Trấn Thủ Lưu Đồn

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Trấn Thủ Lưu Đồn

Post by uncle_vinh »

TRẤN THỦ LƯU ĐỒN

Nghe đến bốn chữ này, người Việt hải ngoại lại nhớ đến vở nhạc kịch cùng tên do nhiều nghệ sĩ tài danh của miền Nam, đã may mắn di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, trình diễn trong dịp Tết tha hương đầu tiên. Nội dung của vở nhạc kịch là kể lể nỗi khổ của những chàng lính ngày xưa bị đưa ra những đồn xa xôi, tận miền biên ải. Tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng người Việt lưu vong trong cảnh nước mất nhà tan cũng mang cùng tâm trạng buồn nhớ quê nhà, thương mong những người thân yêu còn ở lại quê hương khốn khó, như lính trấn thủ lưu đồn ngày xưa. Chỉ có một điều khác nhau, lính thú còn có thời hạn sẽ được về nguyên quán còn dân di tản biết ngày nào mới qui hồi cố quận.

Ngày xưa, trên quê hương thanh bình có nhà máy xi măng Hà Tiên, một xí nghiệp quốc doanh lớn của miền Nam Việt Nam, với hai cơ sở sản xuất chính, một nhà máy nghiền xi măng ở Thủ Đức, trên xa lộ Biên Hoà và một nhà máy sản xuất bán thành phẩm là đá nung ở Kiên Lương, một xã nhỏ thuộc tỉnh Hà Tiên, nằm trên tỉnh lộ Rạch Giá Hà Tiên và cách thị xã khoảng 20 cây số. Về mặt hành chánh, từ ngày nhà máy xi măng được xây dựng, năm 1964, xã Kiên Lương được nâng cấp thành quận lỵ. Nhà máy xi măng tối tân, với hơn một ngàn công nhân viên có một cư xá riêng rất khang trang đã làm thay đổi bộ mặt của một Kiên lương vắng vẻ đìu hiu trước đó.

Image

Tính đến ngày miền Nam bị nhuộm đỏ, tôi đã làm việc cho Nhà máy Kiên Lương hơn 5 năm. Đứng đầu nhà máy là Giám đốc và Phó GĐ (nhân viên thường gọi là Xếp lớn và Xếp phó). Phụ trách 5 sở có Chánh sở (ông Chánh) và phụ tá (ông Phó), kế đó là Trưởng xưởng (ông Trưởng). Kể chung, nhà máy có 14 kỹ sư và 3 Cử nhân, là cấp chỉ huy kỹ thuật và chuyên môn.Về mặt tổ chức, không có một văn bản nào qui định nhiệm kỳ của kỹ sư phục vụ ở Kiên Lương, nhưng theo thông lệ Xếp lớn chỉ ngồi ghế “top job” khoảng 2 năm thôi là có một vị khác xuống thay thế. Xếp phó cũng được thay đổi, nhưng sau ngày Xếp lớn nhậm chức khoảng một năm. Nói xa nói gần gì thì xuống Kiên Lương cũng gần giống như đi “trấn thủ lưu đồn”. Kỹ sư trơn leo lên được ghế Ông Chánh mới có hy vọng trở về thành phố, làm việc ở nhà máy Thủ Đức hay ở các Nha trung ương, nếu có người phụ tá đủ khả năng thay thế. Đó là “chuyến lên”, ngày về phố thị xa lắm vì đời trấn thủ lưu đồn dài thăm thẳm. Còn “chuyến xuống” chắc là không hào hứng chút nào cả. Chả thế sao mỗi lần có một kỹ sư xuống “trấn nhậm” Kiên Lương, ngồi ghế số 1 số 2, bà con ở trung ương lại gọi đùa là “lên giàn phóng”. Không biết là chúc mừng hay chia buồn đây.

Có một chi tiết đặc biệt cần được nhắc đến là tất cả kỹ sư làm việc cho Xi măng Hà Tiên đều tốt nghiệp từ Phú Thọ, nghĩa là kỹ sư nội hoá một trăm phần trăm. Hai tiếng “nội hoá” vừa nói không mang một ý nghĩa diễu cợt nào cả, dù là tự trào, vì hai chuyện tôi thấy nên kể ra đây. Năm 1969, khi vừa tốt nghiệp kỹ sư Công Nghệ, tôi và một người bạn cùng khoá đã đến xin việc ở một công ty có nhà máy ngay tại Saigon và rất gần nhà. Nộp đơn cho văn phòng xong, chỉ mươi phút sau chúng tôi được ông Tổng Giám Đốc tiếp kiến. Lòng khấp khởi mừng, tưởng đâu gặp may nhưng không phải. Chúng tôi được người tùy phái đưa vào phòng. Người đàn ông trung niên với gương mặt sáng sủa và học thức đeo kính gọng vàng ngồi bệ vệ sau một bàn viết đồ sộ chỉ tay xuống hai chiếc ghế. Chúng tôi vừa ngồi xuống, chưa kịp thưa gửi gì thì ông đã lên tiếng, bằng một giọng nói tuy cố ra vẻ khoan hòa nhưng không chút thân thiện. “Hai anh muốn xin việc phải không ? Công ty chúng tôi đang cần người, nhưng không cần những kỹ sư nội hoá đâu !” Ngắn gọn và rõ ràng thế thôi, không cần rào đón và lịch sự chi cho mất thì giờ. Buổi “phỏng vấn” kết thúc thật nhanh khi ông nhìn ra cửa . . . Chuyện thứ hai, xảy ra năm 1968, khi tôi đang học năm cuối, do một huynh trưởng Công nghệ kể lại bằng một thư ngỏ dán trên bảng thông báo tin tức của trường cho mọi người đọc. Ở một công ty khoáng sản tại miền Trung, ông Tổng Giám đốc, một kỹ sư học ở Pháp, con nhà danh giá nức tiếng, triệu tập tất cả kỹ sư Phú Thọ đang làm việc cho công ty tuyên bố “Các anh là kỹ sư nội hoá, được nhận vào làm ở đây là may lắm rồi. Nếu các anh không làm được việc thì công ty sẽ không xin cho biệt phái khi các anh nhập ngũ. Không chừng, lúc đó vợ các anh sẽ xin ngủ với tôi để mong tôi giúp các anh trở về làm việc! ” Chuyện xưa, đã hơn 4 thập niên, kể lại nghe chơi để thấy kỹ sư nội và ngoại hoá khác nhau thế nào, về tư cách và xử thế. Nói vậy để tự an ủi thôi, chứ lúc ấy tôi như một con chim non mới rời tổ đã bị tên bắn, sợ những nhánh cong phải tìm một cành cây thẳng để đậu. Tôi đã “đầu quân” với Xi măng Hà Tiên, vì ước mong sẽ được làm việc thoải mái với những kỹ sư đàn anh cũng “nội hoá” như tôi, dù phải chấp nhận cảnh “trấn thủ lưu đồn”, vì kỹ sư mới nhận việc bắt buộc phải khởi nghiệp ở nhà máy Kiên Lương, Hà Tiên, một nơi biên trấn thật đúng nghĩa.

Tôi đã làm một quyết định đúng cho cuộc đời. Chấp nhận làm việc trong một nhà máy sản xuất khẩn trương gần như quanh năm suốt tháng để học hỏi và trau dồi nghề nghiệp. Điều này tôi đã được toại nguyện. Muốn thăng tiến nghề nghiệp chỉ có một con đường là học hỏi không ngừng. Chúng tôi đã học từ đàn anh những kinh nghiệm về kỹ thuật chuyên môn. Về mặt này, các anh đã rất hào sảng truyền thụ cho đàn em để mau vững vàng trong công tác. Vì thế, nhóm kỹ sư toàn là “nội hoá”, chưa từng học ngành chế tạo xi măng mới mẻ, được giao phó điều hành một nhà máy tối tân, đã lập một thành tích mà chưa chắc có một băng kỹ sư ngoại hóa hay ngoại quốc nào làm được. Đó là vào thời điểm chiến tranh leo thang, giao thông thủy lộ bị ngăn chận và phá hoại, phụ tùng cơ giới nặng thiếu thốn mà sản lượng vẫn gia tăng 20 phần trăm, đạt mức kỷ lục. Làm một cái đinh ốc nhỏ trong bộ máy vận hành tuyệt hảo ấy, tôi khâm phục đàn anh và hưởng “ké” được một chút tự hào.

Điều mới mẻ và thiết thực khác là học nghệ thuật quản trị, chỉ huy, và xử thế. Đối với chúng tôi, những kỹ sư trẻ mới vào nghề, không những chỉ được trang bị những kiến thức học được từ trường lớp, mà còn mang hoài bão phục vụ đất nước thì kỹ sư đàn anh, nhất là hai Ông Xếp, là những tấm gương gần gũi để quan sát và học những cái hay của người đi trước. Chúng tôi không thể, và cũng không nên phê phán những cách đối đãi với thuộc cấp của đàn anh nhưng đã lẵng lặng ghi nhận để đãi lọc những bài học xử thế hay nhất. Người đời thường nói tới chữ “quyền” trong các nấc thang địa vị. Đi theo với quyền có nhiều thứ linh tinh, quyền thế, quyền lực, quyền lợi, quyền uy. Có quyền thì có thế, có lực, có lợi. Điều đó đã hẳn. Còn có quyền sẽ có uy thì không chắc lắm. Nói về “uy” quả là khó vì nó phức tạp quá. Vị chỉ huy có uy làm cho cấp dưới nể phục. Khẩu phục, tâm phục. Nó như ánh hào quang toả ra một cách tự nhiên. Nó là bản chất, là tư cách chứ giả tạo là người khác biết ngay.

Có lần, tôi được chứng kiến cảnh một Xếp lớn vi hành xuống thanh tra Xa xưởng, thuộc trách nhiệm của tôi. Ông nhẩn nha đi một vòng rồi dừng lại xem nhóm thợ đang tu bổ động cơ diesel. Anh trưởng toán, một thợ giỏi, đang ngồi khom lưng chăm chú làm việc, lúc chợt ngẩng đầu lên thấy Xếp lớn chưa kịp chào đã nghe Xếp lớn tiếng, giọng hằn học “Ê. Lê Văn Tư. Công việc tới đâu rồi ?” Nghe réo cả tên lẫn họ bằng giọng xách mé, anh thợ sửng người, ngồi thẳng dậy, mắt đổ lửa, với tay cầm lấy khúc ống sắt dợm đứng lên nhưng vội trấn tỉnh ngồi bệt xuống đất, mặt đầy phẫn nộ. Xếp lớn lên xe, rồ ga dông luôn, không nói thêm lời nào. Tôi mời anh Tư lên văn phòng hỏi chuyện. Anh kể là Xếp lớn đã có xích mích với anh về chuyện riêng tư từ khi xếp còn là kỹ sư tập sự ở một sở khác, nay trở lại Kiên Lương làm Xếp lớn mà vẫn chưa quên chuyện năm xưa. Buổi ăn trưa hôm đó tôi nuốt không trôi vì buồn và tiếc. Buồn cho một người thợ giỏi của tôi sẽ không tránh khỏi tai vạ sắp đến, và khó xử cho tôi, trưởng xưởng cơ khí, là người đứng giữa. Tôi tiếc cho một đàn anh, muốn thị uy đã “lên gân” bằng một thái độ bất xứng. Tôi cũng hiểu vì sao thợ thuyền các sở đang truyền miệng nhiều chuyện diễu cợt về Xếp lớn mới nhậm chức.

Từ ngày nắm chức vụ Trưởng xưởng, hàng ngày phải điều động, phân công và kiểm soát thành quả công tác tu bổ cơ khí cho 12 toán thợ lưu động và 4 toán cố định, cảm nhận đầu tiên của tôi là mọi người làm việc vất vả quá để hoàn thành tốt công tác được giao phó. Hình ảnh những toán thợ với quần áo, mặt mũi lấm lem không còn nhận dạng được ai, từ máy nghiền, cối xay đá, hay dưới gầm băng tải chui ra đã làm cho tôi xúc động và thương cảm vô cùng. Tôi tự nhủ, phải làm mọi cách, tận dụng phương tiện cơ giới có sẵn để thợ thuyền bớt hao sức và cũng nhằm nâng cao tính an toàn cho những công tác nặng nhọc và nguy hiểm. Trong tiệc tất niên của năm đầu tiên chỉ huy Cơ xưởng, “ông Trưởng” được anh em thợ mời rượu đến say khướt. Rượu uống mềm môi nhưng bên tai vẫn còn vang những lời mộc mạc và chân thật của “rượu vào lời ra” “Tết tới rồi, tui mời ông Trưởng một ly vì ông lo cho anh em nhiều quá. Qua năm mới tụi tui sẽ làm chết bỏ !” “Làm việc với ông, cực mấy cũng chịu !” . . . Trong đời thường, thương người sẽ được người thương lại. Điều này vẫn đúng trong hoàn cảnh làm việc đầy áp lực của một nhà máy hoạt động ngày đêm. Tôi nghiệm ra một điều, khi thợ thuyền quí mến mình họ sẽ làm việc hết sức trong mọi lúc, còn nếu chỉ sợ bị khiển trách họ sẽ làm ra vẻ hăng say khi mình có mặt thôi. Năm năm làm việc cho Xi măng Hà Tiên tôi đã có những kỷ niệm nhớ đời, với cả cấp trên lẫn thuộc cấp. Hầu hết đàn anh của tôi là những kỹ sư tài ba và đức độ, đối xử với tôi rất tốt. Bài viết này chỉ xin kể tên một người đã dành cho tôi những tình cảm thân ái, dù cá nhân tôi, trong công tác, không có gì đặc biệt so với các bạn đồng sự khác. Tôi đã học được thái độ sống đầy tình người từ vị đàn anh này. Đó là kỹ sư Lê Hữu Phước, Xếp phó của tôi ở Nhà máy Kiên Lương năm 1971-72, và sau đó, gần cuối năm 1974, anh trở lại với chức vụ Giám đốc. Như vậy, từ năm 1963 anh đã tập sự kỹ sư ở Nhà máy Kiên Lương ... , thuyên chuyển về Trung ương hai lần, và “lên giàn phóng” xuống Kiên Lương hai lần. Mỗi lần trở lại, anh nắm chức vụ cao hơn và kéo theo sự vui mừng của công nhân viên nhà máy, vì họ sẽ được làm việc với một ông Xếp nhân hậu và đáng kính. Họ ghi nhớ rằng, ở cương vị chỉ huy kỹ thuật, từ Chánh sở lên đến Giám đốc, trong mọi hoàn cảnh, ông luôn luôn hòa nhã, đối xử với thuộc cấp với lòng độ lượng và khoan dung.

Tôi đã lớn lên ở Saigon, quê hương tuyệt vời của tuổi thơ tôi với gia đình, với bạn bè. Biết là xa thành phố thì sẽ buồn, nhưng Trời ơi ! không ngờ cảnh sống mới lại buồn thê thảm đến như vậy ! Ban ngày làm việc trong nhà máy, bao quanh là những tiếng động đinh tai điếc óc. Đêm ở cư xá, ánh điện chập choạng, không gian im lặng đến tê cả hồn. Hết rồi, những chiều cùng người đẹp dạo phố Lê Lợi, ngồi Mai Hương ngắm ly kem, chưa nếm môi thấy đời đã ngọt. Mãi nghe em thì thầm để khi ra khỏi rạp xi nê Vĩnh Lợi chả biết chuyện phim hai đứa đã xem. Những buổi tối buồn, rủ thêm vài kỹ sư độc thân lái xe ra chợ Kiên Lương, ghé tiệm ăn duy nhất của quận lỵ nhấm nháp ly cà phê bít tất rồi nhớ quá những cốc cà phê thơm lừng của Dala ở Tân Định, quán của những cô em sinh viên người Đà Lạt má đỏ môi hồng. Gọi một tô mì, ăn hoài không hết để thấy thèm một tô hủ tiếu Mỹ Tho Đồng Chung, đường Tôn Thất Đạm Saigon, và ước gì có phép hô biến tô mì lênh láng mỡ trước mặt thành một tô phở Tàu bay. Kiên Lương. Ôi Kiên Lương. Phố gì mà buồn vậy! Dù cho nơi này có trở thành thị xã, đối với những chàng trai trẻ từ phố thị đi “trấn thủ lưu đồn” như chúng tôi, Kiên Lương mãi vẫn là “dãy phố buồn thiu” mà thôi.

Muốn làm quen dần với khung cảnh mới để có thể yên tâm làm việc, chúng tôi, mỗi người một cách, tìm cho mình một thú tiêu khiển cho những giờ rảnh rỗi qua mau. Thay vì chạy rông, đánh bi da hay ngồi binh xập xám bên cốc bia sủi bọt sầu đời, tôi tìm vui trong sách vở và trở lại với niềm đam mê sắc màu, vốn là sở thích của tôi từ nhỏ. Thời gian này, tôi đã vẽ được nhiều tranh, hầu hết là phong cảnh. Những ngày cuối tuần không phải vào nhà máy vì có hư hỏng bất ngờ, với trang bị dụng cụ vẽ gọn nhẹ, tôi đã lang thang đi tìm đề tài. Thật lý thú vì tôi đã khám phá ra “đàng sau” dãy phố buồn thiu của Kiên Lương là sông hồ núi non đẹp hoang sơ nhưng quyến rũ vô cùng. Tôi được sắp xếp ở chung với một đồng nghiệp trong một căn nhà hai phòng ngủ của dãy nhà đầu tiên đối diện liên tỉnh lộ, bên kia công viên của nhà trẻ. Xếp Phước ở một căn thuộc dãy biệt thự song lập, dành cho Xếp phó và những Ông Chánh, xây cất kiểu Địa Trung Hải rất đẹp, nhìn về hướng nhà máy. Hai dãy nhà chúng tôi ở gần nhau, nên tiện lợi khi cần liên lạc cho công tác khẩn ngoài giờ làm việc. Một hôm, Xếp Phước có việc đi đâu đó ghé vào nhà tôi. Vì thân tình nên mỗi lần đến, thấy cửa mở là anh lên tiếng “Thành ơi ! Có nhà hôn ?” rồi vào nhà ngay. Hôm đó, tôi đang vẽ hoàn tất một bức tranh phong cảnh ở trong bếp. Nhà tôi ở nhỏ lắm, trong bếp có một cái bàn xếp gọn vào tường, bữa ăn mới hạ xuống. Tôi thường sử dụng cái bàn này khi vẽ ở nhà. Thấy thấp thoáng bóng người trong bếp, anh bước vào luôn, tự nhiên kéo một chiếc ghế ngồi xuống và cười “Cứ tiếp tục nha”. Chỉ một lát là xong bức tranh, tôi mời anh ra phòng khách rồi nhanh tay thu dọn đồ nghề. Khi tôi trở ra, thấy anh đang đứng ngắm nghía một bức tranh treo trên tường, vừa nhìn vừa gật gù xem chừng đắc ý. Anh quay lại nhìn tôi, gật đầu mấy cái rồi cười “Đẹp lắm. Nhà máy xi măng nhìn dưới một góc độ nghệ thuật độc đáo!” Lời bình phẩm của anh đã làm cho tôi thích thú vô cùng. Bức tranh sơn dầu vẽ theo lối trừu tượng này đã được treo ở đó cả nửa năm rồi. Rất nhiều người, đồng nghiệp, đồng liêu, nhân viên . . . đã ghé mắt xem qua nhưng không có ai nói lời nào. Có lẽ, xem nhưng không biết những tảng màu phóng túng có vẻ rối và bận rộn ấy là hình ảnh gì, thấy không hay ho nhưng không ai nỡ chê vì biết tôi chỉ vẽ cho vui thôi. Nay mới có một khách thưởng ngoạn sành điệu ban cho tay cọ tài tử một lời khen đầy khích lệ. Bức tranh ưng ý nhất này của tôi, vẽ ở Kiên Lương, đã thật yểu mệnh. Mùa hè đỏ lửa 1972, Cộng quân vượt biên giới Việt Miên tấn công, chiếm đóng nhà máy và cư xá nhân viên Xi măng Kiên Lương. Sau khi Biệt động quân đẩy lui được giặc, chúng tôi trở lại, cư xá tuy còn nguyên vẹn nhưng đồ đạc đã bị phá tan hoang. Tất cả tranh ảnh của tôi đã bị bọn giặc đem ra sân sau chặt làm củi nấu ăn, còn sót lại nhiều mẩu gỗ cháy chưa hết của khung tranh vẽ.

Một tuần sau ngày Xếp phó ghé thăm, trưởng ban nội dịch của nhà máy tìm tôi ở văn phòng, trao một xâu chìa khoá và nói “Thừa lịnh của ông Phó Giám đốc cấp cho ông ở riêng một căn nhà, chúng tôi đã chuẩn bị xong, xin ông nhận chìa khoá nhà ”. Tuy bất ngờ, nhưng tôi chỉ nhận và cám ơn chứ không hỏi han gì thêm vì ngại nói chuyện với ông trưởng ban này, một lão già khó chịu, nổi tiếng hay làm khó những công nhân mới. Xếp phó đang đi phép Saigon, tôi gọi điện thoại cho Giám Đốc hỏi thăm sự tình. Xếp lớn bảo “Anh Phước đã xin đặc biệt cho anh, để anh có một phòng trống làm studio hội họa ...”. Tôi nghe tiếng cười vui của Xếp trước khi gác điện thoại. Thật là quá đẹp. Xếp phó đến nhà chơi thấy đàn em lui cui vẽ tranh trong căn bếp chật hẹp, thương tình đề nghị cấp cho riêng một căn nhà. Xếp lớn cũng phá lệ, cho luôn.

Thường thường, cuối tuần rảnh rỗi, trên đường lang thang đi vẽ phong cảnh tôi đều gặp một người lính thuộc đơn vị cơ hữu bảo vệ nhà máy. Chạm mặt chào hỏi xã giao bình thường, tôi không nghĩ gì cả vì đang mãi ngắm cảnh vật chung quanh. Cho đến một hôm, trời chiều đang nắng bỗng mây đen kéo tới, chừng như sắp mưa. Tôi dừng chân, ghé một quán nhỏ, định uống nước chờ xem thời tiết biến chuyển ra sao. Vừa ngồi xuống chiếc ghế đẩu thì thấy trung sĩ N bước vào. Tôi ra dấu gọi và mời anh ngồi chung bàn cho vui. Anh nhanh nhẩu gọi một cà phê đen nhỏ và không chờ hỏi xem tôi muốn uống gì, gọi luôn cho tôi một ly trà đá rồi nhìn tôi cười “Tôi biết ông Thầy thích uống trà đá mà !”. Trời đổ mưa lớn. Tôi lấy bao thuốc lá ra mời anh hút và trò chuyện chờ dứt mưa. Anh nói nhiều, toàn những chuyện xoay quanh vấn đề an ninh trong vùng. Tôi lắng nghe, không bàn góp vì có nhiều chuyện tôi biết rõ hơn anh. Mưa tạnh, tôi trả tiền rồi cùng N đi về. Khi bước lên bến đò Chợ Tròn, đối diện nhà thờ giáo xứ, trước khi chia tay, anh nói nhỏ “Tình hình coi bộ hổng êm. Ông kỹ sư đi như vầy Xếp phó lo lắm!” Câu nói vô tình của N làm cho tôi chợt tỉnh ngộ. Thì ra, lâu nay Xếp Phước âm thầm cử nhân viên đi theo để bảo vệ an ninh cho thằng em điếc không sợ súng.

Xếp phó thuyên chuyển về Trung ương vào mùa xuân năm 1972 và trở lại Kiên Lương vào gần cuối năm 1974. Đảm nhận chức vụ Giám đốc trong những tháng cuối cùng của miền Nam tự do thật là một gánh nặng oằn vai. Chiến sĩ ngoài mặt trận còn tận lực chiến đấu ngăn bước xâm lăng của Bắc quân thì nhà máy còn phải giữ vững sản xuất trong mọi tình huống. Qua năm 1975, tình hình chiến sự càng ngày càng xấu đi. Nhà máy thấp thỏm theo dõi từng ngày lộ trình của những chuyến xà lan chở nhiên liệu đốt lò và chạy máy từ Thủ Đức xuống Kiên Lương, vì đường thủy thường bị tấn công bằng thủy lôi và vũ khí nặng. Ban Giám đốc thực sự bi quan với những tin tức tình báo do ban an ninh của Nhà máy thu thập được. Tôi có một người bạn thân là thiếu tá TKS, chỉ huy một tiểu đoàn quân tinh nhuệ đang đồn trú ở một cao điểm chiến lược gần biên giới. Một hôm, anh ghé nhà máy cho tôi biết là anh nắm được tin chính xác Cộng quân đang huy động nhiều sư đoàn áp sát Hà Tiên, có thể sắp mở cuộc tấn công qui mô. Đúng như tiên đoán, một tuần sau, ba trung đoàn quân chính qui Bắc Việt, tiền pháo hậu xung, mở nhiều đợt tấn công biển người tràn ngập căn cứ, binh sĩ dưới quyền anh đã anh dũng chống trả và hy sinh đến người lính cuối cùng của tiểu đoàn. Hai ngày sau, quân tiếp viện của ta đẩy lui địch quân, tìm được xác của thiếu tá TKS do tấm thẻ bài còn mang trên cổ, mặt mày và thi thể đã bị băm nát. Bọn xâm lăng trả thù vì đơn vị nức tiếng của anh đã từng gây cho chúng thiệt hại lớn lao trong những lần đụng trận trước. Tin buồn này đã làm cho chúng tôi càng lo lắng và xuống tinh thần nhiều hơn. Trong tình thế đó, Ban Giám đốc túc trực ngày đêm trong Nhà máy luôn. Ngày làm việc trên mặt đất, buổi tối “độn thổ”. Hầm trú bí mật trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và phương tiện truyền tin là “khách sạn” ngủ đêm của chúng tôi. Xếp lớn tuy vẫn có vẻ bình thản để anh em vững tinh thần, nhưng tôi biết anh là người bối rối nhất trước sự mong manh thấy rõ của sinh mệnh đất nước. Đêm trong hầm thật quá dài. Nhiều lúc phải tắt máy thu thanh để khỏi nghe những tin triệt thoái hay chiến bại của quân ta. Tiếng đại bác bắn đi càng ngày càng thưa dần. Tiếng pháo kích nổ bất chợt, thâu đêm. Hằng đêm, trong hầm trú tĩnh lặng, tiếng thở dài đã cố nén nhưng vẫn nghe rõ của Xếp lớn đã làm cho tôi thêm não lòng và khó dỗ giấc ngủ.

Nhằm tăng cường phòng thủ nhà máy, ngoài nhiệm vụ sửa chữa, tu bổ để giữ máy móc chạy đều trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt, Sở của tôi phải huy động nhân lực thực hiện nhiều công trình bảo vệ các điểm trọng yếu như lưới chắn đạn pháo kích cho các bồn chứa nhiên liệu, cải thiện hàng rào với hệ thống báo động ... Cổng chính của nhà máy không có cửa, chỉ có sợi dây xích giăng ngang được nhân viên canh gác có võ trang hạ xuống khi có xe của nhà máy ra vào. Để ngăn ngừa sự đột nhập liều lĩnh của đặc công Việt cộng qua ngõ cổng chính, Xếp lớn đã cho làm một cửa sắt chắc chắn, có gắn bánh xe trượt trên đường rầy và đóng mở bằng động cơ điện kéo dây xích. Công trình này được bổ xung với một bức tường cao, xây bằng đá vôi tảng lớn trông giống như một tường thành thời xưa. Cổng nhà máy độc đáo này do chính Xếp lớn phác họa, giao cho tôi lên bản vẽ chi tiết rồi thợ xây của đơn vị tôi thực hiện. Sau khi hoàn tất, ngõ vào nhà máy mang một bộ mặt mới, kín đáo, trông rất đẹp và kiên cố. Thế nhưng, một công trình vừa kỹ thuật vừa mỹ thuật như bức tường thành này không tránh khỏi có tiếng thị phi kèm theo những lời khen. Một buổi tối, khi chỉ có hai anh em trên đường đi kiểm tra canh gác, Xếp lớn hỏi tôi “Mình làm đẹp như vậy mà cũng có người chế nhạo. Thành nghĩ sao?” Tôi trả lời bằng những ý nghĩ thực của mình “Làm cho cổng chính trở thành kín đáo hơn là việc cần thiết trong tình thế này. Những lời bình phẩm đại loại như làm bức tường đá thật đẹp nhưng làm sao chống nổi đạn B40 thực ra là những “tiếng bấc tiếng chì” thôi, không cần bận tâm anh ạ. Phải hiểu là xây một bức tường cho cổng nhà máy vào thời điểm khốc liệt này để biểu tỏ ý chí ngăn giặc xâm lăng thì mới thấy nó hay.” Trong bóng đêm dày đặc, mắt anh long lanh nhìn tôi, gật đầu cười “Kiếm được một người hiểu và đồng cảm với mình thật không dễ.”

Đi với bài này là một tranh vẽ “tường thành”, hình ảnh của gần 40 năm trước được vẽ lại bằng ký ức của một người đã xây dựng nó. Bức tường này đã bị chủ mới của Nhà máy phá xập rồi. Tôi vẽ lại vì nó là biểu tượng sinh động mở đầu cho khúc phim hiện lên trong tâm tưởng những ngày sôi động cuối cùng ở một nơi tôi đã sống và làm việc với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng người kỹ sư đàn anh đáng kính và các bạn đồng sự thân tình trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của chiến cuộc điêu linh. Tôi cũng muốn gởi đến những người thân yêu của anh “tác phẩm” của một kỹ sư với tâm hồn nghệ sĩ đích thực.
Kỹ sư Lê Hữu Phước, vị Giám đốc cuối cùng của nhà máy Xi măng Kiên Lương đã qua đời đột ngột nhưng thật êm đềm tại tư gia ở Cali vào ngày 10-1-2010, một tháng 5 ngày trước sinh nhật 70 của anh. Tôi biết tin xấu này hai tuần sau và đã chìm đắm trong nỗi bi thương như vừa mất một người anh ruột thịt. Tôi đã viết bài “Ân tình một thuở” vào đúng 100 ngày lễ kỵ để tưởng niệm anh. Bài này đã được đăng trong Đặc san KSCN số 3, phát hành vào tháng 6, 2010. Ngày 16-8-2012 anh Quản gia website KSCN chuyển cho tôi một email gởi đến Diễn đàn, muốn tìm tôi để cám ơn bài viết vừa kể. Tôi đã hồi âm và sau đó nhận được nhiều thư của Quỳnh Thư, con gái út của anh chị Phước. Có những thư thật dài đầy tình nghĩa làm cho tôi xúc động và vui mừng như tìm lại được người thân sau nhiều năm xa cách, dù tôi và cháu chưa một lần gặp kể từ khi từ giã anh ở Saigon vào tháng 3-1980, trước ngày tôi ra khơi. Tính đến nay, anh ra đi đã đúng 32 tháng nhưng nỗi buồn mất mát vẫn chưa nguôi, không những với chị và ba đóa hoa Quỳnh xinh đẹp của anh chị mà còn đeo đẳng mãi trong tôi, một người được anh xem như em út dù chưa hề lập thệ kết nghĩa đệ huynh.

Tôi viết bài này gởi Quỳnh Thư vì đã hứa kể chuyện xưa về người cha tuyệt vời của các cháu, cũng là người anh thân kính của tôi. Xin cầu nguyện cho hương linh của anh tiêu diêu nơi miền vĩnh phúc. Cầu chúc cho những người thân yêu của anh luôn gặp mọi điều an lành và hạnh phúc.


Tây Úc, cuối đông 2012.
MAI XUÂN THÀNH.
Post Reply