, trên bước phiêu bạt như chiếc lá trôi dạt giữa dòng suối hoang lạ, thấy xa xa dưới chân núi, lác đác có mái tranh, chờ trời tối mới mon men tới gần, len lén đột nhập vườn rau xem có chút gì bỏ vô cái bụng xẹp lép mấy ngày trời rồi.
Kiên nhẫn chờ thật tối, đánh bạo gõ cửa, nhìn vào chỉ thấy cháu gái đưa võng em, cháu trai khoảng 10 tuổi đón ngay cửa vào, cất tiếng hỏi: " Mấy chú là ai, đâu tới tìm ai?", sau khi nhìn ngó thật lâu hai bạn!
Phưóc vọt miệng:" Ở xa , lo kiếm củi đi lạc, vậy đây là xóm nào vậy?"
Không trả lời câu hỏi, bé nói: " Mấy chú không phải ở đây, mà mấy chú biết là có lệnh cấm không cho ai đi lại sau 7 giờ tối? "
Nói rồi lấy tay chỉ ra xa: "đó đó, công an, bộ đội đang cầm đèn bão đi tuần thấy không? " và ánh mắt bé trai lại nhìn hai bạn lần nữa. Cả hai trống ngực đập thình thịch liên hồi, cáo từ rút lẹ; mà đâu dám xuống phía dưới, cứ đi ngược lên triền núi. Tối thì tìm hốc nào đó ngồi đâu lưng cho ấm mà ngủ....Sáng ra, có dịp dừng chân nơi bờ suối, lúc vốc nước uống thì nhìn thấy bóng trên mặt nước như có ai đang đứng phía trên lưng mình?! Hoá ra không phải mà chính là mặt hai bạn, vì trong thời gian thoát hiểm kẻ trước, người sau, mặt mày ai nấy thì lem luốc bùm dơ, có cả vết trầy xước, máu loang, khô như vạch mặt thằng hề, đầu tóc rũ rượi, râu dài bám đầy bụi trần...Bấy giờ hai bạn mới rõ là tại sao thằng bé nó nhìn mình một cách lạ lùng trưóc đó! Cả hai,vội rửa mặt cho sạch rồi lại cước trình phiêu khổ.
Về sau gặp một hai người tiều phu, hỏi về kháng chiến quân sau khi lựa mặt gởi vàng, vì không khéo gặp đám theo hùa 30 tháng 4 thì khốn nạn! Câu trả lời quá rõ, tin vịt cồ xiêm la mà thôi?! Thất vọng não nề, cả hai bàn tính???!!! Nhưng vì không đồng ý nên tiến bước hướng nào, hai bạn chia tay từ dạo đó. Phưóc nghĩ thầm, mình về sống trong thành phố là an toàn vì lủi trốn dễ trưóc mắt đã rồi sau đó sẽ tính tiếp.....Đầu óc Phưóc làm việc thật nhanh như CPU của máy điện toán mới có quyết định chính xác lúc bấy giờ, cuộc sống về sau cho thấy kết quả đẹp!

Từng nghe tiếng xe be chở gỗ từ xa, theo hướng ban đêm có hiện ánh đèn sáng, Phước đoán đó là Thánh Thất Cao Đài hoặc Thành phố Tây Ninh, và lần mò đi về hướng đó. Cuối cùng, một đêm khi đang lang thang trong rừng tối, Phước nghe vẵng vẳng như có tiếng gỏ mỏ, lần theo hướng, đến một túp lều tranh dựa sườn núi, Phước gặp người tiều phu tốt bụng, ông Tư, dù là tay "Nhứt phá sơn lâm nhì đâm hà bá", nhưng mặt lộ hiền từ, chơn chất, người ăn chay trường mà.

Đối diện, ổng nói ngay: "Tui chờ anh cả năm nay rồi, biết trước thế nào anh cũng ghé ngang đây!". Phước chưng hững nhưng trong bụng mừng thầm, thấy an tâm và nói rõ ý muốn trở về Saigon. Anh được ông Tư tận tình giúp đỡ, cho tắm rửa sạch sẻ, tặng một bộ đồ thợ rừng tươm tất, trong lúc ăn cơm ổng dặn dò cách thức đi sao cho tránh được những trạm công an, bộ đội.

Trước khi chia tay, ông Tư dẫn Phước vào sâu trong rừng, dừng trước một cây thân cụt, ổng chỉ tay nói :" Tôi biết anh vì ơn Trên mách bảo, đây, anh thấy mặt gỗ có in mặt anh đó!". Phưóc nhìn thấy y như ông nói, nhưng vì lòng nóng như lửa, lo thoát thân nên không dám chần chừ lâu để hỏi thêm về cái chuyện kỳ dị đó.

Lội bộ cả buổi tới thành phố, nhào ngay vào tiệm hủ tíu sát bến xe, vừa ăn vừa quan sát tình hình sinh hoạt. Sau 75, có lệnh ngăn sông cấm chợ,mọi thứ nhứt là gạo không được tự do di chuyển. Từ tỉnh về thành phố nhiều trạm kiểm soát mọc lên và công an/bộ đội lên xe lục soát, xét chứng minh nhân dân vv...

Phước còn nhớ khi lên xe, may mắn ngồi kế bên là ông già ốm yếu ho sù sụ suốt.
Thường mỗi trạm, lơ xe xuống "làm việc" thủ tục đầu tiên” (thủ tục tiền đâu ) thì quá khoẻ. Gay cấn, một lần xe ngừng, lệnh mọi người phải xuống xe, kể cả bác tài, tim Phước đập lô tô liên hồi, "Chết rồi! Chạy Trời không khỏi nắng, ước có phép độn thổ!” Bước xuống là " Lạy ông con ở bụi này." Đúng lúc đó ông già ho liên tục lộ nét đau đớn. Phước vội ôm ông già ra vẽ là người con săn sóc cha và không quên kéo nón cho sụp thêm che mặt.
Tên Công An xăm xăm bước tới chỗ Phước, :" Mau đi xuống xe! "
Phước nói liều theo bản năng: “Hồi nảy anh Bộ đội xét xong rồi cho phép hai cha con tôi ngồi lại vì ông già đang lên cơn bịnh nặng".
Công An tính mở miệng nói thêm, nhưng bỗng hắn bước vội về cuối xe và tay thì chộp hai gói đồ lên xăm soi. Phước nghĩ thầm, tên này chỉ chăm tịch thu hàng hoá, nếu không, hắn truy sát thì bị tólà cái chắc, hú hồn!
Chưa hết, bác tài leo lên thấy Phước la: " Trời ơi! hai ông nội định hại con chắc, xuống xe mau đi." Phước lặp lại câu trả lời Công An hồi nảy...

Tới bến Saigon cách trung tâm thành phố khá xa, Phước đưa ông Già xuống xe giúp đón xe cho Ông đi tiếp, còn Phước lầm lũi thả bộ cho chắc ăn, trong đầu suy nghĩ lung lắm. Saigon dạo ấy đâu còn cảnh "ngựa xe như nước ", xe đạp chiếm số đông trên đường. Phước "lòng vui chân bước dật dờ" vì biết đã thoát cũi sổ lòng thật rồi, tuy vậy có nhiều điều còn phải tính toán... Vào quán mua nước cho nhanh, gặp người quen cũng tảng lờ như không thấy!
Ngang trại Phi Long, Phước nhớ cảnh chạy loạn tháng 4/75, mấy tay Không Quân tốt phước, máy bay trực chỉ đệ thất hạm đội dễ dàng. Chợ Hoà Hưng, tới Quân Vụ Thị Trấn, hình ảnh đi trực đêm vụt hiện về, phía trái là chợ Vườn Chuối gần nhà Mẫn, nghĩ thầm:" Không biết nó có vọt được ?".
Trời còn sáng, lơn tơn ra Lê Lợi, Nguyễn Huệ, không còn cảnh chen chân thích cánh như trước, vắng hoe. Ngang bờ sông Saigon, Khánh Hội, Xóm Chiếu...gần tới xóm nhà của mình, Phước chờ trời nhá nhem mới dám lẻn nhanh vào nhà gặp vợ.

Chị Hoa quá đổi mừng mà sợ. Phước dặn chị không cho con trai, tên Châu,còn quá nhỏ biết việc. Vì thời đó, Công An khu vực hàng ngày cứ sòng sọc vào nhà dân làm bộ hỏi han dân tình nhưng là để tâm dò xét tình hình và người ta thường nói: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ".
Sáng ra, cháu Châu chạy lại bên Phước mừng: "Ba!". Chị Hoa vội ôm con, bịt miệng nó và nói:" Không phải Ba con, Bác Năm dưới quê lên thăm!!! "
Tội nghiệp thằng bé, mặt mếu máo, phụng phịu, mắt lấm lét nhìn Phước đang cười mĩm.

Dĩ nhiên, không thể ở lại nhà lâu dài được vì chắc chắn Công An sẽ truy nã tới nơi, vào nhà bất thình lình tìm dấu vết vv...Chị Hoa phải đưa chồng trú ẩn trong thôn xóm thuộc bên ngoại. Trong thời gian đó Phước nhờ chị Hoa tìm đường đi...

3-VƯỢT BIÊN VÀ CUỘC SỐNG MỚI:

Vượt Biển Đông:

Nên nhớ sau 75, phong trào tìm đường dây vượt biên nở rộ và câu khôi hài cửa miệng dân thuộc phe ta hay nói:" Nếu cột đèn biết đi nó cũng thăng ra khơi". Tuy thế, tìm đường dây đứng đắn không phải dễ dàng; vì thường bị gạt, có khi trao vàng rồi cứ ngóng dài cổ, tổ chức vọt rồi. Tệ hại hơn, cho mình lên ghe con gọi là taxi ra cặp tàu mẹ nằm xa khơi; nhưng giữa chừng thì Công An biên phòng tó hết đưa vào trại tù. Ác nhơn hơn nữa, tất cả hành khách trên ghe con bị đập đầu chết hết và chủ chốt gom thêm mớ vàng mọi người hay lén đem theo khi bước lên ghe để qua đảo có tiền xài vv...Ra khơi và bị sóng nhận chìm cũng có, và số người chết biển tính hàng trăm ngàn?!Ôi thôi! Cảnh khổ người tìm tự do, bút nào tả hết!!!
Chị Hoa nói tin tức truyền khẩu vượt biên cho Phước rõ; hai vợ chồng ngày đêm cầu nguyện Trời Phật. Phước thỉnh thoảng ra khỏi nhà bắt liên lạc lo chuyện. Cuối cùng, Phước cùng người bạn trước 75 là tay kinh doanh khá giàu, đồng thời là dân biểu quyết định tự tổ chức: sống như dân chài ở khu đánh bắt cá, mua ghe vv...Với hai cái đầu khôn ngoan, và liều lĩnh việc gì không thành; có điều ghe thì rất bé chỉ có khả năng ra khơi nằm chờ nơi hành lang hàng hải quốc tế. Chuyện vượt biển của Phước không có gì đặc biệt hiểm nguy và cuối cùng tàu hàng Nhật vớt đưa về hòn đảo ở Nhật và Phước tạm sống ở đó một thời gian.

Cuộc Sống Mới Nơi Đất Khách

Tôi đã cho các bạn xem những giây phút thót tim của Huỳnh văn Phước, chuyện đã xảy ra như sống giấc mơ hãi hùng; do đó, dầu phải tranh đấu bằng lao động để sinh tồn trong môi trường xứ người hàng ngày, Phước không thể nào quên được trải nghiệm trong quá khứ.
Phước nói thêm, qua kinh nghiệm đó, hình như chuyện nhiệm mầu, ơn Trên ban phước lành hiện hữu với chúng ta. Điển hình, sau khi đã tương đối ổn định đời sống mới, trong một thời gian khá dài, hàng đêm Phước được truyền dạy đạo.
Phước chỉ, cái đôn này đem từ Việt Nam sang để làm ghế ngồi nghe nói Đạo,người Thầy, thì thay đổi luôn và tao có thể hỏi bất cứ thắc mắc gì vì tối nghe, ban ngày nhớ lại để tìm hiểu ....ăn uống thì không nhứt thiết, tao thường ăn mặn.
Khoảng 15 năm sau ngày định cư ở Mỹ, lần đầu tiên trở về Việt Nam vì biết chắc không còn bị tó vì tội vượt ngục Trại; vượt Trại mà có giựt súng bắn chết người mới lo còn không thì lệnh truy nã đâu có chỗ nào giữ vì Trại thời gian đầu là do Quân Đội quản lý,sau giao qua Nội Vụ mới hắc ám, Phước chêm vào.
Tới Saigon, tao lấy xe xuống Tây Ninh tìm ân nhân năm xưa. Mày biết không, cảnh cũ thay đổi nhiều, nhà cữa, khắp nơi dân cư đều đông đúc trải dài từ thành phố tới Tây Ninh. Leo xe ôm tới núi Bà Đen, tao cũng thấy lạ như chưa từng đặt chân tới đây bao giờ?! Cố gắng moi óc nhớ lại đường mòn xưa, không tài nào nhận ra nổi, thôi thì theo cảm nhận leo lên hướng Đông núi Bà Đen. Đi hơn nửa tiếng, thấy nhiều nhà tranh hoặc lều dựa vách núi trông có vẽ quen quen, ghé vào, nhưng thất vọng...Dừng lại, suy nghĩ...nhớ chi tiết về ân nhân...và hỏi thăm ông Tư làm rừng, ăn chay; đúng chóc, ai cũng biết ông này.
Tới trước túp lều, chưa kịp gõ cửa thì ân nhân bước ra, ông cũng rất tự nhiên như năm nào nói ngay:" Nghe tiếng máy bay phản lực trên bầu trời tôi biết anh đang đến SaiGon". Hai người rất đổi mừng vui hội ngộ, hàn huyên tâm sự từ chuyện xưa đến đời sống mới của Phước. Sau cùng, ông cầm tay Phước và trân trọng trao cho Phước tấm thớt gỗ năm xưa ông Tư đã chỉ cho Phước thấy vân gỗ tạo khuôn mặt Phước và ông nói:" Anh mang về sau này anh sẽ rõ dùng vào việc gì". Phước chêm:" Chỉ có mày biết chuyện kỳ lạ này, vợ tao cũng chưa hề được nghe nói tới đó". Nghe vậy tôi cũng không dám đòi hỏi được xem mặt gỗ đó và hiểu Phước có một sứ mạng gì đó trong tương lai?.......
Trở lại câu chuyện dang dở về công việc làm của Phước, đảm trách vai trò kỹ sư lập trình; ngày làm việc, Phước xem order công việc của xếp và bắt tay viết chương trình. Sau cùng, buổi chiều trước khi về,Phước rà soát lại xem có lỗi không.
Ngày đó, trên đường lái xe về nhà, Phước chợt phát giác ra lỗi và Phước nghĩ cách chỉnh sửa ngay trong đầu, ngay bây giờ quay lại thì kẹt xe, thôi sáng mai đi thật sớm trước khi êkíp thợ bắt tay cũng còn kịp. Rạng sáng, Phước phone hỏi trưởng ca trước khi phóng xe tới hãng; chưa kịp nói thì ông ta bảo là dàn máy đang chạy;
Phước tá hoả, cố gắng kìm cho khỏi rung và hỏi có gì trục trặc; nhận được trả lời mọi việc đều tốt, you không phải lo gì hết! Phước lấy làm lạ, hôm qua rõ ràng chương trình có lỗi, chưa vào hãng để chỉnh thực tế, sao lại Ok hết vậy cà?! Rủi mà chạy với chương trình sai thì sản phẩm bỏ rác, lỗ vài trăm ngàn đô....
Sau Phước có kể anh Giai nghe, ảnh nói vô lý, chắc tao nhớ sai?!
Tôi nói:" cái mind, trí của mình mạnh lắm, có thể làm việc xuyên qua không gian, giống như cách không đả ngưu vậy!"….
Tôi nhớ lớp KSCN k11, thường anh em có lệ chiều thứ sáu, tan lớp, một số ở lại đánh bóng chuyền ngay giữa trưa nắng, chỉ riêng Phước, Thái không bao giờ chơi hết và tôi cũng không thường nói chuyện với Phước. Tuy nhiên, qua Mỹ, tôi là người bạn được Phước tâm sự nhiều chuyện; và trong lúc họp khoá 11 vào 3 ngày, kể từ 31/07/2011, Phước và chị Hoa tiếp hơi kể lại cho mọi anh em có mặt nghe gần như toàn bộ câu chuyện mà tôi đã cố thể hiện trọn vẹn với ký ức vẫn còn khá tốt.

Thế rồi!
Ngày 28.04.2012, người bạn thân " bỏ cuộc chơi..." vài ngày trước khi kỹ niệm 30 tháng Tư Đen. Phước, bạn đã hôn mê lâu dài trong bệnh viện, chỉ tỉnh giấc thật ngắn với vài lời dặn dò vợ, con; tất cả các bạn khoá 11 đều quan tâm bạn trong những ngày bạn nằm quẹp này... và đến nay, tôi tự hỏi tại sao bạn lại hơi vội vã ra đi trong khi sứ mạng gì đó bạn chưa hoàn thành?!
Nhớ lại, thỉnh thoảng qua điện thoại thăm hỏi, bạn thường nói:" Chưa có lộ trình- map- cho vấn đề Việt Nam..". Tôi góp ý, miền Nam thật sự không có thủ lãnh chính trị, không một nhà chính trị, một tướng lãnh nào bì với Tưởng giới Thạch, ông ta bị Trung Cộng đuổi chạy có cờ nhưng đã khôn khéo trú Đài Loan, và sau đó cho tới nay tạo một xứ hùng mạnh. Tại sao không có ai nghĩ tới đảo Phú Quốc hoặc lập một chánh phủ lưu vong?!
Big Minh đã sai lầm khi giết ông Diệm, sau đó cả một thời hỗn loạn... và ngày cuối cùng ông ta cũng không có cách đáp trả khôn ngoan khi ở dinh Độc Lập, Bùi Tín nói với ông:" Các ông đâu còn quyền hành gì mà trao".
Nếu ông Minh là tay bản lãnh về chính trị phải đáp trả tức khắc:" Đúng! Tôi thực sự mất quyền hành, nhưng tôi vẫn còn ‘ quyền và hành ‘ của một công dân với tấm lòng yêu nước trao ra chứ phải không? ".
Viết điều này ra để các bạn nhận ra ngoài con người có Tâm Đạo của bạn chúng ta, Phước còn khắc khoải ưu tư về tình hình nước nhà đấy...
Thôi, tôi xin nhắc lại câu tôi hay nói sau mỗi lần dự tiệc họp khoá, khi còn trong nước:" Cuộc vui nào không tàn, cuộc tình nào không phai!".

Vĩnh biệt Huỳnh Văn Phước!

Viết xongTháng 6 -2012

Trương Khắc Mẫn
Last edited by Do Huynh Ho on 16 Jun 12, Sat, 7:40 pm, edited 2 times in total.
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: Anh HUỲNH VĂN PHƯỚC CN11 đã về Nước Phật

Post by Do Huynh Ho »

Lể Cầu Siêu Thất Tuần
Để bạn bè từng làm việc chung với anh Phước ở San Diego có thể tham dự, gia đình sẽ tổ chức lể cầu siêu thất tuần cho Anh tại:
Thiền Viện Đại Đăng
6326 Camino Del Ray
Ponsall, CA 92003
(760-945-5588)
10-12 giờ trưa ngày thứ bảy 16 tháng 6 năm 2012
Sau lể cầu siêu, có bửa cơm chay tại Thiền Viện.
Các anh chị gia đình KSCN tại CA, nếu có điều kiện, kính mời tham dự.
Kính chúc quý anh chị luôn được thân tâm an lạc và gia đình thịnh đạt.
Bà quả phụ Huỳnh Văn Phước và các con, cháu.
Post Reply