8 Tàng

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

8 Tàng

Post by maixuanthanh »

TÁM TÀNG
Cũng để tặng những đồng môn Kỹ sư Công Nghệ, cựu Võ Trường Toản Saigon.

Tám Tàng là bạn từ thời thơ ấu của tôi. Chúng tôi ở gần nhà nên trở thành bạn thân, chia sẻ với nhau đủ thứ từ các trò chơi cho đến học hành. Tôi có nhiều bạn bè ở chung xóm, nhưng thân nhất có bốn thằng: Tám Tàng, Sang, Thới và tôi. Ở bậc tiểu học, Tám Tàng và Thới học chung ở trường công lập; còn tôi và Sang học ở một trường tư. Tuy học hai trường khác nhau nhưng chúng tôi vẫn có những giờ học chung với nhau ở nhà, luân chuyển từ nhà đứa này qua nhà đứa khác. Nói là tụ tập để học nhưng thực tế là gặp nhau để khoe thành tích, học thêm thì ít nhưng đùa giỡn, chọc ghẹo nhau cho vui thì nhiều hơn.
Khi lên lớp năm, là lớp cuối của bậc tiểu học, chúng tôi tự động bớt chơi đùa và tập trung vào việc học nhiều hơn. Tôi nhớ là chúng tôi không bị áp lực nào từ gia đình về việc học hành, chỉ cố gắng học để ganh đua với nhau, trong bốn đứa, và cũng để vượt trội hơn những bạn học từ ngõ trên xóm dưới. Có lẽ, đấy là một điều may mắn cho những chú nhóc ăn chưa no lo chưa tới như bọn tôi. Học hết lớp năm, thi lấy bằng Tiểu học rồi phải thi tuyển để được vào trường trung học công lập. Tới lúc này, dù giàu hay nghèo cha mẹ nào cũng khuyến khích con cái ráng thi đậu vào trường công, không phải để đỡ tốn kém chi phí mà quan trọng là ở trường công việc học tập có nề nếp và kỷ luật hơn. Đối với chúng tôi, lên trung học, mặc đồng phục quần dài xanh đậm, áo sơ mi trắng “bỏ trong thùng” là oai lắm !
Nói tới điều may mắn là chúng tôi tự nguyện cố gắng học hành không cần phải thúc đẩy, tôi phải nhắc tới một nhân vật đặc biệt, bác Ba Phong, một người phát thư vui vẻ, luôn luôn tận tụy với công việc. Chúng tôi gọi ông là Bác Ba và trở thành thân mật hồi nào không hay. Đang ngồi viết chuyện thiếu thời của hơn 60 năm về trước, tôi chưa quên và vẫn còn biết ơn bác Ba Phong, người đã nhen lên và thổi cho bùng cháy ngọn lửa ganh đua học tập cho những học sinh trên suốt con đường nhà tôi, trên lộ trình bưu tín của ông. Bác Ba làm quen với bốn đứa chúng tôi vào một buổi trưa hè oi ả, lúc chúng tôi đang cởi trần, bò lê dưới sàn gạch cho mát để làm toán đố. Bác dừng xe đạp trước cửa, vui vẻ hỏi : “Làm gì đó các cháu, đang học thi phải không ?” Chúng tôi cùng ra cửa chào ông phát thư. Bác tự giới thiệu “Bác thứ ba, tên Phong.” rồi ân cần hỏi thăm việc học của từng đứa. Bác khuyên : “Ráng thi đậu vào trường công nghe !” Những lần sau ghé lại Bác Ba thường kể về thành tích của những học sinh giỏi ở gần đó, đang luyện thi vào đệ thất trường nhà nước như chúng tôi. Bác nói : “Bác biết gần bưu điện có thằng Phú, nó tự xưng là “vua động tử”. Còn phía dưới chợ thằng Bình cũng học khá lắm, không ai qua nó được về môn toán đố “vòi nước”. Các cháu có muốn thử tài cho biết sức học của mình không?” Thật là bất ngờ và lý thú. Vào thời đó, ở lớp nhất các trường tiểu học thầy giáo thường khuyến khích thi đua, đứa nào dẫn đầu một môn toán thì được phong làm “vua” môn đó, như lớp tôi có Hai Hô, “vua” nhiều môn, vì hắn không ở gần nên không có mặt trong truyện này. Chuyện thử sức mà bác Ba Phong đề nghị nghe cũng hấp dẫn lắm. Trong bốn đứa, Sang rất háo hức về vụ “tranh tài”, đòi “chơi” liền! Thới lắc đầu. Tôi chưa kịp phát biểu thì Tám Tàng bảo: “Môn nào cũng giỏi như thằng ...thằng Sang ... mà còn chưa vỗ ngực ... xưng ... xưng danh, mới khá có môn ... môn ... động tử mà đòi làm vua.” Không để cho Sang có thì giờ nở mũi, Tám Tàng nói tiếp: “Mà tụi bây biết tại ... sao ... sao ... thằng Sang không dám làm ... làm tàng không? Bởi vì lâu lâu nó còn bị tao ... tao ... qua mặt một môn. Hì hì ... Thôi dẹp mấy... thằng ... thằng ... phách lối đi tụi bây ơi!” Tám Tàng có tật khi nói nhiều hay nói nhanh là bị cà lăm. Câu phát biểu tuy lắp bắp nhưng đầy “khích động” vừa rồi làm cả bọn cười hả hê. Trong bốn đứa, Sang là thằng thông minh lanh lợi nhất, cái gì nó cũng đi đầu, nói trước. Thới hiền lành, chăm chỉ và sốt sắng. Còn Tám Tàng thì quá đỗi hiền, ít nói. Cả bọn biết cái đầu thông minh của hắn chứa nhiều điều hay ho lắm nhưng ngại nói ra sợ bạn cười vì giọng ngắc ngứ, ít khi xuông xẻ. Khổ thêm một nỗi, mỗi lần “cóc mở miệng” nếu không lạc quẻ thì cũng ngang phè phè, thẳng ruột ngựa, chẳng sợ thằng nào buồn lòng hết. Vì thế, hắn là người bị chọc ghẹo nhiều nhất. Mỗi lần tức quá vì không có tài ăn miếng trả miếng, hắn giận xanh cả mặt, miệng nói láp nháp ít câu chẳng ăn nhằm vào đâu rồi bỏ đi. Được một cái là không bao giờ giận lâu. Sang đặt cho hắn cái biệt hiệu “Tám Tàng”, được hai thằng còn lại đồng ý ngay; và hắn vẫn mãi là Tám Tàng thân quí trong tim của ba đứa chúng tôi từ thời niên thiếu hồn nhiên vô tư, cho đến ngày hắn lìa bỏ vợ con nơi xứ lạ quê người, bỏ lại ba thằng bạn nối khố trên cõi tục lụy này để đi về miền vĩnh phúc.
Chúng tôi thi đậu Tiểu học dễ dàng, chỉ còn chờ ngày thi tuyển vào trường trung học công lập. Bác Ba Phong gợi ý: “Các cháu tính thi vô trường nào ? Theo Bác,mấy cháu nên chọn một trong hai trường Pétrus Ký hay Võ Trường Toản .... ” Thầy Lâm, dạy lớp Nhứt A của trường, khuyên tôi và Sang, hai “con gà tuyển” của Thầy, nên thi vô Võ Trường Toản, vì theo Thầy, trường này kỷ luật cao và dạy hay nữa. Tôi rủ Thới và Tám Tàng đi theo, hai thằng chịu ngay vì trường Võ Trường Toản gần nhà chúng tôi nhất. “Sĩ tử” ghi danh quá đông nên phải nhờ cơ sở nhiều trường khác làm phòng thi. Vì tên của bốn đứa có mẫu tự gần nhau nên được sắp thi chung ở trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, gần Đa kao. Tôi nhớ hoài ngày đi thi vào Võ Trường Toản, một ngày hạnh phúc nhất vì Bố của Thới bao một chiếc taxi chở bốn đứa đi thi. Ông đi theo xe luôn, chờ thi xong đón về nhà. Khi tới nơi, trước khi vào thi ông đã vỗ vai từng đứa chúc may mắn. Và không còn nỗi sung sướng nào hơn là Thầy Lâm cũng chạy xe mobylette theo taxi đến trường thi để o bế hai “con gà” trong “độ đấu” lớn.
Sáng sớm ngày niêm yết danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp đệ thất, dù tự tin sẽ đậu nhưng chúng tôi cũng nôn nao, hồi hộp. Hôm trước, Tám Tàng khoe là Má Tư của hắn mới ghé nhà chơi và cho tiền dẫn bạn đi ăn sáng trước khi đi xem kết quả thi. Tám Tàng gọi cô Tư của hắn là Má Tư vì bà thương nó lắm, bà giàu có nên lo cho thằng cháu đủ thứ. Tôi dậy sớm, chạy tới nhà Thới đã thấy đủ mặt ở đó. Cả bọn kéo qua tiệm phở đối diện làm một chầu “đã chỉ” rồi đón xe buýt lên sở thú, xuống xe lội bộ đến trường trung học Võ Trường Toản ở gần đó. Còn sớm, nắng chưa lên cao mà thí sinh đã tụ tập đông nghẹt, ở cổng trước đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và cổng sau đường Nguyễn Du, vì danh sách được niêm yết ở cả hai cổng. Tôi đang phân vân chưa biết tính sao thì Sang nói lớn: “Ba thằng bây đứng ngoài, sát lưng đám đông, để mình tao chen vô. Đọc thấy tên đứa nào tao sẽ la lên !” Thằng này, sáng nay làm coi được quá, có tác phong “lãnh tụ” thiệt ! Nghĩ lại thấy Sang xung phong cũng phải vì trong bốn đứa chỉ có hắn vạm vỡ, mạnh như trâu. Tôi thì ốm nhom, liều mạng chen vô chắc phải lượm từng lóng xương. Thới nhỏ con, hắn có biệt danh “ốc tiêu” nên ít dám bon chen. Còn Tám Tàng chỉ được cái nước cao ráo thôi chứ hổng mấy gan, thấy đông người như vầy hắn đã ớn rồi ! Sang nhào vô, cật lực chen lấn và lẹ làng biến mình trong đám đông. Một lúc sau, tiếng Sang cất lên dõng dạc, rõ ràng như tiếng gọi số lô tô. “Nghe Sang đọc nè ... 1,2,3 ... 5 chưa có ... 10 ... 15 không có ... 20 cũng chưa ... 25 ... 30 chưa thấy ... 35 ... ... 40 rồi, hà hà, thằng Ngộ đậu hạng 40 ... tới nữa nè, thằng Thới 42 ... 45 không có ... A ha, Tám Tàng đậu hạng 47 ... ... ... Bà con ơi ! Cho chun ra bà con ơi. Rớt rồi. Hì hì !” Sang lách ra khỏi đám đông, quần áo bèo nhèo, tóc tai bù xù, mặt buồn hiu “Ba thằng tụi bây đậu cao, tao nhào tiều rồi !” Tám Tàng lên tiếng, giọng buồn bã, chậm rãi “Thôi đừng buồn nghe Sang. Học tài thi phận. Hồi sáng này tụi mình cam kết đứa nào đậu hạng thấp nhất phải đãi một chầu nước đá. Ăn phở rồi tao vẫn còn tiền, thôi tao bao luôn. Bây giờ đi há, chứ ở đây làm chi!” Tôi biết Tám Tàng thương thằng bạn nghèo nên chơi đẹp. Bốn đứa kéo nhau đi uống nước đá bào si rô ở cổng Thảo cầm viên. Thấy Sang mới buồn đó đã vui trở lại, Thới sinh nghi hỏi “Nói thiệt đi, mày đậu hạng mấy, học cỡ mày làm sao rớt được ?!” Sang nhìn Tám Tàng cười hì hì “ Cám ơn chầu nước đá nghe mậy! Thấy tụi bây buồn tao không dám đùa dai nữa. Tao đậu, hạng thứ 35 thôi. Học tài thi mạng mà. Tám Tàng nói đúng, lâu lâu cũng có đứa qua mặt thằng Ngộ một cái chứ !” Nghe Sang nói tôi vui quá, một nỗi vui trọn vẹn, vì cả bốn đứa đều thi đậu. Hắn đậu hạng cao hơn không làm cho tôi buồn chút nào cả.
Trước khi về nhà, tôi và Sang ghé trường báo tin vui thi đậu. Thới và Tám Tàng đi theo chơi cho biết mặt thầy hiệu trưởng của tôi, một nhà giáo nức tiếng, được phụ huynh trong vùng kính trọng và ngưỡng mộ vì Thầy có biệt tài uốn nắn và dạy dỗ những đứa ngỗ nghịch trở thành học trò ngoan và các em chậm chạp, học kém sẽ học hành tiến bộ. Vừa gặp mặt, Thầy hiệu trưởng đã vui vẻ hỏi ngay: “Đậu hạng mấy, nói cho Thầy nghe coi !” Thầy Lâm đang dạy lớp trên lầu cũng chạy xuống hỏi: “Hai đứa đậu cao lắm phải không ?!” Nghe thưa là Sang đậu hạng 35, tôi hạng 40, hai Thầy rất vui. Thầy Hiệu trưởng bảo: “Mới kiểm điểm sơ sơ, trường mình đậu rất nhiều và có 4 trò đậu từ hạng 50 trở lên rồi đó. ” Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng vì đã không phụ lòng mong mỏi của hai vị thầy khả kính, và ghi tâm tạc dạ công ơn dạy dỗ của Thầy. Thầy Lâm hỏi thăm Thới và Tám Tàng, nghe cả hai nói là khi xin thi trong đơn đã chọn Pháp văn làm sinh ngữ, Thầy bảo: “Thầy có liên lạc với trường Võ Trường Toản và được biết 200 học sinh trúng tuyển sẽ chia làm bốn lớp: đệ thất A gồm những trò đậu từ hạng nhứt tới hạng 50, lớp B cho hạng 51 tới 100 ..v.v.. Những học sinh chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính sẽ gom vào lớp D, những học sinh đã chọn Anh văn tùy thứ hạng sẽ được chuyển lên các lớp A,B,C ..... Vì vậy bốn em sẽ vào học hai lớp khác nhau.” Chuyện bất ngờ này làm cho bốn đứa hơi buồn một chút, nhưng đã chọn rồi không thay đổi được.
Thi tuyển vào trường công, chúng tôi có dịp làm quen với những “vua” mà bác Ba Phong thường nhắc đến, là những “con gà chiến” chỉ gáy trong bội, mới vào “trường đấu” lần đầu. Dùng mấy danh từ đá gà cho vui, nhại theo ngôn ngữ dân gian của dân cá độ mê môn ăn thua quyết liệt này vào thời đó, ở Saigon. Thằng Bình ở chợ dưới, Thi, Đạt ở gần bưu điện, Đông nhà ở chợ trên cũng đậu vào Võ Trường Toản. Có dịp gặp gỡ Phú thật vui và đầy ngạc nhiên. Chúng tôi mau chóng trở thành bạn vì Phú là một người rất dễ mến, luôn luôn có nụ cười trên môi; và thật bất ngờ, Phú là con của bác Ba Phong. Thấy người bạn mới thật cởi mở, tôi hỏi về danh xưng “vua động tử”, Phú cười ha hả: “ Vua này vua nọ là do ông già tao đặt đó tụi bây ơi! Về xóm tao, ông già khen ngợi bốn thằng bay ở xóm chùa. Ghé xóm chợ trên kể về mấy “vua” của xóm chợ dưới. Cứ thế, Ba tao đã gây phong trào thi đua, làm cho thằng nào thằng nấy học phờ người luôn vì sợ thua!” Khi đã khá thân, Phú tâm sự: “Ba tao thấy đứa nào học khá ổng chịu lắm! Anh em tao đứa nào cũng học chăm chỉ vì thương ông già. Ba tao khuyên hoài- Ba chữ nghĩa ít oi làm nghề phát thư này dãi nắng dầm mưa cực lắm. Tụi con ráng học sau này đỡ tấm thân- !” Phú thi đậu vào trường Pétrus Ký hạng rất cao.
Những năm tháng học ở ngôi trường thân yêu Võ Trường Toản là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của thời niên thiếu. Chúng tôi có nhiều bạn mới nhưng bốn đứa vẫn luôn gắn bó bên nhau. Mỗi ngày, cùng đến trường bằng ba chiếc xe đạp mới toanh. Sang và tôi chở nhau, thay phiên đạp xe mỗi bận đi về vì gia đình chưa mua nổi cho Sang xe đạp. Có xe đạp riêng để đi học nên “địa bàn hoạt động” của chúng tôi đã mở rộng nhiều lắm. Rủ thêm một số bạn mới, chúng tôi cùng nhau đi chơi xa vào cuối tuần. Đi thăm những vườn trái cây ở Thủ Đức, Lái Thiêu; đi tắm Suối Tiên, suối Lồ Ồ rất vui nhưng không thể bằng những lần chèo xuồng trên sông vào những vùng quê để hái những trái khó tìm ngoài chợ như bình bát, bần, keo ... Trái mọc hoang ở thôn dã ăn chín cây thật là ngon, nhất là leo lên hái rồi ngồi vắt vẻo trên cây xơi luôn. Lý thú nhất là kéo nhau qua phà Thủ Thiêm đi Giồng Ông Tố, rồi xuống tận Cát Lái lùng vớt cá Xiêm trong những thửa ruộng đã gặt xong, vì chỉ ở vùng này mới có loại cá đá “lì đòn” nhất hạng. Tôi thường bám theo Tám Tàng vì hắn có biệt tài nhìn bọt nước biết chỗ nào có cá nhiều, và cái nghề “bắt đỉa” rất đáng nể nữa. Mỗi lần đi bắt cá Xiêm chúng tôi đều chuẩn bị kỹ đề phòng đỉa. Đứa nào cũng mặc quần dài, cột túm chặt ống trước khi lội xuống ruộng và đem theo vôi ăn trầu để gạt đỉa bám vào người. Những tên nhát gan thì đi trên bờ ruộng cầm lon, vợt, vôi ... để hụ hợ. Nói là không sợ đỉa mới dám lội ruộng, nhưng khi bị những con đỉa trâu to tướng đeo vào cánh tay có đứa hoảng hồn la chói lói. Mỗi lần như thế, Tám Tàng chạy đến, cười hà hà, nói lớn “Có gì mà sợ, coi đây nè mấy thằng thỏ đế ...” rồi chỉ dùng hai ngón thôi, một tay nhón đầu con đỉa giật ra, một tay vuốt cho đỉa xịt máu có vòi ở đầu kia trông phát khiếp. Tôi chưa thấy có người thứ hai làm được như Tám Tàng, chàng thư sinh hiền lành trông có vẻ nhát gan nhưng có lúc dám chơi bạo như thế.
Vào giờ ra chơi ở trường, ngoài những trò chơi công khai như ca-rô, cờ tướng rất nhộn nhịp vì có ăn thua, không ăn tiền nhưng được ăn quà khỏi trả tiền nếu thắng; còn có một trò chơi thầm lặng và lén lút nhưng rất vui, đó là rủ nhau lên tầng trên cùng của trường bắt ống nhòm xem các nàng Trưng Vương qua lại ở hành lang trên lầu rồi thầm thì phê bình vóc dáng, tướng đi của từng cô. Mỗi lần chiếu ống nhòm như thế phải cử một tên đứng gác ở cầu thang để báo động khi thấy giám thị đi lên, vì nếu chẳng may giám thị Ngọ, “hung thần” của những tên hay nghịch phá, bắt được là bị ông véo hai tai giật lên đau điếng rồi còn bị phạt cấm túc cuối tuần nữa. Dĩ nhiên là phải nhớ thay phiên cho tên canh cầu thang, không cho xem ống nhòm hắn la làng cũng khổ! Những cô nàng áo dài trắng thướt tha quyến rũ của trường nữ sinh Trưng Vương, cùng với trường nam sinh Võ Trường Toản nằm hai bên Bộ Giáo dục, không phải ai cũng thùy mị dễ thương đâu, cũng có những nàng ngổ ngáo gọi chúng tôi là “vỏ trứng thối” hoặc “vô trật tự” một cách vô tư. Hai mẫu tự TV có thiếu gì chữ “độc địa” để gọi trả đũa, nhưng bọn nam sinh vẫn làm lơ một cách lịch sự. Không phải sợ đâu nhé, tránh né những “bà chằng” vẫn tốt hơn ! Đọc đến đây, có thể những chàng cựu VTT “chân chính” sẽ thấy tiếc. Chỉ có “người trong cuộc” mới biết trò chơi ống nhòm này hấp dẫn đến cỡ nào. Nếu có tham gia chắc chắn bạn sẽ thích thú lắm khi nhìn sang bên kia cũng thấy mấy cô giơ tay vẫy, một nàng đang chiếu ống nhòm sang ,một tay cầm tấm bìa cứng có ghi “ T.N. đây. Đằng ấy tên gì ?” Hiền khô như Tám Tàng của tui mà cũng sắm một ống nhòm loại chiến để nhìn cho rõ, chứ nói gì ai khác!
Về quà bánh thì phải nói là quá dồi dào. Có tiền, món quà ngon nào cũng có, tập trung trên suốt đoạn đường Nguyễn Du từ Sở thú đến đại lộ Cường Để. Tới giờ nghỉ, cổng sau vừa mở là học trò túa ra như ong vỡ tổ. Ra khỏi cổng là gặp ngay mấy thúng kẹo thật hấp dẫn của Dì Năm. Đây là hàng quà được chiếu cố nhiều nhất, không phải vì có nhiều thứ kẹo vừa ngon vừa rẻ hợp túi tiền, mà còn vì sự vui vẻ và sởi lởi của người bán. Dì Năm, tuổi đã trung niên nhưng nhan sắc còn mặn mà lắm. Mua kẹo có tiền thì trả, không có thì Dì vui vẻ cho thiếu chừng nào trả cũng được. Dì có một trí nhớ phi thường, không bao giờ ghi sổ nhưng nhớ tên và tiền nợ của từng đứa. Tám Tàng mua kẹo gần như mỗi ngày và thường mua cho cả đám luôn. Hắn, và nhiều tên khác nữa, gọi Dì là má Năm một cách thân mật. Gần đó là xe bán nước uống của chú Bình. Trong suốt nửa tiếng ra chơi xe của chú lúc nào cũng đông khách vì có nhiều thứ để chọn lựa, từ các lại chè, sinh tố cho đến thạch, sương xâm. Chú Bình là một người chào hàng giỏi. Chú “chế” ra món chè đậu đỏ thơm (trái khóm) với nước đá bào, bán đắt quá xá. Món này được thay thế cho đậu đỏ bánh lọt. Cái tiếng “lọt” nghe không hên, nên thế bánh lọt bằng thơm cắt nhỏ, sợi dài; nước cốt dừa vẫn giữ, vị chua của trái khóm làm “cân bằng” vị ngọt và béo nên món chè mới này ngon lắm. Không chỉ những chàng lớp đệ tứ mà các anh sắp thi tú tài cũng xúm nhau ăn vì bị chú Bình “dụ” là ăn chè đậu đỏ thơm sẽ đậu chắc (đỏ), và lại đậu cao (thơm) nữa. Tiếc một người có tài “marketing” như chú Bình mà đã sinh bất phùng thời ! Thức ăn nước uống đầy dẫy, mời bạn đến một xe đẩy bán thịt bò viên đặc biệt. Chỉ ghé lại vài chỗ đặc biệt thôi vì không có nhiều thời giờ. Cái xe ồn ào náo nhiệt này dừng sát ngã tư Nguyễn Du - Cường Để, hơi xa trường vì đặc biệt có đổ xí ngầu. Thay vì mua một chén thịt bò viên, nếu đổ xí ngầu thắng sẽ được ăn hai chén, thắng lần thứ hai được bốn chén . . . . . cứ thế nhân lên. Nếu tiếp tục, thua một lần là mất hết. Chỉ có tôi và Sang tham dự trò gieo hột súc sắc này và ít khi thắng được bốn chén. Tôi nhớ một buổi sáng đẹp trời có một anh đệ tứ thắng liên tiếp bốn ván được 16 chén. Thay vì ăn vài chén và bỏ số thẻ đã thắng còn lại vào túi để hôm khác ăn tiếp, anh hào phóng phân phát cho những học sinh có mặt ở đó mỗi đứa một thẻ. Ai cũng khoái chí và vui vẻ ăn để “trả thù” cho những khi thua, chỉ có Tám Tàng từ chối. Trên đường trở lại lớp sau giờ ra chơi, khi ba đứa tôi cật vấn hắn nói: “Ăn như vậy kỳ quá, với lại thấy bản mặt bí xị của anh chệt bán bò viên tao không muốn ăn!” Đúng là lý sự tám tàng!
Thời trung học ở ngôi trường Võ Trường Toản thân yêu là một thuở “vàng son, trăm năm hồ dễ mấy ai quên”. Ngoài việc học hành chăm chỉ đã trở thành nề nếp không có gì đáng kể, bốn đứa chúng tôi còn có thú vui văn nghệ với những kỷ niệm không thể nào quên. Âm nhạc làm cho tâm hồn con người sảng khoái hơn để hát hay không bằng hay hát. Vì sảng khoái nên trở thành bạo dạn, dám đem cung đàn tiếng hát đi “dê” mấy cô láng giềng khi mới mười mấy tuổi đầu. Trong bốn đứa, Tám Tàng đẹp trai nhất, nhà khá giả nhất, còn Sang đứng hạng chót cả về “nhan sắc” lẫn gia cảnh, nhưng hắn ăn nói hoạt bát, có làn hơi êm ái và ngón đàn guitar thuộc loại khá nên nổi bật nhất đám. Chưa lập ban nhạc Sang đã sắp đặt việc cho mỗi thằng. Tôi phải thủ cây mandolin, Sang Thới hát và Tám Tàng dù thoái thác, viện cớ là không có khiếu nhưng vẫn bị thúc bách học thổi sáo. Lạ một điều là không có đứa nào lên tiếng phản đối cả. Tôi thích chiếc guitar cũ kỹ của tôi hơn, nhưng cũng phải giao cho Sang để hắn đàn “giữ nhịp” cho “ban nhạc”. Không chỉ hát cho nhau nghe thôi, bốn tên văn gừng điếc không sợ súng còn dám mời bốn cô láng giềng đến dự buổi văn nghệ bỏ túi. Vì biết nhau từ thuở còn “mày, tao” nên buổi họp mặt của bốn chàng Võ Trường Toản và bốn nàng Gia Long thật vui vẻ và tự nhiên. Trước khi chia tay, có một cô thách thức “Có anh nào dám hát hay đàn liên tiếp mười bản mới là ngon!” Không để cho ai nói gì thêm, Sang cầm cây guitar lên cười “Tôi sẽ đàn solo và hát tặng cô H.N, người yêu cầu, mười bản nhạc”. Hắn hát say sưa không ngừng nghỉ như thể sợ người khác dành mối. Cô H.N khen ngợi nhưng còn “vớt” lại một chút “Hát khá, nhưng cây đàn cũ quá âm thanh nghe không hay!” Cây đàn của tôi cũ bị chê cũng phải, nhưng người tức nhất lại là Tám Tàng. Vì thế, sau đó ít tuần, Tám Tàng đến nhà thấy đứa em tôi đang chơi một bản cổ điển. Chắc nhớ lại đã bị “quê” hôm trước, hắn bảo “Em đàn nghe cũng khá, nhưng cây đàn này tiếng dở thiệt. Thôi, lên xe, anh chở đi mua cây khác.” Tưởng nói cho vui thôi, ai dè Tám Tàng chở thẳng thằng em qua tiệm đàn Phùng Đinh ở đường Nguyễn Công Trứ mua tặng tôi một đàn guitar loại thật tốt. Lòng hào sảng của Tám Tàng làm anh em lên tinh thần và ráng chơi cho hay hơn. Nhưng “lực bất tòng tâm”, hay đành phải thú thực, có lẽ là tài nghệ chưa đạt nên không có chàng nào chiếm được trái tim của đối tượng cả. Chuyện tình học trò tuy bồng bột, dễ đến mau phai nhưng cũng để lại những kỷ niệm thật êm đềm của một thời niên thiếu đầy mộng mơ. Đa cảm chừng nào càng dễ vướng mắc lưới tình chừng nấy, chỉ có những kẻ an nhiên tự tại, bất cần đời như Thới và Tám Tàng là sướng. Cần kể thêm cho truyện “có hậu” một chút, cuộc giao duyên văn nghệ này có thủy mà không có chung vì mấy cô láng giềng xinh xắn đã sớm bỏ “cuộc chơi” để lên xe bông về nhà thiên hạ trước khi “người xưa” công thành danh toại. Chỉ an ủi được một phần tư là chàng Sang nghệ sĩ và tài hoa được cô em ruột của H.N phải lòng. Hai người đã xây dựng một mái ấm hạnh phúc từ đó cho đến ngày bạc tóc hôm nay với năm đứa con đều đỗ đạt và rất hiếu thảo.
Cả bốn đứa đều thi đậu tú tài 1. Chưa kịp ăn mừng đã phải chia tay. Ba của Sang mất hai năm trước sau một cơn bạo bệnh, nhà đã nghèo càng thêm sa sút. Nhắm không thể tiếp tục con đường học vấn lâu dài, Sang đã quyết định nghỉ học và gia nhập hải quân. Hắn chấp nhận làm thủy thủ cho thoả mộng hồ hải hơn là chờ ngày đi Thủ Đức để ra chuẩn úy. Ngày tiễn đưa, nhìn bạn mặc quân phục, đội mũ “tam tạng”, vai vác “sac marin” lủi thủi bước vào cổng bộ tư lệnh hải quân để chờ phương tiện ra Nha Trang, ba đứa tôi đứng ngoài nhìn theo buồn muốn khóc, thương cho thằng bạn thông minh, học giỏi nhất đám, chỉ vì nghèo mà phải sớm bỏ bút nghiên. Thiếu người đùa giỡn, chọc ghẹo nên những cuộc họp mặt còn ba đứa sau đó thật buồn tẻ, vì cả ba thằng đều hiền khô như nhau. Một bất ngờ khác lại đến. Thới không chờ thi tú tài toàn phần, nộp đơn thi vào sư phạm để làm giáo viên. Nghe Thới thông báo, hiền như Tám Tàng còn không giữ được bình tĩnh: “Mày có khùng không? Học giỏi như mày cuối năm nay lấy tú tài hai rồi thi đậu vào đại học sư phạm dễ dàng mà. Sao lại tính làm giáo viên vậy hả ?!” Thới đáp tỉnh bơ: “Tao thích nghề giáo và chỉ muốn làm giáo viên dạy trẻ con thôi!” Tôi và Tám Tàng nói nặng nói nhẹ, ngăn cản thế nào hắn cũng không nghe. Tức quá, hai thằng tôi tới nhà hỏi thăm Ba của Thới về quyết định rẽ ngang thật đáng tiếc này. Ông bảo: “Bác cũng khuyên nhưng nó không nghe. Thôi kệ nó !” Ra về, Tám Tàng còn chưa hết tức: “Thằng Thới này mới chính cống là tám tàng, chứ không phải tao!”
Gia đình Tám Tàng khá giả nhờ bà Mẹ buôn bán tảo tần. Sạp bán trái cây của bà ở chợ Bà Chiểu càng ngày càng đắt hàng. Việc kinh doanh mở rộng thêm với một vựa trái cây cung cấp cho nhiều sạp bán lẻ. Tám Tàng vừa đủ tuổi lấy ngay bằng lái xe hơi. Hàng ngày, buông sách vở là lái chiếc xe Lambro ba bánh chạy tới lui chở trái cây từ vựa ra các chợ. Hắn thường rủ tôi theo xe làm phụ xế. Đi theo chơi cho vui thôi, tôi đòi phụ khiêng các giỏ trái cây hắn nhất định không cho. Hắn đùa: “Tao chỉ có tiền trả cà phê thôi, chứ không đủ tiền mua thuốc bó xương cho mày đâu !” Thằng bạn nhìn mặt tưởng hiền, chứ giỡn cũng độc. Ý hắn nói tôi ốm yếu khiêng vác nặng dám gẫy xương lắm ! Sang học xong khoá huấn luyện, trở về được làm ở Hải quân công xưởng. Thới còn đang học giáo viên ở Saigon, nên bốn đứa vẫn họp mặt với nhiều tiết mục mới mẻ vì có hai thằng đã vào đời rồi. Thới học xong, được bổ nhiệm dạy ở một trường tiểu học ngay thị xã Vũng Tàu. Sang, chàng thủy thủ ôm mộng hải hồ không được xuống tàu nhưng vì giỏi hơn đồng đội nên được cử đi học truyền tin ở Hoa kỳ. Mừng cho thằng bạn nghèo có cơ hội thăng tiến trong quân ngũ. Hai đứa bạn đã yên phận. Tám Tàng tuy bận rộn giúp cho gia đình trong việc buôn bán nhưng học vẫn giỏi lắm. Xong tú tài hai, tôi và Tám Tàng may mắn thi đậu vào trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ. Sang lại được đi tu nghiệp ở Hoa kỳ lần thứ hai, học xong về nước trở thành một chuyên viên vô tuyến giỏi của hải quân, đài kiểm báo hay ra đa nào hư hỏng là có mặt Sang. Con đường Saigon Vũng Tàu hơn một trăm cây số mà vẫn thấy gần vì những khi Sang được “đi bờ” (chàng lính thủy làm việc trên bộ nhưng lại khoái nói chữ này, dùng cho thủy thủ được nghỉ phép) thường rủ tôi và Tám Tàng ra Vũng Tàu thăm Thới, nên chúng tôi thường họp mặt vui vẻ, tình bạn càng ngày càng thân thiết.
Bốn năm học Kỹ sư Công nghệ qua nhanh. Xong việc học, tôi và Tám Tàng đều phải nhập ngũ theo lệnh tổng động viên vì tình hình chiến tranh leo thang. Sau khi tốt nghiệp chuẩn úy từ trường bộ binh Thủ Đức tôi về Tổng cục Quân huấn, sau đó được biệt phái về nhiệm sở cũ, một nhà máy gần biên giới Việt Miên. Tám Tàng lãnh sự vụ lệnh đến trình diện Đại tá Huỳnh Thu Toàn, chỉ huy trưởng Lục quân công xưởng của Quân cụ ở Gò Vấp. Đại tá Toàn, kỹ sư Công nghệ khoá 4, là một đàn anh hào hoa văn võ song toàn rất đáng kính, luôn tìm cách nâng đỡ các kỹ sư đàn em, dù là thuộc cấp trong quân ngũ hay vẫn còn là dân sự, khi còn đương thời cũng như lúc đã ra nước ngoài sau biến cố đau thương 1975. Năm 1971, Tám Tàng lập gia đình. Đám cưới được tổ chức thật ấm cúng tại tư gia, thân phụ của Tám Tàng trong lễ phục của tín hữu Cao Đài đã tiếp đãi mọi người thật trang trọng và thân tình. Đại tá Huỳnh Thu Toàn đã đến dự tiệc cưới. Đấy là lần cuối cùng tôi được gặp anh. Tiếc là người huynh trưởng tôi ngưỡng mộ đã không còn nữa. Tiếp theo đó, Sang Thới và tôi lần lượt cưới vợ. Tám Tàng và Sang bận rộn đời lính, tôi và Thới làm việc xa thành phố nên bốn tên bạn nối khố ít có dịp họp mặt như thời độc thân.
Biến cố 30 tháng 4, 1975 đến không ngờ. Bốn phận đời nhỏ nhoi của chúng tôi đã chìm nổi theo vận nước tang thương. Trung sĩ hải quân Sang được giúp cho di tản nhưng lăng xăng lo cho gia đình hai bên nên cuối cùng “mắc cạn”. Gần hết gia đình bên vợ của hắn đã thoát trên chuyến tàu cuối cùng. Thầy hiệu trưởng Thới ở ngay Vũng tàu, nhiều học trò nhà có ghe đánh cá mời đi theo nhưng phải chạy về Saigon thu xếp gia đình Bố Mẹ, khi trở ra thì thuyền đã nhổ neo! Hoàn cảnh của tôi còn đáng tiếc hơn. Đêm 30 tháng 4 đen tối ấy tôi đã một mình ra khơi cùng nhóm bạn từ bến tàu Hà Tiên. Sáng sớm hôm sau, tàu cặp bến Rạch Giá để tôi và vài anh em khác đón vợ con đi cùng. Tôi đã lấy một quyết định sai lầm là ở lại để chờ đi cùng gia đình bên vợ. Sự khờ khạo, hấp tấp, thiếu suy nghĩ thấu đáo này đã mang lại cho tôi những ngày tháng bi đát suốt năm năm dài sau đó. Với tâm trạng rối bời, tôi và Tám Tàng đã chui đầu vào rọ, bị lừa gạt trình diện học tập một tháng cho “xong sớm nghỉ sớm”! Từ đó, mỗi đứa mỗi ngã, lo cho thân mình còn chưa xong đâu còn tâm trí nghĩ về bạn bè.
Lịch sử đã sang trang. Đất nước lọt vào tay bọn thống trị tàn độc. Các cơ sở y tế và kỹ nghệ có chủ mới. Một bầy bác sĩ kỹ sư đông đảo từ miền Bắc vào tiếp thu các bệnh viện và nhà máy. Bọn kỹ sư “xã nghĩa” bằng cấp kỹ thuật đầy mình, nhưng hầu hết chưa qua tiểu học, và những bác sĩ “xuyên tâm liên” vào Nam tận mắt nhìn thấy những nhà thương, nhà máy tân tiến, đã ngơ ngác bần thần như những thầy bói mù sờ voi. Để sinh tồn, đảng cướp CSVN đã ra những nghị quyết cho bần dân biết là sẽ khoan hồng cho bác sĩ kỹ sư về nhiệm sở cũ trước đây để đoái công chuộc tội, ra sức lao động xây dựng đất nước, sớm trở thành công dân tốt của xã hội mới không còn cảnh người bóc lột người, chỉ có người giết người trong bóng tối mà thôi. Cái ngón lừa phỉnh đầy tính đạo đức giả thật trắng trợn và vô liêm sĩ này đã khiến cho một số trí thức miền Nam sớm thoát cảnh đày đọa ở những trại tù cải tạo, trở về chỗ làm việc cũ để tiếp tục một cuộc sống tù nhân mới với đầy dẫy những oan khiên của đòn thù đê tiện, của rình rập đe dọa và khủng bố tinh thần. Tôi là một trong số người này.
Vào một ngày cuối năm 1979, sau giờ nghỉ ăn trưa, một người tài xế phụ trách đưa đón thợ làm việc ngoài phạm vi nhà máy tìm tôi, nói là “Có một cán bộ tự xưng là kỹ sư Tám Tần từ Phú thọ vào tìm anh. Ông ta đang chờ anh ở trạm bơm số 1”. Tin bất ngờ khiến tôi phân vân, nhưng linh tính báo cho tôi biết người tìm tôi không ai khác hơn là Tám Tàng. Không kịp suy tính lợi hại, tôi quyết định đi theo anh tài xế ra trạm bơm vì tin chắc là người nhân viên cũ này không gài bẫy hại tôi. Xe vừa xuống hết dốc cầu, nhìn thấy rõ người đang đứng chờ dưới bóng cây, tôi đã cố dằn cơn xúc động để khỏi vui mừng la lên “Trời ơi. Bạn hiền của tôi đây!” Bỏ tôi xuống, anh tài xế biết ý lái xe vào đậu khuất sau hàng rào trạm bơm. Tay bắt mặt mừng. Tôi nhìn kỹ thằng bạn, kỹ sư Tám Tàng hiền lành, trắng trẻo đẹp trai, bạn tôi ngày xưa, bây giờ trở thành cán bộ Tám Tần với quần áo bộ đội bạc màu, mặt đen xạm đầy vẻ phong trần. Trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng không hẹn trước trong hoàn cảnh nguy hiểm này, Tám Tàng đã dành nói hết từ đầu đến cuối. Đoạn đời khổ ải hơn 4 năm dài của bạn được kể lại trong ít phút. Tám Tàng đã vượt trại cải tạo thành công, về thành phố sống lây lất chờ cơ hội vượt biên. Hoàn cảnh như vậy, Tám Tàng chỉ có thể đi một mình, để vợ con ở lại. Hôm đó, trên đường đến điểm hẹn đi qua nhà máy, biết tôi còn ở đây, bạn ghé thăm để từ giã. Tôi còn nhớ lời cuối của Tám Tàng trước khi chia tay: “Tao ghé thăm bất ngờ chỉ sợ gây phiền phức cho mày, phần tao không lo vì tao có giấy tờ đi công tác. Tao nghe tin anh Tư (kỹ sư Huỳnh Thu Toàn, CN4) đang ở Cali, nếu tao đi lọt sẽ qua đó tìm ảnh. Mày đi sau, chúc may mắn. Nếu mày đi Mỹ, cứ tìm được anh Tư là tụi mình sẽ gặp lại.” Nói xong, Tám Tàng bương bả đi ngay. Lúc đó, tôi mới để ý có một người đang ngồi chờ ở gốc cây không xa. Khi Tám Tàng đi ngang, người đàn ông mặc đồ dân sự đứng dậy, giở nón rơm lên vẫy chào tôi. Tôi nhận ra người đồng hành của bạn không xa lạ gì, cũng là một cựu Võ Trường Toản, cùng lớp đệ thất D với Tám Tàng. Anh tài xế chở tôi ra đã lái xe đi rồi. Tôi đi bộ thong thả về nhà máy. Qua cầu, gió thổi mát rượi, lòng tôi dâng lên một nỗi vui. Tôi mừng cho bạn đã thoát được địa ngục trần gian và cầu mong cho bạn gặp may mắn trong chuyến đi xa này. Vượt ngục từ hầm kiên giam của những trại cải tạo là chuyện thiên nan vạn nan, không mấy ai đã thành công vì kém may mắn hay thiếu thời cơ. Thời thế tạo anh hùng. Người bạn hiền lành nhút nhát năm xưa của tôi nay đã thành một tay bản lãnh đáng nể. Thật không ngờ, đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tám Tàng đã đi thoát. Đúng như đã ước hẹn với tôi, khi sang Hoa Kỳ Tám Tàng tìm gặp anh Tư, được anh bảo bọc trong thời gian đầu xa lạ nơi xứ người. Nửa năm sau, tôi cũng đi được, nhưng hoàn cảnh đã đẩy đưa gia đình tôi trôi giạt xuống tận Nam bán cầu, để rồi không bao giờ gặp lại bạn hiền. Đọc đến đây, chắc các anh chị và các bạn đã biết Tám Tàng, người bạn hơn nửa thế kỷ của tôi, là Huỳnh Văn Phước, kỹ sư Công nghệ khoá 11, cựu trung úy phục vụ ở Lục quân công xưởng thuộc ngành Quân cụ, quân lực VNCH.
Mãi đến năm 2005, dân Công nghệ ly tán khắp năm châu tìm được nhau nhờ website “kysucongnghe.net”. Tôi và Phước nối lại liên lạc sau 26 năm gián đoạn. Vì khác biệt múi giờ nên gởi điện thư tiện lợi hơn điện thoại. Qua vài lần gọi nói chuyện, tôi nhận ra giọng nói của bạn không khác nhiều so với trước, vẫn nhỏ nhẹ và thân tình, khi nói nhanh vẫn còn hơi lắp bắp. Liên lạc không thường xuyên và liên tục, có lúc tôi phải nhờ nhiều đồng môn Công nghệ hỏi thăm để cập nhật tin về Phước. Những thư Phước gởi cho tôi cái nào cũng ngắn gọn và buồn. Tôi đoán được cuộc sống tha phương của bạn nhiều phiền muộn, sức khoẻ không tốt khiến bạn luôn bi quan và yếm thế. Năm 2010, Phước gọi điện thoại, cho hay là sắp đi du lịch Úc châu và hỏi địa chỉ của tôi để ghé thăm. Sau khi ghi địa chỉ, Phước hỏi nhà tôi ở Perth và thành phố Melbourne, nơi gia đình cô em gái của hắn đang định cư, có xa lắm không ? Tôi trả lời là gần 5 giờ bay, đầu dây bên kia im lặng một lúc rồi nghe tiếng lầu bầu “xa quá dzậy há !” Nói chuyện tiếp tục, cho đến lúc gác máy Phước không nhắc lại việc sẽ đến thăm tôi và anh chàng đã không đến. Tôi thông cảm vì đường xá xa xôi, nhưng vẫn thấy buồn cười vì bạn tôi biết thật ít về địa lý nước Úc và sau mấy mươi năm tha phương hắn vẫn “tám tàng” như xưa, không ghé cũng không thèm nói gì cả. Một tháng sau, Sang ở Saigon gởi điện thư cho tôi, kể là trên đường từ Úc trở lại Hoa Kỳ Phước đã ghé Saigon thăm một người em trai và đi kiếm hai thằng bạn nối khố còn ở lại Việt Nam. Sau bao năm xa cách, dù đã có nhiều đổi thay, Phước vẫn dò tìm được căn nhà nhỏ của Sang nằm trong một con hẻm thật sâu và ngoằn ngoèo. Hai tên rủ nhau tìm thăm Thới nhưng không gặp, vì thầy hiệu trưởng mẫu mực này đã bị “cách mạng” đày lên vùng miền đông đất đỏ từ lâu lắm rồi. Sang kể thêm “Tám Tàng rủ tao đi ăn. Ăn thôi chứ không có nhậu, vì anh Tám đã qui y tam bảo và ăn chay trường rồi mày ơi !” Thật bất ngờ nhưng tôi không ngạc nhiên vì một người hiền lành với cái tâm bồ tát và hỉ xả như Phước, việc tìm đến sự an lạc cho tâm hồn qua giáo lý nhà Phật cũng dễ hiểu và đáng mừng. Tháng 6 năm 2011, Phước cùng vợ tham dự Đại hội Kỹ sư Công nghệ kỳ 5 được tổ chức ở “thủ đô tị nạn Việt Nam” Little Saigon, California. Xem DVD ban tổ chức Đại hội gởi cho, dù biết sức khoẻ của Phước không tốt lắm, đã phải mổ tim mấy lần, tôi rất mừng thấy bạn vẫn khoẻ và tươi vui. Hình ảnh của hai bạn trong DVD này vẫn trẻ trung và phong độ không khác gì mấy so với những hình chụp buổi lễ gia tiên trong đám cưới của ái nữ mà Phước đã gởi tặng tôi mấy năm trước.
Sang năm 2012, Phước bệnh nặng. Tin từ các bạn đồng môn Công nghệ cho biết, sau nhiều ngày trị liệu bác sĩ mới định được bệnh. Phuớc bị biến dạng đốt xương cổ làm nghẽn dây thần kinh điều khiển bộ phận tiêu hoá nên không thể ăn uống khiến sức khoẻ sa sút mau chóng, phải chờ khoẻ lại mới có thể giải phẩu được. Tin này đã làm cho tôi hoảng sợ vì chính bản thân tôi cũng chịu đựng đau khổ nhiều năm vì hai đốt xương cổ bị móp làm nghẹt dây thần kinh xuống hai cánh tay làm cho đau nhức, có lúc một cánh tay bị bại liệt luôn. Tôi thật buồn và lo lắng, ngày đêm cầu nguyện cho bạn hiền sẽ tai qua nạn khỏi. Dù bệnh viện đã làm hết sức, và trưởng nam của Phước, một bác sĩ đang phục vụ ở một nhà thương khác cũng đã về để hội chẩn cứu chữa, nhưng bạn tôi không qua khỏi, đã nhắm mắt xuôi tay vào ngày 28-4-2012. Làm theo di ngôn của Phước, gia đình đã hoả thiêu và tro cốt của bạn hiền đã được rải xuống biển. Tôi muốn xem cái chết của Phước là một sự giải thoát cho một sinh mệnh đã chịu đựng đau khổ vì bệnh tật dài ngày, nhưng sự mất mát này đã làm cho tôi xuống tinh thần và buồn bã rất lâu.
Tôi viết xong bài này vào ngày giỗ đầu, như một nén tâm hương, để tưởng niệm kỹ sư Huỳnh văn Phuớc, người bạn thân quí của tôi trong 56 năm cuộc đời. Tám Tàng ơi! Đúng như tâm nguyện, tro tàn hoả thiêu nhục thân của bạn giờ này chắc đã trôi về quê nhà bên kia bờ đại dương xa thẳm. Cầu chúc hương linh của bạn mãi rong chơi nơi miền cực lạc. Mong cho những người thân yêu của bạn hiền luôn an lành và hạnh phúc.

VĨNH NGỘ.
(Tây Úc, mùa thu 2013)
Do Huynh Ho
Posts: 177
Joined: 17 Oct 05, Mon, 10:06 pm
Location: CN11, Illinois, USA

Re: 8 Tàng

Post by Do Huynh Ho »

Tám Tàng đoạn cuối

Nhân ĐHKSCN 7 tổ chức tại Chicago, tôi có dịp vào Website KSCN để tìm hiểu thêm và cập nhật tin tức ĐH. Tình cờ đang đi dạo Website, tôi chợt chú ý đến bài viết của KS Mai Xuân Thành, CN10, nguyên Trưởng Xưởng Tu Bổ Cơ Khí NMXMHT, kiêm Phó Quản Đốc Công Trường Sản Xuất Phân Vôi Canh Nông tại Kiên Lương Hà Tiên, đã viết về một người bạn học trung học của mình tên HuỳnhVăn Phước đồng thời cũng là một KSCN khóa 11.
Bài viết khá khúc chiết, rõ ràng xen lẫn những tình cảm chân thật trong tình bạn, về nỗi cơ cực của những người trí thức trong thời sâu bọ lên làm người. Đoạn đường nầy tôi đã trải qua với những xót xa trong quá khứ vẫn còn cô đọng trong tâm dù thờì gian đã đi qua trên 40 năm dài. Nay được dịp khơi lại, khiến sự xúc cảm bừng dậy và đưa tôi về với những dĩ vãng đã chôn vùi trong thì gian để chạy đua theo theo nhịp sống tại xứ tạm dung.

............................................................................................................................................................
Hôm đó, vào khoảng 2 giờ trưa thứ năm, tháng6/ 00, tôi đang làm việc thì có điện thoại bên ngoài gọi vào:
- Anh Tư đây. Chú Năm có khỏe không?
Tôi trả lời, em khỏe. Anh Chị và các cháu có khỏe không?
- Cám ơn Chú, Anh Chị và các cháu vẫn khỏe.
Chú có thì giờ không? Anh xin kể lại cho Chú nghe một câu chuyện xảy ra ngày hôm qua, rất thú vị:
- Ngày hôm qua thứ tư, là ngày nghỉ cuối tuần, Anh đã đến Chùa PH. tại Denver, CO. để chiêm ngưỡng một tượng Phật, vì có một Đạo hữu người Hoa, cúng Chùa một Tôn Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng sứ tráng men, đầy mầu sắc, cao khoảng 1.6 mét rất đẹp. Tình cờ, Anh đã gặp vợ chồng một Đạo hữu đến từ San Diego Cal. đến thăm Chùa và BQT Chùa nhờ Anh đưa vợ chồng Đạo hữu lần đầu tiên đến Colorado, đi thăm một vài thắng cảnh tại Denver.
Lúc đi đưa đi viếng cảnh, trong câu chuyện xã giao và trao đổi tin tức:
- Anh tự giới thiệu, trong gia đình tôi thứ Tư, Đạo hữu có thể gọi tôi là Anh Tư để tiện xưng hô vì Đạo hữu còn trẻ hơn tôi.
Đạo hữu nầy tự giới thiệu tên Huỳnh Văn Phước, trước năm 1975, tốt nghiệp KSCN khóa 11, hiện nay đang làm tại một Hãng đóng tầu lớn tại San Diago Cal.
Anh cũng cho Phước biết:
- Anh cũng có người em tốt nghiệp KSCN khóa XX, trước năm 1975, làm cho NMXMHT và hiện nay đang làm việc cho City Denver.
Phước cho biết:
- Khi em vào năm thứ nhất Trường KSCN thì em của Anh đang học năm thứ tư, chắc là em biết anh nầy và hơn nữa, em cũng có một người bạn thân, trước đây làm cho NMXMHT tại Kiên Lương tên Mai Xuân Thành, CN 10.
Phước hỏi:
- Em của Anh Tư tên gì?
- Em tôi tên XKG.
Phước reo lên trong sự vui mừng, em nhớ em của anh nầy rồi vì như anh biết theo tuyền thống Trường KSCN, sinh viên năm thứ nhất thường thực tập Xưởng chung với sinh viên năm thứ tư.
Phước đề nghị:
- Xin anh vui lòng cho em gặp anh XKG. vào chiều thứ sáu này, lúc 7:00 tối tại Chùa PH.
............................................................................................................................................................
Đúng hẹn, tôi vừa đến Chùa PH., gặp Phước, hai anh em ôm nhau trong tình đồng môn và cảm động đã hơn 30 năm, trước sự chứng kiến của một số Đạo hữu trong Chùa. Tôi, và Phước cùng nhau vào Chánh Điện lạy Phật và chiêm ngưỡng Tôn Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôn tượng quả là một tuyết tác của nghệ nhân Đài Loan, rất cân đối, tướng hảo, uy nghi. Tôi thầm nghĩ, chưa lần nào chiêm ngưỡng Tượng Bồ Tát đẹp như thế.
Phước quay sang hỏi tôi một câu rất bất ngờ:
- Anh nghĩ gì về việc Chánh quyền cộng sản bắt giam Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Tăng Thống của GHPGVNTN?
Tôi mỉm cười và hỏi lại Phước:
- Phước muốn thử anh nên đặt câu hỏi khó như vậy, phải không?
Để Phước khỏi ngỡ ngàng về câu hỏi của mình trong lần gặp sơ giao nầy, tôi liền trả lời:
- Như Phước đã học giáo lý Phật Đà và thấu triệt tư tưởng Bát Nhã, con người được cấu tạo gồm 2 phần: vật chất và tinh thần. Đảng cộng sản chỉ dùng bạo lực để giam cầm phần vật chất, tức thân tứ đại của Quý Ngài mà thôi. Họ làm sao có thể giam cầm được phần tinh thần Vô Úy của Quý Ngài. Họ đâu có biết Quý Ngài đang nghĩ gì, hành động gì cho tăng tín đồ Phật giáo, cho sự sống còn của GHPGVNTN và người dân Việt Nam trong đó có bản thân và gia đình họ nữa.
Phước cho biết: em đã hỏi nhiều Phật tử về sự kiện nầy nhưng chưa có câu trả lời nào rõ ràng như anh.
Chắc anh tin thâm về giáo lý Đạo Phật?
Tôi vội đáp:
- Phước quá khen làm cho cái ngã của anh thành ngã mạn.
Cả hai cùng cười xòa như tìm được hạt minh châu đã cài sẳn trong vạt áo mình.
............................................................................................................................................................
Hai anh em rời Chánh Điện Chùa, ra ngoài uống trà do BQT mời.
Phước nói tiếp:
- Em, xin kể cho anh nghe một câu chuyện rất thú vị liên quan đến các một cựu KSCN và việc làm của em tại Hoa Kỳ:
Một buổi sáng nọ, tại Hãng đóng tầu nơi em đang làm tại San Diego Cal. Cô thư ký cho biết:
- Ông Giám Đốc đang cần gặp Ô. Phước gấp.
Em vội vàng lên gặp Ông Giám Đốc, trong phòng riêng chỉ có 2 người.
Sau khi chào xã giao, Vị Giám Đốc cho biết:
- Một Phái đoàn của NT. TP HCM (Saigon) của Chánh quyền cộng sản, Trưởng đoàn là Giám đốc tên TTT., muốn thương lượng với Hãng ta để mua một số máy móc và Vị Trưởng đoàn cho biết có quen với Ô. Phước vì học cùng Trường và Ô. ta xin được gặp mặt. Xin Ô. Phước cho Hãng biết ý kiến của mình?
Không cần suy nghĩ, em trả lời cho Vị Giám Đốc của Hãng:
- Tôi có biết tên Ông TTT, vị trưởng đoàn nầy vì Ông học cùng Trường với tôi nhưng khác Khóa, khi tôi mới vào Trường thì Ông ta vừa tốt nghiệp. Từ thì gian đó đến nay, tôi chưa gặp Ông ta lần nào. Theo một số Cựu Sinh Viên cho biết:
- Năm 1968, Ông ta đã đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, là một tổ chức bình phong của đảng cộng sản. Tôi và Ông ta không cùng chánh kiến. Tôi và gia đình là những người vượt biển thà chết trên biển cả, nay chúng tôi đã bến bờ Tự Do, nên tôi cương quyết không gặp Ông ta làm gì?
Hơn nữa, làm tại phòng Kỹ thuật, tôi được biết Hãng ta không rao bán các món hàng nầy. Tại sao Công ty nầy đến đây để đặt hàng? Chẳng qua, nhân viên của Hãng ta bị Công ty nầy mua chuộc, móc nối nên làm chỉ điểm và họ muốn có một bản chào hàng và uy tín của Hãng ta trong tay, để họ lợi dụng và đặt hàng ở các nước Nhật Bản hoặc Đài Loan với giá rẻ và thời gian giao hàng nhanh chóng hơn từ 3 đến 6 tháng, thay vì của Hãng ta từ một năm.
Vị Giám Đốc nói tiếp:
- Nếu được yêu cầu về làm việc tại Việt Nam, Ô. Phước có bằng lòng về Việt Nam không?
Em trả lời một cách dứt khoát rằng:
- Tôi là nạn nhân từng bị tù đày, gia đình tôi đã từng sống những ngày cơ cực, mất tự do tối thiểu của con người, thiếu thốn, bệnh tật, mất tài sản và công việc làm vì đã bị gán cho là thành phần bóc lột phục vụ chế độ cũ. Tất cả người Việt Nam, khi bị người cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, họ bị dồn vào chân tường, chúng tôi là những thuyền nhân đi tìm lý tưởng Tự Do. Nay trở về Việt Nam, hợp tác với những con người không còn nhân tính, giết hại, đày đọa đồng bào trên chính quê hương của họ, khác gì tự chui mình vào rọ của họ không biết ngày nào ra, cuối cùng chỉ có sự hối tiếc và ân hận vì những quyết định sai lầm của mình. Tôi cương quyết từ chối những đề nghị nầy. Nếu Ban Giám Đốc Hãng buộc tôi phải thi hành mệnh lệnh nầy, tôi sẽ xin nghỉ việc.
Vị Giám Đốc Hãng cười và cám ơn Ô. Phước về những ý kiến vừa nêu.
............................................................................................................................................................
Trên đường trở về sở làm, em vừa đi vừa tự hỏi với chính mình, tại sao lại có một chuyện kỳ thú như vậy lại xảy ra và đến với mình. Đó, có phải là một oan nghiệt đời mình, không biết là nên vui hay buồn? hay đó là một thử thách lớn cần nhiều tư duy tu nhưng dù sao, ngày hôm nay mình đã làm một việc làm có ý nghĩa.
Phước vừa kể chấm dứt câu chuyện, với giọng nói trầm buồn xen lẫn những xót xa đời nhân thế, khiến tôi bừng tỉnh trong niềm xúc động đang dâng trào.
Tôi đã cám ơn Phước về câu chuyện vừa kể và có đôi lời chân thật để sách tấn người em vừa mới tương giao:
- Phước đã áp dụng đúng tinh thần Vô úy của đạo Phật đúng chỗ, cái Dũng của Phật tử đúng lúc và nhất là căn cước tỵ nạn cộng sản của em không bao giờ phai mờ dù ở trong bất cứ không và thời gian nào. Tinh thần của một cựu sinh viên KSCN lúc nào cũng đầy can đảm và uy vũ bất năng khuất thật đáng ngợi khen.
Thời gian trôi qua rất nhanh, đã gần 11:00 đêm, tôi bắt tay từ giã và hẹn sẽ gặp lại nhau trong môt ngày nào khác. Trong lời từ biệt, Phước tỏ vẻ hơi xúc động về cuộc tao ngộ nầy.
............................................................................................................................................................
Đọc bài viết "Tám Tàng" của KS MXThành, đăng trên Diễn Đàn KSCN, tôi mới biết "Tám Tàng" là tục danh của cố Kỹ sư Huỳnh Văn Phước, CN11. Phước đã mất ngày 28 tháng 4 năm 2012 tại San Diago, Cal. Hoa Kỳ. Thân tứ đại được hỏa thiêu, linh khôi hòa linh cốt được gia đình rải xuống biển.
............................................................................................................................................................Phước ơi, khi anh viết lại câu chuyện nầy để Chư Huynh Đệ KSCN tường, thì thân tứ đại của Phước đã an giấc nơi lòng đại dương hơn 3 năm rồi nhưng anh tin chắc rằng Kiến Đại và Thức Đại của Phước vẫn còn và đã hòa vào khoảng không gian vô tận, thì gian vô cùng của cõi Sa Bà nầy. Khi hội đủ nhân duyên sẽ hiện thực như ước nguyện chí thành của em.
Dù là lời cầu nguyện muộn màng, nhưng anh tin rằng "hữu cầu tất ứng"

Nguyện Thập Phương Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát thùy từ chứng minh tiếp độ Hương linh Huỳnh Văn Phước Vãng Sanh Cực Lạc Quốc.

Dâu CN, viết theo lời kể của nữa kia
Post Reply