TƯỞNG NHỚ MAI THÀNH CÔNG

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

TƯỞNG NHỚ MAI THÀNH CÔNG

Post by maixuanthanh »

TƯỞNG NHỚ MAI THÀNH CÔNG.
Mai Xuân Thành (CN10)

Gần cuối năm 2016, Đại Gia Đình KSCN mất thêm một thành viên. Anh Mai Thành Công qua đời ngày 12-9-2016 ở California, thọ 69 tuổi. Anh ra đi đột ngột, để lại bao thương tiếc cho gia đình và nhiều bạn đồng môn Kỹ sư Công nghệ. Tôi biết Công từ thời trung học ở Saigon. Công học sau tôi hai niên khóa ở trường trung học Võ Trường Toản. Thuở đó, Công là một học sinh hiền lành và chăm chỉ, được bạn bè quí mến vì sau khuôn mặt ít biểu lộ thân tình của anh là một tấm lòng vị tha. Sau trung học, Công thi đậu vào Trường Quốc Gia Kỹ sư Công nghệ, khóa 12. Các bạn đồng khóa với Công chắc cũng đồng ý với tôi, người bạn đồng môn cao lớn, tướng đi mạnh dạn và có vẻ bất cần đời ấy là một người tốt bụng và hào sảng. Sau khi tốt nghiệp KSCN, Công đã làm việc cho phái bộ viện trợ Hoa Kỳ một thời gian, nên sau khi miền Nam thất thủ Công có tên trong danh sách người Việt được di tản. Công đã có mặt ở tòa đại sứ Mỹ nhiều ngày cận 30-4-1975, nhưng hai vợ chồng không thể len vào được bên trong dù đã hết sức chen lấn trong một rừng người hỗn loạn như điên cuồng đang hết sức chèn ép người khác để qua cửa tử sinh, với hai thủy quân lục chiến Mỹ súng lăm lăm trên tay đang giữ chặt cửa, chỉ cho vào trong những người có tên trong danh sách được di tản. Trong lúc ấy khắp nơi rền vang tiếng súng của quân nón cối dép râu đang ồ ạt tiến vào thành phố.
Sau đó, Công đã xuống bến cảng tìm lối thoát bằng thuyền trên đường sông Saigon ra Vũng Tàu nhưng không thành công. Anh đã dấu được lý lịch “nhân viên sở Mỹ”, sống lén lút ở Saigon chờ thời cơ. Mãi đến đầu năm 1980 Công mới tìm được đường dây vượt biên ở Rạch Giá, và chỉ có đủ “cây” để đi một mình thôi. Đây là một tổ chức liều lĩnh, làm ăn vô lương tâm, bất cần mạng sống của thuyền nhân. Vượt biển bằng chiếc ghe bầu, loại chỉ chạy trên sông rạch, dài 11 thước chở tới 69 mạng, đậu khơi khơi ở bãi sát dinh tỉnh trưởng cũ, lúc đó là dinh bí thư tỉnh ủy chính quyền cs được canh gác nghiêm nhặt ngày đêm. Khi chất người lên đủ thì ghe không di chuyển được vì khẳm và bãi cạn quá. Trong bóng đêm, đàn ông trên ghe phải nhảy xuống hì hục đẩy cho ghe ra xa bờ. Chiếc ghe bầu trống lốc không có sàn và mui ấy chỉ còn một cách liều chết để đi về phía Tây. Sau nhiều ngày chạy ì ạch với một chiếc máy đuôi tôm, nhờ thời tiết tốt, không mưa bão, chiếc ghe nhỏ tròng trành đi trong gian nan ấy cũng đã đưa người bạn Mai Thành Công của chúng ta vào đất Thái an toàn.
Đầu năm 1980, tôi cũng đã “bám trụ” ở Rạch Giá để tìm đường vượt biên. Sau nhiều chuyến đi với người khác không thành công, tôi đã quyết định tự đóng một chiếc ghe để đưa gia đình vượt thoát. Chiếc ghe của tôi ra khỏi Cầu đúc Rạch Giá lúc 4 giờ sáng ngày 01-4-1980. Sau 72 giờ chống cự mưa giông hãi hùng, chiếc ghe vững chải của tôi đã may mắn vào bờ một làng chài lưới. Cả làng xông đánh người và cướp của. 18 người trên ghe của tôi, với 7 đứa trẻ, mỗi người chỉ còn một bộ đồ dính da, được một xe Bronco của cảnh sát Thái đưa về một trạm gần đó. Trên đường đi, xe cảnh sát này chạy vào rừng và một lần nữa chúng tôi lại bị chính hai người “bạn dân” của vương quốc Thái Lan lục soát để cướp. Tất cả những giấy tờ tùy thân và tiền Mỹ dấu trong dây thắt lưng và quần áo đã bị bọn cướp chuyên nghiệp mang danh cảnh sát đoạt mất. Chúng tôi nhập trại tị nạn Songkha ngày 9-4-1980 với hai bàn tay “trắng” đúng nghĩa. Chuyện của chuyến đi này tôi đã viết trong nhiều bài trước đây, đã đăng trên Diễn đàn và Đặc san KSCN.
Tôi gặp lại Mai Thành Công ở trại Songkhla này. Công đã nhập trại trước tôi chừng một tháng. Vào thời điểm đó, một trại tị nạn cộng sản với diện tích chừng 1/10 cây số vuông chứa đến hơn 10 ngàn người khiến cho sinh hoạt của trại vô cùng phức tạp và khó khăn. Thực phẩm thiếu thốn do nhà thầu Thái Lan ăn chận tiền của Cao Ủy tị nạn Liên hiệp quốc nên đời sống của đồng bào thật bi đát, nhất là một gia đình với 7 trẻ nhỏ như chúng tôi, không có một xu dính túi. Tuy sống kham khổ nhưng tôi và Công đều tham gia công tác giúp điều hành văn phòng trại. Đi thoát được một mình, gia đình còn kẹt lại, tuy buồn nhưng Công không khổ nhiều như chúng tôi. Ngoài những giờ làm việc cho trại, Công mở lớp dạy Anh văn cho bà con tị nạn. Học phí cho mỗi giờ chỉ có 1 Baht (tiền Thái, lúc đó tương đương khoảng 5 xu Mỹ kim) coi như tượng trưng nhưng với một lớp 20 “trò” cũng có tiền cà phê thuốc lá và cải thiện bữa ăn chỉ có vài con cá ươn dài gần hai ngón tay cái và một ít rau héo cho một khẩu phần. Công giỏi tiếng Anh, dạy hay, lớp học rất đông nên sống khá ung dung. Thấy hoàn cảnh khó khăn của tôi, Công chia lớp học của mình làm hai, nhường một lớp cho tôi dạy để kiếm chút đỉnh mua thêm thức ăn cho các con và cháu. Những giờ rảnh Công có mặt ở quán cà phê với nhiều bạn bè và thường rủ tôi đi theo. Nhóm bạn tha hương này rất nể nang và gọi Công là “Ông Thầy” và nhân thể cũng xưng hô với tôi như thế vì Công giới thiệu tôi là “đàn anh” một cách trịnh trọng. Những “đệ tử” tự nguyện này có người đã ở trại nhiều năm, từ ngày thành lập, không được nước nào nhận cho định cư vì đã có thành tích bất hảo, gây bất an cho trại. Họ kiếm được nhiều tiền lắm qua những dịch vụ môi giới mua bán vàng và rượu lậu qua hàng rào trại và thích gần gũi Công không phải vì anh là một người chịu chi tiền ăn nhậu mà chỉ vì cái tính hào sảng, hay giúp đỡ người hoạn nạn thôi. Khi tiếp xúc tôi đã nhận thấy những người trẻ đã cùng đường này cũng đáng thương nên khi Công gợi ý tôi đã mạnh dạn đề nghị với Trưởng trại Cao ủy và phái đoàn Hoa Kỳ thu nhận họ vào làm việc cho Ban Trật tự của trại để tạo cơ hội cho họ “cải tà qui chánh” may ra còn có nước nhận cho định cư. Tôi làm việc này vì nhớ lại hồi nhỏ còn ở tiểu học, những tên phá phách nghịch ngợm nhất thường được Thầy Cô cho làm “trưởng ban trật tự”, từ đó lớp học êm ả. Đúng như tiên đoán, những trật tự viên trước là tay dữ dằn nay làm việc thật đắc lực. Sau này, khi có dịp gặp lại nhiều người, từng ở trại Songkhla cùng thời và sang Úc sau tôi, kể là nhiều anh em trong ban trật tự đó đã được tái xét cho đi định cư. Đời sống bức bách và khổ cực của trại tị nạn đã khiến những người có tâm bồ tát mở lòng ra giúp đỡ tha nhân. Mai Thành Công là một trong số người hiếm hoi này. Tôi nhớ lại hình ảnh của người bạn đồng môn vào những ngày khổ ải khi mới đặt chân đến bến bờ tự do. Một buổi chiều khi văn phòng trại đã hết giờ làm việc ban ngày, trên đường về chỗ gia đình tạm trú ở lô 29, một nhóm trật tự viên vồ lấy tôi rồi kéo vào quán cà phê. Vừa ngồi xuống ghế chưa kịp gọi thức uống đã nghe cả đám nhốn nháo cười nói. Một tên cười ha hả “Mới nhắc Tào Tháo là Tào Tháo tới liền!” V. mới được làm trưởng ban trật tự, khều vai tôi chỉ về phía một người đang từ bờ biển đi lên, vừa cười hì hì vừa nói “Ông Thầy chắc không biết tại sao anh em lại nể anh Công. Bây giờ hãy nhìn kỹ cái tướng của ảnh đi, Ông Thầy sẽ biết !” Tôi cũng bật cười khoái trá vì nhận ra Công. Đây là lần đầu để ý, thấy rõ tướng đi của người bạn cao lớn vạm vỡ, mặt vênh vênh, hai tay khuỳnh ra, bước chân nghênh ngang, chậm rãi. Đúng là tướng của một “hảo hớn”. V. lại cười “Cái tướng anh chị làm người ta ớn, nhưng ổng hiền và tốt lắm!” Đúng thế! Đại gia đình Kỹ sư Công nghệ đã có một đồng môn sẵn lòng nhường “miếng cơm” cho bạn trong hoàn cảnh khốn khó như bạn hiền Mai Thành Công của tôi. Ngày 16-7-1980 Công tiễn gia đình tôi lên xe buýt đi Bangkok chờ thủ tục định cư ở Úc. Khi xe lăn bánh Công bước theo, tay vỗ vào thành xe mấy cái, nói với “Good luck, Big Brother!” rồi đứng lại bùi ngùi nhìn theo cho đến khi xe chạy thật xa. Tôi còn nhớ thật rõ nét hình ảnh của Công buổi chia tay hôm đó, cũng là lần gặp sau cùng. Trời nắng chang chang, chiếc đầu to tóc hơi dài bay lòa xòa trước vầng trán thật cao trông như hói. Ăn mặc thì vẫn là “công tử nhất bộ”, sáng trưa chiều tối, nắng mưa gì cũng quần tây, áo bỏ ngoài quần, tay dài lúc nào cũng xắn lên gần khuỷu tay, chân lê đôi dép rất lè phè. Bẵng đi một thời gian khá lâu, 25 năm sau, tôi và Công mới nối được liên lạc khi website KSCN ra đời. Gần đây, chúng tôi còn “gặp” thường hơn trên Facebook, vui với những hình ảnh sinh hoạt gia đình của nhau. Tin Công qua đời đột ngột đã làm cho tôi buồn như mất một người em. Tiếc là trên đường đi dự Đại hội 7 ở Chicago tôi có ghé California nhưng di chuyển tùy thuộc vào sự sắp xếp của các bạn đồng môn nên không có thời gian ghé thăm Công vì không biết bạn đã không khỏe từ lúc đó!
Để biết thêm về sinh hoạt và những kỷ niệm đáng nhớ của chúng tôi ở trại tị nạn Songkhla, Thái Lan vào năm 1980, mời Quí vị đọc lại bài “ÔNG BÁC VẬT” đã đăng, cũng trên mục “Buồn Vui Công Nghệ” này, vào ngày 11-8-2007. Trong bài này, ông bác vật thứ thiệt có tên là C. chính là bạn Mai Thành Công của chúng ta.
Cũng gần đến ngày cúng thất tuần (7-11-2016) sau ngày Mai Thành Công ra đi, tôi viết bài này để tưởng nhớ người bạn đồng môn thân mến. Tôi cầu nguyện cho hương linh bạn hiền sớm vãng sanh nơi miền cực lạc và mong cho thân quyến của bạn luôn được an khang và hạnh phúc.
Post Reply