Tiệc Cám Ơn Canada

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
Dong Tran
Posts: 24
Joined: 17 Jan 08, Thu, 7:00 pm
Location: CN12, Ontario, Canada

Tiệc Cám Ơn Canada

Post by Dong Tran »

Cảm nghĩ về “Tiệc Cám Ơn Canada (Thank You Canada Gala)”

Nhân kỷ niệm 40 năm người Việt tỵ nạn CS đã liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do và hiện đang định cư ở Canada, Hội Người Việt Toronto đã cùng với một số hội đoàn người Việt khác tổ chức “Tiệc Cám ơn Canada” vào ngày 18/4/2015 ở Scarborough, Ontario-Canada. Khách đến dự đa số là người Việt tỵ nạn CS ở Toronto và vùng phụ cận như thường lệ, tuy nhiên đây là buổi tiệc để cám ơn Canada nên Ban Tổ Chức đã mời một số quan khách trong chính phủ Canada (xưa và nay) như ông Chris Alexander - Bộ Trưởng Di Trú (Minister of Immigration and Citizenship), ông Jason Kenney - Bộ Trưởng Quốc Phòng và Đa Văn Hóa (Minister of National Defence and Minister of Multiculturalism), ông Ronald Atkey, Cựu Bộ Trưởng Nhân Dụng và Di Trú (Minister of Employment and Immigration) trong thời cao điểm của cuộc tỵ nạn CS Việt Nam (1979-1980). Ngoài ra còn có một số dân biểu ở Toronto và vùng phụ cận, một vài khách đặc biệt như ông Mike Molloy (President of Canadian Immigration Historical Society)...; và dĩ nhiên có Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải – một người tích cực sinh hoạt cho nhân quyền và đã đề xướng dự luật S-219 đưa cuộc tỵ nạn Cộng Sản vô cùng bi thảm của người Việt vào lịch sử Canada.

Chris Alexander tuy mới làm Dân Biểu nhiệm kỳ đầu nhưng đã giữ chức vụ Bộ Trưởng, Jason Kenney thì kỳ cựu hơn, anh đắc cử Dân Biểu lần đầu năm 1997 khi mới có 29 tuổi; phải công nhận Jason là người bạn thân thiết của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Canada, anh tham gia rất nhiều các sinh hoạt đòi nhân quyền, tự do và dân chủ cho VN. Nói đến điều này tôi thấy hơi hổ thẹn vì đôi khi tôi không tích cực bằng anh ta. Chris và Jason ra đời năm Mậu Thân, không lâu sau cái biến cố tang thương của Miền Nam. Khi Saì Gòn thất thủ thì hai người này chỉ mới có 7 tuổi, vậy mà họ hiểu biết khá nhiều về VN, họ thấu hiểu nỗi đau của người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại, và họ đã thể hiện tình cảm đó bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Canada. Là Bộ Trưởng Quốc Phòng, Jason đang bận rộn với các biến cố gây bất ổn cho thế giới hiện nay, vậy mà anh đã thu xếp để từ miền Tây của Canada, lấy chuyến bay dài ngót 5 giờ để về Toronto dự Tiệc Cám ơn Canada.

Image
Ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Canada đang phát biểu

Ngồi cùng bàn với chúng tôi có 2 vị khách Canadian. Chị Margaret Millius ngồi kế bên bà xã tôi là con của một gia đình đã hoạt động rất tích cực trong việc đón nhận và giúp đỡ thuyền nhân VN trong những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 19 80. Bà Lorna (McNeilly) van Mossel (mẹ của chị Margaret) đã thành lập Chương Trình “ Friendship Families” để hướng dẫn và giúp người tỵ nạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nơi xứ lạ, bà là một trong những người đầu tiên đã biến vùng Waterloo (Ontario-Canada) thành nơi tiếp đón dân tỵ nạn. Tiếc rằng bà ấy đã qua đời nên Hội Người Việt KW đã mời ngườì đaị diện của gia đình này đến dự tiệc, và người con gái đã thay mặt đi dự. Sợ bị bỡ ngỡ vì chẳng có ai quen nên chị Margaret mời theo một người bạn (Canadian), bà này có tham gia vảo các hoạt động giúp người tỵ nạn trong nhà thờ. Sau một lúc trò chuyện thì chị Margaret tỏ ra thích tỉm hiểu về VN, tôi có tham gia đôi chút để góp chi tiết hay giúp làm sáng tỏ vấn đề. Chúng tôi kể sơ lược về chuyến vượt biên tìm tự do, về những khó khăn ban đầu ở Canada ... Khi chị nghe là ngườì con trai ngồi cạnh người bạn của chị đã đi vượt biên lúc 5 tuổỉ cùng vớí ba nó và mấy năm sau người mẹ mớí dẫn đứa em đi sau thì chị rất ngạc nhiên, và hỏi tại sao không đi chung một lần. Chúng tôi giải thích rằng đi vượt biên khó khăn và rất nguy hiểm, phần nhiều là thất bại nên cần chia ra như vậy, nếu chồng bị bắt, vào tù thì có vợ thăm nuôi và tìm cách để cứu ra.

Image
Khoảng 600 khán giả đang nghe khách Canadian phát biểu

Như thường lệ, chương trình buổi tiệc bắt đầu bằng nghi lễ chào quốc kỳ/quốc ca Canada, quốc kỳ/quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, phút mặc niệm, tiếp theo là phát biểu của quan khách, rồi văn nghệ. Tôi đã dự nhiều sinh hoạt cộng đồng nhưng lần này tôi thấy có vài đặc điểm cần ghi lại vỉ đã làm cho tôi xúc động. Nghe Chris và Jason phát biểu tôi thấy họ như những người bạn, nhất là Jason; anh hay choàng chiếc khăn in lá cờ Việt Nam (nền vàng 3 sọc đỏ) một cách tự nhiên, vui vẻ và với sự hảnh diện nữa. Nghe nói có lần anh sang Trung Cộng công tác thì giữa chừng anh bị trục xuất vì đã công khai chỉ trích Trung Cộng vi phạm nhân quyền ngay tại Bắc Kinh. Buổi tiệc mang tên là “Tiệc Cám Ơn Canada” nhưng tôi nghe các vị khách Canada cám ơn người Việt tỵ nạn CS nhiều hơn là chúng ta cám ơn Canada. Họ ca ngợi người Việt tỵ nạn đã đóng góp rất nhiều cho kinh tế Canada, và mang đến Canada những tập tục, văn hóa Á Châu rất có giá trị, nhất là về mặt xã hội, đạo đức. Theo ông Mike Molloy thì mỗi một người Việt tỵ nạn CS là một câu chuyện đặc biệt có gíá trị cần được ghi lại cho các thế hệ sau bằng mọi hình thức như viết trên giấy, thâu audio hay video, ngay cả làm một cuộn phim để sau này khi có người hỏi con chúng ta, cháu chúng ta tại sao lại đến đây, sống ở đây thì các cháu sẽ có câu trả lời trung thực và chánh đáng. Tôi đồng ý với nhận định này và tin rằng sau khi biết được lý do vì sao chúng ta đến Canada họ sẽ quý trọng con cháu chúng ta hơn.

Buổi tiệc cũng có đề cập đến những chuyến vượt biên tang thương và những thành công của người Việt tỵ nạn ở Canada, đặc biệt là về lãnh vực vũ trên băng tuyết (figure skating) của cháu Nam Nguyen (16 tuổi- sắp lên 17). Nam đã thắng giải “2015 Canadian National Figure Skating Championships”, là một ngôi sao đang lên và Canada rất kỳ vọng vào Nam trong Thế Vận Hội Mùa Đông (Winter Olympic) 2018.
Có những điều mà gần 36 năm sống ở Canada tôi không biết, nay nghe ông Ronald Atkey nói tôi mới hay rằng Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới có các tư nhân, hội đoàn, tổ chức tôn giáo đứng ra bảo lãnh người Việt tỵ nạn CS; sau đó các nước Tây phương khác mới noi theo.

Chị Margaret và bà xã tôi vừa theo dõi chương trình buổi lễ vừa tiếp tục các câu chuyện về VN. Khi bài hát của Việt Khang trỗi lên tôi liền quay sang nói với chị về người nhạc sĩ trẻ đầy lòng yêu nước này. Tôi rất mến mộ và quý trọng Việt Khang nên mỗi khi có dịp tiếp xúc người Canada hay ngoại quốc muốn biết về VN tôi tìm cách để đề cập đến anh. Tôi nói với chị về nội dung hai bài hát “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai”, rồi cho chị hay rằng sau khi sáng tác và phổ biến hai bản nhạc đó thì Việt Khang bị công an bắt giam mấy tháng vô tăm tích, sau đó chính quyền VN đưa anh ra tòa, kết án anh 4 măm tù, 2 năm quản chế về tội “chống chính phủ”. Nghe chuyện này chị ngạc nhiên, sửng sốt rồi lộ vẻ hoài nghi, khi chúng tôi quả quyết đó là chuyện thật thì chị mới tin.

Chương trình văn nghệ tuy đơn sơ, không có ca sĩ, nhưng có vài tiết mục đặc biệt có ý nghĩa như bài hát “Journey To Freedom” của Nathan Ly Tinh Bang, bài hát “Our New Home” của Jessica Chau, William và Edison Dietrick, và hoạt cảnh “Quê Hương Việt Nam Hôm Qua, Hôm Nay và Ngày Mai”. Tác giả hai bài hát này là các cháu rất trẻ, mới năm thứ nhất Đại Học, còn ca sĩ trình diễn bản nhạc “Journey To Freedom” là cháu Phi chỉ mới lớp 10 Trung Học.

Trong bài “Journey To Freedom” tôi thích nhất là hai câu:
“We would rather die than to live with in constant fear
The darkness and the raging waves were certain guarantee”
Còn trong bài “Our New Home” thì tôi rất thích đoạn sau đây:
“Remembering the true symbol of our pride and love
Yellow flag with three red stripes
Here we will live, for generation on
Home is where we are loved”
Màn hoạt cảnh đã đưa tôi về lại tuổi thơ với hình ảnh của tiền nhân, với thôn quê nghèo nàn; về lại tuổi học trò thơ mộng với nam sinh, nữ sinh ngây thơ cắp sách đếm trường , rồi chiến tranh gây bao cảnh chết chóc, thê lương cho người dân vô tội. Tôi thấy buồn và thương cho Việt Nam quá.

Ban Tổ Chức có nhiều người trẻ, Ban Nhạc “Marching Band” thì toàn các cháu thuộc thế hệ ba. Sự đóng góp của giới trẻ (thế hệ hai, ba) trong buổi tiệc này cho thấy rằng khi thế hệ một ra đi rồi thỉ các thế hệ sau sẽ tiếp tục việc đấu tranh quang phục đất nước và đem lại tự do, dân chủ, phú cường cho Việt Nam. Sự tham gia của giới trẻ vào các sinh hoạt cộng đồng như vậy đã mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng lớn lao cho tương lai của đất nước.

Buổi tiệc sắp sửa kết thúc, khách bắt đầu ra về. Tôi nhìn quanh, luyến tiếc. Thì ra những người đến dự tiệc hôm nay là đồng bào của tôi, là bạn tôi; những người mà tôi có thể chia xẻ với họ những niềm vui trên quê hương mới này và những niềm đau trên quê hương bên kia bờ đại dương. Chị Margaret đã hỏi chúng tôi rất nhiều về VN, bao nhiêu năm bị Tàu đô hộ, bao nhiêu năm bị Tây xâm lăng; và trước khi chia tay chị hỏi chúng tôi làm sao để biết thêm về Việt Khang.

Chúng tôi rời Casa Deluz Banquet Hall lúc gần nửa đêm, đoạn đường về nhà hơn 100 Km, đi ngang qua thành phố Toronto; nhưng không gian và thời gian này không làm tôi lo ngại vì tôi vui khi thấy mình đã đến dự buổi “Tiệc Cám Ơn Canada” . Xin chân thành cám ơn Ban Tổ Chức.

Trần Ngọc Dõng, CN12
22/4/2015
Post Reply